Trang tiếng Việt

 Trang Nhà Quảng Đức

Trang tiếng Anh

Truyện Tích Phật Giáo


...... ... .

 
NHÀ XUẤT BẢN TÔN GIÁO 2004

PL.2546 - 2002

Lược truyện Ðức Phật Thích Ca  

Tác giả: Jonathan Landaw

Dịch giả: Thích Chân Tính

 

Mục Lục

 

 Tựa của người dịch

1. Vui thay Phật ra đời

2. Cuộc viếng thăm của nhà tiên tri

3. Dự lễ cày ruộng đầu năm

4. Thái tử nhân từ

5. Cuộc thi tài cầu hôn

6. Những cung điện như ý

7. Một bài ca hay

8. Một cảnh quan bất như ý

9. Cuộc đi dạo lần thứ hai

10. Cú sốc cuối cùng

11. Thú vui tan dần

12. Ý tưởng thoát trần

13. Nỗi lo của vua Tịnh Phạn

14. Vượt thành tìm chân lý

15. Cuộc tìm đạo bắt đầu

16. Sáu năm chiến đấu

17. Cúng dường

18. Cuộc chiến đấu vĩ đại

19. Thức tỉnh

20. Dạy đạo cho ai?

21. Lời dạy đầu tiên 

22. Nỗi buồn của người mẹ

23. Người đàn ông thô lỗ

24. Những lời khen

25. Yêu thương loài vật

26.  Sức mạnh của tình thương

27. Trở về quê hương

28. Vua và thần cây

29. Tình thương không ranh giới

30. Những ngày cuối cùng 

31. Những lời dạy vẫn còn sống mãi

 

Tựa của người dịch

Trong thời gian nghỉ hè năm học lớp 9, tôi được may mắn đọc cuốn sách nhỏ tựa đề “Lược sử Phật Tổ” do thầy Chân Không biên soạn. Sau khi xem xong, tôi thật sự bị thu hút bởi tấm gương cao quý của Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni. Tôi tự nghĩ: Về gia tộc, Phật sinh ra thuộc dòng vua chúa. Về thân thể, Phật có 32 tướng tốt. Về trí tuệ, Phật thông minh hơn người. Về địa vị, Phật là thái tử con vua. Về quả phước, Phật hưởng thụ đầy đủ mọi sự giàu sang sung sướng của cuộc đời v.v... Thế mà Ngài đã từ bỏ tất cả địa vị, quyền thế, vợ đẹp, con ngoan, giàu sang, sung sướng để một thân một mình vào rừng sâu núi thẳm, tu hành khổ hạnh tìm cầu chân lý, giải thoát chúng sinh khỏi vòng luân hồi sinh tử. Thật là cao quý biết bao. Nếu đem thân mình ra xét, thì tôi chẳng có một thứ gì xứng đáng để bỏ cả. Vậy mình còn ham muốn làm chi những thứ mà Ngài đã bỏ, để rồi lãng phí cả một đời người theo đuổi tìm cầu? Từ đó tôi đã chuyển hướng cuộc đời, quyết chí noi theo con đường mà Ðức Phật đã đi.

Nhờ đọc được Lược sử của Ðức Phật mà tôi đã giác ngộ và xuất gia tu hành. Tôi nguyện sau này nếu đủ nhân duyên sẽ phổ biến rộng rãi cuộc đời ánh đạo của Ðức Phật. Hy vọng qua tấm gương cao quý của Ngài sẽ giác ngộ nhiều người hướng về lý tưởng giải thoát như tôi. Và ước nguyện đó đã đến. Một hôm, tôi đọc được cuốn “The Story of Buddha” của Jonathan Landaw, thấy lối viết đơn giản, ngắn gọn, dễ phổ cập trong quần chúng bình dân, nên tôi đã quyết tâm dịch ra tiếng Việt hầu truyền bá khắp nơi theo như sở nguyện trước đây. Sau khi dịch xong, tôi có biên tập lại và có thêm bớt đôi chút cho hoàn chỉnh hơn.

Cầu mong Phật lực gia hộ cho những ai sau khi đọc xong cuốn sách này sẽ giác ngộ được sự vô thường của cuộc đời, hướng tâm về con đường giải thoát an vui giống như cuộc đời Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni.  

Người dịch

Thích Chân Tính

 

1. Vui thay Phật ra đời

 

Cách đây nhiều năm, tại một vương quốc nhỏ ở phía Bắc Ấn Ðộ, có một sự kiện xảy ra làm thay đổi toàn thể thế giới, Hoàng hậu Ma Da (Maya), vợ của vua Tịnh Phạn (Suddhodana), trong lúc ngủ đã có một giấc mơ tuyệt diệu. Bà mơ thấy một luồng ánh sáng trắng từ bầu trời chiếu xuống thân thể mình, theo luồng ánh sáng này là một con voi chiến, thân hình trắng xóa với sáu chiếc ngà. Luồng ánh sáng và con voi này bay càng lúc càng gần và cuối cùng nhập vào thân bà. Lúc ấy Hoàng hậu Ma Da tỉnh dậy với một niềm hoan hỷ tràn đầy, chưa từng có trước đây.

Bà vội vàng đến báo cho vua biết và họ đem việc này hỏi những người thông thái ở trong hoàng cung. Những vị này cho biết: “Thưa Hoàng hậu! Ðây là một giấc mơ tuyệt diệu nhất. Giấc mơ này cho biết hoàng hậu sẽ sinh một đứa bé trai, và thái tử sau này sẽ trở thành một vĩ nhân, không chỉ đem lại hạnh phúc cho riêng hoàng tộc mà còn đem lại hạnh phúc cho toàn thể nhân loại”.

Nghe những lời tiên đoán tốt đẹp này vua và hoàng hậu tràn ngập niềm vui. Ðặc biệt nhà vua rất sung sướng, vì từ lâu ông ao ước có một người con trai để nối ngôi, và ước mơ đó hôm nay sắp thành sự thật.

Theo phong tục Ấn Ðộ thời đó, người đàn bà khi sinh phải về nhà cha mẹ ruột của mình. Biết ngày sinh sắp đến, hoàng hậu Ma Da và một số người bạn, người hầu rời khỏi hoàng cung, bắt đầu chuyến hồi hương.

Trên đường trở về, gần đến quê hương không xa, hoàng hậu trở dạ. Biết mình sắp sinh con nên bà bảo mọi người dừng lại nghỉ ngơi. Họ dừng chân tại vườn Lâm Tỳ Ni (Lumbini) xinh đẹp, hoàng hậu vào trong khu vườn tìm chỗ thích hợp nhất để sinh con. Truyền thuyết kể rằng, ngay cả động vật và thực vật dường như cũng muốn giúp đỡ cho hoàng hậu trong việc sinh nở. Có một nhánh cây rũ xuống, hoàng hậu đưa tay phải lên nắm lấy nó. Ngay lúc ấy, hoàng hậu hạ sinh thái tử. Những người hầu đã ẵm đứa trẻ trong tay mình và rất ngạc nhiên về vẻ xinh đẹp kháu khỉnh dễ thương của đứa bé.

Lúc ấy khắp địa cầu tràn ngập niềm an lạc và hạnh phúc. Mọi người quên hết lo âu, xóa mọi hận thù, thương yêu lẫn nhau. Một số người nhìn thấy cầu vồng xuất hiện trên bầu trời và cùng với những điềm lành kỳ diệu khác.

Những nhà thông thái trên khắp vương quốc chăm chú theo dõi những dấu hiệu tốt lành này và vui mừng bàn tán với nhau rằng: “Những điềm lành xuất hiện khắp nơi như vầy xưa nay thật hiếm có. Hôm nay là ngày trăng tròn tháng tư, chắc chắn đây là một ngày đặc biệt”.

Tin hoàng hậu Ma Da sinh thái tử đã nhanh chóng lan truyền khắp vương quốc. Hoàng hậu hân hoan ẵm thái tử trở lại cung điện của vua. 
 

 

2. Cuộc viếng thăm của nhà tiên tri

 

Vua Tịnh Phạn đón tiếp hoàng hậu và đứa con trai mới sinh trong niềm vui khó tả. Lễ hội được tổ chức và khắp vương quốc trang hoàng những cờ phướn, biểu ngữ đủ màu sắc đẹp đẽ. Ðây là thời điểm hạnh phúc và thanh bình nhất. Khắp nơi không có biểu hiện buồn khổ, do vậy vua và hoàng hậu đã quyết định đặt tên cho thái tử là “Tất Ðạt Ða” (Siddhartha), nghĩa là: Người đem đến điều tốt lành.

Lúc bấy giờ những nhà tiên tri tiên đoán cho đứa trẻ. Họ nói: “Tâu bệ hạ, những dấu hiệu lúc sinh của thái tử rất tốt. Khi lớn lên thái tử sẽ có những đặc điểm hơn cả Ngài hiện nay”. Nghe lời tiên đoán này khiến vua rất tự hào, ông nghĩ: “Nếu lời tiên đoán này đúng thì con trai của ta, thái tử Tất Ðạt Ða, sẽ cai trị không những vương quốc nhỏ bé này, mà có lẽ cả toàn thế giới. Ôi! Thật là vinh dự cho ta và gia đình ta quá”.

Những ngày đầu sau khi sinh thái tử, rất nhiều người đến cung điện thăm đứa bé. Một trong những người viếng thăm này là ông già tên A Tư Ðà. A Tư Ðà là một nhà ẩn sĩ sống trong rừng vắng và là một bậc danh sĩ tôn quý lúc bấy giờ. Vua và hoàng hậu rất ngạc nhiên khi thấy A Tư Ðà rời khỏi khu rừng và xuất hiện trong cung điện của họ. Vua nói: “Chúng tôi rất vinh dự được ông đến thăm chúng tôi, xin ông hãy cho chúng tôi biết mục đích của ông và chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ những gì mà chúng tôi có thể làm được”.

A Tư Ðà trả lời: “Xin cám ơn lòng tử tế hiếu khách của bệ hạ. Tôi từ xa đến đây thăm bệ hạ là vì có dấu hiệu kỳ diệu mà tôi mới thấy gần đây. Những dấu hiệu này cho biết cậu bé trai mới sinh của Ngài, sau này sẽ đạt được sự giác ngộ tinh thần vĩ đại làm lợi ích cho tất cả mọi người. Cái trí tuệ quý giá ấy là điều mà suốt đời tôi đang cố gắng để đạt được. Cho nên tôi vội vã đích thân đến thăm cậu bé”.

Vua rất vui mừng và đi vào chỗ thái tử đang nằm ngủ. Vua cẩn thận ẵm con lên và đem ra cho A Tư Ðà xem. Nhà tiên tri im lặng ngắm nhìn cậu bé một lúc, rồi ông trở ra buồn rầu ngước lên ngắm nhìn bầu trời rồi bật khóc.

Thấy A Tư Ðà khóc, vua và hoàng hậu rất lo sợ. Họ e rằng vị tiên tri đã nhìn thấy một vài điềm không tốt nào đó của con mình chăng? Trước những giọt nước mắt của A Tư Ðà, vua cảm thấy rụng rời tay chân và thốt lên: “Ồ, thưa ông, ông đã nhìn thấy dấu hiệu gì mà ông phải khóc? Không phải chính ông và những nhà thông thái khác cũng nói rằng con trai của tôi sau này sẽ trở thành một vĩ nhân, đạt được trí tuệ tối cao sao? Nhưng tại sao bây giờ khi nhìn đứa bé ông lại khóc? Ðiều đó nghĩa là thái tử sẽ chết yểu phải không? Hay là sẽ có những tai họa khủng khiếp xảy ra cho nó? Nó là đứa con duy nhất của tôi, tôi rất thương nó. Xin ông hãy nói nhanh đi những gì mà ông thấy, tôi rất hồi hộp và lo sợ”.

Với một cái nhìn trìu mến, A Tư Ðà bình tĩnh nói với họ không nên lo sợ. “Không phải tôi khóc vì đã nhìn thấy những dấu hiệu xấu nơi thái tử. Thật ra tôi thấy con trai của bệ hạ có đầy đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, chắc chắn sau này lớn lên sẽ trở thành bậc vĩ nhân.

- Nếu con trai của bệ hạ theo con đường nối nghiệp cha, thì thái tử sẽ trở thành một Chuyển luân thánh vương vĩ đại nhất lịch sử. Thái tử sẽ cai trị cả một khu vực rộng lớn, đem lại an lạc và hạnh phúc cho mọi người. Nhưng nếu thái tử quyết định không làm vua, thì tương lai của thái tử sẽ rạng rỡ hơn nhiều. Thái tử sẽ trở thành một bậc đại giác, một vị thầy cao quý, hướng dẫn chúng sinh sống theo đạo lý yêu thương và tỉnh thức. Khi nhìn thấy những cảnh khổ của cuộc đời, thái tử sẽ lìa bỏ hoàng cung và đi tìm con đường chấm dứt mọi khổ đau. Rồi thái tử sẽ đem những chân lý ấy để chỉ dạy cho bất cứ ai muốn lắng nghe.

- Không, thưa bệ hạ và hoàng hậu, tôi không khóc cho đứa trẻ, mà chính là tôi đang khóc cho tôi. Như Ngài cũng đã biết, tôi đã trải qua toàn bộ cuộc đời để tìm chân lý, mong tìm ra con đường chấm dứt mọi khổ đau. Và hôm nay tôi đã gặp được thái tử, người mà sau này sẽ chỉ dạy những điều mà tôi muốn học. Nhưng đến lúc thái tử đủ trình độ để dạy thì có lẽ tôi đã chết rồi. Tôi không may mắn học được những lời thái tử dạy trên cuộc đời này. Ðó là lý do tại sao tôi buồn. Ðối với bệ hạ và hoàng hậu không có gì đáng buồn cả. Hãy sung sướng lên vì mình có được một người con vinh quang như thế”.

Nói xong A Tư Ðà ngắm nhìn đứa bé lần cuối rồi từ từ rời khỏi hoàng cung. Vua tiễn ông ra về rồi trở lại chỗ đứa con trai của mình. Vua rất sung sướng khi biết không có gì nguy hiểm đến tính mạng của thái tử. Ngài nghĩ: “A Tư Ðà nói rằng Tất Ðạt Ða sẽ trở thành một vị vua vĩ đại, hoặc trở thành một vị thầy cao quý. Nếu thái tử trở thành một vị vua vĩ đại như điều thứ nhất thì hay biết mấy. Thật là tự hào làm sao khi có một người con trai lừng danh và uy quyền. Rồi khi con ta tới tuổi già như A Tư Ðà, lúc đó nó xuất gia trở thành một vị thầy cao quý cũng được”.

Vua Tịnh Phạn sung sướng đứng ôm con trong lòng, để mặc cho những dòng suy nghĩ, những giấc mơ đẹp về đứa con sau này sẽ trở thành vĩ nhân, cứ hiện về trong đầu óc của ông. 

 

3. Dự lễ cày ruộng đầu năm

 

Năm thái tử Tất Ðạt Ða 9 tuổi, cậu được vua cha cho đi dự lễ cày ruộng đầu năm. Chính vua Tịnh Phạn là người chủ tọa buổi lễ này. Các vị đạo sĩ và tu sĩ Bà La Môn được mời tới dự. Buổi lễ được cử hành nơi thửa ruộng tốt nhất không xa hoàng thành. Không khí hôm nay thật tưng bừng náo nhiệt. Các thầy Bà La Môn đang tụng kinh rất nghiêm trang. Vua mặc hoàng bào và các vị quan cũng mặc triều phục đang đứng xoay mặt về phía lễ đài. Tất Ðạt Ða cũng đứng tham dự lễ, nhưng vì các thầy xướng tụng quá lâu, cậu cảm thấy nóng nực nên đi tìm chỗ mát dưới tàn cây Diêm phù bên đường ngồi nghỉ.

Sau khi các thầy Bà La Môn kết thúc việc đọc kinh, vua Tịnh Phạn bước xuống ruộng, nắm lấy cán cày với sự phụ tá của hai vị quan võ, vua đã cày luống cày đầu tiên của mùa làm ruộng mới. Dân chúng vỗ tay hoan hô vang rền. Các nông dân bắt đầu xuống ruộng làm theo vua. Họ cày những luống cày đầu tiên trên thửa ruộng của họ.

Nghe tiếng reo hò, Tất Ðạt Ða cũng chạy ra xem. Cậu nhìn thấy một con trâu đang nặng nhọc kéo cày, theo sau là một bác nông dân lực lưỡng, tay trái cầm cán cày, tay phải cầm cây roi quất mạnh vào lưng con trâu. Trời nắng gắt, mồ hôi ông ta chảy ra đẫm ướt cả thân mình. Nơi lưỡi cày đi qua đất được lật ngửa rẽ ra thành luống hai bên trông thật ngay hàng thẳng lối. Hàng ngàn con giun ở dưới đất chui lên, có những con bị lưỡi cày cắt làm đôi đang quằn quại trên luống đất. Những con chim bay sà xuống thấp đớp lấy những con giun đang vùng vẫy hoảng sợ. Rồi cậu lại thấy một con chim lớn sà xuống rượt bắt những con chim nhỏ để ăn thịt.

Trời lúc này nắng gắt, thái tử vừa mệt vì nắng, vừa chán nản vì thấy cảnh thú vật ăn thịt lẫn nhau, cậu bèn trở lại chỗ cây Diêm phù. Những hình ảnh mà Tất Ðạt Ða vừa thấy thật là mới lạ, đã kích thích cậu ngồi xếp bằng dưới gốc cây và nhắm mắt lại để chiêm nghiệm những gì đã thấy. Cậu ngồi ngay thẳng với tư thế uy nghiêm và rất đẹp. Hình ảnh người nông dân cày ruộng cực khổ đổ mồ hôi dưới ánh nắng nóng bức; hình ảnh con trâu nặng nhọc kéo cày còn bị những nhát roi quất lên mình thành những vết thương dài; hình ảnh những con giun bị luống cày cắt đứt làm đôi đang vùng vẫy đau đớn; hình ảnh những con chim nhỏû sà xuống bắt những con giun; hình ảnh con chim lớn rượt bắt những con chim nhỏ để ăn thịt; những cảnh tượng tàn sát lẫn nhau để mà sống này cứ hiện lên trong đầu của thái tử. Cuộc sống quả là một cái vòng đau khổ, tất cả chỉ vì miếng ăn mà phải cực khổ, đấu tranh, tàn sát lẫn nhau để sống. Thái tử cảm thấy xót thương cho bác nông dân, con trâu, con giun, con chim ... cậu ước mong sao tất cả người và vật không còn khổ đau nữa, không còn phải vì sự sống mà ăn thịt lẫn nhau.

