Trang tiếng Việt

 Trang Nhà Quảng Đức

Trang tiếng Anh

Nếp Sống Đạo


...... ... .

 

Tôi làm phi công

 

Thích Như Điển

 

"Tôi làm phi công“ hay "chuyến đi không định trước“ là tiêu đề của bài viết này khi chúng tôi đã đến thăm nuớc Lào t ngày 17 đến 19 tháng 10 năm 2005 vừa qua.

Ngồi trên chiếc máy bay Charter Air Lào bay với hai động cơ và chứa được 74 hành khách; tôi miên mang liên tưởng về chuyến đi này và nghĩ rằng: không biết là mình có thể xin được Visa tại phi trường Vientian để vào Lào chăng?

Sau khi phi cơ đã đáp xuống an tòan trên phi đạo, tôi nhìn ra ngoài khung cửa nhỏ của phi cơ, thấy mọi sự sinh hoạt vẫn bình lắng của  một chiều thu nơi thủ đô được gọi là Vạn Tượng này. Nhìn những khuôn mặt hiền từ nhưng không lạnh nhạt mấy của những nhân viên làm giấy tờ nhập cảnh, tôi như nhẹ nhõm và thoáng mĩm miệng cười, như để tự an ủi mình rằng: mọi việc không có gì đáng lo ngại lắm.

Tôi, Thầy Nguyên Thành và Hạnh Bổn ra khỏi phi trường không có hành lý; vì chuyến đi không định trước; nên tất cả đều vội vã và để tất cả hành lý ở lại Bangkok. Sư cô Thích Nữ Đàm Ngọc, trụ trì chùa Bàng Long cùng với một số quý Thầy và một số Phật Tử khác cùng đến tận phi trường để đón chúng tôi về chùa.

Tôi quan sát nhà cửa phố xá ở hai bên đường đi và có sự so sánh với Thái Lan cũng như Ấn Độ; những nước mà chúng tôi đã đi qua; thấy nơi đây có một cái gì đó chưa định nghĩa rõ ràng được; nhưng cũng gợi lên trong tôi một cảm giác nhẹ nhàng với một đất nước mà qua bao lần thay chủ đổi ngôi. Tôi biết rằng: ngày xưa Lào là một Vương Quốc trị vì theo tinh thần của Phật Giáo; rồi năm 1975 họ đã tự biến mình thành chủ nghĩa cộng sản và bây giờ hình ảnh cộng sản ấy chỉ còn thấy nơi lá cờ đỏ trên đó có búa liềm của Liên Xô cũ; mà vốn lá cờ nầy sau khi cộng sản Nga Sô sụp đổ vào 1990, tại Nga họ không còn dùng nữa; mà chỉ còn dùng lá cờ của Liên Bang Sô Viết bằng ba màu trắng, xanh, đỏ. Trong khi đó tại phi truờng của Lào cũng như dọc theo hai bên đường vào thành phố đâu đó vẫn còn treo những lá cờ đỏ búa liềm phất phới song song với cờ Lào; trông như một nguời hoài c đã ở vào buổi xế chiều. Có lẽ toàn dân Lào không biết rằng chế độ cộng sản Nga Sô đã bị giải thể và biến thành chế độ tự do cùng với các nước cộng sản Đông Âu cho đến nay cũng đã hơn 15 năm rồi. Hoặc nước Lào đã thọ dụng những ơn nghĩa của cộng sản Liên Sô cũ; nên vẫn còn vương vấn một vài điều trong quá khứ chăng?

