Tiếng Việt

Trang nhà Quảng Đức

 Tiếng Anh 

qd.jpg (8936 bytes)

Phật Học Cơ Bản


... ... .

 

 

 

KHÁI NIỆM CƠ BẢN VỀ NIỀM TIN PHẬT GIÁO

 

Biên Soạn: Pháp Sư Quảng Tịnh

Việt dịch: Thích Ðạo Cơ

 

--- o0o ---

Chương V

NGŨ GIỚI

 

 

Dẫn Nhập

Phật tử tại gia sau khi quy y, nên sống theo giới luật của đức Phật chế định, thì mới có thể đi trên con đường giải thoát. Năm giới, nó không những có khả năng hướng dẫn chúng ta tiến bước trên con đường giải thoát mà còn có thể đem đến an vui và hòa bình cho gia đình, quốc gia, xã hội. Giới luật của Phật là nếp sống của đệ tử Phật, cũng là cương lãnh hạnh phúc an lạc của cá nhân và đoàn thể. Giống như vị thầy có đức độ có thể dạy dỗ và sửa đổi hành vi tư tưởng của học trò. Cho nên, trước khi nhập Niết-bàn, đức Phật từng dạy các đệ tử hãy lấy giới luật làm thầy. Ðức Phật nói : “Này các đệ tử ! Sau khi ta nhập diệt, các người cần phải tôn trọng giữ gìn tịnh giới, giống như ở trong bóng tối mà gặp được ánh sáng, như người nghèo nàn mà được của báu, cần phải biết tịnh giới là vị thầy dẫn đường của các ngươi. Nếu ta ở đời dạy bảo các ngươi thì cũng chẳng khác gì điều này”.

Ðức Phật tùy theo sự chênh lệch về trình độ của các đệ tử mà chế định các loại giới luật khác nhau như: năm giới của tại gia, mười giới của xuất gia Sa-di (Sa-di ni), hai trăm năm mươi giới của Tỳ-kheo, ba trăm bốn mươi tám giới của Tỳ-kheo ni, giới Bồ-tát... Trong đó, năm giới là giới cơ bản nhất của tất cả giới luật. Hàng tại gia nếu cẩn thận giữ gìn năm giới thì bảo đảm chắc chắn về sau sẽ có được đời sống tốt đẹp lợi mình, lợi người. Vậy sao không chịu thọ trì ?

Chánh Ðề

I. Ðịnh nghĩa

Giới, Phạn ngữ Sila, phiên âm Thi-la, nghĩa là phòng hộ để thân tâm không phạm lỗi và ngăn chặn tất cả tội ác.

Năm giới là: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu.

Mục đích mà đức Phật chế năm giới là để ngăn điều sai quấy, đình chỉ điều ác. Vì ác nghiệp phiền não giống như lửa dữ thiêu đốt thân tâm chúng sanh. Ðức Phật chế năm giới để có thể dập tắt phiền não tham, sân, si ... Ngài chưa bao giờ bắt buộc các đệ tử phải thọ trì năm giới. Bởi vì, tất cả hậu quả của mọi hành vi từ bản thân, chính mình phải chịu trách nhiệm. Ðức Phật không phải là bậc quyết định tối cao, có thể tự ý làm chủ tể mọi người. Ý niệm, lời nói, hành vi tốt hay xấu của chúng sanh nào, tự nó sẽ đưa đến khổ đau hay vui sướng cho chính bản thân chúng sanh ấy. Ðức Phật là đấng từ bi, Ngài đem trí tuệ của Ngài hướng dẫn chúng ta, hy vọng chúng ta có thể lựa chọn cho mình con đường chân chánh sáng suốt để mà đi. Nếu chúng ta không thuận theo lời dạy của đức Phật, thậm chí còn đi ngược lại đường lối của Ngài, thì đến đâu cũng gặp rủi ro và bất hạnh. Ðó là việc tất nhiên, nghĩa là: “Trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu”. Chúng ta làm việc thiện thì được quả báo thiện, làm việc ác thì mắc quả báo ác, đó là quy luật nhân quả tự nhiên. Năm giới là năm bức tường thành có thể ngăn ngừa, để trên đường giải thoát, chúng ta khỏi lầm đường lạc lối.

