Tiếng Việt

Trang nhà Quảng Đức

Tiếng Anh

qd.jpg (8936 bytes)

Thơ Ca Phật Giáo


...... ... .

 

NHỮNG NGƯỜI THÀNH TÂM

Gao Xingjian
Nhị Tường dịch


"Những người thành tâm" được trích dịch từ tác phẩm " Linh San ( Soul mountain) của nhà văn Gao Xingjian.

Gao Xingjian (Cao Hành Kiện) sinh ngày 4- 1- 1940 tại Giang Châu, Giang Tây, Trung Quốc, giữa thời kỳ cả đất nước Trung Quốc đang vùng lên chiến đấu chống lại sự chiếm đóng của quân phiệt Nhật Bản. Ông học Đại học Khoa học ngoại ngữ Bắc Kinh khoa tiếng Pháp từ năm 1957, đến năm 1962 ra trường làm việc 5 năm ở tạp chí Trung Hoa Tái Thiết với tư cách là cán bộ dịch thuật Pháp ngữ. Từ năm 1967 ông trở thành phiên dịch viên tại Hội Nhà Văn Trung Quốc. Năm 1981 chuyển qua làm việc cho Đoàn Nghệ thuật nhân dân với tư cách là người sáng tác kịch bản.

Năm 1982 nghệ sĩ, nhà viết kịch, tiểu thuyết gia họ Cao này được chẩn đoán bị ung thư phổi_ cũng chính căn bệnh này đã giết chết thân phụ ông. Trong vòng 6 tuần sống trong trạng thái chờ đợi tử thần, ông tự điều trị cho chính mình bằng những dưỡng chất tinh túy nhất có thể có và đọc sách qua ngày trong một nghĩa địa xưa ở ngoại ô Bắc Kinh. Thế nhưng một cuộc khám nghiệm tiếp đó cho thấy không phải là bệnh ung thư_ ông được mệnh danh là người được "tử thần ân xá" và ném trở lại trần gian.

Đối mặt với sự áp bức của chính sách văn hóa và sự đe dọa phải bị học tập cải tạo, ông đã đào thoát khỏi Bắc Kinh. Trước tiên ông du hành đến những cánh rừng cổ xưa của trung tâm lục địa Trung Quốc rồi từ đó đi đến miền biển phía đông xuyên qua 8 quận và 7 khu bảo tồn tự nhiên, một cuộc hành trình 15 ngàn kilomet suốt hơn 5 tháng trời. Kết quả của viễn du tìm kiếm mang đậm tính sử thi này là thiên anh hùng ca Linh San (Soul Mountain).

Ngày 12- 10- 2000, nhà viết kịch, tiểu thuyết gia Trung Quốc Cao Hành Kiện đã trở thành chủ nhân của giải Nobel Văn Học năm 2000. Và cũng là nhà văn Trung Quốc đầu tiên đoạt giải thưởng vinh quang này.

Linh San (Soul Mountain) là một cuốn tiểu thuyết tao nhã, có khí cốt và đầy ấn tượng nói về cuộc phiêu lưu hải hồ của một con người_ Linh san giống như cuốn nhật ký của một cuộc hành trình vừa như triết luận; có lúc giống như câu chuyện tình, có khi mang tính ngụ ngôn. Vô vàn những câu chuyện đặc sắc đan xen nhau, những nhân vật đáng nhớ_ từ những bậc đạo sư đến những cao tăng, những ni sư đến những con người hoang đường huyền thoại; những con rắn Qichun chết chóc đến những chiếc xe buýt mạt hạng. Những ước lệ xã hội bị thách thức, những định kiến bị ngăn trở và thân phận con người với tất cả những ưu việt cùng nhược điểm, đều được phơi bày.

