Trang tiếng Việt

 Trang Nhà Quảng Đức

Trang tiếng Anh

Thơ Văn Phật Giáo


...... ... .

 
 

«Câu chuyện dòng sông »
và câu chuyện của NXB Hội Nhà Văn

---o0o---

Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam đã… văn

Việt Lang

 

I.
Hiện tôi có trong tay ba ấn bản của tác phẩm Câu chuyện của dòng sông. Trong số này có hai bản của Nhà xuất bản Hội Nhà văn (NXBHNV) và một bản của Nhà xuất bản Lá Bối [1].

Tôi đã xem kỹ các ấn bản của NXBHNV, có một số ghi nhận như sau:
1/ Ấn bản lần thứ 1 năm 1992 của NXBHNV, người chịu trách nhiệm xuất bản là Nguyễn Kiên, do Chi nhánh miền Nam thực hiện. Tôi đã rà soát kỹ ấn bản dày 245 trang này, từ trang đầu đến trang cuối, bản in không hề ghi bất kỳ tên dịch giả nào.
2/ Ấn bản lần thứ thứ 2 năm 2001 của NXBHNV, người chịu trách nhiệm xuất bản là Nguyễn Phan Hách. Nơi phát hành là Nhà sách Quang Minh, đường Nguyễn Thị Minh Khai, Sài Gòn. Ấn bản này dày 234 trang. Ở trang bìa và trang ruột đầu bản in không hề ghi tên dịch giả; tên dịch giả Bùi Giáng được để ở trang cuối cùng (tr. 234), chung phấn với tên người chịu trách nhiệm xuất bản.

3/ Trong cả hai ấn bản của NXBHNV, bài giới thiệu với tựa Hermann Hesse, người thắp lửa tâm linh, ở ngay phần đầu quyển sách đều đứng tên Nhật Chiêu [2] . Bài giới thiệu này dài khoảng 28 trang, tùy bản in lần 1 hay 2.

Tựa trang bìa cả hai ấn bản của NXBHNV đều là Câu chuyện dòng sông, đến khi vào trang ruột đầu tiên thì cái tựa ấy thành Câu chuyện của dòng sông. Bản in có khổ 13 x 19 cm.

Đây là các điểm khác và giống nhau của hai (02) bản in của NXBHNV, ngoài ra toàn bộ phần truyện trong hai bản in này thì hoàn toàn giống nhau. Để tiện theo dõi, từ đoạn này trờ đi tôi gọi chung là bản in của NXBHNV.

II. Tôi cũng đã xem bản in của Nhà xuất bản Lá Bối trước đây, có vài ghi nhận như sau:

1.                   Đây là bản in lần 1 của Nhà xuất bản Lá Bối, năm 1965, ấn quán Sen Vàng, 243 Sư Vạn Hạnh – Cholon.

2.                   Tựa cuốn sách là Câu chuyện của dòng sông, phần tên của dịch giả có ghi ngay ở trang bìa và trang ruột 1, với nguyên văn như sau: “Bản dịch của Phùng Khánh và Phùng Thăng”.

3.                   Lời nói đầu là của Nhà xuất bản Lá Bối.

III.
Xét cụ thể, hai ấn bản của Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Lá Bối có khá nhiều điểm khác nhau về: nhà xuất bản, năm xuất bản, khổ giấy, tên dịch giả và tựa tác phẩm (có “của” và không có “của”). Hai bản in này chỉ giống nhau có mỗi một điểm: toàn bộ nội dung bản dịch Việt ngữ tác phẩm Siddharta của Hermann Hesse của các dịch giả PhùngKhánhvàPhùngThăng. Tôi xin chép lại vài dòng đầu của chương một “Tất Đạt”, như sau: Bản in của Nhà xuất bản Lá Bối:

Cạnh những con thuyền, dưới ánh nắng ven sông, trong bóng cây cổ thụ và trong khu rừng vàng nhạt, Tất Đạt, người con trai Bà La Môn dĩnh ngộ ấy đang lớn lên cùng bạn chàng là Thiện Hữu. Nắng nhuộm màu “bồ quân” đôi vai thon đẹp khi chàng tắm lễ “thánh tẩy”.

Bản in của NXBHNV:

Cạnh những con thuyền, dưới ánh nắng ven sông, trong bóng cây cổ thụ và trong khu rừng vàng nhạt, Tất Đạt, người con trai Bà La Môn dĩnh ngộ ấy đang lớn lên cùng bạn chàng là Thiện Hữu. Nắng nhuộm màu “bồ quân” đôi vai thon đẹp khi chàng tắm lễ “thánh tẩy”.

