Đức Phật bảo Thắng Man:
«Nay con lại hãy nói thêm về sự nhiếp thọ Chính pháp mà hết thảy chư Phật đều nói.»
Thắng Man bạch Phật:
«Lành thay! Bạch Thế Tôn, con kính vâng lời dạy.»
Rồi bạch Phật:
«Bạch Thế Tôn, nhiếp thọ Chính pháp tức là Đại thừa.[2] Vì sao? Bởi vì Đại thừa xuất sinh hết thảy thiện pháp của thế gian và xuất thế gian, Thanh văn, Duyên giác.»
«Bạch Thế Tôn, cũng như từ hồ A-nậu-đại[3] xuất phát tám con sông lớn,[4] cũng vậy, từ Đại thừa xuất sinh hết thảy thiện pháp của thế gian và xuất thế gian, Thanh văn, Duyên giác.»
«Bạch Thế Tôn, lại nữa, cũng như hết thảy hạt giống[5] đều nương vào đất mà sinh trưởng; cũng vậy, hết thảy thiện pháp của thế gian và xuất thế gian, Thanh văn, Duyên giác, đều nương nơi Đại thừa mà được tăng trưởng. Cho nên, Bạch Thế Tôn, an trụ nơi Đại thừa, nhiếp thọ Đại thừa, tức là an trụ Nhị thừa[6] và nhiếp thọ hết thảy thiện pháp thế gian và xuất thế gian của Nhị thừa.»
«Như Thế Tôn đã nói, có sáu xứ.[7] Những gì là sáu? Đó là: Chính pháp trụ, Chính pháp diệt, Ba-la-đề-mộc-xoa, Tỳ-ni, Xuất-gia và Thọ cụ túc giới. Sáu xứ ấy được nói vì mục đích Đại thừa.»
«Vì sao? Chính pháp trụ,[8] ấy là vì Đại thừa mà nói. Đại thừa trụ cho nên nói Chính pháp trụ. Chính pháp diệt,[9] ấy là vì Đại thừa mà nói. Đại thừa diệt cho nên Chính pháp diệt. Ba-la-đề-mộc-xoa[10] và Tỳ-ni,[11] hai pháp ấy, tên gọi khác nhưng ý nghĩa là một. Tỳ-ni tức là cái học của Đại thừa.[12] Vì sao? Vì nương Phật xuất gia, mà thọ cụ túc, cho nên nói rằng oai nghi giới của Đại thừa[13] là Tỳ-ni, là xuất gia,[14] là thọ cụ túc.[15] Cho nên A-la-hán[16] không có xuất gia, thọ cụ túc. Vì sao? Vì A-la-hán nương Như Lai mà xuất gia, thọ cụ túc.[17] A-la-hán quy y theo Phật, A-la-hán có sự sợ hãi. Vì sao vậy? Vì A-la-hán vẫn còn an trụ với ý tưởng sợ hãi đối với hết thảy vô hành;[18] như có người cầm gươm muốn đến hại mình, cho nên A-la-hán không có sự an lạc tuyệt đối.[19] Vì sao? Bạch Thế Tôn, vì là nương tựa bậc không cần nương tựa.[20] Cũng như chúng sinh vì không nơi nương tựa cho nên sợ hãi cái này cái kia. Do sợ hãi[21] nên tìm đến quy y. Cũng vậy, A-la-hán có sự sợ hãi cho nên nương tựa Như Lai.»
«Bạch Thế Tôn, A-la-hán và Bích-chi Phật có sợ hãi; cho nên, A-la-hán và Bích-chi-Phật vì còn sinh pháp tàn dư[22] chưa diệt tận nên còn có sự sinh; vì còn phạm hạnh dư tàn chưa thành tựu nên không thuần nhất;[23] vì phận sự[24] không cứu cánh nên còn có những điều cần làm; vì chưa vượt qua cái kia[25] nên còn có những cái phải đoạn trừ. Vì không đoạn trừ nên cách Niết-bàn giới[26] còn xa. Vì sao vậy? Duy chỉ có đức Như Lai, bậc Ứng cúng, Chính đẳng giác,[27] mới chứng đắc Niết-bàn, vì đã thành tựu hết thảy công đức.[28] A-la-hán và Bích-chi-Phật không thành tựu hết thảy công đức; nói rằng chứng đắc Niết-bàn, đó là phương tiện của Phật.»
«Duy chỉ Như Lai mới chứng đắc Niết-bàn, vì đã thành tựu công đức không thể nghĩ bàn. A-la-hán và Bích-chi-Phật thành tựu công đức có thể nghĩ bàn; nói là chứng đắc Niết Bàn, đó là phương tiện của Phật.»
«Duy chỉ Như Lai mới chứng đắc Niết-bàn, vì đã đoạn trừ hết thảy những sai lầm cần phải đoạn trừ,[29] thành tựu đệ nhất thanh tịnh. A-la-hán và Bích-chi còn có lỗi lầm tàn dư, chưa phải là đệ nhất thanh tịnh; nói rằng chứng đắc Niết-bàn, đó là phương tiện của Phật.»
«Duy chỉ có Như Lai mới chứng đắc Niết Bàn, được hết thảy chúng sinh chiêm ngưỡng, vượt trên cảnh giới A-la-hán, Bích-chi-Phật và Bồ tát. Cho nên, A-la-hán, Bích-chi-Phật và Bồ tát cách Niết-bàn giới còn xa.»
«Nói rằng, với A-la-hán và Bích-chi-Phật, quán sát sự giải thoát và sự cứu cánh của bốn trí,[30] đạt đến chỗ nghỉ hơi;[31] đấy cũng là phương tiện của Như Lai, còn có dư tàn, chưa phải là liễu nghĩa.[32]»
«Vì sao? Có hai loại chết. Những gì là hai? Chết bởi phần đoạn và chết bởi biến dịch bất tư nghị.[33] Chết bởi phần đoạn là chúng sinh hư ngụy.[34] Chết bởi bất tư nghị biến dịch, là ý sinh thân[35] A-la-hán, Bích-chi Phật, Đại lực[36] Bồ tát cho đến cứu cánh Bồ-đề.»
«Trong hai loại chết, do sự chết phần đoạn mà nói rằng trí của A-la-hán và Bích-chi Phật nhận biết ‹Sự sinh của ta đã hết›.[37] Do chỉ chứng đạt được quả hữu dư[38] cho nên nói rằng ‹hạnh đã vững.›[39] Vì là điều mà phàm phu, trời, người không thể thành toàn, là điều mà bảy bậc học nhân[40] trước đây chưa làm và vì đoạn trừ phiền não hư ngụy,[41] cho nên nói ‹Điều cần làm đã làm xong›.[42] Vì A-la-hán và Bích-chi-Phật đã đoạn trừ phiền não không còn có thể tái sinh đời sau nữa cho nên nói ‹Không còn tái sinh đời sau›[43] nhưng không phải là đoạn tận hết thảy phiền não, cũng không phải là đoạn tận hết thảy sự thọ sinh[44] để nói rằng ‹Không còn tái sinh đời sau.›»
«Vì sao? Vì có phiền não mà A-la-hán và Bích-chi Phật không thể đoạn trừ được.»
«Phiền não có hai loại. Những gì là hai? Là trụ địa phiền não và khởi phiền não. Trụ địa phiền não có bốn.[45] Những gì là bốn? Đó là, kiến nhất xứ trụ địa,[46] dục ái trụ địa,[47] sắc ái trụ địa[48] và hữu ái trụ địa.[49] Bốn trụ địa này sinh ra hết thảy khởi phiền não.[50] Khởi tức là sát-na tương ứng sát-na tâm.[51] Bạch Thế Tôn, vô minh trụ địa[52] vô thủy không tương ưng với tâm.[53] Bạch Thế Tôn năng lực bốn trụ địa này là nơi nương tựa[54] cho hết thảy phiền não hiện khởi;[55] so với vô minh trụ địa, thì không thể bằng toán số, thí dụ mà mô tả được.»
«Bạch Thế Tôn, như vậy là sức mạnh của vô minh trụ địa; đối với bốn trụ địa thuộc hữu ái,[56] vô minh trụ địa có sức mạnh lớn hơn hết. Cũng như Ma Ba-tuần[57] đối với Tự Tại thiên[58] có sắc, lực, thọ mạng và đám quyến thuộc thảy đều tự tại trổi vượt; cũng vậy, sức mạnh của vô minh trụ địa, đối với bốn trụ địa thuộc hữu ái, sức mạnh của nó tối thắng, là sở y của hằng hà sa số phiền não tạp nhiễm, và cũng khiến cho bốn loại phiền não tồn tại lâu dài, không phải là cái mà trí của A-la-hán và Bích-chi-Phật có thể đoạn trừ được, duy chỉ trí Bồ-đề của Như Lai mới có thể đoạn trừ. Như vậy bạch Thế tôn, vô minh trụ địa có sức mạnh rất lớn.»
