Tiếng Việt

Trang nhà Quảng Đức

   Tiếng Anh 

qd.jpg (8936 bytes)

Vu Lan Báo Hiếu


...... ... .


 Đạo hiếu Phật giáo qua
Kinh Đại Phương Tiện Phật Báo Ân


Thích Tâm Trí

---o0o---


Tổng luận

Đây là bộ kinh thuộc hệ Đại Thừa, đặc trưng của Đại Thừa là không quá chú trọng vào việc chấp chặc kinh điển nguyên thỉ để một mực khư khư giữ lấy nguyên thỉ, mà không hề có sự tự lập, hay sáng tạo nào mới. Như vậy dễ khiến cho giáo lý Phật, đúng hơn là tinh thần Phật giáo càng lúc càng thiếu sinh động và dễ trở nên khô cứng.

Do đó, từ khi có sự phân chia Bộ chúng, khoảng 500-600 năm sau Phật niết bàn, Đại chúng Bộ về sau gọi là Đại Thừa một mặt kế thừa và hoằng dương giáo lý căn bản của Đức Phật, mặt khác năng động trong tinh thần đoạn mê khai ngộ _ nhị không chân như _ nhằm giúp mọi người tiến thẳng đến giác ngộ bằng cách lập căn trên giáo lý nguyên thỉ của Đức Phật mà thêm vào sự kiến giải của mình qua sự tu chứng của bản thân, làm cho giáo lý Phật thêm phần sinh động và khế hợp với căn cơ con người; đồng thời mở ra một biển đại giác mênh mông giải quyết tận gốc mọi nhu cầu hiếu tri về chân như và giác ngộ.

Điểm đặc trưng và nổi bật của Đại Thừa giáo là lý tưởng Bồ tát: Độ cho hết chúng sanh, Bồ tát mới hoàn thành sứ mệnh. Còn một chúng sanh bị đọa vào địa ngục, Bồ tát thề quyết không thành Phật. (chúng sanh độ tận phương chứng bồ đề, địa ngục vị không thệ bất thành Phật). Lý tưởng Bồ tát trên thực tế về mặt xã hội dường như khó trở thành hiện thực; nhưng trên bình diện cá nhân, lý tưởng Bồ tát gây phấn khích tâm lý và thôi thúc con người hướng đến sự hoàn thiện nhân cách một cách toàn bích ở mỗi một cá nhân cụ thể. Xã hội ngày nay tuy văn minh tiến bộ, nhưng sự sống của con người vẫn cứ bất ổn. Sự bất ổn một phần đến từ thiên tai như: động đất, bão, lụt, hỏa hoạn..vv… một phần lại đến từ con người như: chiến tranh, dùng vũ lực khai thác thuộc địa, dùng tài lực, trí lực bóc lột đồng loại, chế tạo đủ thứ vũ khí giết hại hàng loạt vv… Chung qui là xuất phát từ tham, sân và si. Có thể nói do tham, sân, si nên con người không thực sự thương nhau; nếu có thì đó là thứ tình thương mang nặng tính thiên vị và cục bộ. Tình thương như vậy rất dễ bị gãy đổ một khi mối quan hệ giữa người này với người kia không còn tốt đẹp. Từ nghìn xưa những bậc hiền triết ở Đông phương mỗi người đưa ra luận thuyết của mình về nhân ái. Thời Xuân Thu ở Trung Hoa có Mặc Địch, Dương Chu, Khổng Tử…vv mỗi người chủ trương mỗi thuyết. Mặc Tử thì chủ trương kiêm ái với câu nói bất hủ: "Thân nhi thân thân". Theo Mặc Tử sự thương yêu không nên phân biệt thân, sơ; nếu được thì hãy thương yêu người ngoài gia tộc trước, sau mới đến người trong gia đình. Theo ông, người không cùng tộc họ mà ta thương yêu được mới quan trọng, mới thực sự là yêu thương, người trong gia tộc thương nhau là điều tự nhiên không cần khuyến khích, giáo dục. Dương Chu thì khác, ông cho rằng trước khi thương yêu người khác là phải biết thương yêu chính bản thân mình, ngay cả một sợi lông! Theo ông, dù là sợi lông đi nữa thì nó cũng là một đơn vị của thân thể, nên không thể không bảo vệ. Có được như vậy mới nói đến chuyện thương yêu tha nhân. Đương thời người ta cho ông chủ trương thuyết "vị kỷ". Không Tử thì bình thản hơn, ông cho rằng cứ theo lẽ tự nhiên mà tuần tự thương yêu. Lẽ tự nhiên ấy là: con người ta ai cũng thương yêu ông bà, cha mẹ và anh chị em ruột thịt, và hãy đem tình thương ấy mà thương yêu mọi người, ý tưởng này được tóm gọn trong câu nói bất hủ của ông: "Thân thân nhi thân". Về sau Mạnh Tử triển khai học thuyết của Không Tử và lên án thuyết vị kỷ của Dương Chu là "vô quân", thuyết kiêm ái của Mặc Địch là: "vô phụ". Theo Mạnh Tử, Dương Chu là người "nhổ một sợi lông để làm lợi cho thiên hạ, không nhổ". (Dương Chu bạt nhất mao vi lợi thiên hạ, bất tác). Như vậy là cực kỳ vị kỷ và không biết gì đến đạo quân thần. Cũng theo Mạnh Tử, Mặc Địch là người không lý gì đến tình huyết nhục cha con, nên chủ trương yêu thương gồm cả mọi người, không phân biệt thân, sơ. Như thế là "vô phụ". Phật giáo thì khác. Phật giáo không đề cập đến thương ai trước, ai sau với tinh thần vô ngã, Phật giáo thấy kẻ oán, người thân đều như nhau: "oán, thân bình đẳng". Theo Đức Phật, kẻ oán hay người thân, họ đều là những chúng sanh chưa giác ngộ, giải thoát. Do đó họ cần được giúp đỡ, cần được chỉ bày phương tiện tu tập để đạt đến giải thoát; chứ không hạn cuộc vào nhóm người này hay nhóm người kia. Đây cũng là nguyên ủy để Đức Phật thuyết giảng kinh Đại Phương Tiện Phật Báo A? (ĐPTPBA)

