Tiếng Việt

Trang nhà Quảng Đức

   Tiếng Anh 

qd.jpg (8936 bytes)

Vu Lan Báo Hiếu


...... ... .


 

Mẹ Tôi

Thiên Hương

---o0o---
 

Kính dâng hương hồn chị Bùi Châu Thiên Kim
Thương tặng hai cháu Thành và Thắng

 

 

Từ một lúc nào đó tôi đã lớn lên, mẹ vẫn quẩn quanh đâu đó, nhẹ nhàng và gần như trong suốt vì lúc đó chúng tôi chỉ biết đón nhận những chăm lo săn sóc và yêu thương của mẹ như những tự nhiên của đời sống mà không biết đó là những ân huệ, phước lộc, và bảo vật Trời Phật đã ban cho. 

 Mỗi buổi sáng, trời còn tối đen, hơi lạnh còn ẩm ướt, khung cửa còn mù sương, tôi đã nghe tiếng chân mẹ nhẹ nhàng bên ngoài cửa.  Tiếng bát đũa, nồi niêu soong chảo khua lọc cọc ngoài sân hay tiếng chẻ củi.   Bố tôi có tính tần tiện, không cho mẹ dùng bếp gaz, không cho mẹ xài nước máy, dù nhà ngay thành phố và thu nhập của mẹ khá cao.  Tôi đã nhiều lần ngậm ngùi nhìn đôi bàn tay mẹ với những kẽ móng tay nhuốm đen vì bụi than củi.  Nhưng lúc nào mẹ cũng cười.  Dọn dẹp nhà cửa, sửa soạn bữa sáng xong, mẹ bước vào phòng, mở cánh cửa chớp, ánh nắng nhẹ buổi sáng lùa hắt qua khung kính mờ sương.  Nhìn thằng con còn ngái ngủ trên giường, tiếng mẹ trong trẻo reo vui:  “Con giai tôi ngủ từ giờ Thìn đến cuối giờ Dậu”.  Tôi chưa kịp nói gì mẹ đã lại hấp tấp rời phòng để lo những công việc khác.  Khi tôi trở dậy, mẹ đã đi đâu đó, hoặc lại nhà thăm bệnh nhân, hoặc chạy ra chợ, hoặc làm việc trong khu mẹ xây để làm phòng bảo sanh ở phần đất sau nhà.   Cũng có những đêm, tôi tỉnh gíấc, ánh đèn bên ngoài vẫn sáng, vẫn tiếng chân mẹ bước đi vội vã, nhìn qua cửa, chiếc bóng bé nhỏ của mẹ thoăn thoắt lên xuống, dù mưa hay gió, gương mặt vẫn tươi vui không lộ một nét gì mệt mỏi.  Sao những ngày ấy, chẳng bao giờ tôi thắc mắc giờ nào mẹ ngủ, và giờ nào là giờ ăn của mẹ. 

Thu nhập chính trong gia đình từ hai bàn tay thu vén của mẹ.  Nhưng những chi tiêu trong gia đình lại dành hết cho bố con tôi, hình như mẹ chẳng tiêu một đồng nào cho mẹ.  Những món tiền lớn đưa cho Bố để Bố mua những máy móc khảo cứu hay giải trí.  Một số lớn khác cho chúng tôi ăn học, và còn rất nhiều những món tiền nhỏ rải rác để cứu gíúp những người nghèo khổ.  Lúc nào cũng cái này để cho bà này, tội nghiệp bả ở có một mình, cái kia để cho chị kia, tội nghiệp chị ấy dễ thương lắm, cái nọ để cho con bé kia, tội nghiệp nó đói lắm.  Những bữa ăn thường chia làm ba thực đơn.  Một thực đơn để cho những bệnh nhân nằm phòng cao tiền và bố con tôi.  Một để cho bệnh nhân nằm phòng loại trung và các người giúp việc.  Và một là của mẹ, một chút cơm trên đĩa, một chút nứơc thịt và rau dưa, vậy thôi, đơn giản đến rợn người.   Trong lúc tất cả mọi người ăn, thì mẹ vẫn hấp tấp chạy lên chạy xuống.  Hình như chưa bao giờ tôi thấy mẹ ngồi vào bàn ăn uống thư thả.  Lúc nào cũng vừa ăn vừa chạy.  Sao những ngày ấy chúng tôi vô tình đến thế, không nói được một lời bảo mẹ ngồi xuống ăn uống thảnh thơi.  Không đỡ đần mẹ được một chút gì để mẹ được vài tiếng nghỉ ngơi.  Có phải khi có những người đã quên mình để sống cho người khác, thì những người xung quanh cũng chấp nhận điều đó thật tự nhiên, thản nhiên nhận những chăm sóc thừa mứa, thản nhiên sống thanh thản trên những nhọc nhằn.  Hay tại vì nụ cười của mẹ quá ấm áp và mẹ không bao giờ tự nhận mình quá vất vả và tươi vui chấp nhận những khó khăn, gương mặt lúc nào cũng tươi cười rực rỡ nên chẳng ai nhận thấy những nhọc nhằn đã làm trĩu nặng đôi vai gầy của mẹ.   Hay tại vì mẹ chỉ thấy hạnh phúc khi làm việc tốt cho người, khi xả thân vì công việc nên ôm đồm tất cả.

