Trang tiếng Việt

 Trang Nhà Quảng Đức

Trang tiếng Anh

Thông Báo


...... ... .


 

 

Nước Úc có gì lạ?

Thích Như Điển

Trước năm 1975 các sinh viên miền Nam Việt Nam nếu muốn đi du học ở ngoại quốc, đầu tiên thường hay chọn theo thứ tự là Hòa Kỳ, Canada, Úc, Đức, Anh, Nhật v.v… Vì những nơi nầy có nền giáo dục cao. Dĩ nhiên Tích Lan, Tân Tây Lan, Ấn Độ, Đài Loan và sau năm 1973 là Pháp cũng được chọn theo, những thứ tự ưu tiên như tài chánh, ảnh hưởng của thế giới, sau khi học hành thành tài về lại nước v.v… Đó là những lý do để cho các sinh viên Việt Nam chọn mặt gởi vàng khi đến du học tại nước đó.

Sau năm 1975 làn sóng người Việt tỵ nạn càng ngày càng cao và thời điểm cao nhất có thể nói là cả thập niên 80; nghĩa là từ năm 1980 đến năm 1989 có cả hằng trăm ngàn, hằng triệu người đã bỏ nước ra đi. Vì chỉ muốn mình được sống trọn vẹn với hai chữ TỰ DO. Khi danh từ Boat People được thế giới lưu tâm đến và các quốc gia Âu Mỹ mở rộng vòng tay nhân đạo để đón rước những người ra đi tỵ nạn bằng thuyền nầy khi còn tạm cư tại các Đông Nam Á Châu, thì hầu như mọi người cũng đều chọn Mỹ là ưu tiên số một rồi sau đó mới đến Canada, Pháp, Úc v.v…, còn những nước khác như Đức, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan v.v… là những nước hầu như không có danh sách được sắp hàng trong ý nghĩ của những người đi tỵ nạn. Lý do đơn giản có thể là lâu nay người miền Nam Việt Nam chỉ giao dịch với những xã hội nói tiếng Anh và tiếng Pháp, còn tiếng Đức hay các tiếng Bắc Âu cũng như tiếng Nhật họ hoàn toàn xa lạ. Vả lại ai cũng nghĩ rằng: đến Mỹ và Canada gia đình họ, trong đó có những thế hệ con cái của họ về sau nầy sẽ dễ hội nhập cũng như dễ thành đạt hơn là các nước khác. Mặc dầu có nhiều gia đình được tàu Cap Anamur của ông tiến sĩ Neudeckt người Đức vớt hơn 10.000 người; nhưng không phải ai cũng muốn đi Đức. Đồng thời có nhiều người được tàu Na Uy, Nhật Bản, Đan Mạch, Đại Hàn vớt ngoài biển Đông; nhưng khi đến trại tạm cư, ai cũng muốn đi Mỹ. Còn Úc có lẽ là ưu tiên 3, 4, chứ không phải ưu tiên hàng đầu.

Hiện nay số người Việt Nam định cư tại Úc khá đông. Con số ước định có thể lên đến 200.000 người. Đa phần người Việt định cư tại các thành phố lớn như Sydney, Melbourne, Adelaide, Brisbane, Perth. Còn những thành phố nhỏ như Canberra, Darwin, Cairns v.v.., số người định cư không quá 5.000 người mỗi nơi. Có rất nhiều người Việt ở Úc nhưng chưa đi hết nước Úc; trong khi đó rất nhiều người ngoại quốc đa phần là Đức và Nhật họ đã thám hiểm xứ Úc nầy nhiều hơn là người địa phương.

Riêng cá nhân tôi đã có nhân duyên đến Úc lần đầu tiên vào năm 1979, cho đến nay 2007 đã qua 28 năm và hầu như mỗi năm đều đến Úc một lần; nhưng đa phần chỉ ở vùng Sydney và một vài thành phố lớn khác, chứ chưa có thời gian và cơ hội để đi khắp nước Úc. Do vậy tôi có bàn với Hòa Thượng Thích Bảo Lạc, bào huynh của tôi, sau khi ở Úc 27 năm; là nên đi tham quan xứ Úc một lần cho biết, nhất là sau khi đã trao quyền trụ trì lại cho Thầy Phổ Huân kể từ ngày 24 tháng 12 năm 2006 và Hòa Thượng đã đồng ý. Như vậy thời gian và ý chí mạo hiễm là những điều tiên quyết, để Hòa Thượng dẫn đệ tử tại gia là Chúc Đạm đi theo cùng, nhằm giúp đỡ khi giao dịch bằng ngôn ngữ địa phương chánh hiệu và tôi mang theo chú Hạnh Bổn để giúp đỡ những công việc cần thiết khác.

Phái đoàn chỉ có 4 người và bắt đầu đi từ Sydney ngày 30 tháng 12 năm 2006 đến Adelaide để tham dự khóa tu học Phật Pháp Úc châu kỳ 6 từ ngày 31 tháng 12 năm 2006 đến ngày 4 tháng 1 năm 2007. Sau đó từ ngày 5 tháng 1 năm 2007 đến ngày 26 tháng 1 năm 2007 là những ngày lý thú có tính cách Adventures (mạo hiểm) của những người muốn thăm viếng cũng như học hỏi và tìm hiểu xứ Úc nầy.

Nước Úc tiếng Anh gọi là Australia; nhưng người địa phương nói nhanh là Aussie và còn một danh từ khác ít ai dùng đến; đó là Down Under. Down có nghĩa là dưới và Under cũng không ngoài nghĩa đó. Do vâỵ phải dịch là miệt dưới mới đúng nghĩa của nó. Nhưng tại sao gọi là miệt dưới? Vì lẽ Úc nằm phía Nam đường xích đạo và có thời tiết cũng như khí hậu không giống bất cứ một nước nào của các châu lục trên thế giới. Nghĩa là trong khi Âu, Mỹ vào Đông tuyết rơi phủ trắng cả không gian thì Úc châu là mùa Hè, nắng ơi là nắng. Đôi khi vào mùa Giáng Sinh ở Úc nhiệt độ lên đến trên 40 độ C, trong khi Âu Châu mùa Hè, thì Úc Châu mùa Đông. Tuy không có tuyết tại lục địa này ngoại trừ Tasmania và những vùng núi cao, nhưng có nơi về đêm nhiệt độ cũng xuống đến 0 độ C. Nói một cách dễ hiểu là ở Âu, Á , Mỹ, Phi mùa Đông thì ở Úc mùa Hè. Ở các lục địa trên mùa Xuân thì ở Úc mùa Thu và thì giờ giữa Úc và các châu lục khác cũng cách nhau hơn mười hai tiếng đồng hồ. Vì lẽ đó nên gọi là miệt dưới.

Nước Úc có 6 tiểu bang và 2 vùng tự trị. Đó là các tiểu bang New South Wales, Victoria, South Australia, Queensland, Western Australia, Tasmania và 2 vùng lãnh thổ tự trị Northern Territory và thủ đô Canberra. Đây cũng có thể gọi là vùng riêng biệt, có thủ hiến và luật lệ riêng. Ngay cả vùng Northern Territory có thủ phủ là Darwin họ cũng có cờ riêng của thổ dân (Aboriginal) và hầu như đất đai cũng thuộc riêng của thổ dân, mặc dầu miền nầy vẫn nằm trong lãnh thổ Úc. Có lẽ người thổ dân quan niệm rằng trước khi người Anh đến cách đây hơn 200 năm về trước, thì Tổ Tiên họ đã sinh sống tại đây hằng mấy chục ngàn năm rồi.

Để so sánh độ lớn của các châu và các nước trên thế giới đối với nước Úc như thế nào, chúng ta có thể nhìn vào hình Postcard dưới đây để mô tả rỏ về điều ấy.

