Tiếng Việt

Trang nhà Quảng Đức

Tiếng Anh

qd.jpg (8936 bytes)

Kinh Điển Phật Giáo


...... ... .

 

 

KINH TRƯỜNG A HÀM -SỐ 1

 

Hán Dịch: Phật Đà Da Xá và Trúc Phật Niệm

( )

Việt dịch & hiệu-chú: Tuệ Sỹ

--- o0o ---

 

26. KINH TAM MINH[1] 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại nước Câu-tát-la, du hành nhân gian, cùng với chúng đại Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi người, đến Y-xa-năng-già-la, thôn Bà-la-môn ở Câu-tát-la. Ngài nghỉ đêm trong rừng Y-xa.[2]

Bấy giờ, có Bà-la-môn tên Phất-già-la-sa-la, Bà-la-môn tên Đa-lê-xa[3], có duyên sự nên cùng đến thôn Y-xa-năng-già-la. Bà-la-môn Phất-già-la-sa-la này, từ bảy đời nay cha mẹ chơn chánh không bị người khinh chê, tụng đọc thông suốt ba bộ dị điển, có khả năng phân tích các loại kinh thư, lại giỏi phép xem tướng đại nhơn, quán sát cát hung, tế tự nghi lễ. Ông có năm trăm đệ tử, dạy dỗ không bỏ phế. Trong số đó có một đệ tử tên Bà-tất-tra [4], từ bảy đời nay cha mẹ chơn chánh không bị người khinh chê, tụng đọc thông suốt ba bộ dị điển, có khả năng phân tích các loại kinh thư, lại giỏi phép xem tướng đại nhơn, quán sát cát hung, tế tự nghi lễ; cũng có năm trăm đệ tử, dạy dỗ không bỏ phế.

Bà-la-môn Đa-lê-xa cũng từ bảy đời nay cha mẹ chơn chánh không bị người khinh chê, tụng đọc thông suốt ba bộ dị điển, có khả năng phân tích các loại kinh thư, cũng giỏi phép xem tướng đại nhơn, quán sát cát hung, tế tự nghi lễ. Ông cũng có năm trăm đệ tử, dạy dỗ không bỏ phế. Trong số đó có một đệ tử tên Phả-la-đọa [5] từ bảy đời nay cha mẹ chơn chánh không bị người khinh chê, tụng đọc thông suốt ba bộ dị điển, có khả năng phân tích các loại kinh thư, lại giỏi phép xem tướng đại nhơn, quán sát cát hung, tế tự nghi lễ; cũng có năm trăm đệ tử, dạy dỗ không bỏ phế.

Lúc bấy giờ, Bà-tất-tra và Phả-la-đọa, hai người vào lúc tảng sáng đi đến khu vườn cùng nhau bàn luận. Bà-tất-tra nói với Phả-la-đọa:

“Con đường của ta chơn chánh, có khả năng xuất yếu, dẫn đến Phạm thiên. Đó là điều mà Đại sư Phất-già-la-sa-la Bà-la-môn dạy.”

Phả-la-đọa lại nói:

“Con đường của ta chơn chánh, có khả năng xuất yếu, dẫn đến Phạm thiên. Đó là điều mà Đại sư Đa-lê-xa Bà-la-môn dạy.”

Như vậy, Bà-tất-tra ba lần tự khen đạo mình chơn chánh. Phả-la-đọa cũng ba lần tự khen đạo mình chơn chánh. Hai người cùng bàn luận mà không thể quyết định.

Rồi Bà-tất-tra nói với Phả-la-đọa rằng:

“Ta nghe nói Sa-môn Cù-đàm, con nhà dòng họ Thích, xuất gia và đã thành đạo, ở Câu-tát-la, du hành nhân gian, nay đang nghỉ tại rừng Ya-xa-năng-già-la. Ngài có tiếng tăm lớn, lưu truyền khắp thiên hạ, rằng, Ngài là bậc Như Lai, Chí chơn, Đẳng chánh giác, đầy đủ mười hiệu, ở giữa chư thiên, người đời, Sa-môn, Bà-la-môn, tự mình chứng ngộ, rồi thuyết pháp cho người khác; lời nói khoảng đầu, khoảng giữa, khoảng cuối thảy đều chơn chánh, nghĩa vị đầy đủ, phạm hạnh thanh tịnh. Bậc chơn nhơn như vậy, ta nên đến thăm viếng. Ta nghe nói Sa-môn Cù-đàm kia biết con đường Phạm thiên, có thể giảng thuyết cho người. Ngài thường nói chuyện, trao đổi với Phạm thiên. Chúng ta hãy cùng nhau đi đến Cù-đàm để giải quyết ý nghĩa này. Nếu Sa-môn có nói điều gì, chúng ta sẽ vâng nhớ.”