II. Nội dung của năm giới

1. Không sát sanh

Sanh là chúng sanh, bao gồm tất cả động vật có tình thức. Không được sát hại những loài có tình thức thì gọi là giới không sát sanh. Trên từ chư Phật, thánh nhân, sư tăng, cha mẹ, dưới đến loài bò, bay, máy, cựa, côn trùng bé nhỏ, hễ có sanh mạng thì không được sát hại.

a. Nguyên nhân đức Phật ngăn cấm con người không được sát sanh

- Tôn trọng nguyên tắc công bằng:

 Mọi người đều coi trọng sinh mạng của mình; nếu sinh mạng của mình bị uy hiếp, tự nhiên sẽ phát sinh sự phản kháng kịch liệt. Ðã như vậy thì sao lại muốn đẩy sinh mạng người khác vào chỗ chết chóc? Không chỉ con người mới như thế mà động vật cũng đều có sự yêu quí sinh mạng của chúng. Thử quan sát các loài như: trâu, dê, lợn khi bị đem đi giết, trước lúc sắp chết, chúng đều giãy giụa và kêu gào một cách thê thảm. Ðiều mình không muốn chớ đem đến cho người. Ðức Phật dạy: “Mọi người đều sợ chết, đều sợ đao kiếm làm hoại thân thể; đem tâm mình mà so sánh với tâm chúng sanh thì sẽ hiểu được. Vì thế, không nên giết hại cũng không nên dạy người khác giết hại!”.

- Tôn trọng nguyên tắc bình đẳng:

Hình dáng động vật và hình dáng con người tuy không giống nhau nhưng đều có Phật tánh. Ở gốc độ Phật tánh mà quan sát thì tất cả chúng sanh đều không thể làm tổn thương. Cho nên, sát hại động vật là sát hại Phật tánh của chúng sanh.

- Nuôi dưỡng lòng từ bi:

Lòng từ bi của đức Phật rộng lớn, Ngài xem tất cả chúng sanh như con một của mình. Cho nên, đức Phật từng dạy đệ tử là bất luận ở đâu, cũng không được làm tổn hại sinh mạng chúng sanh. Sát hại chính là cắt đứt lòng từ, đã mất lòng từ thì rất khó chứng quả vị Phật. Mạnh Tử nói: “Thấy nó sống không nỡ thấy nó chết, nghe tiếng kêu của nó không nỡ ăn thịt nó”. Cho nên, phàm là người có lòng từ bi thì đều không nỡ giết hại tất cả chúng sanh.

- Tránh được sự oan gia, báo oán nhân quả xoay vòng:

Sanh linh bị giết, ôm hận mà chết, đời sau ắt sẽ chờ cơ hội báo thù, đưa đến sự vay trả của nghiệp giết hại, vĩnh viễn đọa lạc vào vực sâu đau khổ. Thế nên, đức Phật có dạy: “Thường sanh tâm sát hại, là chỉ làm tăng thêm nghiệp chướng khổ, đọa lạc trong sanh tử luân hồi, vĩnh viễn khó được giải thoát mà thôi”.

b. Lợi ích của việc không sát sanh

Về phương diện cá nhân, không giết hại chúng sanh thì tâm không bị phiền não làm rối loạn, không phải hối hận, thân tâm nhẹ nhàng tự tại, tướng mạo tươi vui.

Về phương diện xã hội, nếu nhân loại đều kính cẩn giữ gìn giới không  sát sanh do đức Phật chế ra thì chiến tranh chấm dứt, thế giới hòa bình, tràn đầy yêu thương.

Chúng ta đã biết sự nguy hại của sát sanh, cho nên từ đây, đệ tử tại gia cần phải giữ gìn giới không sát sanh. Nếu như vì công việc khó tránh khỏi sự sát sanh, khi ấy không có biện pháp chuyển nghề, thì ở đây không bắt buộc chúng ta phải chuyển nghề, nhưng ít nhất cũng phải giữ gìn không được giết người và động vật lớn như: trâu, ngựa, chó, heo ...; hơn nữa cũng phải hết sức tránh giết những động vật nhỏ. Cần ghi nhớ hai nguyên tắc sau đây:

- Không vì thỏa mãn lòng hiếu sát nhất thơøi mà làm tổn hại sinh linh:

 Vì tự vệ hoặc vì vô ý mà giết hại động vật lớn thì quả báo của việc ấy nhẹ hơn cố ý giết hại một côn trùng nhỏ như: chuồn chuồn, kiến, bươm bướm. Cho nên không được giết hại côn trùng nhỏ một cách bừa bãi.