«Bạch Thế Tôn, lại nữa, như thủ là duyên, nghiệp hữu lậu là nhân,[59] sinh ra ba hữu;[60] cũng vậy, vô minh trụ địa là duyên, nghiệp vô lậu là nhân[61] mà sinh ra ba loại ý sinh thân của A-la-hán, Bích-chi Phật, và Đại lực Bồ tát. Ba loại ý sinh thân này của ba địa vị kia cùng với nghiệp vô lậu đều y trên vô minh trụ địa, có duyên chứ không phải không có duyên.[62] Cho nên ba loại ý sinh thân và nghiệp vô lậu duyên vô minh trụ địa.[63]»
«Như vậy, bạch Thế Tôn, bốn trụ địa, như hữu ái trụ địa, không đồng với nghiệp[64] của vô minh trụ địa. Vô minh trụ địa khác biệt và ở ngoài[65] bốn trụ địa, được đoạn trừ nơi Phật địa,[66] được đoạn trừ bởi trí Bồ-đề của Phật.[67] Vì sao? Vì A- la-hán và Bích-chi Phật đoạn trừ bốn loại trụ địa, mà vô lậu chưa diệt tận, không được tự tại lực, cũng không thể tác chứng.[68] Vô lậu chưa diệt tận[69] tức là vô minh trụ địa.[70]»
«Bạch Thế Tôn, A-la-hán, Bích-chi Phật và Bồ tát tối hậu thân[71] bị che lấp và trở ngại[72] bởi vô minh trụ địa cho nên đối với pháp này pháp kia[73] không biết, không thấy. Vì không biết và không thấy cho nên những gì cần đoạn trừ thì không được đoạn trừ, không được rốt ráo.[74] Do không đoạn trừ nên nói là giải thoát với khuyết điểm còn tàn dư,[75] không phải là giải thoát với sự dứt lìa hết thảy khuyết điểm; gọi là thanh tịnh hữu dư chứ không phải là thanh tịnh tất cả; gọi là thành tựu công đức hữu dư chứ không phải là công đức tất cả. Vì thành tựu giải thoát hữu dư, thanh tịnh hữu dư, công đức hữu dư cho nên biết khổ hữu dư,[76] đoạn tập hữu dư, chứng diệt hữu dư, tu đạo hữu dư.[77] Đó gọi là đạt được một phần Niết-bàn.[78] Đạt được một phần Niết Bàn, gọi là hướng Niết-bàn giới. Nếu biết hết thảy khổ, đoạn hết thảy tập, chứng hết thảy diệt, tu hiết thảy đạo, đối với thế gian vô thường bại hoại, đối với thế gian vô thường bịnh hoạn mà chứng đắc thường trụ Niết-bàn;[79] đối với thế gian không được che chở, không nương tựa mà che chở và là làm nơi nương tựa. Vì sao? Vì pháp không có hơn kém mà chứng đắc Niết-bàn;[80] vì trí tuệ bình đẳng mà chứng đắc Niết-bàn; vì giải thoát bình đẳng mà chứng đắc Niết Bàn; vì thanh tịnh bình đẳng mà chứng đắc Niết-bàn. Cho nên Niết- bàn chỉ có một vị, vị bình đẳng, gọi là vị giải thoát.»
«Bạch Thế Tôn nếu vô minh trụ địa không được đoạn trừ, không được cứu cánh thì không thể đạt được hương vị duy nhất,[81] hương vị bình đẳng,[82] tức vị giải thoát.[83]»
«Vì sao? Vì nếu vô minh trụ địa không được đoạn trừ, không được cứu cánh, thì các pháp cần đoạn trừ nhiều hơn số cát sông Hằng không được đoạn trừ, không được cứu cánh;[84] các pháp cần chứng đắc nhiều hơn số cát sông Hằng không được chứng đắc, cần chứng ngộ không được chứng ngộ. Cho nên, vô minh trụ địa tích tụ mà sinh ra phiền não hiện khởi[85] của hết thảy phiền não thuộc tu đoạn.[86] Nó sinh ra phiền não hiện khởi của tâm,[87] phiền não hiện khởi của chỉ,[88] phiền não hiện khởi của quán,[89] phiền não hiện khởi của thiền,[90] phiền não hiện khởi củachính thọ,[91] phiền não hiện khởi của phương tiện,[92] phiền não hiện khởi của trí, phiền não hiện khởi của quả, phiền não hiện khởi của đắc, phiền não hiện khởi của lực, phiền não hiện khởi của vô úy, các phiền não hiện khởi nhiều hơn cát sông Hằng như vậy được đoạn trừ bởi trí Bồ-đề của Như Lai;[93] tất cả đều nương trên vô minh trụ địa mà được thiết lập. Hết thảy phiền não hiện khởi sinh khởi do nhân là vô minh trụ địa, duyên là vô minh trụ địa.»
«Bạch Thế Tôn, đối với khởi phiền não này, tâm sát-na tương ương sát-na.[94] Bạch Thế Tôn tâm không tương ương với vô thủy vô minh trụ địa.[95]»
«Bạch Thế Tôn, các pháp được đoạn bởi trí Bồ-đề của Như Lai dù có nhiều hơn số cát sông Hằng, tất cả đều được duy trì, được thiết lập bởi vô minh trụ địa. Cũng như hết thảy hạt giống đều nương trên đất mà sinh, mà tồn tại,[96] tăng trưởng; nếu đất bị hủy hoại thì chúng cũng bị hủy hoại theo. Cũng vậy, các pháp nhiều hơn số hằng sa được đoạn trừ bởi trí Bồ-đề của Như Lai, hết thảy đều nương trên vô minh trụ địa mà sinh, mà tồn tại và tăng trưởng. Nếu vô minh trụ địa bị đoạn trừ thì các pháp nhiều hơn số hằng sa được đoạn trừ bởi trí Bồ-đề của Như Lai cũng bị đoạn trừ theo.»
«Như vậy, hết thảy phiền não, tùy phiền não[97] được đoạn trừ, thì các pháp nhiều hơn số cát sông Hằng mà Như Lai sở đắc đều được thấu suốt vô ngại, với hết thảy trí và kiến,[98] lìa hết thảy khuyết điểm,[99] được hết thảy công đức, là Pháp vương, Pháp chủ, mà được tự tại bước lên địa vị tự tại đối với hết thảy pháp,[100] là Như Lai, Ứng cúng,chính đẳng giác, với tiếng rống sư tử chânchính:[101] ‹Sự sinh của ta đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tiếp thọ đời sau nữa›. Cho nên, bạch Thế Tôn, tiếng rống sư tử, y trên liễu nghĩa, là sự xác nhận một cách tuyệt đối.[102]»
«Bạch Thế Tôn trí không tiếp thọ đời sau[103] có hai loại.[104] Như Lai bằng năng lực điều ngự vô thượng[105] mà hàng phục bốn loại Ma,[106] ra khỏi hết thảy thế gian, được hết thảy chúng sinh chiêm ngưỡng, chứng đắc Pháp thân bất khả tư nghị, đuợc tự tại đối với pháp vô ngại[107] trên tất cả mảnh đất sở tri;[108] bên trên không còn phận sự cần làm, không còn địa vị cần chứng nào nữa; đầy đủ mười năng lực,[109] cũng dũng mãnh mà bước lên địa vị vô úy vô thượng bậc nhất; đối với hết thảy nhĩ diệm, quán sát bằng vô ngại trí, không do ai khác, với nhận thức rằng ‹Sau đời này không còn đời nào nữa› mà cất tiếng rống sư tử.»
«Bạch Thế Tôn, A-la-hán, Bích-chi-Phật[110] vượt qua sự sợ hãi về sinh tử, lần lượt đạt được sự an lạc của giải thoát, bèn nghĩ rằng: ‹Ta đã xa lìa sợ hãi về sinh tử, không còn tiếp thọ sự khổ sinh tử›. Bạch Thế Tôn, A-la-hán, Bích-chi-Phật khi quan sát liền chứng đắc địa vị không còn tiếp thọ đời sau, quán nơi yên nghĩ bậc nhất, là Niết-bàn địa.[111]»
«Bạch Thế Tôn, địa vị mà vị ấy chứng đắc trước kia, không ngu si đối với pháp, không do ai khác, và tự biết là chỉ đạt được địa vị hữu dư, rồi tất sẽ chứng đắc vô thượngchính đẳng giác.[112] Vì sao? Thanh văn và Duyên giác thừa đều quy vào Đại thừa. Đại thừa ấy tức Phật thừa. Cho nên Ba thừa vốn là Một thừa. Chứng đắc Một thừa là chứng đắc A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề.[113] A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề tức là Niết-bàn giới.[114] Niết-bàn giới tức là Pháp thân của Như Lai. Được cứu cánh Pháp thân thì cứu cánh Một thừa không khác Như Lai, không khác Pháp thân. Như Lai tức Pháp thân. Được cứu cánh Pháp thân tức cứu cánh Một thừa. Cứu cánh tức là vô biên không đoạn.[115]»
«Bạch Thế Tôn, Như Lai tồn tại với thời gian không có giới hạn. Như Lai, bậc Ứng cúng, Chính đẳng giác tồn tại với suốt cùng hậu tế.[116] Như Lai là đại bi không giới hạn và an ủi thế gian cũng không giới hạn. Đại bi vô hạn, an ủi thế gian vô hạn, nói như vậy gọi là nói toàn thiện. Nếu gọi rằng Như Lai là pháp vô tận, là pháp thường trụ, là nơi nương tựa của hết thảy thế gian, đó cũng gọi là nói về Như Lai một cách toàn thiện. Cho nên, đối với thế gian chưa được cứu độ, đối với thế gian không nơi nương tựa mà làm nơi vô tận quy y, thường trụ quy y, cho đến suốt cùng hậu tế, đó chính là Như Lai, Ứng cúng, chính đẳng giác vậy.»
