Trang tiếng Việt

 Trang Nhà Quảng Đức

Trang tiếng Anh

Phật Ðản


...... ... .

 

Phiền não tức bồ đề

(trích trong Thiền tông đông độ–

Lục Tổ Huệ Năng và Phái Lâm Tế)

Thuần Tâm, Huỳnh Lan

 

Tất cả những sự lo nghĩ thuộc phạm vi lợi kỷ đều do trí huệ phát sanh ra việc nghĩ tưởng, những điều lợi ích riêng cho mình, cho thân tộc mình, cho cái ta bẩn thỉu, đó là PHIỀN NÃO. Vì thế nên những điều nghĩ tưởng của nhân loại, chúng sanh trên phạm vi tư lợi, tự giác, Đức Lục Tổ Huệ Năng cho đó là phiền não. Người và chúng sanh ở trong đó là ở trong tình trạng phiền não.

Trái lại, cũng với trí huệ đó con người nghĩ tưởng những điều lợi ích cho toàn thể chúng sanh, vì chúng sanh mà hành động chớ không phải riêng cho cá nhân, thì họ ở trong cảnh trạng BỒ ĐỀ. Thế nên Lục Tổ nói phiền não tức Bồ đề.

Trong lúc tâm tư Thiền gia hiểu biết điều này thì Thiền gia tự thấy mình đã nhập Bồ Đề Tri Kiến, cũng như trong kinh Pháp Hoa có câu: “Nhập Phật Tri Kiến vậy”.

Bây giờ Thiền gia lo hành động cho đúng theo sự Tri Kiến đó, thì Thiền gia sẽ “NHẬP BỒ ĐỀ TÂM”.

Nhập Bồ Đề Tâm tức là học làm Phật và có học Phật mới tiến được đến lãnh vực NHẬP PHẬT TRI KIẾN.

Khi thể hiện Phật tánh liên tục tức là đã thành Phật như Phật. Đó là trạng thái Như Như. Người và chúng sanh đều có thể hiện Phật tánh, nhưng chỉ ở trong tình trạng vô ý thức, trong tình trạng bất ngờ, trong tình trạng vô tri, vô giác. Trạng thái ấy chỉ phát hiện trong lúc tâm tư con người được thanh tịnh và thư thái nhứt trong đời sống.... không bị quay cuồng theo giòng tư kỷ.

Con người thể hiện được Phật tánh là khi nào đã thoát ra ngoài vòng tư kỷ, tư lợi, xa lìa được cái ta bẩn thỉu, xa lìa tư dục.

Nếu con người chưa an trụ được trong cảnh giới Đại Định thì khó có thể hiểu được câu: “Phiền não tức Bồ Đề”.

Nếu chưa rõ tột lý câu Phiền não tức Bồ Đề thì chưa “NHẬP BỒ ĐỀ TRI KIẾN”.

Từ chỗ Tri kiến Bồ Đề Tâm đến chỗ “thể hiện Phật tánh” nó chỉ một liên quan mật thiết, mà Thiền gia an trụ trong ĐẠI ĐỊNH mới có thể đọc đuợc sự liên quan đó trong quyển kinh VÔ TỰ của Đạt Ma Sư Tổ mới có thể thấy được điều ấy nơi “Chánh pháp nhãn tạng” mà Phật đã phó chúc cho ông Đại Ca Diếp.

Khi một niệm phát sanh duyên theo đời thì đó là phiền não và niệm niệm nhứ thế liên tục mãi, thì con người cứ luân chuyển mãi theo bánh xe luân hồi. Khi bánh xe luân hồi cứ mãi quay thì con người không sao thoát ly ra được. Con người vì thế bị trói buộc vào bánh xe luân hồi, bằng những sợi dây vô hình. Những sợi dây đó tức là phiền não, là những tư tưởng, những niệm duyên theo ĐỜI.

Muốn dứt sự luân hồi thì phải dứt niệm duyên theo ĐỜI, và đồng thời xoay niệm đó theo ĐẠO.

Có nhiều sách viết vắn tắt “muốn dứt phiền não, muốn dứt luân hồi thì phải dứt niệm”. Đó là sai lầm! Nếu dứt niệm tức là xác thân đâu còn hoạt động lúc bấy giờ hành giả đã chết rồi.

Nhiều Thiền gia sơ cơ tưởng dứt niệm là an trụ vào ĐẠI ĐỊNH. Thật ra cái nghĩa đó là chấm dứt tất cả mọi điều nghĩ tưởng tức là tập trung tư tưởng đến chỗ rốt ráo. Khi tất cả tư tưởng đều vắng lặng chỉ còn một tư tưởng duy nhất thánh thiện, gom nó về một mối gọi là “Nhứt tâm”. Đó là Đại Định. Thiền gia đến giai đoạn này thì sẽ nhận những hậu quả như thế này:

·   Nếu Thiền gia nhứt tâm theo các điều hung dữ, độc ác thì sẽ lọt vào vòng sa đọa muôn kiếp ngàn đời, không còn phương tiện thoát ly cái MÊ của chúng sanh...

·   Nếu hành giả nhứt tâm theo tư dục, ba nghiệp “Thân, Khẩu, Ý” không được thanh tịnh tức là nhứt tâm theo Đời thì hành giả sẽ luân chuyển mãi trong vòng luân hồi, trải qua muôn kiếp ngàn đời không làm sao tìm ra lối thoát và cứ thế luân hồi mãi trong biển Phiền Não.

·   Nếu Thiền gia nhứt tâm theo Đạo... Nhứt tâm theo pháp lành như trong câu “Nhứt niệm A Di Đà” thì Thiền gia sẽ tự giải thoát khỏi mọi điều phiền não nơi cõi Ta Bà. Chớ không phải nhứt niệm theo lối hữu vi như nhứt niệm A Di Đà.

·   Nếu Thiền gia nhứt tâm với Bồ Đề, với Niết Bàn thì Thiền gia sẽ được tự do tự tại ra vào nơi cảnh giới ấy (mặc dầu đang sống trong trần gian). 

Khi ra đi muốn đến cõi Ta Bà, hay đến cõi Diêm Phù để thể hiện Tâm Đại Bi, để cứu độ chúng sanh ra khỏi mọi sự khổ đau và tội lỗi (chớ không phải tội nghiệp vì luân hồi mà sanh ra nơi cõi tạm Ta Bà).

Khi vào tức là trở về nơi Niết Bàn (lúc tịch diệt lìa bỏ thân xác) mà an hưởng “Thường, Lạc, Ngã, Tịnh”. Hay là nhập cảnh giới Bồ đề để thọ sự giáo hóa của chư Phật mười phương.

Thế nên, Lục Tổ Huệ Năng nói một câu vắn tắt trong Pháp Bảo Đàn kinh là “Phiền não tức Bồ đề” đều do nơi Trí Bát Nhã mà ra vậy. Và nếu không phải là Thiền gia thì khó mà thể hiện cái Trí Bát Nhã này.

 

---o0o---

Vi tính: Mỹ Hồ ; Trình bày: Nhị Tường
Cập nhật: 5-2003


Webmaster:quangduc@quangduc.com

Trở về trang Phật Đản

Đầu trang

 

Biên tập nội dung : Tỳ Kheo Thích Nguyên Tạng
Xin gởi bài mới và ý kiến đóng góp cho Trang Nhà qua địa chỉ : quangduc@quangduc.com
Địa chỉ gởi thư Tu Viện Quảng Đức, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic. 3060. Tel: 61. 03. 9357 3544