TỔNG TẬP
VĂN
HỌC PHẬT GIÁO VIỆT NAM
Lê Mạnh
Thát
---o0o---
Tập III
=================
7.
TRƯỞNG LÃO ĐỊNH HƯƠNG
(1)
Đây nói Hương ở chùa Cảm Ứng tại Ba Sơn, nhưng truyện của Viên Chiếu dưới
nói: “Chiếu đến học với Định Hương ở núi Ba tiêu”. Vậy, Ba Sơn tức cũng Ba
Tiêu Sơn. Có lẽ vì sự sai khác vừa thấy, bản in đời Nguyễn thay vì có Ba
Sơn, nó đã viết Tiêu Sơn. Nhưng cứ sử thì Ba Sơn và Tiêu Sơn cũng là một.
Vạn Hạnh sau khi dựa vào sấm văn để tuyên bố là “nhà Lê đương mất, nhà Lý
đương hưng”, thì “Lý Công Uẩn sợ lời nói đó tiết lộ, sai anh mình đem Vạn
Hạnh đi mất”. Đại Việt sử lược 2 tờ 1b3 nói “dấu Vạn Hạnh ở Ba Sơn”. Song
Đại Việt sử ký toàn thư B1 tờ 32a6 thì nói “dấu Vạn Hạnh ở Tiêu Sơn”. Việt
sử tiêu án 1 tờ 25 b7 cũng nói “dấu Vạn Hạnh ở Tiêu Sơn”. Thì rõ ràng Tiêu
Sơn của thời Lê trở đi là Ba Sơn của thời Lý Trần.
Lịch
triều hiến chương loại chí 3 tờ 2a5-6 nói: “Tiêu Sơn ở tại xã Tiêu Sơn
huyện Yên Phong, trên có chùa Trường Liêu, triều Lý dựng theo chỗ tu trì
của tể tướng thiền sư Vạn Hạnh. Lý Thái tổ đầu thai ở đó”. Đại nam nhất
thống chí 38, tỉnh Bắc Ninh viết: “Tiêu Sơn ở phía tây nam huyện lỵ Yên
Phong 14 dặm. Núi có chùa Thiên Tâm và chùa Trường Liêu. Mẹ Lý Thái Tổ có
lần đến chơi chùa Tiêu Sơn, cùng giao hợp với thần nhân mà sinh ra vua.
Quốc sư nhà Lý là Sư Vạn Hạnh có bài sấm cây bông gạo truyền ra từ nơi
đây”. Núi Tiêu Sơn như vậy ở tại xã Tiêu Sơn, huyện Yên Phong tỉnh Hà Bắc
ngày nay.
Còn về
chùa Cảm Ứng. Lịch triều hiến chương loại chí cũng như Đại nam nhất thống
chí không thấy nói tới. Bộ trước kê ra một chùa tên Trường Liêu cho núi
Tiêu Sơn. Bộ sau thêm chùa Thiên Tâm. Vậy chùa nào là chùa Cảm Ứng? Về
chùa Trường Liêu, Đại nam nhất thống chí 39, tỉnh Bắc Ninh viết: “Chùa Lục
Tổ tức là chùa Trường Liêu. Sử ký nói: “Sư Vạn Hạnh trú trì chùa đó, sau
mất, Lý Thái Tổ tự thân đến điếu viếng, dựng đàn siêu độ, cấp dân làm tự
đinh, quanh năm cúng thờ”. Nhưng cứ truyện Thường Chiếu tờ 37b7 thì chùa
Lục Tổ ở tại làng Dịch Bảng phủ Thiên Đức, tức làng Đình Bảng, huyện Từ
Sơn hiện nay. Vậy chùa Trường Liêu dứt khoát không phải là chùa Lục Tổ.
Cứ Khâm định Việt sử thông giám cương mục chính biên 2 tờ 7b1 thì chùa
Trường Liêu tức chùa Tiêu Sơn . Còn chùa Thiên Tâm, Việt sử tiêu án 1 tờ
77a9-b1 viết: “Nguyên trước, viện Cảm Tuyển, chùa Thiên Tâm, châu Cổ Pháp
có con chó sinh con sắc trắng có lông đen vằn vện có hai chữ ‘Thiên tử’,
người ta bàn cho rằng đó là điềm năm Tuất sẽ sinh ra một người đại quý.
Vua quả sinh vào năm Giáp Tuất Thái Bình thứ 5” Chuyện này Đại Việt sử
lược 2 tờ 2a5-7 nói xảy ra ở “chùa Ứng Thiên, châu Cổ Pháp”, còn Đại Việt
sử ký toàn thư B2 tờ 1b6-2a1 thì ghi nói tại “viện Cảm Tuyển chùa Ứng
Thiên Tâm, châu Cổ Pháp”. Ngoài ra, Toàn thư B2 tờ 1a3 bảo mẹ Lý Công Uẩn
thường đến chơi chùa Tiêu Sơn, cùng giao hợp với thần nhân mà sinh Uẩn.
Việt sử tiêu án 1 tờ 77b6-8 lại dẫn Ngoại truyện, rồi viết: “Mẹ vua năm
tuổi hai mươi, nghèo khổ không chồng, đến nương tựa vị Sa môn già chùa Ứng
Thiên, vị Sa môn già cho làm bếp, bèn giả ngủ, lửa tắt, vị Sa môn bỗng
chạm đến, kinh hoảng đứng dậy, trong lòng biết mình có thai mà sinh ra
vua”. Cứ vào những dẫn chứng đó thì chùa Tiêu Sơn cũng là chùa Ứng Thiên,
cũng là chùa Ứng Thiên Tâm, cũng là chùa Thiên Tâm. Từ đấy ta cũng có thể
nói chùa Cảm Ứng là nó bởi những sai khác tên gọi vừa thấy đồng bởi chùa
Ứng Thiên Tâm. Lại có viện Cảm Tuyển, mà chính truyện của Vạn Hạnh của
Thiền uyển tập anh viết thành Hàm Toại, nên rất có thể tự nguyên ủy người
ta thường gọi tắt tên chùa là Cảm Ứng.
(2)
Đại Việt sử lược 2 tờ 2b10 và Đại Việt sử ký toàn thư B2 tờ 3a2 nói năm
1010 Lý Thái Tổ “đổi Cổ Pháp làm Thiên Đức”. Khâm định Việt sử thông giám
cương mục chính biên 2 tờ 6b3-6 chú: “Cổ Pháp tên Châu, từ Đinh về trước
là châu Cổ Lãm, nhà Lê đổi là Cổ Pháp, nhà Lý nâng lên làm phủ Thiên Đức,
đời Trần cải làm huyện Đông Ngạn, nhà Hậu Lê nhân theo, nay là huyện Đông
Ngạn, tỉnh Bắc Ninh ấy vậy”. Đại nam nhất thống chí 38, tỉnh Bắc Ninh cũng
chép vậy. Nhưng rõ ràng phủ Thiên Đức thời Lý không chỉ gồm có huyện Đông
Ngạn, bởi vì Thiền uyển tập anh ở đấy nói Ba Sơn ở phủ Thiên Đức, nhưng Ba
Sơn ngày nay và thời Đại nam nhất thống chí 1 ở tại huyện Yên Phong. Vậy,
tối thiểu phủ Thiên Đức gồm ngoài huyện Đông Ngạn ra, còn có huyện Yên
Phong và huyện Tiên Du nữa.