 Anh em tôi về Sài gòn học,  mẹ vẫn ở nhà với những quán xuyến lo toan.  Mỗi tháng mẹ về Sài gòn một hay hai lần để thăm bà ngoại và chúng tôi và cũng để mua thêm thuốc men cho phòng bảo sanh.  Thường mẹ đi chuyến xe đêm rời Ðà lạt, sáng sớm tới Sài gòn, buổi sáng đi mua thuốc men, và chiều tối đi thăm các bác, các chú và cô của tôi.  Ðể sáng sớm hôm sau lại vội vã trở về, kẻo đi lâu không ai coi bệnh nhân, không ai chăm sóc nhà bảo sanh, không ai lo cho bố.    

Một lần tôi lại nhà người bạn sửa hộ chiếc TV, mới để chiếc xe, quay ra đã biến dù đã khóa cẩn thận.  Tôi lo lắm, mới nhắn về nhà, mẹ đã bổ về ngay Sài gòn mua cho chiếc mới.  Mẹ nói nhẹ nhàng:  “Cái số má nó vậy con ạ, tiền làm ra lại mất, không giữ được đâu”, rồi mẹ cười thản nhiên như không, cứ như chuyện thường tình vậy, không cả một tiếng thở dài hay chép miệng.  Mà phải đâu mẹ tiêu xài phung phí, một dãy cây ổi trong sân, mẹ không kêu người lại bán, vì họ hay trả rẻ, hoặc mẹ cho bạn bè, hàng xóm, hoăc mẹ đem ra gửi ở quán, và cũng có hôm nào nhà bảo sanh vắng khách, mẹ bưng ra ngồi ở cầu thang chợ, bán lẻ từng quả một.

 Khi tôi đi du học, một tay mẹ chạy lên chạy xuống Sài gòn, lo giấy tờ tiền bạc.   Mẹ không kêu than một lời về tiền máy bay, học phí, tiêu pha dù số tiền ấy rất lớn.  Ôi ngày ấy, sao tôi lại có thản nhiên đến thế để nhận lấy những cưu mang.   Cách đây mấy năm, tôi về thăm nhà, thấy mẹ già và gầy đi nhiều.    Mẹ cười nói:  “Nhà thì rộng, bố ở nhà trước, má ở nhà sau chẳng ai nói với ai câu nào”, và rồi vuốt nhẹ má tôi, mẹ nựng:  “Con giai tôi, con giai tôi đi hoài bỏ tôi vò võ một mình”.  Lúc ấy, tôi mới thấm thiá nỗi cô đơn của mẹ, thấm thía những nhọc nhằn không người chia xẻ, sống bên cạnh một người chồng trái tính, hai đứa con lại ở xa.  Hôm tôi rời Ðà lạt, mẹ bị ho và sốt.  Tôi đi chuyến xe sớm về Sài gòn để hôm sau bay về Mỹ.   Người lái xe ở  gần nhà tôi, xe chuyển bánh lúc hai giờ sáng.   Lúc xe chạy qua nhà để lấy chỗ quay đầu, trời mưa tầm tã.  Tôi nhìn thấy mẹ đứng trước cổng, dưới chiếc dù đen.  Tôi không ngờ mẹ đứng đấy, xe chạy qua một quãng, tôi quay đầu nhìn lại vẫn còn thấy bóng chiếc dù nhỏ dưới làn mưa, chao đảo vì những làn gió xoáy.   Tôi nghĩ  lần sau có dịp về, mình sẽ ở hẳn nhà với mẹ vài ngày để đưa mẹ đi chỗ nọ chỗ kia.   Không ngờ đấy là hình ảnh cuối cùng của mẹ, và chẳng bao giờ tôi còn được dịp săn sóc mẹ.

