«Bạch Thế Tôn, sinh tử y trên Như Lai tạng,[2] và do Như Lai tạng mà nói rằng không thể biết được bản tế.[3] Bạch Thế Tôn, có Như Lai tạng cho nên có sinh tử, đó gọi là khéo nói.»
«Bạch Thế Tôn, sinh tử; sinh tử là các thọ căn rụng xuống,[4] và căn không cảm thọ[5] thứ tự tiếp nối,[6] khởi lên, đó gọi là sinh tử.»
«Bạch Thế Tôn, sinh và tử, hai pháp này tức là Như Lai tạng. Do ngôn thuyết của thế gian nên nói là có sinh có tử. Tử là căn hủy hoại,[7] sinh là các căn mới khởi lên, chứ không phải rằng Như Lai tạng có sinh có tử.[8] Như Lai tạng vốn lìa ngoài tướng hữu vi. Như Lai tạng vốn thường trụ, không hủy hoại. Cho nên, Như Lai tạng là sở y, là khả năng duy trì, là khả năng kiến lập.[9] Bạch Thế Tôn, là Phật pháp vốn không xuất ly, không thoát, không đoạn trừ, không thể nghĩ bàn. Bạch Thế Tôn, làm sở y, duy trì, thiết lập các pháp hữu vi bên ngoài vốn có tính cần được đoạn, được giải thoát, có biến dị, chính là Như Lai tạng.»
«Bạch Thế Tôn, nếu không có Như Lai tạng thì không thể có sự nhàm chán khổ lạc và mong cầu Niết-bàn. Vì sao? Đối với sáu thức và tâm pháp trí,[10] bảy pháp này không đình trụ trong từng sát-na, không gieo trồng các khổ,[11] cho nên không thể nhàm chán khổ mà mong cầu Niết-bàn.[12]»
«Bạch Thế Tôn, Như Lai tạng không có giới hạn nguyên thủy,[13] là pháp không sinh khởi, không hoại diệt, có gieo trồng các khổ nên có nhàm chán khổ mà mong cầu Niết-bàn.»
«Bạch Thế Tôn, Như Lai tạng không phải là ngã, không phải là chúng sinh, không phải mạng, không phải nhân cách.[14]»
«Bạch Thế Tôn, Như Lai tạng không phải là cảnh giới cho những chúng sinh rơi vào thân kiến,[15] chúng sinh điên đảo, chúng sinh loạn ý chấp không.[16]»
«Bạch Thế Tôn, Như Lai tạng là pháp giới tạng, là Pháp thân tạng, là tạng xuất thế gian thượng thượng, là tạng tự tính thanh tịnh.[17] Như Lai tạng với tự tính thanh tịnh này tuy bị ô nhiễm bởi phiền não khách trần[18] và phiền não hiện khởi,[19] nhưng vẫn là cảnh giới bất tư nghị của Như Lai. Vì sao? Thiện tâm sát-na[20] không phải là bị nhiễm ô bởi phiền não.[21] Bất thiện tâm sát-na cũng không phải là bị nhiễm ô bởi phiền não. Phiền não không xúc tâm; tâm không xúc phiền não,[22] vậy đâu có thể pháp không xúc[23] mà có thể nhiễm ô tâm được.»
«Bạch Thế Tôn, nhưng có phiền não, có tâm bị phiền não nhiễm ô. Tự tính thanh tịnh mà có ô nhiễm, thật là khó thấu triệt.[24] Duy chỉ Phật Thế Tôn, là con mắt của sự thật, là trí tuệ chân thật, là căn bản của Pháp, là bậc thấu suốt pháp, là nơi nương tựa củaChính pháp,[25] mới có thể biết và thấy như thật.»
Thắng Man sau khi diễn thuyết pháp khó hiểu này, và thưa hỏi Phật. Phật tùy hỷ nói rằng:
«Thật như vậy! Thật như vậy, tự tính thanh tịnh tâm mà có nhiễm ô; thật sự khó thấu triệt. Có hai pháp khó thấu triệt, đó là tự tính thanh tịnh khó thấu triệt, và tâm ấy bị phiền não nhiễm ô cũng khó thấu triệt. Hai pháp này, chỉ con và các Bồ tát ma-ha-tát, những người đã thành tựu đại pháp, mới có thể nghe và chấp nhận. Còn các Thanh văn khác duy chỉ tin lời Phật nói.»