 

Chữ Hiếu

Hiếu là một khái niệm về bổn phận của kẻ làm con nên đối xử thế nào với cha mẹ cho hợp lẽ nhân luân. Khái niệm về hiếu xuất hiện rất sớm trong thi ca cổ đại ở Trung Hoa. Khoảng 3000 năm trước, kinh Thi của Trung Quốc đã viết:

"Sinh ngã giã phụ mẫu.
Thành ngã giã phụ mẫu.
Phụ hề sanh ngã
Mẫu hề cúc ngã
Ai ai Phụ mẫu.
Sinh ngã cù lao
Dục báo thâm ân
Hiệu thiên võng lực"

Dịch: sinh ra ta là cha mẹ, nuôi ta thành người cũng là cha mẹ. Thương thay cha mẹ, sinh ta khó nhọc, muốn báo ơn sâu, (như) trời cao khó sánh kịp.

Khái niệm hiếu đã có thế đứng vô cùng sâu rộng và vững chắc ở các nước Châu Á như : Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam… vv. Hiếu đã trở thành cái Đạo, trước tiên là đạo làm con, sau đó là đạo làm người. Con người mới có đạo, muôn thú không thể có đạo. Đạo là đường đi của lương năng, lương tri, và Hiếu đạo là con đường mà những kẻ làm con không thể không đi! Kẻ làm con phải luôn tâm niệm cha mẹ là người sinh ra ta, nuôi nấng ẵm bồng ta, cho ta bú mớm và lo lắng cho ta đủ điều, có vậy ta mới lớn khôn thành người; đã là Đạo thì không một phút giây có thể rời bỏ được, rời bỏ thì không còn là đạo làm người nữa. (Đạo giả, bất khả tu du ly dã, khả ly phi đạo dã_ Sách Trung Dung).

Sách Luận ngữ, một quyển sách ghi lại một cách ngắn gọn, súc tích những lời dạy và những cuộc đàm đạo giữa Đức Khổng Tử và các cao đệ của Ngài.

Trích dẫn: "Ông Hữu Tử, cao đệ của đức Khổng Tử có nói rằng: trong những người có nết hiếu (thảo với cha mẹ), nết để (kính anh chị và người lớn tuổi), ít ai ưa trái nghịch với bề trên. Đã không ưa trái nghịch với bề trên, lại thích gây những cuộc phản loạn, người như vậy ta chưa từng thấy. Cho nên bậc quân tử chuyên chú vào việc gốc. Cái gốc được vững tốt, tự nhiên đạo lý bắt từ đó mà sanh ra. Vậy làm người mà biết giữ gìn nết hiếu, nết để, tức là biết nắm lấy cái gốc". (Hữu tử viết: Kỳ vi nhân giả, hiếu để, nhi háo phạm thượng giả, tiễn hỹ. Bất háo phạm thượng, nhi háo tác loạn giã, vị chi hữu giã, quân tử vụ bổn, bổn lập nhi đạo sanh. Hiếu để dả giã, kỳ vi nhân chi bổn dư. Thiên Học Nhi).

Như vậy hơn 2500 năm trước, ông Hữu Tư đã khẳng định: "… làm người mà biết giữ gìn nết hiếu, nết để, tức là biết nắm lấy cái gốc"

Đức Khổng thì tinh tế hơn, ngài tùy vào cá tính của mỗi đệ tử mà dạy về hiếu, khi ông Mạnh Ý tử hỏi về hiếu, ngài dạy: "vô vi" (làm con chớ nên trái ngược).

Ông Tử Du hỏi đức Thánh về đạo hiếu, Đức Khổng đáp rằng: "Đời nay, hễ thấy ai nuôi được cha mẹ thì người ta khen là người có hiếu. Nhưng, những thú như chó, ngựa, thì người ta cũng nuôi được vậy. Cho nên nuôi cha mẹ chẳng kính trọng thì có khác gì nuôi thú vật đâu?" (Tử Du vấn hiếu, Tử viết: "Kim chi hiếu giả, thị vị năng dưỡng, chí cơ khuyển mã, giai năng hữu dưỡng. Bất kính, hà dĩ biệt hồ? Vi chính đệ nhị_ bản dịch Đoàn Trung Côn)

Hiếu Kinh dạy rằng: "Bách hạnh hiếu vi tiên" (Trong trăm hạnh hiếu là hàng đầu).

