Cảm tạ xứ Đức
Thích Như Điển
Phật lịch
2546 - 2002
Trung
tâm văn hóa xã hội Phật Giáo Việt Nam
---o0o---
Mục Lục
Lời Vào Sách
Chương I.
Đôi nét
về nước Đức
Chương II
Sự liên
hệ giữa chùa Viên Giác,
Hội Phật
Tử, Chi Bộ Giáo Hội Phật Giáo
Việt Nam
Thống Nhất với chính quyền Đức
qua Bộ
Nội Vụ Liên Bang tại Bonn
Chương III
Người
Đức dưới mắt tôi
Chương IV
Hơn 30
năm sinh sống ở ngoại quốc và trong đó
có hơn 25 năm sống tại xứ Đức
Chương V
Làm thế
nào để đi đến được thành công
Chương VI
Những
điều kiện đã giúp tôi đi đến sự thành công
Chương VII
Pháp môn
tu học, hành trì của Phật Giáo Việt Nam
tại Đức như thế nào?
Chương VIII
Vị trí
của ngôi chùa Viên Giác tại Hannover đối với
người Việt cũng như người Đức
Lời Kết
|
LỜI VÀO SÁCH
Hôm nay
là ngày 4 tháng 6 năm 2002 nhằm ngày 24 tháng 4 năm Nhâm Ngọ tôi bắt đầu
viết tác phẩm thứ 34 của mình với nhan đề là: "Cảm Tạ Xứ Đức". Trong mùa
an cư kiết hạ nầy tôi cố gắng hoàn thành tác phẩm để sau đó còn cho dịch
ra tiếng Đức, nhằm cho người Đức cũng có thể xem và hiểu nhiều hơn về
một dân tộc ở rất xa hơn nửa vòng trái đất; nhưng tại quê hương nầy đã
cưu mang họ hơn 25 năm nay trong bàn tay từ ái đón nhận những người tỵ
nạn Cộng Sản Việt Nam đến tạm dung, sinh sống tại xứ Đức nầy.
Tôi không biết có ai đã viết
một tác phẩm như thế chưa để tạ ơn nước Đức; nhưng riêng tôi phải có bổn
phận phải viết một tác phẩm như thế nhằm để cảm ơn chính quyền và nhân dân
Đức đã đón nhận mình cũng như người tỵ nạn Việt Nam trong suốt 25 năm qua
và cho tới hôm nay vẫn còn tiếp tục đón nhận dưới nhiều hình thức khác
nhau như: tỵ nạn chính trị, đoàn tụ gia đình, kết hôn hoặc những trường
hợp nhân đạo khác.
Tôi đến Đức vào ngày 22 tháng 4
năm 1977. Tính đến tháng 4 năm 2002 là đúng 25 năm. Có nghĩa là một phần
tư thế kỷ. Trong một phần tư thế kỷ đó cá nhân tôi và người tỵ nạn Việt
Nam đã làm gì được cho mình và cho quê hương đất nước nầy và sẽ còn ở lại
đây bao lâu. Hoặc giả phải làm gì khi quê mẹ cần đến v.v... Đây là những
câu hỏi mà phần trả lời dĩ nhiên là có nhiều lối giải thích khác nhau;
nhưng tất cả cũng chỉ với một tấm lòng là: Cảm tạ nước Đức.
Chúng tôi là những người Việt
Nam mà cũng là những người Phật Tử, do đó tứ trọng ân, tức bốn ân nặng
trong đời không được phép quên. Đó là ơn quốc gia nơi mình sinh sống. Thứ
hai là công ơn sanh thành dưỡng dục của mẹ cha. Kế đến là ơn Thầy Tổ dạy
bảo cho mình trở nên người hữu dụng cho Đời cho Đạo và ơn thứ tư là ơn xã
hội đã giúp đỡ mình thành người. Đứng từ tư tưởng nầy người Phật Tử Việt
Nam dầu sống bất cứ nơi đâu, hay ở bất cứ chốn nào trên quả địa cầu nầy
cũng đều phải có bổn phận cả; chứ không phải chỉ có bổn phận riêng đối với
nước Đức nầy mà thôi.
