Trang tiếng Việt

 Trang Nhà Quảng Đức

Trang tiếng Anh

Tâm Lý Học Phật Giáo


...... ... .

 

 

Lá thư Tịnh Hữu

Thị Chơn Ngô Ngọc Diệp

 

 

Nhân Duyên
 


Tịnh Hữu thân mến.

".Phật xưa có thệ, nếu có chúng sanh,
muốn sanh nước ta, hết lòng tín nguyện, cho đến mười niệm,
nếu chẳng đặng sanh, chẳng thành chánh giác..."

Sáng nay, tôi đang rửa chén đoại trong quán, Thiện Đạt, một Phật tử công quả tại Chùa hớt hải chạy qua quán báo tin:
- Anh Thị Chơn ơi! Anh có biết là Thượng Tọa Thiện Thông đã bị đưa vào nhà thương rồi chưa?
- Chuyện gì vậy ? Tôi hỏi.
- Chiều qua, khi Thượng Tọa Quảng Bình vào thỉnh Thầy Thiện Thông ra dùng cơm tối, thì thấy Thầy Thiện Thông ngã trong thư phòng. Trong Chùa đã kêu xe cấp cứu đưa Thầy Thiện Thông vào bệnh viện rồi. Em Thiện Đạt hoảng hốt khẩn báo cho tôi biết tin này. Gương mặt của Thiện Đạt lúc đó buồn so và tái mét. Tôi cám ơn Thiện Đạt.
- Được rồi, Anh sẽ liên lạc với Chùa để tìm phương tiện đi thăm Thầy Thiện Thông. Tôi nói với Thiện Đạt như thế.

Sau đó tôi điện thoại vào Chùa thì được biết rằng, trong lúc Thầy Thiện Thông muốn viết cho sư phụ của tôi là Thượng Tọa Thích Như  Điển một câu đối để tặng sinh nhật của sư phụ tôi vào ngày hôm sau là ngày 28.06.2000 thì bị "trúng gió" mà ngã ụp người xuống. Trong tay Thầy Thiện Thông vẫn còn cầm cây viết. Tôi hỏi quý đạo hữu trong Chùa (qua điện thoại): làm sao chúng ta đi thăm Thầy Thiện Thông được ? Một bác đạo hữu trong chùa cho biết là tôi cứ đến chùa và sẽ có xe của chùa chở đi. Sau giờ làm việc, tôi cũng chẳng màng đến việc ăn trưa nữa. Vì nhà hàng thường ăn trưa vào lúc 15.00 giờ. Tôi cùng cô Thiện Liên cuốc bộ qua Chùa, vì Chùa cách xa quán ăn của chúng tôi khoảng 700 mét. Chúng tôi không dùng xe riêng, vì trong Chùa đã cho biết rằng những ai muốn đi thăm Thầy Thiện Thông thì cùng tháp tùng với xe của Chùa và sẽ có quý Thầy trong Chùa hướng dẫn. Chúng tôi cứ y như thế mà làm.

Khi đến Chùa thì sự việc xảy ra không như vậy. Mạnh ai nấy đi ! Chúng tôi định về quán để lấy xe riêng đi. Khi bước ra sân Chùa thì gặp anh Thông, bào đệ của Thầy Thiện Thông, cùng phu nhân. Anh chị cho chúng tôi cùng đi xe chung đến bệnh viện để thăm Thầy. Mô Phật ! Chúng tôi được nghe kể lại là Thầy Thiện Thông bị bể mạch máu đầu, không phương cứu chữa. Y khoa chỉ tiếp nước biển để gọi là duy trì sự sống. Còn không phương cách gì làm phẫu thuật hay cứu chữa được nữa. Nói khác đi thì cơn vô thường đến lúc nào thì hay lúc ấy !

Đến nhà thương. Vào phòng hồi dưỡng, nơi Thầy Thiện Thông đang nằm. Những ống cao-su chằng chịt tiếp chất liệu dinh dưỡng hầu hy vọng kéo dài sự sống cho Thầy !

Trên đường đến nhà thương, tôi tâm niệm rằng tôi sẽ trì chú "Bảo Khiếp Ấn Đà La Ni" bảy (7) biến để tạ ơn Thầy. Đây là câu thần chú mà Thầy và Thầy Từ Trí đã làm lễ an vị "Phật Bảo Tháp" tại tư gia của chúng tôi trong năm 1999 và trong quán ăn của chúng tôi để cầu an cho gia đình, thân quyến và sự an sinh của chúng tôi.

Nhưng trên đường đi, tôi lại đổi ý. Tôi sẽ trì cho Thầy bảy (7) biến chú "Bát Tự Đại Oai Đức Đà La Ni" của Ngài Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát để tạ ơn Thầy. Câu thần chú này do Sư Bà Như Tuấn truyền trao cho tôi nhân lễ Phật Đản năm 1999. Và sau đó tôi có thưa với Thầy Thiện Thông việc này. Thầy chỉ dạy tôi: Anh hãy cố gắng trì tụng thần chú này đi. Nó sẽ mang nhiều lợi lạc cho chính anh và chúng sanh. Tôi chỉ biết như vậy mà hành trì. Khi Thầy Thiện Thông sắp rời nước Đức, chúng tôi có thỉnh Thầy và sư phụ của chúng tôi dùng bữa cơm trai phạn cúng dường để tiễn biệt Thầy Thiện Thông về nguyên quán. Sau bữa cơm, Thầy Thiện Thông có kêu tôi ra và nói riêng:

- "Anh gắng trì tụng thần chú này để tự độ cho chính anh và dùng trị bệnh độ mọi người."

Tôi tạ ơn Thầy và trong khoảng khắc đó tôi chỉ niệm thầm trong trí "Án a vị ra hồng khư tả lặc". Ngoài ra tôi không có một mảy may tâm niệm nào khác.

Đến khi vào bệnh viện, người ta hướng dẫn vợ chồng anh Thông và chúng tôi vào phòng bệnh để "thăm" Thầy. Lúc đó có hai đạo hữu, Diệu Thơ đang đứng bên phía trái và anh Quảng Niệm đứng bên phía phải, từ ngoài nhìn vào, đang trì tụng "Nam Mô A Di Đà Phật" khoan thai nhịp nhàng. Tất cả những ý nghĩ của tôi dành cho Thầy trên đường đi bỗng dưng tiêu tan. Tôi nhìn Thầy đang nằm trên giường bệnh, nét mặt Thầy rất tươi, đôi mắt nhắm lại bình thản không một chút ưu tư. Không vướng một chút âu lo. Tôi chợt nhớ đến lúc tôi đã từng nằm trong tư thế như vậy cách đây 15 năm về trước. Chỉ có điều lúc đó tôi còn mở mắt ra được, nên tất cả mọi người cho rằng tôi còn sống. Nay nhìn Thầy Thiện Thông, vì Thầy nhắm mắt nên mọi người tưởng Thầy đã chết !

Lúc đó tôi tin chắc rằng Thầy chưa viên tịch. Mà thần thức của Thầy đang hoạt động rất căng thẳng. Bởi vì cái gì Thầy muốn nói cho mọi người nghe, đã bị sự tê liệt của các thần kinh ngăn ngại, khiến Thầy không cử động được; chứ không phải là Thầy không biết những gì xảy ra chung quanh mình. Tình trạng này cũng là tình trạng của tôi cách đây 15 năm trước vào ngày 31.5.1985. Vì biết như vậy nên tôi thầm nguyện:  Con Thị Chơn Ngô Ngọc Diệp xin đảnh lễ Thầy ba lạy và trì 108 biến Nam Mô A Di Đà Phật để tỏ lòng cảm ơn Thầy và cầu nguyện cho Thầy cao đăng Phật quốc.

Vì sao ? Một là, vì cá nhân tôi biết rằng, bệnh tình của Thầy không mong gì chữa khỏi đặng ! Hai là, vì Thầy bị bể mạch máu đầu. Còn tôi trước đây bị nghẽn mạch máu trên đầu. Sau khi lạy xong ba lạy, tôi cứ thế với hơi thở đều đặn - nhưng không quan tâm đến hơi thở - tôi mật niệm "A Di Đà Phật". Tôi bỏ hai chữ "Nam Mô" đi. Vì hai chữ "Nam Mô" chỉ có nghĩa là "cung kính, đảnh lễ" mà thôi ! Ở trong khoảng không và thời gian ấy, chúng ta mới có thể biết được rằng việc niệm Phật rất là cấp bách. Lúc đó chúng ta không thể phung phí chữ nghĩa được nữa ! Cũng như chúng ta thường được nghe rằng: đói thì cho ăn, khát thì cho uống. Đúng là như vậy và không thể khác được !

Cho nên sau khi lạy Thầy ba lạy là tôi bắt đầu niệm thầm trong "tâm thức": A Di Đà Phật. Với sự nhịp nhàng của hơi thở - nhưng không quan trọng đến hơi thở - (đây là mấu chốt quan trọng, tôi sẽ lần lượt kể cho các bạn rõ trong những bức thư sau). Tôi cứ niệm cho hết 108 biến. Xong cầu nguyện cho Thầy sớm cao đăng Tịnh Độ quốc và hồi hướng cho mọi loài chúng sanh cũng đều được vãng sanh Tịnh Độ.

Tôi lui ra ngoài để nhường chỗ cho những đạo hữu khác vào đảnh lễ Thầy. Ở phòng ngoài, tôi có duyên được nói chuyện với vợ chồng anh chị Thông, đạo hữu Diệu Thơ, anh Quảng Niệm và cô Thiện Liên về sự niệm Phật cũng như tâm niệm của mình đối với người đang nằm trên giường bệnh chờ cơn vô thường đến.

Vì phải đến giờ trở về quán làm việc nên tôi vào phòng bệnh của Thầy để lạy tạ từ biệt. Cũng giống như lần đầu, tôi lạy Thầy ba lạy để đảnh lễ rồi niệm 108 biến A Di Đà Phật.

Nhưng khi vào phòng bệnh, sau khi lạy Thầy xong ba lạy, tôi quỳ thẳng lên để mật niệm thì nhìn thấy gương mặt Thầy chau lại, tỏ vẻ có gì không hài lòng. Trong lúc đó thì bên tai tôi nghe được tiếng niệm Phật của một nữ đạo hữu đứng bên phía phải quá ư là chát chúa. Âm thanh lên xuống không đều đặn và rất là khó nghe. Còn Bác Tám trai thì đứng phía trái giường bệnh đang thầm niệm A Di Đà Phật đều, khoan thai và nhịp nhàng. Lúc đó tôi chỉ biết ghi nhận sự kiện này và tiếp tục thực hiện những gì mình đã dự định là: niệm 108 biến A Di Đà Phật, lạy Thầy ba lạy, cầu nguyện, hồi hướng và lui ra. Tôi không quan tâm đến giọng tụng chát chúa của nữ đạo hữu kia nữa ! Việc này tôi đã về trình lại với sư phụ tôi. Tôi có xin Thầy nhắc nhở đại chúng hãy lưu ý nghi thức hộ niệm cho người sắp đang lìa trần thế. Dù đó là một cư sĩ hay một người tu đi chăng nữa. Cũng nên phải rất cẩn thận điều này !

Sau đó sư phụ tôi có hỏi tôi: Vậy tâm trạng, thần thức của con trong lúc con bị cơn bệnh hiểm nghèo như Thầy Thiện Thông ra sao ? Liệu Thầy Thiện Thông biết những gì mình đang muốn nói với Thầy chăng ? Và thần thức của Thầy ra sao ? Lúc đó tôi mới có cơ hội, những gì tôi ấp ủ hơn 15 năm nay để trình bày cho Sư phụ tôi biết. Đồng thời sự ra đi của Thầy Thiện Thông đã là một duyên lành cho tôi tâm sự với mọi tín hữu khắp nơi về phương pháp hành trì Pháp Môn Tịnh Độ. Đó cũng là hoài bão của Thầy Thiện Thông đối với mọi Tịnh Hữu có duyên với Thầy trong khoảng không đầy hai năm qua.

Loạt bài với "Lá Thư Tịnh Hữu" này nhân chuyến ra đi của Thầy Thiện Thông là việc thực hiện một lời nguyện của tôi, lúc tôi bị liệt toàn thân, không nói chuyện được và tôi đã lập đại nguyện: ngày nào con nói lại được và cử động được thì con nguyện phần sống còn lại của con trên cõi ta bà này sẽ hoằng dương Pháp Môn Tịnh Độ. Và nếu ai niệm 10 lần "A Di Đà Phật" như con đã làm mà không được vãng sanh về cõi Tây Phương Cực Lạc thì con xin nguyện không bao giờ ra khỏi địa ngục; và nguyện nhận chịu hết mọi bệnh tật khổ đau của mọi loài để họ phát tâm niệm "A Di Đà Phật" cầu vãng sanh Tịnh Độ.

Tâm trạng của tôi ở giờ phút đó, thật sự tôi muốn kể cho các bạn nghe từ 15 năm qua. Nhưng khó lắm ! Vì nếu một người đã qua đời, họ để lại xá lợi, hoặc có những sự huyền linh ứng hiện nào đó hiển ra thì mọi người cho rằng: à người đó tu thành chánh quả và đã được Phật A Di Đà hoặc Tam Thánh tiếp dẫn rồi. Khi đã có những sự kiện đã xảy ra thì người ta mới có thể kết luận hay phê phán. Chứ ít có mấy ai thấu rõ được sự kiện khi nó đang diễn tiến. Trừ phi họ thấu triệt được định luật "nhân quả nghiệp báo". Tám vạn bốn ngàn (84.000) pháp môn mà sau khi Thái Tử Tất Đạt Đa thành đạo chỉ dạy cho chúng ta để thoát khỏi sanh tử luân hồi cũng không hề đi ra ngoài nguyên lý này. Phương tiện thì có khác, nhưng định lý này thì không hề thay đổi.

Tôi thì nói không hay, không có tài viết lách hoặc diễn giảng theo kinh sách và không có khả năng để trang trải tâm tư của mình qua thơ văn, chữ nghĩa v.v... Nhưng những gì tôi nói và viết ra đều là sự "chứng nghiệm" (không phải là kinh nghiệm !) thật nơi bản thân. Chứ tôi không bao giờ thích mượn lời nói, câu văn của người khác để hóa trang hoặc trang điểm cho chính mình. Vì tất cả những cái đó đều là hư ảo ! Nếu là như vậy thì tôi e rằng tôi chỉ là cái máy cassette, lặp đi lặp lại những gì người ta đã nói. Hoặc giả tôi chỉ là một diễn viên tài tình, đóng một vai thật hay như vai tuồng mình đã chọn hay người ta đặt ra cho mình. Đây chỉ là việc mượn cái hay của người khác để khoác lên cái "ngã kém cỏi của mình" mà thôi. Như vậy mình không phải là mình.

Chúng ta thường được nghe giảng đến "tu học" và "tu chứng". Trong hai cụm từ này có hai từ giống nhau đó là chữ "tu". Ngoài ra chúng ta còn được biết đến ba chữ "Văn, Tư, Tu". Như vậy trước khi muốn biết mình tu như thế nào, tu là sự sửa đổi để từ chỗ không thiện đến chỗ thiện và rốt ráo để được viên mãn, nên cần phải học. Nếu không học thì biết gì để mà tu. Nhưng chỉ có học không vẫn chưa đủ. Đức Phật đã không từng dạy cho chúng ta là: tin ta mà không hiểu ta thì phản ta. Có tin mới có học, mới có thường xuyên đi nghe thuyết giảng. Lại nữa, chỉ học không mà không biết suy nghĩ, là Tư, thì làm sao biết sửa đổi thế nào, làm sao biết hành trì pháp môn nào, phương tiện nào.

Cái "quả" của quá trình "Văn, Tư, Tu" là sự "Chứng". Ý muốn nói đến sự "Chứng Ngộ" chứ không phải là sự "dở chứng" vì trong bụng đầy ắp một đãy kinh sách, nói ra như cái máy cassette. Nghĩa là mình "chứng ngộ cho mình" chứ không "chứng ngộ cho người khác" được. Khi bạn nằm cô đơn một mình trên giường bệnh chờ cơn vô thường đến đón đi; hoặc đang nằm liệt như trường hợp Thầy Thiện Thông; hay đang thui thủi một mình trong chiếc quan tài thì mình "chứng cho mình" hay "sự hộ niệm chứng cho mình" hoặc "sự hộ niệm giúp cho mình chứng" ? Lúc đó bạn có còn biết niệm Phật hay không ? Đây mới là điểm then chốt của việc "tu hành". Trong khoảnh khắc đó, các bạn ơi! Mình mới khám phá ra và hiểu được tám chữ mà khi Thái Tử Tất Đạt Đa chào đời, bảy bước trên đóa sen nở, một tay chỉ lên trời và một tay chỉ xuống đất, Ngài đã dõng mãnh tuyên bố: "Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn". Các bạn có hiểu không ?

Lúc còn tại thế, Thầy Thiện Thông ngoài việc xây chùa, dịch kinh sách, giảng viên của trường Cao Đẳng Phật Học của Giáo Hội trong nước... Thầy luôn giảng dạy, khuyên nhủ và triệt để hoằng dương Pháp Môn Tịnh Độ. Điều này không một ai trong chúng ta không biết đến. Qua lời Thầy Hạnh Tấn cho biết, Thầy Thiện Thông sẽ giảng về "Thiền Tịnh Giải Nghi" trong lần thọ Bát Quan Trai giới, lần cuối của đời Thầy. Cũng trong ngày này, Hội Phật Tử Việt Nam Tỵ Nạn tại Đức Quốc đã nhóm họp để bầu lại thành phần Ban Chấp Hành cho nhiệm kỳ 2000-2002. Tranh thủ trong giờ giải lao, tôi lên chánh điện để nghe Thầy giảng. Tôi ghi nhận nay nét mặt của Thầy không còn tươi tỉnh như xưa. Ngược lại cũng trên khuôn mặt từ ái ấy đượm nhiều nỗi lo âu và mệt mỏi. Giọng nói của Thầy không còn hùng mạnh như trước đây, khi tôi có duyên gặp Thầy. Nụ cười của Thầy không còn tươi như mọi khi. Tôi ghi nhận thấy những bắp thịt phía trên mặt của Thầy hơi bị lệch, hơi xệ xuống bên trái. Tay mặt Thầy cầm micro, nhưng nhiều lần như bị rớt xuống vì bị mỏi tay ? hoặc Thầy không còn cảm giác để điều khiển nữa ? Tôi rất ngạc nhiên. Vì triệu chứng này là báo hiệu của chứng nghẽn mạch máu não. Nó dẫn đến tình trạng liệt tay chân, méo mặt.

Đây là dấu hiệu cơn bệnh của chính bản thân tôi cách đây 15 năm về trước. Tôi bị liệt nửa người bên trái. Sau một tháng điều trị trong nhà thương, tôi bị liệt tiếp theo đó nửa thân bên mặt rồi đến toàn thân. Tôi không nói chuyện được, chỉ còn mở được hai con mắt trao tráo ! Nhưng nhờ biết niệm Phật mà sau một tháng tôi cử động lại được, nói lại được và sống đến ngày nay. Nếu không thì như Sư cô Diệu Trạm, đệ tử của Sư Ông Minh Tâm, mỗi lần gặp tôi thường vui vẻ nói: ai cũng tưởng mồ anh giờ đã xanh cỏ rồi đó, anh Thị Chơn ! Như đã kể, vì tôi còn mở mắt được chứ không như tình trạng của Thầy Thiện Thông, nằm liệt nhắm mắt, nên mọi người biết rằng tôi còn sống. Trong khoảng thời gian một tháng đó tôi không cử động được cũng như không nói chuyện được. Không khác gì một cái xác còn mở mắt mà thôi.

Các bạn có biết tâm trạng và thần thức của tôi lúc ấy không khác gì một cái xác đang nằm trong hòm. Người đến thăm nói gì tôi cũng nghe hết. Nhưng không trả lời và ra dấu được. Nếu có ai nói lời gì không hợp ý mình thì chỉ biết nhỏ dòng lệ an ủi mà thôi. Nhưng cái đêm tôi bị liệt toàn thân và không nói chuyện được là một sự đấu tranh kinh khủng trong thần thức của tôi. Lúc đó chỉ có cái "a lợi da thức" của tôi hoạt động cực kỳ mãnh liệt. Vì 4 ấm khác (sắc, thọ, tưởng, hành) mình không còn kiểm soát và điều khiển được nữa. Các bạn có biết lúc đó tôi bơ vơ, cô đơn, trống vắng và buồn thảm đến thế nào không ?

Các bạn cứ "tưởng tượng" rằng, giai đoạn đó là giai đoạn "cận tử nghiệp" vậy. Vì sao ? vì mình đang lơ lửng giữa sự "sống và chết" vậy (thân trung ấm đến cận tử). Nhưng quá trình đấu tranh quyết liệt trong A Lại Da Thức của tôi trong đêm đó để thấu triệt được 8 chữ "thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn" và cuối cùng tôi biết mình phải niệm "lục tự A Di Đà". Nhưng cũng không sao niệm được. Trong khoảng thời gian đó, A Lại Da Thức của tôi hoạt động để còn nhớ đến 4 chữ "A Di Đà Phật" thôi mà cũng không niệm được, đó là quá trình "Văn, Tư, Tu" theo Sư phụ học Đạo, hành hoạt Phật sự và để cuối cùng mình mới được "chứng nghiệm" ngay nơi bản thân mình trong khoảng không gian bơ vơ lạc lõng đó. Sự "chứng nghiệm" này tôi sẽ lần lược kể cho các Tịnh Hữu biết trong những bức thư sau.

Lẽ ra tôi muốn viết về đề tài này trong nhiều năm về trước rồi để kể lại cho bạn đồng tu Tịnh Độ nghe. Viết ra rồi cất đó. Vì rất ngại. Mình còn sống sờ sờ đó mà nói đến những chuyện hoang đường mấy ai tin ! Nước nóng mình uống phỏng miệng mình biết, làm sao người khác có thể cảm nhận được cái nóng như mình.