Bấy giờ, Bà-tất-tra và Phả-la-đọa, hai người theo nhau đi vào rừng Y-xa-năng-già-la, đến chỗ Thế Tôn, chào hỏi xong, ngồi xuống một bên.

Thế Tôn biết ý nghĩ trong lòng hai người, bèn hỏi Bà-tất-tra:

“Các ngươi hai người vào lúc tảng sáng đi vào khu vườn, cùng nhau thảo luận như vậy, cùng bài bác lẫn nhau. Một người nói: ‘Con đường của ta chơn chánh, có khả năng xuất yếu, dẫn đến Phạm thiên. Đó là điều mà Đại sư Phất-già-la-sa-la Bà-la-môn dạy.’ Người kia nói: ‘Con đường của ta chơn chánh, có khả năng xuất yếu, dẫn đến Phạm thiên. Đó là điều mà Đại sư Đa-lê-xa Bà-la-môn dạy.’ Như vậy ba lần, các ngươi bài bác nhau. Có sự việc như vậy không?”

Bà-tất-tra và Phả-la-đọa khi nghe lời này của Phật thảy đều kinh ngạc, lông tóc dựng đứng, trong lòng nghĩ thầm: ‘Sa-môn Cù-đàm có đại thần đức, biết trong tâm người. Những điều mà chúng ta muốn thảo luận, Sa-môn Cù-đàm đã nói trước rồi. Rồi Bà-tất-tra bạch Phật:

“Con đường này và con đường kia, đều tự xưng là chơn chánh, đều có khả năng xuất yếu, dẫn đến Phạm thiên. Điều mà Bà-la-môn Phất-già-la-sa-la nói đúng hay điều mà Đa-lê-xa nói đúng?”

Phật nói:

“Giả sử, Bà-tất-tra, con đường này, con đường kia đều chơn chánh, xuất yếu, dẫn đến Phạm thiên, các ngươi sao lại đi vào khu vườn lúc tảng sáng mà bài bác lẫn nhau, cho đến ba lần?”

Bà-tất-tra bạch Phật:

“Có những Bà-la-môn thông ba minh [6] giảng thuyết các con đường khác nhau, con đường tự tại dục, con đường tự tác, con đường Phạm thiên. Cả ba con đường ấy đều dẫn đến Phạm thiên[7]. Cũng như những con đường trong xóm, tất cả đều dẫn về thành, các Bà-la-môn tuy nói những con đường khác nhau, nhưng đều hướng đến Phạm thiên.”

Phật hỏi Bà-tất-tra:

“Có phải các con đường kia thảy đều thú hướng Phạm thiên ?

Đáp: “Thảy đều thú hướng”.

Phật lặp lại câu hỏi ba lần:

“Có phải các con đường kia thảy đều thú hướng Phạm thiên ?”

Đáp: “Thảy đều thú hướng”.

Thế Tôn sau khi đã xác định lời ấy rồi, bèn hỏi Bà tất-tra:

“Thế nào, trong số các Bà-la-môn thông tam minh có ai đã từng thấy Phạm thiên chưa?”

Đáp: “Không có ai thấy”.

“Thế nào, Bà-tất-tra, tiên sư của Bà-la-môn thông tam minh có từng thấy Phạm thiên chưa?”

Đáp: “Không ai thấy”.

“Thế nào, Bà-tất-tra, các Bà-la-môn kỳ cựu, các tiên nhơn thông tam minh thời cổ, đọc tụng thông suốt, có thể thuyết cho người khác nghe các tán tụng cổ, các ca vịnh, thi thư, những vị có tên là A-tra-ma Bà-la-môn, Bà-ma-đề-bà Bà-la-môn, Tỳ-bà-thẩm-tra Bà-la-môn, Y-ni-la-tư Bà-la-môn, Xà-bà-đề-già Bà-la-môn, Bà-bà-tất Bà-la-môn, Ca-diệp Bà-la-môn, A-lâu-na Bà-la-môn, Cù-đàm-ma Bà-la-môn, Thủ-chỉ Bà-la-môn, Bà-la-tổn-đà Bà-la-môn[8]; những vị này có được thấy Phạm thiên không?”

