Mục lục Kinh Thắng Man

Trang nhà Quảng Đức

Tiếng Anh

CHƯƠNG MƯỜI HAI: ĐIÊN ĐẢO VÀ CHÂN THẬT[1]

 

«Bất tư nghì, là diệt đế,[2] vượt ngoài đối tượng[3] của hết thảy tâm thức của chúng sinh, và cũng không phải cảnh giới trí tuệ[4] của hết thảy A-la-hán và Bích-chi-Phật. Cũng như người mù bẩm sinh không thấy được các sắc, con nít bảy ngày không thất được mặt trời. Khổ diệt đế cũng như vậy, không phải là sở duyên của tâm thức của hết thảy phàm phu, cũng không phải là cảnh giới trí tuệ của hai thừa. Thức của phàm phu là sự điên đảo của hai kiến chấp.[5] Trí của hết thảy A-la-hán và Bích-chi-Phật thì vốn thanh tịnh.[6] Biên kiến,[7] là phàm phu đối với năm thủ uẩn[8] mà thấy là ngã, vọng tưởng chấp trước,[9] sinh ra hai kiến chấp, đó gọi là biên kiến; tức là thường kiến và đoạn kiến. Thấy rằng các hành là vô thường,[10] ấy là đoạn kiến chứ không phải chính kiến. Thấy rằng Niết-bàn là thường, ấy là thường kiến chứ không phải chính kiến.[11]»

«Do vọng tưởng kiến chấp cho nên chủ trương như vầy: đối với các căn ở nơi thân,[12] phân biệt, tư duy[13] thấy rằng trong hiện tại chúng hủy hoại,[14] mà không thấy dòng tương tục của sự hữu,[15] do đó khởi lên đoạn kiến. Vì vọng tưởng kiến chấp vậy. Đối với tâm tương tục[16] mà ngu tối, không tỏ rõ, không biết cảnh giới ý thức có gián đọạn trong từng sát-na,[17] nên khởi thường kiến. Vì do vọng tưởng kiến chấp vậy.»

«Vọng tưởng kiến chấp này, đối với nghĩa kia,[18] hoặc thái quá hoặc bất cập, phát sinh phân biệt với những ý tưởng dị biệt,[19] hoặc cho là đoạn hoặc cho là thường.»

«Chúng sinh điên đảo, đối với năm thủ uẩn vốn vô thường mà tưởng là thường, vốn khổ mà tưởng là lạc, vô ngã tưởng là ngã, bất tịnh tưởng là tịnh. Tịnh trí của hết thảy A-la-hán, Bích-chi-Phật, hoặc có chúng sinh do tin lời Phật, đối với cảnh giới của nhất thiết trí[20] và Pháp thân của Như Lai vốn chưa từng được thấy, mà khởi lên ý tưởng về thường, lạc, ngã, tịnh; đấy không phải kiến chấp điên đảo, cho nên gọi làchính kiến. Vì sao? Pháp thân của Như Lai là thường ba-la-mật,[21] ngã ba-la-mật, tịnh ba-la-mật và lạc ba-la-mật. Đối với Pháp thân của Phật mà thấy như vậy thì gọi làchính kiến.[22] Ai cóchính kiến tức là con chân thật của Phật, từ miệng Phật sinh, từChính pháp sinh, từ Pháp mà hóa sinh,[23] thừa hưởng di sản của pháp.[24]»

«Bạch Thế Tôn, tịnh trí ấy là trí ba-la-mật[25] của hết thảy A-la-hán, và Bích-chi Phật. Tịnh trí ấy tuy là tịnh trí nhưng đối với diệt đế kia vẫn chưa phải là cảnh giới, huống chi là bốn y trí.[26] Vì sao? Ba thừa sơ nghiệp[27] mà không ngu mê đối với pháp[28] thì sẽ có thể giác ngộ, sẽ chứng đắc nghĩa ấy. Chính vì thế mà Thế Tôn nói bốn y cho họ. Bạch Thế Tôn, bốn y này là pháp thế gian.»

