«Bạch Thế Tôn, trí của Như Lai tạng,[2] là Không trí của Như Lai.[3]»
«Bạch Thế Tôn, Như Lai tạng là điều mà hết thảy A-la-hán, Bích-chi Phật, Đại lực Bồ tát vốn không từng thấy, vốn không từng nắm bắt được.[4]»
«Bạch Thế Tôn, có hai Không trí của Như Lai tạng.»[5]
«Bạch Thế Tôn, Không Như Lai tạng[6] là hết thảy phiền não tạng, hoặc lìa, hoặc thoát, hoặc dị biệt.[7] Bạch Thế Tôn, Bất không Như Lai tạng là Phật pháp vượt quá số cát sông Hằng, không lìa, không thoát, không dị biệt, bất tư nghị.»[8]
«Bạch Thế Tôn, đối với hai Không trí này, các Đại Thanh văn chỉ có thể tin nơi đức Như Lai.[9] Không trí của Thanh văn và Bích-chi-Phật vận chuyển trong bốn cảnh giới không điên đảo.[10] Cho nên hết thảy A-la-hán và Bích-chi-Phật vốn không từng thấy, vốn không từng chứng đắc hết thảy khổ diệt;[11] duy chỉ Phật mới chứng đắc,[12] hủy hoại hết thảy phiền não tạng, tu hết thảy khổ diệt đạo.»[13]
[1] Nguyên đề: «Không nghĩa ẩn phú chân thật» 空 義 隱 覆 真 實. Tiêu đề theo bản B: «Thuyết Không tánh nghĩa ẩn phú Chân thật.» Bảo khốt, 72c: «Pháp hư vọng không thực hiện hữu; gọi nó là Không (śūnya). Cái ý nghĩa để hiểu có cái Không ấy được nói là nghĩa (artha) . Cái Không che lấp mất Phật tính, nên nói là ẩn phú Chân thật.» Tức là, Chân thật tính bị che lấp bởi Không tính.
[2] Như Lai tạng trí 如 來 藏 智 (Skt. Tathāgatagarbha-jñāna). Bảo khốt, 73a: «Trí tuệ nhận thức Như Lai tạng, gọi là Như Lai tạng trí.»
[3] Như Lai Không trí 如 來 空 智 (Skt. Tathāgata-śūnyatā-jñāna). Bảo khốt, 73a: «Trí nhận thức Như Lai tạng, trí ấy vốn tuyệt đối xa lìa chấp tướng, do đó nói là Không trí.» Bản B: Như Lai tạng giả tức thị Như Lai không tính chi trí 如 來 藏 者 即 是 如 來 空 性 之 智, «Như Lai tạng, chính là trí nhận thức Không tính của Như Lai.»
[4] Bản B thêm: «Duy chỉ có Phật mới thấu triệt, mới có thể chứng nghiệm.»
[5] Như Lai tạng không trí 如 來 藏 空 智 (Skt. Tathāgatagarbha-śūnyatā-jñāna); bản B: Như Lai tạng không tính chi trí 如 來 藏 空 性 之 智. Bảokhốt, 73b, nêu hai giải thích: 1. Không trí, do tự thể của trí tuệ vốn là không (śũnya) chứ không phải trí tuệ ấy có đối tượng là không tính (śũnyatā). Khi trí tuệ ấy nhận thức Như Lai tạng, nghĩa là duyên vào Như Lai tạng mà khởi lên nhận thức; bấy giờ gọi là Như Lai tạng không trí (Skt. tathāgatagarbha-śūnyatā-jñāna); 2. Theo giải thích này, Như Lai tạng không trí được đọc thành hai từ Như Lai tạng trí (Skt. Tathāgatagarbha-jñāna) và Không trí (śūnyatā-jñāna), tức trí tuệ nhận thức hai đối tượng là Như Lai tạng và Không tính. Bảo khốt thừa nhận giải thích trước.
[6] Không Như Lai tạng 空 如 來 藏 (Skt. śūnya-tathāgatagarbha).
[7] Hán: ly 離, thoát 脫, dị 異. Bản B: Ly ư bất giải thoát trí nhất thiết phiền não 離 於 不 解 脫 智 一 切 煩 惱 «[Không Như Lai tạng] chính là tất cả phiền não không còn bị chi phối bởi trí chưa giải thoát.» Hai bản dịch khác nhau có thể do sự phát âm tương tợ của anyatra (sự đổi khác) và ajñāna (không có trí tuệ). Tổng hợp hai bản dịch, đoạn kinh có thể được giải thích: Không Như Lai tạng chính là phiền não tạng; vì tự thể của phiền não vốn hư vọng, không thật.
[8] Bản B: «Pháp bất khả tư nghị được nhận thức bởi trí tuệ đã giải thoát của Phật.»
[9]Bảo khốt, 74b: «Duy chỉ hàng Đại Thanh văn mới có thể tin.» So sánh nghĩa của bản B: Ngay cả hàng Đại Thanh văn cũng chỉ có thể nhận thức được bằng tín tâm mà thôi. Nghĩa là, chưa thể tự mình chứng nghiệm.
[10] Hán: Bất điên đảo cảnh giới 不 顛 倒 境 界 (Skt. aviparīta-gocara). Bản B: «Vin bám (phan duyên 攀 緣; Skt. ālambate/ ālambana) vào bốn cảnh điên đảo mà vận chuyển (Skt. pravartate).» Bốn điên đảo: vô thường (anitya), khổ (duḥkha), vô ngã (anātman), bất tịnh (aśubha/ aśuci). Bốn không điên đảo: thường, lạc, ngã, tịnh.
[11] Khổ diệt 苦 滅 (Skt. duḥkha-nirodha), sự diệt tận của khổ.
[12] Bản B: hiện chứng 現 證 (Skt. abhisamaya; cũng nói là hiện quán).
[13] Khổ diệt đạo 苦 滅 道 (Skt. duḥkha-nirodha-gāmī-pratipad), con đường dẫn đến sự diệt trừ đau khổ.