Tiếng Việt

Trang nhà Quảng Đức

Tiếng Anh

qd.jpg (8936 bytes)

Kinh Điển Phật Giáo


...... ... .

 

 

KINH TRƯỜNG A HÀM -SỐ 1

 

Hán Dịch: Phật Đà Da Xá và Trúc Phật Niệm

( )

Việt dịch & hiệu-chú: Tuệ Sỹ

--- o0o ---

  

13. ĐẠI DUYÊN PHƯƠNG TIỆN[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời gian Phật ở tại nước Câu-lưu-sa, trú xứ Kiếp-ma-sa[2], cùng với chúng đại Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi người.

Bấy giờ, A-nan ở tại chỗ thanh vắng suy nghĩ: “Kỳ diệu thay! Hy hữu thay! Ánh sáng của mười hai nhân duyên[3] mà đức Thế Tôn đã dạy thật là sâu xa, khó hiểu! Nhưng theo ý ta quán xét thì như thấy ở trước mắt, có gì mà gọi là sâu xa?”

Rồi thì, A-nan liền rời khỏi tịnh thất đi đến chỗ Phật; đầu mặt lễ chân Phật, rồi ngồi sang một bên, bạch Thế Tôn rằng:

“Vừa rồi, ở nơi tịnh thất, con tự thầm nghĩ: ‘Kỳ diệu thay! Hy hữu thay! Ánh sáng của mười hai nhân duyên mà Đức Thế Tôn đã dạy thật là sâu xa, khó hiểu! Nhưng theo ý ta quán xét thì như thấy ở trước mắt, có gì mà gọi là sâu xa?’”

Bấy giờ, Phật bảo A-nan:

“Thôi, thôi, A-nan! Chớ nói như vậy. Ánh sáng của mười hai nhân duyên rất sâu xa, khó hiểu. Mười hai nhân duyên này khó thấy, khó biết. Chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, những người chưa thấy duyên, nếu muốn tư lương, quán sát, phân biệt nghĩa lý của nó, đều bị hoang mê không thể thấy nổi.

“Này A-nan, nay Ta nói với ngươi: Già chết có duyên[4]. Nếu có người hỏi: ‘Cái gì là duyên của già chết?’ Hãy trả lời người ấy: ‘Sanh là duyên của già chết.[5]’ Nếu lại hỏi: ‘Cái gì là duyên của sanh.’ Hãy trả lời: ‘Hữu là duyên của sanh.[6] ’ Nếu lại hỏi: ‘Cái gì là duyên của hữu?’ Hãy trả lời: ‘Thủ là duyên của hữu.[7] ’ Nếu lại hỏi: ‘Cái gì là duyên của thủ?’ Hãy trả lời: ‘Ái là duyên của thủ.’ Nếu lại hỏi: ‘Cái gì là duyên của ái?’ Hãy trả lời: ‘ÁÙi là duyên của thủ.’ Nếu lại hỏi: ‘Cái gì là duyên của ái?’ Hãy trả lời: ‘Thọ là duyên của ái.’ Nếu lại hỏi: ‘Cái gì là duyên của thọ?’ Hãy trả lời: ‘Xúc là duyên của thọ.[8]’Nếu lại hỏi: ‘Cái gì là duyên của xúc?’ Hãy trả lời: ‘Sáu nhập là duyên của xúc.[9] ’ Nếu lại hỏi: ‘Cái gì là duyên của sáu nhập?’ Hãy trả lời: ‘Danh sắc là duyên của sáu nhập.’ Nếu lại hỏi: ‘Cái gì là duyên của danh sắc?’ Hãy trả lời: ‘Thức là duyên của danh sắc’[10]. Nếu lại hỏi: ‘Cái gì là duyên của thức?’ Hãy trả lời: ‘Hành là duyên của thức’[11]. Nếu lại hỏi: ‘Cái gì là duyên của hành?’ Hãy trả lời: ‘Vô minh[12] là duyên của hành.’

“Này A-nan, như vậy duyên vô minh có hành, duyên hành có thức, duyên thức có danh sắc, duyên danh sắc có lục nhập, duyên lục nhập có xúc, duyên xúc có thọ, duyên thọ có ái, duyên ái có thủ, duyên thủ có hữu, duyên hữu có sanh, duyên sanh có già chết, lo, rầu, khổ não, tập thành một khối đại hoạn. Đó là duyên của cái đại khổ ấm vậy[13].

“Này A-nan, duyên sanh có già chết: điều này có ý nghĩa gì? Giả sử hết thảy chúng sanh không có sanh, thì có già chết không?”

“A-nan đáp: “Không”.

“Vậy nên, A-nan, Ta do lẽ đó, biết già chết do sanh, duyên sanh có già chết, nghĩa của Ta nói thế đó.

“Lại nữa, này A-nan, duyên hữu mà có sanh là nghĩa thế nào? Giả sử hết thảy chúng sanh không có dục hữu, sắc hữu, vô sắc hữu[14], thế thì có sanh không?”

Đáp: “Không”.