[1] Tự tính thanh tịnh 自 性 清 淨 (Skt. prakṛti-pariśuddhi). Bảo khốt, 81a: Các giảng sư ở Giang nam phân từ đây trở xuống là chương xii «Điên đảo và Chân thật», và giải thích, điên đảo chỉ cho sinh tử, chân thật chỉ cho nghĩa «một y», do đó tên gọi đầy đủ của chương có thể là «Điên đảo y trên Chân thật.» Cát Tạng không chấp nhận giải thích này. Theo Cát Tạng, nói là «điên đảo», chỉ cho ngoại đạo, Nhị thừa, và loạn ý Bồ tát không hiểu rằng y trên Như Lai tạng mà có sinh tử.
[2] Tham chiếu Lăng-già 5 (Đại 16, tr. 619a-b): Đại Tuệ hỏi, «Nều không tồn tại một tự ngã, thì cái gì sinh và cái gì diệt?» Phật giải đáp: «Như Lai tạng là nhân của thiện và bất thiện, sáng tạo nên tất cả các cõi sinh loại.»
[3] Bản tế bất khả tri 本 際 不 可 知; bản B: tiền tế baát khả liễu tri 前 際 不 可 了 知. Bản tế (Skt. pūrva-koṭi), giới hạn nguyên thủy hay tiên khởi của thời gian. Bảo khốt, 81c: Có hai giải thích: 1. Phật tánh vô thủy, sinh tử có khởi thủy. Cũng có thể biết được khởi thủy. Nhưng vì dùng chung với Phật tính nên nói là «bản tế bất khả tri»; 2. Phật tính vô thủy, sinh tử có khởi thủy. Nhưng vì quay lưng với Phật tính nên chịu sinh tử. Cần phải thấy được Phật tính mới rõ được khởi thủy của sinh tử. Duy chỉ Phật mới có thể thấy được khởi thủy đó. Hàng Thập địa cũng chưa biết được khởi thủy. Cf. Laṅkā, tr. 95: Na ca Mahāmate saṃsārasya pūrvakoṭiḥ prajñāyate, «Này Mahāmate, cũng không thể nhận thức được giới hạn tối sơ của luân hồi.»
[4] Chư thọ căn một 諸 受 根 沒; bản B: chư thọ căn diệt 諸 受 根 滅. Có năm thọ căn, tức quan năng cảm thọ (pañca vedanendriyāni): khổ hay cảm giác khó chịu (duḥkha), lạc hay cảm giác dễ chịu (sukha); hai cảm thọ này thuộc thân. Ưu hay không thích ý (daumanasya) và hỷ hay thích ý (saumanaya); hai cảm thọ này thuộc tâm. Xả hay cảm thọ trung hòa (upekṣā). Cf. Câu-xá 3 (Đại 29, tr. 14c). Bảo khốt, 82b: «Các thọ căn, chỉ năm thọ: ưu, hỷ, khổ, lạc, xã. Thọ phát sinh từ năm căn (tai, mắt, vv.) là khổ hay lạc. Thọ phát sanh từ ý căn là hỷ hay ưu. Không khổ không lạc là xả. Các thọ này là khả năng phát triển phiền não nên gọi là thọ căn. Chúng sinh khi mạng sống chưa dứt, thọ căn luôn luôn có mặt, không hề ngưng nghỉ trong từng sát-na, tiếp nối nhau liên tục. (…) Khi mạng chung, các thọ căn bị rủ bỏ; xả thọ diệt tận, cho nên nói là một 沒 (Skt. cyuti).»
[5] Bất thọ căn 不 受 根; bản B: vị thọ căn 未 受 根 (Skt. avedanendriya). Bảo khốt, 82b: «Nên nói thọ căn không khởi. Điều này muốn nói, không có thọ căn lần lượt tiếp nối khởi lên.» Giải thích này không phù hợp ý kinh. Đoạn kinh này nêu rõ một khía cạnh của thuyết Như Lai tạng, theo đó do công năng duy trì tồn tại của thân-tâm và thế giới của thức A-lại-da (ālaya-vijñāna), hoạt động của thức không hề gián đọạn, do đó thọ luôn luôn có mặt. Trạng thái tiêu cực hay thụ động của thọ được gọi là avedanendriya, trong đó tiếp đầu ngữ «a» có nghĩa là «không» hay «chưa.»
[6] Thứ đệ 次第; bản B: vô gián tương tục 無 間 相 續 (Skt. anantarāyam).
[7] Các căn (indriyāni) ở đây cũng chỉ các quan năng nhận thức: mắt, tai, v.v. Bản B: các thọ căn; xem ct. 617 trên.
[8] Bản B: «Không sinh, không tử, không lên, không rơi xuống.»
[9] Bản B: «Đối với tạng của trí tuệ vốn lìa sự giải thoát là y, trì, kiến lập.»