- Tránh huân tập nghiệp sát sanh:

 Chúng ta thường thấy trẻ con bắt bướm, chuồn chuồn ngắt cánh, bẻ đầu, nếu cứ làm mãi thì sẽ thành thói quen. Nếu lúc này mà cha mẹ không chịu khuyên dạy, thì lớn chút nữa, chúng sẽ giết chim, sau lớn lên giết chó, giết trâu, mà cũng không cho việc đó là sai trái, và dung dưỡng thành thói quen hung ác, bạo tàn; về sau sẽ khó tránh khỏi giết người. Vì vậy, chúng ta không chỉ khuyên trẻ em không giết hại mà phải tránh đừng để chúng thấy những cảnh tượng hoặc phim ảnh bạo lực, giết chóc.

2. Không trộm cắp

Là vật của người khác chưa cho phép mà đến chiếm lấy, hoặc dùng vũ lực cưỡng đoạt tài sản của người khác như nhà cửa, ruộng vườn, ngọc quý ... các vật quý trọng. Thậm chí những vật nhỏ như cây kim, ống chỉ, không cho mà tự lấy tức là trộm cắp. Hình thức ăn cắp được phân như sau: kết bè đảng cướp đoạt, ỷ thế nhận hối lộ, thừa lúc người thiếu thốn cho vay nặng lãi, tích trữ đầu cơ, bán hàng chợ đen, âm mưu lường gạt, cân non đong thiếu, trốn sưu lậu thuế, mượn vật không trả. Bất cứ hình thức nào vì lòng tham mà lấy của cải đều thuộc trộm cắp.

a. Nguyên nhân đức Phật nghieâm cấm không được trộm cắp

- Tôn trọng nguyên tắc công bằng:

Tài sản của chúng ta, chúng ta không muốn người khác lấy, vậy vì sao lại muốn lấy tài sản của người khác? Quyền sở hữu của mình không cho người khác xâm phạm, mà lại muốn xâm phạm quyền sở hữu của người khác, như vậy có ngược lại nguyên tắc công bằng không? Nếu như trên xã hội thiếu sự công bằng thì sẽ khó đem lại hòa bình cho khắp chốn.

- Tôn trọng nguyên tắc bình đẳng:

 Mọi người đều có Phật tánh, mọi người đều bình đẳng như nhau. Vậy tại sao lại muốn hại người, vì làm lợi cho mình mà cướp đoạt tài sản của người khác?

- Nuôi dưỡng lòng từ bi:

Nếu chúng ta vô ý đánh mất một vật, khi ấy chúng ta rất buồn rầu, sự buồn rầu thường canh cánh trong lòng, thậm chí ăn ngủ không yên. Ðem tâm mình để hiểu tâm người thì quả thật chúng ta không nên cướp đoạt tài sản của người khác, làm cho người khác tăng thêm sự đau khổ. Ngạn ngữ có nói rằng: “Tiền của như mạch máu”, lấy cắp tiền của người  là lấy cắp chính máu thịt của họ, như thế chẳng khác nào giết thân mạng của họ vậy; chỉ có người thiếu lòng yêu thương mới làm như thế. Chúng ta là đệ tử của đức Phật thì cần phải cố gắng bồi dưỡng lòng từ bi, không nên lấy tài sản của người khác dù bất cứ vật gì.

- Tránh oan gia tương báo:

 Trong bất cứ xã hội nào, trộm cướp đều bị xem là hành vi phạm tội, phải chịu sự trừng phạt. Cho dù nhất thời có thể tránh khỏi sự trừng phạt của pháp luật thế gian thì cũng khó tránh khỏi nhân quả nghiệp báo. Ăn cắp tài sản của người rồi cũng bị người lấy lại, hơn nữa sẽ bị quả báo bần cùng, thân tâm không được an ổn.

Trong kinh Tứ thập nhị chương, đức Phật có dạy: “Tài sản, sắc đẹp đối với con người giống như đứa bé bị mật ngọt trên lưỡi dao hấp dẫn, tuy không đủ một bữa ăn ngon nhưng lại mắc cái họa đứt lưỡi”. Vì tham lam tiền của, tự mình sa vào địa ngục lao tù, đời sau làm trâu ngựa để trả nợ, đâu chẳng giống đứa bé liếm mật trên lưỡi dao kia ư ?

