Trang tiếng Việt

 Trang Nhà Quảng Đức

Trang tiếng Anh

Phật Học Cơ Bản


...... ... .

 

Lý sự viên dung

 Tâm Quang

 

Theo thông lệ hàng năm, ngoài đời thì làm Lễ Tất Niên, trong Đạo thì cử hành Lễ Tạ Pháp1, đó là dịp để các chúng Phổ Hiền2 1, 2, 3, 4 tỏ lòng thành kính tri ân Ngôi Tam Bảo, trên Đức Phật Thích Ca đã dấn thân vào nơi Ta-bà uế trược để hóa độ chúng sanh, cùng Chư Tổ đã lưu truyền Chánh Giáo cho đến ngày nay đàn hậu tấn chúng con được thấm nhuần. Lời Pháp nhũ Chư Phật Tổ truyền trao ví như ngọn hải đăng soi rõ bến bờ cho chúng sanh quy hướng giữa biển đời mênh mông chập chùng muôn ngọn sóng ái dục khổ não. Sau nữa chúng con xin tỏ tấc lòng tri ân Sư Trưởng đã không nề tuổi cao sức yếu thắp sáng tiếp đuốc Tuệ đèn Thiền để dẫn dắt chúng con xa lánh muôn nẽo đời trắc trở chông gai để đi trên con đường Phật ngay lành chơn chánh.

Nhơn buổi Trình Pháp hôm nay con xin được nêu lên một vài suy nghĩ thiển cận khi đọc bài thi “Lý Sự Viên Dung”. Đây là bài thi kết phần Dẫn Nhập bản Tọa Thiền Pháp Yếu trong quyển “Phương Pháp Thiền Định” do Sư Trưởng soạn thảo.

 

Lý Sự Viên Dung

Mỗi câu tràng hạt Phật là Tâm

Phật rõ là Tâm, luống phải tầm?

Bể Phật dung hòa Tâm lẫn Cảnh

Trời Tâm bình đẳng Phật cùng sanh

Bỏ Tâm theo Phật còn mơ mộng

Chấp Phật là Tâm chẳng trọn lành

Tâm Phật nguyên lai đều giả huyễn

Phật Tâm đồng diệt đến viên thành

 

Lý Sự Viên Dung

Hành giả mong học Đạo tu Chơn không chi bằng cần cầu bực Minh Sư chỉ giáo, bạn tốt dẫn đường, cùng sống cuộc đời đạo hạnh.

Tuy nhiên, căn cơ từng hành giả sai khác nhau nên Minh Sư phải tuỳ phương hóa độ, có khi dùng Lý Tánh để triễn khai Tâm Địa, có khi dùng Sự Tướng để hướng dẫn hạnh nghi, rốt cuộc viên thành sự lý tánh tướng, như tựa đề bài thi đã nêu rõ LÝ SỰ VIÊN DUNG.

Như Kinh nói: Phật khiến chúng sanh xây dựng già lam, đúc tạc hình tượng, đốt hương rắc hoa, chong đèn sáng mãi, đêm ngày sáu cử, nhiễu tháp hành Đạo, lễ bái chay lạt, đủ các công đức mới thành Phật Đạo.

Hành sự là như thế, còn tỏ lý ẩn sâu như thế nào?

·         Già-lam chỉ chùa chiền ấy là tiếng Phạn, dịch là Thanh Tịnh Địa, tức là đất trong sạch. Nếu vĩnh viễn trừ Ba Độc, tịnh Sáu Căn, thân tâm vắng không, trong ngoài ngưng lặng, đó gọi là xây dựng Già-lam.

·         Nói đúc tạc hình tượng là chúng sanh cầu Phật Đạo, tu các Giác hạnh, phỏng theo Chân dung Diệu tướng của Như Lai, lấy thân mình làm lò, lấy Pháp làm lửa, lấy Trí Huệ làm tay thợ khéo, lấy Ba Giới tu tịnh, Sáu Ba-la-mật làm khuôn phép, nấu chảy và rèn đúc chất CHÂN NHƯ PHẬT TÁNH ở thân tâm mình.

