Trang tiếng Việt

 Trang Nhà Quảng Đức

Trang tiếng Anh

Triết Học Phật Giáo


...... ... .

 

 

PHẬT GIÁO

NHỮNG VẤN ĐỀ TRIẾT HỌC

O.O. ROZENBERG

TRUNG TÂM TU LIỆU PHẬT HỌC XUẤT BẢN

HÀ NỘI – 1990

---o0o---

 

III 

CÁC GIAI ĐOẠN TRIẾT HỌC PHẬT GIÁO

VASUBANDU VÀ HUYỀN TRANG

 

Lịch sử triết học Phật giáo ở Ấn độ còn được nghiên cứu không nhiều, đặc biệt là giai đoạn nguyên thủy.  Niên đại của những đại diện quan trọng nhất của Phật giáo, như Asvagosa (Mã Minh), Nagarjuna (Long Thọ), thậm chí cả Vasubandu (Thế Thân), cho đến nay, vẫn còn được tranh luận.

 

Mặc dầu, các văn bản liên   quan tới những vấn đề về niên đại có một tầm quan trọng lớn, nhưng, những luận cứ, những tài liệu mang tính chất tiểu sử, có trong những văn bảng đó, đều chỉ có một ý nghĩa thứ yếu đối với việc làm sáng tỏ lịch sử tư duy Phật giáo.  Bởi lẽ, dù cho có thể xác lập được một cách hoàn toàn chính xác các niên điểm của các nhà hoạt động Phật giáo, thì vẫn cứ phải giải quyết vấn đề, liệu có phải tác phẩm có ghi chép về một tác giả là của tác giả đó hay không.  Muốn xác định được vị trí của một tác phẩm này khác, trong lịch sử tư duy Phật giáo, nhất thiết phải dựa trên cơ sở khảo cứu kỹ nội dung của tác phẩm đó. Để làm được việc đó, cần thiết phải có một sơ đồ sơ bộ về những vấn đề cơ bản của Phật giáo cũng như lịch sử những giai đoạn chủ yếu nhất về con đường phát triển triết học Phật giáo.  Những điều vừa nói sẽ được xác định chính xác hơn, nếu dựa trên cơ sở những luận giải truyền thống của các tác phẩm quan trọng nhất hiện còn.

 

Trong lịch sử triết học Phật giáo, có thể xác lập nên ba thời kỳ lớn.  Thời kỳ được gọi là thời kỳ của Tiểu thừa thuần tuý và các nhánh của nó, tức Phật giáo nguyên thủy;  Thời kỳ xuất hiện Đại thừa và đấu tranh giữa Đại thừa và Tiểu thừa; Thời kỳ chiến thắng và hưng thịnh của Đại thừa.  Trong các tài liệu dịch của Trung quốc, còn giữ lại dấu tích của tất cả các thời kỳ vừa nêu trên, hơn thế nữa, một số tác phẩm quan trọng có trong hai, ba bản dịch khác nhau.

 

Thuộc thời kỳ nguyên thủy có tác phẩm Mahavibasa đồ sộ và một loạt những bản luận ngắn hơn.  Dựa vào các tài liệu này, có thể tìm ra những khái niệm rõ ràng về cuộc tranh luận giữa các tông phái thuộc thời kỳ kinh viện cổ xưa của Phật giáo.  Những tư liệu trong Abidharma bằng tiếng Pali cũng rất đáng được lưu ý khi nghiên cứu thời kỳ này.

 

Thời kỳ thứ hai bắt đầu vào khoảng đầu công nguyên. Đối lập với các học thuyết của những nhà Vaibasika và của những hệ thống gần gũi với các học thuyết này là những tư trào mới, những công kích mang tính phê phán và những cố gắng diễn đạt theo kiểu mới: Đây là thời kỳ của Nagarjuna và Asvagosa.  Thời kỳ này kết thúc bằng hoạt động của Vasubandu và Asanga (Vô Trước).  Vào thời gian này, triết học Tiểu thừa tiếp tục phát triển hưng thịnh và đạt tới đỉnh cao ở Sangabadra và trong những tác phẩm của Vasubandu thời kỳ đầu hoạt động.

