Lúc bấy giờ, Thắng Man Phu nhân bạch Phật:
«Nay con nhờ oai thần của Phật[2] để nói về điều phục đại nguyện,[3] chân thật, không đổi khác.»
Phật bảo Thắng Man Phu nhân:
«Con hãy tùy ý nói.»
Thắng Man Phu nhân bạch Phật:
«Hằng sa các nguyện mà Bồ tát có, thảy đều thâu nhập vào trong một đại nguyện; đó là nhiếp thọ Chính pháp.[4] Nhiếp thọ Chính pháp thật sự là đại nguyện.»[5]
Phật tán thán Thắng Man Phu nhân:
«Lành thay! Lành thay! Trí tuệ phương tiện[6] rất sâu xa, rất mầu nhiệm, do con đã gieo trồng lâu dài các gốc rễ thiện. Chúng sinh trong đời vị lai, những ai đã gieo trồng thiện căn lâu dài mới có thể thấu hiểu những điều con nói. Sự nhiếp thọ Chính pháp mà con đã nói, đó cũng là những gì mà chư Phật trong quá khứ, trong vị lai, trong hiện tại, đã nói, sẽ nói và đang nói. Nay, Ta đã thành tựu vô lượng Bồ-đề cũng thường nói sự nhiếp thọ Chính pháp ấy. Như vậy, công đức của sự nhiếp thọ Chính pháp mà Ta đã nói thật không biết được biên tế. Trí tuệ biện tài của Như Lai cũng không có biên tế. Vì sao? Vì sự nhiếp thọ Chính pháp ấy có đại công đức, đại lợi ích.»
Thắng Man bạch Phật:
«Con sẽ nương nhờ thần lực của Phật để diễn thuyết thêm ý nghĩa rộng lớn của sự nhiếp thọ Chính pháp.»
Phật nói: «Con hãy nói đi».
Thắng Man bạch Phật:
«Ý nghĩa rộng lớn của sự nhiếp thọ Chính pháp ấy là, vốn thật là vô lượng, thành đạt hết thảy Phật pháp, thâu tóm tám muôn bốn ngàn pháp môn. Cũng như vào thời kiếp mới sáng thành[7] khắp nơi giăng bủa mây lớn, mưa xuống các loại mưa màu sắc và đủ các thứ trân bảo; cũng vậy, sự nhiếp thọ Chính pháp mưa xuống những cơn mưa vô lượng phước báo và vô lượng thiện căn.»
«Bạch Thế Tôn, lại nữa, cũng như vào thời kiếp vừa mới sáng thành, có khối nước lớn[8] nảy sinh ba nghìn đại thiên giới tạng,[9] và bốn trăm ức đủ các loại lục địa; cũng vậy, sự nhiếp thọ Chính pháp xuất sinh vô lượng giới tạng của Đại thừa, oai lực thần thông của hết thảy Bồ tát, sự an ổn khoái lạc của tất cả chúng sinh, sự như ý tự tại của hết thảy chúng sinh, sự an lạc của xuất thế gian, và những gì chư thiên cùng nhân loại vốn chưa từng có được kể từ kiếp vừa sáng thành; thảy đều xuất hiện từ trong đó.[10]»
«Lại nữa, cũng như cõi đất lớn duy trì bốn loại gánh nặng.[11] Những gì là bốn? Một là biển cả; hai là núi non; ba là thảo mộc; bốn là chúng sinh. Cũng vậy, thiện nam tử hay thiện nữ nhân nhiếp thọ Chính pháp, an lập cõi đất lớn, có khả năng gánh vác bốn trách nhiệm trọng đại cũng giống như cõi đất ấy.[12] Những gì là bốn? Đó là, bằng thiện căn của nhân loại và chư thiên mà thành thục các chúng sinh nào vốn xa lìa thiện tri thức, không học hỏi, không đạo đức;[13] với những ai mong cầu Thanh văn thì trao cho Thanh văn thừa;[14] những ai mong cầu Duyên giác thì trao cho Duyên giác thừa;[15] những ai đang cầu Đại thừa thì trao cho Đại thừa. Đó gọi là thiện nam tử hay thiện nữ nhân nhiếp thọ Chính pháp, an lập cõi đất lơn, có khả năng gánh vác trách nhiệm trọng đại.»
