Thiền sư Cao Phong Nguyên
Diệu, Sư húy Nguyên Diệu, hiệu Cao Phong. Sư sống vào thời nhà Nguyên,
người huyện Ngô Giang, Giang Tô. Sư họ Từ, mẹ họ Chu. Thuở nhỏ, Sư thích
ngồi kiết già. Năm 15 tuổi, xin cha, mẹ xuất gia, 16 tuổi thế phát, 17
tuổi thọ giới cụ túc, 18 tuổi học Thiên Thai giáo, 20 tuổi theo ngài
Tịnh Từ quyết chí học Thiền ba năm, 22 tuổi yết kiến Đoạn Kiều Luân.
Luân dạy tham câu: “Sanh từ đâu đến? Chết đi về đâu?” Sư đến tham vấn
Tuyết Nham Khâm, Ngài bảo tham câu: Con chó không có Phật tánh, còn hỏi:
Ai đem thay chết của ông đến đây? Sư vừa thưa, liền bị đánh. Sư dụng
công tham câu: “Vạn pháp đều về một, một về đâu?”
Một hôm, Sư ngẫng đầu lên thấy bài tán ngài Ngũ Tổ
Diễn: “Trăm năm ba vạn sáu ngàn ngày, tỉnh lại hóa ra là gã này”. Ngay
đây, Sư vỡ khối nghi ‘về thay chết !’ Năm ấy, Sư mới 24 tuổi. Từ đó cơ
phong Sư cao vút.
Tuyết Nham hỏi Sư: Lúc đang ngủ không mộng tưởng,
không thấy, nghe, thì ông chủ ở đâu? Sư không đáp được. Sư quyết chí vào
ở Long Tu, lập nguyện: Thà một đời làm kẻ ngu khờ, quyết phải sáng tỏ
việc này. Trải qua năm năm, đêm nọ nghe tiếng gối rơi xuống đất của
người bạn đồng phòng, Sư hoát nhiên đại ngộ.
Chín năm ở Long Tu, vì thiền hữu khắp nơi vân tụ về,
họ vào Tây Thiên thấy động Sư Tử, thất của Sư ở phía Tây động, nhỏ như
chiếc thuyền con, trước thất có đề bảng: “Tử Quan”. Bạn thiền tìm đến
kết am ở đó, thành viện Sư Tử, chúng thỉnh Sư khai đường. Gặp lúc Tuyết
Nham gửi y, phất tử đến, Sư khai pháp vào năm 214 niên hiệu Chí Nguyên.
Năm thứ 28, Quan ở Liên Hoa Phong đến xây Đại Giác Thiền Lâm cho Sư, học
chúng đến tham thỉnh tấp nập, tăng, tục đến thọ giáo mấy chục ngàn người.
Có Ngữ Lục Cao Phong Đại Sư truyền đời. Đại Sư Liên Trì làm bài tựa luôn
khen ngợi.
Đầu năm, Sư dạy
chúng: “Năm ngoái Sơn Tăng 36 tuổi, năm nay thêm một tuổi nữa, ai cũng
biết!” Sư đưa cây gậy lên nói: “Nói xem cây gậy này bao nhiêu tuổi?” Sư
gõ vào gường thiền nói: “Đầu năm kính chúc muôn nhà an khang, vạn vật
đều mới!”
Rằm tháng Giêng, Sư thượng đường: “Người tham thiền
phải là người sắt, đưa
tay liền biết. Như
tuyết phủ ngàn non, nhưng không che nổi chóp đỉnh, vậy thì làm sao giải
quyết?” Sư ném gậy xuống nói: “Thượng Nguyên chính là giữa tháng Giêng!”
là ngày húy kỵ Hòa Thượng Tuyết Nham. Sư niêm hương cẩn bạch: “Thầy tịch
mới đó mà được 8 năm, Thầy đã ra đi mà diện mục uy nghiêm vẫn còn đó.
