Tiếng Việt

Trang nhà Quảng Đức

   Tiếng Anh 

qd.jpg (8936 bytes)

Thánh Tích Phật Giáo


...... ... .


Pháp Tạng 79

 PL. 2547 - 2003

 

Lịch Sử Chùa Tháp Trung Quốc

 

Chủ biên: Trương Mạn Ðào

Việt dịch: Tuệ Khai cư sĩ

Hiệu đính: Thích Ðỗng Minh

Chú thích: Thích Tâm Nhãn

---o0o---
 

LƯỢC KHẢO CHÙA ÐẠI MINH Ở DƯƠNG CHÂU

 

Nguyên tác: Tôn Úy Dân

Việt dịch: Tuệ Khai Cư Sĩ  

 

Chùa Ðại Minh ở Dương Châu là nơi Hòa thượng Giám Chân thuở tráng niên du học trở về Dương Châu, rộng truyền giới luật. Lúc về già, đáp ứng lời mời đi Nhật, trù bị trường sở trọng yếu của việc Ðông độ (qua biển đến Nhật). Hôm nay, nơi đây giới văn hóa hai nước Trung - Nhật đang long trọng kỷ niệm chu niên 1.200 năm, ngày thệ thế (ngày mất) của Hòa thượng Giám Chân. Nơi chùa Ðại Minh ở Dương Châu ấy, cùng với trọn đời của ngài Giám Chân, có đầy đủ sự quan hệ mật thiết, lược làm cuộc khảo chứng sơ bộ như dưới đây:

Chùa Ðại Minh ở Dương Châu là một ngôi cổ sát rất nổi tiếng trong những chùa viện lớn ở Dương Châu. Trong lịch sử, nhiều người có học lưu danh đã vì nó làm những bài thơ không ít tráng lệ và những bài ký tự ngọt ngào sâu xa, đồng thời nó còn có trong sách vở của Nhật bản. Vậy là tên tuổi của nó đã để lại ánh sáng rực rỡ. Về khởi nguyên của chùa Ðại Minh, căn cứ vào ghi chép của Dương Châu Bảo Hựu Chí, thì: “Ðại Minh tự tức là chùa Thê Linh  xưa, tại chỗ năm dặm phía bắc huyện, lại có tên là Tây Tự . Chùa ở trên sườn núi Chẩm Thục, ngày trước có Phù-đồ (tháp) 9 cấp” (xem ở Ðại Quán Ðồ Kinh)

Căn cứ vào tư liệu trước hiện còn là “Trùng Tu Ðại Minh Tự Bi Ký” của La Kỷ, đời Minh (người ở vào khoảng niên hiệu Thành Hóa - Chính Ðức). Bài bi ký mở đầu gọi ngay là: “Ðến phía tây thành Dương Châu, xuống chừng 5, 7 dặm thì có ngôi chùa gọi là Ðại Minh, được kiến lập vào thời Tống Hiếu Võ (457-464 TL)". Niên kỷ Hiếu Võ là do Ðại Minh, mà chùa này khai sáng vào thời ấy nên lấy làm tên. Ðối với niên đại kiến lập và nguyên do mệnh danh của chùa Ðại Minh đều đã thuyết minh cụ thể, minh bạch.

Ðến cả với nguyên lai của chùa Thê Linh, ngoại trừ một lời mà “Bảo Hựu Duy Dương Chí” đã ghi: “Chùa Ðại Minh tức là chùa Thê Linh xưa”. So sánh lời ấy với tư liệu trước thì đều là cùng với tháp xưng gọi một lúc (Thê Linh tháp).

Căn cứ vào bài “Xá-lợi Cảm Ứng Ký” trong “Hoằng Minh tập” (quyển thứ 17) thì: “Dương Châu xây dựng tháp ở chùa Tây”.

Sách “Tăng Tu Cam Tuyền Huyện Chí” chép: “Xét Ðại Quan Ðồ Kinh thì tháp của chùa xây dựng vào năm đầu niên hiệu Nhân Thọ, đời Tùy Văn Ðế (năm 601 TL), vua xuống chiếu khắp trong nước lập 30 ngôi tháp 9 tầng. Ðây (chỉ cho tháp của chùa Thê Linh) là một trong số tháp ấy”.