Nhân chuyến ra đi của Thầy Thiện Thông, Sư phụ có hỏi tôi về tâm trạng của tôi lúc bị liệt và không nói chuyện được lúc xưa ra sao để biết phần nào về bệnh trạng của Thầy Thiện Thông đang nằm trên giường bệnh. Tôi thưa với Sư phụ là Thầy Thiện Thông đang nằm đó, không cử động được, mắt nhắm nghiền nhưng thần thức của Thầy hoạt động dữ lắm. Ngoài ra Thầy còn nghe và ghi nhận được hết những gì mọi người đang đứng bên giường bệnh nói. Nhưng Thầy không nói, không ra dấu hay diễn tả qua ánh mắt được. Chỉ khi nào những gì Thầy không hài lòng thì cơ phận nào đó còn cử động được thì nó "ngọ nguậy", như là muốn nói cho mình biết một điều gì đó. Giống như con lúc xưa vậy, chỉ biết rơi nước mắt mà thôi.

Lần cuối cùng Sư phụ đến viếng Thầy Thiện Thông và Sư phụ khấn nguyện dõng mãnh với Thầy:
"Nếu Thầy còn nhân duyên với Phật Tử thì xin Thầy sống lại cho thật dõng mãnh. Còn như Thầy thấy không cưỡng được tử thần, thì xin Thầy yên ổn ra đi và nguyện cầu Đức tiếp dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật tiếp độ Thầy được vãng sanh Tây Phương Tịnh Độ như ước nguyện thiết tha của Thầy". (Trích báo Viên Giác số 118 tháng 8 năm 2000, trang 84, cột 2, bài của Nhựt-Trọng Trần-Văn-Minh "Lễ Tang Cố Thượng Tọa Thích Thiện Thông").

Qua sự ra đi của Thầy Thiện Thông. Cũng như qua câu nói của Sư phụ tôi: "Sự học không giúp gì cho sự chứng ngộ; nhưng không học thì biết gì để mà chứng ngộ".
Qua đó chúng ta, những người hành trì Pháp Môn Tịnh Độ học được bài học gì ?

1.  Niệm Phật, trì chú giúp cho chúng ta an lạc được cuộc sống chính mình, đó là cái Đức, và cũng an lạc được cho hoàn cảnh quanh mình, đó là Phước: lúc còn thở ra hít vào miệng mỉm cười được ! Mình còn niệm Phật được, mình còn đứng cử động được nên mình còn hộ niệm cho người quá vãng được. Nhưng đến phiên ta thì sao ?

2. Cho nên niệm Phật, trì chú là một sự thực tập ngay cho chính bản thân mình khi mình không còn thở ra hít vào được nữa. Vả lại cơn vô thường nó đến không hề báo trước cho sự thở ra hít vào của mình. Người ta thường nói "Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường ít đổ máu". Câu này viết ra đây đọc không có chút gì là thiền vị cả, nhưng thực tế là như vậy.

3. Việc hộ niệm là chuyện của người còn sống có lòng quan tâm đến mình. Nhưng có được vãng sanh Cực Lạc quốc độ hay không là chuyện của chính mình. Mình nằm đó bơ vơ lạc lõng không còn thở ra hít vào trong chánh niệm được nữa. Trong khi chồng vợ, con cái, thân nhân, bạn bè đứng kề bên kể lể. Ban Hộ Niệm thì đang tụng kinh niệm Phật cho mình v.v... Thử hỏi rằng lúc hiện tiền mà ta không chuẩn bị hành trang cho mình thì đến lúc đó sự hộ niệm có giúp được gì cho mình không ? Sự hộ niệm là chuyện của người sống. Việc đốt đuốc lên đi là chuyện của chính mình. Cho nên Phật nói nào có sai
"hãy tự thắp đuốc lên mà đi", đó là ý nghĩa rõ ràng mà trong giây phút ấy bạn mới thấu được ! Còn như chính mình đã tự thắp đuốc được thì sự hộ niệm cũng đâu có dư thừa ! Nhưng không biết hộ niệm thì điều ấy chẳng khác nào những ngọn gió thổi tạt qua làm chao đảo ngọn đuốc của mình, nếu ngọn lửa của mình không đủ mạnh. Còn ngọn lửa của mình dõng mãnh thì không có gì lấn áp được cả.

Cho nên sau khi Thầy Thiện Thông nghe lời khấn nguyện ở trên của Sư phụ thì 10 phút sau Thầy đã dõng mãnh bay về cõi Tịnh Độ. Có nhiều người học Phật mà vẫn cho rằng cần phải đọc nhiều kinh sách vì "Pháp môn vô lượng, thệ nguyện học". Điều cần biết khi tu học Phật là người Phật tử chúng ta cần phải biết chọn một pháp môn chánh để phòng thân khi cơn vô thường đến. Chứ không thể đủ bản lãnh và khả năng để niệm được 10 câu "A Di Đà Phật" lúc nghiệp duyên ta bà chấm dứt. Nếu chúng ta chuẩn bị lúc còn thở ra hít vào được hành trang về cõi Tịnh Độ thì chúng ta không sợ con quỷ vô thường nữa. Vì dù nó có đến chúng ta vẫn ung dung tự tại tiến về cõi Phật A Di Đà. Ngài không đến tiếp dẫn chúng ta nữa mà Ngài hoan hỉ đón ta nơi quốc độ của Ngài. Đã không còn sợ chết nữa, hoặc như đã chết đi sống lại như trường hợp của tôi, hay nói cách khác là khi mình đã biết chuẩn bị cho sự ra đi, nghĩa là biết rõ hướng đi của mình thì điều này sẽ giúp cho chúng ta rất nhiều trong lúc còn thở ra hít vào được, nghĩa là khi "còn sống". Người hộ niệm cũng cần phải biết điều này. Mình hộ niệm cho người đang lâm chung chính là sự nhắc nhở mình khi mình là kẻ đang nằm đó và mình phải làm gì !

4. Điều quan trọng nhất trong Pháp Môn Tịnh Độ là sự "nhất tâm bất loạn". Ba điều "Tín, Nguyện, Hạnh" dành cho những Tịnh Hữu lúc còn sống tu tập, nó tương tự như quá trình "Văn, Tư, Tu" cho một hành giả vậy. Khi đạt được đến chỗ "nhất tâm bất loạn" thì đó mới là cái "quả" của quá trình hành trì "Tín, Nguyện, Hạnh".

Sau sự ra đi của Thầy Thiện Thông, các bạn hãy can đảm tự đặt mình trong tình trạng như sau: Tối nay ta lên giường ngủ và sáng mai mở mắt ra bạn không còn cử động được hơi thở ra hít vào mình cũng không còn kiểm soát được nữa. Lúc đó chỉ còn thần thức hoạt động. Dù sao bạn còn biết mình còn sống. Những hình ảnh quen thuộc bạn có thể tiếp thu qua bằng ánh mắt được. Thì hỏi bạn, lúc đó bạn làm gì ? Hoặc giả can đảm hơn: Bạn tưởng tượng sáng mai thức dậy, bạn không còn mở mắt được nữa. Có nghĩa là mình đã lìa trần. Thì tâm trạng của bạn lúc đó ra sao ? Bạn sẽ "phải làm" những gì để khỏi phụ lòng Thầy Tổ ? Nơi đây tôi muốn nhấn mạnh ở chỗ "phải làm" gì ? Thực tập được điều này, chúng ta sẽ có một cái nhìn khác cho cuộc đời này. Cái đó tự các bạn sẽ cảm nhận được. Bạn không thể tâm sự hoặc kể cho người khác biết được cái cảm nhận đó. Vì nó thiếu sự tương ưng !

Các Tổ Thiền vẫn thường giảng dạy cho thiền sinh: "Hãy dán chữ Tử ngay trên trán để quán chiếu". Thật đúng như vậy. Vì cái "Tử" chính là "chánh niệm", cái "hiện tại", cái "ngay bây giờ, trong lúc này" mình đang "sống" với nó. Vì trong một sát na cùng "có sanh, có tử". Trong sanh có tử và trong tử có sanh. Các bậc tu hành đắc đạo nhận diện nó rất rõ. Nên các Ngài bao giờ cũng biết trước cái "sanh" của mình. Người đời thì gọi là tử, nghĩa là lìa cõi ta bà này. Nhưng đối với các Ngài thì tử sanh - sanh tử không hai.

Như trường hợp Thầy Thiện Thông. Tôi được Sư phụ kể lại như sau: Sau buổi đi quá đường trưa ngày 27.06 thì Thầy Thiện Thông có nói là: Tôi về phòng nghỉ trưa và sẽ viết cho Thượng Tọa Viên Giác hai câu đối để mừng sinh nhật của Thượng Tọa vào ngày hôm sau 28.06. Nhưng vào buổi chiều ngày
27.06, lúc Thầy Quảng Bình vào phòng để mời Thầy Thiện Thông ra dùng cháo buổi tối, vì quý Thầy, Cô, Chú chỉ dùng cháo để ăn nhẹ trong mùa An Cư Kiết Hạ mà thôi, thì thấy Thầy xỉu quỵ trên sàn nhà, một tay còn cầm cây viết và tay kia cầm một mảnh giấy có hai câu đối:

"Đa niên bặt thiệp tận tha phương
Vị pháp vong xu, vị thế nhân"

Tôi bèn thưa với Sư phụ là: Nếu Thầy Thiện Thông viết tặng Thầy hai câu đối nhân ngày sinh nhật của Sư phụ với nội dung chết chóc như trên quả là điều không đúng. Thật ra Thầy Thiện Thông muốn viết tặng cho Sư phụ hai câu đối, nhưng Thầy biết cơn vô thường đã đến nên mới viết hai câu khác để làm bài kệ cho chính mình như các bậc cao tăng đắc đạo vẫn thường làm trước đây. Sư phụ tôi nói: Chắc là như vậy, Thầy Thiện Thông đã biết trước sự ra đi của mình. Tôi có thưa với Sư phụ là Thầy Thiện Thông hoằng dương Pháp Môn Tịnh Độ và thường hay nhắc nhở đại chúng niệm Phật cầu vãng sanh vì cơn vô thường sẽ không hẹn mà đến, nên con tin chắc rằng Thầy sẽ cao đăng Phật quốc. Sự húy kỵ cho Thầy chỉ là nghi thức của những người còn sống mà thôi, đó là theo quan điểm của tôi.

Sự ra đi của Thầy Thiện Thông là một bài học sống thực và vô giá cho những hành giả Pháp Môn Tịnh Độ nói riêng và cho mọi người học Phật nói chung. Đúng như ý nghĩa thâm sâu câu nói của Sư phụ tôi: "Sự học không giúp ích gì cho sự chứng ngộ, nhưng nếu không học thì biết gì mà chứng ngộ". Sự ra đi của Thầy Thiện Thông cũng là nhân duyên thúc đẩy tôi, sau khi thưa chuyện và thỉnh ý Sư phụ, không còn ái ngại và do dự gì nữa để viết ra những kinh nghiệm của bản thân qua căn bệnh hiểm nghèo cách đây 15 năm về trước. Và cũng nhờ hồng ân chư Phật, chư Bồ Tát, Tam Bảo và Tổ Tiên cùng sự nhất tâm niệm Phật với tâm nguyện "nếu còn nhân duyên thì cho tôi dõng mãnh sống cuộc đời còn lại có ích cho Đạo và Đời; còn nếu nhân duyên đã hết thì tôi chỉ quyết tâm về quê hương Cực Lạc".

Văn chương chữ nghĩa kém cỏi, kính mong quý Tịnh Hữu hiểu ý quên lời. Âu cũng là điều hoan hỷ cho tôi lắm rồi. Hẹn bạn ở thư sau.

Nguyện đem công đức này, hướng về khắp tất cả, đệ tử và chúng sanh, đều được vãng sanh Cực Lạc.

Nam Mô A Di Đà Phật

(Lá thư số 2 sẽ kể cho Tịnh Hữu rõ cái duyên của tôi đối với Pháp Môn Niệm Phật A Di Đà khi tôi bị chứng bệnh đau gan cấp tính).
Thị Chơn Ngô Ngọc Diệp

 

Tôi có duyên với pháp môn Tịnh Độ.



Người học Phật chúng ta ai cũng đều chứng nghiệm được rằng việc tu học tại xứ người quả thật không đơn giản. Trước tiên vì bối cảnh của quốc độ mình đang trú, sau cùng nhưng lại có ảnh hưởng lớn nhất là cuộc sống của bản thân và chính gia đình mình. Tuy nhiên theo tôi, chúng ta cứ nhìn hay là quán những khúc mắc đó như là một phương tiện trong ý nghĩa của tùy duyên bất biến để học, tu và hành Đạo. Ngoài ra chúng ta cũng đừng quên câu thứ 4 trong mười điều của Luận Bảo Vương Tam Muội có ghi rõ là: xây dựng đạo hạnh thì đừng cầu không bị ma chướng, vì không bị ma chướng thì chí nguyện không kiên cường.

Khi người dân bản xứ nghỉ lễ, thì người Phật Tử Việt Nam chúng ta nhân cơ hội đó tổ chức những khóa tu học, huân tu, những khóa chuyên tu và huấn luyện cho Đoàn sinh, Huynh trưởng Gia Đình Phật Tử v.v...

Trong khoảng thời gian nghỉ lễ Giáng Sinh và Tết tây từ 23 đến 31.12.2000, Chùa Viên Giác tại Đức có tổ chức khóa huân tu lạy Ngũ Bách Danh Đức Quan Thế Âm Bồ Tát và chuyên trì chú Đại Bi do Thầy Hạnh Tấn, Phó trụ trì Chùa Viên Giác tại Đức Quốc, chủ trì. Dù khóa huân tu này dành cho chúng đã thọ Bồ Tát Giới, nhưng Phật Tử khắp nơi đến Chùa tham dự khá đông.

Tu sinh nhỏ nhất là bé Vi Vi pháp danh Nguyên Thanh, 11 tuổi, con gái út của Anh Quảng Niệm và Chị Nguyên Quế, một gia đình Phật Tử thuần thành. Đạo hữu lớn tuổi nhất là Bác Viên Tuyết, Bác năm nay cũng đã 71 tuổi rồi. Bên cạnh trì chú Đại Bi, việc lạy 500 danh hiệu Đức Quan Thế Âm Bồ Tát được chia ra làm 4 thời: sau phần công phu khuya, buổi sáng, buổi chiều và buổi tối. Riêng cá nhân tôi cũng cố gắng thu xếp công việc và thì giờ để tham dự được 2 ngày.

Hôm đầu tiên lạy 500 lạy. Thân thể tôi rã rời ! Qua ngày thứ hai. Tôi bị run chân và mỏi đầu gối . Có lúc tôi không đứng lên, quỳ xuống để lạy được nữa. Khi mỏi quá, tôi quỳ mọp trên hai đầu gối rồi xụp người xuống lạy. Liếc nhìn qua bên phía Ưu Bà Di, tôi thấy Bác Viên Tuyết, người lớn tuổi nhất trong chúng huân tu, dù Bác không đứng lên lạy xuống được, nhưng Bác cũng vẫn quỳ thẳng để lạy. Trong thâm tâm, tôi cảm thấy ngại làm sao! Nên không quỳ lạy nữa, mà đứng thẳng lên lạy. Rồi thì cũng khỏe re! Thế mới thấy sự quyết tâm, dung túng hay giãi đãi trong việc lập chí tu học xuất phát tự chính ngay nơi tâm của mình, chứ không thể mong cầu ở bên ngoài mà có.

Trong lúc nghỉ giải lao, tôi xuống lầu và đi ngang qua sân khấu dưới hội trường. Thấy trên các ghế đặt bên đầu ghế bố của anh Quảng Niệm có để 2 quyển sách với tựa đề "Hình Ảnh Sinh Hoạt 10 Năm Phật Giáo Việt Nam tại Tây Đức". Cuốn sách này đã do Trung Tâm Văn Hóa Xã Hội Phật Giáo Việt Nam - Chùa Viên Giác xuất bản năm 1988.

Không có anh Quảng Niệm ở đó, tôi tạm mượn một cuốn cho cháu Tâm Thảo đọc để biết về lịch sử xây dựng ngôi Chùa Viên Giác và sinh hoạt của Phật Tử tại Đức từ 1978 đến 1988. Cháu mới sang Đức hồi cuối tháng 10 năm ngoái để đoàn tụ với mẹ tại Hannover. Nay cháu là một Đoàn sinh của Gia Đình Phật Tử Tâm Minh thuộc Chùa Viên Giác, Hannover. Tôi đưa cuốn sách cho cháu Tâm Thảo và nói:

- "Con cầm cuốn sách này đọc để biết về công đức của Sư  Ông cũng như của Phật Tử khắp nơi trong việc xây dựng ngôi Chùa Viên Giác này nghe con !"

Cháu Tâm Thảo lúc đó đang ngồi nơi bàn học của cháu Vi Vi. Cháu Vi Vi rất tinh tấn trong việc học đạo cũng như học chữ. Bên cạnh việc tụng kinh, trì chú lạy Phật, cháu Vi Vi còn tranh thủ trong những lúc nghỉ giải lao để làm bài tập của nhà trường cho trong dịp nghỉ lễ. Cháu Vi Vi là đứa trẻ ngoan, giỏi và phúc hậu. Cháu luôn được quý Sư Bà, Sư Cô ở Âu Châu yêu mến.
Cháu Vi Vi nói với tôi:
- "Bác Thị Chơn ơi, trong đó cũng có hình của Bác nữa đó!"
- "Vậy hả con?" Tôi hỏi thế.

Nói xong tôi tìm một quyển khác và ra phía ngoài đốt điếu thuốc hút để đọc lại cuốn sách này. Tôi vào ngay chương Sư Phụ viết về "Hệ Thống Tổ Chức Phật Giáo Việt Nam tại Tây Đức". Đến trang 26 mục 8 nói về nhân sự, tôi đọc mà lòng trĩu xuống. Sư Phụ viết như sau:
"... Người thứ 3 mà tôi mang ơn khá nặng. Đó là Phật Tử Thị Chơn Ngô Ngọc Diệp, một Kỹ sư; vừa là một Phật Tử khá thuần thành. Thị Chơn là người đệ tử đầu tiên của tôi và đã quy y vào mùa Vu Lan năm 1978 với 2 Phật Tử khác. Thị Minh, anh Châu là những nhân tố lúc ban đầu. Thị Chơn và những Đạo Hữu sau này là những người tiếp nối bước đường hành đạo của tôi tại đây. Suốt 10 năm trường, Thị Chơn luôn luôn có mặt bên cạnh tôi, tình nghĩa Thầy trò còn sâu đậm hơn xưa nữa. Không một bước chân nào của tôi mà không mang theo hình bóng của Thị Chơn sau đó. Như là bóng với hình,Thị Chơn đều có mặt bên cạnh tôi để lo cho tôi. Ơn ấy có lẽ đến đời nào tôi cũng không bao giờ quên được".

Đọc đến đây tôi gấp sách lại. Trong lòng dâng tràn những kỷ niệm đẹp bên Thầy, bên tất cả các Đạo Hữu khác trong mọi Phật sự ở thời điểm đó ! Lúc đó tôi chỉ biết phát tâm nguyện: "Con nguyện phần còn lại cuộc đời này của con, con dù sống trong hoàn cảnh nào đi nữa, con cũng không bao giờ quên được công ơn Thầy đã dẫn dắt, đã đưa con trở về với Ánh Đạo Vàng, trở về cội nguồn muôn thuở mà bấy lâu nay con vẫn mải mê lầm lạc, xa lìa. Con nguyện học hỏi nơi Thầy và sống vì Đạo vì Đời cũng như Thầy vậy. Bởi vì con không bao giờ quên được, thứ nhất là 2 câu trong bài sám mà dạo đó Thầy rất thích tụng trong thời công phu khuya là: ... Hư không dù có chuyển đi, nguyện con muôn kiếp chẳng hề lung lay..., ý đã để nhắc nhở và khuyến tấn con; thứ nhì là Pháp Tự "Hạnh Đức" mà Thầy đã đặt cho con trong quyển "Tình Đời Nghĩa Đạo", một truyện tiểu thuyết do chính Thầy viết, và Thầy đã mượn con để làm nhân vật chính cho cốt truyện".

Ngày đầu tiên gặp Sư Phụ chính là ngày chuyển đổi cuộc đời của tôi. Sư Phụ cùng với Sư Ông Minh Tâm sang Đức nói chuyện với anh chị em Sinh viên Việt Nam tại Câu lạc bộ của Sinh viên ngoại quốc thuộc Trường Cao Đẳng Đại Học Kỹ Thuật Hannover. Quý Thầy đã trình bày về tình trạng đàn áp nhân quyền và nhất là đàn áp Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất của nhà cầm quyền CSVN. Lúc đó tôi là thành viên Ban Chấp Hành Hội Sinh Viên Việt Nam tại Hannover. Chúng tôi đã tổ chức buổi gặp gỡ đó. Sau phần trình bày của Quý Thầy, chúng tôi cũng có đóng góp một buổi văn nghệ nho nhỏ mang chủ đề "Quê Hương và Dân Tộc".

Khi nhìn hai bộ áo nâu sòng của Sư Phụ và Sư Ông, trong tôi có một sự chấn động mãnh liệt. Đây chính là cái duyên. Nhưng cái nhân có lẽ bắt đầu từ quyển "Phép lạ của sự tỉnh thức - cẩm nang tu thiền của những người ham chuộng hoạt động" của Thầy Nhất Hạnh. Quyển sách gối đầu, tôi đã mang từ Việt Nam sang Đức năm 1969. Và sau này còn 2 quyển nữa đã theo tôi cho đến khi duyên chín muồi để gặp Sư Phụ tôi là: "Nẻo Về Của Ý" và "Duy Thức Học" cũng của Thầy Nhất Hạnh viết và biên soạn.

