Ðại Tạng No. 1451
CĂN BẢN THUYẾT
NHẤT THIẾT HỮU BỘ
- Mùla-Sarvàstivàda -
TỲ-NẠI-DA TẠP SỰ
-
Mùla-Sarvàstivàda Vinaya Ksudraka Vastu -
(Cuộc đời đức Phật và các đệ tử)
Hán dịch:
Tam Tạng Nghĩa Tịnh, đời Ðường, Trung Quốc
Việt dịch: Tỳ khưu Tâm Hạnh, PL 2542 - TL 1998
--- o0o ---
Thành kính đảnh lễ đức Thế
Tôn, Ngài là bậc Ứng Cúng, Ðấng Chánh Biến Tri.
Quyển thứ mười
--- ooOoo ---
(Tiếp theo tụng năm trong biệt môn hai).
* Duyên tại thành Thất La Phạt.
Bí-sô tên Hoan Hỷ sống nơi tịch tịnh A Lan Nhã, thường thích an tọa tu tập thiền
định nên vị ấy được mọi người khen là Hoan Hỷ trụ định. Một hôm, sắp nhập định,
bị ma nữ đến mời hành dục, Hoan Hỷ không chấp nhận. Khi khác, sắp nhập định, ma
nữ lại đến, ngồi trên đầu gối của Hoan Hỷ. Như vậy, phải biết cảnh giới của
người nữ rất độc, tiếp xúc là hại người, nhiễm tâm đã sinh nên họ cùng hành
dục.Sau khi hành dục, như bị mũi tên cắm vào ngực, tâm tư rất đau khổ, Hoan Hỷ
suy nghĩ: "Tại sao ta ngu si phá hoại hạnh thanh tịnh, làm việc dâm ô thì phải
hoàn tục". Vị này lại nghĩ: "Ta thật không có tâm che dấu vậy hãy đến thưa đầy
đủ việc này với Thế Tôn". Nếu có quy chế còn được xuất gia, ta sẽ thực hành như
pháp, nếu không được, sẽ hoàn tục. Tay phải ôm pháp-y, tay trái che phần xấu của
thân, vị ấy buồn bã khóc lóc đến gặp Thế Tôn.
Khi ấy, đang thuyết giảng chánh
pháp cho vô lượng trăm ngàn đại chúng vây quanh, trông thấy vị ấy đến, sau khi
suy nghĩ: "Nếu Ta không chào trước: - Lành thay mới đến! Tất vị ấy trào máu nóng
ra chết ngay". Thế Tôn bảo với Hoan Hỷ:
- Lành thay mới đến! Vì sao khóc
lóc vậy?
Ðáp:
- Ðại đức Thế Tôn! Trước đây con là
Hoan hỷ, nay không còn hoan hỷ nữa.
Phật hỏi:
- Thầy có lỗi gì mà nói như vậy?
Ðáp:
- Thế Tôn! Con không xả học xứ, mà
phá hủy phạm hạnh thanh tịnh, làm việc dâm dục. Tuy gây lỗi này nhưng con không
có tâm che dấu chút nào cả.
Phật nói:
- Này Hoan Hỷ! Ông có thể thọ học
xứ trọn đời không?
Ðáp:
- Bạch Ðại đức! Con có thể thọ trì.
Khi ấy, Thế Tôn bảo các Bí-sô:
- Các thầy nên biết, Bí-sô Hoan Hỷ
tuy phạm tịnh giới nhưng không có tâm che dấu, chẳng phải Ba-la-thị-ca. Các thầy
nên cho Hoan Hỷ thọ học xứ trọn đời. Nếu có trường hợp như vậy, cũng nên truyền
cho họ thế này:
- Trải tòa, đánh kiền chùy thưa
khắp chúng, khi tăng đã tập họp, bảo Bí-sô Hoan Hỷ làm lễ Tăng,sau đó ngồi xổm
trước Thượng tọa chắp tay cầu xin như sau:
- Ðại đức Tăng già lắng nghe. Con
là Bí-sô Hoan Hỷ không xả học-xứ, hủy phạm hạnh thanh tịnh làm việc dâm dục,
nhưng không có tâm ý che dấu. Con là Hoan Hỷ, nay theo Tăng cầu xin học xứ trọn
đời, cầu xin thương xót cho.(lần thứ hai, thứ ba cũng cầu xin như vậy). Sau khi
bảo Hoan Hỷ đứng nơi mắt thấy nhưng tai không nghe, Tăng già sai một Bí-sô tác
yết ma:
- Ðại đức Tăng lắng nghe, Bí-sô
Hoan Hỷ không xả học xứ, hủy phạm hạnh thanh tịnh, hành dâm dục, nhưng không có
tâm che dấu chút nào. Nay theo Tăng già cầu xin học xứ trọn đời. Nếu thời gian
thích hợp với Tăng, Tăng đồng ý, nay Tăng cho Bí-sô Hoan Hỷ học xứ trọn đời. Ðây
là lời tác bạch. Thứ đến tác Yết ma:
- Ðại đức Tăng già lắng nghe, Bí-sô
Hoan Hỷ không xả học xứ, hủy phạm hạnh thanh tịnh, hành dâm dục, nhưng không có
tâm che dấu chút nào. Bí-sô Hoan Hỷ theo cầu xin Tăng cho học xứ trọn đời. Nay
Tăng cho Bí-sô Hoan Hỷ học xứ trọn đời. Các cụ thọ nào đồng ý cho Bí-sô Hoan Hỷ
học xứ trọn đời thì im lặng. Vị nào không đồng ý thì nói ra.( lần thứ hai, thứ
ba cũng nói như vậy). Tăng đã cho Bí-sô Hoan Hỷ học xứ trọn đời. Tăng đã đồng ý
vì im lặng. Tôi xin ghi nhận như vậy.
Phật bảo các Bí-sô:
- Ta sẽ nói những việc mà người thọ
học phải làm. Bí-sô thọ học đối với Bí-sô còn nguyên Bí-sô tánh, không được nhận
sự cung kính lễ bái nghênh đón chắp tay; không được ngồi chung một tòa, phải
ngồi chỗ thấp; không được kinh hành chung, nếu đi phải sau một bước; đi đến nhà
trưởng giả Bà-la-môn không được cùng Bí-sô còn nguyên Bí-sô tánh làm bạn, nếu đi
chung phải để họ đi trước; không được ngủ chung phòng; không được cho người khác
xuất gia và thọ cận-viên; không nhận làm y chỉ cho người; không được nuôi Sa di;
không được tác pháp Ðơn-bạch Bạch-nhị Bạch-tứ yết-ma; không được sai làm người
Bỉnh yết-ma; không được sai giáo giới Bí-sô ny; nếu có sai, đến đâu nếu thấy
Bí-sô khác phá giới, phá hiến, phá uy nghi, phi chánh mạng, đều không được cử
tội họ; cũng không được đưa ra những quy định; không được đồng trưởng tịnh và
tùy-ý sự; hằng ngày phải dậy sớm, mở các cửa thu dọn đèn, quét dọn phòng chùa,
dùng Tân-cù-ma trát láng tùy nơi, cũng trát sạch nơi nhà xí, múc nước, để đất lá
không được thiếu sót; cấp nước cần dùng phải hợp lúc lạnh ấm; quét dọn cống rãnh
nước cho sạch; đánh kiền chùy, trải tòa; chu tất các việc cắm hoa đốt hương cúng
dường; nếu có khả năng tùy lúc tụng niệm tán thán công đức của Phật, nếu không
làm được thì mời người khác; vào tháng nóng phải cầm quạt quạt các Bí-sô; khi
muốn ngồi phải ngồi chỗ dưới Bí-sô trên Sadi; khi thọ thực phải làm tâm an ổn;
khi ăn xong phải thu dọn chỗ ngồi; đem vật đựng thức ăn để lại chỗ cũ; quét dọn
chỗ ăn; thường cáo tri cho chúng biết số ngày, thưa như sau:
- Ðại đức Tăng lắng nghe, hôm nay
là ngày đầu tháng, mỗi người trong chúng đều phải dụng tâm vì thí chủ tạo chùa,
thiên thần hộ chùa, quốc vương, đại thần, sư tăng, cha mẹ, tín thí mười phương
mà thuyết về diệu kệ trong kinh nói về phước thí, nếu không có khả năng thì
thỉnh vị khác làm.
