Tiếng Việt

Trang nhà Quảng Đức

Tiếng Anh

qd.Äpg (8936 bytes)

Diễn Đàn Đối Thoại


...... ... .

 

TẢN MẠN VỀ HIỆN TƯỢNG TOÀN CẦU HÓA
ĐỂ GÓP Ý VỀ VẤN ĐỀ ĐÀO TẠO CẤP ĐẠI HỌC TẠI VIỆT NAM

MINH ĐỖ

--o0o--

 

Trong bài viết Hai Mươi Lăm Năm, Một Chặng Đường Đại Học đăng trên báo Sài Gòn Giải Phóng số ra ngày  14-4-2000, tác giả Nguyễn Quang Điễn cho biết hiện nay nước ta có khoảng 190 trường Đại học và Cao đẳng, và trên 200 Viện Nghiên cứu. Dù đây chưa phải là một tỉ lệ lớn trên tổng số sinh viên toàn quốc, nhưng con số đó cũng là một điều đáng phấn khởi trong lãnh vực đào tạo và giáo dục. Tuy nhiên, điều tôi quan tâm hơn cả là tình trạng các ngành nghề được dạy/học tại các cơ sở giáo dục nầy khá hạn chế, và tác đôông tiêu cực của tình trạng hạn chế đó trên xã hội nước ta ở tầng vĩ mô trong một tương lai không xa.

Thật sự ngạc nhiên vì sự hạn chế rất đáng quan ngại đó trong khung cảnh toàn cầu hóa hiện nay nên tôi xin được giới thiệu và góp ý về sự cần thiết và tầm quan trọng của một vài ngành nghề đặc biệt ở cấp Đại học và Cao đẳng, và đang được dạy/học tại tiểu bang California. Những ngành nghề nầy đa số đã không được đưa vào học trình cấp đại học nước ta, hoặc nếu có thì cũng không được giới lãnh đạo giáo dục nước ta quan tâm đúng mức. Và tôi chọn California làm mẫu hình quy chiếu vì bang nầy là cường quốc kinh tế thứ bảy trên thế giới (tính theo Tổng sản lượng Quốc gia) và có một hệ thống giáo dục tiến bộ nhất nước Mỹ về nội dung học trình (Curriculum) và về số lượng luận án tiến sĩ các ngành đặc biệt được bảo vệ hàng năm. 

Ngoài ra, những suy nghiệm trong bài viết nầy còn xuất phát từ cảm nhận bi quan về một mối nguy cơ đang đe dọa nước ta, đó là một phần của tuổi trẽ Việt Nam có vẽ như đang trở thành nạn nhân bị động của hiện tượng gọi là “toàn cầu hóa”, một xu thế quốc tế đang, lúc thì công khai lúc thì tiềm ẩn, tìm cách khuynh loát và làm ô nhiễm quốc sách Công nghiệp hóa và Hiện đại hóa mà nước ta đang tiến hành. Cảm nhận đó, dĩ nhiên, tuy không có cơ sở khoa học nhưng lại đến từ những quan sát khách quan và cọ xát thực tế khi, từ bên nầy bờ Thái Bình dương, trông về quê mẹ mà ruột đau chín chìu về sự hao mòn của tình tự quê hương và đạo lý dân tộc trong phong cách và xử thế của một số lượng càng ngày càng nhiều của tuổi trẽ Việt Nam tại các đô thị. 

 

Đã có rất nhiều nghiên cứu sâu sắc và quy mô về ý đồ và tác hại của giòng chảy kinh tế Bắc-Nam (trong những thập niên 50’ đến 80’) và cơn lốc Toàn Cầu hóa (kể từ khi Tổng thống Mỹ George Bush dùng cụm từ “Trật tự mới” trong diễn văn nhậm chức). Hầu hết những nghiên cứu lương thiện và nghiêm túc nầy đều cùng đồng ý với nhau về ba kết luận:  

 

1-     Toàn cầu hóa là một chiến lược đa diện do Mỹ chủ trương, lãnh đạo và khống chế.

 

2- Toàn cầu hóa tuy chủ yếu lấy kinh tế làm cơ sở vận động nhưng cứu cánh là lãnh vực văn hóa, nhằm xiễn dương và áp đặt một lối sống lấy các giá trị văn minh Mỹ làm chuẩn.