Hai đoạn tư liệu đó, tuy giản đơn nhưng rất trọng yếu. Do vì chúng thuyết minh rõ ràng thời gian dựng tháp là năm đầu niên hiệu Nhân Thọ, địa chỉ lập tháp là chùa Tây ở Dương Châu (tức là chùa Ðại Minh - ghi là nhân ở tại phía tây cung vua Tùy nên cũng gọi là Tây Tự). Tựu trung những điều ấy có thể luận định rằng: vào năm đầu niên hiệu Nhân Thọ đời Tùy là tháp Thê Linh bắt đầu được gọi tên. So sánh niên đại Tống Hiếu Võ với Ðại Minh thì phải muộn đến 140 năm. Người biên soạn “Quảng Hoằng Minh Tập” là luật sư Ðường Ðạo Tuyên (596-667 TL), còn “Ðại Quan Ðồ Kinh” mà đúng là “Dương Châu Ðồ Kinh” thuộc đời Tống Tuyên Hòa (1119-1125 TL) do Lưu Lương (có chỗ gọi là Ngạn) Ðôn biên soạn vào khoảng năm Ðại Quan (1107-1110 TL). Ðương thời cách xưa chưa xa, tất nhiên có chỗ y cứ được.

Sự thật trên từ Ðường, Tống trở về sau, hai danh xưng: chùa Ðại Minh cùng chùa Thê Linh, đều một mực được lưu truyền. Hai đời Ðường, Tống đều có những ghi chép liên quan đến tên gọi của hai ngôi chùa, lại chẳng hơn một sự bảo đảm sao? Hiện tại xin trích dẫn mấy điều ghi chép trứ danh so sánh, dùng làm tư liệu chứng minh.

Liên quan đến tên lưu truyền chùa Thê Linh như:

Thi nhân Lưu Trường Khanh (709 - 780) đời Ðường được khen là nhà “Ngũ ngôn trường thành”, có bài thơ “Lên tháp chùa Thê Linh ở Dương Châu”:

Bắc tháp lăng không hư         

Hùng quan áp xuyên trạch

Ðình đình Sở vân ngoại         

Thiên lý khan bất cách.          

Diêu đối hoàng kim đài          

Phù huy loạn tương xạ          

Bàn thê tiếp nguyên khí

Bán bích thê dạ phách.          

Sảo đăng chư kiếp tận

Nhược sính bài tiêu cách       

Hướng thị Thương Châu nhân

Dĩ vi thanh vân khách.          

Vũ phi thiên củng tề   

Nhật tại vạn gia tịch  

Ðiểu xử cao khước đê

Thiên nhai viễn như bách

Giang lưu nhập không thúy

Hải kiệu hiện vi bích  

Hướng mạc kỳ hạ lai 

Thùy phục kham hành dịch.   

 

Tạm dịch:

 

Tháp bắc lạnh hư không

Hùng quan bóng đè sông

Cao cao chòm mây Sở

Chẳng ngăn ngàn dặm trông.

Ðối xa kim đài vàng

Tia sáng bắn tứ tung

Bậc thang tiếp nguyên khí

Lưng vách bóng chiều buông

Nhẹ lên kiếp tận cùng

Như cánh chim thẳng dong

Người về Thương Châu đó

Ðã làm khách thanh vân.

Mưa nay ngàn giọt tạnh

Trời tối vạn gia trang    

Chim trên cao lùi thấp

Chân trời xa như gần.

Sông chảy vào trời biếc

Biển nhô núi xanh xanh

Ðến hồi màn buông xuống

Thì ai kẻ dịch hành?

 Tuệ Khai dịch

 

Ðại thi nhân Lý Bạch vào năm Thiên Bảo thứ 13 (năm 754 TL), từ Sơn Ðông đến Dương Châu, viết bài thơ “Ngày thu lên tháp Tây Linh ở Dương Châu”:

Bảo tháp lăng thương thương

Ðăng phàn lãm tứ hoang

Ðỉnh cao nguyên khí hợp

Tiêu xuất hải vân trường.

Vạn tượng phân không giới

Tam thiên tiếp họa lương

Thủy dao kim sát ảnh

Nhật động hỏa châu quang.

Ô phất quỳnh liên độ

Hà liên tú củng trương

Mục tùy chinh lộ đoạn

Tâm trục khử phàm dương.

