Bấy giờ Thắng Man Phu nhân bạch Phật rằng:
«Còn có những lợi ích lớn hơn nữa. Con nay muốn nương oai thần của Phật nói thêm về ý nghĩa ấy.»
Phật nói: «Con hãy cứ nói».
Thắng Man lại bạch Phật rằng:
«Có ba hạng thiện nam tử và thiện nữ nhân đối với nghĩa sâu thẳm,[2] không tự gây tổn thương,[3] mà sinh công đức lớn, vào Đại thừa đạo. Những gì là ba? Đó là,[4] hoặc có thiện nam tử và thiện nữ nhân tự thành tựu pháp trí sâu thẳm.[5] Hoặc có thiện nam tử và thiện nữ nhân thành tựu tùy thuận pháp trí.[6] Hoặc có thiện nam tử và thiện nữ nhân đối với pháp sâu xa không thể tự mình, nhưng ngưỡng suy[7] Thế Tôn rằng: ‹Đây không phải là cảnh giới của con, duy chỉ Phật mới biết đến›. Đó gọi là hạng thiện nam tử và thiện nữ nhân ngưỡng suy Như Lai.»
«Trừ các thiện nam tử và thiện nữ nhân này ra,[8] các chúng sinh đối với các pháp sâu thẳm mà[9] chấp chặt vọng thuyết, trái ngược Chính pháp, tập nhiểm hạt giống hủ bại[10] của ngoại đạo; những hạng ấy cần phải bằng sức của vua, sức của trời, rồng, quỷ thần mà chiết phục.»
Bấy giờ Thắng Man Phu nhân cùng các quyến thuộc cúi đâu lễ chân Phật. Đức Phật nói rằng:
«Lành thay! Lành thay! Thắng Man, đối với Chính pháp sâu thẳm, phương tiện mà thủ hộ, hàng phục phi pháp,[11] khéo léo được thích nghi.[12] Con do đã gần gũi trăm nghìn ức chư Phật mới có thể nói được nghĩa đó.»
Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn phóng ra quang minh thù thắng rọi khắp đại chúng, tự thân cất lên hư không cao bằng bảy cây đa-la,[13] chân bước đi trong hư không, rồi trở lại nước Xá-vệ.
Đồng thời, bấy giờ Thắng Man Phu nhân cùng với quyến thuộc chắp tay hướng về Phật, chiêm ngưỡng không biết chán, mắt không chút rời. Khi Phật qua khỏi tầm mắt, mọi người hoan hỷ phấn khởi; mỗi người tự mình ca ngợi công đức của Như Lai, nhất tâm niệm Phật. Sau đó trở vào trong thành, đi đến vua Hữu Xứng[14] mà tán thán Đại thừa. Trong thành, con gái từ bảy tuổi trở lên đều được giáo hóa bằng Đại thừa. Đại vương Hữu Xứng cũng giáo hóa con trai trong thành từ bảy tuổi trở lên bằng Đại thừa. Nhân dân cả nước đều hướng về Đại thừa.
Bấy giờ, đức Thế Tôn vào rừng Kỳ-hoàn,[15] nói với Tôn giả A-nan và niệm tưởng đến Thiên đế Thích. Tức thời, Thiên đế Thích cùng với quyến thuộc bỗng nhiên hiện đến, đứng trước Phật. Bấy giờ Thế Tôn diễn nói rộng kinh này cho Thiên đế Thích và A-nan. Sau khi nói xong, Ngài bảo Thiên đế Thích rằng:
«Ông hãy thọ trì đọc tụng kinh này. Kiều-thi-ca,[16] giả sử có thiện nam tử hay thiện nữ nhân đã trải qua hằng hà sa kiếp tu hạnh Bồ-đề, hành sáu pháp ba-la-mật; và lại có thiện nam tử, thiện nữ nhân khác nghe, tiếp thọ, đọc tụng, cho đến cầm nắm kinh này và quảng diễn, phước đức nhiều hơn những người trước; hà huống diễn thuyết rộng rãi cho người khác. Vì vậy, Kiều-thi-ca, ông hãy đọc tụng kinh này; phân biệt, quảng diễn cho chư thiên cõi trời Tam thập tam.»
Thế Tôn lại nói với A-nan:
«Ngươi cũng hãy thọ trì đọc tụng kinh này và diễn nói rộng cho bốn chúng.»
Bấy giờ Đế Thích bạch Phật:
«Bạch Thế Tôn, phải gọi kinh này tên là gì? Và phụng trì như thế nào?»