Khi về Mỹ, tôi gọi điện thoại về  nhà, lúc ấy đã gần năm giờ chiều Việt nam, cô bé phụ việc nói mẹ đang ngủ.  Tôi giật mình, vì ngay cả đêm mẹ cũng có bao giờ ngủ, bây giờ lại ngủ vào giờ đó.  Chắc mẹ bệnh, thế mà lúc nói chuyện với mẹ, mẹ cũng chỉ nói:  “Không má có sao đâu, nằm một tí ấy mà”.  Ðến lúc hỏi về thời tiết, mẹ bảo năm nay Ðà lạt lạnh lắm.  Tôi nghĩ mình sẽ để dành tiền mua một áo ấm gửi về cho mẹ.  Chỉ có một mơ ước ấy, mà tôi có dịp làm được đâu.

 Khi mẹ quyết định bỏ hết công việc qua Mỹ chơi, tôi mừng khấp khởi.  Nghĩ đã đến lúc đền bù cho mẹ.  Ngày mẹ qua, tôi đang bận học thi ra trường.  Các chú giữ mẹ ở Cali vài tuần.  Buổi chiều hôm ấy, đúng một tháng khi mẹ bước chân đến Mỹ, chú tôi cầm chiếc vé máy bay về cho mẹ để mẹ lên Virginia thăm tôi, thì mẹ tôi đã ngủ yên trong chiếc hồ bơi.   Trên bàn còn dở dang những lá thư viết cho bạn bè, cuốn vở viết các từ ngữ tiếng Anh mẹ đang tự học.  Có những chuyện tưởng như không thể nào xảy ra lại đã xảy ra.  Tôi bàng hoàng cùng các cô chú bay qua Cali.  Những tưởng ngày gặp mẹ là những nụ cười dòn tan tanh tách, ai ngờ đâu chỉ là mẹ nằm thiêm thiếp dưới chiếc khăn trắng, trong căn phòng lạnh lẽo của nhà quàng xác.  Những tưởng ngày gặp nhau được vòng tay ôm mẹ, được dắt mẹ đi chỗ nọ chỗ kia để thấy đôi mắt rực sáng và mẹ cười vui như con trẻ.   Ngờ đâu là lúc gặp nhau, mẹ đã nằm ngủ yên trong chiếc áo quan mầu nâu gụ.  Cô tôi nhìn mẹ và nói:  “Chưa bao giờ em thấy chị được ngủ một giấc say sưa như thế này”, và cô ưá hai hàng nước mắt.   Mọi người xung quanh cũng bật khóc theo.  Ðám ma mẹ, không ngờ lại đông đến thế.  Từ những người bạn học Nữ Hộ sinh thưở xa xưa, tới những người cùng làm chung trong bệnh viện, không gặp đã mấy chục năm nay.   Có những gia đình nguyên cả nhà là bệnh nhân của mẹ, họ tới viếng với những dòng nước mắt.  Rồi thư từ, điện thoại ở khắp nơi bủa về, đâu đâu cũng là những nhớ thương và những tiếng khóc.  Lúc ấy, tôi mới hiểu trong đời sống của mẹ, mẹ đã làm được những điều mà ít ai làm được.  Ðó là gây dựng được lòng thương yêu chân thật từ tất cả những người thân quen.  Tất cả mọi người, hình như đã gặp mẹ một lần là đã trở nên thật thân thiết và nhập vào quỹ đạo ngần ngật yêu thương của mẹ.    Tôi chợt nhận thức được mẹ đã sống với hết một tấm lòng, đem toàn tâm toàn ý lo cho tất cả mọi người, nên mẹ được nhiều thương quý đến thế.

 Tại sao, tại sao một con người sống tốt như thế lại chẳng được hưởng chút hạnh phúc an nhàn, tại sao mẹ lại ra đi chóng vánh như thế để không ai kịp đền bồi nhân nghĩa.  Tại sao mẹ lại dứt áo ra đi khi anh em tôi chưa kịp báo đền hiếu đễ.  Tại sao và tại sao.  Có phải vì đời sống là gồm những nghiệp và duyên.  Nghiệp của mẹ nặng quá nên kiếp này mẹ trả.  Hay tại vì mẹ quá tốt nên Phật đưa mẹ về cõi phước sớm.  

