Tiếng Việt

Trang nhà Quảng Đức

   Tiếng Anh 

qd.jpg (8936 bytes)

Vu Lan Báo Hiếu


...... ... .


 

Ði Nhật với Thầy An Thiên

 Thiện Anh Lạc

---o0o---

 

 Cuộc đời đôi khi có những chuyện không ai ngờ được nhưng vẫn xảy ra thường nhật chứng tỏ rõ ràng là thế gian này không trường tồn mãi mãi ... Thầy An Thiên đã nhiều lần hứa với tôi là sẽ đưa tôi đi Kyoto hành hương cơ mà.....  Lời hứa ấy của thầy đã vĩnh viễn đi vào hư vô, quên lãng của một kiếp người....Nhưng dù sao đi nữa, tôi cũng được qua Nhật với Thầy một lần duy nhất.  

Vào trước mùa lễ Phục Sinh năm 1999, thầy đã điện thoại gọi tôi đi Nhật với thầy. Tôi đồng ý, hứa với Thầy tuy ngày giờ khởi hành thay đổi liên tục làm ảnh hưởng đến nhiều việc tôi dự tính nên tôi không thể ở lâu hơn như đã dự định. 

Phi cơ bay suốt đêm từ Uùc nên đến phi trường quốc tế Narita ở Tokyo vào sáng sớm ngày hôm sau. Phi trường này rộng, đẹp với nhiều cửa hàng thức ăn, công nghệ Nhật mang hai nền kiến trúc Ðịa Phương và Âu Tây. Làm xong mọi thủ tục qua hải quan và lấy hành lý, chúng tôi ra xe Bus thầy đã đặt sẳn để đưa chúng tôi về khách sạn.

Khách sạn này ở ngay trung tâm thành phố có tên là Shiba Park (Chi Bát), một khách sạn 4 sao có tầm vóc quốc tế, từ đây, có thể thấy được ngọn tháp Tokyo. Vì phái đoàn đến sớm quá nên khách sạn chưa có phòng trống, để tranh thủ thời gian, Thầy đề nghị gửi lại hành lý rồi đưa chúng tôi đi xem thắng cảnh gần đây.

Thầy có một trí nhớ siêu việt nên đưa chúng tôi đi qua vài khu phố để đến thăm chùa Tăng Thượng Minh Trị (Jojo-ji). Tuy nằm giữa thành phố, chùa vẫn mang một sắc thái thiền vị, yên tĩnh vì chiếm một khu đất khá rộng, xung quanh trồng nhiều hoa Anh Ðào, có vườn tược, cây kiểng, sân trước, sân sau ....Tôi ồ lên một tiếng lớn khi thấy cổng tam quan đồ sộ hiện ra trước mặt. Cổng làm bằng gỗ màu nâu, đã lên nước bóng, hình vòng cung, có nóc, chính giữa lớn hơn hai bên làm tôi chợt nhớ đến ý nghĩa của ba nghĩa không, vô tướng, vô tác ...Lối vào chùa này có một cổng lớn mang tên Chi Bát Ðại môn.

Bước vào trong sân chùa, cảnh còn đẹp hơn nữa làm cho người ta có một cảm giác thoát trần tục khi thấy những mái chùa cong vút đóng đầy rêu, đượm mùi phong trần tương phản với những cành hoa Anh Ðào hồng đậm vừa chớm nở đang vui mừng đón mùa xuân sang ....  Chim chóc hót líu lo, nô dởn ríu rít dưới ánh ban mai. Sân chùa rộng, bên phải có gác chuông, bên trái có lối vào một khu vườn nơi thờ đức Quán Thế Âm lộ thiên.  Vào sâu hơn, hai bên có những sạp nho nhỏ bán tràng hạt, chuỗi tay, hình tượng Phật, cộng thêm những thứ lặt vặt khác như nữ trang, quạt, bánh kẹo ... mà bất cứ một ngôi chùa nào ở xứ Á Châu đều có ... Ði xa hơn, bên hông chùa, có nhiều tro cốt của những em bé bị bố mẹ bỏ rơi, đựng trong những pho tượng tạc hình trẻ thơ, tay cầm chong chóng, đội mũ đỏ.  Sau chùa, còn có miếu thờ Thánh Ðức thái tử là vị đã cho phép Phật giáo được lưu truyền ở Nhật, lăng mộ của tướng quân Tokugawa.

Ngôi chánh điện chính toạ lạc trên một nơi khá cao, phía trước có một khoảnh sân rộng bày lễ đài tôn tượng thái tử Tất Ðạt Ða vừa mới đản sinh, đứng trên cao, chính giữa một bồn nước đầy hoa tươi, có gáo múc nước bằng tre để Phật tử làm lễ tắm Phật (mộc dục) . Vì người Nhật dùng ngày 8 tháng tư dương lịch là ngày lễ Phật Ðản, nên những ngày tháng tư hôm nay vẫn còn lễ. Nhích qua bên phải một chút, có nhiều dãy bàn chạy dọc theo sân để nước sôi, trà, ly nhựa cho khách thập phương dùng, đứng sau bàn là những vị tăng tiếp tục pha và mời trà. Nhạc nhè nhẹ trổi lên, phát ra từ những chiếc loa treo trên cây đượm thêm nét thiền vị nơi chốn già lam này. Bên trong chánh điện hơi tối, tượng Phật Thích Ca ở giữa, hai vị Bồ Tát Quan Âm, Ðịa Tạng hai bên, tràng phan bảo cái rũ xuống, ngoài cùng có hai chiếc trống, tất cả được ngăn lại bằng hàng rào gỗ.  