Cả nước Anh và Ái Nhĩ Lan chỉ bằng một phần hai mươi của xứ Úc; cả nước Nhật và nước Việt Nam chỉ bằng một phần hai mươi ba của xứ sở rộng rãi nầy. Riêng tiểu bang New South Wales đã lớn gấp 6 lần nước Việt Nam và nước Đức rồi. Nước Hoa Kỳ kể luôn Alaska thì lớn hơn nước Úc một ít; Nhưng Hoa Kỳ có đến hơn 300 triệu dân, trong khi đó Úc chỉ có hơn 20 triệu dân. Nghĩa là dân số Úc chỉ chiếm chưa được một phần mười của Hoa Kỳ. Vấn đề quan trọng ở xứ Kangaroo nầy là nước. Nước cần thiết hơn là vàng hay Uranium tại lục địa to lớn này. Một điều khủng khiếp khó ai tưởng tượng nổi là cả lục địa Âu Châu gồm trên 20 nước lớn nhỏ, có tổng sản lượng quốc gia ngang hàng với Mỹ mà được bỏ gọn vào trong nước Úc. Đó là những nước như: Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp, Ý, Thụy Sĩ, Lichtenstein, Lục Xâm Bảo, Áo, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan, Tiệp Khắc, Hung Gia Lợi, Bảo Gia Lợi, Albani, Bỉ, Hòa Lan, Đan Mạch… Còn Tân Tây Lan vốn ở gần với Úc, có khí hậu cũng như thời tiết hoàn toàn giống như nước Úc; nhưng cũng rất nhỏ so với lục địa nầy. Cuối cùng độ lớn của nước Úc có thể so sánh với các nước Đông Nam Á Châu bằng tổng thể của các nước như sau: Singapore, Indonesia, Malaysia, Philippines, Miến Điện, Việt Nam, Cam Bốt, Lào, Thái Lan, Đài Loan và một phần phía Nam của Trung Quốc. Như vậy có thể nói rằng Úc Châu là một lục địa đất đai còn mênh mông bát ngát và con người thì còn thưa thớt; người di dân chỉ mới đặt chân đến đây chừng hơn 200 năm lịch sử mà thôi.

Adelaide là thủ phủ của tiểu bang South Australia. Nơi đây có ngôi chùa Pháp Hoa do Hòa Thượng Thích Như Huệ sáng lập và làm Phương Trượng. Đồng bào Việt Nam chúng ta ở đây đa phần sống bằng nghề làm Farm (làm rẫy), trồng các cây trái Á Châu trong những khu vườn bát ngát bởi những dãi bạc hay Nylon được che phủ bên trên để ngừa khi mưa nắng. Có những Farm đi mõi chân vẫn chưa hết ruộng và cây trái. Đa phần những chủ Farm ở đây trồng cà chua, dưa leo, đậu que, cải bẹ xanh, ớt sừng trâu, cà tím v.v… Nghe đâu có khi cũng được mùa mà nhiều lúc cũng rất ế ẩm.

Đoàn chúng tôi được các Phật Tử địa phương đưa đi thăm Victoria Harbourt. Đây là một cảng nhỏ nằm cách Adelaide chừng hơn một tiếng đồng hồ lái xe. Có những con ngựa thật to con, kéo cả một toa xe lửa nhỏ, trên đó chở cả hằng mấy chục người. Chúng tôi đi qua đảo bằng chiếc cầu thật thơ mộng và sau đó đi quanh núi để chụp hình lưu niệm. Tôi nhủ thầm: Nếu là Âu Châu thì chính phủ đã lấy tiền vào cửa rồi; nhưng ở đây có lẽ chưa lấy. Vì ngân sách của chính phủ còn dồi dào. Vì đảo rất đẹp và nên thơ. Nếu ai đó đến Adelaide mà quên viếng thăm địa điểm nầy là một điều thiếu sót lớn.

Địa phương thứ hai mà chúng tôi đến là Perth. Ban đầu chúng tôi muốn đi xe Bus hay xe lửa để ngắm cảnh. Nhưng cuối cùng hãng du lịch Skybus Mekong của anh Minh Dũng Lê Thắng Tiến và cô Diệu Yên cho biết xe Bus không chạy đường trường nầy, có lẽ ít khách, chỉ có xe lửa. Nếu đi giường nằm thì phải trả 1.000 Đô La Úc một vé cho một vòng; nếu ghế ngồi độ gần 400 Đô La Úc. Trong khi đó đi máy bay chỉ có 3 tiếng đồng hồ mà chỉ tốn có 400 Đô La Úc cho mỗi người; nên cuối cùng chúng tôi đã chọn phương tiện nầy.

Đến phi trường Perth chúng tôi thuê xe cho Chúc Đạm và Hạnh Bổn tự lái đến khách sạn. Ngày kế tiếp chúng tôi đi tham quan những công viên và cảnh trí tại địa phương. Mặc dầu chúng tôi biết rằng tại đây đã có chùa Phổ Quang do Thượng Tọa Thích Phước Nhơn làm Phương Trượng; nếu cố ý làm phiền Thầy ấy cũng được; nhưng chúng tôi chỉ muốn tự do hơn để tự đi thám hiểm mọi nơi của xứ Úc; nên chỉ ghé thăm chùa độ 30 phút rồi đi. Ngôi chùa bây giờ đẹp hơn năm 2000 lúc khánh thành nhiều lắm. Nhất là năm 2007 Thượng Tọa sắp cử hành lễ kỷ niệm 25 năm thành lập nên cảnh vật chung quanh chùa lại được chăm sóc kỹ càng hơn. Trông thật xứng đáng với một ngôi tự viện của Phật Giáo Việt Nam ở miền Tây Úc nầy. Chúng tôi cũng đã có ghé qua thăm chùa Chánh Giác ở ngay trong phố và ngôi chùa nầy cũng đã có mặt tại vùng Tây Úc này không dưới 25 năm. Đến công viên Perth, nhà thơ Sông Thu tức Hòa Thượng Thích Bảo Lạc tức cảnh đã làm thơ để mô tả về cảnh trí thiên nhiên tuyệt mỹ này như sau:

Botanic Garden (Perth)

Khen ai khéo họa nên hình

Non sông tươi đẹp hữu tình thần tiên

Tây Đô đất Perth diệu hiền

Nước mây hòa quyện giữa miền công viên

Botanic sông biển gắn liền

Cây xanh nước biếc mối duyên mặn mà

Cận kề phố thị phồn hoa

Vươn cao chớm chở những tòa building

Soi mình dưới giòng sông xanh

Cầu kiều, xe cộ lượn quanh chạy dài

Xa xa trời nước hòa hai

Thiên đường hạ giới nào sai danh truyền

Gần gũi với người hữu duyên

Ghé qua ngoạn cảnh thiên nhiên tuyệt vời

Môi sinh – đất nước – con người

Muôn đời tươi đẹp vòm trời thiên thanh.

Từ khách sạn đến bến xe Bus phải đi Taxi; lại gặp đúng một anh tài xế Việt Nam và hỏi ra mới biết là có quen với Ba Mẹ của Chúc Đạm khi còn trong trại tỵ nạn ở Hồng Kông hơn 20 năm về trước. Cho nên ông bà mình hay nói: “quả đất vẫn tròn” là vậy. Từ Perth đến Broome đoạn đường nầy dài trên 2.200 cây số, chúng tôi phải ngồi xe Bus suốt cả 2 ngày và một đêm trên chuyến lữ hành do hãng Greyhound chuyên chở và 4 tài xế đã thay phiên nhau lái qua các chặng đường như Geraldton, Carnarvon, Exmouth, Port Hedland và cuối cùng là Broome. Đây là một thành phố nhỏ mới được khai phá. Có một phi trường cỏn con. Trong khi đó có Chinatown tương đối lớn và lâu đời. Chúng tôi ở cư xá của những người sinh viên trẻ và đi thăm hải cảng, chùa Phật Giáo người Úc cũng như đặc biệt thăm 2 nghĩa trang của người Nhật và người Hoa. Người Hoa đến đây lý do tìm vàng và người Nhật đến đây cũng như thế. Họ đã chết trên đường đến Úc vì giông bão; hoặc giả đệ nhị thế chiến (1939-1945) Nhật đã thả bom cảng nầy vào Úc 1942. Sau đó họ chiếm nơi nầy cho đến 1945 và từ đó có những người Nhật sau khi thua trận không trở về nước, họ ở lại đây để sinh sống và cũng chết tại đây. Gần cả ngàn ngôi mộ vẫn còn khắc trên bia tên tuổi, ngày tháng năm sinh cũng như năm mất; nhưng thỉnh thoảng vẫn thấy vài ngôi mộ không chủ, trên đó có khắc 3 chữ: Vô Duyên Phật. Nghĩa là người nầy không có duyên với Phật. Lẽ ra phải khắc vô danh mộ thì đúng hơn.