«Pháp tức là thuyết Nhất thừa đạo.[117] Tăng tức là các chúng của Ba thừa. Hai sự quy y ấy không phải là quy y rốt ráo, mà gọi là quy y phần ít. Vì sao? Thuyết Nhất thừa đạo pháp, chứng đắc Pháp thân cứu cánh, bên trên không còn nói đến pháp Nhất thừa[118] nữa.»
«Các chúng Ba thừa có sợ hãi mà quy y Như Lai, cầu mong xuất ly, tu học, hướng Vô thượng Chính đẳng Chính giác. Cho nên hai sự quy y ấy không phải là quy y cứu cánh, đó là sự quy y có hạn. Nếu có chúng sinh được Như Lai điều phục mà quy y Như Lai, được thấm nhuần[119] bởi pháp, sinh tâm tin vui mà quy y Pháp và Tăng. Đó là hai quy y. Không phải rằng hai sự quy y này là quy y Như Lai.[120] Quy y đệ nhất nghĩa là quy Như Lai. Đệ nhất nghĩa[121] của hai sự quy y này là cứu cánh quy y Như Lai. Vì sao? Như Lai không khác biệt với hai sự quy y này. Như Lai tức là ba quy y. Vì sao? Thuyết Nhất thừa đạo, Như Lai thuyết bằng bốn vô úy,[122] thành tựu sư tử hống. Nếu Như Lai tùy theo xu hướng của chúng[123] mà phương tiện thuyết giảng, tức thị Đại thừa chứ không có hai thừa.[124] Ba thừa đều nhập vào một thừa. Một thừa tức là thừa của đệ nhất nghĩa.»[125]
[1] «Nhất thừa chương đệ ngũ» 一 乘 章 第 五 (Skt. Ekayāna-pañcama-parivarta). Tên khác: «Thuyết nhập Nhất thừa», bản B đồng (Skt. Ekayāna-praveśa-deśanā). Cần phân biệt: eka-yāna, «một cỗ xe duy nhất» với ekāyana, «một con đường duy nhất».
[2] Hán: ma-ha-diễn 摩 訶 衍, phiên âm của Mahāyāna. Bản B: «Nhiếp thọ Chính pháp được gọi là (tức danh 則 名) Đại thừa.»
[3 ]A-nậu-đại 阿 耨 大, A-nậu-đạt 阿 耨 達 (Skt. Anavatapta); Hán dịch: Vô nhiệt hay Vô nhiệt não 無 熱 惱, tên một hồ lớn, theo truyền thuyết, là phát nguyên của 4 con sông lớn của Ấn-độ. Câu-xá 11, Đại 29, tr. 58a19 (Kośa, kārikā 3.57): «Phía bắc Đại Tuyết sơn (Himavat/Himalaya) có núi Hương túy (Gandhamādana). Phía bắc núi Tuyết và phía nam núi Hương có hồ nước lớn tên là Vô nhiệt não (Anavatapta), từ đó xuất phát 4 con sông lớn: Căng-già (Gaṅgā/Hằng hà), Tín độ (Shindhu), Tỷ-đa (Sītā) và Phược-xô (Vakṣu).»
[4] Bát đại hà 八 大 河, Bảo khốt, 43b8, 4 sông cái (xem cht. 403 trên) cọng với 4 phụ lưu của sông Hằng (Gaṅgā), A-thị-la-phạt-để (Aciravatī), Mạc hê (Mahā).
[5] Bản B: «Hết thảy hạt giống, cây cỏ, rừng cây…»
[6] Bản B: «Trụ nhiếp thọ Thanh văn, Độc giác, tất cả thiện pháp thế gian và xuất thế gian…»
[7] Lục xứ 六 處 (Skt. ṣaḍ āyatanāni). Bảo khốt, 43c: «Sáu pháp này là điểm phát khởi hành động, cho nên gọi là xứ.»
[8] Chính pháp trú 正法住 (Skt. Dharma-sthiti), sự tồn tại của Chính pháp. Ở đây được hiểu là sự tồn tại lâu dài của Chính pháp (Skt. Saddharma-cira-sthiti: Chính pháp cửu trụ 正法久住). Huyền ký về sự tồn tại của Phật pháp, có thể xem: Pháp trụ ký của A-la-hán Nan-đề-mật-đa-la (Nandimitrāvadāna), Đường Huyền Tráng dịch, Đại 49, tr. 12.
[9] Chính pháp diệt 正 法 滅 (Skt. saddharma-niṣṭhā-paryanta/ saddharma-vopralopa), nói về sự tiêu diệt hay biến mất của Phật giáo; ghi nhận thời kỳ suy vong của Phật giáo Ấn độ. Quan điểm của Thắng Man, chính vì Đại thừa suy vong mà Phật pháp suy vong.
[10] Ba-la-đề-mộc-xoa 波 羅 提 木 叉 (Skt. prātimokṣa); bản B: biệt giải thoát 別 解 脫. Ngũ phần18 (Đại 22, tr. 122a 15): «Nói là ba-la-đề-mộc-xoa, vì bằng giới này mà phòng hộ các căn, làm tăng trưởng thiện pháp. Trong các thiện pháp, nó là cánh của đầu tiên (sơ môn, Pali: pāmukha), cho nên được gọi là ba-la-đề-mộc xoa.» Định nghĩa này gần với Pāli, Mahāvagga, i.103: pātimokkhan ti ādim etaṃ mukham etaṃ pamukham etaṃ kusalānan dhammānaṃ…, «Ba-la-đề-mộc-xoa, là cái đầu tiên, là cánh cửa, là tinh yếu của tất cả thiện pháp.» Căn bản luậtnhiếp1 (Đại 24, tr. 525a): «Do y Biệt giải thoát kinh như thuyết tu hành, đối với các phiền não hoặc thấp nhất trong 9 cấp phiền não mà lần lượt đoạn trừ, vĩnh viễn không thối lui; và đối với các phiền não mà được giải thoát; cho nên nói là biệt giải thoát. Lại nữa, các phiền não được đoạn trừ trong các giai đoạn kiến đạo và tu đạo được xả ly từng cái một. Do đó gọi là Biệt giải thoát.»
[11] Tỳ-ni 毗 尼 (Skt. vinaya, Pāli: đồng), cũng phiên âm: tỳ-ni-da 毗 尼 耶, hoặc tỳ-nại-da 毗 奈 耶; dịch nghĩa: điều phục 調 伏, diệt 滅, ly hành 離 行, hóa độ 化 度 . thiện trị 善 治, chí chân 志 真. Chỉ những cấm giới và những quy tắc sinh hoạt Tăng già mà Phật quy định cho các tỳ-kheo và tỳ-kheo-ni.
[12] Đại thừa học 大 乘 學 (Skt. Mahāyāna-śikṣa), sở học Đại thừa, tức học giới hay giới pháp của Đại thừa.
[13] Đại thừa oai nghi giới 大 乘 威 儀 戒; bản B: Đại thừa giới uẩn 大 乘 戒 蘊 (Skt. Mahayāna-śīlaskandha).
[14] Xuất gia 出家 (pravrajyā); bản B: chánh xuất gia 正出家 (Skt. sam-). Duy-ma-cật (Đại 14, tr. 564a 5): «Phàm xuất gia là vì pháp vô vi. Trong pháp vô vi, không có lợi, không có công đức… Phát tâm vô thượng Bồ-đề chính là xuất gia.»
