Tiếng Việt

Trang nhà Quảng Đức

   Tiếng Anh 

qd.jpg (8936 bytes)

Tập san Phật Học


   

 

 

Tập san Pháp Luân

PL.2549  - DL.2005
TSPL số 21 - tháng 11 năm Ất dậu
Chuyên đề:
Ta-bà và Cực Lạc
 

Mục Lục

» Thất Giác Chi  

» Ta-bà và Cực-lạc  

» Trợ Niệm Khi Lâm Chung  

» Lý do phải làm Lành lánh Dữ và phải nguyện sanh Tịnh Độ  

» Đại an toàn  

» Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh  

» Đâu là nguồn chân hạnh phúc?  

» Chuyện Người Phụ Nữ Hy sinh vì Đạo Pháp  

» Ngài Thần Tú, một nhân cách vĩ đại.  

» Nhân của Bồ-tát và quả của chúng sanh  

» Chùa Láng - giai thoại và triết học  

» Hội nghị của các lãnh đạo tôn giáo quốc tế  

» kế hoạch tạo “khu vực quý sư”  

» Đại lễ cung nghinh xá-lợi Phật  

» Ngôi sao quần vợt Thái Lan xuất gia trong 7 ngày  

» Tiểu sử đức Đạt-lai-lạt-ma thứ II  

» Thơ:

 ---o0o--- 

Thất Giác Chi
(Saptabodhya
gāni)


(tiếp theo PL 20)

4/ Hỷ giác chi:

Khi Thánh đệ tử đã nỗ lực tinh tấn thực hành những pháp mà mình đã chọn rồi qua chỉ ác hành thiện rồi nhờ lúc cùng nhau niệm Phật như vậy thì tham không trói buộc tâm, sân không trói buộc tâm, si không trói buộc tâm. Đối với Như lai, tâm hành giả ngay thẳng thì sẽ đạt được nghĩa và pháp oai thế; đối với Như lai có khả năng dẫn khởi hân hoan, nhờ hân hoan nên sinh tâm hoan hỉ; khi được hoan hỉ thì thân an; thân an thì sẽ hưởng lạc; được an lạc nên tâm định. Khi tâm hành giả định rồi thì đối với các loài hữu tình không bình đẳng sẽ trụ vào bình đẳng, đối với các loài hữu tình có não hại sẽ trụ vào không não hại và sẽ được dự vào dòng pháp mà tu tập tùy theo niệm đối với chư Phật, cho đến tác chứng cứu cánh Niết-bàn.

Lại nữa hành giả khi cùng nhau niệm Chánh pháp, tức là chỉ cho Chánh pháp của Phật khéo nói hiện tại, mát mẻ đúng thời, hướng dẫn trực quán khiến bậc trí giả nội chứng; hành giả nhờ đó lúc cùng nhau niệm pháp như vậy thì tham không trói buộc tâm, sân không trói buộc tâm, si không trói buộc tâm. Đối với Chánh pháp tâm hành giả ngay thẳng, nhờ tâm ngay thẳng nên được nghĩa và pháp oai lực; đối với Chánh pháp có khả năng dẫn khởi hớn hở, nhờ hớn hở nên sinh tâm hoan hỉ, nhờ hoan hỉ nên thân an, nhờ thân an nên hưởng lạc, nhờ an lạc nên tâm định. Khi tâm hành giả định rồi thì đối với các loài hữu tình không bình đẳng sẽ trụ vào bình đẳng, đối với các loài hữu tình có não hại sẽ trụ vào không não hại và sẽ được dự vào dòng pháp. Đối với Chánh pháp, nhờ tu tập tùy niệm nên cho đến có thể tác chứng cứu cánh Niết-bàn.

Lại nữa, hành giả khi cùng nhau niệm Tăng già, tức là chỉ cho đệ tử của đức Phật đã thọ cụ túc giới, đầy đủ diệu hạnh, hành động chất trực, thực hành như lý, thực hành pháp theo pháp Phật dạy, thực hành hòa kính. Hơn nữa đệ tử của Phật có hướng đến Dự lưu, có quả Dự lưu, có quả Nhất lưu, có hướng đến không trở lại (bất hoàn), có quả Bất hoàn, có hướng đến A-la-hán, có quả A-la-hán. Như vậy gồm có Tứ song, Bát chích, Bổ-đặc-già-la. Cũng vậy Tăng già, đầy đủ giới, đầy đủ định, đủ đầy tuệ, đầy đủ giải thoát, đầy đủ giải thoát tri kiến, đáng thỉnh đáng đê đầu, đáng cung kính ruộng phước vô thượng, nơi đời nên cúng dường. Đệ tử của bậc Thánh nhờ lúc cùng nhau niệm Tăng như vậy thì tham không trói buộc tâm, sân không trói buộc tâm, si không trói buộc tâm. Đối với Tăng già tâm hành giả ngay thẳng, nhờ tâm ngay thẳng nên được nghĩa và pháp oai lực; đối với Chánh pháp có khả năng dẫn khởi hớn hở, nhờ hớn hở nên sinh tâm hoan hỉ; nhờ hoan hỉ nên thân an; nhờ thân an nên hưởng lạc; nhờ an lạc nên tâm định. Khi tâm hành giả định rồi thì đối với các loài hữu tình không bình đẳng sẽ trụ vào bình đẳng, đối với các loài hữu tình có não hại sẽ trụ vào không não hại và sẽ được dự vào dòng pháp. Đối với Tăng già nhờ tu tập tùy niệm, nên cho đến có thể tác chứng cứu cánh Niết-bàn.

Lại nữa, hành giả khi cùng nhau niệm giới, tức là chỉ cho hành giả giữ giới thanh tịnh, không khuyết không thủng, không tạp không nhơ, có thể nhận sự cúng dường không rõ ràng, khéo cứu cánh, khéo thọ trì, được người trí khen ngợi, thường không hủy báng. Đệ tử bậc Thánh nhờ lúc cùng nhau niệm giới như vậy thì tham không trói buộc tâm, sân không trói buộc tâm, si không trói buộc tâm. Đối với giới tâm hành giả ngay thẳng; nhờ tâm ngay thẳng nên được nghĩa và pháp oai lực; đối với Chánh pháp có khả năng dẫn khởi hớn hở, nhờ hớn hở nên sinh tâm hoan hỉ; nhờ hoan hỉ nên thân an; nhờ thân an nên hưởng lạc; nhờ an lạc nên tâm định. Khi tâm hành giả định rồi thì đối với các loài hữu tình không bình đẳng sẽ trụ vào bình đẳng, đối với các loài hữu tình có não hại sẽ trụ vào không não hại và sẽ được dự vào dòng pháp. Đối với giới nhờ tu tập tùy niệm, nên cho đến có thể tác chứng cứu cánh Niết-bàn.

Lại nữa, hành giả khi cùng nhau niệm Bố thí, tức là hiện tại hành giả khéo được thắng lợi, tuy sống vô lượng nơi cấu bẩn triền phược trong chúng sanh, nhưng tâm xa lìa tất cả cấu bẩn, có thể thực hành bố thí. Tuy ở tại gia, nhưng có thể không đắm nhiễm vào của cải châu báu; ra tay bố thí, làm tế tự lớn, cúng dường ruộng phước, ban ân đầy đủ, ban vui khắp cả. Đệ tử bậc Thánh nhờ lúc cùng nhau niệm bố thí như vậy thì tham không trói buộc tâm, sân không trói buộc tâm, si không trói buộc tâm. Đối với giới tâm hành giả ngay thẳng; nhờ tâm ngay thẳng nên được nghĩa và pháp oai lực; đối với bố thí có khả năng dẫn khởi hớn hở, nhờ hớn hở nên sinh tâm hoan hỉ; nhờ hoan hỉ nên thân an; nhờ thân an nên hưởng lạc; nhờ an lạc nên tâm định. Khi tâm hành giả định rồi thì đối với các loài hữu tình không bình đẳng sẽ trụ vào bình đẳng, đối với các loài hữu tình có não hại sẽ trụ vào không não hại và sẽ được dự vào dòng pháp. Đối với bố thí nhờ tu tập tùy niệm, nên cho đến có thể tác chứng cứu cánh Niết-bàn.

Lại nữa, hành giả khi cùng nhau niệm chư Thiên, tức là chỉ cho Tứ đại vương chúng thiên, trời Ba mươi ba, Dạ-ma-thiên, Đổ-sử-đa thiên, Lạc biến hóa thiên, Tha hóa tự tại thiên. Chư thiên như vậy, thành tựu tín, giới, văn, xả, tuệ nên mất từ chỗ này được sinh về những cõi trời kia hưởng mọi sự khoái lạc. Hành giả chúng ta cũng có tín, giới, văn, xả, tuệ, cũng sẽ được sinh về những chỗ kia, cùng các thiên chúng đồng hưởng khoái lạc. Các hành giả đệ tử của bậc Thánh nhờ cùng nhau niệm Thiên như vậy thì tham không trói buộc tâm, sân không trói buộc tâm, si không trói buộc tâm. Đối với giới tâm hành giả ngay thẳng; nhờ tâm ngay thẳng nên được nghĩa và pháp oai lực; đối với chư thiên có khả năng dẫn khởi hớn hở, nhờ hớn hở nên sinh tâm hoan hỉ; nhờ hoan hỉ nên thân an; nhờ thân an nên hưởng lạc; nhờ an lạc nên tâm định. Khi tâm hành giả định rồi thì đối với các loài hữu tình không bình đẳng sẽ trụ vào bình đẳng, đối với các loài hữu tình có não hại sẽ trụ vào không não hại và sẽ được dự vào dòng pháp. Đối với chư thiên nhờ tu tập tùy niệm, nên cho đến có thể tác chứng cứu cánh Niết-bàn. Hành giả lúc tu tập lục tùy niệm như vậy rồi thì sẽ được sở hữu tương ưng giữa vô lậu và tác ý, tâm hân hoan tột cùng, hân hoan hiện hữu, tính loại hân hoan, thích ý vui ý; tính loại hoan hỷ vui hòa hợp không còn phân biệt ... tất cả gọi chung đều là hỉ, cũng gọi là hỉ giác chi. Đối với Thánh đệ tử chúng có khả năng diệt hết khổ; đối với các hàng hữu học, các hành như sở kiến của mình mà tư duy quán sát sẽ đạt cứu cánh; đối trong các hành thấy rõ lỗi lầm, đối Niết-bàn vĩnh viễn thấy rõ công đức. Nếu là A-la-hán cùng tâm giải thoát, tư duy quán sát, khiến đạt cứu cánh và sẽ có được sự tương ưng giữa vô lậu và tác ý, tâm hoan hỉ tột cùng, cho đến tánh hoan hỉ thì đó gọi là Hỉ giác chi.

5/ Khinh an giác chi:

Tiếp tục hành giả nhờ tâm tánh hoan hỉ đang hiện có, hành giả nhập vào sơ thiền, ngôn ngữ lúc bấy giờ dừng nghỉ. Nhờ duyên này mà các pháp khác cũng yên nghỉ, đó gọi là trạng thái thuận khinh an thứ nhất; khi nhập vào đệ nhị thiền, tầm và từ (giác, quán) yên nghỉ, nhờ duyên này mà các pháp khác cũng yên nghỉ, đó gọi là trạng thái thuận khinh an thứ hai; khi hành giả nhập vào đệ tam thiền; các hỉ ở đây bấy giờ cũng yên nghỉ, nhờ duyên này các pháp khác cũng lặng yên, đó là trạng thái thuận khinh an thứ ba; khi nhập vào đệ tứ thiền, hơi thở ra vào lặng yên, nhờ duyên này các pháp khác cũng an nghỉ, đó là trạng thái thuận khinh an thứ tư; tiếp tục lúc nhập vào diệt thọ tưởng định, ở đây tưởng thọ vắng bặt, nhờ duyên này mà các pháp khác cũng không hiện hữu, đó gọi là trạng thái thuận khinh an thứ năm và cũng có khinh an thượng diệu thứ sáu là tối thắng tối thượng. Khinh an này là tối thượng tối diệu không có khinh an nào khác vượt qua nó. Vì sao vậy? Vì tâm từ tham lìa nhiễm mà giải thoát, và từ sân, si lìa khỏi nhiễm mà giải thoát, nên gọi đây là trạng thái thuận khinh an thứ sáu. Hành giả tư duy về trạng thái này thì sẽ sở hữu được mọi sự tương ưng giữa vô lậu và tác ý, tâm nhẹ nhàng, tánh nhẹ nhàng loại nhẹ nhàng, gọi chung là khinh an, cũng gọi là khinh an giác chi. Đối với Thánh đệ tử chúng có khả năng diệt hết khổ; đối với các hàng hữu học, các hành như sở kiến của mình mà tư duy quán sát sẽ đạt cứu cánh; đối trong các hành thấy rõ lỗi lầm, đối Niết-bàn vĩnh viễn thấy rõ công đức. Nếu là A-la-hán cùng tâm giải thoát, tư duy quán sát, khiến đạt cứu cánh và sẽ có được sự tương ưng giữa vô lậu và tác ý; thân, tâm, tính, loại  khinh an, đó gọi là khinh an giác chi.

6/ Định giác chi:

Khi hành giả nhờ vào sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền, không vô biên xứ, thức vô biên xứ, vô sở hữu xứ, phi tưởng phi phi tưởng xứ và Diệt tận định thì sẽ diệt trừ tận gốc rễ của các lậu. Vì khi hành giả an trú vào sơ thiền thì trước hết nhờ vào tướng trạng các hành mà xa lìa pháp dục ác bất thiện, có tầm có từ và nhờ xa lìa này mà hỉ lạc sinh ra. Nếu ở sơ thiền mà hành giả an trụ đầy đủ thì hành giả sẽ không còn tư duy về tướng trạng các hành nữa mà chỉ tư duy về chỗ đạt được, chỗ hướng về sắc, thọ, tưởng, hành và thức mà thôi. Ở đây các pháp này não hại chúng sanh như là bệnh họan, như ung nhọt, như tên độc, chúng là vô thường, khổ, không, phi ngã. Hành giả đối với pháp này tâm vừa ghét vừa lo sâu xa, sợ hãi đình chỉ, sau đó nhiếp tâm đưa về giới vức cam lồ, tư duy cõi này là tịch tĩnh vi diệu, xả bỏ tất cả trên nền tảng ái hết lìa nhiễm, vĩnh viễn tịch diệt Niết-bàn. Giống như xạ sư giỏi, hay học trò của ông, trước hết học bắn người bằng cỏ, đất bùn ở gần; sau đó mới có thể bắn vật kiên cố lớn ở xa được. Hành giả cũng vậy, trước phải nhờ tướng trạng các hành như vậy mà xa lìa pháp dục ác bất thiện, có tầm có từ; nhờ xa lìa nên hỷ lạc sinh. Nếu hành giả an trụ vào sơ thiền đầy đủ thì sẽ không tư duy về các tướng trạng các hành như vậy mà chỉ tư duy về chỗ đạt được, chỗ hướng về sắc, thọ, tưởng, hành và thức mà thôi. Ở đây các pháp này não hại chúng sanh như là bệnh họan, như ung nhọt, như tên độc, chúng là vô thường, khổ, không, phi ngã. Hành giả đối với pháp này tâm vừa ghét vừa lo sâu xa, sợ hãi không tạo tác nhân, sau đó nhiếp tâm đưa về giới vức cam lồ, tư duy cõi này là tịch tĩnh vi diệu, xả bỏ tất cả trên nền tảng ái hết lìa nhiễm, vĩnh viễn tịch diệt Niết-bàn. Khi hành giả biết như vậy, thấy như vậy liền từ tâm dục lậu được giải thoát, cũng từ hữu lậu và vô minh lậu tâm được giải thoát; đã giải thoát rồi thì có thể tự nhận thức rằng: Ta được giải thoát, sự sanh của ta đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc cần đã làm xong, không còn tái sinh đời sau nữa. Ở đây đề cập về an trụ nhị thiền thì trước hết cũng nhờ vào tướng trạng các hành, nhưng tầm tứ trở nên tịch tĩnh, bên trong tâm tịnh một mực hướng về tự tánh, lúc này không còn tầm từ nữa, nhờ định là hỉ lạc sinh ra. Nếu an trụ đầy đủ vào nhị thiền thì bấy giờ hành giả không còn tư duy về tướng trạng các hành nói cũng giống như trên cho đến vô sở hữu xứ. Khi hành giả nhập vào vô sở hữu và an trụ đầy đủ vào vô sở hữu xứ thì lúc này không còn tư duy về tướng trạng các hành, mà chỉ tư duy về chỗ đạt được chỗ hướng về thọ, tưởng, hành và thức mà thôi, cho đến nói đầy đủ như trên và đến tưởng định có thể hoàn thành xong những việc đáng nên làm như vậy. Tiếp đến là Phi tưởng phi phi tưởng xứ cùng Diệt tận định, việc xuất nhập định trong tu tập của hành giả cũng như bảy định trên, lúc này cũng sẽ có được sự tương ưng giữa vô lậu và tác ý, an trụ tâm, an trụ bình đẳng cho đến tâm chỉ còn duy nhất một tánh cảnh, gọi chung là định, cũng gọi là định căn, cũng gọi là định lực, cũng gọi là định giác chi, cũng gọi là chánh định. Đối với Thánh đệ tử chúng có khả năng diệt hết khổ; đối với các hàng hữu học, các hành như sở kiến của mình mà tư duy quán sát sẽ đạt cứu cánh; đối trong các hành thấy rõ lỗi lầm, đối Niết-bàn vĩnh viễn thấy rõ công đức. Nếu là A-la-hán như tâm giải thoát, tư duy quán sát, khiến đạt cứu cánh và sẽ có được sự tương ưng giữa vô lậu và tác ý, tâm an trụ bình đẳng, cho đến tâm chỉ còn tánh cảnh duy nhất, thì đó gọi là định giác chi.

7/ Xả giác chi:

Đến đây, hành giả nhờ tư duy về đọan giới, ly giới, diệt giới trong những định trên và cũng nhờ tâm phát khởi tính bình đẳng, tâm trở nên tánh chính trực, tâm không còn kỉnh giác mà an trụ vào tính tịch tĩnh. Lúc bấy giờ hành giả tự nghĩ: “Nay ta nên đối với các pháp thuận tham, thuận sân, thuận si mà xa lìa tham, sân, si, nhờ tâm phát khởi tính bình đẳng, tâm trở nên tính chánh trực, tâm không còn kỉnh giác nữa, mà an trụ vào tính tịch tĩnh.” Lại tự nghĩ: “Nay ta nên đối với các pháp tham, sân, si, tâm không còn nhiếp thọ; do tâm phát khởi tính bình đẳng, tâm trở nên tính chánh trực, tâm không cảnh giác mà an trụ vào tính tịch tĩnh.” Ở đây, hành giả nhờ xem xét tư duy sáu pháp thuận xả mà có được sự tương ưng giữa vô lậu và tác ý, tâm trụ vào tính bình đẳng, tâm trụ vào tính chánh trực, tâm không còn cảnh giác mà trụ vào tính tịch tĩnh, ở đây gọi chung là xả, cũng gọi là xả giác chi. Đối với Thánh đệ tử chúng có khả năng diệt hết khổ; đối với các hàng hữu học, các hành như sở kiến của mình mà tư duy quán sát sẽ đạt cứu cánh; đối trong các hành thấy rõ lỗi lầm, đối Niết-bàn vĩnh viễn thấy rõ công đức. Nếu là A-la-hán như tâm giải thoát, tư duy quán sát, khiến đạt cứu cánh và sẽ có được sự tương ưng giữa vô lậu và tác ý, tâm trụ vào tính bình đẳng, tâm trụ vào tính chánh trực, tâm không còn kỉnh giác mà trụ vào tính tịch tĩnh thì đó gọi là xả giác chi.

Qua những kinh-luận mà chúng tôi đã trích dẫn trên, chúng cho hành giả chúng ta một cái nhìn duyên khởi hơn trong vấn đề tu tập để đối trị với ba độc tham, sân, si trên cơ bản bằng cách ly tham, sân, si để đưa đến giác nộ giải thoát bằng vào sự tu tập theo thứ tự từ giác chi thứ nhất cho đến giác chi thứ bảy trong liên đới hỗ tương cần thiết cho nhau; nhưng mặt khác mỗi giác chi tự chúng tự hoàn thành riêng cho mỗi thứ trong tu tập chính chúng như chính đức Đạo sư đã dạy trong Tương Ưng V theo Tạng hệ Pàli: “Tu tập một giác chi đã có thể thành tựu mục đích của đời sống phạm hạnh, huống nữa là tu tập cả Thất giác chi”. Vì chính ngay trong mỗi một giác chi chúng đã hiện diện nhân và duyên một cách đầy đủ qua sự cần thiết đủ để pháp đó hiện hữu một cách trọn vẹn bảy chi trong một chi; và ngược lại một chi trong bảy chi, nếu thiếu một trong bảy chi đó thì tự chúng không hiện hữu để hoàn thành kết quả. Ngay trong chánh niệm của Niệm giác chi đã có Trạch pháp giác chi, đã có Tinh tấn giác chi, đã có Hỷ giác chi, đã có Khinh an giác chi, đã có Định giác chi và đã có Xả giác chi rồi; vì nếu thiếu xả thì không thể có được chánh niệm, thiếu Trạch pháp giác chi thì sẽ không có chánh niệm, thiếu tinh Tấn giác chi thì sẽ không có Chánh niệm giác chi, thiếu Hỷ giác chi thì sẽ không có Chánh niệm giác chi, thiếu Khinh an giác chi thì sẽ không có Chánh niệm giác chi rồi, và cứ như thế nếu thiếu đi một trong bảy nhân và duyên của bảy giác chi này thì Chánh niệm giác chi không hiện hữu để đưa đến kết quả thành công. Do đó, sự thành tựu trong tu tập của hành giả qua một giác chi nào đó cũng chính là sự thành tựu của chính bảy giác chi đồng lúc. Đó chính là mặt sâu xa vi tế của bộ mặt duyên khởi hiện quán theo quan điểm đặc thù của Phật giáo theo bản thể luận còn theo mặt hiện tượng luận sai biệt của các pháp thì có bảy chi pháp, để từ đó hành giả cứ theo thứ tự thời gian mà hoàn thành theo thứ lớp tuần tự của chúng. Đây chính là đặc điểm khế cơ khế ký trong phương pháp giáo dục và tu tập của đạo Phật.