 

3- Toàn cầu hóa là một hình thái xâm lăng mới của hậu duệ nền văn minh Hy Lạp-La Mã, mà chiến lược hữu hiệu nhất để chống trả và chiến thắng là vận dụng và phát huy nội lực văn hóa đặc thù của từng dân tộc, thể hiện  qua nội dung giáo dục của từng quốc gia.

 

Thật vậy, cho đến nay và tại các nước nghèo đang phát triển, ngoài những giao lưu kinh tế mà kết quả là để xây dựng cơ sở vật chất hào nhoáng cho quốc gia và bảo đảm các nhu yếu phẩm tối thiểu cho người dân, ở tâòng vĩ mô, chúng ta thấy gi` ?

 

A-    Toàn cầu hóa đang biến các nước nghèo đang phát triển trở thành một ngôi chợ (thị trường) bát nháo mà đầu nậu là các nước giàu đến mua nhân công rẽ, khai thác tài nguyên thô, và bán sản phẩm, do đó bán luôn một nếp sống mới. Cụm từ nổi tiếng “văn hóa CocaCola” mô tả đầy đủ quan hệ vận động chặt chẻ giữa sản phẩm vật chất tiêu dùng và tác động tâm lý của nó trên người tiêu thụ trong chiến lược toàn cầu hóa của Mỹ. Quen nghe nhạc của Madonna thì khó mà tìm được giá trị nghệ thuật của điệu lý Chim Quyên, cứ nấu ăn bằng nồi cơm điện mãi thì khó mà chia sẻ được giá trị lao động ẩn tàng trong từng hạt lúa, phải phục vụ hoài cho du khách nước ngoài thì  khó mà truy tâòm được lý do sâu đậm nhất vì sao ta phải kiêu hãnh là người Việt Nam… Trọng ngoại, rồi vọng ngoại, trở thành một xu thế thời thượng trên chính quê hương anh hùng của mình !

 

B-    Toàn cầu hóa đang biến các nước nghèo đang phát triển trở thành một thùng rác khổng lồ để các nước giàu tuôn vào đó các loại sản phẩm độc hại trong xứ họ (như thuốc lá, bia rượu, hóa chất trong thực phẩm, keo xịt tóc, thuốc gội đầu), vất vào đó các công nghệ mà nước họ đã phế thải hoặc không dám dùng (như lọc dầu, luyện kim, mạ kim loại, biến chế khí đốt, khai thác cây rừng), ném vào đó các tệ đoan xã hội đang làm điêu đứng nước họ (như bệnh Aids, kinh doanh thú vật hiếm,  tự do tình dục, khai thác lao động vị thành niên)… Sinh lực dân tộc bị tổn thương nhưng không phương cách chữa trị vì áp lực nặng nề của miếng cơm manh áo, các nước nghèo như kẻ sống sót giữa đại dương mênh mông, chỉ biết tiếp tục uống nước biển để khỏi chết khát !  

 

C-    Toàn cầu hóa đang đe dọa độc lập kinh tế (do đó chủ quyền chính trị) của các nước nghèo đang phát triển. Khi nền kinh tế quốc gia phụ thuộc quá nhiều vào quan hệ ngoại thương và xem đó là động lực chính để phát triển, thì mỗi quyết định chiến lược của các tập đoàn tài phiệt nước ngoài chính là một thanh gươm Damocles đang lủng lẳng treo trên đầu. Khủng hoảng tài chính vùng Đông và Đông Nam Á không làm suy suyển được sức mạnh kinh tế của Mỹ (ngược lại, còn làm cho nó mạnh thêm), nhưng một cơn sồi sụt của thị trường chứng khoán New York, hay một cuộc đình công dài ngày của US Steel, có thể làm kiệt lực chính sách phát triển Công nghiệp nặng của một quốc gia, kéo theo những xáo trộn xã hội và chính trị không lường được !            