Cùng nhau phân phòng, các Bí-sô
không phân cho người thọ học. Phật dạy:
- Nên phân cho họ.
Bí-sô không phân lợi dưỡng, Phật
dạy:
- Nên phân cho họ.
Có Bí-sô thọ-học không tu thiện
pháp, Phật dạy:
- Nên tu tập, nên tùy thuận làm
theo những pháp phải hành này cho đến khi đoạn trừ hết các phiền não, không làm
thì bị tội.
Sau khi các Bí-sô tuần tự làm theo
lời Phật chế, Bí-sô Hoan Hỷ chí tâm ân cần siêng năng không lười biếng, liền
đoạn trừ các phiền não trói buộc vào năm nẻo, chứng quả A-la-hán, đủ ba minh sáu
thông tám giải thoát, biết rõ như thật:- Ta sinh đã hết, phạm hạnh đã lập, việc
làm đã xong, không thọ đời sau; tâm không chướng ngại như tay vỗ hư không, như
dao cắt bột hương, không còn thương ghét, xem vàng với đất bình đẳng không khác,
đối với danh lợi không còn vướng mắc gì cả, Thích-Phạm chư Thiên đều cung kính.
Sau khi chứng quả, Hoan Hỷ vẫn tuân theo pháp chế trước đây không dám vi phạm.
Phật dạy:
- Không nên làm nữa, nên ngồi tùy
theo thứ tự lớn nhỏ, được sống chung với người còn nguyên Bí-sô tính.
* Duyên tại thành Vương-xá. Sau khi
xuất gia, Cụ thọ Tất Lân Ðà Bà Ta thường bị bệnh.Vị đồng phạm hạnh đến hỏi thăm:
- Ðại đức! Ði lại sinh hoạt có an
lạc thoải mái không?
Ðáp:
- Cụ thọ! Tôi thường đau bệnh, làm
sao an lạc.
Hỏi:
- Bệnh gì?
Ðáp:
- Bị ho.
Hỏi:
- Ðã uống thuốc gì?
Ðáp:
- Trước đã từng nuốt khói thuốc
cũng có giảm bớt.
Hỏi:
- Nay sao không dùng nữa?
Ðáp:
- Phật chưa cho phép.
Bấy giờ, các Bí-sô đem việc này
bạch Phật. Phật dạy:
- Người bệnh được phép nuốt khói thuốc để trị liệu.
Bí-sô không biết, để thuốc trên
lửa, nhưng nuốt không được khói. Phật dạy:
- Có thể dùng hai cái tô chụp lại
nhau, đáy trên xoi lỗ, bên trong để lửa đặt thuốc để nuốt ...
Nhưng họ vẫn chưa làm cho hoàn hảo.
Phật dạy:
- Nên làm ống.
Họ làm ống trúc nhưng vẫn bị lỗi.
Phật dạy:
- Không nên dùng trúc hãy làm bằng
sắt.
Họ làm quá ngắn. Phật dạy:
- Ðừng làm quá ngắn.
Họ làm quá dài. Phật dạy:
- Không nên làm quá dài, nên dài
chừng 12 ngón tay, không được có mũi nhọn cũng không quá thô kệch, đặt lỗ trống
của bát lên trên và dùng miệng nuốt khói.
Họ dùng xong vứt bừa bãi. Phật dạy:
- Không nên vứt tùy tiện, nên làm
túi nhỏ để đựng.
Họ để túi dưới đất. Phật dạy:
- Không nên để dưới đất, sẽ hư, nên
treo trên vòi voi, trên cọc, trên sào.
Ống đồng bị sét, Phật dạy:
- Nên dùng dầu thoa.
Sau đó, khi dùng phải lau rửa mệt
nhọc, Phật dạy:
- Không nên rửa bằng nước, nên đốt
trong lửa cho sạch.
Nhiếp tụng sáu trong biệt môn hai:
Dược thang ưng tẩy dục
Quán tỷ khai đồng trản
Thừa dư lão bệnh thính
Tu tri tiện lợi sự.
* Duyên tại thành Thất La Phạt.
Bí-sô nọ bị bệnh, đến gặp thầy thuốc, nói:
- Hiền thủ! Tôi bị bệnh mong ngài
chữa trị.
Ðáp:
- Thánh giả, hãy tắm bằng nước nóng
có thuốc thì có thể bình phục.
Ðáp:
- Phật chưa cho phép.
Thầy thuốc nói:
- Thánh giả! Thế Tôn đại bi tất cho
phép việc này.
Các Bí-sô đem sự việc bạch Phật. Phật dạy:
- Nếu y sĩ bảo tắm nước nóng thì
tùy ý được làm.
Phật đã cho phép tắm bằng nước nóng
làm thuốc, các Bí-sô không biết thuốc gì là nước nóng nên trở lại thưa với thầy
thuốc:
- Phật đã cho phép tôi tắm bằng
nước nóng có thuốc, vậy không biết dùng thuốc gì?
Y sĩ đáp:
- Thánh giả! Tôi cũng không biết
loại thuốc gì, từng đọc sách của Luân Vương, thấy trong ấy gọi nước nóng này là
nhân-đẳng. Ðại-sư là bậc Nhất Thiết Trí, nếu hỏi Ngài sẽ đáp.
Các Bí-sô đem sự việc bạch Phật. Phật dạy:
- Nếu chỉ trị phong thì dùng rễ
cành hoa quả vỏ-cây ... nấu chung lấy nước nóng tắm thì hết bệnh.
Các Bí-sô tắm bằng nước nóng, làm
da thịt biến màu. Phật dạy:
- Dùng dầu xoa bóp.
Họ thoa nhiều dầu làm bẩn y phục.
Phật dạy:
- Dùng tháo đậu để lau sạch nên da
biến sắc.
Phật dạy:
- Khi tắm sắp xong, nhỏ một hai
giọt dầu vào trong nước nóng, làm cho thân thể tươi sáng.
Cụ thọ Tất Lân Ðà Bà Ta có bệnh ...
cho đến... Bí-sô hỏi vì sao bệnh?
Ðáp:
- Tôi bị bệnh mũi chảy nước.
Y sĩ hỏi:
- Với bệnh này từng trị bằng thuốc
gì?
Ðáp:
- Từng nhỏ thuốc vào mũi.
Hỏi:
- Ðại đức, nay sao không nhỏ nữa?
Ðáp:
- Thế Tôn chưa cho phép.
Các Bí-sô đem sự việc bạch Phật. Phật dạy:
- Nếu người có bệnh, Ta cho phép
được nhỏ tô dầu vào mũi.
Bí-sô đổ thuốc vào mũi, bị chảy ra
ngoài làm bẩn thân thể. Phật dạy:
- Không nên như vậy.
Bí-sô lại dùng lá để nhỏ thuốc, vẫn
chưa được hoàn hảo. Phật dạy:
- Không nên dùng lá.
