Tiếng Việt

Trang nhà Quảng Đức

   Tiếng Anh 

qd.jpg (8936 bytes)

Pháp Số


...... ... .


Lược Giải
Những Pháp Số Căn Bản

 

Hạnh Cơ
---o0o---

NHỮNG SỐ KHÁC 

 

MƯỜI HAI KHU VỰC

(thập nhị nhập - thập nhị xứ)

 

Gồm chung sáu giác quan (lục căn)sáu đối tượng của giác quan (lục trần) thì chúng ta có pháp số gọi là “Mười hai khu vực”. 

(Xin xem lại mục “Sáu Giác Quan, Sáu Đối Tượng của Giác Quan và Sáu Thức” ở trước.)

 

 

MƯỜI HAI NGUYỆN LỚN

(thập nhị đại nguyện) 

Có 2 pháp số về “mười hai nguyện lớn”: 

A) Mười Hai Nguyện Lớn của Bồ Tát Quán Thế Âm:

1. Với trí tuệ thông suốt trọn vẹn, với hùng lực tự tại vô ngại, với lòng từ bi đáp ứng mọi lời kêu cầu của chúng sinh, tôi xin phát những lời nguyện rộng lớn cứu khổ muôn loài.

2. Tôi nguyện thường xuyên có mặt tại biển khơi và một lòng thương nghĩ đến những chúng sinh đang đau khổ, không có một trở ngại nào ngăn cản tôi được.

3. Tôi nguyện thường có mặt ở mọi nơi và mọi hoàn cảnh đen tối trong thế giới khổ đau, tức khắc tìm đến chỗ nào có tiếng kêu cứu để giúp đỡ.

4. Tôi nguyện hàng phục tất cả tà ma, yêu quái, và làm tiêu trừ mọi thứ hiểm nguy có thể gây khổ não và làm hại đến tính mạng của chúng sinh.

5. Tôi nguyện dùng nước cam lộ rưới tắt mọi phiền não nơi chúng sinh, khiến cho tâm ý họ được thư thái, an lạc, giúp cho việc tiến tu đạo nghiệp được dễ dàng.

6. Tôi nguyện đem bốn tấm lòng rộng lớn từ, bi, hỉ, xả của một vị Bồ-tát để cứu độ tất cả mọi loài một cách hoàn toàn bình đẳng, không so đo, không phân biệt.

7. Tôi nguyện diệt trừ mọi khổ đau nơi các cảnh giới địa ngục, ngạ quỉ, súc sinh, và đêm ngày tuần sát khắp nơi để bảo vệ chúng sinh, không để cho các điều ác độc làm tổn hại.

8. Những ai đang bị xiềng xích, gông cùm, tù ngục mà có lòng chí thành tưởng nhớ, trì niệm tên tôi thì liền được thoát khỏi hoạn nạn.

9. Tôi nguyện chèo con thuyền Phật pháp dạo cùng khắp vùng biển khổ đau để cứu độ chúng sinh, cho đến khi kẻ đau khổ cuối cùng được an lạc, giải thoát.

10. Tôi nguyện cùng với thánh chúng, với phướn lọng trang nghiêm, tiếp dẫn chúng sinh về thế giới Cực-lạc của đức Phật A Di Đà.

11. Ở thế giới Cực-lạc, tôi nguyện được đức Phật A Di Đà thọ kí thành Phật khi đại nguyện độ sinh đã hoàn toàn trọn vẹn.

12. Tôi nguyện có thân tướng trang nghiêm không gì so sánh được, và đó là chánh báo do sự thực hành trọn vẹn các lời nguyện rộng lớn của tôi.

 

B) Mười Hai Nguyện Lớn của Phật Dược Sư (khi đang còn tu hạnh Bồ-tát):

 

1. Nguyện sau khi thành Phật, tự thân tôi sẽ có ánh sáng rực rỡ, chiếu tỏa khắp vô số thế giới, và tôi sẽ dùng thân tướng trang nghiêm đó hóa độ chúng sinh, khiến cho tất cả đều có được thân tướng trang nghiêm, sáng rỡ như chính thân tôi.

2. Nguyện sau khi thành Phật, sắc thân tôi trong sáng như ngọc lưu li, uy đức bao la vòi vọi, sáng soi khắp nơi, khiến cho chúng sinh tăm tối nhờ đó mà tỏ ngộ, tùy theo ý chí mà tu tập các nghiệp lành.

3. Nguyện sau khi thành Phật, tôi sẽ dùng trí tuệ và phương tiện rộng lớn để cứu độ chúng sinh, những gì họ cần thiết đều có đầy đủ, không bị thiếu thốn, đau khổ.

4. Nguyện sau khi thành Phật, nếu có chúng sinh nào lầm theo con đường bất chính, tôi sẽ hóa độ cho được an trú trong đạo giác ngộ; nếu họ tự mãn với đạo quả tiểu thừa thì tôi sẽ dùng giáo pháp đại thừa để hướng dẫn họ chứng đắc đạo quả đại giác ngộ.

