Tiếng Việt

Trang nhà Quảng Đức

   Tiếng Anh 

qd.jpg (8936 bytes)

Vu Lan Báo Hiếu


...... ... .


 

TÂM LINH ĐẠO ĐỨC QUA TRUYỀN THỐNG
VU- LAN BÁO-HIẾU CỦA PHẬT GIÁO
 

Thích Thiện Đạt

---------)(---------

 

Dòng thời gian cứ trôi hoài theo năm tháng, ngày nay, nhân loại đang sống trong sự phồn vinh, sự tiến hóa về phương diện vật chất.  Phải nhìn nhận rằng sự tiến hóa vật chất đã giúp cho con người nâng cao đời sống trong sinh hoạt thường nhật, tuy nhiên, nó cũng là mối đe dọa khiến con người luôn sống trong tâm trạng phập phòng, lo sợ; sợ thiên tai, sợ ách nạn, sợ khủng bố, sợ chiến tranh v.v… Nhìn những biến cố hay những diễn tiến đã và đang xảy ra trên thế giới hiện nay, chúng ta có thể minh chứng được điều này.  Sở dĩ mối đe dọa thường xảy ra là vì con người tự đánh mất khả năng tri giác trong nội tại, hay nói cách khác là tự đánh mất đạo đức và nội tại tâm linh. Thay vì sử dụng khả năng kiến thức để nâng cao đời sống, con người sử dụng nó như một công cụ để tô điểm thêm cho sự tham lam, sân hận, ích kỷ và lòng oán thù. Từ đó, thảm họa lo âu, nổi khổ và niềm đau  ngày một gia tăng.

 Đứng trước hiện trạng nêu trên, Phật giáo luôn khuyến tấn con người nên nuôi dưỡng tâm linh đạo đức, sử dụng phương tiện vật chất để phát huy tinh thần từ bi, vô ngã, đem niềm vui và sự an lạc cho mọi người. Truyền thống “Vu Lan Báo Hiếu” là một trong những phương pháp được Phật giáo sử dụng để kêu gọi mọi người mau quay về nẻo thiện. Đó cũng là diêm quẹt châm ngòi cho ngọn lửa đạo tâm, thấp sáng cội nguồn đức hạnh, mở rộng cánh cửa tâm linh đạo đức trong đáy lòng nhân thế.  

 Đức Phật dạy “Cùng Tột Điều Thiện Không Gì Hơn Hiếu, Cùng Tột Điều Ác Không Gì Hơn Bất Hiếu”. Ở đây, đức Phật muốn gởi cho nhân loại một thông điệp tâm linh đạo đức xuyên qua mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái hay nói khác hơn bậc thi ân và bậc báo ân. Thật vậy, trong mối quan hệ con người, sự quan hệ giữa cha mẹ và con cái được coi là thiêng liêng và cao quý. Sự cao quý không chỉ đơn thuần ở mối quan hệ huyết thống mà còn là đạo đức tình người, tính giáo dục, sự giao lưu giữa hai thế hệ trước và sau. Đối với bậc cha mẹ (thế hệ trước), Phật giáo luôn động viên rằng, cha mẹ cần làm gương cho con trong vịệc tu tập, điều gì nói được thì nên thực hành. Trong cuộc sống, không ai có những lầm lỗi,  cha mẹ không nên ngại ngùng khi lấy những lỗi lầm của mình để hướng dẫn tu tập cho con trẻ.  Phật giáo luôn phát đi những thông điệp thương yêu, hiểu biết và tha thứ, cha mẹ nên động viên gia đình cùng sống theo chiều hướng đó.  Phật giáo còn khuyên cha mẹ nên khuyến khích con cái chung vui với sự thành công của người khác, điều này giúp cho chúng ngăn chặn sự gia tăng lòng đố kỵ, tâm ích kỷ. Để có mái ấm gia đình, Phật giáo hướng dẫn cha mẹ cần thực thi năm giới cấm cũng như  nên khuyến khích con cái  lìa bỏ sự giết hại,  đảm bảo sự trong sạch của mình, sự hạnh phúc của người khác, lìa bỏ sự  gian dối, lời thêu dệt, lời độc ác,  lời chia rẽ, tâm oán thù và  tạo dựng nhịp cầu cảm thông, hiểu biết lẫn nhau, cuối cùng tránh xa con đường trụy lạc cũng như tàn phá cuộc sống lành mạnh.  Cha mẹ cũng cần khuyến khích con trẻ nên chú ý đến truyền thống tâm linh như: đi chùa lễ Phật, học hỏi giáo lý…Bên cạnh đó, các dịp lễ giỗ ông bà tổ tiên cũng là lúc mọi người ôn lại kỷ niệm, tưởng nhớ người đã qua… Phật giáo còn khuyến khích bậc cha mẹ nên áp dụng Phật Pháp vào đời sống thường nhật, từ đó con cái cũng sẽ cảm nhận sự chuyển hóa sống động từ cha mẹ.  Chắc chắn chúng muốn cha mẹ giàu lòng cảm thông, hiểu biết, gần gũi và yêu thương hơn.