Một lát sau khi vua và bà Ma Ha Ba Xà Ba Ðề tới gốc cây Diêm phù để tìm con, thấy Tất Ðạt Ða vẫn còn ngồi đó. Bà cảm động đến khóc khi thấy Tất Ðạt Ða ngồi đẹp như một pho tượng nhỏ dưới gốc cây. Nhưng vua thì lại lo ngại vì thái tử mới có 9 tuổi mà đã biết ngồi trầm tư như thế thì lời tiên đoán của Ðạo sĩ A Tư Ðà có thể trở thành sự thật.

 

 

4. Thái tử nhân từ

 

Sau khi sinh thái tử được 7 ngày thì hoàng hậu Ma Da từ trần. Trước khi qua đời, hoàng hậu đã dặn dò người em của mình là Ma Ha Ba Xà Ba Ðề (Mahapajapati): “Chắc chị sẽ không còn sống lâu để chăm sóc con được nữa. Sau khi chị mất, em hãy chăm sóc Tất Ðạt Ða giùm chị”. Người em nhận lời. Bà hứa sẽ thương yêu thái tử và chăm sóc cháu như là con của mình.

Thái tử lớn lên trở thành một cậu trai thông minh, xinh đẹp và nhân từ. Vua đã sắp xếp cho thái tử được học với những vị thầy danh tiếng nhất vương quốc, và thái tử đã tỏ ra là một người thông minh phi thường. Sau vài ngày đầu học tập, những vị thầy đã trình lên vua rằng: “Muôn tâu bệ hạ! Thái tử rất thông minh, những bài học chúng tôi chỉ dạy qua một lần là thái tử hiểu và nhớ rất kỹ. Thật ra có những điều mà thái tử thắc mắc chúng tôi không thể giải đáp, hoặc thái tử có những hiểu biết mà chúng tôi chưa hiểu biết”.

Nghe được điều này, niềm tự hào của vua về đứa con trai của mình càng tăng thêm. Ông sung sướng nghĩ: “Với sự thông minh này, thái tử con ta chắc chắn sẽ trở thành một vị vua thông minh và đầy uy quyền”.

Thế nhưng thái tử có một điều khác còn nổi bật hơn cả sự thông minh của cậu. Ðó là lòng tử tế, sự lịch thiệp và tình yêu thiên nhiên. Ðối với những đứa trẻ cùng trang lứa với thái tử, chúng thích đùa giỡn, nghịch phá hoặc chia phe đánh nhau trong những lúc rảnh rỗi. Riêng thái tử thì ngược lại thích ngồi yên lặng một mình. Cậu thương yêu các súc vật nhỏ sống ở trong vườn của hoàng cung và trở thành người bạn thân thiện của chúng. Những con vật biết thái tử không làm thương tổn chúng, cho nên chúng không bao giờ sợ thái tử. Ngay cả những động vật hoang dại, chúng sẽ bỏ chạy khi thấy một người nào đó đến gần, nhưng mỗi khi thái tử vào trong vườn, chúng lại mừng rỡ mon men đến gần và ăn các thức ăn trên tay thái tử một cách tự nhiên, vì mỗi lần thái tử vào trong vườn đều đem theo thức ăn cho chúng.

Một ngày nọ, thái tử đang ngồi trong vườn, có một đàn thiên nga trắng xóa bay ngang trên đầu. Bất ngờ, một mũi tên bắn lên không trung, trúng vào một con trong bầy. Nó lảo đảo rồi rơi xuống đất ngay trước chân của thái tử, mũi tên vẫn còn ghim nơi cánh của nó.

“Ôi! Tội nghiệp con thiên nga quá”, thái tử nhủ thầm và ôm con chim lên, “đừng có sợ nghe cưng, ta sẽ chăm sóc cho con, từ từ rồi ta sẽ lấy mũi tên ra cho”. Thế rồi tay này thái tử nhẹ nhàng vuốt ve con thiên nga để nó bớt sợ, tay kia thái tử rút mũi tên ra một cách thận trọng. Xong thái tử lấy thuốc rửa chùi vết thương cho nó, vừa làm thái tử vừa thì thầm an ủi khiến cho nó không còn sợ hãi nữa. Lau vết thương xong thái tử cởi áo ngoài của mình ra, quấn quanh mình nó cho ấm.

Một lúc sau, có cậu thiếu niên chạy vào trong vườn. Ðó là người em họ của thái tử tên là Ðề Bà Ðạt Ða (Devadatta). Cậu ta mang theo cung tên và rất vui mừng nói: “Tất Ðạt Ða, Tất Ðạt Ða, em vừa mới bắn được một con thiên nga. Anh thấy đấy, em chỉ bắn có một phát thôi là đã hạ được một con chim rồi. Nó rơi xuống chung quanh đây, anh kiếm giúp giùm em đi”.

Ngay lúc ấy, Ðề Bà Ðạt Ða phát hiện một mũi tên của mình dính máu nằm ở dưới đất gần bên chân của Tất Ðạt Ða. Nhìn kỹ, cậu ta thấy thái tử đang cầm vật gì trong tay và rồi nhận ra đó là con thiên nga mà cậu đang tìm. Cậu la lên: “Anh lấy con thiên nga của em đấy à? Ðưa lại cho em đi. Em đã bắn hạ nó thì nó là của em”. Ðề Bà Ðạt Ða liền chụp lấy con chim, nhưng thái tử ôm sát nó vào lòng mình, khiến Ðề Bà Ðạt Ða tức giận vô cùng.

Thái tử nói một cách kiên quyết rằng: “Anh đã bắt gặp con chim nằm quằn quại đầy máu nơi mình. Anh không thể đưa nó cho bất cứ ai khi nó đang bị thương”.

Ðề Bà Ðạt Ða la lên: “Nhưng nó là của em. Chính em đã bắn nó, anh phỗng tay trên của em đâu có được. Hãy trả nó lại đây”.

Hai cậu thiếu niên đứng tranh cãi một hồi. Ðề Bà Ðạt Ða càng lúc càng trở nên giận dữ, nhưng thái tử vẫn một mực không giao con thiên nga cho cậu ta. Sau cùng thái tử nói: “Khi hai người tranh cãi một vấn đề không xong thì nên giải quyết bằng pháp luật. Trước những người thông thái có thẩm quyền, chúng ta cứ trình bày những sự việc xảy ra, để cho những vị này quyết định ai đúng. Tôi nghĩ chúng ta nên giải quyết bằng cách này là tốt nhất”.

Ðề Bà Ðạt Ða không thích ý kiến này lắm, song chỉ còn có cách này mới hy vọng lấy lại được con thiên nga mà thôi, nên cậu phải đồng ý. Rồi họ đi vào cung điện, thưa lại với vua và quần thần. Mọi người đều bật cười với nhau khi nghe họ trình bày sự việc. Các quan nói: “Chỉ có mỗi một con chim mà làm mất thời giờ của chúng tôi quá, thật không đáng tí nào”. Nhưng vua lại nói: “Tất Ðạt Ða và Ðề Bà Ðạt Ða là những thái tử của hoàng tộc, trẫm rất vui mừng vì chúng đã biết nhờ chúng ta giải quyết những việc bất bình bằng xét xử. Trẫm nghĩ điều đó rất quan trọng, bởi vì chúng là những nhà lãnh đạo tương lai, biết dùng cách giải quyết bằng pháp lý. Chúng ta hãy xét xử xem sao”.

Sau đó mỗi cậu trình bày những sự việc đã xảy ra. Các quan cố gắng lắng nghe để quyết định ai đúng, thì con thiên nga sẽ thuộc về người đó. Người thì cho rằng Ðề Bà Ðạt Ða bắn con chim, đương nhiên nó thuộc về cậu ta. Người khác lại cho rằng Tất Ðạt Ða bắt được con thiên nga thì nó thuộc về thái tử. Các quan bàn luận với nhau mà chưa giải quyết dứt điểm.

Cuối cùng một ông lớn tuổi nhất nói: “Giá trị của sự sống quý hơn tất cả mọi thứ trên thế gian này. Vì thế tôi nghĩ rằng con thiên nga thuộc về ai đã cứu sống nó, không thuộc về người đã cướp mất đời sống của nó. Vậy con thiên nga này là của Tất Ðạt Ða”.

Mọi người vỗ tay hoan hô ý kiến này. Thế là thái tử Tất Ðạt Ða được mọi người biểu quyết thắng cuộc.

 

5. Cuộc thi tài cầu hôn

 

Thái tử ngày càng trưởng thành, lòng nhân ái của cậu càng được mọi người thương yêu quý mến. Song cha của cậu thì lại lo rầu. Ông nghĩ: “Tất Ðạt Ða quá nhân ái và nhiều cảm xúc. Ta muốn con trai của ta trở thành một vị vua vĩ đại, có sức mạnh và đầy uy lực. Nhưng thái tử lại thích trầm tư một mình ở trong vườn hơn là học cách thức cai trị một vương quốc. Ta lo lắng con trai của ta chẳng bao lâu sẽ từ bỏ hoàng cung, sống đời ẩn sĩ như lời đạo sĩ A Tư Ðà đã tiên đoán. Nếu thật sự như vậy thì thái tử sẽ không bao giờ trở thành vị vua vĩ đại”.

Vua rất lo lắng về việc thái tử sẽ ra đi. Vua đem nỗi lo của mình trình bày cho các quan nghe. Có một người đề nghị: “Tâu bệ hạ, thái tử hay ngồi lặng yên và mơ mộng về những thế giới khác, bởi vì cậu ta chưa tiếp xúc với hiện thực của cuộc đời này. Xin bệ hạ hãy kiếm cho thái tử một người vợ, khi thái tử có vợ và có con rồi sẽ không còn mơ mộng nữa và sẽ quan tâm đến việc học tập, cách thức cai trị vương quốc”.

Vua cho rằng đây là một đề nghị rất tuyệt vời. Vua liền cho tổ chức một buổi nhạc hội lớn ở trong cung điện. Tất cả những thiếu nữ xinh đẹp từ các gia đình quý tộc được mời đến tham dự. Cuối buổi nhạc hội thái tử được mời tặng quà cho từng cô gái, trong lúc thái tử tặng quà các quan theo dõi xem chàng thích cô nào.

Những cô gái trẻ rất lúng túng khi xuất hiện trước thái tử. Thái tử trông đẹp trai và nổi bật hẳn giữa đống quà đắt tiền để trên bàn phía trước mặt. Từng cô gái rụt rè tiến đến chỗ thái tử, không dám nhìn lên. Các cô lặng lẽ nhận nhẫn, vòng xuyến xong vội vã trở về chỗ cũ.

Cuối cùng có một cô gái trẻ tên là Da Du Ðà La (Yasshodara), con gái của ông vua nước lân cận, không như những cô gái khác, cô tiến đến chỗ thái tử một cách tự nhiên. Ðây là lần đầu trong đêm, thái tử nhìn chăm chú vào cô gái này. Nàng rất xinh đẹp và thái tử dường như đã bị sắc đẹp của nàng thu hút.

Họ đứng bất động, bốn mắt nhìn nhau say đắm. Lúc ấy Da Du Ðà La dịu dàng lên tiếng: “Dạ thưa thái tử, quà của em đâu?”. Thái tử như người trong mơ vừa tỉnh, cậu nhìn xuống bàn nhưng quà tặng đã hết. Thái tử vội nói: “Ðây, hãy nhận món quà này”. Thái tử tháo chiếc nhẫn trong tay ra. “Ðây là món quà anh tặng em”. Da Du Ðà La lịch sự đón nhận chiếc nhẫn và từ từ đi về chỗ cũ.

Các quan đã thấy rõ mọi việc và vui mừng đến báo cho vua biết. Họ sung sướng tường thuật: “Tâu bệ hạ, chúng tôi đã tìm được một cô gái xứng đáng cho thái tử. Cô ta là công chúa Da Du Ðà La, con gái của vua Thiện Giác (Suprabuddha) ở nước láng giềng. Xin bệ hạ hãy đi qua gặp ông vua này và xin cưới con gái của ông cho thái tử”.

Vua Tịnh Phạn đồng ý và chuẩn bị lễ vật đi qua gặp cha của Da Du Ðà La. Vị vua này tiếp đón vua Tịnh Phạn rất thân mật và nói: “Tôi biết con trai của Ngài là một người rất tốt, song tôi không thể gả con gái của mình cho một người nào đó một cách đơn giản. Nhiều thái tử khác cũng xin cưới con gái tôi và họ đều là những chàng trai tuyệt vời. Họ rất điệu nghệ trong việc cưỡi ngựa, bắn cung và chơi các môn thể thao quý tộc khác. Thái tử sẽ phải thi tài với những người cầu hôn đó theo phong tục của chúng tôi”.

Sau đó một cuộc thi tài được tổ chức và Da Du Ðà La xinh đẹp là phần thưởng quý giá nhất. Vua Tịnh Phạn rất lo âu, ông nghĩ: “Con trai ta không quan tâm đến các môn chơi của chiến sĩ, liệu nó có thể chiến thắng cuộc thi tài này không?”. Thái tử hiểu được nỗi lo của cha nên thưa rằng: “Xin vua cha đừng quá lo lắng. Con sẽ làm hết khả năng của mình để chiến thắng và Da Du Ðà La sẽ là vợ của con”.

Cuộc thi đầu tiên là bắn cung. Những chàng trai đặt những tấm bia của họ ở khoảng cách xa mà họ có thể bắn trúng chấm giữa của bia. Khi tới lượt Ðề Bà Ðạt Ða – em họ của Tất Ðạt Ða – cậu ta không chỉ bắn trúng điểm giữa của bia, mà còn xuyên qua cả tấm bia. Mọi người hoan hô nồng nhiệt. Riêng Da Du Ðà La lại che giấu nỗi lo của mình. Cô nghĩ: “Làm sao Tất Ðạt Ða yêu quý của ta có thể bắn được như thế?”

Thái tử rất tự tin ở khả năng của mình. Ðến lượt chàng thi bắn, Tất Ðạt Ða đặt tấm bia xa tít tầm mắt mọi người. Rồi chàng lấy một mũi tên từ trong bao ra nạp vào cung. Tuy nhiên do thái tử quá mạnh tay nên khi kéo cây cung đã gãy đôi. 

Thái tử nói: “Làm ơn tìm cho tôi một cây cung khác, chắc hơn cây cung này”.

Một ông quan nói: “Thưa thái tử, có một cây cung rất cổ ở trong cung. Cây cung này của một chiến sĩ mạnh nhất thời bấy giờ. Kể từ khi ông ta chết đến nay chưa có ai đủ sức kéo nổi dây cung này, huống hồ bắn nó được”.

“Tôi sẽ bắn cây cung ấy”, thái tử tuyên bố trước sự ngạc nhiên của mọi người. Sau khi họ đem cây cung đến, thái tử cầm cây cung lên, thử uốn cong và kéo dây một cách dễ dàng. Sau đó thái tử tra tên vào cung, kéo hết dây và nhắm mục đích. Choang! Phát tên bắn ra kêu to đến nỗi những người trong làng cách xa đó cũng nghe được. Mũi tên xé gió đi rất nhanh, khi nó trúng tấm bia – ngay trung tâm điểm – chẳng những nó không dừng lại đó mà còn xuyên qua tiếp tục và bay xa tít tầm mắt của mọi người.

Ðám đông hoan hô nồng nhiệt “Thái tử chiến thắng! Thái tử chiến thắng!”. Song bắn cung mới chỉ là cuộc thi tài đầu tiên trong ngày. Cuộc thi đấu kế tiếp là kiếm thuật.

Mỗi người chọn một cây kiếm và biểu lộ sức mạnh của mình bằng cách hạ thân cây gần đó với một nhát gươm của mình. Người thứ nhất hạ một thân cây dầy khoảng 15 cm. Người thứ hai 22 cm. Người thứ ba 30 cm.

Ðến lượt thái tử, chàng chọn một cây mà hai thân mọc sát nhau. Thái tử vung gươm chém một nhát thật nhanh, cắt ngang thân cây trong chớp mắt, nhưng nó vẫn đứng sừng sững đó. Lưỡi gươm của thái tử quá bén đến nỗi vết cắt không làm cho thân cây đổ ngã. Khi mọi người nhìn thấy cây không đổ, cả đám đông, nhất là Da Du Ðà La than thở: “Thái tử đã thất bại. Nhát gươm của chàng đã không cắt đứt được thân cây”.

Lúc ấy chợt một cơn gió mạnh thổi đến làm thân cây lay động và từ từ lật đổ. Lời than của đám đông chuyển qua vui mừng và họ lại reo lên: “Thái tử chiến thắng”.

Cuộc thi cuối cùng là môn cưỡi ngựa. Một con ngựa hoang hung dữ, chưa có người nào cưỡi được nó, đang được những người đàn ông khỏe mạnh dắt ra. Mỗi người cầu hôn gắng leo lên cưỡi nó. Nhưng con ngựa cứ nhảy chồm lên và đá hậu rất dữ. Không một ai có thể leo lên lưng nó được. Cuối cùng một chàng trai cũng đã điều phục được nó, ngồi trên lưng nó để cho những người giữ ngựa dắt đi. Thế nhưng chỉ một lát nó đã nhảy bổ lên với sự giận dữ, hất người ngồi trên lưng nó rơi xuống đất. Nếu không được sự cứu giúp kịp thời của những người giữ ngựa lôi anh ta ra chỗ an toàn, thì có lẽ ngựa đã giẫm anh chết rồi.

