"Cáo Tật Thị Chúng" Và Ẩn
Ngữ Của Nền Văn Hóa Phương Đông
(Từ thực tại biểu kiến đến thực
tại tiềm ẩn)
Nguyễn Chí Trung
Trong mối tương quan giữa văn học và văn hóa,
văn học thường được xem là một bộ phận có giá trị đặc thù
trong tổng thể chung của văn hóa một dân tộc. Văn học không bao
giờ có thể tách rời ra khỏi cái môi trường văn hóa mà trong
đó nó được nuôi dưỡng, tồn tại và phát triển. Tất nhiên
không phải bất cứ một tác phẩm văn học cụ thể nào cũng đều
có khả năng phản ánh những nét đặc trưng cơ bản nhất của một
nền văn hóa, nhưng cũng không phải không có những tác phẩm văn
học, dù rất hạn chế trong hình thức biểu hiện, lại có khả năng
chuyên chở được cả một nội dung văn hóa hết sức rộng lớn,
có thể đại diện cho cả một khuynh hướng tư tưởng. Một giọt
sương long lanh trên cành hoa chỉ là một giọt sương bé nhỏ nhưng lại
có khả năng phản chiếu cả một bầu trời rộng lớn lấp lánh
muôn vàn các vì sao ...
Trong kho tàng văn học Lý-Trần hết sức quí báu
của dân tộc, bài kệ "Cáo tật thị chúng" của Mãn
Giác Thiền sư chính là giọt sương ấy, một giọt sương long lanh đầy
chất thơ, chất thiền mà mãi cho đến tận ngày nay vẫn còn ánh lên
những nét đẹp của tư tưởng và ngôn từ ... (1)
Từ thực tại biểu kiến ...
Bài kệ bắt đầu bằng một hình ảnh thông
thường của mùa Xuân mà bất cứ ai cũng đều có thể cảm nhận
bằng đôi mắt trần của mình:
Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
"Xuân đi trăm hoa rụng, Xuân đến trăm hoa
nở " đó chính là một thực tại tự nhiên của trời đất,
một thứ "chân lý hiển nhiên" của vũ trụ vạn vật. Tất
cả đều vận hành theo cùng một qui luật muôn thuở như thế: hết
đêm đến ngày, hết mùa Đông đến mùa Xuân, trăng khuyết lại
tròn ... là một sãn phẩm của tự nhiên, cho dù có được tôn
xưng là "chúa tể của muôn loài", con người cũng phải chịu
sự chi phối của qui luật này. Và bằng chứng sinh động nhất cho
điều này chính là xác thân của tác giả đang sắp chuyển hóa qua
bên kia thế giới sau một thời gian dài sinh sinh biến biến.
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tòng đầu thượng lai
(Trước mắt việc đi mãi
Trên đầu già đến rồi)
Mọi sự đều là vô thường, tất cả đều là
biến dịch (2), như Khổng Tử, khi đứng trên bờ sông, đã từng
thốt lên cách đây hơn hai nghìn năm: "Thệ giả như tư phù,
bất xả trú dạ" (Cứ chảy mãi như thế này ư, ngày đêm
không ngừng -- Luận ngữ). Chỉ với bốn câu thơ ngắn ngủi và tám
động từ được dùng ở thế đối lập (khứ/đáo, lạc/kha) và
liên tục (trục/quá, tòng/lai), cả một bức tranh thời gian rộng
lớn đã được vẽ lại chỉ trong một vài nét chấm phá đầy sinh
động, gợi hình. Đây cũng là một đặc trưng quan trọng của nền
mỹ học phương Đông thường chú trọng đến tính biểu trưng và hàm
súc của sự vật. Sự vận động của bốn câu thơ đầu cũng chính
là sự vận động của thời gian và không gian, và đó chính là
thực tại biểu kiến, đối tượng nhận thức của tư duy nhị nguyên
(dualiste). Với tư duy nhị nguyên này, thực tại thường được nhận
thức thông qua các cặp phạm trù đối lập: trắng là trắng, đen là
đen ...