Trở về khách sạn nhận phòng, nghĩ ngơi xong. Ðến 2 giờ, chúng tôi theo Thầy đến hiệu cơm chay Bồ Ðề dùng trưa. Thầy giống như thiền sư Nhật nên ít nói, điềm đạm, nhã nhặn, tôi im lặng đi theo Thầy. Dùng cơm trưa xong, Thầy đưa tất cả lên xe điện ngầm (metro) ra thăm tháp Tokyo. Tháp dựng theo hình dáng tháp Eiffel của Pháp, nhưng thấp, nhỏ hơn, lại sơn màu đỏ cam trông loè loẹt, diêm dúa, thua xa tháp Eiffel cả ngày lẫn đêm. Lên trên cũng chẳng có gì đặc sắc ngoài những cửa kính ngó xuống thành phố, những gian hàng ăn uống, kỷ vật.  Mệt mỏi sau một ngày, Thầy và chúng tôi về nghỉ sớm.

Ngày thứ hai mới là ngày du lịch chính thức do hãng du lịch Sachi tổ chức. Ði viếng thăm thủ đô hiện nay của Nhật là Tokyo (Ðông Kinh) có 12 triệu dân. Xe chạy thật êm vì đường phố tốt, lướt qua những khu phố, nhà cửa san sát, chật hẹp nhưng rất gọn, sạch. Anh Ðào trồng khắp nơi đúng với tên xứ Hoa Ðào.

Trước tiên, xe đến đền thờ vua Minh Trị (Mejji), một ngôi đền về Thần Ðạo (Shinto Shrine), tôn giáo đặc thù của Nhật. Trước cửa có một cổng chính (tori), kiến trúc đặc biệt.  Ðền nằm sâu phía trong khu vườn rộng, có nhiều cây tùng, bách thật cao, xanh, lối đi trải sỏi trắng đưa đến một cổng (tori) khác trước khi vào đền. Chánh điện chính rộng lớn ở giữa, trên cao, ngó ra cổng, hai bên, toạ lạc hai ngôi đền nhỏ nằm thấp hơn gần sát mặt đất, chạy dài theo khu vườn với mái ngói cong, trần thấp. Bên hông đền chính có hai cây cổ thụ trên năm ngàn năm, mỗi thân cây treo tấm bảng ghim nhiều mảnh giấy viết tên những bịnh nhân cầu xin thần cây phù hộ cho họ hết bịnh. Ðền đài nhiều nhưng không vào được ngôi nào vì hôm ấy có lễ. Các tu sĩ mặc lễ phục Kimono màu trắng, đội mũ đen. Ngoài sân, có một hồ nhỏ, nước chảy vào từ một ống tre, bên trên có gáo tre để múc nước rửa chân tay cho sạch trước khi vào đền. Chẳng ai biết cả.

Hoàng cung nằm cách xa thành phố, giữa khu phố nhiều cao ốc, cạnh khuôn viên trải sỏi trắng, trồng nhiều cây tùng, bách thấp. Xung quanh, dưới đào hào sâu bao bọc (nghe nói  có cá sấu), trên xây tường thành kiên cố giữ an ninh.  Vì là ngày thứ sáu nên không vào thăm được, bên ngoài, cảnh cũng bình thường.

 Ðể nhiều thời gian đi thăm chùa Quán Âm (Sanso-ji, Asakusa) còn có lý hơn. Chùa lớn, có nhiều điện thờ và tu viện như một cư xá, xe hai bánh chạy qua lại dễ dàng xuyên qua hai khu thương mại. Chánh điện to, trên nền cao, trước cửa có treo một lồng đèn giấy khổng lồ, màu đỏ, vẽ chữ đen trên một vòng tròn trắng . Trong chánh điện, nơi thờ phượng có cảnh giới Tây Phương Cực Lạc, hai tượng đức Quán Thế Âm to, sơn vàng thật đẹp, từ bi đứng hai bên. Tràng phan bảo cái cũng rặc vàng ròng thật lộng lẩy rũ xuống, nhưng không đến gần được vì có rào cản, tất cả đều được lưới mắt cáo bao quanh làm kém vẽ trang nghiêm nơi thờ phượng. Tuy thế, tôi vẫn hoan hỉ, an lạc khi chiêm ngưỡng cảnh giới này. Ngoài sân tráng xi măng, rộng để nhiều cây kiểng. Rải rác quanh chùa có nhiều tượng như ba vị Phật Di Ðà, Dược Sư, Thích Ca, Bồ Tát Ðịa Tạng, Quán Âm, các vị tứ Thiên Vương, nhiều bảo tháp bảy tầng. Ðặc biệt nhất là có tượng mấy chú khỉ đang hướng về chánh điện lắng tai nghe kinh. Vào một nơi, ra một nẻo, ngõ ra hấp dẫn hơn ngõ vào vì nhìn thẳng ra một khu thương mại nhỏ, có lợp mái, hoa Anh Ðào khắp nơi, màu sắc sặc sở, vui mắt, lôi cuốn thị hiếu du khách bằng những bảng hiệu treo kèm với những chiếc lồng đèn. Hai bên đường, vô số gian hàng bán đủ thứ đồ thủ công nghệ mang nét đaàu7841?c thù quê hương từ hình tượng Phật, Bồ Tát đến búp bế đủ loại, gươm, đao, lồng đèn, bát đũa, áo Kimono, dép, mũ rơm ... ôi thôi không thiếu thứ chi. Chấm dứt lối vào "mê hồn trận" là một cổng lớn, cột sơn son đỏ treo một chiếc lồng đèn giấy khổng lồ với chữ "Lôi Môn" và bảng chữ "Kim Long Sơn".  