Vài dòng cuối cùng của chương chót, chương mười hai “Thiện Hữu”:

Bản in Nhà xuất bản Lá Bối:

Thiện Hữu cúi thấp. Những giọt nước mắt khôn ngăn rỉ xuống gương mặt già nua. Chàng thấy tràn ngập một cảm giác yêu thương lớn rộng, tràn ngập niềm kính cẩn. Chàng phủ phục quì trước con người đang ngồi bất động, mà nụ cười nhắc chàng nhớ đến mọi sự chàng đã từng yêu thương trong cuộc sống, mọi giá trị và thánh thiện trong đời chàng.

Bản in của NXBHNV:

Thiện Hữu cúi thấp. Những giọt nước mắt khôn ngăn rỉ xuống gương mặt già nua. Chàng thấy tràn ngập một cảm giác yêu thương lớn rộng, tràn ngập niềm kính cẩn. Chàng phủ phục quì trước con người đang ngồi bất động, mà nụ cười nhắc chàng nhớ đến mọi sự chàng đã từng yêu thương trong cuộc sống, mọi giá trị và thánh thiện trong đời chàng.

Không chừng có độc giả sẽ hỏi tôi rằng, chỉ với hai đoạn đầu tiên và cuối cùng mà dám khẳng định là hai bản in này hoàn toàn giống nhau, liệu như vậy là có vội vã chăng? – Xin thưa rằng, hai bản in này dẫu được thực hiện cách nhau 27/36 năm (tuỳ năm xuất bản lần 1 hay 2 của NXBHNV), song chúng lại giống nhau cách dị thường đến từng dấu chấm (.) và dấu phẩy (,) !!! Do đó, tôi không thể chép toàn bộ hơn 200 trang giấy lên đây – trong khi phần việc để đối chứng sau đó thì quá đơn giản: copy lại. Như thế là các vị của Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam, cụ thể là hai ông Nguyễn Kiên và Nguyễn Phan Hách đã làm cái trò gì vậy? Các vị thuộc Hội Nhà văn, nhưng các vị đã …văn; còn cái chữ trong ba dấu chấm (…) trước chữ văn là chữ gì thì xin các vị hãy tự điền thêm vào. Tại thời điểm này, tôi xin phép khẳng định rằng: các vị ấy đã dụng văn một cách không có đạo lý. Này những người của Nhà xuất bản Hội Nhà văn và những người có liên đới trách nhiệm, các vị hãy suy nghĩ lại về các hành động của mình đi.
Của đáng tội, để một bản dịch truyện nước ngoài được bày trên giá sách khơi khơi công khai như vậy, với quy trình pháp luật in ấn và phát hành trong nước hiện nay, mà nào chỉ liên quan chỉ có chừng ấy người? Lại đến 02 lần gian lận, vừa xóa gạt quyền dịch giả của Phùng Khánh – Phùng Thăng đồng thời còn mạo danh Bùi Giáng, một cách có ý thức và hệ thống!

Dịch giả Phùng Khánh đã qua đời, nhà thơ kiêm dịch giả Bùi Giáng cũng đã mất; nghĩa là họ sẽ không bao giờ lên tiếng phản hồi hành động xúc phạm của các vị. Lương tâm các vị cảm thấy thế nào? Đêm về, các người có liên quan đến vụ việc này hãy thắp một nén nhang tạ lỗi cùng những người đã khuất. Đây là lời khuyên rất chân thành không của riêng tôi [3].

IV.
Tuy nhiên so với hai ông Nguyễn Kiên và Nguyễn Phan Hách thì vị tiền nhiệm của NXBHNV: ông Ngô Văn Phú mới tỏ ra thực xứng là một bậc tiên phong trong kiểu xuất bản đáo để này, vụ việc cũng lại liên quan đến một tác phẩm khác của H. Hesse. NXBHNV đã xuất bản cuốn Tuổi trẻ băn khoăn với sự chịu trách nhiệm của Ngô Văn Phú vào năm 1998, tác phẩm này được phát hành đầy dẫy trên thị trường trước khi có việc trao đổi ý kiến với dịch giả Hoài Khanh.

Tôi đã đối chiếu bản Tuổi trẻ băn khoăn phát hành lần đầu năm 1968 của Nhà xuất bản Ca Dao với bản in năm 1998 của NXBHNV [4] . Trừ hình bìa và số trang, mọi thứ nội dung bên trong đều giống nhau; riêng bản in của NXBHNV lại có thêm một trang Lời cuối sách (tr. 251) với nội dung đáng xếp vào bậc có không hai trong lãnh vực xuất bản. Tôi xin chép lại trang ấy với nguyên văn như sau:

Do nhu cầu xuất bản (nhu cầu ấy có nghĩa là gì? - VL nhấn mạnh), chúng tôi cho in Tuổi trẻ băn khoăn của Hermann Hesse, bản dịch của Hoài Khanh. Rất tiếc, cho đến nay chúng tôi chưa liên hệ được với dịch giả. Vì vậy, sách biếu và nhuận bút chúng tôi xin giữ lại tại Nhà xuất bản. Tác giả (không phải dịch giả - VL nhấn mạnh) hoặc thân nhân (có ủy quyền hợp lệ) xin vui lòng liên hệ với chúng tôi tại 371/16 Hai Bà Trưng, q. 3, Tp., HCM.