5. Nguyện sau khi thành Phật, nếu có chúng sinh nào biết tu theo chánh đạo, tôi sẽ hộ trì cho họ gìn giữ được giới hạnh thanh tịnh, đủ cả ba nhóm giới luật đại thừa (tam tụ tịnh giới), không hề phạm lỗi. Nếu trót đã phạm lỗi, nghe đến danh hiệu tôi thì liền được thanh tịnh, không bị đọa lạc vào vòng ác đạo.

6. Nguyện sau khi thành Phật, nếu có chúng sinh nào thân thể yếu đuối, tàn tật, tâm trí ngu si, ngông cuồng, khi nghe danh hiệu tôi thì thân thể khỏe mạnh, tàn tật được lành lặn, dứt mọi bệnh khổ, phát sinh trí tuệ.

7. Nguyện sau khi thành Phật, nếu có chúng sinh mắc các chứng bệnh hiểm nghèo, không thầy cứu, không thuốc chữa, không thân nhân chăm sóc, đau khổ mọi bề, khi nghe được danh hiệu tôi thì bệnh tật liền dứt, thân tâm an lạc, và phát tâm tinh tấn tu tập cho đến khi đạt được đạo quả giác ngộ.

8. Nguyện sau khi thành Phật, nếu có người đàn bà nào chán nản vì cho rằng mang thân đàn bà phải chịu nhiều điều bất hạnh, và muốn chuyển sinh làm thân đàn ông, khi nghe được danh hiệu tôi thì sẽ được chuyển sinh làm thân đàn ông, và cứ như thế mãi cho đến khi đạt được đạo quả giác ngộ.

9. Nguyện sau khi thành Phật, tôi sẽ độ thoát cho chúng sinh vượt khỏi sự vây bủa của các lưới ma, các sợi dây trói buộc của vọng tưởng tà kiến, và dẫn dắt họ vào chánh kiến, tu tập hạnh nguyện Bồ-tát cho đến khi đạt được đạo quả giác ngộ.

10. Nguyện sau khi thành Phật, nếu có chúng sinh nào bị xử trị oan ức bởi luật nước bạo tàn, bị tù ngục gông cùm, tra tấn hành hạ, hoặc bị tai nạn nguy hiểm, đạo tặc chém giết v.v..., trăm điều đau khổ, khi nghe được danh hiệu tôi thì liền nhờ uy đức của tôi mà vượt thoát mọi đau khổ.

11. Nguyện sau khi thành Phật, nếu có chúng sinh nào sa vào cảnh đói khát khốn khổ, và vì miếng ăn mà phải gây ra các hành động tội lỗi xấu xa, khi nghe được danh hiệu tôi và chuyên tâm quán niệm thì tôi sẽ trước đem cho thức ăn ngon, sau đem pháp vị mà hóa độ, khiến cho an trú mãi trong niềm an lạc vô biên.

12. Nguyện sau khi thành Phật, nếu có chúng sinh nào nghèo túng đến nỗi không có áo mặc, đêm ngày phải chịu rách rưới, lạnh lẽo, trăm điều khổ sở, khi nghe được danh hiệu tôi và chuyên tâm quán niệm thì nhờ uy đức của tôi mà họ sẽ được có áo quần lành lặn đẹp đẽ, với đầy đủ các món trang sức thân thể.

Những lời nguyện rộng lớn ở trên, không phải chỉ là của riêng Bồ Tát Quán Thế Âm hay Phật Dược Sư, mà bất cứ vị hành giả nào đã phát tâm tu học và phụng sự chúng sinh, đều có thể coi đó là những lời nguyện của chính mình.

 

 

MƯỜI HAI NHÂN DUYÊN

(thập nhị nhân duyên - thập nhị duyên khởi)

 

Mười hai nhân duyên là mười hai điều kiện tương liên, là đạo lí căn bản của đạo Phật dùng để giải thích cái “bí ẩn” của hiện tượng sinh tử luân hồi, tức là sự hiện hữu của chúng sinh – mà trực tiếp là con người. Mười hai điều kiện ấy gồm có:

1. Vô minh: là trạng thái vô ý thức, mù quáng, mê lầm, không sáng suốt, không nhận chân được thực tướng của vạn pháp, không thấy rõ được tự tính của chính mình, do đó mà dẫn tới những hành động u tối, sai lầm.

2. Hành: là tác động vô thức của ý chí sinh tồn theo hướng vô minh đã thúc đẩy tạo nghiệp. Nó là khát vọng muốn sống một cách mù quáng. Tất cả những tư tưởng (ý), lời nói (khẩu) và việc làm (thân) thiện hay bất thiện đều nằm trong hành.