(3)
Chu Minh là quê hương của bốn vị thiền sư khác ngoài Định Hương, ấy là Bảo
Tính, Minh Tâm, Cứu Chỉ và Tín Học. Nó cũng là nơi có chùa Thông Thánh, ở
đó Tức Lự đã sống và dạy dỗ học trò. Theo truyện của Tức Lự thì nó thuộc
về phủ Thiên Đức. Truyện của Cứu Chỉ nói Chỉ người Phù Đàm, Chu Minh. Đại
Việt lịch triều đăng khoa lục 1 có ghi một làng tên Phù đàm quê hương của
Quách Tán tiến sĩ khoa 1478 và nói Phù đàm thuộc huyện Đông Ngạn, Phù đàm
như vậy là tên một làng thuộc huyện Đông Ngạn, tức huyện Từ Sơn, tỉnh Hà
Bắc hiện nay. Cứ vào đồng nhất này và cứ vào việc Chu Minh thuộc phủ Thiên
Đức, chúng tôi giả thiết Phù đàm và Chu Minh rất có thể bao gồm cả địa
phận làng Phù đàm và vài làng kế cận thuộc huyện Từ Sơn, tỉnh Hà Bắc hiện
nay. Thực tế, ngày nay ta đã biết Chu Minh thuộc địa phận làng Tân Hồng.
(4)
Nguyên văn: Đệ tử liễu thời hoàn đồng vị liễu. thiền sư Qui Sơn Linh Hựu:
“Cho nên Tổ sư nói: Biết rồi cũng giống như chưa ngộ”. Xem Truyền đăng lục
29 tờ 264b25. Xem thêm Long Nha hòa thượng, Cư độn tụng:
Ngộ liễu
hoàn đồng vị ngộ nhân
Vô tâm
thắng bại tự an thần
Tùng
tiền cổ đức xưng bần đạo
Hướng
thử môn trung hữu kỷ nhân.
Xem
Truyền đăng lục 29 tờ 453a1-2.
(5)
Nguyên văn: Sùng Hưng Đại Bảo tam niên Canh Dần. Nhưng cứ Đại Việt sử lược
2 tờ 9a2 và Đại Việt sử ký toàn thư B2 tờ 37b1 thì Canh Dần phải nhằm năm
Sùng Hưng Đại Bảo thứ hai, chứ không phải thứ ba. Chữ tam chắc chắn là
một viết lộn của chữ nhị, chỉ cần thêm một nét thôi. Chúng tôi dịch theo
đề nghị sửa sai này.
(6)
Đồng An Sát thiền sư. Thập huyền đàm:
Diệu thể
bản lai vô xứ sở
Thông
thân hà cánh hữu tung do
Xem
Truyền đăng lục 29 tờ 455b9-10
(7) Về
ý và từ, rút ra từ định nghĩa không không trong Đại trí độ luận, “Những gì
là không không? Trả lời: Tất cả mọi vật đều không, cái không ấy cũng không
nên gọi là không không”
(Hà đẳng
vi không không? Nhất thiết pháp không thời không diệc không, thị danh
không không)
Đại trí
độ luận còn định nghĩa thêm: “Không không là đem không mà phá vỡ nội
không, ngoại không phá ba không đó gọi là không không” (3). Xem Đại trí độ
luận 31 tờ 287c 24-27
8. THIỀN
SƯ THIỀN LÃO
(1)
Thiền Lão đúng ra phải có tên là Thiền Nguyệt. Xem chú thích (2) truyện Lý
Thái Tông. Nhưng có lẽ vì tôn trọng Nguyệt, nên chỉ xưng Thiền Lão, rồi
sau thành quen. Nhưng cũng có thể tránh húy Nguyệt của Thiện Đạo quốc mẫu.
(2)
Núi Thiên Phúc này là một ngọn của núi Tiên Du, bởi vì truyện của Đạo Huệ
ở tờ 23b5 nói Huệ ở “chùa Quang Minh, núi Thiên Phúc, Tiên Du”, nhưng
truyện của Cứu Chỉ ở tờ 16b7 nói Chỉ “vào ở chùa Quang Minh núi Tiên Du”.
Thì núi Thiên Phúc là núi Tiên Du, tức núi Lạn Kha hay núi Phật Tích ở xã
Phật Tích huyện Tiên Du, tỉnh Hà Bắc hiện nay. Có lẽ, cái tên Thiên Phúc
bắt đầu xuất hiện lúc Lý Thái Tông xây viện Thiên Phúc ở núi Tiên Du, mà
Đại Việt sử ký toàn thư B2 tờ 29b7 ghi lại vào năm 1041.
(3)
Từ Sơn đây chắc là Tư sơn khắc sai vì tự dạng giống nhau. Hiện tượng này
xảy ra nhiều lần trong bản in này. Ngoài ra, cứ truyện của Thiền Lão thì
Lão không ở nơi nào khác “chùa Trùng minh núi Thiên Phúc, Tiên Du”.
(4)
Tham chiếu câu trả lời của Toàn Phó trong Truyền đăng lục. Có người hỏi
Phó: “Hòa thượng tuổi nhiều ít?”
Phó trả
lời:
“Thỉ
kiến khứ niên cửu nguyệt cửu
Như kim
hựu kiến thu điệp hoàng”
(Mới
thấy năm qua chín tháng chín
Mà nay
lại gặp lá thu vàng).
Xem
Truyền đăng lục 12 tờ 297b 20 - 21
(5)
Thúy trúc hoàng hoa. Cách ngữ của thiền nhằm chỉ chân lý không nằm đâu xa,
nó nằm ngay trước mặt, ý nghĩa rút từ câu nói của thiền sư Đại Châu Huệ
Hải: “Trúc biếc xanh xanh, đều là pháp thân, hoa vàng dờn dợn, chẳng gì là
chẳng phải Bát nhã”. Xem Truyền đăng lục 6 tờ 247 c15.
(6) Cứ
vào đây thì hình như Thiền Lão phải viên tịch dưới thời Lý Thái Tông.
Nhưng truyện của Quảng Trí ở tờ 18a9-10 nói: “Năm đầu Chương Thánh Gia
khánh (1059) Sư bỏ đời đến tham học với Thiền Lão ở Tiên Du”, thì rõ ràng
Lão không thể viên tịch dưới triều Lý Thái Tông được, bởi vì Chương Thánh
Gia Khánh là niên hiệu của Lý Thánh Tông. Lý Thái Tông mất năm 1054.
9. THIỀN
SƯ VIÊN CHIẾU
(1)
Tức huyện Thanh Trì. Lịch triều hiến chương loại chí 2 tờ 28b2 nói: “Huyện
Thanh Trì, xưa gọi là Thanh Đàm”. Đại nam nhất thống chí, tỉnh Hà Nội,
nói: “Huyện Thanh Trì xưa là châu Long Đàm thuộc phủ Giao Châu, Lê Quang
Thuận đổi lại cho lệ thuộc vào phủ thống hạt. Đời Trung Hưng tránh tên húy
mới đổi là Thanh Trì”. Phương đình Dư địa chí 5 nói: “Huyện Thanh Trì xưa
là Long Đàm nhà Minh đổi làm Thanh Đàm thuộc châu Phúc Yên, Lê Trung Hưng
đổi làm Thanh Trì, lại đổi chữ Thanh ba chấm thủy thành chữ Thanh không có
ba chấm thủy, lĩnh mười hai tổng, 100 xã thôn sở”. Hoàng minh thực lục
ghi: “Ngày mồng một Quý Tỵ tháng sáu năm Vĩnh Lạc thứ năm (1407) đổi huyện
Long Đàm xưa ra làm Thanh Đàm”. Lịch triều hiến chương loại chí 2 tờ 28b2
viết: “Huyện Thanh Trì xưa gọi là Thanh Đàm, đời Lê Trung Hưng vì tránh
húy của Thế Tôn (là Đàm) cải làm Thanh Trì”. Nay là huyện Thanh Trì, tỉnh
Hà Đông.