 

Lẽ dĩ nhiên, nước ta chưa nhận chịu những tác hại đó một cách trầm trọng, nhưng có vẽ như chúng ta cũng chưa đủ cảnh giác để ý thức được hết mặt trái của hiện tượng Toàn cầu hóa, hầu thiết kế ra được chiến lược đúng đắn để đối phó hữu hiệu. Cứ nghe tiếng than não nuột của những nhà làm chính sách nước ta khi thấy con số FDI (Đầu tư trực tiếp từ nước ngoài) tuột giốc, cứ nhìn hàng hàng lớp lớp sinh viên tấp nập ghi danh vào các kỳ thi tuyển sinh và chiêu sinh cho các bộ môn phục vụ ngành ngoại thương, cứ ngắm những cao ốc tráng lệ được xây cất để cung ứng cho các văn phòng đại diện thương mải nước ngoài…, và mặt khác, cứ thử đọc cuộc tranh luận sôi nổi về giá trị văn hóa của các chiếc cầu khỉ trên sông lạch miền Nam, … thì sẽ thấy sự hồ hởi vô trách nhiệm và thiếu sáng suốt của khuynh hướng xem sự kiện kinh tế Việt Nam được toàn cầu hóa là một giải pháp tích cực nhất để biến ước mơ “dân giàu nước mạnh” thành hiện thực. Có điều không biết đã có ai làm rõ nghĩa được thế nào là “giàu” thực, thế nào là “mạnh” thực của một quốc gia, của một dân tộc chưa nhỉ ! 

Cũng lẽ dĩ nhiên là nước ta có điều kiện lịch sử khác với các nước khác trên thế giới, khi mà nhu cầu phát triển kinh tế, sau hơn nửa thế kỷ hy sinh tất cả để chống ngoại xâm dành độc lập, là ưu tiên hàng đầu của mọi ưu tiên. Và Toàn cầu hóa đang là luật chơi bất khả kháng trên bàn cờ thế giới. Nhưng sau 15 năm đổi mới để mở cửa và làm bạn với mọi người, ngoài những con số thống kê kinh tế và xã hội, không biết có ai đã toàn diện tính sổ lại xem ta “được” gì và “mất” gì, “được” nhiều hay “mất” nhiều ? Chúng ta không theo một chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, nhưng chúng ta cũng cần phải biết đâu là bản sắc gốc rễ bất biến (làm cho ta khác với gần 200 quốc gia khác trên thế giới) và đâu là ngọn ngành có thể tỏa ra đón nhận và giao lưu với bất kỳ trào lưu nào của thời đại.     

Chính sách giáo dục và đào tạo của nước ta chính là vũ khí đa năng và hữu hiệu nhất để vừa thủ vừa công, thì vẫn đang dò dẫm tìm một đường hướng chủ đạo đúng đắn, vẫn được tài trợ bởi một tỉ lệ ngân sách quốc gia thấp nhất trong vùng Đông Nam Á, và vẫn cứ mỗi độ cuối Hè, lại vọng lên tiếng kêu gào cải tổ của sinh viên, giáo chức và phụ huynh. 
       
Cho nên, từ ba kết luận và ba hệ quả nói trên, và nhìn vào chính sách giáo dục và đào tạo nước ta (đặc biệt trong lãnh vực ngành nghề được giãng dạy ở cấp đại học), tôi không thể không lấy làm lo âu. Vì vậy, tôi xin đề nghị hai quan điểm chỉ hướng có tính triết học, làm cơ sở cho cứu cánh giáo dục nước ta. Hai quan điểm đó chẳng xa lạ gì với dân ta, nhưng lại đang được giới trí thức và đại học của các nước nạn nhân của hiện tượng Toàn cầu hóa trên thế giới hân hoan khám phá để ứng dụng:


Thứ nhất là thuyết Trùng trùng Duyên khởi trong Lý Duyên sinh của nhà Chùa, được quấn bện chặt chẻ trong tương quan  “cái nầy có là vì cái kia có”. Thuộc tính quan trọng của quan niệm nầy là “cùng nhau và bằng nhau”, hoàn toàn ngược lại chủ trương đấu tranh một mất một còn để sinh tồn của triết lý Tây phương (mà cạnh tranh sát phạt nhau trong thị trường kinh tế để làm giàu là một ví dụ điển hình). Xã hội chỉ có thể tồn tại và phát triển nếu mọi thành viên của xã hội đó cùng nhau tồn tại và phát triển bằng nhau. Chỉ một số lãnh vực, một số thành phần, một số ngành nghề được ưu tiên “tiến lên” thì xã hội đó chưa thể gọi là tiến được. Từ đó, nếu chính sách đào tạo và nhân dụng chỉ nhằm ưu tiên phục vụ cho một số ngành nghề, cho một số lãnh vực và cho một số thành phần sinh viên thì chính sách đó sẽ mất quân bằng (cho toàn thể xã hội) và khó tồn tại (vì những “cái kia” không được “co’” một cách tương xứng). 


