«Bạch Thế Tôn, Thanh văn và Duyên giác khi bắt đầu quán Thánh đế,[2] bằng một trí[3] mà đoạn trừ các trụ địa,[4] bằng một trí mà chứng thực công đức của bốn đoạn tri,[5] và cũng biết rõ nghĩa của bốn pháp ấy.[6]»
«Bạch Thế Tôn, không có trí thượng thượng xuất thế gian[7] nào mà là tiệm chí của bốn trí và tiệm chí của bốn duyên.[8]»
«Bạch Thế Tôn, pháp không tiệm chí là trí thượng thượng xuất thế gian.»
«Bạch Thế Tôn, như kim cang dụ,[9] là trí đệ nhất nghĩa. Trí đệ nhất nghĩa không phải là trí Thánh đế sơ khởi[10] của Thanh văn và Duyên giác vốn không đoạn trừ vô minh trụ địa.[11] Thế Tôn, bằng vô nhị Thánh đế trí[12] mà đoạn trừ các trụ địa.»
«Bạch Thế Tôn, đức Như Lai, Ứng cúng, Chính đẳng giác, bằng bất tư nghị Không trí,[13] vốn không phải lả cảnh giới của Thanh văn và Duyên giác, mà đoạn trừ hết thảy phiền não tạng.[14] Thế Tôn, trí tuệ cứu cánh nếu hủy hoại tất cả vỏ cứng phiền não, thì được gọi là trí đệ nhất nghĩa. Trí Thánh đế sơ khởi không phải là trí cứu cánh, mà là trí tuệ hướng đến A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề.»
«Bạch Thế Tôn, ý nghĩa ‹Thánh›[15] không phải là hết thảy Thanh văn và Duyên giác. Thanh văn và Duyên giác thành tựu công đức hữu hạn. Thanh văn và Duyên giác thành tựu một phần ít công đức, do đó mà được gọi là ‹Thánh›.»
«Bạch Thế Tôn, nói là ‹Thánh đế›, đó không phải là đế[16] của Thanh văn và Duyên giác; và cũng không phải là công đức của Thanh văn và Duyên giác. Thế Tôn, đế ấy tối sơ được chứng tri bởi Như Lai, Ứng cúng, Chính đẳng giác, sau đó vì chúng sinh đang bị bọc trong vỏ trứng vô minh mà được khai thị, diễn thuyết; do đó được gọi là ‹Thánh đế›».
[1] Vô biên Thánh đế, hay «Thuyết vô biên Thánh đế» 說 無 邊 聖 諦 (Skt. Anantāryasatya-deśanā).
[2] Sơ quán Thánh đế 初 觀 聖 諦, Bảo khốt, 64c9: «Bắt đầu bắng sự quán bốn Thánh đế của Thanh văn, và cuối cùng bằng sự chứng Thánh đế của Phật». Bản B: sơ chứng Thánh đế 初 證 聖 諦.
[3] Một trí, Bảo khốt, 64c20: «Một cách riêng lẻ, bắt đầu dùng một trí nhận thức Thánh đế hữu tác để đoạn trừ bốn trụ địa, chứ không dùng vô tác để đoạn trừ vô minh trụ địa, do đó nói là một trí.» Bảo khốt cũng nêu giải thích khác nói, một trí chỉ một bình đẳng trí, nhưng rồi bác bỏ ngay. Về Thánh đế hữu tác, xem đoạn sau của kinh.
[4] Bản B: «Không phải bằng một trí mà đoạn trừ các trụ địa.» Xem thêm cht. 529 ở dưới.
[5] Dĩ nhất trí tứ đoạn tri công đức tác chứng 以 一 智 四 斷 知 功 德 作 證, Bảo khốt, tr. 64c24 đọc: nhất trí tứ đoạn tri công đức tác chứng, và giải thích: một trí nhận thức Thánh đế hữu tác bao gồm cả bốn trí. Với bốn trí này, kinh nói đoạn tức đoạn tập; tri tức tri khổ; công đức chỉ tu đạo; nói tác chứng chỉ chứng diệt. Bảo khốt cũng dẫn cách đọc và giải thích khác. Đọạn tri tức đoạn biến tri (Skt. prahāṇa-parijñā, xem Câu-xá 21 [Đại 29, tr. 112a 24], về 9 đoạn biến tri), nghĩa là nhận thức toàn diện về sự đoạn trừ bốn vô minh trụ địa. Tham chiếu bản B: diệc phi nhất trí chứng tứ biến tri chư công đức đẳng 亦 非 一 智 證 四 遍 知 諸 功 德 等. Xem thêm cht. 276 ở dưới.