Khán giả bắt đầu la ó: “Hãy ngưng ngay cuộc thi đấu này đi! Không nên để thái tử đến gần con ngựa đó. Nó rất nguy hiểm. Nó sẽ giết chết thái tử”. Nhưng thái tử vẫn bình tĩnh. Chàng nghĩ: “Tính hiền dịu có năng lực hơn cả sức mạnh vũ phu”. Thái tử từ từ tiến ra chỗ con ngựa. Chàng vuốt ve những chòm lông trên đầu nó, nói thì thầm vào lỗ tai nó, nhẹ nhàng vuốt lên đầu lên mình nó. Thái tử đã làm dịu đi cơn giận dữ và sợ hãi của nó.

Một lát sau con ngựa trở nên hiền lành. Nó bắt đầu liếm tay của Tất Ðạt Ða. Thái tử vẫn thì thầm dịu ngọt với nó. Sau đó chàng leo lên lưng nó một cách dễ dàng. Thái tử cưỡi ngựa diễu hành ngang qua mọi người, trong những tiếng reo hò vui mừng của họ. Thái tử đã đón nhận phần thưởng quý giá, đó là công chúa Da Du Ðà La xinh đẹp. Cuộc thi tài đã kết thúc. Thái tử Tất Ðạt Ða đã chiến thắng. Cuộc thi tài đã chứng tỏ thái tử Tất Ðạt Ða không chỉ có sức mạnh phi thường, mà còn có cả lòng từ bi vô hạn nữa. 

 

6. Những cung điện như ý

 

Chẳng bao lâu thái tử Tất Ðạt Ða và công chúa Da Du Ðà La tổ chức lễ cưới. Vua mong muốn con trai của mình sẽ không có ý lìa bỏ vương quốc, nên ông đã ra lệnh cho xây ba cung điện tuyệt đẹp để cho đôi vợ chồng mới cưới ở. Vua nói với những người thợ xây dựng: “Hãy làm chúng thật tuyệt đẹp, ta muốn những ngôi nhà này thật nguy nga lộng lẫy, đến mức khi người ta vào trong đó sẽ nghĩ rằng họ đang ở nơi thiên đường.

“Ta muốn xây một cung điện mùa Hè làm bằng cẩm thạch mát rượi và bao quanh là những ao hồ, những suối nước mát. Cái thứ hai là cung điện mùa Ðông, ấm áp và thoải mái. Cái thứ ba sẽ dùng cho mùa mưa. Vị trí của các cung điện này sẽ ở giữa một công viên lớn, với cảnh đẹp nhìn từ mọi mặt. Một bức tường cao lớn xây bao quanh công viên để những thứ phiền toái ở bên ngoài không thể xâm nhập được. Mọi thứ đều tốt  đẹp toàn hảo để thái tử Tất Ðạt Ða không bị cảnh khổ cuộc đời xúi giục từ bỏ”.

Vua cố gắng làm hết sức mình để cho những ngôi nhà này thật đẹp, thật hấp dẫn nhằm thu hút thái tử. Vua mời những dàn nhạc tài nghệ trong nước đến biểu diễn suốt ngày đêm. Tất cả người phục vụ đều là những cô gái trẻ đẹp giỏi khiêu vũ. Ðầu bếp phải nấu những món ăn ngon và thay đổi liên tục. Không ai được phép vào trong cung điện làm xáo trộn tâm trí yên tĩnh của thái tử, gợi cho thái tử ý niệm từ bỏ cung điện. 

Ðã nhiều năm qua thái tử Tất Ðạt Ða sống trong cảnh thiên đường này. Từ sáng tới tối thái tử được tiêu khiển bằng hàng ngàn thứ khác nhau. Chàng không bao giờ nhìn thấy những thứ không tốt đẹp, không hề nghe những âm thanh không được êm dịu ngọt ngào. Nếu có một người nữ hầu bị bệnh, cô ta sẽ lập tức được đưa đi chỗ khác cho đến khi nào lành bệnh mới được trở lại. Với biện pháp này thái tử sẽ không bao giờ thấy cảnh người bệnh hay bất cứ cái gì gây ảnh hưởng không tốt đến suy nghĩ của thái tử. Vua còn ra lệnh tất cả mọi người không được nói những chuyện buồn rầu chán nản với thái tử. Ngay cả một cây hoa trong vườn bắt đầu héo rũõ, người làm vườn phải nhổ bỏ đem đi nơi khác. Làm như vậy thái tử sẽ không bao giờ thấy những bông hoa héo tàn. Với những biện pháp này, vua muốn thái tử không thấy biết gì về những nỗi khổ và những điều bất hạnh của cuộc sống hiện thực.

Thời gian êm đềm trôi qua như một giấc mơ. Da Du Ðà La đã sinh một bé trai là La Hầu La (Rahula) và mọi việc dường như trôi qua một cách tốt đẹp. Vua rất hài lòng vì biện pháp của mình đã làm cho thái tử quan tâm đến đời sống hoàng gia hơn là việc từ bỏ cung điện. Thế nhưng điều đó không có nghĩa là thái tử sung sướng nhất đời khi có được đứa con trai và sẽ thỏa mãn đời sống trong sự huy hoàng nhàn hạ ấy. Một ngày nào đó khi nhân duyên đầy đủ, thái tử cũng sẽ khám phá ra chân lý của cuộc đời.

 

7. Một bài ca hay

 

Một buổi chiều sau khi dùng cơm xong, thái tử Tất Ðạt Ða nằm nghỉ trên giường, đầu tựa vào lòng của Da Du Ðà La. Nhạc công đang chơi những điệu nhạc nhẹ nhàng êm dịu. Những nàng hầu đang thì thầm và mỉm cười vui vẻ với nhau. Kể từ khi chuyển vào cung điện như ý này, chiều nào thái tử cũng được thưởng thức những cuộc vui như vầy. Nhưng đêm nay thái tử cảm thấy bồn chồn khó ngủ. Thái tử đề nghị với một nhạc công ưa mến nhất: “Hãy ru ta ngủ bằng một bài ca hay. Nhớ chọn một bài mà các bạn chưa từng hát trước đây”.

Người ca sĩ thanh lịch vâng lời và bắt đầu hát những lời ca nhẹ nhàng êm ái, phát ra từ tâm hồn của mình và được nhạc công đệm phụ họa theo một cách hài hòa. Bài hát ca ngợi vẻ đẹp của thế giới, những vùng đất xa nơi mà cô ta đã đi qua khi còn thơ ấu; ca ngợi thành phố thịnh vượng nơi mà dân chúng đang sống tràn đầy hạnh phúc an vui.

Bài ca đã làm say mê thái tử. Ca sĩ vừa hát dứt lời, thái tử liền hỏi: “Hãy nói thật cho ta biết, có những nơi tuyệt đẹp bên ngoài bức tường của khu vườn này không? Người ta đã sống như thế nào trong thành phố ấy? Và những thứ mà thế giới bên ngoài đó có đáng yêu hơn những thứ ta đã thấy trong cung điện lộng lẫy này không? Hãy nói cho ta biết sự thật về tất cả những thứ ấy đi”.

Cô gái trả lời: “Thưa thái tử, chắc chắn cung điện mà thái tử đang sống là tuyệt vời nhất rồi. Thế nhưng cũng còn có nhiều thứ khác đẹp hơn ở thế giới bao la bên ngoài cung điện này. Những thành phố và tỉnh lỵ với những dãy phố xinh đẹp; những núi đồi và thung lũng hùng vĩ nên thơ; có những vùng đất xa xôi nơi ấy người ta nói các thứ ngôn ngữ khác nhau. Có nhiều thứ mà tiện thiếp đã thấy và cũng còn rất nhiều thứ mà tiện thiếp chỉ mới nghe đến. Cung điện và khu vườn của thái tử thật ra rất xinh đẹp, song vẫn còn có rất nhiều thứ đáng được thưởng ngoạn ở bên ngoài của bức tường thành này”.

Nghe xong thái tử rất mong muốn được ngắm nhìn tận mắt những cảnh quan đẹp và lạ ấy. Ðã nhiều năm qua thái tử chỉ sống trong những bức tường của khu vườn và cung điện như ý, hoàn toàn không để ý đến thế giới bên ngoài. Bây giờ thái tử ao ước được du ngoạn bên ngoài cung điện và chàng đã gởi lời thỉnh cầu đến vua cha cho phép chàng được dạo quanh thành phố.

Vua đã đồng ý lời thỉnh cầu của con trai. Ông nghĩ: “Bây giờ con trai ta mong muốn được nhìn thấy vương quốc của ta. Ðây là thời điểm thích hợp, bởi lẽ nó đã thỏa mãn trong cung điện như ý rồi, bây giờ để cho nó được nhìn thấy thực tế vương quốc mà nó sẽ cai trị sau này”.

 

 

8. Một cảnh quan bất như ý

 

Vua không muốn con trai của mình trông thấy những thứ phiền lòng khi đi du ngoạn. Bởi vì những thứ ấy có thể khiến cho thái tử khởi lên ý nghĩ sẽ từ bỏ vương quốc đi theo đời sống ẩn sĩ. Cho nên trước ngày thái tử đi thăm thành phố, vua đã chỉ thị cho các quan quân đi thông báo cho dân chúng biết rằng: “Ngày mai thái tử Tất Ðạt Ða sẽ đi thăm thành phố Ca Tỳ La Vệ (Kapilavastu). Mọi người hãy trang hoàng nhà cửa và đường phố cho sạch đẹp. Những người già yếu bệnh tật phải ở trong nhà suốt ngày mai. Mọi thứ trong thành phố phải tươi tốt sạch đẹp”. Sau đó quân đội đã đưa tất cả những người ăn xin trên đường phố đến nơi mà thái tử không đi ngang qua.

Sáng hôm sau, Xa Nặc (Channa) người chăn ngựa đã chuẩn bị con ngựa Kiền Trắc (Kantaka) yêu quý của thái tử và đưa thái tử ra khỏi hoàng cung. Trong suốt thời thơ ấu đây là lần đầu tiên thái tử được ngắm nhìn quang cảnh thành Ca Tỳ La Vệ. Và đây cũng là lần đầu người dân của thành phố được nhìn thấy thái tử của họ. Mọi người rất sung sướng đứng xếp thành hàng trên những con đường mới trang hoàng để được ngắm nhìn chàng trai trẻ đẹp đi ngang qua. Họ nói với nhau: “Trông thái tử tướng hảo quang minh và dễ thương làm sao”. Người thì nói: “Cặp mắt của thái tử đẹp thật. Chúng ta rất diễm phúc được thái tử sẽ là vua của chúng ta trong tương lai”.

Thái tử cũng rất sung sướng khi nhìn thấy mọi thứ. Thành phố trang hoàng lộng lẫy và sạch đẹp. Nơi nào cũng thấy người ta vui cười, hoan hô và ca múa. Trên đường nơi thái tử đi qua dân chúng vui mừng rải hoa đầy lên người thái tử yêu quý của họ. Thái tử sung sướng nhớ lại: “Bài ca thật là đúng. Ðây quả là một thành phố phồn vinh, xinh đẹp và tốt lành”.

Thế nhưng khi thái tử và người chăn ngựa đang đi qua đám đông, họ bỗng phát hiện một người già khom lưng vẻ mặt buồn rầu trong đám người vui vẻ. Lạ kỳ – bởi vì thái tử chưa thấy những người già như vầy – nên thái tử quay qua hỏi: “Xa Nặc, người đó là ai vậy? Tại sao ông ta lại cúi gập người và không ca múa như mọi người? Tại sao gương mặt của ông không tươi láng như những người khác, mà lại tái nhợt và nhăn nheo? Tại sao ông ta khác người như vậy?”

Xa Nặc chỉ người đàn ông đang lẩn khuất ở trong đám đông và trả lời với thái tử rằng: “Thưa thái tử, đó chỉ là một ông già”.

“Ông già!”, thái tử hỏi lại. “Người này luôn luôn “già” như vậy từ trước đến nay hay nó chỉ mới xảy ra gần đây?”

Xa Nặc trả lời: “Không, thưa thái tử. Nhiều năm trước ông già này cũng là một thanh niên khỏe mạnh như những người khác mà Ngài đã nhìn thấy tại đây hôm nay. Nhưng dần dần sức khỏe của ông ta giảm sút, thân thể khom dần, màu sắc của gương mặt héo tàn, răng rụng. Và bây giờ thân thể ông ta tàn tạ như thế”.

Vừa ngạc nhiên vừa buồn bã thái tử hỏi
lại: “Người đàn ông đáng thương ấy chỉ có một mình ông ta đau khổ vì tuổi già sức yếu? Hay những người khác cũng phải bị như vậy?”.

“Thưa thái tử, tất cả mọi người đều phải trải qua tuổi già. Thái tử, tôi, vợ và con thái tử cùng mọi người trong cung điện, chúng ta đang trở nên già từng giây từng phút. Một ngày nào đó chúng ta sẽ giống ông già này”.

Những lời này làm cho thái tử buồn rầu trầm ngâm giây lâu. Thái tử giống như người bị khủng hoảng bởi một tiếng sét đột ngột. Một hồi lâu thái tử lấy lại bình tĩnh và nói: “Này Xa Nặc, những gì ta thấy hôm nay ta không muốn thấy nữa. Trong giữa những người trẻ tuổi vui sướng này, cảnh tượng của người già đã làm ta chán ngán. Hãy quay trở lại cung điện. Tất cả những thú vui của cuộc đi dạo này đã trôi qua. Hãy trở về ngay, ta không muốn thấy nữa”.

Xa Nặc vâng lệnh. Khi họ về tới nhà, thái tử đi một mạch vào cung điện không nói với ai lời nào, vội vã lên lầu và vào phòng riêng ngồi lặng yên một mình. Mọi người nhận ra sự lạ kỳ này và đã cố gắng làm cho thái tử vui vẻ, nhưng không có kết quả. Tới giờ ăn thái tử không thiết ăn một món gì, dù cho người đầu bếp đã sửa soạn một bữa ăn thật ngon. Thái tử không quan tâm đến âm nhạc hay khiêu vũ, chỉ ngồi trầm ngâm một mình: “Tuổi già, tuổi già, tuổi già ...”

 

9. Cuộc đi dạo lần thứ hai

 

Vua Tịnh Phạn nghe được tâm trạng không hài lòng của con trai mình và cho rằng có điều gì chưa vừa ý. Vua nghĩ: “Ta sẽ sắp xếp một cuộc đi dạo khác cho thái tử, nhưng lần này cảnh quan của thành phố phải tươi đẹp hơn”.

Vì thế Xa Nặc chuẩn bị con ngựa Kiền Trắc một lần nữa và họ đã rời khỏi cung điện đi vào thành phố Ca Tỳ La Vệ. Trên những con đường được trang hoàng xinh đẹp hơn trước, và người ta rất sung sướng đón chào thái tử. Nhưng lần này thái tử và người giữ ngựa lại nhìn thấy một người bệnh xuất hiện ở trong đám đông đang vui cười ấy.

Thái tử chợt thốt lên: “Nhìn kìa Xa Nặc. Người đàn ông kia làm sao mà ho dữ dội, run cả thân thể và rên rỉ thảm thương như thế?”

– Thưa thái tử đó là người bệnh.

– Tại sao ông ta bị bệnh?

– Người ta bị bệnh có rất nhiều lý do, thưa thái tử. Có lẽ ông ta ăn nhầm thức ăn xấu, hoặc là để cho thân thể nhiễm lạnh nên bị mất quân bình và ông ta bị cảm sốt.

– Tất cả những người vui vẻ trong đám đông đó cũng có thể bị bệnh như người này không?

– Thưa thái tử, có. Bất cứ người nào dù khỏe đến đâu cũng có ngày bị bệnh. Bệnh tật không chừa một ai cả.

Cuộc đi du ngoạn lần thứ hai này thái tử bị cú sốc nặng hơn. Thái tử nói: “Ta không sao hiểu nổi, làm thế nào mà người ta lại vô tư và vui sướng khi bệnh tật đang từng phút từng giây đe dọa họ. Thôi hãy quay trở về đi Xa Nặc, ta đã nhìn thấy sự thật về cuộc đời qua cuộc đi dạo ngày hôm nay rồi”.

Khi thái tử trở về cung điện, thái tử cảm thấy buồn hơn cuộc đi dạo lần trước. Không ai làm cho thái tử vui cười được và thái tử cũng không muốn nói chuyện với ai. Khi vua cha biết được con trai mình không được vui sau chuyến đi thứ hai này, ông rất lo âu và bối rối: “Ta đã làm hết sức mình để cho con trai ta vui vẻ, song cuối cùng trái tim của nó lại tràn đầy buồn rầu. Ta phải hỏi các quan xem có cách nào làm cho con trai của ta tươi vui hơn không”.

Các quan đề nghị với vua rằng, lần sau thái tử muốn đi dạo thì không nên để thái tử đi một mình. Tốt hơn nên cho các ca sĩ, vũ công và những người quý phái trong cung cùng đi với thái tử. Họ sẽ có kế hoạch đưa thái tử đi thăm một khu vườn đặc biệt đã được chuẩn bị sẵn, nơi đây thái tử sẽ được giải trí bởi tất cả các thứ vui chơi.

Khi thái tử Tất Ðạt Ða xin đi dạo thành phố một lần nữa, mọi thứ được chuẩn bị chu đáo và hết sức thoải mái. Thành phố được trang hoàng đẹp hơn lần trước. Tất cả những cảnh quan xấu được chuyển đi hết và khu vườn đặc biệt được chuẩn bị với tất cả thú vui trong ấy.

 

 

10. Cú sốc cuối cùng

 

Tất Ðạt Ða và Xa Nặc lại rời khỏi cung điện bằng ngựa. Cùng đi có các quan hộ tống, những nhạc công và người hầu, giống như một buổi lễ diễu hành. Cũng như những lần trước, dân chúng đứng thành hàng trên đường phố và họ say mê ngắm nhìn đoàn diễu hành của hoàng gia.