Phật bảo Đế Thích:
«Kinh này thành tựu vô lượng vô biên công đức. Hết thảy Thanh văn và Duyên giác đều không thể quán sát và thấy biết một cách rốt ráo. Kiều-thi-ca, nên biết rằng kinh này vi diệu sâu thẳm, là tụ công đức lớn. Nay Ta sẽ lược cho các ngươi biết danh hiệu. Hãy lắng nghe, hãy lắng nghe, hãy khéo suy nghiệm.»
Bấy giờ Đế Thích và trưởng lão A-nan bạch Phật rằng:
«Lành thay! Thế Tôn, kính vâng lời dạy.»
Phật nói:
«Kinh này có tên là ‹Tán thán công đức đệ nhất nghĩa chân thật của Như Lai›,[17] hãy như vậy mà thọ trì.»
«Là ‹Bất tư nghị đại thọ›,[18] hãy như vậy mà thọ trì.»
«Là ‹Đại nguyện bao gồm hết thảy nguyện›,[19] hãy như vậy mà thọ trì.»
«Là ‹Thuyết sự nhiếp thọ Chính pháp bất tư nghì›,[20] hãy như vậy mà thọ trì.
«Là ‹Thuyết sự nhập Nhất thừa›,[21] hãy như vậy mà thọ trì. Là ‹Thuyết Vô biên Thánh đế›,[22] hãy như vậy mà thọ trì.»
«Là ‹Thuyết Như Lai tạng›,[23] hãy như vậy mà thọ trì.»
«Là ‹Thuyết Pháp thân›,[24] hãy như vậy mà thọ trì.»
«Là ‹Thuyết Chân thật bị che lấp bởi nghĩa Không›,[25] hãy như vậy mà thọ trì.»
«Là ‹Thuyết về Một Đế›,[26] hãy như vậy mà thọ trì.»
«Là ‹Thuyết về một sở y an ổn thường trụ›,[27] hãy như vậy mà thọ trì.»
«Là ‹Thuyết về điên đảo và chân thật›,[28] hãy như vậy mà thọ trì.»
«Là ‹Thuyết về tự tính thanh tịnh tâm bị che lấp›,[29] hãy như vậy mà thọ trì.»
«Là ‹Thuyết về con chân thật của Như Lai›,[30] hãy như vậy mà thọ trì.»
«Là ‹Thuyết về tiếng rống sư tử của Thắng Man Phu nhân›,[31] hãy như vậy mà thọ trì.»
«Lại nữa, Kiều-thi-ca, những gì kinh này nói, đoạn trừ hết thảy nghi hoặc, quyết định liễu nghĩa,[32] vào nhất thừa đạo. Kiều-thi-ca, nay Ta đem kinh ‹Thắng Man sư tử hống› này mà phó chúc cho ông, trong thời gian Chính pháp còn tồn tại, hãy thọ trì đọc tụng, phân biệt diễn rộng.»
Đế Thích bạch Phật:
«Lành thay, Thế Tôn, con cúi đầu vâng lãnh Tôn giáo.»
Bấy giờ Thiên đế Thích, trưởng lão A-nan cùng với đại hội Trời, Người, A-tu-la, Càn-thát-ba, sau khi nghe những lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
[1] Phân chương và tên chương, theo Bảo khốt. Trong ấn bản Đại chánh (Đại 353), đây vẫn thuộc chương xiv. – Bảo khốt, tr. 88b: «14 chương trước, minh giải sự thuyết pháp. Chương này minh giải sự hộ pháp.»
[2] Hán: thâm nghĩa 深 義 (Skt. gaṃbhīrārtha); bản B: thâm pháp 深法 (Skt. gaṃbhīra-dharma).
[3] Ly tự hủy thương 離 自 毀 傷. Bảo khốt, 89a: «Đối với nghĩa mà không xuyên tạc, nói là ly hủy thương.»
[4] Ba hạng căn tính, Bảo khốt, đd., 1. Thành tựu thâm pháp trí: từ Sơ địa Bồ tát cho tới địa vị cứu cánh; 2. Tùy thuận pháp trí, hạng tùy thuận pháp trí trong giải hành địa; 3. Hạng thấp nhất, tùy tín tăng thượng trong giải hành địa.
[5] Hán: thậm thâm pháp trí 甚 深 法 智 (Skt. gaṃbhīra-dharma-jñāna).
[6] Hán: tùy thuận pháp trí 隨 順 法 智 (Skt. anudharma-jñāna).
