Trang tiếng Việt

 Trang Nhà Quảng Đức

Trang tiếng Anh

Thơ Văn Phật Giáo


...... ... .

 

                                   

Đọc: “Trầm Hương”
thi tập của Sông Thu

 

 

     Nhân dịp tham dự Lễ Hội Về Nguồn và Hiệp Kỵ Chư Lịch Đại Tổ Sư, tổ chức tại Tu viện Viên Đức Ravensburg - Đức Quốc. Tôi hân hạnh được Thầy Bảo Lạc tặng cho thi phẩm Trầm Hương. xin thành kính cảm niệm công đức của Thầy, đồng thời có đôi lời cảm tưởng sau khi đọc thi phẩm nầy. 

     Một đoạn trong lời mở đầu, thi nhân viết: “Lâu lắm rồi từ năm 1985 thi tập đầu tiên “Cho cây rừng còn xanh lá” mãi tới nay hơn 20 năm lần nầy thi tập “Trầm Hương” mới có dịp tái ngộ độc giả, phải nói là nguồn thơ quá khiêm tốn không mấy dồi dào cho lắm...” (trích Lời mở, trang 6). 

    Thử tìm hiểu nguyên nhân gián đoạn, cũng như nguồn thơ tiếp tục ra sao giữa hai thi phẩm. Với hy  vọng có thể tăng thêm cảm xúc trong khi thưởng thức. Theo nguồn thơ trong “Trầm Hương” thì thi nhân đã chia thì tập nầy ra nhiều “thể tài” khác nhau:

1)     Thoáng suy tư (chiêm nghiệm về Phật pháp).

2)     Thiên nhiên tuyệt vời (cảm nhận về sự hòa hợp với thiên nhiên).

3)     Hạnh nguyện (noi theo hạnh người xưa)

4)     Sắc tâm (luận về tâm vương, tâm sở).

5) Tình đạo pháp (điếu văn cảm niệm công đức chư tôn Thiền Đức viên tịch).  

     Về mặt gián đoạn có thể thi nhân xuất thân là một vị Tăng sĩ, đã vượt thoát khỏi những ràng buộc của thế gian, xem tất cả những chuyện buồn vui của thế cuộc như mây bay gió thoảng; hoặc giả nguồn thơ của thi nhân chỉ là một giọt sương buổi sớm, một tia chớp cuối ngày. Chỉ để lại một thoáng trầm tư nhưng muôn sau còn vang vọng, ngàn kiếp vẫn long lanh. Nên không cần phải trung thành với con tim, đang thao thức đi nhặt những tiếng lòng kết thành chuổi hạt, để cống hiến cho người đời thế gian thưởng lãm. 

Cũng có thể vì hoàn cảnh sang trang nên cần phải trở lại để chu toàn nguyện ước chưa thành, nên đành phải dấu lại những cảm xúc vào một góc khuất, chờ đợi. Cũng có thể không phải những lý do trên làm ngăn ngại, ly cách. Vì trong thực tế của bình diện sáng tác thì từ “Cho cây rừng còn xanh lá” cũng cần phải đợi một thời gian mới có “Trầm Hương” chứ. Vã lại Trầm Hương được tích tụ những gì có được không phải chỉ thuần túy là hương trầm toát ra từ cây rừng, mà còn phảng phất nhiều hương thơm siêu việt khác. “Như hương Bát Nhã, hương Thiền và hương của Người Đức Hạnh, những thứ hương có thể bay theo chiều gió ngược, không phai”.  

    Từ ta chiêm nghiệm pháp nầy

  Tâm kinh Bát Nhã phả đầy ngát hương.

                           (Nghiệp thức, trang 14) 

Như vậy nguồn thơ của thi nhân chẳng những không gián đoạn, mà vẫn còn bàng bạc trong muôn một thời khắc, đang tuôn tràn và dâng lên đến trăng sao tâm sự. Để có thể nhìn xuyên suốt muôn cảnh núi sông mây nước. Như trong một chuyến hành hương Trung Quốc, trước cảnh hùng vĩ của Nga Mi, tác giả trong lúc ngồi cáp treo đưa lên đỉnh, đã xúc cảnh tạo thành những vần thơ thanh thoát và đạo vị: 

     Kim đỉnh ngàn năm mây trắng bay

  Phổ Hiền Bồ Tát hạnh sâu dày

  Nga mi Phật tích hằn in dấu

  Thánh địa danh sơn tải đạo mầu.

         (Thánh địa Nga Mi, trang 36) 

Nguồn thơ phát xuất từ những giây phút “chiêm nghiệm pháp nầy”. Nhờ vậy mà hồn thơ nở thành trăm hoa, để dâng tặng hương thơm cho đời. 