Song lần đi dạo thứ ba này, thái tử và Xa Nặc lại nhìn thấy một cảnh tượng đau buồn. Ðó là một tốp người u sầu đang khiêng một chiếc quan tài người chết, xuất hiện từ trong căn nhà và đang chậm chạp đi ra đường.

– Xa Nặc, tại sao người đàn ông kia lại nằm im trong chiếc hộp? Ông ta ngủ hay sao? Tại sao những người đi theo lại khóc? Và họ khiêng ông ta đi đâu?

– Thưa Ngài, đó là người chết. Họ đang đưa ông ta đến bờ sông, nơi đó sẽ thiêu thân xác ông ta.

Thái tử ngạc nhiên hỏi: “Chết à? Chết nghĩa là gì? Và nếu họ thiêu đốt thể xác của ông ta, ông ta có bị đau đớn không? Xa Nặc hãy giải thích cho ta rõ vấn đề này”.

Xa Nặc đành phải giải thích cho thái tử biết về những sự thật mà cha của Ngài đã giấu kín từ nhiều năm qua. “Cuộc đời của người đàn ông đó cũng như thái tử và tôi bây giờ. Ông ta sinh ra, lớn lên, rồi trở thành một người đàn ông. Ông ta đã trải qua những sự vui buồn thăng trầm của cuộc sống, nào là xây dựng gia đình, làm việc để nuôi sống bản thân và vợ con. Trải qua thời gian vài chục năm, thân thể ông ta trở nên già yếu, bệnh tật và nằm liệt trên giường. Lúc ấy ông ta không còn nhận thức được gì nữa, ngay cả đến những người bạn thân thiết nhất. Rồi ông ta ngày một yếu dần và cuối cùng hơi thở lìa khỏi xác. Mạng sống đến đây chấm dứt, và ông ta đã chết. Chỉ còn lại cái xác lạnh lẽo không hồn, không còn cảm giác gì nữa cả. Một thân xác mà suốt đời ông ta chăm sóc nó nay trở thành vô nghĩa, chỉ còn lại một nắm tro tàn sau khi thiêu xong”.

– Ai cũng phải trải qua sự chết như vậy phải không Xa Nặc?

– Không, thưa thái tử. Thật ra một số người không có cơ hội sống đến già. Một số người rất ít khi bị bệnh. Song tất cả mọi người đều phải chết một ngày nào đó, không có ngoại lệ khác hơn.

Những lời trình bày của Xa Nặc gây ấn tượng sâu đậm trong tâm thái tử. Chàng nói: “Có nghĩa là một ngày nào đó, vợ ta, con ta, những bạn bè của ta và cả bản thân ta cũng sẽ phải chết? Và tất cả những người hiện diện nơi đây với áo quần đẹp đẽ và rất hãnh diện như thế này cũng sẽ chết ư? Ồ, thật là mù quáng thay, cả thế giới vẫn cứ mải mê ca múa, quay cuồng theo dục vọng trong khi cái chết đang đến gần họ! Tại sao họ lại cứ se sua lo chuyện chưng diện áo quần cho tốt mà không biết một ngày nào đó họ chỉ còn phủ lên mình một tấm vải trắng thô sơ? Phải chăng họ chỉ nhớ những thứ thiển cận mà quên đi sự chết? Hay trái tim của họ quá chai đá đến nỗi ý nghĩ về sự chết không làm họ lo sợ? Xa Nặc, hãy quay xe lại. Ta muốn trở về cung điện”. 

Xa Nặc đánh xe ngựa trở về khu vườn xinh đẹp. Nơi đó những ca sĩ và vũ công đẹp nhất cung điện đang chờ đợi cùng với các nhạc công, các quan và một bàn tiệc thịnh soạn được chuẩn bị bởi các đầu bếp của hoàng gia. Họ đón chào thái tử một cách nồng nhiệt khi thái tử từ trên xe ngựa bước xuống. Thế nhưng thái tử không thiết gì cả. Tư tưởng của chàng hoàn toàn bị thu hút bởi những gì đã xảy ra mà chàng chứng kiến khi nãy.

 

11. Thú vui tan dần

 

Mọi người cố gắng hết sức để làm vui lòng thái tử. Những vũ công xinh đẹp vui đùa với thái tử, hy vọng làm cho gương mặt đẹp trai buồn rầu của chàng vui tươi trở lại, nhưng thái tử không hề quan tâm đến họ. Trong tâm trí của chàng lúc này là hình ảnh già, bệnh, chết đang chiếm ngự.

 Một trong những vị quan thấy thái tử không vui bèn đến động viên chàng. Với lối nói vui đùa của một người bạn, ông nói: “Thật không phải tí nào khi thái tử lại lơ là với những vũ công đáng yêu này và từ chối cuộc vui với họ. Bạn ơi! Bạn còn trẻ đẹp và khỏe mạnh, cứ vui hưởng sự sống đi. Có việc gì đâu? Bộ những cô gái này không đáng yêu đối với bạn sao?”

Với giọng nói cương nghị thái tử trả lời: “Ngài đã hiểu lầm tôi rồi. Chẳng phải tôi không thích những người và những thứ đáng yêu mà tôi thấy nơi đây. Nhưng khi nghĩ đến sắc đẹp của họ sẽ phai tàn, mọi vật sẽ thay đổi nhanh chóng, khiến tôi không thể tìm thấy niềm vui chân thật trong những thứ ấy một tí nào cả.

Nếu không có già, bệnh và chết, khi ấy tôi mới có thể tìm thấy nguồn vui lớn đối với mọi vật. Thế nhưng, những thứ bất hạnh ấy đang chờ đợi chúng ta trong tương lai. Làm sao tôi có thể hài lòng với những thứ vui chóng tàn như thế?

Ngài ắt hẳn phải có một trái tim nồng nhiệt hơn tôi nên mới hài lòng một cách dễ dàng như vậy. Nhưng đối với tôi mọi thứ mà tôi thấy đang bốc cháy bởi khổ đau. Chừng nào tôi chưa tìm ra con đường thoát khỏi những nỗi khổ ấy, thì những thú vui của thế gian này không lôi cuốn được tôi”.

Vì không thể nào làm cho tâm trạng của thái tử vui tươi được, mọi người chán nản trở về hoàng cung. Khi các quan tâu lên đức vua về tình trạng thái tử không được vui vì bị những cảnh bên ngoài tác động, nhà vua quá rầu buồn, đến nỗi không thể ngủ được. Ngài nghĩ: “Ôi! Con trai yêu quý của ta, làm thế nào ta có thể giữ được con ở lại vương quốc? Ta phải làm gì để con hài lòng mà ở lại đây?”. Những ý nghĩ lo sợ đứa con trai yêu quý của mình sẽ từ bỏ hoàng cung, khiến nhà vua tuyệt vọng trằn trọc cả đêm. 

 

12. Ý tưởng thoát trần

 

Thái tử Tất Ðạt Ða ngày càng chìm sâu vào những suy tư về cuộc đời. Chàng dường như không còn quan tâm đến một thứ gì. Chàng cũng không thiết đến ăn uống, sức khỏe bắt đầu kém đi và nước da trở nên xanh xao. Vua và mọi người rất lo ngại về những thay đổi không tốt này sẽ ảnh hưởng đến tính mạng của thái tử.

Một hôm thái tử đến gặp vua và thưa: “Thưa cha, gần đây tâm con không được an, xin phép cha cho con được đi dạo một lần nữa. Hy vọng sự thay đổi cảnh quan lần này sẽ làm con an vui hơn”.

Vua đồng ý ngay lời thỉnh cầu của con trai mình. Lần này ông sẽ làm mọi thứ để thái tử được hài lòng và vui tươi trở lại. Vua ngầm sai các quan theo sát và để ý thái tử.

Thái tử cùng với Xa Nặc và các quan đồng ra cửa thành phía Bắc du ngoạn. Trong lúc dạo cảnh, các quan đã cố gắng kể những câu chuyện vui để cho thái tử quên hết những ưu tư, nhưng thái tử cũng chẳng quan tâm gì đến những lời tán gẫu của họ. Một lúc sau, thái tử nhìn thấy một người râu tóc cạo sạch, choàng trên mình chiếc áo vá nhiều mảnh, tay ôm bình bát, mắt nhìn thẳng mà đi, hình dạng rất đoan chính, oai nghi đĩnh đạc khả kính. Thái tử liền hỏi Xa Nặc:

– Người đó là ai mà tướng mạo và mặc áo khác người như vậy?

Xa Nặc đáp: Thưa thái tử, vị này là người xuất gia tu hành, đã thoát ly đời sống thế tục.

Nghe Xa Nặc nói, thái tử lấy làm lạ, xuống xe đến chào vị tu sĩ và hỏi:

– Thưa ngài, vì sao ngài lại xuất gia tu hành? 

– Thưa thái tử, tôi đã giác ngộ được sự vô thường giả tạm của cuộc sống, mạng người rất mong manh sớm còn tối mất, một hơi thở ra không trở lại đã ra người thiên cổ. Tôi không muốn để cho những thứ tiền tài, sắc đẹp, danh thơm, ăn ngon, ngủ kỹ làm cho mình phải đau khổ, sa đọa vào vòng tội lỗi. Tôi muốn thoát ra khỏi những ràng buộc của tình ái trầm luân, của những dục vọng thấp hèn, của đời sống gia đình ràng buộc, để được tự do như cánh chim bay liệng trên bầu trời bao la vô tận. Vì muốn thoát khỏi nỗi khổ già, bệnh, chết trong vòng luân hồi sinh tử miên viễn. Vì muốn hy sinh thân mình để tìm chân lý cứu độ chúng sinh thoát khỏi vô minh đau khổ, nên tôi phát nguyện xuất gia tìm đạo. Mục đích duy nhất của tôi hiện nay là tìm cho ra hạnh phúc hoàn hảo nhất và cao thượng nhất. Cho nên xuất gia phải là bậc đại nhân, đại trí, đại hùng, đại lực, đại từ bi mới có thể thực hiện được.

Thái tử nghe xong rất vui mừng vì đã gặp được người mở con đường sáng cho mình đi. Những lời lẽ của vị Sa môn nói rất đúng. Thái tử nghĩ: “Cuối cùng ta cũng đã tìm ra ý nghĩa thật của cuộc đời. Ta cũng sẽ từ bỏ gia đình, bắt đầu cuộc hành trình tìm hạnh phúc chân thật để chấm dứt tất cả khổ đau cho mình và cho người”.

Với ý chí kiên cường và trái tim tràn đầy tình thương, thái tử bảo Xa Nặc quay xe trở về hoàng cung. 

 

13. Nỗi lo của vua Tịnh Phạn

 

Về tới cung điện, thái tử liền đi ngay vào phòng của vua. Chàng nắm chặt hai bàn tay lại – theo phong tục tập quán khi thỉnh cầu một việc quan trọng – và thưa: “Thưa cha, con muốn trở nên người lang thang vô gia cư để tìm ra con đường chấm dứt khổ đau. Xin cha cho phép con được rời khỏi cung điện này”.

Từ khi thái tử còn là đứa trẻ, vua đã lo sợ một ngày nào đó mình sẽ phải nghe những lời thỉnh cầu đáng ghét này. Song, những lo sợ ghê gớm ấy đã thành sự thật. Vua nghẹn ngào rơi lệ trả lời: “Con trai yêu quý của cha, hãy quên tư tưởng này đi. Con hãy còn quá trẻ, không đủ sức để sống đơn độc như những đạo sĩ. Ðợi đến khi tuổi già hãy đi cũng không muộn. Lúc này con phải ở lại Ca Tỳ La Vệ để cai trị vương quốc thay cha”.

“Dạ thưa cha, con sẽ ở lại nếu cha hứa với con bốn điều sau đây: Làm sao cho con trẻ mãi không già; làm sao cho con khỏe mãi không bệnh; làm sao cho con sống mãi không chết và làm sao cho con hết khổ đau. Nếu như cha không hứa giúp được con những điều này thì con phải ra đi tìm câu giải đáp”.

Vua bị lúng túng bởi những câu hỏi quái
lạ này và ngài bắt đầu gay gắt với thái tử: “Hãy bỏ ngay những ý nghĩ ngu xuẩn này đi, Tất Ðạt Ða”.

Nhưng thái tử vẫn kiên quyết: “Thưa cha, nếu cha không thể cứu con thoát khỏi những nỗi lo già, bệnh, chết và khổ đau, thì xin cha cho con đi để con tìm đường tự cứu lấy mình. Không nên giữ con như một tù nhân ở đây”.

Vua không thèm nghe nữa. “Không để cho thái tử rời khỏi nơi đây. Hãy canh gác cung điện cẩn thận!”. Vua ra lệnh cho các quan xong, buồn rầu bỏ ra khỏi phòng.
 

14. Vượt thành tìm chân lý

 

Tất Ðạt Ða rời khỏi phòng vua cha và trở về cung điện của mình. Chàng đi ngang qua những căn phòng trang hoàng lộng lẫy, những hành lang tráng lệ, những dòng suối lấp lánh rồi về đến phòng của mình. Chàng đi giữa những nhạc công tài ba và những nàng hầu xinh đẹp đang biểu diễn, nhưng những thú vui này không còn thu hút thái tử. Lúc này chàng chỉ có một ý nghĩ trong đầu là rời khỏi cung điện đi tìm chân lý.

Ðêm đó, sau bữa ăn tối, các nhạc công, vũ nữ và lính canh đều mệt mỏi say ngủ. Ngay cả Da Du Ðà La cùng người con trai La Hầu La cũng say sưa trong giấc nồng. Thái tử nhìn vợ con và nghĩ: Ta muốn ôm đứa con trai vào lòng một lần cuối trước khi rời khỏi cung điện, nhưng e rằng sẽ đánh thức Da Du Ðà La và sẽ rất khó cho việc ra đi của ta. Thôi ta phải rời khỏi nơi đây gấp và thật im lặng trước khi mọi người thức giấc.

 

Thái tử bước nhẹ nhàng cẩn thận qua những người đang nằm ngủ, đi đến cửa sổ và trèo ra bên ngoài. Chàng đi tới chỗ Xa Nặc, người giữ ngựa đang nằm ngủ và khẽ đánh thức anh ta dậy: “Hãy sửa soạn ngựa cho ta nhanh đi Xa Nặc. Ta muốn đi ngay đêm nay”.

Xa Nặc rất ngạc nhiên không biết thái tử đi đâu vào lúc giữa đêm như thế này, nhưng không dám hỏi. Xa Nặc liền sửa soạn con ngựa Kiền Trắc và dắt nó đến chỗ thái tử. Tất Ðạt Ða vuốt ve con ngựa và thì thầm với nó: “Kiền Trắc, người bạn thân yêu của ta, chúng ta phải rất yên lặng. Ta không muốn đánh thức những người canh gác. Ðêm nay là một đêm rất đặc biệt”.

Thái tử và Xa Nặc rời khỏi cung điện. Họ lặng yên phóng ngựa đi trong đêm tối. Ðến ranh giới của thành phố, thái tử nhìn lại và phát nguyện: “Nếu ta không chinh phục được tất cả khổ đau, ta sẽ không trở lại thành phố Ca Tỳ La Vệ xinh đẹp này”.

Họ cưỡi ngựa suốt đêm. Khi mặt trời vừa mọc, họ đã tới cánh rừng yên tĩnh, nơi có rất nhiều đạo sĩ ẩn tu. Thái tử rất sung sướng và nghĩ: “Bây giờ cuộc tìm đạo của ta bắt đầu”. Rồi chàng quay qua Xa Nặc nói: “Xa Nặc, ta rất cám ơn sự giúp đỡ của bạn. Ta đã tới nơi mà ta mong muốn. Bây giờ là lúc bạn và con ngựa trở về cung điện được rồi”.

Xa Nặc không thể tin là thái tử sẽ không trở về cung điện với mình. Anh ta đứng lưỡng lự nơi đó, nước mắt bắt đầu chảy ra hai khóe mắt. Thái tử hiểu được nỗi buồn của Xa Nặc và an ủi anh ta: “Xa Nặc yêu quý của ta, đừng khóc nữa. Trước sau gì chúng ta cũng phải chia tay nhau. Hãy cầm những báu vật này mà ta đang đeo, ta không cần đến chúng nữa. Hãy trở lại hoàng cung và nói với cha ta rằng, ta ra đi không phải vì buồn giận. Cũng không phải là ta không yêu thương gia đình. Thực ra vì ta thương yêu họ rất nhiều nên ta mới phải từ bỏ họ để ra đi như vầy. Nếu ta khám phá ra được con đường chấm dứt tất cả khổ đau, ta sẽ trở lại giúp họ. Nếu ta thất bại thì chẳng khác gì ta từ biệt luôn. Sớm hay muộn gì cái chết cũng sẽ đến với chúng ta bằng mọi cách. Hãy để ta bắt đầu cuộc hành trình tìm chân lý”.

Sau đó, chàng rút gươm ra và cắt mớ tóc dài của mình, một biểu hiện của hoàng gia, trao cho Xa Nặc cùng với các đồ trang sức quý báu, bảo đem về cho Da Du Ðà La.

Xa Nặc thấy không còn cách nào chuyển đổi được ý chí của thái tử, anh thắng ngựa chầm chậm từ giã thái tử. Nhiều lần anh và con ngựa ngoái nhìn lại phía sau, bùi ngùi rơi lệ chia tay. Cuối cùng, thì họ cũng đã về tới Ca Tỳ La Vệ. Xa Nặc đã buồn rầu kể lại với mọi người là thái tử Tất Ðạt Ða đã từ bỏ cuộc sống hoàng gia mãi mãi.

 

15. Cuộc tìm đạo bắt đầu

 

Khi Tất Ðạt Ða đứng một mình trong cánh rừng bắt đầu cuộc tìm đạo vĩ đại, chàng nghĩ: “Kể từ hôm nay ta không còn là thái tử nữa. Vì thế ta không thể trang phục như người thế tục ...”. Sau đó, chàng gặp một người thợ săn nghèo và nói với ông ta rằng: “Thưa ông, tôi không cần những đồ tơ lụa quý giá này. Nếu tôi sống trong rừng, tôi sẽ mặc những thứ vải thô giống như ông. Vậy chúng ta hãy trao đổi lẫn nhau”. Người thợ săn rất ngạc nhiên và rất vui sướng được trao đổi những y phục đắt tiền như thế và nhanh chóng chấp nhận lời đề nghị của Tất Ðạt Ða.

