TỔNG TẬP
VĂN
HỌC PHẬT GIÁO VIỆT NAM
Lê Mạnh
Thát
---o0o---
Tập III
=================
60.THIỀN SƯ
PHÁP DUNG (1) (?-1174)
Chùa Hương
Nghiêm, núi Ma Ni (2), phủ Thanh Hóa. Người Bối lý (3), họ Lê, là hậu duệ
của Châu mục Ái Châu Lê Lương đời Đường (4), trải 15 đời là một họ nổi
tiếng của châu đó. Cha là Huyền Ngưng, đạo hiệu Tăng Phán (5). Sư hình
dung tú dị, ăn nói thanh cao. Đối với kinh vàng kệ ngọc, không gì là không
đọc tụng. Nhỏ theo Tăng thống Nguyễn Khánh Hỷ xuất gia (6). Hỷ thấy, lấy
làm lạ, bèn trao (63b1) pháp ấn (7). Từ đó, Sư buông chí núi sông, chẳng
ngại chỗ tới. Đến lúc phải đi hóa đạo, Sư bèn trác tích tại chùa Khai Giác
núi Thứu Phong, dạy dỗ học trò (8), người học đầy nhà. Sau sư trở về núi
Ma Ni, dựng chùa để dưỡng lão.
Ngày mồng 5
tháng 2 năm Giáp Ngọ Thiên Cảm Chí Bảo thứ nhất (1174) (9), Sư không bệnh
mà hóa. Môn nhơn Đạo Lâm v.v.. làm lễ hỏa táng ở núi đó và dựng tháp để
thờ.
THẾ HỆ THỨ
MƯỜI SÁU (BA NGƯỜI)
61. THIỀN SƯ
TRÍ NHÀN
(1)
Am Phù Môn,
núi Cao Dã, Yên Lãng (2). Người Phong Châu (3), họ Lê, tên Thước là miêu
duệ của Ngự Man Vương triều Lê (4). Ông nội là Thuận Tông làm quan với
triều Lý đến chức Trung thư Đại liêu ban, lấy công chúa Kim Thành (5). Cha
là Đạc, làm quan đến chức Minh Tự. Anh là Kiếm, xa nhận chức Tam nguyên Đô
tuần kiểm cùng được bổ làm Châu mục (6). Sư sớm lo việc học hành, thi đậu
tiến sĩ, sung làm Cung hầu thư gia (7).
Năm 27 tuổi,
một hôm (64a1) theo anh dẫn tới trường giảng của Giới Không, nghe giảng
kinh Kim cang đến câu “Tất cả pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt bóng, như
sương cũng như chớp, nên quán sát như thế” (8). Sư bỗng nhiên cảm ngộ,
than rằng: “Năm lời của Như Lai (9) đâu có điêu ngoa. Các pháp thế gian
giả dối không thật, chỉ có đạo là thật. Ta lại đi tìm gì nữa? Vả, nhà Nho
có thể nói tới đạo vua tôi, cha con (10), còn Phật pháp thì có thể bàn đến
công hạnh của Thanh văn, Bồ tát (11). Hai lời dạy dù khác nhưng đều quy về
một. Tuy nhiên, để ra khỏi cái khổ của sống chết, và dứt trừ điều có
không, thì nếu không phải giáo lý của đức Thích Ca, quyết không thể vậy”.
Bèn xin xuống tóc.
Sau khi đã
hiểu được yếu chỉ, Sư vào thẳng núi ấy, ở dưới gốc cây ngày đọc kinh, đêm
thiền định, chuyên tu khổ hạnh, thề đủ sáu năm.
Một hôm Sư
ngồi thấy một con cọp đuổi một con nai đến, Sư dỗ rằng: “Tất cả chúng sinh
đều tiếc tánh mạng, ngươi chớ nên giết hại nhau”. Cọp cúi đầu sát đất, tỏ
dấu quy y rồi đi.
Về sau, Sư
làm một cái am ở dưới chân núi, dạy dỗ học trò. Bốn phương cúng dường, của
chất thành đống. Mọi Lào gần núi (64b1) gọi nhau họp lại làm trộm. Mỗi khi
Sư ra đi, thường có con cọp lớn nằm giữ cửa am. Bọn trộm không dám xâm
phạm. Người được Sư dẫn dụ trở về đường lành, số không thể kể xiết.
