«Nếu đệ tử của Ta là hạng tùy tín tăng thượng,[2] sau khi y vào minh tín,[3] bằng tùy thuận pháp trí[4] mà đạt đến cứu cánh. Tùy thuận pháp trí tức là quán sát thi thiết căn và cảnh giới của ý giải;[5] quán sát nghiệp báo,[6] quán sát giấc ngủ của A-la-hán,[7] quán sát sự an lạc của tâm tự tại và sự an lạc của thiền;[8] quán sát thánh tự tại thông của A- la-hán, Bích-chi Phật và Đại lực Bồ tát.[9]»
«Thành tựu năm quán sát thiện xảo này, đệ tử Ta, sau khi Ta diệt độ, trong đời vị lai, là hạng tùy tín tăng thượng, sau khi y minh tín, bằng thuận pháp trí mà đạt cứu cánh của tự tính thanh tịnh trong tâm đang bị phiền não ô nhiễm ấy. Sự cứu cánh đó là nhân để vào Đại thừa đạo. Tin đức Như Lai có đại lợi ích như vậy, không xuyên tạc nghĩa lý sâu thẳm.»
[1] Skt. Tathāgata-putra, hay Buddhasuta. Tên theo chương iv: «Thuyết Như Lai chân tử» 說 如 來 真 子. Bảo khốt, 87a: «Theo ý nghĩa, được sinh ra nên gọi là con, thì nếu nhận thức và hành động cùng tương xứng, chắc chắn sẽ thành Phật, tất được gọi là chân tử. Nhưng ở đây căn cứ theo tự tánh thanh tịnh tâm mà nói là chân tử.» Nhiếp luận thích (Chân) 8, Đại 31, tr. 206b: «Phật tử có năm nghĩa: 1. Có chủng tử là ý nguyện vô thượng thừa; 2. Có mẹ là bát-nhã; 3. Có bào thai là thiền định; 4. Có nguồn sữa mẹ là đại bi; 5. Có cha là chư Phật. Do những nghĩa này mà nói là được sinh vào gia tộc Như Lai.» Phật tính luận 2, Đại 31, tr. 798a: «Bồ tát do bốn nghĩa được gọi là Phật tử: 1. Nhân, như thân phần của cha; 2.Duyên, như có mẹ; 3. Y chỉ, như bào thai; 4. Thành tựu, như nguồn sữa mẹ.»
[2] Tùy tín tăng thượng 隨 信 增 上; bản B: tăng thượng tín 增 上 信. Bảo khốt, 87b: «Tùy tín, chỉ địa vị Thập tín. Tùy theo giáo thuyết mà phát sinh tín tâm nên nói là tùy tín… Tin sâu, bền chặt như kim cương, nên tnói là tăng thượng.» Tham khảo Câu-xá 23 (Đại 29, tr. 122b): «Ở giai đoạn kiến đạo (darśana-mārga), do căn tính chậm lụt và sắc bén khác nhau mà phận biệt hai hạng Thánh giả khác nhau: tùy tín hành (śraddhānusārin) và tùy pháp hành (dharmānusārin)… Do tùy theo sự tin mà thực hành nên gọi là tùy tín hành…» Nhiếp luận thích (Huyền) 7 (Đại 31, tr. 426a): «Trong ba vô số kiếp (asaṃkhyā-kalpa) tu hành, ở đại kiếp thứ nhất, Bồ tát thuộc hàng thắng giải hành (adhimukticaryā-pudgala), chưa chứng Chân như (bhūtatathatā) nên sự tu tập tập chỉ dựa vào đức tin.» Du-già 47, 49 (Đại 31, tr. 553a, 565a): Từ mới phát tâm cho đến thành Phật, Bồ tát trải quả bảy giai đoạn (bhūmi) tương đương 12 trú xứ (vihāra): 1. Chủng tính địa (gotrabhūmi), tu theo căn tính bẩm sinh, theo phước nghiệp từ nhiêu đời; 2. Thắng giải hành địa (adhimukti-caryā-bhūmi), tu theo đức tin đối với pháp đã được nghe; 3. Tịnh thắng ý lạc địa (śuddhādhyāśaya-bhūmi), đã xác lập ý hướng; 4. Hành chánh hành địa (caryā-pratipatti-bhūmi), tu tập tăng thượng giới, tăng thượng tâm, tăng thượng tuệ; 5. Quyết định địa (niyatā-bhūmi), tu tập tự nhiên không cần phải nỗ lực (vô công dụng vô tướng trụ, Skt. ānābhoga-nirmitta-vihāra); 6. Quyết định hành địa (niyata-caryā-bhūmi), do thành tựu vô ngại giải, Bồ tát thuyết pháp tự tại; 7. Cứu cánh địa (niṣṭhāgamana-bhūmi), tức Như Lai địa.