Thứ nhì, cũng của nhà Chùa, là Từ bi trong nghĩa rộng lớn và tích cực nhất của nó là Cho vui và Cứu khổ trong mối tương quan đa chiều. Triết lý nhà Phật không lấy con người làm trung tâm để thiên nhiên và các sinh vật khác phải phục vụ. Mọi vật (con người, sông núi, muông thú, …) đều bình đẵng và dung thông với nhau mà tồn tại, cùng cho nhau niềm vui, cùng cứu nhau khỏi khổ. Bảo vệ và trân trọng toàn hệ sinh thái không phải vì chúng quan hệ mật thiết đến sinh diệt của chúng ta mà chính vì chúng cũng có đời sống như chúng ta, hữu sinh hữu diệt (sông cạn núi mòn), hữu giác hữu tình (ngày mai em đi, biễn nhớ tên em gọi về, đồi núi nghiêng nghiêng đợi chờ, sỏi đá trông em từng giờ…). Xã hội chỉ có thể tồn tại và phát triển khi hệ sinh thái mà nó đang chung sống cho nó niềm vui và cứu nó khỏi khổ. Nghĩa là các thành viên của xã hội đó phải biết và hiểu cặn kẽ hệ sinh thái, làm gì thì nó vui, làm gì thì nó khổ. “Hiểu và biết cặn kẽ” bằng một triết lý giáo dục lấy từ bi làm động lực, thông qua một chính sách giáo dục mà thiên nhiên cũng là đối tượng nghiên cứu và trân trọng không kém phần quan trọng như nghiên cứu và trân trọng con người hay các ngành nghề khác nhằm phục vụ con người và xã hội.

Cần phải nói rõ rằng tôi cảm thông và chia sẽ nhu cầu  và áp lực kinh tế trong xã hội nước ta. Nhưng tôi cũng bị cọ xát và được chứng nghiệm cái giá to lớn nước Mỹ đang phải trảử vì sai lầm trong chính sách đào tạo và giáo dục nhân danh nhu cầu phát triễn kinh tế từ mấy thập niên trước. Tại nước ta hiện nay, Tin học, Ngoại ngữ, và Kinh tế tài chính đang là những nhu cầu lớn nhất trong thị trường nhân dụng, do đó đang là ba ngành học bảo đảm chắc chắn nhất miếng cơm manh áo cho một sinh viên mới ra trường. Từ đó, chúng trở thành trọng điểm đào tạo trong chiến lược giáo dục để đáp ứng các chính sách phát triển quốc gia. 

Nhưng có thật Tin học, Ngoại ngữ và Kinh tế Tài chính, ngay cả trong giai đoạn này, có tầm quan trọng áp đảo hết các ngành nghề khác trong sinh hoạt quốc gia và đời sống dân tộc không ? Có thật đó là những công cụ hữu hiệu nhất để bảo vệ độc lập kinh tế và căn cước văn hóa cho Tổ quốc trước cơn lốc Toàn cầu hóa quyến rũ không ? Chúng là phên dậu quốc gia hay con ngựa gổ thành Troie của đạo binh ngoại nhập ? Còn những ngành nghề khác thì sao ? Chúng ta thử lấy một số đặc tính trong triết lý và hệ thống giáo dục của bang California như một trường hợp mẩu để suy nghiệm.