(2)
Phúc đường vì bao gồm Long Đàm, tức phải gồm huyện Thanh Trì ngày nay và
một số huyện khác, mà trong đó rất có thể nhất là huyện Thượng Phúc ngày
nay. Cái tên Phúc đường cho đến thời Trần vẫn còn dùng. Thầy của Tuệ Trung
Thượng Sỹ là Tiêu Diêu, quê quán ở Phúc Đường. Thượng sĩ ngữ lục tờ
31b7-32a3 còn chép một bài thơ của Tuệ Trung tả cảnh vật Phúc đường, nhan
đề Phúc đường cảnh vật:
Phúc
đường cảnh trí đã là đây
Nhờ
ngọn gió thiền mát mẻ thay
Lơ thơ
dậu dưới măng gầy mọc
Vắng vẻ
sân sâu tùng phủ đầy
Thời
chưa gặp thái, ra hiền thánh
Núi thẳm
thú lành ẩn khá vui
Hôm sớm
trời già khai Phật nhật
Mận đào
bỏ ngỏ ánh xuân say
(3)
Tức là mẹ của Lý Thánh Tông. Đại Việt sử lược 2 tờ 11a1 viết: “Long Thụy
Thái Bình năm thứ nhất (1054) tôn mẹ Mai Thị làm Linh Cảm thái hậu”. Hoàng
Xuân Hãn trong Lý Thường Kiệt (Viện Đại học Vạn Hạnh xuất bản, 1966, tr
422 và 432) vì không nhận ra điều vừa dẫn tưởng lầm Linh Cảm thái hậu là
Linh Nhân thái hậu, nên đã hai lần viết “Sư Viên Chiếu cháu Thái hậu Linh
Nhân” hay “Sư Viên Chiếu là con anh thái hậu Ỷ Lan”. Thực ra, Đại Việt sử
lược là cuốn sử duy nhất nói Thái hậu Linh Cảm là mẹ của Lý Thánh Tông.
Các cuốn sử khác như Đại Việt sử ký toàn thư B2 tờ 39b1 và Khâm định Việt
sử thông giám cương mục chính biên 3 tờ 21a1 thì ghi: “Tôn mẹ Mai Thị làm
Kim Thiên hoàng thái hậu”. Đại Việt sử lược là một cuốn sử đời Trần ghi là
Thái hậu Linh Cảm, thì không biết Đại Việt sử ký toàn thư đã lấy cái tên
Kim Thiên hoàng thái hậu từ đâu?
(4)
Truyện của Nguyện Học ở tờ 35b7 có nói Học “nhỏ theo học với Viên Trí chùa
Mật Nghiêm”. Nhưng Viên Trí chùa Mật Nghiêm này tất không phải là vị
trưởng lão chùa Mật Nghiêm ở đây, bởi vì Nguyện Học mất năm 1175 thì dù
Học có sống tới 95 tuổi đi nữa, Viên Trí vào năm Học sinh, tức năm 1080,
có già tới 80 tuổi đi nữa, Viên Trí bấy giờ mới là người cùng thế hệ với
Viên Chiếu mà thôi. Chiếu sinh năm 999 và mất năm 1090. Do thế, vị trưởng
lão chùa Mật Nghiêm ở đây rất có thể là thầy của Viên Trí.
(5)
Tức ba pháp tu thiền định kê ra trong kinh Viên giác nhằm đạt được sự giác
ngộ hoàn toàn, đây là samatha (Phạn: samatha), tam ma bạt đề (samàpatti)
và thiền na (dhyàna). Samatha nguyên nghĩa nó là dừng nghỉ, nghĩa là, làm
cho tâm hồn tán loạn, dừng nghỉ lại một chỗ. Do sự thanh trừng các ý niệm
sai lầm và hiểu được sự vọng động của các thức, “trí tuệ thanh tịnh phát
sinh, thân tâm khách trần theo đấy mà mất hẳn, từ đó bên trong cảm thấy
tĩnh tịch nhẹ nhàng. Do sự tịch tĩnh đó nên tâm của các Như Lai ở trong
mười phương thế giới được hiện rõ như bóng ở trong gương. Phương tiện đó
gọi là sa ma tha”. Samàpatti nguyên nghĩa là để vào một nơi, tập trung vào
một chỗ, nghĩa là “đem cái tâm giác ngộ thanh tịnh, hiểu biết rằng tâm
tánh và căn trần đều do huyễn hóa mà dấy lên các huyễn để trừ huyễn, biến
ra các huyễn để phơi bày mọi thứ huyễn, nên bên trong phát ra lòng đại bi
nhẹ nhàng.... Phương tiện đó gọi là tam ma bát đề. Dhyàna nguyên nghĩa là
suy nghĩ, chiêm nghiệm nghĩa là, “biết rõ rằng thân tâm đều trở ngại vì
không biết sự giác ngộ sáng suốt là không dựa vào các thứ ngăn che, vĩnh
viễn vượt qua được thế giới có ngăn che và không ngăn che..., phiền não và
niết bàn cũng không còn vướng mắc nhau, thì niềm nhẹ nhàng tịch diệt phát
ra bên trong... phương tiện đó gọi là thiền na”. Xem Đại phương quảng viên
giác tu đa la liễu nghĩa kinh ĐKT 842 tờ 917c 14 tờ 918a4.
(6) An
nam chí nguyên 3 tờ 209 dẫn đoạn này: “Thiền sư Viên Chiếu là vị sư huyện
Thanh Đàm thông minh hiếu học, nghiên cứu thiền tông. Một hôm nằm mộng
thấy Bồ tát Văn Thù đem dao đến mổ bụng súc ruột dùng thuốc rịt lại. Từ đó
những gì đã học trong lòng trở thành rõ ràng như đã từng biết. Về sau tôn
phong của Sư nổi lớn”. Xem thêm Đạo giáo nguyên lưu quyển thượng tờ
16a4-5.
(7)
Ngôn ngữ tam muội này, tức là một tên khác của Phân biệt cư pháp cú tam
muội, một trong 108 thứ tam muội do Đại phẩm bát nhã dẫn ra, mà Đại trí độ
luận giải thích thế này: “Chứng được thứ tam muội đó thì có thể phân biệt
hết ngôn ngữ văn tự của tất cả các pháp, giảng thuyết cho chúng sanh không
vướng mắc trở ngại”. Xem Đại trí độ luận 17 tờ 400c 28-29
(8) An
nam chí lược 15 tờ 147 dẫn đoạn này, rồi bảo là từ Tham đồ hiển quyết. Nó
viết: “Thiền sư Mai Viên Chiếu thường viết Tham đồ hiển quyết, đại khái
nói rằng: ‘Một hôm đang ngồi trước nhà, bỗng có một vị sư đến hỏi: Phật
với Thánh, nghĩa thế nào?’
Chiếu
đáp:
Cúc trùng dương dưới dậu
Oanh
thục khí đầu cành
Sách ấy
phần lớn gồm những lời như vậy”.
Cứ vào
đâu nói “Sách ấy phần lớn gồm những thứ đó” của Lê Tắc, ta có thể kết luận
rằng tất cả cơ duyên thoại ngữ trong truyện này đều rút ra từ Tham đồ hiển
quyết, nếu không là toàn bộ Tham đồ hiển quyết, mà các tác giả Thiền uyển
tập anh đã chép vào đây. Chúng tôi nghĩ rằng, nó rất có thể là toàn bộ,
bởi vì so với phần Đối cơ của Thượng sĩ ngữ lục, số thoại ngữ dẫn ra đây
lên tới đến 108 câu hỏi đáp, trong khi của Thượng sĩ ngữ lục chỉ tới 96
câu mà thôi, thì cũng đủ thấy nó đã đầy đủ tới mức nào. Dầu một phần hay
toàn bộ, ta có thể nói rằng Tham đồ hiển quyết là tác phẩm văn học và tư
tưởng xưa nhất của đời Lý được bảo tồn dưới một dạng hình trọn vẹn.
(9) Bồ
Đề Đạt Mạ chín năm bích quán trên Thiếu thất. Phật Thích Ca 20 ngày trầm
mặc tại Ma Kiệt Đà. Ở đây muốn nói đến mật chỉ của Phật và Tổ. Lâm Khê
Kỉnh Thoát hòa thượng, Nhập đạo thiền thâm tụng:
Thiếu thất dữ Ma kiệt
Đệ đại
xưng dương hử
Ngã kim
vấn nhữ đồ
Thùy tác tương lai chủ
Xem Truyền đăng lục 29 tờ 454 a21.
