Phật Giáo Với Con Người
Thích Như Điển
---o0o---
LỜI VÀO SÁCH
Cứ mỗi
năm Bộ Nội Vụ Cộng Hòa Liên Bang Đức lại tài trợ cho tôi viết một quyển
sách, ngoài những giúp đỡ khác cho tờ báo Viên Giác, lễ lộc cũng như
những chi phí phụ của chùa. Đây cũng là lý do và cũng là một động cơ
thúc đẩy tôi phải cố gắng nhiều hơn nữa so với sự lưu tâm của Bộ Nội Vụ.
Mới đây, ông Dammermann là một
Thượng Nghị Sĩ, từ Bonn đã đến thăm chùa sau hơn 15 năm Bộ đã giúp cho
chùa rất nhiều phương diện qua các thời kỳ tiền nhiệm của ông Dr.
Geißler, ông Dr. Lewandowski, bà thư ký Michael và lần nầy chính ông
Dammermann đã thân chinh đến chùa để thăm cơ sở và tìm hiểu sơ qua sự
sinh hoạt tại đây cũng như bàn bạc về vai trò của ngôi chùa cũng như Tôn
Giáo, nhất là Phật Giáo cho kỳ triển lãm kỹ nghệ thế giới Expo năm 2000
từ tháng 6 cho đến tháng 10 của năm nầy. Ròng rã trong 5 tháng trời ấy,
thành phố Hannover dự định đón nhận 35 triệu người từ trong nước Đức
cũng như khắp nơi trên thế giới.
Một lượng khách lớn như thế và
một chủ đề: Mensch, Natur und Technik = Con Người, Thiên Nhiên và Kỹ
Thuật đã làm cho mọi người phải quan tâm đến, mà ngôi chùa Viên Giác nằm
cách xa khu triển lãm nầy không quá 10 phút đi bộ.
Câu chuyện của 4 năm nữa phải
còn bàn bạc rất nhiều lần và dĩ nhiên Phật Giáo Việt Nam cũng sẽ đóng
góp phần tâm linh của mình vào sự phát triển của thế giới cũng như nhân
loại trong hiện đại.
Mùa An cư kiết hạ cũng là mùa
mà tôi có nhiều thì giờ nhất cho chính mình và đây cũng là cơ hội để tôi
tĩnh tâm, tu niệm cũng như viết sách. Từ:
- 6 đến 7 giờ sáng mỗi ngày là
giờ công phu khuya, thiền hành và thiền tọa.
- 7 giờ đến 8 giờ sáng là giờ
viết sách của tôi.
- 8 giờ sáng Tăng chúng dùng
điểm tâm trong chánh niệm.
- 9 đến 10 giờ tôi có thêm một
giờ nữa để viết sách.
- 11 giờ đến 12 giờ là giờ quá
đường và thiền hành, tụng kinh.
- 12 đến 2 giờ trưa là giờ chỉ
tịnh.
- 2 giờ 30 đến 4 giờ 15 là giờ
dạy học của tôi cho Tăng chúng trong mùa An cư cũng như cho các lớp Đức.
- 17 đến 18 giờ là giờ đọc
sách.
- 18 giờ 30 dùng chiều trong
chánh niệm.
Vào lúc 20 giờ tất cả mọi
người vân tập nơi Chánh điện để lạy Kinh Đại Bát Niết Bàn, mỗi chữ mỗi
lạy cho đến 21 giờ 30, sau đó là giờ của cá nhân.
Kinh Đại Bát Niết Bàn là một
trong những kinh tối thượng thừa, Đức Phật đã nói trong 8 năm sau cùng
của đời Ngài cùng với Kinh Pháp Hoa tại Linh Thứu Sơn nơi thành Vương
Xá. Trong những năm tháng trước, khi mùa An cư kiết hạ đến, tôi có cho
Tăng chúng và Phật Tử học các khóa giáo lý căn bản, kế đó là phát nguyện
tu bát quan trai một ngày một đêm vào mỗi cuối tuần trong suốt mùa Kiết
Hạ. Những năm sau đó tôi đã phát nguyện lạy kinh Ngũ Bách Danh (500
lạy), rồi Tam Thiên Phật Danh (3.000 lạy), rồi Vạn Phật (hơn 11.000
lạy); nhưng cảm thấy nội lực vẫn chưa tăng trưởng nhiều; nên tôi đã phát
nguyện lạy kinh Pháp Hoa, mỗi chữ mỗi lạy.
