Trang tiếng Việt

 Trang Nhà Quảng Đức

Trang tiếng Anh

Phật Học


...... ... .

 

Cây Giác-Ngộ
The Tree of Enlightenment.

Nguyên tác: Peter Della Santina, Ph.D.
Việt dịch: Minh Thiện Trịnh Chỉnh
Melbourne 2002
---o0o---

Chương 21 

(Trang 187 - 196.)

Thực hành Phật giáo Bắc truyền (Ðại thừa)

Mahayana Buddhism in Practice.

~~~~~~~

Trang 187. Chúng ta đã tìm hiểu các nguồn gốc của truyền thống Bắc truyền (Ðại thừa) và ba kinh điển tiêu biểu thuộc thời kỳ thành hình các văn chương kinh điển quan trọng. Chúng ta cũng đã khảo cứu sự phát triển tư tưởng luận bình của Bắc truyền, đã tìm hiểu học thuyết chủ nghĩa lý không, đã tìm hiểu sự quan trọng chính yếu cái tâm của Phật thừa, và nhờ vậy biết được các triết lý của phái Trung đạo và Duy thức học như thế nào. Cuối cùng, chúng ta đã thảo luận sự phát triển hợp nhất của triết lý Ðại thừa. Sau khi làm tất cả chuyện này, điều quan trọng là phải dành thời gian thực hành tu tập nó. Bắc truyền Ðại thừa không chỉ là nền triết học và tâm lý học được phát triển siêu việt và sâu xa, mà nó còn là một chiếc xe chuyên chở năng động cho sự hoàn thành Phật tánh. Mặc dầu việc phát triển tôn giáo và triết học có thể là xương sống của nó, Phật giáo Bắc truyền vẫn là một con đường rất hấp dẫn và tươi sáng cho nhiều người thuộc các văn hóa khác nhau khắp Á châu và trong một số vùng của Tây phương.

Người ta nói rằng Phật giáo Bắc truyền bắt đầu với sự đánh thức tư tưởng giác ngộ (tâm bồ đề, bodichitta). Ngay việc đánh thức này cũng có một số điều kiện tiên quyết cần phải được gieo trồng nếu ta muốn khởi bước trên đường đi đến Phật quả. Xét được như thế thì ta sẽ thấy rõ ràng là Bắc truyền Ðại thừa không phải là con đường khác với hay đứng riêng với con đường Phật thừa. Thực ra nó là sự đề cao con đường Phật thừa.

Một trong những điều tu tập đầu tiên là vun trồng đức tin hay tự tin: xin gọi chung là lòng tin tưởng. Giống như một hạt giống, lòng tin tưởng có trước tất cả các sự vật. Lòng tin tưởng giống như một gia tài bởi vì khi cần người ta có thể đến với nó; nó cũng giống như đôi tay và đôi chân bởi vì nó là một phương tiện để đạt được những gì ta muốn. Vì thế vun trồng lòng tin tưởng là sự bắt đầu thực tập theo con đường Bắc truyền Ðại thừa. Tại sao nói lòng tin tưởng. Tôi chia lòng tin tưởng thành 3 cấp: 1. lòng tin thuần túy (tín): biết giá trị rõ ràng phẩm chất của Ðức Phật, Pháp giới và Tăng già; 2. lòng tin có nguyện vọng (nguyện): sau khi biết giá trị rõ ràng phẩm chất của Tam Bảo, liền có nguyện vọng để hoàn thành các đức tính thiện lành, và 3. lòng tin có sự tự tin: có tín - nguyện - hạnh vững chắc, lòng tin của ta dần dần trở nên không bị lay chuyễn. Qua 3 cấp độ của lòng tin tưởng trên, ta sẽ phát triển các tiến bộ và kết quả đến độ không thể đảo ngược được.