«Bạch Thế Tôn, thiện nam tử hay thiện nữ nhân nhiếp thọ Chính pháp như vậy, an lập cõi đất lớn, có khả năng gánh vác trách nhiệm trọng đại, làm người bạn không cần mời gọi[16] cho tất cả chúng sinh, với tâm đại bi, an ủy, thương xót chúng sinh, làm người mẹ đạo pháp[17] cho đời.»
«Lại nữa, như cõi đất lớn có bốn loại bảo tạng.[18] Những gì là bốn? Một là vô giá, hai là thượng giá, ba là trung giá, bốn là hạ giá. Đó là bốn bảo tạng của cõi đất lớn. Cũng vậy, thiện nam tử hay thiện nữ nhân nhiếp thọ Chính pháp, thiết lập cõi đất lớn, thành đạt bốn loại đại bảo vô thượng của chúng sinh.[19] Những gì là bốn? Thiện nam tử hay thiện nữ nhân nhiếp thọ Chính pháp, đối với chúng sinh không học hỏi, không đạo đức, thì đem thiện căn công đức của nhân thiên mà trao cho; với những ai mong cầu Thanh văn thì trao Thanh văn thừa; những ai mong cầu Duyên giác thì trao Duyên giác thừa; những ai mong cầu Đại thừa thì trao cho Đại thừa. Chúng sinh có được đại bảo cũng vậy; đều do bởi thiện nam tử, thiện nữ nhân nhiếp thọ Chính pháp mà có được công đức kỳ diệu, hiếm có này.»
«Bạch Thế Tôn, đại bảo tạng tức là nhiếp thọ Chính pháp.[20] Bạch Thế Tôn nói rằng nhiếp thọ Chính pháp; ấy là, nhiếp thọ Chính pháp không khác biệtChính pháp;Chính pháp tức là nhiếp thọ Chính pháp.[21]»
«Bạch Thế Tôn, ba-la-mật không khác biệt nhiếp thọ Chính pháp; nhiếp thọ Chính pháp tức là ba-la-mật. Vì sao? Thiện nam tử hay thiện nữ nhân nhiếp thọ Chính pháp, với những ai cần bố thí để thuần thục; thì con sẽ thuần thục bằng bố thí, cho đến xả bỏ thân mạng, chi thể, tùy theo tâm ý của những kẻ ấy để làm cho thuần thục,[22] khiến cho chúng sinh được thuần thục ấy đứng vững trongChính pháp.[23] Đó gọi là đàn-ba-la-mật.[24]»
«Đối với những ai cần được thuần thục bằng sự trì giới, bằng sự thủ hộ sáu căn,[25] thanh tịnh thân, khẩu ý nghiệp, cho đến làm ngay thẳng bốn oai nghi,[26] tùy theo tâm ý của những kẻ ấy để làm cho thuần thục, khiến cho những chúng sinh được thuần thục ấy đứng vững trong Chính pháp. Đó gọi là thi ba-la-mật».[27]
«Đối với những ai cần được thuần thục bằng nhẫn nhục; nếu bị những chúng sinh ấy mạ lỵ, hủy nhục, phỉ báng, khủng bố, thì con sẽ bằng tâm không oán hận, tâm lợi ích, năng lực nhẫn đệ nhất, cho đến nhan sắc không thay đổi, tùy theo tâm ý của những kẻ ấy mà làm cho thuần thục, khiến cho chúng sinh được thuần thục ấy đứng vững trongChính pháp. Đó gọi là sằn-đề ba-la-mật.[28]»
«Đối với những ai cần được thành tựu bằng tinh tấn, thì đối với chúng sinh ấy con sẽ không khởi tâm giải đãi, phát sinh tâm đại dục,[29] tinh tấn đệ nhất, cho đến cả trong bốn oai nghi, tùy theo tâm ý của những kẻ ấy mà làm cho thuần thục, khiến cho chúng sinh được thuần thục ấy đứng vững trongChính pháp. Đó gọi là tỳ-lê ba-la-mật.[30]»