 

Ta-bà và Cực-lạc

Tâm Minh

Kính thưa quí Vị và các Bạn,

Xin kính chào tái ngộ với quí vị và các Bạn,

 

Tuổi trẻ hôm nay đến với đạo Phật không còn như tuổi trẻ của những năm 50-60 nữa, hồi đó con người nói chung và tuổi trẻ nói riêng, đức tin mạnh hơn lý luận nên huynh trưởng GÐPT lúc đó dạy Phật Pháp cho các em dễ dàng hơn, nhất là những bài học có chút màu sắc thần thoại, thần thông, những hiện tượng lạ hay những phép tu Mật tông, pháp chuyển di tâm thức (phowa), trì chú, v.v... Mà những điều này, dù không có trong chương trình nhưng các em cũng có thể đọc trên Net và đưa ra thắc mắc nhờ anh chị Trưởng giải đáp!

 

Tuổi trẻ thường hay đòi được “mắt thấy tai nghe” mặc dù hơn ai hết, họ đã được khoa học cho biết rằng khả năng thấy, nghe của mắt tai của con người rất hạn chế: những màu sắc mắt ghi nhận được không ngoài dãi 7 màu: đỏ, cam, vàng, xanh (green), lam (blue), chàm (indigo), tím; ngoài 7 màu đó, mắt không thể thấy được rất nhiều những màu sắc khác gọi chung là tử ngoại (ultraviolet, ngoài màu tím) hay hồng ngoại (infra-red, ngoài màu đỏ). Còn tai cũng vậy, những âm thanh quá nhỏ - gọi chung là những hạ âm - lỗ tai con người không ghi nhận được nhưng loài chó có thể nghe được; còn những âm thanh quá lớn cũng có thể làm lỗ tai bị đau nhức hay thậm chí có thể bị điếc luôn! J J !! Như vậy mà còn đòi mắt thấy tai nghe gì nữa!! Tuy nhiên, không vì thế mà người huynh trưởng không dám dạy cho đoàn sinh của mình những bài có trong chương trình tu học và chủ yếu là dạy cho các em áp dụng những bài học ấy vào cuộc sống như thế nào.

 

Vì thế các huynh trưởng trẻ , thường trao đổi với nhau về những vấn đề liên quan đến tu học của mình và dạy lại cho các em đoàn sinh của mình. Hôm nay, chúng tôi kính mời quí vị nghe cuộc hội thoại bỏ túi về vấn đề “Ta-bà và Cực lạc” lan rộng đến những từ ngữ Tha lực, Tự lực, Tịnh Ðộ, Tu Thiền, Tu Tịnh độ, Thiền Tịnh song tu, Tu Mật tông, v.v… giữa 3 huynh trưởng A, B, C mà chúng ta đã từng làm quen trong mục này.

 

A: Chào các Bạn, hôm nay chúng ta nói về đề tài gì hả?

B: Trước hết là về một câu hỏi của một em: “Tịnh Ðộ là gì? Cõi Cực lạc có hay không có?” và câu hỏi này được nhiều em hưởng ứng, các em rất thích nghe câu trả lời của mình.

C: Vậy bạn đã trả lời như thế nào?

B: Tôi trả lời rằng: “Trong kinh A-di-đà, đức Phật Thích-ca có giới thiệu về cõi nước của đức Phật A-di-đà ở Tây phương, đó là cõi Tịnh Ðộ hay Cực lạc.” Và tôi có đọc những đoạn cho các em biết về cõi nước đó, cũng có nói sơ về 48 lời nguyện của đức Phật Di-đà.

A: Rồi các em có hỏi tiếp không? 

B: Có chứ! Các em bảo rằng mình là Phật tử thì mình tin, còn những người khác làm sao để cho họ tin?

C: Rồi bạn trả lời như thế nào?

B: Tôi đem câu chuyện ngụ ngôn “Rùa và Cá” kể cho các em nghe và kết luận rằng: Rùa sống được cả trong nước lẫn trên cạn nên có thể biết những chuyện ở trong nước và có khả năng đi lên trên mặt đất để thấy những cảnh tượng trên mặt đất; còn Cá chỉ biết sống dưới nước, không có phổi, thở bằng mang, v.v... nên không thể hiểu được những gì có trên mặt đất mà Rùa thì không thể diễn tả cho Cá biết những gì ở trên mặt đất vì những thứ đó dưới nước không có, làm sao nói cho Cá hiểu được? Cũng vậy, cõi Cực lạc chỉ có trí Phật mới hiểu được vì Phật biết cả 2 cảnh giới – Ta-bà và Tịnh độ; còn chúng ta chỉ biết Ta-bà thôi, làm sao đức Phật giảng cho ta nghe hiểu được, chúng ta là Phật tử nên tin Phật là được rồi.

C: Phải rồi, bạn có thể nói rằng người đã ăn xoài mới biết mùi vị của nó, còn người chưa bao giờ ăn làm sao biết? Vả lại, làm sao bảo người ta tả ra cho mình hiểu được?

A: Đúng vậy, đừng nói là Cực lạc, chỉ nói Paris, London, New York, Sydney, v.v… nếu bạn là một người suốt đời chưa ra khỏi nơi mình sống là miền thượng du Bắc Việt hay miền đầm lầy Cà Mau, chưa bao giờ nghe ai nói đến thì cũng không thể nào biết được.

B: Phải, phải! Mình còn nói với các em là trong vũ trụ (universe) có hàng triệu ngân hà (galaxies), mỗi ngân hà có hàng tỷ ngôi sao, mỗi ngôi sao lại có những vệ tinh quay quanh nó, tạo nên một hệ thống hành tinh của nó. Quả đất của chúng ta cũng chỉ là một vệ tinh của một ngôi sao lớn là mặt Trời tạo nên thái dương hệ - tức là hệ thống hành tinh của thái dương (thái dương=mặt trời). Ðiều đó khoa học mới phát biểu sau này nhưng trong Kinh đức Phật đã nói (cách đây mấy ngàn năm) đến “tam thiên đại thiên thế giới” rồi!

C: Như vậy là tốt rồi, chuyện các em đã giải quyết xong, hãy nói chuyện của mình đi!

A: Bạn lại có chuyện gì? 

C: Mình không còn thắc mắc Tịnh Ðộ có hay không như các em nữa nhưng nghe nói người tu Tịnh Ðộ chỉ cần niệm Phật và dựa vào tha lực của đức Phật A-di-đà là được vãng sanh, vì đức Phật A-di-đà có lời nguyện là ai niệm danh hiệu Ngài đều được vãng sanh Cực lạc; mình thấy vô lý quá! Các Bạn có thể nói rõ điểm này không?

B: Đâu có ai nói “hồ đồ” như vậy được !J J!! Người tu Tịnh Ðộ nương vào tha lực của đức Phật A-di-đà là đúng, nhưng nếu không tự lực tích cực làm lành tránh ác, giữ tâm niệm thanh tịnh, không tạo thói quen nhất tâm niệm Phật… thì làm sao khi chết có thể sáng suốt niệm Phật cầu vãng sanh được? Làm sao giữ tâm đừng tán loạn để niệm Phật được?

A: Đúng vậy, thí dụ như mình có đủ hết các địa chỉ, số điện thoại cần thiết như bệnh viện, cấp cứu, bác sĩ gia đình, v.v... nhưng đến khi bệnh nặng nổi lên làm mình đau đớn, thần trí không tỉnh táo, không tìm ra được những địa chỉ đó đã ghi ở đâu thì làm sao mà kêu cứu được hở bạn C? Đó là chưa nói có còn đủ sức để bấm (dial) những số phone đó không nữa!J J!!

C: Mình hiểu rồi, như vậy dựa vào tha lực chỉ là một phần, còn phải nỗ lực tinh tấn niệm Phật, và một khi đã nhất tâm niệm Phật tức là phải có định tâm rồi, đâu khác gì Thiền nữa, phải không?

B: Đúng vậy! Chúng ta phải biết kết hợp tự lực và tha lực chứ không nên quá khích cho rằng mình chỉ cần tự lực không cần tha lực hay ngược lại, chỉ cần 6 chữ Di-đà là tốc vãng Tịnh Ðộ!

A: Bạn nói đúng lắm, ai nói rằng tu Thiền không cần tha lực? Tu Thiền mới chính là cần tha lực đó, không phải sao? Các bạn có nghe nói không, tu Thiền mà không có Thầy hướng dẫn thì nhiều người đã đi đến điên loạn, tẩu hỏa nhập ma, v.v... cho nên cái tha lực lớn nhất đó là ông Thầy của mình, người hướng dẫn cho mình tu Thiền đó các Bạn ạ! Ði tham dự các khóa tu, đi nghe giảng ở Chùa, hay nghe những bài giảng trên Net, v.v... không phải là tha lực sao?

C: Phải rồi, mình đồng ý, tha lực còn làm mình vững tin hơn, có thể nói là nhờ có tha lực mà tự lực sẽ tăng trưởng; nhưng có người nói rằng vừa tu Thiền vừa tu Tịnh độ giống như người đi qua sông bằng cách đứng 2 chân lên trên 2 chiếc thuyền; như vậy thì nguy hiểm quá !

B: Với giả thuyết như vậy thì thấy rõ người ấy sẽ bị té nhưng nếu dựa vào thực tế, trong những cuộc đua thuyền vòng quanh thế giới, người ta thấy rằng phần lớn những loại thuyền đôi (catamaran) hay thuyền 3 (trimaran) là những loại thuyền buồm gồm 2 hay 3 chiếc thuyền nhỏ ghép lại, đều thắng giải vì nó chắc chắn không bị hư giữa đường (gảy cột buồm, lủng đáy, v.v...) và đi nhanh hơn nhiều.

A: Ðúng thế, với 37 Phẩm Trợ Ðạo mà chúng ta đã học, ta có thể tu theo một hay nhiều phẩm vì mỗi phẩm hỗ trợ cho những phẩm kia, đâu có thể nói rằng “tu Bố thí thì chỉ nên lo chuyện bố thí đi, đừng vừa tu Bố thí vừa Trì giới” được, có phải không?

C: Bạn muốn nói rằng Bồ-tát tu Lục Ðộ (Ba-la-mật) cũng như đi trên chiếc thuyền có sáu máy hay thuyền buồm gồm sáu thuyền nhỏ ghép lại? Như vậy tốc độ sẽ nhanh lắm?

A: Phải! Vì vậy điều phải cần biết là người lái có đủ khả năng điều khiển thuyền máy không; cũng như đi xe hơi nhanh hơn đi bộ nhưng phải biết lái xe, đi máy bay phản lực nhanh hơn xe hơi nhưng phải biết lái máy bay phản lực vì nếu không đủ khả năng hay sơ sót về kỷ thuật thì không những không đến nơi mà còn mất mạng, tan xác nữa !J J !!

B: Như vậy là chúng ta đã nắm vững về tha lực, tự lực. Bây giờ xin hỏi các Bạn, ta có thể tu hai, ba pháp môn cùng lúc hay không? Ví dụ như ta thường nghe “Thiền Giáo đồng hành”, hay “Thiền Tịnh song tu”, hay “Thiền Tịnh Mật đồng hành” đó!

C: Tôi có nghe một vị Thầy giảng rằng có thể tu hai, ba pháp môn cùng một lúc, ta có thể chọn một cái làm pháp môn chính (chánh tu) và những cái kia là phụ (trợ tu, trợ đạo).

A: Phải rồi, có lý lắm, như vậy nếu bạn tu Thiền mà muốn tu thêm Tịnh Ðộ thì chỉ cần khi xả thiền, bạn phát nguyện và hồi hướng cầu về Cực lạc để được tiếp tục tu học với Tăng thân Thanh Tịnh của cõi đó.

B: Tổ Vĩnh Minh, vị tổ thứ 6 của Tịnh Ðộ tông, có nói: “Có Thiền có Tịnh Ðộ giống như cọp thêm sừng” (Hữu Thiền, hữu Tịnh độ dụ như đới giác hổ).

C: Nhưng hiện giờ chúng ta đang ở cõi Ta-bà, hằng ngày phải đối diện với nhiều phiền não khổ đau, làm sao để đối phó và vượt qua những chướng ngại đó, hay chỉ cần niệm Phật A-di-đà là đủ?

A: Tu Tịnh độ mà nếu chúng ta không xa lìa ham muốn, không buông bỏ yêu-ghét, thị phi, không thoát ra khỏi lưới ái dục, còn luyến tiếc hư danh, tài sản, v.v... thì cho dù đức Phật A-di-đà có đến rước, e rằng chúng ta cũng không đi nổi, vì nghiệp ái quá nặng, không phải sao? ! J J !!

B: Hay! Bạn nói làm tôi nhớ đến câu chuyện của Thangtong Gyelpo, vị Thầy Mật tông Tây Tạng nổi tiếng về phép “chuyển di tâm thức” (Phowa); nghĩa là có khả năng tống thần thức của người hấp hối về thẳng cõi Cực lạc. Người nào vừa chết hay đang hấp hối mà có duyên lành gặp được hay thỉnh được Ngài thì coi như chắc chắn vãng sanh.

C: Thật là kỳ diệu, câu chuyện như thế nào?

B: Một hôm, Ngài đến một làng kia, tập họp dân làng lại và tuyên bố rằng: hôm nay là ngày lành tháng tốt, ai muốn về Cực lạc ta sẽ giúp cho. Nói xong, Ngài nhìn khắp mọi người nhưng không ai trả lời ngài cả, trong khi ngày thường, họ băng ngàn lội suối để thỉnh Ngài về nhà làm phép phowa hay cầu siêu cho thân nhân. Thấy lạ, Ngài hỏi từng người. Chỉ vào một thanh niên, Ngài hỏi: Chú không muốn về Cực lạc à? Người thanh niên trả lời: Dạ, thưa Ngài con muốn lắm chứ nhưng còn mẹ già nên không thể bỏ đi; chỉ vào một người trung niên, Ngài hỏi: Anh có muốn về Cực lạc không? - Thưa Ngài, con muốn lắm nhưng bây giờ còn vợ con nên chưa đi được, v.v… Cứ như thế Ngài hỏi hết mọi người trong làng, cả người trẻ lẫn người già, người nào cũng từ chối chưa muốn về Cực lạc bây giờ với đủ mọi lý do: còn cha mẹ, vợ con, ruộng đất, nhà cửa, nợ nần, v.v... và v.v... Cuối cùng có một em bé 10 tuổi bằng lòng về cõi Cực lạc ngay hôm nay - em mồ côi cha mẹ và không có họ hàng bà con gì hết!

C: Hèn gì đức Phật ngày xưa khi về kinh thành Ca-tỳ-la-vệ chỉ cho phép những người xuất gia mới được đi theo Ngài thôi!

A: Tôi nghĩ rằng ngay cả những vị xuất gia nếu có mặt trong làng trên đây cũng chưa chắc đã sẵn sàng để về Cực lạc ngay bây giờ vì quí Ngài còn nhiều việc phải làm như việc Chùa, những Phật sự quan trọng còn dang dở, v.v…

B: Đúng vậy, như bạn A đã nói hồi nãy, tu Tịnh độ cũng phải trau giồi phước huệ, làm chủ tâm ý, có định lực để xa lìa ái dục, xa lìa ham muốn… thì khi lâm chung, đức Phật A-di-đà đến rước mới đủ dũng cảm cắt đứt những hệ lụy tình cảm thế gian thường tình đi theo Ngài về Cực lạc được chứ!

C: Đúng rồi, chỉ có Thần Chết, xuất hiện bất cứ lúc nào mới đem một người đi khi thọ mạng đã hết, không ai lấy hẹn trước, cũng không ai từ chối được mà thôi. Vì vậy, ta phải chuẩn bị để khi Thần Chết hiện ra ta vẫn còn sáng suốt để nhất tâm niệm Phật A-di-đà, cầu Ngài đến rước chúng ta về Cực lạc, phải không?

A: Phải, phải! Những ai đang tu Tịnh Ðộ có nghĩa là họ đã biết và đã gieo duyên với đức Phật A-di-đà từ nhiều đời nhiều kiếp trước nhưng nghiệp ái quá nặng, định tâm còn yếu nên chưa xả được, vì vậy mới kẹt lại Ta-bà đó thôi. Chư Tổ có câu: “Ái bất trọng bất sinh Ta-bà, niệm bất nhất bất sinh Tịnh Ðộ” đã rõ ràng quá rồi!

C: Câu đó nghĩa là gì vậy?

B: Nghĩa là “nghiệp ái không nặng thì đã không sinh ra ở cõi Ta-bà này, niệm Phật không nhất tâm thì không thể sinh về Tịnh Ðộ Cực lạc được”.

C: Như vậy, tu Tịnh thêm Thiền để tăng định lực như thế nào hở các bạn?

A: Bạn chia thời khóa biểu ngồi Thiền, niệm Phật... hay thực hành chuyên niệm là tốt nhất.

B: Ngồi Thiền giúp thân trụ vững vàng thì tâm mới định. Trong lúc ngồi niệm Phật, bạn phải nhiếp tâm chăm chú không để những ý tưởng khác chen vào; nếu có một tạp niệm thì phải nhận ra ngay, trở về với chánh niệm, để biết rằng niệm Phật là nhớ nghĩ đến Phật; chứ niệm Phật mà nhớ nghĩ chuyện đời, vui buồn giận hờn, v.v... thì làm sao tương ưng với Phật và cảnh giới Tịnh Ðộ của Phật được?

C: Cảm ơn các bạn nhiều, tôi đã hiểu vì sao niệm Phật không chuyên nhất thì không thể sinh về thế giới Tây phương Cực lạc được.

A: Dù tu Thiền, tu Tịnh hay Thiền Tịnh song tu nhưng đang còn sống ở thế gian này, chúng ta vẫn phải thực hành những công hạnh khác như Lễ Phật, Sám hối, Bố thí, Cúng dường… để tạo phước, mới mong nghiệp chướng (hay ma chướng của ngoại cảnh hay ở ngay trong tâm chúng ta) không phá hoại đường tu của chúng ta.

B: Đúng vậy, mục đích chính của Tu hành là để cầu giải thoát sinh tử luân hồi. Tu Thiền, tu Tịnh độ, tu Mật tông… hay bất cứ tu pháp môn nào mà vẫn còn tham đắm thế gian, không xa lìa ái dục, thì cũng giống như muốn chèo thuyền qua sông mà dây neo buộc vào bờ vẫn chưa chịu tháo ra! J J !!

C: Các bạn có nghe nói Ta-bà với Tịnh Ðộ là một hay không? Và có nghe bài kệ này chưa?

Trang nghiêm Tịnh độ

Nơi cõi Ta-bà

Ðất Tâm thanh tịnh

Hiển lộ ngàn hoa.

 

A: Có nghe rồi! Đó là quan niệm của Thiền “bây-giờ và ở-đây” (now and here); theo đó, chánh niệm là Tịnh Ðộ, là An Lạc rồi. Lúc đó dù ta đang uống trà, đang đánh răng súc miệng, đang mở máy TV hay máy vi tính (computer), đang lặt rau, đang đổ rác, v.v… Nghĩa là bất cứ đang làm việc gì bình thường nhất, giản dị nhất, ta cũng cảm nhận được thực tại nhiệm mầu, cảm nhận được cái tịnh trong cái bất tịnh (cái sạch trong cái ), cái thường trong vô thường, vì lúc đó tâm ta đang ở trạng thái thật thanh tịnh, vườn tâm đang nở hoa .

B: Có phải bạn nói những thi kệ phỏng theo “Tỳ-ni thiết yếu nhật dụng” mà chúng ta đã dạy cho các em học thuộc và áp dụng trong đời sống hằng ngày không?

A: Phải đó!

C: Tôi cũng đã nhớ ra rồi, để tôi đọc các bạn nghe nha!

Chén trà trong hai tay

Chánh niệm nâng tròn đầy

Thân và tâm an trú

Bây giờ và ở đây.

 

Ðánh răng và súc miệng

Cho sạch nghiệp nói năng

Miệng thơm lời chánh ngữ

Hoa nở tự vườn tâm.

 

Một thùng rác bẩn

Một bông hồng thơm

Muôn vật chuyển hóa

Thường trong vô thường.

 

Mặt trời xanh rờn

Một rổ rau tươi

Vạn pháp nương nhau

Làm nên cuộc đời.

 

C: Tôi quên mất 2 bài về máy vi tính và xem TV rồi!

B: Đó là :

Tâm là máy truyền hình

Với muôn ngàn nút bấm

Chọn thế giới an lành

Cho tươi vui cuộc sống.

 

Thắp lên máy vi tính

Ý tiếp xúc với tàng

Tuệ giác càng tăng trưởng

Nuôi lớn “hiểu” và “thương”.