Trân trọng cảm ơn Nhà xuất bản Hội Nhà văn “

Kể ra thì cũng khá minh bạch, nhưng… một độc giả nào đó thử tìm một tin nhắn/bố cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng với nội dung liên hệ tác quyền trước khi xuất bản tác phẩm; trong trường hợp Tuổi trẻ băn khoăn, e rằng còn khó hơn tiến hành xác định có người trên sao Hỏa!

Vậy là có thêm một màn biến tấu khó hiểu trong hoạt động xuất bản của NXBHNV, nhân vật chính lần này là ông Ngô Văn Phú. Chẳng rõ các ông Ngô Văn Phú, Nguyễn Kiên và Nguyễn Phan Hách có chân hội viên trong Hội Nhà văn Việt Nam không nhỉ? Đến đây, tôi thực sự chẳng biết nên bình luận như thế nào về Nhà xuất bản của Hội ấy nữa. Quí vị nào có lòng thì giúp cho vậy.

Đăng lần 1 tại website Đặc Trưng ngày 02/04/2004.

Ó 2004 Talawas


[1]Trước năm 1975, Câu chuyện của dòng sông ít nhất đã được xuất bản 03 lần. Theo sự ghi nhận của tôi, gồm như sau: Nhà xuất bản Lá Bối vào các năm 1965 và 1966; Nhà xuất bản An Tiêm vào năm 1967.
Tôi có đọc qua ấn bản của Nxbản An Tiêm năm 1967, bản in này gồm 190 trang. Tôi xin có vài ghi nhận ngoài lề như sau:

·                      Không thống nhất về tên tác phẩm: tựa bìa là Câu chuyện dòng sông, nhưng trang 3 lại in là: Câu chuyện của dòng sông.

·                      Tại trang 5 có một nhầm lẫn lớn: trang này in tựa lớn tiếng Việt Câu chuyện của dòng sông, nhưng tựa nhỏ tiếng Ðức trong ngoặc đơn ( ) bên dưới lại là: Weg Nach Innen. Weg Nach Innen theo chữ dịch của Phùng Khánh có nghĩa là Ðường về nội tâm; còn tên nguyên tác của Câu chuyện của dòng sông Siddharta - một truyện trong tập truyện Weg nach Innen của H. Hesse.

Lời giới thiệu trong bản in Nhà xuất bản An Tiêm là của dịch giả.
[2]Hiện đang là giảng viên văn học nước ngoài trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP. HCM.
[3]Để tôn trọng sự công bằng trên văn đàn, trong lần đăng đầu tại website Đặc Trưng (www.dactrung.com), bài viết này có đồng gởi đến:

·                      tapchinhavan@netnam.vn – địa chỉ email của Tạp chí của Hội Nhà văn Việt Nam.

·                      quangminhbooksh@hcm.vnn – địa chỉ email của Nhà sách Quang Minh, nơi phát hành quyển Câu chuyện của dòng sông in lần thứ 2.)

Trong những ngày thực hiện bài viết này lần thứ nhất, tôi (Việt Lang) cố gắng liên hệ với Nhật Chiêu - người viết bài giới thiệu cho ấn bản Câu chuyện của dòng sông của Nhà xuất bản Hội Nhà Văn - để chuyển bài viết này đến ông, song chưa được. Hy vọng sau khi đăng bài viết này trên Đặc Trưng, Nhật Chiêu sẽ biết đến nó. Một người thưởng thức được vẻ đẹp của những vần hài cú, cảm nhận được nét phiêu lãng trong thơ Basho, chắc cũng biết tự xử thế nào cho ngòi viết của mình mãi thẳng, phải không ông Nhật Chiêu?

[4]Quyển Tuổi trẻ băn khoăn do Hoài Khanh dịch từ ấn bản tiếng Anh Demian, the Story of Emil Sinclair’s youth, với lời tựa của Thomas Mann. Ðây là một tác phẩm của H. Hesse viết vào năm 1919, với tên nguyên tác là Demian. Nhà xuất bản Ca Dao xuất bản lần I (1968), lần II (1971); ấn loát tại Nhà in Thanh Bình, 666 Phan Thanh Giản, Sài Gòn. Khổ 13x19 cm, dày 318 trang.