«Đối với chúng sinh cần được thành tựu bằng thiền định, đối với chúng sinh ấy bằng tâm không loạn động, tâm không hướng ngoại, đệ nhấtchính niệm, cho đến trong một thời gian lâu dài mà vẫn hoàn toàn không quên mất những gì đã được nói, tùy theo tâm ý của những kẻ ấy mà làm cho thuần thục, khiến cho chúng sinh được thuần thục ấy đứng vững trongChính pháp. Đó gọi là thiền ba-la-mật.[31]»
«Đối với chúng sinh cần được thuần thục bằng trí tuệ; khi con được các chúng sinh ấy hỏi tất cả nghĩa, thì bằng tâm vô úy,[32] con sẽ diễn nói tất cả các luận,[33] tất cả các công xảo cứu cánh minh xứ,[34] cho đến đủ loại các công xảo khác nhau,[35] tùy theo tâm ý của những kẻ ấy mà làm cho thuần thục, khiến cho chúng sinh được thuần thục ấy đứng vững trongChính pháp. Đó gọi là bát-nhã ba-la-mật.[36]»
«Vì vậy, bạch Thế Tôn, ba-la-mật không khác nhiếp thọ Chính pháp;Chính pháp không khác ba-la-mật. Nhiếp thọ Chính pháp tức là ba-la-mật.»
«Bạch Thế Tôn, con nay nương thần lực của Phật để nói thêm đại nghĩa.»[37]
Phật nói: «Con hãy cứ nói.»[38]
Thắng Man bạch Phật:
«Được nói là nhiếp thọ Chính pháp; nhiếp thọ Chính pháp là không khác biệt nhiếp thọ Chính pháp,[39] không khác biệt nhiếp thọ Chính pháp là nhiếp thọ Chính pháp. Thiện nam tử, thiện nữ nhân tức là nhiếp thọ Chính pháp. Vì sao? Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân nhiếp thọ Chính pháp, vì nhiếp thọ Chính pháp mà xả bỏ ba phần. Những gì là ba phần? Tức là thân, mạng và tài sản.[40] Thiện nam tử, thiện nữ nhân do xả bỏ thân mà cho đến biên tế đời sau của sinh tử[41] sẽ xa lìa các sự già, bịnh, chết,[42] thành tựu Pháp thân của Như Lai với phẩm tính không hủy hoại, thường trụ, không biến dịch, bất khả tư nghì.[43] Do xả bỏ mạng mà cho đến biên tế đời sau của sinh tử sẽ rốt ráo xa lìa sự chết, thành tựu công đức[44] vô biên, thường trụ, bất khả tư nghị, thông đạt tất cả Phật pháp sâu xa.[45] Do xả bỏ tài sản mà cho đến biên tế đời sau của sinh tử sẽ thành tựu các công đức tròn đầy không cùng tận, không giảm thiểu, cứu cánh thường trụ, bất khả tư nghì, mà không một chúng sinh nào có được,[46] được sự cúng dường thù thắng của tất cả chúng sinh.»
«Bạch Thế Tôn, thiện nam tử, thiện nữ nhân xả bỏ ba phần để nhiếp thọ Chính pháp như vậy, thường được hết thảy chư Phật thọ ký, được hết thảy chúng sinh chiêm ngưỡng.»
«Bạch Thế Tôn, lại nữa, thiện nam tử hay thiện nữ nhân nhiếp thọ Chính pháp, khi Chính pháp gần tiêu diệt, bấy giờ tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di kết thành bè đảng, tranh tụng, phá hoại, ly tán, thì thiện nam tử, thiện nữ nhân ấy bằng sự không siểm khúc, không dối trá, không hư ngụy,[47] mến mộ Chính pháp,[48] nhiếp thọ Chính pháp, tham dự trong những bằng hữu củaChính pháp.[49] Những ai tham dự trong những bằng hữu của Chính pháp sẽ được các đức Phật thọ ký.»