 

A: Nói tóm lại, Ta-bà hay Cực lạc đều xuất phát từ tâm, khi tâm ta thanh tịnh, ta thấy thế giới thanh tịnh; khi tâm ta lăng xăng, ngoại cảnh đều lăng xăng tán loạn theo… Trong cuộc sống, vì vậy nhiều khi trong một vài sát-na nào đó, một vài giây phút nào đó, ta quả thật đã nếm được mùi vị an lạc của thế giới thanh tịnh ở cõi Tây phương Cực lạc của đức Phật A-di-đà, chỉ là không lâu, ta lại bị cuốn hút vào những ham muốn, vui buồn, đấu tranh… của cuộc đời, nên đời đời cứ trôi lăn trong sinh tử.

B: Như vậy hôm nay chúng ta đã giải quyết được nhiều nghi vấn về tu hành, về Nhân gian Tịnh Ðộ, Tự lực, Tha lực… Thật vui và lợi ích, xin tạm biệt các bạn, chúng ta hẹn gặp lại lần sau nha!

A và C: Tạm biệt, tạm biệt!

 

Trợ Niệm Khi Lâm Chung
Nguyên Liên

                                     
(Tiếp theo pl20)

Như bài trước chúng tôi đã nói, việc vãng sanh hay không tùy thuộc một phần lớn vào sự trợ duyên niệm Phật khi người bịnh sắp lâm chung. Vì thế, việc phát tâm đến trợ niệm cho người khác, có công đức bất khả tư nghì. Tất nhiên muốn thành tựu trọn vẹn công đức, đòi hỏi người trợ niệm phải làm đúng pháp. Việc làm của người trợ niệm, khi đến trợ niệm cho người sắp lâm chung bao gồm một số công việc cụ thể sau:

A. Việc làm của người trợ niệm:

1. Phải có tâm nguyện Bồ-tát:

Điều kiện cần thiết của người trợ niệm khi cử hành pháp trợ niệm là phải có tâm nguyện của Bồ-tát. Tâm nguyện Bồ-tát là tâm trên cầu Phật đạo, dưới cứu độ vạn loại chúng sanh. Nói chung, Bồ-tát là những vị khi làm một công việc gì đều không nghĩ đến quyền lợi bản thân, mà luôn nghĩ việc làm đó có lợi ích cho chúng sanh hay không. Nếu việc làm đó có lợi ích chúng sanh thì dù tan thân nát mạng, thậm chí phải đọa vào địa ngục, Bồ-tát vẫn hoan hỷ làm. 

Vì thế, người trợ niệm khi đến trợ niệm cho người khác, nên đem tâm từ bi, tâm chân thật mà làm, không được ngại khó ngại khổ, không được phô diễn hình thức, không được cầu danh lợi. Đối người bịnh phải có lòng thương yêu trìu mến, xem họ như là người bà con thân thuộc của mình.

Thái độ đối với bịnh nhân nên thương yêu nhẹ nhàng, lời nói từ tốn nhu nhuyến, sao cho người bịnh nghe rõ. Vận dụng hết tâm lực để niệm Phật, cầu nguyện cho người bịnh vãng sanh. Đồng thời khuyên nhủ gia đình làm đúng với tinh thần chánh pháp. Nên biết, phát tâm trợ niệm người khác chính là thay thế đức Như Lai, đảm nhận trách nhiệm cứu độ chúng sanh thoát ly sanh tử. Công việc này vô cùng hệ trọng và có công đức rất lớn.

2. Dặn dò người nhà:

Phần nhiều những gia đình không biết Phật pháp, trước cảnh sanh ly tử biệt khó ai có thể ngăn cản những nỗi đau thương luyến tiếc, và không làm sao tránh khỏi cảnh rối bời. Nếu người trợ niệm không có đôi lời dặn dò chỉ bảo, thì khó có thể thành tựu pháp trợ niệm, người chết khó đạt được sự lợi ích chân thật.

Trước khi trợ niệm, người trợ niệm nên đả thông tư tưởng cho gia đình, đại để gọi gia đình lại dặn dò: “Cuộc đời là vô thường, có sanh tức có tử, có hội họp tất có biệt ly. Giờ phút này các vị nếu có tình thương yêu người bịnh, không được khóc lóc, chỉ nên nhất tâm niệm Phật, cầu nguyện cho người bịnh vãng sanh. Việc vãng sanh hay đọa lạc, trách nhiệm phần lớn tùy thuộc vào các vị. Các vị muốn người thân vãng sanh, từ giờ này nên làm theo sự chỉ đạo của tôi”.

Đồng thời, nhắc nhở gia đình phát tâm ăn chay, không sát hại chúng sanh, không nghe theo những tà thuyết sai lầm của thế gian, khuyến khích gia đình nên vì người bịnh làm các công đức, tuyệt đối không được khóc lóc, mà chỉ hướng tâm theo tiếng niệm Phật, để cầu nguyện cho người chết được vãng sanh.

3. Có tâm thương yêu người bịnh:

Người trợ niệm phải có tâm thương yêu người bịnh, nên quán sát bản thân họ, xem như là người bà con thân thuộc của mình. Bởi vì người bịnh mặc dầu không phải bà con thân tộc trong hiện đời, nhưng hoặc một đời, hai đời, ba đời trước cũng là bà con với nhau, không thể cho rằng chúng ta với họ không có liên quan tình huyết thống. Người trợ niệm nếu xem người bịnh như là người bà con, thì tâm trợ niệm niệm Phật, lúc đó mới thật sự chí thành khẩn thiết.

Khi vào phòng người bịnh, thái độ của người trợ niệm phải hết sức thương yêu thành khẩn, lời nói từ tốn nhẹ nhàng, sao cho người bịnh nghe hiểu rõ ràng, để trong tâm họ không có chút hoài nghi. Trước hết, người trợ niệm nên tán thán những công đức trong đời người bịnh tạo được, khiến bịnh nhân sanh tâm hoan hỷ; kế đến, nói những sự thù thắng vi diệu của thế giới Cực lạc, khiến họ sanh tâm an ổn và khởi lòng chánh tín cầu sanh Tây phương. Đồng thời khuyến khích người bịnh nên buông bỏ mọi duyên, một lòng tưởng Phật niệm Phật cầu nguyện vãng sanh.

4. Ngăn không cho bà con khóc lóc, thăm hỏi:

Trong phòng bịnh, trừ người khai thị, tất cả mọi người không được phép, đến bên người bịnh hỏi han, trò chuyện, cũng không được ở trong phòng bịnh nói chuyện tạp, nếu bịnh nhân nghe được, sẽ phân tâm, mất chánh niệm. Nếu có bà con, hàng xóm muốn đến thăm hỏi, người trợ niệm nên ngăn lại: “Ông đến đây là để trợ niệm cho người bịnh phải không? Nếu vậy ông hãy nên nghe theo tôi, hầu tránh  chướng ngại cho người bịnh”.

Còn họ không phải đến trợ giúp người bịnh niệm Phật, lúc đó người trợ niệm nên bảo gia đình, mời những người này sang phòng bên tiếp đãi, để tránh cho người bịnh gặp mặt khiến phát sanh tình ái dục niệm, chướng ngại sự vãng sanh.

Gặp tình huống này, người trợ niệm không nên ngại khó hoặc vị tình mà không làm. Có điều gia đình nên tìm cách giải thích cho họ hiểu, hầu tránh sự mất lòng. Nếu để họ gặp người bịnh rồi khóc lóc hỏi han, thì làm cho người bịnh không được chánh niệm và hoàn toàn không phù hợp với tông chỉ trợ niệm.

5. Khai thị trước khi trợ niệm:

Người trợ niệm đến, trước khi cử hành pháp trợ niệm cần có đôi lời khai thị cho người bịnh. Nội dung khai thị đại để như sau.

“Ông nên biết, phàm làm người không một ai có thể tránh khỏi cảnh sanh, già, bịnh, chết. Nay thân ông đang bịnh, nhưng tâm ông không nên sầu khổ, mà hãy chuyên trì danh hiệu Phật A-di-dà, niệm niệm duyên theo câu Phật hiệu, mong cầu vãng sanh Tây phương, như thế ngay đây bịnh khổ sẽ không gây tác hại.

Chúng ta là người tu niệm Phật, không luận sự tình như thế nào, đến lúc lâm chung mọi việc đều nên buông bỏ, trong tâm chỉ có một câu Phật hiệu. Không nên nghe theo những lời chỉ dạy của hạng người không có tri thức, có chút bịnh khổ rồi cầu trời thần, ma quỷ bảo hộ. Giờ phút này trong tâm ông, chỉ duy trì một ý niệm, là mong cầu chư Phật, Bồ-tát đến tiếp độ vãng sanh. Nếu ông nghe theo lời tôi buông hết duyên trần, một lòng tưởng Phật niệm Phật, thì quyết được vãng sanh. Chúng tôi sẽ niệm Phật trợ niệm cho ông, ông hãy duyên theo tiếng niệm Phật mà niệm”.

6. Tiếng niệm Phật cần rõ ràng:

Người bịnh nếu còn tỉnh, trước khi niệm Phật, người trợ niệm nên hỏi qua ý kiến, không được tùy theo ý mình mà niệm, khiến người bịnh khó đạt được sự lợi ích. Hỏi thăm họ thích niệm nhanh hay chậm, cao hay thấp… bốn chữ hay sáu chữ, rồi tùy theo ý người bịnh mà niệm Phật trợ niệm.
Còn như người bịnh mệt không trả lời được, thì tiếng niệm Phật không được quá nhanh, nếu nhanh quá nghe không rõ ràng; cũng không nên quá chậm, nếu chậm quá tiếng niệm Phật sẽ rời rạc; cũng không nên quá cao, nếu cao quá người trợ niệm khó niệm lâu dài; cũng không nên quá thấp, nếu thấp quá người bịnh nghe không rõ. Vì thế tiếng niệm Phật không nhanh không chậm, không cao không thấp, mỗi câu mỗi chữ trong trẻo rõ ràng, khiến mỗi câu hồng danh Phật đều lọt vào tai, làm cho người bịnh sanh tâm hoan hỷ khoái lạc.

Nên nhớ lúc trợ niệm, là thời điểm người bịnh khí lực rất yếu, bản thân họ niệm Phật không nổi, hoàn toàn nương vào câu Phật hiệu của người khác. Nếu tiếng niệm Phật rõ ràng, trong trẻo, câu chữ phân minh, như thế tâm người bịnh sẽ rất dễ đi vào chánh định.

7. Theo dõi thái độ người bịnh:

Trong thời gian niệm Phật, người trợ niệm nên theo dõi thái độ người bịnh. Nếu đang trợ niệm, người bịnh có những biểu hiện như khuôn mặt sầu khổ, người toát mồ hôi, hoặc đầu thân, tay chân cử động, hoặc không hoan hỷ khi nghe tiếng niệm Phật, hoặc có những điều nghi ngờ, hoặc rơi vào trạng thái hôn mê không hay biết... đây là hiện tướng của nghiệp chướng phát khởi, do công phu niệm Phật của người bịnh chưa vững chải.

Gặp các trường hợp đó, người trợ niệm nên đến bên người bịnh răn nhắc: “Cảnh giới Tây phương cực lạc hiện đang ở trước mặt ông, ông nên cố gắng trì niệm danh hiệu Phật A-di-dà để được vãng sanh”. Lại tiếp tục để ý thần sắc người bịnh, nếu vẫn tương tự như trước, người trợ niệm nên nhắc lại lời đó lần nữa, tối đa không quá ba lần, sau đó chỉ niệm Phật lớn tiếng mà thôi.

Trợ niệm một thời gian, đột nhiên người bịnh tinh thần có sự phân minh, sảng khoái, nói chuyện, hoặc thở dài cho đến tay chân cử động… Lúc đó, người trợ niệm đặc biệt chú ý, tiếp tục khẩn thiết niệm Phật, không để một ai khóc lóc, thăm hỏi, rờ rẫm. Nên biết kể từ thời điểm người bịnh xảy ra tình huống này, không quá hai tiếng đồng hồ sau bịnh nhân sẽ tắt thở. Tất cả mọi người khi sắp chết, phần nhiều đều rơi vào trạng huống này.

Tóm lại, đối với một số tình huống như thế xảy ra, người trợ niệm phải theo dõi để kịp thời xử lý, như thế người chết mới có được sự lợi ích.

8. Ngăn không cho gia đình làm những việc sai quấy:

Những gia đình rơi vào cảnh có người thân mất, trừ những người có niềm tin Tam bảo, họ sẽ rối bời và hay nghe theo những tà thuyết sai lầm. Người trợ niệm phải có trách nhiệm, chỉ vẽ họ làm những việc phù hợp với chánh pháp, khiến kẻ còn người mất đều được lợi ích.

Người trợ niệm khuyên gia đình, nếu có lòng thương yêu người chết, thì chỉ một lòng niệm Phật trợ niệm cho người chết được vãng sanh, không nên khóc lóc, rờ rẫm người chết. Trong thời gian cử hành tang lễ cho đến 49 ngày, gia đình nên phát tâm cúng chay, ăn chay, không nên sát hại chúng sanh cúng tế quỷ thần, không được đốt giấy tiền vàng mã...
Đồng thời mời chư tăng, Phật tử cũng như gia quyến tụng kinh niệm Phật, xuất tài vật làm các việc phước thiện, như cúng dường, bố thí để hồi hướng công đức cho người quá cố, khiến họ nương nhờ phước nghiệp, mà được siêu thăng cõi Phật.

B. Phương thức trợ niệm:

Phương pháp trợ niệm khi lâm chung, qua việc tham khảo kinh nghiệm các bậc cổ đức, chúng tôi xin nêu ra năm điểm sau:

1. Khai thị trước khi trợ niệm:

Trước khi trợ niệm, người chủ lễ ngoài việc có đôi lời dặn dò gia đình, cần phải có lời khai thị cho người bịnh. Chúng ta trợ niệm cho người khác, không được bỏ qua phần khai thị, nếu không, người bịnh không biết mục đích trợ niệm và duyên tâm vào đâu để cầu nguyện vãng sanh.
Vì thế, người chủ lễ trước khi trợ niệm, nhất định đối trước bệnh nhân khai thị: “ Ông nên biết, giờ phút này mọi người đang niệm Phật trợ niệm cho ông, ông nên cùng mọi người đồng niệm. Nếu như sức khỏe suy nhược không thể niệm theo, ông nên lưu tâm lắng nghe mọi người niệm Phật, thì cũng như ông đang niệm. Có điều tai ông nghe câu Phật hiệu phải rõ, một câu nghe rõ một câu, một chữ nghe rõ một chữ, trong tâm nên ghi nhớ rõ ràng. Ông nên toàn tâm toàn ý hướng về âm thanh danh hiệu Phật A-di-dà”. Sau khi nói lời khai thị, mới cử hành nghi thức trợ niệm.

2. Phân ban trợ niệm:

Người trợ niệm ban ngày chia thành hai ban, ban đêm chia thành ba ban, số người mỗi ban tối thiểu hai người, hạn định một giờ đồng hồ đổi ban. Phương pháp trợ niệm, ban ngày ban thứ nhất niệm Phật lớn tiếng, ban thứ hai mặc niệm, qua một giờ đồng hồ rồi đổi ban. Ban đêm, ban thứ nhất niệm lớn tiếng ban thứ hai và ban thứ ba mặc niệm hoặc có thể nghỉ ngơi, niệm một giờ đồng hồ rồi lại đổi ban.

Như thế cứ luân phiên thay ban, không luận là ba ngày, năm ngày, bảy ngày, nửa tháng, một tháng đều có thể trợ niệm lâu dài. Các ban trợ niệm luân phiên theo thứ tự, khiến cho ngày đêm, âm thanh Phật hiệu tương tục. Mỗi ngày ba bữa cơm ăn, nước uống đều phân chia người khác phục vụ. Người trợ niệm sau khi dùng cơm xong, thời gian tiếp ban chưa đến, có thể thay nhau nghỉ ngơi đôi chút, để phục hồi tinh thần.

3. Nghi thức trợ niệm:

Đối với việc trợ niệm, trước hết người chủ lễ phải nên quán sát bệnh tình người bệnh. Đại để người trợ niệm đến, gặp lúc bịnh tình hệ trọng (chuẩn bị lâm chung), thì khởi đầu niệm bài kệ tán Phật (A-di-dà Phật thân kim sắc...), tiếp theo niệm câu Nam mô Tây phương Cực lạc thế giới đại từ đại bi A-di-đà Phật, rồi niệm bốn chữ hồng danh A-di-dà Phật. Pháp khí sử dụng trợ niệm chỉ dùng khánh, âm thanh mõ quá trầm không nên dùng.

Nếu bệnh đang nhẹ, lúc đó khởi đầu tán bài Liên trì hải hội, tụng một biến kinh Di đà, ba biến Vãng sanh thần chú (tốt nhất 21 biến); kệ tán Phật, tiếp theo niệm câu Nam mô Tây phương Cực lạc thế giới đại từ đại bi A-di-dà Phật, niệm sáu chữ hồng danh Nam mô A-di-dà Phật khoảng mười câu, rồi chuyển sang niệm bốn chữ hồng danh A-di-dà Phật.

4. Thời điểm hôn mê đến khi sắp chết:

Nếu đang trợ niệm, người bệnh rơi vào trạng thái hôn mê không còn hay biết, bấy giờ người trợ niệm đến bên người bịnh nói lời khai thị, đồng thời dùng khánh kê sát tai đánh một vài tiếng. Sau đó niệm lớn Phật hiệu, khiến cho người bệnh thoát lần khỏi sự hôn mê.
Khi người bệnh sắp đến lúc chấm dứt hơi thở, tất cả người trợ niệm nên nhóm lại trỡ niệm, tốt nhất cùng bà con đối trước Tam bảo, hoặc quỳ niệm hoặc lễ niệm, đồng thời trong tâm mỗi người đều quán tưởng đức Phật A-di-dà hiện phóng ánh sáng lớn tiếp độ, người chết đang ở trong hào quang của Phật chắp tay trang nghiêm, vãng sanh tịnh độ. Sau khi đã chấm dứt hơi thở độ mười phút, người trợ niệm chia thành hai ban, mỗi ban luân phiên niệm Phật khoảng nửa giờ đồng hồ, bắt đầu từ thời điểm này trở đi cần phải niệm Phật lớn tiếng, rồi cứ tuần tự đổi ban niệm Phật như trước.

5. Thời điểm tắt thở cho đến khi toàn thân lạnh hẳn:

Người bệnh sau khi đã chấm dứt hơi thở, trước khi thân thể chưa lạnh hẳn, trong giai đoạn này những vị trong ban trợ niệm cần hết sức chú ý, tuyệt đối không được thăm dò hơi nóng và bà con không được khóc lóc, chỉ nên phát tâm niệm Phật trợ niệm. Cần trải qua tám hoặc mười giờ đồng hồ, mới có thể mời một vị có sức tu hành tương đương, dùng tay nhẹ thăm dò hơi nóng, cho đến khi toàn thân người chết lạnh hẳn, việc trợ niệm mới tạm dừng. Lúc đó người trợ niệm hướng về trước Phật, thay mặt người chết hồi hướng công đức, cầu nguyện người chết vãng sanh tịnh độ.
Nếu toàn thân người chết vẫn chưa lạnh hẳn, thì không luận một ngày, hai ngày, ba ngày mọi người đều phát tâm niệm Phật lớn tiếng. Cá nhân mỗi người trợ niệm đều nên nghĩ, đây là lúc chúng ta thay thế đức Như lai, cứu độ chúng sanh thoát ly sanh tử. Mọi người không nên vì chút thời gian này, mà sanh tâm nhọc nhằn biếng nhác, khiến người chết lạc lối không được vãng sanh. Chúng ta trợ niệm với tâm như thế, mới chân chánh phát Bồ-đề tâm, hành Bồ-tát đạo, biểu hiện sự tu hành một cách thực tế.

Tóm lại: Có nhân tức có quả, có quả tức có nhân. Chúng ta phát tâm trợ niệm người khác, tương lai đến lúc lâm chung tự nhiên sẽ có người phát tâm đến trợ niệm chúng ta. Người khác nhờ chúng ta trợ niệm được vãng sanh, tương lai họ sẽ theo hầu đức Phật A-di-dà, đồng đến tiếp dẫn, dùng thần lực gia hộ, khiến chúng ta lúc lâm chung chánh niệm hiện tiền vãng sanh Cực lạc. Do vậy, thường trợ niệm người khác vãng sanh, đối với vấn đề lợi hại lúc lâm chung thật rất rõ ràng. Sau này đến thời điểm lâm chung, chúng ta cũng vận dụng kinh nghiệm quá khứ, khiến tất cả đều như pháp. Do đó sẽ không có các sự tình phát sanh ngoài ý muốn, và quyết định sẽ được vãng sanh.

 

Lý do phải làm Lành lánh Dữ và phải nguyện sanh Tịnh Độ
Tâm Tịnh

 

Có nhiều người nói rằng: “Phật dạy hết thảy Pháp là như huyễn, chơn tánh của các Pháp vốn là không. Vậy thì cần gì phải làm lành lánh dữ, việc gì phải nguyện sanh Tịnh độ.” Lời nói này mới nghe qua thì có vẻ như đúng nhưng thật ra vẫn còn nhiều điểm cần phải bàn lại.