Đáp: “Không có ai thấy”.

Phật nói:

“Nếu Bà-la-môn thông tam minh kia không thấy Phạm thiên, tiên sư của Bà-la-môn thông tam minh cũng không thấy Phạm thiên, các Bà-la-môn thông tam minh, những cựu tiên nhơn, như A-tra-ma vân vân, cũng không một ai thấy Phạm thiên, thế thì biết rằng những điều mà Bà-la-môn thông tam minh nói không phải là sự thật.[9]

Phật lại nói với Bà-tất-tra:

“Như có một người dâm, nói rằng: ‘Tôi cùng với người nữ đẹp đẽ kia thông giao, ca ngợi dâm pháp.’ Những người khác liền hỏi: ‘Ông có biết người nữ ấy không? Cô ấy ở đâu? Phương Đông, phương Tây, phương Nam, hay phương Bắc?’ Đáp: ‘Không biết.’ Lại hỏi: ‘Ông có biết đất, đai, thành ấp, chòm xóm mà người nữ ấy ở không?’ Đáp: ‘Không biết.’Lại hỏi: ‘Ông có biết cha mẹ cô ấy tên gì không?’ Đáp: ‘Không biết.’ Lại hỏi: ‘Ông có biết người nữ ấy là Sát-lợi, hay Bà-la-môn, hay cư sĩ, hay thủ-đà-la không?’ Đáp: ‘Không.’ Lại hỏi: ‘Ông có biết người nữ ấy cao hay thấp, mập hay gầy, đen hay trắng, đẹp hay xấu không?’ Đáp: ‘Không.’ Thế nào, Bà-tất-tra, sự ca ngợi của người kia có phải sự thật không?”

Đáp: “Không thật”.

“Như vậy, Bà-tất-tra, những điều mà Bà-la-môn thông tam minh nói cũng như vậy, không có sự thật. Thế nào, Bà-tất-tra, Bà-la-môn thông tam minh của ngươi thấy nơi chốn mà mặt trời, mặt trăng mọc, lặn, du hành, chắp tay cúng dường, và có thể nói như vầy: ‘Con đường này chơn chánh, có thể dẫn đến xuất yếu, đến chỗ mặt trời, mặt trăng’ được chăng?”

Đáp: “Thật vậy, Bà-la-môn thông tam minh thấy nơi chốn mà mặt trời, mặt trăng mọc, lặn, du hành, chắp tay cúng dường, nhưng không thể nói như vầy: ‘Con đường này chơn chánh, có thể dẫn đến xuất yếu, đến chỗ mặt trời, mặt trăng.’”

Phật nói:

“Như vậy, Bà-tất-tra, Bà-la-môn thông tam minh thấy nơi chốn mà mặt trời, mặt trăng mọc, lặn, du hành, chắp tay cúng dường, nhưng không thể nói như vầy: ‘Con đường này chơn chánh, có thể dẫn đến xuất yếu, đến chỗ mặt trời, mặt trăng.’ Nhưng lại thường chắp tay cúng dường cung kính, há không phải là hư dối sao?”

Đáp: “Thật vậy, thưa Cù-đàm, kia thật sự hư dối”.

Phật nói:

“Ví như có người dựng thang nơi khoảng đất trống; những người khác hỏi: ‘Ngươi bắc thang làm gì?’ Đáp: ‘Tôi muốn lên nhà trên’. Hỏi: ‘Nhà ở chỗ nào? Đông, hay Tây, hay Nam, hay Bắc?’ Đáp rằng: ‘Không biết.’

Thế nào, Bà-tất-tra, người ấy dựng thang để lên nhà, há không phải là hư dối sao?’

Đáp: ‘Thật vậy, kia thật sự hư dối’.

Phật nói:

“Bà-la-môn thông tam minh cũng vậy, hư dối không thật.

