Trang tiếng Việt

 Trang Nhà Quảng Đức

Trang tiếng Anh

Phật Giáo Việt Nam


...... ... .

 

 


Bài tham luận  

Hiện tình của cộng đồng
Phật Giáo Việt Nam Hải Ngoại
 

(họp Giáo Hội Liên Châu tại Los Angeles – HK các ngày 18&19/9/09)

HT Thích Bảo Lạc

 

I - Nhận định

Có thể nói PGVN tại Hải Ngoại trong vài năm qua bị đưa ra làm vật tế thần cho các thế lực đen đỏ thừa cơ hội chen vào đánh phá, khiến Phật Giáo rơi vào cơn khủng hoảng nghiêm trọng chưa từng thấy, làm cho Tăng Ni bị ảnh hưởng qua tu tập không ít, cũng như công cuộc hoằng pháp tưởng chừng tê liệt.Tác hại hơn cả là người Phật tử mất niềm tin, nhất là đối với GHPGVNTN. Đâu là nguyên nhân chính dẫn tới tai hại bất khả vãn hồi như thế? Đi tìm nguyên do gây ra rối loạn cũng chính là trả lời những luận điệu xuyên tạc, chụp mũ, vu khống giới lãnh đạo và Giáo Hội PGVNTN các Châu mà chúng ta đã đang nhận chịu một cách phi lý về phương diện hành hoạt cũng như về mặt bản thể. Nói cụ thể hơn, nếp sinh hoạt của chúng ta dựa theo Quy chế, Hiến chế, Nội quy cũng như có đăng ký tư cách pháp nhân với các cơ quan chính quyền sở tại một cách hợp pháp. Về mặt bản thể hàng tăng già vẫn tôn thờ lý tưởng giải thoát và phụng sự cho tha nhân và chúng sanh. Với những kẻ ác tâm có mưu đồ muốn làm phân hóa PG hầu thao túng để dễ bề lợi dụng danh nghĩa và uy tín PG cho tham vọng cá nhân hay phe nhóm.

Chỉ trong năm 2008, những khóa An Cư Kiết Hạ, khóa tu học Phật pháp như ngưng trệ, nhất là GHPGVNTNHN Úc Châu bởi những Giáo chỉ, Thông Bạch từ trong nước gởi ra và từ văn phòng 2 Viện Hóa Đạo HK gởi đến. Nhân sự bị xáo trộn do sự hoán chuyển không tham khảo trước của VHĐ, các Giáo Hội TN các Châu bị xóa sổ tưởng chừng như tê liệt không lối thoát. Thế nhưng chư tôn đức các GH bốn châu đã tự chế khắc phục kịp thời bằng nhiều cách như:

- Không phản ứng, mặc dù biết nội bộ tổ chức mình đang bị đánh phá chụp mũ.

- Không nhận phần hành do VHĐ trong nước áp đặt, ít ra là 8 vị  HT HK minh nhiên đứng tên trong Thông Bạch phản bác việc làm sai trái của VHĐ, tại Úc có nhị vị HT và 1 vị TT mạnh dạn từ chức và trả lại các chức vụ do HĐ Viện tự quyền quyết định bằng văn thư đề ngày 08/3/2008. Hội Đồng ĐHGH Canada phản ứng Giáo chỉ 9 trước nhất, đã bị dư luận trên mạng Internet trù dập, lên án nặng nề không nương tay. Riêng GHPGVNTN Âu Châu trầm tĩnh hơn, tuy không có những phản ứng như GH các Châu khác, nhưng dứt khoát không nghe theo cách làm việc  độc đoán, chuyên quyền của một vài thành phần nhân sự VHĐ có manh tâm muốn khuynh loát.