Nhà phê bình Nicholas Jose đã viết về Linh San: …Một phiêu lưu ký không giống như bất cứ một cuốn sách nào khác, một tác phẩm quái kiệt đã đưa ta đắm sâu vào trái tim Trung Hoa phóng túng mà không một tác phẩm đương đại nào làm được. (An odyssey like no other, a magnificent monster of a book that takes us deep into China's unruly heart as no other work of contemporary literature)

 

----o0o---

NHỮNG NGƯỜI THÀNH TÂM
(tựa đề do người dịch đặt)

 (Trích dịch chương 47 trong tiểu thuyết Linh San của Cao Hành Kiện)
(Dịch từ bản tiếng Anh: Soul Mountain  của Mabel Lee)

     Bước dọc theo lối mòn một bên sườn núi có bóng râm, trước mặt và sau lưng tôi đều không một bóng người. Tôi bị mắc một trận mưa như trút. Mới đầu mưa bay nhẹ nhàng trên mặt khiến tôi cảm thấy sảng khoái, thế rồi cơn mưa mỗi lúc càng nặng hạt làm cho tôi phải chạy. Tóc tai áo quần đều ướt sũng, khi nhìn thấy một cái hang bên sười núi, tôi chạy vội vàng đến đó. Ngay bên trong là một đống củi đã chẻ. Trần hang rất cao, một góc của hang núi này dẫn sâu hơn vào bên trong. Ánh sáng tỏa đến từ đâu đó. Một bếp sưởi làm bằng đá có đặt một cái ấm thiếc ở bên trên những bậc đá gồ ghề và luồng ánh sáng theo những ngóc ngách trên bếp lò thoát ra xuyên qua khe nứt của đá.

Tôi nhìn quanh. Phía sau tôi là một cái giường gỗ đóng đinh thô sơ với chăn chiếu cuộn tròn. Một Đạo sinh đang ngồi đọc sách ở đó. Tôi thật ngạc nhiên, nhưng không dám quấy rầy anh mà chỉ nhìn hàng mưa giăng xám trắng lung linh qua khe nứt. Trời mưa tầm tã đến nỗi tôi không dám liều lĩnh quay trở ra.

"Không sao, khách quan cứ ở lại đây trong chốc lát". Đó là lời nói đầu tiên của anh khi anh bỏ quyển sách xuống.

Anh có mái tóc dài đến vai, mặc bộ áo chùng màu xám. Anh trông vào khoảng ba mươi tuổi.

"Tiên sinh có phải là một trong những Đạo gia ở núi này không?". Tôi hỏi.

"Chưa phải đâu. Tôi chỉ chẻ củi công quả cho chùa thôi". Anh trả lời.

Trên giường của anh, một tờ Nguyệt san Tiểu thuyết nằm úp mặt.

"Tiên sinh thích đọc loại này sao?". Tôi hỏi.

"Tôi đọc cho qua thời gian " Anh nói một cách bộc trực. "Anh ướt hết rồi, trước tiên phải hong người cho khô đi đã". Nói rồi anh mang đến một chậu nước nóng lấy từ trong chiếc ấm trên bếp và một khăn lau.

Tôi cảm ơn anh, cởi áo rửa ráy và lập tức cảm thấy dễ chịu hơn.

"Đây quả thật là một nơi trú ẩn lý tưởng!" Tôi nói khi ngồi xuống trên một súc gỗ đối diện. "Tiên sinh sống trong hang này à?"

Anh nói anh đã sống ở một ngôi làng dưới chân núi, nhưng anh ghét đa số họ, anh trai và chị dâu, những người láng giềng và những cán bộ trong làng.

"Tất cả bọn họ đều coi tiền là trên hết và lúc nào cũng chỉ nghĩ đến lợi nhuận" Anh nói, "Tôi không có việc gì để làm với họ cả"

"Vì vậy tiên sinh chẻ củi để kiếm sống?"

"Tôi thoát trần cách đây một năm rồi, nhưng vẫn chưa được chính thức chấp nhận "

"Tại sao vậy?"

"Đại lão hòa thượng muốn xem tôi có thành tâm không, lòng tôi có kiên tín hay không"

"Khi đó họ sẽ chấp nhận tiên sinh?"