Đến trước cổng chùa Bàng Long chúng tôi được đón tiếp bởi sư cô Đàm Quy và các Phật tử bằng hai hàng chào ở hai bên cổng ra vào. Đoạn chúng tôi vào chánh điện lễ Phật, rồi lễ Tổ và xuống trai đường để thăm hỏi những Phật tử hiện diện tại nơi đây. Được biết rằng chùa này do cố Hòa Thượng Thích Trung Quán và Hòa Thượng Thích Nhật Liên đã khai sơn và xây dựng cách đây đã hơn 50 năm rồi. Năm 1975 cố Hòa Thượng Thích Trung Quán đã ra đi tỵ nạn cộng sản đến Pháp Quốc và Ngài đã đến Paris thành lập chùa Hoa Nghiêm và ở tại Bỉ vùng Brusselle cũng có một chùa Hoa Nghiêm như thế. Ngoài ra tại Pháp cũng có một vài chùa do Ngài lãnh đạo như ở Lille, Limoges... Ngày nay thì Ngài đã không còn nữa. Vì Ngài đã viên tịch cánh đây hơn 2 năm; nhưng những Kinh sách giá trị của Ngài đã dịch từ chữ Hán sang tiếng Việt như bộ Đại Trí Độ Luận gồm 100 quyển, là một tác phẩm đồ sộ nhất của Ngài vẫn còn lưu truyền lại cho đến ngày nay, mà tôi mỗi tuần một lần căn cứ theo bộ Luận này để hướng dẫn cho Tăng chúng chùa Viên Giác suốt trong 5 năm qua mà chỉ mới được 50 quyển.

Còn Ngài Hòa Thượng Nhật Liên là đệ tử của cố Đại Lão Hòa Thượng đệ tam Tăng Thống Thích Đôn Hậu đã bị tòa đại sứ Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975 trục xuất về Việt Nam với lý do là có liên hệ với cộng sản. Rồi cách đây 12 năm khi cố Hòa Thượng Thích Đôn Hậu viên tịch tại chùa Linh Mụ, Huế. Hòa Thượng Nhật Liên, Thượng Tọa Trí Tựu là những người đệ tử của Ngài nhưng rất khó khăn để được cư tang trong đám tang của Đại Lão cố Hòa Thượng. Vì chính quyền cộng sản Việt Nam lúc bấy giờ họ bảo rằng Hòa Thượng Thích Nhật Liên theo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.

Một buổi sáng vào ngày 19 tháng 10 năm 2005 tại phòng khách chùa Bàng Long tôi đã tiếp chuyện với một cụ già Việt Nam năm nay 84 tuổi và sống tại Lào gần 70 năm, đã cho tôi biết sự thật về vấn đề trục xuất Ngài Nhật Liên rằng: thuở ấy có con của ông Đại sứ Việt Nam Cộng Hòa bị chết và đem vào chùa Bàng Long làm lễ cúng 49 ngày; nhưng vì lý do nào đó Ngài Nhật Liên không làm chủ lễ. Thế là một lịnh trục xuất được ban hành.

Đến đây để thấy công đức của người xưa và thấy được sự hư giả của cuộc đời ảo mộng. Vì thế đức Phật dạy rằng: tất cả các pháp đều không có tính nhất định; cái đúng của ngày hôm qua có thể là cái sai của ngày hôm nay và cái sai của ngày hôm nay cũng có thể là cái đúng của ngày mai. Con người vốn không phải là tội nhân của lịch sử, mà lịch sử thì bao giờ cũng phải sang trang để nhường lại cho nguời khác làm nên một lịch sử mới. Do vậy đúng hay sai, chánh hay tà chỉ có thời gian mới thể trả lời được hết. Ví dụ trường hợp của Ngài Nhật Liên là một; ở đây thì họ bảo theo kia và ở kia thì họ bảo theo nơi khác. Như vậy thì cái gì đúng và cái gì sai ở trong cuộc đời tương đối này?

Đến đây chúng tôi mới biết được rằng ngày hôm ấy 17 tháng 10 năm 2005 nhằm vào ngày 16 tháng 9 âm lịch năm Ất Dậu là ngày lễ ra hạ của chư Tăng Nam Tông ở các nước Lào, Thái, Miến Điện v.v.. Do vậy các công tư sở đều đóng cửa để mọi người có cơ hội đến chùa làm lễ Takbac (lễ cúng dường Trai Tăng). Đêm hôm đó chúng tôi đi nghỉ thật sớm để còn dậy sớm vào lúc 4 giờ tụng Kinh Lăng Nghiêm; rồi ăn sáng và dùng thời giờ còn lại để đi thăm các chùa trong Kinh Đô nhân ngày mãn hạ tự tứ của chư Tăng.