Trên đường đi chúng tôi gặp rất nhiều người Đức và những người Nhật trẻ đi thám hiểm lục địa nầy. Riêng Thổ Dân có rất nhiều người chắp hai tay lại để chào và họ biết chúng tôi là tu sĩ Phật Giáo. Đồng thời trên những xe Bus hay gặp ngoài đường phố rất nhiều người Úc, người Đức, người Pháp, Người Ý đã vui vẻ gợi chuyện qua lòng từ bi, trí tuệ của Đạo Phật. Đặc biệt họ hay nói về sự khoan dung của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Đạo Phật không có cơ quan truyền giáo, nhưng đạo Phật đã đi vào lòng người Âu Mỹ ngày nay bằng những cái nhoẻn miệng cười và chắp hai tay lại để chào; như thế cũng đủ thấy giáo lý của Đức Phật vô hình chung đã cảm hóa họ một cách rất dễ dàng.

Rời Broome bằng xe Bus vào buổi tối và cho đến tối hôm sau thì mới đến Darwin. Nơi đây là Thủ Phủ của vùng tự trị Northern Territory và có số người Việt sinh sống không trên 3.000 người. Như vậy chúng tôi đã ngồi xe Bus thêm 24 tiếng đồng hồ nữa và đoạn đường nầy dài khoảng 1.500 cây số xuyên qua các vùng Kununurra, Katherine và cuối cùng là Darwin. Phố ở đây không lớn lắm, nếu đi bộ chừng 5 tiếng đồng hồ là hết phố. Tuy nhiên phố tương đối đẹp. Có Botanic Garden và đặc biệt có công viên quốc gia gọi là Charles Darwin, để kỷ niệm người sáng lập ra thuyết “tiến hóa luận”. Đây cũng là bước đầu để nhà Bác Học Albert Einstein sau nầy tiến cao hơn một bước nữa thành lập thuyết “ tương đối luận”. Rồi dần dần đến cuối thế kỷ thứ 20 nhà Bác Học người Anh tên là Stephen Hawkin đã thành lập thuyết “thời gian không có bắt đầu và không có cuối cùng” tương tợ như quan niệm của Đức Phật trong kinh Hoa Nghiêm về “trùng trùng duyên khởi và trùng trùng biến hiện”.

Một ngày đi Tour có ý nghĩa là Đoàn đã đi thăm công viên thiên nhiên Kakadu đã được Liên Hiệp Quốc liệt vào di sản văn hóa thế giới có chiều rộng bao la và độ dài của công viên là 200 cây số. Chúng tôi đã đi thăm viện bảo tàng của thổ dân và nơi đây họ có trưng bày tất cả những dụng cụ săn bắn và những động vật, thực vật của thổ dân sinh sống. Trong đó có một loại kiến có túi mật phía sau và họ ngắt đi. Thổ dân bắt kiến nầy để ăn phần túi mật, thế là kiến chết và thổ dân tiếp tục sống còn để nối truyền giòng giống.

Sau đó người hướng dẫn Tour cho chúng tôi lên thuyền và đi trên giòng sông, Yellow Water River; giòng sông nầy chảy từ cảng Darwin sâu vào nội địa của tiểu bang nầy. Đặc biệt rất nhiều cá sấu và cá quá nhiều; phải nói rằng hằng hà sa số cá. Trên cây còn có nhiều loài chim, loài đại bàng, loài kỳ nhông, kỳ đà thật lạ mắt mà ở các lục địa khác tôi chưa bao giờ trông thấy qua. Hướng dẫn Tour đã giải thích cho chúng tôi nghe về đời sống của cá sấu như thế nào, cách sinh đẻ ra sao, lúc đói, lúc giận, lúc vui, lúc buồn ra sao. Quả là muôn hình vạn trạng của loài dã thú.

Đâu đó người ta vẫn ăn thịt cá sấu và thịt Kangaroo cho là bổ là mềm; nhưng trước cảnh trời nước bao la như thế nầy con người tỏ ra sợ hãi trước cá sấu. Nghe đâu có con dài đến 6 hay 7 mét là thường. Những con cá sấu lớn như thế mà so ra với chiều cao của con người chỉ gần 2 mét thì có thấm vào đâu. Khi nói đến xứ Úc đa phần người ta nghĩ đến nạn cháy rừng và cá mập hay cá sấu ăn thịt người; chứ ít khi nghĩ đến chuyện khác. Vì những chuyện nầy ở đây thường xảy ra nhiều hơn là những chuyện gì kinh khủng khác đang xảy ra trên thế giới.

Đến Darwin chúng tôi cũng đã thăm một ngôi chùa của người Hoa. Thật ra ở đây họ thờ Mẫu là chính. Tuy cũng có thờ Lão và Phật; nhưng chỉ là phần phụ thôi. Chùa nầy đã có mặt tại Darwin đã hơn 100 năm rồi. Đồng thời chúng tôi cũng đã đến thăm chùa Quốc Tế, nơi đang có hai Sư Cô Việt Nam ở; thăm chùa Thái Lan và chùa Tây Tạng. Đây là những ngôi nhà rất khiêm nhường, mới cải gia vi tự, trông giống như cảnh chùa của Việt Nam ở ngoại quốc lúc sơ khởi cách đây chừng 30 năm về trước.

Có một buổi tối chúng tôi ghé thăm gia đình Đạo Hữu Tâm Quang và dùng cơm tối tại đó. Song thân của Đạo Hữu Tâm Quang gần 80 tuổi mà vẫn minh mẫn và đặc biệt là có một đức tin rất sâu sắc vào Đạo Phật. Nói chuyện khi quen thì gia đình có cho biết là đã bao đời hỗ trợ Phật Học đường Lưỡng Xuyên ở Trà Vinh, nơi Hòa Thượng Thích Bảo Lạc cũng đã từng học từ năm 1960 đến năm 1963. Thân mẫu của Đạo Hữu Tâm Quang pháp danh Viên Huệ làm thơ về kinh Pháp Hoa rất hay; đặc biệt là (Pháp Hoa Cửu Dụ). Nhân đó Đạo Hữu đã đem pháp phái của thân mẫu mình là Diệu Ngọc đã xuất gia và thọ Tỳ Kheo Ni từ năm 1949 do cố Đại Lão Hòa Thượng Khánh Anh đời thứ 40 giòng phái Lâm Tế Chúc Thánh Quảng Nam truyền thừa. Từ đây chúng tôi đã được một số tư liệu mới về pháp Danh, pháp Tự, pháp Hiệu cũng như sự truyền thừa mà về sau nầy có một số quý vị tăng sĩ cũng như Phật tử ít lưu tâm đến.

Đại Lão Hòa Thượng Khánh Anh khai sơn chùa Phước Hậu tại Trà Ôn, pháp danh là Chơn Quý, pháp Tự là Đạo Trân và pháp Hiệu là Khánh Anh. Ngài người Quảng Ngãi và từ giòng phái Chúc Thánh của Minh Hải Tổ Sư truyền sang cho Ngài Thiệt Dinh, Chánh Hiển, Ân Triêm đời thứ 35 và Ngài Ân Triêm là người Việt Nam đầu tiên cũng giống như Ngài Liễu Quán đã đắc pháp với tổ Nguyên Thiều người Trung Quốc vậy. Ngài Hòa Thượng Khánh Anh là người đã trực tiếp truyền thừa từ thiền phái nầy và Ngài cũng đã biên tập cũng như dịch thuật rất nhiều kinh sách; đặc biệt là quyển “Nhị Khóa Hiệp Giải” là một quyển sách gối đầu giường của Tăng Ni trong thế kỷ thứ 20.