“Bà-tất-tra, năm dục khiết tịnh, rất đáng yêu thích.[10] Những gì là năm? Mắt thấy sắc, rất đáng yêu thích. Tai nghe tiếng, mũi ngửi hương, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, rất đáng yêu thích, ở trong pháp Hiền Thánh của Ta, được gọi là dính mắc, là trói buộc, là xiềng xích. Bà-la-môn thông tam minh kia bị nhiễm bởi năm dục, ái dục dính chặt, nhưng không thấy lỗi lầm, không biết lối xuất yếu. Kia đã bị năm dục trói buộc, giả sử có phụng sự nhật, nguyệt, thủy, hỏa, và xướng lên rằng: ‘Xin tiếp đỡ tôi sanh lên Phạm thiên.’ Không có trường hợp ấy. Ví như con sông A-di-la [11], có mức nước ngang bờ[12]. Có người ở bờ bên này, mình bị quấn chặt, kêu suông bờ bên kia rằng: ‘Lại đây, đưa tôi sang.’ Bờ kia có đến đưa người ấy sang không?”

Đáp: “Không”.

“Bà-tất-tra, năm dục khiết tịnh, rất đáng yêu thích, ở trong pháp Hiền Thánh của Ta, được gọi là dính mắc, là trói buộc, là xiềng xích. Bà-la-môn thông tam minh kia bị nhiễm bởi năm dục, ái dục dính chặt, nhưng không thấy lỗi lầm, không biết lối xuất yếu. Kia đã bị năm dục trói buộc, giả sử có phụng sự nhật, nguyệt, thủy, hỏa, và xướng lên rằng: ‘Xin tiếp đỡ tôi sanh lên Phạm thiên’, thì cũng giống như vậy. Trọn không thể xảy ra.

“Bà-tất-tra, ví như con sông A-di-la, nước tràn ngang bờ, con quạ có thể uống được. Có người muốn sang, không bằng vào sức của tay chân, thân mình, không nhân thuyền bè, mà có thể sang được không?”

Đáp: “Không”.

“Bà-tất-tra, Bà-la-môn thông tam minh cũng vậy, không tu hạnh thanh tịnh của Sa-môn, lại tu theo hạnh không thanh tịnh của đạo khác, mà muốn cầu sanh Phạm thiên, không có trường hợp đó.

“Bà-tất-tra, cũng như nước trong núi vọt mạnh ra, cuốn trôi khá nhiều nhân dân, vả lại không có thuyền, bè, cũng không có cầu bến. Người kia nghĩ thầm: ‘Ta nên thâu lượm thật nhiều cỏ và cây, buộc thành chiếc bè thật chắc chắn, rồi bằng sức của thân mình mà sang bờ một cách an ổn. Bà-tất-tra, cũng vậy, nếu Tỳ-kheo xả hạnh bất tịnh phi Sa-môn, tu hành phạm hạnh thanh tịnh của Sa-môn, muốn sanh Phạm thiên ; trường hợp ấy có xảy ra.

“Thế nào, Bà-tất-tra, Phạm thiên có nhuế tâm [13] hay không có nhuế tâm?”

Đáp: “Không có nhuế tâm”.

Lại hỏi:

“Bà-la-môn thông tam minh có nhuế tâm hay không có nhuế tâm?”

Đáp: “Có nhuế tâm”.

“Bà-tất-tra, Phạm thiên không có nhuế tâm. Bà-la-môn thông tam minh có nhuế tâm. Nhuế tâm và không nhuế tâm không cùng sống chung, không cùng giải thoát, không thú hướng đến nhau.[14] Vậy Phạm thiên và Bà-la-môn không sống chung.

“Thế nào, Bà-tất-tra, Phạm thiên có sân tâm, hay không có sân tâm[15].”

Đáp: “Không có sân tâm”.

Lại hỏi:

“Bà-la-môn thông tam minh có sân tâm, hay không có sân tâm?”

Đáp: “Có sân tâm“.

“Bà-tất-tra, Phạm thiên không có sân tâm. Bà-la-môn thông tam minh có sân tâm. Sân tâm và không sân tâm không cùng sống chung, không cùng giải thoát, không thú hướng đến nhau. Vậy Phạm thiên và Bà-la-môn không sống chung.

“Thế nào, Bà-tất-tra, Phạm thiên có hận tâm, hay không có hận tâm?[16].”

Đáp: “Không có hận tâm.” 

Lại hỏi:

“Bà-la-môn thông tam minh có hận tâm, hay không có hận tâm?

Đáp: “Có hận tâm”.

Phật nói:

“Phạm thiên không có sân tâm. Bà-la-môn thông tam minh có sân tâm. Sân tâm và không sân tâm không cùng sống chung, không cùng giải thoát, không thú hướng đến nhau. Vậy Phạm thiên và Bà-la-môn không sống chung.

