Tiếng Việt

Trang nhà Quảng Đức

   Tiếng Anh 

qd.jpg (8936 bytes)

Vu Lan Báo Hiếu


...... ... .

 

 

TỤC THÍ GIÀN Ở MIỀN TÂY NAM BỘ

 

Lý Việt Dũng

 

Thật thiếu sót khi bàn về lễ Vu lan bồn mà không nói tới tục thí giàn ở miền Tây Nam Bộ. Thí giàn là gì? Một số người cho rằng tục này là thí vàng tức thí vàng mã, nghĩa là khi cúng cô hồn người ta đốt giấy tiền vàng bạc cho các cô hồn hưởng dụng. Nói như vậy là quá lầm, mặc dù mới nghe qua thấy cũng có lý. Nhưng giàn đây là cái giàn bằng cây ván, dùng đặt đồ cúng thí trên đó để sau khi cúng xong, quần chúng bu quanh leo lên giành giựt và người đi giành giựt đồ cúng trên giàn đó gọi là đi giựt giàn.

Tục giựt giàn này năm mươi năm trước đây rất thịnh hành ở miền Tây Nam Bộ, nhất là các tỉnh có nhiều người Việt gốc Hoa sinh sống như Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, Rạch Giá... và ngày nay chỉ còn là dư âm một thời.

Khi xưa, vào mùa Vu lan, các chùa lớn ở tỉnh Bạc Liêu như chùa Bang, chùa Cây Me, chùa Minh, chùa Ông Tề hay đình Tân Hưng đều tổ chức lễ thí giàn trong khoảng thời gian từ đầu đến cuối tháng Bảy chứ không nhất thiết phải đúng ngày rằm. Và để tiện việc điều tiết cho ban kinh sư và để chọn ngày tốt theo tập quán mỗi chùa, các chùa mặc nhiên tổ chức lễ thí giàn xen kẽ các ngày khác nhau trong tháng Bảy nên dân giựt giàn thường không phải đắn đo nên giựt ở chùa nào, bỏ chùa nào.

Nhìn chung, cái giàn có hình tháp dưới lớn trên nhỏ với ba tầng sàn ván. Cái giàn này có thể coi là ngoại đàn của lễ Thủy Lục pháp hội. Trên mặt ván mỗi tầng người ta đều bày vật thí cúng, ở tầng càng cao thì lễ vật càng có giá trị. Ðại để, trên mặt sàn thứ nhất người ta đặt những giỏ lam, trong đó đựng mía chặt khúc, khoai lang sống, chuối sống, bánh cúng, bánh cấp (giỏ lam tức cái giỏ đan sơ sài bằng ruột tre). Tầng thứ hai ngoài giỏ lam, giỏ là (có thêm trái bưởi) còn có các bao cà-ròn nhỏ trong đó đựng chừng 5kg gạo hay muối mỗi bao và một số đụn cốm nhỏ, cao chừng nửa thước. Tầng thứ ba bày toàn vật thực có giá trị như bốn góc đài mỗi góc dựng ba cây mía chụm lại, từ đầu chụm ba ngọn mía người ta treo nguyên một cái đùi heo và la liệt trên mặt sàn là các đụn kẹo và đụn cốm mà toàn là đụn cổ, tức loại đụn lớn nhất, cao từ hai tới ba mét. Ðụn kẹo được bện bằng tre hình tháp nhọn, trên mặt tháp người ta đắp kẹo đậu phọng vào và trên đầu đụn có cắm một cây cờ đuôi nheo bằng giấy và các rua giấy màu sắc rực rỡ. Ðụn kẹo là món chủ yếu mà các tay giựt giàn quyết tâm giành cho được. Số kẹo trong mỗi đụn cổ gỡ ra có tới mấy chục kí lô, chia nhau cả xóm ăn không hết. Ngoài đụn kẹo còn có đụn cốm được đắp toàn cốm, đụn tiền gắn toàn bạc cắc hoặc đụn rau muống tuy chỉ gắn vài cọng rau muống nhưng kèm theo đó là mấy đồng bạc giấy, hoặc mươi ký thịt heo thái mỏng. Ðặc biệt trên tầng ba này có thiết một bàn thờ Phật với hai vị Hộ pháp và Tiêu Diện bằng giấy mà người bình dân gọi là ông Thiện, ông Ác. Ông Ác còn gọi là ông Tiêu với hình thù dữ tợn, mặt xanh, nanh vàng, trán mọc ba sừng, lưỡi le ra ngoài và chính cái lưỡi này mới là vật giá trị cần phải giựt cho được, vì theo tín ngưỡng dân gian, cái lưỡi ông Tiêu bằng giấy đặt trên đài này đem về cuốn lại làm bùa cho con nít đeo sẽ tránh được tà ma nên những người nhà giàu thường hay bỏ số tiền lớn để mua lại của người giựt được.