“Ðục vách xoi tường chí chẳng ngơi

  Ngàn toan trăm tính khổ chơi vơi

Ðời nay trộm được nhiều tiền của

Trâu, ngựa thân sau trả nợ người”.

Cổ nhân thường nói:“Người phi nghĩa không giao tiếp, vật phi nghĩa không nên lấy”. Huống  gì là đệ tử Phật, làm sao có thể lấy trộm tài sản của người khác, tham cầu của cải bất nghĩa?!

b. Lợi ích không ăn cắp

- Về phương diện cá nhân:

 Hiện tại được an ổn, được người tôn trọng và tín nhiệm, đời sau được giàu có an vui, con cháu được hưởng ân đức.

- Về phương diện đoàn thể:

Người đời vì tiền của mà phải buồn rầu, lo lắng. Vì thế, người không trộm cướp thì chẳng khác nào ban sự an ổn đến cho mọi người. Nếu trong xã hội mà mọi người đều không trộm cắp của nhau thì đêm không cần đóng cửa, của rơi ngoài đường không ai nhặt, xã hội sẽ trở thành một xã hội an vui, hạnh phúc.

3. Không tà dâm

Dâm dục có phân ra chánh và tà. Vợ chồng chính thức kết hôn mà ăn nằm với nhau là chánh; gian dâm trộm tình, phi lễ phi pháp mà hành dâm thì gọi là tà. Tuy là vợ chồng chính thức, nhưng chẳng đúng chỗ, đúng lúc mà ăn nằm với nhau hoặc phóng túng sắc dục, không tiết chế cũng gọi là tà dâm. Giới luật của Phật giáo chế định người xuất gia thì phải hoàn toàn cắt đứt sự dâm dục, còn chúng tại gia thì không được tà dâm.

a. Nguyên nhân đức Phật nghiêm cấm tà dâm như sau

- Tôn trọng sự công bằng:

Mọi người, ai cũng  đều mong muốn gia đình mình êm ấm, vợ chồng đoan chánh. Vậy cớ sao muốn phá hoại gia đình người khác, làm nhiễm ô nếp nhà người khác khiến cho vợ con người khác rơi vào dâm loạn?

- Bảo vệ hạnh phúc gia đình:

Sự đau đớn nhất của một gia đình là vợ chồng có hai lòng, hai người không tin tưởng nhau, không được hạnh phúc, hàng xóm chê bai, khiến cho con cái chịu xấu hổ, cô độc điêu linh, người thân bạn bè xa lánh, danh dự bị tổn hại, sự nghiệp suy tàn. Ðiều kiện thứ nhất để giữ gìn hạnh phúc gia đình là vợ chồng phải đồng tâm. Nếu “đồng sàng mà dị mộng” thì rất nguy hiểm cho tính mạng, như là phát sinh tình thù. Cho nên, không tà dâm là một điều kiện quan trọng nhất để duy trì hạnh phúc gia đình.

- Tránh nghiệp quả tương báo:

Trong kinh Tứ thập nhị chương, đức Phật có dạy: “Người tham luyến ái dục như cầm đuốc đi ngược gió, nhất định sẽ có cái họa cháy tay”. Người ngu si không biết xa lìa, cuối cùng bị ngọn lửa ái dục thiêu đốt. Con người vì tham luyến ái dục mà tan nhà mất nước, sách báo xưa nay ghi chép rất nhiều. Thử xem trên báo, các chỗ gây ra án mạng đại đa số đều do tài sắc mà ra. Những vụ có  liên quan đến tài sắc phần nhiều không ngoài tà dâm.

b. Lợi ích của không tà dâm

- Về phương diện cá nhân:

Trong kinh Thập thiện có nói: “Người đời nếu không tà dâm thì hưởng bốn điều tốt đẹp”, sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý được hoàn chỉnh; trọn đời được mọi người kính phụ; đoạn trừ tất cả phiền lụy, khổ não; trọn đời gia đình quyến thuộc không bị xâm phạm.