Quyển Tuổi trẻ băn khoăn của NXBHNV cũng sử dụng lời tựa của Thomas Mann; có khổ 13 x 19 cm, dày 252 trang.

 __________________________________________

Nguyễn Văn Lục

«Câu chuyện dòng sông » và câu chuyện của NXB Hội Nhà Văn

Bài viết của Việt Lang mới đây cho thấy việc ăn cắp bản dịch Câu chuyện dòng sông của chị Phùng Khánh là một điều sỉ nhục. Còn có gì có thể bào chữa được nữa?
Để nắm vững vấn đề, tôi đã nhờ bạn bè ở Sài Gòn truy tìm tài liệu mà kết quả là lá thư sau đây: «Ông Lục ơi! Ở Việt Nam, cái việc chôm đồ của nhau là đã được bình thường hoá từ lâu rồi. Hình như người ta không còn biết giữ nhân cách của chính bản thân mình nữa. Có dịp để mà chôm là cứ tiến hành. Báo chí phanh phui nhiều lần mà họ cứ trơ trơ ra.» Đã bình thường hoá rồi. Có còn lời kết án nào nặng hơn nữa không? Bình thường hóa rồi, nghĩa là coi việc ăn cắp, đạo văn là đương nhiên, là chuyện bình thường. Mà bình thường thật, vì việc chôm bản dịch này của nhà xuất bản Hội Nhà Văn, theo Việt Lang xảy ra từ năm 1992 và kéo dài đến 2001. Chẳng ai nói gì cả, chẳng ai thắc mắc gì cả. Đó là điều gây ngạc nhiên đến sửng sốt nhất đối với tôi, còn hơn cả việc ăn cắp nữa.

Riêng dịch giả Phùng Khánh, đối với giới sinh viên và trí thức miền Nam như tôi vào thời điểm 1960-1970 là biểu tượng của một làn gió mới, đem đến một sinh khí văn học trở về nguồn, tìm lại những nét đẹp Đông Phương huyền bí, sau khi có một thời chúng tôi đua đòi theo những xu hướng, trào lưu tư tưởng Tây Phương. Có thể tóm tắt công trình dịch thuật của Phùng Khánh bằng chỉ một câu thôi: Trở về nguồn. Vậy mà người ta nở ăn cắp, xúc phạm đến chị như thế.

Tôi đã nhờ một đứa cháu gái, sinh viên đại học ở thành phố, chụp cho tôi tài liệu: Văn học thực dân mới Mỹ ở miền Nam những năm 1954-1975. Tập một. Thư viện Khoa học Tổng hợp với mã số M 1087.89, tác giả Trần Trọng Đăng Đàn. In 1987. Ông tác giả này cũng là tiếng nói chính thức đã phê phán những dịch giả miền Nam, trong đó có Phùng Khánh như sau:

Trong khối lượng của các tác phẩm của «văn học» thực dân mới ở miền Nam, các tác phẩm dịch hoặc phóng tác sách của nước ngoài giữ một vị trí quan trọng. Loại này được đưa vào từ nhiều nước, cả từ các nước tư bản phương Tây và phương Đông, cả từ những nước thuộc hệ thống xã hội chủ nghĩa. Cần lưu ý mấy điểm: thứ nhất là chúng ta không đồng nhất những thứ văn học của các nước được dịch ở Việt Nam với nền văn học đích thực của chính các nước đó. Thứ hai là phải phân tích xem các tác phẩm đó gây tác hại gì cho độc giả Việt Nam. Bởi vì có thể có những tác phẩm đối với một nước nào đó thì không gây tác hại mấy, nhưng lúc đưa vào Việt Nam lại bị hiểu theo những cách thức khác. Thứ ba là trong số tác phẩm nước ngoài được dịch không phải chỉ toàn là tác phẩm xấu mà do tính chất xảo quyệt của bọn cầm đầu «văn hoá» thực dân mới, cho nên có cả những tác phẩm vô hại, thậm chí có cả tác phẩm ưu tú. (tr. 25)

Cứ như lời phán của tác giả vừa nêu trên, bất cứ tác phẩm dịch thuật nào trước 75 đều tai hại vì do sự «xảo quyệt của bọn cầm đầu văn hóa thực dân mới». Bản dịch Câu chuyện của dòng sông của Phùng Khánh nằm trong trường hợp thứ ba này.
Vậy mà chỉ 5 năm sau, đã chôm chỉa, ăn cắp in lại của người ta một cách vô sỉ. Có cần nói thêm gì về cái nhà xuất bản Hội Nhà Văn ấy nữa không? Chắc là không.