Họ lại nhỏ thuốc bằng miếng vải
vụn, có lỗi như trước. Phật dạy:
- Không nên nhỏ thuốc bằng miếng
vải vụn, có thể dùng đồng sắt hay thiết để làm ống nhỏ mũi.
Bí-sô làm một đầu đưa ra. Phật dạy:
- Nên làm hai đầu.
Họ lại làm bén nhọn ghê gớm, Phật
dạy:
- Không được làm bén nhọn dữ dằn.
Bí-sô tay bẩn nhỏ thuốc vào mũi.
Phật dạy:
- Nên rửa sạch tay mới được nhận
thuốc nhỏ vào mũi.
Cụ thọ Tất Lân Ðà Bà Ta bị bệnh
khát. Bí-sô đến thăm hỏi:
- Thầy bị bệnh gì?
Ðáp:
- Bị bệnh khát nhưng không có đồ để uống nước.
Họ bạch Phật. Phật dạy:
- Nên sắm chén bằng đồng để uống
nước.
Sau khi người thân tộc của cụ thọ
Tất Lân Ðà Bà Ta đến nghe pháp, trở về bảo với vợ:
- Thánh giả Tất Lân Ðà Bà Ta thuyết
pháp vi diệu, tôi đã được nghe và thọ trì.
Vợ nói:
- Nhờ Phật ra đời nên anh được lợi
ích.
Chồng nói:
- Vì sao các người không đi nghe
pháp?
Ðáp:
- Em phận đàn bà ra ngoài rất xấu
hổ. Nếu thánh giả Tất Lân Ðà Bà Ta đến đây thuyết pháp cho, em sẽ nghe và thọ
trì.
Khi người chồng đến thỉnh, Tôn giả nói:
- Hiền thủ! Tôi bị bệnh nên không
thể đến nhà được.
Thưa:
- Thánh giả! Con đem xe đưa ngài
đi.
Ðáp:
- Phật chưa cho phép Bí-sô đi xe.
Các Bí-sô đem sự việc bạch Phật.
Phật dạy:
- Do việc này nên cho phép các
Bí-sô có bệnh được đi xe.
Sau khi Phật cho phép, Tất Lân Ðà
Bà Ta đi xe cùng các đệ tử đến nhà người thỉnh. Tình cờ gặp nhau trên đường đi,
lục chúng Bí-sô hỏi các đệ tử kia:
- Ai đi xe vậy?
Ðáp:
- Là Ô Ba Ðà Da của tôi.
Lục chúng nói:
- Thế Tôn cho phép các Bí-sô đi xe
à?
Ðáp:
- Ðã cho.
Sau khi tán dương, Thế Tôn đại từ
biết các Bí-sô thân thể mềm yếu không thể đi bộ nên cho đi xe, Lục chúng bàn
nhau: "Chúng ta cũng nên trang trí xe cho đẹp".Ðến ngày thứ hai, dùng các lông
đẹp và các chuông linh treo trang trí đẹp đẽ trên xe, họ đi đến các ngã đường.
Thấy vậy, các trưởng giả Bà-la-môn hỏi:
- Thánh giả! Ðây là vật gì?
Ðáp:
- Thế Tôn cho phép chúng tôi đi xe.
Họ nói:
- Chẳng lẽ Sa-môn các vị còn hưởng
thụ dục lạc hay sao?
Lục chúng im lặng. Các Bí-sô đem sự việc bạch Phật. Phật dạy:
- Bí-sô không bệnh mà đi xe bị tội
vượt pháp. Có hai lý do được đi xe:
l.) Tuổi già sức yếu;
2.) Bị bệnh suy nhược.
* Duyên tại thành Thất La Phiệt.
Trưởng giả nọ có chánh tín, cùng Bà-la-môn không có tín tâm vào rừng Thệ Ða tham
quan khắp nơi. Ðến dưới gốc cây, thấy chỗ vệ sinh, Bà-la-môn nói:
- Này Trưởng giả! Sa-môn Thích tử
rất nhơ bẩn nên tiểu tiện nhơ bẩn dưới dưới gốc có hoa trái.
Trưởng giả nói:
- Các thánh giả đều là bậc đại đức,
chả lẽ tự tiện phóng uế hay sao, hay là người bạch y làm việc không nên này?
Trong lúc nói chuyện, bỗng thấy một
Bí-sô già cả, dùng y che đầu ngồi dưới gốc cây đại tiện. Bà-la-môn không tín tâm
thấy vậy nói với trưởng giả:
- Ngài nói bạch y làm việc bất tịnh
này, hãy xem Bí-sô này dùng y che đầu, ngồi đại tiện dưới gốc cây, chẳng lẽ là
bạch y hay sao?
Nghe nói, trưởng giả rất xấu hổ,
đành im lặng không đáp được. Các Bí-sô đem sự việc bạch Phật. Phật dạy:
- Bí-sô không được đại tiểu tiện
dưới gốc cây. Ai cố vi phạm bị tội vượt pháp.
Sau khi Phật chế định, đang đi trên
đường, đến khu rừng lớn, các Bí-sô muốn đi ngoài, vì giữ giới phải cố nhịn, nên
bị són ra. Các Bí-sô đem sự việc bạch Phật. Phật dạy:
- Khi đi đường, đến chỗ rừng cây,
các Bí-sô tùy ý đi ngoài.
Khi Thế Tôn đã cho phép khi đi
đường đến rừng cây, được đi ngoài, có Bí-sô ở trong làng xóm, không dám đi ngoài
dưới gốc cây, nên giữa ngày bị bón nóng khổ sở. Bí-sô đem sự việc bạch Phật.
Phật dạy:
- Nếu là dưới bụi gai, tùy ý đi
ngoài.
Ô Ba Nan Ðà vì đại tiện làm bẩn
vườn rau của người. Phật chế Bí-sô không được đại tiểu tiện trên rau cỏ sống. Ði
đến những nơi không có cỏ sống, các Bí-sô đi ngoài để phẩn nhơ bừa bãi. Thấy
vậy, các trưởng giả Bà-la-môn cùng nhau chê cười:
- Sa-môn Thích Tử rất ưa nghi thức,
cùng ngồi ăn một chỗ, cùng đi ngoài một nơi.
Các Bí-sô đem sự việc bạch Phật. Phật dạy:
- Vì lý do này, Ta cho phép các
Bí-sô làm nhà xí.
Làm chỗ vệ sinh bên ngoài chùa, ban
đêm đi ngoài, họ sợ hổ lang, sư tử, giặc ... nên đem sự việc bạch Phật. Phật
dạy:
- Nên làm trong chùa.
Các Bí-sô không biết nên làm chỗ
nào, Phật dạy:
- Nên làm ở góc Tây Bắc sau chùa.
Họ hỏi làm ra sao, Phật dạy:
- Có hai loại nhà xí:
l) Nhà vệ sinh riêng;
2) Bên cạnh.
Nhà riêng là phòng vuông một
trượng, chỗ vệ sinh ở giữa. Bên cạnh là sau phòng, ngăn bằng vách gỗ và che
chung quanh, vệ sinh bên trong. Bên ngoài nên bố trí chỗ rửa tay chân và để bình
nước. Nhà xí phải có cửa và khóa, bên ngoài để guốc gỗ dùng khi đi vào.
Có lúc, một Bí-sô đã vào nhà xí,
Bí-sô khác lại vào nữa, Phật dạy:
- Không nên như vậy, khi muốn vào
nhà xí phải búng ngón tay tằng hắng; người đang ở trong cũng vậy.
Nhà xí có mùi hôi, Phật dạy:
- Nên chia nhau quét dọn cho sạch,
khi vứt lá đất chớ cho chết trùng.
