Trang tiếng Việt

 Trang Nhà Quảng Đức

Trang tiếng Anh

Phật Giáo Quốc Tế


...... ... .

 

 

Có Một Tu Viện Như Thế

Thích Như Điển

 

Sau 30 năm sinh hoạt Phật sự tại Đức, tôi ngồi tính sổ lại thời gian, nhân duyên, cơ hội cũng như những phạm trù khác để gởi đến quý Phật Tử xa gần, với những người lâu nay hằng hộ trì cho Phật pháp tại Đức nói riêng và các nơi khác tại Âu Châu cũng như trên thế giới nói chung với tinh thần của người con Phật và với tư cách là một Trưởng Tử của Như Lai.

Ai trong chúng ta chắc cũng ít có người nghĩ rằng mình phải sinh sống tại ngoại quốc một thời gian dài như thế. Có người bây giờ đã đi về thế giới với Phật Tổ, có người thay đổi chỗ ở, có người đã không còn trực tiếp tham gia xây dựng chùa chiền nữa, vì lý do nầy hay lý do khác; nhưng đồng thời cũng có những thế hệ thứ hai, trẻ hơn và năng động hơn thế hệ thứ nhất là Cha, Ông, Thầy, Tổ của họ và họ đang gánh vác Phật sự đó đây. Nên đây cũng là cơ hội để chúng ta nhớ nghĩ và tri ân về họ; những người ẩn danh cũng như hữu danh.

Vào giữa mùa thu năm 2007 chúng tôi có cơ hội về Chi Hội PTVNTN tại Friedrichshafen ở vùng Bodensee để làm lễ Thọ Bát Quan Trai và lễ ra mắt Chi Hội tại đó. Trong một phiên họp bất thường có dự định là chiều ngày Chủ Nhật vào giữa tháng 9 năm 2007 sẽ đi thăm một cơ sở và nếu được sẽ tiến tới việc ký giấy tờ để cho Ni Sư Ni Viên và quý Phật Tử vùng miền Nam nước Đức mua làm chùa; nhưng sau khi đến nơi thì Ni Sư và Ban Vận Động Xây Chùa không bằng lòng vì những lý do như: số tiền cao quá, sức không kham nổi và vườn rộng quá không ai chăm sóc v.v...

Phần tôi đi xem qua một vòng quanh vườn 9.000 mét vuông đất có trồng cây ăn trái, hồ tắm, những bụi trúc và nhất là chung quanh đó là những cánh đồng bát ngát có những chú bò đang gặm cỏ bình an. Sau đó chúng tôi vào thăm bên trong từng nơi một. Đại khái thì nhà nầy có ba khu. Một khu nhà rộng, trước đây là một Bauernhof và gần 15 năm nay họ đã sửa lại thành một xưởng làm hình (Photostudio). Phòng nầy chia làm hai và diện tích độ chừng 400 mét vuông. Nếu làm Chánh Điện và Bàn Thờ Tổ cũng như Thư Viện thì có thể chứa khoảng 300 đến 350 người. Một dãy nhà ngang độ 200 mét vuông hiện đang làm văn phòng và từng trên thì để trống, có thể sửa chữa lại để làm phòng ở cho Chư Tăng từ 5 đến 7 phòng có nhà vệ sinh v.v... Bên cạnh đó là dãy nhà thứ ba liên tục với hai dãy nhà kia là nơi Ông Bà Chủ đang ở. Nhà 2 tầng. Tầng dưới dùng làm phòng tiếp khách, nhà bếp. Từng trên có 3 phòng ngủ và nhà tắm, nhà vệ sinh v.v..., rộng độ150 mét vuông. Tổng cộng 3 gian nhà nầy là 750 mét vuông. Trong hiện tại ngôi nhà nầy đã được biến thành khu kỹ nghệ (Gewerbegebiete). Nhà nằm tại thành phố Ravensburg gần Bodensee thuộc miền Nam nước Đức, cách Áo 30 km, cách Thụy Sĩ vùng Luzern 60 km đường chim bay. Đây là một địa phương rất đẹp, có núi cao, sông rộng, hồ đẹp và dân cư vùng tam biên này đều nói tiếng Đức.