 

----o0o---

"CÂU CHUYỆN GIÒNG SÔNG“
VÀ NỮ DỊCH GIẢ PHÙNG KHÁNH

  Thái Kim Lan

1.                   Do lai:

Từ năm 1998 trong chương trình trao đổi văn hóa Việt Ðức do quĩ „W. P. Schmitz-Stiftung“ bảo trợ qua sự cố vấn của chủ tịch Hội Tiến sĩ W. Böhme và với sự khuyến khích của Ðại sứ quán Ðức tại Hà nội, một số giáo sư Ðức (Düsseldorf / Muenchen) và tôi bắt đầu thực hiện dự án „tuyển tập văn học Ðức Việt“ bằng cách dịch và giới thiệu hỗ tương các tác phẩm văn học Ðức Việt . Công việc trước tiên là tuyển chọn và giới thiệu các tác phẩm văn học tiêu biểu của các tác giả Ðức nỗi tiếng đến với Việt nam. Một trong những tác giả được đề nghị là Hermann Hesse với tác phẩm „Siddhartha“. Trong những lý do đề nghị tuyển chọn có lý do đơn giản: H. Hesse là tác giả Ðức được đọc nhiều nhất ở Á châu, và H. Hesse rất quen thuộc với độc giả Việt nam, nhất là độc giả Việt nam tại miền Nam, bởi vì năm 1965 tác phẩm „Siddhartha“ đã được dịch giả Phùng Khánh (và em gái của cô là Phùng Thăng) Việt dịch từ bản tiếng Anh và nhà xuất bản Lá Bối đã xuất bản liên tiếp hai lần trong vòng một năm: 1965 và 1966 (và sau đó nhiều lần) với sự hưởng ứng nồng nhiệt của giới trí thức và độc giả trẻ thời ấy.

Tác phẩm dịch này thoạt tiên được giới thiệu với tựa đề: „CÂU CHUYỆN CỦA DÒNG SÔNG“. Theo lời của chủ nhà xuất bản, khi tái bản vào những lần sau tác phẩm này đã được đổi thành „CÂU CHUYỆN DÒNG SÔNG“, vì nó gãy gọn và đẹp hơn (theo ý của chủ nhà xuất bản Lá Bối chứ không phải của dịch giả, nhưng dịch giả đã không phản đối) và từ đó  mang tên „CÂU CHUYỆN DÒNG SÔNG“. Người dịch chính là chị Công tôn nữ Phùng Khánh, theo lời của anh Thanh Tuệ, chủ nhà xuất bản Lá Bối.

2. Dự án in tác phẩm „Siddhartha“ của H. Hesse   hay „Câu chuyện dòng sông“ của dịch giả Phùng Khánh.

Dự tính tái xuất bản tác phẩm dịch này trong tuyển tập Ðức Việt nằm trong ý hướng đem đến cho độc giả Việt nam một món ăn tinh thần tuy quen thuộc nhưng ngày nay vẫn còn rất hiện đại trong trào lưu Tây phương tìm đến tư tưởng Ðông phương mà „Siddhartha“ là hiện thân của tâm thức ấy. Hơn nữa có thể nói tác phẩm dịch này dưới ngọn bút tài hoa của hai nữ dịch giả khó có thể thay thế, dù không phải dịch từ nguyên bản tiếng Ðức.

Tôi được giao nhiệm vụ đọc lại bản dịch, so sánh đối chiếu với bản tiếng Ðức. Bản dịch này là một bản sao của ấn bản năm 1965 do anh Ðặng Ngọc Phú Hoà, người phụ trách in ấn tác phẩm dự tính tại Huế gửi cho tôi, với lời giới thiệu của nhà xuất bản Lá Bối).Tôi đã ngạc nhiên về sự khá chính xác của bản dịch so với bản gốc nguyên tác tiếng Ðức dù dịch từ bản tiếng Anh. Ðiều ngạc nhiên kế tiếp tuy nhỏ hơn nhưng cũng không kém phần…ngạc nhiên là bất ngờ có một vài đoạn trong bản gốc bị bỏ hẳn không được dịch.  

Cuối năm 2001 dự án in „Siddhartha“ được hội bảo trợ đồng ý. Suốt năm 2002 tôi có dịp liên lạc nhiều lần với cố Ni sư Trí Hải - bởi vì nữ dịch giả Phùng Khánh đã trở thành Ni sư Trí Hải đáng kính - về dự án in lại tác phẩm dịch „Câu chuyện dòng sông“ của Ni Sư.