[15] Cụ túc giới 具 足 戒 (Skt. upasampadā), cũng gọi là cụ giới hay cận viên 近 圓. Nam hải kýquy 1(Pháp Hiển truyện): «Viên, chỉ Niết bàn. Thọ đại giới rồi thì gần Niết-bàn cho nên gọi là cận viên.» Cụ túc giới, chỉ cho giới của tỳ-kheo, vì, theo Câu-xá 15 (Đại 29, tr, 78a), thọ trì đủ cả 7 chi: 3 chi nghiệp đạo thuộc thân và 4 chi thuộc ngữ.
[16] A-la-hán (Skt. arhat, Pāli: arahant). Hán dịch phổ thông: chí chân, ứng cúng. Bậc Thánh cao nhất trong hàng Thanh văn.
[17] Bản B: «A-la-hán không vì Như Lai (không vì mục đích thành Phật) mà xuất gia, thọ cụ túc. A-la-hán vì có ấn tượng sợ hãi (bố úy tưởng 怖 畏 想; Skt. bhaya-saṃjñā) mà quy y Như Lai.»
[18] Hán: ư nhất thiết vô hành bố úy tưởng trụ 於 一 切 無 行 怖 畏 想 住. Bảo khốt, 45b: 10 «La-hán có trí tuệ của tam giới nội trị đạo 三 界 內 治 道 (Skt. trilokādhyātma-prahāṇa-mārga: đối trị đạo, đoạn đạo, hay tu đạo, giai đoạn tu tập để diệt trừ các phiền não dẫn đến luân hồi trong tam giới ) được gọi là hành. Đoạn trừ hết phiền não của ba giới, không có phần đoạn sinh tử 分 段 生 死 trong ba giới, đối với nội tại của ba giới, không có sự sợ hãi. Nhưng chưa có trí tuệ của tam giới ngoại trị đạo 三 界 外 治 道, được gọi là vô hành. Do đó còn có sự khổ của biến dịch sanh tử 變 易 生 死. A-la-hán tự biết còn có biến dịch sinh tử ở ngoài tam giới mà mình chưa đoạn trừ hết; sợ sự khổ của sinh tử ấy, lấy vô hành của mình làm đối tượng mà sinh tâm sợ hãi; đó gọi là bố úy tưởng 怖畏想. Do trụ trong sự sợ hãi nên gọi là trụ.» Bản B: ư nhất thiết hành trụ bố úy tưởng 於 一 切 行 住 怖 畏 想. Trong hai bản, hành và vô hành theo giải thích của Bảo khốt có thể suy ra nguyên tiếng Phạn là abhisaṃskāra và anābhisaṃskāra, có tác hành và không có tác hành, hay cần nỗ lực và không cần nỗ lực. Hành trong bản B, theo ngữ cảnh có thể suy tiếng Phạn gốc là saṃskāra trong anityā bata saṃskārāḥ, «than ôi, các hành là vô thường» chỉ cho nhừng gì tác thành hay được tác thành, tức các hữu vi, theo quy luật tương quan để tồn tại đều là vô thường.
[19] A-la-hán vô cứu cánh lạc 阿 羅 漢 無 究 竟 樂; bản B: A-la-hán bất chứng xuất ly, cứu cánh an lạc 阿 羅 漢 不 証 出 離 究 竟 安 樂. Trong bản B, xuất ly (Skt. naiṣkramya), chỉ sự thoát ly thế tục, thoát ly sinh tử; một từ đồng nghĩa với đạo đế (mārga-satya); cứu cánh an lạc (Skt. niṣṭhā-kṣema), chỉ Niết bàn. Theo ý nghĩa này, giải thoát và Niết-bàn của A-la-hán chưa phái là rốt ráo
[20] Y bất cầu y 依 不 求 依. Bảo khốt, 45c13: «Như Lai là đấng không cần nương tựa. A-la-hán nương tựa đấng không cần nương tựa ấy.»
[21] Bản B: «Do muốn tìm sự an ổn.»
[22] Dư sinh pháp (Skt. śeṣa-jāti-dharma), chỉ biến dịch sinh tử. Xem cht. 8 trên.
[23] Bất thuần不 純 (Skt. akevala/akevalin). Bản B: vị lập 未 立 (Skt. anuṣita, Pāli: avusita), chưa được xác lập.
[24] Sự 事; bản B: sở tác 所 作 (Skt. karaṇīya), phận sự, nghĩa vụ, công việc cần phải làm.
[25] Chỉ chưa vượt qua khỏi biến dịch sinh tử.
[26] Niết-bàn giới 涅 槃 界 (Skt. nirvāṇa-dhātu).
[27] Như Lai, Ứng, Chánh đẳng giác 如 來 應 正 等 覺 (Skt. tathāgato'rhan samyaksaṃbuddhaḥ).
[28] Bản B: thành tựu vô lượng bất khả tư nghị công đức.
[29] Ưng sở đoạn quá 應 所 斷 過 (Skt. prahātavya-doṣa).
[30] Hán: quán sát giải thoát tứ trí cứu cánh 觀 察 解 脫 四 智 究 竟. Bảo khốt, 48a17, giải thích: «Vô học chánh trí (Skt. aśaikṣā samyak-prajñā, trí tuệ vô học của A-la-hán), đó là sự giải thoát thuộc hữu vi. Giải thoát tức là chính thể của bốn trí. Nhị thừa từ quán sát sự hữu mà quán sát giải thoát ấy, phát sinh ấn tượng về sự cứu cánh của bốn trí.» Bốn trí ở đây chỉ nhận thức về bốn Thánh đế. Theo giải thích của Hữu bộ Tỳ-bà-sa (Vaibhāṣika), khi vị A-la-hán tuyên bố: «Sự sinh của ta đã hết» đó là do nhận thức về tập đế (Skt. samudaya-jñāna: tập trí); «Phạm hạnh đã vững» là do nhận thức về đạo đế (mārga-jñāna: đạo trí); «điều cần làm đã làm xong» là do nhận thức về diệt đế (nirodha-jñāna: diệt trí); «không còn tái sinh đời sau» do nhận thức về khổ đế (duhkha-jñāna: khổ trí).
[31]Tô tức xứ 蘇 息 處 (Skt. āśvāsanīya-dharma, Pāli: assānīya dhamma), nghĩa đen: chỉ sự lấy lại hở thở bình thường, khôi phục nguyên khí; nghĩa rộng: chỉ sự an ổn. Trong đoạn kinh này, tô tức xứ chỉ trạng thái của vị A-la-hán mà thân thì như tro tàn còn nhận thức thì lạnh lùng trước thực tại.
[32] Liễu nghĩa了 義 (Skt. nītārtha), ý nghĩa được hướng dẫn rõ ràng, nghĩa lý rốt ráo. Trái lại là bất liễu nghĩa 不 了 義 (Skt. neyārtha, ý nghĩa chỉ do suy luận, hay cần suy diễn thêm).
[33] Phần đoạn tử 分 段死 (Skt. vibhāga-cyuti). Biến dịch tử hay bất tư nghị biến dịch tử 變 易 生 死 (Skt. [acintya]-pariṇāma-cyuti).
[34] Hư ngụy chúng sinh 虛 偽 眾 生; bản B: tương tục hữu tình 相 續 有 情 (Skt. saṃtāna-sattva).
[35] Ý sinh thân 意 生 身, cũng nói là ý thành thân 意 成 身 (Skt. manomaya-kayā), thân thể được tác thành bởi ý. Quan điểm Hữu bộ Tỳ-bà-sa (Vaibhāṣika): thân trung hữu hay trung ấm (antarābhava), loài người nguyên thủy (agrakalpa), thân biến hóa thuộc Sắc và Vô sắc giới, thảy đều là thân do ý tác thành, tức không do nghiệp, hay dị thục hay do dâm dục mà có. Đây chỉ thân còn chịu bất tư nghị biến dịch sinh tử của A-la-hán, Bích-chi-Phật và Bồ tát địa thứ tám trở lên.
[36] Đại lực 大 力, Bảo khốt, 49a28: «Không bị nghiệp trói buộc, thọ sinh tự tại.» Thọ sinh tự tại hay sinh tự tại (Skt. upapatti-vaśita): Bồ tát tái sinh vào bất cứ đâu, bất cứ lúc nào tùy ý, không bị nghiệp chi phối. Ở đây, đại lực Bồ tát chỉ Bồ tát địa thứ tám trở lên.
[37] Ngã sinh dĩ tận 我 生 已 盡 (Skt. kṣīṇā me jātiḥ): sự sinh của ta đã hết.
[38] Hữu dư quả chứng 有 餘 果 証 (Skt. sopādhi-śeṣa-phala).
[39] Phạm hạnh dĩ lập 梵 行 已 立 (Skt. uṣitaṃ brahmacaryam), phạm hạnh đã được xác lập.