“Này A-nan, Ta do lẽ đó, biết sanh do hữu, duyên hữu có sanh. Điều mà Ta nói, ý nghĩa là ở đó.

“Lại nữa, này A-nan, duyên thủ mà có hữu là nghĩa thế nào? Giả sử hết thảy chúng sanh không có dục thủ, kiến thủ, giới thủ, ngã thuû [15], thế thì có hữu không?”

Đáp: “Không”.

“Này A-nan, Ta do lẽ đó, biết hữu do thủ, duyên thủ có hữu. Nghĩa của Ta nói tại đó.

“Lại nữa, này A-nan, duyên ái mà có thủ là nghĩa thế nào? Giả sử hết thảy chúng sanh không có dục ái, hữu ái, vô hữu ái [16], thế thì có thủ không?”

Đáp: “Không”.

“Này A-nan, Ta do lẽ đó, biết thủ do ái, duyên ái có thủ. Nghĩa của Ta nói tại đó.

“Lại nữa, này A-nan, duyên thọ mà có ái, là nghĩa thế nào? Giả sử hết thảy chúng sanh không có cảm thọ lạc, cảm thọ khổ, cảm thọ không lạc không khổ[17], thế thì có ái không?”

Đáp: “Không”.

“Này A-nan, Ta do lẽ đó, biết ái do thọ, duyên thọ có ái. Nghĩa của Ta nói tại đó.

“A-nan, nên biết, nhân tham ái mà có tìm cầu, nhân tìm cầu mà đắc lợi, nhân đắc lợi mà thọ dụng, nhân thọ dụng mà tham muốn, nhân tham muốn mà đắm trước, nhân đắm trước mà tật đố, nhân tật đố maø quản thủ, nhân quản thủ mà bảo hộ[18]. Này A-nan! Do bảo hộ nên mới có dao gậy, tranh cãi, gây vô số điều ác. Nghĩa của ta nói là ở đó. Này A-nan! Nghĩa đó thế nào? Giả sử hết thảy chúng sanh không bảo hộ thế thì có dao gậy, tranh cãi, gây ra vô số ác không?”

Đáp: “Không”.

“Này A-nan, Ta do lẽ đó, biết dao gậy, tranh cãi là do tâm bảo hộ, nhân tâm bảo hộ mà sinh ra. Nghĩa của Ta nói là ở đó. Lại này A-nan, nhân quản thủ mà có bảo hộ là nghĩa thế nào? Giả sử chúng sanh không tâm quản thủ thế thì có bảo hộ không?”

Đáp: “Không”.

“Này A-nan! Ta do lẽ đó, biết có bảo hộ là do quản thủ; nhân quản thủ mà có sự bảo hộ. Nghĩa của Ta nói là ở đó. Lại này A-nan! Nhân tật đố có quản thủ là nghĩa thế nào? Giả sử chúng sanh  không tâm tật đố thế thì có quản thủ không?”

Đáp: “Không”.

“Này A-nan! Ta do lẽ đó, biết quản thủ do tật đố; nhân tật đố mà có quản thủ. Nghĩa của ta nói là ở đó. Lại này A-nan! Nhân đắm trước mà có tật đố là nghĩa thế nào? Giả sử chúng sanh không đắm trước thế thì có tật đố không?”

Đáp: “Không”.

“Này A-nan! Ta do lẽ đó, biết tật đố do đắm trước; nhân đắm trước mà có tật đố. Nghĩa của Ta nói là ở đó. Lại này A-nan! Nhân ham muốn mà có đắm trước là nghĩa thế nào? Giả sử chúng sanh  không ham muốn thế thì có đắm trước không?”

Đáp: “Không”.

“Này A-nan! Ta do lẽ đó, biết đắm trước do ham muốn; nhân ham muốn mà có đắm trước. Nghĩa của Ta nói là ở đó. Lại này A-nan! Nhân thọ dụng mà có ham muốn là nghĩa thế nào? Giả sử chúng sanh không thọ dụng thế thì có ham muốn không?”

Đáp: “Không”.

“Này A-nan! Ta do lẽ đó, biết ham muốn do thọ dụng; nhân thọ dụng mà có ham muốn. Nghĩa của Ta nói là ở đó. Lại này A-nan! Nhân đắc lợi mà có thọ dụng là nghĩa thế nào? Giả sử chúng sanh không đắc lợi thế thì có thọ dụng không?”

Đáp: “Không”.

“Này A-nan! Ta do lẽ đó, biết thọ dụng do đắc lợi; nhân đắc lợi mà có thọ dụng. Nghĩa của Ta nói là ở đó. Lại này A-nan! Nhân tìm cầu mà có đắc lợi là nghĩa thế nào? Giả sử chúng sanh không tìm cầu thế thì có đắc lợi không?”

Đáp: “Không”.

“Này A-nan! Ta do lẽ đó, biết đắc lợi do tìm cầu; nhân tìm cầu mà có đắc lợi. Nghĩa của Ta nói là ở đó. Lại này A-nan! Nhân tham ái mà có tìm cầu là nghĩa thế nào? Giả sử chúng sanh không tham ái thế thì có tìm cầu không?

Đáp: “Không”.