"Vâng"

Điều này chứng tỏ anh tin tưởng một cách chắc chắn rằng anh luôn thành tâm.

"Tiên sinh không cảm thấy chán khi sống trong cái hang này suốt sao?" Tôi nói và liếc vào tờ tạp chí.

"Ở đây bình yên và thư thái hơn ở dưới làng", anh trả lời một cách điềm đạm, không để ý rằng tôi đang trêu chọc anh ta. "Vả lại tôi cũng tu tập hàng ngày", anh nói thêm.

"Tiên sinh có thể cho tôi biết đang nghiên cứu gì không?

Anh ta kéo từ dưới chiếu ra một tập sách Nhật Đạo học trình.

"Tôi đang đọc một vài tiểu thuyết bởi vì những ngày mưa như thế này tôi không thể nào làm việc"

"Những thứ này có ảnh hưởng đến việc tu tập của Tiên sinh không?" Tôi thật tò mò muốn biết.

"A, tất cả những thứ này chỉ là những chuyện nam nữ thường tình thôi mà" anh trả lời với một nụ cười thoải mái. Anh kể rằng anh đã đến trường trung học và học văn chương, và khi không có gì để làm, anh đọc một ít. "Trong thực tế, đời sống con người chung qui là những thứ này thôi mà".

Tôi không thể tiếp tục hỏi xem anh đã từng có vợ hay chưa và cũng không thể hỏi anh về những mối bận tâm riêng của một người đã ly trần thoát tục. Cơn mưa như trút vẫn đều đều nhưng có phần dịu đi.

Tôi không quấy rầy anh thêm nữa. Tôi ngồi với anh một thời gian dài trong trầm tư mặc tưởng, và lãng quên trong tiếng mưa.

Tôi không nhận ra cơn mưa đã dứt. Nhưng khi nhận ra, tôi chợt tỉnh, cảm ơn anh và nói lời từ tạ.

Anh nói. "Không cần phải cảm ơn tôi, đó là cơ duyên"

Nơi đây là núi Thanh Thành .

Sau này, tại một ngôi cổ thạch tự trên hòn đảo giữa sông Ou, tôi gặp được một vị sư đầu cạo nhẵn, mặc một chiếc áo cà sa màu đỏ thẫm. Vị sư chắp tay và quỳ mọp người xuống trước ngôi chùa. Khách thập phương vây quanh nhìn. Vị sư khoan thai hoàn thành nghi lễ của mình, đoạn cởi áo cà sa bỏ vào trong một cái hộp giả da màu đen, nhặt chiếc dù có khắc chạm ở tay cầm, gấp lại như một chiếc gậy rồi quay gót đi. Tôi đi theo ông, đến khi cách xa đám khách thập phương đang nhìn ông cầu nguyện, tôi vượt lên và hỏi: "Thưa đại sư, con có thể mời ngài một chén trà không ạ? Con muốn được thỉnh giáo đôi điều về giáo lý nhà Phật?"

Ông nghĩ ngợi một chút rồi đồng ý.

Ông có một khuôn mặt khắc khổ, linh lợi, trạc tuổi năm mươi. Hai ống quần của ông bó chặt ở bắp chân, ông bước đi mạnh mẽ do vậy tôi phải nửa đi nửa chạy mới bắt kịp.

"Thưa đại sư, dường như đại sư chuẩn bị cho một chuyến đi xa? Tôi nói.

"Tôi sẽ đi Giang Tây trước để thăm một vài vị lão hoà thượng, sau đó tôi sẽ đi một vài nơi khác".

"Con là người lữ hành cô độc. Tuy nhiên, con không giống như đại sư, người thành tâm kiên định và có một mục đích thiêng liêng trong trái tim mình". Tôi phải tìm thấy một điều gì đó để gợi chuyện.