Thế đủ thấy ý niệm về chữ Hiếu đã được ăn sâu vào đời sống tinh thần của các dân tộc Châu Á vô cùng sâu đậm, nó chi phối con người về mặt đạo đức, luân lý; đồng thời nó cũng bó buộc con người trong ý thức hành xử với xã hội. Khi làm một điều lành, điều thiện người ta liền nghĩ đến cha mẹ sẽ vui. Khi phạm một điều gì xấu ác, người ta lại sợ cha mẹ biết được sẽ buồn. Chính điều này là một ưu điểm góp phần làm cho xã hội con người trở nên hòa mục hơn, trật tự hơn, ổn định và an bình hơn.

Về phương diện dân gian, chữ hiếu, hay đạo hiếu từ lâu cũng được hóa thành những huyền thoại hết sức lý thú, đầy ý nghĩa. Ơ?rung Hoa xưa có Nhị Thập Tứ Hiếu, nêu gương của hai mươi bốn người con chí hiếu một cách thi vị và đầy tính thần thoại. Như chuyện kể thầy Mạnh Tông, cha mang bệnh nặng, thuốc thang chi cũng không khỏi, nhưng ước ao ăn được bát canh măng, thì sẽ khỏi bệnh. Quá thương cha và sợ cha thèm canh măng mà chết nên Thầy đi khắp các nơi có tre để tìm măng. Nhưng đương lúc trời mùa đông giá lạnh măng không mọc. Cuối cùng quá thất vọng và đứng dưới gốc tre mà khóc, vô tình để nước mắt rơi xuống đất, và chính giọt nước đó mọc lên cho Thầy một mụt măng. Lý do là lòng hiếu của Thầy đã cảm động đến trời đất. "hiếu tâm đã động đến trời"

Dân gian Việt nam cũng có những chuyện kể về gương hiếu hạnh như Lâm Sanh Xuân Nương. Thoại Khanh- Châu Tuấn … vv. Chuyện kể vô cùng lâm ly bi thiết, nhưng cũng không kém phần nhân bản và thi vị. Thoại Khanh tuy là con dâu nhưng thờ kính hiếu thuận với mẹ chồng hơn cả con gái. Chuyện kể Châu Tuấn, chồng nàng lên dường đến Trường An ứng thí. Thoại Khanh ở nhà bắt ốc hái rau nuôi mẹ và chịu đựng nạn cường hào ác bá đủ điều cay đắng. Ngày kia, nàng dắt mẹ chồng đến Trường An tìm chồng. Trên đường mẹ con nàng gặp đủ thứ tai ương oan nghiệt, một đêm nọ hai mẹ con vào nghỉ nhờ một ngôi miếu, nào ngờ gặp miếu dâm thần. Dâm thần nài ép nàng đủ cách nhưng không thành, bèn giở thủ đoạn bắt lấy người mẹ mù lòa và ra điều kiện, hoặc là nàng thuận tình ân ái với dâm thần thì thần sẽ thả mẹ hoặc là nàng hãy móc đôi mắt đen huyền tuyệt đẹp của nàng dâng cho thần, thần sẽ thả mẹ nàng ra. Thoại Khanh chấp nhận cầm dao khoét mắt dâng cho thần để cứu lấy mẹ, chứ nhất quyết không chịu thất tiết. Việc làm chí hiếu chí tình của nàng cảm động đến đất trời, nên dù trải qua lắm nỗi oan khiên cay nghiệt, nhưng ngày tái ngộ với chồng, Ngọc Hoàng sai Thần Nhãn xuống dương thế trả lại đôi mắt cho Thoại Khanh. Chỉ vì nàng giữ trọn cả hiếu lẫn tình. Hay trong truyện Kiều của Nguyễn Du cũng thế, nàng Kiều trong cơn gia biến, vì hiếu đạo nên chấp nhận bán mình chuộc cha: "làm con trước phải đền ơn sinh thành".

Qua những câu chuyện trên cho thấy đạo hiếu từ lâu đã ăn sâu và luôn bàng bạc trong tâm tưởng mọi người trong đời sống xã hội, cả ở Trung Hoa cũng như Việt nam, và ở các nước châu Á khác, nhất là những dân tộc chịu nhiều ảnh hưởng của Khổng giáo và Phật giáo. Đạo hiếu nó khuyến khích, cổ vũ và xưng tụng những kẻ làm con biết hiếu thảo với cha mẹ; kẻ chí hiếu sẽ được cả đất trời ủng hộ và đồng tình! Từ nghìn xưa người ta cổ xúy đạo hiếu là nhằm duy trì nền đạo lý, nhân luân với chủ đích không để con người đi lệch thiên chức của chính mình. Từ những trình bày trên, chúng ta đi sâu tìm hiểu đạo hiếu trong Phật giáo, qua bộ Kinh Đại Phương Tiện Phật Báo A?.