«Bạch Thế Tôn, một y là tất cả y chỉ, là tối thượng xuất thế gian đệ nhất nghĩa y, đó là diệt đế.»[29]


 



[1] «Điên đảo chân thật» 顛 倒 真 實 (Skt. viparyāsa-aviparyāsa/ viparyāsa-tattva), điên đảo và chân thật. Phàm phu có bốn thứ điên đảo: vô thường (anitya) tưởng là thường (nitya), khổ (duḥkha) tưởng là lạc (sukha), bất tịnh (aśuci, aśubha) tưởng là tịnh (śuci), vô ngã tưởng (anātman, nairātmya) là ngã (ātman); Cf. Câu-xá 19 (Đại 29, tr. 100). Tiểu thừa có bốn thứ điên đảo: Niết-bàn vốn là thường, lạc, ngã, tịnh nhưng lại thấy ngược là vô, thường, khổ, vô ngã và bất tịnh.

[2] Diệt đế (Skt. nirodha-satya), bản B: khổ diệt đế (duḥkha-nirodha-satya).

[3] Sở duyên 所 緣 (Skt. ālambana), bản B: cảnh giới 境界, đối tượng mà thức vin baùm vào để sinh khởi và hoạt động.

[4] Trí tuệ cảnh giới 智 慧 境 界 (Skt. jñāna-gocara); bản B: trí sở năng cập 智所能及, trường hoạt động của trí tuệ.

[5] Nhị kiến điên đảo 二 見 顛 倒 (dva dṛṣṭi-vipryāsau); bản B: nhị biên kiến 二邊見 (antadvaya-dṛṣṭi) hai quan điểm thiên lệch hay cực đoan; thiên chấp một trong hai quan điểm: Thường kiến (śaśvata-darśana). Chủ trương thế giới và tự ngã là thường tồn. Đoạn kiến, hay đoạn diệt luận (uccheda-dṛṣṭi), chủ nghĩa hư vô, chủ trương không có thế này, không có thế giới khác, không có tồn tại sau khi chết.

[6] Thanh tịnh 清 淨, bản B: tịnh trí 淨 智 (Skt. viśuddha-jñāna).

[7] Biên kiến, hay biên chấp kiến 邊 執 見 (Skt. antagrāha-dṛṣṭi).

[8] Trong nguyên bản, thọ ấm 受 陰, bản B: thủ uẩn 取 蘊. Skt. upādāna-skandha, uẩn do chấp thủ, do được duy trì bởi khát ái. Cf. Câu-xá 29 (Đại 29, tr. 152c): Phái Độc tử bộ (Vātsīputrīya) chủ trướng tồn tại một tự ngã, một khái niệm về «con người» (pudgala: bổ-đặc-già-la) được hình thành trên cơ sở các uẩn, tức thủ uẩn (skandhān upādāya: upādāna-skandha). Sđd., tr. 5b: Truyền thuyết Hữu bộ (Sarvāstivāda) nói, do chúng sinh mê lầm tâm và tâm sở (cittacaitasika), mà chấp tồn tại một tự ngã, cho nên Phật giảng 5 uẩn để đối trị.

[9] Hán: vọng tưởng kế trước 妄 想 計 著 Skt. vitathaparikalpa, tư duy sai lầm; bản B: sanh dị phân biệt 生異分別.