Sau khi xem xét xong, Ông Bà Chủ có nói là gia đình có người theo Đạo Phật và Ông Bà chỉ muốn bán cho những tổ chức hoặc những người nào có ý thích quý mến thiên nhiên như Ông Bà. Theo giá sơ khởi Bà cho biết là 950.000 Euro. Tương đương với 1.300.000 USD; nhưng sau đó thì Bà bớt giá xuống còn 650.000 Euro. Khi nghe như vậy tôi cũng chưa có ý định gì; nhưng nhìn thấy một số anh chị em Phật Tử đi cùng hôm đó cũng có ý muốn mua. Vì giá như thế, chưa thương lượng cũng đã thấy không đắc lắm. Vì nếu tính 1 mét vuông đất ở vùng nầy 100 Euro thì 9.000 mét vuông đất ấy chưa kể 3 khu nhà cũng đã là rẻ lắm rồi. Tôi vẫn chưa nhờ anh Tâm Lý trả giá; nhưng khi ra đến cửa nhà, tôi có hỏi bà Hoff rằng: Nếu chúng tôi mua, có thể thương lượng giá cả với Bà sau; nhưng phải trả làm 3 đợt. Đợt đầu trả 30% của tổng số tiền sau khi ký hợp đồng: đợt hai trả 40% sau 3 tháng và đợt ba trả 30% còn lại sau 6 tháng Bà nghĩ sao? Bà ta rất vui vẻ với đề nghị của tôi như thế. Vì đây cũng là kinh nghiệm của tôi sau 30 năm ở xứ Đức đi thuyết phục những người chủ như thế ở Hannover và ở Berlin đã thành công; nên điều nầy phải tạ ơn Tam Bảo đã hướng dẫn cho tôi có một cái nhìn cụ thể như vậy.

Vì lẽ nếu trả một lần chùa sẽ không có đủ tiền và không có thời gian để vận động Phật Tử. Vả lại tôi cũng không muốn qua ngân hàng. Vì tiền mượn ngân hàng đắc khủng khiếp. Ví dụ như chùa Viên Giác tại Hannover của chúng ta năm 1989 bắt đầu xây; nhưng sau đó thiếu tiền phải mượn của ngân hàng 700.000 DM. Tương đương với 350.000 Euro hay 450.000 USD; nhưng sau 15 năm trả nợ, mãi cho đến tháng 7 năm 2007 vừa rồi, chùa phải trả vừa lời vừa vốn cho nhà băng là 1.350.000 DM. Như vậy số tiền lời gần gấp đôi. Tuy rằng khi mượn ngân hàng trên giấy tờ chỉ lấy 8,5% tiền lãi thưở đó. Nhưng ngẫm cho cùng 650.000 DM tương đương với 325.000 Euro ấy cũng do Phật Tử khắp nơi đóng góp vào mới có được mà trả tiền lời cho ngân hàng và chùa Viên Giác cũ xem như đã hết nợ ngân hàng và nợ của Phật Tử.

Bà ta thì cũng muốn bán; nhưng dĩ nhiên ai bán cũng muốn có tiền một lần, chứ ai lại chia ra làm nhiều lần như thế mà còn không trả tiền lời nữa thì trên thế gian nầy khó thấy lắm. Thế nhưng tôi thuyết phục thêm và nói với Bà rằng: Nếu Bà để đây hơn 1 năm nữa, nơi nầy đã chắc gì có người mua. Vì nhà quá lớn và kinh tế của Đức đang xuống nữa. Do vậy nếu trả góp mà đến tháng 7, tháng 8 năm 2008 đủ cho bà, thì bà cũng đâu có mất mát gì. Bà ta cười và xem như đã đồng ý.

Khi bước ra khỏi sân, có lẽ Hộ Pháp đã giúp cho tôi và kêu khoảng 20 người đi cùng lại nói việc trao đổi cách trả tiền với Bà vừa rồi và tôi đề nghị mỗi một gia đinh hay anh chị em nào có khả năng cho chùa vay 50.000 Euro hoặc ít hơn cũng được. Ngay tại chỗ hôm đó đã có được sự đồng tình của 4 cổ phần. Mọi người ra về vui vẻ và chờ đợi.