Hai triều đại
Anh Tông và Cao Tông, nhiều lần triệu thỉnh mà Sư không đáp. Phụ quốc Thái
úy Tô Hiến Thành và Thái bảo Ngô Hòa Nghĩa đem lễ thầy trò đến tìm, trải
qua 10 năm chưa hề biết mặt. Bỗng một hôm, Sư cùng các vị ấy gặp nhau, họ
vui mừng khôn xiết. Vừa chào hỏi xong, Sư nói bài kệ rằng:
Đã mang chí
vượt, dưỡng trong lòng
Nghe nói lời
mầu, ý những nương
Tham dục bỏ
xa ngoài vạn dặm
Hi di diệu lý
ngày bao dung (12)
Lại nói:
Đạm
bạc giữ mình
Chỉ
đức là việc
Hoặc bảo lời lành
Một câu khăng khít
Lòng không kia, ta
Đã hết mù mịt
Ngày đêm xuống lên
Không hình bám vít
Như bóng như vang
Không dấu theo vết
Nói xong, Sư
chấp tay ngồi thẳng mà mất. Các vị trên và đệ tử khóc lớn, tiếng vang rung
động cả núi rừng.
62. THIỀN SƯ
CHÂN KHÔNG (65a1) (1046-1100)
Chùa Chúc
Thánh, núi Phổ Lại, Phù Lan (1). Người Phù Đổng, Tiên Du, họ Vương, tên
Hải Thiềm, xuất thân từ vọng tộc. Khi mẹ mang thai, cha mộng thấy một Tăng
sĩ trao cho tích trượng, nhân đó có được Sư.
Thuở nhỏ Sư mồ côi, khổ công đọc sách, không thích việc vặt. Năm 15 tuổi
rộng hiểu sách sử. Đến tuổi đội mũ Sư dạo khắp thiền lâm đi tìm ấn chứng.
Nhân đó đến hội giảng của Thảo Nhất chùa Tịnh Lự, núi Đông Cứu (2) nghe
giảng kinh Pháp hoa, Sư bỗng nhiên tỏ ngộ.
Từ đó, cơ
duyên hòa hợp, rùa gỗ gặp nhau (3). Nhập thất sáu năm, xét hỏi ngày thêm
tiến bộ. Liền nhận được tâm ấn, bèn đến ở núi ấy theo luật mà tự giữ,
không xuống cửa núi, trải qua 20 năm tiếng khen đồn khắp.
Vua Lý Nhân
Tông nghe được, xuống chiếu mời vào đại nội giảng kinh Pháp hoa, thính giả
tìm đến tấp nập. Bấy giờ, Thái úy Nguyễn Thường Kiệt, Thứ sử Lạng Châu là
tướng quốc Thân Công (4) càng thêm kính trọng, thường bỏ của riêng ra cúng
dường Sư. Sư được những gì đều đem sửa chùa xây tháp (65b1) và đúc hồng
chung để lưu lại ở trấn.
Một lần, có
vị Tăng hỏi: “Thế nào là đạo mầu?”
Sư
đáp: “Giác ngộ rồi mới biết”.
Tăng hỏi
thêm: “Giáo chỉ từ xưa người học này chưa hiểu. Nay dạy như vậy làm sao
hiểu được?”.
Sư
đáp:
“Nếu
đến nhà tiên trong động thẳm
Thuốc đan đổi cốt được đem về”.
Hỏi: “Thế nào
là viên thuốc đan?”.
Sư đáp:
“Nhiều kiếp ngu si không hiểu rõ
Sáng nay chợt ngộ được tỏ bày”.
Hỏi: “Thế nào
là tỏ bày?”.
Sư đáp:
“Tỏ bày chiếu khắp cõi Ta bà
Tất cả chúng sinh cùng một nhà”.
Lại hỏi: “Tuy
không giải đích xác chốn chốn đều gặp y (5). Cái nào là y?”.
Sư đáp:
“Lửa kiếp
(6)lẫy lừng thiêu rụi hết
Núi xanh như
cũ trắng mây bay”.
Lại hỏi: “Sắc
thân tan rã rồi thì sao?”.