[10] «Chư hành vô thường» 諸 行 無 常 (Skt. anityā bata saṃskārāḥ). Hành (saṃskāra) đồng nghĩa với hữu vi (samskṛta). Nếu nhận thức tồn tại như là kết quả (thụ động) được ra bởi các yếu tố nhân duyên, thì gọi nó là hữu vi. Nếu nhận thức tồn tại như là nhân hay duyên để tác thành hiện hữu các pháp khác, khi đó nó được gọi là hành. Tham chiếu, S.iii. tr.: Saṅkhātaṃ abhisaṅkharontī ti bhikkhave tasmā saṅkhārā ti vussanti, «Này các Tỳ-kheo, vì chúng tạo ra các pháp hữu vi nên chúng được gọi là hành.» Tham chiếu D.ii. tr. 157: Aniccā vata saṅkhārā upādavayadhammino. Upajjitvā nirujjhanti, tesaṃ vūpasamo sukho' ti, «Thật vậy, các hành là vô thường, là pháp sanh diệt. Sau khi sinh, chúng diệt. Sự tĩnh chỉ của chúng là an lạc.»

[11] Tham chiếu, Laṅkā, tr. 41: Punar aparaṃ Mahāmate nirvāṇam āryajñāna­pratyātmaga­tigo­caraṃ śāśvatocchedavikalpabhāvābhāvavivarjitam, «Lại nữa, này Đại Huệ, Niết-bàn là cảnh giới của Thánh trí tự chứng vượt ngoài phân biệt thường hằng và đoạn diệt, hiện hữu hay phi hiện hữu.»

[12] Ư thân chư căn 於 身 諸 根 (Skt. kāyendriyeṣu), các căn y trên thân.

[13] Phân biệt tư duy 分 別 思 惟; bản B: thọ giả tư giả 受 者 思 者.

[14] Hiện pháp kiến hoại 現 法 見 壞; bản B: hiện pháp diệt hoại 現 法 滅 壞 (Skt. dṛṣṭadharme bhaṅga).

[15] Hữu tương tục 有 相 續 (Skt. bhavāṅga-santati), dòng tồn tại liên tục không gián đoạn.

[16] Tâm tương tục 心 相 續 (Skt. citta-santati), dòng chảy liên tục của tâm.

[17] Sát-na gián 剎 那 間; bản B: sát-na hoại diệt 剎 那 壞 滅 (Skt. kṣaṇena anantarāya).

[18] Bỉ nghĩa 彼 義 (Skt. tad-artham), «theo ý nghĩa đó.» Bản B: bỉ bỉ nghĩa, «Ý nghĩa ấy vượt ngoài các phân biệt và các kiến giải hấp kém.»

[19] Dị tưởng 異 想 (Skt. anyathā-saṃjñā), ấn tượng sai lầm.

[20] Nhất thiết trí cảnh giới 一 切 智 境 界 (sarvajña-jñāna-viṣaya). Du già 38 (Đại 30, tr. 498c): «Trí tuệ hoạt động một cách không trở ngại trong tất cả giới (dhātu), tất cả sự (vastu), tất cả phẩm loại (prakaraṇa), tất cả thời gian (kāla); trí ấy được gọi là nhất thiết trí.» Đây chỉ trí tuệ của Phật. Bản B: Như Lai cảnh 如 來 境 (tathāgataviṣaya)

[21] Thường ba-la-mật (śāśvata-pāramitā), ngã ba-la-mật (ātma-pāramitā), tịnh ba-la-mật (śuci-pāramitā), lạc ba-la-mật (sukha-pāramitā). Tham chiếu, Vô thượng y (Đại 16, tr. 471c), bốn ba-la-mật của Pháp thân: «Các pháp, sắc vv., đều là vô thường nhưng khởi lên ý tưởng cho là thường; các pháp đều là khổ nhưng sinh ý tưởng là lạc; vô ngã mà khởi ý tưởng là ngã; vốn bất tịnh mà có ý tưởng là tịnh; đó là điền đảo. Quán các pháp, sắc v.v., là vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh, là không điên đảo. Nhưng nếu cũng quán Pháp thân diệu đức của Như Lai như thế, ấy là điên đảo. Để đối trị điên đảo ấy, Ta nói bốn đức của Pháp thân Như Lai: thường, lạc…»

[22] Tham chiếu Vô thượng y (Đại 16, tr. 472a).