"Người lữ hành thật sự tức là không điểm đích, chính sự thiếu vắng những mục đích đã tạo nên người lữ khách"

"Thưa đại sư, thầy là người ở vùng này chăng? Có phải đây là cuộc hành trình để giã từ nơi quê nhà? Thầy không có ý định quay trở lại?"

"Đối với người đã xa lánh cõi trần thì khắp mọi phương bốn biển đều là quê nhà, đối với người đó cái gọi là quê nhà không hề tồn tại"

Điều này làm cho tôi không nói thêm được gì nữa. Tôi mời ông vào trong một quán trà trong công viên và chọn một góc yên tĩnh để ngồi. Tôi hỏi pháp danh của ông, giới thiệu tên mình rồi lại ngập ngừng.

Thế rồi ông lại mở lời trước. "Hãy hỏi điều gì mà anh muốn tìm hiểu, không có điều gì mà một kẻ thoát tục lại không thể luận đàm về nó".

Thế là tôi thổ lộ, "Nếu thầy không phiền, thưa đại sư, con muốn hỏi vì sao thầy lại xa lánh cuộc đời".

Ông mỉm cười, thổi những chiếc lá trà nổi trong chiếc tách và nhấp một ngụm. Thế rồi, nhìn vào tôi, ông nói, "Dường như anh không phải đang thực hiện một chuyến du hành bình thường, anh đang làm một công vụ gì đặc biệt phải không?"

"Con không thực hiện một cuộc điều tra nào cả, nhưng khi con nhìn thấy con người thanh thản của đại sư, con bỗng thấy đầy ngưỡng mộ. Con không có một mục đích nào đặc biệt nhưng con vẫn không thể khước từ nó được."

"Khước từ cái gì?" Một nụ cười đọng lại trên khuôn mặt ông.

"Thưa, khước từ thế giới con người". Sau khi tôi nói những điều này, cả tôi và ông đều cười.

"Thế giới con người có thể khước từ chỉ bằng cách lý giải nó" Lời đáp của ông thật đơn giản.

"Quả thực là vậy". Tôi gật đầu nói, "nhưng con muốn biết làm thế nào đại sư có thể khước từ nó"

Không còn giữ gìn gì nữa, ông kể cho tôi nghe về những điều đã trải qua trong đời ông.

Ông kể rằng khi ông mười sáu tuổi, vẫn còn đang học ở trường trung học, ông đã bỏ nhà để tham gia cách mạng và chiến đấu trong một năm như một du kích quân trong những vùng núi. Vào tuổi mười bảy ông theo quân đội vào thành phố và nhận nhiệm vụ ở một ngân hàng. Ông có thể trở thành một người lãnh đạo trong đảng nhưng ông lại có ý nguyện nghiên cứu về thuốc. Sau khi tốt nghiệp ông được bổ nhiệm công việc như một cán bộ tại một trung tâm y tế thành phố mặc dù ông lại muốn được tiếp tục làm việc như một bác sĩ. Một ngày nọ ông xúc phạm bí thư chi bộ của bệnh viện và bị khai trừ ra khỏi Đảng, bị xếp loại phần tử hữu khuynh rồi bị điều về vùng nông thôn. Đó là chỉ khi ngôi làng xây dựng một trạm y tế; và ông đã làm việc ở đó như một bác sĩ trong vài năm. Trong thời gian này ông cưới một cô thôn nữ và ba đứa con liên tiếp nhau ra đời. Tuy nhiên vì một vài lý do nào đó ông muốn cải đạo Thiên chúa và khi ông nghe rằng Đức Hồng y ở Vatican đến Quảng Châu, ông đã đi đến đó để xin thỉnh giáo hồng y về đức tin. Kết cuộc là ông không được gặp hồng y mà thay vì vậy lại bị nghi ngờ vì quan hệ với những người ngoại quốc. Vì tội này bị ông thải hồi khỏi trạm y tế và không còn một sự chọn lựa nào ngoài chuyện tiêu phí cuộc đời vào việc nghiên cứu y học cổ truyền và sống nay đây mai đó. Một ngày nọ ông bỗng nhận ra _ Giáo hoàng thật quá xa vời ở phương Tây, không với tới được, vì vậy ông chỉ còn có thể nương tựa vào Đức Phật. Tự lúc đó ông đã lìa xa thế tục và trở thành một tu sĩ. Khi kết thúc câu chuyện, ông cười vang.