Trang 188. Ðức tin đi kèm với việc tìm sự trú ẩn, nương tựa, qui y. Con đường đến giác ngộ và Phật quả là con đường dài, trên đó các chướng ngại thì nhiều và những thiếu sót của từng người thì vô số. Vì vậy, thật cần thiết là phải có sự hỗ trợ và một ảnh hưởng chắc chắn, đều đặn. Sự giúp đỡ này được cung cấp bởi việc thực tập tìm nơi nương tựa, qui y. Muốn vậy, ta cần có sự hướng dẫn, một con đường đạo, một cộng đồng, tất cả sẽ đóng góp vào tiến bộ của chúng ta trên con đường đó.

Vun trồng lòng tin và tìm nơi nương tựa, qui y, theo sau bởi việc quán sát sự quí giá khi được thành hình dạng người, có nghĩa là, những trường hợp hiếm quí khi sanh ra làm người (nhân thân nan đắc) và cơ hội thực hành giáo pháp (phật pháp nan văn). Bồ tát Long Thọ đã nói rằng, người nào dùng chén bằng vàng để đựng đồ nôn mửa và nước dãi thì rõ ràng là người điên; người nào dùng cái hình hài quí giá của mình để hành động bất thiện cũng điên khùng giống như vậy. Nếu chúng ta xét đến các nguyên nhân của việc được sanh ra làm người, sự hiếm quí của nó, cái khó khăn có được cơ hội để có thể thực hành giáo pháp, thì chắc chắn, sau khi bảo đảm được các điều kiện đó, chúng ta phải gấp rút mà lo tu học kẻo không kịp. Ðể giúp ta làm được như thế và để nắm lấy tất cả các lối tu học, vun bón cho việc đạt được Phật quả, hãy quán sát sự hiếm quí của việc làm người và các duyên sinh tạo điều kiện cho ta thực hành giáo pháp.

Trang 189. Thiền quán về sự chết và vô thường là một lối tự động viên để tu học; nó cũng là chìa khóa cho sự hiểu biết sự thật sau cùng (chơn đế). Vun trồng đức (tự) tin và trở về nương tựa hay qui y, bổ túc cho nhau như thế nào, thì khi quán tưởng sự hiếm quí được làm người và thiền định về sự chết về vô thường cũng bổ sung cho nhau như thế ấy.

Các đề tài quán tưởng này được theo sau bởi sự khảo sát tận tường về ‘khổ đế’ của chúng sanh trong 6 cõi, lần lượt được theo sau bởi sự quán tưởng về luật nhân quả.

Trang 189. Khởi đầu tu tập có nghĩa là chuyển biến thái độ của mình để sẵn sàng theo con đường Bắc truyền. Nó có hai mặt: 1. lòng nhiệt thành để đạt được mục tiêu thăng hoa tức mục tiêu Phật quả; 2. tháo gở hay từ bỏ tất cả sự ràng buộc, chấp thủ các sự vật cuộc đời này và vòng luân hồi nói chung. Với điểm này, Bình Thiên (tức Thái tử Sàntideva, người vùng Sri Nagara, Nam Ấn, con vua Surastra, sống vào khoảng thế kỷ thứ 7) nói trong quyển Con đường Bồ tát (Bodhicharyavatara): ‘Ta sẵn sàng đẩy lui sự vướng mắc thế gian giống như một người tằng hắng rồi nhỗ nước dãi bỏ đi vậy’.

Con đường Bắc truyền Ðại thừa chỉ bắt đầu khi sự tháo gỡ khỏi thế gian được thực hiện với sự vững tin. Nếu xem Bắc truyền Ðại thừa có tính cách trần tục, vật chất hơn Nam truyền Tiểu thừa thì đây là điều sai lầm. Khi sự từ bỏ được thực hiện, thế là ta bắt đầu vào con đường ấy rồi. Ðây là sự đánh thức tư tưởng giác ngộ được tất cả vị thầy Bắc truyền đồng ngợi khen. Rồi chúng ta sẽ thấy, sự đánh thức được tư tưởng giác ngộ ( hay tâm bồ đề= bodichitta) cũng là sự chấm dứt con đường Ðại thừa.