Nhưng tôi quả quyết rằng cái duyên chính để dẫn dắt tôi đến Phật Giáo là một sự kiện xảy ra ở Đà Nẵng. Từ 1961 đến 1966 là khoảng thời gian đẹp nhất trong tuổi thiếu niên của tôi. Tôi chỉ biết học vì không thi đậu thì đi lính, cho đến khi ra khỏi nước du học. Ở Đà Nẵng, tôi là một Đoàn sinh của Hướng Đạo Việt Nam. Về Phật Giáo tôi không biết gì hết. Dù Mẹ tôi đã quy y Tam Bảo rồi với Pháp danh Diệu Nhụy.

Vào một cuối tuần, Thiếu Đội của tôi, lúc đó tôi là Đội Phó, đi cắm trại trong khuôn viên của một ngôi Chùa. Chiều hôm đó mưa to, gió lớn, chúng tôi phải xin vị Trụ trì vào Chùa tá túc. Chúng tôi ngồi vòng tròn trong một góc. Lúc đó có một Sư Chú đang công phu chiều. Các bạn khác suy nghĩ gì thì tôi không biết, riêng tôi chăm chú lắng nghe Sư Chú tụng kinh. Đến đoạn Sư Chú tụng một bài "Đệ tử kính lạy Đức Phật Thích Ca, Phật A Di Đà, mười phương chư Phật....". Bài sám này cũng chính là bài tụng của Gia Đình Phật Tử Việt Nam trong buổi lễ Phật. Tôi nghe qua một lần và thuộc làu luôn. Không hiểu tại sao ? Tuy nhiên, hằng đêm tôi đều tụng bài này rồi mới đi ngủ. Từ khi còn sống ở Việt Nam cho đến sau này ở Đức trước khi gặp Sư Phụ. Những khi tinh thần không được ổn định, bất an thì tôi mang quyển "Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức" ra đọc hầu tìm được chút gì an lạc để định hướng cho cuộc sống của mình.

Nghe Sư Phụ có ý định về Hannover để đi học tại Trường Đại Học Sư Phạm, lòng tôi hân hoan chi lạ. Thế là Thầy trò từ kiếp nào đã gặp lại nhau. Lúc tôi chưa tìm được việc làm, tôi phụ giúp Thầy trong mọi Phật sự.

Nhờ Phật độ nên tôi có một chỗ làm trong hãng Continental tại Hannover, một hãng chế tạo vỏ xe hơi và các mặt hàng cao-su nổi tiếng trên thế giới. Cương vị của tôi lúc đó là Kỹ sư nghiên cứu và chế tạo phuộc nhún bằng hơi (air spring) cho các loại xe hơi và đường sắt. Cái phuộc nhún bằng hơi của xe lửa ICE, loại xe lửa tối tân và chạy nhanh nhất của Đức, cũng do nhóm chúng tôi chế tạo và sản xuất. Trách nhiệm của tôi lúc đó là lo về khâu nghiên cứu, chế tạo và quản lý máy sản xuất các mặt hàng này. Giờ làm việc tùy tôi quyết đînh, miễn sao việc nghiên cứu và chế tạo có kết quả và đúng hạn cho khách hàng là được. Nên tôi có rất nhiều thì giờ để gần gũi Sư Phụ, một phần giúp cho Người, một phần là nghe Sư Phụ giảng đạo và học hỏi cung cách sống của Người. Sư Phụ đã cho tôi rất nhiều kinh sách để tham cứu. Toàn là kinh sách Đại Thừa cao đẳng. Sư Phụ có một quyển, thì tôi cũng có một quyển, phòng khi thất lạc. Số kinh sách này tôi đã gửi lại Thư Viện của Chùa cho mọi người đến nghiên cứu.

Tóm lại, cuộc sống của tôi dạo đó rất thú vị. Ngoài việc hãng, tôi đến với Sư Phụ để học Phật và làm việc Phật sự. Vì gần gũi Sư Phụ thường xuyên, nên tôi học được rất nhiều nơi Sư Phụ.

Năm 80, Niệm Phật Đường dọn về đường Eichelkampstr. 35, bên hông đối diện Chùa hiện nay phía bên kia đường. Tôi đã thọ Bồ Tát Giới năm 81, trường chay, tu Thiền theo phương pháp quán sổ tức. Kể từ năm đó trở về sau này, văn phòng của tôi trong hãng, hộc tủ bên trái là hồ sơ nghiên cứu của hãng. Còn phía bên phải của bàn giấy toàn là giấy tờ của Chùa, như chữ trang trí layout báo Viên Giác v.v... Mọi liên lạc với chính quyền, cơ quan tư nhân, tôi cũng giải quyết ngay trong hãng! Đầu tháng 9.81, trong lúc tôi xuống cầu thang để đến phòng thí nghiệm, tôi kiệt sức và quỵ xuống lúc nào không biết. Tôi được một bạn đồng nghiệp đỡ dậy và chở về nhà... Sáng hôm sau tôi điện thoại báo cho Sư Phụ biết tôi phải đi Bác sĩ nên không đến Chùa được.

Bác sĩ lấy máu để thử nghiệm. Tôi được Bác sĩ ký giấy cho nghỉ bệnh một tuần. Chiều ngày hôm sau, tôi đi chợ gần nhà. Vừa về đến nhà thì thấy có một xe Cảnh Sát và một xe nhà thương bít bùng đậu ở trước nhà. Họ chận tôi lại và hỏi giấy tờ. Sau khi xem xong, một ông mặc đồ trắng nói với tôi:

- "Rất tiếc xin lỗi ông, chúng tôi là nhân viên của Bộ Y Tế được lệnh tới đây để đưa ông vào bệnh viện ngay lập tức vì ông bị tình nghi là có chứng bệnh đau gan truyền nhiễm nặng. Nếu ông không chịu đi theo chúng tôi thì chúng tôi sẽ nhở Cảnh Sát áp tải ông. Vậy mời ông vào nhà thu xếp hành lý và theo chúng tôi ngay."

Tôi vào báo cho vợ tôi biết rồi thu xếp hành lý. Tôi chỉ mang theo những dụng cụ vệ sinh cá nhân và 2 bộ đồ ngủ, tất cả thứ này tôi dồn vào một cái túi ny-long đi chợ. Còn tất cả kinh sách tôi mang theo để đọc được cẩn thận xếp vào trong một cái va-li nhỏ loại du lịch.

Xong họ hộ tống tôi ra xe bít bùng. Tôi ngồi trong xe chung quanh toàn bằng nhôm để tránh nhiễm độc. Tôi được chở thẳng vào nhà thương ở Gehrden, cách chỗ cư ngụ của tôi khoảng 30 km, và biệt lập trong một khu trên đồi. Họ đưa vào một phòng biệt lập. Chỉ có một mình tôi và không một ai được tiếp xúc cả, trừ bác sĩ và các cô y tá. Mỗi lần tiếp xúc tôi để khám bệnh v.v... họ đều đeo khăn trắng bịt miệng và xử dụng bao tay bằng cao-su !

Nhà thương thử nghiệm tôi đủ các kiểu. Phương pháp cuối cùng là họ đã chọc kim vào gan của tôi để lấy ra một chút gan để thí nghiệm. Kết quả là gan của tôi không hề bị nhiễm độc, vi trùng hay bị một chứng nào khác. Họ cũng chịu thua luôn! Nhưng tôi chưa được phép xuất viện. Cũng nhờ vậy mà Chùa, quý Đạo Hữu, gia đình và tư gia của tôi không bị Sở Y Tế đến sát trùng hoặc mời đi khám nghiệm sức khỏe.

Dù y khoa cho biết là gan của tôi vẫn còn hoạt động tốt, nhưng hễ mỗi lần đọc kinh sách và Thiền thì trong người nóng ran, như bị ai châm lửa đốt ở bên trong vậy. Tôi cho đó là bị nội hỏa chứ chưa đến độ tẩu hỏa nhập ma đâu !

Nếu tôi không lầm thì ba tuần sau khi vào viện, Sư Phụ ở Mỹ về. Nghĩa là còn hai tuần nữa mới cử hành Lễ Vu Lan. Sư Phụ, Bác Ba, anh Trâm đã đến bệnh viện thăm tôi. Mọi người chỉ được đứng bên ngoài cửa kính và nói qua chỗ nói chuyện, chứ không được phép vào tận phòng thăm tôi. Vì lúc đó tôi được trị bệnh như một người tù biệt lập vậy, vì sợ lây người khác.

Nhân đây tôi cũng xin ghi chút ít về Bác Ba, gọi là chút lòng kính mến đối với một người đã qua đời và cũng đã đóng góp nhiều tâm và sức cho Chùa Viên Giác trong giai đoạn phôi thai. Bác Ba có Pháp danh là Diệu Niên, sau này xuất gia có Pháp tự là Hạnh Niệm. Bác có 3 người con trai: 2 ở Mỹ và 1 ở Thụy Sĩ, tất cả đều lập gia đình và thứ tự là Tiến Sĩ, Cử Nhân và Kỹ Sư. Lúc Niệm Phật Đường dọn về địa điểm mới thì Cô cũng chính là người đến Chùa làm công quả đầu tiên. Dạo đó Cô là người lo lắng cho Sư Phụ, cho Chùa nhiều nhất và cũng là người bị Sư Phụ la nhiều nhất. Vì sự lo lắng của Cô nhiều lúc hơi quá đáng, nhưng Cô không hề than phiền với Sư Phụ điều này, mà chỉ biết than thở với tôi. Trước năm 1983, khi Cha Mẹ và các em tôi chưa sang Đức đoàn tụ gia đình với tôi, thì tôi xem Cô như một người Mẹ vậy, Cô lo cho tôi như một người con. Sau giờ công phu khuya, Cô làm đồ ăn chay cho tôi mang đến hãng ăn. Vì dạo đó mỗi ngày tôi đều đến Chùa để công phu khuya với Sư Phụ. Tôi dùng điểm tâm với Sư Phụ và Cô Diệu Niên rồi mới lái xe đến hãng làm việc. Mỗi cuối tuần tôi đến chở Sư Phụ đi làm lễ tại các địa phương, thì Cô chuẩn bị đầy đủ phần ăn cho hai Thầy trò đem theo dọc đường để ăn lót dạ. Cho nên khi Cô qua đời, tôi xin Cha Mẹ tôi và các anh em con của Cô cho phép tôi được chít một vành khăn tang để tưởng nhớ đến một người tôi kính yêu, dù không phải là Mẹ sanh của tôi, nhưng tôi kính Người như chính Mẹ ruột của tôi vậy: người Mẹ của tôi trong ngôi Chùa Viên Giác...

Trong lần thăm viếng nói trên, Sư Phụ cầm một quyển sách quơ quơ ngoài cửa kính và cho biết là đã mang từ Mỹ về và muốn tặng tôi. Tôi chắp tay xá để tỏ lòng biết ơn. Sư Phụ đưa cuốn sách cho một nữ y tá mang vào cho tôi rồi mọi người từ biệt.

Tôi cầm cuốn sách trên tay, ngồi trên giường trong thế bán già. Ngay lúc đọc dòng chữ "Lá Thư Tịnh Độ" do Ngài Ấn Quang Đại Sư viết, tự nhiên trong thân thể tôi như có một luồng gió mát len lỏi vào. Tôi thong thả lật từ trang đọc tiếp. Càng đọc đến đâu thì tôi cảm thấy người nhẹ nhõm, khoan khoái hẳn ra. Tôi thầm nói: đích thị rồi, đích thị rồi... Đây mới chính là chìa khóa cửa ngõ mà mình bấy lâu mong tìm. Thế là tôi ngưng thực tập thiền mà bắt đầu niệm Phật Nam Mô A Di Đà Phật. Sáu chữ Nam Mô A Di Đà Phật được tôi gắn liền với hơi thở: hít vào 4 câu, thở ra 6 câu. Phương pháp này là Tùy tức niệm Phật, sau này khi đi sâu vào Pháp Môn Tịnh Độ thì tôi mới liễu ngộ, còn lúc đó tôi chưa biết gì về pháp môn này. Tôi chỉ biết phương pháp kết hợp quán sổ tức với lục tự A Di Đà mà thôi. Tôi cũng chẳng hiểu tại sao, cái gì tôi làm mà có con số nếu đem cộng lại thì vẫn là số 10. Nên khi đi, đứng, nằm, ngồi - lúc nào tôi không suy nghĩ, nói chuyện - thì cứ y như vậy mà thở và niệm, kể cả trong lúc lái xe.

Kể từ lúc tôi đọc quyển "Lá Thư Tịnh Độ" xong, tôi cứ y thế mà niệm Phật. Động tác nào tôi cũng đưa vào câu niệm Phật. Và tôi cảm thấy được an trú trọn vẹn trong câu niệm Phật.

Sau khi xuất viện tôi có thuật lại cho Sư Phụ biết chuyện này và Người cho phép đăng mỗi kỳ báo một bài trong "Lá Thư Tịnh Độ" của Ngài Ấn Quang Đại Sư hầu gieo duyên cho những ai có căn cơ với pháp môn này.

Nhờ "Lá Thư Tịnh Độ" mà tôi không còn bị nội hỏa nữa. Tôi ăn uống bình thường trở lại và sức khỏe có phần hồi phục. Hồ sơ bệnh án thì không thấy ghi một chứng bệnh gì cả...

(Xin xem tiếp lá thư số 3)
Thị Chơn Ngô Ngọc Diệp

 

Thiền Tịnh song tu



"Vừa tọa Thiền, vừa niệm Phật,
Triệu người tu, triệu người chứng Phật quả.
Có tọa Thiền, không niệm Phật,
triệu người tu, hiếm người không lạc lối"

(Vĩnh Minh Diên Thọ Thiền Sư)

A Di Đà Phật,

thế là lá thư tịnh hữu đã thiếu các bạn một kỳ rồi đó. Chúng ta hẳn biết rằng, sự hiện hữu và thành hoại của mọi vạn vật không hề ra ngoài lý nhân duyên và duyên khởi. Nên sự vắng một lần thư trên số báo Viên Giác kỳ trước cũng không ra khỏi phạm trù này vậy! Có; không vì không để mà có và không; không vì không có mà không. Mọi vật, mọi việc đều nằm trong vòng chi phối của nhân và duyên để mà có hay không, thành hay hoại.

Đây cũng là tinh túy nội dung một câu chuyện mà ai trong chúng ta đã từng được nghe hoặc đọc rồi. Câu chuyện như sau: giai đoạn đầu thấy núi là núi, sông là sông; giai đoạn giữa thấy núi không là núi, sông không là sông; giai đoạn cuối là thấy núi vẫn là núi và sông cũng vẫn là sông! Theo tôi, ba giai đoạn trên có hiện hữu hay không cũng không ở ngoài nhận thức của chúng ta. Nhưng! Nếu không thấu triệt luật nhân duyên, lý duyên khởi thì mình không thể phá vỡ được những thành kiến, định kiến v.v... Cái mà trong nhà Phật gọi là chấp. Và cũng chính cái này là nhân tố quan trọng tác động và luân chuyển sinh tử.

Mới đây, tôi đã đọc quyển sách của Sư phụ tôi viết cho năm 2000. Cứ mỗi năm Người viết một quyển với một tựa đề khác nhau. Năm nay là "Có và Không". Sư phụ tôi đã viết "Có và Không" theo quan niệm: về tình yêu và ái nhiễm (Chương 1); về hạnh phúc và khổ đau (Chương 2); vũ trụ và nhân sinh (Chương 3); theo tinh thần Bát Nhã (Chương 4); theo tinh thần Trung Quán luận (Chương 5); vô thường (Chương 6) cuối cùng là phần kết (Chương 7).

Chương 5 là chương tôi nghiền ngẫm, đọc tới lui nhiều lần để học và hiểu "446 câu kệ về Trung Luận của Ngài Long Thọ" do chính Sư phụ chuyển từ chữ Hán sang Việt ngữ. 446 câu kệ này được chia ra làm 27 phẩm. Mỗi phẩm được bố cục rất chặt chẽ để trình bày cái có và không trong tinh thần trung đạo qua kiến giải của Ngài Long Thọ.

Tôi không biết nhiều về thơ văn và cú pháp. Chỉ biết rằng sự cấu kết trong mỗi câu kệ gồm có 2 vế, mỗi vế có 5 chữ và được tách ra bằng một dấu chấm phẩy. Dù đọc đi đọc lại nhiều lần nhưng tôi cũng chưa thấm được. Thôi đành gác lại để có dịp nghiên cứu sau.

Tiếp sang Chương 6. Trong Chương này Sư phụ tôi viết về Vô Thường. Cái mà ai cũng có thể diễn tả được. Nhưng để chứng nghiệm nó thì ít có mấy ai. Chỉ khi chính bản thân mình trực diện với vô thường thì mới biết nó là ai ? Còn sự vô thường chúng ta thấy, nghe và hiểu cũng vẫn luôn còn là một nhận thức. Nó chưa hẳn và hoàn toàn là một chứng nghiệm tự bản thân. Câu nói người ta thường dẫn dụ cho ý này là chỉ khi mình tự uống nước nóng thì mới biết cái nóng của sự phỏng ra sao ! Nhưng tất cả sự vô thường không thể ngoài lý nhân duyên mà có được. Nếu cái nhân là sự huân tập chủng tử không có; thì dù cho có duyên đến cũng không thể khởi được.Cái nhân được học Pháp, gần Tăng, người Phật Tử chúng ta đã và đang có. Chỉ còn việc huân tập chủng tử A Di Đà Phật thì chúng ta được diện kiến Phật ngay trong hiện tại (kiến tánh). Vì sao? Vì Tây Phương Cực Lạc dựa theo bốn chữ A Di Đà Phật. Nên một niệm A Di Đà là chánh niệm, là Tịnh Độ, là Phật. Bởi không còn vọng tưởng điên đảo nữa ! Mới chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách được.

Trong trang 187 Sư phụ tôi viết như sau: Sau khi về lại chùa Viên Giác, Thầy (Thầy Thiện Thông: lời người viết) đã bảo với tôi rằng "Thầy Viên Giác ơi! Tôi đã rút hết ruột gan, tim phổi của mình để giảng cho các Phật Tử ở Đức nghe về Pháp Môn Tịnh Độ rồi đó. Bây giờ (sang trang 188) chỉ còn tu nữa thôi, chứ không còn gì nữa cả...".

Đọc đến đây, tôi gấp sách lại. Hình ảnh đầu tiên hiện ra trong tôi là Thầy Thiện Thông. Sát na kế tiếp trong tâm thức tôi là hai chữ nhân và duyên. Thật vậy. Đây chính là cái nhân và duyên Thầy Thiện Thông đã có đối với Phật Tử tại Đức Quốc và ngược lại.

Vì sao ? Thứ nhất người ta thường nói Phật độ kẻ có duyên. Cũng như ánh sáng mặt trời không soi sáng được kẻ mù; lời hay ý đẹp không làm cho người điếc nghe được. Thật không sai! Người mù đâu có duyên để được nhìn ánh sáng mặt trời. Và người điếc cũng đâu có duyên để được nghe những lời hay ý đẹp. Pháp Phật nhiệm mầu như thế, đã có mấy ai có duyên để được nghe. Nhưng hễ nói đến duyên thì phải có nhân. Bằng không, hết chuyện! Vậy cái nhân ở đây là gì? Xin thưa chính là chủng tử Tịnh Độ, cái mà người Phật Tử ở trú xứ này đã gieo từ bao nhiêu kiếp rồi, cũng như của riêng Thầy Thiện Thông đối với Phật Tử ở Đức. Tại sao? Vì đã có bao nhiêu người đã có duyên để được nghe Thầy Thiện Thông thuyết giảng về pháp môn Tịnh Độ, cho dù họ cũng có nhân. Nhưng chắc cái nhân của họ đặt ở nơi khác!

Hai là cái duyên của Thầy Thiện Thông có với Phật Tử tại Đức phát xuất từ hạnh nguyện của Thầy. Khi duyên hết thì Thầy từ giã chúng ta. Điều này chứng minh rõ ràng qua câu nói của Thầy: "... Tôi đã rút hết ruột gan, tim phổi của mình để giảng cho các Phật Tử ở Đức nghe về Pháp Môn Tịnh Độ rồi đó".

Tịnh Hữu thân mến, một người đã rút hết ruột gan, tim phổi của mình ra rồi thì còn gì để mà hít vào thở ra nữa! Thầy Thiện Thông đã báo trước rõ ràng cho mọi người biết sự ra đi của Thầy rồi. Như trong các Kinh Tịnh Độ đã có nói đến. Như sự ra đi của các Tổ xưa. Cũng như của những người tu Tịnh Độ trong hiện tại. Những ai còn thắc mắc để tìm biết Thầy đi về đâu, theo thiển ý của tôi thì họ còn đem cái kiến chấp hạn hẹp để so với hạnh nguyện bao la của Thầy. Cho nên chúng ta đừng thắc mắc là Thầy sẽ đi về đâu cả. Tu Tịnh Độ thì về Tây Phương Cực Lạc, chứ còn đi đâu nữa. Chỉ có những ai tu Tịnh Độ mà tâm không chí thành, nguyện không sâu, hạnh chưa rốt ráo (ba la mật) nghĩa là niệm A Di Đà mà không biết ai niệm, tâm ý rong ruổi theo huyễn cảnh, vọng tưởng điên đảo (miệng thì Nam Mô A Di Đà Phật liên tục, nhưng tâm ý thì như trái banh, mình không đá thì cũng bị người ta đá tới đá lui!); hoặc giả niệm A Di Đà Phật chỉ muốn về Tây Phương Cực Lạc hưởng lạc, thì ôi thôi, ai tai! Chính họ mới là những người khổ tâm, đáng thương nhất khi cơn vô thường bất chợt đến với họ. Tại sao? Vì họ đã lầm đường, lạc lối rồi. Uổng công, vô ích!

