Tiếng Việt

Trang nhà Quảng Đức

   Tiếng Anh 

qd.jpg (8936 bytes)

Vu Lan Báo Hiếu


...... ... .

 

 LỆ VÀ SƯƠNG

Nhật Chiêu

--- o0o ---

Trong những hình ảnh thiên nhiên và cuộc đời của thơ Haiku, có hình ảnh Mẹ, như ta có thể thấy qua thơ Bashô và Issa.

Một kỷ niệm về mẹ được Bashô kể lại rất xúc động trong cuốn nhật ký du hành viết vào năm 1684 (Nozarashi Kiko) như sau :

"Cuối cùng tôi đến quê nhà vào đầu tháng Chín. Cây hoa hiên mà mẹ thường trồng trước phòng bà giờ không còn nữa, có lẽ đã chết vì sương giá. Tất cả mọi thứ khác cũng đã đổi thay. Gương mặt anh tôi đã hiện nếp nhăn trên trán và tóc bạc nơi thái dương. Chúng ta vẫn còn sống, anh chỉ nói thế. Rồi, không lời nào nữa, anh mở một chiếc túi kỷ niệm mà nói : Hãy nhìn mớ tóc sương của mẹ đây này. Đây là chiếc hộp linh thiêng của Urashima đấy, ta cũng sẽ bạc đầu".

Urashima là chàng ngư phủ huyền thoại, đã lấy công chúa Thủy cung mà còn nhớ nhà. Chàng về quê, mang theo chiếc hộp của công chúa cho, dặn đừng mở ra, nhưng chàng đã mở. Tuổi già ập xuống, tức thì tóc bạc và da nhăn.

Nhưng Bashô, cũng như Urashima, không thể không mở chiếc hộp của thời gian. Để thấy lại quê hương, ngày xưa và mẹ.

Bashô đã khóc khi nhìn mớ tóc sương còn lại của mẹ hiền. Sau đó, ông viết bài Haiku này :

  Te ni toraba kien
  Namida zo atsuki
  Aki no shimo
  Tóc mẹ còn đây
  Tan trong lệ nóng
  Sương mùa Thu bay

Nhà thơ muốn cầm món tóc của mẹ trên tay, nhưng e rằng nó sẽ tan trong lệ nóng của mình như sương mùa Thu vậy. Hay là sương mùa thu kia cũng có thể tan rã vì những giọt lệ nhớ thương mẹ của mình. Tóc sương và sương mùa Thu như hòa lẫn vào nhau.

Không còn mẹ là một nỗi đau. Bashô đã chuyển hóa nỗi đau đó vào nghệ thuật, vào thiên nhiên. Và vượt lên nỗi đau.

Để vượt lên nỗi đau, Thiền sư thi sĩ ấy đã chuyển hóa nó vào cõi vô ngã là thiên nhiên. Tóc mẹ trở về với sương mùa Thu. Nhưng vẫn còn lại đoạn văn và bài thơ bất hủ về mẹ của Bashô. Nhắc nhở ta rằng mỗi người là một Urashima, một Từ Thức, nghĩa là một kẻ nhớ cố hương, muốn đi ngược thời gian tìm lại mẹ.

Tóc mẹ còn đây, nó gợi lên hạnh phúc khi ta còn ngồi bên mẹ, hoặc trong lòng mẹ. Đó là những ngày nắng đẹp khi còn mẹ. 

Còn bây giờ, ta là người của những dòng lệ nóng, lạc lõng giữa trần gian. Là người của những mùa Thu cuộc đời, đi trong sương mù.

Sương mùa Thu, sương mùa Thu... là những tiếng kêu của nhà thơ khi nhớ về mẹ. Cây hoa hiên của mẹ đã chết vì sương mùa Thu, mái tóc của mẹ đã bạc trắng vì sương mùa Thu.

Lệ Bashô rơi cũng vì sương mùa Thu. Nhưng sương mùa Thu có thể tan vì nước mắt con người rất nóng. Bên cạnh Bashô, Issa là nhà thơ vĩ đại khác của thế giới Haiku. Issa là kẻ bất hạnh, mất mẹ từ năm lên ba. Hơn ai hết, Issa hiểu mẹ quan trọng như thế nào trong cuộc đời mỗi con người.

Nhà thơ đó vào thời ấu thơ chỉ biết chia sẻ nỗi đau của mình với một con chim mồ côi lạc loài :

  Ore to kite
  Asobe yo oya no
  Nai suzume.
  Đến đây nào, với tôi
  Cùng chơi đùa, chim sẻ
  Không còn mẹ trên đời.