[10] Lục thức cập tâm pháp trí 六 識 及 心 法 智. Bảo khốt, 82b-c: «Có người nói, sáu thức chỉ sáu sự thức (muốn chỉ phân biệt sự thức, Skt. vastu-prativikalpa-vijñāna); tâm pháp trí chỉ thức thứ bảy. Khi mê, nói là tâm. Khi ngộ, nói là trí… Giải thích này không đúng (…). Ở đây, sáu thức đã là tâm vương; trí vốn là tâm số pháp cho nên nói là tâm pháp trí.» Ý nói, sáu thức cùng với các tâm sở của chúng. Bản B: Lục thức cập dĩ sở tri 六 識 及 已 所 知. Theo bản dịch này, dĩ sở tri, cái đã nhận thức, chỉ cho ý giới (manodhātu). Cf. Kośa, kārikā i.17: ṣaṇṇām anantarātītam vijñānam yad dhi tan manaḥ, «sáu thức thuộc quá khứ không gián cách chính là ý (giới).» Câu-xá 1 (Đại 29, tr. 4b): «Sáu thức thân vừa diệt, không gián cách, là khả năng sinh khởi thức kế tiếp; bấy giờ chúng được gọi là ý giới.» Tham khảo Nhiếp luận thích (Huyền) 1, Đại 31, tr. 325b: «Ý (tức mạt-na thức; Skt. manas) có hai thứ. 1. Làm thể tính sở y cho điều kiện liên tục (đẳng vô gián duyên; Skt. samanantara-pratyaya); các thức vừa diệt trong quá khứ không gián cách làm y chỉ cho ý thức sinh khởi.»
[11] Bất chủng chúng khổ 不 種 眾 苦; bất thọ chúng khổ 不 受 眾 苦 (Skt. ananubhūtasukhaduhkhā), xem cht. dưới.
[12] Lăng-già 5 (Đại 16, tr. 621c): «Năm thức thân vốn không lưu chuyển, không cảm thọ khổ lạc, không phải là nhân của Niết-bàn. Như Lai tạng cùng chuyển hiện và ngưng nghỉ với nhân của khổ và lạc được cảm thọ, bị che mờ bởi bốn loại tập khí.» Cf. Laṅkā, tr. 96.
[13] Tiền tế 前 際 (Skt. pūrva-koṭi).
[14] Phi ngã 非 我, phi chúng sanh 非 眾 生, phi mạng 非 命, phi nhân 非 人; bản B: phi hữu ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả 非 有 我 人 眾 生 壽 者. Cf. Vajra (rải rác): Na (…) ātmasaṃjñā pravartate, na sattvasaṃjñā, na jīvasaṃjñā, na pudgalasaṃjñā pravartate.
[15] Đọa thân kiến chúng sinh 墮 身 見 眾 生; bản B: thân kiến hữu tình 身 見 有 情 (Skt. satkāya-dṛṣṭi-patita-sattva). Câu-xá 19 (Đại 29, tr. 100a): «Chấp ngã và ngã sở (ātmātmyagrāha), đó là tát-ca-da kiến (satkāyadṛṣṭi). Sat nghĩa là hủy hoại; kāya nghĩa là tích tụ. Satkāya, chỉ cho hợp thể vô thường, tức năm thủ uẩn (upādāna-skandha)… Sở dĩ cho rằng uẩn chính là ngã vì tưởng rằng chúng là thường hằng và nhất thể.» Tham chiếu Pāli, S.iii.tr 159: Katamo ca bhikkhave sakkāyo? Pancupādānakkhandhā tassa vacanīyaṃ, «Thế nào là hữu thân? Đó là các thủ uẩn.»
[16] Không loạn ý chúng sinh 空 亂 意 眾 生; Bảo khốt, 84c: «Người sơ học Đại thừa phần lớn tu tập quán Không cho đến mức rối loạn nhận thức chân chính, do đó gọi là không loạn ý chúng sinh.» Bản B: không kiến hữu tình 空 見 有 情 (Skt. śūnyatādṛṣṭi-sattva), chỉ hàng chúng sinh chấp không, tức hàng Đại thừa sơ học.