Các Tịnh Hữu thân mến. Trên cõi này, mấy ai biết trước được cơn vô thường đến lúc nào. Nếu có duyên lành thì được ở gần Chùa, hoặc ở những nơi có Tăng Ni trú ngụ. Lúc lâm chung sẽ được Chư Tôn Đức, Ban Hộ Niệm nhắc nhở cho niệm A Di Đà. Tro cốt còn đưa về Chùa để được Chư Tôn Đức hộ niệm, thân nhân cúng kiến thăm viếng! Nhưng đặt trường hợp, mình đang tha phương cầu thực ở đâu đó, hay trong bất kỳ một hoàn cảnh nào mà rủi ro bị một tai nạn và hết thở thì sao? Ai sẽ hộ niệm cho mình? Ai sẽ nhắc nhở cho mình nhớ đến bốn chữ A Di Đà Phật, chứ đừng nói tới lục tự? Ở đây tôi mong các bạn nhận ra được chữ Ai. Nếu được như vậy thì cái sống và sự chết là gì đối với các bạn? Nó chỉ là hai từ trống rỗng (vì hình thể và nội dung của nó do nhận thức của mình mà có!), là hai cái đối đãi của giai đoạn một và giai đoạn hai trong câu chuyện bên trên.

Riêng tôi chỉ biết có một điều là Thầy Thiện Thông đã về Tây Phương Cực Lạc để được Đức Phật A Di Đà thọ ký độ tiếp những loài chúng sanh ở một quốc độ nào đó có nhân và duyên với Pháp Môn Tịnh Độ. Đó là bản hoài của Thánh chúng ở Tây Phương Cực Lạc. Vì họ sẽ không trụ tại đó để hưởng lạc, mà tùy theo hạnh nguyện của mình, họ sẽ được Đức Phật A Di Đà thọ ký cho thị hiện trong vô lượng quốc độ để độ cho vô lượng những chúng sanh.

Đã có nhân và duyên nhưng chưa chắc đã khởi được. Còn phải cần thêm cái trợ duyên nữa. Nếu Đạo hữu Minh Tấn, là con rể của bào đệ của Thầy Thiện Thông, không phải là một Phật Tử thuần thành của Chùa Viên Giác, thì Thầy Thiện Thông đã đâu có về Chùa Viên Giác, thì làm sao Phật Tử tại Đức có duyên được nghe Thầy Thiện Thông giảng về pháp môn Tịnh Độ trong suốt thời gian gần nửa năm trong lần đầu Thầy đến Đức. Và nếu bào đệ của Thầy không ở Đức, thì Thầy sang Đức làm gì? Nếu như vậy thì cũng giống như bao nhiêu Chư Tôn Đức từ Việt Nam đã, đang và sẽ sang Đức thăm viếng mà thôi!

Nhưng câu nói sau của Thầy Thiện Thông mới là nhân duyên chính để có lá thư tịnh hữu này gửi đến các bạn. Thầy nói tiếp: "... Bây giờ chỉ còn tu nữa thôi, chứ không còn gì nữa...".Bây giờ chỉ còn tu nữa thôi. Nhưng tu như thế nào để khi cơn vô thường đến chúng ta còn nhất tâm niệm được bốn chữ A Di Đà Phật mà trực chỉ đến Tây Phương Cực Lạc, đảnh lễ Phật A Di Đà cùng Thánh Chúng chứ ?

Câu chuyện như sau. Lần đầu tiên khi Thầy Thiện Thông đến Đức, tôi đã có duyên kể cho Thầy nghe biết về căn bệnh của tôi. Và nhờ biết niệm A Di Đà Phật mà tôi còn hít thở cho đến ngày hôm nay. Thầy cũng có kể sơ cho tôi biết về việc Thầy niệm A Di Đà Phật và trì chú Đại Bi sám hối để thoát khỏi một căn bệnh ngặt nghèo. Nhưng Thầy không kể chi tiết cho tôi nghe về chuyện đó như Sư phụ tôi đã viết trong quyển Có và Không.

Tôi chỉ còn nhớ là Thầy Thiện Thông đã dạy bảo tôi sau đó như sau: "Niệm A Di Đà Phật có 10 cách. Cách mà anh áp dụng để qua khỏi căn bệnh là 1 trong 10 cách đó. Lúc đang tu tập thì cách nào cũng được. Nhưng nó phải trải qua quá trình của nhân và duyên nên lúc hữu sự mới có thể chứng nghiệm được. Chứ không phải tự nhiên mình có thể niệm được đâu. Điều quan trọng là còn phải biết nhất tâm nữa. Anh sẽ là người sau này nói cho mọi người biết niệm như thế nào để được nhất tâm khi cơn vô thường đến. Tại sao? Vì ai đã ra đi thì đi luôn. Nếu có, thì họ cũng chỉ để lại một vài sự linh hiển nào đó, như cho biết trước ngày chết, một bài kệ, có xá lợi v.v... Điều này cũng để cho người đời biết được diệu dụng của pháp môn Tịnh Độ mà thôi. Cũng như để chứng minh rằng họ tu hành đã đắc đạo quả, làm gương cho hậu thế. Chứ điều này đối với họ không có ý nghĩa gì cả. Vì họ biết họ làm gì. Nhưng phương pháp nào để nhất tâm niệm được bốn chữ A Di Đà Phật trong khi vừa hít vào mà không thở ra được nữa, cũng như trong giai đoạn của cận tử nghiệp như thế nào thì cho đến nay họ chưa thể nói cho con người sống biết được. Trường hợp của anh thì khác, vì anh còn sống. Vậy anh nên kể lại cho mọi người biết. Đây cũng là một duyên lành cho những người tu Tịnh Độ. Lý thuyết thì nó như vậy đó. Lời Phật dạy, Kinh sách, các Tổ cũng chỉ bày và giảng dạy như vậy thôi. Còn trong thực tế thì đã có mấy ai chứng nghiệm được. Quan trọng ở chỗ là huân tập chủng tử A Di Đà Phật ngay lúc còn sống, nghĩa là biết nhất tâm niệm A Di Đà Phật ngay từ lúc này. Chứ không phải chờ đến lúc lâm chung để trông đợi người ta hộ niệm, nhắc nhở cho mình".

- "Bạch Thầy, theo lời Thầy chỉ dạy thì con phải làm sao?" Tôi hỏi Thầy Thiện Thông.

- "A Di Đà Phật. Anh tự biết phải làm gì rồi. Tuy nhiên mọi sự việc đều không hề ra ngoài lý nhân duyên và duyên khởi. Từ từ rồi anh sẽ nhận ra?". Thầy Thiện Thông chỉ dạy tôi như vậy.

Tịnh Hữu mến, thật ra lúc đó tôi đâu có hiểu Thầy Thiện Thông nhắn nhủ tôi cái gì? Nên tôi chỉ biết ghi nhận và tạ ơn Thầy.

Đến lần thứ hai khi Thầy trở lại Đức, tôi cố gắng thu xếp thì giờ tìm mọi cách gặp Thầy để được học hỏi thêm. Nhưng mỗi lần như vậy thì Thầy cười (nhưng nụ cười không còn tươi như lần trước nữa; gương mặt có vẻ mệt mỏi!) và nói Thầy rất bận. Thầy luôn kết thúc bằng một câu: "Lần trước tôi đã nói với anh rồi mà. Anh tự biết phải làm gì. Tôi rất bận và không còn gì để nói với anh nữa!".

A Di Đà Phật, Tịnh Hữu mến, làm sao tôi có thể hiểu được ý của Thầy trong câu nói đó ? Nay khi đọc đến câu: ... Bây giờ chỉ còn tu nữa thôi, chứ không còn gì nữa cả...". Thì Thầy ơi! cái duyên của Thầy đối với Phật Tử ở Đức dù đã hết nhưng đó đã là nhân để khởi cái duyên cho con biết làm gì rồi. Vì con còn sống trong cõi ta bà này! Còn Thầy thì đã đến quốc độ khác để độ cho những kẻ có duyên với Pháp Môn Tịnh Độ. Thầy tuy đã xa chúng con, nghĩa là không hiện hữu trong cõi ô trọc này nữa, nhưng Thầy lúc nào cũng ở bên chúng con trong bốn chữ A Di Đà Phật, phải không Thầy ?

Chữ tu trong câu nói của Thầy Thiện Thông đã nhắc nhở chúng ta là sự chuyên tu. Nhưng chuyên tu gì? Là huân tập chủng tử A Di Đà Phật trong vô ký a-lại-da thức của mình. Đây là nhân. Quả của nó là: khi mình không còn hít thở được nữa mà trong thức thứ 8 của mình vẫn có thể an nhiên nhất tâm niệm 10 lần A Di Đà Phật, thì Tịnh Độ hay Tây Phương Cực Lạc hiện hữu trong 4 chữ A Di Đà Phật ngay lúc đó.

Đó là nói trong trạng thái của cận tử nghiệp. Khi 7 thức kia không còn hoạt động được nữa. Nhưng khi mình còn hít thở được thì sao? Nó cũng không khác. Các bạn cứ thử đi! Nói thì dễ. Thực hành, tập luyện thì cũng chưa khó. Nhưng chứng nghiệm được mới thật là điều không đơn giản. Vì cái gì cũng không ra ngoài nhân và duyên mà thành hay hoại.

Chúng ta phải thấm thấu duy thức (thực nghiệm chứ không phải duy thức của trừu tượng, định nghĩa để lý giảng!) thì mới khám phá được A Di Đà Phật. Được như vậy thì Thiền là Tịnh, Tịnh là Thiền. Tất cả chỉ là một chuỗi nhân duyên trùng trùng điệp điệp tiếp nối nhau của sự luân hồi và giải thoát. Các Tịnh Hữu có biết tại sao khi Thái Tử Tất Đạt Đa thành đạo đã giảng cho 5 anh em Kiều Trần Như về Tứ Diệu Đế là Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Nhưng tại sao trước khi Đức Thích Ca nhập Niết Bàn, Ngài đã giảng bộ Kinh Đại Bát Niết Bàn để nói về Thường, Lạc, Ngã, Tịnh. Hai điều này trái ngược hẳn nhau? Các bạn cứ niệm A Di Đà Phật thật rốt ráo thì có ngày các bạn cũng sẽ nhận ra được. Không cần phải qua một kiến thức nào cả!

Cách đây không lâu. Tôi có đến thăm một Bác lớn tuổi tại thành phố này. Y khoa không còn giúp được gì cho Bác ấy nữa. Bác chỉ nằm ở nhà để được chồng, con và cháu săn sóc. Cơn vô thường đến lúc nào thì hay lúc đó. Gặp tôi, Bác ứa lệ và nói:

- "Con trai. Diệp, tao cám ơn mày đến thăm tao. Chắc tao không còn sống được lâu nữa đâu, Diệp à!".

Tôi lấy khăn tay thấm nước mắt cho Bác và nói:

- "Bác à! Rồi thì con cũng sẽ giống như Bác vậy thôi. Cái gì có đến thì cũng phải đi. Chết đâu phải là hết. Nếu có hết chỉ là kết thúc cái xác phàm ngũ uẩn vay mượn tạm này mà thôi. Chứ lúc nào mình cũng còn sống, Bác ơi! Cái thần thức (a-lợi-da) của mình không bao giờ biết chết. Nó hết gá chỗ này, thì vịn vô chỗ khác. Nhớ năm xưa lúc con nằm trong nhà thương bị liệt và không cử động được. Chuyện đó cách nay đã 16 năm, Bác còn nhớ không? Bác và Bác trai đã có đến thăm con và nói: tội nghiệp cho thằng Diệp. Tuổi còn trẻ mà phải nằm liệt như vậy. Cũng tội cho Thầy (Sư phụ của tôi) nay mất đi một đệ tử thân thương rồi. Hai Bác thương mày quá, Diệp ơi! Bác biết, lúc đó con chỉ biết nhìn hai Bác. Con rất xúc động. Rồi những giọt nước mắt lăn từ trong khóe mắt ra để thầm cám ơn hai Bác. Vì lúc đó con nghe hết, nhìn thấy hết nhưng con có cử động được đâu. Bác còn nhớ không? Bác thấy đó. Rồi thì con cũng còn sống mà. Chết chỉ là một dấu hiệu cho mọi người biết mình không còn hiện hữu trong cõi này nữa. Chứ mình còn sống mà Bác. Bác còn sẽ sống mãi trong cõi an lạc khi Bác cùng con niệm A Di Đà Phật, Bác cứ niệm và đếm từ 1 đến 10 với con nghe."

Bác gật đầu. Tôi bắt đầu niệm và Bác cũng thầm niệm theo:

"A Di Đà Phật (một), A Di Đà Phật (hai), A Di Đà Phật (ba), A Di Đà Phật (bốn), A Di Đà Phật (năm), A Di Đà Phật (sáu), A Di Đà Phật (bảy), A Di Đà Phật (tám), A Di Đà Phật (chín), A Di Đà Phật (mười). Bác niệm xong đến mười rồi Bác niệm trở lại từ đầu như vậy nghe Bác. Nếu Bác niệm được như vậy thì Bác có chết đâu. Vì Bác còn có con và những người thân thương nữa, khi mọi người cùng biết niệm như vậy. Mình còn cái thân trong cõi này hay không thì đâu có là gì phải không Bác? Bác thương chồng, thương con cháu và bè bạn, thì con mong Bác gắng niệm 10 lần A Di Đà Phật liên tục để Bác về cõi Phật A Di Đà mà độ cho chúng con và mọi người. Vậy mới gọi là Bác thương tụi con chứ! Còn nếu Bác cứ quyến luyến, than ngắn thở dài thì làm sao Bác về Tây Phương được để rồi độ cho tụi con. Nếu không được vậy thì làm sao Bác thương chồng, thương con, thương cháu được. Chính cái sự lưu luyến đó làm Bác phải luân hồi mãi mãi, thì làm sao tụi con biết sau này Bác là ai? Bác ơi! Nếu có ai đến thăm, thì Bác cũng nên nói cho mọi người đừng kể chuyện xưa tích cũ làm gì cho Bác bận tâm và lưu luyến nữa. Mà Bác hãy yêu cầu mọi người rằng: mấy người thương tôi thì niệm A Di Đà Phật với tôi đi, cứ từ 1 đến 10 là tui vui rồi. Như thằng Diệp, nó thương tui và nhắc cho tui như vâỵ đó. Bác ơi! nếu con có đến quan tài của Bác để hai Bác cháu mình chia tay nhau trong cõi này thì Bác biết rằng con cũng sẽ tụng cho Bác 4 chữ A Di Đà Phật để "Auf Wiedersehen" Bác (tiếng Đức nghĩa là hẹn gặp lại) mà thôi. Chứ con không có khóc đâu nghe!".

Bác mới hỏi tôi: "Mày hẹn gặp tao ở đâu vậy mậy?"

- "Bác ơi! con muốn nói là hẹn gặp Bác ở Tây Phương Cực Lạc, chứ có hẹn Bác ở đâu đâu?! Bác đi trước. Con thì còn nhiều việc làm ở cõi này lắm, chưa có xong. Khi xong rồi con sẽ về gặp Bác sau!", tôi trả lời Bác.

Ánh mắt Bác tươi hẳn lên. Tôi cầm tay Bác tụng lớn tiếng cho Bác nghe. Bác cũng niệm thầm A Di Đà Phật, 10 x 10 lần với tôi. Tôi nguyện lớn cho Bác nghe: "Con nguyện cho Bác sớm giải nghiệp chướng, hoan hỷ lìa khỏi xác phàm ô trược tạm bợ đầy khổ đau này trong sự an lạc của tâm thần với 4 chữ A Di Đà Phật. Bác cứ từ một đến mười mà niệm nghe Bác".

Vì đến giờ đi làm nên tôi tạm biệt Bác và hẹn gặp lại Bác ở Tây Phương Cực Lạc. Trên nét mặt, Bác không còn chút ưu tư, lo lắng gì cả. Miệng mỉm cười và những giọt lệ đã khô từ bao giờ trên khóe mắt. Tôi nắm chặt hai bàn tay của Bác. Buông ra, chắp tay xá và lui ra.

Con cà con kê trên mặt báo thật làm mất thì giờ của Tịnh Hữu. Cũng như làm tốn trang giấy của báo Viên Giác thân thương. Nhưng nếu không chi tiết thì làm sao chúng ta nhìn ra được những chuỗi nhân duyên đó. Sự ra đi của Thầy Thiện Thông đã là duyên để khởi cho tôi ghi lại những gì tôi đã trải qua trong cuộc sống Thiền, tụng Kinh, trì Chú và niệm Phật suốt một thời gian dài học hỏi nơi Sư Phụ. Tôi luôn được người hướng dẫn, dìu dắt và nhắc nhở. Tất cả những điều đó tôi đã chứng nghiệm được trong lúc tôi bị liệt toàn thân. Vì tôi đã được uống nước nóng và đã biết phỏng! Lá Thư Tịnh Hữu chỉ là một việc làm tương ưng lời phó chúc của Thầy Thiện Thông: anh tự biết phải làm gì!

"Anh tự biết phải làm gì"
phải chăng đó chính là một
"công án của Tịnh Độ pháp môn"

Nam Mô A Di Đà Phật

(Tin cuối: Lá Thư này viết xong vào trưa ngày 18.5.2001. Tối hôm đó trong Chùa điện thoại báo cho biết là Sư Phụ, quý Thầy Cô Chú và Đạo Hữu công quả trong Chùa đã đến nhà thương tụng kinh hộ niệm cho Bác. Vì không biết phút giây nào Bác sẽ ra đi. Sáng hôm sau, tôi đi chợ Netto, phía bên kia đường đối diện Chùa, và gặp em Cẩm, con gái út của Bác. Em Cẩm cho biết là Bác đã từ giã chúng ta lúc 3 giờ sáng rồi.

Bác ơi! Con trai Diệp của Bác cầu nguyện tâm thức của Bác luôn an ổn để niệm được 10 câu A Di Đà Phật mà trực vãng Tây Phương Cực Lạc quốc. Và con sẽ hội ngộ với Bác tại đó khi con xong chuyện của con nghe Bác. A Di Đà Phật).

(Xin xem tiếp lá thư số 4)
Thị Chơn Ngô Ngọc Diệp
(19.05.2001)

 

Phép Lạ Trong Câu Nói Của Vị Bác Sĩ

Sau Đại lễ Phật Đản, tôi đến Chùa thăm Sư Phụ và Chư Tôn Đức. Lúc chờ ở ngoài sân Chùa, phía sau hiên nhà bếp, tôi gặp rất đông anh em làm công quả đang đứng ngồi giải lao.

Họ hỏi tôi:

- "A Di Đà Phật, lúc này anh Thị Chơn có khám phá ra điều gì lạ không? Nói cho tụi em biết với".
- "A Di Đà Phật. Lạ thì chẳng có gì lạ cả". Tôi trả lờirồi tiếp:

- "Nhưng anh thấy tất cả đều vô vị khi mình sống không có định hướng và mục đích. Mà khi không có một sự định hướng và mục đích cho chính bản thân mình thì mỗi giây phút trôi qua thật là langweilig, tiếng Đức có nghĩa là chán chường, vô vị. Dù có sống trong chánh niệm chăng nữa, chính ngay cái sát na không thể chánh niệm được là một sự hụt hẫng rất đáng sợ! Một người sống không có định hướng và không tỉnh thức, nghĩa là không chánh niệm, được Thầy Nhất Hạnh ví như một cái xác đi trên mặt đất. Anh thì ví người đó như một Roboter, một người máy. Nhưng mình đâu phải là một con người máy để cho sự tuần hoàn của tạo hóa ảnh hưởng và chi phối, có phải không các bạn! Mình cũng ăn, ngủ, làm việc, thương yêu, tranh hơn thua v.v... Tất cả những cái đó được gói ghém trong chữ tham. Nhưng tham để làm gì chứ? Chính cái tham không định hướng - dù nó vẫn còn ở trong phạm trù của tương đối và đối đãi - luôn làm cho cuộc sống trở nên vô vị khi mình trực diện nó. Cho nên để cuộc sống này có ý nghĩa mình phải nhìn ra cho được cái vô vị của nó hầu định hướng cho mình và sống tỉnh thức trong nó. Anh lấy thí dụ như Thiện Chí. Thiện Chí đã sống và làm công quả trong Chùa hơn 10 năm qua. Ngoài những lúc làm Phật sự trong chánh niệm, Thiện Chí còn phải biết định hướng cho cuộc sống mình nữa chứ. Mình đã nhận phần đất lạ này tạm làm quê hương, thì mình cũng phải thông thạo tiếng địa phương. Thiện Chí cũng đã phải dành thì giờ trong ngày để học thêm tiếng Đức nữa. Dù cho Thiện Chí có phát tâm đi tu thì việc học ngôn ngữ này cũng không thể thiếu được. Trong Chùa Viên Giác của chúng ta có rất nhiều Thầy, Cô, Chú rất giỏi sinh ngữ mà sao các em không chịu học hỏi. Nếu biết được tiếng Đức, thì Thiện Chí đâu phải gặp khó khăn như bây giờ trong lúc xin việc làm. Trong khi đó Thiện Chí còn có nhiều may mắn hơn chúng bạn khác vì Thiện Chí được cấp giấy phép cư trú tại Đức. Anh tạm lấy thí dụ này để nói cho chúng ta biết rằng, dù có sống trong từng giây phút chánh niệm chăng nữa mà cuộc sống không có định hướng và không mục đích thì chắc chắn có một lúc nào đó chúng ta sẽ rơi vào trạng thái hụt hẫng, khi chánh niệm vắng bóng trong chúng ta ở một sát na nào đó. Nên chúng ta cần phải nhìn ra cái vô vị của kiếp sống này để làm chủ nó và như thế mới có thể sống chánh niệm trong nó được! Anh nói là vô vị, nhưng cũng không phải là vô vị! Một công án mới đó! (tôi đùa). Các em cũng biết, Sư Phụ chúng ta thường nhắc nhở và dạy bảo rằng dù cuộc đời này chỉ mang tính cách giả tạm và tương đối, nhưng mình cần phải biết sống có định hướng thì cuộc sống này sẽ mang lại rất nhiều ý nghĩa, chứ không đến nỗi vô vị đâu!. Thôi Anh phải vào thăm Sư Phụ. A Di Đà Phật".