Toàn bộ kinh có bảy quyển, được chia thành chín phẩm, được phân bổ như sau:

Phẩm tự, tức phẩm I. Là phần dẫn nhập.

Nhân việc ngài A Nan nghe nhóm Lục sư Phạm Chí chê bai chỉ trích đức Phật: "Thầy Cồ Đàm của ngươi thực là bội bạc, chẳng biết ân nghĩa, mới đành lòng dứt bỏ ra đi như thế! Cho đến phụ vương, vì tạo lập cung điện, cưới nàng Cù Di làm vợ cho Cồ Đàm, nhưng ông cũng chẳng làm theo bổn phận của vợ chồng, khiến cho nàng phải sầu khổ, cho nên biết Cồ Đàm là người bất hiếu" (kinh ĐPTPBA)

Do đó, ngài A nan trình bày lại sự việc và thỉnh cầu đức Phật giải quyết vấn đề do nhóm Lục sư Phạm Chí đưa ra. Đây là phần duyên khởi của kinh.

Từ phẩm II_ Hiếu dưỡng cho đến phẩm VII . Từ Bi; là phần trọng tâm của kinh (thân bài). Phần này gồm sáu phẩm, đi sâu vào phân tích sự hiếu thuận, sự đền ơn, báo ơn của những vị Phật cho đến các vị Bồ tát, không chỉ ở hiện tại mà cả trong vô lượng kiếp trước ở quá khứ.

Phẩm thứ tám Ưu Bà Ly, phẩm thứ chín_ Thân cận là phần kết, hay còn gọi là phần Lưu thông. Hai phẩm này qui kết vào hai đặc điểm:

  1. Kẻ bị xã hội cho là hạ tiện, đáng khinh bỉ vẫn tu chứng thánh quả trong giáo lý của Đức Phật

  2. Nữ giới vẫn được dự vào hàng thánh đệ tử của Phật với điều kiện họ tự nguyện tuân thủ Bát kỉnh Pháp và tinh tấn tu tập theo luật nghi do Đức Phật chế định.

Phẩm hiếu dưỡng _thứ hai

Phẩm này nêu lên nguyên ủy do đâu Đức Phật và các hàng đệ tử của ngài đều phải báo ơn những đấng sanh thành. Đồng thời chỉ ra phương cách báo hiếu cho các hàng đệ tử Phật. Ở đây có hai vấn đề cần hiểu rõ trước tri đề cập đến việc báo hiếu.

  1. Thuyết luân hồi _Samsàra

  2. Phát Bồ đề tâm, hành Bồ tát hạnh.

_ Thuyết luân hồi.

Thuyết này kỳ thực không hoàn toàn xuất phát từ Phật giáo, mà trong truyền thống tín ngưỡng Vệ-đà của Ấn Độ cổ xưa đã có nói nhiều đến thuyết luân hồi. Đức Phật, và nhất là Đại thừa giáo đã hệ thống thuyết luân hồi được hoàn chỉnh hơn trước thời Vệ-đà. Thuyết luân hồi cho rằng đời sống của mọi loại sinh vật nói chung và loài người nói riêng, từ vô thỉ đến nay luôn luân chuyển trong sáu nẻo là: Thiên, nhơn, A tu la, địa ngục, ngạ quỉ và súc sanh. Cứ như vậy mà lăn như bánh xe cho đến vô cùng. Kinh Tâm địa quán, nói: "các loài hữu tình, sinh trong sáu đường, như chiếc bánh xe lăn không có sau trước".

Kinh ĐPTPBA, Phẩm Hiếu dưỡng: "Như Lai khi còn ở trong đường sinh tử, ở trong tất cả các loài chúng sanh, cũng đã phải chịu đủ mọi thân hình nhiều như những hạt bụi, không thể lấy lòng nghĩ miệng bàn sao cho xiết được. Vì phải chịu thân như thế, cho nên tất chúng sanh, cũng đã từng làm cha mẹ của Như lai, Như Lai cũng đã từng làm cha mẹ của tất cả chúng sanh…"

Như vậy, hiếu không dừng lại ở việc phụng dưỡng cha mẹ như cơm ăn áo mặc hay thuốc thang khi đau yếu, mà hiếu còn có sự tương quan giữa quá khứ với hiện tại. Hiếu cũng không dừng lại ở cha mẹ đời hiện tại, mà hiếu còn có mối quan hệ với cha mẹ ở nhiều đời trong quá khứ. Do đó, báo hiếu không đơn giản chỉ thuần ở cha mẹ trong hiện kiếp. Vì "… tất cả chúng sanh từng là cha mẹ của nhau".