Lộ dục ngô thu bạch

Sương thôi quất dữu hoàng

Ngọc hào như khả kiến

Ư thử chiếu mê phương.

Tạm dịch:

Tháp báu rêu phong kín

Leo lên ngắm chung quanh

Ðỉnh cao hợp nguyên khí

Ngọn vướng mây biển xanh.

Vạn tượng chia không giới         Tam thiên tạo nét vẽ

Nước lay bóng chùa vàng

Mặt trời chiếu ánh ngọc.

Quạ qua lay rèm châu

Ráng chiều dệt một màu

Mắt dõi cuối chinh lộ

Lòng liền bỏ buồm dương.

Móc tắm ngô đồng trắng

Sương dục quýt chín vàng

Lông ngọc như thấy được

Ở đây rọi mê phương.

Tuệ Khai dịch

 

Vào năm đầu niên hiệu Chí Ðức (năm 756 TL) đời Ðường Túc Tông (Lý Hanh), Cao Thích nhậm chức Dương Châu Ðại Ðô Ðốc Phủ Trưởng Sử, làm bài thơ “Lên tháp chùa Thê Linh ở Quảng Lăng”:

Hoài Nam phú đăng lâm         

Tư tháp tín kỳ tối       

Trực thượng tạo vân tộc

Bằng không nạp thiên lại.      

Hồi nhiên bích hải tây

Ðộc lập phi điểu ngoại

Thỉ tri cao hứng tận   

Thích dữ thưởng tâm hội.

Liên sơn ảm Ngô môn

Kiều mộc thôn Sở tắc

Thành trì mãn song haï          

Vật tượng quy chưởng nội.

Viễn tư chú giang phàm         

Mộ thời kết xuân ái

Hiên xa nghi xuẩn động

Tạo hóa tư đại khối.

Hà tất liễu vô thân

Nhiên hậu tri sở thoái

 

Tạm dịch:

 

Từ Hoài Nam lên đến

Tin tháp ấy lạ lùng

Lên thẳng mây bay vướng

Sáo trời vang từng không.

Quay lại biển tây biếc

Chim bay ngoài, đứng riêng

Mới biết cao hứng hết

Vừa cho tràn ngập lòng.

Cửa Ngô núi liền khuất

Dặm Sở cây cao ngăn

Dưới song (cửa sổ) đầy thành quách

Bàn tay, cảnh hiện lên.

Dõi buồm xa nghĩ ngợi

Trời chiều kết hơi xuân

Hiên xe ngờ lay động

Của tạo hóa còn nguyên.

Hà tất rõ không thân

Nhiên hậu biết chỗ thoái.

              Tuệ Khai dịch           

Hai vị thi ông Bạch Cư Dị, Lưu Vũ Tích đồng vào năm Bảo Lịch thứ hai đời Ðường Kính Tông (Lý Trạm - 826 TL) đến Dương Châu, lên tháp chùa Thê Linh, đều có làm thơ. Bài thơ “Ðồng lạc thiên đăng Thê Linh tự tháp” của Lưu Vũ Tích:

Bộ bộ tương huề bất giác nan

Cửu tằng vân ngoại ỷ lan can

Hốt văn tiếu ngữ bán thiên thượng

Vô số du nhân cử nhãn khan.

 

Tạm dịch:

Bước bước đưa nhau chẳng gian nan

Chín tầng mây vượt tựa lan can

Bỗng nghe cười nói lưng trời biếc

Vô số khách du ngước mắt nhìn.

 

Bạch Cư Dị có bài “Cùng mơ được đồng lên tháp Thê Linh”:

 

Bán nguyệt đằng đằng tại Quảng Lăng

Hà lâu hà tháp bất đồng đăng

Cộng lân cân lực do kham nhậm

Thượng đáo Thê Linh đệ cửu tằng.

 

Tạm dịch:

Trăng khuyết lững lơ ở Quảng Lăng

Nào lầu, nào tháp chẳng lên đồng

Thương chung gân sức còn kham được

Lên đến Thê Linh tháp chín tầng.

Những bài thơ ấy đã khắc họa rõ ngôi tháp 9 cấp của chùa Thê Linh, cao trội vượt mây, vịn leo lên tầng đỉnh, mắt nhìn hết cảnh giới hùng vĩ ngàn dặm.