II - Hiện trạng phân hoá tăng già PGVN Hải Ngoại:

Điều bất hạnh lớn lao cho người Tăng sĩ PGVN hải ngoại là nội tình PG bị đánh phá không nương tay, không ai khác hơn chính những con người trước đây ăn cùng mâm, dự cùng Đại hội phục vụ Giáo Hội. Đây là việc làm vô cùng tệ hại có ảnh hưởng sâu rộng trong hiện tại cũng như trong tương lai.

1-     Hình ảnh PGVNTN hiện tại:

Chúng ta đang từ thế đứng của đa số quần chúng Phật tử  tự dưng chia rẻ, do sự bổ sung, cắt đặt, sắp xếp, lèo lái nhân sự điều hành sai lầm làm cho uy tín của GHPGVNTN bị sút giảm thậm tệ, và rồi tụt hậu sang thành phần thiểu số. Nói thiểu số ở đây có 2 nghĩa:

a) Bị nhiều tai tiếng nên ít người yểm trợ tham gia đóng góp; giá như GH có hô hào, đề xướng một công tác tranh đấu cho nhân quyền và tự do tôn giáo cho VN, các tổ chức chính trị cũng  dè dặt trong sự góp mặt. Nếu có chăng cũng chỉ một vài đại diện chiếu lệ, chứ không dốc lòng như 10 năm, 20 năm về trước. Tiếng nói của chúng ta  đối với cộng đồng  quốc tế càng lúc càng bị thu hẹp lại và trở nên bé nhỏ rất đáng lo ngại.

b) Số đơn vị tham gia GH tụt giảm đáng kể, nhất là thành phần tăng ni trẻ không dám nhận mình là thành viên trong GHTN, vì sợ bị ảnh hưởng như vết dầu loang. Sau hơn một thế hệ, thử nhìn lại các chùa viện hải ngoại thuộc Viện HĐ đếm không đầy trên đầu các ngón tay. Điều đó cũng chưa lấy làm hệ trọng mấy, vấn đề là do thất nhân tâm đối với GH và PG nói chung mới là khúc nôi mà chúng ta hiện nay đang hứng chịu lãnh đủ.

2-Nguyên nhân:

Không có lửa làm sao có khói tỏa mù, khói độc làm cay mắt như chúng ta đều biết và đã nghiệm qua trong thời gian gần đây. Cái tác hại to lớn như những cái loa lạc dẫn quần chúng và nhất là số Phật tử kể cả tăng ni yếu đức tin và sự hiểu biết hạn chế theo cái nhìn sai lệch của họ. Ở đây phần chủ yếu là các mạng thông tin, những cơ quan truyền thông.

a) Những mạng lưới đánh phá tăng già PGVNTN nói riêng và cả PGVN nói chung. Có ít nhất là hàng chục trang mạng tên thật kêu và dễ gợi tánh tò mò của người đọc như: Bảo vệ chánh pháp, Vung gươm trí tuệ, Tiếng nói áo lam, Tin Paris, Mậu Thân 68, Diễn đàn Phật tử, An Lạc phụng sự… đã và đang tiếp tục viết bài đã kích tăng già và GHPGVNTN bằng những ngôn từ thiếu văn hóa. Đưa những tấm hình xấu nhất mà họ cố tình, của các vị lãnh đạo GH lên trang đầu mạng để bôi nhọ, bêu riếu không ngừng tay từ tuần này sang tuần nọ, tháng này qua tháng khác, thậm chí đến nhiều năm, vẫn không lấy xuống.

b) Giới truyền thông:

Truyền thông nói chung rất đa dạng như báo chí, truyền hình, truyền tin, điện thoại, poster player… hầu hết đều trong tay những người không phải đạo Phật nắm giữ. Đây cũng là thế yếu khó khắc phục của PG từ trong nước ra ngoại quốc và là một vấn nạn cho những vị có quan tâm. Có lẽ chúng ta không quen nghe lời ra rã nhàm tai và cũng không đủ kiên nhẫn chịu đựng thị phi của thế thái nhơn tình, nên thời nào và ở đâu PG cũng đứng ngoài và chịu trận. Đã tới lúc và nay là thời cao điểm cho thấy rõ hơn vấn đề như con dao hai lưỡi nầy.