Khi Ngài làm Thiền Gia Pháp Chủ tại miền Nam, cố Hòa Thượng Thích Thiện Hoa, Viện Trưởng Viện Hóa Đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất thời 1967-1973 là học trò và đệ tử của cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Khánh Anh. Như vậy nếu theo giòng kệ truyền thừa Chúc Thánh thì cố Hòa Thượng Thích Thiện Hoa pháp danh phải là chữ Như và pháp Tự phải đứng đầu là chữ Giải, thuộc đời thứ 41. Còn Hòa Thượng Thích Thanh Từ là đệ tử của cố Hòa Thượng Thích Thiện Hoa, có pháp Danh là chữ Thị, pháp Tự là chữ Hạnh, thuộc đời thứ 42. Như vậy nếu Hòa Thượng Thích Thanh Từ tiếp tục lưu truyền theo dòng phái Lâm Tế Chúc Thánh thì đệ tử của Ngài thuộc đời thứ 43 có pháp danh là chữ Đồng và pháp tự là chữ Thông đướng đầu. Đó là nói theo giòng kệ để biết việc truyền thừa. Tuy nhiên có một số vị Hòa Thượng khi vào Nam cho pháp danh cũng như pháp tự một cách đơn giản; nhưng về sau hỏi thuộc giòng nào và đời thứ mấy thì không rõ.

Cách đây 2 năm vào mùa Đông năm 2005 cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Huyền Vi Tăng Thống và Sáng Lập Giáo Hội Phật Giáo Linh Sơn thế giới khi viên tịch, chúng tôi mới biết rõ Ngài cũng thuộc giòng phái Lâm Tế Chúc Thánh đời thứ 41 có pháp danh là Như Kế, pháp tự Giải Đạo. Như vậy Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh, Thượng Tọa Thích Trí Hải, Thích Trí Siêu v.v…, những người thuộc đệ tử của cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Huyền Vi thuộc đời thứ 42 bắt đầu pháp danh bằng chữ Thị và pháp tự bằng chữ Hạnh. Còn pháp Hiệu do Thầy Bổn Sư hoặc do Hòa Thượng Đàn Đầu đặt tùy tiện chứ không nhất thiết phải theo giòng kệ. Từ đó nên biết rằng thế hệ đệ tử của Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh thuộc giòng phái Lâm Tế Chúc Thánh đời thứ 43 bắt đầu pháp danh bằng chữ Đồng và pháp tự bằng chữ Thông. Nói như vậy cho có cội nguồn và nhớ ơn Tổ Đức; còn ngày nay mọi việc đều tự do. Có nhiều vị muốn mình là Sáng Tổ của một giòng Thiền hay phái khác thì đó là quyền của mỗi người; chứ không phải chúng tôi “thấy người sang bắt quàng làm họ”. Mong quý vị thông hiểu cho đều nầy.

Nhân đây cũng xin cám ơn Song Thân của Đạo Hữu Tâm Quang rất nhiều. Nhờ đó mà chúng tôi đã có cơ hội để tìm về uyên nguyên nguồn cội của một số quý vị Danh Tăng Phật Giáo Việt Nam.

Rời Darwin để đi Alice Springs vào một buổi sáng bằng xe Bus và mãi đến sáng hôm sau chúng tôi mới đến địa phương muốn đến. Qua 24 tiếng đồng hồ ngồi xe Bus như thế và xe đã lao đi qua các vùng Katherine, Tennant Creek, mới đến Alice Springs. Đây mới là địa phương cần phải nói và viết nhiều nhất về chuyến đi nầy.

Vùng Tennant Creek có mõ vàng và đá quý; nên trước đây nhiều người di dân từ Á Châu cũng như Âu Châu đã đến tìm vàng. Họ có thể di chuyển bằng lạc đà hay ngựa. Vùng nầy cho đến bây giờ vẫn còn hoang sơ. Đa phần là Thổ Dân. Họ là những người được sanh ra và lớn lên tại đây. Họ hưởng nhiều quyền lợi; nhưng trình độ văn hóa không cao lắm. Họ chỉ thích hợp với đời sống thiên nhiên núi rừng và ít thích hợp với đời sống thị thành. Họ được Chính Phủ Úc ưu đãi, do vậy họ ít phá phách; nhưng do trình độ văn hóa thấp hơn các dân tộc khác đến từ Âu hay Á Châu; nên có lẽ họ cũng mang một ít mặc cảm là tại sao quê hương của họ mà người da Trắng và người da Vàng đến đây chiếm cứ. Nhưng nếu đứng từ cái nhìn của sự phát triển, nếu xứ Úc nầy không có những người da trắng đến đây khai hoang lập nghiệp trên 200 năm nay thì ngàn năm sau, xứ Úc nầy cũng sẽ là nơi hoang dã, khó có thể phát triển và cạnh tranh với những nước khác trên thế giới được.

 Từ Alice Springs muốn đi thăm hòn đá đỏ có thể đi nhiều cách khác nhau, xe Bus hay xe cá nhân. Chúng tôi đã thuê một xe leo núi cho bốn Thầy trò cùng đi (4WD- Four Wheel Drive). Đoạn đường đi từ Alice Springs đến hòn đá đỏ độ chừng 460 cây số đi xuyên qua xa lộ Stuart nối liền Nam Bắc Adelaide và Darwin vùng Top End của nước Úc. Chiều dài của xa lộ nầy hơn 3000 cây số. Chúng tôi lái xe đến địa phương Erldunda thì đổi sang quốc lộ số 4 để đi đến hòn đá đỏ. Xa lộ ở đây có đoạn cho chạy 110 km hay 130 km trên một giờ. Nhưng điều đặc biệt là rất ít xe, đi cả hơn 400 km mà không có một chiếc xe nào khác qua mặt; nên thời gian đi và đến không sai khác với Đức bao nhiêu, mặc dầu ở Đức có nơi không giới hạn vận tốc và có người đã chạy đến trên 200 cây số giờ. Ở đâu cũng có cái nguy hiểm của nó. Với tốc độ ấy ở Đức nếu gặp tai nạn là cả mạng người lẫn xe đều không còn và ở đây cũng vậy. Vì chạy hai chiều mà tốc độ 130 cây số giờ; nên nếu lạc tay lái thì cái chết cũng không tha cho ai, nhất là để tránh những con kỳ đà hay những con bò, con Kangaroo chạy ngang qua quốc lộ, chỉ cần bẻ tay lái sang phải một chút là xe bên trên đối diện phóng xuống là có vấn đề. Hôm chúng tôi đi chỉ sau một tiếng đồng hồ, qua đọc báo chúng tôi biết có một người Đại Hàn và một người Úc tử thương tại chỗ. Còn những người khác trên xe đều bị thương. Đi du lịch mà gặp hoàn cảnh nầy thật chẳng có sự khổ tâm nào có thể so sánh được cả.

Hòn đá nầy có 3 tên gọi. Nếu nói theo tiếng Anh là Ayers Rock. Nói theo tiếng địa phương là Uluru và nói theo tiếng thông thường là hòn đá đỏ. Đây có thể là một thiên thạch từ một cõi Trời trong dục giới hay sắc giới nào đó đã rơi xuống vùng Trung Úc nầy. Đây không thể gọi là núi. Vì núi thì phải có cây. Còn ở đây hoàn toàn không có cây cối, mà là một khối đá khổng lồ. Căn cứ theo tài liệu du lịch của Úc thì khối đá nầy cao 348 m; chân đá chôn vùi dưới mặt đất là 6 km, tức là 6000 m. Đi bộ hết chung quanh khối đá nầy là 9,4 km và phải cần 3 đến 4 tiếng đồng hồ như vậy. Hôm đó tôi cả gan, sau khi tham quan nơi đất Thánh của những người đàn bà và đàn ông Thổ Dân hội họp, tôi đã làm một cuộc đi kinh hành. Dưới cái nắng chói chang 30 độ C từ 9 giờ sáng đến 12 giờ trưa và hầu như không dừng nghĩ mặc dầu chân đã sưng vù, do đi không quen; nhưng phải niệm Phật để cố đi cho đến đích; đồng thời nghỉ đến chuyến đi thỉnh Kinh của Ngài Huyền Trang trong muôn ngàn gian khổ; nên tôi đã tự chiến thắng lấy mình, sau khi trải qua những đoạn đường không một bóng người nơi hoang dã nầy. Thế mà giữa đường đã gặp được ba mẹ con người Úc kêu lại mời nước, ăn chà là cũng như một ít rau cải.