Các Bí-sô rửa nhà xí bằng tay nên
cảm thấy gớm, Phật dạy:
- Nên dùng nước dội và quét sạch,
không cần dùng tay.
Có những Bí-sô rửa tay chân quá lâu
trong nhà xí làm người khác chờ, Phật dạy:
- Nên bố trí chỗ rửa tay chân bên
ngoài.
Họ bố trí quá xa, Phật dạy:
- Nên gần, vì vậy Ta cho phép các
Bí-sô khi làm nhà xí nên làm đủ các vật dụng cần dùng.
Khi Phật cho làm phòng xí, các
Bí-sô cũng tiểu tiện trong phòng xí, làm cho người muốn đại tiện phải chờ, chờ
mãi sinh bệnh. Phật dạy:
- Nên làm chỗ tiểu tiện riêng.
Các Bí-sô không biết nên làm chỗ
nào. Phật dạy:
- Nên làm nơi tiểu gần nhà xí, có
chỗ dẫn nước ra, làm cửa riêng như nhà xí.
Nhiếp tụng bảy trong biệt môn hai:
Thủy bình tri tịnh xúc
Nguyện Thế Tôn trường thọ
Nhân tư ny Niết bàn
Hám tước câu khai ngũ.
* Duyên tại thành Thất La Phạt.
Trời đang nóng nực, bị khát cần nước uống, nên Bà-la-môn vào chùa đến gặp Bí-sô,
nói:
- Tôi đang khát xin cho nước.
Bí-sô đem bình nước rửa đến đưa cho
họ uống. Thấy vậy, Bà-la-môn hỏi:
- Thánh giả! Bình này là nước sạch
hay nước rửa vậy?
Ðáp:
- Là nước rửa.
Hỏi:
- Nếu vậy, tại sao đưa bình này cho
tôi?
Ðáp:
- Bình để chung nên tôi đem lại.
Họ nói:
- Thánh giả! Bình rửa và sạch không
nên lẫn lộn, hãy để riêng. Nếu có Sa-môn Bà-la-môn đến xin nước, giúp họ hết
khát chẳng phải có phước hay sao?
Bà-la-môn này bỏ đi vì chê nước bẩn
nên không uống. Bí-sô bạch Phật, Phật dạy:
- Ðại chúng nên bố trí bình chứa
nước sạch để cung cấp cho người bị khát.
Phật dạy đại chúng nên bố trí nước
sạch, có trưởng giả nghe như vậy nên dâng cúng nhiều bình đựng nước vào chùa. Ai
cần cứ tự tiện mang đi, kể cả người giữ vườn hay người thế tục cũng vậy. Thấy
vậy nhưng Bí-sô không ngăn họ. Chẳng bao lâu, số bình kia hết sạch. Các Bí-sô
nói với thí chủ:
- Hiện nay, những bình ngài cúng đã
hư hết, nên mang lại thêm.
Ðáp:
- Thánh giả! Con đã cúng rất nhiều
vì sao mau hết vậy?
Bí-sô kể lại sự việc trên cho thí
chủ.
Ðáp:
- Thánh giả, con không cúng cho
những kẻ thế tục, vì sao không ngăn họ, đến nỗi hao phí như vậy?
Các Bí-sô bạch Phật, Phật dạy:
- Chẳng nên bỏ qua không hỏi người
ấy như vậy, nên sai người quản lý vật ấy cho Tăng.
Sau khi Phật cho phép, các Bí-sô
không lựa chọn, sai người tùy tiện. Phật dạy:
- Người có năm việc không nên sai.
Thế nào là năm? Ấy là có ái, nhuế, bố, si, không biết đã cất hay chưa cất vật
đang có. Người có năm việc nên sai là: không có ái, nhuế, bố, si, biết rõ đã cất
hay chưa cất vật dụng.
Nên sai theo trình tự:- Tập họp
chúng Tăng như trước, đối trước Tăng hỏi: - Bí-sô tên ... có thể làm người quản
lý vật dụng ... cho Tăng không? Vị kia đáp:
- Tôi có thể. Sai một Bí-sô bạch
nhị yết-ma.Ðại đức tăng lắng nghe. Bí-sô ... này vui lòng làm người quản lý vật
dụng ... cho Tăng. Nếu thời gian thích hợp với Tăng. Tăng đồng ý, nay Tăng sai
Bí-sô ... làm người quản lý vật dụng ... cho Tăng. Ðây là lời tác bạch. Thứ đến
tác yết-ma:
- Ðại đức Tăng lắng nghe. Bí-sô ...
này vui lòng làm người quản lý vật dụng ... cho Tăng. Nếu tăng đồng ý cho Bí-sô
... làm người quản lý vật dụng ... cho Tăng thì im lặng. Vị nào không đồng ý thì
nói ra. Tăng đã đồng ý cho Bí-sô ... làm người quản lý vật dụng ... rồi vì im
lặng. Tôi xin ghi nhận như vậy.
Có người thế tục bị khát đến xin
nước, Bí-sô dùng bình mới đựng đầy nước đưa cho họ, đem bình cũ đưa cho Bí-sô.
Phật dạy:
- Không nên như vậy, nên dùng bình
mới cúng các Bí-sô, bình cũ cho người thế tục.
Dùng bình xong, Bí-sô cất giữ,
người tục vất bỏ tùy tiện, Phật dạy:
- Phải thu cất lại.
Bí-sô không khéo giữ gìn, làm bình
bị hư, Phật dạy:
- Nên làm kho chứa.
Bí-sô làm theo lời dạy. Có người
thương chủ từ phương Bắc đến, thỉnh Phật và Tăng, cúng dường trong ba tháng. Sau
khi suy nghĩ: "Ta cúng dường, không muốn dùng vật dụng của người khác, nên sắm
vật khác, ông ta dùng đồng trắng đồng đỏ làm nhiều vật dụng để đựng thức ăn dâng
cúng dường Như Lai và chúng Thanh văn trong ba tháng. Sau khi mãn hạn, ông ta
đem các vật ấy dâng hết cho Tăng. Bí-sô đem hết các vật này cất trong kho chứa
đồ gốm, làm cho đồ gốm bị hư vỡ. Phật dạy:
- Vật dụng bằng đồng và sắt không
được để chung.
Có Bà-la-môn bị khát nước, đến gặp
các Bí-sô thưa:
- Thánh giả! Xin cho tôi nước.
Bí-sô đưa gầu và dây múc nước cho
Bà-la-môn. Họ hỏi:
- Thánh giả! Vật này để làm gì?
Ðáp:
- Tôi không có nước sẳn, hãy tự lấy
để uống.
Bà-la-môn nói:
- Các vị thương xót đến tất cả
chúng sinh, nếu dự trữ một số nước uống, thật là việc thiện.
Bí-sô đáp:
- Ðức Phật chưa cho phép. Các Bí-sô
đem sự việc bạch Phật.
Phật dạy:
- Ðại chúng nên để dành một số nước
sạch.
Nghe như vậy, Bí-sô tùy tiện để
nước, hoặc sân trước, trong phòng ở, trước hiên, bên cửa ... làm cho nước nhơ
bẩn. Phật dạy:
- Không nên như vậy, nên làm nhà
chứa nước.
Nghe như vậy, Bí-sô không biết để
chỗ nào ... Phật dạy:
- Nên bố trí chỗ để nước bên phía
Ðông cổng chùa.
Trong phòng chứa tối tăm, Phật dạy:
- Nên làm cửa sổ. Trên nền đ?t có
bùn, dùng gạch lát làm cho thông nước. Phòng nên có cửa và khóa. Bình chứa nước
không để trên mặt đất, nên đặt trên kệ gỗ. Nếu không có kệ gỗ, nên dùng gạch
lót, dùng vật kê không cho nghiêng ngã.
