Tiếng Việt

Trang nhà Quảng Đức

   Tiếng Anh

qd.jpg (8936 bytes)

Nhân Vật Phật Giáo Việt Nam


...... ... .

 

BÓNG ÁO NÂU

Tập sách về cuộc đời

Thượng tọa Thích Chơn Thanh

 

Nhóm thực hiện:

MINH THUẬN - HUỆ NGHIÊM - NHUẬN LIÊN

---o0o---

Phần II: Những bài viết về thầy

- Ngày nay vẫn như là ngày xưa - TT. Minh Thông

- Tình pháp lữ - TT. Thiện Nhơn

- Một nhành mai còn mãi - NT. Như Hoa

- Khắp trời sen nở - NT. Tịnh Thường

- Pháp lữ không xa - TT. Nguyên Thiện

- Hoa xưa vẫn nở - TT. Tấn Đạt

- Những đợt sóng - Thích Hoằng Dự

- Pháp thân bất diệt - TN. Hạnh Ngọc

- Ân sư - Thích Quảng Long

- Tình huynh đệ - TN. Thánh Tâm

- Còn mãi bóng hình - TN. Chúc Hiếu

- Lời thầy không quên - TN. Huệ Nghiêm

- Tấm gương tinh tấn - TN. Thánh Nhã

- Thầy vẫn quanh đây - Vĩnh Tâm

- Khóc và cười - TN. Diệu Liên

- Người thầy thân thiết bao dung -  T. Đức Châu

- Thầy chánh chủ khảo - T. Hạnh Chơn

- Hạnh nguyện lợi tha - Thích Trí Tài

- Hành trang để lại - TN. Tịnh Nghiêm

- Một phong thái ung dung - TN. Nhựt Bửu

- Đời người & tâm nguyện - Phổ Tâm

- Áo nâu còn mãi -  Thích Minh Thuận

- Pháp lữ đạo tình - Trần Quê Hương

- Còn mãi - Ni trưởng Tịnh Hạnh

- Vẫn rất gần - Huệ Hoàn

- Còn đâu! - TN. Tâm Phúc

- Lời thầy vang mãi - Huệ Liên

- Nét buồn - Minh Nhẫn

- Nhớ nắng ngày xưa - Thích Huyền Lan

- Tang phấn - TN. Tâm Huệ

- Hướng chân thầy - Thu Nguyệt

 

 

Ngày nay vẫn như là ngày xưa  ^

Thỉnh thoảng tôi ngồi thật yên trong căn phòng nửa khuya, đốt nến và trầm lên, rồi một mình uống từng ngụm trà nóng, ấy chính là lúc tôi đang gặïp khó khăn từ bên ngoài dồn dập tới. Tôi muốn đối diện với nó thật lâu, thật rõ ràng để tìm cách chuyển hóa. Tôi ngồi đó và thầy Chơn Thanh cũng ngồi đó. Thầy vẫn ngồi đó từ ngày xưa cho đến bây giờ, ánh mắt hiền từ và nụ cười tươi mát vẫn không có chút gì phai nhạt.

Thầy không bao giờ bỏ tôi một mình trong những hoàn cảnh rối ren, khó khăn. Thầy không uống trà đậm như tôi, chỉ cần để thêm chút nước sôi vào cho tách trà dịu nhẹ hơn là thầy có thể ngồi hằng giờ để nghe tôi chia sẻ. Thầy kiên nhẫn lắm. “Thôi kệ ! không sao đâu! Chuyện gì rồi cũng qua.” Ðó là câu “thần chú”ù mà thầy vẫn thường “niệm” lên để trấn  an cho tôi và cả thầy nữa. Hai huynh đệ cùng thở, cùng uống trà, cùng trở về với nội tâm để có thêm sự vững chải và kiên định. Có nhiều lúc tôi và thầy ngồi yên lặng cả giờ. Cái không khí im lặng uy nghiêm ấy đã nuôi dưỡng trong tôi biết bao nhiêu niềm thương cảm và nể phục người bạn đồng hành. Có rất nhiều tình thương và lòng bi mẫn trong trái tim thầy. Thầy điềm đạm và nhu hòa quá. Nhiều lúc thầy không cần phải trấn an tôi bằng những lời ái ngữ, mà chỉ cần sự có mặt của thầy thôi là tôi đã cảm nhận được rất nhiều sự bình yên. “ăn cơm có canh, tu hành có bạn”, tôi may mắn được làm anh em sống chung với thầy. Cùng thở, cùng ăn, cùng đi bộ, cùng làm việc... tôi thấy câu ngạn ngữ trên thật là hay, có thật nhiều tuệ giác trong đó. Thầy Quy Sơn có nhiều kinh nghiệm trong đường tu nên khuyên người xuất gia nên chọn bạn một cách thông minh, “thân phụ lương bằng” và “tuy bất thấp y, thời thời hữu nhuận”. Tôi thì không đến đỗi phải đợi đi cuối con đường mới nhận ra giá trị những ngày được sống cùng với một huynh đệ như thầy. Nhiều đêm ngồi soi mình trong gương nguyệt, tôi nhận diện rất rõ ràng sự có mặt quan trọng của thầy trong tôi. Thầy đã đi vào trái tim tôi nhẹ nhàng như một bàn tay ấm áp đặt lên vai giữa đêm đông hành cước một mình. Thầy như một bát canh ngọt để giúp những hạt cơm khô đi vào một cách dễ dàng và mềm mại. Thầy đẹp và trong sáng như cái tên của thầy vậy.

Bây giờ bên tách trà khuya một mình, tôi vẫn thấy thầy ngồi đối diện đó. Ðang sẵn sàng lắng nghe những khó khăn trong nội viện cũng như những nhiêu khê ngoài giáo hội. Ngồi càng yên tôi càng nhận được nhiều tuệ giác từ nơi thầy. Sáng hôm kia đi thiền hành, tôi bổng chợt mỉm cười vì nhớ ra mỗi buổi sáng ngày xưa, hai anh em thường đi bên nhau và trao đổi với nhau nhiều kinh nghiệm tu tập. Thuở ấy, có những câu chuyện mà đến bây giờ tôi mới hiểu hết. Tôi cười vì nếu ngày đó tôi hiểu ra thì chắc là tôi sẽ ít trách hơn về tánh xuề xòa dễ dãi của thầy. Mà nếu có trách, chắc thầy cũng lại cười xuề xòa thôi. Tôi biết không chỉ riêng tôi mới nhận được những năng lượng tươi mát ấy, các thầy, các sư cô đã từng được học và làm việc chung với thầy cũng cảm nhận như tôi. Thầy đi rồi họ khóc nhiều lắm. Họ còn trẻ quá nên có thể họ chưa thấy được hết thầy đã đi vào chính họ như thế nào. Thầy xuề xòa, ít hỏi han ai mà vẫn luôn có mặt bằng nhiều hình thức, chính là đức tánh ưu việt của một người cha như thầy. Nhiều người đã lo ngại cho tôi sẽ vất vả rất nhiều sau khi vắng bóng thầy bên cạnh. Nhưng chỉ có tôi mới hiểu rất rõ là thầy không bao giờ bỏ tôi. Cảm ơn thầy đã làm bạn đồng hành với tôi, đã cho tôi thật nhiều báu vật.

   Thầy Thanh ơi! ngày xưa và ngày nay không có gì khác nhau trong con người chân thật của thầy phải không? Thầy đã từng đến đi thong dong, thì sau cuộc phân kỳ tạm bợ này, tôi chắc thầy sẽ có chiếc báo thân đẹp lắm. Thầy không chọn một cõi bình yên để tịnh dưỡng niềm an lạc một mình đâu. Tôi chắc như vậy rồi, tại vì thầy thương tăng ni trẻ lắm. Thầy sẽ tiếp tục có mặt với họ để giúp họ với rất nhiều hoài bão chưa hoàn thành.

   Tôi lại đốt nến, xông trầm và rót trà ra. Khi viết về thầy với những dòng tâm sự này, tôi biết thầy cũng cười xòa và trách tôi không chịu nói một lần trước mặt để thầy có thêm năng lượng vì cuộc đời tu của thầy cũng lắm nỗi gian truân, vất vã. Thầy hiểu tánh tôi kín đáo mà, như lần này, tôi cũng không muốn viết về thầy như vậy đâu. Tôi ý thức được ngôn từ không đủ diễn tả hết tình huynh đệ đẹp đẽ của chúng ta. Tôi muốn để tự nó tinh khôi như bản chất thật của nó, nhưng không viết không được, các thầy và các sư cô trẻ rất muốn tôi chia sẻ những tâm tình này để họ hiểu thêm về thầy, về  những người mà họ yêu kính.

 Có những chuyện bây giờ mới rõ, nhưng mà ngày nay vẫn như là ngày xưa, không hề khuyết giảm như vầng trăng phải không thầy?! 

Tách trà thơm này không đắng lắm

Thầy uống đi rồi thở cùng tôi

Kìa chiếc lá mang mùa xuân tới

Bây giờ, ngày ấy vẫn đầy thôi.

 

TT. Thích Minh Thông

 

 

Tình pháp lữ ^

Ngày 15/02/1965, tôi và thầy Chơn Thanh cũng như các học tăng khác từ các nơi tập trung về Phật Học viện Huệ Nghiêm dự thi tuyển vào khóa II của Phật Học viện. Thầy thì từ Phật học đường Phổ Quang Gia định đến, Tôi thì từ Phật học đường Lưỡng Xuyên- Trà Vinh lên, tất cả cùng một chí hướng, một mục đích và một ước nguyện là thi đậu vào Phật học viện. Kết quả, thầy thi đậu lớp Sơ Trung 2, tôi thi đậu vào lớp Sơ Trung 1.

Thuở ấy, Phật học viện Huệ Nghiêm còn thanh vắng, về cơ sở chỉ có ba dãy nhà tiền chế cấp 1, dãy giữa dùng làm chánh điện, hai dãy hai bên đông, tây dùng làm thư viện, phòng học cho lớp Sơ trung, Cao trung Phật học, chưa xây dựng dãy nhà ba tầng cũng như chánh điện hiện nay. Khu Tăng xá chỉ có hai dãy nhà tole, gọi là khu A và khu B. khu A gồm dãy nhà dài 10m, chia làm hai phòng dành cho chúng Mã Minhchúng Long Thọ. Dãy nhà B dài 20m, chia làm bốn phòng, dành cho bốn chúng: Vô Trước, Thế Thân, Liễu Quán và Nguyên Thiều. Thầy thuộc chúng Long Thọ, tôi thuộc chúng Thế Thân. Tuy nhiên, hằng ngày đều gặp nhau trong những giờ học tập, thọ trai và hội họp. Tất cả chúng tôi sống chan hòa, hồn nhiên, trong tình đạo bạn ở lứa tuổi mười lăm mười sáu của cuộc đời tu sĩ, học tăng. Chúng tôi lại được sự đùm bọc và giáo dục của quí hòa thượng: hòa thượng Bửu Huệ, hòa thượng Thiền Tâm, hòa thượng Thanh Từ và nhiều chư tôn đức khác trong Ban Giám đốc và Ban Giáo thọ  của viện.

Trong chương trình học, hai lớp chúng tôi được học ngoại điển tại viện, Ban giám đốc mời giáo sư trường Bồ Ðề Chợ Lớn, Sài Gòn vào dạy xen kẽ chương trình Phật học vào buổi sáng và buổi chiều. Khác với những chúng khác như Vạn Hạnh, Huyền Trang phải đi học ở trường Bồ Ðề Chợ Lớn, Sài Gòn.

Ðến năm 1968, sau khi hoàn tất chương trình Trung Ðẳng IV,  tương đương Trung học đệ nhất cấp, để thực hiện chương trình trao đổi tăng sinh của Tổng vụ Giáo dục và Phật học vụ nhằm tạo sự cảm thông và hiểu biết lẫn nhau giữa tăng sinh các Phật Học viện và tăng sinh các tỉnh vì thế tôi tạm xa thầy để theo học tại Phật học viện Trung Phần- chùa Hải Ðức Nha Trang. Còn thầy thì tiếp tục theo học chương trình Trung Ðẳng chuyên khoa tại viện.

Thỉnh thoảng nhân dịp nghỉ hè, nghỉ tết, về thăm lại Sài Gòn, đến thăm trường xưa, cảnh cũ, thăm thầy, thăm chúng, thầy thường nhắn nhủ: “Có đi đâu thì đi, nhưng rồi cũng về cảnh cũ (tức Huệ Nghiêm), nhất là cần theo học chương trình chuyên khoa Phật học, mới giữ gìn được Phật chất thiện căn sâu dày, bảo đảm được đường tu trong đời này và đời sau như hòa thượng giám đốc hằng mong ước”. Lời nhắc nhở của thầy góp phần tăng thêm sức mạnh, động viên, thôi thúc cho sự trở về nguồn của tôi. Do đó năm 1971, sau khi tốt nghiệp tú tài 2, cũng đúng vào thời gian thành lập Viện Cao Ðẳng Phật học và khai giảng khóa đầu tiên, tôi quyết chí trở lại Huệ Nghiêm, theo học chương trình Cao đẳng Phật học thay vì theo học Phân Khoa Phật học thuộc Viện Ðại học Vạn Hạnh như những thầy cùng khóa.