3. Thức: Tất cả nghiệp nhân đã tạo ra đều được huân tập vào nghiệp chủng thức (hay nghiệp thức, tức là a-lại-da thức). Thức này đi đầu thai và bắt đầu một sinh mạng mới. Lúc bà mẹ thụ thai, chính đó là lúc nghiệp thức kết hợp với tinh trùng và noãn châu của cha mẹ mà làm nên bào thai. Như vậy, thức chính là yếu tố nối tiếp giữa kiếp quá khứ và kiếp hiện tại, và là giai đoạn đầu tiên của đời sống hiện tại.

4. Danh sắc: Do nghiệp thức phát động mà phát hiện ra các hiện tượng tinh thần (danh)vật chất (sắc) của bản thân con người. Đây là giai đoạn thứ hai của đời sống hiện tại. Bản thân con người là một “hợp thể ngũ uẩn”, trong đó, bốn uẩn thọ, tưởng, hành, thức chỉ có tên gọi mà không có hình chất, không thể thấy, nghe, ngửi, nếm và chạm xúc được, nên gọi là danh; còn uẩn sắc tức là phần sinh lí của bản thân, do bốn nguyên tố (tứ đại: địa, thủy, hỏa, phong) cấu thành, có hình chất, màu sắc, mùi, vị, có thể thấy, nghe, ngửi, nếm, chạm xúc được, nên gọi là sắc. Trong giây phút đầu tiên khi bà mẹ thụ thai – tức là lúc nghiệp thức kết hợp với tinh trùng và noãn châu của cha mẹ, thì danh chính là nghiệp thức, và sắc chính là tinh trùng và noãn châu. Vậy, nếu hành và thức là hai yếu tố thuộc về hai kiếp quá khứ (hành) và hiện tại (thức) của một chúng sinh, thì thức và danh sắc, trái lại, được xuất hiện cùng lúc trong kiếp hiện tại của chúng sinh đó.

5. Lục nhập: sáu giác quan (lục căn: nhãn, nhĩ, tĩ, thiệt, thân, ý) dần dần hiện rõ theo sự phát triển của bào thai, từ chỗ thật giản dị lúc mới được tượng hình, trở thành vô cùng phức tạp khi con người đã trưởng thành toàn diện. Chúng hoạt động một cách hoàn toàn tự nhiên, mầu nhiệm, như một guồng máy tinh diệu. Mỗi giác quan đều có những hoạt động và đối tượng riêng biệt. Sáu giác quan là sáu chỗ để cho sáu đối tượng (lục trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) phản ảnh vào, gọi chung là “lục nhập”.

6. Xúc: Sự tiếp xúc giữa các giác quan và đối tượng của chúng, như mắt tiếp xúc (thấy) với cảnh vật, tai nghe (tiếp xúc) âm thanh, mũi ngửi mùi v.v...

7. Thọ: Cảm giác gây nên do sự tiếp xúc giữa các giác quan và đối tượng. Có loại cảm giác dễ chịu, vui sướng, hạnh phúc, gọi là “lạc thọ”; có loại cảm giác khó chịu, buồn phiền, khổ đau, gọi là “khổ thọ”; có loại cảm giác trung tính, không khó chịu cũng không dễ chịu, gọi là “xả thọ”.

8. Ái: “Ái” hay “ái dục” là sự ham muốn, khao khát, luyến ái. Do có cảm giác mà sinh ra ái. Đối trước dục vọng trần cảnh (ngũ dục), con người sinh tâm luyến ái. Nếu nói cho chính xác hơn, “ái” chính là sự luyến ái đối với sự sống. Vì vậy, cái gì làm cho ta vui thích thì ta khao khát, muốn có cho bằng được; còn cái gì làm cho ta buồn khổ thì ta chỉ muốn tránh xa, hoặc tống khứ hay hủy diệt nó đi; đó là động cơ chính yếu thúc đẩy thân, miệng, ý tạo nghiệp.

9. Thủ: Khi đã luyến ái thì cố bám giữ lấy đối tượng; hay nói rõ hơn, vì luyến ái sự sống cho nên phải bám giữ lấy sự sống – và từ đó mà phát sinh ra những tư tưởng sai lầm là có “TÔI và những gì THUỘC VỀ TÔI”. Mục đích của mọi hành động trong ba lĩnh vực ý, thân và miệng, dù là thiện hay bất thiện, cũng đều để bảo vệ và củng cố cho cái “TÔI và những gì THUỘC VỀ TÔI” ấy.

10. Hữu: Vì đam mê và cố bám giữ lấy đối tượng cho nên phải vướng mắc vào nghiệp báo do sự sống của chính mình tạo ra. “Hữu” nghĩa là những nghiệp nhân (thiện hay bất thiện) đã tạo ra ở kiếp này, và dĩ nhiên, những nghiệp quả (vui sướng hay khổ đau, cũng tức là những cảnh giới của các loài chúng sinh khác nhau) sẽ thọ nhận ở kiếp sau.