Chúng ta đã biết rằng, phàm đức Phật có dạy điều gì thì cũng tùy theo căn cơ mà dạy. Lâu nay, chúng ta chấp mình và mọi thứ trên đời là thật có nên chúng ta mặc tình làm ác, hại người hại vật; vì vậy, đức Phật đã dạy cho chúng ta biết rõ các pháp đều giả có, không thật, để chúng ta không còn chạy theo trần cảnh mà khởi tham, sân, si, tạo biết bao ác nghiệp nữa. Có người sẽ hỏi tiếp rằng: “Nếu Phật dạy các pháp là không thật để mọi người bỏ ác làm lành, vậy sau khi họ đã làm lành rồi Phật lại dạy họ tiếp tục quán các pháp là như huyễn.” Điều này cũng rất đơn giản. Đó là vì chúng ta tuy làm lành nhưng vẫn còn chấp có mình là người tốt nên dễ sanh ngã mạn và nhiều phiền não vi tế khác đoanh vây. Vì vậy, Phật dạy chúng ta tiếp tục quán các Pháp là như huyễn để dứt sạch những phiền não còn sót lại nhờ đó trí tuệ mới phát sanh. Tâm chúng ta giống như mặt trời lúc nào cũng chiếu sáng; tùy theo mây mù nhiều hay ít mà độ sáng của mặt trời mạnh hay yếu mà thôi. Tâm ta cũng vậy, tùy theo mức độ phiền não nhiều hay ít mà tâm ta phát sanh trí huệ cạn hay sâu. Chỉ khi nào sạch hết phiền não thì tâm chúng ta mới hoàn toàn giác ngộ. Vì vậy, muốn giác ngộ rốt ráo, chúng ta cần phải thường quán các pháp là như huyễn để diệt sạch vô minh phiền não.

Mặt khác, tuy các Pháp là như huyễn nhưng vì chúng ta chưa hoàn toàn giác ngộ, bằng chứng là khi đói cần phải có cơm ăn, khi khát cần phải có nước uống nếu không chúng ta sẽ không chịu đựng nỗi, vì vậy chúng ta bắt buộc cần phải làm lành lánh dữ để gặt hái quả báo tốt đẹp và tránh quả báo xấu.

Hơn nữa, khi chúng ta làm ác thì tâm chúng ta sẽ phải chịu nhiều phiền não, khổ đau nên khó phát sanh trí tuệ giải thoát, còn khi chúng ta làm lành thì tâm chúng ta sẽ an vui, thơ thới nên rất dễ phát sanh trí tuệ.

Chính vì vậy, tuy các pháp là như huyễn, không thật nhưng chúng ta vẫn phải luôn luôn làm lành lánh dữ. Có điều cần chú ý là khi làm lành lánh dữ, chúng ta phải thường tập quán các pháp là như huyễn, không thật để mau đạt đến quả vị Giác ngộ giải thoát.

Có người lại nói: “Các pháp vốn như huyễn không thật thì việc gì chúng ta phải cầu vãng sanh Tịnh độ.”

Như trên đã nói: mặc dù các pháp là như huyễn nhưng chúng ta chưa giác ngộ rốt ráo nên khi đối duyên xúc cảnh chúng ta rất dễ phát sanh phiền não. Những phiền não này che lấp tâm ta làm cho trí huệ không thể phát sanh. Sao bằng chúng ta sanh về Tịnh độ là Thắng cảnh do các vị Phật, Bồ-tát tạo ra, ở nơi ấy không có các điều kiện làm phát sanh phiền não nhờ thế tâm ta không bị phiền não che lấp nên dễ dàng bừng sáng; vì thế, tuy biết rằng các pháp là như huyễn nhưng chúng ta vẫn cầu sanh Tịnh độ.

Khi liễu tri được điều này, chúng ta không nên thụ động đợi chết rồi mới sanh về Tịnh độ mà chúng ta phải tập an trú vào Tịnh độ ngay trong cuộc sống hằng ngày bằng cách thực tập chánh niệm. Hằng ngày, khi thân tâm ta có khổ thọ hay lạc thọ thì chúng ta đều vui vẻ đón nhận chúng. Chúng ta đừng nên níu giữ những cảm thọ vui và xua đuổi những cảm thọ khổ vì thật sự thì dù ta có níu giữ mấy đi nữa, những cảm thọ vui vẫn ra đi làm chúng ta đau khổ vì nuối tiếc, còn những cảm thọ khổ thì chúng ta càng xua đuổi, nó càng mãnh liệt và bám chặt hơn. Cách tốt nhất là chúng ta lặng lẽ ghi nhận chúng, thấy rõ chúng kể từ lúc chúng xuất hiện cho đến khi chúng ra đi để phát hiện ra bản chất vô thường của vạn vật. Khi đã thấy một cách như thật là vạn vật vô thường, thì chúng ta sẽ không còn khởi tâm tham, sân, si... đối với chúng nữa; nhờ thế tâm của chúng ta sẽ được an lạc, trí tuệ phát sanh.

Nếu chúng ta thực hành được như vậy thì chắc chắn chúng ta sẽ sống được an lành, đến khi mạng chung sẽ về cõi Phật như chúng ta thường mong cầu.

 

Đại an toàn


Thích Thái Hòa

 

Bạn muốn có đại an toàn của thân, bạn phải cẩn trọng từng động tác đi, đứng, nằm, ngồi và làm việc của thân.

Bạn muốn có đại an toàn của lời nói, bạn phải cẩn trọng từng lời nói của mình, khi phát ra đối với bất cứ ai, dù đó là người nhỏ hơn mình, hay dù đó là một trẻ thơ.
Và bạn muốn có đại an toàn của tâm ý, thì bạn phải cẩn trọng từ những cách nhìn, cách nghe và cách suy nghĩ của bạn.

Bạn nhìn và nghe không chính xác, khiến cho bạn suy nghĩ và hiểu biết vấn đề lệch lạc.
Do nhìn, nghe và hiểu không chính xác, nên lời nói và hành động của bạn tạo nên nhiều lầm lỗi, gây ra khổ đau cho người khác và làm thiệt hại phước đức của chính bạn.

Vậy, muốn đạt tới đại an toàn trong đời sống, bạn không phải chỉ cẩn trọng từng bước chân đi, mà bạn phải cẩn trọng ở nơi cách nghe, cách nhìn, cách suy nghĩ và cách hành xử của bạn.
Nếu bạn nghĩ nhiều về cái của bạn và những thành quả của bạn, thì một mảy may an toàn nơi bạn còn không có, huống gì là đại an toàn. Cẩn trọng từng bước chân đi chưa là gì của sự an toàn đâu bạn nhé, đại an toàn chính là tâm ý của bạn lắng trong, điều đó bạn tự ngẫm nghĩ mà xem!  

 

Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh
Phước Liên
 

Sau bốn mươi chín ngày tham thiền nhập định dưới cội tất-bát-la, đức Thế Tôn chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, bừng khai tuệ nhãn, thấy rõ chúng sanh hiện hữu khắp trong tứ sanh lục đạo đều có chung một thể tánh viên minh, thanh tịnh vắng lặng mà bất cứ một ai nếu hồi tâm phản chiếu, thực tâm tu tập đều có thể thành tựu thánh quả an lạc giải thoát. Qua đó chứng tỏ: đạo không ở đâu xa mà đạo ở trong tự thân của mỗi người. Mỗi con người là một vị Phật nhưng vì chơn tâm bị vô minh che lấp nên việc thành Phật, tác Tổ không thể chứng nhập; vì vậy chúng ta có thể biết rằng lục phàm tứ Thánh không ngoài cái tâm. Điều đó đã được chứng minh rất rõ ràng trong tam tạng thánh điển mà cụ thể là trong kinh Pháp Hoa, Phật dạy rằng: “Ta ra đời vì một đại sự nhân duyên là khai thị chúng sanh ngộ nhập tri kiến Phật”. Tri kiến Phật ở đây là khi ở chúng sanh chính là Phật tánh còn khi ở loài vô tình gọi là pháp tánh. Rõ ràng hơn nữa,  qua một số trích dẫn sau, chúng ta sẽ thấy rõ người xưa hiểu Phật tánh là thế nào ở loài hữu tình hay vô tình.
Sau khi đức Phật nhập Niết-bàn, vào thời Đông Tấn ở Trung Quốc, có vị Cao Tăng hiệu là Đạo Sanh (người ta thường gọi là Sanh Công), người ở Cư Lộc, là một học giả kinh Niết-bàn. Thuở nhỏ, Ngài thông minh trí tuệ hơn người. Ngài cùng với Tăng Duệ, Đạo Dung, Tăng Triệu là những vị đệ tử tài ba xuất chúng trong hàng đệ tử của ngài La Thập, bốn vị này được gọi là Quan Nội Tứ Thánh. Ngài là người tinh thông học thuyết của các vị Long Thọ, Đề-bà, cảm thương cho các học giả đương thời bị trệ nơi kinh văn, hiểu cạn cợt nghĩa lý viên dung của Phật đà nên Ngài nghiên cứu sâu lý Hữu, Không, Nhân, Quả, sáng lập thuyết: “Thiện bất thọ báo và đốn ngộ thành Phật” giải thích cho mọi người liễu tri. Nhân khi xem kinh Niết-bàn, Ngài cho rằng: Nhất-xiển-đề đều được thành Phật, khiến cho đại chúng tăng sĩ bấy giờ hoang mang. Do lúc ấy, kinh Niết-bàn chưa truyền đến Trung Hoa nên người nghe khó tin, vì thế đả phá tẩn xuất Ngài ra khỏi chùa. Về sau, khi kinh Đại Bát-niết-bàn do ngài Đàm Vô Sấm dịch truyền đến phương Nam thì lời Ngài nói trước đây mới ứng thực và mọi người mới khen thực lời Ngài có kiến thức cao vời. Theo truyền thuyết, một hôm, nhân cuộc đàm đạo giữa hội chúng, ngài Đạo Sanh nói rằng: “Ai bảo đá không có Phật tánh là người ấy phản lại lời dạy của đức Thế Tôn”. Trong hội chúng ngạc nhiên và yêu cầu Ngài chứng minh lời nói của mình để cho họ hiểu. Thế là Ngài đến núi Hổ Khâu ở Giang Tô để tịnh tu. Ngài gom đá sắp thành hàng làm đồ chúng. Lúc bấy giờ, Ngài đứng trước những viên đá kia nghiêm trang dõng dạc thuyết một thời pháp. Khi Ngài thuyết đến đoạn: “Hôm nay, ta y theo kim khẩu của đức Thế Tôn mà tuyên thuyết lại rằng: tất cả xiển đề  đều có Phật tánh. Nếu lời ấy sai thì các ngươi vẫn nằm tự nhiên, bằng nếu các ngươi nhận đúng lời ta nói là y như lời Phật dạy thì các ngươi hãy gục đầu nhận lãnh.” Câu nói của Ngài vừa dứt thì tất cả những viên đá kia gục đầu và lăn xuống triền núi. Những vị Tăng sĩ chứng kiến cảnh tượng kia liền quỳ xuống đảnh lễ và xin Ngài truyền trao tâm pháp. Sau này, ngài Đại sư Thái Hư đi viếng núi Hổ Khâu đã làm bài thơ tán thán. Có câu liên quan đến việc đá nghe pháp gật đầu như sau:

“Tiên nữ rưới hoa hà xứ xứ
Sanh Công điểm thạch vị gian đài”.

Vậy nên: “Trăng sao có thể rơi, núi đá có thể lở, biển đại dương có thể cạn nhưng những lời đức Thế Tôn dạy vẫn không bao giờ sai trật”.

Để minh chứng thêm những lời đức Phật dạy là chân thật ngữ, trong chuyện thiền có kể đến câu chuyện khế hợp với căn cơ của hội chúng mà chỉ bày pháp thoại khác nhau: Có người đến hỏi ngài Triệu Châu Tùng Thẩm: Con chó có Phật tánh không? Ngài đáp: Không. Người kia thắc mắc: Sao trong kinh Phật dạy: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh?” Ngài giải thích: vì bị nghiệp thức che đậy nên con chó không thấy, không biết, nên có cũng như không.

Một lần khác có người đến hỏi Ngài: Con chó có Phật tánh không? Ngài đáp: Có. Người kia gạn hỏi: Đã có Phật tánh vì sao lại chui vô đãy da nhơ nhớp lông lá lùi xùi như vậy? Ngài giải thích: Vì biết mà cố phạm. Biết là tánh sáng suốt, là Phật tánh nhưng không tránh khỏi nên phải chui vào đãy da nhơ nhớp.

Chúng ta cũng vậy, bấy lâu nay lang thang trong bể khổ trầm luân sanh tử, cũng bởi vì si mê lầm chấp, bỏ giác hiệp trần, không nhận chân ra được bộ mặt thật của chính ta, không thấy chủ nhân ông của chính ta trong từng sát na nên cứ chạy theo ảo giác vọng tưởng bên ngoài, rồi xa dần tánh giác. Tưởng giả là thật, thấy thật tưởng giả, thấy chơn tưởng vọng, tưởng vọng là chơn, cứ xoay vòng đảo điên như vậy nên không tìm cho mình được lối ra. Thật, giả khó phân thì đạo pháp làm sao khế hợp. Cho nên, đức Phật mới đưa ra nhiều pháp môn, trong đó bốn phương pháp mầu nhiệm đánh mạnh vào cái mê tham chấp của chúng sanh, chỉ cho chúng sanh thấy rõ cuộc đời là một biển khổ, có khổ thì có nguyên nhân đưa đến đau khổ, mà nguyên nhân đó lại chính là vô minh, tham ái, chấp thủ của chúng ta. Sau khi thấy khổ thì chúng ta mới liễu ngộ được có khổ thì phải có không khổ và cố gắng tu tập để đạt được hạnh phúc. Chính do vì chúng ta vẫn thấy rõ tập đế là nguyên nhân dẫn dắt chúng sanh loanh quanh trong lục đạo, là sai trái và đem lại đau khổ, dù thấy thì thấy, biết thì biết, học thì học nhưng đâu có ai thực hành, dứt bỏ. Thấy là một lẽ, học là một lẽ, vẫn biết vẫn quán nhưng hành là một việc khác, đến khi gặp sự việc thì tất cả sự thấy biết với cái tâm chấp ngã của mình thì càng rõ ràng hơn, mới thấy rằng bản ngã của con người rất lớn. Vậy nguyên nhân chính của sự đau khổ là do đâu? Có phải là do cái tâm vô minh chấp ngã đã hằng hữu lâu đời lâu kiếp của chúng ta không? Hay là cái tâm chấp thủ sanh khởi trong hiện tại? Nên biết rằng, cái tâm của hôm nay là cái tâm của tất cả sự huân tập những sự vật thật hay giả trong quá khứ tạo thành. Cái tâm đó song hành với chúng sanh từ khởi nguyên cho đến lúc thành Chánh giác. Khi còn chúng sanh thì nó hiện hữu, còn khi thành Phật thì nó liền chuyển mê thành ngộ, chuyển thức thành trí, và lúc này cái tâm ấy không còn hiện hữu mà là một thể thanh tịnh hoàn toàn. Trong cuộc sống chúng ta cũng vậy, bị đoanh vây bởi lưới nghiệp phiền não vô minh nên không lúc nào nhận chân ra được sự thật của vạn pháp để phản quang tự kỷ, dẫu có biết điều đó là sai trái nhưng rồi chúng ta cũng không thể tránh khỏi những sai phạm.

Câu nói của ngài Triệu Châu như một lằn roi đánh thật đau vào tâm thức của tất cả chúng ta. Khiến chúng ta phải giật mình tỉnh mộng rằng, mình đang là người học Phật tu Phật, vậy mình đang sống như thế nào? Sống có thực sự làm trong sáng được cái tâm mình chưa, làm cho Phật tánh ngày càng sanh khởi chưa? Hay là đang còn trong trạng thái mê mờ cố chấp? Nhờ câu nói đó mà chúng ta mới thấy mình có tuệ giác, có khả năng thành Phật mà không lãng quên đi thệ nguyện của mình. Trong kinh, đức Phật dạy: “Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành”. Điều đó một lần nữa khẳng định, mỗi chúng ta đều có một viên minh châu giấu sẵn trong chéo áo nhưng vì mãi u mê làm tên cùng tử lang thang khắp nẻo đường lục đạo mà không thấy rõ mà thôi. Nếu được ai chỉ bày hay hướng dẫn và chúng ta thực tâm tu học thì viên minh châu đó sẽ được trả về cho chủ nhân của nó. Cũng bởi vì “biết mà cố phạm”, biết tham dục, biết sân giận, biết si mê là gốc của khổ đau luân hồi nhưng mà mấy ai chịu chấm dứt được. Thậm chí chúng ta biết rằng, rượu là giới cấm, người tu tập không được uống, nhưng khi đi chung với nhóm bạn bốn người, ba người kia rũ ngồi xuống uống rượu, chúng ta, vì thói thường của thế sự, vì sợ quê, vì tự ái, vì bản ngã mà đã mặc nhiên đi trái lại lời thệ nguyện của chính mình đã tuyên thệ trước Phật tổ. Điều này rõ ràng biết mà vẫn cố phạm. Ngoài ra, có những lãnh vực cũng khó phân biệt được trong phạm vi này, tùy theo từng cấp độ mà thẩm định giá trị có tư cách cá nhân hay phẩm hạnh tròn đầy hay không mà thôi. Đứng ở phương diện thực sự độ sanh của các vị Bồ-tát, tùy phương tiện muốn độ một ai đó hay vì lợi ích chung mà quý ngài đã ứng hiện phạm giới, còn chúng ta không nên bắt chước quý Ngài trong khi công hạnh của mình chưa đầy đủ, hay nói đúng hơn chưa thể nhập được một phần thể tánh viên minh, tự tại vô ngại.

Chúng ta hôm nay may mắn được làm thân người, có đủ trí tuệ, gặp được cơ duyên học hỏi Phật pháp kết thiện duyên với đạo lộ giải thoát đúng là một điều thật sự khó khăn. Vì thế, chúng ta cần phải nỗ lực tiến tu, đừng để một khi mất thân người rồi thì muôn kiếp không thể gặp lại. Trong bài phục nguyện hồi hướng buổi chiều, các Tổ chế ra bài cảnh tỉnh rằng: “Ngày nay đã qua, mạng cũng theo đó mà giảm dần, như cá bị rút nước nào có gì là an vui, vì thế các ngươi hãy siêng năng tinh tấn như cứu lửa cháy đầu, hãy luôn nhớ nghĩ đến cảnh vô thường, cẩn thận không nên buông lung”. Lời cảnh tỉnh chứa đựng một lời răn thống thiết khuyên dạy hàng đệ tử, cảnh tỉnh mọi người đang sống hiện hữu ở đời hãy cố gắng sống sao cho lợi ích đừng luống qua thời gian rồi không biết mình sống chết ra sao?. Một hơi thở ra  mà không thở vào là sang một đời sống khác. Thế nên phải luôn siêng năng tinh tấn không nên biếng trễ, bởi thân người khó gặp, Phật pháp khó nghe nên phải cảnh tỉnh trong từng giây từng phút. Đừng để khi tấm thân này mất đi, hối tiếc nào có lợi ích gì? Chúng ta hãy suy gẫm lời Phật tổ dạy, gần gũi bậc thiện tri thức cùng sách tấn để dìu dắt nhau tiến lên bờ giải thoát.

Giải thoát không dành cho những con người biếng nhác, giải đãi, do đó trong từng sát na tâm niệm, trong từng giây phút hiện tại, chúng ta hãy luôn trân trọng những giây phút sống sao cho tâm được an tịnh, trong sáng, huân tập và sống với chánh tâm chánh niệm, có như vậy thì chúng ta sẽ không xa con đường thể nhập Thánh trí. Còn nếu không thì chúng ta mãi làm kẻ lữ hành lạc loài trên sa mạc không biết đâu là ngõ để quay về. Đức Phật chỉ là bậc Đạo sư làm người hướng dẫn cho chúng ta đi qua sa mạc, đã có người dẫn đường chỉ cần trong mỗi chúng ta hãy nỗ lực để đi hay không mà thôi. Nếu chúng ta cứ chấp chặt và không tin vào lời Đạo sư hướng dẫn thì mãi mãi chúng ta sẽ loanh quanh và chết gầy chết mòn trên sa mạc, còn nghe lời thì chúng ta sẽ vượt thoát ra khỏi sa mạc và đến được nơi an ổn. Vì thế, trong tu tập có những pháp hay, chúng ta hãy chia sẻ cùng dẫn dắt tu tập để cùng nhau vượt qua những chặng đường cam go thử thách, phía trước chắc còn nhiều chông gai đang chờ đợi, mỗi bước đi của chúng ta là mỗi bước đi lượm lặt những chông gai để biến con đường đi của chúng ta trở thành một con đường bằng phẳng trong sạch. Làm được như vậy thì đó chính là lợi ích chung của một vị hành giả đang dần tiến đến Phật đạo. Cảm hóa hữu tình hay vô tình, con đường đó chính là con đường để đi vào đạo lộ Phật tánh của mỗi chúng sanh. Chỉ khi chúng ta thể nhập được Phật tánh thì lúc đó tâm tánh của chúng sanh và ta hoàn toàn không khác, tất cả muôn vật cây cỏ đá hoa… cho đến con người không cái gì không là pháp, là Phật. Vì thế mới gọi là: “Phật pháp bất ly thế gian giác” có nghĩa là Phật pháp không ngoài các pháp thế gian mà giác ngộ. Cũng như ngài Huệ Năng khi nghe pháp ngộ đạo, Ngài thốt lời than rằng: “ai dè tánh mình vốn sẵn thanh tịnh, ai dè tánh mình vốn chẳng sanh diệt, ai dè tánh mình vốn sẳn có đủ, ai dè tánh mình không lay động” để một lần nữa cho biết tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, Phật tánh ấy chính là tự tánh thanh tịnh tâm của mình.