Trong thời gian tại viện, dù bận nhiều công tác, học tập của viện, cộng thêm tôi lại theo học chương trình cử nhân tại đại học Văn Khoa Sài Gòn, (nay là trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM). Tuy nhiên, tôi cũng cùng thầy tham gia đoàn giảng sư Trung Ương của Tổng vụ Hoằng pháp – GHPGVNTN, do hòa thượng Thích Huyền Vi lãnh đạo. Hằng tháng chúng tôi đều có đi thuyết pháp, giảng dạy tại một số tỉnh miền Tây, miền Ðông ...

Ðặc biệt trong những lần họp kiểm điểm về ưu, khuyết điểm trong công tác thuyết giảng, thầy đã chân thành phát biểu, nhận xét về tôi: “Thầy Nhơn có bốn nhược điểm: Một là: khi giảng thường ngó lên trần nhà, không nhìn thính giả. Hai là:  giảng nhanh quá, có  lúc thính chúng không nghe kịp. Ba là:  còn hơi ngượng ngập, cử chỉ chưa được tự nhiên, thiếu điệu bộ. Bốn là: giảng hơi cao, đôi khi không hợp trình độ đại chúng”.

Chính những nhận xét phê bình chân tình của thầy, mà tôi cố gắng khắc phục trong suốt thời gian hơn 30 năm để công tác thuyết pháp, giảng dạy có hiệu quả tốt hơn. Quả thật, như Kinh Pháp Cú nói : “Ai phê bình ta, mà phê bình đúng là bạn ta”. Kỳ thực, thầy không những là bạn mà còn là bậc thầy nữa. Do đó, thời gian sau này, khi tham gia công tác hoằng pháp của GHPHVN, thầy được phân công đặc trách Giảng sư đoàn, phụ trách môn Phương pháp diễn giảng, và làm giám khảo những kỳ thi diễn giảng, thực tập diễn giảng v.v... góp nhiều công sức cho sự nghiệp đào tạo hàng trăm giảng sư, giảng sinh cho Giáo hội.

Tôi còn nhớ, năm 1971 -1972, trong chương trình đi xây dựng cơ sở hạ tầng của Giáo hội tại Bình Dương và Bình Long, thầy đã tỏ ra lịch thiệp và tinh tế trong khi ứng xử, giải quyết nhiều vấn đề khúc mắc, đắc nhân tâm mà tôi không làm được, dù là cùng trang lứa và trình độ như nhau. Quả thật, như người xưa nói: “Trong ba người cùng đi nhất định là có một người làm thầy mình”. Học là một chuyện, khả năng là một lẽ, nhưng cần phải có phúc tướng, đức độ và những kinh nghiệm trong xử thế, tế nhị trong giao tiếp, nhạy bén khi gặp việc, sống hài hòa, hoan hỷ với nhau... đó chính là những yếu tố góp phần thành công trên đường hóa đạo. Ðiều này thầy đã đạt được khi còn ở trong chúng, trong trường, cũng như khi công tác tại địa phương và trung ương, đều được chư Tôn đức giáo phẩm, tăng ni phật tử gần xa kính mến.

Sau ngày miền nam giải phóng. Thực hiện chương trình Về Nguồn, nhập thất tịnh tu của hòa thượng viện chủ, với tư cách là Ban lãnh chúng, thư ký của viện, thầy rất thông cảm cho tôi vì còn bận nhiều công tác phật sự Giáo hội, giảng dạy tại các trường phật học, nên đã dành nhiều ưu tiên, sắp xếp chương trình, thương lượng, thay đổi người cho tôi được nhập thất vào những dịp nghỉ hè, nghỉ tết, nhờ đấy mà tôi hoàn thành được hai mặt tịnh tu và công tác phật sự cho Giáo hội trong thập niên đầu của lịch sử mới sang trang, Giáo hội mới thành lập. Có những lúc thầy tâm sự: “Bồng em thì khỏi quét nhà, rửa chén thì khỏi nấu cơm” đó là trách nhiệm của mỗi người để cùng chung lo cho nhau được an tâm tu học, thực hiện chương trình trở về cảnh cũ, mà hòa thượng viện chủ hằng ấp ủ, để từ đó tạo cho Huệ Nghiêm có những nét đặc thù, một tu viện nổi tiếng ở miền Nam lúc bấy giờ.

Khi Trường cơ bản Phật học TP.HCM được thành lập năm 1988, dù ở cách xa hơn chục cây số, nhưng hằng tuần, bằng phương tiện xe buýt, xe lam, nhờ người chở hộ... (vì thầy không biết chạy xe gắn máy), thầy vẫn thường xuyên đến trường giảng dạy trong suốt chương trình, hơn ba khóa, gần 15 năm không hề bỏ lớp.

Sáng thứ bảy (21/07/2002), tôi gặp thầy tại Văn phòng 2 TWGH. Thầy đến thăm sau chuyến tôi tháp tùng phái đoàn GHPGVN thăm Hội Phật tử Việt Nam tại Pháp, và Thiền viện Trúc Lâm ở Paris. Tôi đã tặng một bút máy, một tháp Eiffer, một Khải hoàn môn là những biểu tượng của nước Pháp mà tôi mang về. Thầy nhận quà với vẻ mặt đượm buồn. Tôi thắc mắc không biết trong thời gian mười ngày vắng mặt, ở trong nước có việc gì bất trắc xảy ra với Giáo hội, Thành hội hay cá nhân mà thầy có những biểu hiện không bình thường như vậy? Tôi dự định tìm hiểu, nhưng rồi việc gì đến đã đến....

Chiều thứ bảy cùng ngày, Tôi gặp lại thầy ở Văn phòng Trường Cao trung Phật học TP.HCM – chùa Vĩnh Nghiêm, hôm ấy thầy có vẻ rất mệt vì buổi sáng đã dạy cho trường hạ chùa Phổ Ðà, chiều 2 giờ đầu dạy cho trường hạ Vĩnh Nghiêm, 2 giờ sau giảng cho lớp Ni – Cao đẳng Phật học. Do đó, khi nhấn chuông vào lớp, Thầy mệt mỏi nói với cô thị giả: “ Thầy mệt quá, nhưng cố gắng dạy cho xong”. Khi tan trường, thầy về, tôi tiễn thầy tại bậc thềm của văn phòng nhà trường, lúc ngồi trên xe Honda do đệ tử chở, khi xe nổ máy và bắt đầu chuyển bánh, thầy còn nói vọng giã từ : “Tôi về nghe thầy Nhơn”. Không ngờ chữ về ấy mang nhiều ý nghĩa. Về chùa Huệ Nghiêm, hay về cảnh cũ quê xưa, Niết Bàn vô tung bất diệt?

Bốn giờ sáng chủ nhật, một cú điện thoại do thầy Thiện Tánh gọi đến báo: “Anh có hay gì không? Anh Chơn Thanh bị tai biến mạch máu não sắp đi rồi, đang ở phòng cấp cứu bệnh viện Triều An”. Tôi buông ống nghe xuống, bàng hoàng đi đến bệnh viện Triều An. Một  cảnh tượng đau lòng diễn ra trước mắt: chung quanh là những tăng ni sinh, phật tử với những dòng nước mắt, buồn thương, thất vọng!

Thế rồi đến 00h 20 ngày 13/6 âl (23/07/2002) thầy thu thần viên tịch. Thế là hết! Sự ra đi của thầy quả là một sự tổn thất to lớn đối với Giáo hội và Thành hội Phật giáo TP.HCM với tăng ni phật tử trong và ngoài nước, bây giờ và cả sau này!

Ngày tiễn đưa kim quan thầy đến đài hoả táng Bình Hưng Hòa, cũng chính là ngày lễ húy kỵ lần thứ 5 cố hòa thượng Thích Thiện Hào, phó chủ tịch thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN, Trưởng ban Thành hội Phật Giáo TP.HCM, hòa thượng khi còn sanh tiền rất mến thương thầy và tạo nhiều điều kiện cho thầy thăng tiến. Kinh nghiệm cho thấy gần 15 năm công tác tại Văn phòng Thành hội Phật giáo, hôm nào vắng mặt thầy, hòa thượng đều nói: “Văn phòng ngày nào mà không có Chơn Thanh, xem như thiếu một cái gì đấy ...”. Quả thật, thầy là một hạt nhân thu hút được mọi nguồn năng lực, là ánh sáng chan hòa giữa tất cả mọi người, mọi dị biệt về tư tưởng và thành phần. Thầy là chất keo tạo sự đoàn kết hòa hợp trong Giáo hội và Thành hội Phật giáo. Thầy mất đi khó tìm lại được một người như thầy. Quả thật, như Trí Bảo Ðại sư đã nói : “Quen nhau đầy dẫy trong thiên hạ, còn bạn tri âm có mấy người”.

Thế là thắm thoát hai năm đã đi qua. Bao ký ức, tiếc thương vẫn còn đọng lại vẹn nguyên trong tâm tưởng. Nay nhân ngày lễ đại tường của thầy, tôi xin ghi lại đôi dòng chân tình và thầm khấn nguyện như  Tổ Quy Sơn đã dạy :  

 Dù sinh bất cứ nơi đâu

Mối tình Pháp lữ khắc sâu đời đời.

TP.HCM ngày 23 - 04 - 2004.

Pháp hữu Thích Thiện Nhơn

 

Một nhành mai còn mãi ^

 

Ðành rằng cuộc thế vô thường, thăng trầm luân chuyển. Dòng sinh diệt thay đổi liên tục không ngừng, sinh ly tử biệt là lẽ tức sắc tức không, nhưng hôm nay trước án hương trầm quyện tỏa, chúng con không khỏi thổn thức bàng hoàng.

Kể từ nay giáo hội vắng bóng vị đạo cao đức trọng, hàng tăng ni mất đi một bậc giới đức vẹn toàn, đạo tràng vắng bóng vị cao tăng có đức tánh vô ngã vị tha...

Ngài là vị tứ chúng trung tôn khoan dung đại lượng, đức nhu thuận sáng ngời, đã hy sinh  trọn đời vì đạo pháp. Ngài thể hiện tinh thần Bi, Trí, Dũng... luôn luôn quan tâm việc đào tạo thế hệ tăng ni, duy trì mạng mạch Như Lai, giữ vững sức sống tăng đoàn, thắp sáng nguồn tâm, mặt trời trí tuệ...

Năm mươi năm hòa quang đồng trần trên nhơn thế như một cánh nhạn bay qua dòng sông, giữa bầu trời xa thẳm. Thượng tọa đã đến và  ra đi, âu đó cũng là cái thực tướng so với ảo tưởng như cành mai đêm qua của Mãn Giác thiền sư vẫn nở trong sân khi xuân tàn hoa rụng.  

“Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận

đình tiền tạc dạ nhất chi mai”

 

(Ðừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết

Ðêm qua sân trước một nhành mai).

 

Ni trưởng  NHƯ HOA.

 

 

Khắp trời sen nở ^

 

 

Trụ thế năm mươi ba xuân

Ðộ đời hằng chuyển pháp luân mọi miền

Ðến đi tự tại an nhiên

Lìa thân như huyễn cõi thiền thong dong. 

   Thấm thoát đã hai mùa trăng tháng tám, những hàng cây chốn tổ Huệ Nghiêm vẫn chưa thôi ủ dột, thương tiếc thầy vội vả ra đi, các giảng đường Phật học như còn văng vẵng âm ba mưa pháp của thầy, bàn làm việc tại các văn phòng giáo hội vẫn như thiếu vắng một bóng người không ai có thể hoàn toàn thay thế được. Ngoài ra nữa, bao hạ trường cùng đạo tràng tu Thập Thiện và Bát Quan trai...  tất cả cũng cảm nhận không thể quên thầy - bậc đạo sư thân thương, hiền hòa dung dị.     

   Vội vã mà thật an nhiên, thầy đã vĩnh viễn ra đi để lại bao nhớ tiếc cho đời, hàng hậu học, thiếu một người thầy anh minh dìu dắt. Cả chúng xuất gia lẫn tại gia còn đang chơi vơi giữa đôi bờ sanh tử, hướng về ân sư các pháp lữ đều thốt lên nỗi niềm luyến tiếc khôn nguôi. 

   Ngẩn ngơ trước cảnh vô thường

Hiểu mà vẫn thấy đau thương ngút ngàn  

Trong thâm tình linh sơn cốt nhục, ai trong chúng ta không kính thương tưởng nhớ về thầy, bậc chân tu đạo hạnh cao dày, xứng ở ngôi chúng trung tôn của đức Từ Phụ. Cả cuộc đời Thầy là tấm gương tận lòng phụng sự, vì Phật Pháp trường tồn và tăng chúng an hòa, vì nhu cầu giải thoát giác ngộ của kẻ hậu học, thầy đã lăn bánh xe chuyển pháp, với những tháng năm dài không mõi mệt. Dưới mỗi bước chân thầy dạo đi hoằng hoá, từng cánh sen hồng nở thắm, tô đẹp mọi miền. Theo mỗi lời thầy tuyên, Phật pháp sâu mầu, hương giải thoát nhẹ nhàng lan tỏa, huân ướp niềm an lạc mọi nơi.