Báo hiếu theo Phật giáo, là làm cho cha mẹ cả ở quá khứ lẫn ở hiện tại đều được biết tu tập và giải thoát. Muốn vậy phải phát tâm Bồ đề. Tâm Bồ đề là tâm thượng cầu, hạ hóa. Nghĩa là trên thì cầu thành Phật, dưới thì hóa độ chúng sanh. Muốn cầu thành Phật; về tự thân luôn tinh tấn tu tập và thiền định, nhiếp hộ các căn, không cho phóng dật. Đồng thời hiểu rõ chúng sanh vì mê muội điên đảo, lầm chấp thấy có ba thừa, bị ái dục che đậy, chìm đắm trong bể khổ, bị bốn đảo làm cho điên đảo: đối với pháp hữu lậu, vọng tưởng, phân biệt; đối với các pháp là vô ngã, vọng tưởng thấy có ngã; đối các pháp là vô thường, vọng tưởng chấp cho là thường; đối các pháp không phải là vui, vọng tưởng chấp cho là vui; đối với các pháp là bất tịnh, vọng tưởng cho là tịnh; sinh, lão, bệnh, tử, biến đổi hoại diệt, niệm niệm vô thường, năm cái, mười triền, che đậy; luân hồi ba cõi, phải chịu sanh tử không có trước sau, giống như bánh xe".(ĐPTPBA phẩm hiếu dưỡng)

Nhận rõ nguyên nhân do đâu khiến chúng sanh phải trôi lăn trong nẻo luân hồi, Bồ tát quyết chí tu hành không phút giây xao lãng. Nói với Ngài Tĩnh Am thiền sư trong Văn Khuyến Phát Bồ đề tâm: "Thường văn nhập đạo yếu môn, phát tâm vi thủ; tu hành cấp vụ lập nguyện vi tiên. Tâm phát tắc chúng sanh khả độ, nguyện lập tắc Phật đạo kham thành" (nghe rằng cửa tối yếu vào đạo, hàng đầu là việc phát tâm, việc khẩn cấp tu hành là lập nguyện. Phát được tâm Bồ đề ắt sẽ độ được chúng sanh. Thệ nguyện đã được lập chắc chắn Phật đạo sẽ thành.

Vậy theo Phật giáo dù có moi gan xẻ thịt để cung phụng cho cha mẹ trong cơn đói khát cùng cực như trường hợp của thái tử Tu Xà Đề được kể trong kinh, thì đó cũng không gọi là cách báo hiếu rốt ráo. Bởi: 1. Cha mẹ dù có tạm qua cơn đói, nhưng kết cục thân tứ đại của cha mẹ cũng sẽ hoàn lại cho tứ đại. 2. Trong khi đó, vọng nghiệp do cha mẹ và chúng sanh gây tạo vẫn còn nguyên vẹn, và tiếp tục sinh tử, tử sinh trong ba cõi, sáu đường. Do đó, cúng dường cha mẹ là điều cần phải làm, nhưng điều cần hơn là phát quãng đại nguyện tâm như trường hợp của Thái tử Tu Xà Đề _ tiền thân của Đức Phật_ đã phát nguyện: "Tôi ngày nay cũng chẳng nguyện sinh làm Thiên ma vương, Phạm vương, Thiên vương, Nhân vương, hay chuyển luân Thánh vương, mà tôi chỉ muốn cầu đạo Vô thượng Bồ đề, để độ thoát cho tất cả chúng sanh mà thôi".

Hoặc như Thiện Tài Đồng Tử (trong kinh Hoa Nghiêm) đã phát nguyện: "Ngã kim phát tâm, bất vị tự cầu nhơn, thiên phước báu. Thinh văn, Duyên giác, nải chí quyền thừa chư vị bố tát, duy y tối thượng thừa, phát Bồ đề tâm nguyện dữ pháp giới chúng sanh nhất thời đồng đắc A Nậu đa la tam miệu tam bồ đề" (tôi nay phát tâm, không vì mình mà cầu hưởng phước báo, cõi người, cõi trời, hoặc cầu hưởng phước báo của quả vị Thanh văn, Duyên giác, cho đến phước báo quyền thừa của chư vị Bồ tát. Chỉ duy nhất là quả vị tối thượng đó là; phát quãng đại nguyện tâm thề độ tất cả chúng sanh trong pháp giới đều chứng đắc Vô thượng chánh đẳng, chánh giác). Bồ tát phát quãng đại nguyện tâm như thế, vì Bồ tát quán sát thấy rằng: "Chúng sanh thật đáng thương, thường ở trong tối tăm, chịu lấy thân phận nguy khốn, nào sanh, nào già, nào bệnh, nào chết đến dồn dập, đủ các thứ khổ não. Họ chết đây sanh kia, chết kia sanh đây, cứ duyên theo khổ ấm thân, nên lưu chuyển vô cùng. Ta lúc nào mới hiểu rõ khổ ấm và diệt hết sanh, già, bệnh, chết?" (Kinh Trường A hàm – Phẩm Sơ Đại Bổn Duyên). Muốn hiểu rõ khổ ấm và diệt hết sanh, già, bệnh, chết, Bồ tát phải quán Thập nhị nhân duyên: "Sanh tử từ đâu, duyên đâu mà có?". Và thấy rằng: "Do sanh mà có lão tử; sanh là duyên của lão tử; sanh lại do hữu mà có, hữu là duyên của sanh; hữu từ thủ mà có, thủ là duyên của hữu; thủ từ ái mà có, ái là duyên của thủ; ái thừ thọ mà có, thọ là duyên của ái; thọ từ xúc mà có, xúc là duyên của thọ; xúc từ lục nhập mà có, lục nhập là duyên của xúc; lục nhập từ danh sắc mà có, danh sắc là duyên của lục nhập; danh sắc từ thức mà có, thức là duyên của danh sắc; thức từ hành mà có, hành là duyên của thức, hành do vô minh mà có, vô minh là duyên của hành.