Thủ đô Vientian vốn nhỏ hơn Đà Nẵng; nhưng cứ cách một con đường là có một Đại Tự. Điều đó chứng tỏ rằng lòng tin Phật của người Phật Tử Lào khó diễn tả hết được bằng ngôn từ. Chúng tôi vào một ngôi chùa được gọi là linh thiêng hàng đầu tại đây thì thấy nam thanh nữ tú; ông già bà cả; trẻ con theo mẹ đến chùa trên tay gồm một bình bát trong ấy có đủ loại thực phẩm cũng như tịnh tài để cúng dường chư Tăng nhân ngày mãn hạ. Họ sắp thành hai hàng thẳng lối đi đến hai bên dãy bàn có để sẳn mấy chục cái bình bát lớn và cứ thế thí chủ cứ phổ đồng cúng dường mà không thấy mặt một vị Tăng nào cả. Sao đó những người Tịnh Hạnh nhơn tại chùa mới thâu lại những của cúng dường ấy vào một cần xế lớn và bình bát lại trống không để cho đoàn người tiếp tục bỏ vào đó để cúng dường. Chúng tôi len lõi vào bên trong Đại Điện thì thấy nơi đây đã chật nứt cả người. Hàng bên trên cùng hàng đối diện với Phật tử là chư Tăng và vị Sư Cả của chùa. Có một vị đang giảng pháp và mọi người đang chăm chú lắng nghe. Cũng có một số người Tây phương tham dự lễ Takbac, họ lắng nghe rất thành kính; nhưng có thể chẳng hiểu gì vì các sư nơi đây chỉ giảng bằng tiếng Lào.

Tôi quan sát thấy một người mẹ cầm tay con mình hướng dẫn cho cách rãi nước xuống mặt đất để chúc phước, sau khi đã cúng dường xong; một tay bé đưa ngang ngực; tay kia cùng với mẹ thể hiện lòng từ; trong khi đó miệng lăm răm cầu nguyện. Vì hình ảnh dễ thương và trang trọng này tôi đoan chắc một điều dầu 1000 năm sau nữa nước Lào vẫn là một nước Phật giáo với 90% dân số; dẫu cho vật đổi sao dời và chính quyền nào có thay ngôi đổi chủ thì ở tại đất nước này cũng chẳng có gì đổi dời cả, nhất là niềm tin vào tôn giáo đã ăn sâu vào từng thớ thịt của người dân.

Chúng tôi cũng có dịp tiếp xúc với phó Vua Sãi và Vua Sãi của Lào. Các Ngài rất từ bi và mở rộng tấm lòng. Vua Sãi cho chúng tôi biết rằng: người Lào ưa làm phước bố thí cũng như xây chùa. Do vậy nơi nào cũng tòan là chùa cả. Ngài nói tiếp: người Lào chỉ biết sống cho hiện tại và ít có để dành cho tương lai. Vì thế mà họ rất tự tại. Khi được hỏi rằng tại đây có bao nhiêu Tăng sĩ và bao nhiêu ngôi chùa, thì Ngài đáp rằng: tại Lào hiện có 27.000 Tăng sĩ là hơn 10.000 ngôi chùa trong số hơn 5 triệu dân.

 Như thế nếu có một sự so sánh với Việt Nam chúng ta có tới hơn 80 triệu dân mà chỉ có hơn 40.000 Tăng sĩ và hơn 20.000 ngôi chùa từ Bắc tới Nam, là một con số rất khiêm nhường.