Bụt là vầng trăng sáng
Đi ngang trời thái không
Hồ tâm chúng sanh lặn
Trăng hiện bóng trong ngần.

 

Đâu là nguồn chân hạnh phúc?


Lam Yên
 

Ngay từ khi Thế Tôn còn hiện hữu giữa cuộc đời, những vị Tỳ-kheo đã từng được diện kiến đức Thế Tôn trong những buổi pháp thoại tại tinh xá Kỳ Hoàn, hay tinh xá Trúc Lâm. Hai nơi này là nơi hội tụ Tăng đoàn rất đông và chính nơi đây, Ngài đã khai thị cho khá nhiều những vị Tỳ-kheo xuất gia từ hàng vương giả cho đến giới bình dân. Thế nhưng, không phải mọi người đều lãnh hội chân lý thậm thâm vi diệu trong cùng một thời điểm mà mỗi người lãnh hội tùy theo khả năng nhận thức và suy nghĩ của riêng mình; cũng như một trận mưa xuống cây cỏ đều được hấp thụ. Song tùy theo từng loại thảo mộc mà thấm nhuần có nhiều ít. Suốt cuộc đời hành đạo và hóa đạo, Ngài tùy căn cơ đồ chúng mà giảng dạy, không phải ai cũng tuệ tri tánh tướng của sự vật một cách triệt để mà sự nhận thức có sai biệt theo quan kiến của từng người. Đây là câu chuyện của bốn vị Tỳ-kheo đàm luận trong một buổi chiều êm ả bên cạnh Kỳ Viên tinh xá với nội dung “đâu là nguồn chân hạnh phúc?”.

Bóng tà dương đang xuống dần sau dãy núi Malaya (Hi-mã-lạp-sơn). Gió muôn phương thổi lại, mang hương hoa về ướp thơm cảnh vật nơi tinh xá Kỳ Hoàn vào một chiều xuân. Cỏ cây làng mạc đượm vẻ thái bình, thanh tĩnh trong buổi hoàng hôn ấy.

Giữa thiên nhiên êm đềm, vừa ẩn vẻ hùng tráng, bốn vị Sa-môn cùng ngồi bàn luận dưới gốc cây cổ thụ trong tinh xá. Mỗi người đều có cảm giác rất riêng trong không gian thanh vắng như thế. Bỗng một vị lên tiếng bảo: “Này, các đạo huynh! Chúng ta hãy nghiệm xem trong đời có điều chi đáng yêu và thích thú nhất?”. Nghe vị ấy nói, cả ba đều tỏ vẻ tán thành nói tiếp: “Hay lắm, chúng ta mỗi người nên suy nghĩ, rồi đưa ra quan niệm của mình để giải đáp xem ai đưa ra điều thích thú có lý nhất?”

Sau một hồi suy nghĩ, hình dung trong tâm tưởng, vị thứ nhất lên tiếng: “Theo tôi, vào tiết trong xuân, cỏ cây khoe sắc, muôn hoa hàm tiếu, chim hót líu lo, cảnh sắc như thắm đượm sự hiền hòa, phong cảnh thật là đẹp! Trong lúc ấy, ví ta được thả chiếc thuyền nhẹ theo dòng nước, hay mang bầu rượu đến sườn non thưởng ngoạn cảnh vật của đất trời, chắc trong đời không chi thích thú bằng!”

Vị thứ hai đáp: “Theo ý tôi, cảnh gia đình sum họp sau bao năm xa cách vẫn là vui nhất. Thế nhưng, cảnh sum họp ấy nếu có thêm vào đấy những sơn hào hải vị cùng rượu quý bên cạnh những điệu nhạc khoan nhặt, tiết tấu êm tai, với bao kĩ nữ tuyệt sắc cận kề, thì tôi thiết tưởng hạnh phúc trong đời chỉ trong ngần ấy!”

Vị thứ ba nói: “Tôi nghĩ, nếu ta được sanh ra trong dòng tôn quí giàu sang, ở cung vàng điện ngọc, châu báu đầy kho, ta muốn tận hưởng điều chi tùy thích. Khi ra đi, có xe ngựa, tôi tớ nâng chân sửa áo phục tùng. Về đến nhà, ta gọi đến lắm kẻ kính thưa hầu hạ! Trong cảnh ấy, thử hỏi còn hạnh phúc nào hơn? Theo ý tôi đó là hạnh phúc tột bực.”

Vị thứ tư lại bảo: “Cuộc đời này nếu chúng ta muốn tiền thì cũng có thể kiếm được, muốn có địa vị dùng tiền đổi lấy, rồi từ địa vị ta lại kiếm được tiền, điều ấy có lẽ còn dễ hơn tìm kiếm giai nhân. Nếu người nào có được đôi ba nàng hầu tuyệt sắc, kẻ ấy chưa chắc vua chúa sánh bằng. Còn hạnh phúc nào hơn khi cùng những người đẹp ngắm cảnh sơn thủy bâng khuâng dường lạc non hồng, lúc nghe giọng hát du dương, ngơ ngẩn như vào động bích, lại có lúc cùng người đẹp cạn chén đồng tâm, thỏ thẻ bên tai những lời êm ả, cùng ngắm mây xanh bàn câu phong nguyệt, chắc rằng hạnh phúc giữa trần gian không qua mấy điều tôi vừa kể.”

Sau khi nêu lên suy nghĩ của mình, bốn vị đều cho ý nghĩ của mình là đúng nhất, không ai chịu thua, cùng nhau tranh luận, bất phân thắng bại.

Bấy giờ, cách đấy không xa, đức Thế Tôn đang đi kinh hành quanh tinh xá Kỳ Hoàn, nghe sự bàn luận ấy, Ngài động lòng thương xót cho bốn vị Tỳ-kheo kia, liền bước đến hỏi: “Các ông bàn luận chuyện gì thế?” Bốn vị Tỳ-kheo không dám che giấu, phải đem sự thật thưa lên Ngài. Đức Phật bảo: “Những điều các ông vừa nói, đều là đường lối đi  vào sự lo sợ, đau buồn, là địa ngục không có lối thoát, không phải hạnh phúc lâu dài, chân thật. Vì sao?”

Cảnh vật dù có tươi đẹp trong mùa Xuân, nhưng sang mùa Thu, đến Đông phải tàn tạ, héo gầy. Thân quyến tuy sum họp, vui cười, song có lúc sẽ phải đau khổ vì nỗi chia lìa cách biệt. Tiền của, xe ngựa là những vật không lâu bền, là những thứ ở ngoài thân, khi chết không đem theo được, đến như sắc dục là mối nguy hại vô cùng, nó làm cho con người thân thể suy mòn, tinh thần mờ mịt, chính vì sắc dục làm quốc gia suy vong vì những kẻ tham đắm nó. Những vấn đề các ông bàn luận ở đây đều là mối nguy hại, đều là con đường bước vào đau khổ triền miên, chính nó là nguyên nhân cho sự luân hồi bất tận. Chỉ có cảnh Niết-bàn là sáng suốt, thường còn, an vui trong sạch, đấy mới là nguồn hạnh phúc chân thật. Là Sa-môn, từ thân cắt ái, đoạn trừ những tham muốn nhiễm ô, lánh trần tìm đạo, các ông đừng để cho sự vui giả dối ám ảnh, mà tiến theo con đường chân chánh sáng suốt của mình”.

Nơi đây, đức Thế Tôn khuyên nhắc các vị Tỳ-kheo nên là kẻ thừa tự pháp, chứ không nên là kẻ thừa tự vật và Ngài nêu lên lý do tại sao thừa tự pháp tốt hơn. Bởi vì:


1. Bởi vì nếu chúng ta thừa tự tài vật thì cả thầy lẫn trò đều bị chê trách.
2. Là đệ tử của Phật  chúng ta không nên bám víu vào của cải vật chất.
3. Vì thừa tự pháp giúp chúng ta sử dụng tài vật hợp lý.
4. Với pháp, chúng ta sẽ hạnh phúc trong giờ phút hiện tại, trong khi người đi tìm vật chất chỉ sống với quá khứ và tương lai.
5. Của cải vật chất chỉ làm ta thèm muốn có thêm, pháp giúp ta dù có ít tài vật vẫn vui.
6. Những ai thừa tự pháp không bao giờ khổ vì thiếu hụt vật chất, còn thừa tự tài vật thì thường nghèo nàn về pháp tài.
7. Pháp là vô hạn còn vật chất thì có giới hạn.
8. Đôi khi tài vật gây tai họa cho mình và kẻ khác.
9. Pháp dẫn đến giải thoát và dứt nhiễm ô, còn vật chất làm người ta thêm bám víu vào sanh tử.
10. Pháp không gây nhân chiến tranh xung đột nhưng vật chất thường là nguyên nhân.
11. Pháp không thể bị hủy diệt còn vật chất là thứ khả hoại, tài sản có thể bị cướp mất, nhưng ngay cả cái chết vẫn không thể cướp đi pháp tài.
12. Pháp khó gặp, tài vật dễ gặp.
13. Vật chất chỉ cứu cái xác, pháp cứu cả thân lẫn tâm.
14. Pháp dẫn đến dứt khổ, còn tài vật là nguyên nhân của khổ đau.
15. Pháp là nguồn gốc của mọi thiện pháp, tài vật thường là nguồn gốc của tội ác.
16. Pháp là vô giá, tài vật chỉ có giá trị nhất thời.
17. Pháp khiến tâm thanh tịnh, tài vật làm tâm ô nhiễm.
18. Pháp giúp cho ta tìm ra nguyên nhân của khổ, con đường dẫn đến diệt khổ còn tài vật chỉ tăng thêm lòng tham luyến thế gian.
19. Pháp mang lại sự thanh tịnh tâm hồn, tài vật mang lại sự lo âu buồn bã.
20. Pháp đi vào tim ta, còn tài vật chỉ ở năm cổng giác quan.
21. Pháp giúp ta yêu thương kẻ khác, còn tài vật là nguyên nhân khiến người ta ghét nhau.
22. Pháp giúp ta sáng mắt dễ thấy rõ sự đời, còn tài vật thì làm ta mù mắt vì tham. (Kinh Thừa tự pháp-số 3-TBộ I).

Và cũng trong chiều hôm ấy, đức Thế Tôn nhắc lại bài kệ:
Thương mừng sinh lo
Thương mừng sanh sợ
Biết rõ thương mừng
Đâu còn lo sợ.

Ham muốn sinh lo
Ham muốn sinh sợ
Nếu không ham muốn
Đâu còn lo sợ.

Ái dục sinh lo
Ái dục sinh sợ
Nếu không ái dục
Đâu còn lo sợ.

Ưa pháp trong sạch
Lòng thành biết thẹn
Sửa mình, gần đạo
Được chúng yêu mến.

Xa lìa thị dục
Nghĩ rồi mới nói
Lòng không tham ái
Sẽ thoát luân hồi.
(PC Thí dụ 50).

Đức Phật lại kể cho các vị Tỳ-kheo: “Về kiếp trước, có một vị quốc vương tên Phổ An, kết bạn thân với bốn ông vua bên nước láng giềng. Một hôm, vua Phổ An mời bốn người bạn sang nước mình hội yến. Tiệc hoa kéo dài đến 1 tháng, đàn ca, sáo thổi, thức ngon vật lạ đã làm cho tình thân hữu càng thêm đậm đà khắn khít. Đến ngày chia tay, vua Phổ An hỏi bốn người bạn rằng: “Trên đời có thú chi vui nhất?” Bốn vị quốc vương đều theo chỗ ưa thích tuần tự đưa ra mấy quan điểm: “Cuộc dạo chơi-gia đình sum họp-giàu sang sắc dục”. Vua Phổ An nói: “Những quan điểm của các ông nói là gốc của khổ não là nguồn lo sợ trước vui sau khổ, sầu lo muôn mối đều do đây mà ra chi bằng tịch tĩnh vô cầu vô dục, đạm bạc thủ đạo là an vui nhất.” Theo ý kiến của tôi: Những điều các ông bàn luận đều là thú vui mong manh, và nguyên nhân của đau khổ. Chỉ có đạo trong sạch là vui nhất.”

“Này chư Tỳ-kheo! Vua Phổ An thuở trước chính là thân ta ngày nay, còn bốn vị quốc vương kia là tiền thân của các ông đấy. Kiếp xưa, ta đã giải rõ sự khổ vui tận tường mà các ông vẫn còn ham mê tham đắm, chưa thấu hiểu và không nhận ra nên mới trôi lăn trong biển sanh tử cho đến đời này. Nếu hôm nay các ông không xem lại hành vi và ý niệm của mình, không gia công tu tập thì bánh xe sống thác khổ đau chưa biết bao giờ dừng nghĩ. Các ông hãy là kẻ thừa tự pháp thì chắc chắn hạnh phúc chân thật không ngoài tâm ý của các ông.”

 

Ghi chú: Heirs In the Dharma (Thừa tự pháp) _Trung Bộ I.
Kinh pháp cú: phẩm Hiếu hỉ thứ 26 thí dụ 50.
Phỏng tại phẩm Hiếu hỉ 26 kinh pháp cú thí dụ 50.
Phỏng theo thí dụ 50, phẩm Hiếu hỉ, kinh Pháp Cú.

 

Chuyện Người Phụ Nữ Hy sinh vì Đạo Pháp


Chánh Niệm

 

Trong Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ Tỳ Nại Da -Dược Sự, No: 1448 Quyển Thứ I có một câu chuyện rất cảm động, đó là chuyện một người phụ nữ dám lóc thịt trên mình để chế thuốc chữa bệnh cho Tỳ-kheo. Câu chuyện đó như sau:

Bấy giờ, từ nước Địch Miêu, Thế Tôn đi du hành trong nhơn gian và đến rừng Thi Lộc, nơi tiên nhơn đọa xứ thuộc Ba-la-niệt-tư. Trong thành ấy có trưởng giả tên Đại Quân, giàu sang, nhiều của cải. Ông ấy có vợ tên Đại Quân nữ, kính tín Tam bảo, hiền lành chất phát, ý thích thanh tịnh. Nghe tin Thế Tôn đi du hành từ nước Địch Miêu, đến rừng Thi Lộc nơi các vị tiên đọa xuống thuộc thành Ba-la-niệt-tư, ông ấy liền nghĩ rằng: “Đó chính là đấng Thế Tôn, đại sư của ta. Tuy ta đã nhiều lần cúng dường nhưng chưa được đầy đủ. Nay ta sẽ đem số của cải hiện có ở trong nhà dâng cúng hết cho đấng Vô Thượng Từ Tôn để biểu lộ sự cúng dường nhỏ mọn của ta.” Suy nghĩ xong, ông ấy liền đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân Ngài rồi ngồi lui lại một phía.

Bấy giờ Thế Tôn thuyết Pháp lợi ích an vui cho trưởng giả Đại Quân. Sau khi đã dùng đủ mọi phương tiện diễn giảng diệu Pháp, Ngài đứng yên lặng. Sau khi nghe Pháp, trưởng giả Đại Quân rất hoan hỷ, liền đứng dậy, trịch áo bày vai hữu, chấp tay lễ Phật mà bạch rằng: “Cúi xin Thế Tôn cùng các Bí-sô nhận lời thỉnh an cư ba tháng hạ của con, con sẽ cúng dường y phục, đồ ăn uống, ngọa cụ, thuốc thang...”

Lúc ấy, Thế Tôn im lặng nhận lời. Thấy Phật đã chấp nhận, trưởng giả rất vui mừng đảnh lễ Phật rồi ra về. Suốt ba tháng an cư, trưởng giả ấy cúng dường cho Thế Tôn và các Bí-sô đầy đủ mọi thứ không hề thiếu sót. Hàng ngày, vào sáng sớm, trưởng giả đảnh lễ sát chân Thế Tôn rồi đi thăm nom các Bí-sô bị bệnh.

Có một Bí-sô mắc bệnh nặng đến hỏi thầy thuốc và thầy thuốc bảo phải ăn canh thịt.
Sau khi thăm hỏi xong, trưởng giả trở về nhà nói với vợ: “Này hiền thê, có một Bí-sô bị bệnh, thầy thuốc bảo phải ăn canh thịt mới có thể chữa trị, nàng hãy chuẩn bị món đồ đó và mau mau đem dâng cho Bí-sô bệnh.”

Vợ trưởng giả liền sai người hầu đem tiền đến các lò mổ để mua thịt. Ngày hôm ấy, quốc vương sanh con nên cấm giết mổ, nếu ai vi phạm thì mắc tội nặng, vì thế giả sử có mua với giá mắc thì cũng không mua được.

Người hầu liền đem việc ấy bạch đầy đủ với chủ nhà. Lúc ấy, vợ trưởng giả suy nghĩ: “Trong ba tháng ta đã cúng dường cho Thế Tôn và các Bí-sô đủ mọi thứ, nay nếu không có loại thuốc này thì e rằng Bí-sô ấy sẽ qua đời và đó là lỗi tại ta.” Suy nghĩ xong, cô ấy liền cầm dao bén vào trong phòng của mình, cắt thịt đùi đưa cho người hầu bảo cô ấy xắt nhỏ nấu canh và mau chóng dâng cho Bí-sô bị bệnh ăn. Lúc ấy, người hầu liền nấu canh dâng cho Bí-sô bệnh. Nhận được, Bí-sô ấy liền ăn ngay và lành bệnh. Bí-sô ấy cũng không biết là vợ trưởng giả đã cắt thịt trên thân mình, vị ấy liền suy nghĩ: “Ta đã nhận sự cúng dường này thì không nên nằm không; ta phải đắc những pháp chưa đắc, chứng những pháp chưa chứng, hiểu được những điều chưa hiểu”. Vị ấy siêng năng tinh tấn, dứt sạch các phiền não, đắc quả A la hán, đầy đủ ba minh sáu thông và tám giải thoát, biết như thật là cuộc sống đã chấm dứt, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, không còn tái sanh, tâm không có chướng ngại, giống như dùng tay xé hư không, như dao cắt bùn thơm, không sanh thương ghét, xem vàng không khác đất, xả bỏ tất cả danh lợi, chư thiên Thích, Phạm đều cung kính.

Bấy giờ, vào sáng sớm, Thế Tôn đắp y mang bát cùng đại chúng đến nhà Đại Quân. Khi đã đến nơi, Ngài ngồi ở trước đại chúng và bảo với trưởng giả rằng: “Người vợ của ông đang ở đâu?”
Đáp: Ở trong phòng.
Oai lực Thế Tôn thật không thể nghĩ bàn. Ngài gia hộ cho người nữ ấy làm cho nơi bị cắt được lành lặn như cũ.

Lúc ấy, vợ của trưởng giả sanh tâm hoan hỷ đối với Thế Tôn. Cô ấy liền bước ra khỏi phòng và đến đảnh lễ sát chân Thế Tôn. rồi đứng qua một phía.
Phật bảo cô ấy rằng: “Vì lý do gì mà ở trong đường sanh tử cô có thể phát Bồ-tát hạnh?”
Cô ấy liền chấp tay nói kệ:

“Trong sanh tử luân hồi
Thân này dễ có được
Trong trăm ngàn ức kiếp
Khó gặp cảnh tối thắng.”

Đọc xong câu chuyện, chúng tôi vô cùng cảm động trước hành động xả thân vì đạo pháp của người phụ nữ ấy, đó là một việc làm không mấy người có thể làm được. Vì muốn thành tựu đạo quả mà các vị Bồ tát sẵn sàng hy sinh tất cả còn chúng ta thì sao? Nghĩ lại chúng ta cảm thấy vô cùng hổ thẹn. Ngoài miệng thì chúng ta nói rất mong đạt đạo nhưng trên thực tế thì chúng ta làm toàn những việc dẫn chúng ta đi xa đạo. Người phụ nữ đó đã nhắc nhở chúng ta muốn thành tựu quả vị Giác Ngộ mà chúng ta hằng mong mỏi thì chúng ta phải tập xả bỏ tất cả từ những đồ vật bên ngoài cho đến chính thân ta. Chúng ta phải luôn luôn tìm cách làm lợi ích cho chúng sanh dù phải hy sinh chính bản thân mình. Có làm được như vậy chúng ta mới có thể tiến bộ trên đường Đạo.

 

Ngài Thần Tú, một nhân cách vĩ đại.


Thích Quảng Trí
 

Ngài Thần Tú là một trong những vị đề tử lớn của ngũ tổ Hoằng Nhẫn. Từ trước đến nay, khi nhắc đến Ngài Thần Tú thì người ta thường nghĩ rằng, Ngài là một vị thiếu năng lực, không ra gì, không xứng đáng để được truyền tổ vị. Sự thực thì không hẳn như thế. Là người có lý trí, chúng ta nên tìm hiểu rõ vấn đề rồi mới đưa ra lời nhận định. Nếu chúng ta chịu khó tìm hiểu trong các sử liệu và chịu khó suy ngẫm thì chúng ta sẽ nhận thấy rằng, tuy ngài Thần Tú không được truyền tổ vị nhưng Ngài vẫn là một người rất vĩ đại. Ngài có rất nhiều điểm để cho hậu thế chúng ta học hỏi và rất đáng để chúng ta khát ngưỡng, kính phục.

