Tiếng Việt

Trang nhà Quảng Đức

   Tiếng Anh 

qd.jpg (8936 bytes)

Kỷ yếu


   

 

 

Kỷ yếu

 

Trùng tu

CHÙA VẠN ĐỨC

 

VÀI NÉT VỀ TIỂU SỬ CHÙA VẠN LINH

 Núi Cấm có tên là Thiên Cẩm Sơn (núi đẹp như gấm trời), là ngọn núi hùng vĩ nhất trong dãy Thất Sơn. Sở dĩ có tên là núi Cấm do vì khi vua Gia Long thất trận nên rút lên đây ẩn náu, sợ lộ tung tích nên cấm không cho dân chúng lên. Mọi người gọi là Ông Cấm, tức là Vua Cấm. Sáu núi còn lại là:

01. Anh Vũ Sơn (núi Két).

02. Ngũ Hồ Sơn (núi Dài năm giếng).

03. Liên Hoa Sơn (núi Tượng).

04. Thủy Đài Sơn (núi Nước).

05. Ngọa Long Sơn (núi Dài).

06. Phụng Hoàng Sơn (núi Cô Tô).

Tuy liệt kê như vậy, nhưng trong vùng bảy núi này còn có núi Trà Sư, núi Bà Đội Om v.v. . . và những núi nhỏ khác nằm rải rác. Dân gian thường gọi "năm non bảy núi". Non là những vồ đá lớn nằm cao lên trơ trọi một mình. Năm non thường gọi đều nằm trên núi Cấm là:

01. Vồ Bồ Hông (cao nhất, là đỉnh của núi Cấm).

02. Vồ Bà.

03. Vồ Ông Bướm.

04. Vồ Đầu (Vồ Trăm Họ).

05. Vồ Thiên Tuế (có rất nhiều cây Thiên Tuế).

Núi Cấm thuộc địa phận xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Từ Long Xuyên nếu đi ngã Châu Đốc thì phải 89km, còn đi ngã Lộ Tề Trí Tôn thì chỉ có 60km đường xe. Núi cao 716m so với mực nước biển, chiều dài 7km500, ngang 6km800, được thiên nhiên ưu đãi nên khí hậu ôn hòa mát mẻ quanh năm, nhiệt độ trung bình từ 25 độ đến 28 độ C. Đất đai lại màu mỡ, cây trái xanh tươi, có nước quanh năm. Điều kiện sinh sống tương đối dễ dàng nên dân chúng về ở rất đông. Hiện nay, có trên dưới ba ngàn người.

Chùa Vạn Linh nằm dưới chân Vồ Bồ Hồng độ cao 535m so với mặt nước biển. Không liệt vào hàng chùa cổ, vì chưa tròn 80 tuổi, vậy mà đã trải qua bao nỗi thăng trầm, thịnh suy biến hoại.

Năm 1927, sau mùa An Cư, Hòa Thượng Khai Sơn Thượng Thiện Hạ Quang, húy Hồng Xưng xin với Tổ Phi Lai lên núi Cấm ẩn tu, được Tổ chấp thuận.

Ngài lên núi dạo xem khắp nơi, cuối cùng chọn nơi đây, cách chùa Phật lớn không bao xa, lập am tranh tu hành.

Đối với tín ngưỡng dân gian, núi Cấm là một vùng đất linh thiêng huyền bí với những huyền thoại ly kỳ hấp dẫn, lại cảnh vật xinh tươi, gió reo suối chảy, chim kêu vượn hú làm tăng thêm phần u tịch.

Sau khi ổn định nơi ăn chốn ở, Ngài tu hành miên mật, trì chú Đại Bi và niệm danh hiệu đức Quán Thế Âm đắc lực cho đến khi ngủ vẫn niệm, nhờ đó phát sanh trí huệ. Ngài vốn rành y thuật lại thêm trên núi rất nhiều cây thuốc quý. Nhân duyên đưa đẩy, những người bị bệnh không đường chạy chữa đã tìm tới Ngài cứu giúp. Khi thì hốt thuốc, khi dùng nước lạnh. Có bệnh Ngài chỉ chú nguyện, vậy mà bệnh nào cũng khỏi. Tiếng lành đồn xa, người tìm tới ngày càng đông. Có người ở lại xin công quả, có người mến đức xin xuất gia tu học. Am tranh chật chội nên Ngài cho làm chánh điện, Tăng phòng, nhà bếp riêng để có thể đáp ứng nhu cầu. Chùa Vạn Linh được hình thành từ đó. Chính nơi đây vào năm 1937, Hòa Thượng Vạn Đức đã đủ nhân duyên xuất gia tu học với người. Từ cái nôi đó, Hòa Thượng Vạn Đức đã tinh cần tu học trở thành bậc danh Tăng và đã đem trí huệ của mình làm cho giáo nghĩa kinh điển Đại Thừa được lưu thông, khiến cho đại chúng được vô cùng lợi ích. Đến năm 1941, Ngài khởi công trùng tu chánh điện khang trang hơn, mái lợp ngói. Đến năm 1943 mới xong, có thể nói là chùa có bề thế nhất núi lúc bấy giờ.

 

Năm 1945, chiến tranh bùng nổ, để đảm bảo an ninh khu vực, chính quyền Pháp ra lệnh không cho dân ở trên núi, Hòa Thượng cùng Tăng chúng xuống núi. Thấy không yên, Ngài bèn về chùa Linh Bửu ở cầu Bông Saigon. Đến năm 1953, Ngài viên tịch.

Năm 1954 ký hiệp định, đất nước tạm yên. Trưởng tử của Hòa Thượng Khai Sơn là Hòa Thượng Thiện Thành lúc bấy giờ đang ở núi Kỳ Hương gần Tổ đình Phi Lai, Thầy và một số Tăng chúng cùng nhau về núi. Mười năm vắng bóng người, cây rừng rậm rịt che chắn lối đi. Đến nơi thì than ôi! Cảnh cũ còn đây mà ngôi chùa ngày nào bây giờ không còn thấy nữa,, chỉ còn là một đống vụn hoang tàn đổ nát, ai đó đã đang tâm phá hoại ngôi chùa. Nghĩ đến công ơn Thầy Tổ đã dầy công xây dựng, Thầy không nở đứng nhìn, Thầy bắt tay vào việc dọn dẹp và dựng tại lại ngôi chùa lá với Tăng phòng nhà bếp cho Tăng chúng ổn định tu hành.

Đến năm 1958, nhờ một số Phật tử Thành phố phát tâm ủng hộ vật tư, Thầy khởi công trùng tu kiên cố. Tuy không lớn lắm nhưng được cột bê tông tường xây, mái đúc dán ngói, đến năm 1960 hoàn thành. Chùa Vạn Linh bắt đầu khởi sắc trở lại,Tăng chúng tăng thêm, Phật tử vãng lai ngày càng đông đúc.

Chẳng bao lâu, chiến tranh lại có mòi nhen nhúm, núi Cấm lại là nơi hiểm địa rất có vị trí chiến lược về mặt quân sự, vì thế một lần nữa, dân núi lại một phen gồng gánh xuống núi theo lệnh của Mỹ và chính quyền cũ vào năm 1967. Thầy Thiện Thành cùng Tăng chúng đành phải về Tổ đình Phi Lai nương náu, để chờ chấm dứt chiến tranh. Đến năm 1970, Thầy được chư Tôn đức trong vùng cũng như tông môn Tổ đình Phi Lai cung thỉnh Thầy giữ chức trụ trì. Thầy chấp nhận và lại phải một phen trnùg tu sửa chữa. Dù trụ nơi Tổ đình rộng lớn nhưng Thầy luôn hoài vọng về Vạn Linh, núi Cấm và lo sợ khi thấy chiến tranh ngày càng ác liệt. Nỗi lo của Thầy trở thành sự thật. Sau một trận bom càn quét như rải thảm của B52 vào năm 1972, chùa Vạn Linh nằm trong tọa độ nên bị san bằng, chỉ còn là đống gạch vụn.

Tháng 04, năm 1975, chiến tranh kết thúc, thống nhất đất nước, Thầy về núi thăm lại chùa xưa, cảm cảnh hoang tàn đổ nát, Ngài rất đau xót, phát tâm tìm cách xây dựng lại, nhưng lúc ấy tình hình còn rất phức tạp, nhất là trên núi, chính quyền còn không cho ở huống nữa là xây dựng. Thầy đành ẩn nhẫn chờ thời, mọi việc giao cho ông Hai xử lý. Đến năm 1992, sau cơn đau nhẹ, Ngài an lành thị tịch, mang theo hoài bão chưa thực hiện được.

Xin nhắc lại ông Hai, tên là Lâm Cáo Kía, pháp danh Thiện Thới, là đệ tử của Cư sĩ của Hòa Thượng Khai Sơn. Khi chùa trùng tu năm 1941, ông là thợ mộc chính, công quả xây dựng cho chùa. Khi hoàn thành, ông ở lại chùa và được Hòa Thượng giao coi việc tu sửa. Lúc đó, ông thường theo hầu Hòa Thượng, được nghe lời huyền ký về chùa Vạn Linh có thời gian bị hủy hoại nhưng sau này sẽ phục hồi lại to đẹp hơn xưa. Vì thế sau năm 75, ông lên núi dựng tạm lại ngôi chùa lá đơn sơ, thờ lại các tượng Phật không toàn vẹn. Từ đó, chùa được mọi người đặt tên là chùa Lá, và ông Hai tranh thủ liên hệ chính quyền để xin phép, nhưng vì ông Hai lớn tuổi không rành thủ tục đơn từ, lại trong hình thức Cư sĩ không đủ tư cách pháp nhân, cộng thêm An Giang là một địa bàn phức tạp về tín ngưỡng, nhất là vùng núi nên đã trải qua hơn mười năm mà không đi đến đâu. Đến năm 1993, thấy mình đã gần 90 tuổi, mặc dù còn khỏe mạnh nhưng không biết còn sống được bao lâu nên ông về thỉnh cầu Hòa Thượng Vạn Đức. Ứng với điềm chiêm bao nên Hòa Thượng Vạn Đức nhận lời. Đầu năm 1994, Hòa Thượng đã cử Thầy Hoằng Trí xuống liên hệ lo thủ tục xin phép. Lúc đầu cũng là rất vất vả khó khăn, nhưng cũng nhờ Ban Trị Sự Tỉnh Hội đã hết lòng giúp đỡ nên đầu năm 1995 đã nhận lời được quyết định cho phép nên đầu năm 1995 đã nhận được quyết định cho phép xây dựng lại chùa Vạn Linh. Mùng 06 tháng 08 ngày vía Tổ Huệ Viễn, Thầy Hoằng Trí cùng các huynh đệ và một số công quả bắt đâu mở màn cho một công trình gạch nối giữa hai thế kỷ. Trải qua hơn 10 năm nỗ lực, vừa xây dựng vừa tu tập đến nay chùa mới hoàn thành được các công trình chính, phải trải qua thời gian nữa mới hoàn thiện. Thật là nhờ Tam Bảo gia hộ. Kết quả đạt được ngoài ước muốn. Ứng với lời huyền ký của Hòa thượng Khai Sơn và chứng thật lời dạy của Hòa thượng Vạn Đức, là làm bất cứ việc gì bằng tất cả tâm thành, hết lòng vì Tam Bảo thì đều có chư Thiên Hộ Pháp gia hộ và đều được thành tựu.

Thế là, sau thời gian dài bị hư hoại những tưởng đã chìm sâu vào quên lãng, chùa Vạn Linh giờ đây đã phục hồi xứng với tâm nguyện của Tổ Sư. Điều đáng nói ở đây là những người thừa kế làm sao phát huy được tinh thần tu học của tiền nhân, truyền bá chánh pháp, đem kết quả tu tập dâng lên cúng dường, mới mong phần nào đền đáp được thâm ân của Tổ Sư đã dày công tạo dựng.

 

 

QUÁ TRÌNH TRÙNG TU CHÙA VẠN LINH LẦN THỨ BA:

Cuối tháng 04 năm 1975, chiến tranh chấm dứt, thống nhất đất nước. Hòa Thượng Thiện Thành cùng ông Hai và một số bổn đạo lên núi tìm về Tổ đình Vạn Linh với một hy vọng mỏng manh mặc dù có nghe tin chùa đã bị bom sập hoàn toàn. Đến nơi, sự thật đau lòng hiện ra trước mắt. Ngôi chùa không còn nữa, chỉ còn là một đống gạch vụn bị lao sặc, cỏ dại phủ kín. Trên đường xuống núi, không ai nói một lời nào, cùng chung một nỗi niềm thương cảm. Hòa thượng Thiện Thành hiện đang Trụ trì Tổ đình Phi Lai, công việc trùng tu còn đang bề bộn. Những khó khăn trong những năm đầu sau giải phóng chồng chất thêm. Mặc dù lúc nào cũng tâm niệm hướng về Vạn Linh, Thầy cũng đành phải ngậm ngùi chờ đợi. Ông Hai là người đã hai lần đóng góp sức lực và tài vật xây dựng chùa, xót xa biết bao trước cảnh hoang tàn đổ nát này.

Ông nhớ tới Hòa thượng Bổn sư (HT. Khai Sơn) mà ông hết lòng kính mến. Nhờ Ngài mà ông còn sống đến ngày hôm nay, biết được Phật Pháp tu hành, ân đức cao dày ấy biết làm thế nào đền trả được. Ông chợt nhớ đến một hôm nào ông vào thất hầu Hòa Thượng, nhân lúc ông khen ngợi về sự hưng thịnh của núi Cấm lúc bấy giờ. Hòa thượng huyền ký: "Bây giờ, chùa chiền am cốc đông đúc như vây mà sau nầy chỉ còn mỗi một chùa Vạn Linh thôi". Nhớ đến đây, người ông như được tiếp sức, một tia hy vọng rọi vào. Ông tự nhận cho mình một trọng trách, tìm mọi cách xây dựng lại chùa Vạn Linh. Về nhà, ông bàn với gia đình cùng các bổn đạo thân quen tổ chức lên núi xây dựng lại chùa. Thực tế không dễ dàng, thời gian đầu năm 75 còn quá nhiều phức tạp, nhất là vùng núi. Cách mạng còn đang dần dần ổn định, còn chưa cho lên núi huống chi là xây dựng. Đến năm 1976, ông lại thu xếp lên. Thời gian đầu chính quyền không cho ở lại, lần hồi thấy ông lớn tuổi nên cũng dễ dãi. Ông lên xuống dọn dẹp nhiều lần.

 

Đến cuối năm 1976, ông lên dựng tạm một túp lá làm nơi thờ phượng để giữ gìn di tích. Từ đó về sau, dân núi mới lên lập nghiệp, không rõ nguồn gốc nên gọi tên mộc mạc là chùa Lá, và tên đó một thời gian đã đi vào ký ức của những người viếng núi (và chính cái tên đó đã có một giai thoại gây rắc rối cho Thầy Hoằng Trí trong thời gian xin giấy phép, sẽ nhắc lại sau). Dựng xong, ông nhờ người tới lui dòm ngó. Ông cũng đi đi về về, thường thì gần đến mùa mưa ông lên trồng thêm ít cây trái, rồi liên hệ chính quyền xin phép xây dựng, nhiều lần vẫn không được.

Đến năm 1983, ông Hai cùng Hòa Thượng Thiện Thành muốn sớm đưa linh cốt Hòa Thượng Khai Sơn lên núi nên đồng về thưa với Hòa Thượng Vạn Đức. Hòa Thượng Vạn Đức không đồng tình nhưng ông Hai và Hòa Thượng Thiện Thành chủ quan vẫn tiến hành. Mặc dù đã có xin phép địa phương, nhưng chính quyền đã ách lại, bắt đưa xuống núi và trả về chỗ cũ. Chừng đó mới thỉnh ý Hòa Thượng Vạn Đức, Hòa Thượng dạy đưa vào lò thiêu ở An Dưỡng và thờ hũ cốt trên Tháp Phổ Đồng của chùa Huệ Nghiêm.