Quan hệ với tên chùa Ðại Minh được lưu truyền như sau:

Lời ghi trên vách chùa Ðại Minh ở phần câu đố của Toàn Ðường Thi cùng với sách Quế Uyển Tòng Ðàm của Bằng Dực có sự ghi chép đồng dạng: Lệnh Hồ Ðào chấn thủ sông Hoài, Hải Nhật và quan Chi sứ1 Ban Mông cùng với tùng sự đều đi du ngoạn chùa Ðại Minh. Vách trước mái hiên phía tây chùa có đề lời:

Nhất nhân đường đường       

Nhị diệu trùng quang

Tuyền thâm xích nhất             

Ðiểm khử băng bàng

Nhị nhân tương liên    

Bất khiếm nhất biền

Tam lương tứ trụ liệt hỏa nhiên        

Trừ khước song câu lưỡng nhật toàn.

(vì đây là câu đố chữ Hán nên xin chép nguyên văn để dễ nhận định - Lời người dịch).

Các tân khách muốn giải đáp nhưng không thể biết. Riêng một mình Ban Mông giải rằng:

Nhất nhân há chẳng phải là chữ Ðại () ư?

Nhị diệu (hai ánh sáng) là nhật nguyệt, chẳng phải là chữ Minh () ư?

Xích nhất (một thước mốt) là 11 tấc, chẳng phải chữ Tự () ư?

Băng khử điểm (chữ băng bỏ hai chấm) là chữ Thủy ()

Nhị nhân tương liên (hai người liền nhau) là chữ Thiên ()

Bất khiếm nhất biên (chữ bất thiếu một bên) là chữ Hạ ()

Tam lương tứ trụ liệt hỏa nhiên (ba rường bốn trụ lửa rực cháy) là chữ Vô () vậy.

Lưỡng nhật trừ song câu (hai chữ nhật trừ hai móc) là chữ Tỷ ()

Thành ra chẳng phải là câu: Ðại Minh tự thủy, thiên hạ vô tỷ đó ư? Mọi người mới hoảng lên vậy.

Trương Hựu Tân đời Ðường, trong bài ký “Nước nấu trà” (Tiễn trà thủy ký ) mới nói rằng: “Lưu Bá Sô cho rằng: nơi thích nghi của nước pha trà có bảy bậc, từ sông Dương Tử là thứ nhất, ... nước giếng chùa Ðại Minh ở Dương Châu là thứ năm, ...”

Lại nói rằng: “Lục Vũ cùng Lý Quý Khanh luận về thứ bậc của nước thì có 20 bậc,... giếng chùa Ðại Minh ở Dương Châu là thứ 12, ... mà thuyết cho nước giếng chùa Ðại Minh ở Dương Châu là thứ 5, trở thành được đời sau phổ biến xưng gọi. Ðó là nguyên lai của danh xưng “Thiên hạ đệ ngũ tuyền ”.

Về sau, Âu Dương Tu, đời Tống, có bài “Ðại Minh Tự Thủy Ký” đối với nước giếng chùa Ðại Minh thì tán thưởng là ngon. Mặt khác, trong sách chép tay của Hàn Kỳ, ông đã trịnh trọng đề cao vùng đất này trong câu: “Ðến giếng chùa Ðại Minh, hai đình Quỳnh Hoa , ba cái này là di sản chọn lọc chung để tiếp nối vị ngon đầy đủ vậy”.

Những bài ký thuật ấy đã ghi chép: suối trong giếng cổ của chùa Ðại Minh tại Dương Châu ngọt mát tinh khiết, khách du thiên cổ phong lưu tao nhã đua nhau nếm thử.

Từ những tư liệu đã dẫn ở trên, xem ra đã có thể rõ ràng, trong thời kỳ Ðường, Tống, hai danh xưng Ðại Minh tự và Thê Linh tự đều đồng thời tồn tại mà được tùy tiện nói xưng. Nhưng ở thời gian ấy, tựa hồ có một điểm giới hạn, đó là: phàm nói về nước thì đều xưng Ðại Minh, còn nói về tháp thì đều xưng Thê Linh. Cái thông lệ nêu ở trên thật đã rõ ràng vậy. Từ năm Hội Xương thứ 3 (năm 843 TL), sau khi ngôi tháp bị lửa thiêu hủy thì danh xưng Thê Linh liền mờ tối dần, còn danh xưng Ðại Minh tự thì vẫn hiển nhiên y vậy.