"Thầy có còn nghĩ về gia đình của Thầy nữa không?" Tôi hỏi.

"Họ có thể tự sống được"

"Thầy có còn một chút lưu luyến nào đến họ không?

"Đối với những người xuất gia thì không có sự lưu luyến hoặc căm ghét"

"Khi đó họ ghét thầy?"

Ông nói rằng ông chưa bao giờ để tâm hỏi họ điều đó, nhưng vài năm sau khi ông vào chùa, con trai lớn của ông đã đến và nói rằng ông đã được minh oan trong việc bị nghi ngờ là phần tử cánh hữu và liên đới với người ngoại quốc. Nếu ông trở về ông sẽ được đối đãi như một cán bộ cấp cao và như là một nhà lão thành cách mạng, được phục hồi lại chức vị cũ và cũng nhận được truy lĩnh một khoản tiền lương lớn. Ông đã nói rằng ông không màng đến một đồng nào và họ có thể chia chác nó. Thực tế là vợ ông và những đứa trẻ đã không bị đối xử bất công có thể xem đó là sự đền bù cho lòng tận tụy của ông đối với niềm tin vào Phật giáo, từ đó về sau họ không đến nữa. Sau đó ông bắt đầu cuộc ngao du và họ không còn biết ông ở nơi nào nữa.

"Bây giờ Thầy có khất thực theo đường không?

Ông nói mọi người ngày nay đều hảo tâm. Khất thực tệ hại hơn là ăn xin, nếu ta tìm kiếm của bố thí, ta sẽ không đạt được điều gì. Ông kiếm sống bằng cách hành nghề chữa bệnh lưu động. Khi đi hành nghề, ông mặc thường phục, ông không muốn làm tổn hại đến hình ảnh của người tu sĩ.

"Phật giáo cho phép linh động như thế này sao?" Tôi hỏi.

"Đức Phật ở trong lòng ta". Khuôn mặt ông trông thanh thản và tôi tin rằng ông đã đạt đến sự giải thoát khỏi những phiền muộn trong tâm. Ông đang bắt đầu thực hiện một cuộc hành trình dài và rất an vui.

Tôi hỏi làm thế nào ông tìm thấy được nơi ở trên đường đi. Ông nói bất cứ nơi đâu có đền chùa, ông chỉ cần chìa tấm tăng tịch là được đón nhận với lòng hiếu khách. Tuy nhiên tình trạng hiện tại ở mọi nơi xấu đi. Không có nhiều tu sĩ và tất cả họ phải làm việc để có cơm ăn áo mặc: nói chung ở lại lâu dài thì không thể được vì không ai cấp dưỡng. Chỉ có những đền chùa lớn là có trợ cấp của chính phủ nhưng số lượng rất ít ỏi, và cố nhiên là ông không muốn làm tăng thêm gánh nặng cho mọi người. Ông nói rằng ông là một lữ khách và đã từng đến nhiều vùng núi nổi tiếng. Ông nghĩ rằng mình có sức khỏe tốt và có thể đi bộ một cuộc hành trình dài mười ngàn li (dặm TQ, dài bằng 0,5km).

"Thầy có thể cho con xem tăng tịch của Thầy được không?" Xem ra tấm giấy này hữu dụng hơn cái tờ ủy nhiệm thư mà tôi có.

"Đây không phải là tài liệu gì bí mật đâu, giới luật Phật Giáo không có gì bí mật cả và có thể mở ra cho tất cả mọi người"

Ông lấy từ trong túi ở ngực ra một mẩu giấy lụa lớn được gấp lại với hình Đức Phật ngồi xếp bằng trên tòa sen ở phía trên. Nó được đóng một dấu son hình vuông. Pháp danh của ông lúc thọ giới, học hàm học vị và thứ bậc đều được ghi lên trên đó. Ông đã đạt đến điạ vị chánh trụ trì, được phép thuyết pháp và giải quyết Phật sự.