Năm 1990 bắt đầu lạy kinh Pháp
Hoa. Năm ấy lạy được 14.213 lạy. Năm 1991 lạy 13.767 lạy. Mặc dầu năm
nầy có tổ chức lễ Khánh Thành chùa Viên Giác; nhưng Tăng chúng cũng rất
tinh tấn trong việc tu hành. Đến năm 1992 lạy được 13.409 lạy. Năm 1993
lạy được 12.393 lạy. Năm 1994 có lẽ là năm lạy nhiều nhất, mặc dầu chỉ
lạy trong 55 lần của mùa hạ, mà đến 17.090 lạy. Như vậy trung bình mỗi
ngày lạy 310 lạy. Năm 1995 phần còn lại chỉ lạy trong 18 ngày, tổng cộng
5.130 lạy. Như vậy, nếu làm một con số thống kê ta sẽ có được 76.002.
Trong kinh Pháp Hoa phần đầu có nói là hơn 60 ngàn lời được Đức Phật
diễn thuyết; nhưng đó có lẽ là phần chữ Phạn hoặc chữ Hán, còn dịch ra
tiếng Việt đã hơn 76 ngàn chữ vậy. Đây là một công đức rất thù thắng
trong việc tu hành mà chùa Viên Giác cũng như cá nhân tôi đã thực hiện
trong thời gian qua.
Tôi vẫn thường hay nói với quý
Phật Tử rằng: tu phước cũng giống như cây đèn cầy; một ngày nào đó đốt
mãi cây đèn cầy cũng phải hết. Riêng tu đức hoặc trí huệ cũng giống như
ánh sáng của cây đèn cầy, sáng mãi không bao giờ hết. Nếu ta đem ánh
sáng ấy thắp tiếp tục cho những ngọn đèn bên cạnh, ánh sáng lại càng tỏ
rõ hơn nữa. Từ đó, chúng ta có thể hiểu, việc tu hành cả phước và huệ
đều bổ sung cho nhau, không nên để thiếu một trong hai thứ ấy.
Đa phần chúng ta hay ít xử
dụng tự lực mà chỉ muốn nương vào tha lực; nên con người, vốn đã yếu
đuối, lại càng yếu đuối hơn nữa. Vì thế, tu tập là một việc làm rất cần
thiết cho Phật Tử tại gia lẫn xuất gia.
Sau khi lạy xong kinh Pháp
Hoa, tôi lại phát nguyện lạy tiếp kinh Đại Bát Niết Bàn. Kinh nầy gồm 2
tập. Mỗi tập không dưới 500 trang và chữ nhỏ hơn kinh Pháp Hoa, nên có
lẽ phải lạy hơn 10 mùa hạ nữa mới xong. Việc tu hành không phải chỉ nhắm
vào hình tướng. Vì tất cả cái gì có tướng đều hư vọng cả. Nhưng muốn đạt
được tánh chân như, trước tiên phải nương vào tướng để hiển bày sự tu
học là vậy. Có người phá chấp không cần lễ Phật nữa; nhưng riêng tôi thì
chủ trương khác. Con người ai cũng có bịnh cả. Bịnh do nghiệp mà ra. Vả
lại ta có thân nên phải có bịnh. Mà nghiệp thì có thể chuyển được. Muốn
chuyển nghiệp thì phải tu. Chỉ có thế thôi. Mà tu thì phải đem thân lễ
bái, đem tâm sám hối và đem miệng đọc tụng lời kinh Phật. Nếu ai ai cũng
thực hiện được việc nầy thì nhơn gian nầy sẽ biến thành tịnh độ. Việc
khó nào rồi chúng ta cũng sẽ thành tựu viên mãn.