[40] Thất chủng học nhân 七 種 學 人 (sapta śaikṣa-pudgalāḥ); bảy bậc Thánh giả hữu học: Dự lưu hướng (Srotaāpatti-pratipannaka), Dự lưu quả (Srotaāpatti-phala), Nhất lai hướng (Sakṛdāgāmi-pratipannaka), Nhất lai quả (Sakṛdāgāmi-phala), Bất hoàn hướng (Anāgāmi-pratipannaka), Bất hoàn quả (Anāgāmi-phala), A-la-hán hướng (Arhatpratipannaka).
[41] Hư ngụy phiền não 虛 偽 煩 惱 (śaṭha-kleśa /asanta-kleśa). Bản B: tương tục phiền não 相 續 煩 惱 (santāna-kleśa). Có lẽ do phát âm tương tợ của hai từ Phạn: śaṭha: giả dối, hoặc asanta: bất thực, hư vọng; và santāna: liên tục.
[42] Sở tác dĩ biện 所 作 已 辨 (Skt. kṛtaṃ karaṇīyam).
[43] Bất thọ hậu hữu 不 受 後 有 (Skt. nāparam asmād bhavam), từ đây (sau đời này) không còn tồn tại nào khác (param bhavam).
[44] Bản B: «Do không đoạn tận các phiền não hữu dư nên không liễu tri (prajānāti) tất cả sự thọ sinh (bhava).»
[45] Bốn trụ địa phiền não này cùng với vô minh trụ địa kể sau, trong các giải thích Trung hoa, gọi chung là ngũ trụ địa hoặc 五 住 地 惑 hay ngũ trụ địa phiền não 五 住 地 煩 惱. Thuyết ngũ trụ địa hoặc không được tìm thấy trong các kinh kuận khác, nên khó suy luận tiếng Phạn gốc. Bảo khốt, 50b: «Có khả năng sinh trưởng, gọi là địa. Khiến cho cái đựơc sinh đứùng vững, gọi là địa» (Skt. [ā]vāsanabhūmi).
[46] Kiến nhất xứ trụ địa 見 一 處 住 地. Chỉ tất cả các phiền não thuộc loại được đoạn trừ ở giai đọạn kiến đạo (darśanamārga), tức giai đoạn mà Thanh văn thấy rõ bốn Thánh đế, Bồ tát thấy một phần Chân như. A-tì-đàm (Abhidharmika) và Duy thức (Vijñānavāda) gọi các phiền não này là kiến sở đoạn (darśana-prahātavya-kleśa). Bảo khốt, tr. 50b9: «Bảy nhẫn và tám trí suy tìm đế lý, gọi là kiến, duyên vào một lý mà đoạn trừ phiền não một cách tổng thể, do đó gọi là kiến nhất xứ.»
[47] Dục ái trụ địa 欲 愛住 地 (Skt. kāma-tṛṣṇa-vāsanabhūmi), tham ái thuộc Dục giới (Kāmāvacāra); chỉ tất cả phiền não dẫn đến thọ sinh vào Dục giới.
[48] Sắc ái trụ địa 色 愛 住 地 (Skt. rūpa-tṛṣṇa-vāsanabhūmi), tham ái thuôc Sắc giới (Rūpāvacāra); chỉ tất cả phiền não dẫn đến tái sinh Sắc giới.
[49] Hữu ái trụ địa 有 愛 住 地 (Skt. bhava-tṛṣṇa-vāsanabhūmi), tham ái hay khát khao tồn tại, Bảo khốt, 50b: «Chỉ tất cả phiên não thuộc Vô sắc giới (Arūpāvacāra), trừ vô minh (avidyā) và kiến (dṛṣṭi).»
[50] Khởi phiền não 起 煩 惱. Bản B: biến khởi phiền não 遍 起 煩 惱 (Skt. paryuṭṭhāna[-kleśa]), đồng nghĩa với triền 纏 (paryavathāna), chỉ phiền não trói buộc làm cản trở sự phát triển của thiện.
[51] Hán: sát-na tâm sát-na tương ưng 剎 那 心 剎 那 相 應; bản B: sát-na sát-na dữ tâm tương ưng剎 那 剎 那 與 心 相 應, tương với tâm trong từng sát-na sát-na. Bảo khốt, 51c21: «Tâm vương trong từng một niệm duyên vào đối tượng, khi ấy, các pháp phiền não tùy tâm mà xuất hiện, đồng thời, không tách rời nhau; do đó gọi là sát-na tương ưng.»
[52] Vô minh trụ địa 無 明 住 地 (avidyā-vāsāna-bhūmi) đồng nghĩa với căn bản vô minh (mūlāvidyā), hoặc nói là căn bản bất giác, tức là điều mà luận Khởi tín nói: «Do không thông suốt pháp giới nhất thể tuyệt đối (ekadharmadhātu), nên không tương ưng với tâm mà hốt nhiên khởi vọng niệm, do đó gọi là vô minh.» Tức là, không phải là một chi trong 12 chi duyên khởi; nhưng là một niệm bất giác khởi lên khuấy động chân tâm. Bảo khốt, 52a5: «Vô minh trụ địa ở đây chỉ cho tâm vọng tưởng. Bản thể của nó là vô minh.» Cf. Laṅkā, tr. 90: …ālayavijñānasaṃśabdito' vidyāvāsana bhūmajaiḥ saptabhir vijñānaiḥ… pravartate, «cái được gọi là thức a-lại-da chuyển động cùng với bảy thức (là những cái) được sản sinh từ vô minh trụ địa.»
[53] Nguyên văn Hán: tâm bất tương ương ưng vô thủy vô minh trụ địa 心 不 相 應 無 始 無 明 住 地; đối chiếu bản dịch B: vô minh trụ địa vô thủy thời lai tâm bất tương ưng 無 明 住 地 無 始 時 來 心 不 相 應. Nghĩa theo bản dịch B rất rõ: «Vô minh trụ địa từ thời vô thủy đến nay không tương ưng với tâm.» Trong đó, vô thủy được hiểu là trạng từ chỉ thời gian. Phần lớn các chú giải Trung hoa theo bản Hán của Cầu-na bạt-đà-la coi nó là tĩnh từ phẩm định cho vô minh. Bảo khốt, 52b3: «Về vô thủy, có hai giải thích. Một, nói rằng vô minh không có khởi thủy, do đó chúng sinh thì không có (mối) đầu, mà Bát-nhã thì không (dò được) đáy. Hai, vô minh ớ ngay tại buổi tối sơ. Thật sự là có khởi thủy, nhưng không có một pháp nào có trước nó, do đó nói là vô thủy.» Về tâm bất tương ưng (Skt. citta-viprayukta), Bảo khốt, 52a5: «Không phải là pháp tồn tại biệt lập ngoài tâm để tương ưng với tâm, nên nói là không tương ưng với tâm.»
[54] Y chủng 依 種 (Skt. āśraya-bhūta); bản B: sở y 所 依.
[55] Hán: thượng phiền não (Skt. upakleśa). Bản B: biến khởi phiền não (paryutthāna).
[56] Hán: hữu ái số 有 愛 數 (Skt. bhava-tṛṣṇa-saṃkhyā). Bảo khốt, 52b19: «Hữu ái là thứ tư trong bốn trụ địa. Ba trụ địa trước đều là phẩm số của hữu ái. Nêu cái sau bao quát những cái trước, gọi là bốn trụ địa thuộc hữu ái.»
[57] Ma Ba-tuần, hay Thiên Ma Ba-tuần 天 魔 波 旬; bản B: Ma vương 魔 王 (Skt. MāraPāpimant), Tử thần, kẻ xúi dục điều ác. Thường gọi là Ác ma, hay Ma vương. Truyền thuyết nói Māra là thiên thần trên cõi trời Tha hóa tự tại (Skt. Paranirmita-vaśa-vartin), cao nhất Dục giới (Kāmāvacara), là chúa tể của thế giới hưởng thụ ngũ dục. Nếu một chúng sinh từ chối hưởng thụ ngũ dục, Thiên ma này sẽ tìm cách hoặc dụ dỗ hoặc quấy phá, để cho không thể thoát khỏi sự khống chế của sự chết.
[58] Tự Tại thiên; bản B: Tha Hóa Tự Tại thiên 他 化 自 在 天 (Skt. Paranirmita-vaśa-vartin), chư thiên tầng trời thứ sáu, cao nhất Dục giới; hưởng thụ dục lạc bằng cách chiếm đoạt những gì được sáng tạo bởi người khác. Đối với chúng sinh thuộc Dục giới, chư thiên này có ba cái nhất: tuổi thọ, dung mạo và dục lạc.