Lễ Thủy Lục theo nguyên tắc được tổ chức bảy ngày bảy đêm, nhưng thông thường người ta chỉ tổ chức ba ngày ba đêm, mỗi đêm ban kinh sư theo thang cây lên tụng kinh siêu độ cho cô hồn. Khoảng giờ ngọ ngày thứ tư là xả giàn, tức thúc trống ra hiệu cho người đi giựt giàn trèo lên để giành giựt lễ vật. Từ sáng sớm ngày thứ tư, dân giựt giàn đã bu quanh giàn cùng người xem hội đông như kiến cỏ. Bên trong hàng rào bằng dây luộc xung quanh bốn bên là lính phú-lit, mã-tà cầm roi luôn tay nẹt đánh, miệng không ngớt quát tháo để ngăn chặn đám đông không phá giàn, tức phá rào dây nhào vô giựt khi chưa tới giờ cho phép.

Thật ra người ta đi giựt giàn là vì sự háo hức chờ đợi giờ xông giàn, vì danh dự làng xóm mình ở, vì vui do lễ hội hơn là lợi lộc, bởi cái đụn kẹo giựt được đem về xóm chẳng bán cho ai bao giờ mà chỉ chia nhau trong xóm ăn lấy hên. Riêng đồng bào gốc Khmer thì tin rằng nếu năm nào giựt được nhiều đồ thì sẽ bình an, trúng mùa nên họ không nhắm vào các cái đụn mà chỉ mang theo bao để chứa gạo, muối, chuối, mía, khoai củ nhiều chừng nào hay chừng nấy. Còn mấy anh chị người Việt thì mục tiêu của họ là các cái đụn cổ to tổ bố kia. Ai có trực tiếp đi xem giựt giàn mới thấy hết cái sôi động của cảnh tuôn rào, leo giàn, giành đụn, chen lấn, dẫm đạp nhau, la thét.

Việc thí giàn tuy hào hứng cao độ, nhưng có nhiều nguy hiểm, như năm nọ giàn chùa Bang làm không chắc, bị sập gây tử vong mấy người, bị thương mấy chục, nên chính quyền Pháp lúc đó cấm không cho thí giàn nữa. Phần khác vì dựng giàn cũng quá tốn kém, nên từ đó về sau người ta thay đổi hình thức bằng cách đặt thí phẩm trên bãi đất trống cho giựt. Cách này tuy không gây ra cái nạn sập giàn chết người nhưng cũng không tránh được chuyện giằng co, chen lấn giẫm đạp, khiến một phần thí phẩm bị bầm giập hoặc rơi vãi tung tóe, nhất là muối, gạo. Ðể khắc phục tình trạng trên, có người nghĩ ra cách thí thẻ, tức ghi số thứ tự trên thí phẩm rồi dùng thẻ tre có khắc số thứ tự quăng ra cho người ta giựt rồi trình thẻ mà lãnh thí phẩm. Cách này có cái hay là tránh được cảnh giằng co bịch gạo, bao muối hoặc giựt nguội vì cây thẻ một khi nằm trong tay ai là ít bị giựt lại nhưng phải cái thiếu công bình vì người quăng thẻ có thể quăng về phía người mình quen biết hoặc các thẻ đặc biệt bị giữ lại, nhất là thiếu phong thái vui nhộn sôi động giành giựt thí phẩm của các cô hồn sống.