Thầy không ngớt theo dõi chúng tôi vì sợ lạc và cứ canh chừng, đi bên cạnh, lùa tôi đi thẳng, mỗi lần tôi ghé ngang, ghé dọc, quẹo trái, quẹo phải, Thầy cản lai, từ tốn nói với tôi: "Ði đi con, mấy thứ này mà xem mà mua làm gì cho tốn tiền"

Tôi tiu nghỉu, tuy sợ Thầy nhưng cũng cố len lén né Thầy, mỗi lần Thầy nhìn đi hướng khác để lại ghé vào mua sắm chút đỉnh cho bằng được. Mua sắm xong,  chúng tôi mới hả hê chịu đi đến ăn trưa tại một quán ăn thuần túy Nhật.

Ðến chiều, ra bến tàu để đi du thuyền, ngắm cảnh biển, hải cảng Tokyo, uống trà, cà phê ăn bánh ngọt theo đúng kiểu AÂu Tây. Tàu chạy gần hết một buổi chiều. Kể cũng lạ khi ngoài tháp Tokyo ra, Nhật còn có chiếc cầu treo như ở San Francisco, cao ốc hình trái cầu treo như ở Dallas ...

Trên đường về khách sạn, chúng tôi được đi ngang qua khu thương mại sang trọng nhất tại Tokyo có tên là Ginza, ngày xưa là nơi quy tụ của thợ kim hoàn.

Ðêm hôm ấy là đêm thứ sáu, tôi mệt quá nên không đi ra phố chơi với những người bạn trẻ. Hơn nữa, Thầy đã dặn tôi là phải về nghỉ ngơi sớm để lấy sức khoẻ ngày mai đi núi Phú Sĩ nên tôi phải y giáo phụng hành.

Sáng sớm, vừa thức dậy thì Thầy đã gọi điện thoại cho tôi dặn dò là phải mặc áo cho thật ấm vì hôm nay đi núi, đi hồ, lạnh lắm, dự đoán thời tiết cho biết tuyết sẽ rơi. Giọng thầy thật êm, nhẹ, ân cần, từ bi làm lòng tôi chợt ấm lại.

Núi Phú Sĩ cách xa Tokyo hơn trăm cây số, xe chạy ngang nhiều thôn quê vùng đồi núi cằn cỗi nên trồng trọt rất ít. Tuy vậy, dân quê vẫn khai thác đất đai trên núi triệt để để canh nông, khắp nơi được Anh Ðào tô điểm. Nhà cửa nhỏ, san sát nằm cạnh nhau. Ðưòng đi lên cao hẹp dần, ngằn nghoèo, khúc khuỷu, thỉnh thoảng điểm vài cây Anh Ðào đầy hoa vui mắt. Trước mặt, núi Phú Sĩ hiện rõ rệt với một màu trắng xoá trên đỉnh, cao sừng sững. Tuyết bắt đầu rơi từng hạt một, lên càng cao, càng nhiều hơn và nặng hạt. Bên đường, lưa thưa những rặng thông trụi lá, u buồn, lặng lẽ chịu đựng từng đợt tuyết đổ. Phú sĩ là ngọn núi lửa đã tắt hơn ba trăm năm nay, đường lên núi được chia làm nhiều tầng rõ rệt. Lên càng cao, tuyết rơi càng nhiều, cảnh vật trắng xoá, sau đó tuyết được thay thế bằng nước đá bào ...đổ như mưa, đường đi ướt át, trơn trợt, nguy hiểm. Ðến tầng thứ năm, xe không đi được nữa vì có bảng cấm trước mặt ở độ cao 2020 m so với đỉnh là 2337 m. Xe tấp vào một cửa hiệu để cho hành khách thư dãûn, thoải mái mua sắm, uống trà mặc dù ngoài trời, mưa đá bắt đầu đổ đều đặn.