Sư đáp:
“Xuân đến
xuân đi nghi xuân hết
Hoa rơi hoa nở chỉ là xuân”.
Tăng ngẫm
nghĩ, Sư quát:
“Đồng bằng sau cơn lửa
Cây cối mỗi tươi thơm”.
Tăng vái lạy.
Tuổi già, Sư
về quận mình, dựng lại chùa Bảo (66a1) Cảm. Đến ngày 01 tháng 11 năm Hội
Phong thứ 9 (1100), khi sắp tịch, Sư nói bài kệ:
Trống vắng gốc màu sáng rực ra
Gió hòa nổi dậy khắp Ta bà
Người người thảy biết vô vi sướng
Nếu được vô vi mới phải nhà
Vào nửa đêm
hôm đó, Sư lại nói:
Đạo ta đã thành
Giáo ta đã thành
Ta theo biến hóa
Rồi ngồi kiết
già mà mất, thọ 55 tuổi đời, 36 tuổi hạ (7). Hoàng thái hậu và công chúa
Thiên Thành (8), cùng đệ tử Ni sư Diệu Nhân (9) đều đem dâng lễ vật. Qua
hai ngày sau, đại sư Nghĩa Hải chùa Đại Minh và Sa môn được ban ấn tín
Pháp Thành đem đồ chúng và sắm sửa lễ vật đến chôn Sư, xây tháp ở ngoài
trai đường. Học sĩ Nguyễn Văn Cử phụng chiếu soạn bài minh cho tháp, Công
bộ thượng thư Đoàn Văn Khâm có thơ truy điệu rằng:
Triều đình thôn dã nức cao phong
Gậy chống như mây gặp hội rồng
Kinh hãi nhà nhân, cây huệ gẫy
Than dài rừng đạo, đọt tùng buông
Cỏ biếc vây mồ thêm tháp mới
Núi xanh soi nước thấy hình vương (66b1)
Cửa thiền vắng vẻ nào ai gõ
Qua đấy
chuông chiều vẳng tiếng buồn(10)
63. THIỀN SƯ
ĐẠO LÂM (?-1203)
Chùa Long
Vân, làng Siêu Loại, Long Phước (1). Người Cửu Cao, Chu Diên (2), họ Tăng
sớm mộ Không tôn (3), chí hạnh thuần khiết. Ban đầu, Sư theo Pháp Dung
chùa Hương Nghiêm thọ nghiệp. Trải qua nhiều năm, mật nhận tâm ấn, bèn
được chính Dung giao phó đèn Tổ, tùy chỗ thắp sáng, theo cơ giúp việc, lợi
người không ít.
Đến tháng 5
năm Quý Hợi Thiên Gia Bảo Hựu thứ 2 (1203), Sư ngồi kiết già mà mất.
THẾ HỆ THỨ
MƯỜI BẢY (CÓ BỐN
NGƯỜI, MỘT NGƯỜI KHUYẾT LỤC)
64. THIỀN SƯ
DIỆU NHÂN (1042-1113)
Viện Hương
Hải, làng Phù Đổng, Tiên Du. Cô tên là Ngọc Kiều, con gái lớn của Phụng
Yết Vương (1), bẩm tính hiền thục, ngôn hạnh có pháp. Vua Lý Thánh Tông
nuôi ở trong cung. Đến tuổi cập kê, vua gả cho Châu mục Chân đăng họ Lê.
Họ Lê mất, tự thề ở vậy giữ nghĩa (67a1) không tái giá.
Một hôm than
rằng: “Ta xem thế gian, hết thảy các pháp cũng như mộng huyễn, huống gì
bọn phù vinh có thể nương tựa được sao?”
Do đó, đem
cho sạch các đồ trang sức, xuống tóc xuất gia, đến thọ Bồ tát giới với
Chân Không tại làng Phù Đổng, học hỏi tâm yếu. Chân Không vì vậy ban hiệu
và cho phép trụ trì tại Ni viện. Cô giữ giới, hành thiền, đạt được Tam ma
địa, thật là bậc tôn túc trong hàng Ni chúng. Có ai đến cầu học, Cô tất
đem Đại thừa ra giảng dạy và nói: “Chỉ trở về nguồn tự tính, thì đốn tiệm
có thể tùy đó mà thể nhập, hãy thường tịch tịnh, tránh xa thanh sắc, ngôn
ngữ”.
