Trang tiếng Việt

 Trang Nhà Quảng Đức

Trang tiếng Anh

Tịnh Độ


......... .

 
 

NIỆM PHẬT VÔ TƯỚNG

(Lí Luận và Nhập Môn Pháp Môn Niệm Phật Viên Thông của Bồ Tát Đại Thế Chí)

 Nguyên tác Hoa văn của Tiêu Bình Thật cư sĩ
Cư sĩ Hạnh Cơ dịch ra Việt văn

 NIỆM PHẬT VÔ TƯỚNG (VÔ TƯỚNG NIỆM PHẬT)
Nguyên tác Hoa văn của Tiêu Bình Thật cư sĩ (Đài-loan)
Cư sĩ Hạnh Cơ dịch, giới thiệu, chú thích bổ túc,
đánh máy,và trình bày trang sách
Nữ cư sĩ Tịnh Kiên đọc và sửa chữa bản thảo

 

Chương Một.  DẪN NHẬP 

 

Pháp môn Niệm Phật Viên Thông của Bồ Tát Đại Thế Chí bắt nguồn từ chương “Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông” trong Kinh Đại Phật Đảnh Như Lai Mật Nhân Tu Chứng Liễu Nghĩa Chư Bồ Tát Vạn Hạnh Thủ Lăng Nghiêm, gọi tắt là Kinh Lăng Nghiêm. Đây là quyển kinh mà các hành giả học thiền tu định cần phải đọc. Trong kinh, 25 vị Bồ-tát đều tự trình bày phương pháp tu hành của mình, sau đó là lời bình luận của đức Bồ-tát Văn Thù Sư Lị, cho rằng, đối với chúng sinh ở thế giới này thì pháp môn Nhĩ Căn Viên Thông của Bồ-tát Quán Thế Âm là thù thắng hơn hết.

Cho đến ngày nay, cách cái thời gian của thánh nhân[11] đã xa, mà hình thái xã hội cũng dần dà thay đổi, cách thức sinh hoạt lắm sự phiền toái; muốn tìm lại nếp sinh hoạt an nhàn thanh tĩnh của xã hội nông nghiệp ngày xưa thật khó có thể được. Vì vậy, con người trong thời đại này, nếu muốn tu tập pháp môn Nhĩ Căn Viên Thông, mỗi ngày nhiều lắm cũng chỉ được một, hai giờ mà thôi. Ngoại trừ người khéo tu tĩnh quán, có thể tìm kiếm nhiều pháp môn phương tiện thiện xảo để giúp sức, nếu không thì không dễ thành công.

Theo những nhận xét về pháp môn Niệm Phật Viên Thông của Bồ-tát Đại Thế Chí trong kinh Lăng Nghiêm, thì đó là pháp môn chỉ đứng sau pháp môn Nhĩ Căn Viên Thông của Bồ-tát Quán Thế Âm. Kẻ hậu học này cho rằng, đó là pháp môn thích hợp nhất cho con người bận rộn thời nay; mà pháp môn Niệm Phật này, gần đây cũng đã được nhiều người quảng bá, rất nhiều vị đại đức trong giáo giới viết bài trình bày, hoặc phát hành băng ghi âm.

Kẻ hậu học này lấy thiền làm tông chỉ, buổi đầu dò dẫm nhiều năm mà không vào được. Bởi vì phải chấp hành nghiệp vụ quá bận rộn, mà tâm thức bị tán loạn. Tuy nhiên, mỗi ngày cũng bỏ ra chút ít thì giờ để ngồi thiền, tối đa là một tiếng đồng hồ. Hơi có chút sở đắc, nhưng cũng chỉ là công phu trong tĩnh, vừa mới rời khỏi bồ đoàn là liền thất niệm; cho nên, ở bên mé cảnh giới thiền cũng không đụng tới được, nói gì đến chuyện tham thiền! Cho đến cuối năm 1988, sau khi tu tập được pháp môn Niệm Phật Vô Tướng này, tôi mới tìm thấy được cái mà trong thiền môn gọi là “cánh cửa vô môn”. Từ tháng 5 năm 1989, tôi bắt đầu tham thiền dựa vào công phu niệm Phật viên thông này, mài miệt không nghỉ, ngủ không ngon giấc, ăn chẳng biết vị; sau 18 tháng ròng rã như thế, mới vào được cửa thiền!