Chúng tôi không được ở lâu vì có thể bị kẹt luôn trên này. Thầy đã hối hả dục ra xe sau khi ở đây được 20 phút.  Tôi muốn mua vài thứ làm quà nhưng Thầy đứng gần, Thầy cản tôi mua vì ở đây họ bán đắt lắm, Thầy hứa sẽ đưa chúng tôi đến một nơi bán đồ rẻ hơn. Thầy phải thương Phật tử mới nhọc lòng như vậy. Tuy nhiên, chúng tôi cũng mua một số hàng, vì thấy chủ tiệm niềm nở cho chúng tôi uống trà miễn phí, dùng phòng vệ sinh, sưởi ấm, lại tặng quà nho nhỏ cho mỗi người, thì đi ra tay không sao đành tuy giá cả ở đây gấp đôi nơi khác. Xe chúng tôi là chiếc cuối cùng lên tầng thứ năm của núi Phú Sĩ sáng nay, đường lên núi đã đóng cửa. Ðặc biệt nơi đây, tôi mua được một bức tượng thật ăn ý, với ba chú khỉ, một bịt cả hai mắt, một bịt kín miệng nhưng một bịt có một tai. Thầy thấy thế, cười trêu tôi:"Còn để dành làm gì lổ tai bên kia vậy con?". À, thì ra Thầy đãbiết tôi hết rồi, tôi lủi đi mất, tránh Thầy ...Bên ngoài, có nhiều thanh niên trượt tuyết dọc theo sườn núi. Xe đổ xuống núi, nhìn ra bên ngoài, tôi thấy có quá nhiều khỉ từ trong rừng ra đường kiếm ăn.  Thầy kêu tôi để chỉ mấy chú khỉ với một hàm ý khác, tôi hiểu ý thầy, tôi cười, thầy cũng cười cảm thông vì trên xe thật ồn ào. Sau đó, Thầy đã dịch một cuốn sách của Thiền Sư Ðạo Nguyên (Dogen) để giảng một thời pháp về vô thường, những khổ não trên đời thì cả xe im lặng "hùng tráng", nhưng cũng có người thiu thiu.

Xuống núi, chúng tôi đi ăn trưa. Dùng bữa trưa xong, chúng tôi viếng tháp Xá Lợi tại Phú Sĩ và chùa Diệu Pháp thờ Ngài Nhật Liên thánh nhân và chỉ niệm có một câu "Nam Mô Diệu Pháp Liên Hoa kinh". Cổng tam quan cao, xây bằng xi măng sơn trắng uốn éo nhiều hình vòng cung, phù điêu chạm trổ nổi. Hai bên cột viết hai hàng chữ  " Phú Sĩ Xá Lợi tháp" và " Diệu Pháp tự" màu đen, đứng uy nguy trên cao, nổi bật trên màu xanh của cỏ, cây, lá ...bên cạnh có một tấm bảng khác ghi "Công viên hoà bình". Tháp nằm trên một khu đất cao như đồi núi, đường đi vào trải sỏi trắng, hai bên có hai hàng trụ đèn bằng đá, mỗi chiếc đều khắc tên các vị Phật, Bồ Tát và A La hán. Vườn có nhiều cây màu sắc khác nhau như cam, vàng, trắng, xanh lá cây, lá mạ. Những chiếc lá này được tỉa thành từng cụm tròn rất mỹ thuật theo lối thiền tông, quanh vườn có những tảng đá xám quanh bờ hồ, ngọn suối, lối đi trải sỏi trắng, có nhiều tháp nhỏ dựng rải rác. Tháp hình bán cầu, cao, màu trắng, trên đỉnh tháp có một tháp nhỏ cao vút chứa  xá lợi Phật Thích Ca. Bốn phía đều có tượng ngài ở bốn nơi chính từ khi ngài sinh ra cho đến khi nhập diệt, tượng thếp vàng óng ả. Mưa to quá nên Thầy hối ra xe để còn đi ngắm cảnh hồ Ashimoko. Như có một sức hấp dẫn, tôi chạy nhanh xuống chùa Diệu Pháp lạy Phật, chánh điện nhỏ nhưng thật trang nghiêm, thanh tịnh làm tôi không muốn lui gót. Chánh điện thờ đức Bổn Sư vànhiều Bồ Tát, có cả hình chư Tổ. Bốn bên có bốn thiên vương, tất cả thếp vàng.  Sau đó, tôi làm lễ tắm Phật ở trước cửa chùa bằng cách múc một gáo nước, rồi chân thành, kính cẩn niệm phật rồi đọc kệ tắm Phật khi xối lên tượng thái tử Tất Ðạt Ða vừa đản sinh.

Trời vẫn mưa đều khi đến trạm xe treo Hakone Komagatake để lên núi ngắm cảnh. Ðỉnh này là nơi lý tưởng để ngắm toàn cảnh nơi đây như núi Phú Sĩ, Sagani, vịnh Suruga và bảy ngọn đảo Izu.  Ðứng bên cạnh, Thầy ân cần hỏi nhỏ tôi:"Con có sợ không ?". Tôi hỏi lại:"Sợ gì cơ ạ?". Thầy:"Sợ đi xe treo?". Tôi trả lời Thầy:"Dạ không, còn Thầy ạ?", Thầy:"hưưư`mm".  Bản tính nghịch ngợm của tôi lại nổi lên, tôi trêu Thầy:"Nếu xe có rớt xuống vực thẳm, con sẽ nắm ngay áo Thầy mà theo Thầy về cõi Tịnh Ðộ, lo gì ạ, đời người, ai cũng chỉ có một lần đó thôi". Thầy nghiêm nghị quở:"Aên nói tầm xàm, bá láp, niệm Phật đi con". Tôi chợt thương thầy quá đỗi vì Thầy sợ mà buộc lòng phải đi. Lên núi mưa và lạnh quá nên lại rút vào hàng quán ... uống trà cho ấm lòng ....