[6] Tham chiếu bản B: diệc phi dĩ pháp năng thiện liễu tri thử tứ pháp nghĩa 亦 非 以 法 能 善 了 知 此 四 法 義, cũng không phải bằng vào pháp (bằng một cách hiện thức) mà thấu triệt nghĩa của bốn pháp này. Đoạn này, trong hai bản Hán dịch, nghĩa hoàn toàn ngược nhau. Tất nhiên là do phân tích ngữ âm hoặc nhầm lẫn hoặc có sự bất đồng giữa hai truyền bản; nhưng hiện tại rất khó khôi phục nguyên văn Sanskrit để xác định văn nghĩa tương đối chính xác. Nay tạm giải thích như sau. Cách đọc theo Bảo khốtthì như đã thấy; ở đó, trí chỉ nhận thức về Thánh đế hữu tác, cho nên, bốn Thánh đế được nhận thức lần lượt bởi từng trí cá biệt. Trong bản B, trái lại, hàm ý nhất vị bình đẳng trí (ekarasa-samatā-jñāna), mà hàng Nhị thừa không thể nhận thức Thánh đế bằng một trí bình đẳng như vậy.
[7] Xuất thế gian thượng thượng trí 出 世 間 上 上 智; bản B: xuất thế trí 出 世 智. Cf. Laṅkā, tr. 64: có ba loại trí, thế gian (laukika) của các triết gia ngoại đạo, xuất thế gian (lokottara) của Nhị thừa, và xuất thế gian thượng trí (lokottaratamaṃ jñānam) của Bồ tát.
[8] Tứ trí tiệm chí cập tứ duyên tiệm chí 四 智 漸 至 及 四 緣 漸 至; bản B: tứ trí tiệm chí tiệm duyên 四 智 漸 至 漸 緣, sự tiếp cận và tiếp nhận đối tượng theo thứ tự của bốn trí. Trí tuệ của Nhị thừa khi nhận thức bốn Thánh đế, lần lượt tiếp cận và tiếp nhận từng Thánh đế. -Duyên (ālambana), đối tượng, chỉ bốn Thánh đế là đối tượng của bốn trí. - Tiệm chí (Skt. anupūrvāgāma), tiếp cận theo thứ tự, tiệm tiến.
[9] Kim cang dụ 金 剛 喻 (Skt. vajropama), như kim cang, có khả năng hủy diệt mọi thứ cứng rắn. Chỉ kim cang tâm, hay kim cang dụ định (vajropama-samādhi), Bồ tát Thập địa, bằng tâm kiên cố của kim cang định, đoạn trừ tất cả vô minh vi tế để thành Chánh giác.
[10] Sơ Thánh đế trí 初 聖 諦 智 (Skt. ādyārya-satya-jñāna). Bảo khốt, 65c: trí tuệ vào lúc khởi đầu quán sát Thánh đế hữu tác. Bản B: chủng chủng Thánh đế chi trí 種 種 聖 諦 之 智 (Skt. nānārya-satya-jñāna), trí tuệ nhận thức về Thánh đế đa dạng.
[11] Bản B: «Thanh văn và Độc giác bằng Thánh đế sai biệt trí (nānārya-satya-jñāna) mà đoạn trừ các trụ địa chứ không có trí xuất thế đệ nhất nghĩa (lokottara-paramārtha-jñāna).»
[12] Vô nhị Thánh đế trí 無 二 聖 諦 智. Bảo khốt tr. 65c17 nêu hai giải thích: 1. Không có (đủ) hai Thánh đế trí (na dva ārya-satya-jñānau), tức không có trí Thánh đế hữu tác và trí Thánh đế vô tác, do đó Nhị thừa không triệt để đoạn trừ cả năm trụ địa. 2. Do bất nhị Thánh đế trí (advayārya-satya-jñānena), tức do nhất thật trí hay trí tuyệt đối bất nhị, mà đoạn trừ triệt để tất cả năm trụ địa. Giải thích thứ hai được chấp nhận.
[13] Bất tư nghị Không trí 不 思 議 空 智 (Skt. acintya-śūnyatā-jñāna), bản B: bất tư nghị Không tính chi trí 不 思 議 空 性 之 智, nhận thức về bản tánh chân không siêu việt ngôn ngữ và tư duy.
[14] Phiền não tạng 煩 惱 藏, bản B: phiền não xác 煩 惱 殼 (Skt. kleśāṇḍa-kośa), vỏ cứng phiền não.
[15] Thánh nghĩa 聖 義, bản B: chân Thánh nghĩa 真 聖 義, ý nghĩa thực sự của từ ‹Thánh› (ārya).
[16] Đế 諦 (Skt. satya), chân lý, hiện thực. Tham chiếu, Tăng 17, kinh số 215: «… hiện thực, không hư dối, được Như Lai nói ra, do đó gọi là đế.»