Tâm bồ đề (tư tưởng giác ngộ) được đánh thức qua sự vun trồng lòng đại từ và đại bi. Ðó là lòng vị tha, muốn tất cả giống vật hữu tình được hạnh phúc và không còn bị đau khổ. Từ và bi theo sau sự hiểu biết tính bình đẳng của tất cả giống hữu tình. Ý thức về sự bình đẳng của chúng sanh là sự sống đại đồng của Bắc truyền Ðại thừa và của Phật giáo nói chung. Mỗi một sinh vật đều đồng nhau trong việc muốn hạnh phúc và sợ đau khổ.

Trang 190. Sự hiểu biết về tính bình đẳng của tất cả các sinh vật không chỉ là điều căn bản của đạo đức Phật giáo mà nó cũng là căn bản của đại từ, đại bi và của bồ đề tâm (bodichitta). Ðó là cái quyết tâm đạt được Phật quả vì lợi ích cho tất cả sinh vật. Chúng ta vun trồng lòng đại từ và đại bi bằng cách quán tưởng đến sự bình đẳng của tất cả giống hữu tình. Chúng ta mở rộng lòng từ bi này bằng cách quán sát các sự liên hệ, nối chúng ta với tất cả mạng sống khác.

Chúng ta nên nhớ rằng, lúc này hay lúc khác tất cả các vật hữu hình là những bà mẹ hiền đối với chúng ta. Nếu chúng ta nhớ đến tình thương của hiền mẫu thì chúng ta cũng phải nhớ cái nợ với người. Sẽ không là điều đúng khi bạn để người mẹ của bạn tiếp tục đau khổ. Cũng không là điều đúng khi tất cả các giống hữu tình, lúc này hay lúc khác là những người mẹ hiền, lại bị tiếp tục đau khổ trong luân hồi. Chính với ý nghĩa này mà cái mong muốn cho tất cả được hạnh phúc và không còn đau khổ là cái mong muốn đạt được Phật quả: mong muốn cho tất cả chúng sinh được hạnh phúc và hết đau khổ, ta không thể nào làm gì được cho họ hơn là tự tu tập đắc quả.

Không ai ngoài một đức Phật hoàn toàn giác ngộ có thể bảo đảm được mục tiêu hạnh phúc vĩnh cửu và không còn đau khổ cho tất cả chúng sinh. Dù chúng ta cố gắng bao nhiêu, có lòng đại từ, đại bi bao nhiêu nhưng nếu không hoàn thành được giác ngộ ba la mật, chúng ta sẽ không thể có được hạnh phúc chơn thực. Sự nhận ra tính bình đẳng của tất cả sinh vật; nhận ra món nợ với những bà mẹ hiền, lúc này hay lúc khác, của chúng ta; lòng mong muốn tất cả được hạnh phúc và không còn đau khổ; nhận ra việc chưa có khả năng ngay bây giờ để hoàn thành mục tiêu--tất cả những điều này dẫn đến việc đánh thức tâm bồ đề hay tư tưởng giác ngộ, đó là, sự quyết tâm đạt được Phật quả vì tất cả chúng sanh.

Trang 191. Chính lúc tỉnh thức giác ngộ (tâm bồ đề) này mà nó chuyển biến một người bất hạnh khốn khổ sống trong tù ngục thành một đệ tử của Phật. Tâm bồ đề (bodichitta) này được chia thành 2 loại: 1. tư tưởng giác ngộ qui ước hay giả lập và 2. ý thức giác ngộ vĩnh cửu. Tư tưởng giác ngộ giả lập là sự quyết định hay quyết tâm đạt Phật quả vì ích lợi chúng sinh. Với tư tưởng giác ngộ qui ước đó, chúng ta vẫn nhận thức được các đối đãi chủ thể - đối tượng, luân hồi - niết bàn, vô minh - giác ngộ. Vì lòng quyết tâm đắc quả được căn cứ vào những ý niệm đối đãi nên nó được gọi là ‘qui ước, giả lập’. Còn ý thức giác ngộ vĩnh cửu, mà ta có thể gọi là ‘tâm Phật’, là một tình trạng mà các đối đãi không còn ý nghĩa gì cả.

