Trang tiếng Việt

 Trang Nhà Quảng Đức

Trang tiếng Anh

Mừng Xuân Di Lặc


...... ... .

 

Chơi cùng hư không

 

Nhật Chiêu

--- o0o --- 

 

“Vượt qua

Những tầng mây trắng

Vân tước hát ca” (Kyoroku)

Vượt qua những tầng mây của mình, những con chimấy đã bay đến tận cùng tiếng hát, tận cùng Thơ Ca. Dẫu vậy, đã là Thơ Ca thì làm sao có thể tận cùng? Không, đó cũng chỉ là một cuộc quy hồi. Trở về với tiếng hát đầu tiên. Trở về với sớm mai của mọi sớm mai. Để chơi cùng Hư Không, cùng sớm mai, cùng mùa Xuân của mọi mùa Xuân... 

Trên cánh đồng

chim vân tước hát

chơi cùng hư không

 

(Haranaka ya

mono nimo tsukazu

naku hibari).

Bashô

Ca hát say sưa trên cánh đồng, đấy là chim vân tước (hibari) đang chơi. Như mọi con chim se sẻ khác. Chơi với chim là một khát vọng sống. Khác với chim, con người thường quên chơi.

Chơi chỉ để là chơi, không mục đích.

Những trò chơi hiện đại đã đánh mất mình, đắm chìm trong vô số dục vọng và buồn chán.

Chỉ có trẻ thơ và chim chóc là biết chơi, có tinh thần chơi của hư không.

Con chim sẻ nhỏ

mang niềm du hí

trong cánh mà bay

 

(Suzumego ya

hane aritake no

ureshi - gao).

Sekiu

Con chim sẻ nhỏ và cuộc chơi du hí tam muội. Từng lông cánh của chim như lộng gió niềm vui. Chim như nói cùng hư không: “Cầu xin Người để cho dòng tinh lực vũ trụ không sao ngăn lại được của Người rập rờn lưu chuyển như cơn gió Nam lồng lộng vi vút thổi vào Xuân”. (Tagore) (1)

Và như thế, con chim sẻ nhỏ của Sekiu tham gia vào cuộc chơi tràn đầy niềm vui của mùa Xuân, của vũ trụ.

Vũ trụ là trò chơi của một đứa trẻ, theo Heraclite, nó đẩy các quân cờ: “Thời gian là một đứa trẻ đang chơi cờ, nó chơi cờ với một quyền lực vương giả”. (Time is a child playing draughts, the kingly power is a child's) (2)

Quyền lực của một đứa trẻ, hay một chú sẻ non, là niềm vui đưọc chơi.

Trên nương trà

một bầy se sẻ

trốn tìm trong hoa

 

(Cha no hana ni

kakurenbo suru

suzume kana).

Issa

Với bầy sẻ của Issa, nương trà là sân chơi. Nhưng sân chơi thực của muôn loài bao giờ cũng là hư không.

Trốn tìm trong hoa là trốn tìm trong tướng hoa của hư không. Tướng hoa đó có khi là cành trúc, có khi là cây mơ:

Sẻ mẹ dặn dò:

bay về cành trúc đấy

và bay đến cây mơ

 

(Take ni iza

ume ni iza to ya

oya-suzume).

Issa

Tưóng hoa đó là nhũng hoa đào, mận, mơ, liễu... là hằng hà sa số hoa trong cuộc chơi bất tuyệt của hư không như Thiền sư Dôgen của Nhật Bản (thế kỷ mưòi ba) đã diễn tả:

“Đây là tướng hoa của tất cả mọi sự. Mọi sự rốt ráo không thể dò, là những hoa và quả giữa hư không... Cần xem chúng như là bình đẳng với những đào, mận, mơ, liễu”(3).

Hay hư không chính là cánh mũi của Đại Phật (Daibutsu), là hơi thở của Đại Phật:

Chim én bay ra

từ trong cánh mũi

Đại Phật Nara

 

(Daibutsu no

hana kara detaru

tsubame kana)

Issa

Và cho dù Đại Phật ở đây là một pho tượng, một hình tướng, vẫn có hơi thở của hư không.

Với một diệu tài vượt xa muôn vật những con chim biết giấu mình giữa hư không, như những bông hoa giấu mình trong hương:

Ôi Sơn Ca

giấu mình đâu đó

trời xanh bao la

 

(Kuma mo naki

sora ni kakururu

hibari kana).