Trong khi đó Hòa Thượng Bảo Lạc đi đến Trung Tâm Văn Hóa của Thổ Dân để xem và Hạnh Bổn cũng như Chúc Đạm thì phấn khởi và mãn nguyện khi đã thực hiện xong một chuyến đăng sơn lên trên đỉnh đá; mặc dầu bên dưới chân hòn đá họ có khuyên bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau rằng: “Nếu bạn bị thương hay bị chết thì cha mẹ bạn và người thân sẽ khóc, chúng tôi cũng sẽ buồn, do vậy tốt nhất không nên leo lên bên trên”. Đây là những lời khuyên của Thổ Dân. Vì là Thánh Địa (Sacred place) của họ nên họ không dám đặt chân lên. Còn những nơi cấm, nếu ai chụp hình và đi vào trong ấy sẽ bị phạt 5000 Đô La Úc.

Chung quanh hòn đá nầy có 5 nơi tụ họp quan trọng của Thổ Dân gồm hai nơi của Đàn Bà; hai nơi của đàn ông và một nơi của cả đàn ông lẫn đàn bà. Cứ từng mõm đá nhô ra ta có thể tưởng tượng hình thể của một con bạch tuột hay con mực, hoặc con rùa hay ngay cả cái đầu của một con gì đó. Đá nầy một ngày thay đổi sáu màu khác nhau vào lúc mặt trời lên có hình dạng màu đen sẩm; giữa buổi sáng đá đổi màu tím. Đến trưa đá đổi sang màu hồng; giữa chiều đá đổi thành màu vàng. Khi mặt trời lặn đá đổi thành màu đỏ và ngay sau khi mặt trời lặn đá đổi thành màu nhạt. Như vậy chỉ một hòn đá mà năm châu bốn bể đã tìm đến đây để xem và thám hiểm.

Sau khi thăm hòn đá nầy Hòa Thượng Bảo Lạc đã làm một bài thơ thất ngôn bát cú theo niêm luật và vần điệu đời Đường để kỷ niệm chuyến đi được tạm gọi là có tích cách lịch sử:

Vịnh núi Ayers Rock-Uluru (Alice Springs):

Giữa chốn hoang vu hiện một chòm

Đá thần kỳ diệu của trời ban

Sắc màu thay đổi tùy thời tiết

Có một không hai cõi nhân hoàn

Năm châu thiên hạ đều nghe tiếng

Bốn biển bao người tới tham quan

Dù ai thăm viếng không thăm viếng

Sừng sững muôn đời giữa thế gian.

Tiếp đến chiều hôm ấy Đoàn đã đến vùng Kata Tjuta và nơi đây có nhiều cục đá khác nhau tạo thành một dãy núi. Chúc Đạm đã chọn lối đi 2 km bằng đường bộ theo hướng Walpi. Còn Hòa Thượng Bảo Lạc và Hạnh Bổn đi lối thung lũng gió (Valley of the Winds Walk) còn tôi ngồi lại trong xe hơi. Vì hai chân đã sưng vù, không thể cất bước được nữa. Đi theo “thung lũng gió” độ 7.4 km trong vòng 3 đến 4 tiếng đồng hồ, vì đường khó đi cọng thêm đi lạc hướng độ 5 hay 6 km nữa mà cả đi lẫn về chỉ 2 tiếng rưỡi đồng hồ là điều bất khả tư nghì trong khi mặt trời lặn là 7.40 giờ tối mà đến 8.00 giờ vẫn chưa có bóng người ló dạng, khiến tôi đang lo; nhưng được một cái là thưởng thức hết cái không gian yên tỉnh của “bóng hoàng hôn” khi mặt trời vừa khuất núi. Sau đó thấy bóng người rõ dạng tâm mình lại an ổn hơn.

Đó là một cuộc thám hiểm ít có. Vì trên đường đi đã gặp Kangaroo, rắn, chim và các loài kiến cũng như nhiều người khác chủng tộc.

Ở miền Trung nước Úc này cái gì cũng ít, chỉ có ruồi là nhiều. Do vậy họ quảng cáo trên hình Post Card là “một hòn đá, một hẽm núi, một đường tàu và 10 tỷ con ruồi”. Ruồi đâu mà ruồi nhiều thế. Ruồi bu vào mắt, bu vào tai, vào mũi và nhất là vào miệng. Có lẽ do vậy mà người Úc nói tiếng Anh thì khỏi chê. Họ phát âm thật là khó hiểu, có lẽ vì mở miệng sợ ruồi vào. Nhiều khi tôi nghe ông tài xế xe Bus nói cả tràng mà cuối cùng chỉ hiểu được hai tiếng “thank you” mà thôi. Họ cũng có nói nhiều tiếng lóng thì cả người Mỹ lẫn người Anh cũng đành đành chịu.

Trên đường xe Bus từ Alice Springs về lại Tennant Creek ông tài xế hỏi tôi rằng:

-         Where do you come from?

Tôi đáp rằng:

-         I was born in Vietnam, but I’m living in Germany.

Đoạn ông ta nói:

-         Dann sollen wir Deutsch sprechen (như vậy thì chúng ta nói tiếng Đức đi). Tiếp theo ông ta bảo rằng: Meine Frau ist Berlinerin (vợ tôi là người Berlin).

Ở xa nước Đức mà nghe được ngôn ngữ mình hay dùng đến, tự nhiên cả tôi và ông ta cảm thấy sự thân thiện càng dễ tỏ bày hơn; đó mới chỉ là vấn đề ngôn ngữ.

Chúng tôi đến khách sạn tại Tennant Creek vào lúc 2 giờ khuya, thế mà họ cũng đã cho người ra bến xe Bus để đón. Mặc dầu phố vắng về khuya chẳng có một bóng người nào qua lại. Sáng sớm hôm sau, Hòa Thượng Bảo Lạc và tôi đến Reception để thanh toán tiền phòng thì được người thâu ngân cho ở thêm nửa ngày nữa để chờ xe Bus mà không tính thêm xu nào cả. Điều ấy có lẽ cũng chỉ xảy ra ở nơi thôn dã nầy với tâm người còn thật thà chơn chất; còn những nơi phố thị phồn hoa khó mà tìm được những nụ cười cảm thông và những sự nhân nhượng dễ thương trên sự làm ăn buôn bán như thế.

Đoạn đường từ Tennant Creek đến Townsville cũng dài gần bằng đoạn đường đi từ Darwin đến Alice Springs vậy. Nghĩa là đi cả một đêm và một ngày mới đến đích. Lần nầy chúng tôi phải đổi xe Bus tại Mount Isa, một thị trấn vào buổi sáng tinh sương ít người qua lại. Chúng tôi bắt đầu xa rời dần vùng Thổ Dân để đi đến vùng phố thị tại tiểu bang Queensland và bỏ lại sau lưng tất cả những cái quen lần đầu với Thổ Dân hay cái nhìn soi bói của người địa phương và tất cả rồi cũng phải qua đi. Duy chỉ còn sót lại một chút lo lắng cho những người lữ khách đến từ Nhật Bản không rành tiếng Anh mấy, nhưng đã mạo hiểm đi một mình. Vì lẽ ở đây không thiếu những cảnh giết người, mất tích hay bị trấn lột giữa những chốn rừng núi hoang vu như thế. Nhật Bản là nơi tôi đã được đào tạo học hành; tuy không phải là quê hương của mình; nhưng nó có một cái gì đó mà tôi vẫn mang ơn đất nước nầy, dầu cho chúng tôi không nợ họ một món nợ nào cả.

Từ Tennant Creek đến Townsville chúng tôi ngồi xe Bus độ 20 tiếng đồng hồ nữa. Khoảng đường nầy dài chừng 1500 cây số. Đi độ nửa đường đến địa phương Mount Isa chúng tôi phải đổi qua xe Bus khác. Dọc đường đi thấy toàn là đồng ruộng hoặc rừng rậm bỏ hoang chưa khai phá, thỉnh thoảng mới có những con bò và một vài con Kangaroo chạy qua đường. Quả là đất nước nầy rộng mênh mông, cò bay mỏi cánh. Tôi đắc ý nhất là mục kích được những cây phượng vĩ màu đỏ thắm trổ hoa rực cả hai bên lề đường đi. Có lẽ do khí hậu miền Bắc Úc nóng như khí hậu nhiệt đới nên mới trồng được những loại cây như thế.

