Trang tiếng Việt

 Trang Nhà Quảng Đức

Trang tiếng Anh

Mừng Xuân Di Lặc


...... ... .

 

 

Du Xuân đến xứ Triệu Voi

Nguyễn Văn Mỹ

--- o0o --- 

 

 

 L thường du xuân, thiên hạ thường tìm đến những chỗ “ngựa xe như nước, áo quần như nêm”, ai lại qua Lào, xứ sở ít thắng cảnh và còn nghèo nàn! Cách nghĩ này chỉ đúng một phần. Du lịch Lào rất kén khách, không hợp với những người ồn ào, hời hợt. Đến với Lào là đến với những nét văn hóa đặc trưng chân chất, là về với nguồn cội thiên nhiên để tìm thấy bản ngã chính mình giữa bao la trời đất, giữa đời và Phật.

 Qua Lào như thỂ vỀ nhà

 Vientiane (Vạn Tượng) là thủ đô hiền hòa và ít dân nhất châu Á, khoảng 600.000 người. Không có nhà cao tầng; nhà gần như không số nhưng thường có vườn và phố rất nhiều cây, nhất là cây sứ (champa). Hầu hết các thành phố ở Lào đều nép mình bên dòng Mékong thơ mộng, hùng vĩ với tổng chiều dài gần 1.900km. Không thấy người ăn xin, người bán hàng rong chèo kéo, không thấy cảnh sát giao thông. Lề đường ở đây đều có lối đi cho người tàn tật. Qua các ngã tư, đèn xanh chỉ cho phép một chiều lưu thông, ba chiều còn lại cứ trật tự chờ đến lượt, ngày đêm cũng vậy.

 Người Lào nổi tiếng hiếu khách và bộc trực. Nếu quen có thể được mời vào nhà uống fanthong (rượu cần), lao lao, namsa (trà nhạt)... Hoặc thưởng thức cơm lam (nướng ống tre), cơm nếp và nhiều loại thức ăn nướng từ rau củ, gia vị đến cá thịt... Cơm nếp ở Lào nấu cách thủy, rất dẻo và không bao giờ dính tay nên cứ bốc ăn thoải mái. Nhiều món lạ như ớt chiên dòn, ớt nướng, dừa nướng, cơm mẹo, lap, mắm cheo, gỏi tammahung...

 Hàng ngàn sinh viên Lào đang theo học tại Việt Nam, trong đó có con của Thủ tướng, của Bộ trưởng Giáo dục. Gần 150 sinh viên Việt Nam cũng đang du học tại Lào. Với Việt Nam, nhân dân Lào có mối thiện cảm trên cả đặc biệt. Mọi du khách luôn cảm nhận được sự thân thiện, cởi mở như trên quê hương mình.

 Đi tìm bẢn ngã

 Dọc tuyến biên giới Việt – Lào, tỉnh nào cũng có cửa khẩu với đường giao thông khá tốt. Đường số 8 qua cửa khẩu Cầu Treo nối Quốc lộ 1 (xuyên Việt) và Quốc lộ 13 (xuyên Lào) là một trong những  tuyến đường đẹp nhất Đông Nam Á. Bạt ngàn rừng nguyên sinh nhiệt đới. Trùng điệp núi đá vôi với vô vàn hình thù độc đáo, ẩn chứa nhiều hang động kỳ bí. Đan xen là những cách đồng màu mỡ, những xóm làng cứ như tranh vẽ. Nhà sàn ở Lào sạch sẽ, hầu hết lợp ngói gỗ hoặc ngói tre rất độc đáo. Đường đi Luang Prabang, đi Xiêng Khoang cũng vậy. Có những quả đồi, những ngọn núi vàng rực dã quỳ hệt như những tấm thảm diệu kỳ vừa rớt từ trời xuống. Lào có nhiều loại phong lan quý, nhiều thác đẹp mê hồn. Thác nào cũng có bãi tắm, nước xanh trong hơn ngọc bích, mát đến rợn người, thấy là không cưỡng được.

 Đến Lào là đến với đất Phật. Nên mang ít hoa vào lễ chùa Simuong- ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng nhất rồi nhờ sư thầy buộc chỉ tay chúc phúc. Có thể gởi lời khấn nguyện cho người thân rồi mang ít lộc về nhà với những sợi chỉ buộc tay may mắn. Sau đó đến chùa Sisakhet chiêm ngắm và tìm hiểu gần 7.000 tượng Phật đủ dáng vẻ và qua nhiều thời đại. Chiều ghé Công viên Bãi Phật (Siengkhuan) để suy gẫm và đắm mình với những quần thể tượng tạc theo Phật thoại. Rồi đến viếng That Luong biểu tượng của quốc gia hoặc leo lên đỉnh đài Chiến Thắng nhìn thủ đô dưới chân mình êm ả. Tối rủ nhau đi tắm hơi dân dã bằng các loại dược liệu của rừng để giũ sạch ưu tư phiền muộn.