Bây giờ chàng đã hoàn toàn ăn mặc như người đạo sĩ bần hàn thật sự. Tất Ðạt Ða bắt đầu tìm thầy chỉ dạy cho chàng con đường chấm dứt mọi khổ đau.

Chàng đi vào rừng sâu và thưa hỏi tất cả các đạo sĩ mà chàng gặp. Nơi chàng đi qua đều được mọi người tiếp đón kính trọng. Cho dù bây giờ chàng mặc đồ rách rưới và chỉ ăn chút ít thức ăn xin được, nhưng tướng mạo của chàng trông vẫn rất đẹp trai và nổi bật. Khi những người ở trong rừng thấy chàng đến, họ đều nói với nhau: “Trông ông ta rất đặc biệt. Trên gương mặt ông biểu hiện nghị lực kiên cường. Nếu ông ta đi tìm chân lý, chắc chắn sẽ đạt được ý nguyện”.

Tất Ðạt Ða tìm học với một vài vị thầy, nhưng chàng không hài lòng với những gì họ chỉ dạy. Chàng nghĩ: Những thứ họ dạy đều có ích, nhưng không đưa đến an lạc tuyệt đối. Sau cùng, chàng nghe có một vài đạo sĩ rất thông thái hiện đang sống ở vương quốc Ma Kiệt Ðà (Magadha) nơi mà vua Tần Bà Sa La (Bimbisara) cai trị. Vì thế chàng quyết định đi đến đó để tìm họ.

Một hôm, chàng đang đi bộ ngang qua thành Vương Xá (Rajagriha), thủ đô của Ma Kiệt Ðà, chàng đến gần cổng của cung điện. Một trong những vị quan của nhà vua nhìn thấy chàng và vội về báo tin cho vua biết.

Ông ta nói một cách vui mừng: “Tâu bệ hạ, hạ thần vừa nhìn thấy một người đàn ông rất tuyệt vời trong thành phố. Ông ta mặc đồ rách rưới và xin thức ăn từ nhà này đến nhà khác, nhưng hạ thần tin chắc ông ta là một người đặc biệt. Gương mặt ông ta đầy nghị lực và dáng đi rất oai nghiêm. Dường như có một thứ ánh sáng kỳ diệu tỏa ra từ thân thể ông ta”.

Vua nghe xong rất vui mừng và cho mời Tất Ðạt Ða vào cung điện. Họ nói chuyện với nhau một lúc và vua rất khâm phục trí thông minh, tính khiêm tốn và lòng tử tế của chàng. Vua nói: “Tôi chưa gặp một người nào mà tôi cảm thấy mến mộ tin yêu như Ngài. Xin Ngài ở lại Vương Xá và giúp tôi cai trị vương quốc này”.

Tất Ðạt Ða trả lời một cách lịch sự: “Tâu bệ hạ, tôi đã có cơ hội để cai trị một vương quốc rồi, nhưng tôi đã từ bỏ. Tôi không quan tâm đến sự giàu sang và quyền lực, chỉ muốn tìm chân lý. Xin cám ơn ân huệ của ngài, tôi đến đây chỉ để tìm thầy học đạo”.

Khi ấy vua cúi chào người đàn ông rách rưới và nói: “Xin chúc may mắn trên con đường tìm đạo của Ngài. Nếu sau này Ngài tìm ra chân lý, xin hãy trở lại chỉ dạy cho tôi. Nhưng nếu Ngài thất bại tôi vẫn sẵn sàng đón nhận Ngài về vương quốc của tôi”.

Tất Ðạt Ða cám ơn lòng tốt của vua và rời khỏi cung điện tiếp tục con đường tầm sư học đạo của mình. 

 

16. Sáu năm chiến đấu

 

Cuối cùng Tất Ðạt Ða đã đến khu rừng nơi mà các đạo sĩ thông thái đang sống. Ðầu tiên Ngài học với Arada và Udraka. Chỉ trong một thời gian ngắn, Ngài quán triệt những gì mà họ đã dạy, nhưng Ngài vẫn không hài lòng, Ngài tự nhủ: “Những vị thầy của ta là bậc cao quý, song những lời mà họ dạy ta không đem lại sự chấm dứt tất cả khổ đau. Ta phải tự mình tiếp tục tìm kiếm”.

Ngài tiếp tục cuộc hành trình của mình
và đi đến con sông Nairangang, gần đất thánh Gaya. Ngài vượt qua con sông và vào khu rừng của bờ bên kia. Tại đây, Ngài gặp một nhóm năm người. Ðời sống của họ hết sức đơn giản. Họ ăn rất ít, sống ở ngoài trời và ngồi im lặng nhiều giờ mỗi ngày.

Tất Ðạt Ða hỏi họ: “Tại sao các vị lại hành hạ xác thân như thế?”

 Họ trả lời: “Ða phần người ta sống trên cuộc đời này đều dung dưỡng xác thân, song vẫn phải chịu nhiều khổ đau, chúng tôi nghĩ rằng, nếu mình có thể chịu đựng được sự đau khổ của thân xác, thì sẽ tìm ra được phương pháp làm chủ tất cả khổ đau”.

Tất Ðạt Ða tự nghĩ: “Ðã nhiều năm qua ta sống trong cung điện hưởng mọi thứ sung sướng. Ta được đối xử rất tử tế, nhưng trong tâm vẫn không được an lạc. Có lẽ những người này nói đúng. Ta sẽ nhập môn với họ để thực hành khổ hạnh xem có thể đưa đến sự chấm dứt khổ đau không”.

Từ đó, Ngài bắt đầu thực hành khổ hạnh như những vị này. Ngài ngồi từ giờ này đến giờ khác cùng một chỗ, cho dù hai chân và lưng đau đớn vô cùng, Ngài cũng không động đậy. Ngài chịu đựng cái nắng nóng cháy của mùa Hè; rồi đến những cơn gió lạnh buốt của mùa Ðông. Ngài chỉ ăn một ít thức ăn đủ để cầm hơi tu tập. Ngài tự nghĩ: “Ta phải tiếp tục khổ hạnh và quyết tâm khám phá con đường thoát khỏi tất cả khổ đau”. 

Năm đạo sĩ rất kinh ngạc về cách tu của Tất Ðạt Ða. Họ nói với nhau: “Chúng ta chưa thấy một người nào có sự quyết tâm như ông này. Ông ta kiềm chế thân mình không một chút lơ là. Nếu một người nào đó thành công trong sự thực hành phương pháp khổ hạnh này thì người đó chính là Tất Ðạt Ða. Chúng ta hãy ở gần bên ông ta để khi ông ta khám phá ra chân lý chúng ta sẽ được học hỏi với ông”.

Tất Ðạt Ða hành xác ngày càng khắc nghiệt hơn. Từ lúc bắt đầu khổ hạnh, Ngài chỉ ngủ vài giờ mỗi đêm, rồi cuối cùng Ngài thức suốt không ngủ. Ngài cũng không ăn một bữa ăn nào mà chỉ dùng một vài thứ hạt hoặc trái cây do gió bay vào vạt áo của Ngài.

Thân hình Ngài ngày một gầy ốm tiều tụy. Thân thể mất đi sự tươi nhuận và bao phủ đầy bụi bẩn. Lúc này Ngài trông giống như một bộ xương người còn sống. Nhưng Ngài vẫn kiên trì không từ bỏ thực hành khổ hạnh.

Sáu năm trời trôi qua. Tất Ðạt Ða rời khỏi cung điện và từ bỏ những lạc thú lúc 29 tuổi. Bây giờ Ngài đã 35 tuổi, trải qua 6 năm khổ hạnh, ăn, mặc, ngủ đều thiếu kém. Một hôm Ngài nghĩ: “Bây giờ ta đã đến gần mục đích hơn sáu năm về trước chưa? Hay là ta vẫn vô minh như trước? Khi còn là thái tử ta đã sống trong sự xa hoa và tận hưởng mọi lạc thú của cuộc đời. Ta đã lãng phí nhiều năm trong ngục tù dục lạc.

Khi ta từ bỏ hoàng cung bắt đầu tầm đạo, ta đã sống trong rừng, hang động và không có một thứ gì khác ngoài những bữa ăn đơn sơ và khổ hạnh thân thể. Thế nhưng cho đến nay ta vẫn chưa tìm ra con đường chấm dứt khổ đau. Bây giờ ta mới hiểu ra rằng, thật sai lầm khi hành hạ thân xác như thế này. Nó cũng giống như sự sai lầm lãng phí nhiều năm trong dục lạc nơi cung điện trước đây. Muốn tìm ra chân lý ta phải đi theo con đường trung đạo, không nên hưởng thụ quá và cũng không nên khổ hạnh ép xác quá”.

Ngài nhớ lại nhiều năm về trước. Sau khi nhìn thấy người chết, Ngài đã thiền định ở dưới cây Gioi. Ngài nghĩ: “Sau lúc thiền định ấy, tâm trí ta rất thanh tịnh. Ta có thể nhận định sự vật một cách rõ ràng. Bây giờ ta cố gắng tập trung ý chí như vậy một lần nữa xem sao”.

Nhưng khi Ngài nhìn lại thân thể của mình, Ngài nghĩ: “Ta ngồi đây đã lâu mà không ăn vì thế thân thể đã mệt nhọc, dơ bẩn và ốm yếu. Ta ốm quá đến nỗi nhìn thấy cả xương xuyên qua làn da. Làm thế nào ta có thể thiền định khi thân thể quá đói và dơ bẩn?”.

Ngài cố gượng dậy và đi đến bên bờ sông để tắm. Tuy thế Ngài quá yếu đến nỗi té xuống sông và có nguy cơ bị chết đuối. Ngài cố gắng hết sức mình bám lấy bờ đất lần mò lên bờ. Lên được tới bờ, Ngài ngồi nghỉ và thở một lát. 

 

 

17. Cúng dường

 

Trong một ngôi làng nhỏ ở bìa rừng có một gia đình chăn nuôi và có người vợ tên là Sujata. Cô mới sinh được đứa con đầu lòng nên rất sung sướng. Cô vắt sữa tốt nhất từ những con bò của chồng mình và chuẩn bị cho một bữa ăn ngon từ nguồn sữa này. Bấy giờ cô đang đem thức ăn này vào trong rừng để dâng cúng cho thần linh mà cô tin tưởng đang ngự trị ở đó. Cô thường cầu nguyện những vị thần linh này và tỏ lòng biết ơn các vị thần đã giúp cô sinh được một người con trai mạnh khỏe.

Cô đi vào rừng và gặp Tất Ðạt Ða đang ngồi ở đó. Thân thể của Ngài ốm yếu, nhưng gương mặt vẫn sáng sủa và đẹp trai. Sujata nhìn Ngài và rất ngạc nhiên, cô nghĩ: Từ trước tới giờ ta chưa nhìn thấy ai giống như người này. Có lẽ đây là vua của các vị thần linh. Rồi cô đem thức ăn đã chuẩn bị đặc biệt đặt ở phía trước Ngài.

Tất Ðạt Ða từ từ mở mắt ra và thấy tô sữa ở trước mặt mình. Ngài mỉm cười tỏ lòng biết ơn đối với Sujata và nhấc tô sữa lên miệng uống. Ngài uống tới đâu cảm thấy thân mình tươi nhuận đến đó. Uống xong, Ngài đặt tô xuống và cám ơn nàng: “Có lẽ cô nghĩ tôi là một vị thần linh, nhưng tôi chỉ là một người đi tìm chân lý mà thôi. Phẩm vật cúng dường của cô đã giúp cho thân thể của tôi khỏe mạnh trở lại. Bây giờ tôi tin chắc rằng tôi sẽ tìm ra chân lý. Cầu chúc cho cô gặt hái được nhiều quả tốt về việc cúng dường hôm nay. Xin cám ơn cô”.

Năm người sống trong khu rừng với Tất Ðạt Ða thấy Ngài nhận phẩm vật cúng dường của Sujata, họ rất thất vọng và nói với nhau: “Tất Ðạt Ða đã từ bỏ sự tầm đạo. Ông ta không đi theo con đường của bậc Thánh nữa. Ông ta đã tắm rửa và dùng thức ăn ngon trở lại. Làm sao chúng ta có thể ở lại đây với ông ta được nữa? Chúng ta hãy rời khỏi khu rừng này và đi đến Ba La Nại (Banares). Chúng ta sẽ tiếp tục thực hành khổ hạnh trong khu vườn Lộc Uyển gần đấy”.

Họ từ bỏ ra đi và nghĩ rằng Tất Ðạt Ða đã không còn chú ý đến việc khám phá chân lý nữa. Thế nhưng sau khi dùng sữa, thân thể khỏe mạnh trở lại, Tất Ðạt Ða chuẩn bị thiền định và quyết tìm ra chân lý mà Ngài đã dầy công mấy năm qua. Ngài đứng dậy, lội qua con sông và hướng về phía trước. 

 

18. Cuộc chiến đấu vĩ đại

 

Giây phút mà thế giới mong đợi bây giờ đã đến. Tất Ðạt Ða, người đã từ bỏ vương quốc để tìm chân lý, đang tiến tới một gốc cây. Trên đường đi, Ngài đi ngang qua một người đang mang mớ cỏ tươi mới cắt và Ngài đã xin ông một mớ. Ngài sẽ dùng mớ cỏ này để ngồi thiền.

Khi Ngài đến gần cây bồ đề thì bầu không khí lúc này trở nên yên tĩnh hơn. Và cả thế giới dường như đang nín thở hồi hộp chờ đợi những điều sắp xảy ra. Những cành cây lay động như chào đón Ngài. Ngài từ từ ngồi xuống dưới tàn cây.

Tất Ðạt Ða cẩn thận xếp mớ cỏ thành tấm nệm nhỏ và ngồi xuống, mặt quay về hướng Ðông. Ngài xếp tréo chân theo tư thế thiền định vững chắc và đặt hai bàn tay trên lòng hai bàn chân. Rồi Ngài cương quyết phát nguyện: “Nếu ta không đạt được đạo quả, cho dù phải bỏ mạng tại đây, ta cũng sẽ không rời khỏi nơi này”. Lúc ấy, chư thiên trên hư không rất vui mừng khi nghe lời nguyện lớn của Tất Ðạt Ða. Ðó là ngày trăng tròn tháng tư lúc mặt trời sắp lặn.

Thế nhưng truyền thuyết cho rằng, không phải ai cũng hoan hỷ lúc nghe Ngài phát nguyện lớn. Có một thế lực gọi là Mara thì lại hoảng sợ và giận dữ. Mara là tên gọi mà người Ấn Ðộ cổ cho là sức mạnh của tội lỗi, nó quấy phá tâm trí của chúng ta. Mara là tính tham lam, giận hờn, ngu si, ganh tỵ, nghi ngờ của chúng ta và bao gồm cả những độc tố khác đem đến cho người ta sự bất hạnh và đau khổ.

Khi Mara thấy Tất Ðạt Ða ngồi ở dưới cây bồ đề, nó giận điên lên. Nó bèn gọi đám con trai, con gái của nó đến và lớn tiếng: “Hãy nhìn kìa, thái tử Tất Ðạt Ða đang ngồi thiền định. Nếu ông ta thành công và khám phá ra con đường chấm dứt mọi khổ đau, thì cái gì sẽ xảy đến với chúng ta? Các con không hiểu rằng lúc đó chúng ta sẽ mất đi sức mạnh ư, chúng ta sẽ không thể làm hại người ta nếu ông ta dạy cho họ chân lý. Chúng ta phải khuấy phá sự thiền định của ông ta, hay là chúng ta chịu đầu hàng thất bại”.

Và thế là Mara đem tất cả sức mạnh tội lỗi của hắn cố gắng tìm mọi cách để quấy phá Tất Ðạt Ða. Chúng gây ra một trận bão khủng khiếp và phóng những tia sấm sét xuống quanh Ngài. Chúng tạo ra cơn gió mạnh đến nỗi mọi thứ chung quanh Ngài hư hại nặng nề. Thế nhưng bên dưới những nhánh cây, mọi thứ vẫn yên lặng, nó được che chở bởi năng lực thiền định của Tất Ðạt Ða.

Mara thấy rằng trận bão vừa qua đã không đạt kết quả, hắn quay sang lũ đệ tử và la lên: “Tấn công!”. Toàn thể lũ yêu ma độc ác quay lại tấn công Tất Ðạt Ða. Chúng chạy đến chỗ Ngài la hét dữ dội. Chúng bắn những mũi tên độc căm thù đến Ngài. Song, khi những mũi tên này bay tới chỗ Tất Ðạt Ða, chúng lại biến thành những cánh hoa sen và rơi xuống vô hại cạnh bên chân Ngài. Không có cách nào quấy phá được sự yên tĩnh thiền định của Ngài.

Mara nghĩ: “Nếu những vũ khí này và bóng ma sợ hãi không làm rối loạn thiền định ông ta thì sắc đẹp có thể quấy nhiễu được tâm trí ông ta”. Lúc đó tất cả lũ yêu ma biến thành những cô gái đẹp nhất và rất quyến rũ. Những cô gái hấp dẫn này khiêu vũ phía trước Ngài, nhưng cũng không ảnh hưởng gì đến sự thiền định của Ngài. Chúng gợi lại những cung điện như ý, cảnh vợ con, thiên nhạc, thức ăn ngon mà Ngài đã hưởng trước đây. Nhưng không một thứ nào có thể phá hoại sự tập trung thiền định của người đi tìm chân lý.