Mặc dù ông đã hết sực cố gắng trong việc xin phép xây dựng, nhưng vì lớn tuổi, thủ tục đơn từ không rành lại không đủ tư cách pháp nhân nên không được chấp thuận. Đến năm 1993, ông đã gần 90 tuổi. Nhận biết mình không còn sống bao lâu mà việc xin phép dường như không thể nào thực hiện được, nhân ông về Thành phố lo đám tang cho người con trai thứ ba là người luôn sát cánh cùng ông trong các Phật sự, xong ông lên chùa Vạn Đức thỉnh cầu Hòa Thượng đứng ra lo việc xây dựng lại chùa Vạn Đức. Ông xin giao lại hết tất cả những giấy tờ có liên quan đến chùa. Lần này, Sư Ông chấp nhận, ông Hai ra về mà lòng hết sức vui mừng, nhẹ nhàng như trút được gánh nặng và ông hứa sẽ hết sức làm được những gì trong khả năng nếu như chùa được xây dựng lại. Hòa Thượng Vạn Đức có kể lại, sở dĩ lần này Hòa Thượng nhận lời là trùng hợp với một điềm chiêm bao xảy ra cách đó mấy hôm. Hòa Thượng nói từ lâu Hòa Thượng không bao giờ mơ thấy Hòa Thượng Khai Sơn, mà hôm đó trong giấc ngủ chập chờn Hòa Thượng thấy Hòa Thượng Khai Sơn về. Ngài vội lật đật vào lấy y áo mặc vào để đảnh lễ. Vừa cúi xuống lạy thì Hòa Thượng Khai Sơn cũng cúi xuống và hai Thầy trò lạu nhau ba lạy, rồi Hòa Thượng Khai Sơn quay lưng đi ra không nói lời nào. Thức dậy, Hòa Thượng Vạn Đức không biết ý chỉ gì trong giấc mơ. Thế rồi mấy hôm sau, ông Hai lên thưa lại việc trên nên Hòa Thượng trực nhớ đến điềm chiêm bao, nghĩ rằng, chắc Thầy về dạy mình đã đến lúc xây dựng lại Tổ đình. Vì thế, khi ông Hai thưa xong, thấy trùng hợp nên Hòa Thượng Vạn Đức nhận lời liền. Sau mùa Hạ năm 1993, Hòa Thượng cử Thầy Hoằng Trí về núi lo thủ tục xin phép.

Năm sau 1994, nhân giỗ Tổ Phi Lai 15 tháng 02 ÂL, Thầy Hoằng Trí tổ chức một chuyến về nguồn. Sau khi dự giỗ, mọi người lên xe hướng về núi Cấm. Hơn 15 phút xe đã đến núi, mọi người bắt đầu đăng sơn. Lúc bấy giờ chỉ có một cách duy nhất là đi bộ, người nào đi không nổi chỉ có nước mướn người võng lên. Ai nấy đều hăng hái. Ban đầu còn hồ hỡi phấn khởi, dần dần lên cao dốc đứng, mồ hôi ướt áo hơi thở dồn dập, đi một chập lại nghỉ. Mệt mà vui,. Qua khhỏi dốc Bốn ngàn, đường tương đối bằng phẳng. Có chỗ tưởng như đồng bằng, lại thêm gió thổi mát, mọi người khỏe ra, bước nhanh hơn, cuối cùng cũng đến. Theo lối đường mòn lòn dưới những dàn su kéo bằng kẽm gai, phải cúi đầu mà đi. Lên đến ngọn đồi, trước mặt hiện ra một ngôi chùa Lá xiêu vẹo trống trước trống sau. Vào bên trong, phía trước trên bệ thờ chỉ vỏn vẹn tượng đức Thích Ca bằng giấy đã ngã màu cùng các tượng bị sứt tay gãy gọng mà ông Hai lượm lại trong đống gạch vụn. Phía sau thờ khuôn hình Hòa Thượng Khai Sơn cũ kỹ. Trên bàn đầy bụi, ván nhện giăng cùng. Chùa Vạn Linh (chùa Lá) lúc đó là như thế. Sau khi quét dọn, lên nhang đèn thì trời nhá nhem tối. Trong không khí trang nghiêm ấm áp, những người con xa xứ trở về quỳ dưới bệ thờ mà hoài niệm về một thời vàng son, thấm thía định luật vô thường với một ước nguyện chung, mong sớm có ngày chùa được phục hồi lại. Đảnh lễ xong, chúng tôi quay qua nhà trọ. Ngồi quây quận trên tấm vạc tre dài trải đệm, những câu chuyện ly kỳ huyền bí về Thất Sơn, những huyền thoại về Sư Cố tức Hòa Thượng Khai Sơn được những người biết chuyện kể lại. những câu chuyện được tiếp diễn hơn 10 giờ mới đi nghỉ. Đến tháng 07 ÂL 1994, sau khi mãn hạ, nhân đi giỗ Sư Bà Vạn Thành, chúng tôi lại tổ chức thêm một chuyến đi nữa. Nghỉ đêm ở núi Sam, sáng sớm lên núi Cấm, đến chùa khoảng 08-09 giờ. Chúng tôi ăn một bữa cơm trời với cơm nóng canh chua chuối cây tại chỗ thật ngon miệng. Đó là những bước chuẩn bị làm quen với vùng đất xa lạ, nơi mà khi được phép xây dựng chúng tôi sẽ bám trụ lâu dài.

Xin nhắc lại việc xin phép. Sau khi nhận được chỉ đạo của Hòa Thượng, Thầy Hoằng Trí nhờ anh Minh Thạnh vẽ giúp bản vẻ với kết cấu sường sắt lợp tôn, xuống văn phòng 2 xin giấy giới thiệu, tập hợp một số giấy tờ cần thiết có liên quan rồi đáp xe đò đi Châu Đốc. Thường thì hay ở nhà Hoằng Trương. Ban ngày mượn xe Honda đi liên hệ các nơi, tối về đó nghỉ. Trong thời gian này, ông Hai ra ngoài nhà một người con nuôi ở Vĩnh Trung để chờ đón tin tức. Chiều Thầy Hoằng Trí về ghé báo các cho ông hay. Lúc nào cũng thấy ông ngồi trước cửa chờ, có lẽ ông nóng ruột lắm. Ngày lại ngày qua, tháng tháng tiếp nối, nay bổ sung cái, mai bổ sung cái kia, đi lên đi xuống không biết bao nhiêu lần, thấy không có dấu hiệu gì khả quan nên đến mùa Hạ năm 1994, về An cư rồi không xuống nữa. Trong thời gian đi xin phép, dù thế nào, đến Sám Hối và Bố tát Thầy cũng về Vạn Đức. Xong rồi xuống, không kỳ nào vắng mặt.

Đầu năm 1995, vào dịp Tết Nguyên Đán, Đán, một số lãnh đạo Trung ương lên chúc Tết Hòa thượng. Hòa thượng đã nói việc xin phép xây dựng chùa Vạn Linh đã lâu rồi mà chưa thấy được cho quý vị nầy nghe. Quý vị nầy đã hứa với Hòa thượng sẽ chỉ đạo với chính quyền tỉnh An Giang về việc nầy. Sau đó không bao lâu, Ban Trị Sự báo tin lên là có quyết định rồi, nhắn Thầy Hoằng Tri xuống lấy. Thầy Hoằng Trí xuống thì quả là có giấy của Tỉnh đồng ý cho nhưng cần phải bổ sung thêm ít giấy tờ nữa. Trong khi chờ đợi giấy phép chính thức, Thầy Hoằng Trí muốn làm một cái gì đó để lên tinh thần nên tổ chức một chuyến đi làm cỏ. Cùng một vài huynh đệ và một số công quả nam có sức khỏe hợp đồng một chiếc xe 12 chỗ ở lại một tuần. Đến Châu Đốc ghé văn phòng Ban Trị Sự xin giấy giới thiệu để lên ở một tuần lễ làm cỏ. Trong khi viết giấy, Thầy thư ký ghi nơi đến là chùa Vạn Linh rồi quay qua hỏi chùa Vạn Linh ở trên núi thường gọi tên gì? Thầy Hoằng Tri đang lúng túng vì không biết. Thầy thư ký nó luôn phải chùa Phật Nhỏ không. Thầy Hoằng Trí nghĩ rằng bên kia là chùa Phật Lớn thì bên đây là chùa Phật Nhỏ phải rồi bèn gật đầu. Thế là Thầy thư ký mở ngoặc (chùa Phật Nhỏ). Rắc rối xảy ra từ cái mở ngoặc đó. Chúng tôi lên đến núi hơi xế chiều, hỏi thăm tìm đến Văn phòng Ban Tự Quản (Ban Ấp) để trình giấy. Coi giấy xong, vị phụ trách đồng ý Chúng tôi thấy nhẹ nhàng bước ra. Mới được vài bước thì có một vị lãnh đạo ở xã trên công tác trên núi ghé vào và hỏi Ban Tự Quản về chúng tôi. Vị phụ trách đưa giấy giới thiệu. Vị ấy xem qua rồi yêu cầu chúng tôi quay lại. Vị ấy nói giấy nầy là ở Tỉnh cho phép làm chùa Phật Nhỏ chứ không phải chùa Lá.  Chừng đó chúng tôi mới biết chùa Vạn Linh được dân núi gọi là chùa Lá. Và vị ấy dứt khoát không cho chúng tôi ở bên đó và yêu cầu chúng tôi ở nhà trọ chờ điều chỉnh lại. Sáng hôm sau, Thầy Hoằng Trí ra Châu Đốc xin Ban Trị Sự điều chỉnh lại xong đem về xã trình lại. Gặp vị ngày hôm qua là trưởng Công an xã. Đưa giấy đã điều chỉnh cho anh coi nhưng anh cũng nhất quyết không cho, bảo rằng chừng nào có giấy phép chính thức mới cho làm. Năn nỉ mãi không được, chúng tôi nghĩ có lẽ phải nhờ lãnh đạo ở huyện can thiệp thì ở xã mới cho. Thế rồi lại ra Ban Trị Sự để xin giấy liên hệ chính quyền huyện. Chính quyền huyện lúc đó đang lo giải quyết việc đất đai của người dân tộc nên rất bận rộn nên gặp lãnh đạo cũng khó, nhưng cuối cùng cũng được. Về trình lại xã mặc dù đã có ý kiến của huyện, nhưng vị phụ trách ở xã dứt khoát không cho, bảo rằng chừng có giấy phép chánh thức mới cho. Toi công ba bốn ngày đi tới đi lui mà chưa làm được gì, chúng tôi đành xuống núi đi về mà lòng chán nản vô cùng, định đi làm cỏ để lấy tinh thần, rốt cuộc làm cho xuống tinh thần. Tốn tiền xe và ăn ở mấy ngày không làm được gì cả. Mãi đến hạ năm 1995, chúng tôi mới có giấy phép chính thức. Hòa Thượng chỉ đạo chúng tôi sau khi ra Hạ, chuẩn bị lên đường bắt tay vào việc xây dựng. Chúng tôi quyết định đi ngày mùng 06 tháng 08 vía Tổ Huệ Viễn, là ngày đáng ghi nhớ cho khởi đầu việc trùng tu xây dựng Vạn Linh lần thứ ba.

Trước ngày lên đường, Hòa Thượng gọi Thầy Hoằng Trí ra thất đưa cho 15 triệu đồng và dạy: “Số tiền Sư Ông cho không nhiều, chỉ nương đức của Sư Ông mà làm Phật sự. Sư Ông dặn dò ba điều:

- Không kêu gọi quyên góp dưới bất kỳ hình thức nào, chỉ tùy hỷ theo sự phát tâm mà thôi.

- Tuy bản vẽ đơn sơ, tường gạch lợp tôn nhưng nên làm móng bằng bê tông cốt thép, biết đâu nhân duyên thuận lợi có thay đổi, kết cấu kiên cố không cần phải làm móng lại.

Ghi nhớ lời Hòa Thượng dạy, Thầy Hoằng Trí sắm sửa một ít dụng cụ thi công cùng Hoằng Huệ, Hoằng Thanh, Thiện Lạc, chú Hoàng v.v... đáp xe đò trực chỉ núi Cấm. Mãi đến 02 giờ mới đến. Chúng tôi có ghé Long Xuyên đón một người đệ tử Cư sĩ của Thầy Thiện Trí ở Linh Sơn Vọng Thê, pháp danh là Cần Độ cùng đi lên công quả. Sau này xuất gia là Thầy Hoằng Thạnh. Lên núi, mỗi người mang được thứ gì thì mang vì chưa quen gánh, còn lại bao nhiêu nhờ ông Hai kêu người gánh lên. Đường xa, núi cao lại không quen mang vác, chẳng mấy chốc cả đoàn rơi rụng lần lần theo từng chiếc võng mắc theo các quán ven đường. Duy chỉ có nhóm Thầy Trí, Thầy Huệ, Hoằng Thanh, Thiện Lạc, Cần Độ và chú Hoàng là không nghỉ mà chạng vạng mới đến. Phần còn lại nhờ nhóm đệ tử của ông Hai xuống tiếp sức, đến tối mịt mới lên hết.

Chỗ ở của chúng tôi là ngôi chùa lá, vuông vức mỗi cạnh khoảng 6m. Khi chúng tôi lên thì trong đó đã có mặt bốn người là ông Hai, cô Sáu Rạch Giá, Thọ, con cô Sáu và Út là đệ tử học thuốc với ông Hai. Nhóm chúng tôi hơn mười người nữa.

 

Ông Hai thì ngủ trong hang bàn Phật, còn tất cả đều ngủ trên một vạt tre dài. Nữ nằm sát góc phải dưới, nam thì khúc giữa, quý Thầy thì góc trên. Bếp thì kê ở góc trái dưới. Dọn ăn ở góc trái trên, ngồi chồm hổm chứ ngồi xếp bằng không đủ chỗ. Ít lâu sau có anh Tư thợ mộc (Hoằng Kiến) đến công quả, đóng cho một cái bàn dài thấp, chúng tôi mới có chỗ ngồi ăn tươm tất hơn. Bắt đầu từ đó, đầu hôm sớm mai, tiếng tụng kinh hòa với tiếng chuông tiếng mõ làm núi rừng tỉnh dậy. Một thứ âm thanh đã từ lâu rồi không còn vang vọng nữa. Bàn Phật đã được trang hoàng, các tượng thờ cũng được sáng sủa hơn. Đặc biệt là cái mõ từ lâu đánh không kêu, định đem lên để cho có hình thức vì bên ngoài chạm trổ khá đẹp. Thế mà lên đó tự nhiên lại kêu tiếng rất hay. Có lẽ cái mõ nầy cũng nằm chờ đợi, cho đúng thời đúng chỗ, mới thể hiện công năng. Hôm sau, chúng tôi đi quan sát khu đất, thấy phía trước là một khu đất hơi bằng rồi chúi rất sâu về phía trước đường suối. Ngay giữa chỗ sâu nhất gần sát đường suối có dấu tích của cái giếng khi xưa của chùa Vạn Linh. Sau lưng chùa là một khu đất tương đối trống vì không có cây lớn nhưng cũng rậm rì bởi cỏ dại và cây sặt lún phún nằm thoai thoải càng lên càng dốc về sau. Đó là khu nền chùa mà ông Hai cho dọn trước đây. Phía sau là rừng cây tai tượng, cũng là đất chùa nhưng vì bỏ trống nên ban Ấp đã trồng theo chương trình phủ kín đồi trọc của tổ chức môi trường thế giới. Sau này, chúng tôi phải trả tiền lao động mới giữ lại miếng đất nầy. Bên mặt là một đường trũng sâu chạy dài ra trước, cuối đường trũng là hai hầm nước. Phía sau đường trũng có khu đất cao, là nơi Phương trượng của Hòa thượng Khai Sơn lúc trước và có một kim tỉnh là nơi mà Hòa thượng Thiện Thành và ông Hai định đưa nhục thân của Hòa Thượng Khai Sơn về cải táng nhưng không thành. Nói đường trũng chứ sự thật là một miếng đất khá lớn nằm dưới sâu hai bên bờ cao. Khi bổ túc hồ sơ, thầy Tấn đã được chính quyền xã An Hảo lên đo đất có luôn phần đất nầy. Khi đó, có mời các chủ giáp ranh để xác nhận, thế nhưng khi lên thì đã có người giăng dàn su hết khu đất ấy.

Người ấy cũng không ai xa lạ mà là đệ tử của Hòa thượng Thiện Thành. Anh nói với Thầy Tấn là anh kéo giàn su để giữ đất dùm chùa, khi nào chùa lên xây dựng sẽ trả lại. Thế mà trông mãi cũng không thấy anh trả. Chùa lên tiếng thì anh lại nói đất của anh. Thấy tranh chấp cũng khó trong khi mình chân ướt chân ráo nên sau đó, chùa đã thương lượng mua hết phần đất của anh, trong đó gồm luôn cả miếng này.