Thành phố nầy có cái tên hơi lạ. Vì chữ Town theo nghĩa tiếng Anh là phố, mà chữ ville theo nghĩa tiếng Pháp cũng là phố. Khi người ta nghe hoặc đọc quen đi, thấy việc ấy là bình thường; nhưng với những người khách lạ từ phương xa mới đến, họ phải có sự so sánh. Có lẽ trước đây chỗ nầy là nơi gặp gỡ của những người Pháp và người Anh chăng? Dẫu biết rằng trong ngôn ngữ Anh và Pháp đều có những chữ và nghĩa đều giống nhau; chỉ có cách phát âm là khác. Những ngày đầu tiên khi mới đặt chân đến xứ Úc vào những năm 1979, 1980 tôi thấy nhà cửa và đường xá ở đây xây cất hơi lạ; nhưng việc nầy cũng chẳng khó hiểu chút nào, vì họ xây theo khuôn mẫu của người Anh, mà nước nầy ở Âu Châu nằm cách nước Đức không hơn mấy trăm dặm; nhưng nào tôi có biết. Cũng giống như Sài Gòn, người Nhật hay gọi là thành phố Paris nhỏ tại Á Châu cũng không sai. Vì trước đây 200 năm người Pháp đã mang lối kiến trúc của họ đến Việt Nam.

Ở phố nầy có rất nhiều loại cây trái Á Châu. Ví dụ như xoài, đu đủ, trái vải mà ta thường gọi bằng danh từ hoa mỹ là trái lệ chi cũng bày bán khắp nơi. Chúng tôi tha hồ thưởng thức những trái cây nhiệt đới ở vùng nầy.

Đặc biệt là ở phố nầy và hình như cả tiểu bang Queensland người dân rất bảo thủ. Ví dụ tên những ngân hàng hay bưu điện đọc nghe lạ tai; không phải là tiếng của Thổ Dân mà là tiếng Anh của Tiểu Bang. Người dân ở đây hình như lãnh cảm không có những cái chào thân mật như những người dân ở các Tiểu Bang khác. Nghe đâu sự kỳ thị ở đây rất cao; mặc dầu hiến pháp Úc cấm sự kỳ thị chủng tộc và vấn đề trọng nam khinh nữ. Thế nhưng đó chỉ là trên phương diện lý thuyết. Còn trên thực tế điều nầy không hoàn toàn đúng. Dĩ nhiên tất cả mọi con người sống trên quả đất nầy cũng chỉ là chỗ tạm dung thôi. Trước sau rồi cũng phải ra đi với hai bàn tay trắng. Có gì đâu mà phải bảo thủ và cho rằng đây là của ta và không phải chỗ của những người khác. Con người sở dĩ còn khổ đau triền miên vì còn chấp trước quá nhiều vào những hiện tượng không thật tướng như thế trên thế gian nầy. Nếu biết rõ được thực tướng của các pháp là không, thì hơi đâu mà: “Ai dư nước mắt để khóc người đời xưa”.

Vào lúc 15 giờ chiều ngày 21 tháng 1 năm 2007 trên chuyến xe Bus từ Mount Isa hướng đến Townsville tôi bắt đầu học thuộc lòng bài thơ “Bao Giờ Nhỉ Tôi Về Thăm Xứ Quảng” của Trần Trung Đạo. Bài thơ nầy có nội dung gợi lại những địa danh và những tình cảm mà tác giả đã trải qua trong thời kỳ còn thơ ấu tại quê nhà. Không hẳn đã là tâm trạng của tất cả mọi người con xa xứ của đất Quảng Nam; nhưng tôi thấy thích và cố học thuộc để thử đầu óc của mình gần ở tuổi 60 có còn khả năng như thời trai trẻ nữa hay không và cũng để tự ngâm khi nhớ về một cõi xa xăm trong tiềm thức như thế; nơi mà tôi đã hơn 40 năm rồi chưa đặt chân trở lại vùng đất “địa linh nhân kiệt” nầy.

Bài thơ nầy đã có đăng trên website của Trần Trung Đạo và cũng đã được nhiều nghệ sĩ diễn ngâm; nhưng tôi cũng muốn chép lại đây để nhiều người cùng thưởng thức.

 

Bao giờ nhỉ tôi về thăm xứ Quảng

Mười năm dài mồ mẹ chẳng ai trông

Cỏ có cao hơn nổi nhớ trong lòng

Đất có lạnh hơn mùa Đông Bắc Mỹ

 

Hải Vân đứng ngậm ngùi bao thế kỷ

Chảy về đâu lai láng nước Thu Bồn

Thuở học trò tôi hay đứng ven sông

Nghe nước vỗ dưới chân cầu Vĩnh Điện

 

Còn chăng nhỉ những con đường kỹ niệm

Những bạn bè dăm đứa lạc nơi đâu

Tóc chưa xanh mà vội đã hoen màu

Thuở ly loạn tìm nhau trong ký ức

 

Cho tôi ghé thăm trường Trần Quý Cáp

Những màu rêu gạch ngói cũ còn chăng

Bài thơ xưa còn đọng dấu bên thềm

Tôi vẫn viết nhưng thơ buồn hơn trước

 

Đường Phố Hội chưa mưa đà ngập nước

Những căn nhà lụp xụp nối vai nhau

Đình Cẩm Phô, khu Khổng Miếu, Chùa Cầu

Tên nghe lạ nhưng vô cùng thân thiết

 

Cho tôi ghé thăm bến đò Nam Phước

Lần cuối cùng em đến tiển tôi đi

Giờ chia tay sao chẳng nói năng gì

Nghìn năm để mây buồn vươn trong mắt

 

Bao giờ nhỉ tôi về thăm núi Quế

Đứng bên cầu chợ Đụn nước trôi xuôi

Mùa Sim lên tím rực cả lưng đồi

Hương ngây ngất tôi mộng thành thi sĩ

 

Ai đứng đó bên kia bờ Giao Thủy

Khăn lụa vàng còn chít ở ngang vai

Nghiệp tằm tơ khuya sớm vẫn đeo hoài

Nghề canh cửi chắc còn nhiều cực khổ

 

Trái tim tôi có một giòng máu đỏ

Sẽ một ngày chảy đến tận Câu Lâu

Nước Sông Thu dù lụt lội đục ngầu

Nghe vẫn ngọt như bòn bon Đại Lộc

 

Bao giờ nhỉ tôi trở về Đà Nẵng

Nghe ngàn khơi thổi lạnh xuống sông Hàn

Bến Bạch Đằng còn những chuyến đò ngang

Ngày hai buổi nối qua cầu An Hải

 

Em trường Nữ có bao giờ trở lại

Thả thư tình trêu trọc đám con trai

Đường Hùng Vương thuở ấy thật là dài

Sao quá ngắn trong những chiều chung bước

 

Mây có trắng trên đỉnh chùa Non Nước

Mưa có buồn giăng kín núi Tiên Sa

Về chưa em sương phủ xuống Sơn Chà

Còn chăng nhỉ dấu chân tình trên cát

 

Tôi một dạo hay ôm đàn đứng hát

Bài ca buồn tiếng Quốc vọng đêm khuya

Quảng Nam ơi! Khúc ruột đã chia lìa

Chiều viễn xứ ngậm ngùi cho non nước

 

Tôi đã bảo thơ tôi buồn hơn trước

Đời lưu vong chưa hẹn buổi quay về

Câu hỏi nầy cũng chỉ hỏi tôi nghe

Bao giờ nhỉ tôi về thăm xứ Quảng.

 

Đây có lẽ là bài thơ dài nhất gồm 14 đoạn và mỗi đoạn 4 câu. Tất cả là 56 câu. Tôi phải tốn đúng một tiếng rưỡi đồng hồ để học thuộc lòng. Nếu là ngày xưa khi còn ở độ tuổi 20, tôi chỉ cần 5 đến 10 phút là đã học xong bài thơ ấy. Quả thật khi con người về già có quá nhiều điều sa sút. Ta hãy chấp nhận nó như chấp nhận một định luật vô thường của nhân thế mà thôi.