Người ta gần đây tham thiền mà không đạt được hiệu quả, đa phần là vì định lực không đủ, hơn nữa là thiếu công phu trong động. Hãy xin nêu câu thoại đầu thiền làm ví dụ:

Trong sách Hư Vân Hòa Thượng Khai Thị Lục có chép: “Thế nào gọi là thoại đầu? Đầu tức là trước khi chưa nói. Như niệm câu ‘A Di Đà Phật’, thì trước khi chưa niệm, gọi là ‘thoại đầu’. Gọi là thoại đầu, đó là khoảng thời gian một niệm chưa sinh khởi. Một niệm vừa sinh khởi thì đã là ‘thoại vĩ’. Cái khoảng thời gian một niệm chưa sinh khởi ấy, thì gọi là ‘bất sinh’; không trạo cử, không hôn trầm, không đắm vào tĩnh, không rơi vào trống không, thì gọi là ‘bất diệt’. Thời thời, khắc khắc, chỉ có vậy, thật rõ ràng, một niệm bừng sáng chiếu soi trở lại cảnh giới bất sinh bất diệt ấy, gọi là ‘khán thoại đầu’ hoặc gọi là ‘chiếu cố thoại đầu’.”

Nói cách khác, cần phải có cái năng lực an trụ trong khoảng thời gian một niệm chưa sinh khởi thì mới có khả năng khán thoại đầu. Cũng có thể nói, cần phải có năng lực nhìn thấy đầu trước của câu nói mà mình đã tham cứu, mới gọi là khán thoại đầu. Nếu niệm miệng hoặc mặc niệm trong tâm, hoặc dùng tâm thức cân nhắc “Niệm Phật là ai”, đó là “khán thoại vĩ”; tại vì câu nói “Niệm Phật là ai” đã trở thành quá khứ rồi. Cho nên hòa thượng Hư Vân[12] còn nói: “Vì sao người ta trong thời hiện đại, khán thoại đầu thì nhiều mà ngộ đạo thì chẳng có mấy ai? Đó là bởi vì người thời hiện đại căn khí không bằng người xưa, lại nữa, các vị học giả đã không hiểu biết tường tận đối với cái lí lẽ tham thiền khán thoại đầu. Có người cứ hỏi Đông hỏi Tây, chạy Nam chạy Bắc, kết quả chỉ là ồn ào cho tới già, mà một câu thoại đầu cũng không minh bạch, chẳng biết thoại đầu là cái gì, thế thì làm sao mà gọi là khán thoại đầu? Một đời chỉ là chấp trước ngôn từ danh tướng, để tâm vào thoại vĩ mà thôi.”

Hành giả nếu có khả năng khán thoại đầu thì tức là có khả năng tham thiền; nếu chưa có khả năng thì hãy nhanh chóng tăng cường định lực, tu học công phu trong động, khiến cho tự mình có đầy đủ năng lực khán thoại đầu trong sinh hoạt thường ngày, rồi đến tham thiền; như thế là đạo nghiệp có thể tăng tiến nhanh chóng.

Công án và thoại đầu là hai mà một, cần có công phu “một niệm không sinh” mới đạt được. Cho nên hòa thượng Hư Vân lại nói: “Tổ sư Đạt Ma và Lục Tổ khai thị học chúng, câu nói khẩn yếu nhất là ‘Ngăn chận các duyên, một niệm không sinh’. Ngăn chận các duyên cũng tức là buông bỏ vạn duyên; cho nên hai câu ‘Vạn duyên buông bỏ, một niệm không sinh’, đích thực là điều kiện tiên quyết của người tham thiền. Nếu không thực tập được hai câu nói đó thì việc tham thiền không những là không thành công, mà còn có thể nói là việc nhập môn cũng không có khả năng.”

