Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú tại nước Xá-vệ,[2] trong rừng cây Kỳ-đà, vườn Cấp cô độc.[3]
Lúc bấy giờ, Vua Ba-tư-nặc[4] và Mạt-lỵ Phu nhân[5] tin hiểu Chính pháp chưa bao lâu,[6] cùng thảo luận nhau rằng:
«Con gái chúng ta,[7] Thắng Man Phu nhân, vốn thông tuệ, lợi căn, thông minh đỉnh ngộ, nếu thấy được Phật tất hiểu Pháp một cách nhanh chóng, tâm thông tỏ, không nghi ngờ. Vậy ta hãy kịp thời sai phái người tín cẩn[8] khơi mở đạo ý[9] của nó ».
Phu nhân tâu rằng: «Nay thật đúng lúc».
Vua và Phu nhân liền thư cho Thắng Man, tán thán một cách vắn tắt vô lượng phẩm tính siêu việt của Như Lai, rồi khiến nội nhân, tên là Chiên-đề-la,[10] làm sứ giả đem thư đến nước A-du-xà,[11] vào nội cung, kính cẩn trao thư cho Thắng Man. Thắng Man được thư, hoan hỷ cúi đầu tiếp nhận. Bà đọc thư, ghi nhớ kỹ, phát tâm hy hữu, bèn nói các bài kệ cho Chiên-đề-la nghe như sau:
Ta nghe «âm thanh Phật,[12]
Chưa từng có trên đời.»
Lời ấy nếu chân thật,
Ta sẽ tưởng thưởng ngươi.[13]
Cúi lạy Phật Thế Tôn,
Xuất hiện vì thế gian;
Xin cùng thương tưởng con,
Cho con thấy tôn nhan.
Tâm niệm ấy vừa phát,
Phật hiện giữa hư không;
Với tịnh quang sáng chói,
Rạng ngời tối thắng thân.
Thắng Man cùng quyến thuộc
Cúi đầu lạy sát chân.
Bằng cả tâm thanh tịnh
Tán thán công đức Phật.
Như Lai diệu sắc thân,
Thế gian không gì hơn,
Tối thắng, bất tư nghì;
Con cúi đầu đảnh lễ.
Sắc Như Lai vô tận,
Trí tuệ cũng không cùng;
Hết thảy Pháp thưòng trụ,
Con chí thành quy y.
Hàng phục tâm xấu ác,[14]
Và bốn loại thuộc thân,[15]
Đã đến cõi nan phục;[16]
Con kính lạy Pháp vương.
Biết hết thảy nhĩ diệm,[17]
Trí tuệ thân tự tại,[18]
Nhiếp trì tất cả Pháp,[19]
Con cúi đầu đảnh lễ.
Kính lễ đấng không lường,[20]
Kính lễ đấng vô tỉ,[21]
Kính lễ pháp vô biên,[22]
Kính lễ siêu tư duy;[23]
Thương xót che chở con
Cho lớn hạt giống Pháp.
Đời này và đời sau,[24]
Mong Phật thường nhi ếp thọ.[25]
(…)[26]
Ta an lập con từ lâu,[27]
Đời trước đã từng khai giác;
Ngày nay lại nhiếp thọ con,[28]
Các đời vị lai vẫn vậy.
Công đức con thành tựu,
Đời này và đời kia,
Gốc rễ lành như vậy,
Cúi mong nhiếp thọ con.[29]
Bấy giờ Thắng Man Phu nhân cùng với các quyến thuộc cúi đầu lạy sát chân Phật. Phật ở ngay giữa chúng mà thọ ký[30] cho Bà rằng:
«Con đã ca ngợi các phẩm tính chân thật siêu việt của Như Lai. Bằng vào các thiện căn ấy, trải qua vô lượng a-tăng-kỳ-kiếp,[31] con sẽ là Tự Tại vương[32] ở giữa chư thiên và nhân loại. Trong tất cả những nơi thọ sinh, nơi nào cũng thường gặp gỡ thấy Ta không khác gì lúc này đang ca ngợi Ta. Rồi con lại cúng dường vô lượng a-tăng-kỳ đức Phật, qua hai vạn a-tăng-kỳ kiếp, sẽ thành Phật hiệu là Phổ Quang Như Lai,[33] Ứng cúng, Chính biến tri. Quốc độ của Phật ấy không có ác thú,[34] không có các sự khổ của già, bệnh, suy vi, ưu não, không thích ý; cũng không có tên gọi của nghiệp đạo ác bất thiện.[35] Chúng sinh ở trong các quốc độ ấy có sắc, lực, thọ mạng, và các phương tiện hưởng thọ ngũ dục thảy đều khoái lạc, hơn hẳn chư thiên cõi Tha hóa Tự tại.[36] Các chúng sinh ấy đều thuần nhất là Đại thừa. Những chúng sinh nào tu tập các thiện căn thảy đều tập hợp về đó».