«Bạch Thế Tôn, con thấy sự nhiếp thọ Chính pháp có sức mạnh lớn như vậy. Phật là con mắt chân thật, là trí chân thật, là gốc rễ của pháp, là bậc thấu suốt pháp, là nơi nương tựa củaChính pháp,[50] tất nhiên cũng biết và thấy như vậy.»
Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn đối với năng lực tinh tấn to lớn của nhiếp thọ Chính pháp mà Thắng Man Phu nhân đã nói, Ngài khởi tâm tùy hỷ nói rằng:
«Thật như vậy, Thắng Man, thật như những điều con đã nói về năng lực tinh tấn to lớn của sự nhiếp thọ Chính pháp. Cũng như một bộ phận thân thể[51] của đại lực sĩ vừa mới đụng chạm đến chút xíu[52] đã cảm thấy đau đớn nhiều. Cũng vậy Thắng Man, một phần nhỏ của nhiếp thọ Chính pháp khiến cho Ma[53] khổ não. Ta không thấy một pháp nào khác mà khiến cho Ma khổ não như một phần nhỏ của sự nhiếp thọ Chính pháp.»
«Lại nữa, như con trâu chúa,[54] có hình sắc không thể sánh, hơn hẳn các trâu khác. Cũng vậy, một phần nhỏ nhiếp thọ Chính pháp của Đại thừa hơn hẳn hết thảy thiện căn của nhị thưa, vì là rộng và lớn vậy.»
«Lại nữa, như núi chúa Tu-di,[55] tráng lệ khác thường hơn hẳn các núi. Cũng vậy, Đại thừa xả bỏ thân mạng, tài sản bằng tâm nhiếp thủ[56] mà nhiếp thọ Chính pháp hơn hẳn tất cả thiện căn của những vị mới an trụ Đại thừa[57] mà không xả bỏ thân mạng và tài sản, huống nữa làNhị thừa, vì là rộng và lớn vậy.»
«Cho nên, này Thắng Man, nên bằng sự nhiếp thọ Chính pháp mà khai thị chúng sinh, giáo hoá chúng sinh, kiến lập chúng sinh.[58]»
«Như vậy, này ThắngMan, sự nhiếp thọ Chính pháp có một lợi ích lớn như vậy, có phước báo lớn như vậy, có kết quả lớn như vậy. Nầy Thắng Man, Ta trải qua a-tăng-kỳ a-tăng-kỳ kiếp[59] nói về công đức nghĩa lợi[60] của nhiếp thọ Chính pháp mà không hết được biên tế. Cho nên nhiếp thọ Chính pháp có vô lượng vô biên công đức.»
[1] Bản Hán: «Nhiếp thọ chương đệ tứ 攝 受 章 第 四»; tên khác: «Thuyết bất tư nghị nhiếp thọ Chính pháp 說 不 思 議 攝 受 正 法 (Skt. acintya-saddharma-parigraha-deśanā)»; bản B, cũng đồng. Xem chương xv. Cf. Du-già 18 (Đại 30, tr. 563b): Bồ tát có sáu trường hợp thi hành ân huệ chính đáng làm lợi ích cho chúng sanh (hữu tình vô đảo nhiếp thọ, Skt. samyak-sattva-parigraha).
[2] Thừa Phật oai thần 承 佛 威 神 (Skt. Buddhānubhāvena). Bản B: thừa Phật oai thần biện tài 承 佛 威 神 辯 才 (Skt. Buddha-pratisaṃvid-anubhāvena).
[3] Điều phục đại nguyện 調 伏 大 願. Bảo khốt, tr. 28a27: «Chứng thật tướng lý, phiền não thanh tịnh, gọi là điều phục.» Nghĩa sớ, tr. 5b: «Tâm luôn luôn tựa vào lý, gọi là điều phục.» Skt. vinīta-mahāpraṇidhāna = mahāpraṇidhāne vinītāni: đã được huấn luyện trong đại nguyện, đã an trú trong đại nguyện.