Có học trò
hỏi: “Tất cả chúng sinh bệnh, cho nên ta bệnh (2), sao gọi là khi nào cũng
tránh xa thanh sắc?”.
Cô đem giáo
nghĩa đáp: “Nếu lấy sắc thấy ta, lấy âm thanh cầu ta, là người làm tà đạo,
không thể thấy Như Lai”(3).
Lại
hỏi: “Sao gọi là ngồi yên?”(4)
Cô đáp: “Xưa nay không đi”.
Lại hỏi: “Sao gọi là không lời?”
Cô đáp: “Đạo vốn không lời”.
Ngày 01 tháng
6 năm Hội Tường Đại Khánh thứ 4 (1113), Cô cáo bệnh (5) (67b1) nói kệ:
Sinh, già, bệnh, chết
Từ xưa thường vậy
Muốn cầu thoát ly
Cởi trói thêm buộc
Mê mới tìm Phật
Lầm mới cầu thiền
Thiền Phật chẳng tìm
Ngậm miệng không nói(6)
Bèn gội tóc,
rửa mình, ngồi kiết già mà tịch, thọ 72 tuổi.
65. THIỀN SƯ
VIÊN HỌC (1073-1136)
Chùa Đại An
Quốc, làng Cổ Hạnh, Tế Giang (1). Người Như Nguyệt (2), họ Huỳnh. Nhỏ học
sách đời, đến tuổi đội mũ, đi học nội điển (3), nhân nghe một câu nói của
Chân Không, tâm địa bỗng nhiên tỏ ngộ.
Từ ấy, thiền
học cao vút, luật nghi không ngại, thân mặc một áo suốt mùa lạnh nóng,
bình bát tích trượng mang theo bên mình, tùy phương khai hóa; cho đến sửa
cầu, đắp đường, không việc nào là không xung phong trước. Sau, Sư về làng
Phù Cầm, trùng tu chùa Quốc Thanh và đúc chuông. Thường có bài kệ duyên
hóa sau:
Sáu thức (5)
thường mê đêm trọn khổ,
Vô minh che
khuất mãi lười buông
Sớm tối nghe
chuông khơi giác ngộ
Thần lười
diệt sạch được thần thông
Ngày 14 tháng
6 mùa hè năm Bính Thìn Thiên Chương Bảo Tự thứ 4 (1136), Sư thị tịch, thọ
(68a1) 64 tuổi. Các môn đệ Ngô Thông Thiền (6), Lưu Vương Nhân, Lữ Pháp
Hoa và Châu Diệu Dụng thu di cốt, xây tháp để thờ.
66. THIỀN SƯ
TỊNH THIỀN (1121-1193)
Chùa Long
Hoa, làng Cổ Giao, Long Biên. Người làng Cổ Giao, họ Phí, tên Hoàn. Ban
đầu, cùng với bạn đồng học là Tịnh Không thờ Đạo Lâm chùa Long Vân làm
thầy. Hằng ngày miệt mài học hỏi, sâu hiểu lẽ huyền, Lâm biết Sư sẽ là
pháp khí, nên ban hiệu và ấn chứng rằng: “Tịnh là tịnh trí diệu viên,
Thiền là thiền tâm thường tịch”. Đến khi Lâm tịch rồi, Sư bèn đi khắp chốn
thiền, tìm bạn học thêm. Lúc duyên đạo đã thuần, bèn về làng cũ, trùng tu
chùa Long Hoa. Ngoài lúc khảo sát thiền luật, Sư luôn nghĩ đến việc lợi
tha.
Ngày 12 tháng
8 mùa thu năm Quí Sửu Thiên Tư Gia Tự thứ 6 (1193) Sư thị tịch, thọ 73
tuổi. Môn đồ là Pháp Ký soạn bia văn tại chùa có nói:
Sư sinh đời
Lý
Ra gặp thời
minh
Lục độ (1) há
quen
Tứ hoằng (2)
không bỏ
Chén thơm chỗ
nổi
Mười phương
tín chủ sóng về
Gậy tích khi
khua
Bốn chúng học
đồ mây nhóm
Thần thông
khôn tính
Huyền dụng
khó lường
Nếu chẳng đến
Phật giác trường
Đâu hay thảnh
thơi nghiệp tốt.