Mara cảm thấy thất bại. Hắn cố gắng xuất một chiêu cuối cùng. Sau khi giải tán bộ hạ của mình, hắn xuất hiện một mình trước Tất Ðạt Ða. Hắn nói với Ngài bằng một giọng chế giễu: “Ông là thái tử Tất Ðạt Ða vĩ đại à? Ông nghĩ ông là người tu thiền vĩ đại ư? Rất nhiều vĩ nhân đã thất bại khi đi tìm chân lý, nhưng ông lại nghĩ rằng mình sẽ thành công ư?

Thật là ngu xuẩn làm sao! Ông không biết rằng cần phải có một sự chuẩn bị cho việc tìm kiếm chân lý sao? Ông đã làm được gì để xứng đáng cho việc thành công? Trước hết ông đã lãng phí mất 29 năm nuông chiều bản thân. Rồi lại lãng phí 6 năm đói khát hành hạ xác thân. Bây giờ ông ngồi đây, nghĩ rằng trí huệ sẽ đến với ông. Thật ngu xuẩn làm sao! Hãy từ bỏ việc thiền định này đi, hoặc ít nhất ông cũng chỉ cho tôi biết ai là nhân chứng cho lời thề của ông sẽ được thành công, trong khi tất cả mọi người đều thất bại”.

Những lời khinh bỉ này không đủ tác dụng làm phiền Tất Ðạt Ða. Ngài im lặng nhấc tay phải khỏi lòng bàn chân, đưa ra phía trước và đụng xuống đất. Vâng, chính mặt đất này là nhân chứng của Tất Ðạt Ða. Ðã vô số kiếp Ngài xuất hiện trên mặt đất này với nhiều hình dạng khác nhau. Ngài đã thực tập lòng khoan dung và tính kiên nhẫn. Ngài đã thực hành yêu thương và tránh làm hại kẻ khác. Ngài đã tập trung cho việc tìm chân lý. Ngài đã làm tất cả những việc này. Khi thì là người nam, khi thì là người nữ, khi là người giàu, khi là kẻ nghèo – đã nhiều kiếp qua, Ngài làm những việc này chỉ vì mục đích khám phá ra con đường chấm dứt tất cả khổ đau và chính trái đất này là nhân chứng của Ngài.

Mara thật sự biết mình thất bại và biến mất như một cơn ác mộng. Tất Ðạt Ða hoàn toàn thảnh thơi một mình. Những đám mây đen tách ra và mặt trăng chiếu sáng trên bầu trời. Không khí tỏa mùi thơm dìu dịu và ánh sáng lấp lánh trên đầu ngọn cỏ. Mọi thứ đã sẵn sàng! 

 

19. Thức tỉnh

 

Tâm trí của Tất Ðạt Ða yên lặng và êm dịu. Sự tập trung của Ngài càng sâu thêm và tâm trí càng sáng hơn. Nhờ trí tuệ bừng sáng, Ngài đã nhìn thấy những kiếp quá khứ. Ngài thấy rằng khi một đời sống này chấm dứt thì đời sống khác bắt đầu. Chết chỉ là một sự chấm dứt của thể xác, đời sống lại tiếp tục tìm kiếm một thân xác mới và cứ tiếp diễn mãi như vậy.

Ngài thấy rằng khi một người làm điều tội lỗi trong một đời – như làm hại người khác – người đó sẽ chịu đựng những đau khổ trong tương lai. Nhưng khi một người làm những điều thiện với tâm từ thì hạnh phúc và niềm vui cũng theo liền với họ. Những hành động mà người ta tạo ra không bị mất, nó sẽ theo họ từ đời này tới đời khác, tùy theo hành động tốt hay xấu, mà họ có được hạnh phúc hay phải chịu đau khổ.

Khi Ngài khám phá ra tất cả đời sống liên kết nhân quả mật thiết với nhau như vậy, chân lý đã xuất hiện trong tâm trí của Ngài. Mặt trời, những hành tinh, tất cả các ngôi sao và những thiên hà của vũ trụ, tất cả xuất hiện trong thiền định của Ngài. Ngài thấy rằng mọi thứ, từ hạt bụi nhỏ nhất đến ngôi sao lớn nhất đều liên kết với nhau. Mọi vật thì luôn luôn thay đổi: Thành, hoại và thành, cứ tiếp tục như thế. Không một việc gì xảy ra mà không có nguyên nhân.

Rồi Ngài thấy rõ tất cả những khổ đau của cuộc đời. Ngài thấy rằng – từ sinh vật nhỏ nhất đến ông vua vĩ đại nhất – chạy theo lạc thú chỉ kết thúc với những bất hạnh. Và Ngài cũng khám phá ra nguyên nhân của tất cả những bất hạnh ấy. Ngài thấy rằng người ta không thật sự hiểu rõ mọi sự vật luôn luôn thay đổi. Do sự mù quáng này mà họ đấu tranh, cướp bóc và giết hại để thỏa mãn những dục vọng của mình, nhưng những ham muốn này không bao giờ đem lại hạnh phúc lâu dài cho họ. Họ cứ mãi quanh quẩn trong vòng được mất, rồi lại tìm kiếm. 

Ngài thấy rằng người ta chiến đấu chống lại những thứ mà họ không thích. Cuộc đời của họ tràn đầy những thù hận và phiền não. Và mỗi lần họ làm hại người khác, họ sẽ đau khổ vì hành động đó không sớm thì muộn. Họ trải qua đời này tới đời khác tạo ra nhiều bất hạnh hơn cho chính họ. Họ đang đi tìm an lạc, nhưng ngược lại, lại đi tìm đau khổ.

Cuối cùng, Ngài đã khám phá ra con đường chấm dứt tất cả những nỗi khổ này. Nếu một người thấy được chân lý một cách rõ ràng – như chính Ngài đã thấy được chân lý đêm nay – tất cả sự bám víu lạc thú và khổ đau sẽ dừng lại, sẽ không còn những tham lam và sân hận trong tâm trí của họ nữa. Họ sẽ không làm một việc gì có hại cho kẻ khác. Như vậy họ sẽ không còn cảm thấy bất hạnh nữa. Tất cả những sân hận đã chấm dứt, trái tim của họ sẽ tràn đầy tình thương. Và với tình thương này họ sẽ đem lại an lạc và hạnh phúc cho muôn loài.

Khi Tất Ðạt Ða thấu suốt mọi lẽ, bóng tối vô minh tan mất trong tâm của Ngài. Thân hình tỏa ánh sáng rực rỡ. Ngài không còn là một người thường nữa. Ngài đã giác ngộ chân lý. Bây giờ Ngài là Phật. Ngài đã đạt được mục đích giải thoát.

Với nụ cười an lạc, Ngài nhẹ nhàng xả thiền. Lúc ấy trời đã sáng, mặt trời vừa mới mọc ở phương Ðông.

 

20. Dạy đạo cho ai?

 

Toàn thể vũ trụ vui mừng về một buổi sáng huy hoàng ấy. Những bông hoa tươi thắm bừng nở khắp mọi nơi và tỏa hương thơm ngào ngạt trong không khí. Những con chim hót líu lo vui mừng và sinh vật khắp nơi quên đi tất cả sợ hãi. Những cầu vồng và những đám mây mầu sắc tuyệt đẹp xuất hiện trên nền trời và mọi người rất ngạc nhiên khi nhìn thấy cảnh quan kỳ diệu này.

Ðức Phật tràn đầy hạnh phúc. Tâm của Ngài không còn vô minh và đau khổ nữa, mà chỉ có một niềm an lạc vô hạn. Trải qua những ngày và những tuần Ngài ở bên cạnh cây Bồ đề chứng nghiệm những hạnh phúc mà Ngài đã đạt được.

Rồi Ngài nghĩ: Thật là rất khó khi ta đạt đến chỗ chấm dứt khổ đau và trở thành người giác ngộ. Ta phải nỗ lực tinh tấn cả một thời gian dài. Trong khi mọi người đang bị vô minh che lấp chân tính, không biết ai sẽ là người có thể hiểu được chân lý mà ta khám phá? Và ta sẽ chỉ dạy họ bằng cách nào? Có lẽ tốt hơn hết ta cứ sống an lạc một mình trong những cánh rừng và thưởng thức hạnh phúc của một người đã giác ngộ.

Lúc ấy, Ngài nghe âm thanh trong thâm tâm của mình rằng: Xin đừng quên chúng tôi. Chúng tôi đã đau khổ quá lâu rồi. Chúng tôi đã chờ đợi giờ phút quan trọng này từ khi Ngài mới sinh và có thể lâu hơn nữa. Chúng tôi hy vọng và cầu nguyện Ngài sẽ từ bỏ đời sống thái tử và khám phá con đường chấm dứt mọi khổ đau.

Nhưng rồi một ý nghĩ khác lại khởi lên trong tâm Ðức Phật: Ai sẽ là người có thể theo được lời dạy của ta truyền trao? Ai sẽ là người đủ nghị lực và dũng cảm? Ai sẽ là người đủ tinh tấn và kiên nhẫn?

Rồi những âm thanh trong thâm tâm lại phát ra: Sự thật thì tâm trí chúng tôi đang bị đám mây vô minh che phủ, thưa Ngài. Nhưng những người bị vô minh như vầy cũng không đến nỗi dầy đặc lắm. Vì thế xin Ngài hãy chỉ dạy cho chúng tôi chân lý mà Ngài đã chứng ngộ.

Rồi Ðức Phật mỉm cười và nói: Ồ, dĩ nhiên ta sẽ chỉ dạy. Lý do duy nhất mà ta từ bỏ đời sống thái tử là đi tìm chân lý để giúp mọi người. Bây giờ ta đã thấu rõ chân lý. Ta sẽ làm hết sức mình để truyền bá con đường chấm dứt khổ đau.

Song ngay cả một vị Phật cũng không thể xóa bỏ khổ đau của người khác nếu họ không cố gắng tự cứu lấy mình. Mình phải tự cứu mình trước khi nhờ đến bác sĩ cứu chữa. Cũng vậy, họ phải muốn lắng nghe những lời dạy về sự thật trước khi người ta cứu giúp họ. Bất cứ ai đến với ta bằng tâm hồn rộng mở muốn tìm hiểu, ta sẵn sàng chỉ dạy họ bằng mọi cách.

Rồi Ngài nghĩ: Ai trong số tất cả những người trên thế gian này ta sẽ chỉ dạy đầu tiên? Ai là người sẵn sàng tiếp thu được? Ngài nhớ đến Arada và Udraka, hai vị thầy mà Ngài đã gặp cách đây 6 năm. Họ sẽ là người tốt nhất để truyền pháp, nhưng hiện nay họ đã chết.

Rồi Ngài nghĩ đến năm người đã tu khổ hạnh với Ngài một thời gian dài trong rừng. Ngài nghĩ: Họ sẵn sàng hiểu được chân lý. Ta sẽ đến dạy họ đầu tiên.

Ngài quan sát thấy rằng năm người này đang ở vườn Nai gần Ba La Nại, thành phố linh thiêng của Ấn Ðộ cổ. Ðức Phật tuyên bố: Ta sẽ đến đó và bắt đầu chuyển pháp luân.

 

21. Lời dạy đầu tiên 

 

Con đường đến Ba La Nại khá xa, Ðức Phật đi bộ thong thả xuyên qua những ngôi làng và nông trại. Ai trông thấy Ngài cũng đều bị thu hút cả. Ngài có tướng mạo cao lớn và đẹp đẽ, dáng đi rất trang nghiêm và uyển chuyển. Chỉ nhìn thấy Ngài thôi, người ta cũng cảm thấy sự thanh tịnh và an lạc trong tâm hồn của mình. Ngài nói chuyện rất lịch sự và nhã nhặn với mọi người khi tiếp xúc. Dù họ là người giàu hay kẻ nghèo, bình thường hay thông minh, quý tộc hay hạ tiện, Ðức Phật đều đối xử bình đẳng với một tình thương bao la và trân trọng.

Ngài đã đến vườn Nai. Từ xa năm đạo sĩ nhìn thấy Ngài đi đến, họ bèn nói nhỏ với nhau: “Ðó là Tất Ðạt Ða vô tích sự. Chúng ta không nên tiếp đón một người đã từ bỏ lối tu khổ hạnh như thế. Hãy phớt lờ đi nếu ông ta đến gần chúng ta”. Thế nhưng khi Ðức Phật đi đến, họ cảm thấy có một cái gì rất đặc biệt toát ra từ thân tướng oai nghiêm của Ngài. Họ quên cả kế hoạch phớt lờ mà trái lại còn tự động đứng lên hết khi Ngài đến gần. Với lòng thành kính vô hạn, họ vội vã chuẩn bị chỗ ngồi, dâng khăn lấy nước cho Ngài và nói: “Hoan nghênh Tất Ðạt Ða đã đến vườn Nai. Chúng tôi rất vinh dự khi bạn tiếp tục tu học với chúng tôi”.

Ðức Phật trả lời: “Tôi rất cám ơn lòng tử tế tiếp đón của các thầy. Song, xin quý thầy hiểu cho, tôi hiện nay không còn là Tất Ðạt Ða như trước và cũng không nên gọi bằng danh xưng đó nữa”.

Họ bèn hỏi lại: “Vậy chúng tôi sẽ gọi Ngài bằng danh xưng gì?”.

Ðức Phật trả lời: “Toàn thể thế giới đang say ngủ trong vô minh. Khi một người nào đó khám phá ra chân lý, thì họ không còn bị ngủ mê nữa. Nay tôi đã thức tỉnh, đã khám phá ra chân lý. Bất cứ ai tỉnh thức như vậy đều được tôn xưng là Phật”.

Lúc đó, năm đạo sĩ với lòng kính trọng vô hạn nói: “Thưa Ðức Phật, xin Ngài chỉ dạy cho chúng tôi những gì Ngài đã thực hành để chúng tôi có thể được thức tỉnh như Ngài”.

Ðể trả lời câu hỏi của họ, Ðức Phật đã thuyết bài pháp đầu tiên. Bài pháp này gọi là “Chuyển pháp luân” và “pháp” ấy chính là chân lý mà Ngài đã khám phá. Ngài nói: “Này các thầy, các thầy phải biết có bốn sự thật cao quý (Tứ diệu đế). Thứ nhất là Khổ đế. Ðời sống này đầy dẫy những khổ đau về già, bệnh, chết và bất hạnh. Sau những lạc thú mà người ta săn đuổi chỉ còn lại những khổ đau mà thôi. Ngay cả khi họ tìm kiếm một vài sự hài lòng nào đó, rồi họ cũng sẽ chán nản với nó. Chẳng khi nào có sự thỏa mãn và an lạc thật sự.

Thứ hai là Tập đế (nguyên nhân gây ra đau khổ). Khi tâm trí chúng ta đầy những tham lam và dục vọng, sẽ dẫn đến tất cả những khổ đau. Thí dụ, nếu một người giàu có tham đắm gia sản của mình, thì tính keo kiệt của anh ta sẽ đem đến cho anh ta nhiều nỗi khổ.

Thứ ba là Diệt đế (sự chấm dứt khổ đau). Khi chúng ta tẩy trừ tất cả những tham lam và dục vọng ra khỏi tâm trí của chúng ta thì những khổ đau sẽ chấm dứt. Chúng ta sẽ tận hưởng sự an lạc và hạnh phúc mà không ngôn từ nào có thể tả được.

Thứ tư là Ðạo đế. Con đường dẫn đến chấm dứt tất cả khổ đau. Nếu chúng ta tránh làm hại sự sống của kẻ khác, nếu chúng ta tập trung được ý chí của mình và nếu chúng ta đạt được trí tuệ, thì mỗi người chúng ta đều có thể tận hưởng hạnh phúc trọn vẹn, chấm dứt được tất cả khổ đau.

Khi họ nghe Ðức Phật giảng dạy về Pháp Tứ diệu đế này, năm đạo sĩ cảm thấy hạnh phúc như người tìm thấy kho báu vàng bạc. Họ nói: “Thưa Ðức Phật, Ngài quả thật đã tìm ra chân lý. Xin Ngài hãy dạy chúng tôi con đường đạt được trí tuệ và hạnh phúc chân thật, chúng tôi xin nguyện sẽ làm đệ tử của Ngài”.

Lúc Ðức Phật thuyết bài pháp đầu tiên này, rất nhiều chư thiên đến nghe và bay đến cuối địa cầu ca ngợi: “Ðức Phật bắt đầu thuyết pháp độ sinh. Cả thế giới đều đón mừng”. 

 

22. Nỗi buồn của người mẹ

 

Ðức Phật thuyết pháp rất nhiều cách. Ðối với người bình thường hay những đứa trẻ, Ngài giảng dạy bằng những câu chuyện dễ hiểu. Ðối với những người có kiến thức cao, Ngài giảng dạy phân tích tỉ mỉ về các phương pháp tu tập. Ðối với một số người Ngài giảng dạy bằng cách im lặng. Nhưng có lẽ lời dạy có năng lực nhất của Ngài chính là sự gương mẫu được thể hiện qua bản thân bằng cuộc sống của Ngài. Ngài luôn luôn hành động với sự tử tế và lòng bao dung. Ngài kiên nhẫn đối với mọi người, ngay cả đối với những người ngu dốt nhất.

Không bao lâu Ðức Phật được mọi người kính trọng và họ trở thành đệ tử của Ngài. Nếu một người nào đó có vấn đề gì, họ sẽ tìm đến Ðức Phật để nhờ Ngài giúp đỡ. Có một người đàn bà tên là Gotami, con trai của bà vừa mới chết, bà đi khắp mọi nơi tìm người cứu sống con bà. Bạn bè của bà thấy vậy động lòng thương chỉ dẫn cho bà: “Gotami, chị hãy đi đến gặp Ðức Phật. Có lẽ Ngài sẽ giúp được chị việc này”.

Bà tìm đến chỗ Ðức Phật với đứa con ẵm trên tay. Bà khóc than: “Kính thưa Ðức Phật, xin Ngài làm ơn cứu sống đứa con tôi”. Ðức Phật trả lời một cách từ mẫn: “Tôi có thể cứu sống được con bà, bà Gotami ạ. Nhưng trước tiên bà phải đem cho tôi một thứ này. Hiện tại tôi cần hạt giống của cây Mù tạc để làm thuốc. Tuy nhiên nó phải được lấy từ một nhà chưa từng có người chết”.