Ở Ấn độ, thời kỳ này được đánh dấu bằng sự hưng thịnh không chỉ của Phật giáo mà của cả Bàlamôn giáo.  Vào thời kỳ này, tồn tại nhiều khuynh hướng triết học rất khác nhau, Đại thừa vẫn chưa át được Tiểu thừa và chủ nghĩa thần bí chưa thắng được chủ nghĩa duy lý. Cùng một lúc, ở một số trường phái này thì đi vào lôgíc, còn các trường phái khác lại phát triển những học thuyết thuần túy thần bí về thiền định.

 

Những người đặt nền tảng giáo điều cho thời kỳ thứ ba là Asanga và Vasubandu, giai đoạn đã chuyển từ Tiểu thừa sang Đại thừa.  Thời kỳ này bắt đầu bằng chiến thắng của Đại thừa và tiếp tục bằng sự phát triển của Đại thừa thành các nhánh, các tông phái.

 

Mối quan hệ của Đại thừa với Tiểu thừa và những vấn đề liên quan tới mối quan hệ đó của lịch sử triết học Phật giáo còn được đề cập tới ít trong các công trình nghiên cứu về Phật giáo.  Các nhà học giả do xuất phát điểm từ việc nghiên cứu Phật giáo đại chúng Xây Lan, nhìn thấy trong Đại thừa sự thái hoá của Phật giáo và coi Đại thừa như chủ nghĩa đa thần giáo, Saman giáo, v.v…Ngược lại các nhà văn, các nhà Đại thừa người Nhật lại cho học thuyết của Tiểu thừa là “nhỏ” không thể sánh được với Đại thừa về sự uyên thâm, và cho Đại thừa là một bước tiến lớn về phía trước trong việc phát triển đạo Phật như một tôn giáo.

 

Về những đặc trưng nội tại của hai dòng Phật giáo, chúng tôi sẽ trình bày sau, ở chương nói về các nhánh và các tông phái Phật giáo.  Dường như, sở dĩ có sự đánh giá không thuần nhất như vậy là do cái được đem so sánh lại không phải là những tư tưởng chính yếu của cả hai dòng Phật giáo mà là cái gì đó khác biệt nhau, cụ thể là: Đem luân lý của nhà sư thời Phật giáo nguyên thủy đối lập với tích saman (phù thủy) phổ cập của vùng Trung và Đông Á, hay đem chủ nghĩa duy lý của các bản luận Tiểu thừa đối lập với những xúc cảm ít được xác định nhưng lại mạnh tính thần bí và tôn giáo của các nhà Đại thừa. Đáng lẽ phải so sánh đạo đức của dòng này với dòng khác, hay tính kinh viện của hai dòng với nhau hoặc tính mê tín trong dòng này với dòng khác, v.v…thì họ lại cố tạo ra một sự không cân đối. Kết quả là chỉ đem lại được những điều phi lý và sự đánh giá không đúng về triết học của Tiểu thừa.

 

Khi nghiên cứu các khuynh hướng khác nhau của Phật giáo, tiện lợi hơn cả là nên xuất phát từ việc phân tích mảng tư liệu nói tới tất cả các xu hướng quan trọng nhất và cuộc đấu tranh giữa chúng.   Mảng tư liệu đó là những tài liệu thời kỳ Đại thừa chiến thắng.  Hai dòng Phật giáo Đại thừa và Tiểu thừa còn rất gần nhau trong các bản luận của Vasubandu.  Theo tư duy của Vasubandu, cũng như theo những kiến giả truyền thống, dường như dưới tác động của Asanga, đã diễn ra bước ngoặt có lợi cho Đại thừa.