Bình luôn bị dơ phải thường chà
rửa, họ không biết chà rửa bằng vật gì. Phật dạy:
- Nên dùng bàn chải và lá cây.
Tuy thường chà rửa, nhưng vẫn có
mùi hôi. Phật dạy:
- Nên để nhiều bình thay nhau đựng
nước; một số đựng nước, một số phơi cho khô.
Họ phơi vào giữa nắng, Phật dạy :
- Nên phơi chỗ mát cho khô.
Không đậy miệng làm đất rơi vào
bình, Phật dạy:
- Cần phải đậy kín, không được dùng
tay bẩn khuấy trong nước, phải rửa sạch tay.
Mỗi khi đụng vào bình phải rửa tay,
làm cho họ mệt nhọc. Phật dạy:
- Nếu bình sạch bằng đồng hay đất,
tay không đụng vào nước, lấy không phạm.
Hoặc dùng phân bò khô chà tay cho
sạch cáu bẩn cũng được. Sau khi Phật cho phép dự trữ nước, họ không biết nên sai
ai làm. Phật dạy:
- Nên sai đệ tử môn nhân làm. Những
vật cần dùng nơi để nước, nên sắm đủ.
* Phật ở vườn nhiều cây, thành Kiếp
Tỳ La. Khi ấy, Bí-sô ny Ðại thế chủ Kiều Ðáp Di cùng với năm trăm Bí-sô ny quyến
thuộc đến gặp đức Phật, lạy sát chân Ngài, ngồi qua một nên nghe Phật thuyết
pháp.
Bỗng nhiên, nghe đức Phật hách xì,
Ðại Thế Chủ Kiều Ðáp Di bạch:
- Cầu mong Thế Tôn thọ mệnh lâu
dài, sống hơn số kiếp.
Khi nghe Ðại thế chủ Kiều Ðàm Di
thưa như vậy, năm trăm Bí-sô ny cũng đồng thanh nguyện như vậy.
Nghe năm trăm Bí-sô ny nguyện như
vậy, Dược-xoa quỷ thần trên mặt đất cũng đồng thanh nguyện như vậy.
Nghe như thế, Dược-xoa quỷ thần
trên hư không cũng phát nguyện này.
Nghe như vậy ... Tứ đại thiên cung,
trời Ba Mươi Ba, trời Dạ Ma, trời Ðô Sử Ða, trời Hóa Lạc, trời Tha Hóa Tự Tại
cho đến trời Phạm Thiên cũng đồng phát nguyện này:
- Cầu mong Thế Tôn thọ mệnh lâu dài
sống hơn số kiếp.
Thế Tôn bảo Bí-sô ny Ðại thế chủ
Kiều Ðáp Di:
- Bà cùng với tất cả chúng sinh đã
làm điều chướng ngại lớn. Do lời nguyện của bà, năm trăm Bí-sô ny và trên đất
không trung cho đến Phạm Thiên nghe lời nói ấy, không nên cung kính với Phật như
vậy. Ai cung kính như vậy, không gọi là thiện.
Ðại thế chủ thưa:
- Ðại đức Thế Tôn đối với Như Lai,
bày tỏ sự cung kính như thế nào được gọi là thiện?
Phật bảo Kiều Ðáp Di:
- Ðối với Như Lai nên nói thế này:
- Nguyện Phật và Tăng
trường tồn ở thế gian, thường sống hòa hợp như nước với sữa, phát huy rực rỡ
giáo pháp của đấng Ðạo-sư.
Này Kiều Ðáp Dy! Ai làm như vậy là
cung kính bậc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, gọi là sự lễ bái hoàn hảo.
Khi ấy một Bí-sô nói kệ:
Thế chủ Kiều Ðáp Dy
Lạy sát chân Như Lai
Nguyện Mâu Ny sống lâu
Hơn kiếp độ chúng sinh.
Tâm Phật mẫu ân cần
Thưa lên lời kính lễ
Nhưng không nên với Phật
Mà nguyện lời như vậy.
Sau khi suy nghĩ: "Ðức Phật tán
thán sự hòa hợp của chúng Tăng ... cho đến ... Ðại sư còn đang trú trong
đời, hiện nay chúng Bí-sô chưa bị chia rẽ, ta nên nhập Niết-bàn", Ðại thế chủ
Kiều Ðáp Di đến gặp đức Phật, lạy sát hai chân Ngài, thưa:
- Thế Tôn! Ý con đang muốn vào
Niết-bàn.
Nghe thưa như vậy, Thế Tôn im lặng;
thưa đến lần thứ ba, Ngài cũng im lặng. Ðại thế chủ lại thưa:
- Thế Tôn! Ý con đang muốn vào
Niết-bàn.
Phật nói:
- Này Kiều Ðáp Di! Thưa như vậy là
vì Niết bàn phải không?
Ðáp:
- Con vì Niết bàn nên thưa như vậy.
Phật nói:
- Người đã vì Niết bàn nên nói như
vậy, Ta có gì để nói! Các hành vô thường phải đều như vậy.
Bấy giờ, năm trăm Bí-sô ny lại bạch Thế Tôn:
- Chúng con có ý muốn vào Niết-bàn.
Phật bảo các Bí-sô ny:
- Các người vì Niết bàn nên thưa
như vậy phải không?
Thưa:
- Ðúng vậy!
Phật dạy:
- Các người đã vì Niết bàn nên thưa
như vậy, Ta có gì để nói! Các hành vô thường đều phải như vậy.
Nghe Phật dạy xong, Ðại thế chủ và
các Bí-sô ny rất hoan hỷ lạy sát chân Phật, đến gặp Nan Ðà thưa:
- Thánh giả! Tôi có ý muốn nhập
Niết bàn ngay.
Nan Ðà nói:
- Thưa như vậy là vì Niết bàn phải
không? ... rồi nói như Phật thuyết ...
Như vậy, họ lại đến gặp cụ thọ A Ny
Lô Ðà, La Hổ La, A Nan Ðà ... các vị thượng tọa, đảnh lễ thưa:
- Thánh giả! Chúng con có ý muốn
vào Niết bàn.
Bí-sô A Nê Lâu Ðà và các vị thượng
tọa hỏi:
- Thưa như vậy là vì Niết bàn phải
không?
Thưa:
- Ðúng vậy.
- Các vị đã vì Niết bàn nên nói như
vậy, chúng ta biết nói gì, các hành vô thường đều như vậy.
Sau khi đảnh lễ Phật và các vị Tôn
giả, từ giã trở về chùa thuộc trú xứ của mình, trong bảy ngày, Ðại thế chủ và
năm trăm Bí-sô ny diễn thuyết diệu pháp cho ba chúng.
Sau khi được nghe pháp, có vô lượng
chúng sinh chứng đắc lợi ích thù thắng rộng lớn. Các Bí-sô ny đều ra khỏi chùa,
đến nơi thanh tịnh theo thứ tự ngồi bán già, cả năm trăm vị đều như vậy.
Bấy giờ, đại thế chủ Kiều Ðáp Di
vào tam muội, dùng định lực thù thắng, bằng hành động tự tại toàn thân biến mất,
vọt lên hư không ở phương Ðông, biểu hiện bốn tư thế đi đứng nằm ngồi, vào định
hỏa quang, từ thân phóng ra nhiều loại ánh sáng màu xanh vàng đỏ trắng hồng
trong một lúc; duới thân phát ra lửa, trên thân phun nước trong; dưới thân phun
ra nước; trên thân phát ra lửa, hiện như vậy ở phương Ðông, phương Nam, Tây, Bắc
cũng vậy. Năm trăm Bí-sô ny cùng Ðại thế chủ Kiều Ðàm Di hiện tướng không khác
nhau.