[4] Bản B: nhiếp thọ Như Lai Chính pháp 攝 受 如 來 正 法.
[5] Chân vi đại nguyện 真 為 大 願; bản B: chân thật quảng đại 真 實 廣 大.
[6] Trí tuệ phương tiện; Bảo khốt, tr. 28c18: «trí tuệ và phương tiện. Trí tuệ tức thật trí, quán chiếu chân đế… Phương tiện tức quyền trí, quán chiếu tục đế…» Skt. prajñopāya.
[7] Kiếp sơ thành thời 劫 初 成 時; bản B: kiếp sơ 劫 初 (Skt. kalpāgra/ kalpādi), thời kỳ khởi thủy của thế giới.
[8] Đại thủy tụ 大 水 聚 (mahāpaskandha); xem Trường 21, «30. Thế ký kinh, Tam tai phẩm»: (…) Nổi lên cơn gió lớn gọi là tăng-già (saṃgha), thổi nước biển, làm cho dậy sóng, sóng tụ lại thành khối bọt lớn (mahāphena). Gió thổi bọt nước bay lên hư không, tạo thành thiên hạ, Tu di, vv. Cf. Câu-xá 11, tr. 57b.ff.
[9] Giới tạng 界 藏 (Skt. dhātu-garbha), bào thai sản sinh các chủng loại. Đây chỉ thế giới tạng 世 界 藏 (Skt. lokadhātu-garbha), bào thai sản sinh các chủng loại thế giới. – Tam thiên đại thiên giới tạng 三 千 大 千 界 藏; vũ trụ luận trong thuyết Như Lai tạng (Tathāgatagarbha) gọi thế giới là giới tạng, vì mọi chủng loại đều được sản sinh từ thai tạng của Như Lai. Ba nghìn giới đại thiên giới tạng tương ứng với ba nghìn đại thiên thế giới (trisāhasra-mahāsra-lokadhātu): bốn châu thiên hạ tức bốn lục địa (caturdvīpā) hợp thành một thế giới. Một nghìn thế giới như vậy là một tiểu thiên thế giới (sāhasracūḍika-lokadhātu). Một nghìn tiểu thiên họp thành một trung thiên thế giới (sāhasra-madhyama-lokadhātu). Một nghìn trung thiên họp thành một đại thiên (sāhasra-mahāsāhasralokadhātu). Ba nghìn đại thiên như vậy được gọi là một cõi Phật (Buddha-kṣetra: Phật sát 佛 剎 hay Phật độ 佛 土). Cf. Câu-xá11, tr. 61a10.
[10]Căn cứ bản Hán dịch đoạn này, các sớ giải cổ phân tích có sáu tiền đề, theo từng cặp: thể và dụng, nhân và quả tu chứng, thế gian và xuất thế gian; tất cả đều phát xuất từ nhiếp thọ Chính pháp. Bản B có chi tiết hơi khác: «Nhiếp thọ Chính pháp xuất sinh vô lượng giới tạng của Đại thừa và năng lực thần thông của các Bồ tát; các chủng loại pháp môn khác nhau; đầy đủ sự an lạc của hết thảy thế gian và xuất thế gian; những gì mà chư thiên và nhân loại chưa từng có.»
[11] Hán: trọng nhiệm 重 任; bản B: trọng đởm 重 擔 (Skt. bhāram āropayate).
[12] Bản B: «Còn hơn cả cõi đất kia.»
[13] Hán: vô văn, phi pháp 無 聞 非 法 (Skt. aśruta, adharmika).
[14] Thanh văn thừa 聲 聞 乘 (Skt. Śrāvaka-yāna).
[15] Duyên giác thừa 緣 覺 乘; bản B: Độc giác thừa 獨 覺 乘 (Skt. Pratyekabuddha-yāna).