... Đến thực tại tiềm ẩn:
Nếu bài thơ "Cáo tật thị chúng" chỉ nói
lên một sự thật biểu kiến có tính chất hiển nhiên như vậy thì
có lẽ giá trị của nó cũng không lớn lắm. Đỉnh cao giá trị của
bài thơ nằm ở hai câu thất ngôn cuối:
Mạc vị Xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai
(Chớ bảo Xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một cành mai)
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai
(Chớ bảo Xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một cành mai)
Sự xuất hiện bốn câu đầu được diễn tả
bằng ngôn ngữ khách quan chính là để chuẩn bị cho hai câu cuối
cùng mở ra một chân trời tư tưởng rộng lớn, bát ngát! Ở
đây, hai từ "mạc vị" (chớ bảo) đóng vai trò của chiếc
bản lề tạo ra một sự chuyển hóa tuy có vẻ đột ngột nhưng lại
phù hợp với tâm thức của người đã "nhập đạo". Vâng,
một khi thấy mùa Xuân đã tàn thì người đời rất dễ ngậm ngùi
than rằng hoa sẽ rụng hết, và một khi sinh lực của con người đã
cạn thì chắc chắn cái chết sẽ xảy ra và chấm dứt tất cả. Nhưng
Sư đã đột ngột chỉ cho chúng ta thấy một cành mai đang rung rinh nở
trong sương sớm ... và nếu chúng ta hiểu được Sư thì chúng ta sẽ
không còn nhìn thực tại với đôi mắt nhị nguyên như trước nữa.
Sư không nói nhiều lời. Sư chỉ cho chúng ta thấy một cành mai đang
nở ngoài sân, và nếu chúng ta hiểu được, chúng ta sẽ mỉm cười
như ngày xưa Ma Ha Ca Diếp đã mỉm cười khi Phật không nói mà chỉ
đưa một cành hoa lên trước một cử tọa bao gồm 1250 vị Tỳ kheo. (3)
Với hai câu cuối này, dường như chúng ta đang
trải qua kinh nghiệm bất nhị của Phật giáo và nhìn thấy thực tại
như là một sự toàn vẹn không gián đoạn trong dòng biến dịch sinh
sinh hóa hóa không ngừng. Vì tâm của Sư đã nhập đạo rồi nên
những gì được Sư thấy bằng trực giác nguyên sơ và toàn vẹn
của mình chính là dòng biến dịch ấy, cái toàn thể liên tục không
gián đoạn ấy. Nói theo ngôn ngữ ngày nay, thế giới mà Sư đã
trực giác được trong giây phút lâm chung chính là thế giới
"phi phạm trù" là một thực tại tiềm ẩn chi phối và làm
nền tảng cho tất cả sự vận động của các thực tại hữu hình
khác. Và những gì mà trong vô minh chúng ta gọi là "sống"
và cũng trong vô minh chúng ta gọi là "chết" chỉ là những
khoảnh khắc, những phương tiện khác nhau của cùng một thực tại
toàn vẹn ấy. Ở đây, không thể vạch ra một đường ranh giới
thật rạch ròi, dứt khoát giữa cái sống và cái chết. Cái chết,
xét theo con mắt của nhà Đạo, không phải là một sự chấm dứt
vĩnh viễn cuộc sống như nhiều người lầm tưởng, mà cái chết
chính là một phần của cuộc sống, một Cuộc-Sống-Miên-Viễn trường
tồn và bất diệt. Với một quan niệm như thế về Sống Chết, sự ra
đi của nhà-thơ-thiền-sư thật nhẹ nhàng biết bao, thanh thản biết bao!
Nhẹ nhàng và thanh thản như một cành mai vô tư nở trước sân.