Như vậy tức là do vô minh mà có hành, duyên hành có thức, duyên thức có danh sắc, duyên danh sắc có lục nhập, duyên lục nhập có xúc, duyên xúc có thọ, duyên thọ có ái, duyên ái có thủ, duyên thủ có hữu, duyên hữu có sanh, duyên sanh có già, chết, ưu bi, khổ não. Đây là cái ấm thân đầy dẫy khổ não do duyên sanh mà có; đó là khổ tập. Lúc Bồ tát suy nghĩ đến khổ ấm tập thì chánh trí sanh, tuệ nhãn sanh, chơn giác sanh, minh liễu sanh, thần thông sanh, trí tuệ sanh và chứng ngộ sanh" (Trường A Hàm, kinh Sơ Đại Bổn Duyên)

Trên đây là quá trình thiền quán tư duy và chứng nghiệm tự thân của mỗi người tu hành. Ta có thể nói như thế này: nguyên ủy của việc tu hành trong Phật giáo là xuất phát từ việc thấy rằng cái vô lý, cái bất lực muôn thuở của con người là cái chết. Chết được coi như chấm dứt tất cả những gì con người tạo dựng và đồng thời cũng mịt mù không biết được cái gì, hay điều gì sẽ xảy ra. "Tiền lộ mang mang, vi tri hà vãng" Đường phía trước mù mù chẳng biết về đâu! Vậy muốn chiến thắng, muốn vượt qua cái chết, cái vòng luân hồi, cách duy nhất là nhận ra nguyên nhân; khi nhận ra nguyên nhân thì quyết chí tinh tấn tu tập theo những gì Đức Phật chỉ dạy: "Thế nên A Nan! Ngươi hãy tự thắp đuốc lên mà đi, thắp lên với chánh pháp, đừng thắp lên với pháp nào khác, hãy tự nương tựa với chính mình, nương tựa với chánh pháp, đừng nương tựa với một pháp nào khác".

Thế nào là tự mình thắp đuốc lên mà đi, thắp lên với chánh pháp, đừng thắp lên với một pháp nào khác? Hãy tự mình nương tựa chính mình, nương tựa chánh pháp, đừng nương tựa pháp nào khác? Này A-Nan! A? là các tỳ kheo trước phải lo quán sát trong thân, sau đó quán sát ngoài thân, cuối cùng quán sát cả trong lẫn ngoài thân, quán sát một cách chuyên cần, không biếng nhác, nhớ mãi để diệt trừ sự tham luyến, lo buồn của thế gian, và tiếp theo sự quán sát trên, là quán sát về thọ, về tâm lý, về các pháp cũng như thế" (Trường A hàm, kinh Du Hành)

Vậy, có thể nói rằng: chỉ có tu chứng thánh đạo, và giải thoát khỏi vòng lẩn quẩn của sinh tử, ta mới thực sự báo ơn, đền ơn cha mẹ cả trong quá khứ lẫn ở hiện tại một cách đầy đủ và rốt ráo nhất. Nói cách khác, tu hành theo giáo pháp của Đức Phật là tự mình thắp sáng nhân cách của chính mình, đồng thời dùng nhân cách sáng ngời ấy soi đường cho tất cả chúng sanh thấy, và tránh những cạm bẫy nguy hiểm và độc hại mà từ vô lượng kiếp đến nay họ cứ luôn bị vấp ngã! Hiếu dưỡng là vậy.

Phẩm thứ ba: Đối trị.

Đây là phẩm kinh vạch rõ và chỉ cho thấy, muốn cứu độ chúng sanh, Bồ tát không một khoảnh khắc có thể lìa bỏ Đại bi tâm. Muốn giữ gìn Đại bi tâm, Bồ tát phải luôn xa lìa ái dục, và tinh tấn tu hạnh thanh tịnh nhằm phòng hộ tam nghiệp, khiến cho tham nhiễm tâm không có điều kiện sinh khởi, muốn cho tham nhiễm tâm không có điều kiện sinh khởi, cách tốt nhất là không bao giờ xâm phạm đến tánh mạng, tài sản, danh dự và nhân phẩm của người khác:

"… phàm loài nào có tính mạng đều không muốn chết như tôi. Cho nên Bồ tát, cho đến phải táng thân thất mạng, trọn không cướp đoạt thân mạng của kẻ khác". Vì Đức Phật dạy: "cướp đi mạng sống của kẻ khác thì dễ, nhưng trả lại mạng sống cho họ là điều không thể làm được" (taking life which is so easy to take, but so hard to give back again) (Quoted in Bhikkhu Silacara, life of the Buddha, pp.149-150)