- Về phương diện đoàn thể:

Trong xã hội mọi người không tà dâm, mỗi gia đình đều hưởng an lạc hạnh phúc. Các việc trái với luân lý đạo đức không có cơ hội phát sanh, không bị chết vì tình, con cái được dạy dỗ một cách nghiêm chỉnh, thân tâm được mạnh khỏe, đất nước được giàu mạnh. Thế giới Ta-bà ngũ trược, chuyển thành thanh tịnh quang minh

4. Không vọng ngữ

Vọng ngữ có bốn thứ: vọng ngôn, ỷ ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu.

- Vọng ngôn: Là lời nói không thật, trái ngược với sự thật, hoặc trước mặt khen ngợi sau lưng chê bai. Tóm lại, tâm và miệng không đồng nhất tức là vọng ngôn.

- Ỷ ngữ: Dùng lời nói đường mật làm giao động, nhục chí người khác, hoặc baøn luận những lời dâm dục nam nữ, biên soạn tiểu thuyết tình tứ đồi trụy khiến người loạn tâm đều gọi là ỷ ngữ.

- Lưỡng thiệt: Là ở giữa hai người dùng lời nói súc siểm để chia rẽ, hoặc bàn tán đúng sai, tạo ra sự xung đột cho người, khiến tình bạn tốt trở thành oán thù...

- Ác khẩu: Dùng lời thô lỗ ác độc, khiến người nghe sanh đau khổ, sợ hãi, ưu sầu ... , như trù yếm người khác đụng xe, trúng gió ...

a. Nguyên nhân đức Phật ngăn cấm vọng ngữ

- Tôn trọng sự thật :

Phật pháp là đạo như thật; lời đức Phật dạy đều là chân lý căn cứ trên sự thật. Trong kinh Kim cang có nói: “Như lai là bậc nói lời chân chánh, là bậc nói lời đúng sự thật, là bậc đúng như lời nói, là bậc nói lời không luống dối, là bậc nói lời không sai khác”. Vì thế, người Phật tử phải học theo pháp của Phật Ðà, tôn trọng sự thật.

- Bồi dưỡng tâm từ bi:

Vọng ngữ là hành vi gian trá. Nguồn gốc của nó chính là ích kỷ. Vì lợi ích của mình mà làm hại người khác để thỏa mãn lòng ham muốn riêng mình. Nhưng, hễ bị người khác lừa bịp, làm đau khổ, thì thường sanh lòng tức giận, rắp tâm trả thù, thậm chí còn làm cho đối phương tan nhà và chết chóc. Cho nên, vọng ngữ là việc làm ngu dốt hại mình hại người. Người học Phật không thể trái với lương tâm đưa lòng từ bi đến chỗ suy tàn mà nói vọng ngữ. Lòng từ bi là cội gốc của sự tu hành, không có lòng từ bi thì việc tu hành chỉ gọi là một giả tướng, tự khinh mình khinh người mà thôi, vĩnh viễn không thể đạt được kết quả tốt đẹp.

- Liên hệ sự trung tín trong xã hội :

Con người nếu thường mất lòng tin với người khác thì dù việc lớn hay nhỏ cũng bị cản trở khó thực hành. Nhà Nho lấy chữ tín làm căn bản. Khổng Tử nói: “Dân không có niềm tin thì không đứng vững được”. Gia đình hạnh phúc và xã hội an vui, không nên có sự lừa dối, hoài nghi, đố kỵ, gian trá. Những việc này đều có liên quan đến vọng ngữ.

- Tránh nghiệp báo khổ đau :

Trong kinh Sa-di giới có chép: “Luận người ở đời, búa nằm trong miệng, sở dĩ bị chém thân là do lời nói ác”. Ðây là ví dụ hình tượng lưỡi búa giống lưỡi của chúng ta, không tu khẩu nghiệp giống như ném búa lên trời, không hại được trời mà trở lại hại mình. Như truyện đứa bé chăn dê1 và vua Chu U2 đều là những ví dụ do vọng ngữ mà bị quả báo nhãn tiền.

b. Lợi ích không vọng ngữ

- Về phương diện cá nhân:

 Mọi người đều kính trọng, tin tưởng lẫn nhau. Không ôm hận oán thù thì việc đi, đứng, đến, ở mưu sinh đều được người giúp đỡ, xem nhau như thân tín, sự nghiệp thuận lợi. Nếu kinh doanh mua bán thì được uy tín tiếng tăm, làm ăn thịnh vượng.