Chúng ta hãy bàn thêm chút nữa về tư tưởng giác ngộ giả lập và các phương tiện chuyển biến nó thành tâm thức giác ngộ vĩnh cửu. Tư tưởng giác ngộ giả lập hay qui ước tự chia ra thành 2 loại: 1. tư tưởng giác ngộ ước nguyện, và 2. tư tưởng giác ngộ thực hiện. Cái trước là ước nguyện hoàn thành giác ngộ, vì tất cả giống hữu tình, tương tự với quyết định viễn du qua một miền khác. Cái sau là phần thực hiện các phương tiện hoàn thành Phật quả, tương tự với việc thực hiện hành trình cho chuyến viễn du đó.

Tư tưởng giác ngộ thực hiện kéo theo việc tu tập Lục Ðộ: Bố thí, Trì giới , Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định và Trí tuệ. Chính việc tu tập Lục Ðộ chuyển biến tư tưởng giác ngộ qui ước, giả lập (tiểu ngộ) thành tâm Phật (đại ngộ).

Trang 192. Ðiều quan trọng là phải nhớ vai trò đặc biệt của Thiền định và Trí tuệ trong việc tu tập Lục Ðộ. Các Ðại sư Bắc truyền từ Long Thọ ở Ấn độ đến Huệ Năng ở Trung hoa đã nhấn mạnh rằng, Thiền định phải có Trí tuệ và Trí tuệ là phải do Thiền định. Ðiều này có nghĩa là, đối với các Phật tử, tâm đã định mà chưa thấy đúng là một sự chưa hoàn tất rốt ráo. Chỉ khi nào định theo sau với huệ thì định ấy mới thực sự cho ta tâm tự tại. Có thể nói tâm chưa định thì chưa có trí tuệ bát nhã.

Trí tuệ là ngôi vương của Lục Ðộ. Chính Trí tuệ Bát Nhã Ba la mật (Trí tuệ Toàn hảo), tức sự hiểu biết và chứng đắc ‘tánh không’ đã chuyển hoá sự tu tập bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định thành trí tuệ bát nhã. Chúng giúp ta vượt quá giới hạn hiểu biết thế gian. Không có trí tuệ bát nhã, năm chi tu tập kia sẽ không là ‘bát nhã’. Người ta đã nói rằng trí tuệ bát nhã giống như việc nung bình đất sét: nếu không nung, cái ‘bình’ của năm chi bát nhã kia sẽ dễ vỡ. Cũng cùng như vậy, nếu một Bồ tát không tu tập trí tuệ bát nhã, vị ấy có thể dễ dàng bị mất tỉnh giác. Người ta cũng so sánh cả năm chi bát nhã kia giống như người mù, không bao giờ tự mình đến đích nếu không có sự giúp đỡ của người hướng dẫn thấy đường đi. Cũng như vậy, nếu không có trí tuệ bát nhã, năm chi đã tu tập kia không thể nào đạt đến mục tiêu Phật quả.

Tại sao vai trò trí tuệ bát nhã lại đặc biệt trong Lục Ðộ? Chính với ánh sáng của trí tuệ bát nhã mà ta thấy được tánh không của chủ thể, đối tượng và hành động của năm chi phần bát nhã kia. Ðây là ‘tam luân thanh tịnh’ (ba vòng nhẹ sạch) được nói đến trong kinh điển Ðại thừa: thanh tịnh (hay lý không) của chủ thể, đối tượng và hành động. Chẳng hạn, trong bố thí ba la mật (bát nhã), chính chủ thể của trí tuệ bát nhã giúp ta hiểu thấu lý không của người cho, lý không của người nhận và lý không của món quà.