11. Sinh: Nghiệp đã tạo (hữu) ấy lại được huân tập vào chủng tử thức (a-lại-da), và chính là dẫn lực đưa tới việc ra đời của sinh mạng mới.

12. Lão tử: Khi đã có sinh ra thì tất nhiên lại phải có già và chết.

Mười hai nhân duyên, như vừa thấy, đã trình bày một chuỗi nhân quả kéo dài suốt qua ba đời: quá khứ, hiện tại, và vị lai. Do vô minhhành nghiệp ở từ quá khứ cho nên đã có đời sống hiện tại. Cuộc sống hiện tại có thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, và những nhân duyên này cũng chính lại là vô minh, làm cho ái, thủ lại tiếp tục tạo nghiệp – tức là hữu. Chính sức mạnh của hữu (nghiệp) đã tạo ra trong cuộc sống hiện tại ấy sẽ là nguyên nhân đưa đến một đời sống mới (sinh lão tử) ở đời vị lai. Cứ thế, quá khứ làm nguyên nhân cho hiện tại, hiện tại làm nguyên nhân cho vị lai; hiện tại lại trở thành quá khứ, vị lai lại trở thành hiện tại để rồi lại đưa đến một vị lai khác..., vòng luân hồi tiếp diễn không ngừng.

Mười hai nhân duyên chính là nội dung của giáo lí “Duyên Khởi”, giáo lí căn bản nhất của Phật giáo. Mười hai nhân duyên là mười hai điều kiện cùng nương nhau mà hiện hữu, cùng nối kết mật thiết với nhau, cùng là nhân và là quả của nhau, để tạo thành vòng sinh tử luân hồi. Vòng (hay bánh xe) luân hồi là một vòng tròn không có khởi điểm. Mười hai nhân duyên là mười hai cái khoen của vòng tròn đó, mà không có cái khoen nào là khoen bắt đầu. Bất cứ một nhân duyên nào trong số ấy cũng không thể có một bản chất và sự hiện hữu riêng biệt và độc lập. Vô minh chẳng hạn, không phải chỉ là điều kiện sinh ra hành, mà nó còn có mặt trong hành cũng như trong tất cả các điều kiện khác. Lại nữa, vô minh chỉ là một điều kiện như mười một điều kiện còn lại; tuy nó được đặt ở khoen đầu tiên, nhưng đó chỉ là theo thói quen thông thường, chứ không phải vì nó là nguyên nhân đầu tiên để sinh ra các điều kiện khác. Lí do dễ hiểu, vì đã là nguyên nhân đầu tiên rồi thì nó không còn là một nhân duyên nữa. – Hai ý niệm “nhân duyên” “nguyên nhân đầu tiên” hoàn toàn trái chống nhau. Phật giáo không bao giờ chấp nhận có một nguyên nhân đầu tiên. Ta chỉ có thể tạm cho rằng, vô minh là điều kiện bao trùm đối với các điều kiện khác, vì chính thực, có vô minh mới có sinh tử luân hồi, nếu diệt được nó thì sinh tử luân hồi cũng không còn. Hơn nữa, các nhân duyên khác như lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ v.v... cũng chính là vô minh, và cũng chính là chất liệu để tạo ra vòng sinh tử luân hồi; nếu một trong các nhân duyên ấy bị diệt thì cái vòng luân hồi tức khắc đứt tung. Cũng vậy, a-lại-da (tức là thức) chính là bản thể của vạn hữu, nhưng không vì thế mà bảo nó là nguyên nhân đầu tiên để từ đó sinh ra những cái khác; bởi vì, a-lại-da là bản thể của vạn hữu ở trạng thái vô minh ô nhiễm, nếu nó đã là nguyên nhân đầu tiên thì sẽ chẳng bao giờ có trí tuệ, và do đó, chẳng bao giờ có thể có chân như; kì thực, chân như (hay đại viên cảnh trí) và a-lại-da thức chỉ là hai trạng thái (thanh tịnh và ô nhiễm, hay mê và ngộ) của bản thân vạn pháp. Cho nên, dù là chân như, dù là thức, hay là gì gì đi nữa, thì cũng không có cái gì gọi là nguyên nhân đầu tiên, không có gì hiện hữu độc lập, mà tất cả đều là nhân duyên của nhau, nương vào nhau mà sinh thành, tồn tại và hủy diệt.

 

MƯỜI TÁM KHU VỰC

(thập bát giới)

 

Gồm chung sáu giác quan (lục căn), sáu đối tượng của giác quan (lục trần)sáu thức (lục thức), thì chúng ta có pháp số gọi là “Mười Tám Khu Vực” (thập bát giới). Tất cả mọi sự mọi vật trong vũ trụ đều bao gồm trong 18 khu vực này.