- Về phương diện đoàn thể:

Gia đình an vui, xã hội đoàn kết. Tất cả mọi người hòa thuận, yêu quí giúp đỡ lẫn nhau, quan hệ mật thiết, tình cảm dung hòa, từ đó có thể đồng tâm hiệp lực, giúp đỡ phát triển sự nghiệp chung. Vọng ngữ là nguồn gốc của mọi tai họa đối với cá nhân và xã hội. Song, vì tình huống cần thiết như để cứu người, cứu vật hoặc vì chuyện gì khác làm động cơ phát khởi lòng từ bi mà phương tiện nói lên thì coi như không phải là vọng ngữ. Nhưng nếu phát khởi từ lòng tham lam, sân hận thì phạm giới.

5. Không uống rượu

Tất cả những thứ nước uống có khả năng gây mê làm hại người, đều không nên uống. Rượu là một trong những thứ nước uống gây mê phổ biến nhất. Không những tự mình không uống rượu, mà cũng không nên khuyên người khác uống và bắt buộc người khác uống rượu; nếu phạm hai trường hợp sau thì tội đó còn nặng hơn tội tự mình uống rượu. Vì nhu cầu trị bệnh dùng rượu để làm thuốc thì được phép. Nhưng, trước tiên cần phải bạch với thầy, nói rõ dùng rượu để làm thuốc, và sau khi bệnh lành, không được tiếp tục dùng nữa.

a. Nguyên nhân đức Phật cấm uống rượu

- Giữ gìn hạt giống trí tuệ:

Rượu hay làm rối loạn tâm tánh, nếu không ngăn hẳn thì tinh thần không sáng suốt, mất đi trí tuệ, vĩnh viễn lún sâu trong biển sanh tử, không thể chứng đắc Phật quả. Cho nên, để gìn giữ hạt giống trí tuệ, đức Phật mới ngăn cấm uống rượu.

- Ngăn chặn phạm tội:

Những hành vi của bản thân như: sát sanh, trộm cắp, tà dâm ... tức là tội ác. Uống rượu không phải là tội ác, nhưng uống rượu sẽ dẫn đến tội ác. Câu chuyện sau đây sẽ nói rõ việc tai hại của uống rượu: Một hôm, có một người nông phu chất phát gặp phải một vị hung thần ép buộc anh ta phải chọn một trong ba điều kiện để làm: một là giết cha, hai giết mẹ và ba là về nhà uống hết rượu trên bàn thờ. Người nông phu sau khi suy nghĩ đã chọn điều kiện thứ ba. Hung thần trong bóng tối nghe xong rất khoái. Người nông phu trở về nhà, thấy trên bàn thờ có rượu, liền lấy uống hết. Người cha  thấy hành động vô lễ của anh ta liền đánh, mắng chửi anh ta. Người nông phu vì uống rượu nên tâm tánh rối loạn, mất hết lý trí, trong cơn bực bội sảy tay đánh chết người cha; bà mẹ ra can ngăn, anh ta cũng đánh luôn. Khi tỉnh rượu, anh ta mới biết mình phạm phải tội lớn tầy trời”.

Tóm lại uống rượu có rất nhiều tội lỗi. Trong kinh Trường A-hàm có chép: “Luận rằng, người uống rượu có sáu thứ tổn thất: tổn thất của cải, sanh bệnh, đấu tranh, tiếng xấu đồn khắp, dễ sanh sân hận, trí huệ ngày càng giảm”.

b. Lợi ích không uống rượu :

- Về phương diện cá nhân:

Người không uống rượu thì tránh được sáu thứ lỗi như trong kinh Trường A-hàm đã dẫn nói ở trước.