Gotami nghe xong liền cáo từ Ðức Phật đi tìm hạt giống cây Mù tạc. Bà đến một nhà nọ và hỏi người chủ nhà ở đó, cô ta trả lời: “Dĩ nhiên bà có thể có được hạt giống cây Mù tạc. Bà có thể có bất cứ thứ gì bà muốn ... Song bà nên biết rằng chồng tôi đã chết năm ngoái”.

Gotami thốt lên: “Ô, thế là không được! Ta phải đi tìm nơi khác”. Và bà đi vội qua nhà bên cạnh.

Thế nhưng, nơi nào bà đến họ cũng trả lời tương tự. Ai cũng muốn giúp bà ta cả, song gia đình nào bà ta đến cũng có người chết. Một người nói với bà: “Tôi đã mất đứa con gái cách đây 3 năm”. Người khác thì nói: “Anh trai tôi mới chết ngày hôm qua tại đây”.

Chiều ngày hôm đó bà trở lại chỗ Ðức Phật. Ngài hỏi: “Bà đã kiếm được hạt giống cây Mù tạc chưa? Ðứa con trai của bà đâu, sao không đem nó theo?”

Bà trả lời: “Kính thưa Ðức Phật, hôm nay tôi đã khám phá ra rằng không chỉ có một mình tôi mất người con yêu quý, mà nơi nào tôi đến, gia đình họ cũng có người chết cả. Tôi thật là ngu dại khi nghĩ đến việc cứu sống con trai của mình. Tôi đã chấp nhận cái chết của nó và tôi đã hỏa thiêu nó trưa nay rồi. Bây giờ tôi đến đây xin được nghe những lời chỉ dạy của Ngài. Tôi rất mong được lắng nghe”.

Lúc đó, Ðức Phật nói: “Gotami, hôm nay bà đã học được rất nhiều. Chết sẽ phải đến với tất cả mọi người dù sớm hay muộn. Song nếu bà học và hiểu được sự thật này bà sẽ sống và chết trong an lạc”. Rồi Ðức Phật giảng dạy thêm cho bà. Sau khi nghe và thực hành lời Phật dạy, bà đã tìm được sự an lạc và hạnh phúc thật sự. Một thứ hạnh phúc mà trước đây chưa khi nào bà có được.

 

23. Người đàn ông thô lỗ

 

Một hôm, Ðức Phật đang đi bộ ngang qua một ngôi làng. Có một người đàn ông trẻ tuổi thô lỗ nhìn thấy Ngài tỏ vẻ giận dữ và sỉ nhục. Ông la lên: “Ông biết cái gì mà dạy người khác. Ông cũng ngu dốt như mọi người chứ có gì khác đâu. Chẳng qua ông chỉ khéo giả dối lừa gạt người ta mà thôi”.

Ðức Phật vẫn thản nhiên trước những lời nhục mạ của gã đàn ông này. Ngài từ tốn hỏi lại ông ta: “Nếu ông đem tặng một món quà cho người khác, người ta không nhận thì món quà đó thuộc về ai?”.

Người đàn ông rất ngạc nhiên khi phải trả lời một câu hỏi kỳ lạ. Ông nói: “Tất nhiên nó sẽ thuộc về tôi. Vì đó là món quà của tôi”.

Ðức Phật mỉm cười và nói: “Rất đúng đấy, ông bạn ạ. Nó cũng giống như việc giận dữ của ông khi nãy. Nếu ông sân hận nhục mạ tôi, tôi không nhận thì những lời nhục mạ ấy thuộc về ông. Khi ấy, chính ông là người bất hạnh chứ không phải tôi. Tất cả những hành động xấu mà ông gây ra sẽ trở lại làm tổn hại lấy bản thân mình.

Nếu ông muốn chấm dứt những bất hạnh nơi thân, ông phải từ bỏ sự sân hận và trải rộng tình thương đối với mọi người. Khi ông thù ghét người khác, chính bản thân ông trở thành bất hạnh. Nhưng khi ông thương yêu mọi người thì hạnh phúc sẽ đến cả đôi bên”.

Người đàn ông trẻ tuổi lắng nghe cặn kẽ những lời dạy quý báu của Ðức Phật, ông nói: “Bây giờ con đã hiểu. Xin Ngài hãy dạy con cách thức thực hiện tình thương. Con xin được trở thành đệ tử của Ngài”.

Ðức Phật trả lời: “Rất tốt. Ta sẽ chỉ dạy cho bất cứ ai thật sự muốn nghe”. 

 

24. Những lời khen

 

Chẳng bao lâu sau khi thành đạo, Ðức Phật đã có một số lượng lớn đệ tử đi theo Ngài từ nơi này đến nơi khác. Một hôm, có một đệ tử đến chỗ Ðức Phật và thưa: “Bạch Ðức Thế Tôn, Ngài thật sự là một bậc thầy vĩ đại nhất từ trước đến giờ”.

Ðức Phật không thích được tôn vinh bằng những lời khen ngợi ấy. Ngài hỏi: “Ông đã gặp tất cả những vị thầy vĩ đại nhất xuất hiện nơi thế gian này chưa?”.

– Bạch Ðức Thế Tôn, chưa.

– Và ông có biết tất cả những vị thầy đang sống và sẽ sinh ra trong tương lai không?

– Bạch Ðức Thế Tôn, không.

– Thật là dại khờ khi nói rằng ta là vị thầy vĩ đại nhất trong tất cả các vị thầy, trong khi ông không biết điều đó chính xác hay không.

Người đệ tử trả lời: “Nhưng con chỉ muốn ca ngợi Ngài, bởi vì những lời Ngài chỉ dạy rất đúng và đem lại lợi ích an lạc cho mọi người”.

– Nếu ông nhận thấy những lời dạy của ta có ích, điều tốt nhất là ông nên thực hành chúng. Ðừng nên phí sức khen ngợi ta. Lý do duy nhất mà ta xuất hiện nơi cuộc đời này là hướng dẫn mọi người con đường thoát khổ. Nếu ông muốn ta hài lòng thì hãy thực hành theo những lời dạy của ta tốt hơn là ca ngợi ta.

Vào một lần khác, Ðức Phật hỏi một người đệ tử: “Nếu ông mua một số vàng quý giá, có khi nào ông trả tiền liền mà không chịu thử trước không?”.

– “Thưa Ðức Thế Tôn, dĩ nhiên là không. Có thể nó là đồ giả và lúc đó con sẽ mất tiêu số tiền đã mua nó”. 

Ðức Phật nói: “Rất đúng. Việc đó cũng giống như phương pháp mà ta đã chỉ dạy. Ông sẽ không bao giờ chấp nhận những gì mà ta nói về chân lý một cách đơn giản, bởi vì nó là lời dạy của ta. Tốt hơn hết, ông nên thử thực hành những lời dạy bằng chính bản thân mình xem chúng là đúng hay sai. Nếu ông thấy là đúng và có ích thì nên thực hành theo. Không nên chỉ vì kính trọng mà tin theo lời dạy của ta.

Cũng thế, đừng nên phê phán những lời dạy của người khác và nói họ là người không tốt. Có rất nhiều vị thầy cao cả khác ở trên thế gian này và họ có phương pháp riêng của họ để chỉ dạy mọi người. Ðừng nên xúc phạm đến phẩm giá của họ. Ðây không phải là nhiệm vụ của ông. Nhiệm vụ của ông là tìm cho ra hạnh phúc và giúp cho người khác có được hạnh phúc như mình”.

Rồi Ðức Phật chỉ dạy thêm cho các đệ tử hãy cố gắng làm trong sạch ý nghĩ của mình, có lòng từ đối với kẻ khác và kính trọng mọi người. 

 

25. Yêu thương loài vật

 

Một hôm, theo thường lệ tại Ấn Ðộ, người ta giết súc vật để làm vật hy sinh hay hiến cúng đến những vị thần của họ. Họ cho rằng dâng cúng như vậy để cho các vị thần vui lòng, rồi những vị thần ấy sẽ ban cho họ những thứ mà họ cầu xin, như giàu có và mùa màng tươi tốt.

Nơi nào Ðức Phật đi qua, Ngài cũng nói với người ta rằng, việc giết hại súc vật để tế lễ như vậy là sai. Một số người nghe Ngài nói bèn tức giận trả lời: “Sách Thánh của chúng tôi dạy phải giết súc vật để hiến cúng các vị thần. Tại sao Ngài lại dám nói ngược lại?”.

Ðức Phật ôn tồn đáp: “Thật là không đúng khi mình làm cho kẻ khác bất hạnh để mình được hạnh phúc. Ai cũng ham muốn được sống như các ông. Vì thế, nếu các ông giết súc vật để tế lễ, các ông chỉ là người ích kỷ mà thôi. Và tôi cũng đã lặp đi lặp lại nhiều lần rằng người ích kỷ khó có thể tìm thấy hạnh phúc nơi cuộc đời này.

Cũng thế, bất cứ vị thần nào đòi hỏi được hiến máu súc vật trước rồi mới đến giúp đỡ mọi người thì không phải là những vị thần tốt. Những vị thần như thế không xứng đáng để được mọi người lễ bái. Song, nếu các ông hành động bằng tình thương và sự tử tế đối với mọi người, xem súc vật và loài người bình đẳng thì chính những vị thần ấy sẽ lễ bái các ông”.

Mọi người nghe được những lời dạy đầy trí tuệ của Ðức Phật và nhận thấy rất đúng. Họ liền bỏ tục lệ giết súc vật để tế lễ. Nhờ vậy mà những con vật sắp sửa bị hy sinh làm vật tế lễ được thoát chết.

 

26.  Sức mạnh của tình thương

 

Ðức Phật không quên lời hứa với vua Tần Bà Sa La là sẽ trở lại thuyết pháp cho ông. Khi nhân duyên đã đủ, Ngài hành đạo đến Vương Xá. Bên ngoài thành phố huy hoàng này có một ngọn đồi gọi là Vulture, Ðức Phật và các đệ tử của Ngài đã đến và ở trong những hang động tại đây.

Vua Tần Bà Sa La thường đi đến mỏm Vulture để nghe Ðức Phật thuyết pháp. Những người ở thành phố cũng đến nghe pháp. Chẳng bao lâu, số người xin quy y Phật ngày càng đông. Một thời gian sau, vua và một số người giàu khác đã dâng cúng cho Ðức Phật và những đệ tử của Ngài những khu vườn, để mọi người có thể đến đó lắng nghe Ðức Phật thuyết pháp một cách thoải mái.

Người em họ của Phật là Ðề Bà Ðạt Ða trở nên ghen tị với Phật. Ông ta nghĩ: “Phật được rất nhiều người theo làm đệ tử và mọi người đều biểu lộ lòng kính trọng đến Ngài. Ta với Phật cũng cao quý như nhau, nhưng họ lại phớt lờ với ta. Ta phải tìm cách phá Ngài”.

Ông ta nghĩ cần phải nhờ sự giúp đỡ của người khác để giết Phật mới được. Vì thế, ông đã tìm đến con trai của vua Tần Bà Sa La: “Bộ thái tử không muốn làm vua à? Thái tử không thấy cha của thái tử có tất cả của cải và quyền lực đấy sao? Nếu thái tử giúp tôi giết Ðức Phật thì tôi sẽ giúp thái tử giết vua cha. Lúc đó, thái tử sẽ trở thành một ông vua trong hoàng cung này, tha hồ mà hưởng sung sướng”.

Thái tử đã nghe theo những lời xúi giục độc ác của Ðề Bà Ðạt Ða. Hai người đã tìm mọi cách để ám sát đức Phật. Một hôm, Ðức Phật đang ngồi thiền gần mỏm Vulture, họ lăn một tảng đá lớn từ trên đồi xuống chỗ Ngài. Nhưng may thay, tảng đá lăn xuống bị vỡ làm đôi văng ra hai bên, nhờ vậy Ðức Phật không bị tổn hại.

Một lần khác, Ðức Phật đang đi ngang qua thành phố với các đệ tử của Ngài. Hai người biết Phật sẽ đi qua và đã chuẩn bị kế hoạch. Họ mua một con voi và cho nó uống rượu thật say. Khi nó đã uống say rồi, họ dùng cây đánh nó cho đến lúc nó giận điên lên. Họ thả nó ra ngay khi Ðức Phật đi ngang qua, hy vọng con voi say sẽ giẫm chết Ðức Phật.

Khi các đệ tử thấy con voi điên tấn công, họ sợ quá bỏ chạy tứ tung, chỉ còn có A Nan (Ananda), người hầu cận Ðức Phật, ở lại bên cạnh thầy, ông sợ quá nắm y Ðức Phật.

Ðức Phật nhìn thấy con voi đang chạy đến, thay vì hoảng sợ, Ngài lại rải lòng từ đến con vật đáng thương. Dù con voi đang say và điên cuồng, nó cũng cảm nhận được sức mạnh tình thương của Ðức Phật. Nó ngưng hung hăng tấn công và đi đến chỗ Ðức Phật một cách hiền từ, cúi đầu xuống chân của Ðức Phật.

Ðức Phật vuốt nhẹ lên đầu con voi và quay qua nói với A Nan: “Phương pháp hay nhất để phá tan hận thù là tình thương. Hận thù không thể tiêu diệt được hận thù. Ðây là một bài học rất quan trọng cần phải nhớ”. 

 

27. Trở về quê hương

 

Một hôm, Ðức Phật nói với các đệ tử của Ngài rằng: “Ðã đến lúc ta phải trở về Ca Tỳ La Vệ, thăm lại thành phố và người thân của ta”. Sau đó, Ðức Phật và các đệ tử đã đi bộ về thăm quê hương của Ngài. Tin Ðức Phật sắp trở về lan truyền khắp thành phố. Mọi người rất nôn nóng và sung sướng chờ đợi. Họ reo lên khi nghe tin này: “Ôi! Lâu lắm rồi, thái tử yêu quý của chúng ta mới trở về. Bây giờ Ngài đã là một vị thầy cao quý với hàng ngàn đệ tử tùy tùng. Thật là sung sướng làm sao khi gặp lại Ngài”. 

Vua Tịnh Phạn rất vui mừng khi nghe tin con trai của mình sắp trở về. Vua được biết Ðức Phật có rất nhiều đệ tử và lấy làm tự hào: “Con trai của ta đã trở thành bậc thầy hướng đạo cao quý của tất cả. Phật đã đem lại vinh dự lớn cho dòng họ ta”.

Vua nôn nóng muốn biết tin Ðức Phật, bèn sai một người hầu cưỡi ngựa đi dò la trước, xem con trai của ông sau nhiều năm xa cách nay như thế nào. Sáng hôm sau, người hầu đã tìm đến nơi Ðức Phật và các đệ tử của Ngài đang ở. Lúc ấy, Ðức Phật và các đệ tử mỗi người ôm một bình bát. Họ đi từ nhà này đến nhà khác trong làng để xin thức ăn. Sau đó, họ trở về nơi ở và cùng nhau dùng bữa ăn đơn giản trong sự im lặng.

Người hầu trở về Ca Tỳ La Vệ và tường thuật lại tất cả những gì mình thấy cho vua nghe. Nghe xong, vua rất giận. Ông la lên: “Ôi, con trai của ta, một hoàng tử cao quý lại trở thành một kẻ ăn xin. Thật là nhục nhã làm sao! Ta phải chặn đứng việc này ngay tức khắc”.

Vua liền cưỡi ngựa ra khỏi hoàng cung và đi thẳng đến nơi con trai mình đang ở. Khi vua nhìn thấy Tất Ðạt Ða, bây giờ là một vị Phật rạng rỡ với rất nhiều đệ tử vây quanh, ông rất cảm động. Sau khi hỏi thăm sức khỏe, vua liền hỏi Phật: “Cha nghe nói con đi xin thức ăn vào mỗi buổi sáng, điều đó có đúng không?”.

Ðức Phật trả lời: “Dạ thưa cha, đúng. Ðó là tục lệ của chúng con”.

Vua nghe nói càng trở nên tức giận hơn trước. Ông quát: “Tục lệ của chúng ta à! Con sinh ra trong dòng họ vua chúa, có bao giờ phải đi xin một thứ gì để sống đâu. Tục lệ của chúng ta là ăn bằng chén vàng, chén bạc chứ không phải ăn bằng bát gỗ, bát sành. Con hãy nói cho cha biết tục lệ của chúng ta là gì?”.

Ðức Phật lễ phép trả lời: “Dạ thưa cha, cha thuộc dòng dõi vua chúa. Ðây là sự thật. Thế nhưng, hiện nay con thuộc dòng dõi đạo sư, dòng dõi của những vị Phật trong quá khứ. Những bậc thầy này luôn luôn tự hạ thấp mình. Họ nhận thức ăn của mọi người. Cho nên con nói tục lệ xin ăn của chúng con có nghĩa là tục lệ của các Ðức Phật”.

Rồi Ðức Phật nắm tay cha thân mật, vừa đi vừa tâm sự với cha. Phật giảng cho vua nghe về những chân lý cao quý và con đường dẫn đến chấm dứt tất cả khổ đau. Sau khi nghe Phật nói pháp, vua rất hoan hỷ và khen ngợi: “Quả thật con đã tiến xa hơn trước nhiều. Khi con còn bé, đạo sĩ A Tư Ðà đã tiên đoán rằng sau này con sẽ trở thành một vị thầy cao quý. Cha đã phải cúi đầu trước con, ồ quên, Ðức Phật. Bây giờ Phật hãy nhận cha là đệ tử”.

Chẳng bao lâu, Da Du Ðà La, vợ của Ngài, La Hầu La, con trai của Ngài, cùng họ hàng và những người trong hoàng cung cũng xin làm đệ tử của Ngài. Họ nói với Ðức Phật: “Chúng tôi rất bất hạnh khi Ngài từ bỏ chúng tôi đi tìm đạo mấy năm qua. Nhưng bây giờ Ngài đã trở về, mang đến cho chúng tôi rất nhiều hạnh phúc và an lạc của tâm hồn bằng những lời dạy cao quý về chân lý. Sự ra đi của Ngài thật xứng đáng và vinh quang cho ngày trở lại, đó chính là sự giác ngộ, là một vị Phật”.  