Rikuto

Diệu tài của chim là có mặt bằng tiếng hát. Nói như nhà thơ Tennyson trong In Memoriam, toàn thể chim sơn ca đã biến thành “một khúc ca vô hình" (The lark becomes a sightless song). Nhà thơ Ampu cũng thấy:

Sơn ca trên mây

chỉ còn tiếng hát

vô hình chim bay

 

(Koe bakari

ochite naki

hibari kana).

Ampu

Chỉ còn tiếng hát. Nhưng không chỉ có tiếng hát. Vận mệnh của chim là bay. Là đối mặt với gió, với vô biên:

Đối mặt không ngừng

ôi chim vân tước

với gió mùa Xuân

 

(Harukaze ni

chikara kuraburư

hibari kana).

Yasui

Đường bay của chim vân tước tạc vào gió, tạc vào mùa Xuân cái vô hình, vô tích của chim. Và tiếng hát của nó tạc sâu vào cái vô định hình của mây:

Vân tước hát ca

từ từ mây trắng

rợn đầy âm ba

 

(Kumo ni nami

tatete saezuru

hibari kana).

Seien

Chim và mây. Cả hai đều là bạn của hư không. Dường như không phải chim đang hát mà là mây đang hát. Dường như không phải mây đang tan trong âm ba mà là chim vân tước đang tan.

Mây là niềm im lặng đang ngân nga và chim là tiếng hát đang trở thành vô thanh. Đó là mây và chim đang chơi đùa với hư không.

Và chim vân tước ơi, có nhớ cành hạc vàng nghìn xưa đã để lại những vầng mây trắng buồn tênh, trong tiếng thơ huyền bí của Thôi Hiệu?

Tích nhân dĩ thùa hoàng hạc khứ

Thử địa không dư Hoàng hạc lâu

Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản

Bạch vân thiên tải không du du...

Cái tiếng thơ mà Phạm Đại Sĩ gọi là “nguyên khí của thái không hốt nhiên nhập vào ngòi bút”. Ta quá yêu cái thái không ấy nên muốn hát cùng Thôi Hiệu theo ngôn từ của mình:

Chở tiên đi, cánh hạc vàng

Bỏ hư không lại, còn Hoàng hạc lâu

Hạc vàng mất hút thiên thu

Để nghìn năm trắng mây từ từ trôi... (4)

Nhưng hạc vàng là gì? Đó lại là sáng tạo của hư không. Có vân tước và én, có dạ oanh và nhạn, có đỗ quyên và tích linh. . . Thì sao không có hạc vàng?

Đã có Hoàng hạc lâu thì hẳn có Phượng hoàng đài. Đấy là trò chơi của hư không, trò chơi của tâm tưởng:

Tôi yêu đầy trái tim

nhưng đôi cánh của chim

chở mùa ánh sáng!

 

(Tori no ha ni

misomuru haru no

hikari kana)

Chora

Cánh chim hoặc là chở thần tiên (tích nhân) hoặc là chở ánh sáng (hikari), nó luôn luôn chở một điều gì đó từ điểm nhìn của chúng ta.

Chim là của bầu trời. Vậy mà một cánh chim bay đi, ta lại có cảm giác mất mát. Hoàng hạc bay đi và rồi những cánh nhạn bay đi, hay một con hoàng yến bay đi.

Bay đi, bay đi... Chỉ còn lại nỗi cô đơn là ta:

Đêm qua nhạn bay đi

Hôm nay bay đi, bay đi

Đêm nay không còn chi

 

(Kinô ini

kyô ini kari no

naki yo kana).

Buson

Dễ dàng liên tưởng cánh chim và thời gian. Đêm qua và hôm nay đủ cho cây thay lá, tóc bạc màu, nhan sắc tàn phai, là “từ tôi phút trước sang tôi phút này”, là từng thế hệ đi qua.

Chim yến thoát rồi

một ngày Xuân đẹp

đến giờ tàn thôi

 

(Kanariya wa

nigete haru no hi

kure ni keri).

Shiki

Ngày Xuân nào cũng tàn, chẳng phải vì cái yến vàng đã ra đi. Nhưng Thiền sư Dôgen vẫn bảo: “Xuân làm hoa nở, hoa làm nở Xuân”, Xuân nở rồi tàn, chim đến rồi đi, được và mất... Có thể Shiki nhìn vào nỗi cô đơn của mình với một nụ cười vào cuối một ngàyXuân.

Trên mái nhà của Jôsô mỗi sớm mai có một con vân tước đến hót. Cùng là một con chim, hay là những con vân tước khác nhau, nhà thơ tự hỏi:

Chim sẻ trên mái nhà

Sớm mai này đến hót

Có là chim hôm qua?

 

(Asagoto ni

onaji hibari ka

yane no sora).