Lên núi rồi thì phải xuống hồ bằng chiếc du thuyền trôi lặng lẽ trên mặt hồ Ashimoko đen kịt dưới trời mưa lất phất, sương mù dày đặc, mây trôi lờ lững, đồi núi đượm một màu xám ngắt trông thật hãi hùng giữa thiên nhiên, thế mà trên mặt hồ, có nhiều chiếc thuyền nhỏ, thuyền thúng của ngư phủ vẫn êm ả lướt sóng . Trên đường về đến khách sạn, thành phố đã lên đèn, chúng tôi được đi xem tháp Tokyo vào ban đêm, đèn pha rọi lên làm tháp đỏ rực như một ánh đuốc, Thầy chỉ thêm cho tôi những nơi quan trọng để thu ảnh ....

Ngày thứ ba, đi Nikko (Nhật Quang), trời còn mưa lớn hơn hôm trước, lần nào tôi đi hành hương với Thầy cũng mưa to như thế. Nơi đây là một cao nguyên, phong cảnh đẹp. Trước tiên, đi viếng thăm chùa Kotoshogu (Ðại Luân Vương), chùa rộng, có hai mái màu xám đậm, tường sơn màu đỏ cam, xung quanh có bao lơn bao bọc sơn cùng màu. Trước cửa chánh điện có một lầu chuông lớn. Vườn thật lớn trồng nhiều cây cao có lá đủ màu, có hồ nước với chiếc cầu bắc ngang và nhiều ngọn tháp nằm khắp nơi. Tôi mãi mê thu hình nên trễ giờ vào chánh điện lễ Phật, thế màThầy vẫn kín đáo chờ tôi bên ngoài vì sợ tôi lạc. Mưa to quá nên ai cũng ngán đi, tuy nhiên, chúng tôi cũng phải đi cho đủ chỗ theo chương trình.  Rời chùa, đi thăm đền thờ Tokugawa và những nơi khác trong đền. Nơi đây rộng mênh mông đi mấy ngày cũng chưa hết. Hầu hết đền đài sơn màu cam, mái màu xám đậm, gần như đen, dưới mái có phù điêu tạc nhiều hình tượng thếp vàng, ba màu tương phản nổi bật trên nền đá xám, cạnh những cây cổ thụ ngàn năm cành lá xanh mướt, thân nâu gụ. Còn lại nhiều đền đài đặc biệt toàn bằng gỗ quí từ mái ngói đến tường vách lên nước bóng loáng.  Ðiểm đáng chú ý là phù điêu chạm hình ba con khỉ, một bịt hai mắt, một bịt hai tai và một bịt miệng bằng cả hai tay. Thầy giảng đó là một công án thiền của người Nhật, nên họ ít nói cũng vì thế. Ít nói để biết canh giữ tai, miệng, mắt,  đừng để chúng buông lung, thất niệm hầu mang phiền não vào tâm. Những đền thờ này xem như những nơi thiêng liêng, đặc thù tính cách thần giáo Nhật Bổn như thờ thần Nantai ở núi Nantai, vẫn còn lưu truyền, hành đạo đến nay.

Rời đền thờ, chúng tôi đi ăn trưa tại khách sạn Nikko rồi thăm thác Long Ðầu. Nơi đây, đặc biệt có những cây trúc, thấp bé, mọc dài dài theo triền tháp, mùa đông trở nên vàng úa nên được gọi là cỏ trúc. Thác này uốn khúc giống như đầu một con rồng nên có tên này. Chúng tôi đi thăm từ trên cao xuống rồi ra xe xe cho đỡ mỏi chân. Thác thứ hai có tên là Hoa Nghiêm. Thác chảy từ một hồ nước trên núi Nantai. Thác cao đến 300 m, chúng tôi phải đi xuống đến 100 m để ngắm thác. Thác thật to, nước đổ ồ ạt từ trên cao xuống, sủi bọt trắng xoá,  rải rác trên sườn núi đen tuyền, còn sót lại nhiều cụm tuyết trắng như bông. Sườn núi bị nước bào mòn từng bậc, trơ trọi, nhẵn thín đến tang thương, tôi nhớ đến câu:"Trăm năm bia đá thì mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ" . Thỉnh thoảng, tôi lại bị vài tia nước bắn tung toé vào mặt, lạnh buốt, phong cảnh hùng vĩ quá làm người xem hơi sợ, vì nhìn lên không thấy núi, nhìn xuống vực thẳâm sâu hun hút, đang mải mê thu ảnh thì Thầy gọi tôi vào trong vì trời chợt đổ mưa và Thầy sợ tôi ngã chúi xuống vực khi thu ảnh thì nguy...

Lên đến mặt đường, Thầy đề nghị vào quán uống ly trà cho ấm, chúng tôi đồng ý, có vị đói bụng, còn mua cả thức ăn dùng luôn, cơm trắng ở đây rất đắt. Ơû Nhật, tiệm trà có khắp nơi như quán cà phê ở Việt Nam.

Về đến thành phố, bọn trẻ chúng tôi xin phép Thầy cho chúng tôi xuống phố. Ðó là một khu phố bán toàn đồ điện, đèn thắp sáng rực, chớp chớp đủ màu sắc đến hoa cả mắt. Ðói bụng, đi tìm quán ăn không ra vì người Nhật ít ai nói tiếng Anh. Chúng tôi đành đi ăn mì 'nhà ga' vậy, một quán mì không cần "truyền đạt ngôn ngữ". Chúng tôi chỉ đến một cái máy bán hàng, nhìn vào hình chụp, thấy tô mì nào hấp dẫn nhất thì chọn, bỏ tiền vào máy, nhấn nút lấy phiếu, và tiền thối nếu bỏ dư. Mang phiếu ra quày đưa cho đầu bếp, đứng chờ, đầu bếp nấu xong đưa tô mì ra cho mình, thế là xong. Nước uống ư ? Có cả bình nước suối miễn phí. Thế mà lại ngon, rẻ, tiện lợi. Aên xong, cửa hàng cũng đóng vì hôm nay là tối chủ nhật, họ đóng cửa 8 giờ, chúng tôi đành lủi thủi đón xe điện về.