Ngày từ khi Ngũ tổ Hoằng Nhẫn còn tại thế, ngài Thần Tú đã là một vị lãnh chúng, lãnh đạo cả một đồ chúng mấy trăm người và làm giáo thọ sư của họ. Trong đồ chúng tại Huỳnh Mai thời bấy giờ, ngài Thần Tú rất được mọi người kính nể. Chúng ta hãy đọc lại những dòng tâm sự của đồ chúng khi nghe Ngũ tổ bảo mọi người làm kệ để trình lên Ngài: “Tất cả chúng ta không cần phải lắng lòng dụng ý làm kệ để trình Hòa thượng, đâu có lợi ích gì? Thượng tọa Thần Tú, hiện làm Giáo thọ sư, ắt là người được. Chúng ta về sau y chỉ Thượng tọa Thần Tú, nhọc gì phải làm kệ”. Như thế là tất cả mọi người đều đặt niềm tin vào ngài Thần Tú và muốn được nương vào Ngài để tu học. Ngài Thần Tú phải là một người rất có năng lực, lại có đạo hạnh nên mới được đại chúng kính nể như thế.
Để hiểu rõ hơn, chúng ta hãy đọc lại những suy nghĩ của ngài Thần Tú đối với việc trình kệ: “Các người đều không trình kệ vì ta là Giáo thọ sư của họ, ta cần phải làm kệ trình lên Hòa thượng; nếu không trình kệ thì Hòa thượng đâu biết được kiến giải trong tâm ta cạn hay sâu? Ý ta trình kệ, cầu pháp thân thì tốt, cầu làm Tổ thì xấu; vì đồng với tâm của kẻ phàm, muốn cướp được ngôi vị Thánh không khác, nếu chẳng trình kệ thì trọn không được pháp. Rất khó! Rất khó!”. Ngài Thần Tú đã đắn đo suy nghĩ rất nhiều về việc trình kệ. Và Ngài đã trình kệ với tâm cầu pháp chứ không phải là để cầu tổ vị. Khi bài kệ của Ngài được Ngũ tổ truyền bảo đại chúng tụng đọc và nương theo đó mà tu tập để vượt thoát luân hồi sinh tử, Ngài cũng không vì thế mà sinh lòng tự kiêu. Lúc Ngũ tổ gọi Ngài đến hỏi: “Bài kệ viết trên vách có phải là của ông không?” Ngài thưa rằng: “Thật là con làm, chẳng dám vọng cầu Tổ vị, chỉ mong Hòa thượng từ bi xem đệ tử có chút ít trí tuệ chăng?” Ngài thật là khiêm tốn làm sao! Khi được Ngũ tổ chỉ điểm thì Ngài cung kính vâng lời và không hề có ý oán trách ai, chỉ tự hổ thẹn với lòng mình nên trong lòng hoảng hốt, bất an. Đấy là tâm niệm của một người đệ tử, một người học đạo. Rất đáng để cho hậu thế chúng ta noi theo. Ngày nay, mấy ai có được lòng khiêm tốn và tự trách lấy mình, tự hỗ thẹn với chính mình như thế?

Về sau, khi Ngài biết ngài Huệ Năng đã được Ngũ tổ truyền trao y bát và trở thành vị tổ thứ sáu của thiền tông Trung Hoa, Ngài vẫn không có tâm đố kỵ, ngược lại còn kính trọng và bội phục Ngài Huệ Năng. Đến khi cả hai Ngài đều ra hoằng hóa, mỗi Ngài nổi tiếng ở một phương, người đời gọi là Nam Năng, Bắc Tú. Về phía đồ đệ của ngài Thần Tú thì họ không cam lòng, họ chê ngài Huệ Năng là người thất học, không biết chữ, không có năng lực. Ngài Thần Tú khuyên rằng: “Kia (Tổ Huệ Năng) được trí vô sư, thâm ngộ được pháp thượng thừa, tôi không bằng vậy. Vả lại Thầy tôi là Ngũ Tổ, chính Ngài truyền y pháp, há lại suông ư? Tôi hận không thể đi xa để thân cận, luống thọ ân Quốc vương, vậy những người các ông không nên kẹt ở đây, nên đến Tào Khê tham hỏi.” Ngài Thần Tú quả thật là cao thượng! Ngài không hề có một mảy may đố kỵ với ngài Huệ Năng, Ngài thật lòng kính phục ngài Huệ Năng và rất tin tưởng vào sự sáng suốt của Thầy mình. Ngài tự biết khả năng của mình, tự biết điểm yếu kém của mình và luôn có tâm cầu học. Chỉ có những bậc thánh hiền mới có được tâm lượng như vậy. Và càng đáng để chúng ta kính phục hơn là sau đó Ngài đã bảo với đệ tử tên Chí Thành rằng: “Ông thông minh nhiều trí, nnên vì ta mà đến Tào Khê nghe pháp, nếu nghe được điều gì, hết lòng ghi lấy, trở về nói lại cho ta nghe.” Một người chưa chứng ngộ mà có tâm lượng như thế thì thật là hết lời để tán dương. Ngài đã làm một việc mà rất hiếm người làm Thầy nào có thể làm được. Ngài chẳng những không sợ mất thể diện mà còn vô cùng khiêm hạ. Mà thực ra Ngài làm thế thì mọi người càng kính phục Ngài bội phần.

Ngày nay, thật là ít có được những bậc thầy có tâm khiêm hạ, hoan hỷ cho học trò của mình đến cầu học với người khác để rồi có thể về chỉ bày lại cho mình. Phần lớn mọi người đều mang lòng tự cao và muốn giữ thể diện của mình, lúc nào cũng tự khen mình, chê người; chưa thoát ra được lòng bỉ ngã, chưa gạt được thói thường tình: “Kiến tha thắng sự, tâm sanh tật đố” (thấy sự thành tựu của người thì sanh lòng đố kỵ). Những điều đó còn chưa thoát ra được thì làm gì có chuyện hoan hỷ cho đệ tử của mình đến cầu học với ngời khác, huống nữa là cho học trò đi học với người khác rồi về chỉ bày lại cho mình.

Có một lần, ngài Thần Tú được vua Trung Tông đời nhà Đường thỉnh vào cung để cúng dường và để vua có thể hỏi đạo những khi vua rảnh việc. Ngài Thần Tú đã khiêm nhượng bảo với vua rằng: “Nam phương có ngài Huệ Năng là người mật thọ y pháp của Tổ Sư Hoằng Nhẫn, truyền tâm ấn của Phật, hoàng thượng nên thỉnh Ngài mà hỏi”. Trước một vị vua có uy quyền, trước bao vinh hoa phú quí và sự cung phụng tột bậc như thế mà ngài Thần Tú đã khiêm nhượng, lại còn hết lời ca ngợi và tiến cử ngài Huệ Năng với vua, điều đó cho chúng ta thấy được tâm lượng của Ngài. Ngài quả thật rất cao thượng, cao thượng vô cùng. Giả như đặt chúng ta vào trường hơp của ngài Thần Tú thì điều gì sẽ xảy ra? Chắc chắn là chúng ta tự khen mình, tự nói tốt cho mình chứ không bao giờ có ý khiêm nhượng với người khác, dù cho người đó là ai.

Mặc dù ngài Thần Tú không có sự chứng đắc như ngài Huệ Năng, cũng không được kế thừa tổ vị, nhưng xét về phương diện nhân cách thì Ngài quả thật không kém gì ngài Huệ Năng. Ngài được vua quan cùng dân chúng thời bấy giờ kính phục và nương theo Ngài để tu tập. Tâm lượng và cung cách ứng xử của Ngài rất đáng để cho hậu thế chúng ta học tập. Chính vì lẽ đó mà chúng ta cũng không lấy làm lạ là mặc dù sức chứng ngộ của Ngài không được như ngài Huệ Năng, nhưng đạo tràng của Ngài không kém gì ngài Huệ Năng.
 

 

Tài liệu tham khảo:

1. Kinh Pháp bảo đàn giảng giải - Hòa thượng Thích Thanh Từ dịch - Thành hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh ấn hành - PL.2536 - 1992.
2. Ngài Huệ Năng - Hòa Thượng Trí Quang.

 

Nhân của Bồ-tát và quả của chúng sanh
 

Tổ Tư Vấn

 

HỎI: Chúng con thường nghe quý Thầy giảng và thường nói đến câu “Bồ-tát sợ nhân chúng sanh sợ quả”. Theo con nghĩ tại sao Bồ-tát sợ nhân mà không sợ quả hay chúng sanh sợ quả mà không sợ nhân. Vậy giữa nhân của Bồ-tát và quả của chúng sanh khác nhau như thế nào?

(Minh Huệ - Lớp 11A5, trường PTTH THALMANN)

ĐÁP: Nhân quả là giáo lý căn bản của đạo Phật được truyền bá rộng rãi trong dân gian. Chúng ta thường nghe “gieo nhân nào hưởng quả nấy” hay “trồng ớt được ớt,  trồng cam được cam”… điều đó ai cũng hiểu rõ. Ở đây xin đề cập đến vấn đề  Nhân của Bồ-tát và Quả của chúng sanh theo nghĩa khái quát.

Bồ-tát, tiếng Phạn Bodhi-sattva (P: Bodhi-satta) chỉ cho người tu hành, thượng cầu  thành Phật bằng trí tuệ, dưới hóa độ chúng sanh bằng tâm từ bi, tức là người đầy đủ hai hạnh: Tự lợi - lợi tha và dõng mãnh cầu thành Phật. Từ Bồ-tát chỉ cho người tu hành Đại thừa cầu thành Phật, kể cả hàng Thanh Văn, Duyên Giác chuyển tâm cầu thành Phật thì cũng được gọi là Bồ-tát. Còn những vị đại Bồ-tát ở giai vị Đẳng Giác phát tâm cầu Vô thượng Chánh giác thì gọi là Bồ-tát Ma-ha-tát, Bồ-đề-tát-đỏa, Ma-ha-tát-đỏa…

Nhân là nguyên nhân, quả là kết quả, tức là nguyên nhân dẫn đến kết quả. Theo nghĩa hẹp thì nguyên nhân bên trong trực tiếp dẫn sinh kết quả gọi là Nhân (nội nhân). Còn nguyên nhân bên ngoài gián tiếp giúp đỡ thì gọi là Duyên (ngoại duyên). Theo nghĩa rộng, hễ nhân tố nào đủ điều kiện (nhân duyên) khiến sự vật được sinh tồn và biến hóa đều gọi là Nhân. Vậy nhân quả là chỉ luật Nhân Quả. Theo hệ thống giáo nghĩa của Phật giáo, đây là lý luận cơ bản để thuyết minh tất cả mối quan hệ trong pháp giới. Pháp nào có khả năng sinh ra kết quả là Nhân, còn pháp nào từ nhân sinh ra là Quả. Đây là giáo lý căn bản của Phật giáo, trong các kinh thường nói đến lý này, đồng thời dùng lý nhân quả báo ứng, như bóng theo hình tương tục không gián đoạn để khuyên người tu hành thành Phật đạo, siêu thoát khỏi cảnh giới khổ đau, đạt đến cõi Tịnh độ an lạc.

Như vậy, nhân quả là hai phạm trù liên quan với nhau, nếu tách rời thì chúng mang nghĩa khác biệt. Bởi vì nhân của Bồ-tát là cái nhìn của bậc chứng ngộ (giác hữu tình), khi nhân hiện khởi tức là quý Ngài đã biết sẽ gặt hái quả gì. Vì thế, Bồ-tát luôn gieo nhân tốt. Nói như thế để chúng sanh thấy được Bồ-tát cũng phải gieo nhân mới có thể hưởng quả. Thật ra, chư Bồ-tát đã gieo nhân lành từ nhiều đời nhiều kiếp mới đạt đến quả Bồ-tát chứ đâu phải chỉ trong một đời. Ngược lại, chúng sanh vì mê mờ tâm trí, bị vô minh che lấp nên làm mà không cần biết nhân đó tốt hay xấu, đến khi quả xấu xuất hiện mới biết thì quá muộn. Hằng ngày, họ thường làm các điều bất thiện như trộm cắp, nói dối, v.v… Rồi một lúc nào đó dấn thân vào con đường tội lỗi, sa đọa, trầm luân. Đây là việc làm rất bình thường mà chúng ta khó tránh khỏi. Như thế, nhân của Bồ-tát và quả của chúng sanh hoàn toàn khác biệt nhau. Đối với các bậc Bồ-tát, tất nhiên đã đạt đến trí tuệ siêu việt, nhận biết thực hư của vạn pháp, mang lại niềm an lạc cho tất cả chúng sanh. Còn đối với phàm phu luôn nhìn vạn pháp hư vọng điên đảo mà tưởng là thường hằng vĩnh cửu, chỉ biết hưởng dục lạc cho thỏa mãn, nên càng lún sâu vào biển khổ tham ái, luân hồi khổ não. Đó là quả mà chúng sanh phải gánh chịu, chẳng những ngay hiện tại mà đời sau cũng không thể tránh khỏi, nếu nghiệp cảm chưa dứt trừ. Hoặc là đời nay chưa trả quả mà phải đợi đến nhiều đời mới trả được. Vì phước báu của người đó còn sót lại, khi hưởng hết rồi thì quả bất thiện mới báo ứng.

Cũng vậy, ngày nay các bạn siêng năng học hành chăm chỉ, ngoan ngoãn và hiếu thảo với cha mẹ, biết giúp đỡ lẫn nhau, tất nhiên sẽ đạt được kết quả tốt trong học tập, được cha mẹ thương yêu, bạn bè quý mến. Chẳng những đời nay mà trong tương lai các bạn sẽ đón nhận nhiều may mắn và thành công trên con đường học vấn, đem lại lợi ích thiết thực cho bản thân và xây dựng xã hội văn minh, hạnh phúc.

Mong rằng các bạn sẽ cảm nhận niềm an lạc khi hiểu rõ nhân của Bồ-tát và quả của chúng sanh.

§ Tổ tư vấn

 

Chùa Láng - giai thoại và triết học


Quang Đức

 

Chùa Láng có tên chữ là Chiêu Thiền Tự, tọa lạc cách trung tâm Hà Nội 7 km về phía Tây. Hiện nay chùa nằm trên đường Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội. Giai thoại chùa Láng gắn liền với hành trạng huyền bí của Thiền sư Từ Đạo Hạnh vào đời vua Lý Nhân Tông. Thiền sư là con của viên Tăng Quan Đô Án Từ Vinh và bà Tăng Thị Loan ở làng Láng - tức làng Yên Lãng, huyện Từ Liêm, Hà Nội ngày nay.

Theo Đại Nam nhất thống chí chép rằng: “Lý Nhân Tông tuổi đã cao mà chưa có con nối dõi. Em vua là Sùng Hiền Hầu cũng chưa có con, cùng với Đạo Hạnh nói việc cầu tự. Đạo Hạnh hẹn ngày kia khi phu nhân sắp sinh thì nên báo trước cho biết. Sau đó khi phu nhân sắp sinh, bèn đi báo. Đạo Hạnh tức khắc thay áo quần tắm rửa, vào trong động mà trúc xác. Người làng cho đó là lạ, đem thây bỏ vào trong khám mà thờ”. Trong Đại Việt sử ký toàn thư cũng chép rằng: “Trước đó, phu nhân Sùng Hiền Hầu là Đỗ thị có mang đến lúc sinh cứ trăn trở mãi. Hầu nhớ lại lời của Đạo Hạnh ngày trước, sai người phi báo. Đạo Hạnh lập tức thay áo quần tắm rửa, vào trong hang núi trúc xác mà mất. Phu nhân bỗng chốc sinh một bé trai, tức là Dương Hoán”.

Qua hai sử liệu nêu trên, chúng ta thấy việc Dương Hoán (tức vua Lý Thần Tông, 1128-1138) là hậu thân của Thiền sư Từ Đạo Hạnh quả là thần bí với người chưa tin đạo. Tuy nhiên, với người Phật tử tin vào giáo lý Luân hồi thì việc chủ động đầu thai của bậc cao Tăng là chuyện bình thường. Do đó, đến đời vua Lý Anh Tông (1138-1175), nhà vua cho xây dựng chùa Láng để thờ vua cha và tượng nhục thân Thiền sư Từ Đạo Hạnh đã thể hiện tinh thần Phật giáo nhập thế sâu sắc và điều đó còn minh chứng cho giáo lý Luân hồi nghiệp báo của Phật giáo là như thật.

Ngay trong tên gọi chùa Láng, chúng ta thấy nó mang một ý nghĩa đặc trưng theo lối đặt tên của người Việt Nam. Sở dĩ chùa có tên Chiêu Thiền Tự là “vì có điều tốt rõ rệt nên gọi là Chiêu. Đây là nơi sinh ra Thiền sư Đại Thánh nên gọi là Thiền”. Với tên gọi như vậy, nó bao hàm ý nghĩa về một sự kiện của lịch sử Phật giáo và dân tộc mà chúng ta thường gặp trong cách đặt tên các di tích trọng đại.

Chùa có quy mô kiến trúc rất lớn. Trước đây chùa tọa lạc giữa cánh đồng bao la và nằm thấp thoáng dưới những gốc đa cổ thụ to lớn, làm tăng thêm không khí trang nghiêm thanh tịnh trong chốn tòng lâm. Chùa có bố cục cân xứng theo trục giữa, tuy nhiên bên hông chùa còn có một giếng rộng lớn hình tròn theo kiểu giếng làng ngày xưa. Dấu ấn đầu tiên thoạt nhìn vào cổng chùa, chúng ta thấy hao hao giống kiến trúc cổng ở cung đình; vì được tạo bởi tứ trụ đơn giản, phía bên trên là những mái cong lướt nhẹ nhàng, có cao độ khác nhau mang đậm dấu ấn dân gian cổ điển.

Điểm nổi bật của chùa chính là Bát Giác Đình, nơi tôn trí tượng Thánh (tượng Thiền sư Từ Đạo Hạnh) vào ngày hội để dân chúng cúng dường hương hoa. Bát Giác Đình có kiến trúc theo sơ đồ bát quái trong kinh dịch, với hai tầng mái cong nhè nhẹ và hết sức thô sơ. Điểm trên cùng được kết thúc bởi stupa (hình tháp Ấn Độ).

Phía sau chùa là nhà Tổ mà bên trong có tượng thờ Mẫu chính là sự kết hợp hài hòa giữa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Sau cùng có mười ngôi tháp các vị cao Tăng, nhưng dòng chữ bị xoá mờ.

Toàn bộ chùa ngày nay được trùng tu năm 1666, sau đó có trùng tu lại nhiều lần, nhất là vào giữa thế kỷ XIX nhưng vẫn giữ lại nét kiến trúc xưa của nó. Đặc biệt, dân gian Việt Nam lấy ngày sinh của Thiền sư Từ Đạo Hạnh (7 tháng 3 âm lịch) làm ngày hội chùa Láng. Và mọi người nhắc nhau rằng:

Nhớ ngày mồng bảy tháng ba,

Trở về hội Láng, trở ra hội Thầy.

Tóm lại, với ý nghĩa kiến tạo và lịch sử như vậy, chùa Láng đã từng được xem là đệ nhất tòng lâm ở phía Tây kinh thành Thăng Long xưa. Đến nay chùa Láng gần như giữ lại được trọn vẹn nét kiến trúc sơ khai góp phần làm phong phú hơn trong kiến trúc Phật giáo Việt Nam. Đi thăm chùa Láng chúng ta sẽ ngạc nhiên vì bố cục hài hòa và cân đối của tổng thể các dãy nhà, thể hiện một vẻ đẹp kiến trúc vừa rộng lớn nhưng đơn sơ. Và sự thanh thản của nơi đây chính là môi trường nảy sinh những tình cảm tốt lành.

 

Hội nghị của các lãnh đạo tôn giáo quốc tế


Kim Phụng
 

Đài Loan: Hội nghị của các lãnh đạo tôn giáo quốc tế để tìm phương pháp giải quyết những vấn đề nhân loại đang đối mặt

Trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, vai trò của tôn giáo ngày càng quan trọng, ngay cả Liên Hiệp Quốc và diễn đàn kinh tế thế giới đều đã mời các nhà lãnh đạo tôn giáo như Pháp sư Thánh Nghiêm… trao đổi về sự phát triển nhân loại trong tương lai. Nhân Đại lễ khánh thành Pháp Cổ Sơn, “Buổi tọa đàm của các lãnh đạo tôn giáo thế giới” đã được cử hành tại hội trường quốc tế của khách sạn Giả Viên Sơn vào ngày 22/10/2005. Các tôn giáo và 8 vị lãnh đạo tinh thần luận bàn “Khái quát về những vấn đề mang tính toàn cầu”, “Hướng giải quyết các vấn đề toàn cầu bằng tâm linh”, và mong xóa bỏ sự ngăn cách và cản trở giữa các tôn giáo, quốc gia, chủng tộc.

Tại hội nghị, Pháp sư Thánh Nghiêm phát biểu rằng, bản thân tôn giáo không có sự khác biệt quốc gia, dân tộc. Nguồn trí tuệ phong phú và nền văn hóa khác nhau tập trung rất nhiều trong mỗi tôn giáo, đáng để chúng ta tìm hiểu và học tập. Đồng thời Pháp sư bày tỏ, giữa các tôn giáo trên thế giới vẫn còn có rất nhiều phân tranh và xung đột - đây không phải là bản thân tôn giáo mà do con người gây ra. Vì vậy, ngày nay, Pháp Cổ Sơn tổ chức hội nghị để mời các lãnh tụ của các tôn giáo thế giới cùng nhau hội hợp một nhà, hy vọng các bậc Thầy tôn giáo này đóng góp trí tuệ, dùng sức mạnh của họ để xúc tiến thế giới hòa bình.