Đại chúng! Diện mục vẫn còn…” Sư niêm hương: “Chẳng phải cái này ư?” Sư
cắm hương nói: “Nhận theo lối cũ vẫn còn xa!”
Giữa hạ, Sư thượng đường dựng phất tử, gọi đại chúng:
“Tới đây, bước tới một bước cũng không phải, lùi ra sau một bước cũng
không đúng, không làm như vậy cũng không được. Cuối cùng phải làm sao?
Không được! Không được!”
* Sư thượng đường: “Biển cả không cá, đất rộng không
cỏ, tỷ phú không gạo, đại ngộ không đạo. Nếu người nào thông được bốn
điều quan trọng này, chẳng những thấy lông mày của Cao Phong dài hay
ngắn, mà còn thấy được lỗ mũi sâu hay cạn. Như mặt trời đỏ rực trên
không, muôn biệt ngàn sai đều soi khắp. Tuy nhiên, nhưng gọi là phất tử
thì xúc phạm, không gọi đúng tên thì sai, vậy thì phải gọi là cái gì?
Kinh thay, kinh thay.
* Sư dạy chúng: “Nếu luận về điều này, không cần huân
tu nhiều kiếp, chứa công tích đức, cũng không hỏi đến hiền, ngu hay lợi
độn, tu tập lâu hay sơ cơ, chỉ quý như chàng liều mạng, chẳng màng nguy,
vong, được, mất, ý chí dũng mãnh khởi đại nghi tình, như Thiện Tài Đồng
Tử tham vấn Bà La Môn Thắng Nhiệt, liều mình vào trong đám lửa cháy hừng
hực, lúc ấy người pháp đều quên, thức tâm không còn, trái phải mặc nó,
mềm cứng không cần, thì liền tỏ ngộ. Không phải ba cân gai của Động Sơn,
thì nhất định là que cức khô của Vân Môn. Nếu còn khiếp sợ kinh hãi, lẫn
lộn mù mờ, thì chớ nên nói thấy được Cao Phong. Dù cho đánh một trận
trong bụng Tổ Đạt Ma, vẫn là chuyện nhỏ uổng công.”
Sư dạy chúng: “Chư huynh đệ 10 năm, 20 năm, cho đến
một đời tâm luôn chánh niệm, chỉ nhớ việc này, cũng không thể nói đó là
chuyện thông suốt, lỗi ở chỗ nào? Bổn phận nạp tăng hãy chỉ ra đi? Hay
là không có linh cốt xưa? Hay là bản chất yếu, ý chí hèn? Hay là bị vùi
lấm bụi trần? Hay là rơi vào trầm không trệ tịch? Hay là ác niệm, vọng
niệm trong tâm? Hay là chưa đến thời cơ ? Nếu bảo rằng tại thâm căn,
hoàn toàn không phải tại trong này. Đã không ở đây thì ở đâu? Chao ôi!
Ba cây đòn tay chôn xuống, bảy thước thò lên!” (xét kỷ! Theo tâm hết lối!
Đó là như như!)
Sư dạy chúng: “Chư huynh đệ hoặc có người 10 năm, 20
năm đoạn trừ vọng tưởng, tham cứu đến chỗ huyền diệu, không thấy được
Phật tánh, thường bị hôn trầm, trạo cử chi phối. Không biết hôn
trầm,trạo cử, đương thể chính là Phật tánh! Thương thay người mê không
biết, chấp pháp thành bệnh, lấy bệnh trị bệnh, làm cho càng cầu Phật
tánh, Phật tánh càng xa, càng gấp càng chậm. Chỉ cần hồi quang tỉnh lại
nửa phần, ngay đây biết sai, hoàn toàn thuốc bệnh đều quên, mắt sáng,
thông suốt ý chỉ đơn truyền của Tổ Đạt Ma, thấy rõ Phật tánh xưa nay.
Nếu kiểm tra lại theo Tây Phong, thì vẫn là chuyện bên bờ sanh tử. Nếu
nói một đường hướng thượng, phải biết vẫn còn ở ngoài núi xanh.”