Từ những năm đầu của thế kỷ thứ
nhất đến thứ 13 người Việt Nam chúng tôi chỉ biết có người Trung Quốc. Sau
đó có dịp tiếp xúc với người Mông Cổ, người Nhật. Rồi đến thế kỷ thứ 16
các nhà truyền giáo Âu Châu đã đến Việt Nam, mà có lẽ trong ấy không có
người Đức. Đến thế kỷ thứ 19, 20 người Pháp đã đô hộ nước Việt Nam gần 100
năm; nên người Việt Nam đa phần biết về nước Pháp nhiều hơn; chứ ít đề cập
đến nước Đức. Ảnh hưởng của Pháp tại Việt Nam cho đến năm 1975 vẫn còn
nhiều hơn, mặc dầu người Mỹ cũng đã có mặt tại quê hương chúng tôi từ sau
năm 1954; nghĩa là sau ngày 20 tháng 7 năm ấy đất nước Việt Nam bị chia
đôi tại sông Bến Hải qua Hiệp Định Genève. Miền Nam Việt Nam theo chính
thể Cộng Hòa và Miền Bắc theo chế độ Cộng Sản. Ngày 30 tháng 4 năm 1975
người Cộng Sản miền Bắc đã thôn tính miền Nam Việt Nam. Do vậy đã có hơn 2
triệu người ra đi tìm tự do từ đó đến nay và con số nầy cho đến hôm nay
vẫn còn tiếp tục.
Nước Đức cũng bị chia đôi như
thế; nhưng quý vị đã thống nhất trong hòa bình vào năm 1989. Tuy số người
chết khi bức tường ô nhục Bá Linh đã ngự trị giữa hai lãnh thổ Đông và Tây
Đức; nhưng không nhiều như những người Việt Nam bị chết chìm trong biển
Đông, trên rừng sâu của Thái Lan, Cam Bốt, Lào, Trung Quốc trong khi họ ra
đi tìm tự do, mà những người chết không được thống kê chính xác ấy có thể
lên đến hơn 500.000 người.
Trước năm 1954 có lẽ rất ít
người Việt Nam ở Đức. Nếu có, chỉ là những người Việt Nam đi lính cho Pháp
và sang ở Đức trong thời gian chiến tranh đệ nhị thế chiến (1939-1945) mà
thôi. Trong thời gian từ năm 1964 đến năm 1975 đã có ít nhất là 2.000 sinh
viên Việt Nam đến từ miền Nam du học tại Tây Đức; đồng thời phía bên Đông
Đức số sinh viên từ miền Bắc Việt Nam đến du học tại Đông Đức cũng không
phải là ít. Tôi không biết được rõ ràng ai là người đầu tiên đến Tây Đức
nầy và Tòa Đại Sứ Việt Nam Cộng Hòa thiết lập tại Bonn vào năm tháng nào
cũng không rõ; nhưng nếu có được một sử liệu rõ ràng thì con số người Việt
Nam ở Đức cũng như học hành của thập niên 50 và 60 chắc không hơn 100
người. Cho đến giữa thập niên 70 con số sinh viên Việt Nam tại Tây Đức đã
hơn 2.000 người và kể từ sau năm 1975 đến nay (2002) con số thay đổi trên
dưới 100.000 người đang định cư, hội nhập, lập gia đình, học hành tại xứ
nầy. Do vậy có nhiều vấn đề để phải đề cập đến. Ví dụ như người Việt Nam
hiểu về nước Đức như thế nào? Văn hóa ngôn ngữ của họ ra sao? Trước khi đi
tỵ nạn có ai chọn cho mình là sẽ đến Đức không?