 Mẹ ơi, hôm nay tháng bảy, các chùa đã bắt đầu rộn rịp chào đón Vu lan.  Con thắp nén nhang lòng, rưng rưng hai hàng nước mắt.  Giá ngày xưa, chúng con đừng quá vô tình, chia xẻ bớt với mẹ những nhọc nhằn, quanh quẩn bên cạnh mẹ để mẹ được chút ít thảnh thơi.  Mẹ ơi, Vu lan bây giờ, cài lên ngực áo chiếc bông hồng trắng mà thèm chết được đó là mầu đỏ thương yêu.  Mẹ ơi, nhìn xung quanh thấy bạn bè đang còn mẹ mà con tủi thân muốn khóc.   Mẹ ơi, chúng con cầu xin nơi cõi Phật mẹ được thư thái an nhàn.  Mẹ ơi, chúng con đã may mắn được làm con của mẹ, dù thời gian ấy thật quá là ngắn ngủi.  Chẳng bao giờ con được hát câu “Mẹ già tóc bạc như sương”, chẳng bao giờ chúng con được chăm lo tuổi già cho mẹ.

 Hỡi các bạn đang còn mẹ, các bạn là những người sung sướng nhất.  Bất cứ lúc nào, nếu có dịp hãy tỏ hết những yêu thương dành cho mẹ.   Ðừng bao giờ đón nhận những yêu thương ấy với tấm lòng hờ hững, bởi vì sẽ đến một lúc nào, mẹ bạn cũng sẽ ra đi.  Lúc đó có muốn đền ơn nghĩa gì cũng đã là quá muộn.   Khi người mẹ đã ra đi, chúng ta mới nhận được rằng,trên đời này không ai yêu mình bằng mẹ mình.  Không ai có thể cùng chia xẻ với mình mọi niềm vui và nỗi buồn một cách toàn vẹn đến thế.  Không có ai có thể cho mình một nơi trú ẩn tuyệt vời đến thế.  Mẹ, cái tiếng gọi ngọt ngào thương yêu ấy vẫn vang mãi trong lòng tôi, để đêm đêm tôi gọi và ngỡ mẹ trở về đưa bàn tay khô ráp xoa nhẹ hai bên má.  Mẹ, bây giờ tôi mới hiểu thế nào là “Tôi biết tôi mất mẹ, là mất cả bầu trời” như câu thơ của thày Nhất Hạnh.  Mẹ, chẳng bao giờ tôi còn được ôm mẹ, chẳng bao giờ tôi còn được chọc cho mẹ cười hay ăn những món ăn của mẹ.  Mẹ, tôi muốn gọi mẹ hoài, gọi mẹ mãi dù vẫn đọc kinh cầu cho mẹ mau siêu thoát.   Các bạn ơi, nếu các bạn còn mẹ hãy ôm lấy mẹ các bạn đi, và hãy cầu nguyện để mẹ các bạn sống lâu, sống hoài với các bạn.   Hãy cài lên áo một bông hồng đỏ, hãy nhìn vào những cặp mắt u buồn của những người đang cài những bông hồng trắng để nhận biết rằng các bạn được may mắn biết bao nhiêu.

 Còn tôi ư...

            Nước mắt ngậm ngùi, lang thang trên con đường vắng

           Vài chiếc lá uá vàng hiu hắt rớt bên chân

           Ðường hắt hiu không mẹ đón bên nhà

           Mênh mang nhớ, mẹ ơi giờ xa lắm...          

 Kính lậy Phật tổ xin Ngài giúp cho hương hồn mẹ con mau siêu thoát. 

Thiên Hương
Vu Lan 2002,Viết theo tâm sự cháu tôi

                                                                

 

--- o0o ---

| Mục lục Tác giả |

--- o0o ---

 

Cập nhật ngày: 01-08-2002

 

Webmaster:quangduc@quangduc.com

Trở về Trang Vu Lan Báo Hiếu

Đầu trang

 

Biên tập nội dung: Tỳ kheo Thích Nguyên Tạng
Xin gởi bài mới và ý kiến đóng góp đến ban biên tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com