 Về Nam Lào chiêm ngắm Wat Phu – di sản văn hóa thế giới ở Pakse, tỉnh Champasac – Đây là ngôi chùa được xem là vĩ đại nhất ở Lào thờ thần Hindu; hòa lẫn giữa Ấn Độ giáo, Phật giáo và tín ngưỡng vật linh. Đến Xiêng Khoang khám phá cánh đồng Chum với hàng trăm chum đá kỳ bí. Lên Luang Prabang – di sản văn hóa thế giới viếng chùa Xiêng Thong (Thành Phố Vàng), chùa đẹp nhất của Lào, cả vị trí và kiến trúc; chùa Mai (chùa mới) gần chợ Hmong. Thăm Hoàng cung nay là Bảo tàng Quốc gia với nhiều hiện vật cổ. Chiều leo lên đỉnh Phousi ngắm toàn cảnh cố đô, chiêm nghiệm cuộc đời khi những vệt trắng cuối cùng hòa lẫn vào dòng Mékong huyền hoặc. Đêm, dạo chơi phố cổ Luang Prabang mang dáng vẻ châu Âu pha lẫn Á Đông. Sáng sớm, từng đoàn sư sãi khất thực. Người Lào thích tích đức bằng các hoạt động thiện nghiệp, vừa giúp chùa vừa giúp đời.

 Chùa ở Lào chỉ thờ Phật Thích Ca và kiến trúc mỗi chùa một vẹo đặc thù, mang nhiều ẩn dụ tinh tế. Dân lào ăn Tết 4 mùa: Tết Tây (tháng 1), Tết Nguyên đán (của Việt Nam, Trung Quốc – tháng 2), Tết Bunmimay (tháng 4), Tết Hmong (tháng 12). Tết Nguyên đán nhiều nhà có bánh chưng, giò thủ, hạt dưa và cả thói quen hái lộc, lì xì đầu năm...

 Du Xuân xứ Triệu Voi luôn thắm tươi nồng đậm, thủy chung đón khách gần xa.

(Lửa Việt Tour)

 

 Noi gương Điều ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông

 HT.Thích Đức Nghiệp

 Tôi viết bài này nhằm bốn mục đích:

 1. Nhớ lại quá khứ oai hùng của đất nước và nhân dân ta trong lịch sử, nhằm rút tỉa những kinh nghiệm quý báu hầu góp phần vận dụng vào nếp sống mới hiện tại và tương lai của dân tộc.

 2. Đồng thời đền ơn, đáp nghĩa đối với tổ tiên và nòi giống Việt Nam anh hùng, yêu nước đã có công đức lớn trong việc đánh đuổi ngoại xâm, giữ gìn và xây dựng đất nước giàu mạnh, xuyên suốt 170 năm dưới triều đại nhà Trần, trên một chặng đường lịch sử vẻ vang, độc lập, mà hoàn toàn tự cường, tự lực, không phải nhờ cậy vào bất cứ một nước nào khác.

 3. Noi gương vị tha trong sáng của Đức Phật Việt Nam, vua Trần Nhân Tôn, ngài đã làm tròn trách nhiệm của một ông vua đánh giặc, thân dân và hiếu hòa với các quốc gia lân cận và, lần đâờu tiên, ngài đã đi tu và xây dựng một GHPG Đại Việt, Trúc Lâm Yên Tử, xứng đáng với cả danh và thực mà vẫn còn ảnh hươọng tốt đẹp tới GHPGVN hiện nay.

 4. Và đặc biệt, Đảng và Nhà nước ta hiện nay đang tích cực chuẩn bị cho một lễ hội vĩ đại, nhằm kỷ niệm một ngàn năm thủ đô Thăng Long sắp tới, trong đó nhà Lý có công lập thủ đô Thăng Long, dẹp tan quân Đại Tống, và thịnh trị hơn 200 năm. Sau đó, toàn dân ta chắc cũng không thể nào quên được những vĩ tích của nhà Trần đã ba lần (1257-1285-1288) chiến thắng quân Nguyên, một đội quân hùng mạnh nhất cả Á Âu trong thế kỷ XIII. Vả lại, công bằng mà đánh giá, thì suốt dòng lịch sử hơn 4000 năm văn hiến của nước Việt Nam ta, chỉ có bốn thời đại – nhà Lý, nhà Trâờn, nhà Lê vua Lê Lợi và Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay – là oanh liệt và có công nhiều nhất.