Ngoài các yếu tố cổ điển không thể không có đã đóng góp cho sự thịnh vượng của bang, California còn có một đặc điểm mà các bang khác không có là vai trò rường cột của giáo dục trong đời sống kinh tế và xã hội của bang. Cụ thể, chiến lược giáo dục và đào tạo của bang được đặt cơ sở trên bốn nguyên tắc chỉ hướng rất đơn giản mà lại rất hữu hiệu: Khai phóng, Thực dụng, Đại chúng, và Đồng bộ. Hầu như đại học của bất kỳ nước nào cũng chung chung có ba nguyên tắc đầu, nhưng chính nguyên tắc thứ tư (Đồng bộ) đã làm cho đại học California khác với các hệ thống đại học khác. “Đồng bộ” để không một hình thái sinh hoạt nào của xã hội bị bỏ quên, “đồng bộ” để không một đối tượng nào của cấu trúc con người/thiên nhiên là không được nghiên cứu, “đồng bộ” để không ngành nghề nào là không được trọng đãi trong thị trường nhân dụng, “đồng bộ” để mọi thành tố cấu tạo nên cộng đồng xã hội tương tác một cách quân bằng, và “đồng bộ” để tránh nguy cơ một bộ phận trong cấu trúc con người/thiên nhiên bóc lột, áp đảo môôt/những bộ phận khác.

Chính vì thế mà trong kiến trúc ba tầng của hệ thống đại học California (Đại học cộng đồng thành phố City college, Đại học trung tầng cấp tiểu bang California State University CSU, và Đại học cao tầng cấp tiểu bang University of California UC), dù ở tầng nào thì nội dung học trình cũng có những ngành học ít giá trị “nồi cơm manh áo” (theo quan điểm của một số sinh viên nước ta) nhưng lại được đông đảo sinh viên và xã hội California trân trọng.

Thử lấy đại học UC Berkeley làm dẫn chứng. Trong năm 1999, trên tổng số toàn thể sinh viên đăng ký theo học thì đông nhất (42%) chọn các ngành Nhân văn Xã hội, 32%  chọn Khoa học tự nhiên và Môi trường Sinh thái, chỉ 20% chọn Điện toán và Tin học, và ít nhất (6%) là các ngành Kinh tế Tài chánh. Sự phân bố nầy đã làm cho UC Berkeley trở thành một định chế giáo dục xuất sắc và cấp tiến, đào tạo không biết bao nhiêu nhân tài trong nhiều lãnh vực khác nhau để đóng góp cho sự tiến bộ của nước Mỹ nói riêng và nhân loại nói chung. Do đó mà ta không ngạc nhiên khi ban giảng huấn của UC Berkeley thu hút được nhiều giáo sư được giải Nobel nhất, và trong chiến tranh Việt Nam, sinh viên Berkeley đã phất ngọn cờ tiền phong chống sự hủy diệt của chiến tranh tại Việt Nam cho phong trào sinh viên toàn thế giới.

Berkeley không phải là một biệt lệ, các trường đại học khác tại California cũng có đầy ắp các môn học mà chắc cả giáo sư lẫn sinh viên nước ta “chê” là phi kinh tế, không thời thượng. Thử nhìn học trình của một số đại học ở cả ba tầng, từ Bắc đến Nam California:


? Speech pathology & audiology, Anthropology, Counseling (CSU Sacramento)

 
? Demography, Urban Design, Religious studies, Econometrics, Linguistics (UC Berkeley)


?  Environmental Toxicology, Avian science, Hydrology (UC Davis) 


? Kinesiology, Criminology, Psychology, Sociology, Evolution, Ecology (CSU Fresno)


? Health education, Sign language studies, Composition and language (Consumnes River College)

 

? Atmospheric studies, Folklore and Mythology, Marine Science (UC Los Angeles)

 

? Entomology, Plant pathology, Ethnic studies, Nematology (UC Riverside)

 

? Geology, Humanities, Food service management (Santa Ana College)

 

? Library science, Creative writing, Human development (Irvine Valley College)

 

? Gerontology, Nutrition, Women studies, American Indian studies, Child & Family development (CSU San Diego)

Một hiện tượng cần được ghi nhận ở đây là chính quyền tiểu bang, cộng đồng xã hội, và giới giáo dục của bang California không phải không đánh giá cao những ngành học “hái ra tiền” nhiều và nhanh như  Tin học, Kỹ thuật, Tài chánh … nhưng, và đây là điều quan trọng, song song với các ngành học đó, họ còn khuyến khích, động viên, và tạo môi trường kinh tế xã hội thuận lợi cho đông đảo sinh viên theo học các ngành có vẽ như “lạ lùng” đã liệt kê ở trên.