Jôsô

Chim sẻ thì hát ca, chơi đùa, không cần biết mình là một hay hai. Bầu trời trên mái nhà là một hay hai? Những sóm mai là một hay hai? Sớm mai là gì? Nhà thơ Tagore nhìn thấy sớm mai như một trò chơi tử sinh:

“Chúng ta thấy trò chơi tử sinh khắp nơi, sự chuyển hóa từ cựu sang tân này. Ban ngày đến với chúng ta mỗi sáng sớm, hoàn toàn trinh bạch lồ lộ tươi thắm như một đóa hoa khoe sắc hương. Nhưng chúng ta biết rằng nó già cũ, nó là tự kỷ Thời gian vậy... Thế giới chúng ta mang sự tươi trẻ bất tử trong sâu thẳm của lòng. Sự già lão và bệnh tử làm lướt trên gương mặt nó những bóng mờ hiu hắt và thoáng qua đi không để lại một ngấn tích nào... Cái già này, cái ngày rất xa xưa này của trái đất chúng ta hồi sinh lại mỗi sớm mai. Nó trở lại, luôn luôn với tiếng gọi cùng âm điệu”(5).

Con chim sẻ trên mái nhà Jôsô dường như hát theo âm điệu sớm mai mà Tagore đã hình dung. Sớm mai này và muôn vạn sớm mai trước đó con chim sẻ này và muôn vạn se sẻ hôm qua, chính là đời sống lúc nào cũng xưa cũ và thanh tân, mất mát và đủ đầy.

Cho nên những sớm mai sẽ bay đi đâu, những cánh chim sẽ bay đi đâu?

Đàn nhạn đi rồi

cánh đồng trước cửa

dường như xa xôi

 

(Kari yukite

kadota no tôku

omowaruru).

Buson

Mã Tổ cùng Bách Trượng dạo chơi, nhìn thấy bầy nhạn bay trên không.

Mã Tổ hỏi: Cái gì thế?

Bách Trượng thưa: Đàn nhạn.

Mã Tổ: Bay đi đâu?

Bách Trượng: Bay mất rồi.

Mã Tổ liền nắm mũi Bách Trượng vặn mạnh, đau quá phải la lên. Mã Tổ quát: Bay mất thật sao?

Và Bách Trượng đại ngộ tức thi.

                                                (Bích nham lục) (6)

Trong hư không, đàn nhạn vẫn bay chẳng mất đi đâu. Từ thời Mã Tổ. hơn ngàn năm rồi, đàn nhạn vẫn còn bay. Nếu như không gian không nhốt kín ai và thời gian chẳng che mắt ai.

Cánh đồng vẫn ở nguyên trước cửa Buson, trước cửa nhà ai đó. Và chim vẫn bay và lúa vẫn xanh. “Dường như” thế giới vẫn như thế và dường như nó xa xôi và biến đổi. Đôi mắt họa sĩ của Buson cảm nhận được những sắc màu vô sắc ấy.

Còn Onitsura thì dường như hồn nhiên hơn Buson khi nhìn ngắm cánh đồng của mình:

Vân tước bay lên

vân tước bay xuống

lúa xanh, xanh rờn

 

(Aomugi ya

hibari ga agaru

are sagaru).

Onitsura

Chim sẻ đang bay và Iúa đang xanh. Còn chim sẻ không chờ mổ thóc và lúa cũng không xanh cho Onitsura làm thơ. Nhưng mà chim sẻ bay, lúa xanh và Onitsura làm thơ cho nhân của hư không và duyên của hư không đấy thôi.

Có lẻ đồng chung cảm hứng với Onitsura, nhà thơ Rankô nhìn thấy:

Hai bên mạn thuyền

sang phải rồi trái

vân tước hát miên man

 

(Kawabune ya

hibari nakitatsu

migi hidan).

Rankô

Tại sao “sang phải rồi trái” (migi hidari)? Chẳng ai biết. Chỉ thế thôi. Chim vân tước đang chơi trên dòng sông. Con sông chỉ trôi, chỉ trôi mà thôi. Và ai đó đang đi trên thuyền.

Phải và trải là ngôn từ của con người, không phải của chim. Rankô đang “cư trú” trong ngôn từ, đang đi con thuyền ngôn từ. Còn chim vân tước thì không, chỉ có hư không.

Phải và trái là luật. Chim vân tước cũng có luật của nó. Suốt ngày nó hát. Nhưng thời gian của ngày không đủ cho niềm đam mê ca hát. Và luật biến thành tự do:

Dẫu ngày dài ra

mà vân tước hát

vẫn còn hát ca

 

(Nagaki hi wo

saezuri taranu

hibari kana).