 

Phía trái ngang chùa cũng có một miếng đất chúi sâu xuống, sau nầy làm khu vệ sinh, nhưng tới phía trước gần sát đường suối thì miếng đất nầy chạy dọc theo suối khá bằng. Miếng này khi chúng tôi lên thì thuộc người khác. Nguyên do là lúc trước ông Hai sợ mất đất nên kêu cho những người quen trồng trọt để giữ đất. Người đó làm thời gian rồi lại sang tay cho người khác. Người khác lại sang tay cho người thứ ba và người này cho đất ấy là của họ mua của người kia chứ không phải đất chùa. Thế là chùa phải thương lượng và trả số tiền tương đối cũng cao so với thời buổi đó. Chúng tôi biết được lúc trước chùa có khoảng sáu, bảy mẫu đất nhưng khi lên thì chỉ còn không đến một mẫu. Đến bây giờ chúng tôi chuộc lại lần lần cũng gần đủ số.

Nghỉ ngơi lấy sức một ngày cũng như sắp xếp lại đồ đạc, hôm sau mùng 06 tháng 08 ÂL 1995 ngày vía Tổ Huệ Viễn, chúng tôi bắt đầu làm việc. Khi nghe tin chúng tôi sẽ lên, trước đó ông Hai đã cùng một số con cháu và đệ tử dọn dẹp phần nền. Nói dọn dẹp chứ thực sự là phát cỏ. Phát cỏ trên núi là dùng cây quéo, giống như cây rựa cán dài mà trên đầu có cù quéo và phát ngang đầu, còn cách đất khoảng một tấc. Một là vì nếu phát sát đất dễ trúng đá, hai là đất núi không bằng nếu làm sát dễ bị trôi đất. Ở trên núi có rất nhiều cây sặc, nó giống như cây sậy nhưng nhỏ hơn, lại cứng và đặc ruột. Cho nên, phát ngang đầu còn ló lên một tấc như cây chông dựng đứng, có người đã bị nó đâm lủng qua dép, đâm luôn lên chân rất sâu. Chúng tôi chia làm hai nhóm, một nhóm dọn nền nhà bếp, vì Thầy Hoằng Trí nhận thấy rằng nơi chùa Lá quá chật chội, công quả sẽ càng ngày càng đông không đủ chỗ ngủ, vả lại, ở chùa mà ngủ lộn xộn như thế coi không được nên phải gấp rút làm nhà bếp để sinh hoạt nấu nưóc dưới đó, đồng thời chuyển số công quả ở riêng. Chỉ chư Tăng ở trên chùa mà thôi. Một nhóm đi gánh đá gom lại một chỗ để đập. Đá này được gom lại nhiều đống nhỏ để ở rải rác khắp nơi do những người trồng trọ trước gom lại cho dễ cuốc. Lần đầu dọn nền trên núi không thể dùng mắt mà nhận xét được. Có khi nhìn tưởng là tương đối bằng nhưng khi cân thủy lại thì còn chênh lệnh cả năm tấc. Trong khi chúng tôi dọn nền, ông Hai đi đặt tranh cho người ta đánh. Lúc đó ở núi, người cất nhà rất sơ sài, phần đông lợp bằng tranh hoặc bằng tấm bạt nhựa, vách thì vừng cây sặt đan kít lại, hoặc cũng dùng tấm bạt nhựa luôn, ít nhà nào có cửa. Tranh là sản phẩm của núi. Người ta lựa chỗ nào tranh mọc cao, cắt rồi bện thành từng tấm như người ta bện lá dừa nước, đồng thời ông Hai đi xin tre để làm kèo cột. Ở trên núi có rất nhiều tre Mạnh Tông. Nghe những người kỳ cựu trên núi nói lúc mới lên lập nghiệp, đất bao la nên mạnh ai nấy khẩn và trồng tre làm ranh, đồng thời trồng chuối với mít làm huê lợi vì mấy thứ này rất phát triển không cần săn sóc phân bón gì cả. Đúng ra, tre là loại nhảy con mà đem trồng ranh thì đâu chính xác, nhưng lúc trước đất quá rộng không ai tranh chấp điều này. Bây giờ, tấc đất tấc vàng, chắc chắn không thể dùng tre làm ranh được. Tre này đặc biệt măng rất ngon như tre tàu, thân cây cao lớn rất cứng, có cây dài gần 20m và rất thẳng cho nên làm nhà rất tiện. Gốc làm cột, thân làm kèo, đòn tay và chẻ ra từng miếng nhỏ làm rui mè. Cất xong nhà bếp, chúng tôi chuyển toàn bộ công quả xuống. Phần trong cùng là bếp thông ra phía sau sân trước, kế đó là công quả nữ, phía ngoài là công quả nam có ngăn bởi miếng cách. Phần công quả nam chiếm hơn nửa cái nhà. Có ba dãy để nằm nghỉ đóng bằng nẹp tre, hai dãy dọc và một dãy ngang trên đầu. Ba dãy này khi không có khách thì công quả nam nằm rải rác, nhưng khi có khách thì nằm chung lại, chừa một hoặc hoặc hai dãy cho khách nằm tùy nhiều hay ít. Ở giữa kê một bàn dài mà thấp để dọn ăn. Ban đầu, quý Thầy cũng xuống đó ăn, sau này có xuất gia thêm nên chúng tôi lập quả đường và cử hành nghi lễ giống như ở Vạn Đức. Khi chuyển công quả xuống dưới, chúng tôi cũng còn nghỉ trên tấm vạt dài trên chùa Lá. Ít lúc sau Thầy Hoằng Trí cho chuyển một số giường ở Vạn Đức lên. Thế là chúng tôi cho tháo bộ vạt ra, nới rộng bốn mặt chùa cho diện tích rộng hơn để đặt giường cho quý Thầy, mỗi người một giường và thiết lập quả đường. Thời Tịnh Độ, chúng tôi thường tụng kinh Pháp Hoa,thời gian ban đầu chỉ sử dụng đèn dầu. Nhiều khi đang tụng gió thổi mạnh, đèn tắc ngúm hết, phải gián đoạn giây lát, chờ đốt đèn mới tiếp tục được. Sau này có đèn Măng xông sáng sủa hơn, lần lần có đèn bình và sau này khi làm nhà bếp xong, che thêm cái cái chái ngoài sau để đặt máy phát điện. Từ khi có máy phát điện,đèn đuốc sáng rực ngôi chùa Lá và hào quang trong khung đức Bổn Sư chuyển động rất đẹp. Ngôi chùa Lá tuy thô sơ tách mướp, nhưng trên bàn Phật và bàn Tổ được sửa soạn bày biện lại trông rất trang nghiêm. Mỗi tối, ngoài quý Thày ra còn có công quả và một số dân núi cùng tụng Kinh rất đông, súm sít ngồi chật cả chung quanh. Như đã nói ở trước, vì vách chùa Lá được đan bằng cây sặt nên cách nền đất khoảng một tấc. Sau này được chen thêm bằng bao xi măng nối lại cho kín gió, nhiều khi đang tụng kinh, một con rắn bò thẳng vào rồi bò tuốt ra ngoài sau. Mọi người đang chăm chú tụng kinh cũng không kịp có phản ứng gì. Có lần một con rít bò vào y của Thầy Trí hồi lâu lại bò ra, chừng xuống Kinh mới nói lại cho Thầy biết, Thầy mới nói hèn chi lúc nãy có nghe cái gì hơi rần rần ngoài sau lưng, thì ra là con rít bò lên. Thời chúng tôi ở chùa Lá, có những kỷ niệm vui  buồn như thế.

Sau khi làm xong nhà bếp, chúng tôi bắt tay vào việc làm bồn nước, vì trên núi nước rất quan trọng. Tuy nói núi Cấm có nước quanh năm nhưng không phải miếng đất nào cũng có nước, đất nào nằm trên đường nước thoát đi từ trên đỉnh xuống thì đào mới ra nước. Chùa có được một chỗ ngay mạch nước nhưng lại nằm dưới thấp, muốn sử dụng phải gánh lên hoặc dùng máy bơm. Hồi chưa xây giếng, chúng tôi có ao nước (phần đông các ao nước trên núi là lỗ bom để lại. Lỗ nào ngay đường nước thì thành ao nước, còn không ngay, dù rất sâu nhưng cũng không có nước). Một ao nước nhỏ trên dùng để uống và một ao lớn phía dưới để tắm giặt. Ban đầu ít người, chúng tôi chưa làm nhà tắm. Một ngày lao động đến chiều tối xuống suối tắm, mùa nóng thì mát vô cùng, mùa lạnh thì rất lạnh, nhưng mới lao động còn nóng người nên có thể chịu được, nhưng đang tắm mà có gió là không chịu nổi. Có lần, Thầy Hoằng Trí (thường gọi là Thầy Tấn) xuống tắm vừa chà xà bông xong gió thổi đến bắt rùng mình ớn lạnh, đánh bò cạp không cách nào tiếp tục xối nước được nữa, đành để xà bông chạy lên lau khô thay đồ, vì thế việc xây bồn dự trữ nước rất cần thiết. Chúng tôi cho đào phía sau nhà bếp, lọt lòng ngang 3m, dài 6m, sâu xuống cũng 3m, làm vĩ sắt đổ đáy và ghép ván đổ vách chứ không xây (vì chưa có chẻ đá). Lúc đó chưa kêu thợ, có chú Sáu Beo và chú Tư ở Rạch Giá cũng là thợ hồ lên làm công quả. Đổ xong đến mặt đất thấy tiếc nên chúng tôi cho đổ thêm lên năm tấc nữa rồi đổ nắp và dán gạch bể trên mặt nên rất sạch sẽ, có thể nằm nghỉ được. Bồn chứa đựng trên 60m khối nước.

 

Xong bồn nước, chúng tôi tập trung hoàn thành nền chánh điện. Vì lúc trước trong khi làm nền nhà bếp, chúng tôi cũng đã ban sơ sơ và lấy đất dư để đắp nền nhà bếp. Bây giờ tiếp tục lấy thêm cho bằng, đất đem đổ để đắp con đường lên chùa. Con đường này lúc trước rất sâu và nhỏ khó đi. Ban đầu chưa có phương tiện, chỉ bưng hoặc gánh bằng ky. Sau này, mượn được chiếc xe của chú Chín Em, thùng đóng bằng cây, chứa được nhiều đất nhưng bánh bằng sắt lại nhỏ nên đẩy rất nặng, nhất là khi mưa. Sau này, chúng tôi cho đem xe rùa ở Vạn Đức lên nên làm tiện lợi hơn. Như chúng ta đã thấy, ở trên núi không chỗ nào là bằng phẳng. Nhiều chỗ nhìn tưởng bằng nhưng thật sự cũng chênh lệch nhau nhiều tấc. Vì thế, việc san lắp là công tác hàng đầu. Thầy Tấn, chú Hoàng Thanh và sau này có thêm Khánh, là những tài xế chuyên nghiệp.

Đẩy một xe đất đầy xuống dốc tương đối là khỏe. Nhưng đẩy xe không lên dốc thì mệt ơi là mệt. Dân núi phục sát đất về việc đẩy xe rùa của chùa, vì xe rùa của chùa do Thầy Hiển chế. Thùng rất lớn chứa nhiều đất, bánh thì dùng bánh hơi cũ của xe lam và đặt gần giữa thùng xe nên rất nhẹ đẩy trái lại rất dễ lật. Dân núi thấy chúng tôi đẩy sao nhẹ nhàng quá nên muốn đẩy thử. Phần đông, vừa dở xe lên là lật. Đẩy xe trên đường bằng là việc bình thường. Đẩy xe xuống dốc trong rừng vừa xuống dốc tốc độ nhanh, vừa lạng lách mà không trúng cây, và không lật xe mới lấy được bằng lái xe một bánh! Chùa Vạn Linh có rất nhiều tài xế có bằng lái loại này.

Từ lúc làm hồ nước trở đi, bắt đầu sử dụng sắt xi măng nên chúng tôi hợp đồng xe tải cho chở sắt và một số vật dụng cần thiết như giường sắt, xe rùa v.v... Sở dĩ chúng tôi phải mua sắt của Thành phố vì có nhiều chỗ quen, giá tương đối, sắt chất lượng, còn mua ở dưới giá cao hơn, cũng phải kêu xe chở và phần nhiều là sắt gia công. Chúng tôi tính tiền sắt cộng tiền vận chuyển vẫn còn rẻ hơn là mua dưới ấy. Vì thế, chỉ có xi măng là chúng tôi mua dưới đó, còn phần đông các vật tư khác đều mua từ Thành phố chở xuống. Lúc đầu, mỗi chuyến xe tải như thế, chúng tôi cùng một số công quả đi theo. Vì không đủ chỗ ngồi nên giăng võng phía sau thùng tải. Về sau bị phạt một lần nên chúng tôi không đi theo đông nữa, vì muốn tiết kiệm tiền xe nên sẵn xe tải quá giang luôn, vừa đỡ tốn tiền, vừa có người phụ xuống đồ. Mỗi chuyến xe như vậy khoảng mười tấn đồ. Nói đến đây chúng tôi xin thành tâm biết ơn một gia đình, tuy là theo công giáo nhưng rất nhiệt tâm giúp đõ cho chúng tôi gởi và cân đo ghi chép cho người gánh lên. Đó là gia đình cô Hai Mới. Nhà cô bán tạp hóa, có đựợc sân sau rộng.

Mỗi lần xe về, chúng tôi tập trung đồ vào trong sân, thứ nào cần để trong nhà thì cô dọn chỗ cho chúng tôi để. Luôn mấy năm như vậy. Ban đầu, chúng tôi còn sáng xuống để cân và ghi chép đến chiều mới về. Sau này anh Hoàng là rễ cô Hai giúp luôn phần này, đỡ cực chúng tôi khỏi lên xuống. Và mỗi lần như vậy phải gánh ba, bốn ngày, có khi 10 ngày tùy theo người nhiều hay ít mới hết đồ. Cho đến khi chúng tôi mở đường để đưa Phật lên, có xe chuyển đồ mới không còn gởi ở cô nữa. Từ đó, đồ lại được chuyển gởi nhà chú Út vì thuận đường xe chạy lên núi. Hiện nay, đường xe thuận tiện hơn, đồ được gởi ở quán Ngọc Thành. Những người ở đây cũng rất nhiệt tình dù đêm hôm khuya khoắc. Chúng tôi xin cảm ơn những ân nhân đã giúp chúng tôi trong những giai đoạn này.

 

Phần vật tư tại chỗ là cát và đá, là những thứ chúng tôi phải thường xuyên tìm kiếm và tích trữ. Phần đá 1x2, ngoài số công quả đập, chúng tôi có mướn những người chuyên nghiệp đập thêm cho đủ nhu cầu. Đá 4x6 thì quý Thầy khỏe và công quả đập đủ sức dùng. Duy chỉ có đá chẻ, chúng tôi nhờ ông Hai kêu người làm suốt để có đủ đá theo yêu cầu. Ban đầu thì có anh Minh, sau là anh Bàng đều ứng tiền trước quá nhiều mà làm không đủ số rồi nghỉ ngang. Sau này chúng tôi gặp được anh Hùng làm tương đối tốt và bền bỉ cho đến nay. Anh xin cất cái nhà tạm để ở hẳn nơi chùa trong thời gian chẻ đá. Trước còn làm ăn sản phẩm, sau này làm công nhật như những thợ khác. Anh có người vợ đập đá 1x2 rất giỏi, nhưng chị đập công quả thôi chứ không lấy tiền. Tiếc rằng chị bị bệnh ngặt mất sớm.

Về phần cát cũng hao công lao động rất nhiều. Ban đầu còn vớt theo đường suối mỗi khi mưa, sau không còn nữa phải đi xa hơn, có lúc đi đến động Thủy Liêm. Gom được nhiều, chúng tôi vô bao để chuyển về. Mỗi lần chuyển cát, chúng tôi huy động toàn bộ lực lượng lao động và đứng cách nhau vừa phải để chuyền vai cho nhau. Nhiều nơi xa phải chia làm nhiều đoạn. Có khi qua ngày sau cát mới về đến chùa. Chỗ nào tương đối bằng thì chúng tôi dùng xe rùa. Dốc quá thì phải vác chuyền vai. Đem về bao nhiêu xài hết bấy nhiêu. Vì ngoài việc đổ bê tông hồ nước, chúng tôi còn phải in gạch hằng ngày để đến khi xây có đủ gạch. Nếu mua gạch gánh lên thì công gánh mắc hơn viên gạch nên chúng tôi quyết định in gạch bloc. Về Thành phố tìm mua được hai khuôn in gạch. Cho hai người in ngày này qua ngày khác. Rất may là đến lúc chúng tôi cần sử dụng cát nhiều thì lúc đó đã có xe máy cày. Chúng tôi không đi vớt cát nữa mà xin đất của vùng đất có lộn cát nhiều, cho xe chở về và làm máng rửa.