Phần tôi về lại chùa có đem việc nầy ra bàn với chúng và một số quý Phật Tử thân cận để lấy ý kiến cũng như sự biểu đồng tình, đồng thời tôi kêu gọi thêm một vài Phật Tử nữa cho mượn để mua cơ sở trên. Sau khi nói chuyện ai cũng thấy hữu lý vì một số lý do sau đây:

Lý do đầu tiên là tại Vùng Nam Đức, cách München độ 150 km, cách Stuttgart 200 km vẫn chưa có một cơ sở nào của Phật Giáo để dành cho người Việt và người Đức sinh hoạt cả; nhất là thế hệ sinh ra tại Đức. Đa phần nói tiếng Đức; nhưng không có nơi chốn để dừng chân, học hỏi và tu niệm.

Lý do thứ hai đây là một địa phương đẹp, rất gần với các nước lân cận như: Áo, Thụy Sĩ và cũng có Phi Trường, giao thông tiện lợi v.v...

Lý do thứ ba quý Phật Tử cũng muốn riêng cá nhân của tôi càng về già có nhiều thời gian ở Đức hơn để gần gũi quý Phật Tử, chứ cứ xa Đức một năm 6 tháng như thế thì quý Phật Tử họ cũng cảm thấy thiếu thốn, mà đây là một nơi rất yên tịnh, lý tưởng để làm một Tu Viện cho 5, 10 Thầy ở cũng như để dịch Kinh viết sách. Còn Phật Tử thì chỉ sinh hoạt vào cuối tuần. Rất tiện lợi.

Lý do cuối cùng là mấy năm gần đây tôi hay sang Úc để nhập thất tịnh tu và thời gian cũng đã qua 5 năm rồi. Bây giờ đường đi mỗi lúc mỗi xa so với sự lớn tuổi của mình, mặc dầu A380 sẽ rút ngắn giờ bay lại, không còn bay và phải chờ đợi ở Á Châu rồi mới đến Úc sau 26 tiếng đồng hồ, thật là một đoạn đường bay xa nhất trên quả địa cầu nầy. Vả lại tôi cũng đã hứa với quý Phật Tử tại Úc là đi thêm 5 năm nữa mà thôi. Vậy sau 5 năm nữa, đây là nơi lý tưởng để tôi thực hiện hạnh nguyện của mình lúc sắp gần Phật.

Trên đây là những lý do chính; nên vào ngày 5 tháng 12 năm 2007 vừa rồi Thầy Hạnh Tấn và Thầy Hạnh Giới đại diện cho Chi Bộ đã về vùng Ravensburg để ký giấy tờ với luật sư cùng gia đình bà Hoff và đã dứt giá ở con số 600.000 Euro qua sự thương lượng của cô Thiện Liên và anh Tâm Lý. Số tiền đó được chia ra như sau: 180.000 Euro cùng tiền Luật Sư sau khi ký giấy tờ trong tháng 12 năm 2007 và phải đóng tiền qua Luật Sư. 240.000 Euro kế tiếp sẽ chồng tiền qua Luật Sư vào tháng 3 năm 2008 và 180.000 Euro còn lại sẽ đóng vào tháng 8 năm 2008. Sau khi đóng xong, chúng ta sẽ nhận chìa khóa và sửa chữa trong ngoài để vào ở và sinh hoạt.

Câu chuyện nó không dừng lại ở đó mà còn tiếp tục ở đây. Nghĩa là chúng tôi mong mõi sau khi quý vị đọc đến đây rồi, không nhứt thiết là Phật Tử Việt Nam đang sinh sống tại Đức, mà ở Âu Châu hay các nước khác cũng có thể giúp đỡ cho chúng tôi bằng nhiều cách khác nhau sau đây, để chùa thanh toán đủ qua Luật Sư cho chủ nhà, thì lúc ấy chúng ta mới trọn quyền xử dụng được.

Cách thứ nhất là cho mượn Hội Thiện không có lời, bao nhiêu cũng được và xin cho biết thời gian hoàn trả lại.

Cách thứ hai tùy hỷ cúng dường bao nhiêu cũng được. Có thể lấy con số tượng trưng là 1 mét vuông đất bằng 100 Euro. Xin cúng 1 hay nhiều mét vuông đất vậy.

Cách thứ ba là ủng hộ định kỳ mỗi tháng 5 Euro hay 10 Euro hoặc hơn nữa để Tu Viện có thể duy trì sinh hoạt hằng tháng.

Tất cả những số tịnh tài trên, xin chuyển về số Konto như sau:

Konto Nr. 870 163360, BLZ 250 700 24, Deutsche Bank Hannover.