- Về phương diện đoàn thể:

Gia đình được an vui, con cái ít bệnh, xã hội vui hòa, dân tộc cường thịnh

Kết Luận

 Là đệ tử Phật mà không trì giới thì không thể gọi là người Phật tử mẫu mực. Chúng ta đã biết qua công dụng của năm giới và lợi ích thực tế của nó. Nếu nói Tam quy là khởi điểm để tiến vào cửa Phật thì năm giới của người đệ tử tại gia chính là bực thềm đầu tiên để bước lên địa vị Phật quả. Tín đồ tại gia khi mới vào cửa Phật, nếu có thể phát nguyện thọ trì năm giới, cố nhiên là rất tốt. Nhưng nếu không thể trì hết thì tùy theo hoàn cảnh và năng lực của mỗi người mà tinh tấn thọ trì một hoặc hai, ba, bốn giới cũng được rồi dần dần phát tâm dũng mãnh giữ đầy đủ năm giới. Hễ ai phát nguyện thọ một giới nào thì phải kiên trì giữ gìn đến cùng, không nên lúc tiến lúc lùi, nếu không thì chẳng bao giờ có thể đạt đến mục đích. Nếu ngay như một giới mà vẫn không giữ được thì chỉ uổng xưng là đệ tử Phật mà thôi.

Trong xã hội có không ít những người thế tục sống theo nề nếp không uống rượu, không tà dâm, không vọng ngữ, không ăn cắp, huống gì là hàng đệ tử của Phật? Chúng ta tin và làm theo lời đức Phật dạy chính là để vượt qua những tập khí bình thường của thế tục. Là người đã tin theo Phật nhưng nếu tham luyến tập khí dục vọng đó thì đánh mất tư cách đạo đức, chẳng khác nào người bình thường; đó là phá hoại Phật giáo, không phải là kính ngưỡng Phật giáo. Cho nên, thân là đệ tử Phật thì phải nỗ lực giữ giới mới không hổ thẹn là hàng đệ tử của Phật. Vả lại, giữ giới còn giúp cho chúng sanh và mình đạt đến hạnh phúc an vui.

Người không tin Phật cũng nên giữ giới bởi vì năm giới là nền tảng làm người, và là sự tu dưỡng căn bản của một công dân trong xã hội. Một quốc gia, một dân tộc muốn cường thịnh thì chắc chắn không thể dựa vào văn minh vật chất, mà điều cần thiết nhất là phải phát huy đạo đức cho xã hội. Cho nên, năm giới không chỉ giới hạn ở hàng Phật tử phải trì giữ, mà muốn mong cầu một đất nước lễ nghĩa hòa bình thì mỗi phần tử trong xã hội phải thực hành năm giới. Ðược như vậy thì xã hội mới an định, thế giới mới hoà bình.

Năm giới không chỉ là phép tắc giữ gìn căn bản của hàng Phật tử mà cũng là đạo lý căn bản của bất kỳ ai. Nếu muốn giữ gìn hạnh phúc và sự phồn vinh của cá nhân, quốc gia, xã hội thì mọi người đều phải tuân theo năm giới. Theo giáo nghĩa của Phật giáo mà nói, giữ năm giới thì mới có thể giữ gìn được thân người, mới có thể khiến cho chúng ta khỏi rơi vào đường ác. Thành người được thì thành Phật được. Vì thế, chúng ta muốn thành Phật thì tất nhiên phải bắt đầu thực hành từ năm giới căn bản

 


1 Ðứa bé chăn dê:

Một hôm, có một đứa trẻ chăn dê bỗng nghĩ ra ý tưởng hết sức kỳ quặc để đùa bỡn những người nông phu. Ngày nọ, lúc đàn dê đang thong thả ăn cỏ ở trên khe núi, nó bèn chạy lên phía sau lưng núi vội vã gọi to : “Sói đến rồi ! Sói đến rồi !” nó vội vàng xua đuổi đàn dê cong đuôi chạy lung tung. Các nông phu làm việc gần bên nghe tiếng kêu cứu kinh hoàng ấy đều bỏ việc làm, vác cuốc vác gậy vội vàng chạy đến cứu đàn dê. Nhưng rốt cuộc, ngay cả bóng của một con sói cũng không thấy. Ðứa bé chăn dê liền khéo léo nói với họ : “Sói thấy các người đông quá, đều bỏ chạy hết rồi”. Những người nông phu đều tin đó là sự thật, bèn trở lại đồng ruộng làm việc. Ðứa trẻ chăn dê này vì rất thích đùa nên lại bày trò lần thứ hai. Những người nông phu lại đến nhưng vẫn không thấy bóng dáng của sói, trong lòng không vui và ngờ vực. Do đó, họ ước định với nhau dừng công việc làm ruộng cùng nhau núp ở gò mả trên núi gần chỗ đàn dê ăn cỏ, đợi lũ sói xuất hiện một lần nữa. Kết quả mới biết đứa trẻ chăn dê này phỉnh gạt. Sau đó không lâu có một đàn sói hung dữ lao tới đàn dê con này. Các nông phu lại nghe tiếng đứa trẻ chăn dê nọ nhưng lại không tin nữa. Kết quả đàn dê đáng thương bị ăn thịt hết.