Về tài sản cũng thế: "…tôi không muốn người khác xâm chiếm của cải của tôi, tất cả chúng sanh cũng lại như thế. Cho nên Bồ tát cho đến phải táng thân thất mạng, đối với y phục, của cải, thức ăn uống của chúng sanh, trọn không sanh tâm cướp đoạt" Hoặc: " Như tôi không muốn người khác dùng cường lực uy thế bức hiếp đè nén, không cho tôi được tự do trình bày sự thanh bạch của tôi, tất cả chúng sanh cũng lại như thế, cho nên Bồ tát, cho đến táng thân thất mạng, trọn không đem những sự phi lý để gia hại chúng sanh" (kinh ĐPTPBA)

Đức Thánh Khổng cũng dạy: "kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân". (cái gì mình không muốn đừng đem sự không muốn ấy áp đặt lên kẻ khác)

Bồ tát chẳng những không xâm phạm đến tính mạng, tài sản…vv của chúng sinh mà bồ tát còn thấy rõ tất cả chúng sanh như đang trong cơn khát, đó là khát ái, khát dục, khát A-lại-da vô cùng trầm trọng. Chúng sanh vì không tự mình nhận ra cơn khát, nên cường độ cơn khát càng trở nên dữ dội, và nó đốt cháy chúng sanh trong hỏa ngục của ảo ảnh! Vì khát ái, nên chúng sanh cứ luôn vồ chụp tất cả những gì mình thích. Vì khát dục, nên chúng sanh không bao giờ chịu vừa ý với những gì mình có, và vì khát A- lại- da, nên chúng sanh luôn thấy cái ta của mình là trên tất cả! Kỳ thực, từ tính mạng cho đến tài sản, và luôn cả những ý niệm về cái ta, tựu trung chỉ là cái giếng khô mà ta là những kẻ đang trong cơn khát đổ xô đi tìm bởi cứ ngỡ đó là giếng nước mát, để rồi tất cả đều bị té xuống giếng, như sự miêu tả trong kinh.

Ngoài ra, Bồ tát không vì thấy chúng sanh nghèo đói mà đem tài vật ra cung cấp, nhằm xoa dịu và an ủi sự nghèo túng của họ. Như vị đại thí chủ được đề cập trong kinh, ông ta có thể cung cấp và làm thỏa mãn mọi nhu cầu của những kẻ nghèo đói, nhưng rồi cũng vô ích. Vì kết quả của sự thỏa mãn ấy là cái chết do trúng độc. Làm sao có thể an hưởng sự yên bình trong khi "ba con rắn độc" là tham, sân và si hãy còn nguyên vẹn hình hài trong tự thân tâm của mỗi chúng sanh? Do đó Bồ tát bố thí quốc, thành, thê, tử, và luôn cả đầu, mình, tứ chi vv… không chỉ nhằm mục đích là đưa chúng sanh qua bên kia bờ giác mà còn nhằm trừ khử những cơn khát ái, khát dục, và khát A-lại-da. Có thế Bồ tát mới thành tựu được đạo Bồ đề. Đạo Bồ đề có thể được bắt nguồn từ nửa bài kệ, nửa câu kinh. Đó là phương pháp đối trị hữu quả nhất mà Bồ tát cần thực hiện trong quá trình tu tập. Cùng với sự trừ khử trên, Bồ tát luôn thương tưởng đến chúng sanh. Đây là nội dung phẩm thứ bốn_ phát Bồ đề tâm.

Phát tâm Bồ Đề, phẩm thứ bốn.

Phát tâm Bồ đề ở phần trên đã trình bày; ở đây chỉ nói thêm tâm Bồ đề là tâm biết rung động, biết xốn xang, biết đau xót và biết thương yêu, cứu giúp trước những cảnh huống đau khổ, bất hạnh của chúng sanh và đồng loại. Nguyên nhân sâu xa của tình thương hay của lòng từ bi của tâm bồ đề được phát nguyên từ sự nhận thức rõ nguyên do của cái khổ, hay cảnh khổ mà chúng sanh phải gánh chịu.

Khổ có nhiều, nhưng chung qui là do sự tác động từ bên trong và bên ngoài.

_ Bên trong là cái khổ do nhận thức sai về vạn hữu bên ngoài. Đa phần chúng ta luôn bị hấp dẫn, bị lôi kéo, hay bị cuốn hút bởi những hiện tượng muôn hồng ngìn tía của những ảo ảnh; những ảo ảnh này_ nói theo Duy thức học_ là do nội thức của chúng sanh biến hiện ra rồi lại nương vào sự biến hiện đó mà cho là thực có. Cái được cho là thực có, theo Duy thức học không là gì khác, mà đó là do Biến kế sở chấp của nhiễm ô thức, từ sự nhận thức "thố mậu" hay sai lầm về vạn hữu mới sinh khởi tham, sân, si nơi tâm. Chính tâm tham, tâm sân và tâm si nhấn chìm chúng sanh trong bể khổ. Đó là cái khổ bên trong.

_ Bên ngoài là cái khổ do thiên tai; bão, lụt, động đất, hỏa hoạn, núi lửa vv… nhất là chiến tranh!