Khi Thắng Man Phu nhân được thọ ký, có vô luợng chúng sinh, chư thiên và nhân loại, phát nguyện muốn sinh về nước ấy. Thế tôn thọ ký rằng tất cả đều sẽ được vãng sinh về đó.
[1] «Như Lai chân thật công đức chương đệ nhất» 如 來 真 實 功 德 章 第 一 (Skt. Tathāgata-bhūtaguṇa-prathamaparivarta). Tên khác: «Thán Như Lai chân thật đệ nhất nghĩa công đức 歎 如 來 真 實 第 一 義 功 德»; bản B: «Tán thán Như Lai chân thật công đức 讚 歎 如 來 真 實 功 德.» (Skt. Tathāgata-paramārthabhūtaguṇa-praśaṃsā). Xem chương xv.
[2] Xá-vệ quốc 舍 衛 國 (Skt. Śravastī), tên đô thị, thủ phủ của nước Câu-(Kiêu)-tát-la 拘 (憍) 薩 羅 (Skt. Kauśala), cũng thường dùng gọi thay tên nước. Bảo khốt (tr 9a): theo Kinh Nhân vương, Kiêu-tát-la và Xá-vệ là hai nước khác nhau.
[3] Skt. Jetavane' nāthapiṇḍadayārāme.
[4] Ba-tư-nặc 波 斯 匿 (Skt. Prasenajit), vua nước Kauśala (Pali: Kosala). Bảo khốt (tr 10a): Ba-tư-nặc, Hán dịch là Hòa Duyệt 和 悅, Kinh Nhân vương gọi là Nguyệt Quang 月 光.- Bản B: Kiêu-tát-la Ba-tư-nặc vương 憍 薩 羅 波 斯 匿 王 (Skt. Kauśalyarājan Prasenajit; Pāli: Kosala-rājā Pasenadi).
[5] Mạt-lỵ Phu nhân 末 利 夫 人 (Skt. Mallika-Devī), chánh cung của vua Ba-tư-nặc.
[6] Bảo khốt, 10b29, đây chỉ mới tin Đại thừa; còn tin Tiểu thừa thì đã từ lâu. Các tài liệu về nhân duyên vua tin Phật: Trung60, «216. Ái sinh kinh» (Bảo khốt dẫn nhần là Thiện sinh), Đại 1, tr. 800; Trungbảnkhởi, «10. Phẩm Độ Ba-tư-nặc vương», Đại 4, tr. 147. Về nhân duyên vua tin Đại thừa: Đại pháp cổ kinh, Đại 9, tr. 290. Bản B: sơ chứng Pháp dĩ 初 證 法 已, sau khi vừa chứng Pháp.
[7] Tài liệu Pāli, M ii.87, Piyajātika-sutta (Hán: Trung «216. Ái sinh kinh», Đại 1, tr. 800, Vua và Phu nhân có một người con gái duy nhất tên là Vajirakumārī, hay Vajirī (Hán phiên âm: Bà-di-lỵ 婆 夷 利).
[8] Khiển tín 遣 信; Bản B: linh thiện dụ giả 令 善 諭 者, sai người giỏi thuyết phục. Skt. dūtaṃ preṣayati.
[9] Đạo ý 道意; bản B: thành ý 誠 意 (Skt. bodhi-citta: bồ-đề tâm).