Còn tư gia của nhân dân thì tổ chức lễ thí giàn như thế nào? Theo tín ngưỡng lâu đời mà chúng tôi cho là rất nhân đạo, rất từ bi thì mỗi năm mười địa ngục mở cửa một lần từ ngày mùng một cho tới ba mươi tháng Bảy để cho ma đói dưới âm ty cùng các cô hồn vất vưởng không nơi nương tựa lên dương thế kiếm ăn. Thức ăn của họ là do nhân dân thí cúng. Do đó hầu như nhà nào cũng cúng cô hồn vào bất cứ một ngày nào thuận tiện trong tháng Bảy, tuy nhiên phần đông người ta hay chọn ngày rằm hoặc chiều ba mươi. Thật ra, nói mỗi nhà "thí giàn" là không đúng, vì đâu phải nhà nào cũng có khả năng dựng giàn. Người ta chỉ bày vật thí cúng dưới sân hay trên hàng ba và chỉ đơn giản giỏ lam, giỏ là, và bánh cúng bánh cấp mà đối tượng giựt giàn cũng chỉ là lũ trẻ con trong xóm, nhưng phong khí các ngày thí giàn cũng thật vui nhộn, trẻ con tụ tập giựt giàn hết nhà này sang nhà nọ. Có thể nói từ "giựt giàn" đã biến nghĩa và nhân dân dùng quen chỉ lễ thí cô hồn. Ðại khái lễ cúng cô hồn tại tư gia diễn tiến như sau: khoảng bốn năm giờ chiều, tùy gia cảnh mỗi người, số lượng thí vật có thể nhiều ít, nhưng chủ yếu vẫn là các giỏ lam, giỏ là đựng ổi, mía khúc, khoai lang sống, chuối sống, bánh cấp bánh cúng, muối gạo, trầu cau, tiền cắc, giấy tiền vàng bạc. Ở mỗi giỏ lam, giỏ là, người ta cắm một cây nhang vào thân trái chuối hoặc củ khoai. Tất cả các thứ này đều được bày dưới đất trước sân nhà và dĩ nhiên là không có kinh sư tụng niệm mà gia chủ tự đốt nhang khấn vái lấy. Lời khấn thường là: Xin cô hồn các đẳng (mà người bình dân thường nói nhầm là "các đảng") bơ vơ không nơi nương tựa, hữu sinh vô dưỡng, sinh non chết dại, chết bờ chết bụi, chết đâm chết chém, đạn lạc tên bay, xe cán cây đè, rắn mổ rít cắn, thần vòng thắt cổ, một lỗ năm bảy thây, hãy về đây hưởng dụng cơm lành canh ngọt, bánh trái của tiền, áo quần xe cộ, phù hộ gia chủ quanh năm làm ăn phát tài, tai qua nạn khỏi v.v... Tàn nhang, chủ nhà dọn vô những món cúng quý như bánh trái mắc tiền, rồi đốt vàng mã, rải muối gạo, sau đó ra hiệu cho bọn trẻ nít bu quanh nhào vô giựt. Trong cuộc giành giựt cũng có đánh lộn nhưng nhỏ thôi vì chúng còn bận để giựt đám cúng nhà khác vừa bày ra.

Nếp văn hóa dân dã ngày xưa, mỗi khi nhớ tới cũng ngậm ngùi!

 

Source: Báo Giác Ngộ 238 Số đặc biệt Vu Lan Báo Hiếu PL2548 ra ngày 26-8-2004 

 

 

--- o0o ---

 

Cập nhật ngày: 1-10-2004

 

Webmaster:quangduc@quangduc.com

Trở về Trang Vu Lan Báo Hiếu

Đầu trang

 

Biên tập nội dung: Tỳ kheo Thích Nguyên Tạng
Xin gởi bài mới và ý kiến đóng góp đến ban biên tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com