Khi ấy, Ðại thế chủ vào định thứ
nhất, xuất định thứ nhất vào định thứ hai, xuất định thứ hai vào định thứ ba,
xuất định thứ ba vào định thứ tư, xuất định thứ tư vào không xứ, xuất không xứ
vào thức xứ, xuất thức xứ vào vô sở hữu xứ, xuất vô sở hữu xứ vào phi tưởng phi
phi tưởng xứ, xuất phi tưởng phi phi tưởng xứ đi ngược vào tịnh lự thứ nhất, rồi
vào Niết-bàn.
Năm trăm Bí-sô ny cũng như Ðại thế
chủ Kiều Ðáp Dy, lần lượt nhập thuận và nghịch các thiền xong, cũng vào
Niết-bàn. Khi ấy, cả mặt đất chấn động, sáu phương đều sáng rực. Trên hư không
chư Thiên kêu vang, tiếng như đánh trống. Tại núi Diệu-cao, hoặc trong các núi
khác, tại thành phố làng xóm, giữa rừng vắng, nơi thanh tịnh. Các Bí-sô thấy các
tướng trạng này, đều chánh niệm quán sát Ðại thế chủ và năm trăm Bí-sô ny nhập
Ni?t-bàn. Các Bí-sô lại suy nghĩ: "Từ mẫu của Thế Tôn đã vào Niết-bàn, chúng ta
hãy đến hỗ trợ nhau cúng cúng dường xá-lị ". Sau khi suy nghĩ, tùy theo sức
mình, mỗi vị mang các loại gỗ thơm đến chỗ Ðại thế chủ Kiều Ðáp Ma bát Niết-bàn.
Bấy giờ, Thế Tôn cùng Kiều Trần
Như, Bà Sáp Ba, Ðại Danh, A Ny Lô Ðà, Xá Lợi Phất, Ðại Mục Liên ... cùng đại
chúng thanh văn tập họp đến để cúng dường xá lị của Ðại thế chủ Kiều Ðáp Dy.v.v
... Vua Thắng Quang cùng thái tử, đại thần, quyến thuộc cũng đến nơi ấy để cúng
dường xá lị. Trưởng giả Cấp Cô, trưởng giả Tiên Thọ, trưởng giả Cố Cựu và Lộc Tử
Mẫu ... cùng quyến thuộc cũng đều đến đó. Lại có quốc vương các nước cùng vô số
quyến thuộc của họ cũng đến nơi. Vua Thắng Quang dùng các loại y báu, vật trang
sức, trang trí năm trăm chiếc xe quý đem đến, cùng với các loại hương hoa, tràng
phan, lọng báu, âm nhạc ... Khi ấy, bốn vị Bí-sô là cụ thọ Nan Ðà, A Ny Lô Ðà, A
Nan Ðà, La Hổ La, cùng khiêng linh xa Ðại thế chủ. Thế Tôn cũng dùng tay phải đỡ
linh xa. Các Bí-sô khác cũng khiêng linh xa các Bí-sô ny. Với tâm ân cần kính
trọng, tổ chức rất trang nghiêm, mọi người đưa linh xa đến chỗ yên tịnh rộng rãi
bằng phẳng.
Bấy giờ, Thế Tôn nâng thượng y che
trên Ðại thế chủ Kiều Ðáp Dy và năm trăm Bí-sô ny lên, bảo các Bí-sô:
- Các thầy hãy xem đây, Ðại thế chủ
Kiều Ðáp Dy ... thọ một trăm hai mươi tuổi mà thân thể không già, trẻ như đồng
nữ mười sáu tuổi.
Vua Thắng Quang cùng đại chúng dùng
các loại gỗ thơm hỏa thiêu tử thi. Sau khi giảng dạy về pháp vô thường cho mọi
người, trở về chùa, rửa sạch chân, ngồi trên tòa, Thế Tôn bảo các Bí-sô:
- Các thầy nên biết! Sự việc như
vậy đều vì khi trông thấy người khác bị hách xì, lại cầu nguyện trường thọ. Thế
nên, khi thấy người khác hách xì, Bí-sô không nên nói cầu trường thọ. Ai cố ý
nói bị tội vượt pháp.
Thấy những sự việc như vậy, các Bí-sô đều có ý nghi ngờ, bạch
Phật:
- Thế Tôn! Ðại thế chủ Kiều Ðáp Dy
và năm trăm Bí-sô ny đã từng làm nghiệp gì, do nghiệp lực ấy nên sống đến 120
tuổi mà tướng mạo không già, trẻ như đồng nữ 16 tuổi?
Phật bảo các Bí-sô:
- Các thầy hãy lắng nghe về nghiệp
của Ðại thế chủ Kiều Ðáp Di và năm trăm Bí-sô ny đã làm, và do nghiệp ấy tự nhận
lấy quả báo.
Này các Bí-sô! Thời quá khứ trong
kiếp Hiền này, khi loài người thọ hai vạn tuổi, có Phật Thế Tôn hiệu Ca Nhiếp Ba
Như Lai Ứng Cúng Chánh Ðẳng Giác, đầy đủ mười hiệu, xuất hiện trong đời, ở rừng
Thi Lộc, tiên nhân đọa xứ, thuộc Ba La Ny Tư.Khi nhân duyên giáo hóa của đức Thế
Tôn ấy đã mỹ mãn, Ngài vào Vô dư Niết bàn như củi hết lửa tắt. Có vị vua tên Kết
Lị Chỉ xây bốn bảo tháp mỗi cạnh một du thiện na, cao nữa du thiện na để cúng
dường xá lị của Như Lai ấy. Vị đại phi và năm trăm thể nữ của vua vì già cả nên
bị vua không nhìn đến. Họ bàn nhau:
- Vì sao ngày nay đại vương bỏ
chúng ta ra không hỏi han đến?
- Vì chúng ta đã già nên vua không
hỏi đến.
Có một thể nữ đặt vấn đề:
- Các chị em tu tập nghiệp gì để
không bị già cả và làm cho mãn nguyện?
Nghe vương phi đáp:
- Nếu cúng dường tháp Xá Lợi Phật
Ca Nhiếp Ba thì sở nguyện thành tựu.
Họ đều tán thành và tâu xin vua.
Ðược vua đồng ý, họ mang các loại hương bột, hương xoa, vòng hoa, anh lạc, cờ
phướng, lọng báu, các món ăn thơm ngon, đến nơi tháp ân cần tôn trọng khen ngợi
cúng dường, cả thân tâm lễ kính, đi nhiễu bên phải hành đạo, quỳ dài chắp tay
phát nguyện: "Ðem thiện căn do cúng dường vô thượng phước điền này, nguyện cho
con đời nào cũng không có tướng già cho đến khi hết tuổi thọ".
Này các Bí-sô! Vị đại vương phi và
năm trăm thể nữ kia của vua, nay là Ðại thế chủ Kiều Ðáp Di và năm trăm Bí-sô
ny. Do phước lực ấy kéo dài đến đời này sống nên 120 tuổi mà tướng mạo không
già, cũng như đồng nữ 16 tuổi.
- Này các Bí-sô nên biết! Ðều do
nghiệp lực của mình ... nói rộng như trước ... nên học như vậy.
* Duyên khởi tại thành Thất La
Phiệt. Khi Thế Tôn chế cho các Bí-sô:
- Thấy người khác hách xì không
được nói trường thọ.
Trong thành có trưởng giả đã cưới
vợ nhưng chẳng có con. Khi tuổi già tài sản không còn, ông bảo với vợ:
- Tôi già cả, không có con cái, ý
muốn xuất gia.