“Này A-nan! Ta do lẽ đó, biết tìm cầu do tham ái; nhân tham ái mà có tìm cầu. Điều mà Ta nói, ý nghĩa là ở đó.”

Lại bảo A-nan:

“Nhân tham ái mà có tìm cầu, cho đến có thủ hộ. Thọ cũng vậy. Nhân thọ có tìm cầu, cho đến thủ hộ.”

Phật lại bảo A-nan:

“Duyên xúc mà có thọ, là nghĩa thế nào? Giả sử không có con mắt, không có sắc, không có thức con mắt, thế thì có xúc không?”

Đáp: “Không”.

“Nếu không có tai, không có tiếng, không có thức của tai; không có mũi, không có hương, không có thức của mũi; không có lưỡi, không có vị, không có thức của lưỡi; không có thân, xúc, thức của thân; không có ý, pháp, ý thức, thế thì có xúc không?”

Đáp: “Không”.

“Này A-nan! Giả sử chúng sanh không có xúc, thế thì có thọ không?”

Đáp: “Không”.

“A-nan, Ta do nghĩa đó, biết thọ do xúc; duyên xúc mà có thọ. Điều mà Ta nói, ý nghĩa là ở đó.

“Này A-nan! Duyên danh sắc mà có xúc, là nghĩa thế nào? Giả sử chúng sanh không có danh sắc, thế thì có tâm xúc[19] không?”

Đáp: “Không”.

“Nếu chúng sanh không có hình sắc, tướng mạo, thế thì có thân xúc không?[20]

Đáp: “Không”.

“Nếu không có danh sắc, thế thì có xúc không?”

Đáp: “Không”.

“A-nan, Ta do lẽ đó, biết xúc do danh sắc; duyên danh sắc mà có xúc. Điều mà Ta nói, ý nghĩa là ở đó.

“Này A-nan, duyên thức mà có danh sắc, là nghĩa thế nào? Nếu thức không nhập thai mẹ thì chừng có danh sắc không?”

Đáp: “Không”.

“Nếu thức nhập thai mẹ rồi không sinh ra[21], thế thì có danh sắc không?”

Đáp: “Không”.

“Nếu thức ra khỏi thai mẹ mà đứa hài nhi bị hỏng thì danh sắc có được tăng trưởng không?”

Đáp: “Không”.

“A-nan, nếu không có thức, thế thì có danh sắc không?”

Đáp: “Không”.

“A-nan, Ta do lẽ đó, biết danh sắc do thức; duyên thức mà có danh sắc. Nghĩa của ta nói là ở đó.

“A-nan, duyên danh sắc có thức là nghĩa thế nào? Nếu thức không trụ nơi danh sắc thời thức không có trú xứ. Nếu thức không có trú xứ, thế thì có sanh, già, bịnh, chết, ưu bi khổ não không?”

Đáp: “Không”.

“Này A-nan, nếu không danh sắc thì có thức không?”

Đáp: “Không”.

“A-nan, Ta do lẽ đó, biết thức do danh sắc; duyên danh sắc mà có thức. Nghĩa của Ta nói là ở đó. Vậy nên, danh sắc duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên sáu nhập, sáu nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên già chết, ưu bi khổ não, tập thành một đại khổ ấm.

“Này A-nan, trong giới hạn ấy là ngôn ngữ, trong giới hạn ấy là sự thích ứng, trong giới hạn ấy là hạn lượng, trong giới hạn ấy là sự phô diễn, trong giới hạn ấy là trí quán, trong giới hạn ấy là chúng sanh [22].

“Này A-nan, các Tỳ-kheo nào ở trong pháp này mà như thật chánh quán, với tâm giải thoát vô lậu, Tỳ-kheo ấy được gọi là tuệ giải thoát[23]. Đối với Tỳ-kheo giải thoát như vậy, Như Lai chung tuyệt cũng được biết, Như Lai không chung tuyệt cũng được biết, Như Lai vừa chung tuyệt vừa không chung tuyệt cũng được biết, Như Lai chẳng phải chung tuyệt chẳng phải không chung tuyệt cũng được biết. Vì sao? Này A-nan, trong giới hạn ấy là ngôn ngữ, trong giới hạn ấy là sự thích ứng, trong giới hạn ấy là hạn lượng, trong giới hạn ấy là sự phô diễn, trong giới hạn ấy là trí quán, trong giới hạn ấy là chúng sanh. Sau khi đã hiểu biết tận cùng, Tỳ-kheo với tâm giải thoát vô lậu không biết không thấy tri kiến như vậy[24].

“Này A-nan, đối với những người chấp ngã, cho đến mức nào thì được gọi là ngã kiến? Danh sắc và thọ đều được chấp là ngã.

“Có người nói, ‘thọ không phải ngã; ngã là thọ.’ Có người nói, ‘thọ không phải ngã, ngã không phải thọ; nhưng thọ pháp là ngã.’ Có người nói, ‘thọ không phải ngã, ngã không phải thọ, thọ pháp không phải ngã; nhưng thọ là ngã[25]’.