Riêng tôi cũng đến Đức; nhưng
không phải bằng con đường đi tỵ nạn chính trị, mà là tỵ nạn với lý do Tôn
Giáo tại Việt Nam bị đàn áp và cũng phải ra đi khỏi Việt Nam sau năm 1975
mà ra đi du học vào ngày 22 tháng 2 năm 1972 để đến Nhật Bản. Như vậy tôi
cũng đã chẳng có nhân duyên đối với quê hương sinh ra mình suốt hơn 30 năm
qua, mà ngày ra đi, lên phi cơ tại phi trường Tân Sơn Nhất - Sài Gòn tôi
đã chẳng nghĩ rằng phải lưu lạc đến Âu Châu và đặc biệt tại xứ Đức nầy từ
năm 1977 đến nay vậy.
Không biết người Đức chạy trốn
chế độ độc tài của Hitler sau đệ nhị thế chiến để đến Mỹ, Canada, Úc Châu
hay một xứ xa xôi của Nam Mỹ nào đó có ai nghĩ rằng: Tại sao mình phải bỏ
nước ra đi và đến định cư ở những xứ ấy có nghĩ rằng một ngày nào đó mình
phải trở về lại nơi chôn nhau cắt rốn của mình không? hay vấn đề ngôn ngữ,
phong tục, tập quán, điều kiện sinh sống của xứ sở tại đã làm cho họ rất
khó khăn khi tái hội nhập lại với xứ sở của mình? Đây là một câu hỏi mà
chỉ có những người Đức định cư tại ngoại quốc mới có thể trả lời được; chứ
người Đức lâu nay sinh sống tại xứ Đức nầy thì không có kinh nghiệm bằng.
Sau khi nước Đức chia đôi, một
phần lớn người Đức vẫn còn sinh sống tại Đông Âu như Nga Sô, Tiệp Khắc, Ba
Lan v.v... và ngay cả người Đức bên Đông Đức cũng muốn về phía Tây Đức để
sinh sống. Người ta tìm về quê hương ấy. Vì lẽ tại Tây Đức có tự do hơn
những xứ Cộng Sản Đông Âu lúc bây giờ. Cũng như thế đó, sau 1954 có một
triệu người từ miền Bắc Việt Nam di cư vào miền Nam Việt Nam, chứ hầu như
không có người miền Nam nào di cư ra miền Bắc để sinh sống ngoại trừ những
tù binh hoặc lính tráng. Tại Đức cũng thế, rất nhiều người Đức từ phía
Đông sang phía Tây để tỵ nạn lập nghiệp; chứ có rất ít những người Đức từ
phía Tây sang phía Đông để tỵ nạn khi chế độ Cộng Sản Đông Đức trước năm
1989 còn tồn tại.
Còn những người Đức ra đi khỏi
nước Đức từ năm 1945 cho đến nay có bao nhiêu người trở lại để sinh sống
tại quê hương nầy thì tôi không rõ; nhưng đa phần những người Đức mà tôi
có dịp gặp họ tại Mỹ, Canada hay Úc thì họ đã chọn những nơi đó làm quê
hương, chứ họ không trở lại Đức để sinh sống nữa. Vì lẽ những quốc gia ấy
có tương lai cho con cái họ hơn và dĩ nhiên là giàu có, tự do phát triển
hơn nước Đức trong hiện tại; mặc dầu đối với Âu Châu nầy nước Đức đang là
một cường quốc về kỹ nghệ sản xuất nhiều ngành nghề. Tại sao như vậy? Đây
là một câu hỏi mà ở những chương sau chúng tôi sẽ phân tích rõ ràng hơn.
Khi nói về người Đức, chúng tôi lại có cơ hội để so sánh với hoàn cảnh của
người tỵ nạn Việt Nam đã ở trên quê hương nầy hơn 25 năm rồi, để thấy ra
điểm tương đồng và điểm dị biệt, để từ đó chúng ta có cái nhìn hiểu biết,
thông cảm nhau hơn. Nếu không, người Việt Nam sẽ nhìn người Đức dưới dạng
khác và người Đức cũng không thể hiểu người Việt Nam là gì cả. Nếu có cũng
chỉ là những câu hỏi xã giao thôi, chứ không đi sâu vào nội dung của câu
chuyện được.
Nhiều người Nhật, nhất là những
người đàn bà khi bước chân ra khỏi Nhật, họ ở định cư tại Mỹ hay Âu Châu.