Vợ nói:
- Tùy ý.
Ông ta đến rừng Thệ Ða gặp các
Bí-sô, được xuất gia và thọ cận viên. Vào lúc nọ, đức Phật đang thuyết pháp cho
đại chúng, Bí-sô già này cũng đang ngồi bên ngoài chúng. Người vợ cũ đi ngang
qua nghe chồng hách xì, nhưng không có một Bí-sô nào nguyện trường thọ cả. Thấy
như vậy, không nhịn được, người vợ lấy tay trái bốc đất quay quanh đầu Bí-sô rồi
ném ra ngoài, chú nguyện trường thọ. Trước sự chứng kiến của các Bí-sô, người vợ
ra trước nắm tay Bí-sô già kia lôi đi, sau khi dùng lời thô ác mắng chưởi:
- Thánh tử! Nay vì sao ông xuất gia
sống trong những kẻ oán thù? Trong rừng Thệ Ða này thường có năm trăm dược-xoa
áo xanh. Do tôi chú nguyện làm cho ông được trường thọ. Nếu không như vậy, chắc
chắn ông bị Dược xoa hút tinh khí, vậy không nên ở đây hãy đi về nhà.
Khi ấy, các Bí-sô nói:
- Này ông già hãy ở lại chớ đi.
Nhưng ông ta vẫn không chịu đứng
lại. Khi bị Bí-sô nắm một tay kéo lại, ông ta la lên:
- Tôi đau quá! Ðau quá!
Bí-sô bạch Phật. Phật dạy:
- Hãy hỏi Bí-sô già ấy: Bên tay nào
đau, bên tay bị Bí-sô nắm đau hay bên tay vợ cũ nắm đau? Nếu ông ấy nói tay bị
Bí-sô nắm đau thì tâm đã muốn đi hãy để tùy ý ; Nếu nói tay bị vợ nắm đau thì
tâm còn muốn ở lại không nên cho đi.
Khi hỏi theo lời Phật dạy, nghe ông ta đáp:
- Tay bị các vị nắm đau!
Các Bí-sô liền để thả ra, để ông ta
đi về nhà. Nhân vì cho ông ta xuất gia thọ cận viên nên gây ra chướng ngại lớn,
Phật dạy:
- Bí-sô già cả đều thích trường
thọ, như vậy khi gặp họ hách xì nên nói trường thọ. Ai không nói bị tội vượt
pháp.
* Duyên xứ như trước, trưởng giả nọ
có tâm chánh tín, cùng một Bà-la-môn không tín tâm, đi vào rừng Thệ Ða. Bỗng
nhiên trưởng giả tín tâm bị hách xì. Các Bí-sô không nói trường thọ, nhưng
Bà-la-môn không tín tâm nguyện trường thọ và nói:
- Sao ngài có tín tâm với kẻ oán
gia, trong rừng Thệ Ða này thường có năm trăm Ðược xoa áo xanh; Do tôi nguyện
làm cho ngài được trường thọ; Nếu không như vậy chắc chắn bị Dược xoa hút tinh
khí của ngài, không nên ở đây lâu hãy mau đi ra.
Bí-sô đem sự việc bạch Phật. Phật dạy:
- Những kẻ thế tục đều thích trường
thọ, nếu thấy họ hách xì, nên nguyện họ trường thọ. Các Bí-sô thấy người già
hách xì, người nhỏ nên đứng dậy làm lễ và nói mong ngài hết hách xì. Nếu người
nhỏ hách xì, người lớn nên nói vô bệnh. Ai không làm như vậy, bị tội vượt pháp.
* Phật ở vườn Thi Lộc, tiên nhân
đọa xứ, nước Ba La Ny Tư. Năm Bí-sô được Phật làm cho trụ chánh định vị, xuất
gia trong pháp luật thiện thuyết, nhưng đối với các loại dùng để nhai nuốt ăn
uống, uy nghi đi đứng đều chưa hiểu rõ, nên họ thưa với Phật:
- Việc ấy phải làm thế nào?
Phật dạy:
- Này các Bí-sô! Có năm loại để cắn
nhai là rễ, cọng, lá, hoa, quả ; Năm thứ dùng để ăn nuốt là mỳ, cơm, đậu chín,
cá thịt, bánh.
Họ không biết dùng loại gia vị gì,
Phật dạy:
- Nên dùng sữa, lạc, bơ, mật, cá
thịt, thịt khô, các loại rau. Nếu không có các loại này, có thể hòa với nước để
ăn. Những gia vị tươi mát làm cho thân thể có sắc và sức để tu tập các thiện
pháp.
Nhiếp tụng tám trong biệt môn hai:
An môn phiến nựu khổng
Bì thế xử trong song
Nội khoát võng phiến xu
Khai điếm tu dương giác.
* Duyên khởi tại thành Thất La
Phạt. Làm phòng xá, nhưng các Bí-sô không biết bố trí cửa. Phật dạy:
- Nên làm cửa.
Họ không làm cánh cửa nên bỏ phế
việc tu thiền định. Phật dạy:
- Nên làm cánh cửa.
Họ không làm bản lề cửa nên đóng mở
khó khăn. Phật dạy:
- Nên làm bản lề cửa và lỗ khóa.
Khi mở cửa có tiếng, Phật dạy:
- Nên lót miếng da vào chổ kêu.
Trong phòng bị tối, Phật dạy:
- Nên làm cửa sổ.
Cửa sổ quá thấp, bị nạn trộm cắp,
Phật dạy:
- Không nên làm quá thấp.
Họ làm quá cao, phòng bị tối như
trước, Phật dạy:
- Không làm quá cao hay quá thấp,
nên trung bình.
Bí-sô làm trong hẹp ngoài rộng,
Phật dạy:
- Nên làm trong rộng ngoài hẹp.
Có quạ chim bay vào, Phật dạy:
- Nên ngăn bằng lưới.
Khi đã ngăn lưới nên không làm cửa,
ban đêm rắn, bồ-cạp ... bò vào trong phòng. Phật dạy:
- Nên làm cửa sổ.
Cửa sổ bị gió thổi bật ra, Phật
dạy:
- Nên làm chốt cửa ở trên.
Khi đóng mở bị khó khăn, Phật dạy:
- Nên dùng gậy móng dê để đóng mở
cửa (làm cây nạng sắt xẻ đôi hình như móng chân dê).
Nhiếp tụng chín trong biệt môn hai:
Thiết chùy cập thương tử,
Thiết tráp tinh mộc khiên
Phủ sàng táo ngũ bách,
Phủ tạc chúng giai hứa.
* Duyên tại thành Vương Xá. Cụ thọ
Tất Lan Ðà Bà Ta có bệnh. Các Bí-sô đến thăm hỏi Tôn giả bệnh gì. Ðáp:
- Tôi bị bệnh phong.
Hỏi:
- Ðại đức từng uống thuốc gì?
Ðáp:
- Trước đây, khi bị bệnh, lấy chày
sắt nóng thả vào bình nước, tôi dùng nước nóng này lau tắm thân thể thì hết
bệnh.
Hỏi:
- Nếu như vậy, vì sao nay thầy
không làm?
Ðáp:
- Thế Tôn chưa cho phép.
Các Bí-sô đem sự việc bạch Phật.
Phật dạy:
- Nay Ta cho phép Bí-sô bị bệnh
phong được dùng nước nóng từ chày sắt lau thân thể.
Nghe Phật cho phép như vậy, Bí-sô
đốt chày nóng quá nên không lấy ra được. Phật dạy:
- Nên cột bằng dây sắt và chờ nóng
kéo ra.