Giám mục Vương Dũ Vinh (Thiên Chúa giáo Trung Đài) chủ trì buổi tọa đàm phát biểu: thế giới ngày nay là thế giới đa nguyên tính. Do đó, để giải quyết các vấn đề toàn cầu phức tạp, chúng ta cần phải quay về “nhân tâm”, đề cao giá trị nội tại của mỗi cá nhân. Kế tiếp, Tổng giám mục Nikita Lulias (Đông Chính giáo Hồng Kông và khu vực Đông Nam Á) nhận định rằng, xã hội và sinh mạng con người bị tổn hại đều do “bệnh tật” gây nên, nhưng nếu thực hành đúng tôn chỉ của các tôn giáo thì có thể chuyển hóa nhân tâm, rời xa phẩn nộ, thoát khỏi đau khổ.

Đại biểu Hồi giao, Giáo sư Amir Al-Islam nói, giáo lý Hồi giáo dạy con người cách dùng tâm linh thuần tịnh để giải quyết sự việc, qua lòng chân thành của chúng ta đạt hiệu quả thông suốt. Giám mục Công hội Thánh Yelusaleng Abu – El Assal nêu rõ, “hòa bình” phải kiến lập trên hành vi chính nghĩa, mà hành vi chính nghĩa này là nền tảng của mọi quan niệm nhân loại, thông qua việc giáo dục dẫn đến quan niệm đúng đắn đây chính là trách nhiệm của tôn giáo.

Trong buổi họp, các nhà lãnh đạo tôn giáo có cùng nhận thức rằng, tôn giáo không thể chỉ nói bằng miệng mà phải cùng nhau hợp tác đem giáo lý chân chính truyền đạt cho nhân loại.

Thảo luận về “Hướng giải quyết các vấn đề toàn cầu bằng tâm linh”, Ngài Swami Dayananda Saraswati (Ấn Độ giáo) nêu, nhân loại có rất nhiều đặc tính giống nhau có thể dùng để giải quyết xung đột này như yêu thương, hạnh phúc và từ bi. Ngài không những tán đồng nhận định của Pháp sư Thánh Nghiêm là “từ bi không có kẻ địch”, mà còn công nhận định nghĩa từ bi là không phân biệt tôn giáo, dân tộc hoặc quốc gia. Ngoài ra, Ngài Sheikh salion Mbacke, (Senegal), người điều hợp “hoạt động tin nhau cho hòa bình Phi Châu” nói rằng, ý nghĩa từ “Thánh chiến” là khắc phục dục vọng và chấp ngã của chính mình, điều này khế hợp với quan điểm của pháp sư Thánh Nghiêm đã bàn về tâm linh. Còn Sơ Joan Chittister thì đề xuất, ý nghĩa “linh tu” của Cơ Đốc giáo làm phát sinh tinh thần từ bi của con người. Từ bi dẫn dắt chúng ta  đi đúng đường.

Sau thời gian mở rộng vấn đáp, những người đặt câu hỏi đều đưa ra ý kiến quý báu đối với các lãnh đạo tôn giáo, thể hiện lòng cảm ơn sâu sắc, điều này sẽ giúp đỡ rất nhiều đối với việc dập tắt sự phân tranh của thế giới; cuối cùng, ông Rabbi Awraham Soetendrop, ủy viên Ban hiến chương địa cầu đến từ Hà Lan và đồng chủ trì hội nghị, phát biểu, vì nhân loại, cầu mong các tôn giáo có thể vì thế giới góp phần mang lại hòa bình và hạnh phúc.

 

Kế hoạch tạo “khu vực quý sư”
Nguyên Anh

Bộ văn hóa Thái Lan đang xem xét kế hoạch tạo “khu vực quý sư” tại các khu thương mại

Một góc dành riêng cho quý sư Phật giáo tại khu thương mại, nghe lạ tai không? Hoàn toàn không và theo kế hoạch của Bộ văn hóa thì sự hiện diện của các sư không ảnh hưởng gì đến việc mua sắm. Để giúp cho người dân gần gũi với tôn giáo, bộ đang xem xét kế hoạch tạo “khu vực quý sư” tại các khu thương mại, nơi người đi mua sắm có thể gặp quý sư. Bà Uraiwan Thienthong, Bộ trưởng Văn hóa đã nói: “Dự án này sẽ được gọi là gặp sư ở góc yên tĩnh”.

Tại các tỉnh lớn, mỗi khu thương mại, Bộ sẽ thuê một diện tích rộng 200 m2 để làm các phòng họp. Mọi người có thể tham gia các hoạt động tôn giáo như học hỏi và thảo luận Phật pháp. Quý Sư sẽ giảng pháp cho bất cứ người nào muốn học.

Sư nổi tiếng Phra Phayom Kalayano ở chùa Suan Kaew thuộc Nonthaburi ủng hộ ý tưởng này. Sư nói rằng, có một nơi yên tĩnh trong mỗi cửa hiệu để trưng bày cho mọi người xem về tôn giáo và phim về Phật pháp hay phim hoạt hình để thu hút thiếu niên là một điều tốt. Sư cũng đề nghị Bộ mời ít nhất 3 giảng sư giỏi đến nơi đó mỗi ngày.

Bộ trưởng nói rằng ý kiến này do giới tư nhân đề ra, bà nói: “Ngày nay người dân không có thời gian đi chùa, chỉ mua sắm ở các cửa hiệu, vì vậy chúng ta tạo cơ hội để họ có thể gần gũi với tôn giáo”. Bà Uraiwan nói mục đích của bà không phải là “mang chùa chiền vào các cửa hiệu” như một số người hiểu sai về việc quý sư thường xuyên vào khu thương mại; bà muốn mọi người hiểu rằng “việc thiện có ở khắp nơi.”

Mặc dù không cần thiết phải đưa các ngôi chùa đến khu thương mại, nhưng Ông Wattana Muangsook, Bộ trưởng an sinh và phát triển xã hội vẫn tán đồng ý kiến này và phát biểu rằng: “Chúng ta hãy vận động cho tôn giáo tại những nơi mà người dân và thiếu niên tập trung cũng như làm cho Phật giáo phát triển khắp thế giới”.  

- Nguyên Anh
Theo: Nationmultimedia.com

Đại lễ cung nghinh xá-lợi Phật


Biển Xanh

 

ẤN ĐỘ: ĐẠI LỄ CUNG NGHINH XÁ LỢI PHẬT

Một buổi diễu hành cung nghinh Xá-lợi Phật được tổ chức thật long trọng và hoành tráng vào ngày 16 tháng 11 năm 2005 tại Sarnath. Xá-lợi Phật được nghinh rước từ Mulagandhakuty Vihara diễu hành ngang qua nhiều khu phố đến Dhammek Stupa - đại tháp do vua Asoka xây dựng vào thế kỷ thứ III - để tưởng nhớ nơi đức Phật thuyết bài pháp đầu tiên tại vườn Lộc Uyển. Sau đó, Xá-lợi Phật được nghinh rước trở về lại để an trí tại Mulagandhakuty Vihara. Xá-lợi Phật được đặt trên lưng con voi chính trong đàn voi gồm năm con cùng với sự tháp tùng của hàng chục nghìn người đến từ nhiều nước trên thế giới và được sự quan tâm ủng hộ hết sức nhiệt tình từ các quan chức chính phủ Ấn Độ.

Sarnath là chiếc nôi của Phật giáo cho nên lễ diễu hành cung nghinh Xá-lợi Phật thường được tổ chức vào tháng 11 tại đây. Chính nơi đây, 45 ngày sau khi Thành đạo dưới cội Bồ-đề, đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã hoá độ năm anh em Tôn giả Kiều-trần-như, thiết lập ngôi Tam bảo và bắt đầu hạnh nguyện truyền bá giáo lý thâm diệu của mình cho nhân loại.

 Sarnath nằm cách Varanasi 8 km, một thời đã từng là Vương quốc Banares của Uttar Pradesh, là một thành phố Thánh Địa được bao bọc bởi những khu rừng gỗ quý xanh um bạt ngàn. Đây là một nơi vô vùng lý tưởng cho sự tu tập thiền định. Khi Phật còn tại thế, nơi đây đã được biết đến như vườn Lộc Uyển, nơi chư thiên đọa xứ…, và khi còn là Bồ-tát, Ngài cũng đã từng thị hiện đản sanh vài lần tại đó. Điều này đã được đề cập đến trong những câu chuyện tiền thân đức Phật. Sở dĩ nơi đây được xem là chiếc nôi đầu tiên của Phật giáo bởi lẽ nó gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử đáng ghi nhớ có liên quan đến cuộc đời và giáo lý của đức Phật:

- Đây là nơi đức Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết bài Pháp đầu tiên để chuyển pháp luân.

- Đây chính là nơi ngôi Tam bảo được thiết lập: Phật bảo là đức Phật, Pháp bảo là bài pháp Tứ đế, Tăng bảo là năm anh em Thánh tăng Kiều-trần-như.

- Đây là nơi đầu tiên xuất hiện Thánh từ “Sadhu….. Sadhu…” (Lành thay!... Lành thay!). (Lần đầu tiên đức Phật đã sử dụng Thánh từ này ‘Lành thay! Tỳ-kheo!..’ để năm anh em ông Kiều-trần-như được trở thành đệ tử xuất gia của Phật. - Đây là nơi đức Phật an cư đầu tiên trên thế gian này.

 - Chính tại nơi này, Ngài đã khuyên bảo sáu mươi vị đệ tử đầu tiên của mình đi về nhiều phương hướng khác nhau để truyền bá giáo pháp thâm diệu của Ngài. Kể từ đó đến nay, hơn hai mươi lăm thế kỷ đã trôi qua, giáo pháp của Ngài đã vượt khỏi giới hạn của không gian và thời gian, chinh phục con tim của nhân loại trên khắp năm châu qua nhiều thế hệ. Sự thành tựu vĩ đại của Phật giáo ngày nay đều được bắt đầu từ chiếc nôi phôi thai “Sarnath” ấy.

Ngành khảo cổ học đã khai quật được nhiều trụ đá, bia, tượng… do vua Asoka xây dựng vào thế kỷ thứ III là một chứng tích lịch sử hùng hồn của vùng Thánh Địa Sarnath. Ngày nay, Sarnath trở thành điểm hành hương chiêm bái của Phật tử và du khách trên khắp thế giới. Bên cạnh những hoạt động về giáo dục và tôn giáo của Hội Đại Bồ Đề Sarnath, còn có sự tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội do các chùa Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Miến Điện, Tích Lan, Tây Tạng… Đặc biệt, có Viện Cao Học Tây Tạng là cơ sở giáo dục đào tạo nổi tiếng quốc tế.

Sarnath đã - đang - và sẽ mãi mãi là chiếc nôi êm đềm, ấm áp với nhiều Thánh Tích vô giá mà mỗi người con Phật luôn khát ngưỡng được “trở về”.

 

Ngôi sao quần vợt Thái Lan xuất gia trong 7 ngày


Hiếu Tâm

 

Ngôi sao quần vợt Thái Lan xuất gia trong 7 ngày

Theo tờ báo địa phương Thái Lan mới đây đưa tin, vào ngày thứ bảy 26/11/2005, Paradorn Srichaphan, một ngôi sao chơi Tennis hàng đầu châu Á, đã thay lối sống trước đây của mình để thực hành đời sống của một tu sĩ Phật giáo trong thời gian 7 ngày. Như chúng ta biết, Thái Lan là một quốc gia lấy Phật giáo làm quốc giáo nên việc anh xuất gia chỉ là một tập tục của người đàn ông phải làm trong cuộc đời của mình, ít nhất là phải hành trì tôn giáo trong một khoảng thời gian nào đó. Sự xuất gia này biểu hiện sự thành tâm đối với tôn giáo mà mình đang theo. Anh có pháp danh: “Mahaviro” nghĩa là “Vĩ đại và gan dạ”. Trong lễ truyền giới vào ngày thứ sáu 25/11/2005, Paradorn đã thế phát trước khi mang sắc phục ca sa trở thành vị tu sĩ. Anh ta nói rằng: “Tôi sẽ trải qua bảy ngày để tu tập thiền định, đó là những gì mà tôi có thể tận dụng cho đến khi tôi trở lại với môn quần vợt”. Trong thời gian đó, anh được sắp xếp tu tập tại một ngôi chùa ở bên ngoài trung tâm Bangkok. Paradorn hiện nay được xếp ngôi vị thứ 43 trên thế giới. Mặc dù năm nay anh vào được hai giải chung kết nhưng chưa chiến thắng để đạt được một danh hiệu nào.

- Hiếu Tâm

Lược tin từ hindustantimes.com

 

Tiểu sử đức Đạt-lai-lạt-ma thứ II


Biển xanh

 

Cành hoa sen trắng do Ngài Tsongkhapa quăng xuống mặt đất đã rơi vào một nơi thôn dã hẻo lánh của xứ Tanak Dorjeden thuộc tỉnh Tsang. Đức Đạt-lai-lạt-ma thứ II - Gendun Gyatso (1475 - 1542) - được sinh ra trong gia đình của một hành giả Du-già ở vùng đó. Cha của Ngài - Kunga Gyatsen - là một lama nổi tiếng và mang dòng truyền thừa từ các trường phái Shangpa Kargyu, Shijey và Nyingma. Ông đã nhiều lần được thọ giáo từ đức Đạt-lai-lạt-ma đầu tiên, cả vợ của ông là nữ hành giả Du-già Kunga Palmo cũng thế. Bà hết sức tinh thông trong sự hành trì Mật tông và được công nhận là hóa thân của nữ hành giả Du-già Drowai Zangmo của thế kỷ thứ XIII. Một trong những tiểu sử về đức Đạt-lai-lạt-ma thứ II đã đưa ra giả thuyết rằng đức Đạt-lai-lạt-ma đầu tiên đã có chủ ý chọn những người đệ tử này làm cha mẹ cho sự tái sinh của Ngài. Cả cha và mẹ của Ngài đều có những giấc mộng đầy ý nghĩa báo trước về sự ra đời của một hài nhi đặc biệt.

Người cha thì được Gendun Drub (đức Đạt-lai-lạt-ma đầu tiên) đến thăm trong giấc mơ của ông; còn người mẹ thì mơ thấy một vị Bồ-tát đến khuyên bà hãy đặt tên cho hài nhi trong bụng là Sangye Pel “Người đã tiến đến quả vị Phật”. Theo sự mô tả của người Tây Tạng thì - khi vừa được sinh ra - thân mình hài nhi đã rất sạch sẽ và có tỏa ra những tia hào quang sáng rực. Một lát sau, hài nhi xoay đầu về hướng chùa Tashi Lhunpo, chắp đôi bàn tay tí hon của mình và niệm thần chú Tara.  Cậu bé Sangye Pel ngay từ lúc ấu thơ đã thể hiện được cậu chính là tái sinh của Gendun Drub. Lúc mới ba tuổi, cậu đã kể cho cha nghe về câu chuyện tiền kiếp của mình đã qua đời như thế nào; sau khi qua đời, cậu đã đến cung trời Đâu Suất và gặp vị Thầy của mình là Tsongkhapa ở đó, Ngài Tsongkhapa đã chỉ định nơi tái sinh đời kế tiếp của cậu bằng cách quăng cành hoa sen trắng xuống trái đất… Trong một lần tình cờ bị mẹ quở trách, cậu bé cũng đã nói với mẹ rằng cậu sẽ nhanh chóng rời khỏi ngôi nhà này để đến chùa Tashi Lhunpo, nơi đó cậu đã có “một căn nhà vui hơn ở đây nhiều”. Do những điều Ngài đã kể ngay từ khi còn rất bé và nhiều dấu hiệu đặc biệt khác nên khi phái đoàn tìm kiếm tái sinh đang đi tìm hậu thân của ngài Gendun Drub thì họ được hướng dẫn đến nhà của cậu bé Sangye Pel, sau đó cả gia đình Ngài được đưa đến Tashi Lhunpo. Cậu bé liền tuyên bố rằng chính cậu ta là tái sinh của vị Đạt-lai-lạt-ma trước, cậu đã gọi thẳng tên của một số vị Tỳ-kheo đã từng sống ở đó khi Gendun Drub còn sinh tiền và cậu cũng đã nhận ra nhiều dụng cụ cá nhân từ đời trước của mình. Cậu còn chạy đến Pháp tòa đặc biệt dành cho vị Viện trưởng và tuyên bố rằng đó chính là chỗ ngồi của mình. Năm lên bốn tuổi, cậu bé Sangye Pel đã hoàn toàn được thừa nhận là hậu thân của Gendun Drub và được biết đến như đức Đạt-lai-lạt-ma thứ II.
Từ khi còn rất bé, Ngài đã được học hành dưới sự hướng dẫn của vị Lama Kunga Gyaltsen - cha ruột của Ngài. Ông đã trao truyền cho Ngài nhiều dòng truyền thừa quan trọng từ nhiều truyền thống khác nhau, chủ yếu là của phái Nyingmapa và các giáo lý‎ Mật tông. Hai cha con trở nên hết sức gần gũi và thân thiết. Vào lúc cuối đời mình, đức Đạt-lai-lạt-ma thứ II đã sáng tác một thi phẩm Cầu nguyện rất dài để tưởng nhớ về cha của mình. Còn về phần Kunga Gyaltsen, ông đã đối đãi với cậu con trai một cách hết sức đặc biệt. Vào năm Ngài mười một tuổi, khi thời điểm đã đến, với những biểu chương và y phục của dòng dõi cao quý, vị Đạt-lai-lạt-ma tí hon đã đón nhận cương vị của mình tại Tashi Lunpo. Ngài thọ lãnh năm giới dành cho người trước khi bước vào tập sự và được đặt Pháp danh là Gendun Gyatso. Suốt một khoảng thời gian dài tiếp theo sau đó Ngài đã phải tập trung học hành và thực tập thiền định. Hầu hết, việc giảng dạy cho Ngài đều do vị Viện trưởng Panchen Yeshey Tsemo- vị đệ tử rất thân cận của đức Đạt-lai-lạt-ma trước - đảm trách. Chuyện kể rằng, trong giai đoạn này, khi đang trong thời kỳ nhập thất về pháp hành “Văn Thù Sư Lợi Trắng” vào độ tuổi mười sáu, trí nhớ của vị Đạt-lai-lạt-ma trẻ đã phát triển đến mức Ngài có thể nhớ lại nhiều kiếp trước của mình và có thể thuộc lòng hàng trăm câu kinh trong khoảng thời gian giải lao uống một tách trà. Trong thời niên thiếu, cậu thiếu niên phi thường này đã phải đảm trách những chuyến lưu giảng ở nhiều tự viện và những vùng hẻo lánh - nơi mà tiền thân của Ngài đã từng giảng dạy ở đó. Suốt thời gian Ngài vắng mặt, nhiều sự đố kỵ đã khởi lên trong nội bộ lãnh đạo của Tashi Lhunpo, điều đó khiến cho Ngài buộc phải rời khỏi chùa của mình vào năm 1494. Theo ký sự niên đại của Tây Tạng thì cho rằng, đây là sự can thiệp bí ẩn của Panchen Yeshey Tsemo - Sư phụ của Ngài - người đã mong thúc bách đệ tử của mình dứt ra khỏi cuộc sống đầy đủ tiện nghi ở Tashi Lhunpo để nhắm đến một sứ mệnh vĩ đại hơn.

Rời khỏi Tashi Lhunpo, Ngài được mời đến Drepung - ngôi chùa đầu tiên nhất của phái Gelugpa, vị Lama trẻ đã tiếp tục học tại đó dưới sự giám hộ của Lamyang Tekpa Chojoi, trong suốt thời gian ba năm hầu như không được rời khỏi khuôn viên chùa. Đầu năm hai mươi mốt tuổi, Ngài được thọ Đại giới. Mấy năm tiếp theo sau đó, Ngài nhập thất, tham thiền và đi thuyết giảng nhiều nơi từ trung tâm Tây Tạng cho đến những vùng xa xôi tận miền Nam đất nước. Những sự kiện kỳ diệu đã được ghi nhận trong suốt những chuyến đi lưu giảng ấy, rằng Ngài đã đạt được một số thành tựu về tâm linh nhờ gặp gỡ một hành giả Du-già lập dị sống ẩn dật từ lâu, Khedrup Noryang Gyatso, ông cũng chính là đệ tử trực tiếp của đức Đạt-lai-lạt-ma trước. Ngài đã thọ nhận thêm nhiều sự truyền đạt từ vị này. Noryang Gyatso giống như một người cha đối với vị Lama trẻ và người ta cho rằng ông chính là người đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc mang đến sự giác ngộ cho đức Đạt-lai-lạt-ma thứ II. Vào năm 1503, một thời gian ngắn sau khi Ngài trở về Tsang (quê nhà của Ngài) để hành hương và thuyết giảng, thì người cha ruột của Ngài qua đời. Thật vô cùng may mắn vì ông đã có cơ hội được trải qua sự thiền định chung với Ngài trong những khoảnh khắc cuối đời và cùng ôn lại những giáo pháp truyền thừa mà ông đã từng giảng khi Ngài còn thơ ấu. Suốt một thập niên tiếp theo sau khi cha qua đời, Ngài đã trải qua những mùa đông ở Lhasa và hầu hết thời gian còn lại Ngài đã hành hương, nhập thất, thiền định và thuyết giảng theo sự thỉnh cầu phát sinh trên suốt lộ trình của Ngài. Pháp hội do Ngài thuyết giảng thường có đến vài nghìn thính chúng.