Người nhận: Congr. D. Verein Vietn. Buddh. Kriche e.V

Những vị ở ngoài nước Đức có thể chuyển thẳng số tịnh tài vào địa chỉ như sau:

Người nhận: Congr. D. Verein Vietn. Buddh. Kirche e.V

BIC: DEUTDEDBHAN

IBAN: DE 22 2507 0024 0870 163360 Deutsche Bank Hannover Germany.

Ngoài ra quý vị cũng có thể liên lạc về chùa để nhận giấy khai thuế cuối năm; nếu quý vị đã cúng dường cho việc mua Tu Viện.

Tu Viện nầy tôi đặt tên là Viên Đức để cho dễ dịch ra tiếng Đức và sẽ gọi là Vollkommenheit der Tugend Kloster thì người Đức sẽ hiểu ngay, tránh giải thích dài dòng về cái tên chùa. Đồng thời khi quý vị gởi tịnh tài về chùa, xin ghi rõ vào mục chuyển tiền là: cho mượn Hội Thiện hay cúng dường hoặc định kỳ cho Tu Viện Viên Đức ở Bodensee để việc sổ sách dễ dàng hơn.

Trên đây là một số vấn đề căn bản và sau đây là một số câu hỏi mà một số quý vị có thể đặt ra và tôi xin trả lời như sau:

-        Đã có chùa rồi, tại sao vẫn mua cơ sở để làm chùa nữa?

Xin thưa rằng: trong Sám Quy Mạng có câu, “Kiến pháp tràng ư xứ xứ, phá nghi võng ư trùng trùng, hàng phục chúng ma, thiệu long Tam Bảo”. Nghĩa là “những pháp tràng chùa viện được dựng lên khắp nơi, nhằm để phá những lưới nghi chồng chất và hàng phục những ma vương ngoại cảnh, nhằm để thiệu long Tam Bảo, làm phát huy hạt giống Thánh”.

Thật vậy, nếu một trường học được mở ra, ta thấy rằng chính phủ ấy có chính sách giáo dục tốt và vẫn tốt hơn là mở ra một nhà tù nữa. Cả hai việc đều là ngân quỹ của chính phủ, mà một bên thì lợi về mặt đạo đức, phát triển văn hóa; còn một bên thì suy đồi về đạo đức và sự tốn kém cả hai bên vẫn giống nhau. Ở đây nếu có ngôi chùa, con em của quý vị sẽ gần gũi học hỏi giáo lý của nhà Phật, biết được lẽ phải trái mà cư xử với cha mẹ, gia đình cũng như những người thân thuộc, tránh đi bớt những sự băng hoại về đời sống tâm linh của người con Phật. Vì chùa là nơi di dưỡng tinh thần vậy.

-        Xin hỏi: Những ngôi chùa ở nước Đức thuộc về ai và tài sản ấy sau nầy sẽ đi về đâu?

Xin đáp: Tất cả những tài sản mà Giáo Hội PGVNTN Chi Bộ tại Đức hiện có là do tiền của của quý Phật Tử ở trong cũng như ngoài nước Đức đóng góp và những ngôi chùa ấy hoặc trực thuộc Chi Bộ; hoặc trực thuộc các Hội, các Chi Hội và các Ban Hộ Trì Tam Bảo tại các địa phương. Nghĩa là về hành chánh thì có sự liên lạc trực tiếp từ trung ương đến địa phương; nhưng về tài chánh thì độc lập. Nghĩa là nơi đâu thì chịu trách nhiệm trực tiếp với chính quyền địa phương nơi ấy như tòa án và bộ tài chánh v.v..., tất cả tài sản của cải ấy là của chung, không phải của riêng một ai hết, ai cũng không có quyền bán những tài sản ấy dùng riêng cho cá nhân mình được. Vì đã có nội quy và tòa án địa phương quy định rồi. Nếu Ban Chấp Hành nầy ra đi thì Ban Chấp Hành khác thế chân vào đó sẽ chịu trách nhiệm nầy trước những vấn đề pháp lý với chính quyền Đức cũng như những vấn đề khác đối với Phật Tử Việt Nam của chúng ta.

-        Xin hỏi: Có khi nào quý Thầy, quý Cô có thể xử dụng việc chùa ấy vào mục đích riêng của mình không?