“Thế nào, Bà-tất-tra, Phạm thiên có gia thuộc, sản nghiệp không?[17]

Đáp: “Không”

Lại hỏi:

“Bà-la-môn tam minh có gia thuộc, sản nghiệp không?”

Đáp: “Có”.

Phật nói:

“Phạm thiên không có gia thuộc, sản nghiệp. Bà-la-môn thông tam minh có gia thuộc, sản nghiệp. Người có gia thuộc, sản nghiệp và người không gia thuộc, sản nghiệp không cùng sống chung, không cùng giải thoát, không thú hướng đến nhau. Vậy Phạm thiên và Bà-la-môn không sống chung.

“Thế nào, Bà-tất-tra, Phạm thiên có được tự tại hay không được tự tại?[18]

Đáp: “Được tự tại”.

Lại hỏi:

“Bà-la-môn tam minh có được tự tai, hay không được tự tại?

Đáp: “Không được tự tại”.

Phật nói:

“Phạm thiên được tự tại. Bà-la-môn thông tam minh không được tự tại. Người được tự tại và người không được tự tại cùng sống chung, không cùng giải thoát, không thú hướng đến nhau. Vậy Phạm thiên và Bà-la-môn không sống chung.”

Phật lại nói:

“Bà-la-môn tam minh kia, giả sử có người đến hỏi ý nghĩa sâu xa, không thể trả lời đầy đủ, có thật như vậy không?”

Đáp: “Thật như vậy”.

Bấy giờ, Bà-tất-tra và Phả-la-đọa, hai người đều bạch Phật rằng:

“Hãy gác qua một bên các đề tài khác. Tôi nghe Sa-môn Cù-đàm biết rõ con đường Phạm thiên[19], có thể giảng thuyết điều đó cho người khác; lại đã cùng Phạm thiên gặp gỡ, qua lại chuyện trò. Cúi mong Sa-môn Cù-đàm vì lòng từ mẫn, xin thuyết con đường Phạm thiên, xin khai thị, phô diễn.”

Phật nói với Bà-tất-tra

“Ta nay hỏi ngươi. Hãy tùy ý trả lời. Thế nào, Bà-tất-tra, nước Tâm niệm[20] kia cách đây gần xa?”

Đáp: “Gần”.

“Giả sử có người sanh trưởng ở nước này được người khác hỏi đường đi đến nước này. Thế nào, Bà-tất-tra, người sanh trưởng ở nước ấy trả lời đường đi cho người hỏi kia, há có đáng nghi ngờ chăng?”

Đáp: “Không nghi. Vì sao? Vì y sanh trưởng ở nước này”.

Phật nói:

“Dù cho người sanh trưởng ở nước này kia cũng có thể đáng nghi ngờ, nhưng nếu có người hỏi Ta về con đường Phạm thiên, không có điều gì nghi ngờ. Vì sao? Ta đã từng nhiều lần nói về con đường Phạm thiên ấy.”

Bà-tất-tra và Phả-la-đọa, cả hai cùng bạch Phật:

“Hãy gác qua một bên các đề tài khác. Tôi nghe Sa-môn Cù-đàm biết rõ con đường Phạm thiên, có thể giảng thuyết điều đó cho người khác; lại đã cùng Phạm thiên gặp gỡ, qua lại chuyện trò. Cúi mong Sa-môn Cù-đàm vì lòng từ mẫn, xin thuyết con đường Phạm thiên, xin khai thị, phô diễn.”

Phật nói:

“Hãy lắng nghe, hãy suy ngẫm kỹ. Ta sẽ nói cho ngươi nghe.”

Đáp: “Kính vâng. Xin vui lòng được nghe.”

Phật nói:

“Nếu Như Lai, Chí chân, Đẳng chánh giác xuất hiện ở đời, đầy đủ mười hiệu, cho đến, tứ thiền, ở ngay trong đời này mà hưởng thọ an lạc. Vì sao? Ấy do tinh cần, chuyên niệm không quên, ưa sống một mình nơi thanh vắng, không buông lung vậy. Vị ấy với từ tâm tràn khắp một phương ; các phương khác cũng vậy, rộng khắp không biên tế, không hai, vô lượng, không hận, vô hại[21], du hí với tâm ấy và hưởng thọ an lạc.[22] Bi, hỷ, xả tâm biến mãn một phương, phương khác cũng vậy, rộng khắp không biên tế, không hai, vô lượng, không kết hận, không có ý não hại[23], du hí với tâm ấy và hưởng thọ an lạc.