Vì nhiều lý do khác nhau; nhưng lý do quan trọng có thể là họ đi tìm cái
tự do và bình đẳng trong quan hệ Nam Nữ mà ở quê hương họ không có. Nếu là
người Nhật, mà chấp nhận ở Nhật, có nghĩa là họ chịu theo truyền thống,
chứ không sửa đổi, thì đối với những người nầy họ không có mục đích để đi
xa, cũng như không ít một số người Đức cũng có quan niệm như vậy. Cho nên
họ nhìn những người ngoại quốc sống trên quê hương nầy với những sự phê
phán không nương tay mà họ không biết rằng ngày nay tất cả hoàn cầu của
chúng ta đều đập chung một nhịp thở của môi sinh, chứ không còn cảnh ai
khôn thì sống, ai dại thì phải chết đâu.
Hai mươi lăm năm qua chúng tôi
đã bước đi những bước chân dài ngắn khác nhau trên quê hương nầy, chúng
tôi phải biết cảm ơn quốc gia nầy đã cho chúng tôi những đặc ân ấy. Chúng
tôi hít thở được không khí tự do ở xứ Đức nầy chúng tôi phải biết cảm ơn
chính phủ cũng như nhân dân Đức đã mở rộng vòng tay đón nhận những người
tỵ nạn Việt Nam đến từ Á Châu không có cùng một huyết thống, một ngôn ngữ,
một tập quán, một màu da, mà chỉ đã có chung một mục đích là tìm cầu 2 chữ
tự do mà thôi. Chúng tôi có được một đời sống yên ổn tại nơi đây phải cảm
ơn xã hội Đức nầy đã cưu mang cho chúng tôi từ người già đến người trẻ có
một cuộc sống ổn định, không vất vả với miếng cơm manh áo như tại quê
hương mình. Đồng thời chúng tôi phải cảm ơn sự giáo dục của nước Đức. Từ
đó đến nay suốt hơn 25 năm qua con em của người Việt Nam đã học tại các
trường Trung Học, Đại Học, trường dạy nghề v.v... đã ra trường và đang
đóng góp trí tuệ, dĩ nhiên là chỉ phần nhỏ thôi, so với số người trí thức
tại đây; nhưng điều ấy đã nói lên được điều: "ăn quả nhớ kẻ trồng cây",
"uống nước nhớ nguồn" là vậy. Tục ngữ Việt Nam đã nói lên được vấn đề ơn
nghĩa nầy. Hận thù nên bỏ qua; nhưng nhơn nghĩa phải đáp đền. Do vậy khi
ăn được trái cây ngon, phải biết rằng có người trồng cây, bón phân, tưới
nước mới có được kết quả đó. Nước ta uống được hôm nay đâu phải tự nhiên
mà có, phải có sự bắt đầu từ non cao, từ công lao của những người đào
giếng. Cũng như thế ấy, cái tự do mà xứ Đức đã có được của ngày hôm nay
phải qua bao nhiêu đời Thủ Tướng Adenauer, Willy Brant v.v... hiệp lực với
nhân dân Đức mới có được, chứ đâu phải một sớm một chiều mà dân Đức mới
phá thủng được bức tường để bỏ phiếu bằng chân qua xứ tự do nầy. Quý vị
khác chúng tôi là từ xứ áp bức sang xứ tự do; còn chúng tôi thống nhất mà
cộng sản đã cưỡng bức tự do, cho nên người Việt Nam chúng tôi đã ra đi tìm
tự do từ năm 1975 cho đến nay hơn 2 triệu người sống rải rác khắp nơi trên
thế giới. Phải nói một câu dễ hiểu là nếu không có chế độ cộng sản trên
quê hương Việt Nam thì người Việt Nam đã không bỏ nước ra đi. Họ phải ở
lại sinh sống trên quê hương họ, như người Đức không thể chịu đựng chế độ
độc tài Nazis nên đã phải rời quê hương thế thôi. Nếu không có chế độ ấy,
họ đã phải ở lại quê hương nầy rồi.