- "Các bạn biết không? Anh Thị Chơn đang trì Vô Vị Tâm Kinh đó! Này anh Thị Chơn, lá thư Tịnh Hữu của anh sao ngưng nhiều kỳ quá vậy và chừng nào cho tụi em đọc tiếp? Thiện Đạo đùa và hỏi tôi."

- ""Vì số cuối năm, Tân Niên và số Xuân Nhâm Ngọ quá nhiều bài với nội dung rất phong phú cần phải đi cho hết, nên Sư Phụ dạy anh tạm ngưng Lá Thư Tịnh Hữu trong một vài số.". Tôi trả lời và từ giã.

Trở lại nội dung của Lá Thư Tịnh Hữu.
Bốn phương pháp đã được thực hiện để khám nghiệm tôi - như đã kể trong lá thư trước - để tìm ra nguyên nhân tại sao tôi bị liệt (lúc đầu) phần thân bên trái. Đó là: lấy tủy trong xương sống (để xem có bị viêm màng não hay không?); chụp hệ thống thần kinh trong đầu với Computer Tumographie (để khám toàn bộ hệ thống thần kinh); chích vào động mạch ở háng một chất tương-phản (Kontrastmittel) và dưới một áp xuất nào đó, chất này sẽ được đưa đến từng mạch máu nhỏ li ti trong đầu - trong lúc đó, đầu sẽ được chụp quang-tuyến (để xem phần mạch máu nào trong đầu bị nghẽn); tiêm chất Neutron lạnh vào mạch máu để đo tia phóng xạ (phương pháp này để kiểm chứng lại kết quả của phương pháp thứ 3).

Viêm màng não thì tôi không có. Phương pháp thứ nhì thì không thể chụp đầu tôi được. Vì lúc nào trong a-lại-da-thức của tôi cũng có câu niệm Nam Mô A Di Đà Phật!

Hai phương pháp cuối đã xác quyết rằng tôi bị nghẽn mạch máu trong tiểu não bên trái.

Vì bệnh nhân nào cũng muốn sớm biết được nguyên nhân chứng bệnh và sớm được điều trị lành bệnh để trở về với gia đình và công ăn, việc làm. Tôi cũng không ra ngoài quy luật này. Riêng tôi, lúc nào cũng đốc thúc nhà thương sớm khám nghiệm bằng mọi cách. Và nếu không có gì trở ngại thì cho tôi xuất viện sớm. Vì thế cả 4 cuộc khám nghiệm trên được thực hiện liên tiếp trong vòng 2 tuần lễ. Lý do duy nhất việc tôi muốn sớm xuất viện vì tôi phải trở lại Chùa để phụ với Sư Phụ trong phần kỹ thuật tổ chức Đại Lễ Phật Đản vào trong tháng 6 năm đó. Đại lễ Phật Đản của Chùa Viên Giác trong năm đó đã được tổ chức trễ hơn các Chùa và Niệm Phật Đường khác tại Tây Đức, không trúng vào ngày rằm tháng tư. Lịch trình tổ chức các Đại Lễ của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Chi Bộ Đức Quốc, đã được Chư Tôn Đức trong Chi Bộ sắp đặt trước cả năm rồi, hầu tránh sự tổ chức cùng ngày.

Lúc đó tôi đã cử động trở lại bình thường. Và không còn một dấu hiệu nào cho thấy tôi đã bị liệt cả. Nhưng họ vẫn chưa cho tôi xuất viện. Lý do đơn giản vì nhà thương còn giường trống! Họ cần phải giữ tôi lại để kiếm thêm tiền với công ty bảo hiểm sức khoẻ của tôi !!!.

Mỗi ngày tôi được truyền một chai nước biển. Dạo đó tôi trường chay. (Sư phụ đã truyền giới Bồ Tát cho tôi trong năm 82. Dạo đó ai thọ giới Bồ Tát thì trường chay, chứ không còn 10 ngày như bây giờ). Cả ngày tôi chỉ được ăn rau - không tươi thì hấp, với khoai tây - không luộc thì chiên, ăn kèm với nước sốt. Sau bữa ăn, tôi được uống một viên thuốc để làm loãng máu. Viên thuốc này có liều thuốc mạnh cỡ 3 đến 5 viên thuốc Aspirin, bác sĩ điều trị cho biết như vậy! (thuốc tên gì tôi không còn nhớ. Cũng vì phải dùng loại thuốc này mà đến năm 92 tôi phải vào nhà thương vì bị lủng dạ dày, trước Đại lễ Vu Lan 1 ngày!).

Phần công phu trì chú, niệm Phật mỗi ngày của tôi vẫn đều đặn. Như tôi đã kể cho Tịnh hữu nghe trong lá thư trước. Đồng thời tôi còn phải soạn chương trình chi tiết cho các ban kỹ thuật Đại lễ, để kịp gửi đến các Chi Hội và Gia Đình Phật Tử địa phương trước, cho họ chuẩn bị.

Trong tháng 5 năm đó, Sư phụ mỗi cuối tuần thường đi tham dự Đại Lễ Phật Đản tại các địa phương khác. Người đi bằng xe lửa, vì tôi không lái xe chở Người đi được. Trong hai ngày chủ nhật, thứ nhất và thứ ba của tháng 5, thân phụ tôi lái chiếc xe VW-Bus cũ màu đỏ của Chùa đến nhà thương đón tôi về Chùa làm chủ lễ cho buổi lễ Phật định kỳ hằng tháng của Chùa Viên Giác. Đồng thời cũng để chuẩn bị kỹ thuật cho Đại Lễ. Hai chủ nhật còn lại trong tháng 5 năm đó cũng vậy.

Tôi còn nhớ rất rõ ngày 1 tháng 6 năm đó rơi vào ngày thứ hai. Sáng ngày thứ sáu trước đó, bác sĩ điều trị cho biết rằng tôi sẽ xuất viện vào ngày thứ hai, vì họ không điều trị gì cho tôi được cả. Vả lại tôi đã cử động bình thường rồi. Lý do thứ 2 là nhà thương cần giường cho những bệnh nhân mới đến! Tôi phải thu xếp hành lý để sáng thứ hai sau đó trả giường và làm thủ tục xuất viện.

Tôi mừng quá! Vì tôi sẽ không bỏ Thầy cùng quý đạo hữu thân thương khắp nơi để cùng chung sức lo kỹ thuật Đại Lễ Phật Đản.

Ngày chủ nhật, 31.05, thân phụ tôi đến đón tôi về Chùa. Tôi báo tin này cho mọi người trong Chùa cùng biết. Ai nấy đều vui mừng. Và nói rằng Phật độ Thị Chơn rồi đó! Chủ nhật đó không có lễ Phật định kỳ, nhưng tôi cùng quý đạo hữu của Chùa vẫn tụng kinh cầu an, do tôi làm chủ lễ. Sau bữa ăn trưa, thân phụ tôi đưa tôi trở lại nhà thương để thu xếp đồ đạc. Cái gì cần chở về thì thân phụ tôi sẽ mang về nhà trước cho tôi. Trên đường về nhà thương, tôi nhớ rất rõ là mình nói chuyện với Cha mình, nhưng ông không nghe rõ và hiểu gì cả. Trong đầu tôi biết rất rõ là mình muốn nói gì, tại sao hàm và lưỡi của tôi bị tê và líu lại. Nói không ra lời mà chỉ ú - a, ú - ớ. Nhìn sang tay lái, tôi thấy thân phụ tôi mặt đầy nét âu lo, nhưng không nói gì cả. Trong ánh mắt của Người, tôi thấy long lanh ngấn lệ.

Đến nhà thương, tôi vào phòng mang va-li ra để thân phụ tôi chở về trước. Sau đó tôi đến trình diện phòng trực để ký tên vào sổ xuất-nhập viện. Ở trong nhà thương, tùy tình trạng bệnh tình, bệnh nhân được phép về thăm nhà vào cuối tuần. Khi đi phải ký tên vào sổ xuất - nhập viện, khi trở lại cũng vậy. Vì trong thời gian vắng mặt, nhà thương không chịu trách nhiệm về bệnh nhân nữa. Nếu có gì xảy ra thì bệnh nhân và thân nhân họ nhận hoàn toàn trách nhiệm.

Sau đó tôi trở về phòng. Ngồi trên giường, tôi đi phần công phu chiều của tôi. Bỗng dưng có cảm giác đau phía bên phải ở trên đầu. Rồi sực nhớ, nãy giờ hơn 30 phút mà mình vẫn chưa tụng qua khỏi Thiên Thủ Thiên ... Ba chữ này cứ lặp đi lặp lại mà tôi không đến được chữ Nhãn. Câu Thần Chú, mà mọi khi tôi chỉ cần khoảng hơn một phút, mà bây giờ hơn 30 phút rồi cũng chưa đến chữ Nhãn. Tôi cho rằng, có lẽ mình mệt nên bị hôn trầm. Tôi định tâm và quán từng chữ khi tụng (tôi chỉ tụng Chú và Niệm Phật trong a-lại-da chứ không tụng ra tiếng hoặc dùng tràng hạt!) Dù thế, ba chữ Thiên Thủ Thiên ... cứ xoay vần Thiên Thủ Thiên, Thiên Thiên Thủ, Thủ Thiên Thiên ... mà không đến được chữ thứ tư.

Trong khi đó, phần thân bên mặt của tôi từ từ mất cảm giác, từ thân trên xuống. Xuất hạn mồ hôi, tôi dùng đầu các móng tay trái thử bấu vào cánh tay mặt, nhưng tôi không biết đau. Thôi hết cảm giác rồi!

Tôi bước xuống giường để ra phòng y tá trực. Nhưng bàn chân mặt của tôi nó như là một khúc cây lủng lẳng. Tôi té nhào xuống đụng cánh tủ quần áo phía tay mặt. Chống tay trái, lồm cồm ngồi dậy. Lấy bàn tay trái xỏ chiếc dép vào chân mặt. Đứng lên và vịn tường, lết ra phòng y tá trực. Tôi muốn nhờ họ 2 việc: thứ nhất là cho tôi xin tờ giấy để viết cho Sư Phụ tôi ít dòng báo cho Người biết là bệnh liệt của tôi đã tái phát và nặng hơn trước nên tôi không về phụ Sư Phụ cho Đại Lễ Phật Đản được; thứ hai là yêu cầu các cô y tá trực rằng nếu hai đứa con trai của tôi, chúng đang đi nghỉ hè ngoài biển với mẹ chúng, có điện thoại về thì đừng chuyển đường dây vào phòng của tôi. Tôi không muốn chúng phải sợ hãi vì tôi không nói được nữa.

Nhưng các Tịnh hữu ơi! Tôi không còn cảm giác gì nữa khi cầm cây viết trong tay. Cầm lên, rớt xuống. Tôi phải lấy bàn tay trái nắm chặt bàn tay phải để hướng dẫn, điều khiển nó, mà cũng không được. Chữ viết như con rít, như chữ Ả Rập! Thân phụ tôi đã nhận mảnh giấy này do y tá đưa lại vào sáng thứ hai để trao cho Sư Phụ tôi. Mảnh giấy này có lẽ Sư Phụ tôi còn lưu giữ để kỷ niệm.

Còn chuyện thứ hai nhờ y tá thì không xong. Vì họ có hiểu tôi muốn viết và nói gì đâu. Tịnh hữu cứ tưởng tượng mình đang nghe một em bé một tuổi nói chuyện vậy!

Buồn ơi là buồn! Tôi trở lại phòng nằm. Lúc đó khoảng 5 giờ chiều. Giờ đổi ca của nhân viên nhà thương. Cảm giác tê liệt ngày càng tăng. Bây giờ nó bắt đầu từ bên phải sang bên trái.

A-lại-da-thức của tôi cũng bắt đầu làm việc! Chiều hôm đó tôi không ăn. Thức ăn cũng chỉ là bánh mì đen, bơ và phó-mát kèm thêm bánh kem tráng miệng, cùng một tách trà. Trong đầu tôi, bao nhiêu chuyện quá khứ của kiếp này đang dần quay chậm lại, như một cuốn phim. Thật kinh hoàng và đáng sợ, khi mình nhìn thấy lại những gì mình đã sống và đã làm. Thiện ác của thân, khẩu, ý, hiện rõ từng nét. Lúc đó, cụm từ tại sao mới thật có ý nghĩa, các Tịnh hữu à! Tại sao mình làm vậy, mà không làm khác đi có phải tốt hơn không? Vì trong cuộc sống ít khi hoặc có bao giờ mình biết đến cái nhân. Khi cái quả nó đến, thì mình mới đặt câu hỏi tại sao. Nhưng cái tại sao mà mình đặt ra, nó cũng rất là tham lam và ích kỷ. Ích kỷ vì tại sao là mình mà không phải người khác. Còn tham lam, vì tại sao người ta được mà mình không có! Cái thiện, cái ác, cái lành, cái dữ, cái vui - buồn, cái hạnh phúc - đau khổ, cái thành công - thất bại, mình yêu người - người bỏ, người yêu - mình bỏ, cái hơn - thua, cái mánh mung - chịu thiệt, v.v... Nói chung, những hình ảnh của 8 cái nạn khổ và những hành động thiện - ác từ lúc mình hiểu biết đến giây phút đang nằm bất động từ từ hiện trên màn ảnh của a-lại-da-thức. Không muốn, nó vẫn cứ chiếu trên cái màn ảnh đó!

Đây chính là tình trạng của thần thức (a-lại-da-thức) trong khoảng thời gian của thân trung ấm.

Thân thể tôi tiếp tục mất dần cảm giác từ phải qua trái. Kinh hoảng, tôi dùng bàn tay trái (còn cử động được chút ít, nhưng rất khó khăn) với nhấn nút cấp cứu gọi bác sĩ trực. Bác sĩ trực chưa tới, các cô y tá chạy vào. Tôi muốn nói với họ làm ơn cứu tôi. Nhưng không cử động được, cũng như không thốt được ra lời. Họ lắc đầu bảo chờ bác sĩ trực đến, vì lúc đó họ đang đổi ca làm việc. Khoảng 7 giờ tối ông ta đến. Ông khám tổng quát rồi truyền cho tôi một chai nước biển. Xong lui đi. Để trấn an tinh thần, tôi suy nghĩ: có lẽ nghiệp của mình quá nặng, vậy nên trì chú Lăng Nghiêm. Tôi bắt đầu tụng (trong a-lại-da) Nam Mô Tát Đát ... Một lúc sau, tôi liếc nhìn đồng hồ đặt trên bàn kê ở phía bên giường. Trời! 30 phút rồi mà cũng chưa hết một câu, chứ đừng nói đến một biến. Thường thì tôi chỉ cần khoảng 9 phút là trì xong 5 đệ của chú Lăng Nghiêm. Tôi định tâm lại để nhớ từng chữ lúc tụng: Nam Mô Tát Đát ... Tát Đát Mô Nam ... Mô Nam Đát Tát ... Cứ loay hoay có bốn chữ mà không tụng tiếp được đến chữ thứ năm. Tôi sợ lắm, các Tịnh hữu ơi! Lại với tay trái bấm nút cấp cứu gọi bác sĩ. Ông ta đến và nói cho biết rằng ông không thể làm gì được cho tôi cả. Vả lại theo ông, tình trạng của tôi không có gì nguy hiểm để cấp cứu, chỉ bị liệt thân thể mà thôi. Nói xong ông đi ra. Tôi buồn và tủi lắm, các Tịnh hữu ơi! Tôi suy nghĩ lung tung đủ chuyện.

Khoảng 9.30 tối, máy điện thoại riêng trên đầu giường reo. Tay trái tôi với chụp ống nghe - tưởng rằng Sư Phụ đã về Chùa rồi và điện thoại thăm tôi, nhưng không phải. Ở đầu dây là tiếng nói của hai đứa con trai và vợ tôi. Họ nói cho biết là sáng ngày mai, thứ hai 01 tháng 6, họ sẽ từ nơi nghỉ hè trở về nhà. Vì ngày được xuất viện tôi cũng đã điện báo cho ba mẹ con chúng biết vào sáng thứ bảy trước đó rồi. Tôi muốn nói cho họ biết rằng tôi đã bị liệt trở lại và chưa xuất viện được. Nhưng Tịnh hữu ơi! tôi chỉ ú ớ chứ không ra lời. Tôi nghe được ở đầu dây có tiếng khóc của hai trẻ và mẹ chúng. Buồn quá, tôi cúp máy. Sau đó có cô y tá trực vào nói cho biết rằng vợ tôi đã điện thoại vào phòng trực để hỏi cho rõ về tình trạng của tôi. Và họ cũng đã cho gia đình tôi biết rằng tôi còn phải ở lại nhà thương để điều trị tiếp, vì bệnh tôi tái phát mà còn nặng hơn trước khi đưa vào nhà thương nữa.

Sợ quá (lại sợ)! Tôi bấm nút gọi bác sĩ trực. Lần này ông ta đến với nét mặt không được vui cho lắm. Ông nói:

-  "Ông Ngô, khi ông vào nhà thương thì bị liệt bên trái. Qua nhiều cuộc khám nghiệm, chúng tôi biết là ông bị nghẽn mạch máu trong tiểu não bên trái. Sau đó ông cử động lại bình thường. Cho nên không cần phải mó vô đầu của ông làm gì. Trong vòng một tháng chúng tôi đã truyền cho ông mỗi ngày một chai nước biển và cho thuốc uống làm loãng máu. Tưởng rằng bệnh ông sẽ giảm đi. Không ngờ nay lại biến chứng và còn nặng hơn nữa. Vậy chúng tôi cũng chưa biết phải làm sao. Nếu ông bị bể mạch máu trong đầu thì cần phải giải phẫu cấp cứu ngay. Còn chỉ bị liệt thôi, thì không có gì đáng phải cấp cứu cả. Từ chiều đến giờ ông đã gọi tôi không biết bao nhiêu lần rồi. Tôi trực đêm này đâu phải chỉ có lo cho một mình ông! Còn nhiều bệnh nhân khác cũng đang chờ tôi nữa kia mà.
Y khoa đến giờ này đã bất lực đối với căn bệnh của ông. Ông ráng chờ đến ngày mai để bác sĩ trực tiếp điều trị ông giải quyết. Và cũng xin ông đừng bấm nút cấp cứu kêu réo tôi nữa!. Chúc ông sớm lành bệnh". Ông chào và lui ra.

Tôi sửng sờ, bàng hoàng, hụt hẫng, buồn ơi là buồn. Tủi cho thân phận mình, tôi khóc và thét lớn. Nhưng có được đâu. Biết mình khóc, vì có cảm giác ướt trên hai gò má, bởi nước mắt tuôn ra. Còn biết mình thét, vì cảm thấy mạch cổ cứng lên, chứ có ra tiếng, ra lời được đâu. Tôi đã không điều khiển thân thể được như mình muốn nữa rồi!

Khi bác sĩ trực đi ra khỏi phòng thì thân thể của tôi bị liệt hơn 90 phần trăm. Chỉ còn nhúc nhích được chút ít ở mấy ngón tay trái. Giờ đây tôi thật sự chỉ còn là một cái xác, như một người đang nằm trong hòm! Nhưng một cái xác còn mở mắt. Còn đôi mắt nhắm mở như thế nào thì tôi cũng không còn điều khiển chúng được nữa. Cũng vì còn mở mắt nên mọi người biết tôi còn sống. Chứ không phải ở trong tình trạng hôn mê, sống chết không biết ra sao, như tình trạng của Thầy Thiện Thông!

Câu nói của vị bác sĩ ... y khoa đến giờ phút này đã bất lực đối với căn bệnh của ông ... đã làm cho tôi buồn, hận và tủi. Nhưng chính câu này đã là một phép lạ, cũng có thể xem nó là một công án cho tôi để giải quyết chuyện sinh - tử của chính mình. Nó đã thắp lên trong tôi một ngọn đuốc sáng ngời. Câu nói của vị bác sĩ trực đã mang đầy ý nghĩa và nội dung câu chuyện của vị Thiền sư với con mèo.

Y khoa bất lực. Vậy ai cứu mình đây?

(Xin xem tiếp lá thư số 5)
Thị Chơn Ngô Ngọc Diệp

 

A Di Đà Phật. Bốn chữ Tỉnh Thức

Nam Mô A Di Đà Phật.

Đã khá lâu rồi, „Lá Thư Tịnh Hữu“ vắng bóng trên Viên Giác. Bắt đầu từ năm 2000, đến giờ sắp sang năm 2004, mà cũng chưa chấm dứt. Nhiều bạn hữu nói nhỏ, “không biết ông Thị Chơn Nghiệp Dọc này còn dài dài đến bao lâu nữa!”.

Hôm kỷ niệm 25 năm thành lập chùa Viên Giác và báo Viên Giác, Thị Chơn (TC) tôi đảo một vòng trong khuôn viên của chùa để thăm các quầy phát hành bánh trái, nước uống và thức ăn chay. Chợt nghe một giọng Huế khá quen thuộc phát ra dưới mái lều che mưa nắng dựng nơi quầy phát hành của Sư Bà Như Tuấn:

- "Ổng muốn đợi cho tụi mình chết rồi mới chỉ cách niệm Phật để về Tây phương Cực Lạc. Tụi mình mà không về được quốc độ của A Di Đà Phật, thì sẽ kiếm ổng để đòi nợ!"
-  "A Di Đà Phật. Kính chào quý đạo hữu. Ai nói chi mà hung rứa!"

Tôi quay vào lều và chào mọi người. Những lời thăm hỏi sức khoẻ và mời nhau ăn bánh, uống cà phê đá v.v... nổ rang như pháo. Thật vậy đó. Hàng năm, hai ngày lễ Phật Đản và Vu Lan tại chùa Viên Giác là cơ hội cho người Việt tha phương sống ở xứ Đức và khắp nơi ở Âu Châu gặp lại nhau trong ánh sáng an lạc hạnh phúc nhiệm màu của đấng Thế Tôn. Những người tham dự lễ nhờ đó có được những ngày để “đốt lò hương cũ” - kể lại cho nhau nghe, cùng nhau chia sẻ những vui buồn trên quãng đường tìm tự do, trong các Phật sự công quả ở chùa vào những tháng năm thưở ban đầu bở ngỡ xa lạ nơi quê người. Họ cũng không quên tìm thăm hỏi những ân nhân đã giúp họ trước đây . . .