 

Vasubandu chiếm một vị trí trung tâm và cực kỳ quan trọng trong lịch sử văn học triết của Phật giáo.  Tác phẩm Abidharmakosa của ông được xây dựng trên những học thuyết của các nhà Vaibasika và Santrantika đã khiến Sanyabadha đáp lạ bằng bản luận Nya-anusarasastra.  Bản luận này của Sangabadha là hệ thống của các nhà Vaibasika theo khuynh hướng truyền thống.  Những câu châm ngôn của Abhidharmakosa cùng cả trật tự bố cục của mình trở thành cơ sở cho bàn luận Nya-anusarasastra.  Trong khi luận giải những câu châm ngôn đó theo học thuyết của các nhà Vaibasika chính thống, Sangabadra đã cố bác bỏ quan niệm của Vasubandu.  Hai tác phẩm này của Tiểu thừa muốn mở ra cho chúng ta con đường để hiểu các văn bản phong phú của Tiểu thừa nguyên thủy như Mahabibasasastra, và Djnanarastana cùng sáu bản luận kèm theo.

 

Việc đánh giá đúng việc tranh luận của Nagarjuna trong tác phẩm Madhyamikasasta của ông cũng phụ thuộc vào sự hiểu biết những tác phẩm được viết dựa trên cơ sở luận thuyết của các nhà Sarvastivadin, vì rằng trong cuộc tranh luận của các nhà Sunyavadin, Nagarjuna chủ yếu là chống lại các nhà Vaibasika.

 

Lúc đầu Vasubandu phủ nhận Đại thừa.  Nhưng sau đó, dường như chịu ảnh hưởng của Asanga, ông đã thay đổi thế giới quan của mình. Ông đã “hối cải”, đã đứng lên bảo vệ Đại thừa và lập ra một hệ thống mới.  Vasubandu, trong hệ thống mới của mình đã hòa hợp cả học thuyết của các nhà Yogasara-vijnanavadin và học thuyết được trình bày trong Abhidharmakosa vào một chỉnh thể.

Việc chuyển đổi như vậy, từ Tiểu thừa sang Đại thừa, trong một con người, đặc biệt tạo cho ta khả năng làm sáng tỏ những quan điểm tiếp cận chính của hai dòng.  Quan điểm của các nhà Vijnanavadin – Yogasara có hơi khác quan điểm của các nhà Vijnanavadin, nhưng khác khá nhiều so với trường phái sớm của Asvagosa - người thiết lập ra một hệ thống trong tác phẩm Mahaynasraddotpadasastra.  Hệ thống của Asvagosa có ảnh hưởng tới tất cả các tông phái muộn của Đại thừa phương Đông.

 

Ảnh hưởng của Vasubandu đối với sự phát triển tiếp của Phật giáo hệ thống không kém phần quan trọng hơn so với quan hệ của ông với nền triết học trước ông.  Xuất thân từ trường phái do Vasubandu lập ra có Dignaga và Darmakirti.  Hai người này đã đưa lôgíc và học thuyết về thức của Phật giáo tới đỉnh cao.  Những tác phẩm của Dignaga và Darmakirti không hiện diện trong nguồn tài liệu tiếng Trung quốc, ngoại trừ một bản luận nhỏ về lôgíc của Dignaga.  Truyền thống lôgíc Phật giáo được Huyền Trang đem ra khỏi Ấn độ, đã nhập vào thành phần của bản chú giải lớn do Kuizi soạn cho bản luận ngắn của Sankarasvamin.

 

Huyền Trang, nhà chiêm bái và nhà bác học nổi tiếng của Trung quốc thế kỷ VII, đã vĩnh viễn đem đến cho Phật giáo phương Đông một điểm tựa khoa học - Ngữ văn và triết học mà cho đến nay vẫn không hề thay đổi và bị lạc hậu. Trong các tài liệu châu Âu, hầu như không có một chỉ dẫn nào nói về ý nghĩa của Huyền Trang và trường phái của ông đối với lịch sử Phật giáo.