   Ðể tỏ lòng kính quí và tiếc nhớ thầy -  bậc ân sư khả kính, chúng ta  hãy gạt đi mọi sầu thương bi lụy thường tình, giữ trong lòng từng lời, từng ý pháp thâm sâu, tôi luyện thành chất liệu an lạc trạm nhiên, hầu nối gót thầy trên hành trình phổ độ. Hãy tỏa rộng tấm gương đạo hạnh của thầy đến khắp nơi mọi chỗ, cho hoa sen đua nở ngập trời, chuyển Ta Bà thành cõi Tịnh an vui, ấy cũng chính là bản hoài của mười phương chư Phật vậy.

  

                Ni Trưởng  Tịnh Thường

 

 

Pháp lữ không xa ^

Sự hiện hữu của thầy là một dấu ấn sâu đậm vượt thoát thời gian trong lòng tăng ni phật tử. Thầy là một nhà mô phạm sống một đời gương mẫu, giản dị tràn trề tình thương và rộng lượng nhân từ. Thầy đã thể hiện tinh thần vị tha, trong sáng. Những lời giảng dạy của thầy đã đi sâu vào tâm thức bao thế hệ học trò, tạo nên một ấn tượng không nhỏ trong đời sống tu tập của họ.

   Lần cuối cùng gặp thầy trong sự thinh lặng, trong khoảnh khắc của thời gian bất động, trong sự xúc động thầm kín. Giây phút ấy, thầy đang thuyết pháp bằng ngôn ngữ vô thanh, nhưng làm cho mọi người tỉnh ngộ, tiếp xúc được với thầy qua hiện tướng vô thường, vô ngã, cái bất sanh bất diệt của tự tánh Niết bàn muôn thuở.

Trở về ký ức trong giao thoa mầu nhiệm, những gì tôi biết và hiểu về thầy, tất cả giờ đây hiện hữu như nắng sớm mùa thu, như cánh hoa vàng của thiền sư Mãn Giác. Tôi không cần phải tìm hình hài thầy nơi quá khứ, vì thầy vẫn luôn đang hiện hữu tồn sinh thì tại sao tôi phải ngậm ngùi thương tiếc? Nhớ nhung thương tiếc là ảo vọng của dòng đời trôi chảy, như dòng suối về gặp đại dương, như bông hoa khoe sắc thắm. Con người sở dĩ đau khổ vì chưa hiểu rõ được bản thể của cái sanh và cái diệt, giác ngộ được tự tánh vô thường là Niết bàn, thì vượt thoát được phiền não khổ đau.

“Túy trúc huỳnh hoa phi ngoại cảnh

Bạch vân minh nguyệt lộ toàn chân”.  

Trúc biếc hoa vàng đâu cảnh khác, trăng trong mây trắng đều là bản thể. Thầy đã trở về với tự tánh bất sanh bất diệt, thầy đã đạt được hạnh phúc tối thượng (tịch diệt vi lạc). Nhưng vì quá thương thầy, nên mọi người đã bao lần nhắc đến chuyện tử sinh. Kỳ thật thầy đang hiện hữu trong lòng mọi người từ vô thỉ đến vô chung.

   Tưởng nhớ thầy, những người còn lại phải thực hiện con đường hoằng pháp, thực hiện ước mơ và hoài bảo mà thầy để lại cho sự nghiệp hoằng pháp.

Trong khi viết những dòng hoài niệm này, tôi xin nghiêng mình kính cảm. từ nơi cõi lòng sâu thẳm tôi như thấy thầy đang thong dong nơi cõi Niết bàn.

 

Pháp đệ : Thích Nguyên Thiện

 

 

Hoa xưa vẫn nở ^

 

Tôi làm sao có thể quên được bao kỷ niệm trong những ngày đầu xuân. Năm nào cũng vậy, một số anh em trong ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội thường tổ chức đi khánh tuế và chúc tết chư tôn đức. Ðến chùa Huệ Nghiêm luôn thầyï đón tiếp nồng hậu. Ngoài những lời trao đổi thân mật, tôiø còn nhớ một câu thật mộc mạc nhưng chứa đầy tình cảm: “Tôi thì ăn tết đơn giản như thế, nhưng anh em đến  tôi cũng có chút gì để mừng tuổi với nhau”. Rồi thầy lì xì cho mọi người và cầu chúc: “ Chúc cho quí thầy luôn an lạc và thành tựu mọi Phật sự”. Lời chúc bình thường cũng như mọi lời chúc nhưng tấm lòng của người chúc thì thân ái thiết tha và nhiệt thành khiến người được chúc cảm nhận được sự thân tình. Phong thái cởi mở, đĩnh đạc và cung cách tiếp đón hòa nhã của thầy đã mang lại cho chúng tôi niềm vui tươi tắn của ngày xuân. Vườn hoa kiểng chùa Huệ Nghiêm đẹp hơn trong mắt mọi người cũng nhờ có  thầy. Cứ mỗi lần đến chúc tết là mỗi lần thầy đưa đi xem, nói chuyện, giải thích và chụp hình lưu niệm. Ở chùa đa đoan công việc, ngày tết chúng tôi bận nhiều, ít có dịp đi ra ngoài như mọi người, chỉ đến khi đi chúc tết thầy mới có điều kiện thả lòng chiêm ngưỡng hương sắc mùa xuân của trời đất. Thầy đã khéo nhắc chúng tôi quay về với thực tại hồn nhiên sau những giờ đa đoan phật sự. Tôi bỗng thấm thía hơn lời kinh Mangala Sutta: 

Khi xúc chạm việc đời

Tâm không động không sầu

Tự tại và vô nhiễm

Là phúc lành cao thượng. 

Vườn hoa Huệ Nghiêm mỗi lần xuân đến vẫn vô tư khoe sắc an nhiên, thầy đã đến và đi cũng an nhiên tự tại, nhưng chúng tôi – những người ở lại – vẫn không thể nào nguôi lòng nhớ tiếc mỗi khi nhắc đến thầy.

   TT.THÍCH TẤN ÐẠT

 

 

Những đợt sóng ^

 

Quyển Thành Thật Luận nằm trên kệ sách lúc nào cũng như một ánh mắt cứ dõi theo tôi.  Từ  ngày TT. Chơn Thanh viên tịch, tôi được BGH trường phân công dạy thay môn này. Tôi cảm thấy một áp lực nặng nề đè nặng. Mỗi lần cầm đến quyển kinh, tôi thấy lòng nặng trĩu, không biết rồi mình có làm tốt được công việc còn lại này của thầy hay không?. Ðối với tăng ni sinh, thầy như một vòm trời bao la tin cậy, sẻ chia và che chở. Thầy để lại cho họ nhiều ấn tượng quá, thầy choáng ngợp lòng họ, bao phủ họ bằng những tình cảm vô bờ. Hơn nữa, giờ đây, lòng tiếc thương của họ dành cho thầy vẫn chưa phai...tất cả đều như mới hôm qua...

Ngày trước, tôi  bước lên bục giảng bằng tất cả thành quả của những năm miệt mài đèn sách, tinh tấn tu học; tôi giảng bài cũng bằng tất cả sự thao thức, lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ mình. Nhưng qua nhiều năm truyền đạt, tôi chợt giật mình, nhìn lại học trò, họ không như mình tưởng, sự thu thập giáo lý của họ có khác với những suy nghĩ  của mình. Từ đó, tôi thường quan tâm nghiên cứu cách giảng của các vị giảng sư khác, hầu có thêm kinh nghiệm cho sự nghiệp giảng dạy của mình.

Thượng tọa  là vị thầy tôi thọ giáo đầu tiên khi bước lên bục giảng. Thầy đã ân cần chỉ bảo nhiều điều hay cho tôi: “...Dạy Phật học không phải như thế học, một vị thầy Phật học không cần chờ đợi kết quả của học trò sau 10 năm, 20 năm mà phải thấy kết quả ấy trong từng ngày, từng tháng, từng năm. Vì vậy người thầy phải hoàn thiện mình trong từng giây, từng phút nơi lời nói, hành động và suy nghĩ,  nơi thân giáo, khẩu giáo và ý giáo. Có điều tôi muốn nhắc nhở quí thầy, người tu mình cần nhất là ở thân giáo và ý giáo; như vậy sự trao nhận  giữa thầy và trò mới sâu sắc, hiệu quả”.

Tôi lắng nghe một cách chân thành, cảm thấy thầy thật gần gũi. Từ lần ấy, tôi hay tư vấn thầy trong việc giảng dạy, hoặc điện thoại, hoặc gặp trực tiếp. Lần nào, tôi cũng cảm thấy mình như được sáng ra, tháo được những gút mắc trong đời sống nội tâm. Bên thầy, tôi cảm nhận sự bình an, nương tựa. Năng lực toát ra từ thầy khiến tôi nhẹ nhàng hơn giữa cuộc đời đầy sự phức tạp, rối rắm.

Tôi lật từng trang giáo án Thành Thật Luận, chợt  nghiệm ra rằng mỗi cuộc đời là những trang mầu nhiệm. Cuộc đời thầy cũng tợ như một quyển kinh, rất nhiều điều hay mà chư tăng ni và phật tử đã đọc được và đang áp dụng vào cuộc sống tu tập hằng ngày của họ.

Môn Thành Thật Luận  tôi đã vinh dự thay thầy truyền đạt cho các tăng ni sinh, tạm xem như đã hoàn tất. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Cám ơn thầy đã gia bị cho tôi và những tăng ni sinh hoàn thành việc dạy việc học..

Tôi thấy mình là lớp sóng sau thầy. Những lớp sóng dập dồn nối đuôi nhau. Thầy  như lớp sóng trước, tôi là lớp sóng sau, và những tăng ni sinh mà thầy và tôi dốc lòng truyền trao giáo pháp là những lớp sóng sau nữa. Những đợt sóng cứ như thế nối tiếp nhau trên mặt biển. Tất cả rồi cũng có ngày về đến bến bờ giải thoát an vui.

 

       Thích Hoằng Dự

 

 

Pháp thân bất diệt ^

 

Vẫn biết tử  sanh là cửa ngỏ ra vào, là trò chơi cút bắt, là định luật tất nhiên, không một ai trốn tránh được, nhưng sao lòng chúng con vẫn quá ngậm ngùi..

   Chúng con hạnh phúc biết bao vì đã có những ngày được tiếp thu lời pháp nhũ ân cần của Thầy. Bây giờ thì đâu còn nữa, thầy đã ra đi, chúng con biết rằng sự đến đi của thầy là tự tại vì nguyện lực độ sanh mà thầy hiện hữu cỏi Ta Bà, mãn duyên Thầy trở về bảo sở. Nhưng chúng con còn là phàm phu tu tập làm sao chúng con không đau thương kính tiếc bậc thầy đã ban cho hàng tứ chúng tấm lòng từ bi – hỹ xã, trí tuệ soi đường để cho chúng con khỏi bị sai lầm lạc lối trên con đường tu tập.

Lời nào mà nói cho cùng! Bút mực nào mà diễn tả cho tận nỗi niềm đau thương và tấm lòng tri ân của chúng con đối với thầy. Chúng con nghĩ rằng tuy thầy không còn nữa, nhưng pháp thân thầy vẫn bất diệt với thời gian và hình ảnh thân thương của thầy vẫn còn mãi ttrong tâm niệm của đại chúng trong các đạo tràng tu tập chánh pháp Thế Tôn. 

Xác thân huyễn giả tiêu tan

Pháp thân vẫn ở thế gian muôn đời 

TN. HẠNH NGỌC

 

 

Ân sư ^

 

Ngày tôi còn nhỏ ở chùa Minh Ðức tại xã Suối Hiệp, Nha Trang, Ni sư có nói sau này lớn lên sẽ gửi cho thầy Chơn Thanh, thế là tôi bắt đầu khởi lên ý niệm có thầy từ thuở  ấy. Tôi ao ước cái ngày đó lắm và đã nhiều lần nhắc, xin với Ni sư: “Thầy cho con vào trong nam để theo thầy Chơn Thanh tu học”.

Mùa thu 1983 tôi theo Ni sư vào Sài Gòn để đảnh lễ Thầy. Lần đầu tiên gặp thầy nhưng tôi có cảm giác như đã từng gặp thầy ở đâu đó rồi. Thầy đẹp lắm, tướng mạo uy nghi đĩnh đạc, khả kính; giọng nói từ  hòa trầm ấm. Thầy mặc bộ đồ vạt khách màu lam, đeo kiếng trắng, ngồi nơi bàn viết với xấp tài liệu Kinh Thập Thiện mà thầy biên soạn để dạy các trường Cơ Bản. Thầy  bảo  muốn vào học các Phật Học viện thì ít nhất  cũng phải học hết những bộ Hán văn như  Tam Thiên Tự, Thiền Lâm Bảo Huấn.v..v... Tôi đem quyển sách Tam Thiên Tự về Long Thành và học theo lời chỉ dẫn của thầy.