Liên quan đến những diễn biến của chùa Ðại Minh được ghi chép trong sách “Kim Thạch Tụy Biên” của vương Sưởng đời Thanh: “Ðại Minh Tự Tàn Bi” là một sự kiện tư liệu cực kỳ trọng yếu. Bài minh của bia ghi rằng: “Ngô Tổ xây dựng chùa, chọn tên Xứng Bình, tâu lên Kim Khuyết  (chỉ vua). Thỉnh tại Ðại Minh... Phù-đồ (tháp) xảo diệu, trời đất dài lâu, góc tầng hiển hiện rực rỡ, cao chót vót khó lường”.

Năm Bảo Ðại thứ 7, đời Ðường (niên hiệu của Lý Cảnh - Nam Ðường - năm 943 TL) nhằm ngày 21 tháng 4 năm Kỷ Dậu ghi, đồng thời có xét đến lời xưng: “Bia chùa Ðại Minh gần đây nhân sửa chùa đào được trong đất, nửa trước đã sứt mẻ, nhưng văn bài minh trên bia vẫn còn hoàn hảo, có thể đọc được...”

Nhưng bài minh bia ghi rằng: “Ngô Tổ dựng chùa, chọn tên Xứng Bình”...

Lại nói rằng: “Phù-đồ xảo diệu, đất trời dài lâu” thì thời Dương Hành Mật, chùa đã từng đổi tên Xứng Bình, ... tháp, bởi tháp đã xây dựng lại vậy. Ðoạn tư liệu ấy chẳng những chỉ nói rõ Dương Ngô đã từng sửa sang chùa Ðại Minh, mà còn đổi tên là Xứng Bình và việc xây dựng lại tháp chùa tinh xảo, rộng rãi, tráng lệ. Vả lại, điều quan trọng là vào giữa đời Thanh, nhân tu sửa chùa, một chứng cứ xác thực có liên quan đến chùa Ðại Minh xuất hiện đã chứng thật địa chỉ thực tại của chùa cổ Ðại Minh cùng với qua thực tế hiện trường nhận định thì hoàn toàn phù hợp. Hơn nữa, tên Xứng Bình mà phong kiến cát cứ Dương Ngô đặt cho cũng sớm bị mọi người lãng quên. Ðời Tống vẫn gọi theo tên cũ là Ðại Minh.

Sách “Bình Sơn Ðường Tiểu Chí” của Trình Mộng Tinh chép: “Tháng hai năm Khánh Lịch thứ 8, đời Tống (1048 TL) Lư Lăng Âu Dương Tu, khi trấn thủ Dương Châu đã làm ngôi nhà phía góc tây nam (Khôn ngung)2 chùa Ðại Minh. Phía trước các núi ở Giang Nam đều có lan can bao quanh, có thể vịn leo lên nên gọi là Bình Sơn Ðường”.

Tiểu Chí lại ghi rằng: “Ðệ Ngũ Tuyền ở phía tây nam Bình Sơn Ðường”.

Ðoạn ghi chép ấy ngoại trừ bỏ việc nói rõ đời Tống vẫn gọi là chùa Ðại Minh và tháng, năm xây dựng Bình Sơn Ðường thì việc đưa Bình Sơn Ðường chính thức ở bên phải của chùa Ðại Minh là trọng yếu đặc biệt (tức ở bên rìa phía tây chùa Ðại Minh), xác lập được vị trí của Ðệ Ngũ Tuyền ở phía tây nam của Bình Sơn Ðường. Chùa Ðại Minh, Bình Sơn Ðường và Ðệ Ngũ Tuyền đã cấu thành một chỉnh thể (một thể hoàn chỉnh).

Trở lại với “Trùng Tu Ðại Minh Tự Bi Ký ” của La Kỷ đời Tống chép rằng: “Thần Nghiêu Mai Thánh Du, Ðô quan viên ngoại lang đời Tống có nói rằng: Từ thành hoang về phía Bắc, chùa Ðại Minh sáng ngời, nhà cao khoáng đạt, hứng thú rộng mà ý hả hê”.