[17] Phật tính luận 2 (Đại 31, tr. 796b), giải thích đoạn kinh trên như sau: Như Lai tạng có 5: 1. Như Lai tạng (Tathāgata-garbha); ở đây, tạng nói theo nghĩa tự tính. Tất cả các pháp không ra ngoài tự tính của Như Lai, vì yếu tính là vô ngã. Cho nên nói, tất cả các pháp đều là Như Lai tạng; 2. Chính pháp tạng (saddharma-garbha, hoặc saddharma-kośa); tạng ở đây có nghĩa là nhân (nói theo phương diện nhân). Vì hết thảy Thánh nhân đều lấy thể tính của các pháp này, là bốn niệm xứ, vv., làm đối tượng, khiến phát sinh những gì chưa sinh; đã sinh thì khiến cho viên mãn. Cho nên gọi đó là Chính pháp tạng; 3. Pháp thân tạng (Dharmakāya-garbha/Dharmakāya-kośa); tạng ở đây có nghĩa là «đã đến nơi» (chí đắc). Đó là chánh tánh mà hết thảy Thánh nhân có ý hướng hâm mộ; ý hướng hâm mộ và mong muốn được nghe. Do ý hướng thâm tâm hâm mộ ấy các Thánh nhân thành tựu được bốn đức, và công đức của hết thảy Như Lai nhiều hơn cát sông Hằng. Cho nên, thể tính ấy được gọi là Pháp thân tạng; 4. Xuất thế tạng (Lokottara-garbha); tạng ở đây có nghĩa là chân thật. Thế gian có ba khuyết điểm: a. Do đối trị; vì có thể bị diệt tận nên được gọi là thế gian. Pháp này không có đối trị cho nên nói là xuất thế. b. Do không an trú tĩnh tại nên gọi là thế gian, vì kết quả của tâm hư vọng vốn không ngừng hoại diệt trong từng sát-na. Pháp nay không như vậy nên nói là xuất thế. c. Do có kiến giải điên đảo; tâm ở trong thế gian thì luôn nhìn thấy một cách điên đảo. Như con người thuộc trong tam giới thì quyết không thể có pháp nhẫn thấy khổ đế. Vì hư vọng cho nên gọi là thế gian. Pháp này có khả năng vuợt ngoài thế gian, nên nói là chân thật. Đó là Xuất thế tạng; 5. Tự tính thanh tịnh tạng (Prakṛti-pariśuddhi-garbha); tạng ở đây có nghĩa là bí mật. Nếu tất cả tùy thuận tự tánh này thì nói là nội. Đấy là chính chứ không phải tà, cho nên là thanh tịnh. Nếu các pháp trái nghịch với lý này thì được gọi là ngoại. Đấy là tà chứ không phải chính, cho nên là nhiễm trược. Do đó nói là tự tính thanh tịnh tạng.
[18] Khách trần phiến não 客 塵 煩 惱 (Skt. āgantu-kleśa), phiền não như khách trọ, đến rồi đi.
[19] Thượng phiền não 上 煩 惱; Bảo khốt, 85c: Thượng phiền não tức hiện khởi phiền não 現 起 煩 惱, chỉ phiền não đang hiện hành (Skt. paryutthāna).
[20] Sát-na thiện tâm 剎 那 善 心 (Skt. kṣaṇika-kuśala-citta). Lăng-già 5 (Đại 16, tr. 621b-c), tóm tắt: Những pháp có thuộc tính sát-na (kṣaṇika-dharma) là các pháp thiện (kuśala), bất thiện (akuśala), hữu vi (saṃskṛta), vô vi (asaṃskṛta), vv., nói tóm, là năm thủ uẩn (pañcopādāna-skandhā) được phát triển do bởi tập khí của tâm-ý-ý thức (citta-mano-manovijñāna-vāsanāhetukā)… Thiện và bất thiện là tám thức… Năm thức thân (pañca-vijñāna-kayā) cùng chuyển biến với ý thức như là một toàn thể đồng nhất liên tục không gián đoạn, đồng nhất không khác biệt nhau của các sát na thiện và bất thiện. Cf. Laṅkā, tr. 95.
[21] Bản B: «Không thể bị nhiễm ô bởi khách trần phiền não.»
[22] Bảo khốt, 86a: «Phiền não xuất phát từ nhận thức sai lầm, không ảnh hưởng đến tâm… Như người thấy sợi dây mà nhầm tưởng là con rắn…»
[23] Bất xúc pháp 不 觸 法 (Skt. asparśatva).
[24] Lăng-già 5 (Đại 16, tr. 619c): «Như Lai tạng ấy vốn tự tính thanh tịnh; nhưng bị ô nhiễm bởi khách trần mà thành bất tịnh. Điều ấy, hàng Nhị thừa cùng ngoại đạo không thể suy luận, không thể thấy, không thể hiện chứng được. Nhưng Như Lai thấy điều ấy một cách rõ ràng như thấy quả am-ma-lặc trong bàn tay.» Cf. Lanka, tr. 90.
[25] Thật nhãn, thật trí, vi pháp căn bản, vi thông đạt pháp, vi Chính pháp y 實 眼 實 智 為 法 根 本 為 通 達 法 為 正 法 依; bản B: vi nhãn, vi trí, vi pháp căn bản, vi tôn, vi đạo 為 眼 為 智 為 法 根 本 為 尊 為 導.