Sáng thứ hai, phái đoàn đi Kiếm Thương (Kamakura) tự túc, đây là một ngày lý tưởng nhất vì đi được nhiều chùa, thế mà ban tổ chức cũng gài vào một mục đi thăm viếng đền thờ Thần Xa.  Ðây là vùng lịch sử nổi tiếng, ngày xưa là thủ phủ như Tokyo. Cảnh đập vào mắt tôi trước tiên là các vị tăng mặc áo đen, đội nón lá đi chặm rải dọc theo con lộ chính. Thầy cho biết là các ngài đi khất thực.

Ðầu tiên, đi thăm chùa Kiến Trường (Kencho-ji), xếp hạng nhất trong năm ngôi thiền tự tại nơi đây, xưa nhất tại Nhật. Chùa có đến mười ngôi đền phụ như tổng môn, cổng chính, đền chuông, đỗ tùng, điện Phật, Pháp đường, điện chính, ao chữ tâm, cấm điện, tu viện. Nhưng không đi hết được vì rộng quá, vườn chùa Nhật  dường như có một kiểu tỉa xén thành những cụm tròn trịa trên cành, hoa Anh Ðào nở khắp nơi. Những điện thờ làm bằng gỗ, cao hai ba tầng, đồ sộ, lên nước bóng loáng. Hình tượng đức Ðịa Tạng to lớn, đã loang lổ theo thời gian, chung quang điện thờ có rất nhiều tượng gỗ nhỏ hơn. Cuối cùng, chúng tôi đến một thiền đường rộng rãi, khoảng khoát bên trong thờ đức Bổn Sư, ngoài vườn, sân trải sỏi trắng, có tượng đức Quán Thế Âm, nơi đây trồng nhiều loại hoa hiếm quí, có màu trắng xen bên cạnh những cành hoa Anh Ðào nở rộ khiến tâm hồn thật tươi mát, thanh thản, thoát tục.

Viếng chùa Viên Giác trên ngọn đồi, chúng tôi phải leo từ những bậc thang  cao từ lộ dẫn vào. Tên chùa được dựa theo kinh Viên Giác trong hộp đá được tìm thấy khi đào, xới đất cất chùa. Vườn chùa để tự nhiên nên tôi không thấy những cụm lá tròn, trồng nhiều nhất là tre, trúc. Chùa có một hồ lớn nuôi nhiều rùa.  Có những điện thờ cất toàn bằng tre, một điện thờ khác, đặc biệt mái lợp rơm, vẫn được giữ y nguyên như một báu vật. Toạ lạc giữa nơi yên tĩnh như cảnh bồng lai, dễ đến từ Tokyo, chùa mang lại an lạc cho du khách. Có nhiều khoá tu thiền mở vào mùa hạ. Chùa gồm có Cổng chính, đền thờ, tuyển Phật đường, thiền đường cho cư sĩ, phương trượng, một trăm hình/tượng đức Quán Âm, đền thờ xá lợi răng Phật, lăng mộ của ngài Tokimune Hojo, động nai trắng, chùa Mai vàng, đền chuông. Tôi chỉ đi phơn phớt bên ngoài vì bị Thầy hối thúc một bên, nhưng cũng cố đi để lạy cho bằng được 100 hình tượng đức Quán Thế Âm thật đặc biệt này mới vui. 

Kamakura là thành phố còn nhiều di tích lịch sử, ngay cả những ngôi nhà, cửa hàng, tiệm ăn vẫn còn giữ nguyên nét thuần túy Nhật làm du khách mê mẩn.  Khu phố chính tại đây, chạy dài theo hai bên đường, ở giữa có một bãi cỏ chừng hai thước chiều ngang trồng đầy hoa Anh Ðào, trên mỗi cành Ðào vô số lồng đèn giấy màu đỏ sậm treo lủng lẳng vui mắt. Cửa hàng bán đủ thứ toạ lạc hai bên đường. Người Nhật có biệt tài về thủ công, khéo léo biến những tấm giấy thành nhiều thứ khác nhau để bán cho du khách, các cô bán hàng mặc đủ thứ kiều Kimono thật duyên dáng. Những khu phố phụ, cây hai bên đường, những chiếc lá đều được tỉa thành những cụm tròn, xinh xắn nằm gọn trên cành. Buổi ăn trưa cuối cùng bên nhau, chúng tôi giả làm "vua chúa" để ăn bữa ăn cầu kỳ, "nhẹ bụng". Mỗi phần thức ăn đựng trong 1 hộp sơn mài như hộp đựng nữ trang đồ cưới, một bát súp miso lỏng le, lơ thơ vài cọng rong biển. Bên trong thức ăn toàn là bột, đậu phụ và bột được biến chế thành những thứ hoa lá màu sắc rực rở. Ðẹp nhưng không ngon, thiếu cơm nên ăn còn đói. Ngồi trên 1 chiếc gối xẹp, vuông vức, bàn thấp chủm, toàn phòng ăn đều trải chiếu.  Thầy dạy chúng tôi ăn thật chậm, nhai cho kỹ để thưởng thức, nhưng cả đoàn đều bị khu phố chính quyến rũ để mua quà hơn là ngồi đây nhâm nhi từng món một, chúng tôi không có cung cách làm vua chúa ở cuối thế kỷ 20 nên ăn nhanh, rút gọn.