 

Ở phương Đông, vị tổ của Phật giáo thời hưng thịnh được gắn cho Vasubandu, còn vị tổ của truyền thống hiện đại chủ yếu trong lĩnh vực giáo lý, là Huyền Trang, người nhiệt thành truyền bá triết học Đại thừa của Vasubandu.  Nhưng, việc Huyền Trang còn dịch cả những tác phẩm Tiểu thừa, chứng tỏ ông hiểu rõ mối quan hệ cội nguồn của hai dòng Phật giáo.

 

Huyền Trang có nhiều học trò, trong số đó, nổi tiếng hơn cả là Kuizi (người Nhật gọi là Kiki) hay còn được gọi với cái tên là Dzuentaisi (tiếng Nhật: Dziondaisi) và Fuguan (tiếng Nhật:  Kuko) Kuizi là người thừa kế của Huyền Trang về triết học Đại thừa Vansubandu cũng như về lôgíc.  Còn Fuguan thì được thầy truyền cho truyền thống Tiểu thừa.  Kết quả công việc hợp tác cùng làm giữa Huyền Trang và các học trò gần gũi là một loạt những bản dịch đồ sộ và những chú giải.  Trong các luận giải phong phú đó, có tất cả những tri thức truyền thống mà Huyền Trang đem từ Ấn độ về.

 

Không có một dịch giả nào hay một nhà chú giải nào của Trung quốc có thể sánh nổi với Huyền Trang về sự hiểu biết văn bản của tất cả các hệ thống Ấn độ, cũng như về tính vô tư trong quan hệ với Tiểu thừa như chỗ dựa cần thiết cho triết học Phật giáo.

 

Tất cả những bản dịch cũng như chú giải đều được Huyền Trang biên tập, cho nên, các thuật ngữ trong các bản dịch và chú giải đều thống nhất.  Những chú giải được viết trực tiếp và được dịch chứ không giữ nguyên gốc.  Ngoài ra, những chú giải đó nhằm vào những độc giả Trung quốc còn chưa biết gì về các học thuyết của Ấn độ.  Trong các chú giải có rất nhiều những tri thức sơ đẳng mà xét theo quan điểm của nhà chú giải Ấn độ thì được coi là không cần thiết và thường bị bỏ.  Thành phần kiểu như vậy của các lý giải thật là quan trọng đối với chúng ta, nó giúp chúng ta rất nhiều trong việc hiểu văn bản.

 

Ý nghĩa lịch sử - văn học của Huyền Trang là ở chỗ, ông đã tạo ra một thứ tiếng Trung quốc có thể diễn đạt được một cách chính xác và rõ ràng những lập luận của các nhà triết học Ấn độ mà không cần chú thích gì cả.  Nếu so sánh những bản dịch nặng nề trước đó mà các nhà truyền đạo Ấn độ đã làm ở Trung quốc thì cách dịch của Huyền Trang và các học trò của ông tinh tế hơn, phổ cập hơn.  Những bản dịch của Huyền Trang hầu như thay toàn bộ nguyên bản, chỉ trừ một số chỗ bàn về những thuật ngữ quá chuyên.

 

Nếu chúng ta biết rằng, giữa hệ thống văn tự và ngôn ngữ Ấn độ với hệ thống chữ viết tượng hình diễn ý của Trung quốc, giữa phong cách thích dùng châm ngôn của các triết gia Trung hoa với phong cách kinh viện Ấn độ khác nhau đến mức nào, thì việc dịch chuẩn xác như của Huyền Trang quả là đáng kinh ngạc.

 