·         Đốt hương là hương Giới, hương Định, hương Huệ, hương Giải Thoát, hương Giải Thoát Tri Kiến, đó là hương tối thượng của Pháp vô vi, khiến cho nghiệp dữ vô minh thảy đều tiêu mất.

·         Rắc hoa là diễn nói Chánh Pháp, gây lợi ích cho hữu tình, gieo rắc thấm nhuần tất cả, tự nơi Tánh Chân Như bố thí khắp cùng khiến cho tất cả trang nghiêm. Hoa công đức này không bao giờ héo rụng, rốt ráo là thường trụ.

·         Chong đèn sáng mãi là Tâm Chánh Giác vậy. Sức sáng tỏ của Tánh Giác dụ như ngọn đèn. Người cầu Đạo Giải Thoát lấy thân làm thân đèn, lấy Tâm làm tim đèn, lấy Giới hạnh làm dầu đốt đèn. Trí Huệ sáng tỏ dụ như ngọn đèn thường cháy. Đó là đèn Chánh Giác chiếu phá tất cả mờ tối si mê, có thể dùng pháp luân ấy trao truyền mở sáng cho nhau.

·         Sáu giờ hành Đạo là nói tự nơi sáu căn bất cứ lúc nào cũng đi con đường Phật, cũng tu các Giác hạnh, cũng ngăn phòng sáu căn, không lúc nào buông, đó là sáu giờ hành Đạo.

·         Về nhiễu tháp hành Đạo thì tháp tức là thân vậy. Cần tu giác hạnh, xét quanh thân tâm, niệm niệm chẳng dừng, đó gọi là nhiễu tháp, tức đi quanh tháp vậy.

·         Còn nói về trì trai, trai là chay, tức nói TỀ, là sắp xếp thân tâm cho thẳng. Trì là giữ, tức nói HỘ là giúp vậy. Ở nơi giới hạnh, cứ theo pháp mà hộ trì, nhất định ngoài cấm sáu tình, trong ngăn ba độc, siêng năng tỉnh xét, thân tâm thanh tịnh. Hiểu như vậy gọi là chay lạt.

Ăn cũng có năm thứ ăn:

o        Pháp hỷ thực là y giữ Chánh Pháp, vui mừng vâng làm.

o        Thiền duyệt thực là trong ngoài lọc sạch, thân tâm vui đẹp.

o        Niệm thực là thường niệm chư Phật, tâm và miệng hợp nhau.

o        Nguyện thực là đi đứng ngồi nằm đều phát nguyện lành.

o        Giải thoát thực là tâm thường thanh tịnh.

Ăn năm món ăn ấy gọi là giữ giới chay lạt.

·         Lễ bái ấy, Lễ tức nói Kính, nghĩa là coi nặng. Bái tức nói Phục, nghĩa là cúi xuống. Lễ bái là cung kính Chơn Tánh, khuất phục Vô Minh.

Cho nên, tu học các Pháp, trong là Lý phải sáng tỏ, ngoài là Sự biết quyền nghi mới là Y Pháp.

Trên đây đã lý giải lời tựa Lý Sự Viên Dung.

Mỗi câu tràng hạt Phật là Tâm

Trong câu Phá, “Mỗi câu tràng hạt Phật là Tâm”, ý nói niệm Phật cốt cần niệm Chánh.

Nói Phật là nói Giác, tức tỉnh biết để thấy rõ thân tâm vậy. Nói niệm là nói Ức, tức gìn nhớ giữ giới hạnh, chẳng quên tinh tiến vậy. Cho nên niệm cốt ở Tâm, chẳng ở lời nói.

Nếu Tâm không thực, thì miệng tụng tiếng suông, ba độc chất chồng, nhân ngã chèn lấp.