Sư dạy chúng: “Nếu luận về yếu chỉ tham thiền, không
nên xem nặng vào bồ đoàn làm công phu, rơi vào trạng thái hôn trầm, tán
loạn, khinh an, tịch tĩnh hoàn toàn không hay biết. Chẳng những để thời
gian qua suông, mà khó tiêu của cúng dường, một mai mất đi, biết nương
tựa vào đâu? Năm xưa Sơn tăng sống trong núi, ngoài hai bữa cháo ra,
chưa từng lên bồ đoàn. Từ sáng đến tối đi qua, đi lại, từng bước đều
sống trong chánh niệm, không dám sao lãng, như vậy trải qua ba năm, chưa
từng có tâm giải đãi. Một hôm chạm phải ngôi nhà mình, hóa ra chưa từng
rời ta một bước.
Giải hạ Sư dạy chúng: “Nếu luận về việc này, thì
không có tôn, ty, không già, không trẻ, không nam, không nữ, không lợi
căn, không độn trí. Thế nên đức Phật ở trước núi chánh giác, vào đêm
mồng tám tháng chạp thấy sao mai Ngài ngộ đạo. Ngài than: “Lạ thay!
Chúng sanh đều có đức tướng trí tuệ Như Lai.” “Tâm, Phật và chúng sanh
không khác nhau.” “Pháp này bình đẳng không có cao thấp.” Đã không khác
nhau, cao, thấp. Từ trước Phật, Tổ, xưa nay các bậc Thiện Tri Thức, cho
đến chư vị Hòa Thượng trong đời đều có khế ngộ, có chứng đắc, có người
mau, kẻ chậm, có khó, có dễ, như vậy là tại sao?”
Như quý vị ở đây, mỗi người đều có gia nghiệp, chợt
một ngày nào đó nhìn lại và nhớ ra cội nguồn. Hoặc có người trải qua một
năm đạt được, hoặc là một tháng, một ngày, hoặc là trong khoảnh khắc,
hoặc có người đã chết cũng chưa đạt được. Sở dĩ khác nhau là vì rời ngôi
nhà mình có người gần, người xa, thế nên có sự sai biệt chậm, mau, khó,
dễ!
Tuy như vậy, nhưng ở đó có một người, không có gia
nghiệp để về, không có thiền đạo để học, không có sanh tử để thoát,
không có Niết Bàn để chứng; cả ngày tự tại vô vi, mặc tình tự nhiên. Nếu
nhận ra được, thì đức Thích Ca, ngài Di Lặc bưng bình bát với ông, không
còn là việc bên ngoài! Nếu không như vậy…… Sư
gõ phất tử vào gường thiền hai cái, hét hai tiếng, nói: “Nếu đến các nơi,
kỵ nhất là cử lầm!”
Tâm này thanh tịnh vốn nguyên sơ,
Vì chỉ tham cầu sáng hóa mờ.
Chớp mắt sáng ra toàn thể hiện,
Non, sông, đại địa vẫn là mơ.
Sư thượng đường:
Công phu chưa đến chưa thành tựu,
Trình lộ còn xa chớ hững hờ.
Đạt được tâm này luôn tỉnh sáng,
Biển cả thành nương đã sẳn chờ.
Sư thượng đường:
Cuộc sống quý, biết tích phước,
Tham thiền quý, tìm kế ngộ.
Trong cuộc sống ngộ được đạo,
Người nguời thành Phật, thành Tổ.
Ngày xưa, Sư gắng sức tham công án: “Vạn pháp về một,
một về nơi nao?” Sư triệt ngộ qua công án này. Nên khi giáo hóa, Sư
thường dạy chúng luôn tham: “Vạn pháp về một, một về đâu? Gặp nhau trong
lối nhỏ, chấp tay chào! Bước đi siêu việt, Hoàng Hà ba ngàn năm một
thoáng trong.”