 

(Xin xem lại mục “Sáu Giác Quan, Sáu Đối Tượng của Giác Quan, và Sáu Thức” ở trước.)

 

BA MƯƠI BẢY PHẨM TRỢ ĐẠO

(tam thập thất trợ đạo phẩm)

 

Đây là 37 yếu tố làm trợ lực lớn cho hành giả trên đường tu tập cho đến khi đạt được đạo quả giác ngộ. Hay nói chính xác hơn, “37 phẩm trợ đạo” chính là 37 pháp môn tu tập căn bản của đạo Phật. Ba tháng trước ngày nhập niết bàn, chính đức Thế Tôn đã tuyên bố: “Các vị khất sĩ! Những giáo pháp mà Như Lai đã truyền đạt lại tuy nhiều, nhưng có thể được tóm tắt trong các pháp môn như Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ như ý túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất giác chi, và Bát chánh đạo. Các vị phải khéo léo học hỏi, tu tập, thực chứng, và truyền đạt lại những pháp môn ấy.” Chúng cũng chính là nội dung của Sự Thật Thứ Tư (đạo đế) của giáo lí Bốn Sự Thật (tứ đế). 37 pháp môn này gồm trong 7 pháp số sau đây:

- 4 lĩnh vực quán niệm (tứ niệm xứ);

- 4 sự cần mẫn (tứ chánh cần);

- 4 phép như ý (tứ như ý túc);

- 5 khả năng (ngũ căn);

- 5 sức mạnh (ngũ lực);

- 7 yếu tố giác ngộ (thất giác chi);

- 8 nguyên tắc hành động chân chính (bát chánh đạo).

Bảy pháp số này đều đã được trình bày ở trước, theo đó chúng ta thấy, tất cả 37 yếu tố đều tương liên và làm trợ duyên cho nhau, trong đó các yếu tố tinh tấn, niệm, định và tuệ được coi là quan trọng nhất, là những pháp môn quyết định để cho cây giác ngộ nở hoa.

 

 

 

MỘT TRĂM PHÁP

(bách pháp)

 

Chữ “pháp” ở đây có nghĩa là mọi sự vật trong vũ trụ, cụ thể hay trừu tượng, bất cứ cái gì có thể cho ta một khái niệm về nó thì gọi là “pháp”. Theo tông Câu Xá – thuộc truyền thống tiểu thừa – thì mọi sự vật trong vũ trụ được bao gồm trong 75 pháp. Nhưng tông Pháp Tướng thuộc truyền thống đại thừa thì chia ra có 100 pháp, gồm trong 5 loại như sau:

 

I. SẮC PHÁP, có 11 pháp:

1. nhãn: mắt

2. nhĩ: tai

3. tị: mũi

4. thiệt: lưỡi

5. thân: thân thể

6. sắc: hình tướng và màu sắc (dài, ngắn, vuông, tròn, lớn, nhỏ, cao, thấp, ngay, xẹo, cong, sáng, tối, bóng, khói, mù, xanh, vàng, đỏ, trắng v.v...)

7. thanh: âm thanh (tiếng nói, tiếng kêu, tiếng động, tiếng vang, tiếng vừa ý, tiếng không vừa ý v.v...)

8. hương: các thứ mùi (thơm, hôi, không thơm không hôi, mùi tự nhiên, mùi chế tạo v.v...)

9. vị: các thứ vị nếm (cay, đắng, chua, ngọt, mặn, lạt, bùi, béo, chát v.v...)

10. xúc: sự chạm xúc (đất, nước, gió, lửa, nhẹ, nặng, trơn, nhám, lạnh, nóng, ấm, cứng, mềm, no, đói, khát, đã khát, mạnh, yếu, dính, bịnh, già v.v...)

11. pháp: các ý tượng (tức bóng dáng của năm trần – sắc, thanh, hương, vị, xúc – ở trên còn lưu lại trong ý thức)

(Tông Câu Xá chia “sắc pháp” có 11 pháp, gồm 5 giác quan, 5 đối tượng của giác quan, và 1 “vô biểu sắc”.)

 

II. TÂM PHÁP (các hiện tượng tâm lí ở phương diện nhận thức, danh từ Duy Thức Học còn gọi là TÂM VƯƠNG), gồm có 8 pháp – tức là 8 THỨC:

12. nhãn thức: mắt thấy biết có cảnh vật.

13. nhĩ thức: tai nghe biết có âm thanh.

14. tị thức: mũi ngửi biết có mùi hương.

15. thiệt thức: lưỡi nếm biết có vị.

16. thân thức: thân đụng chạm biết có cảm xúc.

17. ý thức: ý biết có các ý tượng và ảnh tượng.

18. mạt-na thức: thức chấp ngã.

19. a-lại-da thức: thức chứa đựng, giữ gìn hạt giống và phát hiện ra vạn pháp.