Xúc cát vào máng, cho vòi nước dội phía trên, đất theo nước chảy xuống. Cát nằm lại và đất theo nước trôi luôn. Như thế, cát dư làm và dự trữ để khi mùa nắng, không có nước rửa vẫn có cát để xài.

Thời gian thấm thoát trôi qua, thế mà đã hơn một tháng chúng tôi ở núi, cũng quen dần với sinh hoạt ở đây. Qua tháng 09, chúng tôi có thêm được Thầy Hoằng Xưng lên phụ, Thầy đang làm thị giả cho Sư Ông nên không lên trước được vì chưa có người thế. Thầy khi chưa xuất gia có học về xây dựng và làm cai thơ cho ông Dượng nên rất rành về kỹ thuật, xem được bản vẽ và có nhiều kinh nghiệm về xây dựng. Đến ngày 19/09, chúng tôi làm lễ khởi công đơn sơ nhưng không kém phần trang nghiêm và thành kính. Sau khi đại chúng tụng một thời kinh Phổ Môn cầu nguyện xong. Thầy Tấn ra cuốc ba cuốc tượng trưng rồi bắt đầu ra áo làm luôn.

Ra Hạ năm 1996, chúng tôi có thêm Thầy Hoằng Hiển, là Thầy hiện đang phụ trách phần hoa văn trang trí. Lúc trước, Thầy chưa từng làm qua việc này nhưng Thầy rất có khiếu về mọi mặt, và lúc chưa xuất gia, Thầy làm nghề thợ bạc nên khi vào chùa, làm qua phần hoa văn rất sắc sảo như một thợ lành nghề. Nhất là đắp phù điêu cây Bồ Đề. Cây Bồ Đề ở Vạn Linh đã là đẹp rồi, còn cây Bồ Đề ở Vạn đức có đủ chiều cao lên tới đọt nên ai đến xem cũng đều giật mình cho là như cây thật, và dần dần số người đến công quả cũng đông, số phát tâm xuất gia cũng nhiều. Mỗi người đều tận tâm tận lực. Thật là Tam Bảo cảm ứng như lời Sư Ông dạy, hễ hết lòng vì Tam Bảo thì có Hộ Pháp gia hộ.

Theo như lời Sư Ông đã dạy, mặc dù nền đất núi rất tốt và kết cấu sườn sắt lợp tôn không cần phải đúc móng, nhưng chúng tôi vẫn làm như móng nhà đúc. Chúng tôi cho đào lỗ lớn và sâu, chia ra mỗi người một lỗ và đào thi đua, ai xong nghỉ sớm. Những người nhầm lỗ không có đá thì đào rất nhanh, lỗ có đá chậm lại chưa được phân nữa. Thế là người rồi trước qua phụ những lỗ chưa rồi. Nói là nói để thi đua chứ ai nỡ ngồi xuống nhìn người khác làm. Trước khi làm lễ khởi công, chúng tôi được người quen giới thiệu một anh thợ hồ từng lãnh làm nhiều công trình ở Long Xuyên, Châu Đốc, anh tên là Hoàn, theo đạo Hòa Hảo có đầu tóc. Anh kêu một người thợ lớn tuổi cùng lên đóng gabary và định vị cho chúng tôi đào lỗ. Đào lỗ xong , anh cho làm vĩ đổ chân cột, đi đà kiền và bắt đầu lên cột để xây vách. Rất may là anh rất bận công việc dưới núi, làm được vài ngày anh lại xuống núi. Vì thế, chúng tôi cũng có đủ thời gian để lo vật tư, vì đổ móng và đà kiền đòi hỏi nhiều cát và đá 1x2 cũng như đá 5x7 lót đáy. Xong phần này không biết sao lâu quá không thấy anh lên, cho người tìm hỏi thăm thì anh trả lời vì lãnh nhiều công trình quá nên không thể tiếp tục nữa được.

Sẵn lúc đó, có nhóm thợ hồ ở Rạch Giá và anh Tư (Hoằng Kiến) đến công quả nên chùa bố trí cho xây vách. Đồng thời chú Hoằng Khởi ở Thủ Đức lên cũng từng là cai thợ nên cho chú xây khu vệ sinh, vì theo bản vẽ sườn sắt lợp tôn, nên chúng tôi cho xây tường mười thôi. Trong khi xây gần xong thì nhân duyên lành đến, Phật tử Diệu Nghĩa, Việt kiều Úc đến viếng Vạn Đức, nghe đang xây dựng chùa ở núi Cấm nên phát tâm cúng một số tịnh tài khá lớn. Thầy trụ trì quyết định đúc mái, vì thế, cho anh Tư xây tường thêm một mươi nữa. Đáng lý chúng tôi phải đổ mái hành lang trước vì thấp hơn, hành lang theo bản vẽ thì chỉ 1m50, sau này, Hòa Thượng chỉ đạo thêm hai bên thì 3m3, còn trước và sau đều 4m. Chúng tôi chưa biết là đủ sức đúc luôn mái hành lang không. Trước mắt, đúc mái chánh điện nhà Tổ được là mừng rồi, vì thế, chúng tôi cho chừa sắt râu và lo tập trung để đổ mái chánh điện. Anh Tư là thợ khá, nhưng chưa từng đóng cốt pha mái cong nên nếu có ai đóng qua một lần, anh nhìn thấy là làm được. Vì thế, Thầy trụ trì cho nhóm thợ anh Út Phách (nhóm thợ thường làm ở Vạn Đức) lên đóng cốt pha mái chánh điện. Chúng tôi cũng theo cách tiết kiệm của Hòa Thượng, lót tôn thay ván. Chúng tôi có mua một số tôn cũ dầy, quét vôi lên để dễ tháo ra. Lên cô Sáu Hường xin tre để làm cây chống, chuyển cát đá tập trung và cho người gánh xi măng chuẩn bị. Một tuần lễ sau, khoảng giữa tháng 08 năm 1996, chúng tôi đổ bê tông lần đầu tiên. Lần đổ này, ngoài số công quả thợ Thầy, ở chùa còn có nhóm công quả ở Rạch Giá, dân núi và nhóm Hoằng Trương Châu Đốc. Sau khi đổ xong, nhóm anh Út về vì chịu lạnh không nổi, anh Tư tiếp tục công trình. Sau khi nhìn thấy cách đóng và bố trí sắt, anh đã nắm vững và đóng cốt pha mái nhà Tổ hài hòa hơn, mái cong dịu dàng hơn. Khoảng hai tháng sau, chúng tôi đổ tiếp mái nhà Tổ thành công tốt đẹp.

Trong thời gian này, chúng tôi vừa trải qua một mùa Hạ đầu tiên trên núi. Một số Phật tử ở Vạn Đức về tùng Hạ đông vui. Bên xuất gia cũng có thêm một vài Thầy. Đúng giớ, chúng tôi cũng làm lễ tác bạch nương theo đạo tràng Vạn Đức, danh sách cũng được chư Tăng Vạn Đức tác bạch cùng Hòa Thượng, để đại chúng Vạn Linh được nương đức Hòa Thượng tu tập. Thời khóa ban ngày không thực hiện vì bận lao tác, nhưng bắt đầu cho công phu chiều và cúng nghi thức quá đường, còn tối thì đầy đủ như trên Vạn Đức, nhưng thời tọa thiền niệm Phật phải ngồi trong mùng vì nhiều muỗi. Dần dần sinh hoạt tu tập của chúng tôi được tương đối đầy đủ. Vía đức Quán Âm trong mùa Hạ này, tập sự được xét xuất gia cũng như số phát tâm quy y theo Thầy trụ trì về Vạn Đức làm lễ, và gần như thành lệ, gần tới vía Quán Âm là xét người được xuất gia và cho một số công quả mới được quy y. Ra Hạ, Thầy Hoằng Hiển theo Thầy trụ trì lên. Thầy rất khéo tay, nhiều sáng kiến và biết đủ nghề. Thầy tạo mẫu bao lam hành lang và làm khuôn cho công quả đổ. Thầy là người rất giỏi về máy móc. Làm công trình lớn như thế này mà không có cơ giới phụ trợ thì rất chậm. Mội khi có nhu cầư phải mang xuống núi thì rất mất thời gian. Vì thế, từ khi có Thầy lên, chùa sắm thêm máy hàn rồi lần đến máy phát điện. Có trục trặc hư hao gì, Thầy chế biến sửa tại chỗ không cần đem xuống núi. Dần dần, dân núi nghe tiếng, khi có nhu cầu sửa máy hay hàn xì thay vì phải gánh xuống núi, họ đến chùa nhờ Thầy. Có khi Thầy đến nhà sửa hoặc có khi họ gánh máy đến chùa, vì thế, Thầy rất có cảm tình đối với dân núi.

Cũng trong thời gian này, Thầy Hoàng Tất ũng hay về núi ở lại chơi vài tuần, thấy việc liên lạc rất khó khăn nên Thầy đề nghị cúng cho chùa chi phí để lắp đặt điện thoại. Lúc ấy, cả vùng núi chỉ có một điện thoại công cộng của anh Hưng nằm hơi xa. Vì chưa có dây nên lắp đặt chế biến theo kiểu mẹ con liên lạc tầm xa, phải có ăng ten tiếp sóng, nhưng cũng hay bị trục trặc hoài mà chi phí lắp đặt rất cao. Dù sao cũng giúp cho sự liên lạc đựng thuận tiện.

Gần cuối năm, số công quả thanh niên các nơi lên rất đông và làm rất tích cực, nhà bếp cũng được tăng cường. Nhưng phần đông, đến Tết họ đều nhà. Thầy trụ trì cùng một số công quả ở Thành phố cũng về. Chùa lại trải qua một mùa Tế vắng vẻ, chỉ có Thầy Xưng, Thầy Hiển cùng một số quý Thầy mới và một ít công quả. Đêm Giao Thừa không có ai đến, chỉ có anh Quang Đạo là người lúc trước ông Hai nhờ coi chùa, luôn say xỉn. Tối đó anh cũng xỉn, vào chùa quậy đã đời rồi chiu vào hang bàn Phật ngủ mới yên. Tối đó, ông Hai cũng đã về quê nên trong hang không có ai. Qua mnùg 02, Thầy Xưng tổ chức đi dạo núi, thủ theo mấy đòn bánh tét, đi khắp các điện, các vồ cùng hang động. Điện hang ở đây rất nhỏ vì đá núi là loại dá cứng nên không bị xâm thực như các núi đá ở Bắc, hang động rất rộng và có nhiều hình thù rất đẹp. Đến qua rằm tháng Giêng. Thầy trụ trì lên mang theo bánh mứt lủ khủ. Đến tối, sau thời kinh, ngồi quây quần uống trà ăn mứt nói chuyện Tết. Lúc đó, chùa mới thực sự hưỏng hương vị Tết muộn, nhưng dù sao có còn hơn không.

Qua mùa Tết 1997, chùa lại tất bật đi đốn tre chuẩn bị cốt pha để đổ mái hành lang trước và một bên hông vào ngày mùng 02 tháng 04 ÂL. Lần này, Thầy trụ trì có tổ chức cho Phật tử Thành phố lên phụ khá đông nên rất nhanh, nhưng lần nào nồng cốt vẫn là nhóm của Hoằng Trương, Châu Đốc. Thời gian này có chú Mơn (Hoằng Thời) lên công quả. Chú là thợ giỏi nhưng khiêm tốn không cho biết. Ban đầu làm các việc do chùa phân công một cách rất tích cực. Sau này mới biết là thợ và đưa qua chuyên về phần hồ. Chính một mình Hoằng Thời đã lợp hết ngói tất cả công trình ở Vạn Linh và là người đắc lực cùng Thầy Hiển đắp cây Bồ Đề, làm các hoa văn. Đến ngày 03 tháng 05 ÂL năm 1997, chúng tôi đổ mái hiên sau và phần còn lại. Cũng có Phật tử các nơi về phụ nên xong sớm. Trước đó, chính quyền địa phương đã lên lập biên bản cho rằng chùa vi phạm, xây dựng không đúng bản vẽ. Thầy trụ trì giải thích, chùa không thể tiên liệu được sự khó khăn ở đây, nên không dám xin phép kiên cố sợ thực hiện không nổi. Nay gặp thuận duyên làm cho chắc chắn, vừa đẹp cho chùa, đồng thời cũng đẹp cho núi, cho địa phương. Cuối cùng, chính quyền cũng thông cảm và để cho chùa làm tiếp tục. Thời gian đầu, chúng tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn về việc tạm trú. Cả Chùa chỉ có mỗi một Hoằng Thạnh là có hộ khẩu. Theo yêu cầu của Ban Tôn Giáo tỉnh, Thầy Hoằng Trí phải chuyển hộ khẩu về. Hòa thượng Viện Chủ không đồng ý nên Ban Tôn giáo cũng chìu theo ý Hòa thượng, nhưng yêu cầu người phó phải là người địa phương An Giang. Vì thế, Hoằng Thạnh là người xuất gia đầu tiên, lại hộ khẩu ở An Giang nên cho Hoằng Thạnh làm phó để đứng tên hộ khẩu. Dần dần thấy sinh hoạt của chùa cũng tốt, gắn bó với địa phương nên chính quyền cũng tạo điều kiện cho nhập thêm hộ khẩu và dễ dãi trong việc tạm trú.

Vía đức Quán Âm 19 tháng 06 ÂL 1997, trong mùa Hạ năm nay có thêm một số lớn tập sự được xuất gia, khiến cho chư Tăng đông thêm.

Đổ xong hành lang, công việc bắt đầu nhiều như gắn hoa văn, tô vách, dán gạch v.v… nên anh Tư đề nghị tăng cường thợ. Anh giới thiệu Hà là em ruột của anh đang là cai thợ ở Tiền Giang. Thầy trụ trì đồng ý và khoảng tháng 09 năm 1997, nhóm Hà đã lên xúc tiến công trình tiếp tục để hoàn thiện khu chánh điện. Đến cuối năm, Thầy trụ trì cho ban đất khởi công nhà bếp. Trong việc san lấp làm nền, chỉ có khu bếp là cực nhất vì như một khối đá lớn, chúng tôi phải tách ra nậy đi từng phần. Và rồi một năm nữa đã trôi qua, chúng tôi lại tiếp tục đón Tết trong 1998 trong êm đềm vắng vẻ. Đầu năm, chính quyền xã lên lập biên bản, bắt tạm ngưng công trình khu bếp vì chưa xin phép và báo sẽ có một đoàn thanh tra ở Tỉnh lên làm việc cới chúng tôi về việc xây dựng. Trong khi đó có nhóm thợ của ông Hai Phước khoảng mười người lên công quả tô vách chánh điện trong vòng một tuần lễ. Đến cuối Giêng ÂL 1998, đoàn thanh tra ở Tỉnh đã lên làm việc với hai nội dung: chánh điện làm sai bản vẽ và làm khu bếp chưa xin phép. Thầy Hoằng Xưng trình bày: chùa chỉ nghĩ đơn giản là chính quyền đã cho phép làm Tăng phòng, nhà bếp, thư viện, giảng đường v.v... Vì không thể chỉ có chánh điện thì làm sao hình thành một ngôi chùa được. Vả lại, trên núi điều kiện khó khăn, phương tiện hạn chế, nhất là tài chánh khiêm tốn không quyên góp ai, chỉ tuỳ hỷ theo sự phát tâm nên không tiên liệu được khả năng, duyên đến đâu thì làm đến đó. Một là cũng muốn làm đẹp và chắc cho chùa, hai là cũng muốn góp phần tạo một nét văn hóa chung cho địa phương, mong quý vị lãnh đạo hết sức thông cả và tận tình giúp đỡ. Sau khi nghe Thầy Hoằng Xưng trình bày, đoàn dã cởi mở và quyết định cho chúng tôi tiếp tục thi công, nhưng phải bổ sung bản vẽ tổng thể các hạng mục công trình gởi về huyện, rồi cứ y như thế mà làm khỏi xin phép nữa, thành ra khó lại hóa dễ, âu cũng là sự gia hộ của chư vị Hộ Pháp. Sau này, chính quyền Tỉnh cũng thường xuyên lên tham quan và khuyến khích chúng tôi làm đẹp chừng nào tốt chừng nấy.