So ra trong mấy trăm bài thơ mà tôi hiện thuộc trong đầu của nhiều tác giả khác nhau như một phần truyện Kiều của Nguyễn Du; Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu; Cung Oan Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu; Chinh Phụ Ngâm của Vô Danh Thị và hầu như tất cả những bài thơ của Nguyễn Khuyến, Nguyễn Công Trứ, Trần Tế Xưng, Bà Huyện Thanh Quan, Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương, Tản Đà v.v…, thì bài thơ của Trần Trung Đạo là một trong những bài thơ tôi thích nhất, có thể sánh vai với thơ của Huyền Không, tức cố Hòa Thượng Thích Mãn Giác; thơ của Hòa Thượng Thích Tịnh Đức viện chủ chùa Đạo Quang tại Dallas, Hoa Kỳ và gần đây nhà thơ Sông Thu, tức Hòa Thượng Bảo Lạc cũng có nhiều bài thơ tả cảnh của quê hương cũng gợi nhiều nỗi nhớ.

Tôi chỉ được một chuyện là học thuộc thơ của người khác. Nhưng hầu như chưa làm được một bài thơ nào cho nên hồn. Do vậy mà chưa có mộng để làm Thi Sĩ như Trần Trung Đạo. Tôi và Trần Trung Đạo nay mai sẽ cho xuất bản một quyển sách với tựa đề là “Dưới Bóng Đa chùa Viên Giác”. Vì nơi nầy chúng tôi đã sống cùng nhau cách đây hơn 40 năm về trước tại Hội An, Quảng Nam. Tất cả tiền phát hành sách sẽ được gởi đến các em cô nhi tại Quảng Nam. Sở dĩ chỉ đặc biệt cho cô nhi xứ Quảng, vì nơi đó tôi và Trần Trung Đạo đã xuất thân; tuổi thơ của Trần Trung Đạo mồ côi cha mẹ sớm và đã được Thầy tôi, cố Hòa Thượng Thích Long Trí, cưu mang cho nương náu tại chùa Viên Giác ở Hội An trong những năm quê hương chìm trong khói lửa và chết chóc của Tết Mậu Thân năm 1968. Do vậy mà quê hương chính là nổi nhớ và chỗ để cho lòng của người xa xứ gởi về cũng như để niệm ơn. Vì chính nơi ấy đã nuôi mình lớn lên và thành công trong hiện tại.

Chiều ngày 23 tháng 1 năm 2007 Đoàn chúng tôi đã lên xe Bus để đi chuyến cuối cùng đến Brisbane, đoạn đường dài hơn 1500 cây số. Chuyến đi nầy chúng tôi đã thống kê tổng cộng đoạn đường đã đi, gồm đoạn đường đi bằng máy bay, xe Bus cũng như xe thuê tại các địa phương, đã vượt trên 17.000 cây số. Nghĩa là chiều dài chung quanh nước Úc nếu kéo thẳng ra thì bằng từ Sydney đến Frankfurt vậy. Nếu phải đi máy bay không kể giờ nghỉ, cần đến 22 tiếng đồng hồ. Trong khi đó chúng tôi phải dùng gần một tháng để đi vòng quanh nước Úc nầy. Nếu đi cho kỹ hơn, chắc cần phải từ 3 tháng đến một năm mới có thể gọi là đi trọn vẹn và thăm viếng lục địa rộng mênh mông vô tận nầy.

Dọc theo hai bên đường từ Townsville hướng xuống Brisbane cây cối xanh tươi và những thửa ruộng trồng mía, xoài, thơm, nhãn, chuối v.v…, rộng bao la bát ngát, xanh tít tận chân trời. Mùa gặt hái chắc phải dùng đến máy móc, chứ không thể dùng sức con người mà có thể làm được. Đất đai ở những vùng Tây và Bắc Úc khô cằn bao nhiêu thì ở Tiểu Bang Queensland nầy trù phú bấy nhiêu. Miền Tây và Bắc Úc ít mưa; nhưng khi có mưa lại bị nước lụt. Vì lẽ nước không rút kịp. Có lẽ dưới nền đất đỏ toàn là sỏi đá. Do vậy mà cây cối cũng không thể phát triển được. Dọc theo những con đường của những vùng nầy, hầu như cây cối chỉ lên cao độ năm, mười thước là chết. Vì thiếu mước và sạn đá bên dưới. Trong khi đó những cây cối nằm dọc theo bờ biển Thái Bình Dương nầy có cây cao cả hằng 50 mét và lá xanh mơn mởn. Cũng như sau cơn mưa không thấy có dấu hiệu nước còn đọng lại trên mặt đất. Điều ấy chứng tỏ rằng đất ở đây rất xốp; nên mới có khả năng rút nước nhanh như thế.

Chen vào giữa những ruộng mía đường xanh tươi bát ngát kia, thỉnh thoảng tôi vẫn thấy những đầm sen nở đầy những bông hoa bụ bẫm, bằng nhiều màu sắc khác nhau, nào đỏ, nào hồng, nào trắng. Đây có lẽ là loài hoa du nhập từ Nam Dương hay Mã Lai. Điều nầy cũng giống như những con trâu ở vùng Đông Nam Á phải đi cày bừa mệt nhọc; nhưng khi được ngoại nhập vào đây rồi, chúng là một bầy thú hoang; vì chẳng ai ngó ngàng đến. Cày ruộng ư? Chắc trâu làm không nổi. Vì cày ruộng đã có máy và ruộng quá nhiều; nên những con trâu ấy trở thành những câu chuyện cổ tích để người dân địa phương khi nói chuyện, họ hay đề cập đến.

Đặc biệt ở Townsville có cá sấu và ở Brisbane thì có cá mập. Đâu đó vẫn có những tin tức trên báo chí hay truyền hình loan tin cho bàng dân thiên hạ biết; nhưng có lẽ con người khi nghe tin ấy vẫn sợ; nhưng mau quên. Do vậy mà tai nạn vẫn luôn luôn tiếp diễn. Tại những thành phố lớn nầy đều có những Hải Học Viện nuôi và cho dân chúng xem vô số những loài cá, loài mực, loài sao biển v.v…, sống trong môi trường nước mặn. Chúng tôi cũng đã có nhiều lần xem và nghe thuyết trình về những sự nguy hiểm của chúng để đề phòng khi hữu sự xảy ra.

Xe cộ bắt đầu nhiều hơn và khách du lịch trẻ từ Âu Châu cũng như Á Châu đến vùng nầy tắm biển cũng nhiều hơn. Hỏi ra mới biết là vùng nầy có nhiều chương trình hấp dẫn hơn những vùng khác. Trong khi xe Bus tại Tây và Bắc Úc rộng thênh thang, đêm về chúng tôi có thể kéo ghế ra làm giường ngủ được. Thế mà đường về Brisbane nầy xe chật như nem; hầu như không trống một ghế nào cả. Trong khi những tài xế xe Bus Greyhound ở miền Tây và miền Bắc Úc phải kiêm thêm nhiệm vụ của một nhân viên bưu điện là đưa thơ và bưu kiện, thì ở vùng nầy chỉ lo chở khách và vận chuyển hành lý mà mồ hôi cũng đã nhuể nhoại rồi. Theo sự quảng cáo của hãng Greyhound mỗi ngày họ đi và đến tới 11.000 địa điểm trong nước Úc và ai đó có óc mạo hiểm cũng có thể đi chừng 20.000 km đường xe Bus trong nội địa mênh mông nầy thì mới gọi là khám phá hết xứ Úc.