(Tông Câu Xá cho rằng, “tâm pháp” chỉ có 1 – tức là tâm thức, nhưng đương nhiên là nó hoạt động qua 5 ngả đường tương ứng với 5 giác quan.)

 

III. TÂM SỞ PHÁP (các hiện tượng tâm lí ở phương diện thuộc tính của tâm vương – hay 8 thức), có 51 pháp – tức là 51 TÂM SỞ, gồm trong 6 nhóm:

 

A. Biến Hành:

“Biến hành” là hoạt động cùng khắp, là những hiện tượng tâm lí “tương ưng” (tức là liên hiệp được, hay hiện diện hoạt động) với tất cả 8 thức, bất cứ lúc nào có thức hoạt động thì những tâm sở này cùng xuất hiện; có 5 tâm sở:

20. xúc: sự tiếp xúc giữa các căn và các trần.

21. tác ý: sự chú ý, sự kích thích để phát sinh nhận thức.

22. thọ: cảm thọ khó chịu, dễ chịu, hay không khó chịu cũng không dễ chịu, do cảm giác cung cấp.

23. tưởng: tri giác, là sự nhận biết đối tượng (một người, một vật, một sự việc...).

24. tư: sự quyết định, từ đó phát sinh ra các hiện tượng tâm lí khác, cùng các hành động của miệng lưỡi (khẩu) và thân thể (thân), tức là tạo nghiệp.

 

B. Biệt Cảnh:

“Biệt cảnh” là không hoạt động cùng khắp, là những tâm sở chỉ liên hiệp hoạt động với “sáu thức trước” mà thôi; có 5 tâm sở:

25. dục: ham muốn, mong cầu.

26. thắng giải: hiểu biết rõ ràng, không nghi ngờ.

27. niệm: nhớ, kí ức.

28. định: tác dụng làm cho thức và các tâm sở khác tập trung vào một đối tượng, không tán loạn.

29. tuệ: biết sự vật một cách sáng tỏ, nhưng không chắc là biết đúng – khác với “tuệ giác” là trí tuệ giác ngộ. Bởi vậy có thể nói, tâm sở “tuệ” này chính là thuộc tính đặc biệt của thức mạt-na, vì thức này luôn luôn thấy rõ rằng “có TA và những gì THUỘC VỀ TA”; cái thấy đó tuy là sáng tỏ nhưng là cái thấy sai lầm.

(Tông Câu Xá gồm chung hai nhóm trên lại thành một nhóm gọi là “Những tâm sở có nhiệm vụ tổng quát” – biến đại địa pháp).

 

C. Thiện:

“Thiện” là các đức tính tốt; có 11 tâm sở:

30. tín: tin tưởng.

31. tàm: tự biết xấu hổ với lầm lỗi của mình.

32. quí: biết tự thẹn khi thấy mình không trong sạch, không cao thượng như người.

33. vô tham: gặp thuận cảnh không sinh lòng tham trước.

34. vô sân: gặp nghịch cảnh không sinh lòng oán giận.

35. vô si: sáng suốt, thấy biết đúng với sự thật.

36. cần: siêng năng tu tập thiện nghiệp.

37. khinh an: thư thái, nhẹ nhàng.

38. bất phóng dật: không buông lung theo dục vọng.

39. hành xả: tâm niệm bình đẳng, không vướng mắc, không chấp trước, không so đo phân biệt.

40. bất hại: không có ý làm thương hại người khác.

(Tông Câu Xá liệt kê các tâm sở “thiện” này chỉ gồm có 10 tâm sở – không có “vô sân”.)

 

D. Phiền Não:

Đây là các “phiền não gốc rễ”, khó diệt trừ; có 6 tâm sở:

41. tham: thấy gì vừa ý thì tham, muốn chiếm đoạt.

42. sân: gặp điều không vừa ý thì oán giận.

43. si: vô minh, không sáng suốt.

44. mạn: kiêu mạn, tự cao.

45. nghi: ngờ vực, do dự.

46. ác kiến: thấy biết sai lạc – tức là “Năm Cái Thấy Sai Lạc”, như đã trình bày ở trước.

 

(Tông Câu Xá gọi nhóm này là “đại phiền não”, và ngoại trừ “si” <197> tức “vô minh”, 5 tâm sở kia hoàn toàn khác biệt, gồm có: trạo cử, hôn trầm, bất tín, giải đãi, và phóng dật.)

 

E. Tùy Phiền Não:

Đây là các thứ “phiền não phụ thuộc” của các phiền não gốc rễ ở trên, dễ diệt trừ hơn, gồm có 20 tâm sở; lại chia làm 3 nhóm nhỏ:

a) Xấu nhẹ (tiểu tùy), có 10 tâm sở:

47. phẫn: nóng giận, bực tức, cộc cằn.

48. hận: oán hờn.

49. phú: che dấu tội lỗi.

50. não: buồn phiền, bứt rứt, ẩn ức không yên.

51. tật: ganh ghét.