[3] Minh tín 明 信 (Skt. adhimukti), đồng nghĩa xác tín, thâm tín hay tín giải. Trang nghiêm kinh6 (Đại 31, tr. 623c): «Tu hành sau một a-tăng-kỳ kiếp (asaṃkhya-kalpa), bấy giờ tín được nuôi lớn đến trình độ thượng phẩm.»
[4] Pháp trí (Skt. dharma-jñāna), Hiển dương Thánh giáo 2 (Đại 31, tr. 489c): «Pháp trí, là trí vô lậu (anāsrava-jñāna) nhận thức trực tiếp các cảnh giới hiện tiền.» Cf. Câu-xá 26 (Đại 29, tr. 134c): Pháp trí lấy bốn Thánh đế thuộc dục giới làm đối tượng tu quán.
[5] Thi thiết căn ý giải cảnh giới 施 設 根 意 境 界 (Skt. vijñapti-indriya-viṣaya); bản B: căn thức cảnh 根 識 境… Bảo khốt, 87c: «Thi thiết căn, … vì căn không có tính cố định, do nhân duyên mà hiện hữu.» Giải thích gượng ép. Skt. ở đây hẳn là vijñapti, chỉ sự biểu lộ của thức, có khi dùng để chỉ bản thân của thức như vijñāna. Vì vậy bản B dịch là thức thay vì là thi thiết. Đây nói đến 6 căn, 6 thức và 6 cảnh, tức 18 giới (dhātavo' ṣṭādaśa). -Bảo khốt, đd., «Ý giải, chỉ 6 thức bên trong. Cảnh giới, chỉ 6 trần bên ngoài.»
[6] Nghiệp báo 業 報 (Skt. karma-vipāka), nghiệp quả hay nghiệp dị thục, chỉ kết quả của các hành vi.
[7] A-la-hán miên 阿 羅 漢 眠; bản B đồng. Bảo khốt nêu một số giải thích, đại khái vì chưa tỉnh thức nên nói là «giấc ngủ». Nhưng ý niệm «giấc ngủ của A-la-hán» không tìm thấy nơi các kinh luận khác nên khó xác dịnh ý nghĩa. Bảo khốt cũng dẫn lời một vị tăng người Ấn đương thời tên là Pháp Trí (Dharmajñāna) nói đoạn dịch này không chính xác; theo Phạn bản phải dịch là minh 明 tức tam minh. Theo giải thích này, nguyên Skt. là vidyā (minh) thay vì nidrā (giấc ngủ). Hai từ này phát âm không gần nhau mấy, nhưng viết bằng mẫu tự tất-đàm (siddham) thì rất dễ nhầm lẫn. Bảo khốt cũng nêu ý kiến khác cho rằng trong bản Hán chữ nhãn 眼 bị đọc nhầm thành chữ miên 眠.
[8] Tâm tự tại lạc thiền lạc 心 自 在 樂 禪 樂; bản B: tâm tự tại ái lạc thiền lạc 心 自 在 愛 樂 禪 樂. Theo bản B, có thể hiểu: «Quán sát sự tự tại của tâm và ưa thích lạc thú của thiền.»
[9] Thánh tự tại thông 聖 自 在 通 (ārya-ṛddhi-vaśitā); bản B: thánh thần biến thông 聖 神 變 通 (Skt. ārya-ṛddhi-prātihārya). Cả hai từ đều chỉ năng lực biến hóa siêu tự nhiên của bậc Thánh, không phải thần thông biến hóa của phàm phu. Bản B chỉ đề cập Thanh văn và Độc giác, không nói đến Đại lực Bồ tát.