Thần Xã cũng giống như đình làng vậy thuộc về Thần Ðạo thờ nhiều vị Thần khác nhau. Chiếm một khu đất khá rộng, trồng nhiều hoa Anh Ðào, có cầu bắc ngang hồ in bóng liễu rủ, có những bụi tre, bụi trúc, thỉnh thoảng lại thấy những tờ giấy trắng viết chữ đen bay phất trới trên dây treo trên hai cành cây như những lá cờ nhỏ. Toàn bộ đền đài ở Thần Xã gần như sơn màu đỏ cam, kể cả những chiếc cầu. Nơi đây nói lên một phần văn hoá Nhật, giống như một ngôi làng có nhiều đền với những kiến trúc khác nhau qua từng triều đại. Từ những hàng rào đan bằng tre, đến bằng cây tươi ... Ðạc biệt nơi đây có cây Ða cổ, thật to đến độ rễ bện thành dây thừng rủ xuống làm phương tiện cho bày khỉ đánh đu, vì hang khỉ nằm ngay trên thân Ða. Trên đồi, nhìn xuống là khu thương mại của thành phố, nơi đây có rất nhiều đền đài. Trong một đền có tượng đức Quán Thế Âm cao 19 m tạc bằng gỗ Long não, một đền khác trưng bày những chiếc kiệu vẫn còn lộng lẫy của các vị Vua, các Sứ Quân thời xưa. Sau đó, tôi vào nghỉ chân ở một nhà uống trà, trà cho miễn phí, các cô gái Nhật tóc bới cao, duyên dáng trong chiếc áo Kimono, mang guốc, đi thật chậm rải, khoan thai bưng trà.

Ði thăm chùa Trường Cốc Quan Âm trên đồi cao xoa dịu hẳn những mệt nhọc và hơi nóng ở Thần Xã.  Kiến trúc mới, cổng tam quan bằng gỗ, bên ngoài có thờ hai vị Bồ Tát Quán Âm và Ðịa Tạng, vườn cảnh chùa trang trí phong nhã, trồng nhiều cây có lá màu khác nhau, hồ có hòn non bộ, tháp, đá quí, cây cảnh, nước dẫn đến bằng những ống tre lớn. Chùa có vô số tháp nhỏ ở mọi nơi, còn có một hang động ở dưới đất. Lên dần trên núi được đục đẻo thành những bậc thang xinh xắn dẫn lên chánh điện chính. Dọc theo những bậc thang, ngừng lại giữa đường có hằng hà sa số tượng đức Ðịa Tạng nhỏ đứng từng hàng, và một tượng lớn đứng trên. Ngoài ra, còn có một điện thờ Ngài, tượng nhỏ, thếp vàng, một tay cầm châu sáng (tròn vìn), một tay cầm tích trượng (để dộng tan cửa ngục). Ðến lưng chừng đồi là khoảnh sân rộng, nhìn xuống cả thành phố Kamakura. Nơi đây có nhiều điện nhỏ, một gác chuông, bên ngoài, trồng nhiều loại cây tùng, bách, lá tỉa xén tròn trịa, ghọn ghẽ như những nơi khác, cạnh những cây Anh Ðào đang nở rộ. Hai màu tươi và sậm tương phản nhau cho tôi một ý niệm về sống và chết của một đời người. Tôi đi qua những điện thờ đức Quán Thế Âm, Ðịa Tạng Vương, Tứ Thiên Vương, một điện khác hơi lạ, như bảo tàng viện, chính giữa có chùa một cột, xung quanh bày tủ kính chứa những tượng phật cổ, tạc bằng gỗ quí, kiến trúc mới, tường trắng, mái đen.