Sau khi cúng dường Ngài và được Ngài kể rõ tỉ mỉ thêm là nước Thái Lan đã đem cúng dường cho Ngài một tượng Phật bằng thạch ngọc giả thay thế cho tượng thạch ngọc thật mà họ đã lấy tại chùa Wat Prakeo đem về Thái để thờ trong những thế kỷ trước. Đoạn Ngài chỉ về hướng của pho tượng nằm trong cùng của bàn thờ rồi cười lớn. Tiếng cười ấy như hàm ý trách móc; nhưng cũng có thể là một sự cảm thông. Vì người Thái đem về đây cũng để thờ tự; chứ không phải để triệt thoái một Vương triều, mà đã có lần Vua Rama thứ IX của Thái Lan vào đầu thế kỷ thứ 21 đã tuyên bố với những nhà truyền giáo Tây phương rằng: „Quý vị có thể cải đạo hết dân tôi; nhưng có một người mà quý vị không thể cải đạo Phật thành đạo Thiên Chúa Giáo được. Đó là tôi“. Một ông vua Thái Lan như thế; một hình ảnh em bé theo mẹ đi chùa như thế và những tấm lòng tin Phật của những người tại các xứ Phật giáo nầy; khiến cho chúng ta đoan chắc rằng là những nơi đây không bao giờ họ đánh mất niềm tin vào đạo Phật cả. Chứ không phải như ai kia ở Việt Nam tuyên bố rằng: “thà mất nước chứ không mất đạo. Còn ở đây nước họ vẫn theo đạo Phật và ngày ngày đang phát triển.

Chiều ngày 18 tháng 10 năm 2005 trên chánh điện chùa Bàng Long tôi có một thời pháp ngắn trong hơn 1 tiếng đồng hồ với tựa đề là: „củng cố một niềm tin“ với gần 30 kiều bào hiện diện. Họ là những người đã sinh ra và lớn lên ở xứ này gồm nhiều thế hệ khác nhau nhưng vẫn còn nói ngôn ngữ mẹ đẻ là tiếng Việt Nam; khiến tôi rất mừng .

Tối hôm đó Thầy Nguyên Thành, chú Hạnh Bổn, Sư cô Đàm Ngọc và anh Keo người Lào đã ra tận dòng sông Mê Kông để tham dự lễ hội để thả hoa và đèn xuống dòng nước, mà theo tục lệ người Lào đây là một sự Sám hối của chính mình trong suốt cả năm qua đã gây nên biết bao nhiêu tội lỗi trong cuộc đời, nhờ dòng sông chuyên chở và gội sạch những tai ương trong cuộc sống. Thật là một lễ hội mang nhiều ý nghĩa trong cuộc đời với niềm tin yêu vào tôn giáo một cách sâu sắc nhân ngày tự tứ của chư Tăng.

Sáng hôm sau ngày 19 tháng 10 năm 2005 sau thời khóa Công Phu và dùng sáng chúng tôi ra tận bờ sông Mê Kông một lần nữa để xem đua thuyền và chính bản thân tôi đã dùng chính bàn tay của mình khóat nước sông Mê Kông để rửa sạch những bụi trần của nội tâm và hàm ý gởi về Việt Nam theo dòng sông Mê Kông này tâm tình của nguời xa xứ gần 35 năm chưa có một lần trở lại như tâm sự của Hạ Tri Chương đời Đường đã có thơ rằng:

                                   Thiểu thiếu ly gia lão đại hồi

                                   Hương âm vô cải mấm mao thôi

                                   Nhi đồng tương kiến bất tương thức

                                   Tiếu vấn khách tòng hà xứ lai.

Tạm dịch:

                                   Tuổi nhỏ xa quê, già trở lại

                                   Giọng quê không đổi, tóc mai thay

                                   Trẻ con tuy thấy nhưng chẳng biết

                                   Cười hỏi khách rằng, đến nơi nao?

Trên đường trở về chùa với những bước chân chậm rãi, tôi quan sát một người mẹ dẫn con đã tự động ngồi xuống với hai tay chấp lên ngang ngực cuối đầu; như để thi lễ trước những nhà sư đang bước qua. Hình ảnh này và hình ảnh tại phi truờng Thái Lan khi chư Tăng đến hoặc đi đều được những nhân viên lo lắng giấy tờ một cách cung kính tận tình, khiến cho tôi liên tưởng đến những người Việt Nam không hiểu đạo cố chen lấn với chư Tăng để đi trước; hoặc dành phần tốt về cho chính mình; thì quả thật rằng đất nước Việt Nam mình và Phật Giáo Việt Nam của chúng ta phải còn học hỏi ở Lào cũng như ở Thái Lan nhiều lắm; mà vốn dĩ chư Tăng chỉ mang trong người một hạnh nguyện lợi tha với chữ Không to tướng thì có gì đâu để mà lấn lướt với chư Tăng.