 Ta là một bông hoa

  từ lòng đất nở ra

  mang hương thơm đi khắp

  xông ngát nẽo gần xa

         (Đất nở hoa, trang 23) 

  Từ một một tấm lòng phụng hiến, từ một ước nguyện vô vi, thơ đã được “biểu hiện” thành hương hoa cho đời thưởng thức. Thi nhân đã cảm thấy được nguồn hạnh phúc, nhờ vào việc đem đến lợi lạc cho chính mình và cả cho tha nhân. Để rồi nguyện suốt đời “làm đất trồng hoa” đem đến sự vui tươi, hạnh phúc và hòa bình cho nhân loại. 

  Ta muốn được là đất

  để người ươm gieo hạt

  cho nở chồi cây xanh

  xây hạnh phúc hòa bình

                    (Đất nở hoa) 

   Một hạnh nguyện tuy đơn sơ, nhưng đã khởi từ vô lượng kiếp, từ niệm pháp đến nhiếp pháp, đến nguyện hành là cả một chuổi dài không tưởng. 

Từ muôn kiếp xưa xa

nhờ nhân duyên xuất thế

học hạnh người xuất gia

hạnh của đất nở hoa

                  (Đất nở hoa) 

Nhờ những hạnh nguyện ấy, nên tâm hồn của thi nhân, cuộc sống của con người mới hài hòa với thiên nhiên, dầu sống với môi trường nào cũng cảm thấy thân thương hạnh lạc: 

Buổi sáng nơi công viên

cảnh vật thật bình yên

rộn lên niềm phơi phới

vươn sức sống triền miên 

con người cùng cảnh vật

hòa quyện giữa thiên nhiên

........................................

Cõi trời hay cõi thế

cảnh Phật hay cảnh tiên

không, đây chỉ cõi tạm

lắng xuống những lụy phiền

 

tâm mê trừ dứt đoạn

sạch vọng tưởng đảo điên

hòa nhau trong sinh thái

niềm an lạc vô biên

 

dừng chân trong giây phút

buổi sáng dạo công viên

điều hòa thân tâm tịnh

thưởng ngoạn chân cảnh thiền.

 (Hoà giữa thiên nhiên, trang 28) 

    Và tất cả những kết quả ấy cũng nhờ vào công phu hôm sớm, nhờ những hành hoạt thường xuyên, với một hạnh nguyện đem lại cho tha nhân lợi lạc. 

Kinh kệ khóa trình mỗi sớm mai

Chuông hồi cảnh thức khách trần ai

                      (Thời khóa công phu). 

Người xưa thường nói: “Có lên núi cao mới thấy hết những gò đống; có ra biển khơi mới biết được ao hồ nông sâu”. Có công phu mới cảm nhận được những điều vi diệu của Phật pháp... 

Có ba thái độ đi chùa

ngỡ ngàng, xa lạ, vui đùa giải khuây

xem chùa là chuyện của thầy

vòng ngoài ngắm cảnh ai hay làm gì

                             (Đi chùa, trang 16) 

Đây là cái thấy và diễn tả tâm trạng, từ suy nghĩ đến hành động của người Phật tử mới đến chùa lần đầu. Tuy bình dị nhưng uyên áo vô cùng, vì tâm lý nầy chắc chắn ai trong chúng ta cũng đã bắt gặp một lần. Cảm nghĩ ban đầu ấy sẽ đi dần vào tiến trình làm quen với sinh hoạt của chốn thiền môn. 

Thiện nam tín nữ tu trì

Gặp nhau niệm Phật A Di chào mừng

Hai tay chắp lại ung dung

Thân thương hòa ái vô cùng thiết thân

                               (Đi chùa, tiếp theo) 

Tiến trình nầy cũng như những giọt nước từ nguồn cao, từ từ chảy ra sông biển. Không tránh khỏi những giây phút ngập ngừng của buổi ban đầu, dần dần đi đến đồng cảm. 

Tuy xa đồng cảm như gần

Chùa ta xây dựng ân cần từ đây

tới lui học đạo lâu ngày

thấm nhuần kinh kệ giải bày tâm tư

bây giờ ai cũng xem như

chùa chung bá tánh riêng tư đâu còn

từ đây vào thẳng bên trong

tự tin cảm thấy cõi lòng an nhiên

                          (Đi chùa, tiếp theo) 

Đến đây mới cảm thấy niềm ấm áp của mái chùa, điều vi diệu của pháp mầu và hồn thiêng che chở. 

Mái chùa che chở hồn thiêng

Trẻ già, trai gái đồng nguyền tiến tu

Sớm chiều kinh kệ công phu

Xây đời an lạc đắp bù gia công

Quá trình tu tạo nhân trồng

Tương lai bồi đắp cha ông đạo nhà

Mái chùa đầm ấm thiết tha

Cháu con giữ lấy món quà tâm linh.                           