Rời chùa còn sớm, chúng tôi đi thăm tượng Phật A Di Ðà lớn (Daibutsu), nổi tiếng nhất thế giơí vào nhiều thế kỷ qua. Cổng vào có thờ hai vị bồ tát Quán Thế Âm, Ðịa Tạng Vương, cảnh vườn thật tươm tất với nhiều cây tùng bách được cắt tỉa công phu. Vào sâu bên trong, nằm giữa vườn, tượng được an vị trên một nền đất cao, có nhiều bậc thang, bốn bề trồng nhiều cây kiểng, không thiếu hoa Anh Ðào. Theo tôi thấy thì tượng này hơi buồn vì gương mặt ủ rũ ngó xuống trong tư thế ngồi thiền, có lẽ vì trải qua bao phong sương tuế nguyệt. Tượng bằng đồng, màu xanh, loang lổ vì dãi dầu mưa nắng nhiều thế kỷ. Cao 30 m, nặng đến 121 tấn, được đúc vào năm 1252 bởi hai điêu khắc sư Ono-Goroemon và Tanji-Hisatomo. Tượng rỗng ruột nên du khách vào được bên trong. Tôi không đồng ý là cho du khách leo lên cao đến đầu đức Phật vì lòng tôn kính thì chợt nghe Thầy dặn:"Tụi con vào trong thôi nhé, đừng leo lên cao", tôi giật mình. Bên trong, tối om, chẳng có gì cả, đường đi lên được ngăn lại ...tốt, tốt, tốt thật ... Nhìn tượng Phật, tôi chợt thấy mình có phước duyên lớn để đến đây chiêm bái bằng mắt thịt. Ngày xưakhi còn bé ở quê nhà, tôi đã thấy Ngài và núi Phú Sĩ qua những tấm lịch in Phong cảnh Nhật. Chưa bao giơ dám mơ ước được thấy Ngài qua hiện thực. Thế rồi gần hơn nữa, tôi được thấy Ngài qua tấm "postal card" của cậu tôi gửi về Việt Nam khi sang Nhật tu nghiệp. Chỉ có thế thôi, mà nay mộng ước đã đạt thành sự thật nhờ Thầy An Thiên. Bước đến gần Thầy, tôi ấp úng thưa gửi:"Kính bạch, nhờ có Thầy mà con được thấy chân dùng Ngài, được đảnh lễ Ngài ngay tại đây ...Con xin cám ơn Thầy đã đưa con đi đến nơi này". Thầy ngơ ngác, không hiểu sao tôi lại trịnh trọng nói như thế, nên vội quay đi mà trả lời:"Có gì đâu Con, Con đi đây là cũng giúp cho Thầy mà". Tôi biết Thầy không hiểu tâm tư tôi lúc ấy đâu, tôi cũng không cần giải thích để làm gì. Daibutsu làm cho dân Nhật hãnh diện một thời gian khá lâu như pho tượng lớn nhất thế giới này, tôi thấy là tượng đẹp nhất vì nét cổ.

Tối hôm ấy, về đến Tokyo, tôi và những vị Phật tử khác đi ăn tối với Thầy ở một quán ăn bình dân do Thầy đưa đến. Ðược ngồi chung bàn với Thầy nhưng tôi sợ vô lễ nên "tẩu vi thượng sách". Thầy không vui, mệt nên về nghỉ sớm.

Ngày cuối tại đây, Thầy có ý định đưa đi thăm một ngôi chùa nữa, tôi cũng muốn thế, nhưng hầu hết đều muốn đi mua sắm tại các cửa hàng nên Thầy chiều ý. Chúng tôi theo Thầy đi thăm khu Akihabana Electric Town bằng xe điện. Nơi đây bán đủ thứ hàng, nhưng hàng chính vẫn là đồ điện đủ thứ từ to đến nhỏ. Nơi đây tấp nập du khách lẫn người địa phương, cửa hàng nào cũng đến ba bốn từng lầu đầy hàng hoá. Khí hậu thì nóng, đầy bụi bặm và khói xe, người đi tấp nập nên tôi bắt chóng mặt, hoa mắt, chẳng mua bán gì được, chỉ đi tìm chỗ nghỉ chân liên tục. Thầy thấy tôi bết quá nên cười từ bi mà an ủi:"Con mệt rồi hả? Sao dở vậy? Thôi ráng chút xíu nữa rồi về khách sạn nghỉ nha con".

 Về đến khách sạn, Thầy đưa chúng tôi lên xe ra phi trường, Thầy không đi với chúng tôi vì có công việc chiều nay. Ở phi trường cả một buổi chiều, chờ mãi đến khuya, chúng tôi mới lên phi cơ về lại Uùc. Ai nấy đều tiếc nuối không gia hạn được vé máy bay ở thêm vài ngày như tôi đã dự định trước với Thầy nhưng cũng không thành tựu theo ước muốn vì "nhân duyên chỉ có chừng ấy". 

Cảnh cũ còn đấy, người xưa đâu rồi?  Tôi vẫn còn nghe văng vẳng đâu đây lời Thầy An Thiên kết luận trên đường xuống núi Phú Sĩ: "Vô thường bị chi phối chỉ có với những người không biết tu hành và không có với những người từ tâm, niệm thanh tịnh, làm điều lợi ích cho người và cho mình. Cho dù thân xác này có tan rã, vô thường, trở về vạn vật, nhưng tâm linh chúng ta, giá trị vĩnh cửu vẫn còn mãi như  ngài Vạn Hạnh Thiền Sư, Lý Công Uẩn, Tuệ Trung Thượng Sỹ, Pháp Thuận thiền sư ... là những vị vẫn còn sống mãi trong mỗi chúng ta."

Thế thì Thầy vẫn còn sống mãi trong tâm tôi. Vì Thầy có cả một đời sống tu hành đạo đức, thế thì Thầy sẽ không bao giờ bị luật vô thường chi phối nữa đâu.

 Mùa Vu Lan 2002     

 

--- o0o ---

| Mục lục Tác giả |

--- o0o ---


 

Trình bày: Nhị Tường

Cập nhật ngày: 01-08-2002

 

Webmaster:quangduc@quangduc.com

Trở về Trang Vu Lan Báo Hiếu

Đầu trang

 

Biên tập nội dung: Tỳ kheo Thích Nguyên Tạng
Xin gởi bài mới và ý kiến đóng góp đến ban biên tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com