[16] Bất thỉnh (chi) hữu 不 請 (之) 友 (Skt. anadhīṣṭa-kalyāṇa-mitra).
[17] Pháp mẫu 法 母 (Skt. dharma-mātṛ).
[18] Bảo tạng 寶 藏 (Skt. ratna-garbha/ ratna-nidhāna), kho tàng châu báu.
[19] Bản B: «Chúng sinh gặp được thiện nam tử hay thiện nữ nhân nhiếp thọ Chính pháp, thiết lập đại địa, như bắt gặp bốn thứ đại bảo.»
[20] Bản B: «Sản xuất đại bảo, được gọi là nhiếp thọ Chính pháp chân thật.»
[21] Bảokhốt, tr. 33c, phân tích: Chính pháp tức là cảnh; nhiếp thọ Chính pháp tức là trí. Do đó, đoạn kinh đề cập ý nghĩa trí và cảnh bất nhị trong quá trình tu chứng của Bồ tát. Theo một nghĩa khác, có thể nói, sự nhiếp thọ Chính pháp là sở hành của Bố tát; Chính pháp là sở chứng của Bồ tát.
[22] Hán: tương hộ bỉ ý 將 護 彼 意 ; bản B: tùy thuận bỉ ý 隨 順 彼 意. Skt. teṣaṃ cittam anurakṣati. Bảo khốt, tr. 34c1: «Khéo thuận cơ duyên, gọi là tương hộ bỉ ý. Bồ tát tuy đã xả bỏ các thứ thuộc nội thân ngoại tài, điều ấy phù hợp chánh lý, nhưng vị tất xứng hợp cơ duyên. Nay để nêu rõ ý nghĩa xing cơ, nên nói là tương hộ bỉ ý.»
[23] Hán: kiến lập Chính pháp 建 立 正 法; bản B: an trú Chính pháp 安 住 正 法.
[24] Đàn ba-la-mật 檀 波 羅 密; bản B: thí ba-la-mật 施 波 羅 密 (Skt. dāna-pāramitā).
[25] Thủ hộ lục căn 守 護 六 根 (Skt. ṣad-indriya-saṃvara).
[26] (bốn) Oai nghi 威儀 (Skt. īryā-patha), bốn tư thái: đi, đứng, nằm, ngồi.
[27] Thi (-la) ba-la-mật 尸 (羅) 波 羅 密; bản B: giới ba-la-mật 戒 波 羅 密 (Skt. śīla-pāramitā).
[28] Sằn (sản)-đề ba-la-mật 羼 提 波 羅 密; bản B: nhẫn ba-la-mật 忍 波 羅 密 (Skt. kṣānti-pāramitā).
[29] Đại dục tâm 大 欲 心; bản B: đại lạc dục 大 樂 欲. Bảo khốt, tr. 35b1: «Có ý hướng tu tập các thiện pháp, gọi là đại dục tâm. Lại nữa, có ý hướng cứu độ các chúng sinh, gọi là đại dục tâm.»
[30] Tỳ-lê ba-la-mật 毗 梨 波 羅 密; tinh tấn ba-la-mật 精 進 波 羅 密 (Skt. vīrya-pāramitā).
[31] Thiền ba-la-mật 禪 波 羅 密; bản B: tĩnh lự ba-la-mật 靜 慮 波 羅 密 (Skt. dhyāna-pāramitā).
[32] Dĩ vô uý tâm 以 無 畏 心, với tâm không khiếp sợ; bản B: dĩ vô quyện tâm 以 無 倦 心, với tâm không mệt mỏi.
[33] Nhất thiết (chư) luận 一 切 諸 論 (Skt. sarvaśāstra), hết thảy mọi điển tịch, học thuyết.