[10] Chiên-đề-la 旃 提 羅; bản B: Chân-đề-la 真 提 羅; Bảo khốt, 11b12: bốn từ tiếng Phạn hay bị lẫn lộn: 1. Chiên-đề-la 旃 提 羅, Hán dịch là yểm nhân 奄 人, người bị hoạn, hoạn quan, Skt. Śaṇḍa; 2. Phiến-đề-la 扇 提 羅, Hán dịch thạch nữ 石 女, người đàn bà không sinh sản, Skt. Vandhyā (Cf. Laṅka, tr. 44 và rải rác); 3. Chiên-đà-la 旃 陀 羅, Hán dịch sát cẩu nhân 殺 狗 人, người thịt chó, chỉ tầng lớp cùng đinh, Skt. Caṇḍāla; 4. Chiên-đồ-la 旃 荼 羅, Hán dịch nguyệt 月, mặt trăng, Skt. canda.
[11] A-du-xà quốc 阿 踰 闍 國, bản B: Vô đấu thành 無 鬥 城 (Skt. Ayodhyā, Pali: Ayojjhā). Tây vực ký 5 Đại 51, tr 896b: A-du-đà quốc 阿 踰 陀 國, chép một số di tích của Vô Trước (Asaṅga) và Thế Thân (Vasubandhu).
[12] Phật âm thanh 佛 音 聲 (Skt Buddha-śabda), ở đây chỉ danh từ (danh xưng) «Phật», chứ không phải tiếng nói. Ý nghĩa: Thắng Man vừa nghe danh từ «Phật» trong thư mà chấn động. Trường hợp này tương tự cơ duyên ông Cấp Cô Độc biết Phật; bản B: Như Lai thanh 如 來 聲.
[13] Bảo khốt, 12a21: theo bản Phạn, dịch sát sẽ là: «Nều lời ấy mà chân thật, ta sẽ thưởng y phục cho ngươi.»
[14] Hán: tâm quá ác 心 過 惡 (Skt. citta-doṣa), sự sai lầm của tâm.
[15] Hán: thân tứ chủng 身 四 種. Bảo khốt, tr. 16a11, nêu hai giải thích: 1. Chỉ 4 thứ sinh, lão, bịnh, tử; 2. Chỉ 4 đại chủng (mahābhūta). Nghĩa sớ theo giải thích thứ 2.
[16] Hán: nan phục địa 難 伏 地. Bảo khốt, 16a 19., «Đã đến địa vị không thể bị khuất phục của Phật quả. Đối với Như Lai, sự sinh không thể làm cho sinh, sự già không thể làm cho già, bịnh không thể làm cho bịnh, sự chết không thể làm cho chết; do đó nói là nan phục địa. Phật có thể nhiếp phục mọi hệ lụy mà không bị các hệ lụy khuất phục. (…) Nói là nan phục địa, chỉ cho kim cang tâm (vajracitta). Tâm kim cang có thể diệt trừ các mê hoặc mà không bị các mê hoặc xâm phạm» (Skt. duryodhana-bhūmi), tham chiếu Gaṇḍa: duryodhana-citta. Bản B: bất tư nghị địa 不 思 議 地 (Skt. acintya-bhūmi), cho thấy phát âm tương tợ: ajita-bhūmi, mà có thể dịch là nan thắng địa 難 勝 地 (không nhầm lẫn với Sudurjaya-bhūmi, thứ sáu trong 10 địa của Bồ tát, Daśabhūmika), hoặc dịch nan phục địa như bàn Hán ở đây.
[17] Nhĩ diệm 爾 焰 (Skt. jñeyam), cái được nhận thức, đối tượng nhận thức. Hán dịch: sở tri 所 知, sở thức 所 識, cảnh giới 境 界, sở tri cảnh giới 所 知 境 界. Bảo khốt, 16b19: «Nhĩ diệm, tức là trí mẫu 智 母, vì là khả năng làm phát sinh nhận thức (trí). Cũng gọi là trí cảnh 智 境; các pháp, ngũ minh vv., có khả năng phát sinh trí giải cho nên nói là trí mẫu, và do được phản chiếu bởi trí cho nên được gọi là trí cảnh.»