 

28. Vua và thần cây

 

Từ năm 35 tuổi, Ðức Phật đã thuyết pháp cho mọi người nghe. Gần 45 năm, Ngài đã đi khắp nước Ấn Ðộ hoằng pháp, đem lại niềm an lạc hạnh phúc cho rất nhiều người. Khi Ngài giảng dạy cho người nào đó về lòng từ bi, Ngài kể cho họ những mẩu chuyện dễ gây ấn tượng cho họ. Ðây là một trong những mẩu chuyện mà Ngài đã kể:

Thuở xưa, có một ông vua rất kiêu hãnh. Ông muốn xây một cung điện thật lớn cho mình. Một hôm, ông gọi các quan lại và nói: “Hãy đi vào những khu rừng và tìm cho ta một cây cao lớn nhất. Cây đó, ta sẽ dùng vào việc xây dựng cung điện của ta”.

Các quan vâng lệnh, đi sâu vào trong rừng và đã tìm thấy một cây theo như ý của vua. Nó to lớn và đứng sừng sững giữa những đám cây. Ðêm đó, họ trở về và tường thuật lại cho vua nghe: “Tâu bệ hạ, chúng tôi đã tìm ra được một thân cây cao lớn theo như ý ngài muốn. Ngày mai, chúng tôi sẽ trở lại khu rừng đó và đốn hạ nó”.

Vua nghe xong, lấy làm hài lòng và đi ngủ. Ðêm hôm đó, vua mơ thấy một giấc mơ lạ. Vua mơ thấy một vị thần sống trong thân cây cao lớn đó. Vị thần ấy xuất hiện trước vua và nói: “Tâu bệ hạ, xin ngài đừng chặt đứt nơi ở của tôi. Nếu ngài hạ thân cây, thì mỗi vết cắt sẽ làm tôi đau đớn và tôi sẽ chết mất”.

Nhưng vua trả lời: “Ông là cây tốt nhất trong số tất cả các cây. Tôi cần phải dùng nó để xây cất cung điện của tôi”.

Vị thần cố thuyết phục, nhưng vua thì rất ngoan cố và nhất định sẽ chặt thân cây ấy. Cuối cùng, vị thần cây nói với vua rằng: “Thôi được, ngài cứ việc chặt nó. Thế nhưng ngài hãy chặt như sau: Xin ngài đừng chặt sát gốc như người ta vẫn thường làm. Ngài hãy sai người leo lên ngọn của cây và cắt từng khúc một. Cắt cho đến khi nào hết thân cây thì thôi”.

Vua rất lấy làm ngạc nhiên và nói: “Nếu tôi sai người làm như lời ông nói và cắt thân cây nhiều lần như vậy, nó sẽ làm cho ông đau đớn nhiều hơn là cắt chỉ một lần ở dưới gốc cây”.

Vị thần đáp: “Vâng, bệ hạ nói rất đúng. Song nếu ngài làm theo lời đề nghị của tôi thì sẽ tốt hơn cho các sinh vật khác trong rừng. Ngài biết đấy, cây của tôi thì rất cao lớn. Nếu nó đổ xuống sẽ chiếm một khoảng rộng, những cây nhỏ hơn sẽ bị đè bẹp và sẽ giết chết những súc vật nhỏ. Những con chim và thú sẽ mất chỗ ở của chúng và nhiều cây nhỏ sẽ bị tàn phá. Nhưng nếu ngài cắt từng đoạn một, nó sẽ không làm tổn hại nhiều loài vật khác”.

Ngay lúc ấy, vua giật mình tỉnh giấc. Vua nghĩ: “Vị thần này sẵn sàng chịu đau đớn cắt làm nhiều khúc để cho những súc vật bé nhỏ trong rừng không bị khổ đau. Ôi, thật là dũng cảm và tử tế làm sao! Và thật là ích kỷ làm sao, khi ta lại muốn hạ thân cây ấy để thỏa mãn dục vọng và sự kiêu hãnh của ta! Thay vì cắt hạ nó, bây giờ ta sẽ tôn vinh nó. Giấc mơ này đã dạy ta phải biết thương yêu và tử tế đối với mọi người”.

Ngày hôm sau, vua đi vào trong rừng và trang hoàng cho cây ấy. Từ đó về sau, vua trở thành một vị vua nhân từ được nhân dân hết sức thương yêu. 

 

29. Tình thương không ranh giới

 

Một hôm, Ðề Bà Ðạt Ða lâm bệnh. Nhiều thầy thuốc đã đến chữa trị nhưng không khỏi. Lúc đó anh họ của ông – Ðức Phật – đã đến thăm ông.

Một trong những đệ tử của Phật hỏi: “Bạch Ðức Thế Tôn, tại sao Ngài lại cứu giúp Ðề Bà Ðạt Ða? Chính ông ta đã nhiều lần mưu hại Ngài. Ông ta thật tâm muốn giết Ngài mà”.

Ðức Phật trả lời: “Không có lý do gì để thân thiện với người này và thù địch với kẻ khác. Tất cả mọi người đều bình đẳng như nhau, vì ai cũng đều muốn hưởng hạnh phúc an lạc và không ai thích bệnh tật khổ đau. Do đó chúng ta phải đối xử với mọi người bằng tình thương không phân biệt”.

Rồi Ðức Phật đi đến bên giường của Ðề Bà Ðạt Ða và nói: “Nếu thật sự ta yêu thương Ðề Bà Ðạt Ða, người đã luôn cố gắng hãm hại ta, như là thương yêu La Hầu La, con trai độc nhất của ta, thì cho Ðề Bà Ðạt Ða được mau lành bệnh”. Ngay lúc ấy, Ðề Bà Ðạt Ða cảm thấy sức khỏe bình phục trở lại.

Ðức Phật quay qua các đệ tử và nói: “Hãy nhớ rằng, tình thương của một vị Phật luôn bình đẳng đối với tất cả chúng sinh”.

 

30. Những ngày cuối cùng 

 

Khi Ðức Phật 80 tuổi, Ngài tự nghĩ: “Ta đã làm tất cả những gì ta có thể làm để giúp cho mọi người. Ta đã hướng dẫn họ làm thế nào để sống với tình thương và tránh làm hại sự sống của kẻ khác. Bây giờ, đã đến lúc ta sẽ từ bỏ thân xác này một cách an lạc”.

Lúc đó, Ðức Phật gọi A Nan: “Ðã đến lúc chúng ta trở về Ca Tỳ La Vệ một lần cuối. Ta muốn viên tịch tại thành phố nơi ta đã trưởng thành”.

A Nan nghe xong hết sức đau buồn, ông thưa: “Bạch Ðức Thế Tôn, xin Ngài đừng lìa bỏ chúng con. Ðã nhiều năm qua, Ngài là thầy dẫn đường của chúng con. Chúng con biết sẽ làm gì đây khi thầy vắng bóng?”. Nói xong, ông sụt sùi khóc.

Phật an ủi: “Ðừng khóc nữa, A Nan thân yêu của ta. Ta luôn luôn dạy rằng, chết là điều tất nhiên của sự sống, không có gì phải lo sợ cả, con phải hiểu rõ điều đó. Khi ta viên tịch rồi, hãy lấy những lời dạy của ta làm thầy dẫn đường. Nếu con khắc ghi những lời dạy này trong trái tim của con, con sẽ không cần đến ta nữa. Bây giờ chúng ta hãy lên đường trở về Ca Tỳ La Vệ”.

Ðức Phật và các đệ tử lên đường đi về hướng Bắc. Họ đi ngang qua những ngôi làng ở Câu Thi Na (Kushinagar) cách Ca Tỳ La Vệ không xa. Ðức Phật nói với các đệ tử dừng lại nơi đây và nghỉ ngơi. Người nói với A Nan rằng: “Ðây là nơi ta sẽ viên tịch”.

Mặc dù đây là những ngày cuối cùng của đời sống, Ðức Phật vẫn không ngừng cứu độ chúng sinh. Một ông Phạm chí tên Tu Bạt Ðà La (Subhaddha) đã 120 tuổi xin được gặp Phật và Ngài đã đồng ý. Phật đã lắng nghe những thắc mắc của ông về việc tu hành và Ngài đã ban cho ông những lời chỉ dẫn rất chân tình. Sau khi nghe xong, mọi nghi ngờ của ông đều tan biến, và ông đã tìm được nguồn an lạc hạnh phúc ngay khi Ðức Phật nói pháp xong.

Sau đó, Ðức Phật đi vào khu vườn và nằm giữa hai thân cây Sa la đang nở hoa trắng xóa. Những đệ tử tụ tập vây quanh Ngài. Một số người đang sụt sùi khóc, nhưng những người đã hoàn toàn an lạc giải thoát thì im lặng.

Ðức Phật ban bố những lời dạy cuối cùng: “Hãy ghi nhớ những gì ta đã dạy các con. Tham ái là nguyên nhân của tất cả bất hạnh. Mọi vật sớm hay muộn cũng sẽ biến đổi, đừng nên bám víu vào bất cứ cái gì. Tốt hơn hết nên dốc lòng thanh lọc tâm trí. Hãy tinh tấn lên để đạt tới giải thoát”.

Lúc này, Ðức Phật xoay mình về bên phải, đầu đặt lên bàn tay phải. Ngài nhắm mắt lại và an nhiên viên tịch. Hoa Sa la rụng xuống như mưa.

Sau đó, các đệ tử đặt nhục thân Phật vào trong quan tài bằng gỗ. Họ chuẩn bị đem thiêu Ngài theo phong tục Ấn Ðộ, nhưng họ không sao mồi lửa cho cháy được. Lúc ấy, vị đệ tử lớn của Phật là Ca Diếp (Maha Kassapa) về tới. Khi nghe tin Ðức Phật sẽ nhập Niết bàn, Ca Diếp vội vã đến Câu Thi Na, nhưng khi ngài về đến nơi thì Ðức Phật đã tịch rồi. Ca Diếp đến bên kim quan và chắp tay thành kính đảnh lễ nhục thân của Phật. Ca Diếp lạy xong thì lửa bắt đầu đốt cháy. Lửa tàn, xác thịt đều ra tro, chỉ còn lại những viên xá lợi óng ánh đủ màu sắc. 

Vua các nước ở phía Bắc Ấn Ðộ nghe tin Phật nhập Niết bàn, sau khi hỏa thiêu có nhiều xá lợi nên họ muốn thỉnh về thờ. Họ nghĩ: “Ta sẽ xây một cái tháp để tôn thờ xá lợi của Phật trong vương quốc của ta. Ðây là niềm vinh hạnh rất lớn cho đất nước của ta”.

Thế rồi, ông vua nào cũng muốn lấy xá lợi của Phật nên đã xảy ra sự tranh cãi. Ai cũng muốn giành thắng lợi về phía mình cả. Cuối cùng, có một người đứng ra phân giải: “Ðức Phật đã trải qua toàn bộ cuộc đời của Ngài để dạy cho chúng ta biết yêu thương người khác. Bây giờ Ngài đã viên tịch, các vị lại đi ngược lời Phật đã dạy. Thật là không đúng tí nào. Tốt hơn hết, chúng ta nên phân chia xá lợi cho đồng đều. Rồi sau đó, các vị sẽ đem về vương quốc của mình, xây tháp thờ xá lợi của Ðức Phật”.

Các vị vua nghe nói có lý và họ không còn tranh cãi hơn thua nữa. Họ hoan hỷ cùng nhau phân chia xá lợi Phật và đem về vương quốc của mình. Nơi đó, họ xây những bảo tháp để kỷ niệm một vị thầy cao quý đã sống một đời tràn đầy tình thương và trí tuệ.

 

31. Những lời dạy vẫn còn sống mãi

 

Ðức Phật đã nhập diệt cách đây hơn 2500 năm trong một ngôi làng nhỏ tại Ấn Ðộ. Thế nhưng, những lời dạy về tình thương và trí tuệ của Ngài vẫn không bao giờ mất. Những đệ tử của Ngài đã tiếp nối Ngài truyền bá cho những người khác. Cứ thế, các đệ tử nối tiếp truyền bá từ đời này đến đời khác. Nhờ vậy, ngày nay chúng ta mới được biết đến giáo lý cao quý của Ðức Phật.

Mọi người trong mọi quốc gia, bất cứ ai tin tưởng đều có thể học tập những lời dạy tràn đầy tình thương và trí tuệ của Phật. Nếu chúng ta thực hành đúng những lời Phật dạy, chúng ta sẽ khắc phục được những ích kỷ, hận thù và tham dục. Chúng ta sẽ chế ngự những lo sợ và đạt được an lạc giải thoát, cũng như Ðức Phật đã đạt được dưới gốc cây Bồ đề vậy. Ði theo con đường mà Ðức Phật đã chỉ dạy, chúng ta có thể trở thành một vị Phật, một người hoàn toàn tỉnh thức. Chúng ta có thể đem lại hạnh phúc cho những người khác cũng như Ðức Phật đã từng làm vậy.

Cầu mong tất cả chúng sinh đều được an lạc hạnh phúc trong ánh từ quang của Ðức Phật.

Chớ làm các điều ác

Hãy làm các việc lành

Giữ tâm ý trong sạch

Ðó là lời Phật dạy.

 

THÍCH CHÂN TÍNH

Dịch xong ngày 14-6 Mậu Dần


 

Phụ chú

 Ðại hội Phật giáo Thế giới họp tại Tokyo (Nhật Bản) năm 1952 đã thống nhất:

1/ Ðức Phật Thích Ca đản sinh năm 624 trước CN - nhập Niết bàn năm 544 trước CN.

2/ Phật lịch (PL) được tính từ năm Ðức Phật nhập Niết bàn: 544 trước CN.

Ðến năm 1960, Ðại hội Phật giáo Thế giới họp tại Phnom Penh (Campuchia) thống nhất ngày đản sinh của Ðức Phật là ngày trăng tròn, tháng Vesakh, là ngày rằm tháng Tư âm lịch.

Theo Phật giáo Bắc tông: Thái tử Tất Ðạt Ða xuất gia đêm mùng 8-2, Thành đạo ngày 8-12, Ðức Phật nhập Niết bàn ngày 15-2 âm lịch. Thái tử xuất gia năm 19 tuổi, 5 năm tìm thầy học đạo, 6 năm khổ hạnh rừng già, 49 ngày tự tu thiền định, thành đạo năm 30 tuổi – 49 năm hóa độ.

Theo Phật giáo Nam tông: Lấy ngày rằm tháng Tư để kỷ niệm ba Ðại lễ: Ðản sinh - Thành đạo - nhập Niết bàn. Thái tử xuất gia năm 29 tuổi, thành đạo năm 35 tuổi – 45 năm hóa độ.

 

Mấy lời tâm huyết 

Thuyết pháp giảng kinh, viết sách giáo lý nhà Phật hoặc in kinh sách đem phát cho mọi người xem, để họ sớm giác ngộ. Ðược như thế công đức vô lượng, đó gọi là pháp thí.

Nếu không đủ điều kiện làm những việc ấy, thì thỉnh một số kinh sách chịu khó đem đến từng nhà cho mượn đọc, rồi sau đó lại lần lượt cho nhà khác mượn nữa, hoặc đọc cho kẻ khác nghe, nhất là cho người không biết chữ nghe, cũng được công đức vô biên, đó cũng gọi là Pháp thí.

Chính Ðức Phật đã dạy: “Trong các sự bố thí chỉ có Pháp thí là công đức lớn nhất, không có công đức nào sánh bằng”.

Tưởng về lợi cũng như về danh, chúng ta đừng lo nghĩ vội, mà điều tối cần là làm sao cho rạng rỡ chánh đạo trước cái đã. Ðó là mục đích chính và thiêng liêng cao cả của chúng ta. Nền móng đạo pháp cần nhờ sự chung lưng góp sức của chúng ta. Vậy mỗi người nên xây đắp vào đó một ít vôi, một ít nước, hoặc một tảng đá hay một viên gạch v.v... ngõ hầu cái nền móng ấy được thêm bền vững và kiên cố đời đời.

Chúng ta không nên quan niệm ở công đức vô lượng vô biên, mà điều cần thiết là nên nghĩ nhiều đến những người lầm đường lạc lối, sống trong vòng đầy tội lỗi không có lối thoát, hãy mau cứu vớt họ, cảnh tỉnh họ để cùng quay về chân lý. Nếu được như thế chính ta đã làm lợi ích cho Phật pháp vậy.

Với hoài bão cuộc đời, chúng ta hãy “Tất Cả Vì Phật Pháp”. Hy vọng mấy lời tâm huyết này được nhiều vị hảo tâm in kinh sách cho muôn dân xem.

Ðược như vậy công đức không gì sánh bằng! Tha thiết mong mỏi như thế!

Tặng cho thân nhân một số tiền nhỏ, lòng mình không vui.. Nhưng mình không đủ sức tặng nhiều hơn. Chỉ có một cách là tặng các loại sách tu hành để xây dựng cho đời sống thanh cao, thì dù một quyển sách giá chỉ có vài ngàn, nhưng vẫn còn quý hơn bạc vạn.

Quý vị nào muốn phát tâm ấn tống kinh sách xin liên hệ: CHÙA HOẰNG PHÁP, Xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh. ÐT: 7130002-7133827. Email: hoangphap@hcm.vnn.vn 

 

--- o0o ---

 

Vi tính: Diệu Huệ, Trình bày: Nhị Tường
 Cập nhật: 01-06-2004 


Webmaster:quangduc@quangduc.com

Trở về Trang Truyện Tích Phật Giáo

Đầu trang

 

Biên tập nội dung: Tỳ Kheo Thích Nguyên Tạng
Xin gởi bài mới và ý kiến đóng góp cho Trang Nhà qua địa chỉ: quangduc@quangduc.com
Địa chỉ gởi thư Tu Viện Quảng Đức, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic. 3060. Tel: 61. 03. 9357 3544