Những sự kiện tiếp theo đã xảy ra khiến cho đức Đạt-lai-lạt-ma trở thành một người đáng nhớ nhất trong lòng những người dân Tây Tạng. Theo một số điều tiên tri trong các tác phẩm của Padmasambhava (Liên Hoa Sanh) và Atisha thì một hóa thân của Avalokitesvara (đức Quán Thế Âm)  sẽ xây một ngôi chùa bên bờ hồ Lhamoi Latso (hồ Nữ Thần), cách Lhasa khoảng chín mươi dặm về phía Đông Nam. Hồ này từ lâu đã là một điểm hành hương cho khách thập phương chiêm bái. Với hàng loạt những nghi lễ đặc biệt, Gendun Gyatso đã truyền vào hồ một năng lượng phi thường và năng lượng này sẽ trở thành một nguồn kinh nghiệm tâm linh cho tất cả những ai đến thăm viếng hồ với một tấm lòng thanh tịnh và thiền định bên cạnh hồ nước thì có thể nhìn vào nước hồ và tiên đoán được. Tất cả những sự kiện ấy xảy ra sau khi Gendun Gyatso đáp lại lời thỉnh cầu của vị thủ lĩnh vùng này quyết định xây một ngôi chùa làm nơi ẩn dật để tu thiền và an cư trong mùa hạ tại Gyal Metoktang trên bờ hồ và đặt tên là chùa Chokhor Gyal. Một năm sau, vào 1511, các nghi lễ chính thức đã diễn ra. Kể từ đó, hồ Nữ Thần đã trở thành điểm hành hương của hàng trăm nghìn người, chủ yếu là người châu Á. Tất cả họ đều hy vọng được nhìn thấy những cảnh tượng xuyên qua nước trong hồ để có thể phát hiện ra những bí ẩn về cuộc đời của mình. Hồ nước này cũng đã từng được tham khảo để trợ giúp cho công cuộc tìm kiếm những Lama tái sinh, kể cả các hậu thân của đức Đạt-lai-lạt-ma. Vào thời gần đây, ngài Regent Reting Rinpoche cũng đã nhìn thấy được những cảnh tượng trong hồ và điều kỳ diệu ấy chính là phương tiện đưa đến sự xác định chính xác nơi tái sinh của đức Đạt-lai-lạt-ma thứ XIV hiện nay.

Vào năm 1511, trong thời gian xây dựng chùa Chokhor Gyal, Gendun Gyatso nhận được lời yêu cầu từ vị Thầy trước kia của mình - Panchen Yeshey Tsemo - là trở về để đảm đương cương vị lãnh đạo ở Tashi Lhunpo. Sau gần hai mươi năm trôi dạt tha phương, Ngài đã trở về, được tấn phong và đảm nhận lại chức vụ trước kia của mình (cương vị của đức Đạt-lai-lạt-ma đầu tiên) và tiếp tục sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh. Xưa kia, lúc Ngài còn ở đó, số Tăng chúng ở chùa nhiều hơn gấp đôi và rất có uy tín nhờ vào tiếng tăm, sự hiện diện và sự nỗ lực của Ngài. Ngài cũng tiếp tục trở lại học với vị Thầy cũ của mình cho đến khi vì sự thúc bách của việc hoàn thành công trình xây cất ở chùa Chokhor Gyal - nên Ngài phải ra đi.

Từ lúc Ngài hai mươi mốt tuổi và hoàn tất việc học hành ở Drepung, mỗi năm Gendun Gyatso rất hiếm khi được ở đó khoảng một hoặc hai tháng vì Ngài bận nhiều chuyến đi thuyết giảng và hành hương ở các nơi. Tuy nhiên, kể từ năm 1517 khi Ngài chấp nhận cương vị lãnh đạo (thống lãnh ngai “Sư Tử Vô Úy”) của Drepung - ngôi chùa lớn nhất và uy tín nhất của phái Gelugpa - thì sự kiện này đã thay đổi, Ngài thường xuyên có mặt ở đó để thuyết giảng. Ngôi chùa này đã liên kết tất cả trung tâm châu Á nên hầu hết các môn sinh và học giả nổi tiếng ở tất cả các chùa chiền trên khắp Tây Tạng và các nơi khác đều tựu về đó để học hỏi, nghiên cứu.

Sau khi trở thành vị lãnh đạo của Drepung, một trong những việc đầu tiên Ngài thực hiện là hội ý với vua Gongma để đạt lại quyền chỉ đạo toàn bộ Monlam Chenmo - Đại Lễ Hội Cầu Nguyện. Nhờ vậy, lễ hội này được hoàn trả lại cho phái Gelugpa. Những người đầu tiên đã khai mạc nên lễ hội này chính là những vị đã noi theo trí tuệ sáng tạo của Ngài Tsongkhapa thuộc phái Gelugpa. Phái Karmapa đã cự tuyệt lễ hội này từ mười chín năm trước. Sự khôi phục lại những quyền lợi này được xem là một trong những thành tựu lớn nhất trong cuộc đời của đức Đạt-lai-lạt-ma thứ II.
Đại Lễ Hội Cầu Nguyện là nét nổi bật nhất của ngày Tết Tây Tạng, diễn ra suốt hơn hai đến ba tuần lễ ở Lhasa. Đối với người dân Tây Tạng, lễ hội “thể hiện sự hiện diện thực sự của truyền thống giác ngộ trong thế gian và những năng lực đáng ca ngợi do lễ hội tạo ra được xem là yếu tố chính trong sự duy trì nền hòa bình và phồn vinh của thế giới”. Người Tây Tạng rất giống với người Hopi của New Mexico, họ tự xem mình như những người góp phần vào hạnh phúc của vũ trụ và là những người gìn giữ nền hòa bình cho cộng đồng thế giới. Vì vậy, sự can thiệp vào lễ hội với mục đích môn phái và chính trị sẽ bị coi là một sự vi phạm nghiêm trọng.

Sự mâu thuẫn xảy ra trong lễ hội dường như do những mưu đồ của Sharmapa Tulku thứ IV - Chokyi Drakpa - người đã xúi giục nên những sự kình địch về môn phái nhằm mục đích đề cao vị trí của chính ông ta trong giới thượng lưu quý tộc ở Tây Tạng. Hầu như âm mưu của ông ta chủ yếu là chia rẽ phái Karma kargyu - môn phái của chính ông ta - ra làm hai phe. Đối thủ chính của ông là Mikyu Dorjee - Karmapa Tulku thứ VIII - người đã có những mối quan hệ hết sức tử tế và nhã nhặn với phái Gelupa.

Từ năm 1518, kéo dài hai mươi bốn năm sau cho đến khi qua đời, Gendun Gyatso luôn đảm nhận vai trò là người chủ trì của “Đại Lễ Hội Cầu Nguyện”. Vị Hoàng đế của Lhasa rất cảm kích tư cách của vị Đạt-lai-lạt-ma thứ II về những sự kiện này nên đã cúng dường và xây cho Ngài một dãy tòa cao ốc đặt tên là “Ganden Phodrang” trong khuôn viên chùa Drepung. Dinh thự này trở thành nơi cư trú chính của Ngài ở Lhasa và cho cả các vị tái sanh của Ngài sau này. Cái tên “Ganden Phodrang” của dinh thự này cũng đã trở thành tên của chính phủ Tây Tạng mãi cho đến thời kỳ của đức Đạt-lai-lạt-ma thứ V. 

Cũng giống như tiền thân của mình, đức Đạt-lai-lạt-ma thứ II đã đặt và dựng rất nhiều pho tượng, chủ yếu là ở chùa Chokhor Gyal. Ngài đã quyên góp vàng từ khắp nơi trên đất nước Tây Tạng và đúc thành một pho tượng của đức Phật Di Lặc to bằng người thật. Các pho tượng này không chỉ đơn thuần là để trang trí, thờ thụng ở chốn thiền môn mà còn là để tạo nên một tinh thần hòa hợp, đoàn kết giữa các môn đồ, Phật tử bởi lẽ các pho tượng ấy được tạo ra nhờ vào sự đóng góp chung của tất cả tín đồ. Người Tây Tạng đã xem những pho tượng thần thánh ấy như những huyết mạch của nguồn năng lượng có thể chuyển hóa nghiệp báo và năng lực của con người và tạo ra phước báu cho toàn thể vũ trụ. Sự xuất hiện của các vị Đạt-lai-lạt-ma đã đóng một vai trò quan trọng trong việc truyền bá những hoạt động như thế trong nền văn hóa Tây Tạng.

Vào năm 1525, Gendun Gyatso nhận chức vụ Viện trưởng ở chùa Sera, cương vị lãnh đạo của Ngài đã giúp cho số Tăng chúng và sự thịnh vượng của chùa ngày càng gia tăng. Lúc bấy giờ, Ngài đã là vị lãnh đạo tinh thần của bốn ngôi chùa lớn và tham gia vào hàng loạt chương trình giảng dạy và thiền định liên tục. Tuy nhiên, Ngài cũng đã sáng tác một số lượng rất lớn. Đức Đạt-lai-lạt-ma thứ XIV hiện nay thường hay nhắc đến đức Đạt-lai-lạt-ma thứ II: là một nhà văn viết rất nhiều - những sáng tác của Ngài bao gồm trong bốn tuyển tập với hàng vài trăm mục như thơ, tiểu luận, kinh cầu nguyện, hướng dẫn về thiền…- và còn nói rằng: “Đức Đạt-lai-lạt-ma thứ II là người vĩ đại nhất trong số tất cả những vị Đạt-lai-lạt-ma”, một phần là nhờ sự uyên bác của Ngài. Những sáng tác ấy khác với những sáng tác của tiền thân của Ngài. Các sáng tác của vị đầu tiên thường rất dài, các luận thuyết chi tiết tập trung chủ yếu vào xu hướng những truyền thống Mật tông Kim Cang thừa, năm chủ đề chính của Kinh Tạng, các học thuyết của phái Kadampa (dựa trên các học thuyết do Ngài Atisha giới thiệu) và các truyền thống Tân Kadampa (dựa trên những cải cách của Ngài Tsongkhapa). Đức Đạt-lai-lạt-ma thứ II, rõ ràng là đã nhận thức được về các sáng tác tiền thân của Ngài, nên đã chọn lối viết những bài tiểu luận ngắn, tập trung chuyên đề vào các dòng truyền thừa và các pháp hành của những trường phái ít nổi tiếng hơn. “Ngài dường như muốn nhằm vào những chỗ còn ẩn náu của Phật giáo Tây Tạng, những khía cạnh mà tiền thân của Ngài không có thời gian để viết đến” - học giả Mullin đã nhận định như thế. Còn một nét đặc trưng khác trong các sáng tác của vị thứ II, đó là Ngài đã sáng tác một cách tự phát những vần thơ, những tác phẩm thơ huyền bí, hay còn gọi là Nyam gur, đã nảy sinh vượt lên trên kiến thức và kinh nghiệm tâm linh của Ngài. Ngài đã ký‎ những tên đặc thù trên các tác phẩm ấy như Nankhai Naljorpa (Hành giả Du-già Vũ trụ); Yangchen Sheypai Dorje (Kim Cang - tiếng cười du dương); Tranguyon Gendun Gyatso (Người Hành Khất điên Gendun Gyatso). Phần lớn lối viết của Ngài thuộc thể thơ ca, tiểu luận hay những luận thuyết đi thẳng vào đời sống tâm linh của những người mộ đạo.

Chủ trương “không môn phái” của đức Đạt-lai-lạt-ma thứ II đối với Phật giáo cũng đã được phản ánh trong sự giảng dạy cũng như trong các tác phẩm của Ngài. Ngài được biết đến như một bậc Đạo sư Hoàng Mạo (Đạo sư Mũ Vàng) không có xu hướng môn phái. Sự thực hành thiền định cá nhân của Ngài đã được rút tỉa ra từ nhiều trường phái của Phật giáo Tây Tạng, những mối quan tâm về các học thuyết và sự nghiên cứu của Ngài cũng thế. Ngài đã học với hơn mười vị Thầy nổi tiếng, kể cả cha của Ngài. Về sau, vị Thầy chính thức Khedrup Norzang Gyatso đã hướng dẫn Ngài tu tập đạt được Shunyata (Tánh Không) - sự liễu ngộ tối thượng về bản thể Chân như của vạn pháp.

Một thời gian trước lúc viên tịch, Ngài đã chuẩn bị cho các đệ tử biết một số sự kiện như: ám chỉ rằng Ngài sắp sửa ra đi; đưa ra những dấu hiệu cho biết là Ngài sẽ tái sinh ở đâu; Ngài cũng đã tuyên bố vài lần trước khi mất là Ngài sẽ sớm đi về miền Nam, nơi đó Ngài có một số việc cần phải làm. Trước phút lâm chung, Ngài đã bày tỏ nguyện vọng là sẽ trở lại để công việc của Ngài được tiến triển xa hơn. Vào năm 1542, ở tuổi 68, đúng thời điểm đã chọn, Gendun Gyatso đã viên tịch trong tư thế đang tọa thiền. Theo tiểu sử viết về Ngài, sau khi hỏa táng, người ta phát hiện ra quả tim của Ngài đã được kết tinh lại thành hình của một đức Phật dưới dạng một vị thần Mật Tông.

Đức Đạt-lai-lạt-ma thứ II đã tiếp tục công việc của đức Đạt-lai-lạt-ma đầu tiên trong sự nghiệp truyền bá Chánh pháp. Cũng như bậc Đạo sư lỗi lạc trước, thời kỳ hưng thịnh và thanh thế của Ngài đã mang lại những vận may cho phái Gelugpa cũng như cho dòng dõi Đạt-lai-lạt-ma sau này ở trung tâm và miền Nam Tây Tạng. Trước khi Ngài viên tịch, có vài vị Đạo sư có thế lực ở Tây Tạng, họ không phải là đệ tử của Ngài, không cùng học với Ngài, vì thế đã không nhận các lễ quán đảnh Mật tông từ Ngài. Nhờ vào những nỗ lực của Ngài, quyền điều khiển “Đại Lễ hội Cầu nguyện” của phái Gelugpa đã được khôi phục. Mặc dù vậy, họ vẫn tiếp tục sự ngược đãi đối với phái Gelugpa, vẫn sử dụng quyền lực chính trị và sự phát triển toàn diện của họ để giám sát và thao túng bộ máy chính quyền. Tốc độ phát triển này đã sớm nhảy vọt theo cấp số nhân. Do vậy, sự tái xuất hiện của các hậu thân Đạt-lai-lạt-ma là một điều vô cùng cần thiết đối với số phận của nhân dân Tây Tạng.

Phỏng dịch theo phần: “A History of Dalai Lamas within the Context of Their Times” của tác giả Ardy Verhaegen.

Thơ:

 

Diệu Trân; Minh Đức; Tôn Nữ Hỷ Khương; Hàn Phong; Ngàn Thương; Thiện Hữu

 

PHÁP TẠNG BỒ TÁT
Diệu Trân

Ngài Pháp Tạng Bồ-tát
Thề nguyện lúc tu nhơn
Tâm từ bi đại lực
Thương muôn loài chúng sanh.

Bốn tám điều hoằng nguyện
Dựng lập cõi an vui
Cõi nước thuần thanh tịnh
Đoạn dứt nghiệp luân hồi.

Muôn chim cùng diễn pháp
Bước kinh hành thảnh thơi
Mạn-đà hoa thơm ngát
Đất Phật nơi chân người.

Thề nguyện rồi dõng mãnh
Tinh tấn Ngài vững tâm
Dù qua bao nghịch cảnh
Chánh định vẫn kiên cường.

Quán các pháp như huyễn
An trụ giải thoát môn
Nhẫn bao điều khó nhẫn
Đại nguyện Ngài viên thông.

Khi ấy đêm bừng sáng
Khắp Trời Người hoan ca
Đảnh lễ Tây Phương Phật
Hiệu là A-di-đà
A-di-đà.

 

NGÀN DÂU SÓNG LẮNG

Minh Đức - Triều Tâm Ảnh

Vĩnh cửu bước đi không cần tay nắm
Và thiên thu lỗi hẹn đã từ lâu
Ai chấp chới bên kia bờ bụi vẩn
Ta thõng cuộc ra về tri kỷ với non sâu.

Ai mộng mị, ta không còn mộng mị
Chỉ thích chiêm bao thấy Phật nụ cười vui
Bao phiền não chưng bình hoa buổi sớm
Riêng chiều tàn, thơ lạnh lắm người ơi!

Chung trà độ nọ, bạn bè ly tán hết
Buồn, cô đơn là số phận của tâm hồn
Không ai hiểu nói nhiều thêm nhạt miệng
Chẳng lẽ nào hiu hắt nẻo không môn?

Thế gian hoang vu, hai bờ bìa giấy trống
Chỉ còn đây con chữ trẽn trơ màu
Triền đá dựng, bít đông tây gió lộng
Để cõi thiền chiếc lá được xanh lâu.

Kinh sử sang trang, thắp trái tim hiền giả
Chợt ấm lòng tiếng chim hót đầu cây
Khách ta bà dăm ba người lạc bước
Ngồi hiên ngoài thấy bóng núi còn bay!

Vĩnh cửu ơi! Ta xin chào vĩnh cửu
Còn thiên thu — khó nắm ở hai đầu
Yên hơi thở và yêu miền cô tịch
Nghe lòng mình tưởng sóng lặng ngàn dâu.

Am Mây Tía, mùa mưa lũ Ất Dậu

ĐỨC DANH TỎ RẠNG
Thương kính tưởng niệm cố Ni sư Thích nữ Trí Hải

Tôn Nữ Hỷ Khương

Vừa qua kỵ Đức Ông1
Cô nhắc mời bà con
Cùng bạn bè thân hữu
Văn nghệ sĩ tâm đồng.

Cô nói cười vui vẻ
Sắc diện vẫn tươi hồng
Nhà Như Lai tỏa sáng
Giữa bầu trời thanh không.

Thơ ngân vang thiền viện
Đầy ý nghĩa đạo tình
Lắng sâu dòng kinh điển
Ngời dạng ánh bình minh.

Chiều về còn điện thoại
Trò chuyện không dứt lời…

Thế rồi… ơi hỡi Người ơi!
Mới hôm nao… giã biệt đời - ra đi!
Tiếc thương em biết viết gì?
Thâm tình cốt nhục khắc ghi bóng hình.

Xong rồi một kiếp phù sinh
Hương lòng một nén tâm thành kính dâng.

“Đời dù nhuốm sắc phù vân”2
Đức danh Cô mãi trong ngần bóng sương.

Tử sanh như giấc mộng trường,
Sắc không hai chữ vô thường đó thôi!
Nén đau thương - gượng mỉm cười,
Nơi miền Cực lạc - cho Người an vui.

Trọng Đông Quý Mùi – 2003

(1) Đức Ông Tuy Lý Vương là cố nội của ni sư Trí Hải và Hỷ Khương. Lễ giỗ Ngài ngày 23/10 âm lịch.
(2) Thơ Hỷ Khương

HOA CẢI VÀNG VÀ MẸ
HÀN PHONG

Hoa cải vàng trước ngõ
Lóng lánh giọt sương đêm
Nắng mai lùa trong gió
Rung rinh những đọt mềm.

Chập chờn bay trong nắng
Đàn bướm màu lượn quanh
Mái nghèo nghe hoang vắng!
Giọng hát ru ngọt lành!?

Ta dập dồn bước chân
Nghe hồn dâng cay đắng
Tha phương khách phong trần,
Mẹ buồn, trông… lo lắng.

Ngày trở lại quê hương
Mẹ yêu không còn nữa!
Ôi ! Cuộc sống vô thường
Biết tìm đâu chỗ tựa.

Nhìn vuông cải trước nhà
Thiếu bàn tay chăm sóc!
Ngày lại ngày lướt qua
Vẫn mang niềm cô độc!

Thời gian như ngừng trôi
Không gian chừng lắng đọng
Con tim luôn bồi hồi
Tình thương và cuộc sống.

Cỡi hạc đến trời xa
Miền đất tịnh Di-đà
Sen vàng ao thất bảo
Liên trì nở thêm hoa.

Vườn cải nay gợi nhớ
Hình bóng mẹ hiền xưa
Đêm đêm buồn trăn trở
Nhớ thương mấy cho vừa.

Niệm Cầu
Ngàn Thương

Hạnh nguyện
Thành những sóng âm
Cảnh giới Phật hiện về trong tâm thức
Lòng từ bi
Trải muôn loài an lạc
Cho tự thân ánh đuốc soi đường.

Hoa Bồ-đề
Mầu nhiệm vô biên
Trong cuộc sống lòng ta chiêu cảm
Bao buồn vui hợp-tan tan tác
Giữ tâm mình trong sáng
Niệm cầu xin…
 


NÉT VÔ THƯỜNG
Thiện Hữu

 Ban mai dạo quanh vườn
 Chồi biếc còn giăng sương
 Núi rừng tràn sức sống
 Hoa cỏ tỏa ngàn hương
 Đàn chim đùa vui vẻ
 Lũ ve ngân du dương
 Có cái gì rất đẹp
 Thoáng sau nét vô thường.

---o0o---

Nguồn: Phatviet.net

Trình bày: N.Tường

Cập nhật: 1-1-2006

 

Webmaster:quangduc@tpg.com.au

Trở về Trang Tập San Phật Học

Đầu trang

 

Biên tập nội dung: Tỳ kheo Thích Nguyên Tạng
Xin gởi bài mới và ý kiến đóng góp đến ban biên tập qua địa chỉ:
quangduc@tpg.com.au