Mục lục Kinh Thắng Man

Trang nhà Quảng Đức

Tiếng Anh

 

CHƯƠNG BA: BA ĐẠI NGUYỆN[1]

 

Lúc bấy giờ Thắng Man Phu nhân đối trước Phật mà phát ra ba đại nguyện[2] rằng:

«Bằng những nguyện lực chân thật này, con mong đem lại an ổn cho vô lượng biên chúng sinh.»

«Do thiện căn ấy,[3] tất cả mọi đời con đều có được Chính pháp trí.[4] Đây là đại nguyện thứ nhất.[5]»

«Sau khi đã có Chính pháp trí, bằng tâm không mệt mỏi[6] con sẽ giảng cho tất cả chúng sinh. Đây là đại nguyện thứ hai.[7]»

«Đối với sự nhiếp thọ Chính pháp,[8] con xả bỏ thân, mạng và tài sản[9] để hộ trìChính pháp. Đây là đại nguyện thứ ba.»[10]

Bây giờ, đức Thế Tôn liền ghi nhận ba đại nguyện ấy cho Thắng Man Phu nhân. Cũng như hết thảy sắc đều nhập vào không giới;[11] cũng vậy, hằng sa các thệ nguyện của Bồ tát thảy đều nhập vào trong đại nguyện này. Ba đại nguyện này là chân thật, là quảng đại.

 



[1] Bản Hán: «Tam nguyện chương đệ tam三 願 章 第 二; » tên khác: «Nhất thiết nguyện nhiếp đại nguyện 一 切 願 攝 大 願»; bản B: «Nhất (tam?) đại nguyện nhiếp nhất thiết nguyện 一 (三?) 大 願 攝 一 切 願» (Skt. sarvapraṇidhānasaṃgrahamahāpraṇidhāna). Xem chương xv.

[2] Đại nguyện大 願 (mahāpraṇidhāna); bản B: hoằng nguyện 弘 願. Skt. mahāpraṇidhāna, hay praṇidhāna-mahā-trayas.

[3] Dĩ thử thiện căn 以 此 善 根. Bản B: dĩ ngã thiện căn 以 我 善 根.

[4] Chính pháp trí 正 法 智 (saddharma-jñāna), trí tuệ nhận thức được Chính pháp; Bảo khốt, tr. 26c4, nêu hai giải thích: a) «Có người nói, Chính pháp trí, chính là sáu độ trí (tức trí tuệ của sáu ba-ba-la-mật). Nói là chính, ở đây, luận về cảnh thì không ngoài hữu và vô; luận về trí, thì không ngoài quyền và thật. Năm độ, là tâm duyên hữu. Ba-nhã, là tâm duyên vô. Hữu thì như thực nhận thức là hữu. Vô, thì như thực nhận thức là vô. Được phát sinh từ trong đạo lý của Chính pháp, do đó nói là Chính pháp trí.» b) «Có người nói, Chính pháp trí, chính là tuệ chứng chân như. Đây nhấn mạnh đến Không trí. Để chuyển hóa phàm phu thành Thánh giả, lấy Không lý làm Chính pháp.» Giải thích riêng của Cát Tạng: «Chính pháp, không thể nói là quyền hay thật, là cảnh hay trí. (…) Nên biết, nội và ngoại thảy đều thật; duyên và quán thảy đều tịch tĩnh. Vì không biết mục là gì, nên tạm gọi là Chính pháp trí».

[5] Thứ nhất: Chính pháp trí nguyện 正 法 智 願 (Skt. Saddharma-jñāna-praṇidhāna). Xem cht. 333 trên.

[6] Vô yếm tâm 無 厭 心 (akilāntaka/aklāntaka/ aparikheda); bản B: bất quyện 不 倦 (Skt. akilāntaka).

[7] Thứ hai: thuyết trí nguyện 說 智 願 (jñānadeśanā-praṇidhāna).

[8] Bản B: nhiếp thọ hộ trì Chính pháp 攝 受 護 持 正 法 (Skt. Saddharma-parigraha).

[9] Bản B: ư sở sinh thân, bất tích xu mạng 於 所 生 身 不 惜 軀 命, «đối với thân này, không tiếc mạng sống.» Skt. na jāta-kāye kāyajivītam anuśocāmi.

[10] Nguyện thứ ba: Hộ pháp nguyện 護 法 願 (dharmaparigraha-praṇidhāna).

[11] Không giới = hư không giới 虛 空 界 (Skt. ākāśadhātu).

Mục lục Kinh Thắng Man

Trang nhà Quảng Đức

Tiếng Anh