Như thế là xong phần cơ bản. Chúng tôi lo việc hoàn thiện và nhất là thỉnh tượng thờ. Một duyên lành lại đến khiến chúng tôi không còn cách chọn lựa, vì trước định làm tượng xi măng, đang phân vân là đặt ở Thành phố đem lên hay là làm tại chỗ. Nguyên Phật tử Diệu Nghĩa sau khi cúng cho chùa một số tịnh tài lớn phụ trong việc xây dựng, khiến cho chùa quyết định thay đổi kết cấu, và nhân khi đặt các đồ đá để cúng chùa Ân Phước nơi chị quy y, chị đã đặt hai bức phù điêu Quân Âm, Địa Tạng cúng chùa Vạn Linh. Nhìn nét chạm trổ tinh xảo trên đá mà như chạm gỗ, Thầy Hoằng Trí rất đổi ngạc nhiên, vì từ trước đến giờ chưa từng nhìn thấy tác phẩm nào bằng đá mà đẹp như vậy. Duyên như thế, hai bên phù điêu Quân Âm, Địa Tạng đã bằng đá chẳng lẽ tượng ở chánh điện giữa lại bằng xi măng. Cho nên, chúng tôi quyết định làm cho được tượng Phật bằng đá. Chúng tôi tìm đến cơ sở Hoằng Hữu, là nơi tạc hai bức phù điêu, hỏi thăm giá cả. Tượng Phật cao 1m40, tòa sen 5 tấc bằng với Phật cũ của Vạn Đức, được Hoàng Hữu trả lời một câu thẳng thừng là 25 triệu. Chúng tôi xin giảm còn 20 triệu, Hữu không đồng ý, chúng tôi ra về, Hữu cũng không buồn gọi lại, hơi thất vọng vì giá quá cao, mặc dù đã có người phát tâm cúng, nhưng lúc đó chúng tôi cũng chưa biết nhiều về giá trị của đá, nên thôi có ý tìm nơi khác. Tình cờ, Thầy Hiển có một quen chạy xe cẩu cho biết, anh hay cẩu đá cho cơ sở làm tượng. Chúng tôi tìm đến cơ sở đó thì thấy họ đang tạc tượng ngay Nhà Văn hóa (nhà chú Hòa lúc trước) cho trụ sở Nhà Hát Lớn. Thấy có thể đặt niềm tin (trước đó chúng tôi cũng đến một sơ sở đá khác và đã đồng ý giá 20 triệu. Sắp đặt tiền cọc thì có người cho biết là cơ sở đó sắp dẹp tiệm vì chính người đó cũng đặt hàng đã lâu mà không thấy làm đành bỏ cọc, nên chúng tôi rút lui), chúng tôi hỏi giá thì được trả lời là 15 triệu. Quá mừng trước một giá quá rẻ như vậy nên đồng ý liền và yêu cầu họ làm rỗng để bớt trọng lượng có thể khiến lên núi được. Song họ chỉ đục rỗng tòa sen chứ không đục rỗng tượng được sợ dễ bể. Hẹn tới hẹn lui mấy lần, cuối cùng cũng đến ngày giao. Lên thấy tượng Phật, chúng tôi không hoan hỷ chút nào, đá thì xấu, mà thân thì không cân đối, đầu và mặt cũng vậy. Lỡ rồi đành chở về nhưng trong ý không muốn đem lên Vạn Linh, và chúng tôi đã cúng lại cho một chùa khác. Lúc này, chúng tôi đã quen với Hữu nhiều, Hữu rất mến chúng tôi, nhất là biết Thầy Hiển cũng có khiếu về điêu khắc. Thế là chúng tôi gợi ý với Hữu là phải làm một tượng Phật để đền lại cho chùa vì lúc trước không biết giá trị đã đặt lầm và yêu cầu Hữu chỉ lấy giá 15 triệu thôi vì chúng tôi đã mất hết 15 triệu rồi. Hữu đồng ý, Hữu có tâm sự vì đã mến quý Thầy nên giá nào cũng làm, Hữu cho biết rằng đá trắng có rất nhiều thứ, tiền nào của nấy, đá mà Hữu làm cho chùa là đá rất tốt, giá 15 triệu là không đủ tiền đá nhưng Hữu chấp nhận. Tạc xong với mắt nhà nghề của Thầy Hiển, Thầy chưa chịu, Thầy làm một tượng mẫu bằng xi măng đem qua cho Hữu sửa lại. Hữu cũng vui vẻ sửa lại theo mẫu đó và khỏi phải nói, ai thấy tượng Phật cũng đều hoan hỉ.

Khi đặt tượng Phật bằng đá, chúng tôi chỉ nghĩ đơn giản là họ sẽ đục rỗng được để giảm trọng lượng có thể khiêng lên núi được. Bây giờ thực tế là tượng không đã 1 tấn 5, không kể tòa sen. Như thế thế không cách gì khiêng được, chúng tôi nghĩ đến phương tiện máy bay, nên liên hệ thì được biết rất nhiều tiền và điều khó nhất là phải bảo đảm an toàn nơi đáp. Thế là chịu phép.

 

Hình 45b

Nhưng đã lỡ làm rồi chúng tôi phải tìm đủ mọi cách để đem tượng lên. Nghe nói lúc xưa có con đường xe lên núi, từ khi bị đá chày bỏ hoang luôn đến bây giờ, Chúng tôi cũng nghe chính quyền cũng định phục hồi lại nhưng chưa đủ điều kiện. Chúng tôi đi tham quan thử thì thấy thực là khó nhiều nơi sát vách núi và sâu xuống. Có nơi đá lớn lăn chắn ngang con đường. Có những đoạn đài sạt lỡ, đi bộ còn khó huống là xe. Có một số Phật tử ở Châu Đốc hứa với chúng tôi, chỗ nào không qua được sẽ làm cầu treo. Khó thì thật là khó đó, nhưng một lòng quyết muốn đem cho bằng được tượng Phật bằng đá lên núi, chúng tôi hạ quyết tâm đi làm đường. Việc không đơn giản, không phải muốn làm là làm. Chúng tôi nghĩ chỉ báo với Ban Ấp là được. Nhưng không phải thế. Vì làm đường trên núi nó ảnh hưởng về nhiều mặt như quốc phòng, sạt lở, môi trường, cháy rừng v.v... Vì thế, yêu cầu chúng tôi phải làm đơn để được xét duyệt. Chúng tôi làm đơn xuống xã, xã chuyển ra huyện, huyện hỏi ý kiến tỉnh, cuối cùng cũng được. Trước khi thi công, xã cử một cán bộ đi cùng Thầy trụ trì suốt con đường và trình bày cách xử lý những nơi khó khăn, ghi vào một biên bản để nghiên cứu xem có ảnh hưởng về mặt nào không và đã chấp nhận cho chùa làm. Chúng tôi còn lên xuống nhiều lần nghiên cứu và liên hệ những chủ đất đoạn đường sẽ xuyên qua, vì có đoạn quá xấu không thể thi công được. Sau khi thỏa thuận các nơi, chúng tôi chọn ngày vía đức Phổ Hiền khởi công. Cúng vía xong, 02 giờ 30 chiều 21 tháng 02 ÂL 1998, chúng tôi bắt đầu từ dốc chùa Phật Lớn. Chúng tôi chọn phương án của Thầy trụ trì là làm từ trên xuống thì mỗi ngày mình sẽ là người đầu tiên đi trên những con đường được tưới bằng mồ hôi của mình. Công việc ban đầu tường là phức tạp, nhưng khi thi công nhiều sáng kiến được áp dụng. Con đường như thế cứ mỗi ngày một dài ra. Dân núi nghe mở đường rước Phật lên cũng đồng tình ủng hộ và giúp đỡ rất nhiều. Đến dốc Bốn Ngàn, tiến độ khựng lại thấy rõ. Nhìn cái dốc thẳng đứng lôm chôm đá đâm thẳng vào một quán cất ngang đường, chúng tôi tưởng chừng như không cách gì xe qua được. Chúng tôi phải vạt những tảng đá nhô lên cao, sắp lại những tảng đá nằm khơi trên đất, chỉ cần những xúc chạm hơi mạnh sẽ lăn xuống dốc. Những nơi này, chúng tôi phải trộn bê tông đổ để giữ đá lại. Từ đó trở xuống gặp rất nhiều khó khăn, phải cần đến sự chẻ đá, vì có nhiều đá lớn lăn chắn ngang đường, Hoằng Chánh phụ trách khâu này vì trước đã có từng làm qua. Chính nơi đoạn dốc này, Thầy Hoằng Xưng xém bị đá lăn trúng, Thầy đang xuống dốc phía trước, đá bị động lăn sau lưng nhưng gần đến Thầy lại quẹo qua hướng khác. Đục đá xong, có nơi lăn xuống được, có nơi không dám lăn vì sẽ đi tuốt xuống nhà dân. Chúng tôi phải dùng đến hai ba xe lăn để đưa đá xuống rồi dùng đá chêm cho đứng lại. Hoằng Kim đã phụ trách phần này rất tích cực. Nói chung, mọi người đều tận tâm tận lực. Mặc dù dưới sức nắng rất gay gắt của tháng 03 tháng 04, nhiều nơi không chỗ trú nắng phải ăn nửa buổi giữa đường. Bắt đầu từ dốc Bốn Ngàn, đã cách khá xa chùa nên chúng tôi cho một số ở lại quán để đỡ mất thời gian. Rồi thì mọi khó khăn đều được khắc phục, chúng tôi tiến dần đến quán Cô Đơn, thác Ba Tầng, dốc Cây Cờ, hang Ông Hổ, dốc 2000, trạm Kiểm Lâm (chú 5 Vệ). Từ dốc 2000, số ở lại và Tổ Hậu Cần chuyển xuống nhà chú 5 Vệ. Năm nay hạn, nên vấn đề nước rất khó khăn, chiều nghỉ, đi tắm cách đó 1 km, tắm về mỗi người phải xách một can nước để có xài, chú 5 Vệ đã giúp chúng tôi rất nhiều. Rảnh chú vác cuốc phụ chúng tôi, thím thì phụ nấu nướng với Ban Hậu Cần, có lúc chú dừng xe chở nước cung cấp cho chúng tôi, cuối cùng rồi chúng tôi cũng nối được với đường thông ra lộ.

Khi bắt đầu thi công con đường, Thầy Hoằng Trí đã nhờ mua một chiếc máy cày nhỏ hai cầu và đặt làm một cái rờ mọt để khi đường xong sẽ sẵn sàng thử nghiệm. Chiều nào chúng tôi cũng về chùa (nhóm đi về). Đường tuy xa và lên dốc nhưng với cái mệt của đưa cuốc lên, hạ cuốc xuống, xúc đất, khiêng đá thì quá là nhàn nhã. Trên con đường về giờ đây phẳng phiu uốn lượn theo vách núi. Bên đường, từng chúm hoa đỏ chói của cây dong trên cành trụi lá làm nổi bật hẳn giữa một vùng rừng cây xơ xác dưới sức nóng thiêu đốt của mặt trời mùa Hạ như nói lên một điều: thành quả nào đạt được cũng phải trải qua nhiều gian nan thử thách, kiên trì, và trong tận cùng của sự hủy diệt, vẫn còn mầm sống và sẵn sàng nở hoa. Lòng nhẹ nhàng trào dâng niềm hỷ lạc, cảm nhận được sự vi diệu của Phật Pháp.

Và rồi màu xanh của sự sống, như chiếc áo mới phủ choàng lên núi rừng sau những cơn mưa đầu mùa, khiến cho mọi người cảm thấy tươi mát lên, và tràn đầy hy vọng, ngày mong đợi cũng đã đến.

Trưa ngày 16 tháng 04 ÂL 1998, một chiếc xe tải lớn đưa vật liệu xây dựng, một xe máy cày nhỏ và rờ mọt cùng hai bức phù điêu Quán Âm, Địa Tạng bằng đá. Thầy Hoằng Hiển đã xuống ráp xe, móc rờ mọt vào chạy thử. Do đầu xe quá nhỏ mà rờ mọt lớn và nặng nên chạy đất bằng thì được, còn bắt đầu lên dốc nó chỉ cất đầu lên chứ không chạy được. Đó chỉ là rờ mọt không chưa nói đến có đồ. Mặc dù không sử dụng được như ý định nhưng chúng tôi cũng tận dụng phương tiện, vì nhận thấy rằng sở dĩ xe cất đầu là vì không cân bằng. Trước quá nhẹ và sau thì cồng kềng trong khi đang lên dốc. Nên Thầy Hoằng Hiển liền hàn nối ráp tạo cho xe thùng phía trước và một thùng phía sau. Chúng tôi thử tải người trước, lớp đứng , lớp đeo trước 7, 8 người , sau 7, 8 người và chạy thử thì thấy đạt yêu cầu. Vì thế, chúng tôi cho chất một số bao xi măng phía trước tương đương sức nặng của bức phù điêu và để nó phía sau. Xe bắt đầu chạy và lên đến chùa an toàn.

Đó là sáng ngày 20 tháng 04 ÂL 1998. Đây là chuyến xe đầu tiên đã tải phù điêu đức Quán Âm lên chùa, mở màn một tương lai cho vùng núi có phương tiện cơ giới. Hôm đó thực sự như là một ngày lễ hội. Phật tử và dân chúng theo ủng hộ rất đông. Hai bên đường và đủ loại hoa rừng như bằng lăng, hoàng yến được mọi người hái cắm đầy xe. Xe cứ từ từ vượt dốc lên núi. Tiếng gầm của máy xe hòa lẫn với tiếng niệm danh hiệu Bồ Tát vang động cả núi rừng. Như vậy là sau hai tháng thi công, con đường coi như đã hoàn thành cơ bản, có khả năng chuyển tượng Phật lên. Vấn đề được quan tâm bây giờ là làm sao phải tìm một chiếc xe cải tiến hai cầu có số mạnh, trọng tải khoảng hai tấn mới có khả năng đưa tượng lên vào dịp giỗ Tổ 23-24 tháng 11 ÂL 1998 này. Chúng tôi liên hệ với anh Minh cơ khí ở giòng Ông Tồ đặt làm một xe cải tiến với yêu cầu trên. Anh đã mua một sườn xe Ô oát cũ và tiến hành lắp đặt.

Trở lại vấn đề xây dựng. Đầu tháng 05 ÂL 1998, chúng tôi khởi công ban đất khu đồi bên hông chánh điện để làm Tăng xá. Đồng thời đến 21 tháng 05 ÂL 1998, khởi công xây dựng Tháp Tổ. Đến vía đức Quán Âm 19 tháng 06 ÂL 1998 là ngày hoàn thành khu nhà bếp đưa vào sử dụng. Cũng nhân dịp vía này, số tập sự được xuất gia đến bảy người, đông nhất trong các kỳ cho xuất gia trước và sau này. Công việc ngày càng bề bộn từ đây đến giỗ Tổ. Nào là xin phép tổ chức giỗ rước Phật lên, lo chỗ ăn ở của khách trong những ngày đó vì tiên liệu sẽ rất đông, nào là phải thi công gấp rút cho xong phần cơ bản Tháp Tổ để đưa linh cốt Hòa thượng Khai Sơn về nhập Tháp. Nào là phải tìm người thân của Sư Cố ở Bến Tre để viết chính xác tiểu sử của Hòa thượng Khai Sơn; nào là phải mở rộng và sửa chữa lại con đường sau một mùa mưa bị trôi hết đất v.v ... đủ thứ chuyện. Chúng tôi chia ra từng nhóm để phụ trách từng khâu. Nhất là khâu làm đường. Lúc trước vì làm cho xe máy cày nhỏ chạy nên đường hẹp. Bây giờ xe cải tiến chắc chắn là phải lớn hơn, cao hơn. Vì thế phải nới đường rộng ra thêm. Thương lượng với các quán giữa đường, quán nào có khoảng cách cột hẹp quá xin nới ra và xà ngang thấp quá xin dời lên cao.