Trang 193. Cũng như thế, trong trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn và thiền định bát nhã, chính nhờ sự hiểu biết trí tuệ bát nhã mà ta thấu rõ được lý không của chủ thể, đối tượng và hành động. Trong mỗi chi tu tập cũng vậy, chính sự hiểu biết trí tuệ bát nhã giúp ta hoàn thành bố thí bát nhã, trì giới bát nhã v..v...Chính trong bối cảnh này mà chúng ta biết được giá trị độc đáo của trí tuệ bát nhã ba la mật.

Chúng ta đã đạt được cái quả tâm thức giác ngộ vĩnh cửu, tức tâm ngộ nhập của một vị Phật, với sự hiểu biết rốt ráo của tánh không. Ðến đây ta có thể thắc mắc là liệu với cái tâm Phật đó có còn chỗ nào để cho ‘bi’ không, với ánh sáng ngộ nhập tánh không của chủ thể của bi, đối tượng của bi và hành động của bi. Câu trả lời là, ngay điểm này, tâm Phật đương nhiên có lòng thương xót tự phát với sự đau khổ của chúng sinh.

Chúng ta hãy xem thí dụ sau đây chứng minh sự tương hợp của trí và bi trong giai đoạn giác ngộ này. Giả thử bạn nằm mơ thấy đang bị kẹt trong một nhà đang bị cháy: bạn bị hiểm nguy, thống khổ. Giựt mình thức dậy bạn mới nhận ra rằng cái nguy khổ trong giấc mơ là không có thật. Giả thử đêm hôm sau, người cùng phòng hay vị hôn phối của bạn giẫy đập trên giường, la hoảng ‘nhà cháy, nhà cháy’ hoặc mớ thảng thốt gì đó. Thế thì bạn hiểu ngay là cái sợ sệt của người đó là vô căn cứ, là sợ ‘tiều’, sợ ‘quảng’ và bạn cũng biết ngay là người ấy đang đau khổ thực sự dù trong giấc mơ. Biết cái đau khổ đó là không thực nhưng trí của bạn tự động kèm theo lòng bi ngay chỉ vì mong muốn cứu khổ người kia.

Trang 194. Việc nằm mơ (nhập chung thần xác mình với thế giới ảo tưởng) và việc la hoảng (tự động liên kết mình với đau khổ không thật), cho ta thấy được nguyên tắc ‘Bốn Bát nhã thứ hai của Bậc Giác ngộ’ đó là: các phương tiện kỷ xảo, giải pháp, năng lực và giác biết: 1. các phương tiện thiện xảo bát nhã, giúp chư Phật, Bồ tát áp dụng vô số mưu chước kế hoạch hầu giúp chúng sinh giải thoát; 2. giải pháp bát nhã, giúp Chư Vị ấy hình thành các hoạt động áp dụng đặc biệt; 3. năng lực bát nhã, giúp Bậc Giác ngộ làm việc một cách tự phát và hiệu quả cho tha nhân được lợi lạc; và 4. kiến thức bát nhã, cung cấp tất cả kiến thức về nhân duyên và thái độ của chúng sinh cần thiết để giúp cho sự giải thoát của họ.

Bốn bát nhã thứ hai có thể được đặt tên là bát nhã vị tha. Ðó là sự hoàn mãn tự động và tự phát của Bậc Giác ngộ. Tất cả các hoạt động do tâm thức giác ngộ được diễn đạt qua các phương tiện, giải pháp, năng lực và kiến thức là phản ảnh tự phát của giác ngộ. Người ta nói rằng, giống như cái chuông gió tự phát đúng và chính xác các âm thanh lớn nhỏ tùy theo luồng gió mạnh nhẹ thổi vào nó; các bậc giác ngộ phản ứng tự phát đúng và chính xác tùy theo các giai đoạn tiến bộ nghiệp quả của chúng sanh với việc Chư Vị hoạt động tự động, không cần cố gắng, nhằm vào việc giải thoát tất cả.

Phật quả là giai đoạn kết thúc việc tu tập sáu bát nhã căn bản thứ nhứt. Kết quả tu tập Lục độ hoàn thành phước đức và trí huệ. Bố thí, trì giới và nhẫn nhục bát nhã tích lũy phước; thiền định, trí huệ bát nhã tích lũy huệ. Tinh tấn bát nhã cần thiết cho cả hai trường hợp trên. Phật quả có hai mặt: 1. sắc thân (rupakaya, form dimension), 2. pháp thân (dharmakaya, truth or transcendental dimension).