Ngày xưa Phật còn tại thế có
lẽ Ngài và chư Tăng an cư kiết đông chứ không kiết hạ. Vì mùa đông mới
có mưa, còn mùa hạ thì khô ráo. Mùa mưa chính là mùa côn trùng hay sinh
nở và không tiện cho việc đi khất thực, nên Đức Phật và chư Tăng ở lại
tịnh xá để tham thiền và trau giồi giáo pháp. Đó cũng là thể hiện lòng
từ bi đối với muôn loài vạn vật. Còn Việt Nam và Trung Quốc hay an cư
kiết hạ vào mùa hè. Có lẽ đây thuộc về trường phái Bắc Tông, giữa Phật
Đản và Vu Lan có 3 tháng chẳn; nên an cư vào 3 tháng ấy cũng hợp lý
chăng, nên chư Tăng Bắc Tông an cư vào mùa nóng. Trong khi đó Nam Tông
không có lễ Vu Lan nên không bị lệ thuộc vào 3 tháng mùa hè. Tuy nhiên
ngày nay ở Việt Nam cũng như ngoại quốc có một vài nơi an cư kiết đông;
nhưng cũng không tiện lợi mấy vì ít có người tham gia, chư Tăng phải
theo học ngoại điển, mà trường học ở ngoại quốc và Việt Nam thời gian
nghỉ hè 3 tháng nhưng nghỉ đông chỉ một tháng thôi. Do đó khó bề thực
hiện được.
Ở Âu Châu nầy, nhất là nước
Đức, mỗi năm có 4 mùa rõ rệt. Mùa Đông bắt đầu từ tháng 1 đến tháng 3.
Mùa Xuân từ tháng 4 đến tháng 6. Mùa Hạ từ tháng 6 đến tháng 9 và mùa
Thu từ tháng 10 đến tháng 12. Mỗi mùa như vậy khí hậu thay đổi rõ rệt.
Cây cối cũng theo đó mà đâm chồi nảy lộc hay tàn tạ theo khí hậu chung
quanh. Nhưng có khi thời tiết cũng đổi thay đột ngột; đang nắng bỗng
mưa, đang nóng bỗng lạnh. Có nhiều khi không có mùa xuân, mà từ đông,
thời tiết đổi sang mùa hạ. Đôi khi trong hạ có những ngày lạnh kinh hồn.
Hoặc giả đã sang đông; nhưng trời vẫn còn ấm áp. Lỗi ấy có lẽ không phải
tại thiên nhiên, mà do con người làm ô nhiễm môi sinh nên thiên nhiên
mới trừng phạt con người như thế ấy. Cách đây mấy ngàn năm về trước, con
người sống trong sơ khai, hoang dã; nhưng tâm thức rất thảnh thơi. Con
người khỏi lo chống chọi với mưa nguồn thác lũ. Bây giờ đây khoa học
tiến bộ rất nhanh, đầu óc con người cũng tiến bộ theo đó; nhưng đồng
thời sự văn minh của cơ giới và hóa học đã trở lại làm hại con người;
nên con người trong hiện tại còn khổ đau hơn bao giờ hết. Đứng từ quan
niệm của Phật Giáo, cách bảo vệ môi sinh hay nhất là mỗi người hãy tự có
trách nhiệm với chính mình trong mọi hành động và cử chỉ, thì kết quả sẽ
khác hẳn đi khi trách nhiệm ấy phải quy về cho tập thể và bắt tập thể
phải có trách nhiệm như nhân loại hiện nay đang kêu gào. Tâm bình, thế
giới bình; tâm loạn, thế giới loạn là vậy.
Trời mùa hạ năm nay (1996)
bỗng chốc mưa, bỗng chốc nắng. Khó mà lường trước được khí hậu ở chốn
nầy. Có ngày nhiệt độ lên tới 32 độ C; nhưng có hôm chỉ còn 20 độ C.
Phật Đản 2540 năm được tổ chức vào ngày 31 tháng 5 và 1 & 2 tháng 6 năm
1996 có cả hơn 5.000 người về tham dự; nhưng trời vẫn không thương tiếc
tấm lòng của những kẻ có tâm, mưa cứ rả rích rơi suốt trong 2 ngày lễ,
mặc dầu vào chiều thứ sáu trước đó, ngày 31.5 là nhiệt độ khí hậu mùa
hè, trời quang mây tạnh; nhưng đến sáng thứ bảy và chủ nhật nhìn bầu
trời không khác nào mùa đông và nhiệt độ tự nhiên xuống rất thấp. Ở đây
đi đâu, gặp ai và ở bất cứ chốn nào, câu gặp gỡ chào hỏi đầu tiên là sức
khỏe, sau đó mới nói cho nhau nghe về thời tiết. Từ đó chúng ta thấy,
thời tiết và sức khỏe của con người gắn chặt với nhau. Do vậy, việc chọn
lựa an cư kiết hạ hay kiết đông của Đức Phật và chư Tăng ngày nay trên
thế giới cũng có một tầm vóc rất quan trọng trong cuộc sống tâm linh của
mình.