Ngài còn nói tiếp: “Chư vị thiền đức từ các đời Đường, Tống trở về trước, phần nhiều chỉ do một lời nửa câu liền ngộ đạo. Sự truyền thọ giữa thầy trò chỉ là dùng tâm ấn tâm, hoàn toàn không có một thật pháp[13] nào. Những cuộc tham vấn thù đáp thường ngày cũng chỉ là tùy phương tiện mở trói, theo bệnh cho thuốc mà thôi. Từ đời Tống về sau, căn khí con người hẹp hòi thấp kém, giảng rồi cũng không thực hành được, ví như nói ‘Buông bỏ tất cả, thiện ác đều không làm.’, nhưng hoàn toàn không buông bỏ được, không suy nghĩ thiện thì suy nghĩ ác. Đến giờ phút này, chư vị tổ sư bất đắc dĩ mới phải sử dụng biện pháp ‘lấy độc trị độc’, dạy cho người học tham công án.”

Ngài lại nói: “Công án của cổ nhân nhiều lắm, người sau chuyên nói là khán thoại đầu; kì thật, đó chỉ là một. Thoại (lời nói) từ tâm sinh khởi, tâm là đầu của thoại; niệm là từ tâm sinh khởi, tâm là đầu của niệm. Vạn pháp đều từ tâm sinh khởi, tâm là đầu của vạn pháp. Sự thật, thoại đầu tức là niệm đầu; đầu trước của niệm tức là tâm. Nói rõ ra, trước khi một niệm chưa sinh tức là thoại đầu.”

Do những lời khai thị của hòa thượng Hư Vân vừa nêu trên, chúng ta biết rằng, tham thoại đầu, hay tham công án, cần phải có đầy đủ cái công phu một niệm không sinh thì mới gọi được là tham thiền. Nhưng cái một niệm không sinh này là đối với chung mọi người mà nói, còn đối với người thực sự có loại công phu đó, thì nên hiểu là “một niệm nối nhau không dứt”.

Cửa thiền là cửa vô môn, chủ trương dứt tuyệt ngôn ngữ, diệt hết tâm hành[14]. Nếu trong mỗi niệm mỗi niệm mà không xa rời ngôn ngữ văn tự, cùng những suy nghĩ tính toán của tâm thức, thì làm sao có thể liễu ngộ? Cho dù có may mắn được sự chỉ dạy tận tình của bậc tôn sư chứng ngộ mà được khai ngộ, thì cũng rất ít người giữ được lâu dài, chẳng qua chỉ được mươi phút, vài giờ, hay cùng lắm là vài ngày, là đâu lại hoàn đó. Do đâu nên nỗi? Là do định lực thiếu kém, mà cũng do không có đủ cái công phu trong động.

Đối với người tu Tịnh Độ mà nói, thì cái công phu trong động cũng trọng yếu như vậy. Hiện nay, người tu pháp môn Tịnh Độ rất nhiều. Bất luận là trì chú, trì danh, hay tu mười sáu phép quán[15], nếu thiếu công phu trong động thì sẽ không thành tựu dễ dàng.

Một hôm tình cờ gặp một vị Bồ-tát[16] tu pháp môn niệm Phật trì danh đã mười mấy năm, khi vị ấy hỏi: “Ông có chắc chắn được vãng sinh về tịnh độ Cực-lạc hay không?” thì mặt tôi xìu xuống, không dám trả lời, tợ hồ mọi người đều có hi vọng, nhưng tất cả đều không nắm chắc. Số người chắc chắn có lòng tự tin, thử hỏi được bao nhiêu? Trong kinh có ghi rõ: “Khi tôi thành Phật, chúng sinh trong mười phương nghe được danh hiệu của tôi, dốc lòng tin vui, có được căn lành một lòng hồi hướng, phát nguyện vãng sinh về nước tôi, nếu cho đến mười niệm mà không được vãng sinh thì tôi không ở ngôi Chánh-giác – ngoại trừ những người phạm tội ngũ nghịch, phỉ báng chánh pháp.” Kinh lại nói: “Nếu một ngày, hai ngày, ...... cho đến bảy ngày, thọ trì thánh hiệu A Di Đà Phật, một lòng không tán loạn, thì khi lâm chung tâm không bị điên đảo, liền được vãng sinh về tịnh độ Cực-lạc của đức Phật A Di Đà.” Tôi tự xét lại khi mình niệm Phật, có thể chỉ trong mười niệm mà đạt đến chỗ dốc lòng tin vui, có được căn lành một lòng hồi hướng, phát nguyện vãng sinh, hoặc tu tập được công phu nhất tâm bất loạn chăng? Lúc bình thường còn không thể được, huống chi là lúc lâm chung – là lúc bao đau khổ dồn dập bức bách! Do đó mà lòng tôi ngập ngừng lo nghĩ, không muốn sống nữa!