“Này A-nan, đối với người thấy có ngã, nói rằng ‘thọ là ngã’, hãy nói với người ấy: Như Lai nói có ba thọ là cảm thọ lạc, cảm thọ khổ, cảm thọ không lạc không khổ. Trong lúc hiện hữu thọ lạc thì không có thọ khổ, thọ không lạc không khổ. Trong khi hiện hữu thọ khổ thì không có thọ lạc, thọ không lạc không khổ. Trong lúc hiện hữu thọ không lạc không khổ thì không có thọ lạc, thọ khổ. Sở dĩ như vậy, A-nan, là vì do duyên là cảm xúc lạc mà phát sanh thọ lạc. Nếu cảm xúc lạc diệt mất, thì cảm thọ lạc cũng diệt mất. A-nan, do duyên là cảm xúc khổ mà phát sinh cảm thọ khổ. Nếu cảm xúc khổ diệt mất thì cảm thọ khổ cũng diệt mất. Này A-nan, do duyên là cảm xúc không lạc không khổ mà phát sanh thọ không lạc không khổ. Nếu cảm xúc không lạc không khổ diệt mất thì cảm thọ không lạc không khổ cũng diệt mất. A-nan, ví như hai khúc cây cọ lại với nhau thì lửa bật ra, hai khúc cây rời nhau thì lửa không có. Ở đây cũng vậy, nhân bởi duyên là cảm xúc lạc mà cảm thọ lạc phát sanh; nếu cảm xúc lạc diệt thì cảm thọ cũng đồng thời diệt. Nhân bởi duyên là cảm xúc khổ mà cảm thọ khổ phát sanh; nếu cảm xúc khổ diệt thì thọ cũng đồng thời diệt. Nhân bởi duyên là cảm xúc không lạc không khổ mà cảm thọ không lạc không khổ phát sanh; nếu cảm xúc không lạc không khổ diệt thì thọ cũng đồng thời diệt. Này A-nan! Ba thọ đó là hữu vi, vô thường, do nhân duyên sanh, là pháp phải tận, phải diệt, là pháp hủ hoại, nó chẳng phải sở hữu của ngã; ngã không phải là sở hữu của nó. Hãy chánh quán điều đó một cách như thật với chánh trí. A-nan, ai thấy có ngã, cho rằng ‘thọ là ngã’, người ấy sai lầm.

“A-nan, với những ai thấy có ngã, nói rằng, ‘thọ không phải là ngã; ngã là thọ’, hãy nói với người ấy rằng: Như Lai nói có ba thọ: thọ khổ, thọ lạc, thọ không khổ không lạc. Nếu thọ lạc là ngã; khi thọ lạc diệt mất, sẽ có hai ngã. Điều ấy sai lầm. Nếu thọ khổ là ngã; khi thọ khổ diệt mất thì sẽ có hai ngã. Điều ấy sai lầm. Nếu thọ không lạc không khổ là ngã; khi thọ không lạc không khổ diệt, thì sẽ có hai ngã. Điều ấy sai lầm. A-nan, những ai thấy có ngã, nói rằng ‘thọ không phải là ngã; ngã là thọ’, người ấy sai lầm.

“A-nan, với những ai chủ trương có ngã, nói rằng: ‘thọ không phải là ngã, ngã không phải là thọ; thọ pháp là ngã’, hãy nói với người ấy rằng: ‘Hết thảy không thọ, làm sao ông nói được có thọ pháp. Ông là thọ pháp chăng’[26]? Đáp: ‘Không phải.’

“Vì vậy, A-nan, những ai chủ trương có ngã, nói rằng: ‘thọ không phải là ngã, ngã không phải là thọ; thọ pháp là ngã’, người ấy sai lầm.

“A-nan, với những ai chủ trương có ngã, nói rằng: ‘thọ không phải là ngã, thọ pháp không phải là ngã; nhưng thọ là ngã[27] ”, nên nói với người ấy: ‘Hết thảy không có thọ, làm sao có thọ. Ông chính là thọ chăng?[28] ’ Đáp: ‘Không phải.’ Vì vậy, A-nan, những ai chủ trương có ngã, nói rằng: ‘thọ không phải là ngã, ngã không phải là thọ, thọ pháp không phải là ngã; thọ là ngã’, người ấy sai lầm.

“A-nan, trong giới hạn ấy là ngôn ngữ; trong giới hạn ấy là sự thích ứng; trong giới hạn ấy là hạn lượng; trong giới hạn ấy là sự phô diễn; trong giới hạn ấy là trí quán; trong giới hạn ấy là chúng sanh.

“A-nan, các Tỳ-kheo ở trong pháp này mà như thật chánh quán, với tâm giải thoát vô lậu, A-nan, Tỳ-kheo ấy được gọi là tuệ giải thoát. Với Tỳ-kheo tâm giải thoát như vậy, có ngã cũng đượïc biết, không có ngã cũng được biết, vừa có ngã vừa không có ngã cũng được biết, không phải có ngã không phải không có ngã cũng được biết. Vì sao? Này A-nan, trong giới hạn ấy là ngôn ngữ; trong giới hạn ấy là sự thích ứng; trong giới hạn ấy là hạn lượng; trong giới hạn ấy là sự phô diễn; trong giới hạn ấy là trí quán; trong giới hạn ấy là chúng sanh. Sau khi biết rõ thấu suốt như vậy, Tỳ-kheo với tâm giải thoát vô lậu không biết không thấy tri kiến như vậy.”