Lời thầy sách tấn vẫn còn hiển hiện trong tôi như kim chỉ nam định hướng trong cuộc đời tu hành của mình. Thầy thường dạy: “Chỉ sợ mình không đầy đủ tài đức và tu hành giới luật, chứ đừng nghĩ mình không làm được gì để phục vụ chúng sanh”. Thầy hoạt động Phật sự hết lòng, từ công việc Giáo hội, đến công việc giảng dạy các lớp giáo lý cho tăng ni và phật tử, công việc nào thầy cũng tận tâm.

Công việc bận rộn nên mỗi năm tôi chỉ hai lần vào đảnh lễ thầy vào dịp sau khóa An Cư  và tết Nguyên Ðán. Mỗi lần gặp thầy tôi luôn có cảm giác là mình có lỗi bởi sự  lơ là, “bất hiếu” của mình đối với ân sư. Vậy mà thầy thì bao giờ cũng bao dung, độ lượng. Thầy luôn từ tốn ôn hòa khuyên bảo, nhắc nhở tôi những điều cần thiết trong đời sống tu tập. Những lời dạy bảo rất nhẹ nhàng, bình dị, nhưng đến khi gặp chướng duyên, vấp ngã trong đời, thì những lời ấy lại như bàn tay từ phụ, có mặt kịp thời nâng tôi đứng lên.

Những ngày đi học xa, mỗi lần về nước, đến thăm thầy, tôi có cảm giác như mình vừa mới gặp thầy hôm qua đây thôi. Thầy bao giờ cũng vậy, vẫn ánh mắt và giọng nói từ  hòa không bao giờ thay đổi.

Vẫn biết rằng vô thường lão bệnh là quy luật tất yếu kiếp nhân sinh, nhưng một phàm tăng như tôi thì làm sao tránh khỏi những bi lụy nhân thế. Tôi thấy quá tủi thân và cảm giác mình luôn có lỗi với thầy. Ngày xưa Ngài A Nan dẫu sùi sụt khóc tiễn đưa nhục thân của Ðấng Từ Phụ vào cõi Vô dư Niết Bàn nhưng Ngài còn có niềm an ủi là đã bao năm được theo hầu bên đức Phật. Ngày nay tôi vô phước, chưa được chăm sóc thầy bao nhiêu, những giây phút  cuối đời của thầy tôi lại không có mặt! Là người đệ tử đầu tiên mà thầy nhận chăm lo sách tấn, thầy đã dành cho tôi biết bao lời dạy bảo ân cần, đặt ở tôi nhiều mong ước mà tôi  chưa kịp làm gì đề đền đáp công ơn, chưa kịp chứng tỏ điều gì để thầy có chút an tâm về một người đệ tử ... Vậy mà  thầy đã  ra đi.

Ngôn ngữ trần gian cũng có sự giới hạn của nó nên không thể diễn tả hết được những điều muốn nói. Chỉ biết rằng từ nay trên con đường gian lao trước mặt, hình ảnh, những lời dạy bảo của thầy sẽ luôn có mặt bên tôi, nâng dắt, chỉ lối và động viên, truyền sức mạnh cho tôi noi tấm gương thầy tu học và hoằng hóa.

Thích Quảng Long

 

 

Tình huynh đệ ^

 

Tết nào cũng vậy, nhóm tăng ni sinh trường trung cấp Phật học khóa III chúng tôi đi đãnh lễ chư vị tôn túc trong ban giám hiệu và ban giảng sư.

Như thường lệ, tết năm Nhâm Ngọ, đúng với câu: “mồng một tết cha, mồng ba tết thầy”, chúng tôi hẹn nhau cùng đến tổ đình Huệ Nghiêm. Ngọn gió mang đầy hương vị tết ùa vào liêu phòng. Chúng tôi quì bên bàn Phật để nghe lời giáo huấn đầu năm mới của thầy, nhẹ nhàng mà sâu sắc.

Tết năm Quí Mùi, chúng tôi lại về nhưng chỉ để thắp hương dâng lời tưởng niệm. Chỉ còn nụ cười trong di ảnh của thầy vẫn ngọt ngào bao dung đón chúng tôi. Thầy mất, chúng tôi không đi mồng ba, mà lại về mồng bốn để thể hiện, kỷ niệm về  một sự thay đổi... Ngày trước, con đường tương lai của chúng tôi luôn có đôi bàn tay thầy dìu dắt. Bây giờ thầy không còn nữa, chúng tôi đành gói ghém những lời giảng quí báu ngày xưa làm hành trang cho cuộc đời mình.

Thượng toạ Thiện Pháp kể cho chúng tôi nghe về những kỷ niệm khó quên thời còn là học tăng dưới ngôi trường Cao đẳng Phật học Huệ Nghiêm:

- Thấy mấy đứa bây giờ, thầy nhớ lại hồi đó, gần đến ngày thi, cả nhóm (thầy Chơn Thanh, thầy Thiện Pháp, thầy Minh Thông) xuống chùa Long Khánh huyện Bình Chánh để ôn bài thi. Mọi người hứa với nhau hễ  ai không thuộc sẽ bị phạt, rồi phân công người công phu, người nấu cơm, người rửa chén. Sau này, làm việc trong giáo hội, thầy chở ổng (thầy Chơn Thanh) trên chiếc xe cánh én. Sáng chở đi, chiều chở về. Lúc thầy về chùa Phước Thành, trưa cũng chở ổng về, thầy ngủ giừơng, ổng ngủ võng. Vậy mà bốn mươi  năm đã trôi qua, mãi đùm bọc thương yêu, quí trọng  nhau, chưa bao giờ giận hờn, nặng lời cho đến ngày ổng về Phật...

Thượng toạ kể xong, cười giòn tan, hình như  TT. tâm đắc lắm về cái thời ấy. TT. đưa cho chúng tôi tấm hình, sau lưng có ghi dòng chữ nghịch ngợm: “hai nhà lãnh tụ”, trong ảnh: một người cao lớn ốm nhom, một người bề thế, tròn trịa. Trông dáng vẽ bên ngoài thật so le, nhưng trên hai gương mặt đều cùng toát lên vẻ nhiệt thành đáng kính. Nhóm tăng ni trẻ chúng tôi thường gọi vui một cách kính trọng, thân mật: thầy Chơn Thanh là Ba và thầy Thiện Pháp là Má, bởi cả hai người – dù  mỗi người một cách, nhưng đều lo lắng và thương yêu chúng tôi như con. Thầy Chơn Thanh với vẻ uy nghiêm, nhân từ, thân thiết như một người cha; thầy Thiện Pháp với tính xởi lởi gần gũi như một người mẹ. “Má” thường ngày vô tư, tuệch toạc là vậy, nhưng khi nhắc đến “Ba” bỗng trầm ngâm, giọng đầy xúc động:

- Kìa, trên chiếc xe đó, mùng bốn tết, họp đầu năm tại thành hội xong, thầy chở ổng thẳng về chùa Huệ Nghiêm, chơi cả ngày. Mùng bốn tết năm nay, chiếc xe nhẹ tênh, buồn bã, thầy về lại Huệ Nghiêm, ngồi trên xe một mình, cứ nghe trống vắng phía sau! Ờ, mà không chỉ phía sau, khi bước xuống xe vào Huệ Nghiêm là thấy trống vắng tứ phía! Ði qua phòng ổng là thấy... Mà thôi, mấy đứa uống nước đi  - TT. lại cười, giả lả lãng sang chuyện khác như muốn tránh nỗi xúc động đang tràn ngập trong lòng.

Vào đảnh lễ TT. Minh Thông, vừa dặt chân đến cửa phòng, chúng tôi đã nhìn thấy di ảnh của thầy được đặt ngay bên cạnh chiếc đơn của TT. như một người thân thiết nhất. TT. Minh Thông là người trầm lắng, sâu sắc. Ngày thầy còn sống, hai người như tay mặt tay trái. Mỗi sáng dậy sớm cùng tập thể dục đi bộ quanh chùa. Bây giờ còn lại một mình, buổi sáng là  lúc TT. nhớ đến thầy nhiều nhất! Căn phòng nhỏ ở Văn phòng II TUGH mà hai thầy được dành riêng để nghỉ trưa hằng ngày khi lên lớp, kể từ khi thầy mất đi, TT. không bao giờ bước chân vào đó nữa! Không kể gì nhiều với chúng tôi, bởi TT. là người tính tình lặng lẽ, kín đáo, nụ cười điềm đạm vẫn nở nhẹ nhàng trên môi khi trò chuyện với chúng tôi, nhưng trong sâu thẳm ánh mắt TT. tôi thấy rất rõ những giọt sương ẩn chứa... Những giọt sương ấy sẽ lặng lẽ rơi vào những đêm thâu, khi chỉ còn có một mình TT. bên tách trà khuya. TT. vẫn rót cho thầy một tách và vẫn pha thêm nước sôi vào cho tách trà nhạt bớt đúng theo thói quen của thầy khi còn sống. Trong căn phòng trước đây hai người đã từng ngồi, giờ một mình TT.  lặng yên với hai tách trà! Uống hết tách của mình, châm thêm vào tách của bạn... tách trà ấy cứ đầy, cứ đầy... như nỗi lòng nhớ tiếc xót xa của người ở lại! Nghĩ đến cảnh đó,  tôi không sao kềm được nước mắt!

Cổ nhân từng nói: “Trên đường có bạn đồng hành, niềm vui được nhân đôi và nỗi buồn vơi đi một nửa”. Tình huynh đệ cao cả thiêng liêng của quí thầy là bài học thân giáo vô cùng sâu sắc mà quí thầy dành cho chúng tôi.

 Chư Phật giáng sinh đã cứu khổ ban vui cho thế giới, con người từ đó có bậc đạo sư chỉ ra con đường tìm về chân lý giải thoát. Quí thầy không những đã dạy cho chúng tôi hiểu được Giáo Pháp cao minh mà còn là những tấm gương sống về mối quan hệ Tăng Già hòa hợp. Mong rằng với kho tàng vô giá ấy, Tứ  Chúng đồng tu sẽ mang lại hạnh phúc, giải thoát cho tất cả muôn loài.  

TN. Thánh Tâm 

 

 

Còn mãi bóng hình^ 

Cũng như mọi ngày, mỗi khi chiều xuống, tôi lại một mình dạo bước giữa vườn hoa trong khuôn viên chùa, nhìn ngắm những đóa hoa trong ánh hoàng hôn và cảm thấy lòng mình nao nao kỳ lạ...

Những đóa hoa màu trắng, màu vàng, màu tím... thiết tha, lặng thầm dâng hết sắc hương làm đẹp cho đời, lúc nào cũng hồn nhiên nở hết mình, vắt hết sức dâng đời mà không cần biết có ai người đang cảm nhận hay không. Thật là cao quý biết bao! Lời của một bài nhạc tôi nghe tự lúc nào, giờ bỗng trỗi dậy bên tai: “...Thầy là bóng cây che mát chúng con, thầy là ánh sáng dắt dìu lòng son, thầy là con thuyền thanh lương đưa chúng con đến bờ thơm hương...” làm tôi da diết  nhớ về thầy...

Cũng như những bông hoa sân chùa này. Thầy đã một đời hy sinh cho sứ mệnh hoằng pháp, nhất là cho thế hệ tăng ni trẻ chúng con.

Con nhớ thầy mỗi khi lên bục giảng, lời pháp đầu tiên là nụ cười thật nồng ấm, đã tạo cho chúng con một nghị lực để vươn lên trong cuộc sống. Những pháp âm chân thật đầy tình thương vẫn còn văng vẵng đâu đây, nào là kinh Di Giáo, kinh Di Ðà, kinh Tứ Thập Nhị Chương... những bài kinh dẫu ngắn gọn nhưng thầy đã khéo léo triển khai đưa vào cuộc sống thực tiễn cho chúng con làm kim chỉ nam tu tập. Những lời vàng ngọc ấy đến hôm nay con mới thấy quý giá làm sao!

Thầy ơi! hơn bao giờ hết, lúc này con rất muốn được thầy gõ nhẹ trên đầu, gõ nhẹ vào trí não cho con bừng tỉnh cơn mê. Mỗi khi thầy rảo bước xuống lớp, thấy thầy gần đến con đã chuẩn bị tinh thần để nói lên những câu tinh nghịch đại khái như: “Sư phụ hôm nay mặc áo đẹp quá”, vậy là bị gõ lên đầu một cái; “Sư phụ mang dép mới kìa”... cứ như thế, mỗi lần nói lại được thầy xoa đảnh thọ ký. Những cử chỉ thân thiện ấy khiến cho con cảm thấy tình cảm thầy trò thật thiêng liêng mà gần gũi biết bao!