                          (Toàn bài đi chùa). 

Với bài thơ đi chùa nầy, thi nhân đã dẫn dắt chúng ta đi từ... và đến... để thấy được “chùa hay là cả một công trình hoằng hóa của Người từ lâu nay”. Nhờ vào công phu sớm tối, và nhất là nhờ vào một tấm lòng, với chí nguyện cao cả, cũng như học hạnh người xưa :  

 “Nhất bát thiên gia phạn.

  Cô thân vạn lý du.

  Kỳ vi sanh tử sự.

  Giáo hóa độ xuân thu”.

   (Khất sĩ).

Thầy Bảo Lạc dịch:

“Một mình dạo khắp ta bà.

 Ôm bình bát pháp mọi nhà xin ăn.

 Chỉ vì sinh tử đảo điên.

Xuân Thu giáo hóa gieo duyên độ đời”. 

     Vẫn tiếp tục không ngừng với nguyện lực ấy, mong đem nguồn đạo để tưới tẩm cho đời vốn cằn khô sỏi đá, héo úa cõi lòng vì thi nhân cũng như chúng ta đã một lần đánh mất quê hương, mang thân phận lưu đày ngoài chốn xa vạn dặm. 

     Lần bước noi dấu chân

     Dù xa cách vẫn gần

     Cà sa ba cánh mỏng

     Tháng ngày nhẹ lâng lâng

     Nơi nào cần con đến

     Phật pháp gọi con đi

     Gian nguy nề sá gì... 

     Với ước mong sẽ có một ngày: 

     Đông phương bừng tươi sáng

     Đạo pháp quyện trời Tây...

     (Đạo pháp quyện trời Tây, trang 17)      

     Đó là tất cả “một tấm lòng với thơ, một chí nguyện với đạo, và một tình thương với Quốc gia Dân tộc”.

     Đường giải thoát nguyện bước lên

     Đơm hoa Bát nhã kết nên Sen hồng

                             (Pháp mầu, trang 15) 

     “Trầm Hương” là một thi phẩm, nhưng không phải để thưởng thức những vần điệu của thơ, không phải để đào sâu nội dung của ý, và cũng không phải để giải trí trong chốc lát cho khuây khỏa nỗi niềm. Mà ngược lại, Trầm Hương là phương thức biểu hiện những phương pháp thực tập, để đạt được kết quả nhờ vào kinh nghiệm đã trải, nhờ vào công hạnh tự giác, giác tha với ước mong đem lại cho chúng ta nguồn hạnh phúc đích thực, viên mãn .

     Vì thế nên muốn thưởng thức Trầm Hương, thì cần phải “tương tác với thi nhân”, phải thực hành những điều có thể tạo nên, chuyển thành “Tâm Hương” để dâng lên cúng dường đấng “Toàn Giác” và hồi hướng công đức cho chúng sanh khắp cả mọi miền pháp giới. 

                                                          ***

     Tôi cũng đã bắt chước người xưa, pha một ấm trà, đốt một tuần nhang, và mở Trầm Hương ra đọc. Để cầu mong nhờ sự phụ họa của ngoại cảnh, sự kết hợp của những phương tiện liên quan, có thể làm tăng thêm nguồn cảm xúc. Nhưng trong chiều hướng thưởng thức hiện tại, người đọc cũng chỉ như một Phật tử đến chùa lần đầu tiên, chạy lòng vòng phía ngoài chỉ để bẻ hoa hái trái vườn chùa, với thái độ :

    “Ngỡ ngàng, xa lạ, vui đùa giải khuây” ...  

     Nhưng cũng với một niềm hy vọng là, có được “một đôi điểm đồng cảm với tác giả”, để từ đó làm căn bản cho một ước nguyện xin được giới thiệu với độc giả bốn phương: “Trầm Hương” như những bài pháp thực tiển, một lời khuyên chân thành, một hạnh nguyện cao cả, một phương pháp thực tập qua những đối chiếu với thiên nhiên, với phong cảnh, với linh cảm, với tất cả nguồn trầm tư phương Đông..., hầu đem lại cho chúng ta nguồn hạnh lạc.   

     Trần Đan Hà

 

 

 

 

 

---o0o---

 

Cập nhật: 01-01-2011

 


Webmaster:quangduc@quangduc.com

Trở về Thư Mục Thơ Văn

Đầu trang

 

 

Biên tập nội dung: Tỳ Kheo Thích Nguyên Tạng
Xin gởi bài mới và ý kiến đóng góp cho Trang Nhà qua địa chỉ:
quangduchomepage@gmail.com
Địa chỉ gởi thư:
Tu Viện Quảng Đức, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic. 3060. Tel: 61. 03. 9357 3544