Cái "năng lực hỷ lạc" này chỉ có thể tìm thấy ở những
người thấu hiểu được thực chất, tự tánh và bản chất tâm
linh của cái chết. Tiếc thay, một tri kiến đơn giản mà thiêng liêng
như thế ngày nay không còn được hiểu một cách đúng đắn hoặc
chỉ được hiểu theo một ý nghĩa khác, tuy không phải là sai nhưng
chỉ mới dừng lại ở bề mặt của thực tại, hiện tượng chứ
không đạt tới cái nền tảng sâu thẳm nhất của nó.
Có một điều mà ít ai để ý nhưng lại quan
trọng đối với tư tưởng của bài thơ. Đó là sự "giấu
mặt" của động từ trong câu thơ cuối cùng. "Đình tiền
tạc dạ nhất chi mai" (So sánh với sự xuất hiện hàng loạt
các động từ trong các câu thơ trên), hay nói cách khác, trong câu
cuối này tác giả không sử dụng động từ hoặc chúng ta có thể
hiểu ngầm động từ ở đây là một thứ động từ "ẩn"
chi phối ngầm tiến trình vận động của sự vật. Phải chăng giải
mã được "ẩn ngữ" này thì chúng ta mới có khả năng
tiếp cận được những gì là tinh hoa nhất trong truyền thống văn
hóa tư tưởng của phương Đông? Tất nhiên hoàn toàn dễ dàng (và
cũng hợp lý) giải thích sự vắng mặt của động từ ở đây
bằng chính cấu trúc của câu thơ thất ngôn không cho phép dùng thêm
một từ nào khác ngoài bảy chữ đã được qui định. Nhưng, với
một phương pháp tiếp cận có tính chất biểu trưng và xuất phát
từ chính nội dung tư tưởng của bài thơ, có thể xem cái "nốt
lặng" của bài thơ này cũng là một biểu đạt tế nhị nội dung
thâm trầm và siêu thoát của bài thơ. Cách biểu đạt đó cũng mang
đậm màu sắc của mỹ học phương Đông, một nền mỹ học chủ
trương "thư bất tận ngôn, ngôn bất tận ý" và ý không chỉ
nằm trong lời mà còn nằm ở ngoài lời, ở bên kia các phương
tiện và hình thức biểu đạt.
Chỉ với một câu thơ ngắn ngủi gồm 7 chữ, cả
không gian (đình tiền), thời gian (lạc dạ) va sự vật (nhất chi mai)
dường như cùng thống nhất lại thành một trong tâm thức liễu đạo
của nhà thơ, một sự thống nhất chỉ có thể tìm thấy trong thế
giới của thực tại tiềm ẩn. Ở đây, tư duy luận phân tích phải
nhường chỗ cho tư duy trực giác tổng hợp, và với hình thái tư
duy đầy những cảm xúc nguyên sơ này, một thực tại vốn đã
từng bị chia cắt, phân ly thành nhiều mảnh vụn sẽ được khôi
phục lại trong tính toàn vẹn và chân như của nó. Cái đẹp của
bài thơ là cái đẹp của sự thống nhất ba phạm trù Chân, Thiện
và Mỹ trong cùng một Thực Tại Tối Cao.
Rung rinh một cành mai (thay lời kết)
"Cáo Tật Thị Chúng" của Mã Giác Thiền
sư thực là một tuyên ngôn triết học mang đầy tính chất đặc trưng
của nền văn hóa của phương Đông nói chung và văn hóa Việt Nam
nói riêng, đặc biệt là văn hóa thời Lý-Trần. Nhưng đây không
phải là một thứ tuyên ngôn triết học được xây dựng bằng
những hệ thống khái niệm trừu tượng, con đẻ của tinh thần phân
tích lý trí như thường thấy trong các hệ thống triết học của
phương Tây. Trái lại, đây là một văn bản triết học được sáng
tạo bằng trực giác thẩm mỹ qua những hình tượng và ngôn ngữ
nghệ thuật đầy chất thơ, chất thiền. Cái đẹp của bài kệ cũng
là cái đẹp của sự thống nhất ba phạm trù Chân, Thiện, Mỹ trong
cùng một Thực Tại Tối Cao, cũng như của sự cảm thông, hòa hợp
giữa khách thể với chủ thể ...