[7] Bản nền: ngưỡng duy 仰 惟. Các bản Tống, Nguyên Minh: ngưỡng suy 仰 推.
[8] Trong ấn bản Đại chánh, từ đây trở xuống thuộc chương xv.
[9] Bản B thêm: tùy kỷ sở thủ 隨 己 所 取, nhận thức theo cá tính riêng biệt.
[10] Hán: hủ bại chủng tử 腐 敗 種 子 (Skt. pūti-bīja): hạt giống hư thối. Bảo khốt, tr. 88b: «…làm tổn giảm cái chánh, tăng trưởng cái tà, không đủ khả năng thừa kế, như hạt giống hư thối.»
[11] Bản B: hàng phục oán địch 降 伏 怨 敵.
[12] Thiện đắc kỳ nghi 善 得 其 宜; bản B: thiện năng thông đạt 善 能 通 達.
[13] Đa-la thọ 多 羅 樹; giống cây cọ; tên khoa học Borassus flabelliformis, dùng đơn vị đo chiều cao, tính theo Bảo khốt: chuẩn từ khuỷu tay tới chót ngón giữa là một chẩu. Một đa-la bằng 70 chẩu.
[14] Hữu Xứng 友 稱 (Skt. Mitrakīrti). Vua nước Ayodhyā. Nhưng chưa tìm thấy tên vua trong các kinh luận khác.
[15] Kỳ-hoàn lâm 祇 桓 林 (Jetavana); bản B: Thệ-đa lâm 逝 多 林, khu rừng của vương tử Jeta, được bán cho Cấp Cô Độc.
[16] Kiều-thi-ca 憍 尸 迦 (Skt. Kausika), biệt danh của Thiên Đế Thích.
[17] Bản A: Thán Như Lai chân thật đệ nhất nghĩa công đức 歎 如 來 真 實 第 一 義 功 德, bản B: Tán thán Như Lai chân thật công đức 贊 歎 如 來 真 實 功 德.
[18] Bản A: Bất tư nghị đại thọ 不 思 議 大 受; bản B: Thuyết bất tư nghị thập chủng hoằng thệ 說 不 思 議 十 種 弘 誓.
[19] Bản A: Nhất thiết nguyện nhiếp đại nguyện 一 切 願 攝 大 願; bản B: Dĩ nhất đại nguyện nhiếp nhất thiết nguyện 以 一 大 願 攝 一 切 願.
[20] Bản A: Thuyết bất tư nghị Nhiếp thọ Chính pháp 說 不 思 議 攝 受 正 法; bản B: đồng.
[21] Bản A: Thuyết nhập Nhất thừa 說 入 一 乘; bản B: đồng.
[22] Bản A: Thuyết vô biên Thánh đế 說 無 聖 諦; bản B: đồng.
[23] Bản A: Thuyết Như Lai tạng 說 如 來 臧; bản B: đồng.
[24] Bản A: Thuyết Pháp thân 說 法 身; bản B: Thuyết Phật pháp thân 說 佛 法 身.
[25] Bản A: Thuyết Không nghĩa ẩn phú Chân thật 說 空 義 隱 覆 真 實; bản B: Thuyết Không tánh nghĩa ẩn phú Chân thật 說 空 性 義 隱 覆 真 實.
[26] Bản A: Thuyết nhất đế 說 一 諦; bản B: đồng.
[27] Bản A: Thuyết thường trụ an ổn nhất y 說 常 住 安 隱 一 依; bản B: Thuyết thường trụ bất động tịch tĩnh nhất y 說 常 住 不 動 寂 靜 一 依.
[28] Bản A: Thuyết điên đảo chân thật 說 顛 倒 真 實; bản B: đồng.
[29] Bản A: Thuyết tự tánh thanh tịnh tâm ẩn phú 說 自 性 清 淨 心 隱 覆; bản B: Thuyết tự tánh thanh tịnh tâm phiền não ẩn phú 說 自 性 清 淨 心 煩 惱 隱 覆.
[30] Bản A: Thuyết Như Lai chân tử 說 如 來 真 子; bản B: đồng.
[31] Bản A: Thuyết Thắng Man phu nhân sư tử hống 說 勝 鬘 夫 人 師 子 吼; bản B: Thuyết Thắng Man phu nhân chánh sư tử hống 說 勝 鬘 夫 人 正 師 子 吼.
[32] Hán: quyết định liễu nghĩa 決 定 了 義 (Skt. niscita-nitārtha: ý nghĩa được lãnh hội một cách minh bạch, nhất định.