Bên cạnh việc hàn huyên và tâm sự, những người về chùa tham dự lễ - theo quan niệm của tôi - họ cũng làm “phước” nữa đó, các bạn có nhìn ra không? Đó là Cúng Dường Tam Bảo. Ủa sao kỳ vậy? Đúng thế! Họ đến chùa, ít nhất là cũng thành tâm dâng hương hoa lễ Phật, được nghe Pháp -dù ít hoặc nhiều; và nhờ đó mà cũng hiểu được ý nghĩa của ngày lễ. Đến chùa, ngoài việc phát tâm cúng dường tịnh tài trực tiếp đến Chư Tôn Đức, để hổ trợ quý Thầy Cô có phương tiện hoá duyên, họ còn thỉnh Kinh sách, pháp khí, mua những thức ăn, nước uống do các quầy của các chùa hay gia đình Phật tử phát hành. Đây cũng là cử chỉ cúng dường gián tiếp cho Phật sự của các nơi đó. Như thế, đến chùa tham dự những buổi lễ Phật là hành động Cúng Dường Phật Pháp và Tăng. Hành động này cũng là Bố Thí, hiểu theo nghĩa gián tiếp hoặc trực tiếp cũng được, các bạn à. Vì thế ta đừng có những ý nghĩ phê bình lệch lạc về các quầy hàng phát hành thức ăn chay của chùa; cũng như sự tham dự của thập phương bá tánh trong các dịp lễ Phật tổ chức ở các chùa, Niệm Phật Đường! Mà với tâm thanh tịnh, chúng ta Cúng Dường Tam Bảo -bằng mọi hình thức và phương tiện -. Thế thì hạt giống (nhân) phước đã được tưới tẩm rồi. Ta đâu cần phải chờ đợi cái quả, phải không bạn! Tất cả đều có nhân quả. Cứ xem đó là Phật sự thì nó là Phật sự, tự nhiên ta có an lạc và hạnh phúc tức khắc. Nhưng khi trong tâm ta đến chùa còn chứa chấp những tư duy so sánh, phân biệt thì nó là Chúng sanh sự với sân si, hận thù, ganh ghét, khổ đau. Quán trong khía cạnh bình đẳng - không so sánh và phân biệt - ta sẽ thấy người bán và kẻ mua có cùng Phước như nhau, vì có cùng mục đích: hộ trì Tam Bảo

Đang tâm sự với quý đạo hữu ngồi cùng bàn, chợt nhìn sang tay phải đối diện, tôi nhận ra một thiếu phụ mà không biết đã gặp ở đâu rồi. Tính tôi rất ngại khi hỏi tên hay nhận quen với bất cứ phụ nữ nào! Vấn đề này phức tạp lắm các bạn à! Cũng chỉ vì mình không muốn làm phiền não cho bất cứ một ai cả, có thế thôi. Cô ta cất tiếng:

- “Anh Diệp, chắc anh còn nhận ra em chứ?”
- “Dạ, thấy quen mà không giám hỏi thăm!”, tôi trả lời.
- “Anh quên rồi đó, không còn nhận ra em nữa đâu. Lệ nè. Lệ Hildesheim ngày xưa đó. Anh còn nhớ không?”
- “Có phải Lệ Hildesheim cùng gia đình đi một trong những chiếc ghe được tiểu bang Niedersachsen đónđầu tiên phải không?”
- “Đúng rồi, anh cũng còn nhớ đó!”
- “Dạ, vì dạo đó đâu có nhiều thuyền nhân đến Đức đâu, nên làm sao mà không nhớ! Chỉ có sau này đông quá thì nhớ không hết. Riêng Sư Phụ mình mới có trí nhớ dai thôi. Lệ còn biết chớ?”
- “Đúng vậy anh à. Lệ mới vừa gặp Thầy để đãnh lễ vấn an thì Thầy nhận ra ngay đó. Thầy còn nhắc sơ về buổi lễ Phật đầu tiên ở Niệm Phật Đường cũ đường Kestnerstr. nữa. Thầy còn hỏi em có gặp Thị Chơn chưa? Em trả lời Thầy là thế nào con cũng gặp anh ấy, vì có Phật sự nào của Thầy mà không có anh ấy đâu. Trong cuốn sách “Đường Không Biên Giới”, Thầy viết và có tặng gia đình con, Thầy đã viết Thầy và anh Thị Chơn như bóng với hình mà, làm sao con quên được, thưa Thầy. Thầy cười. Em cũng thưa Thầy là em còn nhớ trong lần lễ Phật cách đây gần 25 năm, Niệm Phật Đường nhỏ nên tối đến Thầy sắp xếp cho gia đình con có mẹ gìa và ở nhà anh Thị Chơn, dù nhà ảnh cách chùa gần 30 cây số.
Ảnh đã đưa gia đình con về ngủ qua đêm và sáng sớm tự mình ảnh làm điểm tâm cho gia đình tụi con ăn rồi còn đưa tụi con trở về Hildesheim nữa, mà Hildesheim cách nhà ảnh gần cả trăm cây số lận. Bạch Thầy, gia đình con không quên được những kỷ niệm thân thương này, thưa Thầy. Thầy nói Thầy còn việc khác phải làm, nên sau khi đãnh lễ Thầy lần nữa, em ra ngoài này ngồi giải lao ở đây, không ngờ gặp lại anh. Hồi nãy em có gặp Ba anh trong văn phòng rồi. Bác ấy lớn tuổi mà trông vẫn còn phong độ ghê. Bác nhận ra em ngay lập tức, vì em vẫn thường xuyên liên lạc bằng thư từ với bác để gửi tịnh tài cúng dường chùa và đổi địa chỉ báo Viên Giác. Bác có hỏi em gặp anh chưa? Em nói là ngày nào ngôi chùa Viên Giác này còn thì còn anh Diệp mà, bác khỏi lo, thế nào con cũng gặp ảnh! Anh Diệp à. Bao năm rồi em vẫn đi chùa trong những lễ lớn. Càng lúc em thấy nhiều người lạ hơn quen. Dù rằng như vậy, nhưng những kỷ niệm và dấu ấn thân thương trong những thời gian đầu cũng khó quên được, phải không anh? Con người đã bị cuộc sống cuốn trôi theo vật chất, nên phần tinh thần, nhất là ân và nghĩa người ta dần quên hết rồi anh à. Thầy mình vẫn thường nhắc và nói: uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây. Thầy vẫn thường lập đi lập lại, theo em thì Thầy có ý muốn nhắc nhở mọi người những gì mình được hưởng ngày hôm nay chính là kết quả của những nhân trước; nếu mình biết trân quý nó thì nó cũng là cái nhân của hiện tại cho cái quả tương lai phải không anh? Ý Thầy em hiểu là như vậy, không biết có đúng không? Đúng hay không thì em cũng vẫn và chỉ là một con người có tình cảm, biết ân nghĩa và trọng nhân quả, như Thầy thường dạy. Nãy giờ em nói lung tung lang tang, xin anh cảm phiền, vì ít khi em có dịp được tâm sự với ai như anh.”
- “Bây giờ cuộc sống gia đình cô ra sao rồi?” Tôi cắt ngang và hỏi.
- “Những thăng trầm của cuộc đời ai cũng có. Nhưng bây giờ thì em an phận với những gì mình hiện có. Lớn tuổi rồi, có còn gì để mà ham thích nữa anh! Chỉ có một chuyện, may quá gặp anh em mới hỏi. Lá thư Tịnh hữu anh viết trong báo Viên Giác, em đọc rất kỷ và đọc đi đọc lại nhiều lần mới thấy thấm thía. Vì em đang bị một chứng bệnh như anh.”
- “Bệnh gì vậy?”, tôi hỏi.
- “Mười mấy năm nay, em làm nghề bồi chạy bàn bưng thức ăn cho khách. Trong khoảng mấy năm vừa rồi, em không còn cử động được cánh tay trái nữa, nó hình như bị liệt vậy. Em chán đời lắm, nhưng vì gia đình và tương lai của con cháu, em phải gắng gượng cho qua ngày. Để tâm hồn được an lạc, em thực tập những gì anh viết trong những lá thư Tịnh hữu đăng trong báo Viên Giác đó. Nó giúp tâm hồn em được nhiều an lạc lắm. Nhưng đoạn cuối của sự tu tập, em muốn hỏi anh là anh niệm Phật như thế nào để hồi phục được cho đến ngày hôm nay như những gì anh đã thực nghiệm. Mà điều này quý bác lớn tuổi hay những người có bệnh mới quan tâm đó anh. Những ai còn mạnh khoẻ hay bọn trẻ, em tin chắc rằng họ sẽ không tin những gì anh đã sống và chết để thuật lại cho họ biết đâu. Chỉ những ai đói thì mới biết thèm ăn, có khát thì mới thèm uống. Khi đã đói và khát mà được cho ăn và uống thì mới biết thưởng thức và biết thế nào là ăn, biết thế nào là uống. Nghĩa là có chết thì mới biết sống như thế nào, phải không anh?”

Tịnh hữu mến,
Mượn tâm sự của người khác để ghi lại, thấy dài dòng như vậy, nhưng trên thực tế câu chuyện nó mau lắm. Vì khi người ta cất giọng thì đã gió thoảng, mây trôi! Chụp lại không kịp. Phật pháp nói thân khẩu ý tạo nghiệp. Cái ý và cái thân (hành động) thì ta ít hoặc khó thấy, nhưng cái khẩu thì chứng kiến thường xuyên. Và nghe mỏi lỗ tai nữa. Nếu cái lổ tai con người mà biết mỏi, thì chắc nó là bộ phận mau mỏi trước nhất. Các bạn thử nghiệm lại xem, trong mỗi người chúng ta, thân khẩu và ý cái nào hoạt động nhiều nhất trong ngày. Nói rằng cái ý làm chủ cái thân và khẩu, nhưng theo tôi quán nghiệm thì thấy, rằng cái thân và khẩu của chúng ta nó thường chạy lẹ hơn cái ý. Vì cái ý không “kịp” làm chủ thân và khẩu. Khi hồi tưởng lại, thì cái quả nó đã có rồi. Bởi thế nói rằng: Bồ tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả, thật không sai. Nên kinh sách và quý Thầy thường nhắc nhở và khuyên chúng ta phải luôn thực tập Chánh Niệm. Chánh niệm - có thể thực tập bằng nhiều phương tiện như các phương pháp thiền, niệm Phật, trì chú, tụng kinh . . . Và chánh niệm sẽ giúp cho ta bớt tạo nhân Phật Pháp chỉ và hướng dẫn chúng ta những con đường ra khỏi luân hồi. Mà luân hồi là một chuổi của nhân - duyên - quả liên tục, không có đầu và không có kết. Nên mới gọi là luân hồi. Tôi còn nhớ lúc còn ở ngoài Đà Nẳng, tôi vẫn thường được nghe người ta nói: đi ra đi vô thằng cha khi nãy!. Câu nói trên thường để ám chỉ những nhân vật trên trường chính trị. Đổi người này, thay người khác lên nắm quyền; nhưng thật ra thì chẳng có gì thay đổi cho người dân được nhờ, mà cứ kiểu bình cũ rượu mới, cứ thế mà luân phiên nhau. Luân hồi cũng là một dạng như vậy: bình cũ rượu mới! Bình cũ (y báo), ở đây ý nói cái nghiệp, còn rượu mới (chánh báo) là cái hình trạng, hoàn cảnh gia đình và xã hội họ đang mang!

Khi chúng ta còn hít vào và thở ra được, dù có hay không có chánh niệm, cái Thân và cái Khẩu nó quan trọng lắm. Còn cái Ý luôn bị cái Thân và Khẩu trói buộc và làm nô lệ cho chúng. Nghĩa là, Ý là công cụ để phục vụ cho cái Thân và Khẩu (tài - sắc - danh - thực - thuỳ). Còn cái Thân và Khẩu chỉ phục vụ cho Ý khi chúng ta lễ bái (thân), tụng kinh - trì chú - niệm Phật (khẩu) trong chánh niệm mà thôi. Tôi nói là trong chánh niệm, chứ không phải hành trì trong vọng niệm. Nếu hành trì trong vọng niệm, thì đó là cái Ý phục vụ cho thân và khẩu rồi, phải không. Thể nghiệm được điều này, ta mới thật sự hiểu được thế nào là: đồ tể buông đao thành Phật. Vì Thân buông hay Ý buông? Cho nên mới nói: mê ngộ khác và giống nhau ở cái “biết chuyển”. Trong thuật ngữ “biết chuyển” có hai động từ đó bạn. Ta phải cẩn thận, vì đã , đang và sẽ có quá nhiều “biết” mà chưa “chuyển” được đó!

Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành. Đức Thế Tôn đã quá từ bi trao cho ta chiếc chìa khoá để mở cánh cửa giải thoát, nghĩa là ra khỏi luân hồi. Chìa khoá thì ai cũng có đó. Có người còn cất, giữ kỷ và bao nhung, mạ vàng nữa là! Nhưng có biết “xử dụng” hay không là chuyện khác. Biết “xài” thì thành Phật, bằng không - dù có cầm chắc nó trong tay!- thì cũng vẫn còn chúng sanh. Trong ví dụ này thì tạm dùng động từ “mở”. Nhưng trong sự hành trì thì dùng động từ “chuyển”. Người học Phật chúng ta đều biết, không ai dám can đảm nói là tôi tu hành để hết nghiệp cả - trừ phi thành Phật, mà tu hành là để “chuyển nghiệp hay hoán cải”, từ bất thiện chuyển sang thiện, từ ác chuyển sang lành, từ mê chuyển qua giác. . .

Viết đến đây, tôi chợt nhớ lại câu chuyện mà vẫn thường được tôi kể cho mọi người nghe, khi có liên quan đến nhân quả - nghiệp báo - luân hồi. Câu chuyện này tôi đã đọc rất lâu rồi, đăng trong một tạp chí Phật giáo ở hải ngoại và trích từ trong kinh sách, nên chỉ còn nhớ nội dung. Không biết các bạn có đọc qua câu chuyện “Đức Phật và Thanh Kiếm” chưa. Thôi để tôi nhớ đến đâu, kể hầu bạn đến đó vậy. Câu chuyện xin được tóm lược như sau:

“Trong một thời giảng pháp, bổng nhiên có một thanh kiếm hiện ra trước Phật. Phật dùng thần thông bay lên cao, xuống thật sâu trong lòng đất v.v... Làm thế nào chăng nữa, thanh kiếm vẫn lù lù trước mặt. Đệ tử của Phật đang ngồi nghe pháp rất đông và ngạc nhiên vô cùng về hiện tượng này. Một đệ tử Phật đã đắc quả A La Hán đứng lên, đến chỗ Phật ngồi, đi vòng quanh chỗ ngồi của Phật 3 lần, đãnh lễ Thế Tôn xong rồi bạch rằng: Kính lạy Đức Thế Tôn, chúng con thấy có hiện tượng kỳ lạ là có một thanh kiếm hiện ra trước Thế Tôn. Và Thế Tôn đã dùng thần thông qua lại, lên xuống, nhưng thanh kiếm vẫn còn hiện hữu trước Thế Tôn. Chúng con kính xin Đức Thế Tôn dạy cho chúng con biết cớ sao lại có hiện tượng như vậy?
Đức Thế Tôn giảng: Thưở Ngài còn là một chúng sanh và hành hạnh bồ tát. Ngài đang đi trên một thương thuyền có nhiều thương gia buôn bán giàu có. Nhờ thần thông, Ngài biết hiện diện trên thuyền có một kẻ cướp. Và tên cướp này muốn nhận chìm thuyền để giết người, cướp của. Lúc đó, Ngài phải đắn đo suy nghĩ lắm rằng mình có nên giết kẻ cướp này không? Nếu giết hắn thì ta phạm tội sát sanh. Nếu không giết hắn, thì ta sẽ để bao nhiêu mạng người phải chết dưới tay của hắn. Thì cũng là gián tiếp đồng loã với sát sanh. Nhưng nếu mà mình biết mà không cứu hàng trăm sinh mạng khác thì tội này sẽ rất nghiêm trọng cho người hành hạnh bồ tát.

Nên Ngài có ý nghĩ rằng nếu Ngài giết kẻ cướp thì chỉ mang tội sát sanh đối với một mạng người. Còn để cho hàng trăm người khác bị kẻ cướp lấy đi mạng sống, thì Ngài sẽ mang tội sát sanh gấp trăm lần. Mà nhân nào thì quả đó. Cuối cùng Ngài quyết định giết kẻ cướp, để cứu mạng sống cho hàng trăm sinh linh khác. Thế là Ngài chụp thanh kiếm của tên cướp, lúc hắn không để ý, và đâm chết hắn. Vì đã huỷ diệt một sinh mạng, nên Ngài phải trả cái quả sát sanh này. Thanh kiếm đang lơ lững trước Ngài dụ cho sự muốn trả thù của tên cướp bị giết. Nhưng nay Ngài đã thành Phật và không còn bị sanh tử luân hồi trói buộc nữa. Sau khi giảng xong, Đức Phật đưa chân ra phía trước cho thanh kiếm xuyên qua chân rồi nó tự biến mất. Nên Đức Thế Tôn mới giảng cho đại chúng biết rằng: chỉ khi nào ra khỏi sanh tử luân hồi thì mới hết nghiệp."

Câu chuyện Ngài Ngộ Đạt Quốc Sư trong kinh Thủy Sám cũng đã chỉ cho chúng ta thấy rõ rằng, ngày nào còn mang thân người trong cõi đời này - dù có gọi là “đạt đạo” (nhưng thế nào là đạt đạo?) chăng nữa - chỉ cần móng lên một vọng niệm thì hậu quả sẽ còn thê thảm hơn Ngài Ngộ Đạt nữa đó các bạn à.

Chúng ta cũng chẳng lấy gì làm ngạc nhiên khi nghe Chư Tôn Đức Cao Tăng thường nói: ai tu hành mặc ai, quan trọng là cái chết. Điều này quá dễ hiểu thôi, vì cái chết là quả của cái sống. Sống như thế nào, thì chết như thế ấy, lúc đó không thể che đậy và giấu diếm được!. Còn muốn chết như thế nào, thì phải biết sống ra sao. Nghĩa là, khi cái Thân và Khẩu không còn làm việc được nữa, thì cái gì hoạt động trong khi không còn thở ra hít vào được nữa các bạn. Xin thưa đó là cái Tâm, Duy Thức học gọi là A Lại Da Thức. Cho nên các Ngài nói, lúc còn thở được thì qươ chân múa tay, miệng nói đủ điều. Nhưng cái Tâm của các vị đó lúc ngưng thở - nhất là trong Trung Ấm Thân - mới là điều quan trọng.

Tôi không thể nào quên được, khi Sư Bà Đàm Lựu, một vị tu hành đạo cao đức trọng như thế, mà đến lúc ngưng thở, Sư Bà vẫn gắng hơi sức cuối cùng để nhắc nhở đệ tử của Người: các con đừng khóc lóc than van, mà hãy gắng niệm A Di Đà Phật thiệt nhiều cho Sư Bà đi.

Những việc tôi kể trên chỉ muốn hết lòng thưa cùng các bạn để quả quyết một điều rằng:

“chỉ có tự ta
mới giải quyết được
cái nghiệp và sự sanh tử luân hồi của chính mình,
chứ tuyệt đối không một ai
có đủ khả năng để giúp mình được cả”

Đến giờ này cũng còn quá ư là nhiều người vẫn còn chưa tin được lời thệ nguyện của Phật A Di Đà:

“Nếu có chúng sanh, muốn sanh nước ta,
hết lòng tín nguyện, cho đến mười niệm,
nếu chẳng đặng sanh, chẳng thành chánh giác”

Trong lời nguyện trên, ta thấy Đức A Di Đà tha thiết, ân cần muốn nhắc nhở chúng ta sự chuyển ý. Nghĩa là biết buông đao. Và buông đao bằng cái biết (kiến tánh) chứ không phải là hành động. Nó cũng là ý nghĩa của “tiếng vỗ một bàn tay”! Trong khi đó Đức A Di Đà còn cho ta đến Mười Niệm. Nhiều quá!

Lúc còn thở được, mỗi người trong chúng ta đều mang một hoài bảo để hoàn thành một sự nghiệp. Theo tôi, sự nghiệp nào cũng mang tính cách quan trọng như nhau - tùy góc nhìn và quan niệm riêng của mỗi người - nên không có gì để so sánh, phân biệt cả. Có khác chăng là ở nhân quả tạo ra để hoàn thành sự nghiệp đó mà thôi. Sự nghiệp càng lớn, nhân quả càng dầy! Đã mấy ai tránh khỏi điều này. Mà cái từ “Sự Nghiệp” cũng có cái ý nghĩa hay hay của nó đó các bạn: “Sự” và “Nghiệp”, phải chăng là một hành động
(sự) tạo ra nghiệp. Nếu nhìn theo một góc độ nào đó! Cái nhân gây ra chắc chắn sẽ là những chủng tử được nạp (save tiếng Anh, speichern tiếng Đức) vào A lại da, thức thứ tám. Bởi thế, A lại da thức là cái bộ nhớ (Memory, Speicherplatz) vô cùng kinh khủng của con người. Cái bộ nhớ của máy vi tính khi tắt máy, cúp điện, nó sẽ không làm việc tiếp tục nữa. Nhưng cái bộ nhớ của con người nó không bao giờ ngưng nghỉ hoạt động, dù mình có muốn cũng không được, vì nó là mình và mình là nó! Những gì được giữ lại trong bộ nhớ này là tất cả những “ghi nhận” , dù rằng vô ký, nhưng đối với nó vẫn là cái Ý (vô ký)

Vì thế, trong lúc hôn mê, trong trung ấm thân hay trong tình trạng hôn mê của tôi lúc bị liệt toàn thân, cái bộ nhớ này nó làm việc dễ sợ và kinh khủng lắm các bạn à, như là bị ERROR vậy. Lúc còn kiểm soát và làm chủ được các cơ phận, ta dùng Thân và Khẩu để đánh lừa nó, để trốn chạy nó. Nhưng giờ thì ta không thể cử động và nói chuyện, hát hò v.v... được. Thì nó tự do tung hoành, chạy lung tung; nó là cán cân công lý trong một “phiên toà định nghiệp”, nó phán xét những “sự nghiệp” ta đã tạo nên; nó là cuốn phim return những gì ta đã làm lúc còn thở được. Chính ta đóng đủ các vai những thành phần nhân sự trong một phiên toà như quan toà, bị cáo, trạng sư biện hộ, công tố viện, bồi thẩm đoàn . . .