Đẹp thay, một cành mai của sự giải thoát và
thực chứng. Và mãi cho đến tận ngày nay, khi sự tôn sùng lý trí
khoa học được đẩy lên đến tột đỉnh, cành mai Mãn Giác ấy vẫn
rung rinh bừng nở trước sân như một biểu tượng bất diệt của
cái đẹp Uyên Nguyên toát ra từ sự thực chứng sâu sắc về bản
chất của thế giới thực tại. Và đó cũng là một trong những
cành mai đẹp nhất của khu vườn văn học phương Đông.
Mai ở trong tâm hồn tôi hay ở ngoài trời?
Tất cả chỉ là Một.
oOo
Chú thích:
1. Về mặt phương pháp, không thể lấy những
khái niệm, phạm trù của nhận thức luận phương Tây làm tiêu
chuẩn duy nhất để tiếp cận, nhận thức và đánh giá văn học
phương Đông, đặc biệt đối với bộ phận văn học tâm linh chiếm
một vị trí rất quan trọng trong nền văn học cổ của Ấn Độ, Nhật
Bản, Trung Quốc và Việt Nam. Sự đặc thù trong thi pháp cũng như trong
nội dung tư tưởng của văn học phương Đông đòi hỏi phải có
cách nghiên cứu và nhận thức riêng, phù hợp với những đặc
trưng đó.
2. Kinh dịch: "Sinh sinh chi vị dịch", "Lý
sương kiến băng chi" ...
3. Không nên hiểu một cách đơn giản cái
"thấy" ở đây như một hoạt động của thị giác. Điều quan
trọng là phải thấy bằng chính cái Tâm của mình, đó chính là cái
thấy "trực chỉ chân tâm, kiến tánh thành Phật".
4. Để hiểu thế nào là "thực tại tiềm
ẩn", có thể tham khảo thêm ý kiến của David Bohm, một trong
những nhà vật lý có uy tín nhất hiện nay. Theo David Bohm, vũ trụ
được biểu hiện qua ba phương diện liên kết với nhau: vật chất,
năng lượng và ý nghĩa; và mỗi một phương diện này đều hàm
chứa hai phương diện kia. Cái trật tự năng động, nhiều chiều mà
Bohm thấy đang vận hành trong vũ trụ cốt yếu gồm ba khía cạnh: khía
cạnh thứ nhất là thế giới vật thể thời - không với không gian
ba chiều mà ông gọi là trật tự mở (hay trật tự rõ rệt). Khía
cạnh thứ hai là trật tự hàm ẩn hay kín, là "một nền tảng
ngoài thời gian" có khả năng bao quát tất cả kinh nghiệm của
chúng ta. Tương quan giữa hai loại trật tự này là một tiến trình
liên tục trong đó cái gì mở ra trong trật tự rõ rệt lại được
khép vào trong trật tự hàm ẩn. Và cái nguồn gốc tổ chức nên
tiến trình này thành ra những cơ cấu thiên hình vạn trạng chính là
trật tự siêu ẩn, một chiều không gian tinh vi hơn và có tiềm năng
vô hạn ... (Xem: "Tạng Thư Sống Chết" của Sogyal Rinpoche, Ni sư
Trí Hải dịch, 1995). Mặc dù lý thuyết của David Bohm vẫn còn đang
được tranh luận nhưng nó đã tạo được nhiều sự ủng hộ của
các nhà nghiên cứu thuộc các lãnh vực khác nhau: vật lý, toán
học, tâm lý học, sinh vật học và cả trong lãnh vực triết học
nghệ thuật.
(NSGN, 12-96)
---o0o---
| Mục lục Tác giaû |
Cập nhật ngày: 01-01-2002