Phật nói A-nan:

“Với những người chủ trương có ngã, cho đến giới hạn nào thì được xác định?”

“Với những người chủ trương có ngã, hoặc nói: ‘Một ít sắc là ngã’; hoặc nói: ‘Phần lớn sắc là ngã’; hoặc nói: ‘Một ít vô sắc là ngã’; hoặc nói: ‘Phần lớn vô sắc là ngã.[29]

“A-nan, những người nói một ít sắc là ngã, xác định chỉ một ít sắc là ngã; sở kiến của ta là đúng, ngoài ra đều sai. Những người nói phần lớn sắc là ngã, xác định phần lớn sắc là ngã; sở kiến của ta là đúng, ngoài ra đều sai. Những người nói một ít vô sắc là ngã, xác định chỉ một ít vô sắc là ngã; sở kiến của ta là đúng, ngoài ra đều sai. Những người nói phần lớn vô sắc là ngã, xác định phần lớn vô sắc là ngã; sở kiến của ta là đúng, ngoài ra đều sai.”

Phật nói với A-nan:

“Có bảy trú xứ của thức [30], và hai nhập xứ[31], mà các Sa-môn, Bà-la-môn nói: ‘Chỗ này là nơi an ổn, nơi cứu vớt, nơi hộ trì; là cái nhà, là ngọn đèn, là ánh sáng, là nơi qui tựa, là không hư dối, là không phiền não.’

“Những gì là bảy? Hoặc có hạng chúng sanh, với nhiều thân khác nhau và nhiều tưởng khác nhau, tức chư Thiên và loài Người. Đó là trú xứ thứ nhất của thức, mà các Sa-môn, Bà-la-môn nói: ‘Chỗ này là nơi an ổn, nơi cứu vớt, nơi hộ trì; là cái nhà, là ngọn đèn, là ánh sáng, là nơi qui tựa, là không hư dối, là không phiền não.’ Này A-nan, nếu Tỳ-kheo biết trú xứ thứ nhất của thức, biết sự tập khởi, biết sự diệt trừ, biết vị ngọt, biết sự tai hại, biết sự xuất ly, biết một cách như thật; A-nan, Tỳ-kheo ấy nói: ‘Cái ấy không phải là ta. Ta không phải là cái ấy’[32] với tri kiến như thật.

“Hoặc có hạng chúng sanh với thân đồng nhất nhưng với nhiều tưởng khác nhau, như trời Quang âm. Hoặc có hạng chúng sanh với thân đồng nhất, tưởng đồng nhất, tức trời Biến tịnh. Hoặc có hạng chúng sanh trú nơi không xứ. Hoặc có hạng chúng sanh trú nơi thức xứ. Hoặc có hạng chúng sanh trú nơi vô sở hữu xứ. Đó là bảy trú xứ của thức mà các Sa-môn, Bà-la-môn nói: ‘Chỗ này là nơi an ổn, nơi cứu vớt, nơi hộ trì; là cái nhà, là ngọn đèn, là ánh sáng, là nơi qui tựa, là không hư dối, là không phiền não.’ Này A-nan, nếu Tỳ-kheo biết bảy trú xứ của thức, biết sự tập khởi, biết sự diệt trừ, biết vị ngọt, biết sự tai hại, biết sự xuất ly, biết một cách như thật; A-nan, Tỳ-kheo ấy nói: ‘Cái ấy không phải là ta. Ta không phải là cái ấy’[33] với tri kiến như thật.

“Thế nào là hai nhập xứ? Vô tưởng nhập và phi tưởng phi vô tưởng nhập[34]. A-nan, đó là hai nhập xứ mà các Sa-môn, Bà-la-môn nói: ‘Chỗ này là nơi an ổn, nơi cứu vớt, nơi hộ trì; là cái nhà, là ngọn đèn, là ánh sáng, là nơi qui tựa, là không hư dối, là không phiền não.’ Này A-nan, nếu Tỳ-kheo biết hai nhập xứ, biết sự tập khởi, biết sự diệt trừ, biết vị ngọt, biết sự tai hại, biết sự xuất ly, biết một cách như thật; A-nan, Tỳ-kheo ấy nói: ‘Cái ấy không phải là ta. Ta không phải là cái ấy’[35] với tri kiến như thật.