* Sư thượng đường: “Vạn pháp về một, một về nơi nào?”
Sư nhìn cả đại chúng rồi xuống tòa.
Phổ thuyết: “…….một về đâu, nếu nghi tình dễ phát,
vừa khởi liền có, không đợi suy nghĩ, so sánh tác ý mới khởi nghi tình,
lâu ngày thành khối, thì không còn tâm tạo tác. Đã không còn tâm tạo tác,
thì suy nghĩ liền quên, làm cho các duyên không dừng mà tự dứt, sáu căn
không tịnh mà tự tịnh, không dính mảy trần, liền được chứng Vô tâm tam
muội. Đến lúc thọ thực, chỉ ăn trong chánh niệm, tay cầm đủa, cầm muổng,
không sợ con ba ba trong hủ đi mất. Như vậy mới có kinh nghiệm trong
dụng công, quyết không còn gì sai trái. Từ đây lòng tin đã đủ! Từ đây
không đổi thay, đứng trên vách cao muôn trượng! Vẽ tới, vẽ lui, vẽ đến
lúc con mèo có sừng vằn vện, đường tâm thức dứt, người và pháp đều quên,
vừa hạ bút liền thành một con mèo kêu ngao, ngao! Hoá ra khắp nơi đều là
truờng tuyển Phật, đều là chính mình!
Phổ thuyết: “Bình thường, Sư dạy mọi người hạ thủ
công phu khán công án vạn pháp về một, một về chỗ nào? Khi khán phải
nghi tình thật sâu: Vạn pháp ở thế gian đều về một pháp: vậy về chỗ nào?
Luôn để tâm vào chỗ đi, đứng, nằm, ngồi, mặc áo, ăn cơm, đại tiện, tiểu
tiện, phấn chấn tinh thần dụng công thật nhanh. Nhưng nghi như vậy: một
về chỗ nào? Chắc chắn phải tìm rõ ràng. Không được rơi vào chỗ vô sự,
không được vọng tưởng; phải miên mật tạo thành một khối, như bị bệnh
nặng, ăn cơm không biết vị cơm, uống trà không biết vị trà, như ngây,
như dại, không phân biệt được gì cả, thực hiện công phu như vậy, chỉ cần
tâm hoa phát sáng, ngộ được bản lai diện mục! Đường sanh tử không nói
cũng biết! Phải buông tình niệm thế gian, tâm thật nhẹ nhàn, đạo niệm
thâm hậu. Người xưa nói: Từ chỗ lạ chuyển thành quen, từ quen thành lạ.
Lúc nhàn rỗi không cần xem kinh giải trí: công phu không được thành một
khối, chỉ cần khi hành đạo, tinh thần phải nhanh nhận ra được một rơi
vào chỗ nào? Không cần xem kinh; công án là một quyển kinh vô tận đêm
ngày thường xem, không nên đầu lại thêm đầu! Nếu thực hiện công phu như
vậy, thì Thiên, Long hộ trì cho; đâu cần cầu xin! Nhưng phải dứt hết
duyên đời, ít nói chuyện. Người xưa nói: Hai mươi năm không nói chuyện,
cớ sao ông không thành Phật! Việc lớn sanh tử, vô thường mau chóng, như
người leo núi đều phải cố gắng. Hãy cố gắng lên.
Sư nói kệ:
Quên chốn trần ai ở núi non,
Thân tâm vắng lặng đạo vẫn còn.
Chỉ cần trong tâm sạch thương, ghét,
Không tham thiền cũng là công phu.
Theo Phổ Thuyết trong khai thị của Sư có dạy: Lúc
nhàn không cần xem kinh giáo, theo trình độ nói pháp! Nếu cảm thấy không
rõ công án, không dụng công được, thì phải nương theo Kinh, Giáo, huân
tập văn tự Bát Nhã dần dần thăng tiến, sau rồi Thiền, Giáo đều quên!