Nhớ những lần chúng con đến thăm thầy, không lúc nào thầy quên dặn dò chúng con phải cố gắng tu học cho xứng đáng là vị tu sĩ. Nhất là tăng ni trẻ, trước những phiền toái, phải có sự nổ lực tự thân, đừng để những chuyện không hay xảy ra sẽ ảnh hưởng đến đời sống tu tập của mình.

Còn và còn rất nhiều những lời dạy, những kỹ niệm giữa thầy trò thật cao đẹp, chúng con không sao kể hết được. Trong lòng chúng con từng ngày từng giờ vẫn thì thầm nhắc đền thầy, đến một con người mang tâm nguyện hoằng pháp lợi tha thật sâu nặng. Cuộc đời của thầy sống là để cho thế hệ tăng ni, phật tử chúng con mà không một lời than trách. Thầy luôn hướng cho chúng con một tương lai tươi sáng vì đạo pháp và dân tộc. Thầy luôn dõi theo bước chúng con. Mỗi khi vấp ngã đều có thầy nâng bước cho chúng con đứng dậy. Cuộc đời thầy sống là thế đó, chúng con chưa kịp đền trả thâm ân, vậy mà thầy vội bước ra đi. Thầy có hay ở nơi này đôi cánh chúng con vẫn còn yếu mềm lắm, chưa thể tự  nâng được thân mình.

Thế là hết, còn đâu nữa hình bóng người thầy khả kính! Thầy có biết mỗi lần ban hoằng pháp tổ chức lễ, chúng con đứng làm hàng rào đón rước chư tôn đức, con lại lặng nhìn từng hình bóng chư tôn đi qua, rồi con lại hụt hẩng khi đã hết người  qua mà lại thiếu bóng hình thầy. Nghe những lời giới thiệu, dẫn chương trình vang lên con lại ngỡ là thầy...

Hôm nay những hình ảnh, pháp âm của thầy tuy không còn hiện hữu trên thế gian này nhưng con vẫn tin rằng pháp thân thầy vẫn tỏa rạng muôn nơi, vẫn còn dõi theo bước chúng con đi.

Hướng vọng về thầy, chúng con chỉ biết tự xem mình là những kiến trúc sư tự xây dựng đời mình, giữ gìn giới luật, giữ gìn tam nghiệp, sống đời phạm hạnh, thao thức việc tu học trong từng sát na. Ngưỡng mong giác linh thầy được mĩm cười nơi miền lạc cảnh.

Lạy Thầy! Cho chúng con lần cuối gọi lên hai tiếng “ Sư Phụ” và xin hướng vọng về thầy bằng tất cả tấm lòng thành kính trọng ân. Dẫu không gian có đổi đời, thời gian như gió thoảng nhưng bóng hình thầy trong chúng con vẫn mãi đượm hương.

 

Chúc Hiếu 

                                                                                 

 

Lời thầy không quên ^ 

Nhớ lại ngày đầu đi học có biết bao điều mới lạ. Một dấu ấn sâu đậm nhất trong đời, con không bao giờ quên được, đó là lần đầu con gặp Thầy. Buổi trưa hôm ấy, dưới ánh nắng chói chang, con đạp xe chen chúc trong dòng người đông đúc của đất Sài thành, trên những con đường chưa quen thuộc. Con đã đến cổng trường Phật học Vĩnh Nghiêm, áo ướt đẫm mồ hôi và mệt nhoài trong không khí ngột ngạt giữa khí trời nóng bức, chợt con gặp được ánh mắt dịu hòa, trìu mến nhìn con của một vị  thầy dáng người cao cao thanh thoát, khả kính. Con khẻ cúi chào, Thầy với nụ cười hoan hỉ nở tự bao giờ, khẻ bảo: “ Ði học trưa nắng mệt quá con hả? Vô lớp nghỉ chút cho khoẻ rồi học, ráng cố gắng học đi nha.” Rồi Thầy khoan thai đi vào văn phòng, con cũng vào lớp với câu hỏi trong đầu thầy là ai? Con chưa từng gặp thầy, sao thầy đã dỗ con với sự thương yêu triều mến như  mẹ hiền? Thầy có dạy con học không? Ước gì con sẽ được thầy dạy bảo. Với câu nói thương yêu thân thiện ấy, thầy  đã làm tan biến cái mệt nhọc giữa trưa của con lúc nào con không hay, mà còn nghe mát dịu cả lòng.

Ðang ngồi suy nghĩ bâng quơ và cố nhìn ra ngoài, cố tìm lại hình ảnh khả kính ấy. Ba hồi chuông vào lớp, đang thấp thỏm xem thầy có vào lớp dạy con không. Cầu được ước thấy, con sung sướng muốn reo lên khi nhìn thấy thầy cùng thầy chánh văn phòng bước vào lớp, thầy chánh văn phòng đã giới thiệu với lớp đây là Thượng toạ Thích Chơn Thanh - trưởng Ban Hoằng Pháp Thành Hội -  sẽ đảm nhiệm dạy lớp suốt trong bốn  năm...

Ðúng là tên hợp với người, nhìn thầy thật thanh thoát khoan dung, giản dị thân thương và tràn đầy đạo vị. Bài học đầu tiên, Mười điều thiện thầy đã dạy con luôn ghi nhớ. Suốt buổi học, con chăm chú lắng nghe và thỉnh thoảng len lén nhìn thầy với lòng đầy cảm kích. Với giọng trầm bổng thiết tha, nhiệt thành thân ái, những bài Pháp thầy giảng nghe thật dễ hiểu và sáng rỡ. Sau mỗi giờ học, thầy luôn dỗ dành sách tấn truyền trao những kinh nghiệm cho chúng con. Mỗi tuần thầy đến lớp một lần, bao giờ cũng từ tốn, nhã nhặn, khoan dung, nhẹ nhàng mà sâu sắc. Con nhớ có lần đã vào giờ học mà  lớp chưa ổn định, chia thành năm, bảy nhóm bàn tán nói chuyện rối cả lên như cảnh hát xã giàn. Vậy mà thầy vẫn kiên nhẫn, hiền từ, bao dung ngồi đó lặng yên chẳng nói chẳng rằng, mặc cho đàn con tha hồ rúi rít. Sau một lúc, Thầy mới điềm đạm, nhẹ nhàng hỏi: “ Các chị hai của tôi đã nói xong chưa, nếu nói xong rồi thì để  cho thầy nói.” Thế là cả lớp im phăng phắc. Ai cũng xúc động hối hận thấy lỗi của mình. Rồi thầy an nhiên, từ bi, bắt đầu bài giảng mới. Con vô cùng cảm kính và thấy lòng tràn ngập sự kính ngưỡng. Lời thầy sao nhẹ nhàng quá! Lòng thầy mênh mông, bao dung quá! Con thầm tâm niệm hướng về thầy sám hối thay cho lớp, có lẽ tâm truyền tâm, dường như  thầy thấu hiểu, ánh mắt hiền hòa thầy nhìn xuống con cùng với nụ cười thân thuộc, nhân hậu. Con nghe lòng ấm áp lạ kỳ. Buổi học hôm ấy trôi qua thật mau, chẳng ai muốn kết thúc, chỉ muốn được nghe, được nhìn, được thầy dạy mãi...

Thầy - với thân giáo, khẩu giáo, ý giáo, cùng với ánh mắt nghiêm từ và nụ cười khoan dung - đã như một ngọn đèn soi sáng chúng con, giúp cho bước chân chúng con vững vàng hơn trên con đường tu học.

Con cứ tưởng những tháng ngày được thầy dạy dỗ còn được dài lâu, ngờ đâu con bạc phước vụng tu để trang giáo án thầy ngưng lại giữa chừng không lật nữa! Thầy ơi!

Thời gian được học nơi thầy không lâu lắm, nhưng cũng đủ để con học được bao điều đáng học. Tất cả những gì thầy đã dạy vẫn vang vọng hiển hiện trong con. Con đã khắc cốt ghi tâm cố gắng thực hành những gì thầy dạy, để con vẫn thấy thầy ung dung tự tại, đại Phật tuyên dương chánh pháp.

“Cố gắng học” – Lời dạy của thầy trong phút gặp gỡ đầu tiên, con sẽ luôn ghi nhớ. Không chỉ trong những năm ngồi ghế trường Phật học, mà mãi mãi sau này trong suốt cuộc đời tu. 

Huệ Nghiêm

                                                                             

 

Tấm gương tinh tấn ^

Bốn năm trôi qua dưới mái trường Phật học Vĩnh Nghiêm, chúng con được núp dưới bóng từ bi của thầy che chở. Thầy đã cho chúng con  những dòng sữa Pháp, cơm Thiền.

Chúng con được hiểu thêm những ẩn dụ của Phật từ những bộ kinh mà thầy đã giảng dạy như  là: Hai thời công phu ( Lăng Nghiêm; Di Ðà). Di Giáo, Thập Thiện, Giáo Nghĩa 10 Tông ... qua những phương cách tu tập thiết thực nhất mà thầy đã rút ra từ kinh nghiệm bản thân và nhiệt tâm truyền dạy để chúng con nghiên cứu, học hỏi, áp dụng vào sự tu học hằng ngày. Ân  ấy, đức ấy của thầy rộng lớn vô biên, tấm lòng từ bi, bao dung, hòa ái của thầy đã như những hạt mưa ngọt ngào mỗi ngày tưới mát, thấm sâu, vun bón cho tâm hồn chúng con để cây xanh đạo pháp ngày một đâm chồi cắm rễ xanh tươi vững chắc.

Thầy dạy kinh điển thật nhiều, nhưng thầy vẫn khuyên nhủ chúng con về pháp môn niệm Lục Tự Di Ðà rằng: 

Nhất cú Di Ðà vô biệt niệm

Bất lao đàn chỉ đáo Tây phương. 

Bây giờ, thầy đã đi về miền Tây phương lạc cảnh, bỏ lại đàn hậu học chúng con, trong bộ Thành Thật Luận còn dang dở.

Nhớ lại chiều ngày thứ bảy 20-7-2002. Ðó là ngày thầy đã dạy chúng con lần cuối trong cuộc đời hoằng pháp lợi sinh của thầy, phẩm Thập Lục về mười  trí lực đầy đủ của Phật. Thầy hay nhắc chúng con: ráng học nha, thầy sẽ ra đề thi phẩm này... Chúng con lắng lòng thật thanh tịnh để  tỏ ngộ những lời pháp ấy. Giờ đây, phẩm Thập Lục đã kết thúc thật rồi!  Thầy đã trở về bổn quốc, nhưng những pháp âm của thầy vẫn còn vang vọng, từng ngày, từng giờ  khuyên nhủ, sách tấn chúng con trên bước đường tìm về bến giác:

Vô minh là áng mây mù 

Khiêu đèn trí huệ phải nhờ sách kinh 

Thầy hay dạy cho chúng con phải thường xem kinh điển vì kinh điển là người thầy cửu trụ lâu dài nhất trong suốt cuộc đời tu tập của mỗi chúng con.

Giờ đây, thầy đã đi xa, bảng đen còn đó, phấn trắng còn đây, muốn thấy bút tích của thầy, muốn nghe pháp âm đều đã trở thành hoài niệm. Chúng con vẫn biết rằng sự đến hay đi của thầy đều là sự thong dong tự tại, nhưng trong lòng mỗi chúng con vẫn tràn ngập  một niềm tiếc thương vô hạn.

Noi gương Người, chúng con xin cố gắng hết sức nổ lực thực tu thực học, giống như tấm gương của thầy: dù bận trăm công ngàn việc, nhưng hầu như không bao giờ thầy bỏ tiết dạy chúng con.

Bây giờ, mỗi khi mệt mỏi, có việc, muốn nghỉ một buổi học, con bỗng nhớ về thầy và lại tự động viên mình phải cố gắng đến trường, không được giãi đãi. Thầy đã dạy chúng con bài học về sự tinh tấn rất sâu sắc, hiệu quả. Bài học ấy vô cùng quan trọng, quyết định đường tu lâu dài cho cả đời của chúng con.

Thánh Nhã

                                                                                                                           

 

Thầy vẫn quanh đây ^ 

Ðứng dưới sân chùa làm hàng rào vinh dự nhân ngày lễ Phật Ðản, con ngước nhìn lên lễ đài, lòng mong tìm lại hình dáng thầy thân thương: Cái dáng cao cao, lưng khom khom như dáng một người cha hiền hòa cúi xuống đàn con thơ dại ... và giọng nói sang sảng vang khắp vùng trời Vĩnh Nghiêm. Nhưng con không còn tìm thấy được  nữa. Con nghe tràn ngập sự trống vắng, hụt hẫng! Có muốn khóc đâu mà mắt cứ nhòa dần...