[18] Hán: trí tuệ thân tự tại 智 慧 身 自 在 (jñānakāya-vaśita); bản B: Trí thân vô quái ngại 智 身 無 罣 礙 (jñānakāya-anāvaraṇa). Trí thân (jñāna-kāya), bản thân do trí tuệ tạo thành, một trong 10 thân (Phật) mà Bồ tát địa thứ tám nhận thức được; xem Hoa nghiêm (Phật) 26, tr. 565b; Hoa nghiêm (Thật) 38, tr. 200a; Daśa, tr. 45.19.
[19] Hán: nhiếp trì nhất thiết pháp 攝 持 一 切 法 (sarvadharma-saṃgraha/ sarvadharma-parigraha); bản B: ư pháp vô vong thất 於 法 無 忘 失 (dharma-aparihāṇa).
[20] Hán: quá xứng lượng 過 稱 量 (Skt. pramāṇa-atikrānta, aprameya).
[21] Hán: vô thí loại 無 譬 類 (anupama-sama); bản B: vô luân 無 倫 (asama-sama).
[22] Hán: vô biên pháp 無 邊 法 (anantadharma); bản B: pháp tự tại 法 自 在 (dharmavaśitā).
[23]Hán: nan tư nghị 難 思 議 (Skt. acintya); bản B: siêu tư duy 超 思 惟 (cintyātikrānta).
[24] Hán: thử thế cập hậu sinh 此 世 及 後 身; bản B: đãi cập tối hậu thân 逮 及 最 後 身, cho đến sinh thân cuối cùng, cho đến khi thành Phật.
[25] Bản B còn thêm một bài tụng trước câu này: (đãi cập tối hậu thân) thường tại Như Lai tiền . Ngã sở tu phước nghiệp, thử thế cập dư sinh, do tư thiện căn lực (nguyện Phật hằng nhiếp thọ) 逮 及 最 後 身 常 在如 來 前 我 所 修 福 業 此 世 及 餘 生 由 斯 善 根 力 願 佛 恆 攝 受.
[26] Trước bài kệ Phật trả lời, bản B có một đoạn văn xuôi giới thiệu.
[27] Hán: ngã cửu an lập nhữ 我 久 安 立 汝; bản B: ngã tích vị bồ đề 我 昔 為 菩 提. Hai bản khác nhau có lẽ do phát âm tương tự: adhi-sthāpya: dựng đứng, an lập, và bodhiṃ sthāpya: an trú bồ-đề.
[28] Hán: kim phục nhiếp thọ nhữ 今 復 攝 受 汝; bản B: kim phục trị ngộ ngã 今 復 值 遇 我, «Nay con lại gặp Ta.» Có lẽ do phát âm gần tương tợ: sam-GRAH: nhiếp thọ, và sam-GAM: trị ngộ (gặp gỡ).
[29] Bài kệ trả lời của Thắng Man, không có trong bàn B.
[30] Thọ ký 受 記; bản B: thọ (…) a-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề ký 授 阿 耨 多 羅 三 藐 三 菩 堤 記; Skt. anuttara-samyak-saṃbodhiṃ vyākaroti.
[31] Vô lượng a-tăng-kỳ kiếp 無 量 阿 僧 祇 劫 (Skt. aprameya-asaṃkhyakalpa), vô số kiếp, không thể ước lượng.
[32] Tự tại vương 自在王 (Skt. Īśvara-rājan); Hoa nghiêm (Phật) 26, tr. 566b6; Hoa nghiêm (Thật) 38, tr. 204a 6: Bồ tát an trụ địa thứ tám phần nhiều thọ sinh làm Đại Phạm thiên, chúa tể của nghìn thế giới (Daśa 48.7 bhūyastvena mahābrahmā bhavati sāhasrādhipatiḥ).
[33] Phổ Quang Như Lai 普 光 如 來 (Skt. Samantaptabhāsa).
[34] Ác thú 惡 趣 (Skt. durgati/ āpāyikā), hay ác đạo 惡 道; chỉ các định hướng tái sinh thấp kém ở địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh.
[35] Ác bất thiện nghiệp đạo 惡 不 善 業 道 (Skt. pāpākuśala-karmapātha).
[36] Tha hoá tự tại thiên 他 化 自 在 天 (Skt. Paranirmita-vaśa-vartin); chư thiên ở tầng cao nhất trong sáu tầng trời thuộc Dục giới.