Quả đúng:
Trời Thích
trăng báu
Vườn Pháp
thôn thiêng.
THẾ HỆ THỨ
MƯỜI TÁM (CÓ HAI
NGƯỜI, MỘT NGƯỜI KHUYẾT LỤC)
67. QUỐC SƯ
VIÊN THÔNG (1080- 1151)
Chùa Quốc Ân,
làng Cổ Hiền, Nam Định (1). Người Cổ Hiền, họ Nguyễn tên Nguyên Ức. Sau về
ngụ tại phường Thái Bạch (2) kinh thành Thăng Long, nhân thể làm nhà ở đó.
Dòng dõi làm Tăng quan. Cha là Huệ Dục làm quan triều vua Lý Nhân Tông đến
chức Tả hữu nhai tăng lục, đạo hiệu là Bảo Giác thiền sư (3). Sư bẩm tính
thông minh, tài học tinh diệu, sớm có chí xuất trần, thường gặp Viên Học
chùa An Quốc, nhân đó mà được yếu chỉ. Năm Hội Phong thứ 6 (1197), đỗ Giáp
khoa khoa thi tam giáo (4) được sung vào chức Đại văn. Năm Long Phù Nguyên
Hóa thứ 8 (1106), vua chọn những bậc hoằng tài trong thiên hạ, để bổ vào
chỗ khuyết trong giai Tăng đạo, Sư lại đứng đầu trong kỳ thi tuyển này,
Vua càng cho (69a1) là lạ, sắp đem trao Sư quyền hành chăn dân. Sư cố từ
không được, bèn nhận chức Nội cung phụng truyền giảng pháp sư.
Từ đó, Sư tùy
cơ diễn hóa, chỉ bày yếu chỉ, giác ngộ cho người, giải điều mê trừ việc
dốt, quyết không để vết. Những kẻ thọ nghiệp với Sư đều được hiển danh
đương thời.
Năm Thiên Phù
Khánh Thọ thứ nhất (1127), chùa Trung Hưng diên thọ làm xong (5), vua sai
Sư soạn văn bia. Vua kính trọng tài Sư, nên đổi Sư làm Tả nhai tăng lục.
Năm Đại Thuận thứ 3 (1130), Lý Thần Tông mời Sư vào điện Sùng Khai. Vua
hỏi về lý trị loạn hưng vong trong thiên hạ.
Sư đáp:
“Thiên hạ cũng như đồ dùng, để chỗ yên thì được yên, để chỗ nguy thì bị
nguy, xin đấng nhân chủ hãy làm sao được như thế. Dùng đức hiếu sinh hợp
với lòng dân, cho nên dân yêu thương như cha mẹ, trông ngóng như trời
trăng. Đó là để thiên hạ vào chỗ yên vậy”
Lại đáp:
“Việc trị loạn là do quan chức, được người thì trị, mất người thì loạn.
Thần từng xem qua các triều vua chúa đời trước, chưa từng có triều đại
nào, không dùng bậc quân tử mà được thịnh, không dùng kẻ tiểu nhân mà
(69b1) suy. Cho đến nỗi như thế, không phải nguyên nhân một sớm một chiều,
mà chỗ do lai đã lâu lắm vậy (6). Trời đất không thể bỗng nhiên sinh ra
nóng lạnh tức là tuần tự có xuân, thu. Đấng nhân quân (không thể) bỗng
nhiên trở nên hưng vong, tất là từ từ có thiện, ác. Thánh Chúa đời xưa vì
biết nó như vậy, nên nương theo cái đức không nghỉ của trời để sửa mình,
dựa vào cái đức không nghỉ của đất để yên người. Sửa mình tức cẩn thận
trong lòng, run rẩy như đi trên băng mỏng. Yên người là kính yêu kẻ dưới,
sợ hãi tựa leo bám cành mục. Làm thế thì không gì là không hưng, trái thế
thì không gì là không suy, sự lần hồi của việc hưng vong, chính ở nơi đây
vậy”.