(10)
Càn tượng và Khôn duy là những từ lấy ở Chu dịch, thiên Hệ từ thượng:
“Trời cao đất thấp, định ra càn và khôn... Ở trên trời thành nên tượng, ở
dưới đất tạo nên hình, biến hóa mà hiện ra”. Xem Chu dịch 7 tờ 1a3-7.
Những từ đấy dùng để chỉ trời, đất. Từ Nhạc Hoài là để chỉ núi sông. Nhạc
tức là Ngũ nhạc, tức năm ngọn núi lớn của Trung Quốc, đây tượng trưng cho
tất cả núi. Hoài tức sông Hoài, đây chỉ cho tất cả sông.
(11) Ý
và từ rút từ hai câu của Đường Thái Tông tặng cho Tiêu Vũ:
Tật
phong tri kỉnh thảo
Bản đảng thức thành thần
Xem Tân
đường thơ 101 tờ 2a 9-10. Trong Quốc âm thi tập Nguyễn Trãi dịch:
Khi bão mới hay là cỏ cứng
Thuở nghèo thì biết có tôi lành
(12) Có
người hỏi thiền sư Minh Chiếu: “Một tạng tròn sáng, thì thế là gì?” Chiếu
đáp: “Nhọc người xa đến”. Hỏi: “Thế chẳng phải là một tạng tròn sáng
sao?”. Chiếu đáp: “Xin uống một chén trà”. Xem Truyền đăng lục 20 tờ 367c
13-15.
(13) Có
người hỏi thiền sư Ấn Xương: “Khi không chịu bàn bạc thì sao?” Xương đáp:
“Thì đến mà làm gì?” Hỏi: “Đến cũng không bàn bạc”. Đáp: “Đến suông cũng
ích gì?”. (Không lai hà ích). Xem Truyền đăng lục 20 tờ 363b 15-17.
(14) Có
người hỏi thiền sư Đại Châu Huệ Hải: “Pháp thân và Bát nhã là gì?” Hải
đáp: “Xanh xanh trúc biếc đều là pháp thân, dờn dợn hoa vàng chẳng cái nào
là chẳng Bát nhã”. Xem Truyền đăng lục 6 tờ 247c15.
(15)
Đông a, nơi ông già hẹn gặp Trương Lương sau 13 năm. Trương Lương là bầy
tôi nước Hàn. Khi Tần Thỉ Hoàng thống nhất Trung Quốc, Lương muốn báo thù
cho nước, nhưng không có cách nào thành công. Một hôm gặp một ông già trên
cầu. Ông đánh rơi chiếc dép xuống cầu và bảo Lương đi lượm. Lương dầu tức
giận, vẫn làm theo lời ông. Sau ông trao bí quyết cho Lương và dặn Lương
sau 13 năm đến gặp ông ở Cốc Thành. Bùi Ân chua Cốc Thành ở huyện Đông A.
Xem Sử ký 55 tờ 2b2-4.
(16) Dã
Hiên, tên gọi đủ là Dã Hiên Tuân thuộc phái thiền Lâm tế. Thiền tông tụng
cổ liên châu thông tập 21 tờ 128c5-6 (256a5-6) có chép một bài thơ của vị
thiền sư này:
Trụy
miên nhất phiến đá nhất khai
Hốt
nhiên cuống quyết hống như lôi
Quân
khan mã đái hồng anh phất
Chỉ thị
khứ niên Tăng tú tài
Niên đại
của Dã Hiên hiện chưa xác định rõ. Nhưng chúng ta có thể chắc chắn Dã Hiên
phải sống trước thời Viên Chiếu, tức trước năm 999 và sau thời Lâm Tế
Nghĩa Huyền, tức sau năm 867. Tác phẩm của vị thiền sư này tương đối phổ
biến ở nước ta. Trong Thượng sĩ hành trạng do Trần Nhân Tông viết và in ở
Thượng sĩ ngữ lục tờ 40a4-5, Trần Nhân Tông nói rằng trong khi để tang mẹ
mình thì có yêu cầu Tuệ Trung “giảng hai lục Tuyết Đậu và Dã Hiên”. Tuyết
Đậu lục là của Tuyết Đậu Trùng Hiển (980-1052), còn Dã hiên lục thì chắc
chắn là của Dã Hiên Tuân (890-970?).
(17)
Kim Cốc, nơi Thạch Sùng, người giàu nhất đời Tấn, xây dựng lâu đài cực kỳ
tráng lệ xa hoa và là nơi ái thiếp của Sùng là Lục Châu tự tử, hiện ở phía
tây bắc huyện Lạc Dương, tỉnh Hà Nam. Xem Tấn thư 3 tờ 10b7-13a4.
(18)
Long nữ hiến châu. Điển một người con gái dâng châu cho Phật trên hội Linh
Sơn và thành Phật ngay sau đó. Xem Diệu pháp liên hoa kinh 12, phẩm Đề bà
đạt đa tờ 3a-b. Xem thêm hòa thượng Đan Hà, Ngoạn châu ngâm:
Long nữ Linh Sơn thân hiến Phật
Bần nhi y hạ kỷ ta đà
Xem
Truyền đăng lục 30 tờ 463b25.
Đàn na,
phiên âm chữ Phạn dàna, nghĩa là bố thí.
(19)
Lao nhi vô công. Chữ lấy từ thiên Hiếu hạnh lãm của Lã thị xuân thu: “Cầu
chi kỳ bản, kinh tuần nhi đắc, cầu chi kỳ mạt, lao nhi vô công”. (Tìm cái
gốc nó thì qua tuần tất có, tìm cái ngọn nó thì nhọc mà vô ích). Xem Lã
thị xuân thu 14 tờ 3a8, Thành ngữ Lao nhi vô công cũng thường dùng trong
Phật giáo để chỉ việc tu Thiền mà không kiêm tu Tịnh độ.
(20) Có
người hỏi thiền sư Âu Chương: “Thế nào là:
Một vầng
trăng treo
Muôn
nước đều thấy”.
Chương
đáp: “Khó nói với kẻ nhắm mắt”. Xem Truyền đăng lục 20 tờ 367b 23-24.
(21)
Thí dụ chiếc thuyền, rút ra từ kinh Kim cang: “Nên biết rằng Ta nói pháp
cũng như thí dụ về chiếc thuyền”. Xem Kim cang kinh tờ 749b10. Vĩnh Gia
Huyền Giác, Quán tâm thập môn:
Nhiên độ
hải ưng thượng thuyền
Phi
thuyền hà năng độ?
(Nhưng
qua biển phải lên thuyền,
Không
thuyền sao qua được?)
Xem Truyền đăng lục 5 tờ 242a18-19
(22)
Tùy lưu thỉ hoạch diệu lý. Từ và ý rút ra từ bài kệ truyền pháp của Ma
Noa La, Tổ thiền thứ 22 ở Ấn độ:
Tùy tâm vạn cảnh chuyển
Chuyển xứ thật năng u
Tùy lưu nhận đắc tánh
Vô hỷ phục vô ưu
Xem Truyền đăng lục 2 tờ 214a 24- 25
(23)
Điển Kinh Kha đi sứ Tần trong Chiến quốc sách. Thái tử nước Yên và khách
khứa tiễn Kha đến sông Dịch. Cao Tiệm Ly đánh đàn, Kinh Kha tiến mà ca:
“Gió vi vu hề sông Dịch lạnh tê
Tráng sĩ một đi hề không trở về”
Xem Chiến quốc sách 31 tờ 5b10-11.