[34] Nhất thiết công xảo cứu cánh minh xứ 一 切 工 巧 究 竟 明 處 (Skt. sarva-śilpa-karma-vidyā-sathāna/ śilpakarmasthāna-vidyā): tất các các môn khoa học về kỹ thuật (nghệ thuật) và công nghiệp. Bản B: nhất thiết minh xứ 一 切 明 處 (Skt. sarva-vidyāsthāna), hết thảy các bộ môn học thuật, khoa học. Có năm bộ môn chính: ngũ minh xứ 無 明 處 (Skt. pañca vidyā-sthānāni), 1. Thanh minh 聲 明 (śabda-vidyā), ngôn ngữ học; 2. Nhân minh 因 明 (hetu-vidyā), luận lý học; 3. Nội minh 內 明 (adhyātma-vidyā), triết học; 4. Y phương minh 醫 方 明 (cikitsā-vidyā), y dược học; 5. Công xảo minh 工 巧 明 (śilpakarmasthāna-vidyā), nghệ thuật và công nghệ.
[35] Chủng chủng công xảo chư sự 種 種 工 巧 事 (nānāśilpakarmāni), chỉ chung tất cả các nghề thủ công. Không kể chi tiết Ngũ minh xứ mà chỉ nêu môn cuối này coi như kể chung.
[36] Bát-nhã ba-la-mật 般 若 波 羅 密; bản B: trí tuệ ba-la-mật 智 慧 波 羅 密 (Skt. prajñāpāramitā).
[37] Đại nghĩa 大義 (Skt. mahārtha): ý nghĩa trọng đại, mục đích cao cả. Bảo khốt, 36a11: «Ở trên, thuyết minh sự vĩ đại của lý và hành; ở đây nói thêm về sự vĩ đại của quả.»
[38] Bản B: «Phật nói: Thế nào là đại nghĩa?»
[39] Nhiếp thọ Chính pháp giả vô dị nhiếp thọ Chính pháp 攝 受 正 法 者 無 異 攝 受 正 法 . Bảo khốt, 36a: cặp quan hệ nhân cách và giáo pháp của nhiếp thọ Chính pháp. Nhân và pháp không dị biệt. Phân tích này coi vô dị như là trợ ngữ phủ định, do đó, một từ nhiếp thọ Chính pháp ở hai vị trí khác nhau có nội hàm khác nhau. Nhóm từ trước chỉ Chính pháp được nhiếp thọ; nhóm từ sau chỉ nhân cách thực hiện sự nhiếp thọ Chính pháp. Nếu suy đoán nguyên hình cấu trúc tiếng Phạn, coi vô dị không phải là trợ ngữ phủ định, mà là tiền tố bất định: «anya: thuộc về cái khác, khác biệt với…» nhiếp thọ Chính pháp (dharma-parigraha, hay sad-dharma-saṃgraha) và vô dị nhiếp thọ Chính pháp (an-anya-dharmagraha hay anayātha-dharmagraha) là hai từ khác nhau do đó nội hàm khác nhau.
[40] Bảo khốt, tr. 36b25: «…xả bỏ đầu, mắt, tay chân mà bố thí cho người gọi là xả thân. Vì người mà chịu chết gọi là xả mạng.»
[41] Sinh tử hậu tế đẳng 生 死 後 際 等; bản B: chứng sinh tử hậu tế 證 生 死 後 際. Bảo khốt, 36c: «Phương bắc có hai giải thích: 1. Sinh tử là tiền tế; Niết-bàn là hậu tế. Về lý, sinh tử và Niết-bàn vốn (bình) đẳng. Đạt đến (bình) đẳng ấy mới gọi là xả. «Đẳng» chỉ quán chiếu tính không, bình đẳng; 2. Căn cứ ngay nơi sinh tử mà nói tiền hậu tế, chứ không phải căn cứ sai biệt sinh tử và niết bàn. Phàm phu chưa giải thoát thuộc tiền tế của sinh tử. Kim cang tam-muội trở lên, là sinh tử hậu tế. Nói là «đẳng», chỉ cho chủng trí của Phật quả. Giải thích của phương bắc: hoặc triệt để kim cang đạo, hoặc Niết-bàn, được nói là sinh tử hậu tế, vì sinh tử chấm dứt từ đây. Cát Tạng bỏ cả hai xu hương bắc và nam. Sinh tử chia làm ba tế: quá khứ là tiền tế, hiện tại là trung tế, vị lai là hậu tế. Cho đến suốt vị lai vô tận, gọi là hậu tế đẳng.»