Vì thế nội dung Lá Thư Tịnh Hữu không ngoài mục đích tha thiết kêu gọi các Tịnh hữu lúc ta còn thở được hãy “nạp vào bộ nhớ đó” bằng những hạt giống A Di Đà Phật. A Di Đà Phật trong sự tỉnh thức- tỉnh thì không mê và thức thì không ngủ - (người ta gọi cách khác là chánh niệm) trong từng hành động, trong từng hơi thở ra vào, trong từng ý niệm v.v. . .Vì thế tôi gọi “A Di Đà Phật là Bốn Chữ Tỉnh Thức”. Nếu được như thế thì lúc đó dĩa cân của cán cân công lý A lại da sẽ nghiên về cảnh giới A Di Đà Tây Phương Cực Lạc. Không có phương pháp nào khác cả. Và chỉ có về đó thì mới hết sự nghiệp luân hồi, để nhận những sự nghiệp khác do Phật A Di Đà thọ ký. Mà nhờ bốn chữ A Di Đà Phật để được và duy trì sự tỉnh thức thì cuộc đời này sẽ không còn “mê ngủ” nữa!

Muốn có được một sự chuyển tâm trong thần thức trung ấm thân - , chỉ có cách duy nhất (như đã trình bày) và không có cách nào khác là gieo trồng nhân A Di Đà Phật vào thức thứ tám, memory - bộ nhớ của con người lúc còn hít vào và thở ra được. Để ít ra trong giai đoạn trung ấm thân còn biết định hướng cho sự chuyển ngiệp. Còn cho rằng thực tập để tâm thức không bám vào một gì cả, thì lúc đó sẽ chẳng biết gì hết. Mà chẳng biết gì hết thì cũng là một cái biết đó, nhưng biết cái gì? Và cũng có thể là bất cứ cái gì cũng được, thì sẽ loạn (error)! Vì Không có một pháp gì “tự” nhiên mà thành được. Nếu có, thì hóa ra nghịch lại nguyên lý “trùng trùng duyên khởi” của nhà Phật rồi!

Lại nữa, cách đây hơn 2500 năm, Thái Tử Tất Đạt Đa đã quyết tâm toạ thiền để tìm đạo giải thoát để chỉ chúng sanh những phương tiện ra khỏi khổ đau của sanh tử luân hồi. Ngài Tất Đạt Đa đã hạ thủ công phu trong 49 ngày để vượt qua mọi thử thách, hàng phục nội ma và điều phục ngoại chướng . . . để thành đạo chánh chân. Cũng như vậy, trung ấm thân phải cần 7 x 7 = 49 ngày để chuyển nghiệp, đầu thai vào các cõi thánh hay phàm, lành hay dữ. Mối tương quan và sự trùng hợp của con số 49 ngày thiền định của Thái Tử Tất Đạt Đa và 49 ngày của trung ấm thân tôi đã nghiệm được sau khi tâm niệm được 4 chữ A Di Đà Phật. Sự tương trùng này cho đến nay tôi chưa thấy ai nói đến, và tôi cũng chưa đọc được ở đâu!

Bạn hữu mến.

Sau khi tôi bấm chuông liên tục gọi cấp cứu và theo lời nói của vị bác sĩ thì y khoa bất lực (ít nhất là đến giờ phút đó!) để giải quyết bệnh trạng của tôi - vậy ai cứu tôi? Rồi tôi đã nổ lực để trì tất cả những câu thần chú mà tôi đã học để nhờ hồng ân chư Phật, chư Bồ Tát gia trì. Tất cả đều vô vọng. Vì tôi không thể nào tụng bằng tâm đến chữ thứ tư của một câu chú. Song song đó, như đã kể, bộ nhớ A lại da của tôi làm việc rất căng thẳng. Cuốn phim sự nghiệp nó quay lại rất rõ ràng từng chuyện, từng cảnh. Mình không thể lẫn trốn nó được bằng cách vận động tay chân, hay nói chuyện v.v... Tất cả đều vô hiệu, ý tưởng của tôi không thể điều khiển bất cứ một bộ phận nào của thân thể được nữa. Tôi buồn, tôi thất vọng, tôi tủi, tôi hận, tôi hụt hẫng . . . Có thể dùng cụm từ hụt hẫng để nói lên tâm trạng trong trung ấm thân cũng có ý nghĩa hay hay của nó! Cứ mỗi lần mất chánh niệm, tôi thường nhớ đến Sư Phụ, nhớ chùa, nhớ Phật sự, nhớ đến đạo hữu . . . Nơi đây, con thành thật xin lỗi Ba Mẹ, vợ con, những người thân và sự nghiệp. Vì khi con nhớ đến Cha Mẹ, vợ con, sự nghiệp thì con không giải quyết được gì cả. Vì bộ nhớ A lại da của con lại đưa con trở về với những ràng buộc thế gian, mà chính con trong thời điểm đó đã bất lực đối với cái “sự nghiệp” của mình rồi! Đồng thời những cái nhớ về gia đình nó còn làm con hụt hẫng thêm. Lúc đó con thương cha mẹ, vợ con vô cùng. Cái tình thương đó nó đã giúp con phải biết định tâm để định hướng đi cho tương lai. Mà lối ra ở đâu? Chính là cửa Phật. Mà Phật và Bồ tát thì con chưa thấy chi cả. Chỉ có nhớ đến chùa, đến Sư Phụ, đến Phật sự, đến những lần công phu tụng kinh trên chùa, đến những chuyến tháp tùng Sư Phụ làm Phật sự phương xa. . . Tâm trạng này chính là giai đoạn của sự Biết Chuyển Tâm Ý. Nhờ vào những chủng tử đó, nên tôi mới biết trì chú và niệm Phật. Tất cả mọi nổ lực, hạ thủ công phu không thành. Cuối cùng tôi thí mạng mình cho Đức Phật A Di Đà. Tôi đã vận dụng hết tất cả những thành công lực mà tôi có để niệm
(bằng tâm) lục tự: Nam Mô A Di Đà Phật. Nhưng cũng không được nữa. Tụng (bằng tâm) chỉ được đến Nam Mô A, rồi Mô A Nam, rồi A Nam Mô . . . không qua được chữ Di. Tôi cũng không thể niệm theo hơi thở được, như lúc còn làm chủ được hơi thở. Vì tôi không còn điều khiển bất cứ một bộ phận nào trên thân thể của mình được nữa. Mồ hôi ra như tắm! Và tôi sợ. Bạn biết tôi sợ gì không? Tôi sợ rằng bây giờ mình quyết tâm về cõi A Di Đà Cực Lạc - nghĩa là Tín và Nguyện đã trọn- mà không niệm được lục tự (Hành) thì biết sẽ đi về đâu. Bổng dưng tôi nhớ đến Sư Phụ và đã từng trì tụng Kinh Đại Bát Niết Bàn cùng Người – lúc đầu chỉ có hai thầy trò. Tôi còn nhớ có đoạn viết rằng vào thời mạt pháp, tất cả những kinh sách không còn nữa, chú Lăng Nghiêm sẽ bị quên trước nhất, 6 chữ Nam Mô A Di Đà Phật cũng sẽ không còn ai nhớ mà chỉ còn có 4 chữ A Di Đà Phật mà thôi. Bạn biết, lúc đó tôi như người ngồi trong hầm tối mà thấy ánh sáng le lói xuyên qua một vết nức trên tường vậy. Nỗi vui mừng và sự an lạc đã chan chứa trong tôi. Thế là tôi bắt đầu niệm 4 chữ A Di Đà Phật. Nhưng A Di Đà. Đà Di A, Di A Đà . . . Cũng chỉ được có 3 chữ thôi, không qua được chữ Phật. Cái sợ đến với tôi bây giờ còn khủng khiếp hơn trước, thôi hết rồi bạn ơi!. Biết làm cách nào, dùng phương tiện gì để biết được 4 chữ. Nước mắt chảy dài. Cặp mắt liếc qua, liếc về, liếc lên trên rồi xuống dưới để cầu cứu. Nhưng khi nhìn xuống phía dưới, ánh mắt tôi chạm trán lòng bàn tay của mình. Tôi thấy những ngón tay có lóng. Mỗi ngón tay có 3 lóng và kể cả đầu ngón tay thì có tổng cộng 4 lóng! A, vậy là tôi đã tìm được cái phao rồi các bạn ơi! Thế là tôi bắt đầu nhìn từng ngón tay để nhớ từng lóng tay mà niệm A Di Đà Phật cho đủ 4 chữ. Nhưng đến ngón cái thì “ngọng”. Vì ngón cái kể cả đầu ngón tay thì chỉ có 3 lóng thôi!

Chính mình đã tìm và chế ra phương tiện rồi sử dụng nó;
và cũng chính mình bị “kẹt” bởi những phương tiện đó!

Chắc bạn còn nhớ câu chuyện thiền về ngón tay chỉ mặt trăng chứ. Thấy Thầy dùng ngón tay chỉ lên trời. Một thiền sinh cũng bắt chước chỉ ngón tay lên trời. Vị Thầy thấy vậy, chặt đứt ngón tay của chú ấy đi. Chú ấy đã “tỉnh” ra, khi chỉ tay lên trời mà không thấy ngón tay đâu nữa.

Tâm trạng của tôi cũng tương tự như vậy. Đến lúc tôi cũng phải biết “xả” phương tiện. Khi đến ngón tay cái, tôi đọc thêm một lóng “không lóng” cho đủ 4 lóng để thành A Di Đà Phật. Cứ thế, tôi liên tục giữ tâm niệm A Di Đà Phật nương vào nhìn lóng tay. Và tôi đã thiếp đi lúc nào cũng chẳng hay.

Tóm lại, bạn biết tôi phải phấn đấu và làm việc với cái bộ nhớ A lại da của tôi trong suốt thời gian từ chiều tối đến nửa đêm để có thể còn biết niệm 4 chữ A Di Đà Phật như thế nào rồi. Sự phấn đấu và quyết tâm này - như tôi vẫn thường nhắc đến thường xuyên - rất ư là quan trọng trong trung ấm thân, nhất là trong cận tử nghiệp, để “hoán nghiệp”. Quan trọng ở chỗ là “tự lực” của chính mình.

Nếu cho rằng tu theo pháp môn Tịnh Độ, niệm A Di Đà Phật, là cầu tha lực không có tự lực, thì tôi cho rằng đó là một quan niệm sai lầm quan trọng. Ta phải cẩn thận, cái gọi là “tha lực” trong Tịnh Độ A Di Đà cũng chính là “tự lực”. Vì không thể có tự lực mà không có tha lực; và không thể có tha lực ngoài tự lực.

Tự lực và tha lực trong Tịnh độ A Di Đà
là điều kiện ắt có và đủ
để giải phương trình “Ta bà - Cực Lạc” .

Nếu hiểu trên tinh thần “tuỳ cơ và tuỳ thời”, nghĩa là “khế cơ và khế lý” của nhà Phật, thì ta thấy rằng, tất cả những pháp môn của Như Lai chỉ là những phương tiện hướng dẫn chúng ta thực tập để ra khỏi vòng sanh tử luân hồi, và tất cả đều phải nương nhờ vào tha lực. Vì:

Tha lực và phương tiện, Tự lực là cứu cánh.

Phương tiện và cứu cánh không thể lầm lẫn được. Nếu hiểu theo cách khác thì:

Tự lực là Nhân và Tha Lực là Duyên để đạt được cái Quả

(gì gì đó theo sở nguyện riêng của mỗi người!).

Nhờ vào phương tiện các lóng tay, tôi giữ được chánh niệm nơi 4 chữ A Di Đà Phật. Và tôi đã thiếp đi trong tâm thức an lạc A Di Đà Phật.

Khi người quét dọn đụng cán chổi vào cạnh giường nghe keng keng . . ., như tiếng nhạc pháp trổi lên ở quốc độ A Di Đà, tôi vẫn nhiếp tâm niệm A Di Đà Phật, nhưng chưa mở mắt ra được, vì mình có điều khiển được nó đâu. Thích thì nó mở, không thì nó sụp xuống. Khi nó mở thì tôi ghi nhận được cảnh xung quanh , còn nó đóng thì tối om, hoặc chỉ thấy ánh sáng lờ mờ như người mù nhìn mặt trời vậy. Đó là nói về cái thấy nó như vậy.

Ngược lại, hai lổ tai thì nghe rõ hết mọi tiếng động, tiếng nói chung quanh. Cái nghe này, nếu mình không làm chủ được nó trong 49 ngày khi hết thở và trung ấm thân, thì chính cái nghe này nó dẫn dắt mình đó các bạn! Các Tịnh hữu phải ghi nhớ điều này cho thật kỷ. Bằng không thì chỉ là “dã tràng xe cát” mà thôi. Nên mới nói “nhất tâm bất loạn” là vậy. Nói cách khác, có tu hay không tu sẽ khác nhau trong giai đoạn trung ấm này!

Hai lổ tai tôi liên tục tiếp nhận được tiếng nói của những người chung quanh giường bệnh. Ồ! thì ra mình đang còn tiếp tục thở ở cõi gọi là ta bà, tiếc ơi là tiếc! Chắc trách nhiệm và bổn phận mình chưa hoàn mãn nên phải còn tiếp tục ở lại cõi này giải quyết cho xong. Chưa được về!

Như các bạn đã biết, tôi bị liệt toàn thân, chỉ mở được hai con mắt, nên ai làm gì thì làm - họ cho ăn bằng ống dây, lau mình, thay quần áo, lấy máu . . . Tất cả tôi đều thấy và nghe, nhưng không thể phản ứng gì được.

Hôm trước, thần thức tôi đấu tranh mãnh liệt để về A Di Đà quốc độ. Hôm sau, A lại da thức của tôi cũng phải tiếp tục đấu tranh để tiếp tục sống. Và để sống như thế nào với một cái thân không biết cử động. Vì mắt còn mở, tim còn đập nên y khoa cho rằng thân này vẫn còn sống! Trường những người bị Koma (liệt và nhắm mắt), có lẽ y khoa gọi họ là người “sống chết”! Sống, vì tim còn đập; chết, vì họ nằm đó bất động như cái xác - ví như người chết nằm trong hòm (tim hết đập và hết thở, chỉ khác với người “sống chết” chỗ đó).

Nhưng! người “chết thật”, người “sống chết” và người “còn mở mắt” như tôi có một điểm duy nhất không khác nhau: đó là sự hoạt động của A lại da thức. Y khoa có thể dùng phương pháp EKG để đo được sự hoạt động mạch não của người “sống chết” và “tôi”. Nhưng sự hoạt động của A lại gia giữa ba chúng tôi không khác và cũng không giống.

- Khác là ở chỗ: hôm trước A lại gia của người “thật chết” và “tôi” cùng đấu tranh mãnh liệt chế ngự thức thứ bảy (Mạt na thức) để được nhất tâm bất loạn và định hướng khi “hết sống”, cũng như không bị 6 thức kia (nhãn, nhỉ, tỷ, thiệt, thân và ý) quấy nhiểu.

- Còn giống, thì giống ở thời điểm ngày hôm sau: A lại gia thức của người “sống chết” và “tôi” cũng phải đấu tranh kinh khủng, cũng để kềm chế thức thứ bảy (Mạt na thức) và để định hướng cho cái sống tiếp tục, nhưng bây giờ thì thức thứ bảy bị 6 thức kia khống chế.
Đây là hai bộ mặt của một sự cố, tưởng rằng nó mâu thuẩn, nhưng trên thực tế nó là trợ duyên cho ta hiểu được câu: “ta bà là cưc lạc”, “chúng sanh và Phật”. Điểm then chốt nằm trong ở chỗ “biết chuyển”.

Khi tôi thấy được, nghe được và cảm xúc được (nhưng chưa cử động được) thì những cảm giác xuyên qua 6 giác quan này đã khống chế thức thứ bảy, và ảnh hưởng đến “tâm niệm A Di Đà Phật” của tôi. Lúc đó, tôi không nhìn vào các lóng tay để biết 4 chữ A Di Đà Phật nữa, mà tôi đã có thể “tâm niệm liên tục” được rồi, chứ không phải “luôn miệng” niệm (vì miệng không cử động được)! Tâm thì niệm, nhưng mỗi cảm xúc được 6 thức kia đưa tới đều ảnh hưởng đến tâm niệm Phật của tôi. Câu niệm Phật bị gián đoạn liên tục, vì phải thoả mãn thức thứ bảy (ngã)! Thôi không xong rồi!

Trường hợp này tương tự như người tu Tịnh độ trì niệm lục tự Nam Mô A Di Đà Phật. Miệng thì mấp máy liên tục; tay thì lần chuổi liên tù tì. Nhưng trên thực tế, tôi biết chắc chắn, mắt, tai, mủi, lưởi, thân và ý của họ chạy theo huyễn cảnh bên ngoài. Điều này chúng ta thấy thường lắm. Miệng thì niệm Phật, nhưng bất chợt nghe điều gì nghịch ý hay thuận ý thì cất tiếng lên ngay! Có người, tay thì lần chuổi mệt nghỉ, mà miệng thì thảo luận, hí luận, bàn chuyện thế sự . . . Thấy chẳng khác gì người robot! Vì làm sao có hai cái đầu được: một cái để niệm Phật, còn một cái khác để tư duy.

Các bạn ơi! Lúc đó tôi rất hoảng sợ. Cái sợ này tương tự cái sợ lúc tôi không tâm niệm A Di Đà Phật được như trong ngày hôm trước. Bộ nhớ A lại da của tôi tiếp tục làm việc để tìm ra phương tiện, làm sao có thể nhất tâm được mà khỏi bị 7 thức kia chi phối. Lúc đó tôi không có trì được một câu chú nào hết, mà chỉ cố gắng giữ thật chắc 4 chữ A Di Đà Phật trong tâm thôi.

Cuối cùng tôi mới nhớ đến câu kệ:

nếu có chúng sanh muốn sanh nước ta,
hết lòng tín niệm; cho đến mười niệm;
nếu chẳng đặng sanh; chẳng thành chánh giác.

Tín và nguyện thì mình có rồi đó, nhưng hành như thế nào đây. À, “mười niệm”. Đúng vậy. Phật A Di Đà đã chỉ cho ta cách “hành” rồi đó, mà hầu hết chúng ta không để ý đến. Cứ liên tù tì niệm, niệm đứt hơi! Nhưng kết quả không thấy gì, vì sự dụng nhân không đúng!

Thật vậy đó bạn. Có những vị chí thành niệm lục tự nam Mô A Di Đà Phật, mà kết quả là tâm trí không bình thường. Nên có vị hỏi tôi:
- “Đạo hữu Thị chơn ơi, tại sao có chuyện đó?”
- “Thưa rằng điều đó dễ hiểu thôi. Vì họ đâu có “nhất tâm” niệm Phật, ai niệm chứ đâu phải họ niệm? Ngoài ra thì họ vẫn như người bình thường chưa hề biết niệm Phật, có vậy thôi. Chỉ vì mình nhìn thấy họ lần chuổi, miệng thì thầm, niệm cái gì đó “như gió” -chứ đâu có phải niệm Phật-, nên mình đặt thành vấn đề. Riêng tôi, họ chỉ là một người bình thường như bao nhiêu người khác, chứ chưa biết niệm Phật là gì. Nên cũng đừng thắc mắc!

Đúng rồi “mười niệm”. Nhưng làm sao biết đến mười. Phương tiện 4 lóng trên ngón tay, tôi đã sử dụng. Vậy đào đâu ra được 10 lóng? Thật nan giải. Lúc đó tai tôi thoáng nghe bên giường bệnh kế bên. Có một thiếu phụ dẫn một cháu bé đến thăm ông (ngoại hay nội gì đó tôi không biết). Thiếu phụ nói với ông lão:

- “Cha ơi, cháu biết đếm số rồi đó cha à.”
- “Cháu đếm cho ông nghe đi”. Ông cụ nói. Đứa bé không đếm hết được. Ông cụ bảo:
-”Thôi cháu đọc theo ông nè! eins (một), zwei (hai), drei (ba), vier (bốn), fünf (năm), sechs (sáu), sieben (bảy), acht (tám), neun (chín), zehn (mười).
Câu chuyện xảy ra và nói bằng tiếng Đức.

Các bạn ơi! Quả thật có bồ tát thị hiện giúp tôi đó. Tịnh hữu có tin không? Tôi thầm cảm ơn Chư Phật và Chư Bồ tát. Tôi bắt đầu thực tập phương pháp “tâm niệm 4 chữ A Di Đà Phật và đếm từ một đến mười rồi trở lại từ một đến mười, không cần biết là bao nhiêu cả”. Và tôi bắt đầu:
A Di Đà Phật (một) A Di Đà Phật (hai)
A Di Đà Phật (ba) A Di Đà Phật (bốn)
A Di Đà Phật (năm) A Di Đà Phật (sáu)
A Di Đà Phật (bảy) A Di Đà Phật (tám)
A Di Đà Phật (chín) A Di Đà Phật (mười)

Cứ như thế mà tâm niệm. Hết mười, xong trở lại một đến mười. Nhờ vậy mà tôi mới khống chế được mọi chi phối của 7 thức kia.