“A-nan, lại có tám giải thoát.[36] Những gì là tám? Có sắc, quán sắc; giải thoát thứ nhất. Bên trong có sắc tưởng, quán ngoại sắc; giải thoát thứ hai. Tịnh giải thoát; giải thoát thứ ba. Vượt sắc tưởng, diệt hữu đối tưởng, không niệm tạp tưởng, an trú không xứ; giải thoát thứ tư. Vượt không xứ, an trú thức xứ; giải thoát thứ năm. Vượt thức xứ, an trú vô sở hữu xứ; giải thoát thứ sáu. Vượt vô sở hữu xứ, an trú phi tưởng phi phi tưởng xứ; giải thoát thứ bảy. Diệt tận định, giải thoát thứ tám. A-nan, các Tỳ-kheo đối với tám giải thoát này du hành theo chiều thuận và nghịch, xuất nhập tự tại, Tỳ-kheo như vậy chứng đắc câu giải thoát.[37]

Bấy giờ, A-nan sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.


 

[1].    Bản Hán: Phật thuyết Trường A-hàm “Đệ nhị phần Đại duyên phương tiện kinh đệ cửu.” Tham chiếu, Phật thuyết nhân bổn dục sanh kinh, Hậu Hán, An Thế Cao dịch (Đại I, tr. 241); Trung A-hàm, kinh số 97 “Đại nhân kinh”; Phật thuyết Đại sanh nghĩa kinh, Tống Thi Hộ dịch (Đại I, tr. 844). Pāli, D. 15, Deva Dig ii. 2, Mahānidāna-suttanta ; Trường I, tr. 511.

[2].    Câu-lưu-sa quốc Kiếp-ma-sa trú xứ ; Pāli: Kurūsu viharati Kammāsadhammaṃ nāma Kurūnaṃ nigamo, trú giữa những người Kuru, tại một ấp của người Kuru gọi là Kammāsadhamma.

[3].    Thập nhị nhân duyên chi quang minh thậm thâm nan giải ; Pāli: yāva gambìro cāyaṃ bhante , paṭiccasamuppādo gambīrāvabhāso  ca, lý duyên khởi thật sâu xa, sự biểu hiện cũng rất sâu xa. Trường II, sđd.: “giáo pháp Duyên khởi này thâm thúy, thật sự thâm thúy…” Tham chiếu, Trung A-hàm, sđd.: Thử duyên khởi thậm kỳ; cực thậm thâm; minh diệc thậm thâm. : duyên khởi này thật kỳ diệu, rất sâu thẳm; ánh sáng của nó cũng rất sâu thẳm.

[4].    Pāli: atthi idappaccayā jaramaraṇaṃ, do cái này làm điều kiện mà có già và chết.

[5].    Pāli: jātipaccayā jarāmaraṇaṃ , do điều kiện là sanh mà có già chết.

[6].    Pāli: bhavapaccayā jāti , do điều kiện là hữu mà có sanh.

[7].    Pāli: upādānapaccayā bhavo , do điều kiện là thủ mà có hữu.

[8].    Pāli: phassapaccayā vedanā , do điều kiện là xúc cảm mà có cảm thọ.

[9].    Hán: lục nhập , thường nói là lục xứ (Pāli: saḷāyatana). Nhưng, đặc biệt cần lưu ý trong bản Pāli tương đương, D 15 (Deva Dig ii. 2 tr 45, Trường I, tr. 513).: nāmarūpapaccayā phasso , do điều kiện là danh sắc mà có xúc. Trong khi, D 14 Mahāpadāna-suttanta  (sđd.: tr 26): saḷāyatane kho sati phasso hoti, saḷāyatanapaccayā phasso , khi sáu xứ hiện hữu thì xúc hiện hữu; do điều kiện laø sáu xứ mà có xúc.

[10].   Pāli: viññāṇapaccayā nāmarūpaṃ , do điều kiện là thức mà có danh sắc.

[11].   Các bản Pāli tương đương (sđd.) đều nói: nāmarūpaccayā viññāṇaṃ , do điều kiện là danh sắc mà có thức. Tham chiếu, D 14, sđd.: kimhi nu kho sati viññāṇaṃ hoti, kiṃpaccayā viññāṇaṃ ti ? (…) nāmarūpe kho sati viññāṇaṃ hoti, nāmarūpapaccayā viññāṇaṃ ti: cái gì có thì thức có ? Do danh sắc có mà thức có. Do điều kiện là danh sắc mà có thức. Lưu ý, trong các bản Pàli dẫn trên, không đề cập đến hai chi cuối, hành (saṅkhāra) và vô minh  (avijja).

[12].   Hán: si .

[13].   Pāli: evam etassa kevalassa dukkhakkhandassa samudayo hoti, đó là sự tập khởi của khối đau khổ toàn diện này.

[14].   Dục hữu, sắc hữu, vô sắc hữu ; Pāli: kāma-bhava, rūpa-bhava , arūpa-bhava.

[15].   Dục thủ, kiến thủ, giới (cấm) thủ, ngã (ngữ) thủ ; Pāli: kāmupādānaṃ vā diṭṭhupādānaṃ vā sīlabbatupādānaṃ  vā attavādupādā-         naṃ vā.

[16].   Dục ái, hữu ái, vô hữu ái  ; Pāli: seyyathidaṃ rūpataṇhā  saddataṇhā  gandhataṇhā rasataṇhā  phoṭṭabbataṇhā  dhammataṇhā, như sắc ái, thanh ái, hương ái, vị ái, xúc ái, pháp ái.