Sư đối đáp
quả thật xứng chỉ, nên được thăng làm Hữu nhai tăng thống tri giáo môn
công sự. Sư được tự do gần vua, dâng lời chỉ bảo, chưa từng thiếu sót.
Sau đó Sư phụng chiếu đến đền Tây dương (7) cầu giữ thai vua có ứng
nghiệm. Do đó, vua càng thêm kính trọng, ban cho Sư khi vào triều được
đứng ngang hàng với Thái tử.
Năm Thiên
Chương Gia Thụy thứ 5 (1137), xe vua gác giá (8) Sư dự nhận cố mạng và
(70a1) phụng di chiếu, chủ trì mọi việc bàn tính phó thác. (9)
Năm Thiệu
Minh thứ 1 (1137), Anh Tông khi đã lên ngôi, Thái hậu (10) nhiếp chính
(11), cho Sư đã có công giúp vua, và nhiều lần trọng thưởng. Sau đó, Sư về
lại quận mình lập chùa dưỡng già. Phí tổn xây dựng (12) đều do quỹ Vua
ban cấp, đồng thời ban chữ (13) để chùa thêm sang.
Năm Đại Định
thứ 4 (1143) Vua thăng Sư giữ chức Tả hữu nhai tăng thống nội cung phụng
tri giáo môn công sự truyền giảng Tam tạng văn chương ứng chế hộ quốc quốc
sư tứ tử y đại sa môn. Đức vua đã trọng Sư, nên quần thần lại càng trọng
vọng hơn nữa. Từ triều đình đến thôn dã cũng đều như thế.
Ngày 21 tháng
4 nhuần năm Tân Mùi Đại Định (1151), Sư nhóm đồ chúng từ biệt, không bệnh
mà mất, thọ 72 tuổi. Sư thường phụng chiếu biên soạn Chư Phật Tích duyên
sự hơn 30 quyển (15), Hồng chung văn bi ký, Tăng gia tạp lục hơn 50 quyển
(14) và thi phú hơn nghìn bài (16) lưu hành ở đời.
THẾ HỆ THỨ
MƯỜI CHÍN (HAI NGƯỜI,
MỘT NGƯỜI KHUYẾT LỤC)
68. THIỀN SƯ
Y SƠN (70b1) (?- 1216)
Chùa Đại Từ,
Đại Thông Trường, Long Phúc (1). Người Cẩm Hương, Nghệ An (2), họ Nguyễn,
Sư mặt mày đẹp đẽ, ăn nói hoạt bát. Thuở nhỏ đi học, coi khắp thư sử, chọn
bạn, lựa nghề tất nhằm hữu ích. Nhưng đối với kinh điển Tây Trúc, Sư hết
sức lưu tâm. Năm 30 tuổi sư xuất gia với một vị Trưởng lão trong làng, sau
đến kinh thành tham bái Quốc sư Viên Thông, nhờ một lời nói, đạt được yếu
chỉ.
Từ đấy, Sư
tùy nơi đi giáo hóa, chỉ nhằm lợi người. Vật do người cúng Sư đều dùng vào
việc Phật. Sư có làm bài văn khuyên người:
Ham danh chuộng lợi
Đều như bọt nước trôi sông
Kết phúc gieo duyên
Ấy là trong lòng hoài bão.
Đến lúc tuổi
già, Sư dời về làng Yên Lãng (3) trụ trì chùa Nam Mô, thường dạy đồ chúng
rằng: “Các ngươi nên biết, Như Lai thành chánh giác, đối với tất cả nghĩa
lý, không còn có chỗ xem xét. Đối với các pháp bình đẳng, không có gì nghi
hoặc, không hai, không tướng, không đi, không đứng, không lường, không
hạn, xa lìa hai bên, ở nơi trung đạo, vượt khỏi hết thảy văn tự, ngôn
thuyết, truyền được thân lượng bằng hết thảy chúng sanh, được thân lượng
bằng hết thảy mọi cõi, được thân lượng bằng hết thảy tam giới, được thân
lượng bằng hết thảy Phật, được thân bằng hết thảy ngôn ngữ, được thân
lượng bằng hết thảy nguyện, được thân lượng bằng hết thảy hành, được thân
lượng bằng hết thảy tịch diệt” (4).