 Khởi đi từ đạo lý duyên khởi, Phật giáo vẫn giữ lý trung đạo, đồng thời  khuyến khích cha mẹ nên thay đổi quan niệm hay lập trường khô cứng, kiên nhẫn và lắng nghe sự thố lộ từ con cái, lắng nghe nhưng không bình phẩm, không phân tích hay quyết đoán một cách vội vả, từ đó cha mẹ sẽ dễ dàng cảm thông và hiểu được ý muốn của con cái mà kịp thời khuyên bảo, chỉ dạy. Cũng từ đạo lý này, Phật giáo khuyến khích cha mẹ nên hướng dẫn con cái ý thức rỏ ràng trong mối tương quan, sự quan hệ mật thiết giữa mình và muôn loài,  từ đó con cái sẽ trao dồi ý niệm trong lĩnh vực đạo tâm, đạo tình và đạo nghĩa.  Đạo nghĩa, Phật giáo muốn nhấn mạnh  nghĩa vụ thiêng liêng giữa con trẻ với quốc gia, xã hội; đạo tình nghĩa là bày tỏ thái độ  tôn kính hay mối tương quan với tình người, tình đồng loại, tình ông bà, tình cha mẹ, tình anh chị em, tình thầy trò, tình đạo bạn…; đạo tâm, cội nguồn đức hạnh cần được vun bón.

 Ngoài ra, qua truyền thống “Vu Lan Báo Hiếu”, Phật giáo muốn phát đi một thông điệp rằng,  bổn phận con cái (thế hệ sau) phải giữ tròn hiếu đạo đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Theo quan niệm Phật giáo, hiếu đạo không phải là một di sản riêng tư mà một nghĩa vụ thiêng liêng.  Bởi lẻ, trên thế gian này, không ai là không do cha mẹ sinh ra. Nhìn lại tấm thân mà chúng ta đang có phải chăng đó chính là sự kết tinh bằng xương, bằng thịt, bằng máu và bằng hy sinh cao cả của cha mẹ. Chúng ta nên hiểu rằng, nếu không do công ơn trời bể của cha mẹ thì làm sao chúng ta có mặt trên cỏi đời này?  Cha mẹ không những hy sinh một phần máu thịt mà còn đánh đổi cả một quãng đời gian khổ, chịu đựng bao đắng cay khó nhọc, hiến dâng gần trọn cuộc sống, tốn biết bao mồ hôi, nước mắt, sức lực, để cưu mang, hoạn dưỡng, dạy dỗ cho con nên  người, trở thành những người hữu dụng cho nhân quần, cho xã hội. Điều Phật giáo muốn nhắn nhủ với bậc làm con rằng,  sự hy sinh của cha mẹ không giới hạn, không vụ lợi, cha mẹ tuyệt đối quên mình vì con. Tình cảm mà cha mẹ đã dành cho con là thứ tình cảm thiêng liêng không có tình nào trên đời có thể so sánh. Do đó, báo đáp công ơn của cha mẹ cũng chính bổn phận thiêng liêng cao quý, một nghĩa vụ không thể thiếu mà bậc làm con phải thực thi cho bằng được.  Đúng ra, hiếu đạo không phải là bổn phận mà là diễm phúc chỉ có những người con đức hạnh mới cảm thông và thấu hiểu điều đó một cách sâu sắc.

 Công cha nghĩa mẹ cao dày
Cưu mang trứng nước những ngày còn thơ
Nuôi con khó nhọc đến giờ
Đáp đền ơn nặng như là trời cao

 Nhịn cơm vóc mẹ hao gầy
Cạn dòng sửa ngọt những ngày ấu thơ
Năm canh mở mắt lờ đờ
Ru con mẹ hát  ấu ơ nảo nùng

 Dí dầu cầu ván đống đinh
Cầu tre lắc lẻo rập rình khó đi
Khó đi mẹ dắt con đi
Con đi trường học mẹ đi trường đời

 Nuôi con buôn tảo bán tần
Chỉ mong con lớn nên thân với đời
Mỗi khi trái nắng trở trời
Con đau là mẹ đứng ngồi không yên
Cuộc đời vất vả triền miên
Chạy lo bát gạo đồng tiền nuôi con

 
Cha mẹ ân thâm tựa đất trời
Nuôi con khó nhọc khổ đầy vơi
Mở vòng tay lớn nuôi con trẻ
Hướng dẫn con đi suốt cuộc đời
Nhớ lại năm nào khi con mở mắt chào đời,
Cha mẹ là người cho con từng nụ cười tiếng khóc.
Khi con biết đòi ăn,cha mẹ là người móm cho con từng muỗng cháo.
Khi con biết đòi ngũ,cha mẹ là người thức hát thâu đêm.