Lúc ở Tử Quan, mọi việc Sư đều lo, nên Sư lấy cái vò
làm cái chảo, ăn một ngày một bữa. Trong động không có thang để leo lên,
nên đệ tử ít khi gặp được Sư. Sư làm bài về ba cái cửa để nghiệm học giả:
1. Mặt
trời lên cao chiếu soi khắp, cớ sao hang này bị đám mây che lại ?
2. Mọi
người đều có bóng, từng bước đều theo nhau, cớ sao đạp lên mà không biết
?
3. Cả
đại địa là hầm lửa, được tam muội gì mà không bị thiêu cháy ?
Không phải là bậc đại căn, chí cả, hiếm ai không nhìn
vách núi mà thối lui!
Ngày 27 tháng 11 năm Ất mùi (1295), hóa duyên của Sư
đã hết, Sư viết hai điều chính, mọi
việc sau này đều di chúc cho Tổ Ung, Minh Sơ. Ngày 1 tháng 12 hôm sau,
Sư từ biệt chúng nói: “30 năm, ở Tây Phong vọng đàm Bát Nhã, phạm tội
ngập trời. Câu sau cùng không dám phiền người, tự lãnh hội đi! Đại chúng
biết rơi vào đâu không?” Sư im lặng giây lâu nói: “Còn sai mảy may, trời,
đất cách xa!” Kệ từ biệt:
Đến không vào tử quan,
Đi không ra tử quan.
Rắn sắt chui vào biển,
Nghiêng ngã núi tu di.
Sư an nhiên thị tịch! Bảy ngày sau, mở khám ra, Sư
vẫn đoan nghiêm như còn sống. Vâng lời di chúc của Sư, ngày 21 tháng 12
nhập tháp. Sư
thọ 58 tuổi, 43 hạ lạp.
Sư nghiêm giữ giới luật, tế hạnh, dung mạo thanh cao,
thường ngồi cúi đầu, không hỏi thì làm thinh, nghe nói lỗi người thì cúi
đâù càng thấp hơn. Mười mấy năm thành lập được hai đạo tràng, nhưng chưa
từng đến đó xem. Sư thường dạy đồ chúng ba giới:
1. Mở
miệng động lưỡi, không ích cho người, chế ngự không nên nói.
2. Khởi
tâm động niệm, không ích cho người, dừng niệm không nên khởi.
3. Dở
chân cất bước, không ích cho người, điều phục đừng nên đi
Bình thường, Sư sống với mọi người luôn lấy từ bi làm
đầu. “Hành Trạng” ghi: Khi Sư ở Long Tu, Nhược Quỳnh đốt điệp thờ cúng
Thầy, sau đó Quỳnh bị bệnh, Sư nói với Nhược Quỳnh: “Dứt duyên ngay
trong lúc bệnh đó mới chính là công phu, túi da hôi thối của ông đều
nương vào bản ngã này, cả bệnh và ngã vứt bỏ đi, đừng lưỡng lự nữa.” Hãy
trưởng dưỡng bản tâm mà khải ngộ đi. Vì Nhược Quỳnh thèm dấm, nên Sư đi
xin từ xa về chỉ có rượu, nên Sư phải đi ngược lại 40 dặm để xin cho
Nhược Quỳnh một hớp. Bệnh lâu ngày nên Nhược Quỳnh muốn tắm, vừa cúi
xuống thấy bóng mình trong nước nên Quỳnh có tỉnh, vui mừng như thoát
được cơn bệnh trầm kha, Quỳnh ghi lại chuyện xưa: “36 năm điên đảo, hôm
nay một trận cười vui thích; ngộ được lỗ mũi mẹ sanh, buông ra không có
lông diều hâu sắt!” Sư hỏi: “Lỗ mũi mẹ sanh như thế nào?” Quỳnh dựng
đứng cây bút. Sư nói: “Nói thế nào là không có lông diều hâu sắt?” Quỳnh,
ném bút thị tịch! - pháp thí, tài thí, vô úy thí đều đủ, đúng là bậc
Thiện Tri Thức!