[17].   Lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ ; Pāli: cakkhusamphassajā  vedanā sotasamphassajā  vedanā ghānasamphassajā  vedanā jivhāsamphassajā  vedanā kāyasamphassajā  vedanā manosamphassajā  vedanā: cảm thọ phát sanh từ con mắt, cảm thọ phát sanh từ tai, cảm thọ phát sanh từ mũi, cảm thọ phát sanh từ lưỡi, cảm thọ phát sanh từ thân, cảm thọ phát sanh từ ý.

[18].   Chuỗi quan hệ: ái , cầu , lợi , dụng , dục , trước , tật , thủ , hộ . Pāli: taṇhā (khát ái), pariyesanā  (tìm cầu), lābho (thủ đắc), vinicchayo (quyết định, sử dụng), chandarāgo  (ham muốn), ajjhosānaṃ (đắm trước), pariggaho (giữ chặt), macchariyaṃ (keo kiệt), ārakkho (bảo vệ).

[19].   Hán: tâm xúc . Tham chiếu Pāli: yehi … ākārehi yehi lingehi yehi nimittehi yehi uddesehi nāmakāyassa paññatti hoti, tesu (…) asati api nu kho rūpakāye adhivacanasamphasso paññāyethā ti ? Với những hình thái, dấu hiệu, hình tướng, biểu hiện, mà danh thân được khái niệm, nếu những hình thái ấy không tồn tại, thì có thể có khái niệm về xúc cảm tinh thần nơi sắc thân được không ? adhivacana-samphassa : tăng ngữ xúc, danh mục xúc, sự xúc chạm do bởi các yếu tố tinh thần hay tâm lý; tương đối với paṭigha-samphassa, hữu đối xúc.

[20].   Hán: thân xúc . Tham chieáu Pāli: yehi … ākārehi yehi liṅgehi yehi nimittehi yehi uddesehi rūpakāyassa paññatti hoti, tesu (…) asati api nu kho nāmakāye paṭighasamphasso paññāyethā ti ? Với những hình thái, những dấu hiệu, những hình tướng, những biểu hiện mà có khái niệm về sắc thân; nếu những cái ấy không tồn tại, thì có thể có khái niệm về xúc cảm bởi vật chất nơi danh thân được không; paṭigha-samphassa : xúc cảm hay xúc chạm do đối ngại, tức sự tiếp xúc bởi vật chất, trái với adhivacana-samphassa , sự tiếp xúc bởi tinh thần.

[21].   Hán: nhập thai bất xuất ; Pāli: viññāṇaṃ mātukucchismiṃ okkamitvā  vokkamissatha, sau khi vào thai mẹ mà lại ra (bị trụy thai).

[22].   Hán: tề thị vi ngữ, tề thị vi ứng, tề thị vi hạn, tề thị vi diễn thuyết, tề thị vi trí quán, tề thị vi chúng sanh   . Pāli: ettātavā adhivacanapatho , ettāvatā niruttipatho,  ettāvatā paññattipatho , ettāvatā paññāvacaraṃ, ettāvatā vaṭṭaṃ vattati  itthattaṃ paññāpānāya yadidaṃ nāmarūpaṃ saha viññaṇa aññamaññapaccayatā pavattati, trong giới hạn ấy là con đường của danh ngôn; … là con đường của ngữ nghĩa, … là con đường của sự giả lập, … là cảnh giới của trí tuệ, là sự lưu chuyển luân hồi để giả lập thế giới này, tức là danh sắc cùng với thức xoay chuyển làm điều kiện cho nhau.

[23].   Tuệ giải thoát (Pāli: paññā-vimutti), chỉ vị A-la-hán do tuệ mà đoạn trừ sở tri chướng, chứng đắc giải thoát; khác với vị A-la-hán do định mà đoạn trừ phiền não chướng, chứng đắc giải thoát, và được gọi là tâm giải thoát (Pāli: citta-vimutti).

[24].   Hán: (…) bất tri bất kiến như thị tri kiến ; tham chiếu Pāli: evaṃ vimutticittaṃ …bhikkhuṃ yo evaṃ vadeyya: ‘hoti Tathāga(…) tad abhiññāvi -

      muttaṃ bhikkhuṃ yo paraṃ maraṇā(…)’ itissa diṭṭhī ti, tad akallaṃ, ‘na jānāti na passati itissa diṭṭhī’ ti, tad akallaṃ: ai nói, Tỳ-kheo với tâm giải thoát như vậy có quan điểm rằng ‘Như Lai tồn tại sau khi chết (…)’, người ấy sai lầm. (…). nói rằng, Tỳ-kheo với thắng trí giải thoát như vậy mà ‘không biết, không thấy quan điểm như vậy;’ điều ấy sai lầm.