Xin thưa rằng: Người đi xuất gia điều quan trọng là phải hiểu luật nhân quả. Cái gì trên đời nầy cũng có thể mất hết; nhưng nhân quả thì vẫn còn đó. Không thể tự dối mình và dối người được. Vả lại người xuất gia tài sản chỉ có 3 y và một bình bát, thân vô nhất vật. Ngoài ra không có gì cả. Nên những của cải vật chất ấy là của Tam Bảo, của Đàn Na Thí Chủ chứ không phải là của riêng mình; nên không thể dùng riêng cho mục đích cá nhân được.

Quý Phật Tử đóng góp tiền của vào chùa cũng như là cái nhân của bột và đường để làm chiếc bánh. Còn quý Thầy, quý Cô chỉ là những người nắn ra những chiếc bánh ấy để chúng ta cùng thừa hưởng công đức có được mà thôi. Một ví dụ khác dễ hiểu hơn: Quý Thầy, quý Cô cũng giống như nhân viên của một ngân hàng, biết đem số tiền của quý vị đi đầu tư vào chỗ nào lời nhất và kết quả là cả ngân hàng cùng người bỏ vốn đều có lợi. Cái lợi của quý Phật Tử ở đây không phải là một số tiền khổng lồ, mà là công đức có được khi có nơi chốn cho người đến lễ bái nguyện cầu. Khi ta ngồi trên tấm thảm trong Chánh Điện của chùa, hay khi ta đứng trên một viên gạch ở ngoài sân chùa, ta biết rằng trong ấy có sự đóng góp của ta, đồng thời khi ta đi rồi sẽ có bao nhiêu người khác đến đứng vào chỗ ta để lễ bái, nguyện cầu thì công đức ấy chắc chắn không nhỏ vậy.

Sau 30 năm như thế riêng tại xứ Đức nầy tôi có thể làm một con số thống kê sơ khởi cho quý vị biết về sự đóng góp của quý vị lâu nay, để chúng ta tự mừng cho chính mình là đã tích công bồi đức được như thế.

Đầu tiên phải kể đến những ngôi chùa theo thứ tự từ Bắc chí Nam nước Đức như sau:

Tại Hamburg có chùa Bảo Quang nơi Sư Bà Thích Nữ Diệu Tâm trụ trì hiện có 2 cơ sở. Tổng trị giá cho hai nơi nầy độ 800.000 Euro. Còn nợ Phật Tử một ít và không mắc nợ ngân hàng.

Tiếp theo là chùa Linh Thứu tại Berlin, do Ni Sư Thích Nữ Diệu Phước trụ trì, có 2 cơ sở; một miếng đất và một ngôi nhà làm chùa trị giá khoảng 1.200.000 Euro. Còn nợ Hội Thiện của Phật Tử một ít và không mắc nợ ngân hàng.

Kế đến là chùa Viên Giác tại Hannover, là chùa thành lập lâu nhất, cho đến nay đã 30 năm và sự đóng góp của quý Phật Tử cũng bền bỉ nhất so với các chùa Việt khác trên nước Đức. Diện tích đất là 9.000 mét vuông kể cả hai bên gọp lại theo thời giá hiện tại là 2 triệu Euro và giá thành của ngôi chùa Viên Giác là 4 triệu rưỡi Euro. Tổng cộng là 6 triệu rưỡi Euro. Chùa cũ hoàn toàn đã dứt nợ ngân hàng và nợ của quý Phật Tử vào tháng 7 năm 2007; chỉ còn nợ một ít của các chùa và các Phật Tử nơi miếng đất mới mua và không có nợ ngân hàng.

Chùa Phật Bảo tại Barntrup do Ni Sư Thích Nữ Diệu Hạnh trụ trì đã xây dựng hoàn thành cách đây hơn 20 năm và nay nợ ngân hàng cũng đã trả hết. Trị giá khoản 250.000 Euro.

Chùa Thiện Hòa tại Mönchengladbach nơi Thượng Tọa Thích Minh Phú trụ trì cả 2 cơ sở cũ và mới trị giá khoản 500.000 Euro, nợ ngân hàng một ít; nhưng không nặng lắm.

Chùa Quan Thế Âm Ni Tự tại Aachen do Ni Sư Thích Nữ Diệu Ân trụ trì; nơi đây trị giá khoảng 300.000 Euro, không mắc nợ ngân hàng, chỉ còn nợ một ít của Phật Tử.