Cũng tại nơi này, những mùa Phật Ðản trước, thầy là vị xướng ngôn viên, đọc lời giới thiệu chương trình,  từ niệm Phật cầu gia bị, hướng dẫn toàn thể đạo tràng một phút nhập Từ Bi Quán, cho đến thả chim bồ câu và bong bóng hòa bình – giọng nói thầy thật trang trọng, uy nghi mà đầm ấm, con nghe lòng mình lâng lâng bay cao cùng với chim bồ câu, cùng với những chiếc bong bóng rực rỡ sắc màu, tự hào về vị thầy mà mình có cơ duyên được học hỏi.

Ngày ấy, mỗi buổi chiều thứ tư, thầy lên bục giảng trong tiếng vỗ tay hân hoan của 270 ni sinh từ dưới lớp như đón bước chân thầy. Thầy cười tươi đáp trả. Chúng con không ai nói ra, nhưng đều cảm thấy lòng mình tràn ngập niềm vui. Có bao nhiêu ngày thứ tư trong đời được học thầy là chúng con đã có bao nhiêu niềm pháp lạc. Con còn nhớ như in dáng thầy đi vòng xuống lớp, tay chắp sau lưng, xoa đầu hỏi thăm tụi con có khoẻ không?  Chúng con thường đùa với nhau là đã được thầy thọ ký...

Rồi một ngày tin dữ đến, chúng con ngơ ngác, buồn đau, lòng tự hỏi rằng: Sao vô thường quá vô tình, bất ngờ, vội vã? Trú xứ Huệ Nghiêm lâu nay vắng vẻ, nay bỗng dồn dập, thổn thức những bước chân người. Hàng ngàn tăng ni đau lặng trở về đây khi nhận được tin thầy vừa viên tịch!!!

Vì lòng kính mến vô biên đối với vị thầy khả kính, tăng ni sinh chúng con đã tổ chức buổi tụng kinh Ðịa Tạng vào cái đêm cuối cùng  tiễn đưa linh cữu. Tiếng tụng kinh âm vang cả vùng trời. Lần đầu tiên con nghe trong tiếng niệm Phật thành khẩn lại xen những tiếng nấc nghẹn ngào, tức tưởi... con mới thấm thía pháp Vô Thường, Thầy ơi!

Mùa Phật Ðản năm nay, lễ đài buồn tênh bởi thiếu dáng thầy, thiếu chất giọng xướng ngôn viên trầm hùng chắc nịch, thiếu đoá sen thiêng đầu hạ dâng cúng dường ngày kỷ niệm Ðức Phật đản sinh...

Dõi mắt nhìn theo chùm bong bóng ngũ sắc bay lên cao giữa khoảng trời xanh mênh mông, con như thấy thấp thoáng dáng thầy! Rồi những chiếc bong bóng sẽ vỡ ra, không khí từ đó tan loãng vào hư vô, hòa mình vào không khí của đất trời, cũng như hơi thở của thầy đã hòa vào hơi thở chung của nhân loại, thân tứ đại của Người tan ra là để hoà nhập với đất trời.

Hiểu được điều này, con thấy lòng mình như nhẹ nhõm. Thầy như không khí bàng bạc khắp cõi hư không, hiện hữu quanh con, quanh mọi người đau khổ. 

Vĩnh Tâm

 

 

Khóc và cười ^ 

Trước di ảnh thầy, con nhìn thấy nụ cười ẩn hiện theo làn hương khói nhẹ bay. Nụ cười thầy mờ trong làn nước mắt, nhưng hiện lên rất rõ trong tâm hồn chúng con ánh nhìn hòa ái, nhân hậu, bao dung và thân thương biết mấy!

   Suốt bốn năm được thầy dạy dỗ trong mái trường Trung cấp Phật học thầy đã dạy chúng con không chỉ qua khẩu giáo, ý giáo mà quan trọng nhất là thân giáo, qua những phạm hạnh trong đời sống của thầy. Ðó là bài học sâu sắc mà chúng con không thể nào quên được.

   Con còn nhớ cứ mỗi lần ra hạ và ngày tết, huynh đệ chúng con đi đãnh lễ thầy và luôn được thầy nhắc nhở rằng: “Tuổi các con còn nhỏ, trước mắt nên cố gắng học, trước nhất là để tạo dựng nền tảng vững chắc về kiến thức Phật pháp để tu tập bản thân, sau nữa là làm hành trang trên con đường phục vụ cho đạo pháp, cho chúng sinh. Ðiều cần nhớ nhất là các con còn non nớt, chưa từng trãi qua các chướng duyên nhiều, cần phải biết né tránh bớt các trần cảnh, để bớt buông lung ý”. Những lời dạy ấy, chúng con hằng ghi khắc trong tim, để làm kim chỉ nam trên bước đường tu học.

Con còn nhớ rất rõ là trong đám tang của HT. Viện chủ chùa Vĩnh Nghiêm, thầy làm xướng ngôn viên, hôm ấy thầy đã nói với con rằng: “Ta nên biết, ta phải sống sao để  khi ta xuôi tay nhắm mắt, mọi người đều thương tiếc khóc, còn ta thì an lạc cười...”  

Bây giờ đúng thật! Hàng ngàn đôi mắt đỏ hoe đang nhìn lên di ảnh thầy, thầy như vẫn đứng đó với nụ cười an lạc và ánh mắt hiền hòa, nhân hậu gởi lại cho tất cả mọi người tình yêu thương bao la vô tận.  

Diệu Liên

 

Người thầy thân thiết, bao dung ^ 

Lần đầu tiên học chữ Hán tôi rất sợ vì ám ảnh bởi câu nói của những người già: “mắc như chữ Nho”. Ðến giờ Phật học giáo khoa thư, tôi lo lắng nhìn ra cửa lớp để xem vị nào phụ trách môn học này.

Từ xa tôi nhìn thấy vị thầy cao lớn phong thái đỉnh đạc bước vào. Sau khi cả lớp niệm phật cầu gia bị xong, thầy gọi từng người lên đọc bài. Thầy cầm cây thước đến trước mặt tôi bảo đọc bài mới. Tôi ấp úng trả lời :

- Thưa thầy con chưa biết đọc.

Thầy hỏi:

 - Con mới vào học phải không?

- Thưa phải.

- Vậy con phải ráng phấn đấu nhiều hơn nữa để theo kịp các huynh đệ.

Thầy bảo tôi ngồi xuống. Lúc đó mặt tôi nóng bừng vì hỗ thẹn. Nhưng cảm giác đó qua rất nhanh bởi khi nhìn dáng dấp hiền từ và nghe và giọng nói hòa ái của thầy, tôi cảm thấy như được khích lệ, thấy an tâm và tự nhủ rằng mình sẽ học tốt để không làm thầy buồn.

Từ lúc ấy tôi nỗ lực trau dồi Hán ngữ . Chẳng bao lâu, tôi đã đọc và viết được chữ Hán như huynh đệ trong lớp. Mỗi lần đến giờ Phật học giáo khoa thư là tôi rất mong được thầy gọi lên đọc.

- Ðức Châu lên đọc bài mới.

Thầy gọi, và tôi đã lên đọc rất trôi chảy. Ðọc xong tôi hoan hỷ nhìn thầy, đợi lời nhận xét. Thầy không nói gì, chỉ mỉm cười. Nụ cười ấy đã làm cho tôi cảm nhận được tất cả tình thương yêu trìu mến của thầy dành cho đứa học trò mới như tôi. Tôi cảm thấy vô cùng sung sướng khi đã làm thầy vui dù chỉ vài giây phút nhỏ nhoi.

Tiết học của thầy lúc nào cũng có tiếng cười. Chúng tôi luôn dành cho thầy những tình cảm thương mến kính trọng nhất. Thỉnh thoảng thầy đi đến chỗ từng đứa, thăm hỏi, trò chuyện đôi câu thân thiện như một người cha. Sau những câu trả lời chơn chất, hồn nhiên của chúng tôi, thầy thường bật cười rồi ký yêu lên đầu mỗi đứa một cái. Cử chỉ thân mật ấy chúng tôi không sao quên được.

   Ở thầy có một tình thương bao la bất tận, nhất là tấm lòng đối với thế hệ sau. Thầy không bao giờ la rầy nặng lời với học trò, thầy chỉ dùng ái ngữ và tình thương để dạy dỗ. Có nhiều lúc chúng tôi còn lơ là việc học, thầy không giận mà chỉ ân cần khuyên bảo nhẹ nhàng. Thầy luôn sống bình dị, khiêm tốn, gần gũi với tất cả mọi người. 

Ðức Châu

 

 

Thầy chánh chủ khảo ^ 

thầy có rất nhiều điều để học tập, nhưng có lẽ con chỉ nói một điều mà con khó quên nhất. Ðó là sự ứng xử của thầy khi đóng vai trò là một vị chánh chủ khảo của những kỳ thực tập diễn giảng.

Trong cuộc đời ai cũng có những lúc lo âu sợ sệt. Ðứng trước đám đông mà tuyên thuyết, diễn giảng là một công việc làm cho đa số chúng ta lo ngại rất nhiều, mà nhất là trong những trường hợp tập sự ban đầu, sự lo lắng khẩn trương càng tăng gấp bội. Tâm trạng bồi hồi, lo âu, hồi hộp khi lần đầu tiên đứng trước thính chúng sao mà khó tả quá. Tâm trạng ấy đã làm cho biết bao thí sinh khốn đốn vì bị quên đi những điều mình đã học thuộc lòng, phần vì lúng túng nên nói lắp, nói sai, phần lại lo sợ chúng bạn chê cười mình nói không sâu, không hay hoặc giọng nói khó nghe v.v... Ðó là những tâm trạng mà bất cứ thí sinh nào cũng trải qua. Những lo âu về thuyết giảng rồi cũng qua khi thí sinh hoàn tất thời lượng trình bày. Thế rồi, sự lo âu kế tiếp lại nảy sinh: đó là sự đánh giá của ban giám khảo. Ðành rằng mục đích thực tập là nhằm luyện cho mình dạn dĩ và tự tin khi đứng trước đám đông, luyện cách ứng xử, cách nói năng, trình bày... nhưng kết quả đánh giá của ban giám khảo là nguồn động viên rất quan trọng. Kết quả cao làm cho ta phấn khởi, kết quả thấp làm ta thất vọng, buồn phiền. Có lẽ giờ phút đánh giá là quan trọn nhất đối với những thí sinh thực tập.

   Là những người mới bước vào con đường tập sự thì làm sao tránh khỏi những thiếu sót. Có điều là làm thế nào để tạo cho họ thấy chúng và chỉ cho họ cách khắc phục có hiệu quả. Con còn nhớ những lời khuyên của thầy đối với những tăng ni sinh. Thầy không bao giờ phê bình ai hay ai dở mà chỉ nói những điểm cần lưu ý để tránh hoặc phát huy. Ðiều đó làm nhẹ nhỏm cho biết bao thí sinh đang lo âu. Những điều thầy nhắc nhở nhiều nhất là tác phong của một tăng ni khi lên thực tập giảng. Ðó là oai nghi, là những lời thưa chào ngắn gọn nhưng trang trọng và đủ ý nghĩa. Rồi thầy nhắc về điệu bộ, giọng nói. Không cần phải bắt chước giọng của miền này miền nọ mà chỉ nên trung thành với chất giọng vốn có của mình vì mỗi nơi đều có cái hay riêng của nó. Chỉ cần trình bày rõ ràng và phát âm đúng là tốt. Như thế sẽ tránh được sự tẻ nhạt và khó chịu đối với thính giả. Chỉ vài lời đó cũng đủ làm cho chúng con khó quên.

Thời gian trôi qua, chúng con mỗi ngày lớn lên và học được nhiều điều mới lạ nhưng những lời thầy vẫn còn nguyên giá trị. Cách ứng xử của thầy lúc ấy vẫn là hình ảnh tuyệt diệu để cho chúng con noi theo trên vạn nẻo đường đời. Thầy không còn trực tiếp giảng dạy nhưng những pháp âm vi diệu ngày nào vẫn còn vang vọng. Nó không mất theo thời gian bởi vì nó đã thấm sâu vào tâm hồn của mỗi chúng con. 

Hạnh Chơn.

 

Hạnh nguyện lợi tha ^ 

Chúng con còn nhớ mỗi khi lên lớp thầy hay nói: “Học trò ba ngày không đọc sách, trên mặt đóng rét khó coi, nói năng thì nhạt nhẽo khó nghe...” giờ đây ngồi một mình bên giá sách, nhìn lên di ảnh của thầy, con mới thấm thía lời dạy năm xưa.

Có lần thấy lớp mệt mỏi, làm biếng học, thầy không la mắng mà chỉ nói nhẹ nhàng: “tụi bây thiệt là...” lời nói chơn chất, mộc mạc, bình dị, hiền hòa, thể hiện sự bao dung trìu mến khiến cả lớp cảm thấy thật vui và thích thú, một tràng vổ tay thật giòn vang lên, xua tan sự uể oải, lớp trở lại không khí sinh động. Thầy hay đọc mấy câu thơ nhắc nhở chúng con:   

Trên đường đạo không gì bằng tinh tấn

 Không gì bằng trí tuệ của đời ta

 Sống điêu linh trong kiếp sống ta bà

 Chỉ tinh tấn là vượt qua tất cả. 