Đầu tháng 10 ÂL 1998, xe cải tiến làm xong, được xe tải chở lên đến chân núi cùng với bức phù điêu khắc hình Sư Cố dựa theo cảnh Tổ Huệ Viễn. Bức phù điêu này nặng hơn đức Phật. Vì thế, chúng tôi cho chở thử lên trước. Nếu chở bức này lên nổi thì đức Phật coi như nhẹ nhàng. Thực sự thì xe rất yếu nhưng cũng đi được, đến dốc cao thì như bò không nổi phải phụ dây kéo và sức người đẩy. Đến dốc Bốn Ngàn thì không sao lên nổi. Chúng tôi phải đưa máy cày xuống kéo dây phụ, ì ạch lắm mới lên được, rồi bò từ từ cũng đến chùa. Lên đến chùa là hư luôn không chạy được nữa. Thầy Hiển lo phụ đưa bức phù điêu Sư Cố lên vách Tháp mấy ngày sau mới xong. Thyầ dùng xe máy cày nhỏ kéo xe ra Vĩnh Trung, chỗ chú Hai vá vỏ để làm lại. Tìm mua thêm hộp số mạnh, xả các bộ phận ra, rồi ráp lại có thêm hộp số mạnh đó. Vừa xong là đến đúng ngày giỗ. Đem xe vào nhà chú Út chỗ để tượng Phật đã được đưa lên trước. Thỉnh Phật lên xe sẵn sàng và chờ đoàn xe thỉnh linh cốt Hòa Thượng Khai Sơn đến là bắt đầu lăn bánh.

Thầy trụ trì hướng dẫn đoàn xe khởi hành từ chùa Vạn Đức, ghé vào chùa Huệ Nghiêm ở An Dưỡng Địa để cung thỉnh linh cốt của Hòa Thượng Khai Sơn chùa Vạn Linh. Hòa Thượng Vạn Đức đi trước hai ngày đã căn dặn Thầy trụ trì rất kỹ là đem theo một cái đãi dư để khi vào thỉnh hũ cốt xong để vào bị và luôn luôn đeo vào cổ cho đến khi đặt lên bàn thờ, vì Hòa Thượng sợ chúng tôi đi đêm buồn ngủ hay lơ đễnh có thể làm rơi bể thì quả là không hay chút nào. Đeo vào cổ là chắc cú và Thầy Hoằng Trí đã làm đúng y như vậy.

Chúng tôi đi sau, khoảng 05 giờ sáng ngày 23 tháng 11 ÂL 1998, các đoàn xe lần lượt đến điểm. Có xe không biết đã chạy vào đường đi bộ lên nấc thang. Ổn định xong đúng 06, xe chở Phật bắt đầu nổ máy, các hoa rừng đã được chú 5 Vệ và các em nhỏ cắm đầy xe và bắt đầu chuyển bánh.

Thầy Trụ trì đeo bị hũ cốt đi theo sau, đoàn người nối đuôi theo dài dài và rớt lại lần lần. Tiếng niệm danh hiệu đức Bổn sư râm ran. Ban đầu còn vang dậy, lần lần yếu dần, càng lên dốc càng mệt, càng thở không còn sức niệm nữa. Hoa được các em hái dọc theo đường cắm thêm vào. Mấy anh quay phim nhiếp ảnh chạy lên trước, thỉnh thoảng ánh đèn máy ảnh lại chớp lên. Cứ thế, xe từ từ tiến lên qua dốc Bốn Ngàn, qua đến khu dân cư. Mọi người đứng hai bên đường đông nghẹt chắp tay thành kính. Có nơi lập bàn hương án, đèn nhang hoa quả cúng dường. Nhất là gia đình chú Năm Chuột, áo dài khăn đóng chỉnh tề cùng vợ con quỳ lạy trước bàn hương án khói hương nghi ngút. Qua khỏi đó một chút, xe có trục trặc. Hoàng Chánh lái xe tránh một cục đá nhưng tay lái không ăn lắm vẫn leo lên đá. Xe dừng lại kiểm tra không thấy dấu hiệu gì nên lên xe chạy tiếp. Về đến chùa an toàn. Số người đứng trên bờ đất trước chùa đón Phật về đông nghịt. Sau khi đưa Phật xuống trước hiên chùa, chúng tôi kiểm tra lại xe thì phát giác ra sáu bù lon bánh trước đã bức đi năm con, chỉ còn một. Thật là nhờ Tam Bảo gia hộ tượng Phật về đến nơi an toàn. Thầy Hoằng Trí thỉnh hũ cốt để lên bàn thờ xong đảnh lễ rồi lui xuống. Mọi người tạm nghỉ ngơi dùng cơm vì cũng đã gần mười một  giờ rồi. Số người rơi lại phía sau cũng lần lượt đến đông ngoài mức dự định.

Ba giờ rưỡi chiều, chư Tăng làm lễ khai kinh cầu nguyện. Buổi lễ hiện diện đông đảo chư Tôn túc. Thật ra, vì xây dựng chưa hoàn chỉnh, chỗ nơi còn chật hẹp nên chúng tôi không dám cung thỉnh quý Ngài, nhưng do cảm đức Hòa Thượng nên quý Ngài tự động đăng sơn tham dự thật là đông đảo. Nhất là Hòa Thượng An Phước, trưởng Ban Trị Sự Tỉnh đã chín mươi tuổi mà Ngài cũng nhất quyết đi bộ không chịu võng. Thượng Tọa Minh Thành, Nhựt Quang, Minh Cảnh, Chơn Lạc, Thiện Nhơn, Thiện Trung v.v... đã xếp lại Phật sự của mình chịu khó leo núi về đây dự lễ. Tám giờ sáng hôm sau, lễ chính thức bắt đầu. Trong chùa Lá ọp ẹp, chư Tôn túc Hòa Thượng, Thượng Tọa thành kinh niệm hương đảnh lễ xong, hũ cốt được đưa vào Tháp hoa do Thầy trụ trì bưng thỉnh từ chùa Lá ra Tháp Tổ và đưa lên an trí trên bệ thờ tầng giữa của Tháp. Tầng trên hết là thờ Phật, dưới cùng là dành cho chư Tăng trong chùa. Sau khi an trí hũ cốt, Hòa Thượng Vạn Đức đích thân nguyện hương bằng những lời chân thành tha thiết như sau:

Nam Mô Khai Sơn Viện Chủ Linh Tự Đại Lão Hòa Thượng thượng THIỆN hạ QUANG, húy HỒNG XƯNG, linh giác thùy từ chiếu giám.

Hôm nay, hàng đệ tử đệ tôn của Đại Lão Hòa Thượng trùng hưng Vạn Linh Tự, xây dựng Bảo Tháp cung thỉnh linh cốt của Đại Lão Hòa Thượng về an trí tại đây. Ngưỡng mong linh giác Hòa Thượng thùy từ chiếu giám cho lòng thành của hàng đệ tử đệ tôn của Lão Hòa Thượng. Ngưỡng mong linh giác Đại Lão Hòa Thượng gia hộ cho hàng đệ tử đệ tôn cũng như tất cả thiện nam tín nữ, mọi người đều được chướng nạn tiêu trừ, thiện căn công đức mỗi ngày một tăng trưởng. Đạo tâm của tất cả mọi người càng ngày càng kiên cố, vững bước trên đường dạo, chánh pháp được trường tồn.

Ngưỡng mong linh giác Đại Lão Hòa Thượng thùy từ chứng giám!

Ngưỡng mong linh giác Đại Lão Hòa Thượng thùy từ chứng giám!

Ngưỡng mong linh giác Đại Lão Hòa Thượng thùy từ chứng giám!

Hòa Thượng đảnh lễ rồi lui ra. Chư Tăng tụng thời kinh ngắn niệm Phật nhiễu Tháp và hồi hướng. Sau đó, Thượng Tọa Minh Cảnh thay mặt chư Tăng đọc lại tiểu sử của Hòa Thượng Khai Sơn (tiểu sử này đã được bổ sung đầy đủ sau khi Thầy trụ trì đã đi Bến Tre tìm gặp được người con của Hòa Thượng, người con này với các cháu có lên dự giỗ). Cuối cùng Thầy trụ trì thay mặt bổn tự đọc lời cảm tạ. Lời văn mộc mạc chân thành, làm cảm động lòng người, khiến cho buổi lễ dù nhiều khiếm khuyết đều biến thành hoan hỉ cảm thông. Một bức ảnh kỷ niệm được chụp chung hai vị Hòa Thượng và chư Tăng Ni hiện diện. Buổi lễ quá trang nghiêm thành kính, cảm đến trời đất. Lễ vừa xong, bỗng chốc sương mù từ bốn phương kéo đến giăng kín không gian, đứng cách vài mét không nhìn thấy rõ. Cả đến cảnh vật cũng nghiêng mình chuyển biến. Nguyên hàng cây Thiết Mộc Lan (Phát Tài) trồng dọc theo đường đều trổ hoa ngay ngày giỗ, cả đến cây nhỏ và cây trong chậu cũng thế. Tối đến, mùi hương thơm ngát cả một vùng. Buổi lễ tuy đã trôi qua, nhưng đã để lại trong lòng mọi người một ấn tượng khó phai. Thế là sau bốn mươi lăm năm rời núi, linh cốt Hòa Thượng Khai Sơn mới được chính thức trở về nơi chùa xưa đất cũ, đánh dấu một bước ngoặc mới: chùa được trùng hưng ứng với lời huyền ký, nay đã thành hiện thực. Mọi người xuống núi ra về, lòng tràn đầy hỷ lạc.

Lại một năm nữa đã đi qua với Tết núi lặng lẽ. Đầu năm 1999, vấn đề vận chuyển vật tư và thực phẩm ngày một dễ dàng hơn. Đá hoa cương được xe máy cày chuyển lên để lót khu chánh điện nhà Tổ thay cho gạch Thạch Anh vàng đã gánh lên trước. Gạch Thạch Anh đã được chuyển ra lót hành lang, nương theo đường xe chùa chạy, những chuyến xe ôm của dân núi bắt đầu lăn bánh. Ban đầu còn ít, từ từ đông lên, phải sắp tài, nhưng họ chỉ chạy được từ dốc Bốn Ngàn đổ lên chứ khúc dưới không cách gì chạy được vì đá rất lôm chôm. Ai đã từng đi xe cải tiến của chùa thuở ấy cũng phải sững sốt. Khi xe bắt đầu thực sự vào đường núi đã buột miệng nói: “Như vầy là đường sao!”. Ấy vậy mà chiếc xe cứ từ từ chồm lên bò hết cục đá này đến cục đá khác. Nhất là khi đến cái quán đầu tiên ngay dốc Bốn Ngàn, cái quán này chắn ngang đường. Tưởng có đường vòng nào khác, nhưng lại gần thì một bên là vách núi, một bên là vực thẳm. Xe chạy thẳng vào quán chui qua bếp lấy hết lái qua trái rồi trả lại hết bên mặt ra khỏi quán và bắt đầu lao dốc mệnh danh là dốc Bốn Ngàn (cách đường lộ xe 4,000m), là dốc thẳng đứng nhất. Lên hết dốc, mọi người mới hoàn hồn. Tài xế chỉ cần sai lệch một chút là sẽ cọ vào cột nhà. Mà các quán này chỉ cất tạm bợ, nếu xe cọ vào có thể mang nợ: sập nhà. Lên đã như thế xuống còn ớn lạnh hơn. Vì khi lên, dù rất dốc nhưng chưa có ấn tượng lắm. Khi đỗ dốc chúng ta mới cảm nhận hết độ trút xuống của nó. Đã vậy lại đâm thẳng vào quán. Vừa gài số mạnh kềm lại, vừa đạp thắng xe từ từ xuống lượn qua lượn lại trong quán và ra ngoài rất xít xao. Ai đã đi qua thật thấy thương chiếc xe vô cùng và nể phục tài xế không bằng lái sát đất. Sau này, chúng tôi có sắm thêm một chiếc máy cày lớn hơn cũng thiết kế như xe nhỏ để chở đồ. Còn chiếc xe cải tiến đi được một vài chuyến nữa cũng nằm ì luôn không sử dụng được nữa. Dường như nó chỉ có trách nhiệm đưa Phật lên là rồi. Sau này, chúng tôi tìm mua được xác một chiếc xe tải hiệu IFA hai cầu máy xăng đã bỏ mấy năm không sử dụng, phải nhờ xe kéo về chùa Vạn Đức để làm lại. Chúng tôi đổi máy dầu và tu sửa lại rồi đưa lên núi chạy rất tốt. Nhưng do đường quá xấu, cứ qua một mùa mưa, đá tại lồi lên lổm chổm hơn. Vì không có đường thoát nước nên phá đường rất mau. Xe nay gãy nhíp, mai bức láp, mốt đứt sườn. Hư đâu sửa đó, đứt đâu hàn đó, mãi rồi cũng không còn chỗ hàn. Cuối cùng, chúng tôi về Thành phố mua thiết bị cứng chắc hơn làm lại toàn bộ xe và đưa lên chạy tương đối bền cho đến bây giờ. Việc tu sửa này hoàn toàn do Hoằng Chánh trực tiếp làm tại chùa. Vì lúc trước đã từng có kinh nghiệm qua, nên làm không thua bất cứ người thợ giỏi nào. Thêm vào đó, tự mình đích thân sử dụng nên trải qua mọi tình huống, rút thêm nhiều kinh nghiệm thực tế, nên làm xe đạt yêu cầu. Mọi người nhìn thấy chiếc xe thô sơ cõng một số vật tư hai ba tấn chạy trên đường dốc lổm chổm không khỏi lắc đầu thán phục. Còn con đường do xe Honda chạy càng ngày càng nhiều, nên những chủ đất trước đây cho chùa tạm làm đường chạy qua, sợ sau này đất của mình thành đường công cộng nên không cho sử dụng nữa. Chúng tôi phải mất một thời gian đi mờ lại đúng theo dấu đường cũ. Do lúc trước thấy quá khó nên tạm nhờ đất tư nhân. Và con đường đó bây giờ đã được nhà nước làm lại to rộng hơn, qui mô nhưng đến nay đã trên sáu năm rồi mà còn chưa hoàn thiện. Nếu theo tiến độ như hiện nay, có lẽ cuối năm nay sẽ đưa vào sử dụng.

Vía đức Quán Âm 19 tháng 06 ÂL 1999 năm nay, Ban Trị Sự Tỉnh có mở Giới Đàn.

Chùa cho mười lăm huynh được thọ giới Sa-di và cho một số tập sự về làm lễ xuất gia với Hòa thượng. Sau khi thọ giới, chúng tôi đã thỉnh Thầy Hoằng Triệu mỗi tháng lên năm ba ngày để dạy luật cho các huynh. Đồng thời do chúng đông nhiều phức tạp nên cuối năm, chùa soạn Thanh Quy trình lên Hòa thượng xét duyệt và áp dụng lễ Thỉnh nguyện mỗi nửa tháng. Nhờ thế khắc phục được những tệ hại vừa phát sinh. Mãn Hạ năm nay, chùa có cho một số huynh đệ về Vạn Đức dự học các lớp Phật học. Chúng tôi nhận thấy rằng sự học hiện nay chưa tổ chức được nội trú nên hiệu quả chưa tốt. Đến trường thì chùa không kiểm soát được. Về chùa thì trường không kiểm soát được. Vì thế thu thập cái tốt thì ít, mà nhiễm cái xấu lại nhiều nên sau này chúng tôi chủ trương cho chúng học tại chỗ, không cho về Thành phố nữa.

Về phần trang trí, Thầy Hiển dồn nổ lực cùng anh Tâm và Hoằng Thời hoàn thiện cây Bồ Đề vào cuối năm 1998. Đầu năm 1999, vợ chồng anh Mười họa sĩ lên sơn. Ban đầu, vì là tác phẩm phù điêu nên chúng tôi muốn sơn nghệ thuật một màu, chỉ chấm phá đậm nhạt thôi. Chúng tôi chọn màu nâu. Sau này, Hòa Thượng lên xem không đồng ý nên nhờ anh sơn lại màu đúng với thực tế như hiện nay. Bên cạnh đó, các hoa văn hành lang, các đầu đao mái cong, consol, rồng v.v... nói chung những tác phẩm về trang trí lần lượt được Thầy Hiển thực hiện. Cái nào nhiều thì làm khuôn cho thợ hay công quả đổ ra, cái nào ít thì đắp tại chỗ. Thầy còn đắp một bao lam lớn trước bàn Phật, đường nét tinh xảo như gỗ, nhìn vào không ai biết là xi măng. Đến 19 tháng 03 ÂL 1999. Thầy làm dàn giáo đưa Phật lên bệ thờ an toàn. Xong, nhóm thợ lo việc dán các tấm đá lớn vào các mặt bàn thờ, còn Thầy Hiển làm các hoa văn chung quanh.