Bi Ký lại nói rằng: “Cảnh này, thời Ðại Lương không có. Mỹ quan của quy mô cảnh cũ ấy đáng biết vậy. Nhưng trải qua nhiều đời đã lâu, nên trở thành đống đất, đá, ngói, gạch... cho trâu dê dẫm đạp; người đi qua, dậy lòng cảm khái”.

Ðoạn Bi Ký ấy làm ta nhớ lại lịch sử hưng suy đã qua của chùa Ðại Minh, như bài thơ Bình Sơn Ðường của Nguyên Trần Phu:

Ðường thượng túy ông tiên khứ

Lô hoa tuyết mãn Thinh Châu

Nhị thập tứ kiều yên thủy

Vị thùy lưu hạ Dương Châu.

Tạm dịch:

Tiên say đường thượng đi rồi

Hoa lau truyết trắng nở đầy bãi sông3

Cầu hai mươi bốn4 khói giăng

Vì ai xuôi xuống tới miền Dương Châu.

            Tuệ Khai dịch

Bài văn bia nêu tiếp: “Có vị tăng gọi là Trí Thương Minh, ... khoảng năm Thuận Thiên (1457 - 1464 TL) lên phía bắc du ngoạn Ngũ Ðài Sơn, trở về tới Dương Châu, vừa đến khoảng đồng trống chợt thấy sao rơi xuống lầu tây, phía đông Bình Sơn Ðường, ở giữa có vùng đất trống không, rộng ước chừng 10 mẫu. Ðây là vùng đất khô cứng, hứng chịu ánh sáng mặt trời, dãi đất rất dài, ao phóng sinh vòng về bên trái, cầu Thanh Bình nằm ngang ở trước như cái nền còn lại vậy..., vị tăng mới kết cái am nhỏ để nghỉ ngơi ở đó... Chẳng qua một tháng thì phát hiện ở đất một cái giếng xưa, bên trong có tấm bia tàn, trên bia có mấy chữ: Ðại Minh Thiền Tự. Từ đó người ta mới biết là có ngôi cổ sát... Những người rộng rãi rất ưa làm nghĩa ở bốn phương đều quyên góp của cải, tiền vàng để xây dựng 5 gian pháp đường, đông tây am đều vài gian, nhà bếp, kho vựa, theo đó có đủ. Qua năm Hoằng Trị Quý Sửu (1493)... Ất Sửu (1505)... đến năm Chính Ðức Ðinh Mão (1507) trải qua ba đời Tổ tôn, chẳng dứt hưng khởi xây dựng, nhìn mô hình mới gọi là rất hoàn bị”.

Ðoạn Bi Ký ấy thì đối với cái gò hoang phế của chùa Ðại Minh từ nhiều năm, về niên đại, địa chỉ và phương vị của việc làm lại, tu sửa đều có luận định tường tận. Thêm vào đó, tấm tàn bia dưới đất ở trên, cho đến việc phát hiện tấm tàn bia vào niên hiệu Bảo Ðại đời Thanh đều là những di chỉ của chùa Ðại Minh xưa. Tựu trung, Bình Sơn Ðường hiện nay (ở bên trong chùa Pháp Tịnh) là một minh chứng xác thật rành rành có căn cứ vậy. Chỉ là về sau sinh ra ý đắn đo của mọi người về việc đổi danh xưng là chùa Thê Linh.

Vào đầu đời Thanh, Khổng Thượng Nhậm soạn “Ðào Hoa Phiến” đã viết một thiên “Tu Sáng Thê Linh Tự Ký”, nói rằng: “Chùa Thê Linh ở Thục Cương (sườn núi Thục) tại Dương Châu, thời Tống Hiếu Võ đã xưng là chùa Ðại Minh. Việc hưng phế của chùa ấy không thể khảo sát được... Vị tăng của chùa là Ðạo Hoằng thiền sư... tỏ ngộ tất cả, lại hay làm thơ, người cùng địa phương thích nghi, nên chẳng kiêng dè, hết sức sửa sang chùa. Từ năm Kỷ Hợi (năm Khang Hy thứ 58 - năm 1719) kế tiếp về sau, phàm là điện, vũ, tháp, viện, trai đường, nhà bếp, kho tàng... ưng có thì không gì chẳng có ngay, phủ phê thừa thải. Sườn núi Thục trước không có tùng, sư tìm bứng hàng vạn gốc tùng cao thấp mà trồng, um tùm rậm rạp, trông như thâm sơn. Chùa xưa không có trúc mai, mà nay bóng rợp sân viện, uyển chuyển như tranh”.