Chùa Phật Huệ tại Frankfurt do Đại Đức Thích Thiện Sơn trụ trì cả 2 cơ sở cũ và mới trị giá khoản 1 triệu rưởi Euro. Có mắc nợ ngân hàng và một số Hội Thiện của các chùa và các Phật Tử.

Chùa Tâm Giác tại München nơi Thượng Tọa Thích Đồng Văn trụ trì; giá trị ngôi chùa độ 400.000 Euro và không mắc nợ ngân hàng.

Cơ sở Tu Viện Viên Đức đang tạo mãi tại vùng Ravensburg thuộc Bodensee trị giá 600.000 Euro, đang vay mượn của quý Phật Tử và tương lai sẽ có quý Thầy Hạnh Vân, Hạnh Hòa, Hạnh Sa, Hạnh Hảo về ở thường xuyên tại đây và chúng tôi sẽ ở đó mỗi năm 2 đến 3 tháng để tịnh tu, dịch Kinh viết sách và hướng dẫn quý Phật Tử.

Như vậy là 14 cơ sở của 9 ngôi chùa trên xứ Đức đã được tạo mãi thành tài sản bất động sản của Giáo Hội chúng ta có tổng trị giá là 12.050.000 Euro (mười hai triệu không trăm năm mươi ngàn Euro). Tính theo thời giá hiện tại độ 16 triệu USD. Trong nầy chỉ còn một số ít nợ ngân hàng và nợ của quý Phật Tử, độ 5 đến 10 năm nữa sẽ xong hết số nợ nầy.

Ngoài ra bất động sản thứ 15 là chùa Tam Bảo ở Reutlingen, do Ni Sư Thích Nữ Như Viên trụ trì, nay mai cũng dự định sẽ mua một cơ sở độ 300.000 Euro nữa cũng do sự đóng góp cúng dường ủng hộ hoặc cho mượn Hội Thiện của quý Phật Tử xa gần và hy vọng Phật Tử vùng Reutlingen sẽ có được một cơ sở như thế để sinh hoạt cho đời sống tinh thần của người Phật Tử.

Địa phương Nürnberg có Niệm Phật Đường Viên Âm chưa nghĩ đến chuyện xây dựng và địa phương Leipzig có Niệm Phật Đường Liên Trì, nơi Sư Cô Thích Nữ Tâm Viên trụ trì, nay mai cũng dự định sẽ kiến tạo tại đó một ngôi chùa thực thụ nữa.

Bây giờ thử làm thống kê về động sản của quý Phật Tử đã đóng góp cho các chùa như thế nào? Lấy chùa Viên Giác làm thí dụ. Ví dụ như mỗi năm có 30.000 người đi lễ chùa vào các dịp Tết Nguyên Đán, Rằm Tháng Giêng, Phật Đản, Vu Lan và ngày thường trong năm. Mỗi người về chùa riêng tiền di chuyển xe cộ độ 100 Euro; tiền cúng dường chùa và các việc khác 100 Euro; tiền ăn, tiền quà 50 Euro. Cộng lại thành 250 Euro cho mỗi người. Nếu ta đem số tiền ấy nhân với số 30.000 người đi lễ sẽ thành số tiền của quý Phật Tử đóng góp cho nhà nước (xe cộ di chuyển) và cho nhà chùa (cúng dường, ăn uống) lên đến 7.500.000 Euro (bảy triệu năm trăm ngàn Euro) mỗi năm. Nếu nhân số ấy lên 15 năm thôi chứ không phải 30 năm để lấy số bình quân của mỗi người cho sự đóng góp là 112.500.000 Euro (một trăm mười hai triệu năm trăm ngàn Euro). Con số nầy là con số chỉ đóng góp cho chùa Viên Giác. Còn những đóng góp trực hay gián tiếp khác cho các chùa khác tại Đức, xin quý vị cứ tự tính ra theo số người đi chùa thì sẽ rõ. Đây là một con số đáng kính trọng, đáng khâm phục và đáng giật mình. Vì sao vậy? Vì ngày xưa khi bắt đầu bằng hai bàn tay trắng và với chỉ bằng một khối óc, một con tim mang từ Nhựt Bản qua xứ Đức nầy tôi chưa bao giờ nghĩ đến điều đó và cũng không bao giờ dám nghĩ đến nữa. Ngay cả việc xây chùa Viên Giác tại Hannover tôi cũng chỉ nghĩ rằng: Đó là một giấc mộng mà thôi. Thế mà đã trở thành hiện thực và rồi đây sang năm 2008 sẽ xây dựng Trung Tâm Nghiên Cứu và Tu Học Viên Giác tại Hannover, con số cũng sẽ có nhiều số zero đi kèm phía sau nữa.