(24)
Thí dụ vàng quặng của kinh Viên giác: “Thiện nam tử, như luyện quặng vàng,
vàng không phải do luyện mà có. Khi đã thành vàng rồi thì không trở lại
làm quặng nữa, trải qua thời gian vô cùng, tính vàng vẫn không hoại mất”.
Xem Đại Phương quảng viên giác tu đa la liễu nghĩa kinh tờ 915c17-18.
(25)
Điển của Tề Văn 4 trong Chiến quốc sách và của thiên Thuyết lâm trong Hàn
phi tử. Tỉnh Quách Quân nước Tề muốn xây thành Tiết. Có nhiều người can
ngăn nên dặn kẻ gác cửa, hễ ai xin vô để can ngăn thì đừng cho vô. Có
người nước Tề xin vô để nói ba tiếng thôi, rồi chết cũng đành. Quách Quân
cho vô. Người khách chỉ nói lớn ba tiếng “Biển cá lớn”, rồi vọt chạy.
Quách Quân ngạc nhiên cho gọi lại. Người khách mới giải thích ba chữ đó có
nghĩa gì. Quách Quân mới thôi xây thành Tiết. Xem Chiến quốc sách 8 tờ
1b2a và Hàn phi tử 8 tờ 5b-6a
(26)
Điển của Tề Văn 2 trong Chiến quốc sách. Nước Sở có hai người thi vẽ rắn
để uống rượu. Một người vẽ xong trước lại vẽ thêm chân. Người vẽ xong sau
không chịu, cho rằng rắng không có chân, rồi giựt ly rượu mà uống. Xem
Chiến quốc sách 9 tờ 2b-3a.
(27)
Thiền sư Thanh Lâm:
Tử xà đương đại lộ
Khuyến tử mạc đương đầu.
(Rắn chết giữa đường lớn
Xin ông chớ đương đầu)
Xem Vạn
tùng lão nhân bình xướng Thiên Đồng Giác hòa thượng lụng cổ tùng dung am
lục 4 tắc 5 tờ 264a26-c6.
(28)
Hứa Chân Quân, tên tục là Hứa Tốn làm quan lịnh Tinh dương đời Bắc Ngụy.
Theo truyền thuyết, ông sau theo đạo thần tiên và bay lên trời, đến đời
nhà Triệu Tống thì được phong là Thần công diệu tế chân quân. Cái tên Hứa
Chân Quân do thế mà có. Xem Ngụy thư 46 tờ 2b8 và Thái Bình quảng ký, Thần
tiên 14.
(29)
Hải tạng, chỉ đạo Phật trong kinh điển hay tất cả kinh điển đạo Phật. Tào
Khê, chỉ cho Thiền phái. Phật Quả tham bái Chân Giác Thắng. Thắng chích
cánh tay chảy máu, rồi nói: “Đây là một giọt Tào Khê”. Xem Tục truyền đăng
lục 25 tờ 634a5.
(30)
Bất dị kim thời, đặc ngữ của thiền chỉ cho việc sau khi giác ngộ không
khác gì lúc chưa giác ngộ. hòa thượng Bảo Chí, Thập nhị thời tụng:
Giả sử tâm thông vô lượng thì
Lịch kiếp hà tằng dị kim nhật.
(Giả sử lòng thông từ vô thỉ
Nhiều
kiếp sao tằng khác hôm nay)
Xem Truyền đăng lục 29 tờ 450b16-17.
(31)
Thiền sư Minh Giác thượng đường, có vị sư hỏi: “Sờ sờ ở khoảng mắt lòng,
mà tướng không thể thấy, rành rành trong vòng sắc trần mà lý không thể
phân. Đã ở trong khoảng mắt lòng sao lại không thấy tướng của nó? (Chiêu
chiêu ư tâm mục chi gian, nhi tướng bất khả đỗ. Hoảng hoảng tại sắc trần
chi nội nhi lý bất khả phân. Ký ư tâm mục chi gian, vi thập ma bất đổ kỳ
tướng?).
Xem Minh giác ngữ lục tờ 760a4.
(32)
Thiền sư Đồng An Sát, Thập huyền đàm, “hồi cơ”:
Niết bàn thành lý thượng do nguy
Mạch lộ tương phùng một định kỳ
Quyền quải cấu y vân thị Phật
Khước trang trân ngự phục danh thùy
Mộc nhân dạ bán xuyên ngoa khứ
Thạch
nữ thiên minh tải mạo qui
Vạn cổ bích đàm không giới nguyệt
Tái tam lao lộc nãi ưng tri.
(Niết bàn thành ấy vẫn còn nguy
Đường phố gặp nhau chẳng hẹn kỳ
Giả mặc đồ dơ tên gọi Phật
Nếu mang áo ngự gọi tên gì
Nửa đêm người gỗ mang giày mất
Tinh sương gái đá đội mũ về
Đầm biếc ngàn xưa trăng trời giọi
Ba lần mò mẫm mới tỏ hay).
Xem Truyền đăng lục 29 tờ 455c5-8.
(33)
Long Đàm Sùng Tín hỏi Đạo Ngô: “Làm sao để quyết chắc?”
Ngô nói:
“Nhiệm tính tiêu điêu
Tùy duyên phóng khoáng”
(Tiêu điêu mặc tính
Phóng khoáng tùy duyên)
Xem
Truyền đăng lục 14 tờ 313b 21-22.
(34)
Điển rút từ thiên Ngũ đố trong Hàn phi tử. Nước Tống có người làm nông gặp
một con thỏ chạy vấp phải một gốc cây mà chết. Anh đem về làm thịt ăn. Hôm
sau anh ra đồng, bỏ cả cày bừa, đến gốc cây ngồi đợi một con thỏ khác. Thỏ
khác đã không được, mà còn bị cả nước Tống cười. Xem Hàn phi tử 19 tờ
1a-b.
(35)
Nang trung bảo, từ rút ra từ phẩm Ngũ bách đệ tử thọ ký của kinh Pháp
hoa, nhằm chỉ cho Phật tánh sẵn có trong mọi người. Thơ của thiền sư Đỗ
Lăng Úc:
Ngã hữu
thần châu nhất khỏa
Cửu bị trần lao cơ tỏa
Kim triêu trần Tịnh Quang sanh
Chiếu kiến sơn hà vạn đóa.
(Ta có ngọc thần một quả
Lâu bị bụi trần phủ xóa
Sáng nay bụi hết sáng ra
Soi thấu sơn hà muôn đóa).
(36) Có
người hỏi Âu Chương: “Bỗng nhiên không mây, thì trăng trung thu ra sao?”.
Chương đáp: “Tốt nhất là không mây”. Xem Truyền đăng lục 20 tờ 367b 22-23.
(37)
Điển lấy từ thiên Đạo chích của Trang Tử. Vỹ Sinh có hẹn với một người con
gái dưới cầu. Người con gái ấy không đến. Nước sông dâng lên. Vỹ Sinh ôm
cột cầu mà chết. Xem Trang Tử 9 tờ 21a2-3.
(38)
Một pháp hay nhất pháp, nếu muốn cho đủ thì phải nói:
“Thật tế lý địa
Bất thọ nhất trần
Phật sự môn trung
Bất xả nhất pháp”
Xem
Truyền đăng lục 14 tờ 269b 17-18.
(39) Tổ
Long, một biệt hiệu của Tần Thỉ Hoàng, hâm mộ thuật trường sinh, sai đạo
sĩ Từ Phúc, cũng có tên là Từ Thị, dẫn một ngàn đồng nhi ra biển đông tìm
Bồng lai vào năm 217 trước tây lịch. Bồng lai đâu không thấy, mà bảy năm
sau, Tần Thỉ Hoàng chết. Và họ chẳng bao giờ trở về. Xem Sử ký 6 tờ 14a11
và 21a8.
(40) Có
người xin Diên Chiểu “Chặt đứt cội gốc”.
Chiểu
đáp:
“Ít gặp
khách sâu mũi
Nhiều
trạm người khắc thuyền”
Hỏi:
“Chính vào lúc đó thì sao?”.