“Thế nào, Bà-tất-tra, Phạm thiên có nhuế tâm không?”

Đáp: “Không”.

Lại hỏi:

“Tỳ-kheo hành từ tâm có nhuế tâm, hay không có nhuế tâm?”

Đáp: “Không có nhuế tâm”.

Phật nói:

“Phạm thiên không có nhuế tâm. Tỳ-kheo hành từ tâm không có nhuế tâm. Không nhuế tâm và không nhuế tâm cùng hướng đến nhau, đồng giải thoát. Vì vậy, Phạm thiên và Tỳ-kheo cùng sống chung.[24]

“Thế nào, Bà-tất-tra, Phạm thiên có sân tâm, hay không có sân tâm?”

Đáp: “Không”.

Lại hỏi:

“Tỳ-kheo hành từ tâm có sân tâm, hay không có sân tâm?”

Đáp: “Không có sân tâm”.

Phật nói:

“Phạm thiên không có sân tâm. Tỳ-kheo hành từ tâm không có sân tâm. Không sân tâm và không sân tâm cùng hướng đến nhau, đồng giải thoát. Vì vậy, Phạm thiên và Tỳ-kheo cùng sống chung.

“Thế nào, Bà-tất-tra, Phạm thiên có hận tâm, hay không có hận tâm?”

Đáp: “Không”.

Lại hỏi:

“Tỳ-kheo hành từ tâm có hận tâm, hay không có hận tâm?”

Đáp: “Không có hận tâm“.

Phật nói:

“Phạm thiên không có hận tâm. Tỳ-kheo hành từ tâm không có hận tâm. Không hận tâm và không hận tâm cùng hướng đến nhau, đồng giải thoát. Vì vậy, Phạm thiên và Tỳ-kheo cùng sống chung.

“Thế nào, Bà-tất-tra, Phạm thiên có gia thuộc sân nghiệp hay không?”

Đáp: “Không”.

Lại hỏi:

“Tỳ-kheo hành từ tâm có gia thuộc, sản nghiệp hay không?”

Đáp: “Không có gia thuộc, sản nghiệp”.

Phật nói:

“Phạm thiên không có gia thuộc, sản nghiệp. Tỳ-kheo hành từ tâm không có gia thuộc, sản nghiệp. Không gia thuộc, sản nghiệp và không gia thuộc sản nghiệp cùng hướng đến nhau, đồng giải thoát. Vì vậy, Phạm thiên và Tỳ-kheo cùng sống chung.

“Thế nào, Bà-tất-tra, Phạm thiên có được tự tại không?”

Đáp: “Được tự tại”.

Lại hỏi:

“Tỳ-khe hành từ tâm có được tự tại không?”

Đáp: “Được tự tại”.

Phật nói:

“Phạm thiên được tự tại. Tỳ-kheo hành từ tâm được tự tại. Được tự tại và được tự tại cùng hướng đến nhau, đồng giải thoát. Vì vậy, Phạm thiên và Tỳ-kheo cùng sống chung.”

Phật lại nói với Bà-tất-tra:

“Nên biết, Tỳ-kheo hành từ tâm, khi thân hoại mạng chung, trong khoảnh khắc như mũi tên được bắn đi, sanh lên Phạm thiên.”

Khi Phật nói kinh này, Bà-tất-tra và Phả-la-đọa ngay trên chỗ ngồi mà xa lìa trần cấu, ở trong các pháp phát sanh con mắt thấy pháp.[25]

Bấy giờ, Bà-tất-tra và Phả-la-đọa sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.


 

[1].    Bản Hán, Phật thuyết Trường A-hàm, “đệ tam phần, Tam minh kinh đệ thất”, Đại I, tr. 104c. Tương đương Pāli, D. 13, Dig i. 13 Tevijja-Sutta.

[2].    Xem kinh số 20 “A-ma-trú.” Bản Pāli, Phật trú tại Manasākaṭa, bên bờ sông Aciravatī. Chúng Tỳ-kheo năm trăm người.

[3].    Phất-già-la-sa-la , được đề cập trong kinh số 20 “A-ma-trú.” Pāli: Pokkharasāti; Đa-lê-xa , Pāli: Tārukkha. Bản Pāli còn kể thêm: Jāṇussoni, Todeyya.

[4].    Bà-tất-tra, Pāli: Vāseṭṭha. Xem cht. 3, kinh số 5 “Tiểu duyên.”