Đặc biệt trong quyển sách nầy
tôi sẽ dành riêng một chương để nói về sự liên hệ với Bộ Nội Vụ Cộng Hòa
Liên Bang Đức từ năm 1979 đến nay; nhằm cảm ơn sự trợ giúp to lớn của
chính quyền Liên Bang cho vấn đề hội nhập của người tỵ nạn Việt Nam tại
Đức, đồng thời chính phủ cũng đã hỗ trợ cho Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam
Thống Nhất - Chi Bộ Đức Quốc, cũng như Hội Phật Tử Việt Nan Tỵ Nạn tại đây
từ đó liên tục cho đến bây giờ (2002) và hy vọng vẫn còn tiếp tục nhiều
năm tới nữa.
Vào ngày 2 tháng 4 năm 1978
Niệm Phật Đường Viên Giác đã được thành lập tại thành phố Hannover và ngày
2 tháng 4 năm 1988 chúng tôi đã làm lễ kỷ niệm 10 năm tại chùa Viên Giác ở
đường Eichelkampstr. có mời cả khách Việt và Đức tham dự. Lẽ ra ngày 2
tháng 4 năm 2003 chúng tôi sẽ làm lễ kỷ niệm 25 năm chùa Viên Giác tại
đường Karlsruherstr. nầy; nhưng sẽ để trễ hơn 2 tháng, lễ ấy sẽ cử hành
vào cuối tháng 6 năm 2003; nhằm kỷ niệm Chùa và Báo Viên Giác tròn 25
tuổi. Trong sách nầy tôi cũng sẽ dành một chương để nói về sự trưởng thành
của Chùa cũng như Báo Viên Giác sau 10 năm, rồi 25 năm; nhằm cảm ơn sự
giúp đỡ của chính quyền Đức đối với Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam tại Đức
nói riêng và Người Tỵ Nạn Việt Nam nói chung tại đây.
Con người có thói quen là hay
quên cái cũ và cố tìm tòi cái mới để học hỏi. Thế nhưng nếu không có cái
cũ thì cái mới sẽ không xuất hiện và chẳng tồn tại. Do vậy mà viết thành
một quyển sách để tri ân là bổn phận của những người đã đi qua, nhằm giao
phó cho thế hệ tương lai một trách nhiệm, mà trách nhiệm tương lai ấy chắc
chắn phải cần đến nền móng của quá khứ mà hình thành.
Thông thường thì người lớn tuổi
học cái mới rất khó nhớ, mà những cái gì thuộc về quá khứ thì chúng liên
tục hiện về. Trong khi đó giới trẻ thì nghịch lại, những gì mới thì họ đua
đòi, học hỏi, thích hợp nhanh. Còn những gì thuộc về quá khứ thì họ ít
quan tâm đến. Tuy nhiên đến một lúc nào đó họ cũng phải già phải chết; lúc
ấy họ cũng sẽ làm những nhiệm vụ như những bậc đàn anh của họ đã làm và
thế hệ nầy cũng sẽ lui về quá khứ. Vì thế tôi vẫn thường hay nói: mỗi một
thế hệ của chúng ta cũng chỉ có thể làm được một nhịp cầu nối từ quá khứ
đến hiện tại mà thôi; chứ tuyệt nhiên nhịp cầu của quá khứ đó không thể
bắc thẳng đến tương lai được. Nếu cố bắc, sẽ hụt hẫng ngay. Vì lẽ những tư
lương của quá khứ không thể trang trải hết cho hiện tại và cả tương lai
được.
Từng năm rồi từng năm. Mỗi năm
như thế có một kỷ niệm khác nhau. Vì thời gian và sự kiện khác biệt nhau.