 

Trên đây là những câu ca dao, tục ngữ, thơ văn Việt-nam nhằm ca ngợi sự hy sinh cao cả của cha mẹ. Riêng đối với Phật giáo, đức Phật cũng từng dạy:

 “Ơn cha lành cao như núi thái
đức mẹ hiền sâu tận biển khơi
dù cho dâng trọn cuộc đời
cũng tra hết ơn người sanh ra”.
(Kinh Tâm Địa Quán)

 

Trong kinh Báo Hiếu Phụ Mẫu Trọng Ân, đức Phật kể ra mười công đức của mẹ đối với con:

1.     Chín tháng cưu mang khó nhọc, giữ gìn thai giáo chu đáo

2.     Cam chịu đau đớn, không màng gớm ghê khi sanh đẻ    

3.     Can tâm nuôi dưỡng con khôn lớn

4.     Ăn đắng cay, nhường bùi ngọt cho con

5.     Nằm chổ ướt, nhường chổ khô cho con

6.     Sú nước nhay cơm cho con

7.     Không chê ô uế, giặt đồ dơ cho con trẻ

8.     Lo lắng, trông đợi khi con đi vắng

9.     Có thể gây nên tội vì sự sung sướng của con

10. Chịu đói lạnh để con được ấm no, thanh nhàn.

 

Ý thức công ơn sâu thẳm của cha mẹ, Phật giáo khuyên nhủ bậc làm con nên  báo đáp thâm ân nuôi dưỡng.  Con muốn báo đáp công ơn của cha mẹ, đức Phật dạy có năm điều:

 

1.     Cung kính, thương yêu và vâng lời cha mẹ dạy bảo

2.     Hết lòng chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ

3.     Giữ gìn thanh danh và truyền thống gia đình

4.     Bảo vệ, phát huy tài sản do cha mẹ trao truyền

5.     Lo tang lễ chu đáo khi cha mẹ qua đời

                                       (Kinh Trường Bộ)

 

Ngoài ra,  muốn báp đáp công ơn của cha mẹ, người con cần phải hướng tâm phục thiện, giữ gìn Tam Quy, Ngũ Giới, siêng năng tu học và phụng sự Tam Bảo, bố thí, cúng dường, làm phước, hồi hướng công đức cho cha mẹ, noi gương hiếu hạnh của tôn giả Mục Kiền Liên, khuyến khích cha mẹ kính tin Tam Bảo, lìa bỏ ác nghịêp, thực hành chánh pháp, phát huy đạo hạnh giải thoát theo tinh thần Phật dạy. Nói chung, bậc làm con muốn báo đền công ơn  cha mẹ, với bản thân phải rèn luyện tu tập, với cha mẹ phải cung kính vâng lời và phụng dưỡng cha mẹ qua hai phương diện vật chất và tinh thần.

 Tóm lại, muốn giảm bớt thảm họa lo âu về thiên tai, ách nạn, khủng bố, binh đau khói lửa, chiến tranh tàn khốt, con người phải gạt bỏ lòng oán thù, sân hận, tham lam và ích kỷ, sử dụng lợi thế vật chất để điểm tô cho đời sống thường nhật, nâng cao đức hạnh và tâm linh đạo đức. Muốn có tâm linh đạo đức, con người cần thực hành lời Phật dạy xuyên qua truyền thống “Vu Lan Báo Hiếu” ở phật giáo. Truyền thống này được coi là cửa ngỏ đạo hạnh, nhóm lửa từ tâm và cũng là khuôn vàng thước ngọc để hai thế hệ trước (cha mẹ) và sau (con cái) cùng trao truyền mật thiết trong bổn phận và trách nhiệm với nhau trên tiến trình tu học. Nếu bậc cha mẹ và con cái áp dụng đúng theo tinh thần Vu Lan Báo Hiếu ở phật giáo thì truyền thống  này sẽ càng thêm mặn mà, khởi sắc và mang đầy đủ ý nghĩa, đồng thời, nhà nhà sẽ được an vui, thế giới sẽ được thái bình, thạnh trị.

 

Vu Lan, mùa hiếu hạnh PL:2549  DL:2005

Thích Thiện Đạt
Tu Viện Thiên Quang
32 BEND RD, KEYSBOROUGH
VIC. 3173. Australia
Tel: (03) 9701 8488  Fax:  (03) 9701 9808


--- o0o ---


Cập nhật ngày: 01-08-2005

 

Webmaster:quangduc@quangduc.com

Trở về Trang Vu Lan Báo Hiếu

Đầu trang

 

Biên tập nội dung: Tỳ kheo Thích Nguyên Tạng
Xin gởi bài mới và ý kiến đóng góp đến ban biên tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com