Bí-sô bỏ cả dây sắt vào lửa, nóng
quá không thể nắm được. Phật dạy:
- Ðể dây sắt bên ngoài không được
bỏ vào lửa, phần gần chày sắt dùng bùn bọc lại, nắm chỗ không bị nóng, kéo ra bỏ
vào bồn nước, tùy ý xử dụng.
Dùng xong, Bí-sô dùng tháo-đậu,
phân bò để rửa sạch chày sắt. Phật dạy:
- Không nên rửa vậy, bỏ vào lửa thì
sạch.
Các Bí-sô nấu nước nóng để rửa trước, nấu nước sạch sau. Phật
dạy:
- Nấu nước sạch trước, nấu nước rửa
sau. Ai không làm như vậy, bị tội vượt pháp.
* Duyên xứ như trước. Bí-sô đến hỏi
Tôn giả Tất Lan Ðà Bà Ta bị bệnh gì.
Ðáp:
- Tôi bị bệnh như vậy.
Hỏi:
- Tại sao đại đức không trị liệu?
Ðáp:
- Cụ thọ! Trước đây tôi từng sắm
cái vạc nhỏ để nấu thuốc sưởi ấm, nay không có nên bệnh tăng thêm.
Hỏi:
- Sao không sắm vật ấy?
Ðáp:
- Phật chưa cho phép.
Bí-sô đem sự việc bạch Phật. Phật
dạy:
- Cho phép Bí-sô có bệnh được sắm vạc sưởi ấm.
* Duyên tại thành Thất La Phiệt. Có
trưởng giả làm phòng tắm cho Tăng già. Trong đó, có than lửa rơi vãi khắp nơi.
Phật dạy:
- Nên gom lại một chỗ.
Bí-sô không biết dùng vật gì để gom
lại. Phật dạy:
- Dùng sắt làm xuổng để xúc.
Sau khi Phật đã cho phép, các Bí-sô
ở Lan Nhã không có sắt. Phật dạy:
- Dùng gỗ làm cái mai.
Mai bị lửa cháy. Phật dạy:
- Dùng phân bò trộn bùn trát lên
mai rồi dùng.
* Duyên khởi như trước. Bí-sô bị
bệnh đến y sĩ hỏi:
- Hiền thủ! Tôi bị bệnh như vậy,
xin ngài chữa trị cho.
Y sĩ đáp:
- Thánh giả! Nên trị liệu như vậy.
Bí-sô nấu thuốc nên cần nồi, phải mượn cuả Trưởng giả và sau đó trả lại.
Trưởng giả nói:
- Con xin cúng cho thánh giả.
Bí-sô đáp:
- Phật chưa cho phép.
Trưởng giả nói:
- Nếu vậy bỏ xuống đất rồi đi.
Bí-sô đem việc này bạch Phật. Phật
dạy:
- Cho phép nhận.
Khi ấy, Tỳ Xá Khư mẹ Lộc Tử nghe
Phật cho phép các Bí-sô được nhận nồi, nên đem đến năm trăm nồi sắt. Các Bí-sô
không biết làm thế nào, Phật dạy:
- Theo thứ tự dâng đến các Bí-sô.
Phật cho phép chia, các Bí-sô nhỏ không được. Phật dạy:
- Nên cho họ nồi đất.
* Duyên xứ như trước, có một Bí-sô
nằm trên đất lạnh nên ăn uống không tiêu, đến gặp trưởng giả mượn giường chiếu
để làm vật lót nằm. Sau khi hết bệnh, vị này đem vật ấy trả lại. Trưởng giả nói:
- Con xin dâng cho thánh giả.
Ðáp:
- Phật chưa cho phép.
Các Bí-sô đem việc này bạch Phật.
Phật dạy:
- Ðược nhận.
Khi ấy, nghe Phật cho phép các
Bí-sô nhận giường, Tỳ Xá Khư mẹ Lộc Tử đem đến cúng năm trăm cái giường. Các
Bí-sô không biết thế nào, Phật dạy:
- Nên thứ tự chia đến các Bí-sô.
* Duyên xứ như trước. Có Bí-sô cần
bếp lò, nên mượn của trưởng giả, khi dùng xong đem trả lại. Trưởng giả nói:
- Con xin cúng cho thánh giả.
Bí-sô nói:
- Phật chưa cho phép.
Các Bí-sô đem việc này bạch Phật.
Phật dạy:
- Nên nhận.
Tỳ Xá Khư mẹ Lộc Tử dâng đến năm
trăm cái lò ... như trên ... thứ lớp phân đến các Bí-sô.
* Duyên xứ như trước. Có một Bí-sô
cần nồi nhuộm y, đến mượn của trưởng giả, xong việc đem trả. Họ nói:
- Xin cúng cho thánh giả.
Bí-sô thưa:
- Phật chưa cho phép.
Các Bí-sô đem việc này bạch
Phật.Phật dạy:
- Nên nhận cho đại chúng dùng.
* Duyên khởi như trước. Bí-sô bị
gãy giường, mượn đục của trưởng giả, sau đó trả lại. Họ nói:
- Xin dâng Thánh giả.
Ðáp:
- Phật chưa cho phép.
Các Bí-sô đem sự việc bạch Phật.
Phật dạy:
- Nên nhận đục ấy cho đại chúng.
Nhiếp tụng mười trong biệt môn hai:
Hứa cân phủ tam thê
Trúc mộc thằng tùy sự
Hạ quán tạo tự pháp
Thuyết Nan-đà nhân duyên.
* Có Bí-sô bị gãy chân giường, nên
cần búa,mượn Trưởng giả, sau đó trả lại ... như trên ... cho đến được
nhận cho chúng Tăng.
* Duyên xứ như trước. Ðức Phật ở
trong vườn Lộc Tử Mẫu, cho phép các Bí-sô làm chùa và tháp. Làm xong cao quá,
Bí-sô không biết làm sao leo lên. Phật dạy làm thang. Bí-sô không biết làm bằng
vật gì. Phật dạy:
- Ðược tùy ý dùng ba loại là tre gỗ
và dây để làm.
* Duyên tại thành Thất La Phiệt.
Bí-sô thân bị bệnh, đến gặp y sĩ hỏi:
- Hiền giả! Tôi có bệnh như vậy
trên thân, xin ngài chữa trị.
Y sĩ nói:
- Thánh giả! Hãy để trống bên dưới
thì hết bệnh.
Ðáp:
- Thế Tôn chưa cho phép.
Y sĩ nói:
- Thế Tôn từ bi cho phép không ngại
gì cả.
Các Bí-sô đem sự việc bạch Phật. Phật dạy:
- Nếu có bệnh, khai cho để trống ở dưới.
* Duyên xứ như trước. Như lời Phật
dạy, làm chùa cho Bí-sô, Tăng xá nên làm năm phòng; điện Phật làm bảy lớp; lầu
cổng bảy tầng. Nếu làm phòng chùa Ny nên ba lớp; điện Phật năm lớp; lầu cổng năm
tầng. Bí-sô không biết làm sao leo lên cao. Phật dạy:
- Bên góc cửa nên làm cầu thang để
leo, có ba loại cầu thang là đá, gỗ, đất.
Bí-sô không hiểu, làm cầu thang
tầng dưới bằng gỗ, tầng giữa bằng đất, tầng trên bằng đá, trên đè xuống làm dưới
bị hư. Phật dạy:
- Tầng dưới làm bằng đá, giữa bằng
đất, trên bằng gỗ.
CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ
TỲ-NẠI-DA TẠP SỰ
Quyển mười hết.
--- o0o ---
--- o0o ---
Source:
BuddhaSasana website (
By Binh Anson)
--- o0o ---
Trình bày: Nhị Tường
Cập nhật ngày 01-11-2002