[59] Thủ duyên hữu lậu nghiệp nhân 取 緣 有 漏 業 因. Thủ (Skt. upādāna), một trong 12 chi duyên khởi, đồng nghĩa với dục tham (kāmarāga), khát khao hưởng thụ ngũ dục, không hề biết đến những nguy hiểm. Thủ là điều kiện của hữu (bhava) tức yếu tố tái sinh đời sau. Đại tỳ-bà-sa: Thủ có 3 tính cách: chấp trì, thâu thái, và lựa chọn. - Về hữu lậu nghiệp nhân (Skt. sāsravakarmahetu), Bảo khốt, 53c: «Duyên là điều kiện hỗ trợ. Nghiệp là chính chủ dẫn đến phát sinh cảm thọ khổ và lạc, do đó nói là hữu lậu nghiệp.» «Phiền não là lậu (āsrava). Nghiệp thiện và ác từ lậu mà sinh, cùng theo nhau với lậu, gọi là nghiệp hữu lậu.»
[60] Tam hữu 三 有 (Skt. tribhava), ba trạng thái tồn tại: Dục hữu (Kāmabhava), tồn tại do dục vọng, thế giới của dục vọng; Sắc hữu (Rūpabhava), tồn tại với đối tượng là sắc, thế giới của tứ thiền; Vô sắc hữu (Arūpabhava), tồn tại với đối tượng là vô sắc, thế giới của bốn vô sắc định.
[61] Vô lậu nghiệp nhân 無 漏 業 因 (Skt. anāsrava-karmahetu). Bảo khốt, 53c28: «Vô lậu này cũng là hữu lậu mà thôi, nhưng đối với hữu lậu thuộc trong tam giới (tridhātuka) nên gọi cái ngòai tam giới là vô lậu.» Sđđ., tr 54a5: «Cảm kết quả của nghiệp sinh tử thuộc hữu vi thì gọi là hữu lậu. Đối loại hữu lậu này, cái chiêu cảm sinh tử ở ngoài tam giới thì gọi là vô vi. Nhưng thực thể của nó là hữu lậu.»
[62] Bản B: «Kia tuy lệ thuộc duyên (hữu duyên 有 緣) nhưng cũng có khả năng làm duyên.»
[63] Bản B: «Ba loại tùy ý sinh thân cùng với nghiệp vô lậu đều lấy vô minh trụ địa làm duyên, đồng với hữu ái.»
[64] Vô minh trụ địa nghiệp 無 明 住 地 業. Bảo khốt, 54c7: «Đây chỉ phiền não tạo ra kết quả mà gọi là nghiệp, chứ không phải hành nghiệp. Nghiệp do bốn trụ địa chỉ tạo ra sinh tử phần đoạn. Nghiệp do vô minh mới có thể tạo ra sinh tử biến dịch.»
[65] Hán: vô minh trụ địa dị ly tứ trụ địa 無 明 住 地 異 離 四 住 地. Bảo khốt, tr. 54c19: «Sự thọ sinh do vô minh được thoát ly bởi Như Lai. Sự thọ sinh do bốn trụ địa được thoát ly bởi Nhị thừa. Do đó nói dị ly (hiểu là sự thoát ly khác nhau).» Bản B: vô minh trụ địa dị tứ trụ địa (không có ly).
[66] Phật địa 佛 地, chỉ giai đoạn Bồ tát thành tựu các ba-la-mật và 18 pháp bất cộng, chứ không phải Phật quả. Tức giai đoạn thứ mười trong quá trình tu tập của Bồ tát, theo danh sách liệt kê của kinh Đại Bát-nhã: 1. Càn tuệ địa (Śukla-vidarśana-bhūmi); 2. Tính địa hay chủng tính địa (Gotra-bhūmi). Đây là hai giai đoạn thuộc địa vị phàm phu (pṛthagjana) trước khi chứng Dự lưu của Thanh văn thừa; 3. Bát nhân địa (Aṣṭamaka-bhūmi); 4.Kiến địa (Darśana-bhūmi). Hai giai giai đoạn tương đương Dự lưu đạo (Srotaāpanna-mārga) và Dự lưu quả (Srotaāpanna-phala); 5. Bạc địa (Tanu-bhūmi), tương đương Nhất lai (Sakṛdāgāmi), ở đó tham dục (rāga), sân hận (dveṣa) và si mê (moha) đã vơi mỏng (tanutva); 6. Ly dục địa (Vītarāga-bhūmi), tương đương Bất hoàn (Anāgāmi); 7. Dĩ tác địa (Kṛtāvī-bhūmi), tương đương với A-la-hán, đã làm xong những việc cần làm (kṛtakṛtya); 8. Bích-chi-Phật địa (Pratyekabuddha-bhūmi); 9. Bồ tát địa (Bodhisattva-bhūmi), 10. Phật địa (Buddha-bhūmi).
[67] Bản B: nói gọn hơn: «Duy chỉ Phật mới có thể đoạn trừ.»
[68] Bản B: «Đối với năng lực diệt các lậu thì không được tự tại, cũng không hiện chứng.» Hiện chứng 現 証 hay tác chứng 作 証 (Skt. sākṣāt-karoti), thấy tận mắt, tự thân chứng nghiệm.
[69] Vô lậu bất tận 無 漏 不 盡 (Skt. kṣīṇānāsrava).
[70] Bản B: ngôn lậu tận chi tăng ngữ 言 漏 盡 之 增 語: nói (vô minh) là đồng nghĩa (tăng ngữ, Skt. adhivacana) với lậu tận (kṣīnāsrava).
[71] Tối hậu thân 最 後 身 (Skt. antima-deha); bản B: tối hậu hữu 最 後 有 (paścima-bhava), chỉ lần tái sinh cuối cùng của Bồ tát để thành Phật.
[72] Phú chướng 覆 障 (Skt. āvaraṇīya), bản B: phú tệ 覆 弊.
[73] Bỉ bỉ pháp 彼 彼 法 (Skt. tattaddharma). Bảo khốt, 55b14: «Hằng sa Phật pháp ở trong Như Lai tạng, đó là bỉ bỉ pháp.»
[74] Bản B: ưng đoạn bất đọan, ưng tận bất tận 應 斷 不 斷 應 盡 不 盡: những gì cần đoạn thì không đoạn; cần diệt tận thì không diệt tận.
[75] Hán: hữu dư quá giải thoát 有 餘 過 解 脫. Bản B và Bảo khốt tr. 55b23 đều đọc: hữu dư giải thoát.
[76] Bảo khốt, 55c12: «Vì chỉ nhận thức được cái hữu hạn chứ không nhận thức được cái vô hạn nên nói là hữu dư.»
[77] Đây là cách nói rút gọn của phương thức khai triển bốn Thánh đế. Mỗi Thánh đế được triển khai với ba giai đoạn: thị chuyển, trình bày ý nghĩa, được gọi là giai đoạn kiến đạo (darśanamārga); khuyến chuyển, hướng dẫn tu tập để nhận thức Thánh đế, được gọi là giai đoạn tu tập (bhāvanāmārga); chứng chuyển, xác nhận đã nhận thức đầy đủ và giác ngộ, được gọi là giai đoạn vô học (aśaikṣamārga). Mỗi giai đoạn gồm bốn trạng thái: con mắt (cakṣus), nhận thức (jñāna), minh triết (vidyā) và giác ngộ (buddhi). Tất gọi chung là tam chuyển thập nhị hành tướng pháp luân (tri-parivarta-dvādaśākāra-dharmacakrapravartana). Về Khổ Thánh đế: Đây là khổ (Skt. idaṃ duḥkham); khổ Thánh đế cần được nhận thức toàn diện (duḥkhamāryasatyamparijñītavyam), và khổ đã được nhận thức toàn diện (duḥkham parijñātam). Về Tập Thánh đế: đây là sự tập khởi (ayaṃ samudayaḥ); sự tập khởi của khổ cần được đoạn trừ (duḥkha-samudayaḥ prahātavyaḥ); sự tập khởi đã được đoạn trừ (samudayaḥ prahīṇaḥ). Về Diệt Thánh đế: Đây là diệt (ayaṃ nirodhaḥ), khổ diệt cần được thực chứng (duḥkha-nirodhaḥ sakṣāt-kartavyaḥ), diệt đã được thực chứng (nirodhaḥ sakṣāt-kṛtaḥ). Về Đạo đế: Đây là sự thực hành dẫn đến diệt khổ (iyaṃ duḥkha-nirodha-gāminī-pratipad), con đường dẫn đến diệt khổ cần được tu tập (duḥkha-nirodha-gāminī-pratipad bhāvayitavyā), con đường dẫn đến diệt khổ đã được tu tập (duḥkha-nirodha-gāminī-pratipadbhāvitā).
[78] Bản B: thiểu phần diệt độ 少 分 滅 度.
[79] Bản B: chứng đắc Niết-bàn thường tịch, thanh lương.
[80] Bản B: Ở trong các pháp, nếu thấy có cao, có thấp, thì không chứng đắc Niết-bàn.
[81] Hán: nhất vị 一 味 (Skt. eka-rasa), một vị ngọt duy nhất, vị đồng nhất, không sai biệt. Bảokhốt, 57a7, dẫn Nhiếp Đại thừa: «Nhất vị, chỉ cho một vị Chân như duy nhất (hay đồng nhất).»
