Trang tiếng Việt

 Trang Nhà Quảng Đức

Trang tiếng Anh

Phật Giáo Việt Nam


...... ... .

 

Chùa Láng, Hà Nội

 - nơi bảo tồn văn hoá quý báu của thủ đô

Nằm ở phía tây kinh thành Thăng Long xưa, chùa Láng (còn gọi là Chiêu Thiền Tự, chùa Cả) hiện lên uy nghi mà thanh thoát, nhẹ nhàng giữa những thửa ruộng xanh mướt mát hiếm hoi còn được người dân làng Láng (quận Đống Đa, Hà Nội) gắng gìn giữ lại để trồng loại húng đặc trưng với mùi thơm quyến rũ không đâu có được của làng.

Chùa được xây cất từ đời vua Lý Anh Tông (1138-1175) để thờ chư Phật, thiền sư Từ Đạo Hạnh và vua Lý Thần Tông. Tám thế kỷ đã trôi qua, diện mạo cũng đã thay đổi nhiều sau những lần sửa chữa, tu bổ nhưng ngôi chùa vẫn tọa lạc ở đó và bố cục nhịp nhàng, cân đối của quần thể kiến trúc vẫn giữ được những nét cơ bản. Diện mạo ngôi chùa mà chúng ta thấy ngày nay là từ lần trùng tu khoảng giữa thế kỷ XIX. Cảnh quan rộng lớn, phong phú, đẹp đẽ với các bộ phận kiến trúc mỹ thuật bắt đầu ngay từ cổng vào. Cổng vào chùa là một hàng cột bốn hoa biểu bằng gạch xây với 3 mái cong thanh thoát. Hàng cột vuông vức vươn cao, cao nhất trong quần thể, tạo ra vẻ uy nghi. Đặc biệt, 3 mái cong không phủ lên đỉnh cột mà là gắn vào sườn cột, mái giữa cao hơn hai bên kia. Qua cổng chùa, trải ra một vạt sân gạch, giữa sân là một sập đá, chỗ mà trước kia mỗi khi mở hội được dùng làm nơi chồng đòn kiệu, cuối sân là cửa tam quan. Từ đây, một đường thần đạo hai bên có tường hoa dẫn tới nhà Bát Giác là nơi đặt tượng thánh khi làm lễ dâng hoa ngày hội. Qua nhà Bát Giác là chùa chính với tiền đường, trung đường, thiêu hương và thượng điện. Ngoài ra, còn có hai dãy dải vũ, nhà chuông, nhà khách, khu thờ tổ, thờ Mẫu và vườn tháp mộ tạo nên không gian kiến trúc vừa bề thế vừa thoáng đãng, giữ cho các khối kiến trúc xây dựng có một quan hệ tương xứng, cân đối. Nhưng do mới làm lại vào giữa thế kỷ XIX nên chùa Láng không còn giữ được nhiều di vật cổ. Cách bài trí cũng không có gì đặc biệt, ngoài hai điểm đáng lưu ý là dưới mái hành lang có hai dãy động thập điện đắp khá đẹp, miêu tả những hình phạt ở âm ty để răn đe kẻ gian ác. ở hậu cung, ngoài các pho tượng Phật thông thường ra, có đặt tượng vua Lý Thần Tông và tượng thiền sư Từ Đạo Hạnh. Tượng vua bằng gỗ, tượng thiền sư bằng mây đan, ngoài có phủ sơn. Sự có mặt của hai pho tượng này bắt nguồn từ truyền thuyết về Từ Đạo Hạnh đầu thai làm con trai Sùng Hiền Hầu, em vua Lý Nhân Tông. Vua không có con nên sau truyền ngôi cho chính người con trai đó của Sùng Hiền Hầu, trở thành vua Lý Thần Tông (1116-1138). Do sự tích ấy mà con của Lý Thần Tông là Anh Tông đã cho xây cất chùa Chiêu Thiền để thờ vua cha và tiền thân của ông là thiền sư Từ Đạo Hạnh. Hàng năm, chùa tổ chức lễ thánh là ngày giỗ của thiền sư Từ Đạo Hạnh vào dịp 26-9 âm lịch và ngày hội chùa vào 7-3 âm lịch với nhiều hoạt động lễ hội, vui chơi ca hát truyền thống dân gian,... Nơi đây đã trở thành trung tâm bảo tồn và sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng văn hóa, nghệ thuật rất lâu đời và quý báu của thủ đô.

---o0o---

 

Các Ngôi Chùa ở Hà Nội 

 

---o0o---

Trình bày: Nhị Tường

Cập nhật 1-11-2005


Webmaster:quangduc@quangduc.com

Trở về trang chùa Việt Nam

Đầu trang

 

Biên tập nội dung : Tỳ Kheo Thích Nguyên Tạng
Xin gởi bài mới và ý kiến đóng góp cho Trang Nhà qua địa chỉ : quangduc@quangduc.com
Địa chỉ gởi thỈ?: Tu Viện Quảng Đức, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic. 3060. Tel: 61. 03. 9357 3544