Lần đầu khi nghe tôi ngỏ ý xin in lại tác phẩm dịch của Ni Sư trong tuyển tập, Ni sư cười rất tươi như mỗi lần gặp và với giọng nói rõ ràng, thanh sắc, Ni sư bảo: „Ui chao, quyển sách nớ người ta in biết bao nhiêu lần, sau 75, họ in xung quanh mình mà chẳng có ai đến hỏi hay gửi cho mình một cuốn, hình như chỉ có anh chi ở Huế (có lẽ là Ðặng Ngọc Phú Hòa) có gửi chút tiền vô cúng thiền viện Tuệ Uyển“.

Khi nghe tôi dè dặt hỏi thêm lý do về những đoạn chưa được dịch, có phải thiếu ở bản dịch hay bị bỏ sót, cố Ni sư cười nhẹ nhưng nói giọng rắn rỏi: „Ô, không phải thiếu đâu, những đoạn ấy tôi thấy nó không hợp, nó không hay, làm mất vẻ đẹp của „câu chuyện dòng sông“ nên tôi bỏ không dịch đó chứ!“.

Nữ dịch giả Phùng Khánh là thế! Không phải chỉ dịch thụ động nô lệ, mà còn là nhà phê bình và…sáng tạo trong khi dịch…để tác phẩm được xuất hiện trong tiếng Việt với vẻ đẹp thanh cao toàn diện theo cái nhìn của dịcg giả.

Có lẽ dịch giả nào cũng có những hoài vọng tương tự, nhưng quả quyết và chắc chắn thì chỉ có dịch giả Phùng Khánh mới dám làm như thế. Tôi kính trọng quyết định của dịch giả, nhưng vì mang một trách nhiệm khác đối với tuyển tập, nên thưa Ni Sư cho phép tôi được bổ túc những đoạn mà Ni Sư thời ấy đã bỏ không chuyển sang Việt ngữ, lần này đối chiếu những đoạn ấy trong nguyên bản tiếng Ðức, hiệu đính lại một vài đoạn thiếu sót. Cố ni sư đã mau mắn nói ngay: „Chị Kim Lan cứ bổ túc đi. Bây giờ thì „Câu chuyện dòng sông“ là của thiên hạ rồi! Nhưng bổ túc từ bản tiếng Ðức thì tốt lắm, tôi tiếc không đọc được nguyên bản tiếng Ðức, chị đọc được chắc là hay hơn bản tiếng Anh nhiều, thế thì hạnh phúc lắm, nhưng tui cũng có học tiếng Ðức đó nghe, mà cũng hiểu sơ sơ!“

Tôi hiểu câu nói của Ni Sư „Câu chuyệng dòng sông là của thiên hạ“ trong ý từ bi rộng mở của một vị SƯ, còn người trần như tôi thì biết rằng, tác phẩm này đã ghi dấu ấn sâu đậm cho cả những thế hệ 60, 70 chúng tôi, và bỗng cảm thấy hoài cổ cái thời hoành tráng „trở về con đường nội tâm“ mà „Siddhartha“ đã đi qua. Và quên sao được chị em Phùng Khánh Phùng Thăng nỗi tiếng giỏi sinh ngữ và ngoại ngữ một thời ở Huế, ngay cả ngoại ngữ Ðức mà chúng tôi theo học thời ấy ở Chi nhánh viện Goethe tại Huế bên cạnh trung tâm văn hoá Pháp ở đường Lê Lợi?

Lần thứ ba gặp cố Ni Sư vào giữa năm 2002, tôi đến để trao cho Ni Sư món tiền nhuận bút dịch thuật tác phẩm Siddhartha, Ni Sư lại cười và bảo: „Ui chao, chị Kim Lan biết không, đây là số tiền dịch thuật lần đầu tiên cho quyển sách này, mà e cũng là lần đâu tiên trong việc dịch thuật trong đời của tui. Tiền ni để in kinh dạy học cho các em. Thì cũng tại chị biết tui chị mới đến gặp và xin phép, chơ thiên hạ biết mình ở mô mà tìm đến, phải không, thôi miễn là người đọc vui là được rồi.“ Cố Ni sư rộng lượng mà nói thế, chứ bổn phận của người tái bản vẫn phải xin phép dịch giả trước khi in.