"Có thể một ngày nào đó con sẽ đi theo những bước chân của Thầy". Tôi cũng không biết là mình có đang nói đùa hay không .

"Nếu vậy thì chúng ta hữu duyên đó." Tuy nhiên, ông nói hoàn toàn nhiệt thành. Nói xong những điều này, ông đứng dậy, chắp tay và chào từ giã tôi.

Ông đi rất nhanh, và tôi đi theo ông một lát nhưng một quãng xa ông đã biến mất giữa những người khách thập phương đông đúc. Tôi nhận thức rõ rằng mình vẫn còn nhiều nặng nợ với cõi thế tục này.

Sau đó, khi đọc những dòng chữ trong Ly Lợi Tự, được xây dựng vào đời nhà Tùy, phía trước Chùa Quả Thanh ở chân núi Thiên Đài, tôi bỗng nghe một cuộc đối thoại.

"Tốt hơn là con nên quay trở về với cha", giọng một người đàn ông vang từ phía bên kia bức tường gạch.

"Không, cha nên rời đi bây giờ đi." Đó cũng là một giọng nam, nhưng lớn tiếng hơn.

"Đây không phải là mục đích của con, hãy nghĩ đến mẹ con"

"Cha hãy nói với mẹ là con dạo này rất tiến bộ"

"Mẹ con bảo cha tới đây, mẹ đang ốm"

"Mẹ ốm làm sao?"

"Mẹ con nói rằng bị đau ở ngực"

Đứa con không đáp lời.

"Mẹ bảo cha mang đến cho con đôi giày"

"Con đã có giày rồi"

"Đây là đôi giày thể thao mà con muốn, giày chơi bóng rổ"

"Nó rất đắt tiền, cha mua làm gì?"

"Thử mang vào xem"

"Con không chơi bóng rổ. Con không dùng nó vào việc gì cả. Tốt hơn là cha mang nó về đi, ở đây không ai mang giày này cả"

Sáng tinh mơ, đàn chim trong rừng đang rộn rã hót vang. Giữa tiếng ríu rít của nhiều loại chim sẻ, một chú chim hét đơn lẻ líu lo nằm kín trong đám lá dầy bên cạnh cây bạch quả vì vậy tôi không biết nó đậu trên nhánh nào. Thế rồi một vài con chim ác là bay đến khàn giọng họa theo. Một khoảng yên ắng khá lâu bên ngôi chùa gạch làm tôi nghĩ rằng bầy chim đã bay mất, tôi dạo vòng quanh và thấy một thiếu niên đang nhìn lên những con chim đang hót, cái đầu cạo của chú mờ mờ đen chưa được đốt bằng những nén hương điểm đạo. Chú mặc một bộ áo nhật bình, màu da hồng hào của khuôn mặt tuấn tú không giống như nước da vàng bủng của các sư từng ăn chay một thời gian dài. Cha của chú còn khá trẻ, một nông dân, đang cầm trong tay một đôi giày bóng rổ đế trắng với những sọc màu đỏ và xanh da trời mà ông đã lấy ra khỏi hộp. Ông đang thở nặng nhọc. Tôi đoán chừng người cha đã gây áp lực bắt cậu con trai cưới vợ và và tự hỏi không biết chú ấy rồi sẽ phát thệ không.

 

---o0o---

| Mục lục Nhị Tường || Thư Mục Tác Giả |


Cập nhật ngày: 01-01-2002


Webmaster:quangduc@quangduc.com

Trở về Trang Thơ Ca

Đầu trang

 

Biên tập nội dung: Tỳ kheo Thích Nguyên Tạng
Xin gởi bài mới và ý kiến đóng góp đến ban biên tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com