«Nếu đối với Như Lai tạng đang bị quấn chặt bởi phiền não tạng mà không nghi hoặc, thì đối với Pháp thân vốn siêu xuất vô lượng phiền não tạng cũng không nghi hoặc. Đối với thuyết của Như Lai tạng, Pháp thân của Như Lai, cảnh giới Phật bất tư nghị và phương tiện thuyết,[2] mà tâm đạt đến quyết định[3] ấy tức là đã tin và hiểu hai thánh đế. Thế nào được nói là thuyết nghĩa của hai Thánh đế? Đó là thuyết tác Thánh đế nghĩa và vô tác Thánh đế nghĩa.»[4]
«Thuyết tác thánh đế nghĩa, đó là thuyết bốn thánh đế có hạn lượng.[5] Vì sao? Vì không phải nhân bởi người khác mà có thể biết tất cả khổ, đoạn tất cả tập, chứng hết thảy diệt, tu hết thể đạo.[6] Cho nên, bạch Thế Tôn, có hữu vi sinh tử và vô vi sinh tử. Niết-bàn cũng vậy, có hữu dư và vô dư[7]».
«Thuyết vô tác thánh đế nghĩa, là thuyết về ý nghĩa bốn thánh đế vô lượng.[8] Vì sao? Có thể bằng tự lực[9] mà biết hết thảy thọ khổ,[10] đoạn hết thảy tập, chứng hết thảy thọ diệt, tu hết thảy thọ diệt đạo.»
«Như vậy, có tám Thánh đế, nhưng Như Lai chỉ nói bốn Thánh đế. Bốn vô tác thánh đế nghĩa như vậy duy chỉ Như Lai, bậc Ứng cúng, Đẳng chính giác mới tác sự cứu cánh,[11] chứ không phải là tác sự cứu cánh của A-la-hán và Bích-chi Phật. Vì sao? Vì không thể chứng đắc Niết bàn với các pháp hạ, trung và thượng.[12]»
«Vì sao Như Lai, bậc Ứng cúng, Chính đẳng chính giác, đối với bốn vô tác Thánh đế tác sự đã cứu cánh? Vì hết thảy Như Lai, Ứng cúng, Đẳng chính giác biết tất cả khổ vị lai; đoạn tất cả tập vốn được duy trì bởi các phiền não và tùy phiền não; diệt tất cả uẩn[13] của ý sinh thân; chứng ngộ tất cả sự diệt khổ.[14]»
«Bạch Thế Tôn, không phải vì là pháp hoại diệt[15] mà gọi là khổ diệt.[16] Nói là khổ diệt vì rằng từ vô thủy vốn là vô tác, không sinh khởi, không đoạn tận, lìa xa sự diệt tận, thường trụ, tự tính thanh tịnh, lìa hết thảy phiền não tạng.[17]»
«Bạch Thế Tôn, do thành tựu Phật pháp bất tư nghì vượt quá số cát sông Hằng, vốn không ly, không thoát, không dị biệt, do thế mà nói là Pháp thân Như Lai.»
«Như vậy, bạch Thế Tôn, Pháp thân của Như Lai không lìa phiền não tạng, cho nên gọi là Như Lai tạng.»
[1] Pháp thân 法 身 (Skt. dharmakāya).
[2] Phật cảnh giới cập phương tiện thuyết 佛 境 界 及 方 便 說; bản B: Phật bí mật cảnh 佛 秘 密 境.
[3] Tâm đắc quyết định 心 得 決 定 (Skt. citta-niścita); bản B: tâm đắc cứu cánh 心 得 究 竟 (Skt. citta-niṣṭhita).