 Rời chùa Bàng Long với những tấm lòng chân tình của anh Keo, anh Lộc; của những người Hoa và người Lào, người Việt; với sự cung kính của nhị vị Sư cô đã làm cho phái đoàn có nhiều cảm tình đặc biệt, như đã có lần Thầy Đồng Văn cùng Hạnh Giới và Hạnh Tuệ sau khi đi Lào về có viết một bài đăng trên báo Tâm Giác, với nhan đề là „Ai Lao đi dễ khó về“ cũng đúng như tâm trạng của chúng tôi vào ngày 19 tháng 10 năm 2005 nầy.

Một lễ tự tứ mãn hạ của chư Tăng đã kết hợp với lễ truyền thống của dân tộc như thế; quả là những ngày lễ đầy ý nghĩa vô cùng cho đức tin tôn giáo cũng như văn hóa của dân tộc nầy.

Rời phi trường Vientian với bao hoài niệm và mong rằng sẽ có ngày trở lại chốn này.

Sau khi làm thủ tục xuất cảnh, chúng tôi lên máy bay để trở về Bangkok và chuẩn bị cho một chuyến đi dài hơn thế nữa thì một chuyện lạ lại xảy ra. Đó là việc "tôi làm phi công“ bất đắc dĩ cũng giống như chuyến đi không định truớc đã diễn ra một cách nhịp nhàng trong 3 ngày tại xứ Lào.

Dường như tôi nghe không rõ bằng ngôn ngữ tiếng Anh thật điêu luyện của cô chiêu đãi viên: " xin mời Ngài vào phòng lái. Vì có sự yêu cầu của 2 phi công“.

Tôi hỏi lại cho kỹ một lần nữa: có phải là tôi lên ngồi hàng đầu không?

Cô ta lắc đầu và bảo rằng: ở tận bên kia cánh của của phi công kia.

Tôi mở cửa bước vào và một trong hai phi công hỏi tôi bằng tiếng Lào; tôi chẳng hiểu gì cả và bảo lại rằng: tôi chỉ có thể nói được: tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Nhật, tiếng Hoa và một ít tiếng Nga. Vậy ông có thể tự chọn một ngôn ngữ để nói chuyện.

Hai người cùng nhoẻn miệng cười và nói:

Thôi thì chúng ta hãy đàm thoại bằng tiếng Anh đi.

Đoạn người phi công trưởng hỏi tôi rằng: tôi nghe nói tại phi trường Ngài có nhiều vật kỷ niệm để tặng cho Phật tử phải không?

Tôi tự hỏi rằng: sao mà thông tin ở xứ Lào nhanh đến thế? Rồi trở lại chỗ ngồi của mình để lấy những quà biếu đem trở lại tặng cho hai người. Rồi phi công truởng bảo tôi: Thầy có muốn ngồi xuống để xem không?

Tôi đáp: tôi thấy chỉ tòan là mây không, đâu thấy gì để xem. Tôi muốn trở lại chỗ ngồi của tôi và trước khi máy bay hạ cánh chừng 20 phút tôi sẽ trở lại đây một lần nữa. Chắc quý ông đồng ý?

Sau hai cái gật đầu, tôi trở lại chỗ ngồi của mình với những cái tò mò của người ngoại quốc đi chung chuyến và chính chúng tôi cũng nghĩ rằng: trong đời nầy đó là lần đầu tiên mà tôi vào phòng lái của phi công trong khi máy bay đang bay ở cao độ và chắc rằng  không có  thể xảy ra lần thứ hai trong đời mình nữa.

Nhân viên của phi hành đoàn báo hiệu các hành khách phải cài dây an toàn, thì chính lúc đó cũng là lúc tôi tự động mở cửa phòng lái vào bên trong với hai phi công để xem máy bay hạ cánh như thế nào. Trong khi người phi công trưởng chỉ cho tôi cách hạ ghế xuống và gài dây an toàn để ngồi; thì người phi công phụ đang ghi chép liên tục những độ cao thấp mà đường bay nào để phải hạ cánh.