Chiểu
đáp:
Rùa mù gặp gỗ đầu yên ổn
Cây héo sinh hoa vật ngoại xuân
Xem
Truyền đăng lục 14 tờ 303a10-13.
(41) Có
người hỏi thiền sư Huệ Thanh: “Xưa Phật chưa ra đời thì như sao?”. Thanh
đáp: “Ngàn năm gốc cà ấy” (Thiên niên già tử căn). Xem Truyền đăng lục 12
tờ 297c 18-19.
(42)
Thiền sư Văn Ích, Văn Ích tụng:
Ma ni bất tùy sắc
Sắc lý vật ma ni
Ma ni dự chúng sắc
Bất hiệp bất phân ly.
(Ma ni không theo sắc
Trong sắc chẳng ma ni
Ma ni cùng các sắc
Không hiệp không phân ly).
Xem
Truyền đăng lục 29 tờ 454b19.
(43) Hồ
Tăng Nhãn. Bồ Đề Đạt Mạ thường được môn đệ thiền gọi là Bích nhãn hồ tăng,
“thầy tu Hồ mắt xanh”. Xem Bích nham lục 5 tắc 47 tờ 183b18-19.
(44)
Điển rút từ thiên Hòa thị của Hàn phi tử. Biện Hòa người nước Sở được ngọc
phác, dâng Lệ Vương, bị chặt hết một chân, vì Lệ Vương cho là dối, sau lại
dâng vua kế vị là Vũ Vương, lại bị chặt một chân nữa cũng cùng lý do. Xem
Hàn phi tử 4 tờ 10b5-13.
(45)
Xúc mục bồ đề, nhìn bất cứ đâu cũng thấy là giác ngộ cả. Thạch Sương Khánh
Chư tham kiến Đạo Ngô, hỏi: “Thế nào là xúc mục bồ đề?”. Đạo Ngô gọi sa
di. Sa di đáp: “Dạ”. Đạo Ngô nói: “Thêm nước vào tịnh bình”. Xem Truyền
đăng lục 15 tờ 320c11 và Minh giáo ngữ lục tờ 675a18.
(46)
Dẫn Vĩnh Gia Huyền Giác, Chứng đạo ca:
Phần cốt tủy thân vị túc thù
Nhất cú liêu nhiên siêu bách ức.
(Nát thịt tan xương chưa đủ đền
Một câu rõn được vượt muôn ngàn)
Xem Vĩnh gia chứng đạo ca ĐTK 2014 tờ 316c21.
(47)
Duy thử nhất sự thật, dư nhị tắc phi chân. Câu rút ra từ phẩm Phương tiện
của kinh Pháp hoa nhằm nói chỉ một Phật thừa duy nhất là sự thật, hai thừa
kia, tức Thanh văn thừa và Duyên giác thừa, chỉ là sự quyền biến. Xem Diệu
pháp liên hoa kinh 2 tờ 8a.
(48)
Nguyên văn:
Nhất nhân hướng ngung lập
Mãn tòa ẩm bất hoan.
Nhưng cứ
vào xuất xứ của từ và ý hai câu này, chúng ta phải đọc:
Nhất nhân hướng ngung khấp
Mãn tòa ẩm bất hoan
và dịch
theo cách đọc ấy. Bởi vì trong bài Sênh phú, Phan Nhạc có viết câu:
“Chúng mãn đường nhi ẩm tửu
Độc hướng ngung dĩ yểm lệ”.
Lý Thiện
chú thích nó thế này: “Thuyết uyển nói: Người xưa cho thiên hạ giống như
một nhà. Nay cả nhà uống rượu, một người riêng bỗng nhiên ngoảnh mặt khóc
thì người trong nhà đều không vui”. (Thuyết uyển viết: Cổ nhân ư thiên hạ
nhất chí đường thượng, kim hữu mãn đường ẩm tửu, hữu nhất nhân độc sách
thiên hướng ngung khấp, tắc nhất đường chi nhân giai bất lạc). Xem Văn
tuyền lý thiện chú 18 tờ 17a 2-4. Xem thêm Thuyết uyển 5 tờ 2a 10-17.
Chúng tôi dựa vào xuất xứ đây, để đề nghị cách đọc và dịch trên.
(49)
Việc lớn hay đại sự, tức đại sự nhân duyên, mà phẩm Phương tiện của kinh
Pháp hoa nói tới, đây là mở bày cho chúng sanh con đường để đi vào tri
kiến giác ngộ. Xem Diệu pháp liên hoa kinh 2 tờ 7a21.
Tây lai
ý, chỉ cho sự mật truyền của Bồ Đề Đạt Mạ.
(50)
Dẫn chữ từ thiên Học nhi của Luận ngữ: “Xảo ngôn lịnh sắc, tiện hỷ nhân”.
(Kẻ khéo nói, đẹp mặt, thường ít có lòng nhân). Xem Luận ngữ 1 tờ 1b8 và
17 tờ 6b7.
(51)
Nguyên văn: Toản quy đả ngõa nhân. Về từ “Toản qui” xuất xứ nó từ phần Quy
sách trong Sử ký 128 tờ 4a7-8. Theo đó thì “Bậc vương giả ra quân làm
tướng tất phải toản qui trên miếu đường, để giải quyết việc tốt xấu”. Lời
chua của Dương Kinh trong thiên Vương chế của Tuân Tử 5 tờ 10a3 viết “Toản
qui tức là đốt lửa bằng cỏ gai mà hong mu rùa”. Toản qui do thế có nghĩa
là bói rùa. Còn Đả ngõa hay đập ngói thì lấy từ tích cửa quan làm việc
Trường Di bị tầng lớp quân đội ném gạch đá vào, vì Di chủ trương không cho
họ dự vào hàng thanh phẩm. Xem Bắc sử 43 tờ 5a10-13. Đả ngõa đây như vậy
có nghĩa ăn cướp.
(52)
Dẫn Chứng đạo ca của Vĩnh Gia Huyền Giác:
Tâm thị căn, pháp thị trần
Lưỡng chủng do như kính thượng ngân
Ngân cấu tận trừ quang thỉ hiện
Tâm pháp song vong tánh tức chân.
(Tâm là căn, pháp là trần
Hai thứ đó như vết trên gương
Vết bụi chùi sạch gương mới sáng
Tâm pháp đều quên tính tức chân)
Xem Vĩnh
gia chứng đạo ca ĐTK 2014 tờ 396b22. Xem thêm chú giải của Ngạn Kỳ, Chứng
đạo ca chú TcT111 tờ 193b-194a.
(53) Về
đờn của Bá Nha, thiên Hiếu hạnh lãm của Lã thị xuân thu nói: “Bá Nha đánh
đờn, Chung Tử Kỳ nghe đờn. Khi Nha mới đánh đờn, và ý nghĩ đến Thái sơn,
Chung Tử Kỳ nói: ‘Đánh đờn hay thay ư, cao ngất như núi Thái ư!’. Một chặp
chi, Nha lại nghĩ đến giòng nước chảy, Chung Tử Kỳ nói: ‘Đánh đờn hay thay
ư, ồ ạt như giòng nước chảy ư!’. Chung Tử Kỳ chết, Bá Nha phá đờn, cắt
dây. Suốt đời không còn đánh đờn lại nữa, cho rằng đời không còn ai đủ khả
năng nghe cho mình đánh đờn nữa”. Xem Lã thị xuân thu 14 tờ 4a7-14.
(53)
Vũ trích nham hoa, thiền sư Minh Giác, có người hỏi bản nguyên chư Phật ra
sao, đáp: “Màu lạnh ngàn núi”. Lại hỏi: “Nguyên ủy hướng thượng có có
không?”. Sư đáp: “Mưa rơi hoa non” (Vũ trích nham hoa). Xem Tục Truyền
đăng lục 2 tờ 476a8-9.