Trang 195. Sự tích lũy của phước qua việc tu tập bố thí, trì giới, nhẫn nhục bát nhã được biểu lộ trong sắc thân. Sự tích lũy của huệ qua việc tu tập thiền định và trí huệ được biểu lộ trong pháp thân. Vì thế, khi tu tập Lục độ, ta có thể thấy được các nguyên nhân hay hạt giống của việc thành một vị Phật. Với lối tu tập này, ta cũng có thể thấy các hạt giống của sắc thân và pháp thân của các chư Phật. Còn việc tu tập bốn bát nhã phụ thứ hai, chúng ta có thể thấy các hạt giống của các hoạt động của chư Bồ tát hướng về sự giải thoát các giống vật hữu tình.

Việc chia Phật quả thành hai mặt sắc thân và hoá thân cũng đồng dạng với việc phân loại Phật quả thành ba mặt: trần thế, thần thánh và siêu nhiên. Sắc thân được chia ra (i) thành phần trần thế, và (ii) thành phần thần thánh, nhưng pháp thân không chia được gì cả vì nó không thể nhận thấy được, không thể diễn tả được. Pháp thân ở trên danh và sắc. Còn sắc thân thì có vô số danh và sắc. Chúng ta có thể gọi bộ phận trần thế là hiện kiếp của Phật quả bởi vì nó có thể tiếp xúc được đối với tất cả chúng ta vào mọi lúc, bất kể mức độ phát triển tâm linh của ta đến đâu. Ngược lại, cái kích thước thần thánh hay tán thán chỉ được biểu lộ qua đối với các bậc đạo cao đức trọng.

Ba kích thước Phật quả này liên hợp nhau để giúp giải thoát các giống vật hữu tình tùy theo căn cơ của chúng. Kích thước trần thế được biểu hiện đặc biệt với sự xuất hiện của Phật Thích Ca Mâu Ni theo lịch sử ngày nay, với sự xuất hiện của các Chư Vị đã giác ngộ (những người bạn tâm linh) và những vật vô tri vô giác. Kích thước thần thánh được biểu hiện với sự xuất hiện của các chư Phật thần thánh từ cõi trời xuống như Phật A Di Ðà và Phật Bất Ðộng (Phật A Súc), các vị Bồ Tát Quán Thế Âm và Bồ tát Văn Thù Sư Lợi.

Trang 196. Tính chất ba chiều này của Phật quả phản ảnh sự hợp nhất về luân hồi và niết bàn, giác ngộ và vô minh, cái nhìn thanh tịnh và cái nhìn cấu uế về vũ trụ. Nó cũng phản ảnh cái tự do viên mãn của một vị Phật. Nó phản ảnh cái tự do ra khỏi vòng sanh và tử, tự do thực hành các ảnh hưởng của mình với vô số cách không nhận ra được cho sự giải thoát các giống hữu tình. Ðây là cái vĩ đại của ý niệm Phật quả Bắc truyền Ðại thừa và là cái vĩ đại của mục tiêu con đường Bắc truyền Ðại thừa.

---o0o---

Chương 20 | Mục lục | Chương 22 


| Mục lục tác giả | Tủ sách Phật Học |
---o0o---

Trình bày : Nhị Tường

Cập nhật : 01-03-2002


Webmaster:quangduc@quangduc.com

Trở về Thư Mục Phật Học

Đầu trang

 

Biên tập nội dung : Tỳ Kheo Thích Nguyên Tạng
Xin gởi bài mới và ý kiến đóng góp cho Trang Nhà qua địa chỉ : quangduc@quangduc.com
Địa chỉ gởi thư: Tu Viện Quảng Đức, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic. 3060. Tel: 61. 03. 9357 3544