Tôi quan sát một vòng của phòng lái thấy từ trên đầu đến trước mặt ít nhất cũng có từ 500 đến 1000 tín hiệu khác nhau. Tôi liền hỏi ông trưởng phi công rằng: ông học lái ở đâu và được đào tạo như thế nào?

Ông  ta đáp: 5 năm học ở Nga, 1 năm học tại Trung Quốc và 1 tháng luyện tập tại phi trường Frankfurt.

Ochin Karasho! Đẹp tuyệt vời! Đó là tiếng Nga mà tôi khen ông phi công trưởng. Đoạn tôi tiếp.

Những người phi công phải những người có đầu óc thông minh lắm mới điều khiển được một bộ máy vĩ đại thế này. Vả lại nếu một trong hai người không đồng ý với nhau thì chắc là những hành khách là những nạn nhân phải không ông?

Sau khi ông cười đáp lễ, ông ta điều chỉnh những nút nghe vừa phải. Vì trong phòng lái những tín hiệu từ tổng đài phát ra liên tục bằng cả giọng nam lẫn giọng nữ với ngôn ngữ tiếng Anh thật điêu luyện.

Thế rồi những bánh xe máy bay được thả xuống; tốc độ cũng như độ cao được hạ dần; tôi nhìn thấy đất liền và xa xa phía trước là phi đạo của phi truờng  Bangkok. Nhìn hai cần lái của hai phi công tôi liên tưởng đến cần lái tự động của xe hơi. Cũng bấm tới trả lui; tăng và giảm tốc độ; dường như trên không trung cũng có một con đuờng để đi. Tuy rằng không hiện thực như hành giả tu theo pháp môn Tịnh Độ muốn bay về cõi Tịnh của đức Phật A Di Đà. Tuy không có lối đi để nhìn thấy như là một sự phát họa vô hình trong 48 lời nguyện của đức Từ Phụ A Di Đà, thì đoan chắc rằng ở cõi Tây phương phải là một hiện thực trong vô tướng của nó.

Máy bay đã đáp cánh xuống phi đạo an toàn và ông phi công trưởng còn chỉ cho tôi thấy rằng: một phi đạo mà cả hai đường lên và xuống, quả là rất nguy hiểm.

Tôi bảo rằng: nếu không giỏi tiếng Anh càng nguy hiểm hơn nữa và tôi hỏi tiếp ông:

Lần nào cũng đậu một chỗ giống nhau hay sao?

Ông ta bảo: mỗi lần mỗi khác và tùy theo sự điều khiển của không lưu và ông ta nói tiếp: tại sao Thầy không mang máy chụp hình theo?

Tôi đáp: Vì vội quá.

Ông ta bảo: Thôi lần sau nhé và chắc chắn tôi sẽ để cho Thầy ngồi suốt đoạn đuờng và sẽ cùng nói chuyện với tôi trong khi lái.

Chúng tôi bắt tay nhau và hẹn ngày gặp trở lại.

„Tôi làm phi công“ và chuyến đi không định trước như đề tài của bài nầy đã giới thiệu bên trên; nhằm gởi lời tạ ơn đến những người đã có tâm hướng thượng và giới thiệu một vài nét đơn sơ về truyền thống sau lễ tự tứ mãn hạ của chư Tăng tại Lào. Nếu ai muốn biết rõ ràng hơn thì nên một lần đặt chân đến đây để tỏ rõ ngọn ngạch.

 

Viết xong tại Bangkok vào một chiều thu chung quanh những chùa viện san sát bên nhau (2005).

 

---o0o---

Vi tính: Hạnh Bổn - Thiện Tánh
Trình bày: Phổ Trí

Cập nhật: 01-11-2005

 


Webmaster:quangduc@quangduc.com

Trở về Thư Mục Nếp Sống Đạo

Đầu trang

 

Biên tập nội dung: Tỳ Kheo Thích Nguyên Tạng
Xin gởi bài mới và ý kiến đóng góp cho Trang Nhà qua địa chỉ: quangduc@tpg.com.au
Địa chỉ gởi thư: Tu Viện Quảng Đức, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic. 3060. Tel: 61. 03. 9357 3544