Đem Tâm vô minh hướng ngoài cầu Phật nhọc sức ích gì.

Niệm theo Tâm mà khởi, đó là Giác hạnh.

Tâm là nguồn của mọi pháp lành.

Tâm là chủ của muôn công đức.

Niết-bàn thường vui do Tâm mà ra

Ba cõi lăn lóc cũng theo Tâm mà dậy

Tâm là cửa, là ngõ của Đạo xuất thế

Tâm là bến, là ải của Đạo giải thoát

Cửa ngõ đã biết, há lo khó vào?

Bến ải đã rõ, há ngại chẳng thông?

Cho nên nhiếp tâm được thì trong chiếu soi, giác quán được thì ngoài tỏ sáng.

Phật rõ là Tâm, luống phải tầm?

Đó là ý trong câu Thừa “Phật rõ là Tâm, luống phải tầm?”

Tâm là gốc của muôn pháp. Tất cả các pháp duy một Tâm sanh. Nếu hiểu được Tâm ắt muôn pháp sẵn đủ trong đó, cũng ví như cây lớn có đủ thứ cành nhánh trái bông, nhưng tất cả đều do một gốc sinh ra, nếu chặt gốc ắt cây chết.

Có bài kệ:

Ta vốn cầu Tâm, Tâm tự trì

Cầu Tâm chớ khá đợi Tâm tri

Tánh Phật ngoài Tâm không chứng được

Tâm sanh thì tội phát liền khi

Lại có bài kệ:

Ta vốn cầu Tâm, chẳng cầu Phật

Rõ ra ba cõi không một vật

Ví muốn cầu Phật thà cầu Tâm

Chỉ Tâm, Tâm ấy tức là Phật

Nói về hai câu Thực:

Bể Phật dung hòa Tâm lẫn Cảnh

Trời Tâm bình đẳng Phật cùng sanh

Tâm và Cảnh đối nhau, cái Thấy phát sanh từ cái thế đối đãi ấy. Nếu trong chẳng khởi Tâm thì ngoài chẳng sanh Cảnh. Cho nên Tâm và Cảnh có lắng hết cả hai thì mới gọi là Chân Kiến và cái Hiểu trong lúc ấy mới gọi là Chánh Kiến.

Thể của Tâm tức là Pháp giới vậy.

Đứng trước vật, người nào đạt thẳng biết suốt đến căn nguyên, tức người ấy mở thông mắt Tuệ.

Đối vật mà không dấy lên cái Thấy mới là đạt Đạo.

Đối Tâm mà Không Tâm mới là thông đạt Đạo Phật.

Chẳng thấy gì hết gọi là Thấy Đạo.

Chẳng làm gì hết gọi là Làm Đạo.

Cho nên bất cứ đâu đâu cũng như không đâu, bất cứ làm gì cũng như không làm, đó tức là Thấy Phật. Bằng như thấy tướng, nhớ tướng, rồi phân biệt, tức chịu mọi cảnh khổ, hiện trước mắt tướng sanh tử.

Không tưởng nhớ phân biệt là thấy Tánh, Pháp giới, tức Tánh Niết-bàn.

Tâm chẳng phải Sắc nên chẳng phải Có

Dùng mấy vẫn không hết nên chẳng phải Không

Dùng mà vẫn thường Không nên chẳng phải Có

Không mà vẫn dùng hoài nên chẳng phải Không

Cho nên nói:

Tâm Tâm Tâm

Khó nỗi tầm

Tung ra bao trùm pháp giới

Thâu lại chẳng đầy mũi kim

Qua hai câu Luận:

Bỏ Tâm theo Phật còn mơ mộng

Chấp Phật là Tâm chẳng trọn lành

Phật là tự Tâm tạo nên. Phật ở trong Tâm như trầm hương ở trong cây. Phiền não nếu hết thì Phật theo Tâm ra. Vỏ mục nếu hết thì hương theo cây ra. Mới biết ngoài cây không có hương, ngoài Tâm không có Phật.