Thầy ơi! những pháp âm này sẽ theo chúng con đi suốt cuộc đời.

Thầy đến với cuộc đời và tận tụy bao năm hoạt động rồi cuối cùng cũng đã ra đi, chỉ còn lưu lại những tiếc thương, những lời tâm huyết, những công việc còn dang dở, những ước mơ chưa kịp thực hiện.

Nhìn những chiếc lá rơi ta thử ngẫm nghĩ rồi sẽ thấy thương và khâm phục cuộc đời lặng lẽ chỉ biết hiến dâng của lá. Lá luôn làm hết nhiệm vụ của mình là giúp cây quang hợp, cung cấp dưỡng chất nuôi cây, không bao giờ nghĩ đến một ngày thân vàng úa phải rời xa công trình mà mình đang xây đắp. Một làn gió thổi qua, chiếc lá nhỏ bé sẽõ rời thân cây, chấm dứt cuộc đời ngắn ngũi. Giây phút cuối cùng ấy, trong không gian lơ lững, lá vẫn hồn nhiên đong đưa theo gió như giang tay chào vẫy cám ơn đất trời.

Tôi còn nhớ lời thầy dạy: “Mọi con sông đều có nước lớn nước ròng, có lúc đục lúc trong, lúc sóng dữ lúc êm đềm... nhưng chẳng con sông nào có thể chảy ngược. Ðời người hệ lụy với dòng chảy thời gian được biểu hiện qua bốn tướng sanh – già – bệnh – chết. Rồi thì chúng ta phải thuận theo quy luật đó, chúng ta phải sống cho ra sống, sống đúng với nghĩa của một con người”.

Vào ngày trước lúc xả bỏ nhục thân, thầy hết lời khuyên nhắc chúng con về hạnh thiểu dục tri túc, mà cũng chính là bài pháp cuối cùng của thầy với lớp chúng con tại giảng đường Vĩnh Nghiêm: “Với người xuất gia, ít muốn – biết đủ chính là tự giải thoát cho mình. Xưa nay oán thù, hơn  thua, ganh ghét cũng tại thiếu tri túc mà ra. Người tu mất hạnh thanh tịnh cũng vì không biết tri túc. Nên biết: Tửu bất túy nhơn, nhơn tự túy; sắc bất mê nhơn, nhơn tự mê...tụi con nên biết kềm lòng. Một người biết điều khiển được cảm xúc của mình, người đó sẽ mạnh hơn...”

Tôi chỉ mong mình sống được theo tấm gương lợi tha của thầy: Vì đời vì đạo, âm thầm phục vụ, làm hết sức mình...

Và chỉ cần có thế.                                                  

Thích Trí Tài 

 

Hành trang để lại^

Trong phật học viện Huệ Nghiêm những năm ấy, thầy là tăng sinh nhỏ tuổi nhất nhưng sức tu và lực  học không kém các huynh đệ đồng môn. Ngoài những giờ chấp tác, hầu hết thời gian thầy đều dành cho việc tu học. Những khi nhàn rỗi, thầy thường bách bộ trong khuôn viên chùa với phong thái thanh thản nhẹ nhàng. Khi nghe hỏi :

- Thầy khỏe không?

Thầy đáp:

-    Trong sanh tử,  khỏe sao được.

- Sao thầy vui vậy?

- Ðược xuất gia học đạo,  không vui sao được.

- Thầy có buồn không?

- Ta bà không buồn sao được.

Những câu trả lời vui vui của thầy đã thể hiện một cuộc sống thong dong, phóng khoáng của một con người con Phật.

Mỗi lần gặp chướng duyên, thấy tôi sầu não, thầy nhắc nhở: “Bộ con tưởng thật hả? Cứ thấy cảnh là chạy theo”. Thế là, tôi được thầy anh minh gỡ giúp ra khỏi vòng vây triền phược ấy. Những lời nhắc nhở chân tình và sâu sắc của thầy thể hiện một nội tâm vững chãi, tự tại và an lạc của một bậc chân tu đầy bi trí.

Tôi nhớ mãi câu nói lập đi lập lại của thầy khi gặp tôi bất cứ  nơi đâu: “Ni tu khó lắm, con tu được không? Quý sư bà có thương con không? Có ai ăn hiếp con không? Con phải cố gắng thật nhiều!”. Lời khuyên mộc mạc nhưng đầy ắp đạo tình sâu lắng của một bậc huynh trưởng đối với đàn em trên đường tìm về nơi cội nguồn đầy hoa thơm cỏ lạ nhưng cũng lắm chông gai và thử thách.

Những tình cảm thiên liêng cao đẹp của quí thầy đã giúp tôi thêm ý chí phấn đấu trên đường tu học và tự thấy mình luôn phải có phần nào trách nhiệm đối với Tổ Ðình Huệ Nghiêm. Mỗi năm vào ngày giỗ tôn sư, tôi được về cúng dường và phục vụ, thầy thường ghé ngang qua khu nhà trù, thăm hỏi và dặn dò chúng tôi cố gắng tu học.

Với tánh thái nhẹ nhàng, ung dung, tự tại, trãi qua mấy mươi năm cho đến khi thầy viên tịch, tôi chưa một lần nghe thầy bực bội than thở điều gì dù công việc của thầy cũng gặp biết bao phiền não. Thầy đã hiến dâng cả đời mình cho đạo pháp, cho con người. Tình thương và trí tuệ thầy đã ban rãi cho tất cả. Những gì làm được thầy đã làm, những điều đáng nói thầy  đã đem vào lòng hết thảy chúng hữu duyên.

 Kể từ đây, ngôi nhà Phật pháp thế gian đã vắng bóng thành viên ưu tú. Giáo hội thiếu một cánh tay đắc lực, tăng ni mất một sư huynh, một pháp đệ, một người bạn đồng hành, một bậc thầy khả kính; hàng Phật tử tại gia bất hạnh không còn được một vị thầy đầy từ bi đạo hạnh dìu dắt. Nhưng với tất cả những gì thầy đã để lại cho chúng ta, cũng đủ làm thành một hành trang vô cùng thiết thực trên con đường tìm về Chánh Pháp. 

Tịnh Nghiêm

 

Một phong thái ung dung ^

Tôi đã gặp thầy trong kỳ thi diễn giảng, mùa An Cư PL.2535 tại giảng đường Ấn Quang. Lúc bấy giờ, thầy vừa là người trong ban giám khảo, vừa là xướng ngôn viên của hội thi. Ngoài hạnh tướng xứng ngôi long tượng đạo pháp, điều làm tôi không thể nào quên là giọng nói ấm áp đầy sức thuyết phục và phong thái ung dung chững chạc của thầy khi đứng vai trò một vị xướng ngôn viên.

Rồi sau đó, may mắn hội đủ duyên lành, tôi được học với thầy, được nghe dòng pháp âm vi diệu nơi thầy . Tôi chợt nhận ra rằng để trở thành một vị giảng sư không những phải nhờ vào sức tu học của tự  thân mà còn nhờ vào những kinh nghiệmquí báu được truyền lại từ những bậc tôn đức và từ trong những thực tiễn hành trình hoằng pháp của chính bản thân mình. Không phải ngẫu nhiên mà thầy luôn được hòa thượng trưởng ban hoằng pháp trung ương GHPGVN giao nhiệm vụ giảng dạy “Những kinh nghiệm hoằng pháp” trong các khóa bồi dưỡng giảng sư ở ba miền Bắc - Trung - Nam. Bởi vì ngoài sự tu học miên mật trong suốt những năm dài ở Phật học hiện cao đẳng Huệ Nghiêm, thầy đã có những kinh nghiệm phong phú trong những tháng ngày hoằng pháp khắp các tỉnh thành và đặc biệt là phong thái ung dung tự tại mà bất cứ ai dù gặp thầy một lần cũng khó có thể quên được

Không phải đợi đến lúc xa thầy vĩnh viễn rồi, tăng ni chúng tôi mới cảm nhận được tài đức của thầy. Chúng tôi đã cảm thụ được cái tâm trong sáng, đạo hạnh cao cả ấy ngay từ những ngày được ngồi học dưới sự dạy bảo của thầy.

Tướng tùng tâm hiện, phải chăng tâm an nhiên tự tại giữa cuộc thế dời đổi chuyển xoay đã làm cho thầy có được một phong độ thanh thản, bình an như những vị thiền sư ngày xưa trải thân giúp nước giúp dân nhưng không hề bị lợi quyền, danh tiếng làm khuấy động.

Chúng tôi đã được học nhiều điều tốt đẹp, những kinh nghiệm quí báu trên bước đường hoằng pháp ở thầy. Nhưng điều mà chúng tôi chưa học được chính là phong thái ung dung, không ngăn ngại nơi thầy. Thầy đi giữa hội chúng đông đảo mà dáng tôn nghiêm đặc biệt không hề bị lẫn mất. Thầy tuyên thuyết pháp âm, dù đứng trước mặt bất cứ ai cũng vẫn thong thả từ hòa. Không quá nghiêm nghị để học chúng phải sợ hãi cách xa, không quá dễ dãi để tăng ni sinh dễ duôi, xao lãng việc tu học. Ơû nơi thầy luôn ẩn chứa thái độ từ bi, khiêm hạ, không bao giờ tăng ni nghe thầy quở trách rầy la, ấy thế mà không ai dám để mất oai nghi trong khi đối diện trước thầy. Thế mới hiểu như thế nào là từ  quang phổ chiếu.

   Giờ đây thầy đã vắng đi rồi, nhưng phong thái ung dung ấy mãi là bài học thân giáo sâu sắc nhất để chúng con noi theo, trao dồi, giữ vững uy nghi của người tu sĩ, xứng đáng với Tăng Già, làm sáng ba ngôi Tam Bảo.                          

TN. Nhựt Bửu

 

Ðời người & tâm nguyện ^

Thượng tọa Thích Chơn Thanh viên tịch vào thời điểm chín muồi của tài năng và trí tuệ. Nguồn tinh ba ấy vốn đã được trui rèn, phát triển suốt ba thập niên dưới mái trường Phật học viện Huệ Nghiêm – một đại tòng lâm đào tạo tăng tài nổi tiếng nhất miền Nam vào giữa thế kỷ thứ XX. Vậy mà hôm nay, khi mà trung ương giáo hội đang đặt nhiều kỳ vọng vào thầy, vậy mà trong thoáng chốc người đã ra đi...

Mới hôm trước, vừa gặp tôi tại lễ ra mắt Ban đại diện PG quận Bình Thạnh, thầy liền hỏi: “Lúc này con còn ở chùa không?”. Sau khi nghe tôi bạch, thầy ân cần khuyên bảo: “Con thấy đó, như tượng Bồ Tát Quan Thế Âm bằng đá nặng mấy chục tấn ở chùa, vững chắc, uy nghi, được chăm sóc giữ gìn kỹ thế mà vẫn “ bị tai nạn” gãy tay, sứt mẽ... huống hồ chi con người.  Do vậy, ở đời, dù có gặp chuyện phiền não, thì cũng ráng tập nhẫn nhục để vượt qua, rồi mọi việc sẽ đâu vào đó”. Sau đó mấy hôm, tôi lại gặp thầy tại Văn phòng II để thực hiện bài phỏng vấn về và công tác của Ban Hoằng pháp thành hội và vấn đề tu chỉnh hiến chương của GHPGVN trong nhiệm kỳ V sắp tới. Bài phỏng vấn ấy đã được ban biên tập duyệt, chưa kịp đăng thì thầy đã rẽ sang cuộc hành trình mới. Trong buổi gặp mặt lần cuối cùng ấy vào sáng ngày thứ tư 17 – 7 – 2002, thầy đã nói ra suy nghĩ của mình về đại hội PG toàn quốc nhiệm kỳ V. Theo thầy thì vấn đề quan trọng là phải chú trọng nhiều đến việc kiện toàn tổ chức.

Thầy bảo rằng việc tu chỉnh hiến chương sẽ làm ảnh hưởng không ít đến tính nhất quán của GH, vì thế, nếu có dự hướng tu chỉnh hiến chương, ban thường trực HÐTS cần phải chuẩn bị nội dung cho thật kỹ, để việc tu chỉnh đáp ứng được nguyện vọng tâm tư của tăng ni, Phật tử  toàn quốc, và nhất là phải phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội. Song song đó, việc sửa đổi các điều trong nội qui hoạt động của các ban, ngành, viện, trung ương cũng là điều mà GH phải quan tâm. Ðối với vấn đề cơ cấu nhân sự vào các ban ngành phải đặc biệt chú trọng đến những vị đầy đủ năng lực và phẩm hạnh. Ví dụ, Ban Giáo dục tăng ni cần phải phát hiện và cơ cấu vào những nhà giáo dục Phật giáo  mô phạm, thực tài; Ban Hoằng pháp cần phải có những vị giảng sư uyên bác về Phật học lẫn thế học; Ban Tăng sự cần có những vị chân tu đạo đức để tăng ni trẻ nương nhờ tu học, hành đạo đúng phạm hạnh. Riêng Ban Tăng sự trung ương thì thầy có đưa ra nhận định là trong nhiệm kỳ IV chưa có những qui định khế hợp về việc xuất gia, do đó, đã từng xảy ra tình trạng nhiều tăng ni từ nơi khác đến TP. HCM tu học, khi có Phật sự trở lại địa phương của mình nhờ chính quyền xác nhận giấy tờ còn nhiều khó khăn, chưa thực sự được cảm thông, hỗ trơ.