Phương pháp này được tôi đặt tên: “Tâm Thập Niệm A Di Đà Phật”:
- chỉ dùng tâm để niệm 4 chữ A Di Đà Phật từ 1 cho đến 10, rồi bắt đầu trở lại từ 1 đến 10;
- tâm niệm;
- không niệm ra tiếng;-
- không dùng chuổi hay bất cứ một phương tiện nào khác;
- không cần biết là bao nhiêu niệm;
- trong tất cả mọi lúc, mọi hành động, kể cả vào những nơi bất tịnh - nghĩa là không để hở một “sát na” nào mà không có 4 chữ A Di Đà Phật. Ví dụ: bạn đang niệm đến A Di Đà Phật (năm), bổng có người hỏi gì đó, bạn ngưng tại tâm niệm số 5 để trả lời, khi xong tâm bạn vẫn tiếp tục tâm niệm sang A Di Đà Phật 6 . . .10 và cứ tiếp tục. Nếu khi bạn trả lời xong, mà không nhớ lúc dừng tâm niệm ở câu thứ mấy A Di Đà Phật, thì cứ bắt đầu lại từ đầu A Di Đà Phật 1, A Di Đà Phật 2, . . . A Di Đà Phật 10, A Di Đà Phật 1 . . .

Khi có người đến thăm, và kể những điều không đúng sự thật, nói thiếu nhân quả, tôi muốn lên tiếng lắm chứ, nhưng không nói được, nên tức lắm bạn à. Cái tức đó chi phối sự tâm niệm Phật của tôi. Tôi vội quay trở về với 4 chữ A Di Đà Phật và từ một đến mười. Nhưng phải gắng lắm mới đến mười, bằng không, nữa đường bị “đứt đoạn”. Chưa đến mười thì cái tâm đã chạy theo cái thức thứ 7 rồi.

Sự kiện này rất vô cùng quan trọng mà tôi phải luôn nhắc nhở bạn đồng tu Tịnh độ. Bạn cứ tưởng tượng, tôi đang nằm trong hòm, có ai đó đến phúng điếu, kể lể những việc quá khứ lúc tôi còn thở. Gỉa dụ, anh A. là người trước đây cho tôi mượn 10 đồng. Nhưng khi anh A. đến trước linh cửu và muốn chứng tỏ cho mọi người hiện diện tấm lòng “độ lượng” của anh ta, nên thảm thiết lên tiếng: ôi anh Thị Chơn ơi! ngày trước anh mượn tôi 1000 đồng, nay chúng ta đôi người đôi ngã, anh cũng chẳng cần bận tâm làm chi, xem như là giữa chúng ta không có ai nợ ai gì hết! và tôi cầu nguyện cho anh sớm về cõi cực lạc.

Ui chao! nghe đến đây, tôi chắc khó mà về cực lạc rồi đó! Vì tôi sẽ nổi tam bành lục tặc lên mà chỉ có đi địa ngục thôi chứ làm sao mà về cực lạc được, phải không Tịnh hữu!

Trên đây chỉ là một ví dụ. Nhưng thật tế, nếu bạn tham dự nhiều đám tang thì cũng sẽ chứng kiến nhiều cảnh vui lắm. Không có giúp ít gì cho người chết cả và kể cả cho người còn thở. Kèn, chuông trống inh ỏi, tiếng tụng niệm chát chúa; chưa nói đến việc bàn ra tán vào của người hộ niệm nữa. Chẳng hạn như: ơ, lúc bác ấy sống hay niệm chú Đại Bi lắm, mình nên tụng Đại bi đi. Người khác, không phải vậy, tôi sống gần bác ấy nên biết bác thích tụng chú Vãng Sanh hơn, mình thỉnh Thầy tụng chú Vãng sanh tốt hơn! . . .
Tâm trạng của người đang năm trong hòm, cũng như trong 49 ngày (trung ấm thân) rất hoang mang và hụt hẫng. Riêng cá nhân họ còn nhiều điều phải làm và “sự nghiệp” chưa xong, mà nay phải bất lực. Họ tủi, oán, hận đủ điều. Thật ra họ chẳng biết thích cái gì cả - chỉ có người còn thở thích mà thôi. Có ai dám nói rằng họ biết người chết ưa thích gì? Ngay như mình đây, đang còn sống mà còn chưa biết mình muốn gì nữa, huống hồ biết người chết thích gì!.

Người chết rất cần được sự chỉ dẫn cho một hướng đi để giúp họ giải quyết những cái gì mà chưa “làm hết” và còn “muốn làm tiếp tục”. Nhưng chúng ta là Phật tử, học Phật pháp để làm gì? Để lợi mình và lợi cho người. Nhưng phần lớn chỉ nghỉ lợi mình trước, mà ít nghỉ đến lợi người! Nhưng trong hoàn cảnh đó, lợi người là trên hết. Ta phải can đảm “quyết tâm” chỉ cho người chết biết “nhất tâm” xả bỏ hết tất cả những cái gì họ “chưa làm hết” và “muốn giải quyết tiếp”, mà chỉ nhất tâm niệm A Di Đà Phật để thênh thang về chốn ấy. Về được nơi ấy rồi, thì cái gì “chưa làm” cũng sẽ làm xong, và cái gì “muốn làm” cũng sẽ được làm.

Còn nữa. Những ngày cúng thất. Phải nấu món này, xào món kia, chưng bông màu này, đừng chưng bông kiểu đó, người chết không “ưa”. Đã chết rồi, biết gì mà ưa với thích! Ưa hay thích là vì người cúng ưa và thích thôi! Phải không các bạn. Tôi tạm dừng tư tưởng về vấn đề này nơi đây, có duyên sẽ viết trong một lá thư khác..

Nhân đây, tôi gửi tặng bạn bài “Pháp ngữ cho hương linh” được Thầy Hạnh Tấn đọc bên linh cửu của cô Thiện Hạnh Nguyễn Thị Hiền để suy gẩm và sử dụng:

Thưa vong linh (tên họ pháp danh) yên lặng lắng nghe!
Người đời thường nói: „Sống gửi, thác về“ Tuy nhiên, sống ở gửi thì nhiều người biết. Nhưng thác về đâu thì mấy ai hay? Giờ này vong linh đi về đâu? Về với ông bà tổ tiên? Hay về với cát bụi cỏ cây? Nếu vong linh về với ông bà tiên tổ, thì vong linh biết ông bà tiên tổ ở đâu không? Còn về với cát bụi cỏ cây, thì vong linh về đó làm gì?

Thưa vong linh!
Vong linh nên ngĩï rằng: Ông bà tổ tiên lúc ra đi, cũng như vong linh bây giờ ra đi vậy. Nghĩa là kẻ trước người sau, chẳng ai biết ai cả. Vong linh còn biết rằng thân mọi loài mọi vật đều được cấu tạo bằng nhiều nguyên tố như đất, nước, gió, lửa v.v..., nếu về với cát bụi cỏ cây thì như vậy nay phải trả lại cho lửa, cho gió, cho đất và nước. Trong kinh Đức Phật dạy: trong thân thể con người và các loài hữu tình khác, có thứ luôn thay đổi và có thứ mãi mãi chẳng hề đổi thay. Thứ thay đổi là vật chất, còn thứ không thay đổi là tinh thần, là Phật tánh, là tâm thức. Khi thứ không thay đổi này còn tồn tại trong cái thân thể hay thay đổi thì nó có tác dụng như thấy, nghe, hay biết và tạo tác nghiệp thiẽn ác v.v. . . Nhưng khi thân vật chất này, vì lý do gì không thể duy trì sự sống được nữa, thì cái tinh thần tâm thức đó sẽ theo các nghiệp thiện ác mà mỗi người khi còn
sống đã làm có thể sanh vào một thân khác, loài khác và sống trong thế giới khác.

Thưa vong linh!
Kinh Phật dạy: „Vạn ban tương bất khứ, duy hữu nghiệp tùy thân“ . Nghĩa là muôn vàn của cải không mang theo được thứ gì cả. Chỉ có nghiệp thiện ác theo mình mà thôi. Như vậy, vong linh khi sinh tiền đã giữ năm điều răn như lời Phật dạy. Sau khi lâm chung, thiện nghiệp đó dẫn dắt vong linh sinh vào cõi người - cõi chúng ta đang sống, khổ nhiều vui ít. Hoặc vong linh khi còn sống đã làm mười điều lành như lời Phật dạy. Lúc mãn phần, các nghiệp lành đó sẽ nâng đổ vong linh sinh lên các cõi trời - cõi đó khổ ít vui nhiều. Và cứ như thế tiến lên các cõi Thánh xuÃt thế gian như A La Hán, Bồ Tát và chư Phật, sau khi tu tập theo 37 phẩm trợ đạo, sáu độ và muôn hạnh lành có lợi ích cho chúng sanh trong nhiều đời nhiều kiếp. Ngược lại, nếu chúng sanh nào lúc còn sống làm năm điều ác, mười điều chẳng lành, sau khi thân này tan rã, nghiệp xấu đó sẽ lôi cuốn vong linh đó sinh vào các nơi tăm tối, dơ bẩn, đói khát và đau khổ. Và nếu không may phải đi vào các đường này thì chỉ có khổ, không có vui và rất khó trở lại làm thân người. Các đường khổ đó là địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh. Các cõi này có ngay ở thế gian chúng ta đang sống chứ không phải ở đâu xa cả.

Thưa vong linh!
Trên đây là những giáo điều, những pháp ngữ để khuyên chúng sanh làm lành, răn cấm chúng sanh làm các việc ác, để kiếp sau và cũng ngay cả hiện tại và tương lai đồng sa vào các thế giới khổ, để lên các cõi vui như trên đã nói. Đến đây vong linh đã nghe rõ và vong linh có thể tự biết mình sau khi chia tay thân nhân quyến thuộc v.v.. . sẽ dii về đâu. Vong linh hãy tự chọn một trong mười cõi đó để tái sanh và chính vong linh tự biết rõ hơn ai hết - cũng như người từ nước này sang nước khác, tự biết mình khổ hay vui là do của cải thiện hay ác, gọi là nghiệp cûa mình mang theo mà thôi. Và chính ngay cä thân thuộc cũng chÌ biết một phần nào cuộc sống khổ vui của vong linh ở thân sau và thế giới mà vong linh sẽ đến mà thôi.

Vậy trước khi làm lễ trà tỳ thiêu hủy giả thân, đưa vong linh về thế giới khác, vong linh nên phát tâm trong giờ phút ngắn ngủi này, sám hối các vọng nghiệp, hồi hướng các thiện duyên, để các vọng nghiệp cũ được tiêu trừ thì các phước lành mới phát sinh được. đồng thời vong linh phát tâm quy y Tam bảo, giữ năm giới cấm trong tương lai, trong kiếp sống khác. Nghĩa là một niềm hồi quang phản chiếu thật sự, như thắp lên một ngọn đèn, bao nhiêu bóng tối trong một ngôi nhà tăm tối lâu nay thấy đâu biến mất. Rồi từ đó sẽ nhờ pháp lực tiếp dẫn vong linh từ trần gian này về Phật quốc khác. Vong linh hẳn đã nghe rõ và tự nguyện làm theo lời Pháp ngữ . Vong linh làm được như vậy thì hân hạnh vô cùng.

Giờ đây xin mời tất cả thân nhân tang quyến, cùng tất cả Phật tử và mọi người hiện diện, hãy vì vong linh và cho vong linh đồng thanh hộ niệm:

Nam Mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Đại Từ Dại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật

Tịnh hữu mến.

Tôi thực tập “Tâm Thập Niệm A Di Đà Phật” và “biết” đếm từ câu từ một đến mười, rồi trở lại từ một đến mười - không qua mười một!
Sau hai tuần, đến ngày 15.06.1985, tôi bổng dưng cử động và phát âm bình thường trở lại, như chưa có chuyện gì xảy ra. Tuy nhiên việc đi đứng cũng phải tập, vì hai tuần lễ nằm liệt không cử động được. Giọng nói thì hay bị lấp, vì cơ lưởi bị yếu, cần phải tập phát âm theo âm Đức, chứ nói tiếng Việt thì không có vấn đề.

Nhờ Hồng ân của Tam Bảo, phước đức của ông bà tổ tiên, cha mẹ nên tôi đã bình phục. Đó là nói đến tha lực. Nhưng quan trọng nhất, vẫn là sự tự lực. Nên khi cho rằng tu Tịnh độ “cầu” tha lực là không đúng, cá nhân tôi quả quyết như vậy.

Từ đó đến nay, và mãi cho đến sau này, tôi chỉ “tâm niệm”, chứ không niệm ra tiếng, 4 chữ A Di Đà Phật và biết đếm từng câu A Di Đà Phật từ một đến mười và bắt đầu trở lại từ một đến mười.

Rốt cuộc rồi Lá Thư Tịnh Hữu, bắt đầu năm 2000, đến năm 2004 cũng xong, tổng cộng 4 năm. Thật tế, tôi không có pháp môn Tịnh độ gì cả để chỉ bày cho ai cả. Tôi chỉ có kinh nghiệm và chứng nghiệm Phật pháp trong lúc tôi bị liệt để kể lại cho các bạn biết từng diển biến tâm lý của tôi ra sao thế thôi. Bạn và tôi là những người Phật tử, là những “hành giả” (người thực tập) chứ không phải là những “độc giả”, “học giả”.

Vậy ta hãy luôn tinh tấn thực tập 4 điều sau đây:

Chúng sanh vô số lượng, thệ nguyện đều độ khắp,
Phiền não không cùng tận, thệ nguyện đều dứt sạch,
Pháp môn không kể xiết, thệ nguyện đều tu học,
Phật đạo không gì hơn, thệ nguyện được viên thành.


Tôi và bạn không khác, chết là lẽ đương nhiên. Nhưng sống như thế nào mới là điều đáng tư duy.

Tịnh hữu mến.

Thật ra tôi chẳng có “pháp môn” gì cả. Tất cả những gì tôi thực tập đều từ Phật pháp, gián tiếp là đọc kinh sách và nghe Chư Tôn Đức giảng (VĂN). Tôi còn được một may mắn, hay nói cách khác có nhân duyên lớn, được gần gủi Sư Phụ để học hỏi sự tu hành và đạo hạnh của người. Và cứ thế mà thực tập (TƯ và TU). Nhưng TU cần phải có CHỨNG (không phải là dở chứng!) nữa. Tôi không dám lạm bàn về sự CHỨNG này, vì tôi còn phải tu tập nhiều nữa. Chỉ có “cơn bệnh” của tôi đã giúp tôi NGHIỆM được những gì đã học hỏi và thực tập. Và những điều này tôi mạn phép thuật lại cho các bạn “đồng pháp tu” thôi, để trao đổi và sách tấn nhau.

Từ năm 1985, sau khi khỏi bệnh và vì biết “Tâm Thập Niệm A Di Đà Phật” mà tôi còn thở đến ngày nay. Phương pháp niệm Phật của tôi được ứng dụng từ “thập niệm ký số”, một trong mười cách niệm Phật mà Chư Tổ Tịnh Độ đã lập ra. Chỉ có điều, như tôi đã nói là “khi niệm phải biết mình niệm, chứ không có cái đầu thứ hai để niệm!. Mà muốn biết mình niệm và giữ được câu niệm Phật, cốt yếu là giữ trong 10 niệm, số nhiều không quan trọng. Và chỉ niệm trong tâm, không nhất thiết phải ra tiếng. Ai niệm ra tiếng cũng được, nhưng quan trọng là niệm trong tâm”.

Cho nên tôi đã dõng mãnh lập thệ rằng:

“nếu ai giữ được10 câu niệm A Di Đà Phật
mà không được Phật A Di Đà và Tam Thánh đến đón,
thì tôi sẽ vì khẩu nghiệp
mà bị đoạ vào ngục vô gián thay cho mọi người”.

Nhưng bên trên là nói lúc ngưng thở. Còn 4 chữ A Di Đà Phật giúp ta trong lúc còn thở ra sao? Như tôi đã trình bày, bốn chữ A Di Đà Phật từ một đến mười sẽ giúp ta:

- một là: huân tập vào A lại gia thức (thức thứ 8) chủng tử A Di Đà Phật;
- hai là: điều phục và hàng phục được 7 thức còn lại.

Tôi xin đơn cử những trường hợp mà chúng ta tự thân sẽ nghiệm được như sau:

1. giữ được sự tỉnh thức (chánh niệm): khi bạn quét nhà, bạn vẫn niệm A Di Đà Phật từ một đến mười, thì bạn không cần phải quét cho thiệt lẹ, cho mau xong. Nói theo cách khác là “quét nhà để quét nhà!”;

2. trong khi quét nhà, mỗi “vọng niệm” (những tư tưởng về quá khứ, hiện tại và tương lai) nổi lên, bạn cứ tiếp tục giữ con số mà bạn mới vừa niệm và niệm cho đến mười rồi trở lại. Được như vậy thì “hàng rào A Đi Đà Phật” làm gì có khe hở cho bất cứ một “lọn gió tư tưởng” nào xuyên qua được;

3. cũng như vậy, đang quét nhà mà nghe người khác nói tốt hay nói xấu về mình, mà vẫn tiếp tục niệm như trên, thì mình đâu có bị cái “nghe” nó chi phối. Mà cái nghe không bị chi phối thì mình cũng không bị “cái miệng nó sai khiến”, rồi còn có thể “tay chân” múa theo nữa;

4. cũng như vậy, nhìn một bông hoa đẹp, mà vẫn “Tâm Thập Niệm A Di Đà Phật” ta vẫn thưởng thức được cái đẹp của bông hoa để không khởi tâm “chiếm đoạt” , so sánh ,phân biệt, chê bai, . . .;

5. cũng như vậy cho các thức kia.

Nếu chúng ta thực tập thường xuyên - nghĩa là đi đứng nằm ngồi ngủ nghĩ, kể luôn những lúc vào những nơi bất tịnh v.v. . ., mà “Tâm Thập Niệm A Di Đà Phật” - thì tôi dám bảo đảm với các bạn rằng, đến một lúc nào đó, bạn thấy rằng cuộc sống này rất có ý nghĩa và thời gian đối với chúng ta như vô nghĩa. 24 tiếng đồng hồ vẫn còn ít để sống lợi mình và lợi người!

6. Đến một chừng mực khác, bạn “tâm thập niệm A Di Đà Phật” trước khi ngủ và ngủ thiếp lúc nào không biết. Đến sáng hôm sau, khi tỉnh dậy, trong tâm bạn vẫn còn A Di Đà Phật. Thì bạn cũng không biết rằng mình đã có ngủ hay không, mà chỉ biết rằng mình chỉ có niệm Phật không mà thôi;

7. có những trường hợp, trong giấc mơ, bạn gặp điều không lành mà vẫn còn biết niệm A Di Đà Phật để tránh nạn;

8. khi bạn gặp ác mộng, nhưng trong giấc mộng bạn quên đi câu niệm A Di Đà Phật. Giựt mình thức dậy, đổ mồ hôi hột, sực nhớ đến câu niệm A Di Đà Phật, bạn niệm và tiếp tục ngủ, giấc mộng khi nảy sẽ quay trở lại và bạn biết niệm A Di Đà Phật để cứu nạn hay thoát nạn.

9. khi cần nghỉ ngơi, bạn chỉ cần tìm một chỗ yên lặng, ngồi nằm gì cũng được, rồi nói trong tâm rằng: tôi sẽ tâm thập niệm 10 phút A Di Đà Phật . Bạn sẽ “ngủ mà không ngủ”, nhưng khoảng 10 phút không cần đồng hồ báo thức, hay nhờ ai đánh thức, mà bạn cũng “tỉnh lại” và tâm thần rất sảng khoái, như đã ngủ một giấc dài say sưa;

10. thực tập đến một lúc nào đó, những cảm giác do 6 thức kia đem lại (nhãn, nhỉ, tỷ, thiệt, thân và ý) sẽ không còn bị thức thứ 7 (mạt na) lừa dối bạn nữa. Mà bạn sẽ “thấy và biết” được tất cả NHÂN - DUYÊN - QUẢ của mọi sự kiện. Ví như “vật soi vào gương”, nhưng cái gương ở đây ví là cái gương theo Ngài Huệ Năng, còn cái “Tâm thập niệm A Di Đà Phật” là hành động lau gương của Ngài Thần Tú!.

Đến giờ và mãi mãi sau này, tôi vẫn “Tâm Thập Niệm A Di Đà Phật” cùng trì thêm chú (Đại Bi và Đại Trí Văn Thù Sư Lợi), nhưng lúc nào cũng trì 10 biến; nếu có trì tiếp thì cũng trở lại từ 1 đến 10, không thêm mà cũng không bớt!. Tôi tập giữ con số “từ 1 đến 10” để huân tập vào bộ nhớ của mình.

Kính bạch Thầy Thiện Thông.

Con, Thị Chơn Ngô Ngọc Diệp, nhờ duyên Thầy mà đến nay con mới làm xong lời nguyện của mình. Con xin đãnh lễ Thầy. Và con không bao giờ quên được những trợ duyên khác vô cùng quan trọng đã giúp con “thắng phiên toà định nghiệp” chính là Cha mẹ, Thầy Bổn Sư, chư Tôn Đức, đạo hữu thiện tri thức, Phật sự và tất cả các pháp, trên hết là Phật pháp.

Nguyện đem công đức này,
Hướng về khắp tất cả,
Đệ tử và chúng sanh,
Đều được vãng sanh Tây Phương Cực Lạc

Nam Mô A Di Đà Phật.

Viết xong ngày 24 tháng 12 năm 2003, Hannover tức ngày mồng hai tháng mười một thiếu âm lịch năm Quý Mùi.
Thị Chơn Ngô Ngọc Diệp

 

----o0o---

Trình bày: Nhị Tường

Cập nhật: 11-2007


Webmaster:quangduc@quangduc.com

Trở về Thư Mục Tâm Lý Học

Đầu trang

 

Biên tập nội dung : Tỳ Kheo Thích Nguyên Tạng
Xin gởi bài mới và ý kiến đóng góp cho Trang Nhà qua địa chỉ : quangduc@tpg.com.au
Địa chỉ gởi thư Tu Viện Quảng Đức, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic. 3060. Tel: 61. 03. 9357 3544