Trừ Tâm ấy ra quyết không có Phật nào khác chứng được. Lìa Tâm ấy ra mà tìm Bồ Đề Niết-bàn, không đâu có được. Tự Tâm là Bồ Đề, Tự Tâm là Niết-bàn. Sao lại lìa Tâm ấy mà tìm Phật? Cho nên Phật trước Phật sau chỉ nói đến Tâm.

Tâm tức là Phật

Phật tức là Tâm

Ngoài Tâm không Phật

Ngoài Phật không Tâm

Cho nên

Lià Tâm không Phật

Lìa Phật không Tâm

Lìa Tâm không Phật chẳng phải xa lìa cái Tâm, mà chỉ khiến đừng chấp vào hình tướng của Tâm. Kinh nói: Không thấy tướng gọi là thấy Phật. Phàm là Đạo phải lấy sự tịch diệt làm thể, còn Tu lấy sự lìa tướng làm tông. Không thấy tướng tức là lìa hình tướng của Tâm vậy.

Lìa Phật không Tâm là nói Phật từ Tâm ra. Tâm có thể sanh Phật nên Phật theo Tâm mà sanh, nhưng Phật chưa hề sanh ra Tâm bao giờ. Cũng như cá sanh ở nước, nhưng nước không thể sanh ở cá.

Cho nên muốn xem cá, cá chưa thấy mà trước đã thấy nước. Cũng vậy, muốn xem Phật, Phật chưa thấy mà trước hết đã thấy Tâm. Nhưng đã thấy Phật rồi cần quên Tâm. Nếu không quên được Tâm thì sẽ vì Tâm mà lầm nữa.

Ý này được giải rõ trong hai câu Kết:

Tâm Phật nguyên lai đều giả huyễn

Phật Tâm đồng diệt đến viên thành

Biết Tâm vốn là Không, đó gọi là thấy Phật.

Ngài Huệ Khả nói:

Ba thuở cầu Tâm, Tâm chẳng có

Tấc lòng kiếm vọng, vọng hoàn không

Vọng nguyên không xứ tức Bồ Đề

Đó mới gọi là Chơn Đắc Đạo

Xả Tâm không nuối tiếc gọi là Đại Bố Thí. Lìa hết động và định gọi là Đại Tọa Thiền. Kẻ phàm mỗi mỗi đều hướng về động. Hàng Tiểu thừa mỗi mỗi đều hướng về định. Vượt lên cả hai cái lầm hiếu động của phàm phu và hiếu định ngồi Thiền của Tiểu thừa mới gọi là Đại Tọa Thiền.

Nếu có được sức lãnh hội ấy thì chẳng cần lìa tướng mà tướng tự cởi bỏ, chẳng cần trị bịnh mà bịnh tự trừ, ấy là định lực của phép Đại Thiền.

Nói đến Xả Tâm, nếu biết Tâm chỉ là một tiếng gọi suông, không thực thể, tức biết cái Tâm tự tịch ấy chẳng phải Có mà cũng chẳng phải Không. Phàm phu mỗi mỗi đều có xu hướng sanh Tâm nên gọi là Có. Hàng Tiểu thừa mỗi mỗi đều có xu hướng diệt Tâm nên gọi là Không. Hàng Bồ-tát và Phật chưa từng sanh Tâm, chưa từng diệt Tâm, nên gọi là chẳng phải có Tâm, chẳng phải không Tâm.

Cái Tâm chẳng có chẳng không ấy gọi là Trung Đạo.

Bởi vậy đem Tâm học Pháp thì Tâm Pháp thảy đều mê. Chẳng đem Tâm học Pháp ắt Tâm Pháp thảy đều ngộ. Nhưng không chấp có Tâm mê ngộ mới gọi là Chánh Giác Chánh Kiến.

Lấy Tâm làm Không thì hiểu cùng chẳng hiểu đều là Chân cả. Chấp Tâm là Có thì hiểu cùng chẳng hiểu đều là Vọng cả.