Người niệm Phật như thế, mà người trì chú, tu quán cũng như thế, cái nguyên do căn bản là thiếu định lực. Ba tạng mười hai bộ[17], tất cả những lời Phật dạy là Kinh, chủ yếu là dạy người tu định (Luật là các giới điều Phật chế; Luận là các vị Bồ-tát nói về tuệ). Những việc như thọ trì, đọc tụng, biên chép, giảng thuyết, không việc nào là không dạy người tu định. Thế mới biết, định lực rất là trọng yếu. Người có đầy đủ định lực, muốn nhiếp phục sáu căn, liên tục tịnh niệm, hoàn toàn không phải là việc khó, thì sợ gì không được vãng sinh! Nhưng hai loại công phu trong động và công phu trong tĩnh này phải tu như thế nào? Theo kinh nghiệm của kẻ hậu học này, pháp môn Niệm Phật Viên Thông của Bồ-tát Đại Thế Chí là phương pháp tốt nhất.

Ngoài ra, niệm Phật phải từ hữu tướng mà đến vô tướng, do quyền nghi mà vào thật tướng[18]. Cho nên người niệm Phật cần nên biết rằng, niệm Phật có ba loại:

1. Niệm hóa thân[19] Phật: tức niệm Phật trì danh được ghi trong kinh Phật Thuyết A Di Đà. Nếu thành tựu được pháp trì danh niệm Phật tam muội[20], sẽ có cảm ứng được thấy hóa thân của đức Phật A Di Đà.

2. Niệm báo thân[21] Phật: tức pháp tu 16 phép quán tưởng được ghi trong kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật. Nếu thành tựu được pháp quán tưởng niệm Phật tam muội, liền được thấy báo thân với tướng tốt trang nghiêm của đức Phật A Di Đà.

3. Niệm pháp thân[22] Phật: tức phép “nhớ Phật niệm Phật”, là pháp môn niệm Phật vô tướng được nói tới trong chương “Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông”. Nếu do “nhớ Phật niệm Phật, không nhờ phương tiện mà tâm tự sáng” mà tu tập thành công pháp môn niệm Phật vô tướng, chỉ phát tâm chí thành, tâm tin sâu sắc, tâm phát nguyện hồi hướng, chắc chắn được sinh về cõi Thật-báo trang-nghiêm độ, ở bậc Thượng-phẩm thượng-sinh. Nếu người chưa thấy tánh, chỉ mới hiểu được nghĩa lí kinh điển đại thừa, mà đối với đệ nhất nghĩa[23] tâm không kinh động, hồi hướng vãng sinh, sẽ được sinh về cõi Thật-báo trang-nghiêm độ, ở bậc Thượng-phẩm trung-sinh. Người tuy chưa thấy tánh, cũng không hiểu giáo pháp đệ nhất nghĩa, chỉ không hủy báng đại thừa, tin sâu nhân quả, phát đạo tâm vô thượng, cũng có thể được sinh về cõi Thật-báo trang-nghiêm độ, ở bậc Thượng-phẩm hạ- sinh. (Xin xem chú thích số 1 của tác giả ở cuối sách.)

Nhưng thời gian tu hành của người Thượng- phẩm hạ-sinh ở thế giới Cực-lạc vô cùng lâu dài, mà cảnh giới cư trú cũng rất xa xôi đối với cảnh giới của người Thượng-phẩm thượng-sinh và Thượng-phẩm trung-sinh, xin chư vị hành giả hãy tự suy xét.

Cho nên người niệm Phật cầu vãng sinh về thế giới Cực-lạc ở phương Tây, nếu không có được pháp môn thù thắng nào, thì nên chân thành niệm Phật trì danh. Nếu may mắn được nghe một phương pháp nào tốt hơn phương pháp niệm Phật trì danh, thì nên cầu phương pháp thù thắng để được Thượng-phẩm thượng-sinh; đừng lấy Thượng-phẩm hạ-sinh hoặc Trung, Hạ-phẩm vãng sinh mà cho là đủ. Tâm rộng lớn thì cái thấy cũng rộng lớn. Điều gọi là “niệm lớn thấy được Phật lớn”, hoàn toàn không phải là niệm Phật to tiếng vậy.