3. Bản chất dễ dãi tự tin của giới tăng sĩ.

Người tăng sĩ phần nhiều sẵn lòng từ bi, nên như không có dè dặt dự phòng, cả tin vào người khác, nhất là những huynh đệ  pháp lữ, bạn học chung trường, đồng chúng. Bất cứ họ từ đâu đến, nhất là những vị từ VN sang, do ảnh hưởng bởi chế độ vô thần CS, dù là tăng sĩ ít nhiều bị nhồi nhét thuyết Max, Lenin không còn thuần túy như xưa. Ấy là chưa kể có số vị còn tung hô, ca ngợi chế độ cách kỳ cục không chịu nổi và cũng khó mà chấp nhận. Thế nhưng, quý Thầy, Sư Cô chúng ta ở ngoài này vì quá hiếu khách, vẫn ưu đãi họ như mời giảng diễn, hướng dẫn khóa tu v.v… Kết quả ra sao của việc làm thiếu thận trọng này hẳn trong chúng ta ai cũng đều biết, hoặc giả chính mình cũng là nạn nhân trong số đó.

4. Bảo lãnh như tác viên tôn giáo (religious worker)

Mọi việc gì kết quả không được như ý ta đều qui vào chữ “Tại” mà thôi. Vấn đề bảo lãnh tu sĩ từ Việt Nam sang các nước làm Phật sự thật quả là có cả hằng trăm thứ lý do như: chùa vắng người, cần có thêm Thầy, Cô điều hành Phật sự, thầy nọ, cô kia có đạo hạnh, học giỏi, có khả năng Anh ngữ, kiến thức rộng, Hán học tinh thông, diễn giảng lưu loát, điều hành công việc trôi chảy, có óc sáng tạo, có hoa tay vẽ khéo, thư pháp, thuốc Nam, thuốc Bắc, châm cứu, tán tụng hay, phong thủy tài; hoặc Đại Đức A, Sư Cô B được thân nhân bảo lãnh, rồi chính chúng ta đón rước của nợ mà kết quả sau một thời gian làm việc chung, Phật tử nhận thấy rõ “Thầy nhà dỡ ẹt”. Thế là Phật tử bổn đạo đồn nhau bỏ Thầy, nói xấu hay tìm chỗ sở đoản trước kia để vạch toẹt ra cho thiên hạ xem. Kết quả thảm hại, thầy buồn phiền cuốn gói ra đi không lời từ giả sau bao năm gian khổ xây dựng chùa và tín tâm của Phật tử, nay đương nhiên cơ sở thuộc về tay Thầy quản lý mới. Đây là sự thật không kém đau lòng mà như xảy ra rất thường trong cộng đồng PGVN hải ngoại.

Trở lên, cũng chỉ mới nêu lên một vài vấn đề dày cộm nổi bật, ngoài ra còn không biết bao nhiêu những sự phát sinh ngoài tầm nhìn của người Tăng sĩ. Xin đơn cử như nhập cảng đồ gia dụng, xuất khẩu trà, Phật đàn Phật cụ, kinh sách v.v… là cả một chuỗi dài cười ra nước mắt của 2 thập niên vừa qua.

 

5. In ấn văn hóa phẩm, mua thỉnh kinh sách.

VN cho tới bây giờ sau 35 năm cai trị, mặc dù nơi tiêu đề các văn kiện của chế độ đề là: “Độc lập, tự do, hạnh phúc”. Nhưng đó chỉ là nhãn hiệu lừa đảo người nào cả tin mà thôi. Điều này, hơn ai hết Tăng Ni phải cẩn thận, nếu không sẽ rơi vào cạm bẫy tuyên truyền một chiều của chế độ độc tài CSVN Hà Nội, bằng cách: a) không phổ biến sách báo, văn hóa phẩm in ấn từ VN cho Phật tử bổn đạo đọc, kể cả những đĩa CD, DVD kịch nghệ có tính nhồi sọ, tuyên vận văn hóa nhằm tô đậm thêm hoa lá cành cho chế độ phi nhân CS. Không chứa giữ sách, băng của CS nơi các thư viện chùa viện nơi hải ngoại.