52. xan: bỏn sẻn, keo kiệt.

53. cuống: dối gạt.

54. siểm: nịnh hót, gièm siểm.

55. hại: có ý làm thương hại người.

56. kiêu: khoe khoang, tự kiêu, tự phụ.

b) Xấu vừa (trung tùy), có 2 tâm sở:

57. vô tàm: làm lỗi mà không biết tự xấu hổ.

58. vô quí: tài đức không bằng người mà không biết tự thẹn.

c) Xấu nặng (đại tùy), có 8 tâm sở:

59. trạo cử: chao động không yên.

60. hôn trầm: mê muội, dật dờ, trì trệ.

61. bất tín: đa nghi, không tin tưởng.

62: giải đãi: biếng nhác, bê trễ.

63. phóng dật: buông lung, buông trôi.

64. thất niệm: lãng quên, không có chánh niệm.

65. tán loạn: xao xuyến, rối loạn.

66. bất chánh tri: hiểu lầm, biết không chính xác.

(Tông Câu Xá liệt kê các “tùy phiền não” có 12 tâm sở, gồm trong 2 nhóm: - “đại bất thiện”, có 2 tâm sở: vô tàm và vô quí; - và “tiểu phiền não”, có 10 tâm sở: phẫn, hận, phú, não, tật, xan, cuống, siểm, hại, và kiêu.)

 

G. Bất Định:

“Bất định” là những tâm sở không thuộc về hiện cũng không thuộc về bất thiện, hoặc giả, chúng có thể là thiện mà cũng có thể là bất thiện; có 4 tâm sở:

67. hối: hối hận về sự việc đã làm.

68. miên: ngủ.

69. tầm: suy tư, tìm hiểu phần dễ thấy của sự lí.

70. từ: suy tư, nghiên cứu, phân tích để hiểu rõ phần sâu sắc của sự lí.

(Tông Câu Xá liệt kê nhóm “bất định” này, ngoài 4 tâm sở trên đây còn có thêm 4 tâm sở nữa: tham, sân, mạn, nghi; tất cả là 8 tâm sở. – Như vậy, so với 51 tâm sở của tông Pháp Tướng thì tông Câu Xá chỉ liệt kê có 46 tâm sở.)

 

IV. TÂM BẤT TƯƠNG ƯNG HÀNH PHÁP: những hiện tượng không thuộc (nhưng có liên hệ với) tâm, tâm sở, hay sắc pháp ở trên; có 24 pháp:

71. đắc: cái tính cách từ đó các pháp có được hình sắc và tính chất của mình – ví dụ: nước có thể lỏng, không màu sắc, trong suốt, ướt, lưu nhuận v.v...; đó cũng là cái năng lực làm cho một người có (đạt) được một vật – ví dụ: tôi có (được) quyển sách, Tổ Điều Ngự Giác Hoàng đạt (được) quả vị giác ngộ v.v...

72. mạng căn: tính cách từ đó sinh mạng được duy trì.

73. chúng đồng phận: tính cách từ đó chúng sinh trong mỗi loài có cùng chung một quả báo đồng nhất.

74. dị sinh tánh: cái năng lực làm cho có bản tính phàm phu, đầy tà kiến, khác với thánh nhân.

75. vô tưởng định: sự tu tập vô tâm định để đạt được quả Vô-tưởng.

76. diệt tận định: sự tu tập rốt ráo, vượt cả vô tâm định, không còn cả thọ và tưởng, chứng đắc quả A-la-hán.

77. vô tưởng quả: tính cách làm cho chúng sinh ở cõi trời Vô-tưởng, cả tâm lẫn tâm sở đều tiêu mất.

78. danh thân: các tên gọi để chỉ cho sự vật.

79. cú thân: những lời nói để diễn tả sự vật.

80. văn thân: văn tự dùng để ghi chép những gì thuộc về “danh thân” và “cú thân” ở trên.

81. sinh: tính cách từ đó các pháp được sinh thành.

82. trụ: tính cách từ đó các pháp được tồn tại.

83. lão (dị): tính cách từ đó các pháp bị biến đổi, suy hoại.

84. vô thường (diệt): tính cách từ đó các pháp bị tiêu mất.

85. lưu chuyển: tính cách làm cho mọi loài cứ phải quanh quẩn trong vòng luân hồi.

86. thứ đệ: tính cách làm cho mọi sự vật có thứ lớp, có trật tự.

87. định dị: tính cách làm cho mọi sự vật dù khác biệt nhau nhưng luật nhân quả tác động trên mỗi sự vật vẫn phân minh, không lộn xộn, không hồ đồ.

88. phương: phương hướng.

89. thời: thời gian.

90. tương ưng: tính cách làm cho các sự vật ăn khớp, tương ứng nhau, liên hiệp hoạt động với nhau.

91. thế tốc: tính cách làm cho vạn pháp sinh diệt tương tục từng sát na, di chuyển theo vận tốc.