[42] Bản B: già và bịnh.
[43] Bản B: cứu cánh tịch tĩnh, bất khả tư nghị.
[44] Bản B: thành tựu bất khả tư nghị chư thiện công đức 成 就 不 可 思 議 諸 善 功 德.
[45] Bản B: an trụ nhất thiết Phật pháp thần biến 安 住 一 切 佛 法 神 變.
[46] Bất cọng nhất thiết chúng sinh 不 共 一 切 眾 生; bản B: siêu quá hữu tình 超 過 有 情.
[47] Siểm khúc 諂曲 (Skt. vaṅkā: dua vạy), khi cuống 欺誑 (śāṭhya: lường gạt), hư ngụy 虛偽 (māyā: giả dối). Bản B: siểm, khúc và khi cuống; trong đó, siểm và cuống được kể là hai tâm sở riêng biệt: śāṭhya và māyā.
[48] Ái lạc Chính pháp 愛 樂 正 法 (Skt. dharma-rāma-rati).
[49] Nhập pháp bằng 入 法 朋; bản B: nhập thiện bằng 入 善 朋.
[50] Thật nhãn 實 眼 (tattva-cakṣus), thật trí 實 智 (tattva-jñāna), pháp căn bản 法 根 本 (dharma-mūla), thông đạt pháp 通達法 (dharma-prativedhanā), Chính pháp y 正 法 依 (dharma-niśraya). Bản B: «Như Lai lấy đây làm con mắt, làm gốc rễ của pháp, làm pháp dẫn đường, làm pháp được thấu suốt.»
[51] Thân phần 身分; bản B: mạt-ma 末 摩 (Skt. marman), bộ phận trí mạng trên thân thể.
[52] Hán: đại lực sĩ thiểu xúc thân phần; Cát Tạng, Bảo khốt 39a, đề nghị đọc là: lực sĩ thiểu thân phần xúc tha 力 士 少 身 分 觸 他, «một bộ phận nhỏ nơi thân của lực sĩ chạm đến người khác.» Theo đó, thân phần được hiểu là của lực sĩ, và văn dịch là mệnh đề năng động. Trong khi theo bản B, thân phần được dịch âm là mạt-ma (Skt. marma) là điểm nhạy cảm trên thân và câu văn dịch là mệnh đề thụ động.
[53] Bản B: Ma Ba-tuần 魔 波 旬 (Skt. Māra-pāpīyas/Māra-pāpimant), ác ma 惡 魔, Thiên ma, hay Tử thần, thường xui dục loài người làm ác.
[54] Ngưu vương 牛 王 (Skt. ṛṣabha). Dụ cho nhân cách siêu quần.
[55] Tu-di sơn vương 須 彌 山 王 (Skt. Sumeru-parvata-rāja).
[56] Nhiếp thủ tâm 攝 取 心 *(Skt. anugraha/ anugrahaka-cittam); bản B: nhiêu ích tâm 饒 益 心, sự thi ân, ân huệ.
[57] Sơ trụ Đại thừa 初 住 大 乘; bản B: sơ thú Đại thừa 初 趣 大 乘 (Skt. Mahāyāna-saṃprasthita).
[58] Khai thị 開 示 (sandarśayati), giáo hóa 教 化 (samādāyati), kiến lập 建 立 (sthāpayati).
[59] A-tăng-kỳ a-tăng-kỳ kiếp; bản B: vô số a-tăng-kỳ kiếp (Skt. asaṃkhyeyāsaṃkhyeya-kalpa), số (kiếp) a-tăng-kỳ của a-tăng-kỳ, vô số kiếp của vô số kiếp.
[60] Công đức nghĩa lợi 功 德 義 利; bản B: sở hữu công đức 所 有 功 德.