b) Phải kiểm lại kỹ càng những kinh sách in ấn từ trong nước gởi ra ấn tống hoặc chính Phật tử đích thân thỉnh dùng nơi chùa mình, ngỏ hầu tránh hiểu lầm và không bị nhuộm đỏ tư tưởng.

III. Khắc phục những nghịch duyên

Có người buộc miệng than rằng: PG bị nghiệp hệ gì mà cứ mãi hết bị trầm luân này đến oan trái khác, không ngóc đầu lên nổi, từ trong nước ra hải ngoại. Theo như ý của tôi: Tại chúng ta thiếu phước kém tu mới ra nông nổi!

Giờ đây mỗi một thành viên tăng ni của GH nên tự khắc phục nghịch duyên may ra dần dần hoán chuyển những oan khiên nghiệt ngã không xâm hại mình và GHPGVNTN.

1.     An nhẫn trong sự chia sẻ hiểu biết

Ở đời có câu nói: “cùng tất biến” nhưng ta không thể áp dụng được, bởi lẽ người xuất gia đã thấm nhuần lời Phật dạy về ân oán, thân thù, nhất là nhân quả. Mỗi khi gặp việc bất hạnh xảy ra, ta thường tự trách hơn và tự đặt mình trong trường hợp người khác xem mình ứng xử ra sao. Biết đâu ta lại xử sự còn tệ hơn những gì người ta làm đối với mình nói riêng và cho PG nói chung. Như thế chúng ta biết tự chế một phần những phản ứng nhất thời do tâm hơn thua, bỉ thử chưa thật sự sống trong đạo Phật.

2. Trấn an Phật tử:

Người Phật tử dĩ nhiên khác người xuất gia nhiều mặt, họ bất an khi thấy thầy mình bị chụp mũ, bè hội đồng, đạo mình bị chỉ trích nặng, ai lại ngồi yên cho đành, nên họ phải phản ứng. Chư Tăng Ni nếu không cố vấn, khuyên giải… hẳn PT đi quá đà nhiều lúc làm hỏng cả công việc đại sự, nên các thầy lãnh đạo có bổn phận trấn an PT, nếu cần chỉ đạo cách làm việc nào hữu hiệu để làm cho hoàn cảnh hay tình trạng tốt hơn mà không làm ồn ào gây tai tiếng không tốt cho PG nói chung.

3. Tinh tấn hành đạo:

Việc quan trọng hàng đầu của chúng ta hiện tại là lo chỉnh đốn nội bộ, nhất là vấn đề tu học, rèn nội lực cho kiên cường, mới mong ứng xử thích hợp với hoàn cảnh. Những khóa tu học phải có chất lượng và tăng cường nơi chùa mình mỗi nửa tháng một lần , chưa kể 2 kỳ sám hối định kỳ hằng tháng.

Tối thiểu mỗi ngày phải có 2 thời công phu sáng chiều (tối) tại chùa để tăng ni có cơ hội ôn tập lời Phật dạy. Phật tử tại gia phải có thời khóa tu tập để thanh tịnh thân tâm, và hoán chuyển nghiệp lực.

 

IV. Tệ nạn không phải pháp nạn

  Có người nói: Phật Giáo chưa hết bị pháp nạn Cộng Sản đàn áp trong nước, nay ở hải ngoại, PG hay GHPGVNTN còn gặp cơn pháp nạn ụp xuống gần đây không kém. Chúng ta nên thận trọng xử dụng ngôn từ cho chính xác. Những lủng củng trong nội bộ PG đi tới chỗ rã rời tệ hại của PGVNTN hiện nay phần lớn do chúng ta - người Phật tử tạo nên.