92. số: tính cách làm cho sự vật có thể hay không thể đếm được.

93. hòa hiệp tánh: tính cách làm cho sự vật hòa hợp được với nhau.

94. bất hòa hiệp tánh: tính cách làm cho sự vật không hòa hợp được với nhau.

 

(Tông Câu Xá liệt kê nhóm “tâm bất tương ưng hành pháp” này gồm có 14 pháp – không có 11 pháp: dị sinh tánh, lưu chuyển, thứ đệ, định dị, phương, thời, tương ưng, thế tốc, số, hòa hiệp tính, bất hòa hiệp tính; nhưng thêm 1 pháp: phi đắc, cái năng lực làm cho một vật không còn thuộc sở hữu chủ của nó nữa).

 

V. VÔ VI PHÁP: những hiện tượng không bị lệ thuộc vào nhân duyên; có 6 pháp:

95. trạch diệt vô vi: cảnh giới niết bàn đạt được do sự dùng trí tuệ tiêu diệt tận cùng mọi phiền não.

96. phi trạch diệt vô vi: thể tính tịch diệt vốn đã hiển nhiên – không phải do sức trí tuệ tận diệt phiền não mà có.

97. hư không vô vi: tính cách không làm chướng ngại cho bất cứ pháp nào và cũng không bị bất cứ pháp nào làm cho chướng ngại, gần giống như tính chất của hư không – nói là “gần giống” vì hư không vẫn không phải là vô vi; hư không còn có thể được trông thấy; tuy nó không làm chướng ngại cho mọi vật nhưng lại bị mọi vật làm cho chướng ngại, như sức thấy của mắt, sức nghe của tai v.v... đều có giới hạn, hơn nữa, hư không thường bị lồng vào các khuôn khổ khác nhau như rộng, hẹp, vuông, tròn v.v...

98. bất động vô vi: thể tính của niết bàn là như như, tĩnh lặng.

99. tưởng thọ diệt vô vi: trạng thái của sự tận diệt mọi tư tưởng và cảm thọ – cũng tức là niết bàn.

100. chân như vô vi: bản thân của vạn pháp. 

(Tông Câu Xá liệt kê chỉ có 3 pháp vô vi – không có 3 pháp vô vi bất động, tưởng thọ diệt, và chân như.) 

Trong 5 loại của 100 pháp trên đây, 4 loại đầu (sắc, tâm, tâm sở, tâm bất tương ưng hành) thuộc về pháp hữu vi, và loại sau cùng thuộc về pháp vô vi. “Hữu vi” là có tạo tác, có điều kiện sinh khởi, có các tướng trạng sinh (sinh thành), trụ (tồn tại), dị (tiêu mòn), diệt (hủy diệt), và tất cả đều có thể khái niệm được. “Vô vi”, hay chân lí, niết bàn, pháp tính, pháp giới, đều là những tên gọi khác nhau của cùng một thể tính. Đúng ra thì vô vi không thể được gọi là “pháp” vì nó không thể đạt được bằng khái niệm, không thể dùng ý lự, ngôn từ để phân biệt, gọi tên, nhưng vì trí óc chúng ta không thể nào đạt tới thế giới vô niệm, cho nên bắt buộc phải khái niệm hóa vô vi, là sự giả lập gọi tên, là cánh cửa để đưa hành giả đi vào thế giới vô niệm. Theo sự giả lập đặt tên đó, 5 pháp vô vi đầu đề cập đến tướng trạng của pháp tính, còn pháp vô vi chót, chân như, đề cập đến tự thể của pháp tính; hay nói cách khác, 5 pháp vô vi đầu, cả thể tính và tên gọi, đều chỉ vì phương tiện mà giả lập nên, thực ra, cuối cùng chỉ có “chân như vô vi” là thể tính của vạn pháp mà thôi; nhưng ngay cả cái danh xưng “chân như” cũng chỉ là giả lập mà có. 

(So với 100 pháp của tông Pháp Tướng thì tông Câu Xá liệt kê chỉ có 75 pháp mà thôi.)   

 

---o0o---

 

[Mục Lục ] [Số 1 ] [Số 2] [Số 3] [Số 4] [Số 5]

[Số 6 ] [Số 7] [Số 8 ] [Số 9 ] [Số 10]

[Những Số Khác -Bảng Tra Danh Số  -Tài Liệu Tham Khảo]

 

---o0o---
 

Vi tính: Diệu Thiện; Trình bày: Nhị Tường

Cập nhật:  01-03-2005

 

Webmaster: quangduc@quangduc.com

Trở về Trang Pháp Số

Đầu trang

 

Biên tập nội dung:  Tỳ kheo Thích Nguyên Tạng
Xin gởi bài mới và ý kiến đóng góp đến ban biên tập qua địa chỉ:  
quangduc@quangduc.com