[23] Cf. Saddha., tr. 44: Adyāhaṃ Bhagavan bhagavataḥ putro jyeṣṭha auraso mukhato jāto dharmato dharmanirmito dharmadayādo dharmanirvṛttaḥ, «Bạch Thế tôn, ngày hôm nay con mới thật sự là trưởng tử của Thế tôn, sinh ra từ miệng Thế tôn, được sinh bởi Pháp, được hóa sinh bởi Pháp, là kẻ thừa tự Pháp, được thành tựu bởi Pháp.» Tham chiếu, D. iii. 84: Bhagavato' mhi putto oraso mukhato jāto dhammajo dhamma-nimmitto dhamma-dayādo' ti.

[24] Đắc pháp dư tài 得 法 餘 財 (Skt. dharma-dayāda); bản B: đắc Phật pháp phần 得 佛 法 份. Xem Pháp hoa 2 (Đại 9, tr. 10).. Xem cht. ở trên (Pāli: dhammadāyāda), con thừa tự pháp. Bảo khốt, 79a: «Tài sản của cha mẹ đã chết để lại cho con sử dụng được gọi là dư tài.»

[25] Trí ba-la-mật 智 波 羅 密 (Skt. jñāna-pāramitā).

[26] Tứ y trí 四 依 智 (Skt. catvāri pratisaraṇa-jñānāni). Bảo khốt, 79b-c: có hai giải thích: 1. Trí tuệ phát sanh do lấy bốn Thánh đế làm sở y. Thuyết này không được chấp nhận; 2. Bốn sở y của Bồ tát: a. Y theo nghĩa chứ không y theo văn (arthapratisaraṇena bhavitavyaṃ na vyañjana-pratisaraneṇa); b. Y theo pháp chứ không y theo người (dharma-pratisaraṇena bhavitavyaṃ na pudgalapratisaraṇena); c. Y theo trí chứ không y theo thức (jñānapratisaraneṇa bhavitavyam na vijñānapratisaraṇena); d. Y theo kinh rốt ráo nghĩa chứ không y theo kinh chưa rốt ráo nghĩa (nītārtha-sūtra-pratisaraneṇa bhavitavyaṃ na neyārtha-sūtra-pratisaraneṇa). Bản B: tứ nhập lưu trí chi sở hành 四 入 流 智 之 所 行 (Skt. śrotapatti-jñāna-gocara?) «Khổ diệt đế là cảnh vực hoạt động của bốn nhập lưu trí.» Skt. trong bản B có thể là prātisāraṇa: sự lưu chuyển. Cũng có thể là pratisrota-gāmin; tham chiếu Pāli tương đương, paṭisotagāmnin: người đi ngược dòng thế gian để thuận theo dòng Thánh; Cf. SA.i. tr. 197: paṭisotagāmin ti, niccādīnaṃ paṭisotaṃ aniccaṃ dukkhaṃ anattā asubhan ti evaṃ gataṃ catusaccadhammā, «Người đi ngược dòng (thế gian) là đi ngược dòng chảy thường vv. (mà thế gian mong cầu một cách ảo tưởng) để đi đến pháp với bốn chân đế là vô thường, khổ, vô ngã và bất tịnh.»

[27] Tam thừa sơ nghiệp 三 乘 初 業, Skt. triyānādikarmika, chỉ những vị mới phát tâm tu tập trong cả ba thừa.

[28] Bất ngu pháp 不 愚 法. Bảo khốt, 80: Các hàng sơ phát tâm trong cả Ba thừa nếu tự biết rõ rằng mình sẽ thành Phật, được gọi là «không ngu pháp».

[29] Bản B: «Chỉ có một nhập lưu là tối thắng, tối thượng trong các nhập lưu; mà theo đệ nhất nghĩa, đó là chính là nhập lưu, là chỗ quy y; đó là khổ diệt đế.»

Mục lục Kinh Thắng Man

Trang nhà Quảng Đức

Tiếng Anh