Tính “đồng bộ” đó thật ra thoát thai từ nỗi sợ hãi của một người phù thủy bắt đầu thấy âm binh đang trở lại khống chế và bịt lối tương lai. Thật vâôy, trong vòng lưới thiên la địa võng hiện nay của hiện tượng “toàn cầu hóa”, bất kỳ một con trùng vi tính (như con virus ILOVEYOU) cũng có thể tự do ẩn náu trên siêu xa lộ tin học của bàn cờ “toàn câòu hóa” để làm tê liệt hàng ngàn hệ thống vi tính, gây trì trệ và khủng hoảng khắp thế giới. Cũng trong thế giới đó,  tiếng Anh đang trở thành ngôn ngữ bắt buộc để thông tin và giao thương với nhau, nhưng vì thế mà đang dâòn dần trở thành ngôn ngữ duy nhất của tuổi trẽ, ngôn ngữ duy nhất của tương lai…Và làm khô kiệt những ngôn ngữ khác, vốn là một trong những công cụ hữu hiệu nhất để duy trì và phát triển các nền văn hóa khác, các cách sống khác !

Khi lấy hai dẫn chứng nhỏ đó trong lãnh vực Tin học và Anh ngữ để làm minh họa cho nguy cơ toàn cầu hóa, và đặt nó trong khung sườn giáo dục của tiểu bang California, tôi chỉ muốn nói lên một điều: Đã có những nhà nhân bản, những nhà giáo dục, những người làm chính sách tại Mỹ thấy rằng phát triển kinh tế không phải là tất cả, và để cho quả địa cầu nầy được sạch và đẹp, để cho con người sống hài hòa với nhau thì không phải là cứ “toàn cầu hóa” theo kiểu Mỹ một cách đơn điệu như một trại lính, mà phải có cái riêng trong cái chung, nghĩa là Hòa nhưng không Đồng, Hội nhập nhưng không Hòa tan.

Mà để thực hiện được điều đó thì phải hiểu nhau, phải biết nhau (To love is to Know, to Love is to Understand). Và những môn học “hái không ra tiền” mà bang California đang trân trọng và tìm cách xiễn dương như đã nói ở trên chính là nằm trong chiến lược giáo dục “Know and Understand” của họ. Biết và Hiểu con người, thiên nhiên, và cuộc sống đa dạng.

Đó là về phía phù thủy. Còn về phía “âm binh” thì không phải âm binh nào cũng dại. Vương quốc Bhutan là trường hợp của một dân tộc thông minh, và những nhà lảnh đạo Bhutan là những người có tầm nhìn vượt thời đại. Nằm thu mình ở phía Đông của rặng núi Hi Mã Lạp Sơn, giữa Tây Tạng và An Độ, vương quốc nầy có diện tích bằng một phần bảy của Việt Nam và được cai trị bởi một vị vua công bằng, sáng suốt và yêu nước. Bhutan là nước duy nhất trên thế giới theo chế độ Dân chủ Thần quyền (Democratic Theology). Nhà Vua hội ý với dân để làm chính sách và nhờ vậy cùng thấy được nguy cơ của hiện tượng “toàn cầu hóa”. Từ đó, nhà Vua đã đưa ra những quốc sách tuy khắt khe nhưng lại được lòng dân để bảo vệ sinh thái, bảo toàn xã hội và xiễn dương văn hóa nước nhà. Nhờ vậy, Bhutan vẫn phát triển được kinh tế mà người vẫn “sạch”, nước không “dơ”. 

Thử lấy chính sách du lịch của vương quốc nầy làm điển hình khảo sát vì du khách (của thế kỹ thứ 21) là “con vật” nói tiếng Anh nhiều nhất, tiêu đô-la nhiều nhất, xả rác nhiều nhất, và dể khích động tinh thần vọng ngoại nhất cho dân bản xứ. Ý thức được điều đó, cho nên tuy Quỷ dự trữ ngoại tệ của quốc gia không nhiều và thu nhập đầu người không cao, nhưng chính phủ Bhutan vẫn giới hạn lượng du khách tối đa 5,000 người mỗi năm (so với 170,000 du khách đến Việt Nam chỉ trong bốn tháng đầu tiên của năm nay). Năm ngàn người nầy phải được mời mới đến, và phải đăng ký theo những tours du lịch văn hóa quy định. Họ cũng sẽ bị phạt và trục xuất tức khắc nếu tàn phá cây cỏ, rượu chè cờ bạc, và làm gương xấu cho dân Bhutan.