Ảnh hưởng của Huyền Trang thật là lớn, nhờ ảnh hưởng đó mà Phật giáo được củng cố vững chắc không chỉ ở Trung quốc mà cả ở Nhật bản.  Kinh đô Trung quốc thời đó là trung tâm của học thuật và văn hoá tinh thần, các học giả từ các nơi tấp nập tới đây để trau dồi học vấn.  Các văn bản có nói tới một loạt sứ đoàn Nhật bản tới Trung quốc.  Trong thành phần các sứ đoàn đó, có các Phật tử đến để học thầy Huyền Trang và các học trò của Ngài.  Các Phật tử Nhật bản thế kỷ VII say mê với giáo điều kinh viện:  Họ lập nên những trường phái triết học.  Sự khác biệt giữa các trường phái này phụ thuộc vào sự bất đồng của họ về cách hiểu một vấn đề này khác, ví dụ như: “truyền thống phương Nam” và “truyền thống phương Bắc” ở Nara.  Vào thời kỳ này, tức từ thế kỷ VII đến  XI, triết học của Vasubandu và Lôgíc rất được các Phật tử chú ý.  Sự hoạt động mạnh mẽ như vậy về triết học là một điều phi thường vì, cho đến thế kỷ thứ VII, ở Nhật bản còn chưa có một nền văn học dân tộc nào:  Tác phẩm đầu tiên của ngôn ngữ Nhật bản là biên niên sử Kodziki đầu thế kỷ VIII.  Các tác giả thời kỳ này viết bằng chữ Trung quốc; và một số tác phẩm của họ đến nay vẫn còn giá trị. Đáng tiếc là rất nhiều tác phẩm lớn đã mất từ lâu.

 

Mảng văn học triết của trường phái Vasubandu đã được Huyền Trang và các học trò của Ngài tu bổ thêm trở thành nền tảng bền vững có hệ thống để rồi từ đó mọc lên hết nhánh này đến nhánh khác của Phật giáo phương Đông.  Các nhánh Phật giáo này khai thác nhiều những vấn đề thuần túy tôn giáo chứ ít chú ý đến những vấn đề triết học kinh viện.

 

Vijnanamatra và Abhidharmakosa, cho đến nay vẫn còn là những bản luận chủ yếu không thể thiếu được cho những ai muốn tìm hiểu khía cạnh triết học của Phật giáo ở Nhật bản.  Những tác phẩm trên, hoặc dưới dạng giản lược, hoặc dưới dạng tóm tắt bằng tiếng Nhật, đã nhập vào giáo trình tu tập của tất cả các tông phái Phật giáo Nhật bản.

 

Nhưng, tất cả những bản luận đồ sộ về giáo điều Phật giáo đều dựa về mặt lý thuyết vào những tác phẩm cổ điển, có uy tín. Đặc điểm của những tác phẩm này là ở chỗ, chúng tạo ra cả một hệ thống chung cho triết học Phật giáo, cho nên, rất nhiều những bản luận về sau đều bám vào đó làm cơ bản. Nhưng trọng điểm chú ý của các xu hướng về sau hoàn toàn không khớp với trọng điểm của những kinh điển có uy tín.  Trong khi đó, các tác phẩm mang tính hệ thống được viết vào buổi đầu chiến thắng của Đại thừa, lại vẫn còn là cơ sở vững chắc ngăn cản sự ly tán triệt để của các nhánh mới.

 

Những tông phái muộn không có một đóng góp gì mới đáng kể vào triết học chung của Phật giáo.  Triết học kinh viện Ấn độ không có đất phát triển ở phương Đông, nó dần dần được lược giản và bị biến dạng do chịu ảnh hưởng của các dòng tư tưởng khác nhau.  Nhưng, tại Ấn độ, Vasubandu, một trong những học giả muộn có tri thức bách khoa về toàn bộ triết học Phật giáo trước đó, đã một mình tạo lập nên hai hệ thống hoàn chỉnh cho Phật giáo: Đầu tiên là Tiểu thừa, sau đấy là Đại thừa.

 

--- o0o ---

 

Mục Lục | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10

11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19

--- o0o ---

Vi tính: Chúc Thượng

Trình bày: Nhị Tường

Cập nhật: 01- 4-2004


Webmaster:quangduc@quangduc.com

Trở về Trang Triết Học

Đầu trang

 

Biên tập nội dung : Tỳ Kheo Thích Nguyên Tạng
Xin gởi bài mới và ý kiến đóng góp cho Trang Nhà qua địa chỉ : quangduc@tpg.com.au
Địa chỉ gởi thư: Tu Viện Quảng Đức, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic. 3060. Tel: 61. 03. 9357 3544