Lại nói rằng
:
Như Lai thành
chánh giác
Hết thảy lượng đẳng thân
Hồi hổ không hồi hổ
Đồng tử mắt sáng thần
Lại nói:
Chân thân thành vạn tượng
Vạn tượng tức chân thân
Cung trăng xanh quế đỏ
Quế đỏ tại cung trăng
Khi sắp thị
tịch, Sư gọi môn đồ dạy: “Ta không trở lại đây nữa”. Bấy giờ, hoa trên cây
trước chùa tự nhiên rơi rụng, chim sẻ kêu bi thương suốt ba tuần không
dứt.
Ngày 18 tháng
3 năm Bính Tý Kiến Gia thứ 6 (1216) Sư mất.
69. THIỀN SƯ
THẢO ĐƯỜNG (1)
Chùa Khai
Quốc (2), kinh thành Thăng Long
HỆ PHÁI CỦA
THIỀN SƯ THẢO ĐƯỜNG
THẾ HỆ THỨ
NHẤT (BA NGƯỜI)
70. HOÀNG ĐẾ LÝ THÁNH TÔNG
71. THIỀN SƯ
BÁT NHÃ (1)
Chùa Từ
Quang, Phúc Khánh (2) Làng Dịch Vương, Trương Canh (3).
72. CƯ SĨ NGỘ
XÁ
Làng Bảo Tài
(1), Long chương
THẾ HỆ THỨ
HAI (BỐN NGƯỜI)
73. THAM
CHÁNH NGÔ ÍCH
74. THIỀN SƯ
HOÀNG MINH
Làng Yên Lãng
(1), Vĩnh Hưng
.
75. THIỀN SƯ
KHÔNG LỘ
Chùa Quang
nghiêm, Hải Thanh (1)
76. THIỀN SƯ
ĐỊNH GIÁC
THẾ HỆ THỨ BA (BỐN NGƯỜI)
77. THÁI PHÓ
ĐỖ VŨ (1)
78. THIỀN SƯ
PHẠM ÂM
Làng Thanh
Oai (1), An La
79. HOÀNG ĐẾ
LÝ ANH TÔNG
80. THIỀN SƯ
ĐỖ ĐÔ
THẾ HỆ THỨ TƯ (BỐN NGƯỜI)
81. THIỀN SƯ
TRƯƠNG TAM TẠNG
82. THIỀN SƯ
CHÂN HUYỀN
83. THÁI PHÓ
ĐỖ THƯỜNG (1)
THẾ HỆ THỨ
NĂM (BỐN NGƯỜI)
84. THIỀN SƯ
HẢI TỊNH (1)
85. HOÀNG ĐẾ
LÝ CAO TÔNG
86. XƯỚNG NHI
QUẢN GIÁP NGUYỄN THỨC
87. PHỤNG NGỰ
PHẠM ĐẲNG
THIỀN UYỂN
TẬP ANH XONG QUYỂN HẠ
Tuyền tông phái của Tuyết Đậu Minh Giác
Ba vị trên đều kế thừa thiền sư Thảo Đường
Thừa kế Hoàng đế Thánh Tông.
Kế thừa thiền sư Bát Nhã.
Tức Giác Hải, hai vị trên đều kế thừa Ngộ Xá,bản truyện của họ dựa
theo Nam tông đồ, đều đặt vào phái Kiến Sơ
Kế thừa Tham Chánh hoặc có nơi nói kế thừa Định Giác.
Hai vị trên thừa kế Không Lộ hoặc có nơi nói kế thừa Định Giác.
Thừa kế Phạm Âm có nơi nói thừa kế Không Lộ, hoặc có nơi nói thừa kế
Định Giác.
Ba vị trên đều thừa kế Đỗ Đô hoặc có nơi nói thừa kế thiền sư Tịnh
Giới, phái Kiến Sơ. (2)
Ba vị trên đều thừa kế Trương Tam Tạng.
---o0o---
[Mục Lục tập 3]
[Xem phần tiếp theo]
---o0o---
[ Tập I ] [
Tập II ] [ Tập III ]
---o0o---
| Thư Mục
Tác Giả |
---o0o---
Trình bày: Nhị Tường
Cập
nhật : 01-01-2003