Một biện pháp khác của vua Bhutan cũng cần nhắc thêm ở đây là giới hạn có đãi lọc những băng tần truyền sóng của nước ngoài tìm cách xâm nhập vào Bhutan, không cho phép hình thái diễn đạt nghệ thuật lố lăng của Tây phương tràn vào. Mặt khác, nhà Vua ban hành các sắc lệnh và tháo khoán ngân sách rất lớn để phát triển nền Quốc học, phát huy các giá trị dân tộc, giáo dục và động viên nhân dân giử gìn và tham gia các lễ hội cổ truyền (kể cả việc mặc quốc phục truyền thống). 

Lẽ dĩ nhiên giới trí thức khoa bảng, nhân viên nội các và thành phần kinh doanh, vìđã có dịp tiếp cận với nước ngoài nên biết rõ
những tai họa của “toàn cầu hóa”, đều ủng hộ và giúp nhà Vua thiết kế nhiều chính sách thật hữu hiệu trong việc bảo vệ bản sắc dân tộc và thiên nhiên cẩm tú của vương quốc Bhutan.

Nhờ Vua và dân cùng một lòng, nhờ đạo Phật là chủ đạo của đời sống tâm linh dân tộc, và nhờ những chính sách sáng suốt được lòng dân, mà dân tộc Bhutan “giàu” đạo lý và “mạnh” nhân nghĩa trong một thế giới đang tìm đủ mọi cách để giàu tiền bạc và mạnh súng đạn. Tệ đoan xã hội hầu như không có, kho tàng sinh thái vẫn nguyên vẹn với rất nhiều dược thảo (như 50 giống rhododendron hiếm quý), và gần 700 loại chim muông màu sắc lạ lùng. Vua Bhutan đã dõng dạc trã lời “không” trước nỗ lực “toàn cầu hóa” của thế giới Tây phương bằng lời tuyên bố nổi tiếng: “Bhutan không có cái gì gọi là Tổng Sản lượng Quốc gia (GNP) cả, chúng tôi chỉ có cái gọi là Tổng Hạnh phúc Quốc gia (GNH) mà thôi”  

Ở một mặt nào đó, tôi cảm phục vua Bhutan như đã cảm phục vua Đinh Tiên Hoàng. Ngày xưa, trên ngọn Kiếm Lĩnh bên tả ngạn sông Hoàng Long ở đất Hoa Lư, vua Đinh đã phất cờ lau nổi lên đánh quân ngoại xâm dành độc lập cho nước ta… thì ngày nay, dưới rặng Hy Mã Lạp sơn, với một đất nước bé nhỏ và một dân tộc hiền hòa, vua Bhutan cũng phất ngọn cờ trí tuệ chống trả giòng thác “toàn cầu hóa” để mang lại an lạc cho dân tộc và phẩm giá cho thiên nhiên của quốc gia nầy.

Cách đây chưa lâu lắm, dân tộc ta đã vận dụng nội lực đặc thù của nền văn minh 4000 năm của cha ông mà đánh tan hai đợt xâm lăng và đô hộ, vì họ cho chúng ta là mọi rợ nên muốn áp đặt “ánh sáng khai hóa” Tây phương Ky Tô giáo lên quê hương chúng ta. Kinh qua bai học lịch sử đó, chúng ta nghiệm được gì về mối nguy cơ “toàn cầu hóa” tinh vi trong buổi bình minh của thế kỹ thứ hai mươi mốt này ?

MINH ĐỖ
California, 6/2000
            
               


Cập nhật ngày : 01-01-2002


Webmaster:quangduc@quangduc.com

Trở về Trang Diễn Đàn

Đầu trang

 

Biên tập nội dung: Tỳ kheo Thích Nguyên Tạng
Xin gởi bài mới và ý kiến đóng góp đến ban biên tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com