Mùa thu năm 2002 tác phẩm „Câu chuyện dòng sông“ do Phùng Khánh (và Phùng Thăng) dịch được tái xuất bản trong tuyển tập văn học Ðức Việt, nhưng chưa đưọc hiệu đính vì lý do thời gian gấp rút phải thực hiện in sách (xem tài liệu đính kèm). Sách in song ngữ với lời giới thiệu tác giả Hermann Hesse và lời bạt về tác phẩm do giáo sư Winko và tôi đảm nhiệm. Sách in ra phần nhiều được gửi tặng cho viện Goethe ở Hà nội, các thư viện và các đại học cũng như các trường cao đẳng Phật học tại Việt nam, đã rất hợp với ý của nhà dịch giả tiên phong Phùng Khánh. Tuy tác phẩm đã được ấn hành mà lòng tôi vẫn còn áy náy vì phần hiệu đính còn cất trong tủ. May sao, hôm thứ ba 22. 06. 2004 được dịp nói chuyện với anh Thanh Tuệ, chủ nhân của nhà xuất bản Lá Bối thời trước và nhà xuất bản An Tiêm bây giờ, niềm vui „châu về hợp phố“ như được khơi dậy: chúng tôi cùng giao ước với nhau: 

„Câu chuyện dòng sông“ sẽ được nhà xuất bản An Tiêm, hậu thân của Lá Bối, ấn bản cuối năm nay 2004, nhân dịp 40 năm nhà xuất bản Lá Bối/An Tiêm, do chính chủ nhân nhà xuất bản đảm nhiệm để kỷ niệm 40 năm „Câu chuyện dòng sông“, lần này phần bổ túc sẽ được hoàn tất theo đúng lời đã xin và đã hứa với người quá cố.

München, Ðoan Ngọ Giáp thân 2004
Thái Kim Lan

---o0o---

(trích từ mạng Talawas)

Về họ và tên của dịch giả Phùng Khánh

Việt Lang | Thái Kim Lan

1.
Tôi đã đọc bài
“Câu chuyện dòng sông“ và nữ dịch giả Phùng Khánh của bà Thái Kim Lan, một bài viết hay – như các bài viết trước đây của bà Kim Lan.
Tuy nhiên, trong bài viết có một điểm nhỏ liên quan đến họ và tên của dịch giả Phùng Khánh, là: “Người dịch chính là chị Công Tôn Nữ Phùng Khánh, theo lời của anh Thanh Tuệ, chủ nhà xuất bản Lá Bối
[1] . Đây chỉ là một chi tiết nhỏ đối với đa số độc giả, tuy nhiên lại khá tế nhị với một số người có liên quan đến Nguyễn Phước tộc.Tôi cũng có biết chút đỉnh về gia thế dịch giả Phùng Khánh, xinmạomuộitrìnhbàyýkiếnnhưsau:

Dịch giả Phùng Khánh có tên trong khai sanh là Công Tằng Tôn Nữ Phùng Khánh. Bà ta có một người anh ruột tên Bửu Đích, Phùng Thăng là em gái út. Thân phụ dịch giả Phùng Khánh là cụ Nguyễn Phước Ưng Thiều, thuộc phủ Tuy Lý Vương (cụ Ưng Thiều là cháu nội của Tuy Lý Vương Nguyễn Phước Miên Trinh). 
Cùng thế hệ (đồng tôn) với dịch giả Phùng Khánh có nhà văn Công Tằng Tôn Nữ Hỷ Khương (cùng chung ông cố nội Tuy Lý Vương Miên Trinh), Công Tằng Tôn Nữ Phương Anh (Chủ Bút Oklahoma Việt Báo – USA), nhà thơ Công Tằng Tôn Nữ Á Nam (phu nhân bác sĩ Hồ Đắc Duy)… Dịch giả Phùng Khánh ngang lớp với các người phái nam trong Nguyễn Phước tộc có họ kèm chữ lót là Bửu, tức trên vai với người có họ kèm chữ Vĩnh (chẳng hạn giáo sư Vĩnh Sính gọi dịch giả Phùng Khánh là cô, xưng cháu).

Về sau, các bà các cô mang họ Công Tằng Tôn Nữ hay Công Huyền Tôn Nữ hay rút ngắn họ và tên, trong quan hệ xã hội thành Tôn Nữ. Chẳng hạn như Tôn Nữ Hỷ Khương, Tôn Nữ Phùng Thăng… và tên dịch dịch giả Phùng Khánh có thể viết là Tôn Nữ Phùng Khánh.

Tính theo phổ hệ trong Nguyễn Phước tộc, dịch giả Phùng Khánh thuộc hệ chánh biên. Căn cứ theo các quy định đặt tên cho con cháu phái nữ trong họ Nguyễn Phước có thời vua Minh Mạng vào năm 1823 [2] : vì là con gái của cụ Ưng Thiều, nên chữ lót trong họ của bà sẽ là Công Tằng Tôn Nữ. Do đó, nếu ta chép họ và tên của dịch giả Phùng Khánh là Công Tôn Nữ Phùng Khánh thì e rằng dịch giả Phùng Khánh bị nâng lên một thế hệ - trở thành ngang lớp với cha của bà.