Mặt khác, trên nóc có Thầy Ngữ chỉ huy công việc dán ngói cũng được tiến hành. Một mình Hoằng Thời đã lợp xong hết các mái, chỉ còn sơn B nữa là xong.

Mãn Hạ năm 1999, nhà Tăng đã hoàn thành, Tăng chúng được chuyển lên chỗ mới rộng rãi thoải mái hơn, chia tay với ngôi chùa Lá thân thương đã đùm bọc chúng tôi qua bao mùa mưa nắng. Trong thời gian này, trước đó tuần lễ vào ngày 13 tháng 07 ÂL 1999 vía đức Đại Thế Chí, ông Hai sau cơn bệnh nhẹ đã đột ngột từ trần. Thi hài ông được quàng và an táng tại nhà mồ mà lúc trước, ông đã xin với Hòa Thượng để xây dựng trước. Đám tang ông cũng rất đặc biệt. Từ khi liệm, quàng lại và khi hạ xuống cũng chỉ có chỗ đó mà thôi, không dời nơi khác. Thế là ông đã được mãn nguyện. Mặc dù không được sống tới ngày An vị chính thức, nhưng ông đã thấy được ngôi chùa hình thành đồ sộ nguy nga ngoài sự mong ước, cũng như hũ cốt của Hòa Thượng Khai Sơn đã đưa về nhập Tháp. Đó là hai điều hoài bão của ông nay đã thành hiện thực, không uổng công giữ đất bấy lâu nay. Công đức của ông sẽ được Tam Bảo chứng minh. Cầu nguyện ông được sinh về Cực Lạc mà hầu cận Hòa thượng Khai Sơn như thuở nào.

Đến ngày mùng 03 tháng 10 ÂL 1999, giỗ Sư Bác Thiện Thành, trụ trì đời thứ hai chùa Vạn Linh, khu chánh điện đã được hoàn thành. Lễ an vị Phật được tổ chức đơn giản dưới sự chứng minh của  Hòa Thượng viện chủ chùa Thiền Tôn cùng sự tham dự của chư Tôn đức và Phật tử ở Thường Chiếu, Long Xuyên, Vạn Đức, Vạn Linh. Tuy đơn sơ nhưng rất trang nghiêm thành kính. Sinh hoạt tu tập tụng niệm hằng ngày của đại chúng chính thức được chuyển lên chánh điện mới. Chiều đó, ngôi chùa Lá được dỡ ra để làm mặt bằng cho sân trước chánh điện. Thế là qua hơn hai mươi năm tồn tại, ngôi chùa Lá mặc dù không còn hiện diện, nhưng vẫn sống mãi trong lòng mỗi chúng tôi, những người đã gắn bó từ những buổi đầu đầy gian khổ, biết bao nhiêu kỷ niệm vui buồn mà chúng tôi không bây giờ quên được.

Lễ giỗ xong, Hòa Thượng hỏi Thầy Hoằng Trí vào chỉ đạo: “Phía trước chùa làm cho Sư Ông Tháp thờ Phật mười ba tầng cao khoảng 50m”. Chúng tôi thật sự lo lắng về sự chỉ đạo này, vì công trình quá vĩ đại ngoài khả năng của chúng tôi. Chúng tôi đã có dự trù trong bản vẽ tổng thể một điện Quan Âm tương đương như trên Vạn Đức là cũng thấy lớn lao quá rồi. Bây giờ, Sư Ông chỉ đạo như vậy làm sao không khỏi lo lắng được. Chúng tôi bàn với nhau rồi đi vào thưa xin Sư ông giảm bớt lại. Cuối cùng, Sư Ông điều chỉnh lại thành Bảo Các Quán Âm bảy tầng không kể trệt và nóc, cao khoảng 40m. Giả sử như Hòa Thượng không đổi ý, chúng tôi cũng phải thực hiện. Nhận xét công trình sau tuy kém hơn công trình trước (Tháp 13 tầng), nhưng không phải là nhỏ. Vì thế, chúng tôi một mặt lo vận chuyển sắt thép, một mặt lo tập trung cát đá, một mặt nhờ Phương lên bản vẽ để tính kết cấu gấp (Phương là kỹ sư xây dựng, bạn của Thầy Hoàng Xưng lúc trước. Tất cả  bản vẽ và tính kết cấu đều do kỹ sư Phương giúp, không tốn một khoản chi phí nào).

Chẳng bao lâu lại đến giỗ. Đặc biệt, năm nay do ảnh hưởng lời đồn đãi năm 2000 tận thế và ngày 24 ÂL lại ngay ngày 31 Tây. Có nghĩa là khuya nay là Giao Thừa bước qua năm 2000. Ban đầu, số người đăng ký dự giỗ khá đông, sau hồi lại chỉ còn một xe, họ sợ lên núi rồi tận thế không về được. Thành ra, giỗ năm nay hơi vắng, mọi người như đang chờ đợi một điều gì sắp xảy ra. Họ đồn đủ thứ: nào cúp điện, nào có tiếng nổ. . . Rồi họ dự trữ đèn cầy, đồ khô, mì gói v.v… Tuy biết rằng mọi việc đều có nhân duyên, cái gì đến sẽ đến, nhưng thấy mọi người lo lắng quá mình cũng hơi nao núng.

Chiều 23 tháng 11  ÂL 1999, có khóa lễ quy y. Đây là khóa lễ quy y đầu tiên do Hòa Thượng viện chủ truyền tại Vạn Linh và thành lệ. Từ đó về sau, cứ đến ngày giỗ là có khóa lễ Quy Y. Như thế, một năm có bốn lần Hòa thượng truyền Tam quy Ngũ giới. Ba lần vào dịp vía đức Quán Thế Âm tại Vạn Đức và một lần vào dịp giỗ Tổ ở Vạn Linh.

Giỗ xong, chúng tôi xuống núi về, xe chạy bình thường cũng chưa thấy dấu hiệu gì.

Đến khoảng tám giờ tối xe ghé quán ăn cơm, thấy truyền hình Giao Thừa chiếu  chương trình Giao Thừa của Úc là nước đi trước chúng ta bốn tiếng đồng hồ. Thấy họ đốt pháo bông đón Giao Thừa ì xèo đâu có việc gì xảy ra. Hay ông Trời tận thế theo giờ Việt Nam. Xe chạy về đến chùa đúng mười hai giờ. Mọi người xuống xe cũng mất năm, mười phút, đèn đường cũng vẫn sáng choang không có việc gì xảy ra. Và cho đến nay đã 2006. Thật là sự mê muội của con người ta, đến lúc gặp việc mới thể hiện rõ ràng. Qua Tết Tây, họ còn cho rằng đến Tết Ta. Vì thế, Tết năm nay dân núi đến chùa tụng kinh đón Giao Thừa khá đông. Các tệ nạn bài bạc rượu chè giảm hẳn, con người đứng trước một sự kiện trọng đại cũng có sự hồi tâm. Họ lên chùa tụng kinh mong có chút phưóoc để hy vọng rằng nếu có tận thế, nhờ chút phước ấy mà gặp may mắn. Qua việc rồi, từ từ họ lại như cũ.

Qua Tết, chúng tôi một mặt tiếp tục tập trung vật tư, một mặt dọn nền phía trước, để kịp đến vía đức Quán Âm 19 tháng 02 ÂL 2000 là khởi công.

Thật sự, chúng tôi rất làm làm lo lắng trước công trình này. Tất cả những gì chúng tôi làm trước đây, dù lớn dù nhiều bất quá chỉ là thời gian và sự kiên trì thôi, còn công trình này đòi hỏi một kỹ thuật cao. Lại vị trí nằm chỗ rất cheo leo, phía trước là vực sâu. Trước một sự kiện trọng đại như vậy, không gì hơn là nương vào lực của Tam Bảo gia trì. Chúng tôi thỉnh được Hòa Thượng Từ Quang về chứng minh hộ niệm cho chúng tôi khởi công, nương sức Tam Bảo mà làm. Chiều 17 tháng 02 ÂL 2000, đoàn xe của Thầy trụ trì thỉnh Hòa Thượng Từ Quang được xe cải tiến đưa lên tới chùa. Chiều 18 tháng 02, có đoàn Phật tử Thủ Đức lên thiết lễ Trai Tăng cầu siêu 49 ngày cho mẫu thân.

Sau thời kinh tối, Thầy Hoằng Xưng, Hoằng Cần và Hoằng Kiệt phát tâm đốt một lóng tay để cúng dường hồi hướng cầu nguyện cho Phật sự lớn lao này chóng được thành tựu. Ánh lửa rực lên. Tiếng niệm Phật hộ niệm của đại chúng rền vang dưới sự chứng minh của Hòa thượng Từ Quang, chắc chắn cảm ứng đến chư Phật Bồ Tát, Hộ Pháp lòng thành kính cúng dường của những người con Phật. Như Phẩm Dược  Vương trong kinh Pháp Hoa nói: "Đó là Pháp cúng dường hơn hết".

Sáng hôm 19 tháng 02 ÂL 2000, sau thời kinh Phổ Môn, Hòa thượng Từ Quang cùng đại chúng cử hành lễ động thổ khởi công xây dựng Bảo Các Quan Âm. Sau đó, cung thỉnh Hòa thượng sái tịnh khắp ranh đất, cầu chư Hộ Pháp gia hộ cho Đại giới chùa Vạn Linh, thay cho lễ Kiết giới.

Hôm nay, cũng là ngày rước tượng Quán Âm lên. Do vì xe tải lên trễ nên Hoằng Chánh đưa tượng lên đến chùa khoảng 10 giờ 30. Tượng được an trí tạm trước sân chánh điện. Tượng tạc đức Quán Âm đứng trên đầu rồng, bình nước cam lồ trút xuống thành một cuộn nước uốn lượn chung quanh. Khuôn mặt của Ngài rất đẹp, nhiều người đã nhận định chưa thấy tượng nào khuôn mặt đẹp như tượng này.

 

Chiều hôm đó, công trình bắt đầu khởi động, sắt thép được chuyển liên tục. Xe cải tiến phải chạy ngày ba ca mới cung ứng đủ cát đá cho công trình. Lăm le mặt bằng phía trước sân chùa để có chỗ trộn bê tông. Cất một láng trại cạnh Tháp Sư Cố để chứa xi măng và vật tư. Tu sửa lại máy phát điện để phục vụ cho công trình như hàn cắt, mài, bơm nước. Lúc trước, chúng tôi phát điện bằng máy nổ D12 với Dynamo 5K chỉ dùng cho thắp sáng và chút ít máy móc nhỏ, sau thêm máy pháp của Liên Xô 15K mới đủ sức cho mỏ hàn. Máy này hơi hao dầu. Sau chúng tôi sắm thêm máy lớn có thùng, phát điện 20K, có điện ba pha. Sau công thương yêu Hoa Sen của anh Hoằng Lược cúng thêm một máy 4 phát được 25K, để thay đổi lẫn nhau, hư cái này có cái kia.

Tiến độ công trình nhanh thấy rõ, móng được kết cấu bằng mười tấn sắt 20 đưòng thành vĩ cách mười phân và làm hai lớp cách nhau sáu tấc. Tất cả đều chấm hàn chứ không cột bằng kẽm. Đến mùng 04 tháng ÂL 2000, ngày vía Văn Thù, là ngày đổ bê tông. Một trăm hai chục đống đá cát đã được đong ngày hôm qua khúm khúm đều đều, chụp hình từ trên cao giống như những cái bánh khổng lồ ...

6 giờ sáng, chúng tôi bắt đầu trộn bê tông. Dĩ nhiên là có lực lượng của Hoằng Trương. Chúng tôi đổ rất nhanh. Vì móng Tháp quá lớn nên phần đông chúng tôi dùng xe rùa để đổ giáp vòng. Phía giữa xe rùa không vào được, chúng tôi phải bắt cầu và làm cái máng lớn để trút xuống nơi nào cần . Đến khoảng 11 giờ là chúng tôi đổ xong, 60 khối bê tông, 420 bao xi măng.

Vạn sự khởi đầu nan. Phần móng xong, chúng tôi nhẹ được đôi phần. Lên cột, đóng cốt pha đà kiến chéo và vòng tròn hành lang đến 27 tháng 04 ÂL 2000, chúng tôi đổ lần hai. Lại lên cột cao trên 5m, đóng cốt pha sân vòng tròn tầng thứ nhất đến 22 tháng 05 ÂL 2000, chúng tôi đổ bê tông phần này. Trong thời gian này, để tiến độ nhanh gọn, chúng tôi mua sắt tấm dầy hai ly đem lên để anh Tư làm hai bộ cốt pha giống nhau. Vì từ đó trở đi các tầng đều bằng nhau. Đóng bộ này cho đổ bê tông. Xong lên cột (cột cũng có khuôn riêng), rồi đóng tiếp bộ thứ hai và cho đổ. Đổ xong, lên cột và cho tháo bộ kia đóng tiếp. Như thế, xoay vần cứ hai mươi mốt ngày là chúng tôi có đổ một lần. Mỗi lần đổ như vậy, ngoài nhóm Hoằng Trương, dân núi công quả và quý Thầy, còn có nhóm ở Thành phố hai xe do Thầy trụ trì tổ chức dẫn lên, thường thì ngày chủ nhật. Cứ tối thứ sáu đi đến núi, khoảng 5 giờ sáng lội lên chùa, khoảng 7, 8 giờ đến. Nghỉ ngơi nguyên thứ bảy, khuya 03 giờ 30 sáng, chạy máy đèn bắt đầu ra trộn, 05 giờ 30 nghỉ ăn sáng một chút rồi tiếp tục đến khoảng 08-09 giờ là xong, lo tắm rửa ăn uống rồi tuột xuống núi về. Mọi người đi rất tích cực và hoan hỷ. Một chuyến đi có ý nghĩa vừa tham quan vừa góp phần nhỉ công sức của mình vào công trình.

Trong các lần đổ bê tông này, có một lần chúng tôi đáng ghi nhớ nhất là lần đổ tầng thứ ba. Lần này không ngay ngày chủ nhật. Nhân dịp về dự giỗ Sư Bà Vạn Thành ở Sa Đéc 25 tháng 07 ÂL 2000 hằng năm rồi lên Vạn Linh tham gia đổ bê tông luôn.