- Không có lý do cho đó là pháp nạn được. Đây là con nội trùng trong thân sư tử quậy phá nát thân xác oai phong lẫm liệt  của sư tử mới là điều mà chúng ta đáng lưu tâm và tìm phương cách chỉnh đốn qua vài gợi ý như sau:

1. Thừa khả năng và điều kiện vật chất để duy trì và phát triển nền PGVN tại hải ngoại.Mặc dù chúng ta không dồi dào tài chánh như cộng đồng PG Thái, Đài Loan, Hồng Kông, Trung Hoa… ở hải ngoại, nhưng  người Phật tử VN cũng tự hào với lòng kiên trì vững tin nơi chánh pháp, sau hơn 30 năm tỵ nạn CS, chúng ta đã và đang thiết lập nền móng vững chắc qua các cơ sở vật chất, những ngôi tự viện, trung tâm tu học ở khắp nơi, do sự nhiệt thành đóng góp hằng tỷ đô la của Tăng Ni và Phật tử tại các quốc gia trên toàn thế giới. Đó là chưa kể tới khả năng về ngoại ngữ, kỹ thuật, quản trị, điều hành… của thế hệ thứ hai gồm tăng ni và Phật tử. Có thể nói PG VNHN đang có một trữ lượng chất xám vô cùng quan trọng và vô giá mà chính chúng ta chưa tận lực triển khai hay thật sự xử dụng đúng mức mà thôi.

 

2. Nhìn tệ nạn PGVNHN hiện nay như một thách thức đối với Tăng Ni đang hành đạo khắp nơi.

Tâm lý của hầu hết chúng ta là muốn nhìn thấy hướng tích cực hơn tiêu cực. Như thất bại và thành công, nếu không thất bại sao có thành công cho ta hãnh diện, tự hào? Thế nên tệ nạn PGVN HN hiện nay không như một cú shock bất thần từ trên trời cao giáng xuống cho chúng ta, mà nó như căn bịnh trầm kha len lõi ngầm trong cơ thể PG lâu ngày chầy tháng trở nên mưng mũ làm độc. Vấn đề liệu Tăng ni chúng ta có đủ can đãm mỗ xẻ vết thương đó hay không? Nếu không vết thương vẫn tiếp tục làm độc, và hơn ai hết, hàng Tăng Ni phải lãnh chịu mọi hậu quả hiện tại cũng như tương lai.

Nhìn vấn đề một cách sâu rộng ai là người có đủ quyền hạn và sức thuyết phục để Tăng Ni chúng ta nhìn theo chiều hướng tích cực, ngỏ hầu xây dựng cộng đồng PGVN được vững mạnh?

3. Học hạnh Thường Bất Khinh Bồ Tát. Kinh Pháp Hoa, Phẩm Bồ Tát Bất Khinh thứ 22, có một vị Bồ Tát tên gọi Thường Bất Khinh. Vị Bồ Tát này làm một hạnh tuy rất nhẹ nhàng giản đơn nhưng không phải ai cũng làm theo được. Đó là hạnh tôn trọng người khác và mọi loài với tâm vô phân biệt. Đi tới bất cứ nơi đâu, gặp bất cứ người nào, Bồ Tát luôn tác lễ và nói rằng: “Tôi không dám khinh suất Ngài, vì Ngài là Bồ Tát, xin cho tôi được kính lạy”. Chưa phải ngừng lại ở đó, không những đối với người Bồ Tát lễ kính lạy dưới chân mà đối với loài vật thượng đẳng, Ngài đều tác lễ và nói như trên. Sở dĩ Bồ Tát làm được hạnh xả ấy, vì Ngài không còn thấy có tâm chấp ngã, chấp pháp, nên không bị vướng mắc nơi đâu.