Văn bia thuật bày chùa Thê Linh, tức là chùa Ðại Minh rất là rõ ràng, nhưng đến việc vì sao đổi tên thì một chữ cũng chưa đề cập đến. Tuy nhiên, điều này thiết tưởng chẳng khó hiểu. Thiên hạ của Thanh Triều do cướp đoạt từ giang sơn của nhà Ðại Minh. Nếu như giữ lại tên chùa Ðại Minh thì sẽ khơi gợi tâm tư cố quốc của nhân dân. Nhân đó mà xuất hiện sự áp chế ngấm ngầm của quan lại và sự kiêng kỵ sợ họa của những kẻ đương thời. Phải bất đắc dĩ mà đổi cách xưng hô. Ðiều này quả là không một mảy may nghi vấn vậy.

Từ đó về sau, căn cứ vào “Bình Sơn Ðường Ðồ Chí” chép: “Khoảng năm Ung Chính (năm 1723 - 1735) Uông Ứng Canh xây dựng lại điện trước, lầu sau, sơn môn, hành lang, nhà bếp... đều đủ cả. Lại nữa, ở phía đông chùa, dựng Tàng Kinh Lâu, Vân Cái Ðường, Bình Lâu. Phía đông-bắc, sau lầu trên, Thục Cương dựng Vạn Tùng Ðình”.

Lại trong “Bình Sơn Ðường Lãm Thắng Chí” ghi: “Vân Cái Ðường  5 gian, trên là Tàng Kinh Các... đất của Vân Cái Ðường là nền tháp chùa Thê Linh vậy”.

Hai đoạn ghi chép ấy nói rõ những đời giữa của triều Thanh đã nương theo đó mà gọi là Thê Linh tự; đồng thời nói rõ lại là phía đông chùa đều là sở tại của Vân Cái Ðường, mà tựu trung chính là nền cũ của tháp chùa Thê Linh xưa. Ðiều ấy đã khiến cho sự ghi chép của lịch sử và thật tế khách quan thấy được sự thống nhất hoàn toàn. Ngay đến cả trong những năm Càn Long, vị đế vương phong kiến ấy ba phen năm lượt tuần du Giang Nam, đến nơi đã thi ân ban cho tên và đề thơ, mượn việc đó để tô điểm cho cảnh thái bình, trộm danh lừa dối đời. Vào năm Càn Long thứ 30 (1765) khi vua ấy du lãm Thục Cương, lại đem tên chùa ban cho tên là Pháp Tịnh Tự . Từ đây, chùa Ðại Minh và chùa Thê Linh lưu truyền trăm, ngàn năm đã trở thành dấu cũ tên xưa trong lịch sử. Nhưng mà nhân dân Dương Châu không có nhân theo cái tên ban cho của vị đế vương đó mà xưng gọi. Sự tương phản này đã nói lên sự kháng cự ngấm ngầm đối với chế độ, ngay cả những cái gì khô (càn ) giòn đều chẳng gọi. (Chữ “Càn” có liên quan đến tên Càn Long) mà chỉ phiên phiến gọi là Bình Sơn Ðường.

Bình Sơn Ðường (thường gọi bao quát bên trong chùa) ở thời kỳ đầu Dân quốc, do lâu năm không tu sửa, lại gặp ngang trái, thêm đổ nát, đã trải qua sự lụi tàn chẳng xiết, thế lực sắp tiêu hủy. May mắn được sức bảo hộ lớn của chính phủ, kinh qua một lần tu sửa nữa, nên đã sớm có khí tượng hoàn toàn mới, đã được các tăng nhân tu sửa giữ gìn, danh tiếng tỏa thơm, đã trở thành thắng cảnh du lịch tham quan.