[5].    Phả-la-đọa, Pāli: Bhāradva. Xem cht. 3, kinh số 5 “Tiểu duyên.”

[6].    Tam minh Bà-la-môn   . Pāli: tevijja-brāhmaṇa, Bà-la-môn tinh thông ba bộ Veda.

[7].    D13 (Dig I 13 tr 200) không kể tên các học thuyết, mà kể tên các người đề xướng: Addhāriyā, Tittiriyā, Chandoka, Chandavā.

[8].    Danh sách các Bà-la-môn cổ: xem kinh số 20 “A-ma-trú”, cht. 89.

[9].    Sở thuyết phi thật , D 13 sđd.: appāṭihīrakatā, lời nói ngu ngốc.

[10].   D 13 sđd.: (...) ime kāma-guṇā ariyassa vinaye andūti pi vuccanti, bandhanan ti pi vuccanti, năm phẩm chất của dục này, trong luật của Thánh, được gọi là xiềng xích, là trói buộc.

[11].   A-di-la hà , tên sông, 1 trong 5 sông lớn; các phiên âm khác: A-trí-la-phiệt-để, Y-la-bạt-đề, A-di-na-hòa-đề. Pāli: Aciravatī.

[12].   D. 13: Aciravatī nadī pūrā udakassa samatittikā kākapeyyā: con sông Aciravatī đầy với lượng nước tràn bờ, con quạ có thể uống.

[13].   Nhuế tâm , xem cht. 16.

[14].   Hán: bất cộng đồng, bất câu giải thoát, bất tương thú hướng . D. 13: (...) saddhiṃ saṃsandati sametīti ? no h’idaṃ (...), có tương giao, có tương đồng không ? Không.

[15].   Sân tâm, xem cht. 16.

[16].   Bản Pāli, D 13, sđd.: liệt kê 2 trạng thái sân: savera-citta, tâm có oán hận, thù nghịch; savyāpajjha-citta, tâm có các hại, có ý muốn gây hại cho người.

[17].   Gia thuộc sản nghiệp, có thể Pāli (D. 13): sapariggaha, có sở hữu, có thê thiếp.

[18].   Tự tại, Pāli: vasavattin, người có quyền lực chi phối.

[19].   Hán: minh thức Phạm thiên đạo  . D. 13: Brahmānaṃ sahavyatāya maggaṃ jānātīti: ngài biết rõ con đường dẫn đến cộng trú (làm bạn) với Phạm thiên.

[20].   Tâm niệm quốc  , dịch nghĩa địa danh Manasākaṭa. Bản Hán nói là quốc, nhưng, D. 13: Manasākaṭaṃ nāma Kosalānaṃ brāhmaṇa-gamo: làng Bà-la-môn ở Kosala tên là Manasākaṭa.

[21].   Tham chiếu, D. 13. (...) mettā-sahagayena cetasā vipulena mahaggatena appamāṇa avereṇa avyāpajjena pharitvā, làm tràn đầy với tâm song hành với từ, rộng lớn, bao la, không lượng, không hận, không ác hại.

[22].   Hán: du hí thử tâm nhi tự ngộ lạc .

[23].   Đối chiếu đoạn trên, xem cht. 22.

[24].   Câu cộng đồng ; Pāli, D. 13: sahavyūpago bhavissati, sẽ sống chung với nhau.

[25].   Bản Minh: ư chư pháp trung, đắc pháp nhãn sanh ; các bản khác: chư pháp pháp nhãn sanh . Đây chỉ trường hợp chứng qủa Dự lưu; D. 13 không đề cập sự kiện này. Văn cú tương đương Pāli, tham chiếu D. 3 Ambaṭṭha-sutta  (21): āsane virajaṃ vimalaṃ dhamma-cakkhuṃ udapādi: ngay tại chỗ, sạch bụi bặm, sạch cáu bẩn, con mắt thấy pháp khởi lên.

 

--- o0o ---

Mục Lục

 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10

11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20

21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30

--- o0o ---

 

Trình bày: Nhị Tường

Cập nhật: 7-2003

 

Webmaster:quangduc@quangduc.com

Trở về Thư Mục Kinh Điển Phật Giáo

Đầu trang

 

Biên tập nội dung: Tỳ kheo Thích Nguyên Tạng
Xin gởi bài mới và ý kiến đóng góp đến ban biên tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com