Như lời Đức Phật dạy: “lấy oán báo oán, oán mãi chất chồng; lấy ân báo oán, oán liền tiêu diệt”. Mỗi một thành viên Tăng Ni trong cộng đồng Tăng lữ PGVNHN phát nguyện đi tiên phong được như Ngài Thường Bất Khinh, đã là nhân tố dũng mãnh có sức xúc tác sâu rộng trong xã hội nói riêng và trong môi trường chung quanh cuộc sống nói chung. Nếu làm được như vậy, chúng ta cũng hướng dẫn người Phật tử sống đúng hạnh nguyện cao rộng của chư Bồ Tát chỉ có thi ân mà không cầu danh là kham nhẫn rồi, thì không nên tạo gây đau thương phức tạp, rối rắm thêm nữa.

Đó là ý niệm chân thành của người Phật tử hai giới xuất gia, tại gia ước mong đóng góp một chút gì xây dựng đạo pháp đang trong cơn thử thách, nếu không muốn nói là vô cùng tệ hại như chưa từng thấy trong lịch sử truyền bá PGVN  trong suốt chiều dài lịch sử gần 2000 năm qua, trừ 3 lần pháp nạn: Lê Long Đỉnh (thế kỷ 10), nhà Ngô (1954 – 63) và CSVN từ 1975 tới hiện tại.

V. Kết luận:

Nhìn mặt phát triển cơ sở PGVN Hải Ngoại, chúng ta không khỏi tự hào trong tâm. Vì chỉ trong vòng vài chục năm trở lại đây PGVN tự dưng có thêm được hàng trăm cơ sở, tổ chức mà có nơi xây lên cả hàng chục ngàn đô la như tại Pháp, Hoa Kỳ , Gia Nã Đại, Úc, Đức v.v… Nhưng nếu đi sâu vào thực tế mới thấy có chỗ hụt hẫng khó khắc phục: đó là “tre tàn nhưng măng không mọc”, quý Ôn lớp trước sắp về hầu Phật hết mà lớp sau không được mấy người. Đây là một nổi trăn trở lớn cho PG VN Hải Ngoại. Riêng về việc giáo dục Tăng Ni như trường lớp cơ sở đào tạo, xem như con số không. Trách nhiệm nầy quí Thầy lớp bậc Thầy, đàn anh đi trước phải nhận sự bất lực và khuyết điểm đó.

Nếu nhìn xét kỹ câu: Dụng tinh bất dụng đa, chúng ta cũng có thể bắt tay ngay làm việc từ bây giờ vẫn còn có cơ hội cứu vãn những tắc ách cho tiền đồ PG VN hải ngoại về lâu dài trong tương lai. Mong tất cả tăng già hãy đoàn kết lại như mối đạo tình Linh Sơn cốt nhục của Đức Từ Phụ năm xưa để cho nền PG dân tộc được thăng hoa.

Ngày nay vấn đề cốt yếu là nhận diện một nền Phật Giáo thời đại và Tăng sĩ là thành phần do tu tập, do kinh nghiệm, do kiến thức đã được thừa nhận là những trưởng tử của Như Lai cho công cuộc chấn hưng đạo pháp, xây dựng con người, trong môi trường xã hội mới ứng hợp căn cơ và giáo lý Phật Đà của trào lưu tân tiến hiện đại.

 Sa môn Thích Bảo Lạc


HT Thích Bảo Lạc đọc tham luận


(xem tiếp)

 

Mục lục

 

---o0o---


Trình bày: Phổ Trí

Cập nhật 19-9-2009

 


Webmaster: quangduchomepage@yahoo.com

Mục Lục hình ảnh

Đầu trang

 

Biên tập nội dung: Tỳ Kheo Thích Nguyên Tạng
Xin gởi bài mới và ý kiến đóng góp cho Trang Nhà qua địa chỉ:
quangduchomepage@yahoo.com
Địa chỉ gởi thỈ?:
Tu Viện Quảng Đức, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic. 3060. Tel: 61. 03. 9357 3544