Cho nên bực Thánh cũng chẳng đem Tâm cầu Pháp, cũng chẳng đem Pháp cầu Tâm, cũng chẳng đem Tâm cầu Tâm, cũng chẳng đem Pháp cầu Pháp.

Vì thế Tâm chẳng sanh Pháp, Pháp chẳng sanh Tâm, Tâm và Pháp đều tịch tịnh nên lúc nào cũng ở trong Định.

Tâm của chúng sanh sanh ắt Pháp Phật diệt.

Tâm của chúng sanh diệt ắt Pháp Phật sanh.

Tâm sanh ắt Chân Pháp diệt.

Tâm diệt ắt Chân Pháp sanh.

Nếu đem Tâm sanh Tâm, thì tâm tâm chẳng tịnh, niệm niệm hướng động, vào đủ địa ngục, qua đủ địa ngục.

Nếu không đem Tâm sanh Tâm thì tâm tâm quay về Không, niệm niệm trở về tịnh, vào đủ nước Phật, đến đủ nước Phật.

Nếu một thoáng Tâm dấy lên, ắt có thiện ác hai nghiệp, có thiên đường địa ngục.

Nếu một thoáng Tâm không dấy lên, ắt không thiện ác hai nghiệp, cũng không thiên đường địa ngục.

Khi mê thì cần phải có Phật có Pháp

Mà ngộ rồi thì không Phật không Pháp

Vì sao không Phật không Pháp?

Hành giả phải có huệ trí để thấu tỏ Phật không ở gần ta, cũng không ở xa ta, mà Phật ở ngay trong Tâm ta, cũng là ở khắp vũ trụ bao la cho đến cành cây ngọn cỏ cũng là có Phật. Đây là nói về Pháp thân Phật rộng lớn vô biên và trùm khắp tất cả muôn loài vạn vật vậy.

Phật thị nhàn nhân

Phật bất thị Phật

Mạc tác Phật giải

Phật là cái toàn thể, không thể chia chẻ. Nếu làm Phật giải Phật, tức chia chẻ Phật, ắt mắc bịnh phân tâm. Bằng hòa đồng với nguyên khối, thì tánh tức là tướng, bổn thể tức là hiện tượng, tâm tức là động, động tức là dụng. Không gì chẳng là Đạo, không gì chẳng là Phật. Tất cả đều rỗng rang, đều tự tại, đều không phàm thánh gì hết: “quách nhiên vô Thánh”.

Cho nên suốt ngày thấy mà vẫn chưa từng thấy, suốt ngày nghe mà vẫn chưa từng nghe, suốt ngày cảm mà vẫn chưa từng cảm, suốt ngày biết mà vẫn chưa từng biết, suốt ngày đi, ngồi mà vẫn chưa từng đi, ngồi, suốt ngày hờn, vui mà vẫn chưa từng hờn, vui.

Bởi động mà không có sở động, thấy nghe cảm biết vốn tự viên tịch, nên như thế là tự tại, là vô tác.

Sáng rõ Phật là Tâm, thấy tánh tức là Phật, đó là chỗ yếu lý của Phật Pháp.

Để kết luận, con xin nêu lên bài kệ của Tổ Đạt-Ma:

Diệc bất đổ ác nhi sanh hiềm

Diệc bất quán thiện nhi cần thố

Diệc bất xả trí nhi cận ngu

Diệc bất phao mê nhi tựu ngộ

Đạt Đại Đạo hề quá lượng

Thông Phật Tâm hề xuất độ

Bất dữ phàm Thánh đồng triền

Siêu nhiên danh chi viết Tổ

Dịch là:

Cũng đừng thấy dữ mà sanh ghét

Cũng đừng ham lành mà ái mộ

Cũng đừng bỏ trí mà gần ngu

Cũng đừng vứt mê mà cầu ngộ

Được vậy thì:

Đến Đại Đạo to vô lượng

Thông Phật Tâm muôn cứu độ

Chẳng ước Thánh phàm sánh vai

Vượt trên đối đãi gọi là Tổ.