Từ con đường sườn núi đá vàng của chân núi phía nam Thục Cương, bước theo từng cấp, leo lên ngọn núi giữa, thì ngay mặt tấm biểng treo ngang trên lầu cao vút, viết chữ triện, phía trước có “Thê Linh di chỉ ”, phía sau có “Phong lạc danh khu ”. Sau tấm biển lầu là điện môn, men theo trên ngạch cửa có 5 chữ “Sắc Ðề Pháp Tịnh Tự ” khắc trên đá. Vây quanh hai bên điện môn có tường dài thấp, vách tường phía đông có “Hoài đông đệ nhất quan ”, vách tường phía tây có “Thiên hạ đệ ngũ tuyền ” cao chừng một thước tây, mà chữ đề viết theo lối khải (chữ chân phương). Qua khỏi điện môn, leo lên vài bậc thềm bằng đá thì ngửa mặt ra là đình viện rộng rãi thênh thang. Ðiện Phật nguy nga là trung tâm của toàn cảnh chùa. Sân bên trái là vườn phía đông, có cửa góc đề 4 chữ “Văn chương áo khu ”. Nền cũ của tháp Thê Linh ở tại bên trong vườn phía đông. Hiện tại đất ở trước là Bình Viễn Lâu, ở giữa là Tình Không Các, ở sau là Tứ Tùng Thảo Ðường, Lạc Xuân Ðường .v.v... Bên ngoài vườn phía đông là đất của đình Vạn Tùng xưa, nương tựa núi, mặt đối dòng sông, tùng bách vây vòng, biểng lầu bằng đá ngọc, hùng cứ lưng chừng núi. Nơi đây là lăng mộ của liệt sĩ cách mạng. Bên phải sân là vườn phía tây, có cửa góc đề 4 chữ “Tiên nhân cựu quán ”. Bên trong vườn, phía trưóc là Bình Sơn Ðường, ở giữa là Cốc Lâm Ðường, phía sau là Lục Nhất Từ, tức là đền thờ Âu Dương Tu. Một lần nữa, hướng về tây-nam là dãy hành lang phía tây, chính là chỗ của Ðệ Ngũ Tuyền Tỉnh . Vốn dĩ là hai khu vườn trứ danh với cây cổ thụ và suối trong, một vùng đất chẳng gián đoạn việc chỉnh trang tu sửa nên ngày một hoàn mỹ dần.

Từ ngôi cổ sát của Nam Triều này mà Cao Tăng đời Ðường, danh thần nhà Tống, những bậc tiên liệt cách mạng đời nay đã quy tụ lại, làm thành thắng cảnh Thục Cương của thành Dương Châu danh tiếng, đồng thời cùng với chùa Chiêu Ðề  ở Nại Lương Ðường của nước lân bang Nhật Bản, một cái bên đông, một cái bên tây, chói lọi sáng ngời. Ðồng thời sẽ cùng với nước non danh thắng, bách biếc tùng xanh, muôn đời xanh mãi, vĩnh viễn bất hủ vậy.


 

1 Chi sứ : Ðời Ðường gọi Tiết Ðộ, là vị quan quán sát toàn bộ những vị quan đồng liêu ngang chức với mình. 

2 Khôn ngung : Hay gọi Tây nam ngung Khôn là cách gọi theo cung Bát Quái của Kinh Dịch: phía tây nam. Ngung là góc .

3 Thinh Châu : Tên sông ở tỉnh Phúc Kiến.

4 Cầu Hai mươi bốn : Là một thắng cảnh nổi tiếng, ngoài Tây môn thành, huyện Giang Ðô tỉnh Giang Tô. Có hai thuyết: 1. Hai mươi bốn cầu, 2. Cầu Hai mươi bốn. Theo “Dương Châu Họa Phảng Lục” nói: Cầu Hai mươi bốn còn gọi cầu Hồng Dược (Hồng Dược kiều), tức là Ngô Gia Chuyên kiều, vì xưa có hai mươi bốn người con gái đẹp thổi sáo ở đây, nên có tên như vậy.

 

---o0o---

[Mục Lục] [01] [02] [03] [04] [05] [06] [07] [08] [09] [10]

 

[11] [12] [13] [14] [15] [16] [17] [18] [19] [20]

 

---o0o---

Trình bày: Nhị Tường

Cập nhật: 01- 4 -2004

 

Webmaster:quangduc@quangduc.com

Trở về Thư Mục Thánh Tích

Đầu trang

 

Biên tập nội dung: Tỳ kheo Thích Nguyên Tạng
Xin gởi bài mới và ý kiến đóng góp đến ban biên tập qua địa chỉ:
quangduc@tpg.com.au