Và lớn lên, Issa lại chia sẻ nỗi đau đó với biển :

  Naki-haha ya
  Umi miru tabi ni
  Miru tabi ni
  Mẹ yêu ơi !
  Mỗi khi nhìn thấy biển
  Khi thấy biển khơi...

Vì không có mẹ, mới mười bốn tuổi Issa đã trở thành một kẻ lang thang, kiếm sống bằng đủ mọi nghề trên nước Nhật vào giữa thế kỷ mười tám. Với kiếp sống như vậy, gió mùa Thu cũng trở thành địa ngục, một thứ địa ngục bám theo Issa :

  Aki no kaze
  Ware wa nairu wa
  Dono jigoku
  Gió mùa Thu
  Địa ngục nào đấy
  Cùng tôi giang hồ.

Nhưng Issa không còn oán hận cuộc đời. Ông quá yêu thương cuộc đời là khác. Ông yêu thương muôn loài : những con vật nhỏ bé như chim sẻ, con chuột, con ruồi... ; yêu trẻ thơ, yêu thiên nhiên. Trái tim ông có quá nhiều yêu thương, còn chỗ đâu thù ghét.

  Nhìn biển, Issa nhớ mẹ
  Nhìn trăng, Issa nhớ Quan Thế Âm, cũng là một mẹ hiền khác :

  Meigetsu ya
  Taka Kannon no
  O hiza moto
  Ôi ánh trăng
  Đời ta đặt dưới
  Chân người, Quan Âm.

Quan Âm là vị Bồ tát lắng nghe tiếng kêu đau khổ của trần gian, cho nên chân đã đặt lên ngưỡng cửa Niết Bàn, Ngài vẫn sẵn sàng quay lại với tiếng kêu ấy, như mẹ quay về với con.

Ánh trăng, cũng như biển khơi, là biểu tượng của Mẹ. Cả hai đều đẹp, mênh mông, huyền diệu, sâu thẳm, bao dung, mầu nhiệm. Không có mẹ, Issa đã chọn vầng trăng - Quan Âm làm mẹ của mình. Chính vì thế mà, dẫu hứng chịu đủ mọi loại bất hạnh của cuộc đời (mẹ chết, vợ chết, các đứa con lần lượt chết trước mình), Issa vẫn còn lại một trái tim nhân hậu :

  Mata muda ni
  Kuchi aku tori no
  Mamako kana.
  Há mỏ chờ mồi
  Sao mà vô vọng
  Con chim mồ côi.

Issa thường đồng hóa mình với những con vật nhỏ bé, nhất là với con chim non mồ côi. Chẳng hạn như, dưới bài thơ trên, nhà thơ đã ghi "Tsubane no Issa" (Con chim én này - cũng có cả Issa. Tuy xem mình như một cánh én lạc loài, vô vọng bay giữa cuộc đời, nhưng điều kỳ diệu là Issa vẫn nhìn thấy ánh trăng là Mẹ, sông Ngân là Niết Bàn.

  Utsukushi ya
  Shoji no ana no
  Ama no gawa.
  Đẹp vô cùng
  Nhìn qua cửa giấy rách
  Ô kìa sông Ngân.

Và mỗi giọt sương, mỗi giọt sương trên đời đều là trân châu. Trong từng hạt trân châu đó, có mẹ hiền là cố hương.

  Tsuyu no tama
  Hitotsu hitotsu ni 
  Furusato ari
  Ôi những hạt sương
  Trân châu từng hạt
  Hiện hình cố hương.

Thơ Issa là thơ của người con tưởng nhớ mẹ. Và nhà thơ đem theo tình mẹ đi vào đời, để đồng hóa mình với những gì bé nhỏ nhất, như hạt sương.

  Nhưng mẹ thì vĩ đại 
  Và Issa là người con vĩ đại.

 

--- o0o ---

| Mục lục Tác giả |

--- o0o ---

Vi tính: Chân Hiền

Trình bày: Nhị Tường

Cập nhật ngày: 01-08-2002

 

Webmaster:quangduc@quangduc.com

Trở về Trang Vu Lan Báo Hiếu

Đầu trang

 

Biên tập nội dung: Tỳ kheo Thích Nguyên Tạng
Xin gởi bài mới và ý kiến đóng góp đến ban biên tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com