Con người ai cũng muốn có sự
tự do,có nghĩa là không bị trói buộc bởi chung quanh. Cũng như thế đó,
tu là tự tập cho mình đi đến sự giải thoát toàn diện. Giải thoát có
nghĩa là cởi bỏ mọi sự ràng buộc của thế gian, ngay cả vật chất lẫn tinh
thần. Sự giải thoát ấy chỉ có đuợc, khi mình tự chọn cho mình một lối
đi. Mà giải thoát ở đây có nghĩa là giải thoát khỏi sự khổ đau, tục lụy,
chứ không phải giải thoát khỏi tội lỗi. Từ điểm nầy tôi tự chọn cho mình
một lối đi, có lợi cho chính mình và cho kẻ khác nữa. Cứ mỗi năm 3 tháng
tôi có được những thời gian riêng cho chính mình và trong thời gian nầy
tôi trở về với con người của chính mình. Cuộc chiến đấu nào cũng cam go
và cạm bẫy cả. Riêng cuộc chiến đấu với nội tâm, tự mình phải làm chủ
lấy mình là một cuộc chiến đấu rất khó khăn và đầy đủ giá trị thực tiễn
của nó.
Năm nay quyển sách nầy được
viết bằng hai thứ tiếng nhan đề là: Phật Giáo Với Con Người. Ở
đây tôi sẽ cố gắng giới thiệu đến quý độc giả xa gần Việt cũng như Đức,
từ dễ đến khó, từ lý thuyết đến thực hành và sau chương giới thiệu tổng
quát về Phật Giáo, chúng tôi sẽ phân tích cặn kẽ Phật Giáo cho con người
Á Châu, Phật Giáo cho người Việt Nam, Phật Giáo cho người Âu Mỹ và những
vấn đề trong hiện tại mà người Phật Tử cần nơi Đạo Phật cũng như Đạo
Phật thiết thực như thế nào đối với con người. Một đề tài như thế có
tính cách nghiên cứu tổng quát và chi tiết; nhưng tôi sẽ cố gắng trình
bày trong khả năng có thể của mình để mang đạo vào đời và mong rằng tác
phẩm nầy sẽ góp một phần nhỏ tri thức trong cuộc sống tâm linh của mọi
người.
Hôm nay tôi có được cơ hội nầy
để gởi đến quý độc giả xa gần những điều căn bản của Đạo Phật là do ân
đức của Tam Bảo mà có, cũng như ơn sanh thành dưỡng dục của mẹ cha, ơn
huấn dục của Thầy Tổ và ơn hộ trì của Đàn Na thí chủ. Tất cả những công
đức lành nếu có được, xin hồi hướng đến pháp giới chúng sanh, trong ấy
có những ân đức vừa kể.
Ngược lại, nếu có điều gì
khiếm khuyết, kính mong chư tôn đức và các bậc thiện hữu tri thức chỉ
bảo cho. Điều ấy rất hân hạnh cho người viết.
Ngoài ra cũng xin cảm ơn tất
cả những anh chị em công quả, cận sự giúp đỡ chùa trong tất cả các khâu
đánh máy, dịch thuật, in, ấn, sắp thành sách v.v... nên tác phẩm nầy mới
thành hình. Xin vô vàng đa tạ những tấm lòng vì đạo ấy và cũng xin mãi
mãi là những người luôn luôn hỗ trợ cho Phật Pháp được tồn tại lâu dài
trên thế gian nầy.
Xin nguyện cầu cho mọi người
được đầy đủ phước huệ để tiến tu đạo nghiệp và con đường giải thoát đang
rộng mở thênh thang để đón mời những tâm hồn biết quay về bến giác.
Viên Giác tự vào đầu hạ năm
1996
Tác giả cẩn chí:
Thích Như Điển