Trước thềm năm mới, con xin nguyện cầu hồng ân Tam Bảo gia hộ Sư Trưởng pháp thể khinh an, Huệ đăng phổ chiếu, Chư Đại Đức Ni và quý Chư Ni thân tâm an lạc, phước hải trang nghiêm, quý bác và quý huynh đệ Bồ Đề Tâm kiên cố, tứ đại điều hòa.

Nam mô Đương Lai Hạ Sanh Di Lặc Tôn Phật,

Nam mô A Di Đà Phật.

1 Chương trình Lễ Tạ Pháp 19 tháng Chạp năm Bính Dần (18/01/1987):

7:30 Chư Phật tử tề tựu

8:00 Lễ Phật Tổ nơi Chánh Điện

Lễ tác bạch của Đoàn Bát Quan Trai và Chúng Phổ Hiền

9:00 Phần Trình Pháp

1.      Diệu Định A Quan niệm của người Phật tử trong sự tu học.

Hợp ca Tình Sư đệ

2.      Tâm Quý Pháp cúng dường Tam Bảo

Song ca Em vui ngày Tết

3.      Tâm An Yếu điểm của tu chứng Bát-Nhã

Hoạt cảnh Em tập làm việc thiện

4.      Diệu Hương B Quan Âm Diệu Thiện và Quan Âm Thị Kính

Đơn ca Tiếng Suối

5.      Tâm Quang Lý Sự Viên Dung

Múa Khát vọng mùa xuân

6.      Diệu Mẫn Kể chuyện niệm Phật được vãng sanh

Đơn ca Một ngày nào đó

7.      Diệu Thông Cảnh giới vô thường

8.      Nhựt Trí Câu chuyện Sư tử trọng Pháp

9.      Tâm Thông Duy Thức Cảnh - Hạnh - Quả

Múa Vui xuân

Phát biểu cảm tưởng của Phật tử chùa Giác Tâm

Kịch Vàng hay rắn?

11:00 Bế mạc

Tiệc trà đạo vị

 

2 Sư Trưởng Huê Lâm lập các chúng Phổ Hiền để nêu cao tinh thần học Đạo giải thoát và phát triễn hai phương diện trí huệ và đạo đức.

·         Chúng Phổ Hiền 1 gồm quý bác trong đoàn Bát Quan Trai, khi xưng hô dùng pháp danh chữ Diệu theo quy định của Giáo Hội: Diệu - Huệ - Như.

·         Chúng Phổ Hiền 2 gồm các thanh thiếu nữ từ 17 tuổi trở lên và được Sư Trưởng đặt pháp tự bắt đầu bằng chữ Tâm. Chúng Phổ Hiền 2 vừa thọ Bát theo đoàn Bát Quan Trai, vừa tu học Giáo Lý, vừa sinh hoạt chung với các em chúng Phổ Hiền 3 và 4.

·         Chúng Phổ Hiền 3 gồm các em thiếu nhi từ 7 - 16 tuổi, và chúng Phổ Hiền 4 gồm các em nhỏ hơn 7 tuổi, được gọi bằng pháp danh chữ Nhựt theo bài kệ truyền thừa: Minh Như Hồng Nhựt Lệ Trung Thiên.

 

 

 

---o0o---

Trình bày: Phổ Trí

Cập nhật: 01-02-2007

 


Webmaster:quangduc@quangduc.com

Trở về Thư Mục Phật Học

Đầu trang

 

Biên tập nội dung: Tỳ Kheo Thích Nguyên Tạng
Xin gởi bài mới và ý kiến đóng góp cho Trang Nhà qua địa chỉ: quangduc@tpg.com.au
Địa chỉ gởi thư: Tu Viện Quảng Đức, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic. 3060. Tel: 61. 03. 9357 3544