[82] Bình đẳng vị 平 等 味 (Skt. samatā-rasa).
[83] Giải thoát vị 解 脫 味 (Skt. vimukti-rasa).
[84] Bản B: «Không được đọan trừ, không được diệt tận.»
[85] Hán: thượng phiền não上 煩 惱, do Skt. upa (trên) + kleśa (phiền não). Bản B: tùy phiền não 隨 煩 惱. Đối lại với căn bản phiền não (mūlakleśa) mà gọi là tùy phiền não (upakleśa). Câu-xá 21 (Đại 29, tr. 109b10): Các tùy phiền não khác với căn bản phiền não. Chúng được xếp vào trong hành uẩn (saṃskāra-skandha), thuộc các tâm sở nhiễm ô. Vì tùy theo phiền não mà khởi động, cho nên gọi là tùy phiền não. Câu-xá liệt kê có 19 tâm sở được gọi là tùy phiền não.
[86] Tu đạo đoạn phiền não 修 道 斷 煩 惱 (Skt. bhāvanāmārga-prahātavya-kleśa), hoặc gọi là tu sở đoạn phiền não 修 所 斷 煩 惱 (Skt. bhāvanā-heya-kleśa). Chỉ các phiền não được đoạn trừ ở giai đoạn tu tập. Tức là, trong Thanh văn, sau khi thấy lý Tứ đế, thuộc giai đoạn Kiến đạo (darśanamārga) tức đã thấy chân lý, chứng Dự lưu hướng (Śrotaāpattipratipannaka), sau đó bắt đầu quá trình tu tập, đoạn trừ được một số phẩm phiền não thì chứng được một quả Thánh. Băt đầu từ tu đạo thấp nhất là Dự lưu quả (Srotaāpattiaphala), cho đến cuối cùng của tu đạo là A-la-hán hướng (Arhat-pratipannaka). A-la-hán quả (Arhatphala) thuộc vô học đạo. Trong Đại thừa, bắt đấu thấy Chân như (bhūtatathatā), Bồ tát chứng nhập địa vị thứ nhất là Hoan hỷ địa (Pramudita-bhūmika). Sau đó bắt đầu quá trình tu tập, quán sát Chân như, lần lượt từ địa thú hai là Ly cấu địa (Vimala-bhūmika) cho đến địa thứ chín là Thiện tuệ địa (Sādhumati). Từ thứ mười trở lên cho đến Phật quả là giai đoạn vô học (aśaikṣa-mārga).
[87] Hán: tâm thượng phiền não 心 上 煩 惱. Bản B: chướng tâm tùy phiền não 障 心 隨 煩 惱 (Skt. cittāvaraṇa-upakleśa), chỉ các phiền não nhiễm ô gây trở ngại cho khả năng phái triển thiền định. Bảo khốt, 57b11: «Che lấp tâm bồ đề…Đối với đại bồ đề mà không biết nguyện cầu.» Tâm ở đây nên hiểu là tăng thượng tâm (adhicitta).
[88] Chỉ thượng phiền não 止 上 煩 惱. Bản B: chướng chỉ tùy phiền não 障 止 隨 煩 惱 (Skt. śamathāvaraṇa-upakleśa).
[89] Hán: quán thượng phiền não 觀 上 煩 惱. Bản B: chướng quán tùy phiền não 障 觀 隨 煩 惱 (Skt. vipaśyanāvaraṇa-upakleśa).
[90] Hán: thiền thượng phiền não 禪 上 煩 惱. Bản B: chướng tĩnh lự phiền não 障 靜 慮 隨 煩 惱 (Skt. dhyānāvaraṇa-upakleśa). Chỉ các phiền não phát triển bốn bậc thiền Sắc giới.
[91] Chính thọ thượng phiền não 正 受 上 煩 惱 . Bản B: chướng tam-ma-bát-để 障 三 摩 缽 底 (Skt. samāpatty-āvarana). Chính thọ hay đẳng chí, gọi chung cho bốn Sắc giới thiền và Vô sắc giới định, tất cả có tám bậc đẳng chí.
[92] Phương tiện thượng phiền não 方 便 上 煩 惱. Bản B: gia hành 加 行 (Skt. prayoga). Chỉ thiện căn phát sinh trong khi tu tập hiện quán Thánh đế. Cần phân biệt từ Hán phương tiện ở đây do dịch Skt. prayoga, và từ dịch Skt. upāya. Từ sau này thường gọi là phương tiện quyền xảo.
[93] Như Lai bồ-đề trí 如 來 菩 提 智. Bản B: Như Lai bồ-đề 如 來 菩 提, Phật kim cang trí 佛 金 剛 智. Về Như Lai Bồ-đề, tham chiếu Câu-xá (Đại 29, tr. 132b4): «Tận trí (kṣayajñāna) và vô sinh trí (anutpādajñāna) được gọi là giác (tức bồ đề/ bodhi). Có ba thứ bồ đề: bồ đề của Thanh văn (Śravakabodhi), bồ đề của Bích-chi-Phật (Pratyekabuddhabodhi) và vô thượng bồ đề (anuttara-samyak-saṃbodhi) tức bồ đề của Phật. Do vĩnh viễn thoát khỏi giấc ngủ của vô minh (avidyā) nên nói là giác (thức tỉnh).» Kim cang trí Skt. vajrajñāna, trí tuệ kiên cố như kim cang, phá hủy hết thảy phiền não, mê vọng, mà bản thân kim cang không hề bị suy tổn.
[94] Bản B: «Khởi phiền này từng sát-na từng sát-na tương ưng với tâm.» Bảo khốt, 57c28: «Tác thành tâm niệm mà khởi động, gọi là sát-na tâm (kṣana-citta; chỉ tâm thức sinh và diệt trong từng khoảnh khắc cực kỳ vi tế). Tự thể của tâm niệm được khởi động ấy khác với tâm, nhưng cùng tương ưng với tâm, thì gọi là sát-na tương ưng.» Giải thích này có chỗ không phù hợp với bản dịch B.
[95]Bảo khốt, tr. 58a2: «Vô thủy, nêu rõ trái ngược với sát-na tâm.Tự tính đã thành từ lâu, không phải do tác niệm khởi động, cho nên nói là vô thủy vô minh trụ địa.»
[96] Hán: kiến lập 建 立 (Skt. sthāpya), đặt đứng vững tức được làm cho tồn tại lâu dài.
[97] Bản B: phiền não và khởi phiền não.
[98] Bản B: đắc chư trí kiến 得 諸 智 見.
[99] Hán: quá ác 過 惡 Skt. doṣa.
[100] Nhất thiết chư pháp tự tại chi địa 一 切 諸 法 自 在 之 地 (Skt. sarva-dharma-vaśavarta-bhūmi), địa vị (mảnh đất) mà ở đó có thể vận dụng tất cả các pháp một cách tự do tự tại.
[101] Chính sư tử hống 正 師 子 吼 (Skt. samyak-sīṃhanāda).
[102] Nhất hướng ký thuyết 一 向 記 說 (Skt. ekaṃśa-vyākaraṇa). Sự khẳng định hay xác nhận một cách dứt khoát, không mơ hồ. Tiếng rống sư tử thì dứt khoát không do dự.
[103] Bất thọ hậu hữu trí 不 受 後 有, theo quan điểm Tỳ-bà-sa, khi nhận thức được chân lý về sự khổ (duḥkha-satya), vị A-la-hán biết rằng sau đời này sẽ không còn tái sinh đời nào nữa. Nhận thức này được gọi là khổ đế trí (duḥkhasatya-jñāna) và được xếp vào vô sinh trí (anutpāda-jñāna).
[104] Tức có hai loại khổ đế trí (duḥkhasatya-jñāna), một thuộc Nhị thừa, và một của Phật.
[105] Vô thượng điều ngự 無 上 調 禦 (Skt. anuttara-damya), sự chế ngự tuyệt đối. Bản B: dĩ điều ngự lực 以 調 禦 力 (damya-balāt).
[106] Tứ ma 四 魔 (Skt. catvāro mārāḥ), bốn thứ Ma hay Thần chết, chỉ tất cả những gì cướp đoạt sinh mạng và tuệ mạng. Đại trí độ 5, Đại 25, tr. 99b12: «Có bốn thứ Ma: 1. Phiền não ma (kleśa-māra); 2. Ấm ma (Skt. skandha-māra) tức ngũ uẩn ma; 3. Tử ma (Skt mṛtya-māra) tức thần Chết; 4. Tha hóa tự tại Thiên tử ma (Paranirmitta-vaśavartī-devaputra-māra). Các Bồ tát ấy do chứng đắc Bồ tát đạo nên đã phá phiên não ma; do chứng đắc Pháp thân, cho nên phá ấm ma; do chứng đắc pháp tánh thân nên phá tử ma; do thường nhất tâm, do tâm không dính mắc vào đâu, do nhập tam-muội bất động nên phá Thiên tử ma.» Bảo khốt, 59a5: «Nhận thức được khổ đế, diêt trừ được ngũ uẩn ma; đoạn tập diệt trừ phiền não ma; chứng diệt diệt trừ tử ma; tu đạo diệt trừ thiên ma.»