Ý kiến của tôi là như trên; BBT talawas vui lòng kiểm chứng, xem lại giúp cho. Chúc BBT talawas, bà Thái Kim Lan cùng quý quyến an khang.

Trân trọng, Sài Gòn đêm 29/06/2004 Việt Lang

2.

talawas vừa cho tôi đọc thư của tác giả Việt Lang về họ tên chính xác của nữ dịch giả Phùng Khánh, mà trong những năm vừa qua chúng tôi kính nể thường gọi „sư cô Trí Hải“ và bây giờ là „cố ni sư Trí Hải“. Tôi xin thành thật cám ơn tác giả Việt Lang đã nhắc lại tên thật đúng của nữ dịch giả là Công Tằng Tôn Nữ Phùng Khánh.

Xin cáo lỗi và nhờ talawas đính chính lại. Tôi cũng nhận được nhiều thư của bạn bè cảm mộ ni sư Trí Hải, mà bây giờ họ mới biết cũng chính là dịch giả của Câu chuyện dòng sông. Tác giả Nguyễn Văn Lục còn viết cho tôi cảm nghĩ của ông, rằng:
„Ðối với tôi Phùng Khánh là Phùng Khánh. Chị ấy có đi tu, có lên đến chức gì đối với tôi vẫn chỉ là ni cô... Ni cô, chữ đẹp thế mà người ta cứ chối bỏ…“ (Nguyễn Văn Lục, @ 26.6.2004)

Tôi xin trân trọng ý kiến của ông Lục, nhưng cũng mong ông hiểu, thật sự trong hàng giáo phẩm, đúng ra phải nên xưng danh hiệu của „sư cô“ bây giờ là: Cố Ni sư trưởng Thích nữ Trí Hải“, mà chúng tôi quen gọi thân tình là „sư cô“.
Một điểm nữa tôi xin trân trọng đính chính là về ngày tháng liên lạc với sư cô Trí Hải. Theo tư liệu của giấy xác nhận của dịch giả Phùng Khánh mà hôm qua (28. 06. 04) tôi vừa được nhận lại của cơ quan Goethe Institut Inter Nationes tại Bonn trong lưu trữ hồ sơ của họ thì ngày sư cô nhận tiền dịch thuật là vào mùa xuân năm 2000 do tôi ứng trước. Mãi đến cuối năm 2002 theo lời yêu cầu của hội bảo trợ, sư cô mới viết giấy xác nhận và ký tên qua điện thư „fax“.
Tài liệu này đã làm tôi cảm động vô cùng khi thấy lại chữ viết của sư cô, mà thân tình và tin tưởng đã là nền tảng của những cuộc gặp gỡ trao đổi giữa chúng tôi, của một „ni cô“ thoát tục và một người „trần tục“ chưa biết dừng.
Tôi xin cám ơn quí ông Việt Lang, Nguyễn Văn Lục và các độc giả đã chú ý đến Câu chuyện dòng sông của nữ dịch giả Phùng Khánh.

Và dĩ nhiên cám ơn BBT talawas cho tôi cơ hội đính chính những điểm không chính xác.

Thái Kim Lan

© 2004 talawas


[1]thuộc đoạn 1 bài viết „Câu chuyện dòng sông“và nữ dịch giả Phùng Khánh
[2]Tôi có nghe các chữ lót ấy được đặt theo trình tự sau:
Công Chúa (dùng cho con gái vua; không kể vua mang chữ lót Miên, Hường, Ưng, Bửu)
Đối với cháu gái vua trở đi (chắt, chít…) thì chữ lót tên cháu gái sẽ được đặt tuỳ thuộc thế thứ của cha mình:
Công Nữ (với cha có chữ lót tên: Miên)
Công Tôn Nữ (với cha có chữ lót tên: Hồng)
Công Tằng Tôn Nữ (với cha có chữ lót tên: Ưng)
Công Huyền Tôn Nữ (với cha có chữ lót tên: Bửu)

-----

Source: www.giaodiem.com

 

 

--o0o--

Mục Lục

01 | 02 | 03 | 04 | 05  | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12

--o0o--

Source: http://www.vietpen.net

Vi tính: Mỹ Hồ - Trình bày: Nhị Tường
Cập nhật: 01-07-2003


Webmaster:quangduc@quangduc.com

Trở về Trang Văn Phật Giáo

Đầu trang

 

Biên tập nội dung : Tỳ Kheo Thích Nguyên Tạng
Xin gởi bài mới và ý kiến đóng góp cho Trang Nhà qua địa chỉ : quangduc@quangduc.com
Địa chỉ gởi thư: Tu Viện Quảng Đức, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic. 3060. Tel: 61. 03. 9357 3544