 Trở lại chủ đề vua Trần Nhân Tôn. Ngài là con của vua Trần Thánh Tôn. Sinh năm 1258, lên ngôi vua năm 20 tuổi, xuất gia năm 41 tuổi và viên tịch năm 1308, hưởng thọ 51 năm. Riêng về đời sống tu hành của ngài thì sau khi nhường ngôi cho con là vua Trần Anh Tôn, ngài đã vào tu dưỡng tại chùa Võ Lâm, xã Võ Lâm, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình vào năm 1295. Tiếp đến năm 1299, ngài mới chính thức lên núi Yên Tử tu hành và đắp áo ca sa nhà Phật.

 Tuy vua Trần Nhân Tôn về tu dưỡng ở núi Yên Tử, nhưng ngài vẫn thường đến các chùa khác trong nước, để mở các trường hạ và các buổi thuyết pháp cho các Tăng Ni và Phật tử ở các nơi đến tham học như: chùa Vĩnh Nghiêm ở Lạng Giang, chùa Phổ Minh ở Thiên Trường, chùa Sùng Nghiêm ở Chí Linh và chùa Báo Ân ở Siêu Loại v.v... Rồi ngài đi khắp đó đây để xem xét đời sống nhân dân và truyền bá đạo Phật, bằng tinh thần nhân bản của Phật giáo, đạo làm người trong xã hội Đại Việt. Sách Tam Tổ thực lục có ghi: “Năm 1304, Giác Hoàng Điều Ngự (tức vua Trần Nhân Tôn) đi khắp mọi nẻo thôn quê, khuyên dân phá bỏ các dâm từ và thực hành giáo lý Thập thiện”. Dâm từ là các đền thờ tà thần mê tín. Vì trong thời gian ấy, đó đây, người ta thờ cả tượng thần lõa thể và sinh thực khí (Linga và Yoni: nam căn và nữ căn). Còn Thập thiện là Mười điều thiện của Phật giáo như:

 1. Không sát sinh; 2. Không trộm cắp; 3. Không tà dâm; 4. Không nói láo; 5. Không nói thêu dệt; 6. Không nói hai chiều: trước mặt và sau lưng; 7. Không nói thô tục và chửi thề; 8. Không tham nhũng; 9. Không gây tức giận và oán thù; 10. Không si mê và mê tín. Nói chung, thân thể thì cố tránh 3 việc ác như trên; miệng nói thì không nói 4 việc sai quấy như trên; và ý tưởng thì không có 3 việc độc hại như trên.

 Tới đây, có người còn thắc mắc và nghi vấn: Tại sao nhà vua đã vào tu ở chùa Võ Lâm rồi, mà ngài lại còn lên tu ở Trúc Lâm núi Yên Tử làm gì?

 - Theo sách Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh của Hải Lượng, Hải Âu và Hải Hòa, tức là Ngô Thì Nhiệm, Vũ Trinh và Ngô Văn Sở, vào cuối thế kỷ XVIII, thì:

 “Người ta thấy Giác Hoàng Điều Ngự” (vua Trần Nhân Tôn) đến ở chùa Hoa Yên, núi Yên Tử, thì bảo là ngài xuất gia; ta biết rằng Đức ngài bấy giờ biết xem thiên hạ là công, trong nước vô sự; nhưng ở phía Bắc vẫn có nước láng giềng mạnh mẽ, nên ngài chưa được an tâm. Cái ý ấy là không tiện nói ra, sợ người ta dao động. Cho nên, ngài nhắm được ngọn núi Yên Tử là núi cao nhất, phía Đông nhìn về Yên Quảng, phía Bắc liếc sang hai tỉnh Cao Lạng, dựng lên ngôi chùa, lúc thường dạo chơi để xem động tĩnh, cốt để ngừa cái mối lo nước ngoài xâm phạm. Thật là một vị Vô Lượng Lực Đại Thế Chí Bồ tát...”.

 Nghĩa là, nhà vua đã đi tu, nhưng tâm ngài luôn luôn nghĩ tới sự an lạc của đất nước và nhân dân Đại Việt.

 

--- o0o ---

Vi tính: T. Thông Chơn - Huệ Dũng

Cập nhật ngày: 01-02-2004


Webmaster:quangduc@quangduc.com

Trở về Trang Thư Mục Mừng Xuân

Đầu trang

 

Biên tập nội dung : Tỳ Kheo Thích Nguyên Tạng
Xin gởi bài mới và ý kiến đóng góp cho Trang Nhà qua địa chỉ : quangduc@quangduc.com
Địa chỉ gởi thư :  Tu Viện Quảng Đức, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic. 3060. Tel: 61. 03. 9357 3544