[107] Hán: đắc vô ngại pháp tự tại 得 無 礙 法 自 在; bản B: đắc pháp tự tại (Skt. dharma-vaśavartin), có khả năng vận dụng pháp một cách tự tại tùy ý.
[108] Hán: nhĩ diệm địa 爾 焰 地 (Skt. jñeya-bhūmi); bản B: sở tri địa 所 知 地. Bảo khốt, 59a19: «Đối tượng làm phát sinh nhận thức, được gọi là nhĩ-diệm địa.»
[109] Thập lực十力, đây chỉ mười trí lực của Như Lai (daśa Tathāgata-jñāna-balāni): 1. Thị xứ phi xứ trí lực (sthānāsthāna-jñāna-bala), trí lực biết rõ diều gì có thể xảy ra, điều gì không thể xảy ra; 2. Nghiệp dị thục trí lực (karma-vipāka-jñāna-bala), biết rõ hành động như thế sẽ đưa đến kết quả như thế; 3. Tĩnh lự giải thoát đẳng trì đẳng chí trí lực (sarvadhyāna-vimokṣa-samādhi-samāpatti-saṃkleśa-vyavadāna-vyutthāna-jñāna-bala), biết rõ các trạng thái ô nhiễm, chướng ngại và xuất của tất cả các thiền, chánh định, chánh thọ; 4. Căn thượng hạ trí lực (indriya-parāpara-jñāna-bala), biết tư chất cao hay thấp; 5. Chủng chủng thắng giải trí lực (nānādhimukti-jñāna-bala), biết các xu hướng tin tưởng khác nhau; 6. Chủng chủng giới trí lực (nānādhātu-jñāna-bala), biết các giới loại sai biệt; 7. Biến thú hành trí lực (sarvatra-gāminī-pratipaj-jñāna-bala), biết nhân quả nào dẫn đến các định hướng luân hồi của chúng sinh; 8. Túc trụ tùy niệm trí lực (pūrva-nivāsānusmṛti-jñāna-bala), khả năng nhớ những tiền kiếp; 9. Sinh tử trí lực (cyuty-utpatti-jñāna-bala), khả năng nhận biết chúng sinh sinh nơi này chết nơi kia; 10. Lậu tận trí lực (āsravakṣaya-jñāna-bala), biết rõ sự diệt tận các ô nhiễm.
[110] Thứ hai của ‹Bất thọ hậu hữu trí›, đề cập trí tuệ cứu cánh của Phật.
[111] Bảo khốt, 59c3: ở trên, đề cập Tiểu thừa tự cho đã tột cùng bốn trí; đoạn này đề cập Tiểu thừa tự cho đã cứu cánh Niết-bàn.» So sánh bản B: «Quán sát như vậy, cho là không còn tiếp tiếp thọ đời sau, (nhưng) không chứng được sự yên nghỉ bậc nhất, tức Niết-bàn.» – Tô tức xứ 蘇 息 處 (Skt. āśvāniya), trạng thái hơi thở điều hòa, trạng thái phục hồi nguyên khí.
[112] Tham chiếu bản B: «Đối với địa vị chưa chứng, do không ngu si (trong bản in là bất ngộ 不 遇, đây đọc là bất ngu 不 愚) pháp nên có thể tự mình lãnh hội rầng: Ta nay chứng đắc địa vị hữu dư; ta quyết định sẽ chứng đắc Vô thượng Chánh giác.»
[113] A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề 阿 耨 多 羅 三 藐 三 菩 提: vô thượng chánh đẳng chánh giác 無 上 正 等 正 覺. (Skt. anuttara-samyak-saṃbodhi).
[114] Niết-bàn giới 涅 槃 界 (Skt. nirvāṇa-dhātu). Tham chiếu Pāli: Niết-bàn giới (nibbāna-dhātu) chỉ cho trạng thái đã điều phục dục tham (rāgavinayo), điều phục sân nhuế (dosavinayo), điều phục ngu si (mohavinayo). Niết bàn giới cũng chỉ trạng thái đã nhập vô dư y, Cf. Pāsādika-sutta (D.iii.tr. 135): …rattiṃ anupādisesāya nibbānadhātuyā parinibbāyati. «…trong đêm mà (Như Lai) nhập vô dư Niết-bàn giới.»
[115]Vô biên bất đoạn 無 邊 不 斷 (Skt. ananta/ anantarāya/ anupacchedana). Bản B: «Cứu cánh Nhất thừa là sự dứt lìa tương tục (ly tương tục 離 相 續; Skt. upacchedana).»
[116] Hậu tế 後 際 (Skt. āparānta-koṭi), giới hạn tận cùng của vị lai.
[117] Thuyết Nhất thừa đạo 說 一 乘 道 (Ekāyana-mārga-deśanā), tức quy y Pháp chính là quy y Nhất thừa đạo. Phân biệt Skt. ekayāna-mārga và ekāyana-mārga; từ sau chỉ con đường hẹp, lối đi duy nhất dành cho một cỗ xe.
[118] Nguyên bản: nhất thừa pháp thân 一 乘 法 身; bản Nguyên và Minh: nhất thừa pháp sự. Bản B: nhất thừa đạo.
[119] Đắc pháp tân trạch 得 法 津 澤; bản B: đắc pháp tân nhuận 得 法 津 潤.
[120] Chấm câu theo Bảo khốt, 62c. Tham chiếu bản B: «Hai sự quy ấy là do được thấm nhuẩn bởi pháp. Sự tín nhập quy y Như Lai không phài là do được thấm nhuần bởi pháp mà tín nhập quy y.»
[121] Đệ nhất nghĩa 第 一 義, Skt. paramārtha, chân lý tuyệt đối (siêu việt). Bản B: thử nhị quy y dĩ chân thật nghĩa tức danh cứu cánh quy y Như Lai 此 二 歸 依 以 真 實 義 即 名 究 竟 歸 依 如 來. Bảo khốt, 63a: đệ nhất nghĩa ở đây không chỉ cho tính Không (śūnyatā), mà chỉ cho quả vị cứu cánh.
[122] Tứ vô úy 四 無 畏 (catvāri vaiśāradyāni), bốn điều không sợ hãi, hay không do dự, không mơ hồ, gồm bốn điều của Bồ tát và bốn điều của Như Lai. Skt. catvāri (tathāgatasya) vaiśāradyāni, bốn vô úy của Như Lai: 1. Chư pháp hiện đẳng giác vô úy 諸 法 現 等 覺 無 畏 (Skt. sarvadharmābhisaṃbodhi-vaiśāradya), cũng nói là nhất thiết trí vô sở úy 一 切 智 無 所 畏, không hề sợ hãi hay do dự khi tự tuyên bố là đã chứng ngộ hết thảy pháp; 2. Nhất thiết lậu tận trí vô úy 一 切 漏 盡 智 無 畏 (Skt. sarvāsrava-kṣaya-jñāna-vaiśāradya), không hề sợ hãi hay do dự khi tuyên bố là biết rõ sự diệt tận hết thảy ô nhiễm; 3. Chướng pháp bất hư quyết định thọ ký vô úy 障 法 不 虛 決 定 授 記 無 畏, cũng nói thuyết chướng đạo vô sở úy 說 障 道 無 所 畏 (Skt. antarāyika-dharmānanyathātva-niścita-vyākaraṇa-vaiśāradya), không hề sợ hãi, không mơ hồ, khi nói một cách dứt khoát những yếu tố gì cản trợ sự chứng ngộ; 4.Vị chứng nhất thiết cụ túc xuất đạo như tánh vô úy 為 証 一 切 具 足 出 道 如 性 無 畏, cũng nói là thuyết tận khổ đạo vô sở úy 說 盡 苦 道 無 所 畏 (Skt. sarvasaṃpad-adhigamāya-nairyaṇika-pratipat-tathātva-vaiśāradya), không sợ hãi khi công bố tính chân thật của sự thực hành dẫn đến sự chứng ngộ. Xem Tăng nhất A-hàm, quyển 19, kinh số 240.
[123] Tùy bỉ sở dục 隨 彼 所 欲, tùy theo ý muốn của các hàng Nhị thừa.
[124] Nguyên bản: tam thừa 三 乘; bản Minh: nhị thừa 二 乘. Bản B: «Trong đệ nhất nghĩa, không có hai thừa.»
[125] Đệ nhất nghĩa thừa 第 一 義 乘; bản B: thắng nghĩa thừa 勝 義 乘 (Skt. paramārtha-yāna).