Ví dụ như năm 2002 nầy tôi viết quyển sách nầy để tạ ơn nước Đức. Vì lẽ
tôi đã đến đây đúng 25 năm (22.4.1977 - 22.4.2002) và sang năm 2003 sẽ kỷ
niệm 25 năm thành Chùa và Báo Viên Giác, vì lẽ Chùa Viên Giác được thành
lập ngày 2 tháng 4 năm 1978, đến ngày 2.4.2003 là 25 năm và Báo Viên Giác
số 1 bộ cũ ra ngày 1 tháng 1 năm 1979 và đến cuối năm 2003 cũng đúng 25
năm; nên chúng tôi đã chọn kỷ niệm 25 năm của 2 sự kiện quan trọng nầy vào
cuối tháng 6 năm 2003. Rồi năm 1978 Hội Sinh Viên và Kiều Bào Phật Tử Việt
Nam tại Đức được thành lập, sau đó là Chi Bộ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam
Thống Nhất tại Đức thành lập vào năm 1979. Tất cả những sự kiện ấy sẽ hòa
chung cùng một nhịp để hân hoan đón mừng về thành quả và sự tồn tại của
những sự kiện trong suốt 25 năm qua.
Mỗi năm chùa Viên Giác tại
Hannover đều có an cư kiết hạ 3 tháng như thế, kể từ sau lễ Phật Đản đến
lễ Vu Lan. Đây là cơ hội để chư Tăng Ni thúc liễm thân tâm, tu hành giới
đức; nhằm củng cố nội tâm và duy trì sự truyền thừa mạng mạch của chư Phật
và chư Tổ suốt mấy ngàn năm qua. Ngày nay tuy ở ngoại quốc; nhưng Tăng Ni
viên hành trì được như thế, không phải là điều dễ thực hiện. Vì hoàn cảnh
chung quanh tại Âu Mỹ rất phức tạp; tuy nhiên Tăng Ni phải khắc phục để có
được những cơ hội tu học miên mật nầy. Mỗi ngày trong 90 ngày ấy mỗi người
đều có từ 4 tiếng đến 6 tiếng đồng hồ hành trì nơi Phật điện như tụng
kinh, lễ Phật, ngồi thiền, kinh hành, niệm Phật, trì chú v.v... Ngoài ra
có nhiều vị còn dậy sớm hơn để tu riêng cho chính mình. Đó là những thời
khóa công cộng. Ngoài ra mỗi ngày còn phải học một tiếng rưỡi đồng hồ cũng
như làm việc từ 3 đến 4 tiếng nữa. Như thế cả ngày 24 tiếng đồng hồ, chư
Tăng Ni trong mùa an cư kiết hạ đã sử dụng hơn 12 tiếng cho việc tu học
rồi. Điều ấy rất đáng trân quý và mong rằng mãi cho đến các thế hệ mai sau
đều luôn luôn tiếp tục được những việc truyền thừa như thế.
Kể từ cuối năm 1995 Đại chúng
chùa Viên Giác đã bắt đầu lạy kinh Đại Bát Niết Bàn. Mỗi chữ mỗi lạy và
cho đến nay (2002) đã lạy được 500 trang sách chữ nhỏ li ti. Cứ mỗi đêm
như thế lạy chừng 300 lạy. Có đêm nhiều hơn, có đêm ít hơn, do theo nhịp
điệu của người đánh khánh nhanh hay chậm. Như vậy trung bình 500 trang
sách là 100.000 lạy. Nếu lạy hết bộ kinh nầy có lẽ cũng trên 400.000 lạy,
có nghĩa là 400.000 chữ trong kinh. Bộ kinh Pháp Hoa hơn 70.000 chữ, chúng
tôi cũng đã lạy mỗi chữ kinh mỗi lạy trong vòng hơn 5 năm và Vạn Phật kinh
cũng như Tam Thiên Phật kinh cũng thế. Kể từ năm 1984 đến nay chùa Viên
Giác tại Hannover trong 3 tháng an cư kiết hạ đều hành trì như thế. Đây là
công phu tu hành miên mật của Tăng Ni và Phật Tử vậy. Nếu không làm gì cả,
để thời gian trôi qua, rồi cũng luống công vô tích sự. Nếu cố gắng mỗi đêm
chỉ lạy 1 trang kinh và 90 đêm của một năm hay 540 đêm của 6 năm. Đúng ra
phải lạy gần 200.000 lạy mới phải; nhưng còn phải lo cho những cuối tuần
Thọ Bát Quan Trai hoặc những khóa tu khác nữa; nên chỉ còn lại quá bán của
540 ngày ấy, để thực hiện 100.000 lạy; quả là điều vi diệu vô cùng.