Lại nữa, niệm pháp thân Phật, không phải chỉ có một phương pháp niệm Phật viên thông của Bồ-tát Đại Thế Chí. Còn có nhiều phương pháp cũng thuộc về niệm pháp thân Phật, đều là pháp môn niệm Phật vô tướng. Vì khuôn khổ hạn hẹp của cuốn sách này, chỉ xin trích từ Kinh Tạng Phật giáo, ghi ra đây một đoạn kinh văn ngắn (Tạng Đại Chánh, “Kinh Tập Bộ”, quyển 2) làm ví dụ, để có thể thấy được phần nào:

“Này Xá Lị Phất! Thế nào gọi là niệm Phật? Thấy không có cái gì có, gọi là niệm Phật. Xá Lị Phất! Chư Phật vô lượng, không thể nghĩ bàn, không thể tính toán, do ý nghĩa đó, thấy không có cái gì có, gọi là niệm Phật, gọi một cách chân thật là không phân biệt. Chư Phật không có phân biệt, cho nên nói ‘niệm không phân biệt tức là niệm Phật’.

“Lại nữa, thấy thật tướng của các pháp, gọi là thấy Phật. Cái gì là thật tướng các pháp? Đó là các pháp đều không, rốt ráo không có cái gì có. Đem cái pháp rốt ráo không, không có cái gì có đó mà niệm Phật; ở trong cái pháp như thế thì một niệm mảy may cũng không thể nắm bắt, cho nên gọi là niệm Phật.

“Xá Lị Phất! Không thể lấy sắc mà niệm Phật, vì sao? Tham sắc thì giữ lấy tướng, tham vị là thức. Không hình không sắc, không duyên không tánh, gọi là niệm Phật. Vì vậy phải biết: không có phân biệt, không giữ không bỏ, đó là chân thật niệm Phật.

“Niệm Phật là phá bỏ tất cả giác quán[24] về thiện và bất thiện, không giác không quán, vắng lặng không tư tưởng, gọi là niệm Phật. Vì sao? Không nên dùng giác quán để nhớ nghĩ chư Phật. Không giác không quán gọi là thanh tịnh niệm Phật.

“Khi ông niệm Phật, đừng giữ một tư tưởng mảy may nào, đừng có hí luận, đừng khởi niệm phân biệt. Vì sao? Vì các pháp đều không, không có thể tánh, không thể niệm một tướng. Cái gọi là vô tướng, là chân thật niệm Phật.”

Những điều trích lục trên đều là cảnh giới niệm Phật thật tướng. Nếu người Phật tử tỏ ngộ tâm tánh, thấy Phật không có thân căn tướng mạo, không có một tướng nào có thể nắm bắt, mà tùy thuận chúng sinh trì danh niệm Phật, thì có thể nói câu: “Một câu niệm Phật bao hàm tất cả sự lí.” Nếu chưa thấy tánh mà cứ luôn luôn nói câu “Một câu niệm Phật bao hàm tất cả sự lí”, thì đó là vọng ngữ. Vì sao? Vì sự và lí của việc niệm Phật, cả hai đều chưa hiểu biết rõ ràng. Pháp môn niệm Phật vô tướng được đề cập trong sách này chỉ là dùng pháp quyền nghi thiện xảo để giúp hành giả đi từ hữu tướng mà đến vô tướng; đến như một số hành giả có căn lành, trí tuệ, lại gặp được nhân duyên, mà một buổi sớm mai nào đó chứng nhập được cảnh giới niệm Phật thật tướng; sự kiện đó cũng có thể xảy ra lắm!

---o0o---


Mục Lục >> 1 >> 2 >>  3 >> 4 >> 5

 

---o0o---

Cập nhật: 10-2006

 


Webmaster:quangduc@quangduc.com

Trở về trang Mục lục

Đầu trang

 

Biên tập nội dung: Tỳ Kheo Thích Nguyên Tạng
Xin gởi bài mới và ý kiến đóng góp cho Trang Nhà qua địa chỉ: quangduc@quangduc.com
Địa chỉ gởi thư: Tu Viện Quảng Đức, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic. 3060. Tel: 61. 03. 9357 3544