[4] Tác Thánh đế 作 聖 諦 (abhisaṃskāra-āryasatya), vô tác Thánh đế 無 作 聖 諦 (anabhisaṃskāra-āryasatya), Bảo khốt, 69a19: «Nói tác và vô tác, là theo sự tu hành mà nói. Sau Thánh đế Tiểu thừa, còn cần phải tác hành tu tập sự quán sát Thánh đế Đại thừa, do đó nói là tác Thánh đế. Sau Thánh đế Đại thừa, không còn Thánh đế để cần phải tu tập quán sát nữa, do đó nói là vô tác.»
[5] Hữu lượng tứ Thánh đế 有 量 四 聖 諦. Bản B: bất viên mãn Tứ Thánh đế nghĩa 不 圓 滿 四 聖 諦 義, nghĩa bốn Thành đế không viên mãn.
[6] Bản B: «Vì do bởi sự hỗ trợ của người khác (do tha hộ cố 由 他 護 故) thì không thể biết tất cả khổ, đọạn tất cả tập, chúng tất cả diệt, tu tất cả đạo.» Thanh văn do nghe Phật thuyết mà nhận thức được bốn Thánh đế, do đó nghĩa của bốn Thánh đế ấy không thể được nói là triệt để, toàn diện.
[7] Bản B: «Do đó không nhận thức được hữu vi, vô vi và Niết-bàn.» Bảo khốt, 69c5: «Có bốn cặp tương đối về ý nghĩa sinh tử. 1. Phần đoạn và biến dịch…; 2. Tư nghị và bất tư nghị…; 3. Hữu lượng và vô lượng…; 4. Hữu vi và vô vi. Thuộc về phần đoạn (sinh tử) gọi là hữu vi; thuộc về biến dịch (sinh tử), gọi là vô vi. Nhân của phần đoạn gọi là hữu lậu; nhân của biến dịch gọi là vô lậu. Quả của phần đoạn gọi là hữu vi; quả của biến dịch gọi là vô vi. Đối giới nội (trong phạm vi tam giới) có hữu lậu mà nói ngoại giới là vô lậu; nhưng thực chất là hữu lậu. Đối giới nội là hữu vi thì nói giới ngoại là vô vi; nhưng thực chất là hữu vi… Diệt sinh tử hữu vi thì nói là hữu dư. Diệt sinh tử vô vi, nói là vô dư.»
[8] Bản B: «Nghĩa bốn Thánh đế viên mãn.»
[9] Bản Năng tự hộ cố 能 自 護 故.
[10] Tri nhất thiết thọ khổ 知 一 切 受 苦. Bảo khốt, 70c21: «Theo Tỳ-đàm, năm ấm vô lậu (vô lậu uẩn) thì nói gọi là năm ấm (uẩn). Năm ấm hữu lậu thi nói là năm thọ ấm (thủ uẩn, Skt. upadāna-skandha). Do đó, ở đây gọi là thọ.» Giải thích này không chính xác. Nhưng theo nội dung của đoạn kinh này, hàng Nhị thừa chỉ chứng hữu dư y Niết-bàn (sopadhiśeṣanirvāṇa). Trong A-tỳ-đàm, khi vị A-la-hán đã diệt tận phiền não, chứng đắc Niết-bàn, nhưng thọ mạng chưa dứt, dòng tương tục của sắc thân bốn đại chủng chưa bị cắt đứt, thì gọi đó là Niết-bàn với sở y còn tồn tại (hữu dư, hay hữu ư y Niềt-bàn). Khi A-la-hán xả bỏ thọ hành mà nhập Niết-bàn, bấy giờ gọi là vô dư y (hay vô dư) Niết-bàn (anupadhiśeṣa-nirvāna). Nhưng theo nghĩa của Thắng Man, Nhị thừa không hoàn toàn nhập vô dư y Niết-bàn, vì còn vô dư sinh tử chưa dứt. Cho nên, thọ ở đây phải hiểu là sở y (upadhi) chớ không phải là thủ (upādāna), tức y trên hữu dư y Niết bàn của Nhị thừa mà quán sát bốn vô tác Thánh đế. Bản B: tri nhất thiết khổ, không có từ thọ hay ý niệm tương đương.