Ngày 22 tháng 4 năm 1977 từ Nhựt đến Đức với một thân một mình; bây giờ sau 30 năm tại Đức đã có 70 Tăng Ni và hơn 10.000 Phật Tử thuần thành cũng như mười mấy ngôi chùa như thế. Quả là Phép Phật Nhiệm Mầu”.

Đó là chỉ kể riêng có nước Đức. Nếu chúng ta kể khắp Âu Châu, Mỹ Châu, Úc Châu và Á Châu chúng ta có được lớn nhỏ tất cả là 600 ngôi chùa như vậy. Trước năm 1975 GHPGVNTN trong nước cố Hòa Thượng Thích Thiện Hoa, cố Hòa Thượng Thích Thiện Hòa muốn lập 3 ngôi chùa tại Ấn Độ, Nhựt và Pháp mà đã không thể thực hiện được, bây giờ chỉ còn 3 tượng Phật lưu lại ở chùa Việt Nam Phật Quốc Tự ở Ấn Độ, chùa Khánh Anh tại Pháp và chùa Viên Giác tại Đức. Từ 1975 đến nay trong cái mất mác đau thương của dân tộc, chúng ta chẳng còn gì ngoại trừ một tấm lòng cho Đạo và quê hương. Thế mà người Phật Tử và chư Tăng Ni chúng ta đã hồi tỉnh lại đã làm nên một lịch sử “Kiến Pháp Tràng Ư Xứ Xứ ...” như thế, có lẽ từ cổ chí kim chưa bao giờ có được như vậy. Trong cái mất chúng ta lại có cái được và trong cái được ấy chúng ta đã mất không biết bao nhiêu là xương máu và sự tủi hờn mới có được ngày hôm nay.

Còn lãnh vực tinh thần thì sao? Dĩ nhiên là song song với lãnh vực vật chất quý Thầy, quý Cô cũng đã tận dụng khả năng tu học của mình để hướng dẫn quý Phật Tử Việt Nam chúng ta và người địa phương càng ngày người hiểu đạo càng nhiều hơn. Ví dụ như người Đức, người Pháp, người Úc, người Mỹ khi vào chùa biết chắp hai tay niệm: Nam Mô A Di Đà Phật; biết hổ trợ chùa, biết tham gia những khóa giáo lý bằng tiếng địa phương; hoặc giả ngồi thiền, làm công tác từ thiện, xã hội v.v...

Quý Phật Tử Việt Nam có rất đông người ăn chay trường, có quy y Tam Bảo, thọ Bồ Tát Giới tại gia, gồm tất cả mọi thành phần, trong đó thành phần trí thức không phải là ít. Kèm theo đó các em trẻ ở thế hệ thứ 2 được sinh ra tại Đức hay các nước khác trên thế giới có học lực cao, kiến thức rộng cũng đang kề vai với thế hệ Cha Ông, Thầy, Tổ mình gánh vác việc Đạo sau khi đã hiểu rõ sự lợi ích của Giáo Lý Phật Đà.

Bây giờ có nhiều em Sinh Viên khi nghỉ hè cha mẹ cho đi nhiều nơi nghỉ mát; nhưng các em không đi mà chỉ đi về chùa để tu học và làm công quả. Điều ấy trước đây 20 năm cha mẹ muốn khuyên và dụ con em mình đi chùa mà chúng thật khó nghe theo. Phải nói rằng đây là kết quả của sự tương tức vậy. Cái nầy có nó sẽ kéo theo cái kia và cái kia có nó sẽ kéo theo cái nọ. Nếu cái nầy không thì cái kia cũng không. Đây là nhân duyên và đây cũng là sự thành tựu của nhân duyên vậy.