Một công tác khác của Ban Tăng sự đó là việc cho phép các Ban trị sự  tổ chức đại giới đàn nhưng lại thiếu sự giám sát chặc chẽ. Thầy đưa ra ý kiến đề xuất rằng, các Ban trị sự nên chăng phối hợp cùng nhau tổ chức đại giới đàn liên tỉnh hoặc cụm, khu vực sẽ tiết kiệm rất nhiều kinh phí và quan trọng hơn hết là việc tuyển chọn tu sĩ thọ giới chắc chắn sẽ được sàng lọc kỹ càng, chất lượng hơn là mỗi tỉnh tự đứng ra tổ chức như lâu nay.

Khi đề cập đến công tác hoằng pháp tại TP. HCM, với tư cách là trưởng ban, thầy nhận định: Sau một thời gian thử  nghiệm, sắp tới Ban Hoằng pháp thành hội sẽ họp bàn đưa ra định hướng cụ thể cho từng giảng đường và các lớp giáo lý. Trong nhiệm kỳ qua, Ban Hoằng pháp thành hội đã phần nào thành công trong việc tạo điều kiện cho  các đạo tràng chuyên tu phát triển song song với các lớp giáo lý. Ðiều mà thầy mong muốn nhất từ những đạo tràng đã định hình như: Phật thất, Pháp Hoa, Thiền... trong tương lai cần có thêm những bậc thầy chuyên tu của từng pháp môn ấy để hướng dẫn cho tăng ni, Phật tử  hành trì đến nơi đến chốn.

Một tâm nguyện lớn nhất của thầy đối với việc giáo dục tăng ni là xây dựng lại Phật học viện nội trú Huệ Nghiêm với qui mô ngang tầm, phù hợp với thời đại.

Hôm nay, ngồi đọc lại những lời thầy bày tỏ, có việc thầy đã làm tròn, đồng thời cũng có việc đang còn dở dang. Cả đời mình, thầy đã vì Ðạo Pháp mà có biết bao ưu tư trăn trở. Mong rằng những tâm nguyện của người sẽ được thực hiện rốt ráo và hoàn mãn trong một tương lai gần. 

Phổ Tâm    

 

Áo nâu còn mãi^

Con xếp vội những chiếc áo cũ, để lướt qua cái cảm giác nghèn nghẹn, cay xé đến  tận mắt. Những chiếc áo ngày xưa, đơn sơ mộc mạc, nhưng chứa đựng biết bao tình cảm thầy trò, đơn sơ mà chất đầy những nỗi niềm kính tiếc không nguôi.

 “Thầy là đỉnh núi cô liêu ngàn đời tịnh mặc. Trò là sông dài cuồn cuộn bỏ núi ra đi. Còn đây áo cũ ngậm ngùi. Còn đây dáng núi nụ cười an nhiên”. Con nhớ những ngày đầu bước chân lên đất Sài thành nhộn nhịp, thầy thường khuyên: “Trong cuộc sống hiện đại, chúng ta - nhất là tu sĩ  trẻ  - phải biết tỉnh thức tu tập, phải biết cảm thông và chia sẻ với mọi người xung quanh, rồi từ  đó mới có thể hiểu được chính mình con ạ!”. Giọng nói trầm và sâu cũng như  chính nhân cách sống của thầy vậy: thanh cao mà bình dị, trang nghiêm mà dễ gần. Mỗi lần về Huệ Nghiêm viếng thầy, con thường nghe câu nói: “Ông thầy, học hành đến đâu rồi? Phải cố gắng nghen, con đường tu tập còn dài và nhiều gian nan lắm đó!”. Nói xong, Thầy lại xoa đầu con, rồi cười, rồi lắng nghe con  thưa việc. Nhìn ánh mắt nghiêm từ  cộng với sự cảm thông và khích lệ của thầy, con cảm thấy bình tâm và tự  tin hơn đối với những hoài bão cao đẹp mà mình hằng ấp ủ và đó cũng là kỳ vọng của thầy đối với con - đứa học trò nhỏ mà thầy đã dành cho nhiều mối quan tâm.

Nếp sống giản đơn, đậm chất Nam bộ của Người, luôn nhắc con nhớ về một góc quê nhà, nơi có những người thân và ngôi chùa thời thơ bé. Từ nơi ấy con đi, như  từ nguồn cội bước đi tìm lại cội nguồn, cũng như từ nơi thầy con trưởng thành để trở lại tìm thấy chính mình.

Có lần con ra thăm thầy, thấy con mặc chiếc áo cũ bạc màu sờn rách, thầy không nói gì, nhưng âm thầm nhờ người may cho con áo mới. Cầm chiếc áo trên tay, con lặng người xúc động. Thầy không chỉ dõi theo từng bước tu học của con như một người thầy, người cha, mà còn chăm chút cho con với tình thương  ngọt ngào ấm áp bao la như một người mẹ. Không ồn ào thể hiện ra, nhưng tấm lòng từ ái mênh mông của thầy, tất cả chúng con đều cảm nhận được.

Giờ đây ngồi xếp lại những chiếc áo cũ của thầy, không phải “xếp tàn y lại để dành hương” mà là muốn giữ hoài cho những chiếc áo ấy mãi còn nguyên vẹn, hóa thạch để lưu giữ mãi tình thương của thầy đã dành cho con. Ðể rồi, mỗi lần khoác chiếc áo màu nâu lên người, bước ra đường đời xuôi ngược, nhiệt thành góp chút công sức nhỏ bé của mình vào công cuộc hoằng pháp lợi sanh, con vẫn cảm thấy thầy luôn ở quanh con, vẫn mãi có bàn tay, ánh mắt của thầy nghiêm từ  dõi theo, nâng dắt con đi.                                                                  

                                                   Thích minh thuận

 

 

Pháp lữ đạo tình ^

 

Trần Quê Hương

 

 

Tăng già pháp lữ khắp gần xa

Ni giới thọ ân... kết lục hòa

Phật pháp nhiệm mầu, công đức hóa

û tôn tương hội cảm ma ha.

Voâ lượng vô biên vi diệu đạo

Cùng bi - dũng - trí mặt ba la

Thương sao một “đóa tài hoa” khép

Tiếc ngũ thập niên... sớm ngự tòa!

Thượng phẩm thượng sanh siêu thượng giới

Tọa Tây phương tỏa rạng Pháp thân

Chơn tâm tịnh lạc chơn như hiện

Thanh thản trạm nhiên trú Niết Bàn.

 

 

 

Còn mãi ^

 

Tịnh Hạnh

 

 

Thầy về cõi tịnh an nhiên

Tăng ni phật tử mọi miền tiếc thương.

Thầy vì tứ chúng muôn phương

Năm lăm trụ thế tình thương đại đồng.

Pháp âm vi diệu khai thông

Thầy đem chánh pháp soi lòng khắp nơi.

 

Hôm nay thầy vắng đi rồi

Nhưng lời thầy mãi bên đời chúng con.

 

 

                                                              

Vẫn rất gần ^

 

Huệ Hoàn

 

 

Thứ bảy chiều nay vắng bóng thầy

Sân trường sao lắm lá vàng bay

Phấn rơi còn trắng trên bục giảng

Mà đã về đâu tiếng giảng bài?!

 

Thứ bảy tuần qua hãy còn vương

Lời thầy trầm bổng vọng du dương

Sữa pháp men theo từng hơi thở

Giáo lý từng trang thấm đượm nhuần.

 

Thầy chẳng còn nhưng mỗi cuối tuần

Con vẫn mong hoài những bước chân...

Thành Thật Luận môn còn dang dỡ

Thầy dẫu đi xa vẫn rất gần.

 

 

 

Còn đâu!^

 

Tâm Phúc

 

 

Trên bục giảng dáng thầy thân thiết

Tay dịu dàng với phấn trắng bảng đen

Nhân hậu cười nhìn chúng con vòi vĩnh:

“Nghỉ Phụ ơi! chúng con muốn ra về”

Người dỗ dành: “Ráng chút nữa các con ơi!”

Thành Thật Luận chiều nay ngày thứ bảy

Thầy đã ra đi rồi mãi mãi

Lớp còn đây bục giảng vẫn còn đây

Mà biết tìm đâu chiều thứ bảy... 

                                     những ngày.........

 

                                               

Lời thầy vang mãi ^

 

Huệ Liên

 

 

Vẳng bên con những lời vàng

Nghe trong sâu thẳm còn vang tiếng thầy

Chiều nay trời phủ khói mây

Mịt mờ giăng kín lấp đầy khoảng không

Còn đây biển pháp mênh mông

Mà vầng dương đã khuất trong xa vời

Ngậm ngùi nhìn cánh hoa rơi

Trời đêm mùa hạ chơi vơi nỗi niềm

Trải bao sanh tử triền miên

Thầy ra vào giữa vô biên phép mầu

Cuộc đời thật chẳng bền lâu

Giờ con mới hiểu rõ câu vô thường

Mà lòng vẫn thấy vấn vương

Nhớ hoài hình dáng thân thương ngày nào

Bài kinh thầy đã truyền trao

Vẫn còn in đến ngày sau vẹn tròn.

 

 

                                   

Nét buồn ^

 

Minh Nhẫn

 

 

Thầy ơi! Diệu pháp vô nghì

Thầy chưa thuyết trọn đã đi vội vàng.

 

Chùa buồn khói quẩn chân nhang

Lối mòn cỏ úa, rêu lan góc thềm.

Ngậm ngùi trú xứ Huệ Nghiêm

Ðèn thiền chợt tắt, trăng đêm chuyển màu.

Kiếp người như gió qua mau

Thảnh hơi thầy hướng lối vào chân như.

 

Chuông chiều vọng  tiếng thanh ưu

Người đi vuốt mặt còn lưu nét buồn.

 

 

 

Nhớ nắng ngày xưa^

 

Thích Huyền Lan

 

 

Con đứng lặng giữa khung trời học viện

Cố tìm trên lối cũ dấu chân thầy

Chiều Huệ Nghiêm mưa cuối hạ buồn thay

Chỉ còn thấy đáng thầy trong di ảnh.

 

Những năm tháng gian nan vất vả

Thầy giang tay như mẹ dắt con đi

Mở lớp học dù chỉ vài ba đứa

Vì chúng con thầy nào có quản gì.

 

Chúng con lớn như chim rời khỏi tổ

Ðến mọi vùng  góp sức chung tay

Lòng vẫn luôn thương nhớ mãi nơi này

Ân giáo dưỡng tình thầy bao la quá!

 

Con đứng lặng trong sân chùa cuối hạ

Cây liễu già ủ rủ đứng buồn tênh

Ðầu xuân ấy thầy cho con nắng ấm

Chớm thu nay con trước gió một mình!

 

Tang phấn^

 

Tâm Huệ

 

 

Con thờ thẩn lật hoài từng trang vở

Mong nhặt được dù một hạt phấn ngày nao

Con nâng niu nâng từng viên phấn gãy

Nhớ giọng thầy xưa và bài giảng hôm nào.

 

Nghe trống vắng cả góc này bục giảng

Viên phấn buồn nhớ hơi ấm bàn tay

Nước mắt rớt vo tròn trong bụi phấn

Trắng chiều nay tang phấn khóc thương thầy.

 

 

 

Hướng chân thầy^

 

Thu Nguyệt

 

 

Con nhìn lên phía bảng đen

Tưởng như hình bóng thân quen vẫn còn...

 

Thầy như viên phấn hao mòn

Khuyết thân mình để chúng con sáng lòng

Biết rồi “sắc tức thị không”

Mà sao mắt vẫn tuôn giòng tiếc thương!

 

Lối đi quen trước giảng đường

Cỏ cây như vẫn còn vương tiếng thầy

Áo nâu vừa thoáng đâu đây

Mà thân cát bụi một ngày thoắt xa.

 

Tâm thành dâng vạn đài hoa

Nâng chân thầy bước hướng tòa Như Lai.

 

---o0o---

[ Mục Lục ] [ Phần I ] [Phần II ] [Phần III] [Phần IV]

---o0o---

 Trình bày: Nhị Tường

Cập nhật: 1- 10 -2004

 

Webmaster:quangduc@quangduc.com

Trở về Trang Nhân Vật PGVN

Đầu trang

 

Biên tập nội dung: Tỳ kheo Thích Nguyên Tạng
Xin gởi bài mới và ý kiến đóng góp đến ban biên tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com