(54)
Bốn bệnh: tức bệnh làm ra (tác bệnh), bệnh phó mặc (nhiệm bệnh) bệnh đình
chỉ (chỉ bệnh) và bệnh hủy diệt (diệt bệnh), mà người ta gặp phải trên con
đường đi tìm sự giác ngộ hoàn toàn. Kinh Viên giác, định nghĩa bốn bệnh
như sau: Bệnh làm ra xảy ra khi người ta nghĩ rằng “tôi làm ra các hạnh để
cầu Viên giác”. Bệnh phó mặc mắc phải khi người nói rằng “tôi không có ý
đoạn tuyệt với sinh tử, không cầu Niết bàn đối với Niết bàn sinh tử không
có ý niệm dấy lên hay diệt đi, phó mặc cho tất cả, tùy thuận pháp tính để
cầu Viên giác”. Bệnh đình chỉ tức bệnh nói rằng “tự tâm tôi, tôi dứt hết
các ý niệm được tất cả tính bình đẳng tịch diệt để cầu Viên giác”. Bệnh
hủy diệt có được khi người ta nói rằng “tôi diệt hết tất cả phiền não thân
tâm hoàn toàn không, không có, huống là cảnh giới hư vọng của căn trần,
tất cả đều vắng lặng hẳn để cầu Viên giác”. Xem Đại phương quảng viên giác
tu đa la liễu nghĩa kinh tờ 920b.
(55)
Chữ lấy từ kinh Pháp hoa: “Duy Phật dữ Phật nãi năng cứu tận chư pháp thật
tướng” (chỉ người giác ngộ với người giác ngộ mới có thể rõ hết thật tướng
thật của tất cả mọi vật). Xem Diệu pháp liên hoa kinh 2 tờ 5c.
(56)
Nội thiên trong Bảo phác tử của Cát Hồng (284-363) nói: “Tê thông thiên sở
dĩ nó có thể chống độc, ấy bởi nó là con thú chuyên ăn mọi thứ có độc và
những thứ cây có gai nhọn, chứ không ăn bậy những thứ có cây mềm dẻo bao
giờ”. (Thông thiên tê sở dĩ năng cấp độc giả, kỳ vi thú chuyên thực bách
thảo chi hữu độc giả cập chúng mộc hưu thích cứu giả, bất vọng thực nhu,
hào chi thảo mộc). Xem Bảo phác tử 7 tờ 23a4
(57) Ý
rút từ Chứng đạo ca của Vĩnh Gia Huyền Giác:
Xả vọng
tâm, thủ chân lý
Thủ xả chi tâm thành xảo ngụy.
(Bỏ lòng vọng , lấy lẽ chân
Bỏ lấy,
lòng đó thành dối xảo)
Xem
Truyền đăng lục 30 tờ 406c5.
(58)
Ngôn ngữ đạo đoạn. Chữ của Luận Đại trí độ: “Thế nào là chân lý tuyệt đối?
Đáp: Tất cả ngôn ngữ đều dứt, tâm hành đều diệt” (nhất thiết ngôn ngữ đạo
đoạn tâm hành xứ diệt). Xen Đại trí độ luận 57 tờ 61b7. Xem thêm Tín tâm
minh:
Tín tâm
bất nhị
Bất nhị
tín tâm
Ngôn
ngữ đạo đoạn
Khứ lai
phí kim
Xem
Truyền đăng lục 30 tờ 457b23.
(59)
Thiền sư Phong Huyệt Diên Chiểu, Có người hỏi: “Thiền nào là một đường
thẳng?”. “Nhắm thẳng vào chỗ cong”. Xem Truyền đăng lục 13 tờ 303c12. Xem
thêm Chứng đạo ca của Vĩnh Gia Huyền Giác: “Trực diệt căn nguyên của Phật
sở ấn” Xem Truyền đăng lục 30 tờ 460a1.
(60) Ý
lấy từ hai câu của Tuệ Trung Quốc sư: “Cơ tức nghiết phạn, hàn tức trước
y. (Đói thì ăn cơm rét thì mặc áo). Xen Truyền đăng lục 28 tờ 439a22-23.
(61)
Khắc chu khách. Điển lấy từ thiên Thận đại lãm của Lã thị xuân thu. Nước
Sở có người đi thuyền, bị rơi kiếm xuống sông, bèn làm dấu chỗ rơi trên
mạn thuyền để tới bến mà tìm. Xem Lã thị xuân thu 15 tờ 19a9-13. Kinh Bách
dụ có một chuyện tương tự thế đó. Xem Bách dụ kinh ĐKT 209 tờ 545c. Thiền
sư Văn Ích cũng có làm bài tụng:
Bảo kiếm bất thất
Hư chu bất khắc
Bất thất bất khắc
Bất tử vi đắc
Xem
Truyền đăng lục 19 tờ 545b15.
(62)
Nghệ văn chí của Lê Quí Đôn ghi: “Dược sư thập nhị nguyện văn, 1 quyển
Long Đàm Viên Chiếu thiền sư soạn”. Văn tịch chí của Phan Huy Chú chỉ ghi:
“Dược sư thập nhị nguyện văn, 1 quyển”, mà không ghi tác giả. Đây chắc là
một bài văn phát triển 12 nguyện của Phật Dược Sư, trong kinh Dược Sư nhấn
mạnh đến tính chất tại thế của kinh này.
(63)
Đây chắc phải là Sứ bộ năm 1087 do Hộ bộ viên ngoại lang Lê Chung và Phó
hiệu úy Đỗ Anh Bối làm chánh và phó sứ dẫn đầu, bởi vì Triết Tôn lên ngôi
năm 1086 và đến năm 1090 nghĩa là năm Viên Chiếu mất, ta mới gởi một bộ
phái khác sang kết hiếu. Do thế nếu phái bộ ngoại giao năm 1090 có mang
sách Dược sư thập nhị nguyện văn sang Tống để cho các nhà sư Tống ngợi ca,
thì ở nhà Viên Chiếu đã mất, nên Chiếu không thể nào nhận lời khen của Lý
Nhân Tông được. Xem Tục tư trị thông giám trường biên 399 tờ 5b4, Tống sử
17 tờ 4b6 và 9b1, Đại Việt sử lược 2 tờ 18a3-9, và Đại Việt sử ký toàn thư
B3 tờ 11b6-7.
(64)
Pháp sư cao tòa ở đây có thể là thiền sư Đại Bản. Lâm Gian lục quyển hạ tờ
55a5-b2 nói Đại Bản bị triệu đến ở chùa Tướng quốc dưới thời Tống Thần
Tông và rất có thể sống đó cho tới năm 1087, khi sứ bộ ta tới.
(65) Về
tuổi hạ, xem chú thích (7) truyện Chân Không.
(66) An
nam chí lược 15 tờ 157: “Thiền sư Mai Viên Chiếu thường soạn Tham đồ hiển
quyết đại lược nói: Một hôm khi đang ngồi trước nhà, bỗng có một vị tăng
hỏi: ‘Phật cùng với Thánh, nghĩa ấy thế nào?”. Đáp: ‘Dưới dậu thu cúc rậm.
Đầu cành xuân yến ca’. Sách ấy phần lớn gồm những thứ như thế đó”. Cứ vào
dẫn chứng này của Lê Tắc, ta có thể nói rằng tất cả cơ duyên thoại ngữ
dẫn trong truyện này đã hoàn toàn rút ra từ Tham đồ hiển quyết, nếu không
nói là chúng chính là toàn bộ nội dung và văn ngữ của Tham đồ hiển quyết.
Nếu khẳng định tất cả cơ duyên thoại ngữ đấy là Tham đồ hiển quyết, thì nó
là một tác phẩm đời Lý được giữ lại cho tới ngày nay, một tác phẩm xưa
nhất của lịch sử văn học, tư tưởng và triết học Phật giáo nước ta.