Bashô

Không chỉ hát trong ngày nắng đẹp. Tiếng hát của vân tước dường như không còn lệ thuộc vào không gian và thời gian:

Ban mai

chim vân tước hát

giữa cơn mưa dài

 

(Ariake ya

ame no naka yori

naku hibari).

Issa

Hát và bay đó là tự do của chim, đó là tâm hồn của chim. Như con hải âu của Richard-Bach. Con hải âu đó nói rằng: “Xin hiểu cho rằng một con hải âu là một tư tưởng vô hạn của tự do, một hình bóng của Đại Hải Âu và toàn thân thể bạn, từ đầu cánh này đến đầu cánh kia chẳng là gì khác ngoài bản thân tư tưởng của bạn”.

(Yoưve got to understand that a seagull is an unlimited idea of freedom, an image of the Great Gull and your whole body from wingtip to wingtip is nothing more than your thought itself) (7).

Đúng như hình ảnh rnà Shiki thể hiện về chim vân tước:

Chim vân tước bay

thở ra sưong gió

dẫm lưót tầng mây

 

(Kumo wo fumi

kasumi wo suuya

age - hibari).

Shiki

Đúng như hình ảnh mà Trang Tử thể hiện về bậc chí nhân:

“Người như thế thì theo hơi mây, cỡi mặt trời mặt trăng mà rong chơi ngoài bốn biển, chết sống còn không làm họ điên đảo phương chi là mối lợi hại?”.

(Nhược nhiên giả, thừa vân khí, ky nhật nguyệt, nhi du hồ tứ hải chi ngoại, tử sinh vô biến ư kỷ, nhi huống lợi hại chi đoan hồ?) (8).

Đó là kẻ biết rằng mình là tự do, mình là cuộc chơi. Chơi cùng hư không, chơi cùng Niết bàn.

Mà Niết bàn là gì?

“Niết bàn không phải là một nơi chốn, mà cũng không phải là một thời điểm. Niết bàn là trạng thái toàn bích tuyệt vời”.

(Heaven is not a place, and it is not a time. Heaven is being perfect – Richard Bach)

Có phải là trạng thái này:

Vưọt qua

những tầng mây trắng

vân tước hát ca

 

(Shirakumo no

ue ni koe aru

hibari kana).

Kyoroku

Vượt qua những tầng mây của mình, những con chim ấy đã bay đến tận cùng tiếng hát, tận cùng Thơ Ca.

Dẫu vậy đã là Thơ Ca thì làm sao có thể tận cùng?

Không, đó cũng chỉ là một cuộc quy hồi. Trở về với tiếng hát đầu tiên. Trở về với sớm mai của mọi sóm mai. Để chơi cùng Hư Không, cùng sớm mai, cùng mùa Xuân của mọi mùa Xuân.*

Chú Thích:

(1) Rabindranath Tagore: Sadhana, Thực hiện toàn mãn, Nguyễn Ngọc Thơ

dịch, An Tiêm. 1973, trang 179

(2) Heraclitus: trong Greek Reader, Viking Press. 1968. trang 74.

(3) Thiền sư Đạo Nguyên: Shôbôgenzô, Chánh pháp nhãn tạng, Nguyễn An Cư dịch, Thiện tri thức, 2003, trang 127.

(4) Hoàng hạc lâu, bản dịch mới của chúng tôi.

(5) R. Tagore. Sđd . trang 120, 121

(6) Tắc này có trong Bích nham lục (tắc 53), Hội Nguyên (quyển ba), Thiền

uyển dao lâm (tắc 104)..

(7) Richard Bach. Jonathan Livingston Seagutl. Turnstone Press, 1973, trang 93.

(8) Trang Tử Nam Hoa kinh, bản dịch Nguyễn Duy Cần, Khai Trí. 1973, trang 223.

(9) R. Bach, Sđd.. trang 55.

Source: NS Giác Ngộ số 94, 01-2004

--- o0o ---

Vi tính: Hồ Mỹ

Cập nhật ngày: 01-02-2004


Webmaster:quangduc@quangduc.com

Trở về Trang Thư Mục Mừng Xuân

Đầu trang

 

Biên tập nội dung : Tỳ Kheo Thích Nguyên Tạng
Xin gởi bài mới và ý kiến đóng góp cho Trang Nhà qua địa chỉ : quangduc@quangduc.com
Địa chỉ gởi thư :  Tu Viện Quảng Đức, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic. 3060. Tel: 61. 03. 9357 3544