Phái đoàn chúng tôi đã đi vừa máy bay và xe Bus trên 17.000 km như thế kể cũng nhiều rồi và có lẽ khó hy vọng sẽ có một chuyến mạo hiểm như thế nữa trên xứ Úc nầy. Vì tuổi càng ngày càng lớn và sức khỏe không cho phép chúng tôi thực hiện những chuyến đi mạo hiểm đầy lý thú như thế nữa. Ngày xưa Ngài Huyền Trang đi và về Trung Quốc phải cần 4 năm mới thực hiện được hơn 50.000 dặm. Nghĩa là gần 30.000 cây số bằng sức người và ngựa. Còn ngày nay quả thật con đã văn minh tột đỉnh; nên chỉ cần gần một tháng đã đi hết một nửa dặm đường của Ngài Huyền Trang rồi. Chuyến đi của chúng tôi chẳng vất vả, cực khổ gì so với người xưa. Tuy vẫn nghe những nạn bắt cóc, kỳ thị, chém giết, thủ tiêu, tai nạn; nhưng được chư Phật, chư Bồ Tát gia hộ nên chuyến đi đã hoàn thành thông suốt và tốt đẹp. Trong đoàn không ai bệnh hoạn và cũng chẳng ai bị hao tổn một thứ gì. Ngoại trừ thời gian, tiền bạc và sức khỏe. Để nhớ lại chuyến đi nầy tôi viết lại một bài học thuộc lòng ngày xưa cách đây đúng 50 năm về trước, khi ấy tôi đang học lớp ba trường làng, để quý vị thưởng thức. Tựa đề của bài nầy là:

 

“Đi Ngày Đàng Học Sàng Khôn”.

 Đi cho biết đó biết đây

Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn

Kìa thế giới năm châu quanh quốc

Người bao nhiêu thì đất bấy nhiêu

Sông to núi lớn cũng nhiều

Đường đi lối lại trăm chiều ngổn ngang

Người bốn giống đen, vàng, đỏ, trắng

Trời bốn phương Nam, Bắc, Đông, Tây

Mênh mông nước nước mây mây

Chẳng đi sao biết thông nầy thảo kia.

Vùng Brisbane có nhiều chùa như Pháp Quang, Phật Đà, Linh Sơn và một số các Tịnh Thất đã được thành lập tại đây từ lâu; nhưng chủ yếu kỳ nầy của Đoàn là đi thăm những phong cảnh, phong tục, tập quán của từng địa phương. Do vậy chúng tôi chỉ ghé thăm một số chùa mà không dám làm phiền các Vị Viện Chủ như việc ở lại hay cơm nước. Có như thế chúng tôi mới có nhiều thì giờ hơn để nghiên cứu tận tường từng vấn đề để gởi đến quý độc giả khắp nơi. Tuy rằng đây không phải là một tài liệu hướng dẫn du lịch cũng như những chỉ dẫn cần thiết cho một chuyến đi như vào rừng phải làm sao, mang theo những thứ gì v.v…Ở đây chúng tôi chỉ muốn ghi lại tổng quát của chuyến đi, để ngày sau nếu có ai đó có lần đặt chân đến những vùng đất mới như thế nầy thì họ sẽ rõ hơn, vì đã có người đến đây trước họ và đã kể lại như thế.

Điều đặc biệt hơn và đặc biệt nhất trong chuyến đi có lẽ là giữa tôi và Hòa Thượng Thích Bảo Lạc có nhiều thời gian để trao đổi những việc làm của Giáo Hội, của cá nhân mình và của những đệ tử trong quá khứ cũng như trong hiện tại và cho những kỳ vọng ở tương lai. Đây có lẽ là điều ưng ý nhất của tôi trong suốt cả chuyến đi nầy. Vì lẽ từ khi Hòa Thượng đi xuất gia trong những năm 1957 đến nay đã hơn 50 năm rồi, chúng tôi chưa có thời gian để sống gần gũi với nhau được gần một tháng như thế. Tình huynh đệ, dầu giữa những người xuất gia với nhau, nó vẫn còn thể hiện qua huyết thống và quê hương, tình cảm. Nếu không có gia đình là đơn vị cần thiết trong xã hội thì sự thành công hay thất bại của một cá thể, nó đã chẳng mang lại được một ý nghĩa nào cả.

Điều đặc biệt khác là để thưởng công cho Hạnh Bổn trong năm nay đã phải làm việc cật lực gấp hai ba lần hơn năm trước. Vì phải đánh máy, lái xe, làm những công việc lặt vặt khác trong ngày suốt hơn 3 tháng như thế để chúng tôi mới có thể hoàn thành được dịch phẩm thứ 49 từ tiếng Nhật dịch sang tiếng Việt, chủ đề là “Tịnh Độ Tông Nhật Bản”, sau đó nhờ Hòa Thượng Bảo Lạc và Thầy Đồng Văn nhuận lại cách hành văn cho thật Việt Nam để khi ấn tống, lưu hành đến quý độc giả khắp năm châu, khi đọc được sẽ có nhiều lợi ích hơn. Có lẽ năm nay chúng tôi sẽ cho ấn tống quyển sách nầy từ 8.000 đến 10.000 cuốn và hy vọng các nơi Phật Tử sẽ có cơ hội đọc được dịch phẩm nầy.

Ngoài ra Chúc Đạm, một Phật Tử trẻ, đệ tử của Hòa Thượng Bảo Lạc, còn đang học Đại Học; nhưng rất giỏi chữ Hán và chữ Đại Hàn, chỉ toàn là tự học. Gia đình cũng đã cho đi theo quý Thầy để học hỏi kinh nghiệm và biết thêm các địa phương của nước Úc. Vì ở Úc đã trên dưới 20 năm mà nhiều người Việt vẫn chưa có cơ hội để thực hiện những chuyến đi mạo hiểm như thế. Đây là một cơ hội để các em có nhân duyên tự mình tìm ra chỗ đứng cho mình trong cuộc sống xa hoa đầy cám dỗ nầy.

Chúng tôi đặt chân xuống phi trường Sydney sau gần đúng một tháng và Thầy trò huynh đệ mừng vui cho một chuyến đi trong nội địa Úc lâu dài như thế. Hôm đó là ngày 26 tháng 1 năm 2007. Ngày nầy cũng là ngày Quốc Khánh của Úc nên mọi người được nghỉ lễ và Úc vẫn còn thuộc Anh nên không thể nói là ngày độc lập như người Đức đã dùng ngày 3 tháng 10 của mỗi năm để kỷ niệm ngày lễ Thống Nhất của Đông Tây hai niềm. Ngay cả lá cờ của Úc cũng là lá cờ của Anh có thay đổi những ngôi sao và gần đây đã có nhiều cuộc trưng cầu dây ý là có nên tách rời ra khỏi Liên Hiệp Anh hay không cũng như lá cờ có nên thay đổi hay không? Thế mà đã chưa đi đến một kết quả nào. Vì số người bảo hoàng vẫn còn tương đương hoặc nhiều hơn như thế; nên phải giải quyết ra sao thì vẫn còn nằm trong những cuộc bàn cải và chờ đợi những cuộc trưng cầu dân ý trong thời gian sắp tới nữa.

Hơn 60 nước đã viếng thăm và hơn 1 triệu cây số đường bay ngang dọc trên quả địa cầu nầy tôi đã đi và gặp không biết bao nhiêu người và dùng không biết bao nhiêu loại ngôn ngữ, cũng như tiếp xúc học hỏi không biết bao nhiêu là phong tục tập quán, để rồi một hôm có một người Nhật trẻ ngồi gần tôi trên xe Bus hỏi rằng:

それではどこが一番うすくしいですか?

Sore dewa doko ga ichiban usukushii desu ka? (Như vậy ở đâu là đẹp nhất?)

Tôi trả lời rằng:

故郷は一番うすくしいです。

Kokyo wa ichiban usukushii desu (cố hương là đẹp nhất).

Người Nhật ấy trố mắt nhìn tôi; nhưng đó là sự thật ở trong tôi khi đã xa Việt Nam trên 35 năm và xa quê hương xứ Quảng đã trên 40 năm rồi.

Viết xong vào một sáng mùa Hè tại xứ Úc trước khi về lại Đức.

 

 

 

--- o0o ---
Vi tính: Hạnh Bổn

Trình bày: Phổ Trí

Cập nhật ngày: 01-07-2007

 


Webmaster:quangduc@quangduc.com

Trở về Thư Mục

Đầu trang

 

Biên tập nội dung: Tỳ Kheo Thích Nguyên Tạng
Xin gởi bài mới và ý kiến đóng góp cho Trang Nhà qua địa chỉ: quangduc@tpg.com.au
Địa chỉ gởi thư: Tu Viện Quảng Đức, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic. 3060. Tel: 61. 03. 9357 3544