Chúng ta ngày nay đang sống trong một thế giới mà không biết đó là thế giới văn minh hay bán khai. Có những vấn đề rất rõ ràng nhưng lại rất khó hiểu. Có những nhà bác học ngày đêm miệt mài nghiên cứu, tìm tòi, sáng chế nhiều phương thuốc để cứu chữa những chứng bệnh hiểm nghèo, nhằm giúp con người có được đời sống an lành và hạnh phúc. Nhưng cũng có những nhà bác học gò lưng nghiên cứu tìm tòi và chế tạo ra những thứ vũ khí giết người hàng loạt như bom đạn hạt nhân chẳng hạn. Có những nhà khoa học luôn ưu tâm trước những đói khổ của nhân loại, đồng thời cũng có không ít những nhà "trí thức" không ngừng tìm cách thu tóm lợi nhuận tối đa về cho bản thân mình, tập đoàn mình, quốc gia mình, và bất kể đến những khổ đau, thiếu thốn, chết chóc của đồng loại. Lại có những người nhân danh thần thánh để đẩy con người vào hận thù và sát hại lẫn nhau. Đồng thời không thiếu những người nhân danh sự văn minh, tiến bộ để đi khai thác và bóc lột đồng loại một cách vô cùng tinh tế, nhưng không kém phần dã tâm! Loài người thật khó hiểu; người ta sẵn sàng bỏ ra hàng tỉ tỉ đô la để mua sắm vũ khí, và đủ loại trang thiết bị quốc phòng hiện đại. Nhưng người ta lại rất nhỏ giọt khi bỏ tiền ra cứu trợ những nạn đói, nạn dịch bệnh, thiên tai vv… luôn xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới. Con người, ai cũng mưu cầu hạnh phúc, nhưng lại luôn tạo ra những bất ổn cựu kỳ nguy hiểm. Tôn giáo, triết học vv… cũng đã giảng giải, chỉ dạy những điều hiền thiện từ bao đời nay, nhưng dường như chưa có mấy hiệu quả. Có lẽ những điều hiền thiện dường như xa vời với những ham muốn trần tục của con người. Do vậy cái mà những kẻ giàu mạnh cho là hạnh phúc hay đó là thành quả của quá trình bóp chẹt lẫn nhau? Kẻ thắng, kẻ giành phần hơn được gọi là hạnh phúc. Kẻ thua, kẻ bị thiệt hại đương nhiên là đau khổ, có lẽ là như vậy!

Có thể nói một cách tương đối, ngày nay con người đang sống trong một môi trường nhân văn còn bị vướng rất nhiều mâu thuẫn; những mâu thuẫn này nếu không sớm được giải quyết, rất có thể trong một tương lai nào đó, những mâu thuẫn này sẽ dẫn con người đi đến hoại diệt. Do đó, con người cần sáng suốt kiềm chế tư tâm, tư dục của bản thân, của đoàn thể, của đảng phái và của quốc gia, may ra mới giải quyết được những mâu thuẫn đầy nguy hiểm của chính con người tạo ra. Phương pháp để giải quyết những mâu thuẫn theo Phật giáo tốt nhất là phát tâm Bồ đề. Tâm Bồ đề là lòng yêu thương vô điều kiện và hoàn toàn chân thực; bởi tâm Bồ đề chỉ được phát khởi từ những con người đã đứng trên, đứng ngoài tất cả mọi tranh chấp và xung đột, những con người không còn đứng giữa đấu trường: được thì vui, mất thì buồn, thắng thì kiêu căng, thua thì sầu não. Người phát tâm Bồ đề là người không còn bị tư tâm, tư dục trói buộc và sai khiến. Nói như kinh Kim Cang, người phát tâm Bồ đề là người không còn: "ngả tướng, nhân tướng, thọ giả tướng"- tức không chấp vào cái ta của chính mình, cái ta của người và cái thân mệnh giã hợp của kiếp con người. Với mọi người chúng ta, tình thương yêu được xuất phát từ tâm Bồ đề đủ để: vừa làm nơi nương tựa cho mọi người đang sống trong biển tranh chấp và nghi kị vừa tạo được niềm tin nhằm xoa dịu và dập tắt tất cả mọi ngọn lửa hận thù, đố kị đang ngấm ngầm nung nấu giữa lòng cuộc sống và không biết được đến khi nào sẽ bộc phát.

Chúng ta hãy cùng niệm: Nam Mô Phát Bồ Đề Tâm Bồ Tát Ma Ha Tát! Niệm nhiều lần, niệm mãi và niệm mãi để mọi người trong chúng ta ai cũng có cơ hội để tâm Bồ đề được nẩy mầm và lớn mạnh. Xin chân thành cầu nguyện như thế.

Nha Trang, mùa Vu Lan năm 2000
Tỳ kheo Thích Tâm Trí

 

--- o0o ---

| Mục lục Tác giả |

--- o0o ---

Trình bày: Nhị Tường

Cập nhật ngày: 01-08-2002

 

Webmaster:quangduc@quangduc.com

Trở về Trang Vu Lan Báo Hiếu

Đầu trang

 

Biên tập nội dung: Tỳ kheo Thích Nguyên Tạng
Xin gởi bài mới và ý kiến đóng góp đến ban biên tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com