Có nhiều người bảo tại sao Phật
sự tại chùa Viên Giác phát triển mạnh mẽ như thế? Câu trả lời rất đơn
giản. Vì ở đây có nhiều người dụng công, nhiều người tu học, nhiều người
hành trì Phật Pháp nên chư Thiên và chư vị Bồ Tát cũng như chư Phật gia hộ
sai khiến nhắc nhở mọi người nên hướng về đó để hộ trì. Chỉ đơn giản thế
thôi. Chùa Viên Giác sẽ chẳng hưng thịnh nữa khi chư Tăng Ni chểnh mảng
việc tu học và nghiêm trì giới luật thì điều ấy xảy ra ngược lại những gì
đã thành tựu như xưa nay.
Mỗi ngày tôi có được một số
thời giờ rảnh sau lúc tụng kinh công phu khuya buổi sáng; nên tôi đã chắp
bút tạo thành những tác phẩm lâu nay. Nếu không có những mùa an cư như
thế, khó mà thực hiện được. Thời kinh Lăng Nghiêm vào mỗi buổi sáng rất
quan trọng. Do vậy kể từ khi xuất gia học đạo (1964) đến nay gần 40 năm
tôi đã chưa bỏ một buổi tụng nào, ngoại trừ những khi bịnh hoạn; nhưng
suốt gần 40 năm qua số ngày bịnh chưa ra khỏi 10 ngón tay. Nếu đi Phật sự
nơi đâu, tôi cũng cố gắng hành trì; nếu trái giờ giấc, hoặc tại tư gia
không có bàn thờ Phật thì đó là điều ngoài ý muốn. Thần chú Thủ Lăng
Nghiêm rất quan trọng; nếu mỗi người tu nào chểnh mảng ắt sẽ không chiến
thắng được chính mình khi ma chướng ập đến.
Tại chùa Viên Giác trong hiện
tại có hơn 20 Tăng Ni đang tu học và hơn 10 người làm công quả, 4 người
làm việc văn phòng: có như thế công việc mới chạy được. Tôi chịu ơn tất cả
mọi người. Vì nếu không có chúng Tăng, tôi sẽ không có nơi để gởi gắm lòng
mình mà thực hiện hạnh từ bi. Nếu không có Phật Tử công quả hộ trì, tôi sẽ
không có cơ hội để trang trải sự lợi tha ở nhiều khía cạnh. Tất cả những
ơn đức ấy đều nằm trong ơn chúng sanh và ơn xã hội. Ngay cả như tác phẩm
nầy được thành tựu là do mọi bàn tay, mọi khối óc tạo thành; trong ấy có
sự tài trợ về tài chánh của Bộ Nội Vụ Đức, đặc biệt là cơ quan truyền
thông và văn hóa đã hỗ trợ để tác phẩm thứ 34 nầy của tôi được thành tựu.
Rồi đánh máy, trang trí, sửa bài, dịch sang tiếng Đức v.v... cả là những
công việc cần phải có nhiều thời gian cũng như thiện chí. Nếu không có
những trợ duyên ấy, chắc chắn tác phẩm nầy cũng chẳng hoàn thành.
Xin chắp tay cảm tạ thâm ân của
chính phủ Đức, của nhân dân Đức, của những người Phật Tử Việt Nam tại Đức
đã hỗ trợ cho tôi, cho chùa Viên Giác và Báo Viên Giác trong suốt 25 năm
qua. Nếu không có những trợ duyên nầy, tôi kể như kẻ ra khơi không có
phương tiện.
Xin cảm tạ thâm ân đó.
Tác giả THÍCH
NHƯ ĐIỂN
---o0o---
Mục Lục |
Chương I
|
Chương II
|
Chương III |
Chương IV
Chương
V|
Chương VI |
Chương VII
|
Chương VIII
Chân thành cảm ơn Thượng Tọa Thích Như Điển đã gởi
tặng phiên bản điện tử của tập sách này
(TK. Nguyên Tạng, 05/2005)