2 Vua Chu U:

Vua Chu U (781-771 TCN) - vị vua cuối cùng của triều đại Tây Chu, là một bạo chúa có tiếng trong lịch sử. Ông rất tin yêu ba tên gian thần: Hiệu Công, Doãn Cầu, Tế Công, nhưng lại lạnh nhạt với các bậc trung thần như: Bá Dương Thụ, Triệu Thúc Ðới, Bao Hướng. Triệu Thúc Ðới thấy sông Tam xuyên khô cạn, núi Kỳ sơn bị nứt lở cho rằng quốc gia có việc chẳng lành, nên yêu cầu vua Chu U chuyên cần giúp đỡ dân, cầu người hiền giúp nước. Vua Chu U chẳng những không nghe mà ngược lại trục xuất Triệu Thúc Ðới ra khỏi triều, vĩnh viễn không dùng nữa. Ðại phu Bao Hướng nghe Triệu đại phu bị trục xuất vội vàng vào triều can gián: “Ðại vương không sợ lòng trời thay đổi sao mà lại truất bỏ hiền thần, e rằng đầt nước lung lay, xã tắc khó giữ”. Vua Chu U  nổi giận lôi đình cho Bao Hướng phạm tội khi quân, bèn hạ lệnh giam vào ngục. Hồng Ðức con trai của Bảo Hướng biết rõ Vua Chu U rất mê nữ sắc nên liền vào trong thôn Bảo mua được một giai nhân đẹp tuyệt trần có tên Bao Tự dâng lên cho vua Chu U để chuộc tội cha (năm 779 TCN) ... Không lâu, Bao Tự sanh được một đứa con trai đặt tên là Bá Phục. Bao Tự bằng mọi cách xúi giục vua U phế bỏ thái tử Nghi Cữu làm thứ dân lập Bá Phục làm thái tử và còn đánh đập hoàng hậu, giam vào lãnh cung (năm 777 TCN). Mẹ nhờ con mà được tôn quý. Bao Tự từ một thân phận cung tần nhảy vọt lên làm Chánh cung nương nương. Tuy nhiên, Bao nương nương nũng nịu, tự giam mình trong phòng riêng, từ đó không hề cất lên nụ cười. Vua Chu U không thể làm gì được, liền nghe theo lời của Hiệu Công cho “đốt lửa báo tin”.  Quả nhiên, các nước chư hầu thấy ở Ly Sơn có khói lửa bốc lên, bèn vội vàng ngay cả ngựa không kịp thắng yên, người không kịp mặc giáp cùng nhau đến tiếp cứu. Tất cả đều dẫn kỵ binh đến dưới chân núi Ly Sơn mới biết hoàn toàn chưa có phát sinh biến cố gì cả, bèn cuốn cờ ngưng trống rút quân về. Bao Tự thấy các nước chư hầu tất tả chạy đến rồi lại tiu nghỉu quay về không có việc gì cả, cảm thấy họ ngu đần thật đáng cười; quả nhiên trên mặt nở nụ cười. Sau đó, giặc Khuyển Nhung đến xâm phạm Cảo Lương, vua Chu lại cho đốt lửa. Các nước chư hầu cho đó là trò đùa nên không đến. Thế là Tây Chu bị mất (năm 771 TCN) (truyện Ðông Chu Liệt Quốc) .

 

 

--- o0o ---
 

Mục Lục | Chương I | Chương II |  Chương III

 Chương IV | Chương V | Chương VI | Chương VII

 Chương VIII | Chương IX | Chương X


--- o0o ---

 

Trình bày:  Linh Thoại

Cập nhật:  01-04-2004

 

Webmaster: quangduc@quangduc.com

Trở về Trang Phật Học Cơ Bản

Đầu trang

 

Biên tập nội dung:  Tỳ kheo Thích Nguyên Tạng
Xin gởi bài mới và ý kiến đóng góp đến ban biên tập qua địa chỉ:  
quangduc@quangduc.com