[25].   Bốn quan điểm về tự ngã theo bản Hán: thọ thị ngã ; thọ phi ngã, ngã thị thọ ; thọ phi ngã, ngã phi thọ, thọ pháp thị ngã ; thọ phi ngã, ngã phi thọ, thọ pháp phi ngã, đản thọ (bản khác: ái) thị ngã () . Đối chiếu Pāli: vedanā me attā ti: na heva kho me vedanā attā, appaṭisaṃvedano me attā ; na heva kho pana vedanā attā, no pi appaṭisaṃvedano ime attā, attā me vediyate, vedanādhammo hi me attā , thọ là tự ngã của tôi; thọ không phải là tự ngã của tôi, (vì) tự ngã của tôi không cảm thọ; không phải thọ là tự ngã của tôi, cũng không phải tự ngã của tôi không có cảm thọ, (nhưng) ngã của tôi được cảm thọ, pháp cảm thọ là tự ngã của tội.

[26].   Pāli: yattha… sabbaso vedayitaṃ natthi api nu kho, tattha ayam aham asmī ti siyā ti ? Nơi nào mà hoàn toàn không có cái gì được cảm thọ, nơi ấy có thể quan niệm rằng: ‘Tôi đang hiện hữu’ được chăng ?

[27].   Bản Cao-ly: ái thị ngã . Các bản TNM: thọ .

[28].   Đoạn văn Hán hơi tối nghĩa. Đại loại, gần giống với phát biểu trên, chỉ khác câu cuối, mà bản Cao ly chép là ái, các bản TNM chép là thọ. Tham chiếu Pāli: yo so evam āha: ‘na heva kho me vedanā attā, no pi appaṭisaṃvedano me attā , attā me vedayati, vedanādhammo hi me attā ’ ti, so evam assa vacanìyo-‘vedanā ca hi, āvuso, sabbena sabbaṃ sabbathā sabbaṃ aparisesā nirujjheyyuṃ, sabbaso vedanāya asati vedanānirodhā api nu kho tattha ayam aham asmī ti  siyā’ ti ? Với ai nói rằng, thọ không phải là tự ngã của tôi, cũng không phải tự ngã của tôi không có cảm thọ; tự ngã của tôi được cảm thọ, pháp cảm thọ là tự ngã của tôi’, nên nói với người ấy rằng: “Này bạn, nếu tất cả các loại cảm thọ, một cách triệt để, đều bị diệt hoàn toàn; vậy trong khi cảm thọ không tồn tại, cảm thọ diệt, thế thì ở đó có thể nói: ‘tôi đang hiện hữu’ được chăng ?”

[29].   Hán: thiểu sắc thị ngã ; Pāli: rūpī me paritto attā, tự ngã của tôi là có sắc, có hạn lượng. Hán: đa sắc thị ngã ; Pāli: rūpī me ananto attā , tự ngã của tôi có sắc, không hạn lượng. Hán: thiểu vô sắc thị ngã Pāli: arūpī me paritto attā, tự ngã của tôi là vô sắc, có hạn lượng. Hán: đa vô sắc thị ngã ; Pāli: arūpī me ananto attā, tự ngã của tôi là vô sắc, không hạn lượng.

[30].   Thất thức trú ; Pāli: satta viññāṇaṭṭhitiyo , bảy trạng thái tồn tại của thức. Tham chiếu các kinh số 9 “Chúng tập”, số 10 “Thập thượng”, số 11 “Tăng nhất”, mục 7 pháp.

[31].   Nhị nhập xứ; Pāli: dve āyatanāni.

[32].   Hán: bĩ phi ngã, ngã phi bĩ . Tham chiếu Pāli: (…) kallaṃ nu tena tad abhinandituṃ ti ? Có thích hợp chăng nếu vị ấy thích thú với trú xứ này?

[33].   Hán: bĩ phi ngã, ngã phi bĩ . Tham chieáu Pāli: (…) kallaṃ nu tena tad abhinandituṃ ti ? Có thích hợp chăng nếu vị ấy thích thú với trú xứ này?

[34].   Vô tưởng nhập ; Pāli: asaññāsattāyatanaṃ , cảnh vực của chúng sanh không có tưởng. Hán: phi tưởng phi vô tưởng nhập ; Pāli: nevasaññānāsaññāyatanaṃ, cảnh vực phi có tưởng phi không có tưởng.

[35].   Hán: bỉ phi ngã, ngã phi bĩ . Tham chiếu Pāli: (…) kallaṃ nu tena tad abhinandituṃ ti ? Có thích hợp chăng nếu vị ấy thích thú với trú xứ này?

[36].   Xem các kinh, số 9 “Chúng tập”, số 10 “Thập thượng.”

[37].   Câu giải thoát, cũng nói là câu phần giải thoát (Pāli: ubhatobhāga-vimutti ), chỉ vị A-la-hán chứng đắc diệt tận định, với hai phần giải thoát là tâm giải thoát (Pāli: citta-vimutti) và tuệ giải thoát (paññā-vimutti).

 

--- o0o ---

Mục Lục

 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10

11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20

21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30

--- o0o ---

 

Trình bày: Nhị Tường

Cập nhật: 7-2003

 

Webmaster:quangduc@quangduc.com

Trở về Thư Mục Kinh Điển Phật Giáo

Đầu trang

 

Biên tập nội dung: Tỳ kheo Thích Nguyên Tạng
Xin gởi bài mới và ý kiến đóng góp đến ban biên tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com