(67) Cứ
vào truyện này thì tác phẩm của Viên Chiếu gồm có:
1 .Dược sư thập nhị nguyện văn
2. Tán viên giác kinh
3. Thập nhị Bồ tát hành tu chứng đạo tràng
4. Tham đồ hiển quyết.
Nhưng cứ
một câu viết trong truyện của Nghiêm Bảo Tính và Phạm Minh Tâm ở dưới,
theo đó, “Viên Chiếu thường có ca thi gởi tặng Bảo Tính, ngợi ca cái chí
hướng cao thượng của Tính, có ghi đầy đủ trong tập của Chiếu nên đây không
phiền chép ra” (Chiếu thường hữu ca thi di Bảo, mỹ kỳ cao chí, cụ tại tập
trung, tư bất phiền lục), ta bắt buộc phải nghĩ rằng Chiếu còn có một tác
phẩm khác bao gồm tất cả thi ca của Chiếu mang tên có lẽ là Viên Chiếu tập
hay Viên Chiếu thi tập.
10.
THIỀN SƯ CỨU CHỈ
(1)
Lịch triều hiến chương loại chí 2 tờ 33a2 - 5 viết: “Núi Long Đội ở tại xã
Đội Sơn huyện Duy Tiên, bổ sát xuống dòng sông. Lý Nhân Tông dựng bảo tháp
Sùng Thiện Diên Linh, văn bia chữ toàn dùng thuyết nhà Phật hoang lạ chưa
từng thấy. Cuối đời Trần, người Minh phá hủy tháp đó. Lê Thái Tổ bình định
rồi, lại sai dựng lại. Thánh Tông lên chơi có đề thơ :
Ngàn
nhận non cao chỗ Hóa thành
Leo bao bực đá đến am thanh
Chuyện kỳ triều Lý bia trơ đó
Tội ác giặc Minh vết đã rành
Đường vắng chân người rêu phủ biếc
Xuân nhiều mưa núi cảnh phô xanh
Lên cao tầm mắt xa vô tận
Muôn dặm mênh mông cỏ giống cành”
Núi Long
Đội như vậy ở tại xã Đội Sơn phía đông nam huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam
ngày nay. Đại Việt sử lược 2 tờ 2b10 và Đại Việt sử ký toàn thư B3 tờ 21a7
nói: “Năm Thiên Phù Duệ Vũ thứ ba (1122) mùa xuân tháng hai bảo tháp Sùng
thiện diên linh ở Đội sơn làm xong”. Cứu Chỉ mất trong khoảng 1059- 1065,
cho nên chùa Diên linh ở đây đã có từ trước, rồi sau đó đến năm 1122 mới
xây thêm tháp.
(2)
Cái tên Yên Lãng được Thiền uyển tập anh kể tới cả thảy năm lần, kể lần
thứ nhất tức ở truyện Cứu Chỉ đây. Lần thứ hai ở trong truyện của Đạo Hạnh
ở tờ 53b3, nói cha của Đạo Hạnh “đến học ở làng Yên Lãng, rồi lấy con gái
họ Tăng, nhân làm nhà ở đó”. Lần thứ ba ở truyện Trí Thiền tờ 63b7 nói
Thiền ở “am Phù môn núi Cao dã, Yên Lãng”. Lần thứ tư ở truyện Y Sơn tờ
70b8, nói Y Sơn “về già dời tới trú trì chùa Nam mô làng Yên Lãng”. Lần
thứ năm ở truyện Hoằng Minh tờ 71b10 nói Minh người “làng Yên Lãng, Vĩnh
Hưng”. Trong năm lần này, làng Yên Lãng của Từ Đạo Hạnh chắc chắn là tại
Yên Lãng thuộc huyện Vĩnh Thuận của Bắc Thành Địa dư chí 1 tức làng Yên
Lãng hay làng Láng ở gần phía tây thủ đô Hà Nội ngày nay. Còn Yên Lãng có
núi Cao dã của truyện Trí Thiền thì chắc phải nằm tại huyện Yên Lãng tỉnh
Vĩnh Phú ngày nay. Về những bàn cãi xem chú thích tại những truyện liên
hệ. Cuối cùng, Yên Lãng của truyện Cứu Chỉ đây chắc phải đồng nhất với
làng Yên Lãng tại Vĩnh Hưng bởi vì nó có núi Long Đội hiện nằm tại huyện
Duy Tiên mà Vĩnh Hưng thì ở tại huyện Đông Yên, tỉnh Hưng Yên. Xem chú
thích (1) truyện Hoằng Minh. Do thế cứ vào vị trí núi Long Đội nói trên
Yên Lãng đây phải nằm tại huyện Duy Tiên. Địa phận nó thế nào ta hiện
không thể xác định. Ta không hiểu tại sao đời Lý lại có ba địa danh cùng
mang tên Yên Lãng nằm ở ba nơi khác nhau như vậy.
(3)
Tức làng Phù đàm huyện Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh ngày nay. Xem chú thích (3)
truyện Định Hương.
(4)
Đầu đà, phiên âm chữ Phạn Dhùta, cũng phiên là đỗ trà hay đỗ đa. Dhùta đến
từ động từ Dhù có nghĩa là rũ bỏ, tiêu diệt, cho nên hành đầu đà, có nghĩa
là rũ bỏ các phiền não, tiêu diệt những chướng ngại do ăn mặc ở tạo nên.
Vì vậy, nội dung hạnh tu này đại khái gồm 12 việc sau: Đấy là mặc áo dùng
đồ giẻ rách may lại, thứ áo đó không quá ba cái, xin mà ăn, chỉ ăn một
bữa, chỉ ăn một lần trong ngày, không ăn nhiều, ở nơi quạnh vắng, ở bên
bãi mồ, ở dưới gốc cây, ở giữa đất trống, ở trong đám cỏ, thường ngồi mà
không nằm. Đấy là 12 việc, người tu hạnh đầu đà phải hoàn thành. Xem Đại
thừa nghĩa chương 15.
(5)
Nguyên văn: Lương Văn Nhiệm. Nhưng cứ Đại Việt sử lược 2 tờ 5a3 và Đại
Việt sử ký toàn thư B2 tờ 16a7 thì “Thiên Thành năm thứ nhất (1028) lấy
Lương Nhiệm Văn làm Thái sư”. Truyện Huệ Sinh tờ 58b4 cũng có Lương Nhiệm
Văn. Văn Nhiệm ở đây chắc chắn là một viết ngược của Nhiệm Văn. Chúng tôi
sửa lại và dịch theo .
(6)
Nguyên văn:
Giác liễu thân tâm bản ngưng tịch
Thần
thông biến hóa hiện chư tướng
Hữu vi vô vi tùng thử xuất
Hà sa thế giới bất khả lượng
Tuy nhiên biến mãn hư không giới
Nhất nhất Quán Lai một hình trạng
Thiên cổ vạn cổ nan thử huống
Giới giới xứ xứ thường lãng lãng”
Bài kệ
này rập vần mà mượn chữ từ bài kệ sau của Huệ Tư (515-577):
Đốn ngộ tâm nguyên khai bảo tạng
Ẩn hiển linh thông hiện chư tướng
Độc hành độc tọa thường nguy nguy
Bách ức hóa thân vô số lượng
Tung hiệp bức tắc mãn hư không
Khán thời bất kiến vi trần tướng
Khả tiếu vật hề vô tỉ huống
Khẩu thổ minh châu quang hoảng hoảng
Tầm thường kiến thuyết bất tư nghì
Nhất ngữ tiêu danh ngôn hạ đáng
Xem Truyền đăng lục 27 tờ 431b5-9.
---o0o---
[Mục Lục tập 3]
[Xem phần tiếp theo]
---o0o---
[ Tập I ] [
Tập II ] [ Tập III ]
---o0o---
| Thư Mục
Tác Giả |
---o0o---
Trình bày: Nhị Tường
Cập
nhật : 01-01-2003