[11] Sự cứu cánh 事 究 竟; bản B: tác sự cứu cánh 作 事 究 竟. Bảo khốt, 71a16: Có ba dạng cứu cánh của bốn Thánh đế: 1. Giải cứu cánh, thông hiểu toàn diện; 2. Hành cứu cánh, tu tập viên mãn; 3. Thuyết cứu cánh, có thể quảng diễn một cách tự tại (Skt. kriyā-niṣṭha), đã hoàn tất phận sự.
[12] Bảo khốt, 71a28 nêu các gải thích khác nhau: 1. Nhị thừa quán bốn Thánh đế theo cách tiệm tiến, từ thấp lên cao, nên hạ-trung-thượng chỉ phương pháp tu quán Thánh đế của Nhị thừa; 2. Hạ-trung-thượng, phân lớp căn tính sắc bén hay chậm lụt của Nhị thừa; 3. Bảy bậc hữu học (Tu-đà-hoàn hướng và quả, Tư-đà-hàm hướng và quả, A-na-hàm hướng và quả, A-la-hán hướng) thuộc bậc hạ; A-la-hán, bậc trung; Bích-chi Phật, bậc thượng; 4. Hạ chỉ Thanh văn, trung chỉ Bích-chi Phật, thượng chỉ Phật. Bản B: «Không phải các pháp hơn, kém (thắng liệt), hạ, trung, thượng mà có thể chứng Niết-bàn.»
[13] Trong nguyên bản, chép là trừ 除; bân Cung chép là ấm 陰 . Đây theo bản B sửa lại là uẩn.
[14] Bản B: «Biến tri các khổ; đoạn sự tập khởi của khổ vốn được duy trì bởi các phiền não và khởi phiền não; chứng diệt của tất cả sự khổ có do uẩn của ý sanh thân; và tu đạọ diệt trừ tất cả khổ».
[15] Phi hoại pháp 非 壞 法; bản B đồng. Vô sai biệt, Đại 31, tr. 894a 9: phi dĩ khổ hoại danh khổ diệt đế 非 已 苦 壞 名 苦 滅 諦. Bảo khốt, 71c: «Diệt mà Nhị thừa chứng đắc gọi là hoại pháp diệt».
[16] Khổ diệt 苦 滅 (Skt. duḥkha-nirodha), sự diệt tận của khổ.
[17] Vô thủy 無 始 (Skt. anādimat), không có khởi đầu; Bảo khốt 71c25: «Vô thủy, chỉ lý tính của diệt vốn có sẵn.» Vô tác 無 作 (Skt. akṛta), không được sáng tạo do bởi bất cứ nguyên nhân gì; Bảo khốt, đã dẫn, «vì không được tạo ra bởi nguyên nhân sinh khởi (sinh nhân, Skt. janana-hetu) nên nói là vô khởi.» Vô khởi 無 起 (Skt. anutpāda), xuầt hiện, hiện khởi; Bảo khốt, đã dẫn, «nếu là tạo tác của sinh nhân, trước vốn không phải không hiện hữu, nhưng nay hiện hữu, như thế gọi là vô khởi.» Vô tận 無 盡 (Skt. akṣaya), không bị đoạn tận, không bị lọại trừ. Ly tận 離 盡: không liên hệ gì đến sự diệt tận (Skt. niḥ-kṣaya?). Thường trụ 常 住; bản B: thường trụ bất động 常 住 不 動 (Skt. nitya-aniñjya); Vô sai biệt: thường hằng bất biến, không hề đọan tuyệt. Tự tánh thanh tịnh 自 性 清 淨, bản B: bản tính thanh tịnh 本 性 清 淨 (Skt. prakṛti-viśuddha). Ly nhất thiết phiền não tạng 離 一 切 煩 惱 藏. bản B: xuất phiền não xác 出 煩 惱 殼 (Skt. niṣkleśāṇḍakośa).