Thời điểm này đang diễn ra cơn bão ở miền Tây. Trên đường từ Thành phố xuống, xe đã chạy trong mưa gió lúc tạnh lúc mưa. Ngay khúc Cai Lậy, Cái Bè, chúng tôi đã chứng kiến một cơn lốc vừa đia ngang. Nhà cửa sập hay xiêu vẹo dài dài hai bên đường dây điện. Đến Vạn Thành cúng giỗ cũng như thế. Bầu trời lúc nào cũng bao phủ một màu đen. Mặt trời không ló ra nổi, lâu lâu chợt loé lên rồi lại bị mây đen che mất. Trên đường đến Vạn Linh, chúng tôi nghĩ rằng chắc là đi tham quan thôi chứ không đổ bê tông được, mặc dù mọi việc đã chuẩn bị sẵn sàng. May mắn thay, chúng tôi vừa lên đến Vạn Linh thì bầu trời đã có chuyển biến khác, trong sáng hơn và ánh mặt trời đã ló dạng. Tuy không chói chang như bình thường nhưng có dấu hiệu cho thấy rất khả quan, không mưa nữa. Tối đến vẫn yên ả, không có dấu hiệu gì, đến giờ tụng kinh, chúng tôi thông báo cùng tất cả đại chúng nhất tâm cầu nguyện cho ngày mai trời tốt để chúng ta đổ bê tông được tốt đẹp. Thật là chư vị Hộ Pháp gia hộ. Nguyên đêm đó yên ả không có một hạt mưa. Ba giờ rưởi dậy, thấy không có dấu hiệu gì, chúng tôi quyết định tiến hành. Ánh đèn khu sân hồ sáng lên, mọi người phấn khởi trộn bê tông rào rào và chuyển hồ lên sàng. Cũng như mọi khi, khoảng 08 giờ 30 là xong. Bỗng trời hơi tối xuống, một vệt mây đen xuất hiện. Chúng tôi đem các tấm bạt cho thợ đậy kỹ, xong lo ăn uống và gấp rút xuống núi. Đến hơn nửa đường núi trời mưa xối xả, tức là sau khi đổ xong một tiếng đồng hồ, chúng tôi thở phào nhẹ nhõ, thật là chư vị Hộ Pháp dành cho chúng tôi một thời gian vừa vặn, cho chúng tôi có niềm tin để thực hiện. Nếu lên đến núi trời vẫn còn mưa hoặc khuya dậy mà trời không tốt chúng tôi cũng không dám tiến hành, và suốt thời gian diễn ra những lần đổ bê tông Tháp đều nằm trong thời điểm của mùa mưa. Chỉ lần sau cùng qua tháng 11 là hết mưa hẳn, thế mà không lần nào bị mưa. Chỉ có lần đó là chúng tôi làm trong hồi hộp lo âu, thời gian vừa vặn an toàn không trễ nải công việc. Chúng tôi thầm biết ơn chư vị Hộ Pháp, công việc vẫn tiến hành đều đặn, chỉ còn một tầng thất nữa là đến tầng nóc. Theo bản vẽ thiết kế thì trên nóc đổ hai lớp mái nữa là xong phần cơ bản, nhnưg Hòa Thượng gọi chúng tôi về chỉ đạo là Hòa Thượng muốn làm Tháp Bồ Đề đạo tràng trên nóc, giống như hình dạng của Tháp Bồ Đề đạo tràng bên Ấn Độ. Chúng tôi thật là bối rối, Thầy trụ trì, Thầy Hoằng Xưng, Thầy Hoằng Hiển và anh Tư họp bàn phát họa. Sau đó, Thầy trụ trì và Thầy Hoằng Xưng về Thành phố gặp kỹ sư Phương để bàn thống nhất phương án thực hiện. Chúng tôi đưa hình Bồ Đề đạo tràng cho Phương xem. Khổ ở chỗ là Bảo Các đang hình lục giác mà Bồ Đề đạo tràng lại hình vuông. Cuối cùng kỹ sư Phương cũng phát thảo được bản vẽ trông cũng hài hòa, thu nhỏ Tháp Bồ Đề đạo tràng lại 1/8 đưa vào Bảo Các là vừa cân đối. Tức là chiều cao của Bồ Đề đạo tràng Ấn Độ là 67m, ở đây chúng tôi thực hiện 8m. Đưa bản phát thảo về trình Hòa Thượng, Hòa Thượng rất hoan hỷ. Thế là Phương gấp rút vẽ lại. Trước mắt là gia cố tầng cuối cùng đỡ móng Tháp và tính kết cấu để chúng tôi chuẩn bị, anh Tư chỉ theo hình thù hoa văn trên hình của Tháp Bồ Đề đạo tràng tạo mẫu rồi làm khuôn để đúc. Bây giờ, chúng tôi đã tiến bộ một bước là làm khuôn bằng poli chứ không làm xi măng như trước rất nặng. Anh Tư lại là người có tài, những hình ảnh vuông tròn đều được anh tạo mẫu khá chính xác. Tháp lớn chính giữa thì anh làm nhiều miếng ráp lại, còn Tháp nhỏ thì chỉ một miếng một mặt, bốn mặt ráp lại là thành hình. Khi còn dàn giáo, chúng tôi đứng ngoài dàn chụp vào lấy toà bộ Tháp. Nhìn hình ai cũng tưởng là đi Ấn Độ chụp đem về. Như thế, quý vị cũng biết độ chính xác như thế nào.

Trong khi đang thi công thì chúng tôi đã đặt Hoằng Hữu làm các tượng để an trí trong Bảo Các, theo trong dinh diễn tả thì Tháp từ một đến ba tầng là dành cho Nhân Vương đến Chuyển Luân Thánh Vương. Từ bốn đến bảy là Tháp A La Hán. Từ bảy đến mười hai là Tháp Bồ Tát. Chỉ có Phật là Tháp 13 tầng. Kiến trúc của chúng tôi nếu kể luôn tầng trệt và tầng nóc là chín tầng, được liệt vào Tháp Bồ Tát, mà ở đây tôn Bồ Tát Quán Âm là chủ chánh nên có hai tượng của Ngài, một đứng một ngồi. Kiến trúc này sở dĩ Hòa Thượng không gọi là Tháp vì các tầng bằng nhau, cho nên, Hòa Thượng đặt là Bảo Các Quán Âm, vì các tầng bằng nhau nên cầu thang dẫn lên không bị hạn chế. Người lên người xuống không trở ngại và không khom đầu. Hòa Thượng cho thờ các vị Bồ Tát tiêu biểu cho các đức của Ngài. Như Ngài Di Lặc tiêu biểu cho đại từ, Ngài Địa Tạng đại nguyện, Ngài Văn Thù đại trí, Ngài Phổ Hiền đại hạnh, Ngài Quán Âm đại bi, Ngài Thế Chí đại lực. Trên cùng là  đức Bổn Sư Thích Ca trong tư thế đang thuyết pháp. Trên Tháp Bồ Đề đạo tràng, chung quang an trí 104 bức phù điêu đức Thích Ca ngồi theo nhiều tư thế. Bên trong Tháp có hai phần. Phần dưới thờ Xá Lợi của các đại đệ tử Phật, phần trên thờ Xá Lợi Phật, muốn vào bên trong phải qua một cửa bằng bê tông kéo ra trên hai đường ray, đóng vào khít khao không để ý không biết, đó là cửa. Toàn bộ lan can được làm bằng inox do một gia đình Phật tử phát tâm cúng. Khi Tháp hoàn thành phần cơ bản, chúng tôi lo trang trí các hoa văn, dán ngói, lót gạch, lan can chung quang và cầu thang, điện đèn v.v... Đồng thời, mỗi tầng đều có một Bảo Các làm bằng poli cho nhẹ, che trên đầu các tượng.

Từ năm 2000 trở đi, người tham dự giỗ Hòa Thượng Khai Sơn rất đông, Nội ở Vạn Đức không đã trên mười xe. Các nơi tổ chức về, chung cả trên ngàn người. Chùa cũng sắp xếp chỗ nghỉ mùng mền cho khách cũng tương đối đầy đủ, có phần hơi chật chội. Chiều 23, Hòa Thượng cũng có truyền Tam Quy Ngũ Giới như năm rồi. Giỗ đặt trọng tâm vào lễ Nhiễu Tháp. Sân chùa chưa được cán sạn, chúng tôi cho trải bạt kháp sân và đánh dấu. Chư Tôn túc ở trên Tháp, Tăng Ni và Phật tử thì đứng ở dưới ngay vị trí đánh là ngay hàng thẳng lối. Sau khi tụng Đại Bi, Bát Nhã đến phần niệm Phật là đại chúng bắt đầu đi nhiễu. Chư Tôn túc đi phía trên không biết bao nhiêu vòng, chỉ tùy thuộc vào đại chúng đi cho được một vòng lớn ở dưới trở vào vị trí hết, ở trên mới vào và chuyển sang tứ thánh hồi hướng.

Nhiễu Tháp xong, nghỉ một chút là đến khóa lễ tụng kinh cúng ngọ. Xong là đến lễ tiến linh. Trước khi tiến linh, chúng tôi tuyên đọc lại tiểu sử của Hòa Thượng Khai Sơn. Sau đó, toàn thể đại chúng quỳ xuống nguyện hương đảnh lễ Tổ và đồng thỉnh phúng tụng kinh chú cầu nguyện. Cuối cùng là thọ trai, xong xuống núi ra về.

Mùng 08 tháng ÂL năm 2001, khởi công làm Tháp Chuông. Tháp này được làm theo hình bát giác đứng đối diện với Tháp Tổ. Chân Tháp nằm gần sát bên ngoài mà chân đất chỗ đó rất sâu đã được san lấp nên phần đất là đất mới. Vì thế, chúng tôi phải đào rất sâu mới đến chân đất cũ để làm móng, đưa cổ cột lên đến mặt đất mới. Chúng tôi cho đúc thành chung quanh tạo thế bọng từ mặt đất lên mặt sàng khoảng hơn 1m, để khi chuông treo phía trên, đóng vào tiếng đi xuống nơi bọng đó theo ống dẫn ra ngoài dội đi khắp bốn phương, giúp cho tiếng ngân của chuông được vang ra. Tháp này cũng có hai phần. Phần dưới treo chuông và phía trước thờ tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn bằng đá và phía trên là thờ đức Phật A Di Đà. Mái cũng tạo hai lớp và đều được dán ngói men vàng. Giữa chót là bình chứa nước cam lồ. Tháp chuông này cũng được trang trí song song vơi Bảo Các để kịp làm lễ An vị vào dịp Tổ năm 2003. Đến vía đức Quán Âm 19 tháng 02, năm 2003, mọi việc đã tạm ổn. Các tượng đã được chuyển lên núi. Dàn giáo do công ty Hoa Sen của anh Hoằng Lược tài trợ đã được lắp đạt với cái tời sức kéo trọng lượng năm tấn do anh Tốt cho mượn, chúng tôi lo tổ chức lễ thỉnh Phật lên Bảo Các. Dịp này có Thượng Tọa Giác Thiện ở Mỹ Tho cùng đăng sơn với nhà văn Phạm Thăng ở Canada lên góp phần cầu nguyện. Anh Hoằng Lược và anh Tốt cũng có mặt để hỗ trợ phần kỹ thuật. Số Phật tử tham dự cũng khá đông.

Đúng 07 giờ 30, đại chúng vân tập trước sân chùa có bàn hương án, hướng về Bảo Các dưới sự hướng dẫn của Thượng Tọa Giác Thiện và Thầy trụ trì, tụng thời kinh Phổ Môn cầu Tam Bảo gia hộ cho việc đưa tượng lên Tháp được an toàn. Trong khi đại chúng tụng kinh, tượng được đưa vào giữa dàn giáo móc dây vào. Máy khởi động tượng lên từ từ. Tượng được đưa lên đầu tiên là đức Thích Ca tương đối nặng và ở tầng cao nhất. Đến nơi, tượng được chuyển qua một giàn cây đóng nghiêng chúi vào bệ. Thùng tượng được xê dịch lần lần vào trong, đến cửa hơi vướng vì tượng quá lớn. Chúng tôi phải tháo thùng phía trên mới vào được, đến bệ phải làm một dàn giáo nữa, dùng hai ba lan rút lên mới đưa tượng xuống bệ được, vì là tượng đầu tiên và khá nặng nên đưa vào hơi vất vả, đến gần 11 giờ mới xong. Từ đó về sau, các tượng kia vào tương đối dễ, cũng phải hơn nữa ngày hôm sau mới hoàn tất. Phải nói tượng đưa từ Thành phố lên chân núi, từ chân núi lên chùa, từ chân Tháp đưa lên Tháp vẫn cho là dễ, chỉ từ ngoài dàn đưa vào bệ thật là khó và mất nhiều công sức. Đồng thời bên Tháp Chuông, tượng Phật A Di Đà cũng được đưa lên an trí tầng trên, tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn an trí phía trước, tầng dưới Hồng Chung treo vào giữa có trục xoay, quay chuông hướng nào cũng được. Chung nặng 1 tấn 2, được đúc tại lò đúc Long Thành, chi nhánh của Bác Sinh ở Huế. Quả Chung này do gia đình Phật tử Bác Năm ở cầu Bình Điền hiến cúng. Trên chung được khắc nguyên bài kệ Kinh Phổ Hiền Hạnh Nguyện, nét khắc rất sắc sảo theo chữ do Thầy Minh Niệm ở Huệ Nghiêm viết. Phía dưới miệng Chung chừa trống, đậy bởi miếng đan tròn có nhiều lỗ. Dưới đan, có tám ống inox chỉa ra tám hướng. Tiếng chuông sẽ chuyền xuống, chui vào tám ống inox và theo ra tám hướng làm cho tiêng ngân được vang xa.

Lễ An vị các tượng được Hòa thượng quyết định vào ngày lễ giỗ Hòa Thượng Khai Sơn năm 2003 đánh dấu sự thành tựu một chặng dài xây dựng chùa Vạn Linh.

Trước khi lễ An vị chính thức, chúng tôi tổ chức cho chư Tăng cùng Phật tử niệm Phật 3 ngày để hồi hướng công đức cho tất cả mọi người kẻ công người của góp phần vào việc xây dựng. Chiều ngày 22 tháng 11 ÂL, Hòa Thượng viện chủ đã đăng đàn bố thí cho đại chúng thời pháp nói về yếu chỉ pháp môn niệm Phật, làm cho mọi người được vô cùng lợi lạc. Sáng 23 tháng 11 ÂL, Hòa Thượng cùng một số ít quý Thầy cung thỉnh Xá lợi Phật an vị trên Tháp Bồ Đề đạo tràng và và an vị đức A Di Đà cùng đức Thiên Thủ Thiên Nhãn bên tháp chuông. Đồng thời, Hòa Thượng đã làm lễ khai đại hồng chung. Từ đó, tiếng chuông sẽ dóng lên hằng ngày, làm thức tỉnh người trần thế và cứu khổ chúng sanh ở chốn u đồ. Buổi chiều, Hòa Thượng truyền Tam Quy Ngũ Giới theo lệ hằng năm, tiếp theo là khóa lễ tụng kinh cầu nguyện. Tối đó, sau thời Tịnh Độ, có buổi thuyết giảng do Thượng tọa Thích Giác Hạnh phụ trách.

Sáng 24 tháng 11 ÂL, lễ An vị chính thức được cử hành dưới sự chứng minh của Hòa Thượng Thích Từ Nhơn viện chủ chùa Việt Nam Quốc Tự, Phó Chủ Tịch HĐTSTW, Hòa Thượng Thích Chánh Đạo.

Trưởng Ban Trị Sự Phật Giáo tỉng An Giang An Giang, Hòa Thượng Thích Giác Hoàng, Trưởng Ban Giáo Dục Tăng Ni tỉnh hội Phật Giáo tỉnh An Giang cùng đông đảo chư Tôn túc các nơi, chư Đại Đức Tăng Ni và sự chứng kiến của lãnh đạo chính quyền các cấp cùng khoảng 4000 Phật tử tham dự.

Kết quả thành tựu trong xây dựng của chúng tôi không ngoài ba mục tiêu đã được nêu lên từ đầu:

- Phục hồi lại di tích của Hòa thượng Khai Sơn để tỏ lòng tri ân người ban đầu tạo dựng.

- Làm nơi tu học của chư Tăng nối tiếp truyền thống tu tập của Thầy Tổ.

 - Làm nơi chiêm bái và quy ngưỡng của Phật tử và khách thập Phương, truyền bá đúng chánh pháp của Phật.

Trong thời gian xây dựng, một số công quả đã thấy được lợi ích của hạnh xuất gia nên phát tâm tu học khá đông, có vị đã tốt nghiệp cử nhân, cao đẳng, góp phần vào sự nghiệp hoằng dương chánh pháp.

Chùa cũng đã tổ chức tu Bát Quan Trai mỗi nửa tháng. Khóa lễ thỉnh nguyện, Sám Hối, và Bố tát được coi như thời khóa nhất định mỗi tháng hai lần. Các ngày lễ vía chư Phật, Bồ Tát đều được cử hành trang nghiêm. Chùa có làm tạm hai Tịnh thất để tạo điều kiện cho đại chúng có thời gian gát bỏ muôn duyên, để chuyên tâm niệm Phật. Thực hiện hằng năm truyền thống An cư Kiết hạ tại chỗ, tạo điều kiện cho chư Tăng tu học. Cử người tham dự hội họp định ky của Ban Đại Diện và Ban Trị Sự. Thực hiện mọi chỉ đạo của Giáo hội. Góp phần tích cực công tác từ thiện tại địa phương, giúp đỡ những người neo đơn hoạn nạn. Sau lễ an vị, chùa tiếp tục hoàn thiện công trình xây dựng. Bên cạnh đó ổn định Tăng chúng, sinh hoạt có nề nếp, nối truyền được truyền thống tu học của Tổ, Thầy ngõ hầu báo đáp công ơn tạo dựng của Tổ Sư đã một đời vì chúng sanh mà thị hiện giáo hóa, đem kết quả công đức tu hành dâng lên cúng dường mới đền đáp được phần nào thâm ân trong muôn một.

Ngày 19-02 Bính Tuất

Đại chúng chùa Vạn Linh.

---o0o---

Mục Lục > 1 > 2 > 3 > 4 > 5

---o0o---

Vi Tính: Minh Trí; Trình bày: Nhị Tường

Cập nhật: 1-12-2006

 

Webmaster:quangduc@tpg.com.au

Trở về Trang Tập San Phật Học

Đầu trang

 

Biên tập nội dung: Tỳ kheo Thích Nguyên Tạng
Xin gởi bài mới và ý kiến đóng góp đến ban biên tập qua địa chỉ:
quangduc@tpg.com.au