Điều quan trọng là hiểu đạo, chúng ta không phải phụng sự cho cá nhân của Thầy đó hay Cô đó trụ trì chùa đó, mà phụng sự Đạo, chính là phụng sự cho lý tưởng mà mình đang theo Đạo Phật. Đó là lý tưởng của Từ Bi, Trí Tuệ và Giải Thoát.

Từ những em bé đến các cụ già, từ những thanh niên nam nữ đến những người trung niên cứ mỗi lần đi chùa là mỗi lần mời gọi. Mỗi lần có tổ chức Khóa Giáo Lý bất cứ ở đâu là mỗi lần đông nghẹt những mái đầu xanh và tiếng khóc của trẻ thơ. Nhìn gương mặt của những em bé rất rạng rỡ khi nghe lời khuyên của mẹ đem phong bì lên cúng dường Tam Bảo và nhìn các bé quỳ lạy theo sự hướng dẫn của mẹ cha, tâm tôi đã thực sự hoan hỷ và biết chắc rằng sẽ có những thế hệ hiểu đạo nối tiếp theo sau mình và biết rằng cuộc đời vô thường nầy, ai có đến rồi cũng phải ra đi, chẳng mang theo một thứ gì cả ngoại trừ nghiệp lực của mình. Cho nên ngay từ bây giờ tôi đã biết vui với những niềm vui miên viễn ấy.

Những cụ già lụm khụm chắt chiu từng đồng, từng cắc để cúng chùa; những anh Kỷ sư, Bác sĩ tính toán thật kỹ khi chi tiền cho mục nào là của gia đình; mục nào cho từ thiện xã hội, mục nào cho chùa v.v... Rồi những em thanh niên thanh nữ mới lớn lên khi đến chùa đã vì bạn, vì niềm vui mới bắt đầu, để rồi từ đó đã thâm nhập kinh tạng và giáo lý lúc nào không hay, để họ đã bắt tay vào công việc phụng sự đạo.

Riêng tôi khi làm một công việc gì thường hay đặt ra mấy câu hỏi trước. Ví dụ như làm việc nầy để làm gì? Làm cho ai? Và kết quả sẽ ra sao? Nếu trả lời thông suốt được 3 câu hỏi ấy thì tôi sẽ bắt tay vào việc để không ngại ngùng mình là một Trưởng Cái Ban đi xin ăn khắp thế giới; nhưng kết quả không phải để cho mình, mà cho việc xây dựng chùa A, chùa B, cho việc đào tạo Tăng tài, cho việc từ thiện xã hội v.v..., thì tôi vẫn không từ nan cho nhiệm vụ của một Tỳ Kheo, trong đó nghĩa Khất sĩ, bố ma và phá ác tôi đang thực hiện mà không phải xấu hổ gì.

Khi tôi làm việc dĩ nhiên cũng có người khen, kẻ chê; nhưng đó là chuyện bình thường trên thế gian nầy, tôi xin chấp nhận; nhưng tôi cũng xin tạ ân Tam Bảo, ân cha mẹ, ân Thầy Tổ, ân quốc gia đã cho con có một ý chí, một tấm lòng để phụng sự cho tha nhân và so ra với những việc khó khăn ấy tôi chỉ gặp độ 5% đến 10%. Trong khi đó 90% là thuận chiều và dĩ nhiên tôi cũng không tự mãn cho thành quả đó mà tự tin ở sự gia hộ của chư Phật và khả năng nội tại của mình. Cho nên tôi đã phát nguyện: “Con xin nguyện làm một giòng sông để chuyên chở những trong đục của cuộc đời và cho con nguyện làm mặt đất để hứng chịu những sạch nhơ của nhân thế”.

 

Viết xong tại Tu Viện Đa Bảo Úc Đại Lợi vào ngày 5 tháng 12 năm 2007.

Thích Như Điển
 

---o0o---

Vi tính: Hạnh Bổn
Trình bày: Phổ Trí

Cập nhật: 01-12-2007


Webmaster:quangduc@quangduc.com

Trở về Trang Phật Giáo Quốc Tế

Đầu trang

 

Biên tập nội dung: Tỳ Kheo Thích Nguyên Tạng
Xin gởi bài mới và ý kiến đóng góp cho Trang Nhà qua địa chỉ: quangduc@tpg.com.au
Địa chỉ gởi thư: Tu Viện Quảng Đức, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic. 3060. Tel: 61. 03. 9357 3544